Tải bản đầy đủ (.doc) (8 trang)

DICH THUAT VA NGHIEN CUU VAN HOC NHAT BAN o VIET NAM

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (57.22 KB, 8 trang )

Nhật Bản không chỉ là một cường quốc về kinh tế mà còn là một đất nước có nền văn học
phát triển từ rất sớm.
Truyền thống văn học của Nhật Bản khởi đầu bằng tác phẩm Kojiki phát triển qua các
thời kỳ cổ đại, trung đại và cận hiện đại gắn với tên tuổi của các nhà văn S. Murasaki, M.
Basho, R. Akutagawa, Y. Kawabata, K. Oe, Y. Mishima, Kobo Abe… Việc hai nhà văn
Nhật Bản nhận giải thưởng Nobel văn chương đã khẳng định vị trí của văn học Nhật
trong khu vực và trên thế giới. Văn học Nhật Bản được phổ biến và nghiên cứu ở nhiều
nước từ khá lâu. Nhưng ở Việt Nam, tình hình dịch thuật, nghiên cứu văn học Nhật Bản
do một số nguyên nhân khách quan và chủ quan nên diễn ra chậm hơn so với một số nền
văn học khác. Trong bài viết này, chúng tôi phác thảo một số nét cơ bản của việc phổ biến
văn học Nhật ở Việt Nam trên hai phương diện: dịch thuật và nghiên cứu.
I. Nhận xét chung:
Trong giao lưu văn hoá, văn học với các nước trong khu vực và thế giới, văn học Nhật
Bản đến với Việt Nam chậm hơn so với văn học Trung Quốc, văn học Pháp, văn học Liên
Xô (cũ) nhưng lại sớm hơn nếu so sánh với văn học Đức, Anh, Mỹ và văn học một số
nước khác. Công chúng nước ta đã có những cuộc tiếp xúc đầu tiên diễn ra vào đầu thế kỉ
XX với văn hoá và văn minh Nhật Bản gắn với phong trào Đông Du của Phan Bội Châu
và phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục của các sĩ phu yêu nước Việt Nam. Từ phong trào
Duy Tân và qua những bức thư Hải ngoại huyết thư gửi về nước, Phan Bội Châu đã giới
thiệu với người Việt Nam không chỉ những vấn đề về chính trị, kinh tế, xã hội mà cả
những giá trị văn hoá, tinh thần của đất nước Nhật Bản. Cùng với Phan Chu Trinh, Phan
Bội Châu là người đã đặt nhịp cầu đầu tiên cho sự giao lưu văn hoá Việt – Nhật vào đầu
thế kỷ XX. Và tác phẩm Giai nhân kỳ ngộ do cụ Phan Chu Trinh chuyển thể từ tác phẩm
cùng tên của Sài Tứ Lang qua bản dịch của Lương Khải Siêu (Giai nhân chi kỳ ngộ) bằng
tiếng Hán được đánh giá là tác phẩm văn học Nhật xuất hiện sớm nhất ở Việt Nam.
Trong những thập niên 30, 40 của thế kỷ XX, mối giao lưu văn hoá với Nhật Bản dường
như bị ngắt quãng, thay vào đó là chúng ta hướng đến phương Tây. Phải đến những năm
của Thế chiến thứ II, khi Nhật vào Đông Dương thì văn học Nhật Bản mới có điều kiện
quay trở lại. Việc tài trợ cho một số tờ báo như: Tạp chí Tây á, Đại Đông á chiến tranh,
Đông Dương tạp chí… và lôi kéo một số văn nghệ sĩ nước ta phục vụ cho mục đích chiến
tranh của phát xít Nhật đã ít nhiều góp phần vào việc phổ biến văn hoá Nhật đối với công


chúng Việt Nam. Đồng thời với việc tuyên truyền tinh thần “võ sĩ đạo”, nghệ thuật “trà
đạo”, nghệ thuật cắm hoa.v.v… nhằm quảng cáo cho chế độ văn minh của nước Nhật, thơ
Haiku cũng được đề cao.
Từ những năm sau hoà bình lập lại (1954) và tiếp đến những thập kỷ 60, 70 trong không
khí giao lưu với văn học thế giới, văn học Nhật Bản bắt đầu được giới thiệu ở nước ta
nhiều hơn. Những tác phẩm văn xuôi có giá trị lần lượt được dịch ở hai miền.
Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng (1975), đặc biệt bước vào thời kỳ đất nước đổi
mới của những thập niên cuối những năm 70, 80 và 90 của thế kỷ XX, văn học Nhật Bản
được dịch và nghiên cứu trên một bình diện rộng lớn hơn. Bên cạnh công tác dịch thuật,


