Tải bản đầy đủ (.docx) (15 trang)

SỬ DỤNG 1 SỐ NGUYÊN LÝ PHÂN TÍCH SỰ KHÁNG THUỐC TRỪ SÂU HÓA HỌC CỦA CÔN TRÙNG CÓ HẠI

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (157.45 KB, 15 trang )

SỬ DỤNG 1 SỐ NGUYÊN LÝ PHÂN TÍCH
SỰ KHÁNG THUỐC TRỪ SÂU HÓA HỌC CỦA CÔN TRÙNG CÓ HẠI.

I.

MỞ ĐẦU

Ngày nay với việc tăng dân số thì một trong những cách để đáp ứng vấn đề lương
thực là thâm canh tăng vụ. Khi thâm canh tăng vụ hậu quả tất yếu là quá trình mất cân
bằng sinh thái xảy ra, sự gia tăng mức độ tàn phá của sâu, bệnh hại kéo theo việc gia tăng
chí phí đầu tư cho các biện pháp phòng trừ.
Tuy nhiên các hóa chất bảo vệ thực vật được sử dụng nhiều làm các vi sinh vật có ích
trong đất bị tiêu diệt, cấu trúc đất bị phá vở, đất bị xói mòn, thoái hóa và suy kiệt, môi
trường sống bị ô nhiễm, sức khỏe con người bị tác động bởi các hóa chất độc hại. Hệ sinh
thái nông nghiệp truyền thống đa dạng và bền vững được thay thế dần thành hệ sinh thái
mới khiếm khuyết, không bền vững, dễ phát sinh sâu bệnh.
Hiện tượng côn trùng kháng thuốc được phát hiện từ rất lâu rồi, kể từ đó cho tới nay
số loài sâu hại kháng thuốc càng tăng vì thế, việc pḥòng trừ chúng bằng phương pháp sử
dụng thuốc hóa học là hết sức khó khăn.
Về phương diện sinh học, tính kháng thuốc trừ sâu là một hiện tượng tiến hóa sinh
học ở mức độ quần thể có liên quan mật thiết tới các gen trong cơ thể có tính chống hoạt
tính thuốc, khi sinh vật tiếp xúc liên tục và lâu dài với thuốc BVTV sẽ xảy ra quá trình
chọn lọc. Các cá thể mang gen kháng thuốc sẽ có khả năng tồn tại và gia tăng sức đề
kháng qua các thế hệ dưới áp lực chọn lọc của thuốc trừ sâu. Trước khi tiếp xúc trực tiếp
thuốc trừ sâu tần số alen kháng thuốc thường là thấp, sau nhiều thế hệ tiếp xúc với thuốc
làm cho tần số alen kháng thuốc tăng lên rõ rệt qua các thế hệ. Tính kháng thuốc của dịch
hại lúc đầu tăng chậm, sau đó nhanh dần lên theo nhịp độ sử dụng thuốc và cuối cùng tạo
ra quần thể kháng mạnh.
Sử dụng thuốc hóa học là phương pháp cơ bản và có hiệu lực cao trong việc phòng
trừ dịch hại nói chung sâu hại nói riêng, Tuy nhiên, tình trạng lạm dụng quá mức các loại
thuốc hóa học ngày càng tăng cũng và cũng như sự xuất hiện tràn lan của các loại thuốc




giả, kém chất lượng đă làm tăng tính kháng thuốc ở côn trùng sâu hại gây ra nhiều hậu
quả nghiêm trọng như: làm giảm năng suất và chất lượng của nông sản ảnh hưởng đến an
toàn vệ sinh thực phẩm, tác động xấu đến sức khỏe cộng đồng, ô nhiễm môi trường, mất
cân bằng sinh thái.


II.

NỘI DUNG.

