HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH
THÂN QUỐC HÙNG
CHẤT LƯỢNG XÉT XỬ
CÁC VỤ ÁN HÀNH CHÍNH CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN
CẤP TỈNH Ở VIỆT NAM HIỆN NAY
LUẬN ÁN TIẾN SĨ
CHUYÊN NGÀNH: LÝ LUẬN VÀ LỊCH SỬ NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT
HÀ NỘI - 2018
HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH
THÂN QUỐC HÙNG
CHẤT LƯỢNG XÉT XỬ CÁC
VỤ ÁN HÀNH CHÍNH CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN
CẤP TỈNH Ở VIỆT NAM HIỆN NAY
LUẬN ÁN TIẾN SĨ
CHUYÊN NGÀNH: LÝ LUẬN VÀ LỊCH SỬ NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT
Mã số: 62 38 01 01
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
1. TS. NGUYỄN THANH BÌNH
2. TS. TRẦN THANH PHƯƠNG
HÀ NỘI - 2018
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của
riêng tôi. Các số liệu, kết quả nêu trong luận án là trung
thực, có nguồn gốc rõ ràng và được trích dẫn đầy đủ theo
quy định.
Tác giả
Thân Quốc Hùng
MỤC LỤC
Trang
MỞ ĐẦU
1
Chương 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN
ĐỀ TÀI VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA CẦN TIẾP TỤC NGHIÊN CỨU
7
1.1. Tình hình nghiên cứu trong nước
7
1.2. Tình hình nghiên cứu nước ngoài
17
1.3. Giả thuyết những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu về chất lượng xét xử
các vụ án hành chính của Tòa án nhân dân cấp tỉnh ở Việt Nam hiện nay
23
Chương 2: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ CHẤT LƯỢNG XÉT XỬ CÁC VỤ ÁN
HÀNH CHÍNH CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP TỈNH
30
2.1. Khái niệm, đặc điểm, vai trò chất lượng xét xử các vụ án hành chính
của Tòa án nhân dân cấp tỉnh
30
2.2. Các tiêu chí đánh giá chất lượng xét xử các vụ án hành chính của
Tòa án nhân dân cấp tỉnh
49
2.3. Các điều kiện bảo đảm chất lượng xét xử các vụ án hành chính của
Tòa án nhân dân cấp tỉnh
62
Chương 3: THỰC TRẠNG VỀ TỔ CHỨC VÀ CHẤT LƯỢNG XÉT XỬ
CÁC VỤ ÁN HÀNH CHÍNH CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP TỈNH
70
3.1. Thực trạng tổ chức và chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của Tòa hành
chính thuộc Tòa án nhân dân cấp tỉnh
70
3.2. Thực trạng chất lượng xét xử các vụ án hành chính của Tòa án nhân
dân cấp tỉnh
78
Chương 4: QUAN ĐIỂM VÀ GIẢI PHÁP BẢO ĐẢM CHẤT LƯỢNG
XÉT XỬ CÁC VỤ ÁN HÀNH CHÍNH CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP TỈNH
118
4.1. Quan điểm bảo đảm chất lượng xét xử các vụ án hành chính của Tòa án
nhân dân cấp tỉnh
118
4.2. Các giải pháp bảo đảm chất lượng xét xử các vụ án hành chính của
Tòa án nhân dân cấp tỉnh ở Việt Nam hiện nay
127
KẾT LUẬN
157
DANH MỤC CÔNG TRÌNH CỦA TÁC GIẢ ĐÃ CÔNG BỐ LIÊN QUAN
ĐẾN LUẬN ÁN
159
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
160
DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT
HĐND
Hội đồng nhân dân
HĐXX
Hội đồng xét xử
HTND
Hội thẩm nhân dân
HVHC
Hành vi hành chính
KKHC
Khiếu kiện hành chính
QĐHC
Quyết định hành chính
QĐKLBTV
Quyết định kỷ luật buộc thôi việc
QLHCNN
Quản lý hành chính nhà nước
TAND
Tòa án nhân dân
TANDTC
Tòa án nhân dân tối cao
THC
Tòa hành chính
TTHC
Tố tụng hành chính
UBND
Ủy ban nhân dân
VAHC
Vụ án hành chính
VKSND
Viện kiểm sát nhân dân
VPHC
Vi phạm hành chính
XHCN
Xã hội chủ nghĩa
XXHC
Xét xử hành chính
1
MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài nghiên cứu
Xét xử là hoạt động chính, có ý nghĩa quyết định đến sự ra đời, tồn tại và
phát triển của hệ thống cơ quan tòa án tất cả các nước trên thế giới. Hoạt động này
có ý nghĩa rất quan trọng, quyết định đến quyền lợi chính trị, kinh tế và nhiều khi
là sinh mệnh của con người. Chất lượng, hiệu quả của hoạt động này còn ảnh
hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát
triển của cả xã hội.
