Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh trong lòng người ở lại
Hà Linh
20 năm trước, vụ tai nạn trên đường 5 làm chấn động làng văn nghệ VN, làm ngơ
ngác những người yêu cặp vợ chồng tài hoa bạc mệnh. Khi nỗi đau dần nguôi, khi
vượt qua sự bàng hoàng, bạn bè thân thiết của họ tự an ủi: tạo hóa đã dựng nên một
huyền thoại về những con người tài năng.
Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn, nhà thơ Bằng Việt và NSND Hoàng Dũng chia sẻ với
VnExpress.net kỷ niệm và những ấn tượng của mình về nhà viết kịch Lưu Quang Vũ cùng người
bạn đời của anh - nhà thơ Xuân Quỳnh.
Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn: Vũ và Quỳnh đã trải hết hạnh phúc và đắng cay của cuộc
đời nghệ sĩ
Lưu Quang Vũ để lại trong tôi ấn tượng về một con người rất tự tin, đầy chất đàn ông và lãng tử.
Chúng tôi cùng lứa cùng tác, vào nghề gần như cùng lúc, lại rất hay chơi với nhau. Nhưng tôi vẫn
cảm thấy có khoảng cách, thấy thiếu tự tin, thấy lạc lõng trước những câu chuyện của Vũ. Sinh ra
trong một gia đình con nhà nòi, Vũ coi văn nghệ như là chuyện nhà mình. Anh thản nhiên kể
mình được gặp Nguyễn Tuân ra sao, trèo cây nghe lỏm cán bộ văn nghệ họp thế nào… Với
những trí thức kiểu tỉnh lẻ như chúng tôi, đó là những chuyện rất đỗi cao sang, xa lạ. Nhưng với
Vũ thì không.
Vũ thành danh từ rất sớm, với những bài thơ nổi tiếng được in chung trong tập Hương cây - Bếp
lửa cùng Bằng Việt. Đó là giai đoạn đầu rực rỡ tài năng của anh. Sau khi rời khỏi bộ đội, Vũ có
thời gian sống rất vất vưởng, vô định, sáng tác những bài thơ mang màu sắc "dòng nước ngược".
Trong tâm thế anh luôn mang cái mặc cảm bị xa lánh, bị coi là con chiên ghẻ. Đọc những bài thơ
Vũ viết thời kỳ này, chúng tôi vừa thích, vừa sợ cái giọng điệu cay đắng đó. Theo tôi, sẽ là thiếu
sót quan trọng nếu nói đến thơ ca chống Mỹ mà không đề cập đến những vần điệu buồn, đầy băn
khoăn, trăn trở của một nghệ sĩ mang tâm thế đối diện với đất nước của Vũ. Giai đoạn cuối đời,
Lưu Quang Vũ viết khủng khiếp. Tài năng và sức làm việc phi thường của anh đã góp phần mang
đến cho sân khấu Việt Nam một thời hoàng kim.
Nhà viết kịch Lưu Quang Vũ. Ảnh tư liệu.
Con người Vũ mang chất Hà Nội lịch thiệp và sang trọng. Hồi sống với Tố Uyên, hằng ngày anh
vẫn chở Uyên đi làm, rồi thường ghé vào một quán cafe, làm thơ trong lúc ngồi chờ vợ. Lúc bấy
giờ, cách sống đó, thói quen đó với chúng tôi là rất xa lạ, rất sang. Vũ hào hoa và có nhiều người
tình, nhưng không nên tầm thường hóa cuộc sống riêng của Vũ. Tình yêu nào của Vũ cũng lớn,
cũng đẹp. Đó là mối tình say đắm với Tố Uyên, mối tình vừa muốn lao đến, vừa muốn vứt bỏ với
họa sĩ Nguyễn Thị Hiền và thứ tình yêu nặng nghĩa, liên tài, nâng đỡ nhau lên với Xuân Quỳnh.
Lưu Quang Vũ, ở một góc độ nào đó, là nhà thơ của phụ nữ và tình yêu. Đối với anh, đàn bà
không có tuổi.
Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh đã đi hết những đường biên của một đời nghệ sĩ, cả hạnh phúc lẫn
đắng cay. Tôi ít gần gũi với Quỳnh hơn. Nhưng chị là một tài năng thơ có giọng điệu, gương mặt
riêng. Trong cuộc sống đời thường, Quỳnh rất biết trân trọng hiện tại, biết cách tận hưởng hạnh
phúc, sống say mê với thời của mình. Cuộc hôn nhân của họ là cái duyên tất yếu của hai tài năng.
Chị đã có những giây phút thăng hoa trong tình yêu nhưng cũng có những lúc phải đóng vai của
một người hạnh phúc. Tôi nghĩ, đó là một tình yêu, mà ngoài tạo hóa, không ai tạo ra nổi.
Vợ chồng Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh. Ảnh tư liệu.