1. Nguyên tắc và phương hướng phòng trừ côn trùng hại
1.1. Phương hướng phòng trừ côn trùng hại
- Tiêu diệt sâu có hại nhưng không làm phá vỡ cân bằng tự nhiên.
- Nắm rõ điều kiện ngoại cảnh dẩn đến sự phát sinh và phát triển của sâu hại, làm
thay đổi môi trường sống của chúng nhằm tạo điều kiện bất lợi làm cho chúng không thể
phát triển được (mỗi loại sâu hại phát sinh và phát triển trong một số điều kiện ngoại cảnh
nhất định).
- Phòng ngừa sự phát sinh và phát triển của sâu hại làm giảm nhẹ khả năng phá hại
của sâu.
- Tiêu diệt sâu hại bằng nhiều biện pháp nhằm hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc hóa
học vì việc sử dụng thuốc hóa học không đúng sẽ phá vở thế cân bằng tự nhiên dễ đưa
đến phát sinh thành dịch, côn trùng kháng thuốc, ảnh hưởng đến sinh trưởng cây trồng,
làm giảm phẩm chất và giá trị nông sản, gây ô nhiễm môi trường (dùng thuốc hóa học là
phương hướng hàng đầu ở những nước có nền nông nghiệp còn lạc hậu, kém phát triển).
1.2. Nguyên tắc phòng trừ côn trùng hại:
- Phòng trừ sâu hại phải đạt hiệu quả kinh tế rõ rệt.
- Việc phòng trừ sâu hại lấy phòng ngừa là chính. Trong thực tế sản xuất, triệu chứng
sâu gây hại rất dễ phát hiện. Tuy nhiên cũng có một số loại dịch hại rất khó phát hiện

sớm, khi thấy được triệu chứng thì cây trồng đã bị thiệt hại tương đối nhiều. Những loại
dịch hại càng nhỏ thì càng khó phát hiện khi chúng vừa mới xuất hiện gây hại trên. Ngoài
ra còn một số côn trùng hại rễ cây người ta dễ lầm lẫn với những triệu chứng do phi sinh
vật gây ra như do khô hạn, nhiệt độ cao hơn hoặc nhiệt độ thấp hơn ngưỡng nhiệt độ sinh
trưởng của cây, đất phèn, mặn, do thiếu phân, …. Do đó cần nắm rõ triệu chứng để có giải
pháp kịp thời làm giảm nhẹ thiệt hại. Nếu để sâu hại có thời gian sinh sôi và phát triển rồi
mới trừ thì năng suất cây trồng bị ảnh hưởng, chi phí trừ sâu hại rất lớn, ít đem lại hiệu
quả kinh tế.


- Phòng trừ sâu theo hướng phòng trừ tổng hợp để vừa bảo vệ được cây trồng vừa giữ
được sự cân bằng sinh học trong tự nhiên, hạn chế tối đa sự nhiễm bẩn môi trường sống,
an toàn cho người sử dụng.
2. Các đặc điểm của thuốc trừ sâu.
2.1. Định nghĩa.
Thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) hay nông dược là những chất độc có nguồn
gốc từ tự nhiên hay hóa chất tổng hợp được dùng để bảo vệ cây trồng và nông sản,
chống lại sự phá hoại của những sinh vật gây hại đến tài nguyên thực vật. Những
sinh vật gây hại chính gồm sâu hại, bệnh hại, cỏ dại, chuột và các tác nhân khác.
Thuốc trừ sâu: là một loại chất được sử dụng để chống côn trùng. Chúng bao
gồm các thuốc diệt trứng và thuốc diệt ấu trùng để diệt trứng và ấu trùng của côn
trùng.
Đa số các loại thuốc trừ sâu dùng trong sản xuất nông nghiệp đều là những chất hữu
cơ tổng hợp. Thuốc trừ sâu thường tác động đến sâu hại ở giai đoạn sâu non. Tính độc của
thuốc trừ sâu đối với người và động vật có ích thay đổi nhiều tùy theo nhóm thuốc, loại
thuốc và thành phần.
2.2. Phân loại.
2.2.1. Phân loại thuốc trừ sâu theo bản chất hoá học
Phần lớn thuốc trừ sâu có thể phân loại theo ba nhóm: thuốc trừ sâu vô cơ, thuốc trừ
sâu hữu cơ, thuốc trừ sâu sinh học.

- Thuốc trừ sâu vô cơ được tạo thành từ các nguyên tố tự nhiên không chứa carbon.
Các chất này bền, không bốc hơi, thường là tan trong nước. Hiện nay loại này ít được sử
dụng do tính độc và độ tồn dư cao.
- Thuốc trừ sâu hữu cơ được tổng hợp hoặc được chiết xuất từ tự nhiên, có chứa
carbon, hydrogen, và một hoặc nhiều nguyên tố khác như chlorine, oxygen, sulphur,
phosphorus và nitrogen.