Ở nước ta, xét xử là chức năng hiến định của Tòa án nhân dân. Hiến pháp
năm 2013 quy định: "Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã
hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp" (Khoản 1, Điều 102). Xét xử là
hoạt động đặc trưng, là chức năng, nhiệm vụ của Tòa án. Tòa án là cơ quan duy
nhất được đảm nhiệm chức năng xét xử. Xét xử là hoạt động xem xét, đánh giá
bản chất pháp lý của vụ việc nhằm đưa ra phán xét về tính chất, mức độ pháp lý
của vụ việc, từ đó, nhân danh nhà nước đưa ra phán quyết tương ứng với bản chất,
mức độ trái hay không trái pháp luật của vụ việc. Do đó, xét xử phải là công cụ
sắc bén và đầy hiệu lực của Nhà nước và xã hội trong đấu tranh phòng, chống tội
phạm, bảo vệ trật tự an toàn xã hội, bảo vệ pháp luật và pháp chế xã hội chủ nghĩa,
đồng thời phải thật sự là chỗ dựa của nhân dân trong bảo vệ công lý, triệt để tôn
trọng và bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Những yêu cầu đó được quán
triệt và thực hiện kiên trì, thường xuyên, liên tục trong hoạt động xét xử và đã đạt
được kết quả đáng khích lệ, góp phần không nhỏ vào việc thực hiện mục tiêu xây
dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trong suốt hơn 30 năm tiến hành sự nghiệp đổi mới, Đảng ta đã ban hành
và quán triệt thực hiện nhiều nghị quyết chuyên đề về cải cách tư pháp như Nghị
quyết số 08-NQ/TW ngày 2/1/202 của Bộ Chính trị Về một số nhiệm vụ trọng tâm
công tác tư pháp trong thời gian tới, Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của
Bộ Chính trị Về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020... Nghị quyết số 49 đã
thể hiện rất rõ quan điểm, yêu cầu của Đảng ta về cải cách tư pháp mà trọng tâm là
2
Tòa án nhân dân: "Tổ chức các cơ quan tư pháp và các chế định bổ trợ tư pháp
hợp lý, khoa học; trong đó, xác định Tòa án có vị trí trung tâm và xét xử là hoạt
động trọng tâm"; "Hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử được tiến
hành có hiệu quả và hiệu lực cao"; "Mở rộng thẩm quyền xét xử của Tòa án đối
với các khiếu kiện hành chính. Đổi mới mạnh mẽ thủ tục giải quyết các khiếu kiện
hành chính tại Tòa án; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia tố tụng, bảo
đảm sự bình đẳng giữa công dân và cơ quan công quyền trước Tòa án"; "Đổi mới
việc tổ chức phiên tòa xét xử, xác định rõ hơn vị trí, quyền hạn, trách nhiệm của
người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng theo hướng bảo đảm tính công
khai, dân chủ, nghiêm minh; nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa xét
xử, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp"... Do đó, tổ chức thực hiện
quyền tư pháp đã có những chuyển biến tích cực. Tổ chức bộ máy, chức năng,
nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của Tòa án ngày càng được xác định rõ hơn và từng
bước được củng cố, kiện toàn. Chất lượng xét xử có chuyển biến tốt, đặc biệt đối
với án hành chính được xem xét thận trọng, đúng pháp luật, tình trạng tồn đọng
án, sửa án, hủy án cơ bản được khắc phục. Chủ trương "nâng cao chất lượng tranh
tụng tại phiên tòa" được triển khai thực hiện, tạo không khí dân chủ trong các
phiên tòa, vai trò của các luật sư được nhìn nhận tích cực hơn...