biên dịch một cách khá hệ thống các tác phẩm văn học Nhật Bản từ cổ đại đến hiện đại
với những tác giả tiêu biểu, công việc nghiên cứu và giảng dạy văn học Nhật Bản trong
hệ thống giáo dục phổ thông đến đại học ngày càng phát triển mạnh cả về số lượng lẫn
chất lượng. Chính nhờ những đóng góp to lớn của các dịch giả, các nhà nghiên cứu và
giảng dạy mà văn học Nhật được phổ biến sâu rộng đối với đông đảo độc giả trong cả
nước.
Góp phần quảng bá, giới thiệu văn học Nhật phải kể đến công sức của các nhà xuất bản,
các tạp chí, các báo trung ương và địa phương. Những tạp chí như: Tạp chí Văn học, Tác
phẩm mới, Tạp chí Nghiên cứu Nhật Bản và Đông Bắc á, Tạp chí Văn học nước ngoài,
Tạp chí Văn (miền Nam trước 1975)… đã đăng tải các tác phẩm hoặc có những chuyên
đề, chuyên san nghiên cứu, giới thiệu về văn học Nhật Bản. Như vậy, quá trình và con
đường văn học Nhật Bản đến với độc giả Việt Nam diễn ra qua các thời kỳ khác nhau gắn
với những vấn đề chính trị, xã hội của đất nước ta. Chúng ta thấy điều này rõ hơn trong
vấn đề dịch thuật và nghiên cứu.
II. Một số nét về công tác dịch thuật văn học Nhật Bản ở Việt Nam.
Như trên chúng tôi đã nói, việc giới thiệu văn học Nhật Bản ở nước ta chậm hơn so với
việc tiếp nhận văn học một số nước khác. Điều này không chỉ bị hạn chế bởi hàng rào
ngôn ngữ (những dịch giả thông thạo tiếng Nhật còn ít) mà do nước ta phải trải qua
những năm tháng chiến tranh, chia cắt lâu dài và hơn nữa đã có một thời gian phát xít

Nhật chiếm đóng nước ta từ trước 1945 nên việc quan tâm đến một nền văn học trong
khu vực còn chưa đúng mức.
1. Trong việc dịch thuật, trước hết phải nói đến vấn đề ngôn ngữ, sau mới đến trình độ
văn hoá và kinh nghiệm của người dịch. Chúng ta tiếp nhận văn học Nhật Bản thông qua
các bản dịch từ tiếng Hán, Trung Quốc, Nga, Pháp, Anh và tiếng Nhật. Thời kỳ đầu, các
bản dịch sớm nhất từ tiếng Hán hoặc tiếng Pháp. Về sau xuất hiện một số tác phẩm được
dịch từ tiếng Nga, Anh. Nếu ở miền Nam trước 1975, văn học Nhật Bản thường được
dịch từ tiếng Nhật, tiếng Anh, thì ngược lại ở miền Bắc chủ yếu là qua ngôn ngữ Nga,
Pháp và Trung Quốc hiện đại. Điều đó nói lên rằng, văn học Nhật Bản đã vào nước ta
thông qua các bản dịch từ nhiều ngôn ngữ khác nhau nên rất phong phú và đa dạng.
2. Các nhà xuất bản trong nước giữ vai trò chủ đạo trong việc in ấn các tác phẩm văn học
Nhật Bản. Bên cạnh các nhà xuất bản lớn như Nxb Văn học, Nxb Hội nhà văn, Nxb
Thanh niên, Nxb Lao động… của Trung ương, một số nhà xuất bản ở địa phương như
Nxb Tổng hợp Kiên Giang, Nxb Tổng hợp Phú Khánh, Nxb Văn hoá Thông tin Nghĩa
Bình, Nxb Đà Nẵng… đã góp phần quan trọng vào việc giới thiệu những tác phẩm văn
học Nhật Bản. Mặc khác, để cho công chúng nước ta tiếp xúc được nhiều tác phẩm văn
học Nhật Bản hơn, nhiều tạp chí, báo trung ương và các tỉnh đã đăng tải các truyện ngắn,
trích dịch tiểu thuyết (Tạp chí Văn học nước ngoài, Tạp chí Tác phẩm mới, Báo Văn
nghệ, Văn nghệ trẻ, Tạp chí Sông Hương, Tạp chí Cửa Việt… ). Đây quả là “con đường
tắt” có hiệu quả nhất để tiếp nhận văn học Nhật Bản ở nước ta.