- Thuốc trừ sâu sinh học bao gồm các loại chế phẩm có nguồn gốc sinh học. Thành
phần giết sâu có trong thuốc sinh học có thể là các vi sinh vật (nấm, vi khuẩn, virus) và
các chất do vi sinh vật tiết ra (thường là các chất kháng sinh), các chất có trong cây cỏ (là
chất độc hoặc dầu thực vật).
2.2.2. Phân loại thuốc trừ sâu theo cơ chế tác động
Khi thuốc tiếp xúc với cơ thể côn trùng thì nó sẽ tác động lên một hay nhiều quá trình
sống của côn trùng làm côn trùng ốm, mắc bệnh, rối loạn hành vi sinh trưởng, chuyển
hoá, khả năng sinh đẻ, và có thể dẫn đến chết. Dưới đây là phân loại thuốc theo cơ chế tác
động:
- Tác động vị độc: thuốc đi vào cơ thể qua đường miệng, hấp thụ qua hệ thống tiêu
hoá
- Tác động tiếp xúc: thuốc đi vào cơ thể bằng cách tiếp xúc qua chân hoặc ngấm vào
cơ thể.
- Tác động xông hơi: thuốc đi vào cơ thể thông qua hệ thống hô hấp
- Tác động nội hấp: thuốc có độ tan trong nước cao để có thể đi vào cây trồng qua
đường rễ, thân, lá và di chuyển trong cây, đi vào cơ thể côn trùng chích hút cây thông qua
đường miệng.
- Tác động ngạt: thuốc làm bí cơ chế thở của sâu.
2.3. Ưu điểm và nhược điểm của việc sử dụng thuốc trừ sâu hóa học.
2.3.1. Ưu điểm của thuốc trừ sâu hóa học.
- Có tác dụng diệt trừ sâu bệnh nhanh chóng và hạn chế sự lan rộng của sâu bệnh. Các
loại thuốc trừ sâu diệt sâu triệt để, thường trên 90% nên được nông dân nhận biết ngay tác

dụng và thích sử dụng.
- Có thể dùng biện pháp hoá học bảo vệ thực vật một cách rộng rãi trên diện tích lớn
và trong thời gian ngắn. Điều này cần thiết khi dịch hại phát sinh nhanh và trên diện rộng.
Việc sử dụng nói chung đơn giản, dễ thực hiện.


- Cách dùng đa dạng người ta có thể bón vào đất, xông hơi, trộn giống, làm bả độc,
phun lên cây trồng (phun bột, phun sương, phun mù).
- Phương pháp hóa học phần lớn khi sử dụng đều mang lại hiệu quả kinh tế.
2.3.2. Nhược điểm của thuốc trừ sâu hóa học.
- Diệt cả thiên địch và những loài không phải sâu hại khác, làm mất cân bằng tự
nhiên.
- Dễ gây bộc phát sâu hại, do côn trùng bị trúng thuốc không đủ liều gây chết, chính
thuốc hóa học kích thích chúng sinh sản nhiều hơn do phản ứng bảo tồn giống nòi, mặt
khác chúng không bị kiềm hãm bởi thiên địch.
- Do thiên địch bị diệt bởi thuốc trừ sâu làm cho những loài sâu hại thứ cấp trước đây
gây hại không đáng kể trở thành loại gây hại chính nguy hiểm hơn như Nhiện gié, rầy
cánh trắng.
- Phát sinh nòi mới nguy hiểm hơn (sâu phao đục bẹ).
- Việc sử dụng liên tục 1 loại thuốc làm côn trùng quen thuốc dần dần dẫn đến côn
trùng kháng thuốc.
- Gây ngộ độc cho cây trồng làm ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây trồng
và làm giảm năng suất cây trồng.
- Phần tồn dư của thuốc trừ sâu rơi xuống nước bề mặt, ngấm vào đất, di chuyển vào
nước ngầm, phát tán theo gió gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe con người.
Đặc biệt dư lượng trong nông sản ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng là nguy cơ
tiềm ẩn gây bệnh ung thư, xảy thai, và các bệnh nguy hiểm khác.
- Thuốc gây ô nhiễm môi trường sống, gây độc hại cho người và gia súc, ảnh hưởng
xấu đến sức khoẻ cộng đồng, bao gồm cả ngộ độc cấp tính và ngộ độc mãn tính.
3. Tính kháng thuốc của côn trùng.