Tuy nhiên, những kết quả đó mới là bước đầu và mới tập trung vào giải
quyết những vấn đề bức xúc nhất. Hoạt động xét xử vẫn còn bộc lộ nhiều bất cập,
hạn chế như: tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, cơ chế hoạt động của các cơ
quan tư pháp còn bất hợp lý; chưa có sự phân định chính xác, hợp lý giữa các
chức năng cơ bản của tố tụng dẫn đến việc quy định vai trò, thầm quyền cụ thể của
từng chủ thể tố tụng và trình tự tiến hành các thủ tục tố tụng còn chưa rõ ràng; còn
thiếu cơ chế bảo đảm thực hiện quyền của những người tham gia tố tụng, đặc biệt
là cơ chế bảo đảm quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bên khởi kiện
trong tố tụng hành chính... Những vướng mắc, bất cập nêu trên đã ảnh hưởng
không nhỏ đến việc củng cố niềm tin của nhân dân vào tư pháp, công lý, ảnh
hưởng đến mục tiêu xây dựng một nền tư pháp "trong sạch, vững mạnh, dân chủ,
nghiêm minh, bảo vệ công lý" mà Nghị quyết số 49 đã đề ra. Nguyên nhân chính
3
của những hạn chế, yếu kém trên có thể kể đến như: hệ thống pháp luật có liên
quan chưa thực sự hoàn chỉnh, thống nhất và đồng bộ; trình độ chuyên môn, tinh
thần trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận cán bộ thẩm phán chưa
đáp ứng được yêu cầu của hoạt động xét xử; cơ sở vật chất, chế độ đãi ngộ đối với
thẩm phán còn nhiều bất cập, chưa tương xứng với tính chất của công việc...
Trên phương diện lý luận, vấn đề chất lượng xét xử nói chung và chất
lượng xét xử các vụ án hành chính của Tòa án nhân dân cấp tỉnh nói riêng không
phải hoàn toàn mới. Tuy nhiên, những vấn đề lý luận căn bản về chất lượng xét xử
các vụ án hành chính đều chưa được nhìn nhận một cách toàn diện và giải quyết
thấu đáo. Chính vì vậy, hệ thống các tiêu chí đánh giá chất lượng xét xử các vụ án
hành chính của Tòa án nhân dân cấp tỉnh chưa được ghi nhận một cách đầy đủ,
thống nhất. Quy định của pháp luật về chức năng của từng chủ thể trong tố tụng
cũng chưa được rõ ràng và còn chồng chéo...
Cải cách tư pháp ở Việt Nam hiện nay đặt ra những yêu cầu mới: Tòa án
phải thật sự là chỗ dựa của nhân dân trong bảo vệ công lý, triệt để tôn trọng và bảo
vệ quyền con người, quyền công dân. Bối cảnh này đòi hỏi hoạt động xét xử của
Tòa án phải không ngừng nâng cao chất lượng, bảo đảm hiệu quả, kịp thời, chính
xác và đúng pháp luật. Do vậy, nghiên cứu vấn đề chất lượng xét xử các vụ án
hành chính của Tòa án nhân dân cấp tỉnh lại càng có ý nghĩa hết sức cấp thiết cả
về lý luận và thực tiễn. Từ những lý do trên đây, nghiên cứu sinh chọn đề tài:
"Chất lượng xét xử các vụ án hành chính của Tòa án nhân dân cấp tỉnh ở Việt
Nam hiện nay" làm luận án tiến sĩ luật học, chuyên ngành Lý luận và lịch sử nhà
nước và pháp luật.
