Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm học 2008-2009
Chủ đề năm học 2008-2009 là "Năm học ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất
lượng giảng dạy và đổi mới cơ chế quản lý tài chính trong ngành giáo dục" .
Ngày 31/7, tại Hải Phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội nghị Tổng kết năm học
2007-2008 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm học 2008-2009. Tham dự có hơn 400
đại biểu các cơ quan, ban, ngành Trung ương và Sở Giáo dục-Đào tạo của 64 tỉnh, thành phố
trong cả nước. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ
Giáo dục-Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân đã đến dự và chỉ đạo Hội nghị.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn
Thiện Nhân khẳng định: Qua 2 năm thực hiện cuộc vận động "Hai không", ngành giáo dục đã
chặn đứng được tình trạng tiêu cực và giảm sút chất lượng đào tạo. Từ đó, Bộ Giáo dục và Đào
tạo đã nghiên cứu và xác định rõ 5 nền tảng của ngành giáo dục, đó là: Văn hoá, lịch sử; Gia
đình; Sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; Môi trường sư phạm; Kinh nghiệm thực tế và khoa
học-công nghệ, cùng 3 trụ cột là: Đội ngũ giáo viên; Quản lý nhà nước về ngành giáo dục; Các
em học sinh.
Đồng thời, quyết định chọn chủ đề năm học 2008-2009, là "Năm học ứng dụng công nghệ
thông tin để nâng cao chất lượng giảng dạy và đổi mới cơ chế quản lý tài chính trong ngành
giáo dục"; trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ: Tổ chức thật tốt kỳ thi tốt nghiệp phổ thông
trung học, đảm bảo trung thực, công bằng và nghiêm túc để làm cơ sở cho việc gộp hai kỳ thi
tốt nghiệp phổ thông trung học và tuyển sinh đại học, cao đẳng làm một vào năm 2010; Tích
cực nghiên cứu, đổi mới phương pháp giáo dục, tăng cường áp dụng công nghệ thông tin vào
giảng dạy; Thực hiện kế hoạch chuẩn hoá và bồi dưỡng đội ngũ hiệu trưởng các trường trong
cả nước; Triển khai kế hoạch đào tạo khoảng 2 vạn giáo viên dạy nghề cho các trường trung
học chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện các dự án kiên cố hoá
trường lớp, đổi mới công tác quản lý, sử dụng tài chính của ngành....
Các đại biểu đã thảo luận, đánh giá kết quả năm học 2007-2008, đồng thời tham luận, góp ý
xây dựng phương hướng nhiệm vụ năm học 2008-2009. Trong đó, tập trung phân tích các mặt
hạn chế, nguyên nhân yếu kém, bài học kinh nghiệm trong quản lý giáo dục, giảng dạy và học
tập năm học vừa qua; sơ kết 2 năm thực hiện các cuộc vận động "Hai không", "Mỗi thầy, cô là
một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo" gắn với phong trào thi đua "Xây dựng trường học
thân thiện, học sinh tích cực"; Kết quả thực hiện dự án kiên cố hoá trường, lớp học; Công tác tổ
chức kỳ thi tuyển sinh Đại học, Cao đẳng và Trung học chuyên nghiệp năm 2008.../.
Năm học mới 2008-2009, nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục trung học là “Ứng dụng công nghệ
thông tin và đổi mới quản lý tài chính” và phong trào xây dựng “Trường học thân thiện, học
sinh tích cực”. Những điểm mới sẽ được thực hiện trong năm học 2008-2009 là: điều chỉnh kế
hoạch thời gian và kế hoạch giáo dục; phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá.
Theo đó, các trường học sẽ tăng thời lượng học tập từ 35 tuần lên 37 tuần/năm học nhưng
không phải tăng thêm tiết học mà là “kéo giãn” thời gian để các trường có thể linh hoạt hơn
trong sắp xếp và giảm tải chương trình. Các địa phương được chủ động trong việc điều chỉnh
thời lượng các chương bài phù hợp điều kiện cụ thể và khả năng tiếp thu của học sinh. Một số
môn học sẽ được tích hợp một cách triệt để nhưng không phải “cắt xén” mà là sự đan xen vào
các môn khác, tránh trùng lắp và tăng hiệu quả giáo dục. Đặc biệt, môn giáo dục công dân sẽ
được tập trung đánh giá sâu hiệu quả dạy học để tiếp tục đổi mới phương pháp và kiểm tra
đánh giá để nâng cao chất lượng. Một số phần của hoạt động ngoài trời cũng sẽ được tích hợp
thêm vào môn giáo dục công dân. Từ năm 2008-2009, giáo dục ý thức về bảo vệ môi trường sẽ
được quan tâm và gắn vào mọi môn học thích hợp. Các môn học có tích hợp bài học về môi
trường đã được nhiều nước ứng dụng từ lâu nhưng hiện nay ở Việt Nam hầu như chưa có, chưa
hiệu quả.
Phương pháp kiểm tra đánh giá được đặc biệt đổi mới trong các môn: âm nhạc, mỹ thuật, thể
dục. Bộ GD-ĐT khẳng định, ở bậc trung học không chủ trương đào tạo các môn này theo
hướng chuyên nghiệp mà chỉ đánh giá ở sự cố gắng trong học tập, chú trọng bồi dưỡng kiến
thức và tạo hứng thú học tập cho học sinh. Nhiều học sinh tuy chăm chỉ, cố gắng nhưng không
có năng khiếu trong các môn này thường không đạt kết quả cao và bị ảnh hưởng tới các môn
học khác. Do vậy, thay vì chỉ có một cách đánh giá bằng điểm số, năm học mới 2008-2009, các
trường có thể áp dụng thêm biện pháp đánh giá “đạt”, “không đạt”... để công bằng hơn cho học
sinh. Năm học này cũng thực hiện một loạt hoạt động để chuẩn hóa giáo dục trung học: xây
dựng chuẩn hiệu trưởng, chuẩn giáo viên...