3.1. Khái niệm về tính kháng thuốc của côn trùng hại.


Tính kháng thuốc là một sự thay đổi tính mẫn cảm đối với các hoạt chất của thuốc có
khả năng di tuyền của một quần thể sâu hại, được thể hiện trong sự vô hiệu của chất đó
với côn trùng, mà đúng ra sẽ đạt được mức pḥòng trừ mong đợi khi sử dụng theo khuyến
cáo trên nhãn cho loài sâu hại đó.
Hoặc tính kháng thuốc là sự giảm sút tính mẫn cảm của quần thể sinh vật đối với một
loại thuốc trừ dịch hại sau một thời gian dài quần thể này liên tục tiếp xúc với thuốc đó,
khiến cho những loài này có khả năng chịu được lượng thuốc lớn đủ để tiêu diệt được hầu
hết các cá thể cùng loài chưa chống thuốc. Khả năng này được di truyền qua đời sau, dù
cá thể đời sau có hay không tiếp xúc với thuốc (WHO, 1976).
3.2. Các yếu tố ảnh hướng đến tính kháng thuốc của côn trùng hại:
+ Đặc điểm di truyền và sinh vật học của loài dịch hại: những loài dịch hại có khả
năng biến đổi gen lớn, vòng đời ngắn, khả năng sinh sản cao, tính ăn hẹp, ít di chuyển, có
phản xạ sinh lý thích ứng và là những loài có nguy cơ chống thuốc cao.
+ Bản chất và đặc điểm của loại thuốc sử dụng: những thuốc tồn tại lâu trên bề mặt
vật phun, dịch hại có điều kiện tiếp xúc nhiều với thuốc ở liều thấp (như các thuốc trừ sâu
clo hữu cơ), những thuốc có tính chọn lọc cao dễ tạo tính chống thuốc.
+ Cường độ sức ép chọn lọc: bao gồm số lần dùng thuốc, liều lượng thuốc, qui mô sử
dụng và số lượng cá thể dịch hại còn sống sót sau mỗi lần dùng thuốc. Cường độ sức ép
chọn lọc càng lớn, có nghĩa số lần dùng thuốc càng cao, lượng thuốc dùng càng lớn, qui
mô dùng thuốc càng rộng, số lượng cá thể dịch hại còn sống sau mỗi lần dùng thuốc càng
nhiều, quần thể dịch hại phải trải qua sự chọn lọc càng khắc nghiệt, sẽ đẩy quần thể dịch
hại đó nhanh chóng kháng thuốc.
3.3. Kháng thuốc nhờ sự biến dị di truyền.
Biến dị di truyền trong quần thể là nguyên liệu thô của sự thay đổi thích nghi.
Biến dị di truyền thường phát sinh từ đột biến gen (DNA) hoặc thay đổi cấu trúc nhiễm
sắc thể.