2. Mục đích và nhiệm vụ của luận án
2.1. Mục đích của luận án
Trên cơ sở phân tích những vấn đề lý luận và thực tiễn về chất lượng xét xử
các vụ án hành chính của Tòa án nhân dân cấp tỉnh ở Việt Nam, tác giả đề xuất
các quan điểm và đưa ra những giải pháp nhằm bảo đảm chất lượng xét xử các vụ
án hành chính của Tòa án nhân dân cấp tỉnh ở Việt Nam hiện nay.
4
2.2. Nhiệm vụ của luận án
Để thực hiện mục đích nêu trên, luận án có nhiệm vụ:
- Nghiên cứu, đánh giá tổng quan các công trình khoa học có liên quan đến
đề tài luận án. Từ đó chỉ ra những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu của luận án.
- Nghiên cứu, làm sáng tỏ cơ sở lý luận liên quan đến đề tài luận án, cụ thể:
nghiên cứu đưa ra khái niệm chất lượng xét xử các vụ án hành chính của Tòa án
nhân dân cấp tỉnh; chỉ ra và phân tích đặc điểm, vai trò của chất lượng xét xử các
vụ án hành chính của Tòa án nhân dân cấp tỉnh; xây dựng các tiêu chí đánh giá và
các điều kiện bảo đảm chất lượng xét xử các vụ án hành chính của Tòa án nhân
dân cấp tỉnh ở Việt Nam hiện nay.
- Nghiên cứu, đánh giá thực trạng tổ chức và tình hình xét xử các vụ án
hành chính của Tòa án nhân dân cấp tỉnh ảnh hưởng đến chất lượng xét xử các vụ
án hành chính của Tòa án nhân dân cấp tỉnh.
- Phân tích, đánh giá thực trạng chất lượng xét xử các vụ án hành chính của
Tòa án nhân dân cấp tỉnh ở Việt Nam hiện nay và chỉ ra những kết quả, hạn chế và
nguyên nhân của thực trạng đó.
- Phân tích, luận chứng các quan điểm và đề xuất các giải pháp bảo đảm
chất lượng xét xử các vụ án hành chính của Tòa án nhân dân cấp tỉnh ở Việt Nam
hiện nay.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Dưới giác độ lý luận và lịch sử nhà nước và pháp luật, luận án tập trung
nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn về chất lượng xét xử các vụ án hành
chính của Tòa án nhân dân cấp tỉnh ở Việt Nam hiện nay.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
- Phạm vi về nội dung nghiên cứu: Vấn đề xét xử và chất lượng xét xử các
vụ án hành chính được thực hiện bởi các tòa án khác nhau. Trong luận án chỉ tập
trung nghiên cứu chất lượng xét xử các vụ án hành chính của Tòa án nhân dân cấp
tỉnh. Luận án không nghiên cứu chất lượng xét xử các vụ án hành chính của Tòa
5
án nhân dân cấp huyện, Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân tối cao, cũng
như Tòa án quân sự.
- Phạm vi về không gian: Luận án phân tích, đánh giá thực trạng tổ chức
Tòa án nhân dân cấp tỉnh và thực trạng chất lượng xét xử các vụ án hành chính
của Tòa án nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi toàn quốc.
- Phạm vi về thời gian: Những số liệu thống kê làm cơ sở đánh giá thực
trạng tổ chức và chất lượng xét xử các vụ án hành chính của Tòa án nhân dân cấp
tỉnh ở Việt Nam từ năm 2011 đến năm 2017.
4. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu
4.1. Cơ sở lý luận
Luận án nghiên cứu dựa trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư
tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật, các quan điểm của Đảng Cộng sản
Việt Nam về cải cách bộ máy nhà nước nói chung và cải cách tư pháp nói riêng.