3. Nhìn lại việc dịch thuật văn học Nhật Bản trong thế kỷ qua, chúng ta mới thấy hết tính
ưu việt đường lối đổi mới của Nhà nước trong việc tiếp thu những tinh hoa của văn học
thế giới để góp phần xây dựng nền văn hoá Việt Nam giàu bản sắc dân tộc, đồng thời
khẳng định đóng góp của những người làm công tác “chuyển ngữ” thầm lặng.
Trong công tác dịch thuật, các dịch giả nước ta đã chọn dịch và giới thiệu khá bao quát
một số tác giả, tác phẩm tiêu biểu qua các giai đoạn phát triển của văn học Nhật Bản từ
thời cổ đại đến hiện đại. Chính điều này đã giúp cho độc giả Việt Nam có cái nhìn tương
đối khái quát về tiến trình phát triển của văn học Nhật Bản. Một số thể loại thơ cổ nổi

tiếng của Nhật Bản như thể haiku, tanca, renca; những tập thơ như Vạn diệp tập (trích),
thơ Haiku của Basho; các truyện cổ Nhật Bản như Truyện dân gian Nhật Bản, Hẹn mùa
hoa cúc, Truyện cổ Nhật Bản, Truyện cổ tích dân gian Nhật Bản, các tác phẩm mang tính
chất cổ điển và nổi tiếng của Nhật Bản thời cổ, trung đại như Truyện kể về Genji, Truyện
vũ tướng Taira… đã được giới thiệu ở Việt Nam khá sớm. Những tác phẩm thời cận hiện
đại và đương đại của văn học Nhật Bản được dịch nhiều hơn cả. Đó là những tác phẩm
của R. Akutagawa (Tuyển tập truyện ngắn, Truyện một người đãng trí…), Y. Kawabata
(Tiếng rền của núi, Ngàn cánh hạc, Cố đô, Người đẹp ngủ say, Thuỷ nguyệt, Xứ tuyết, Cô
đào miền Izu,…), Y. Mishima (Trả thù, Tã lót, Ngôi đền vàng, Chiều hôm lỡ bước, Sóng
tình, Người thuỷ thủ bị biển khước từ, Khát vọng yêu đương…), K. Abe (Khuôn mặt
người khác, Người đàn bà trong cồn cát…), D. Watanabe (Đèn không hắt bóng), N.
Soseki (Tình yêu không quên, Nỗi lòng), H. Murasaki (Rừng Nauy) và một số tác giả
khác.
Bên cạnh việc chú ý đến các thời kỳ văn học Nhật Bản, vấn đề thể loại cũng được đặt ra
với người dịch. Về góc độ tiếp nhận văn học, phải nói rằng, chúng ta đã chọn dịch, giới
thiệu khá đầy đủ các thể loại. Về thơ, mặc dù còn nhiều hạn chế nhưng hầu hết các thể
thơ cổ hay của Nhật Bản (tanca, renca, haiku) đã được chọn dịch. Việc tuyển chọn, giới
thiệu nhà thơ M. Basho – tác giả tiêu biểu của thơ haiku (Cuốn M. Basho và thơ Haiku
Nhật Bản của Nhật Chiêu, Nxb TP Hồ Chí Minh) là một ví dụ. Có thể nói rằng, mảng văn
xuôi Nhật Bản được chú trọng dịch nhiều hơn. ở thể loại này có nhiều tác giả, tác phẩm
lớn và có hai nhà văn đạt giải Nobel là Kendaburo Oe và Kawabata Yasunari. Bên cạnh
các truyện cổ dân gian, một số truyện trinh thám, truyện tranh, nhiều truyện ngắn, truyện
vừa và tiểu thuyết Nhật Bản đã lần lượt được giới thiệu với công chúng Việt Nam (Tuyển
tập truyện ngắn của R. Akutagawa, Tuyển tập truyện ngắn Nhật Bản hiện đại, Tập truyện
Hạc chiều, Tập truyện Trăng soi đáy nước…, tiểu thuyết, truyện ngắn của Y. Kawabata,
K. Oe, K. Abe, H. Murasaki… )
Việc dịch và giới thiệu văn học Nhật Bản ở nước ta trong thế kỷ XX và những năm đầu
thế kỷ XXI, cũng diễn ra không đồng đều qua các thời kỳ. Những năm đầu thế kỷ XX,
ngoài tác phẩm Giai nhân kỳ ngộ do Phan Chu Trinh chuyển thể thì hầu như vắng bóng
văn học Nhật Bản trên đất nước ta. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược và phát