Một đột biến gen có khả năng bảo vệ ruồi giấm trước tác động nguy hiểm của thuốc
trừ sâu DDT đã lan truyền nhanh chóng trên khắp thế giới.
Nhà khoa học Charles Ffench Constant và nhóm nghiên cứu của ông đã phân tích 75
quần thể ruồi giấm phát triển từ những con ruồi được thu thập trên khắp thế giới vào thập
niên 1960. Trong số này, có 28 quần thể có tính kháng DDT, ngoại trừ những quần thể từ
Nam Cực. Điều đáng ngạc nhiên là mỗi con ruồi giấm có khả năng kháng thuốc đều có
cùng sự thay đổi gen như nhau - đây là gen "nhảy", một đoạn ngắn của DNA có thể tự
ghép vào những vị trí mới trong bộ gen. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện rằng mẩu DNA
bổ sung này mang mật mã di truyền cho những enzym có khả năng phân hủy các hóa chất
có hại. Những enzym tương tự như vậy trong gan người có tác dụng phân hủy các thành
phần có hại của rượu bia. Sự đột biến gen nói trên thúc đẩy gen này tạo ra một lượng
enzym lớn gấp 100 lần mức bình thường.
Phát hiện khá giống một cuộc nghiên cứu tương tự đối với muỗi mang vi trùng sốt rét.
Mới đây, các nhà khoa học đã tìm thấy rằng gen kháng thuốc DDT ở muỗi Anopheles
gamblae đã lan truyền dọc bờ biển phía Tây châu Phi.
Thuốc trừ sâu DDT bắt đầu được sử dụng từ năm 1945 để kiểm soát muỗi và dịch hại
cây trồng. Loại thuốc này cũng diệt cả ruồi giấm, vì vậy chúng đã phải tìm cách thích
nghi và phát triển cơ chế kháng thuốc bằng cách biến đổi gen.
Các nhà nghiên cứu không thể xác định chính xác địa điểm đã xảy ra sự đột biến gen
nói trên, nhưng họ cũng không thể phát hiện thấy sự đột biến đó trong những dòng ruồi
giấm thu thập từ thập niên 1930, thời điểm mà trước khi DDT được sử dụng. Điều này
cho thấy sự đột biến đó đã lan truyền nhanh chóng chỉ trong thời gian gần đây.
Điều đáng lo ngại là sự đột biến nói trên đã xuất hiện ở cả những giống ruồi giấm
nuôi trong phòng thí nghiệm và chưa hề tiếp xúc với DDT, tức là chúng ta sẽ rất khó xóa
bỏ tính kháng thuốc của côn trùng ngay cả sau khi đã ngừng sử dụng thứ thuốc diệt côn
trùng đó.
3.4. Kháng thuốc từ các đặc điểm sinh học.



Khi một quần thể dịch hại chịu tác động lâu dài của một loại thuốc trừ sâu sẽ xảy ra
một quá trình chọn lọc. Những cá thể mang gen kháng thuốc (gen thích ứng) sẽ tồn tại,
sinh ra đời sau mang tính kháng thuốc. Quá trình chọn lọc về bản chất bao hàm sự thay
đổi về tần số của các gen. Khi chưa tiếp xúc với thuốc, những gen kháng thuốc thường
tồn tại với tần số thấp trong quần thể tự nhiên do chúng chưa có điều kiện thích hợp để
phát triển. Khi tiếp xúc với thuốc thường xuyên, trong các thế hệ nối tiếp sẽ có những
biến đổi ; tỉ lệ kiểu gen kháng thuốc tăng dần, ở những thế hệ đầu, phần lớn là dị hợp tử,
các thế hệ sau sẽ có đồng hợp tử xuất hiện. Ở những thế hệ đầu, sự biến đổi này xảy ra từ
từ, chậm chạp.
Theo nghiên cứu của Sawiski (1979), trong một quần thể tự nhiên, tỉ lệ các cá thể
mang gen kháng thuốc là 1/10000, nếu cho tiếp xúc liên tục với thuốc trừ sâu qua 15 thế
hệ, tỉ lệ này tăng tới 1/30. Cho tiếp xúc thêm 7 thế hệ nữa tỉ lệ này là 1/1. Điều này góp
phần giải thích một hiện tượng mang tính quy luật thường xảy ra với những vùng dùng
nhiều thuốc trừ sâu: Việc sử dụng thuốc trừ sâu mới có kết quả tốt vào năm đầu,
nhưng sau đó côn trùng trở nên kháng thuốc, hiệu quả phòng trừ giảm sút nhanh
chóng và sau đó thuốc mất tác dụng.
Như vậy, hiện tượng kháng thuốc bắt nguồn từ sự sai khác tự nhiên có bản chất di
truyền về độ mẫn cảm với các chất độc giữa các cá thể trong Quần Thể (ngay từ khi quần
thể) này chưa tiếp xúc với bất kỳ chất độc nào.
3.5. Các cơ chế kháng thuốc trừ sâu của côn trùng.
3.5.1. Kháng theo cơ chế chuyển hóa
Côn trùng kháng thuốc có thể giải độc hoặc tiêu diệt các độc tố nhanh hơn so với côn
trùng nhạy cảm, hoặc ngăn chặn độc tố tại các vị trí tiếp cận bằng cách liên kết nó (độc
tố) với các protein trong cơ thể. Kháng theo cơ chế chuyển hóa là hình thức phổ biến nhất
và thường hiện diện khi có sự thay đổi lớn (khi có sự tác động từ bên ngoài). Côn trùng
kháng có thể chịu được các mức độ cao hơn (các mức nồng độ thuốc trừ sâu) hoặc có
nhiều hình thức kháng enzyme hiệu quả hơn bằng cách phá vỡ các hợp chất thuốc trừ sâu
để chúng trở nên không độc hại.