4.2. Phương pháp nghiên cứu
Trên nền tảng phương pháp luận duy vật biện chứng và duy vật lịch sử của
triết học Mác-Lênin, luận án sử dụng các phương pháp nghiên cứu như: kết hợp
giữa lý luận và thực tiễn, phân tích và tổng hợp, quy nạp và diễn dịch, lịch sử cụ
thể. Ngoài ra, luận án còn sử dụng một số phương pháp của các bộ môn khoa học
khác như: thống kê, so sánh, lý thuyết hệ thống...
Phương pháp phân tích, tổng hợp được sử dụng ở chương 1 nhằm phân
tích, đánh giá các công trình khoa học có liên quan đến đề tài.
Phương pháp phân tích, tổng hợp được sử dụng ở chương 2 nhằm làm sáng
tỏ những vấn đề lý luận liên quan đến đề tài.
Phương pháp thống kê, so sánh, phân tích, tổng hợp, lý thuyết hệ thống
được sử dụng ở chương 3 trên cơ sở phương pháp luận của Triết học Mác-Lênin,
nhằm đánh giá đúng thực trạng chất lượng xét xử các vụ án hành chính của Tòa án
nhân dân cấp tỉnh.
Phương pháp phân tích, tổng hợp, so sánh, quy nạp - diễn dịch được sử dụng
ở chương 4, để đề xuất các quan điểm, giải pháp phù hợp thực tế, khả thi nhằm bảo
đảm chất lượng xét xử các vụ án hành chính của Tòa án nhân dân cấp tỉnh.
6
5. Những điểm mới của luận án
Luận án là công trình khoa học đầu tiên nghiên cứu toàn diện và hệ thống
cơ sở lý luận và thực tiễn về chất lượng xét xử các vụ án hành chính của Tòa án
nhân dân cấp tỉnh ở Việt Nam hiện nay; vì vậy, luận án có một số điểm mới về
mặt khoa học như sau:
1. Luận án đã xây dựng khái niệm, phân tích đặc điểm và vai trò chất lượng
xét xử các vụ án hành chính của Tòa án nhân dân cấp tỉnh.
2. Luận án xây dựng được các tiêu chí đánh giá chất lượng xét xử các vụ án
hành chính của Tòa án nhân dân cấp tỉnh.
3. Luận án phân tích, chỉ ra được những kết quả, hạn chế và nguyên nhân
thực trạng chất lượng xét xử các vụ án hành chính của Tòa án nhân dân cấp tỉnh ở
Việt Nam hiện nay.
4. Luận án đề xuất các quan điểm và giải pháp bảo đảm chất lượng xét xử
các vụ án hành chính của Tòa án nhân dân cấp tỉnh ở Việt Nam hiện nay.
6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án
- Về lý luận: Kết quả nghiên cứu của luận án góp phần làm phong phú thêm
lý luận về chất lượng xét xử các vụ án hành chính của Tòa án nhân dân cấp tỉnh.
- Về thực tiễn: Những kết quả của luận án sẽ góp phần nhằm nâng cao chất
lượng xét xử các vụ án hành chính của Tòa án nhân dân cấp tỉnh ở Việt Nam hiện
nay. Đồng thời, luận án là nguồn tư liệu tham khảo tốt cho công tác nghiên cứu,
giảng dạy tại các cơ sở đào tạo luật.
7. Kết cấu của luận án
Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục công trình của tác giả đã công bố
liên quan đến luận án và danh mục tài liệu tham khảo, nội dung của luận án gồm 4
chương, 10 tiết.