NSND Hoàng Dũng: Nhớ 100 đồng mừng tuổi và cái tình của anh Vũ chị Quỳnh
Tôi gặp Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh lần đầu tiên tại nhà của nghệ sĩ Trần Tiến - Lê Mai. Hôm
đó, anh Vũ có bảo với bác Trần Tiến về tôi rằng: “Em rất thích khuôn mặt của thằng này, trông
rất thông minh”. Về sau, khi Lưu Quang Vũ cộng tác với Đoàn kịch Hà Nội, tôi thường xuyên
đóng vai chính trong các vở kịch của anh. Mối quan hệ giữa tôi và vợ chồng anh chị ngày một
gần gũi, thân thiết, như người trong nhà. Một năm, vào ngày 30 Tết, anh chị rủ tôi và diễn viên
Minh Trang đến nhà ăn cơm. Tôi còn nhớ, nhà anh chị chật lắm, có mấy mét vuông thôi lại toàn
sách là sách. Cơm nước xong, tôi thấy anh Vũ cứ lần khần, dáng điệu bồn chồn, bối rối mà không
hiểu tại sao. Khi chị Quỳnh vừa bưng mâm xuống bếp, anh dúi cho tôi và Minh Trang 100 đồng,
nói là tiền mừng tuổi hai đứa. Tôi mới hiểu sự lần lữa của anh và rất cảm động. Thật ra, cũng
không hẳn là anh phải giấu chị, nhưng trong lúc còn nghèo khó, có lẽ anh muốn làm việc đó riêng
tư hơn một chút. Chúng tôi cầm tiền mà thấy nghẹn ngào.
Ngồi chơi một lúc nữa, chúng tôi xin phép ra về. Chị Quỳnh tiễn hai đứa. Đến tận chân cầu thang,
chị mới rút ra 100 đồng, dấm dúi đưa cho chúng tôi, mừng tuổi hai đứa. Tôi thật sự lúng túng,
nửa muốn nói anh đã cho chúng em rồi, nửa muốn giấu vì anh đã tế nhị như thế. Còn Minh Trang
thì òa khóc và nói: "Anh Vũ đã mừng tuổi chúng em rồi". Nhưng chị Quỳnh bảo: "Đó là tiền của
anh, còn đây là của chị". Quả thực, chúng tôi vừa thấy hạnh phúc, vừa thấy xót xa, anh chị cũng
chẳng dư dật gì. Nó không chỉ là chuyện "một miếng khi đói bằng một gói khi no" mà quý hơn
hết thảy là cái tình của anh chị.
Nhà thơ Xuân Quỳnh. Ảnh tư liệu.
Nhà thơ Bằng Việt: Không ai cầm được nước mắt khi thấy 3 cỗ quan tài của Vũ, Quỳnh và
bé Thơ
Trước chuyến đi định mệnh đó, tôi có gặp Vũ. Anh bảo sẽ đưa gia đình đi đổi gió chừng vài ngày.
Vũ hứa khi về sẽ gửi tôi một chùm thơ cho báo Văn Nghệ và Người Hà Nội. Nhưng đến chiều tối
ngày 29/8/1988, vừa ở cơ quan về nhà, tôi nhận được tin báo của nhà văn Nguyễn Khắc Phục về
vụ tai nạn của Vũ. Rồi thông tin cứ thế đến dồn dập. Cho đến lúc một đạo diễn của Đoàn kịch Hà
Nội gọi điện thông báo, cả Vũ, Quỳnh và bé Thơ đều đã mất thì tôi rất choáng váng, không tin
nổi. Anh em văn nghệ sĩ liền đạp xe đến nhà nhau, rồi đang đêm rủ nhau đi lên đường 5, nơi vụ
tai nạn khủng khiếp xảy ra. Thực sự, tôi vẫn cảm thấy kinh hoàng khi nhớ lại ngày hôm đó, một
định mệnh quá nghiệt ngã.
Linh cữu của Vũ, Quỳnh và bé Thơ sau đó được quàn ở Trụ sở Hội Văn nghệ, 51 Trần Hưng
Đạo. Không ai có thể cầm được nước mắt khi chứng kiến 3 cỗ quan tài đặt song song với nhau, 2
cái lớn, 1 cái bé - bi kịch ập đến quá khủng khiếp và đường đột. Cùng với sự mất mát này, giới
văn nghệ lúc đó còn rất hoang mang trước những tin đồn về cái chết của họ. Quả thực, làng văn
đã có những ngày ảm đạm.
Tôi nhớ rằng trước đó, mình chưa từng chứng kiến đám tang nào ở Hà Nội đông hơn thế. Hàng
chục nghìn người dân Hà Nội đã đưa họ từ nhà tang lễ, qua gia đình ở Phố Huế thắp hương rồi
đến nghĩa trang. Người đi bộ, người đi xe đạp, người xe máy lặng lẽ đi bên linh cữu của những
nhà thơ tài năng bậc nhất lúc bấy giờ.
Ngày 27/8/1988, Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh và con trai của họ - bé Quỳnh Thơ và gia đình họa
sĩ Doãn Châu xuống làm việc với Đoàn kịch Hải Phòng. Trong chuyến đi này, họ tranh thủ nghỉ
ngơi, tắm biển tại Đồ Sơn.
Chiều 29/8, trên chuyến xe trở về, khi vừa qua cầu Phú Lương (Hải Dương) thì chiếc xe chở họ
gặp tai nạn. Người tài xế đâm vào chiếc xe của họ bị xử 12 năm tù.