Hình 1. Kháng theo cơ chế chuyển hóa trong tế bào côn trùng

Hình 2. Quá trình phân giải DDT bằng enzyme ở muỗi kháng DDT.
3.5.2. Kháng theo cơ chế thay đổi vị trí đích
Vị trí mà các độc tố thường liên kết ở côn trùng bị biến đổi để giảm tác dụng của
thuốc trừ sâu.


Hình 3. Kháng theo cơ chế thay đổi vị trí đích
Chitin là một thành phần chính của bộ xương ngoài của côn trùng. Enzyme H là cần
thiết cho sản xuất chitin (A). Để ngăn chặn lột xác, thuốc trừ sâu liên kết với các vị trí
đích (B). Ở một côn trùng kháng, vị trí đích bị thay đổi (C) và ngăn ngừa thuốc trừ sâu
bằng cách liên kết với enzyme.
3.5.3. Kháng theo cơ chế hành vi
Đó là sự thay đổi của côn trùng trong tập tính né tránh được liều chết của hóa chất.
Những thay đổi bao gồm sự giảm xu hướng bay vào vùng sử dụng hoá chất hay tránh xa
khỏi bề mặt có hoá chất.
Côn trùng kháng thuốc có thể tránh được những độc tố bởi sự thay đổi từ hoạt động
bình thường của chúng như chỉ cần côn trùng dừng ăn lại hoặc di chuyển ở mặt dưới của
lá khi phun. Một số muỗi truyền bệnh sốt rét truyền ở châu Phi phát triển một sở thích hay
nghỉ ngơi bên ngoài nhà, điều này giúp chúng tránh tiếp xúc với thuốc trừ sâu phun trên
các bức tường nội thất.


Hình 4. Côn trùng trốn dưới lá khi phun thuốc trừ sâu
3.5.4. Kháng theo cơ chế xâm nhập (kháng do giảm tính thẩm thấu).
Là cơ chế mà trong đó hóa chất diệt không bị phân hủy trực tiếp, song tính kháng
được hình thành là do giảm khả năng thấm. Nhiều loại hoá chất diệt côn trùng thâm nhập
vào cơ thể côn trùng qua lớp biểu bì. Những thay đổi của lớp biểu bì của côn trùng làm
giảm tốc độ thẩm thấu của hoá chất diệt côn trùng gây nên sự kháng đối với một số hoá

chất diệt. Đơn thuần tính thấm giảm chỉ gây ra sự kháng ở mức độ thấp.
Kết quả nghiên cứu cơ chế kháng thuốc DDT của ruồi nhà đã chứng minh: Ruồi
kháng DDT có lớp cutin dày hơn, khó thấm DDT hơn những so với ruồi mẫn cảm DDT.
Tác giả Otto.D (1976) cũng đã nêu lên sự thay đổi về cấu tạo của Lipid, sáp và protein
trong cutin hoặc gia tăng kết cứng biểu bì của những côn trùng kháng thuốc.
Pery. A.S và Agosin. M (1974) cũng cho rằng những quần thể côn trùng kháng hóa
chất đã xuất hiện một lớp Lipid có tác dụng ngăn cản sự xâm nhập của hóa chất vào cấu
trúc tinh tế của hệ thần kinh, làm cho thuốc mất tác dụng. Cơ chế này hiếm khi được đề
cập tới, nó thường được coi là thứ yếu thậm chí không được nhắc tới. Tuy nhiên, nếu phối
hợp với các cơ chế kháng khác, nó có thể tạo nên sự kháng cao.
3.6. Hiện tượng kháng chéo và đa kháng.
Khi hệ sinh thái ở trạng thái bất cân bằng do các tác động từ môi trường, các loài
trong hệ sinh thái sẽ có quá trình điều chỉnh để thích nghi với điều kiện mới. Khi đó
những loài chịu ảnh hưởng mạnh mẽ sẽ phải thích nghi, biến đổi để tồn tại trong môi
trường mới, hoặc sẽ bị thay thế bởi loài khác. Sự tác động mạnh mẽ từ môi trường tới hệ
sinh thái là nguồn động lực để thúc đẩy quá trình biến dị, tạo nhiều biến thể để chọn lọc,
duy trì cho tới khi hệ sinh thái đạt được trạng thái cân bằng mới.
Tuy nhiên trong hệ sinh thái, tất cả các loài đều có quan hệ qua lại mật thiết với nhau,
khi một loài chịu ảnh hưởng mãnh liệt, bắt buộc phải thay đổi để đáp ứng với tác động
bên ngoài, các loài khác trong hệ sinh thái đều phải điều chỉnh theo nhằm nhanh chóng
đạt được sự cân bằng mới. Do vậy hệ sinh thái phản ứng với tác động bên ngoài bằng
việc chọn lọc các biến thể có thể chịu tác động đồng thời ít biến đổi nhất trong môi
trường.