xít Nhật, đặc biệt những năm diễn ra Chiến tranh Thế giới thứ II cho đến trước khi hoà
bình lập lại ở miền Bắc, ngoài tác phẩm Cuộc tái ngộ của Kiyoshi Kamatu do Nguyễn
Giang dịch (Trung Bắc Tân văn, 1945) và một số phóng tác, chuyển thể (chủ yếu là cho
sân khấu), văn học Nhật Bản được độc giả nước ta biết đến phần lớn là thông qua các
hoạt động của báo chí.


Những thập niên 60,70 mặc dù chưa nhiều, nhưng đã xuất hiện một số tác phẩm văn học
Nhật Bản xuất bản thành sách hoặc đăng trên tạp chí và báo chí trong nước. ở miền Bắc,
những năm này chỉ mới xuất hiện rất khiêm tốn một số tác phẩm như: Khu phố không có
mặt trời của Sunao Tokunaga (Nxb Lao Động -1961), Núi đồi yên lặng (2 tập, Nxb Văn
học, 1962), Mây gió Hakênê của Tabakura Têrơ (Nxb Văn học, 1963), Cánh đồng Busu
của Miyamôto Yurike (Nxb Văn học, 1964), Tập truyện Sợi xích trắng của nhiều tác giả
(Nxb Lao động, 1966), Khuân mặt người khác của A.Kobe (Nxb Văn học, 1969). Trong
khi đó ở miền Nam trước năm 1975, văn học Nhật Bản được dịch với một số lượng lớn
hơn. Không chỉ qua các bản Anh ngữ, Pháp ngữ mà đã có một số tác phẩm dịch thẳng từ
tiếng Nhật. Theo thống kê chưa đầy đủ, chúng ta cũng thấy được văn học Nhật Bản khá
phổ biến ở miền Nam vào thời kỳ này (Thơ M.Basho – Vũ Hoàng Chương dịch, 1969,
Cô đào miền Izu, Ngàn cánh hạc, Tiếng núi rền của Y.Kawabata do Vũ Thanh Thư dịch
( Tạp chí Văn số tháng 10/1969), Nắng mùa hè, Phòng tra tấn của Shintano Ishihara do
Nguyễn Minh Hoàng và Nhã Điền dịch (Tạp chí Văn miền Nam số 57/1966), tiểu thuyết
Kim Cát tự (Y.Mishima – Nxb An Tiêm, Sài Gòn, 1970), Truyện một người đãng trí
(V.Akutagana – Nxb Từ Chương, Sài Gòn, 1970 …)
Từ những năm 80, 90 của thế kỷ XX trở đi, khi đất nước thống nhất và tiến hành đổi mới,
văn học Nhật Bản được giới thiệu với một khối lượng lớn gấp nhiều lần so với các thời
gian trước. Độc giả cả nước tiếp xúc với tác phẩm của nhiều nhà văn lớn của Nhật Bản
mang phong cách nghệ thuật khác nhau. Chúng tôi xin thống kê một số tác phẩm được
dịch trong giai đoạn này như: Đường đến nguồn nước (Nxb Lao động, 1984), Người đàn
bà mà tôi ruồng bỏ (Nxb Lao động, 1984), Hạnh phúc và bất hạnh (Nxb Phụ nữ, 1985),
Kẻ lừa đảo (Nxb Văn học, 1991), Ngôi đền vàng (Nxb Thanh niên, 1990), Núi đồi yên