7
Chương 1
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI
VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA CẦN TIẾP TỤC NGHIÊN CỨU
1.1. TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU TRONG NƯỚC
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về xây dựng nhà nước pháp
quyền Việt Nam theo định hướng XHCN của dân, do dân, vì dân dưới sự lãnh đạo
của Đảng, chúng ta đã và đang thực hiện cải cách tổ chức và hoạt động của bộ máy
nhà nước, trong đó có chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Theo đó, các hoạt
động nghiên cứu khoa học được tiến hành mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, trong đó có
lĩnh vực nghiên cứu hoàn thiện tổ chức và hoạt động của hệ thống TAND nói chung
và TAND cấp tỉnh nói riêng. Trên thực tế đã có được khối lượng đáng kể các công
trình nghiên cứu cả về lý luận và thực tiễn liên quan tổ chức và hoạt động xét xử
của TAND cấp tỉnh. Nghiên cứu về chất lượng xét xử các VAHC của TAND cấp
tỉnh ở nước ta có một số công trình ở cấp độ khác nhau. Những công trình này đặt
nền móng và có những bước phát triển đáng kể mà tác giả có thể tiếp thu, phát triển
trong luận án này. Khi tham khảo những công trình đã được công bố của các tác giả
trong nước, tác giả tìm thấy nhiều điểm tương đồng về quan điểm lý luận và phát
triển những vấn đề mới về chất lượng xét xử các VAHC của TAND cấp tỉnh mà các
công trình khác nghiên cứu ở mức độ hạn chế, chưa toàn diện về chất lượng xét xử
các VAHC của TAND cấp tỉnh.
1.1.1. Nhóm công trình nghiên cứu liên quan đến tổ chức, chức năng
nhiệm vụ của Tòa án nhân dân cấp tỉnh
Liên quan mô hình tổ chức, chức năng nhiệm vụ của TAND nói chung phải
kể đến Đề tài “Cải cách các cơ quan tư pháp, hoàn thiện hệ thống thủ tục tư pháp,
nâng cao hiệu quả và hiệu lực xét xử của Tòa án trong nhà nước pháp quyền xã hội
chủ nghĩa của dân do dân và vì dân” [58]. Công trình này có chất lượng rất cao về
vấn đề lý luận của nhiệm vụ cải cách tư pháp, về khối lượng thủ tục tư pháp nói
chung cần và đủ cho giải quyết án và đặc biệt là các giải pháp nâng cao hiệu quả và
hiệu lực xét xử của Tòa án, mà thực là chất lượng xét xử trong đó có xét xử án hành
8
chính của TAND các cấp. Tác giả tiếp thu được nhiều quan điểm khoa học hợp lý
của đề tài để nghiên cứu đưa vào luận án.
Đề tài khoa học cấp bộ: “Đổi mới chế độ Thẩm phán - Hội thẩm nhân dân
trong tiến trình cải cách tư pháp” của Nguyễn Mạnh Lân [48]. Đề tài tập trung giải
quyết các vấn đề lý luận về tuyển dụng, bổ nhiệm, các tiêu chí tuyển dụng Thẩm
phán; thực trạng đội ngũ Thẩm phán, chế độ đãi ngộ như: lương, phụ cấp ngành,
những bất cập của chế độ đối với Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân (HTND). Đề tài
cũng đã chỉ ra những nguyên nhân khách quan, chủ quan của việc xây dựng chính
sách, chế độ đãi ngộ đối với Thẩm phán và HTND với tư cách là một ngành nghề
có tính chất khá đặc biệt trong hệ thống quyền lực nhà nước. Là những người duy
nhất có chức năng xét xử, phán quyết các vấn đề bức xúc trong xã hội, giải quyết
các tranh chấp trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Mặt khác, đề tài cũng đưa
ra được một số kiến nghị, giải pháp thiết thực để bảo đảm chế độ đối với Thẩm
phán và HTND một cách hợp lý trong tổng thể chế độ cán bộ, công chức, viên
chức ở nước ta hiện nay. Những vấn đề trong đề đề cập và giải quyết có ý nghĩa
thiết thực liên quan đến chất lượng xét xử các VAHC của TAND cấp tỉnh. Bởi vì,
khi chế độ của Thẩm phán, HTND được bảo đảm sẽ góp phần tích cực vào việc
hạn chế tiêu cực trong ngành, đạo đức nghề nghiệp xét xử được tăng cường, Thẩm
phán, HTND yên tâm công tác tập trung cao độ vào công tác chuyên môn xét xử.
Đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ:“Tài phán hành chính - thể chế bảo vệ
bảo vệ các quyền tự do, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức” của Hoàng Thị Kim
Quế [70]. Qua nghiên cứu công trình này, tác giả có được sự đánh giá tổng quan
nhất về vị trí, vai trò của Tòa hành chính (THC) trong cơ chế giải quyết các khiếu
kiện hành chính ở nước ta. Vai trò của Tòa án trong việc kiểm soát quyền lực nhà
nước, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của con người. Mối liên hệ giữa thiết
chế THC với tài phán hành chính, giữa thiết chế giải quyết khiếu nại hành chính với
xét xử hành chính (XXHC) thông qua con đường tư pháp. Mặt khác, cũng tham
khảo được một số điểm khái quát về khiếu nại, khiếu kiện hành chính ở nước ta thời
kỳ phong kiến và từ năm 1945 đến trước đổi mới năm 1986. Sự hình thành và phát
triển của Tòa án trong cơ chế tổ chức quyền lực nhà nước, nguyên tắc tổ chức
quyền lực nhà nước trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam,
9
những nguyên tắc hoạt động của Tòa án,Trên cơ sở đó, xác định rõ hơn về vị trí, vai
trò, chức năng của THC nói chung và THC thuộc hệ thống TAND.
Đề tài cấp bộ: “Nâng cao hiệu quả công tác đánh giá, quy hoạch và luân
chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý ngành Tòa án” của Nguyễn Tường Linh [52]. Đề
tài đã làm sáng tỏ được những vấn đề về lý luận và thực tiễn của công tác quản lý,
sử dụng đội ngũ lãnh đạo của ngành TAND. Đáng chú ý nhất là đề tài đã đã giải
quyết được những vấn đề căn bản về việc sử dụng đội ngũ cán bộ lãnh đạo thuộc
TAND các cấp sao cho có hiệu quả nhất. Trong đó, các nội dung quan trọng về
đánh giá cán bộ lãnh đạo như: mục tiêu đánh giá, phương pháp đánh giá, các tiêu
chí đánh giá… cần có những thay đổi căn bản để đảm bảo nguyên tắc đánh giá cán
bộ một cách khách quan, chính xác, không thiên vị. Vấn đề quy hoạch cán bộ lãnh
đạo, thành công của đề tài là đã chỉ ra được những bất cập trong quy hoạch, bồi
dưỡng, đào tạo và sử dụng nguồn quy hoạch. Cơ chế luân chuyển cán bộ lãnh đạo
trong ngành Tòa án là phù hợp cả về phương diện lý luận và thực tiễn, phù hợp với
chủ trương của Đảng và Nhà nước. Đề tài đã làm rõ được ý nghĩa, vai trò và sự cần
thiết của việc luân chuyển. Đồng thời đã đưa ra được những tiêu chí, giải pháp, cách
thức luân chuyển cán bộ khá hợp lý.
Đề tài khoa học cấp bộ “Khiếu nại hành chính và giải quyết khiếu nại
hành chính trong quản lý và sử dụng đất trên địa bàn thành phố Hà Nội - thực
trạng và giải pháp” do Lê Tiến Hào [27]. Công trình đã này đã căn bản phân tích
được cơ sở lý luận quyền khiếu kiện của tổ chức và công dân khi bị xâm hại đến
quyền sử dụng đất, nhất là trên địa bàn Hà Nội, vốn dĩ công tác quản lý nhà nước
về đất đai khá nhậy cảm và phức tạp. Đề tài đã chỉ rõ những bất cập trong công tác
giải quyết khiếu nại liên quan đến quyền sử dụng đất của các chủ thể sử dụng đất.