Điều này được thể hiện rất rõ ràng thông qua các đặc tính đa kháng và kháng chéo
thuốc của côn trùng hại (Ở Đan Mạch, các loài ruồi nhà đã kháng được 11 loại thuốc khác
nhau, sâu tơ (Plutella xylostella L.) đã được ghi nhận kháng trên 46 loại thuốc trừ sâu).
Hiện tượng sâu bệnh có thể kháng được nhiều loại thuốc khác nhau được tổng quát
như sau:

- Kháng chéo: Trong tính kháng, người ta ghi nhận đã hiện tượng kháng chéo của
dịch hại đối với các loại thuốc, điều đó có nghĩa là một giống dịch hại khi đã quen với
một loại thuốc thì nó cũng có khả năng kháng với một số loài thuốc trừ dịch hại khác
thuộc cùng một gốc hóa học.
Hiện tượng này xảy ra với loại hợp chất sử dụng thường xuyên với quần thể sâu hại
và cả những hợp chất chưa từng tiếp xúc với quần thể sâu hại nhưng có cùng gốc hóa học.
- Kháng chéo âm: Là hiện tượng khi dịch hại đã trở nên kháng với một loại thuốc nào
đó thì nó có thể trở nên mẫn cảm với một số loài hợp chất khác.
- Tính đa kháng: Là đặc tính mà côn trùng có thể kháng với nhiều loại thuốc có cơ
chế tác động khác nhau trên côn trùng. Tính đa kháng hiện nay rất phổ biến trên côn trùng
và hiện diện ở ít nhất 44 họ thuộc 10 bộ (Goerghion and Taylor, 1977; Goerghion, 1981).
Các loài sâu bệnh có khả năng kháng lại được nhiều loại thuốc sâu sẽ có khả năng
chịu tác động rất tốt từ việc phun thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời cũng có khả năng thích
ứng dễ dàng hơn với các loại thuốc bảo vệ thực vật khác nhau.
4. Các biện pháp hạn chế và ngăn ngừa tình trạng kháng thuốc của côn trùng
hại.
Việc khắc phục tính kháng thuốc của sâu hại tập trung vào việc hạn chế đến mức tối
đa áp lực chọn lọc đến quần thể sâu hại. Nhìn chung việc này là khó tuy nhiên vẩn có một
số biện pháp như sau:
- Dùng luân phiên các loại thuốc BVTV: ở những địa phương chưa hình thành tính
kháng thuốc, việc luân phiên dùng thuốc đúng kết hợp với các biện pháp khác, có thể làm
chậm tốc độ hình thành tính kháng thuốc. Khi luân phiên, nên dùng các loại thuốc thuộc
các nhóm thuốc có cơ chế tác động khác nhau và mỗi loại thuốc, không nên xuất hiện
nhiều lần/1vụ.
- Dùng các chất hợp lực, chất phá vỡ tính kháng thuốc, chất phản chống chịu. Những
chất này khi tạo hỗn hợp với các thuốc đã bị dịch hại chống lại, có thể khôi phục lại hiệu
lực của thuốc. Nhưng những chất này chỉ có tác dụng ức chế chuyên biệt với từng cơ chế
kháng thuốc nên chúng không kìm hãm được tính kháng nhiều mặt. Có nhiều trường hợp
quần thể sinh vật đã hình thành luôn cả tính kháng đối với các chất này.