lặng (Nxb Văn học, 1992), Dòng sông sao (Nxb Lao động, 1993), Xứ tuyết (Nxb Hội nhà
văn, 1995), Giấc mộng đàn bà (Nxb Văn học, 1997), Tuyển tập Truyện ngắn
R.Akatagawa (Nxb Hội nhà văn, 2000), Tuyển tập Y.Kawabata (Nxb Hội nhà văn, 2001),
Những người Nhật bị lãng quên (Nxb Giáo dục, 2002)… Ngoài ra còn có hàng chục
truyện ngắn khác được giới thiệu trên các tạp chí, báo khắp cả nước. Công chúng Việt
Nam bây giờ mới thực sự đón nhận những tinh hoa của văn học Nhật Bản một cách khá
đầy đủ.
III. Vài nét về việc nghiên cứu văn học Nhật Bản ở Việt Nam
Bên cạnh dịch thuật, việc nghiên cứu văn học Nhật Bản ở nước ta cũng là một vấn đề lớn
cần xem xét, đánh giá. Hai vấn đề trên dường như song hành với nhau trong quan niệm
của tiếp nhận văn học, trong đó việc định hướng, thẩm định và chỉ ra những đặc sắc nghệ
thuật của văn học Nhật Bản trước hết thuộc về những nhà nghiên cứu và giảng dạy văn
học. Đây là một vấn đề lớn cần phải có sự bao quát, chúng tôi mới chỉ nêu lên một vài nét
chung nhất tập trung vào vấn đề nghiên cứu của các tác giả Việt Nam và cả những bài
nghiên cứu của các tác giả nước ngoài về văn học Nhật Bản đã được dịch sang tiếng Việt.
Như vậy, chúng ta sẽ có cái nhìn tương đối rộng hơn về các mặt của nền văn học lớn này.
1. So với dịch thuật, việc nghiên cứu văn học Nhật Bản ở nước ta diễn ra chậm hơn rất
nhiều. Trong mảng nghiên cứu phê bình này, trước hết phải nói đến những công trình đã
xuất bản thành sách và các bài viết đăng trên các tạp chí và báo chí của tác giả Việt Nam.


Nhìn chung, các nhà nghiên cứu khi giới thiệu văn học Nhật Bản đã hướng đến những
vấn đề chủ yếu như: vấn đề tác giả, tác phẩm; vấn đề thể loại, vấn đề nội dung và nghệ
thuật, phác thảo các giai đoạn văn học và vấn đề so sánh văn học … Bằng những công
trình và bài viết theo những định hướng đó, các tác giả đã cung cấp cho người đọc những
vấn đề cơ bản trong việc tiếp nhận văn học Nhật Bản.
Những bài nghiên cứu đầu tiên về văn học Nhật Bản xuất hiện từ những năm 60, 70 như:
Tiểu thuyết Nhật Bản của Mai Chương Đức (Tạp chí Văn học (miền Nam), số 90 –
6/1969), Vài nét về thơ Nhật Bản I.Takuboku của Vĩnh Sính (Tạp chí Văn học (miền
Nam) số 90- 6/1969),Yếu tố Eros trong truyền thống văn học Nhật Bản của Uyên Minh