Các đại biểu dự hội nghị đã đóng góp ý kiến để tiếp tục hoàn thiện những nội dung: xem xét
đánh giá chương trình sách giáo khoa, phổ cập giáo dục trung học cơ sở, đổi mới phương pháp
giảng dạy, nội dung hoạt động của năm “công nghệ thông tin”...
Năm học này, học sinh Trung học Cơ sở (THCS) và Trung học Phổ thông (THPT) sẽ có một số
thay đổi về hình thức đánh giá, nhận xét kết quả học tập... Ngoài ra, theo quyết định sửa đổi
Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh THCS và học sinh THPT được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và
Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Thiện Nhân công bố ngày 15/9, việc xếp loại học kỳ và xếp loại cả
năm cũng sẽ có thay đổi.
Năm học 2008-2009, Bộ GD&ĐT trao quyền cho Giám đốc Sở GD&ĐT lựa chọn quyết định
áp dụng 1 trong 2 hình thức đánh giá: Bằng điểm hoặc bằng nhận xét kết quả học tập đối với
các môn học Âm nhạc, Mỹ thuật cấp THCS, môn Thể dục cấp THCS và cấp THPT. Theo đó,
đối với các môn học Âm nhạc, Mỹ thuật cấp THCS và Thể dục cả cấp THCS và cấp THPT,
trong trường hợp đánh giá bằng nhận xét kết quả học tập thì vẫn xếp loại trung bình môn học và
xếp thành 5 loại Giỏi, Khá, Trung bình, Yếu, Kém.
Kết quả xếp loại trung bình môn học được lấy để tham gia xếp loại học lực mỗi học kỳ và cả
năm học. Đối với các môn học còn lại vẫn tiến hành theo hình thức đánh giá bằng điểm, tính
điểm trung bình môn học và tham gia tính điểm trung bình các môn học sau 1 học kỳ, 1 năm
học”.
Về tiêu chuẩn xếp loại học kỳ và xếp loại cả năm đối với loại Giỏi, học sinh cần đủ các tiêu
chuẩn như điểm trung bình các môn học từ 8,0 trở lên, trong đó: Đối với học sinh THPT
chuyên thì điểm môn chuyên từ 8,0 trở lên; đối với học sinh THCS và THPT không chuyên thì
có 1 trong 2 môn Toán, Ngữ văn từ 8,0 trở lên; Không có môn học nào điểm trung bình dưới
6,5 hoặc nhận xét dưới loại Khá.
Loại Khá, nếu điểm trung bình các môn học từ 6,5 trở lên, trong đó: Đối với học sinh THPT
chuyên thì điểm môn chuyên từ 6,5 trở lên; đối với học sinh THCS và THPT không chuyên thì
có 1 trong 2 môn Toán, Ngữ văn từ 6,5 trở lên; Không có môn học nào điểm trung bình dưới
5,0 hoặc nhận xét dưới loại Trung bình.
Loại Trung bình, nếu điểm trung bình các môn học từ 5,0 trở lên, trong đó: Đối với học sinh
THPT chuyên thì điểm môn chuyên từ 5,0 trở lên; đối với học sinh THCS và THPT không
chuyên thì có 1 trong 2 môn Toán, Ngữ văn từ 5,0 trở lên; Không có môn học nào điểm trung
bình dưới 3,5 hoặc nhận xét loại Yếu. Loại Yếu, nếu điểm trung bình các môn học từ 3,5 trở
lên, không có môn học nào điểm trung bình dưới 2,0 hoặc nhận xét loại Kém. Loại Kém: Các
trường hợp còn lại.
Trong trường hợp điểm trung bình học kỳ hoặc điểm trung bình cả năm (ĐTB học kỳ hoặc
ĐTB cuối năm) đạt mức quy định cho từng loại nói trên nhưng do điểm trung bình hoặc nhận
xét của 1 môn học thấp hơn mức quy định cho loại đó cho nên học lực bị xếp thấp xuống thì
được điều chỉnh như sau: Nếu ĐTB học kỳ hoặc ĐTB cuối năm đạt mức loại Giỏi nhưng do
ĐTB hoặc nhận xét của 1 môn học phải xuống loại Trung bình thì được điều chỉnh xếp loại
Khá;
Nếu ĐTB học kỳ hoặc ĐTB cuối năm đạt mức loại Giỏi nhưng do ĐTB hoặc nhận xét của 1
môn học phải xuống loại Yếu hoặc Kém thì được điều chỉnh xếp loại Trung bình; Nếu ĐTB
học kỳ hoặc ĐTB cuối năm đạt mức loại Khá nhưng do ĐTB hoặc nhận xét của 1 môn học phải
xuống loại Yếu thì được điều chỉnh xếp loại Trung bình;
Nếu ĐTB học kỳ hoặc ĐTB cuối năm đạt mức loại Khá nhưng do ĐTB hoặc nhận xét của 1
môn học phải xuống loại Kém thì được điều chỉnh xếp loại Yếu; Nếu ĐTB học kỳ hoặc ĐTB
cuối năm đạt mức loại Trung bình nhưng do ĐTB hoặc nhận xét của 1 môn học phải xuống loại
Kém thì xếp loại Kém, không điều chỉnh xếp loại.