Tuy nhiên không nên coi hỗn hợp nhiều thuốc với nhau là một biện pháp tốt để hạn
chế tốc độ hình thành chống thuốc. Thậm chí khi hỗn hợp thuốc, có thể đẩy dịch hại
kháng thuốc nhanh hơn, phổ kháng chéo mở rộng hơn, gây nhiều khó khăn hơn cho việc
phòng trừ.
- Biện pháp thích hợp nhất là xây dựng chiến lược phòng trừ dịch hại tổng hợp, nhằm
giảm sức ép chọn lọc của thuốc trừ sâu, trên cơ sở hiểu biết đặc điểm sinh vật học, sinh
thái học cũng như mối quan hệ của dịch hại với các loài sinh vật khác trong quần thể và
bản chất chống thuốc của dịch hại.
Việc sử dụng thuốc trừ sâu sinh học (là những chế phẩm sinh học được sản xuất ra từ
các loại thảo dược hay các chủng vi sinh vật được nuôi cấy trên môi trường dinh dưỡng
khác nhau theo phương pháp thủ công, bán thủ công hoặc phương pháp lên men công
nghiệp để tạo ra những chế phẩm có chất lượng cao, có khả năng phòng trừ được các loại
côn trùng gây hại) hay sử dụng các loài thiên địch (các loài sinh vật được sử dụng để diệt
trừ các sâu bệnh hại, bảo vệ mùa màng. Các loài thiên địch phổ biến là: chuồn chuồn,
chim chích bông, chim sâu, các loài côn trùng kí sinh…) là những biện pháp hữu hiệu để
diệt trừ các loài côn trùng hại và mang lại những lợi ích về mặt sinh thái
Ngày nay, sử dụng thiên địch là một trong những biện pháp sinh học được ứng dụng
rất nhiều trong thực tiễn sản xuất. Các loại thiên địch được dùng trong phương pháp sinh
học có thể là những loài côn trùng có sẳn trong hệ sinh thái ở địa phương. Người ta chỉ
việc phát hiện ra rồi tạo các điều kiện thuận lợi để chúng phát triển và tiêu diệt các loài
côn trùng gây hại.


III.

KẾT LUẬN.

Với tốc độ gia tăng dân số như hiện nay thì vấn đề lương thực đang là một vấn đề
thách thức đặt ra với toàn thể nhân loại. Giải pháp cho vấn đề an ninh lương thực cần

được nghiên cứu kỹ với các biện pháp nhằm nâng cao năng xuất cây trồng, bảo vệ mùa vụ
trước sự tấn công của sâu hại nhưng không phá hủy hệ sinh thái nông nghiệp.
Hiện nay ngoài việc nâng cao công nghệ, kỹ thuật để tạo ra các giống cây trồng cho
năng suất cao, phẩm chất tốt, khả năng chống chịu với sâu bệnh cao thì còn trú trọng tới
việc sử dụng, quản lý thuốc trừ sâu một cách hợp lý nhằm hạn chế tác hại của sâu bệnh
đối với mùa màng, không tiêu diệt hết các loài không phải là sâu hại khác, bảo vệ được
phẩm chất, chất lượng của nông sản, đồng thời không làm mất cân bằng hệ sinh thái tự
nhiên trong nông nghiệp. Ngày nay, với sự tiến bộ của khoa học thì các nhà khoa học
không ngừng tìm ra cách sản phẩm sinh học mới thay dần thay thế các loại thuốc trừ sâu
hóa học cũ giúp cho nền nông nghiệp phát triển một cách an toàn và bền vững.
Trong bài này, chúng em đã sử dụng ba nguyên lý 4.3, 4.4 và 4.5 để phân tích tính kháng
thuốc của sâu bệnh và từ đó đề xuất 1 số giải pháp hạn chế và ngăn ngừa tình trạng kháng
thuốc của côn trùng gây hại.



×