Bên cạnh quyền khiếu nại theo thủ tục hành chính công trình đã đề cập đến nhiều
nội dung về quyền khởi kiện, trình tự thủ tục, thẩm quyền giải quyết theo trình tự,
thủ tục tư pháp.
Sách chuyên khảo: “Cải cách tư pháp ở Việt Nam trong giai đoạn xây dựng
Nhà nước pháp quyền” của Lê Cảm, Nguyễn Ngọc Trí [9]. Mặc dù cuốn sách tham
khảo được phát hành khá lâu, nhưng một số vấn đề được giải quyết trong sách vẫn
còn giá trị thực tiễn và giá trị tham khảo đối với luận án. Nhiều vấn đề được luận
10
giải khá thuyết phục như: quan điểm, mục tiêu, phương hướng cải cách; mô hình tổ
chức TAND ở địa phương; vấn đề con người thực thi quyền tư pháp về tiêu chuẩn,
tiêu chí, quy trình tuyển chọn, bổ nhiệm vào các chức danh tư pháp.
Sách chuyên khảo: “Những điểm mới của của Luật Tố tụng hành chính năm
2015” của Nguyễn Văn Cường. Đây là cuốn sách mà tác giả đã thống kê đầy đủ
những điểm mới được Luật Tố tụng hành chính (TTHC) năm 2015 bổ sung, sửa đổi
so với Luật TTHC năm 2010. Luật đã sửa đổi, bổ sung 198 Điều/372 Điều; bổ sung
111 Điều mới; giữ nguyên 63 Điều của Luật TTHC năm 2010. Chẳng hạn sửa đổi,
bổ sung các nguyên tắc tranh tụng, nguyên tắc đối thoại, thẩm quyền xét xử của Tòa
án, quyền, nghĩa vụ của Chánh án, Thẩm phán, kiểm sát viên, người đại diện, người
bảo vệ… Những thông tin và luận giải trong cuốn sách có giá trị so sánh, giá trị
tham khảo về những căn cứ thay đổi, sửa đổi, bổ sung những quy định mới. Đồng
thời lý giải được tại sao phải sửa đổi, sự cần thiết sửa đổi và nhằm đáp ứng những
yêu cầu gì về mô hình tổ chức cũng như chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của Tòa
hành chính và trong quá trình xét xử các VAHC.
Luận án Tiến sĩ: “Tòa hành chính trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ
nghĩa của dân, do dân, vì dân” của Trần Kim Liễu [49]. Luận án đã làm rõ được
những vấn đề về lý luận liên quan đến Tòa hành chính trong hệ thống TAND. Đồng
thời chỉ ra những bất cập của mô hình tổ chức, bất cập về phạm vi thẩm quyền xét
xử các VAHC của TAND, trong đó có TAND cấp tỉnh. Tuy nhiên, nhiều vấn đề
luận án đặt ra cũng đã được giải quyết trong Luật TTHC năm 2015. Mặc dù vậy,
giá trị của những vấn đề về lý luận, về mô hình tổ chức, chức năng nhiệm vụ, cũng
như một số bất cập về bảo đảm tính độc lập của Tòa án trong xét xử các VAHC
chưa được giải quyết một cách cơ bản trong Luật TTHC năm 2015, như thành lập
Tòa hành chính khu vực. Luận án đã tập trung phân tích vị trí, vai trò THC trong
nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân. Đặc biệt luận án
cũng đã đưa ra được một số đảm bảo pháp lý cho tổ chức và hoạt động của THC;
phân tích, đánh giá, bình luận thực trạng tổ chức, hoạt động của THC, những ưu
điểm trong hoạt động, một số hạn chế, nguyên nhân của hạn chế về bảo đảm pháp
lý đối với việc tổ chức và hoạt động của THC. Tuy nhiên luận án chỉ đề cập và giải
quyết những vấn đề chung về THC, chưa chuyên sâu về THC trong TAND cấp tỉnh
Luận án đủ ở file: Luận án full