(Tạp chí Văn học (miền Nam) – 6/1969), Kawabata Yasunari – Cuộc đời và sự nghiệp
của Vũ Thư Thanh (Tạp chí Văn(miền Nam) số 140 – 10/1969). Kawabata – nhà văn
Nhật Bản đầu tiên được giải Nobel văn học của Mai Chương Đức, Tạp chí Văn học (miền
Nam) số 144 – 3/1972)… đã cung cấp cho người đọc những kiến thức nhất định về nền
văn học này. Những năm 80, đặc biệt những năm 90 trở về sau, xuất hiện ngày càng
nhiều các công trình và bài viết đề cập đến văn học Nhật Bản. Về sách, có thể khẳng định
những đóng góp lớn của Nhật Chiêu – chuyên gia về văn học Nhật Bản – sau đó là Hữu
Ngọc và Lưu Đức Trung. Từ năm 1994 đến cuối năm 2000, Nhật Chiêu đã có 5 đầu sách
về văn học Nhật Bản (Basho và thơ Haiku, 1994; Nhật Bản trong chiếc gương soi, 1997;
Thơ ca Nhật Bản, 1998; Câu chuyện văn chương phương Đông, 1998 và Văn học Nhật
Bản từ khởi thuỷ đến 1868, 2000). Nếu Hữu Ngọc với cuốn Dạo chơi vườn văn Nhật Bản
(Nxb Giáo dục, 1992) đưa người đọc “chu du” một vòng trong thế giới thơ văn Nhật Bản
từ cổ đến hiện tại thì Lưu Đức Trung đi vào giới thiệu một tác giả tiêu biểu với cuốn Y.
Kawabata – Cuộc đời và tác phẩm, (Nxb Giáo dục, 1997).
Cùng với những công trình nghiên cứu có qui mô mang tính loại hình tác giả và thể loại,
hàng chục bài nghiên cứu phê bình xuất hiện ngày càng nhiều trên tạp chí và báo chí.
Nhiều bài đăng tải ở một số tạp chí lớn có uy tín như: Tạp chí Văn học, Tạp chí Nghiên
cứu Nhật Bản, Tạp chí Văn học nước ngoài. Bàn về những vấn đề chung của văn học
Nhật Bản là hướng tiếp cận của một số tác giả nghiên cứu. Với cái nhìn khái lược, theo
chiều lịch đại hoặc đồng đại, các bài viết đã phác hoạ diện mạo chung của văn học Nhật
Bản. Có thể kể một số bài như: Văn học Nhật Bản từ thời Minh Trị đến nay của Nguyễn
Tuấn Khanh (Viện Thông tin KHXH, 1998), Vài đặc điểm văn nghệ Nhật Bản 1945 –
1950 của Lê Trường Sa (Văn học (miền Nam) số 144/1972), Một số nhà văn lớn của văn
học Nhật Bản hiện đại của Nguyễn Tuấn Khanh (Nghiên cứu Nhật Bản, 6/1998), Một số
nét đặc trưng của văn học Nhật Bản của Trần Hải Yến (Nghiên cứu Nhật Bản số 4/1999).
Nghiên cứu cụ thể một tác giả, tác phẩm của văn học cũng là vấn đề được một số người
viết quan tâm. Tất nhiên, những tác giả và tác phẩm được nói đến phần lớn đã được dịch
ở nước ta và nổi tiếng trên thế giới hoặc tiêu biểu cho một giai đoạn văn học nào đó. Nhà
văn nhận giải Nobel đầu tiên vào năm 1968 (Y. Kawabata) được bàn đến nhiều nhất (Thế
giới Kawabata Yasunari (Hay là cái đẹp: Hình và Bóng) của Nhật Chiêu (Tạp chí Văn

học số 3/2000), Kawabata Yasunari và thẩm mỹ của chiếc gương soi của Nhật Chiêu
(Nghiên cứu Nhật Bản số 4/2000), Kawabata Yasunari – Người lữ khách ưu sầu đi tìm cái
đẹp của Lê Thị Hường (Sông Hương số 154/2001). Về tác giả Kedaburo Oe (giải Nobel
văn chương 1994) có một số bài: Kedaburo Oe và những huyền thoại về cuộc đời của


Nhật Chiêu (Kiến thức ngày nay, số 155/1994), Kedaburo Oe đoạt giải Nobel văn chương
của Bích Phương (Kiến thức ngày nay, số 155/1994). Một số bài nói đến nhà văn A. Kobe
và M. Basho và R. Akutagawa (Thế giới của Abc Kobe của Nhật Chiêu, Nhà văn R.
Akutagawa và Matsuo Basho, nhà thơ lớn của thể thơ Haiku của Nguyễn Tuấn Khanh.
Tác phẩm Manyosu (Vạn diệp tập) – Một tập thơ nổi tiếng dưới thời Nara (thế kỷ thứ
XIII) được Nhật Chiêu giới thiệu trên Tạp chí văn học số 9/1997 (Manyosu (Vạn diệp
tập) Hay là thơ ca từ mọi nẻo đường).
Nhìn văn học Nhật Bản ở góc độ so sánh loại hình, một số bài viết đã chỉ ra những điểm
tương đồng và dị biệt về quan niệm văn học trong văn học cổ Việt Nam và Nhật Bản (So
sánh quan niệm văn học trong văn học cổ Việt Nam và Nhật Bản của Đoàn Lê Giang –
Tạp chí Văn học số 9/1997). Về sự ra đời của từ văn học và quan niệm mới về văn học ở
một số nước Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản có bài Sự ra đời của từ văn học và quan
niệm mới về văn học của các nước Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản (Tạp chí Văn học số
5/1998).
Chiếm số lượng lớn là các bài viết nghiên cứu văn học Nhật Bản từ góc độ thể loại hoặc
đi vào những vấn đề cụ thể. Về thể loại thơ, xuất hiện một số bài bàn về thơ Nhật Bản nói
chung (chủ yếu là thơ hiện đại) như Đôi điều về thơ Nhật Bản của Nguyễn Xuân Sanh
(Tác phẩm mới số 4/1992), Thu và thơ Nhật Bản của Nguyễn Vỹ (Phổ thông số 43/1982).
ở các bài này, người viết giới thiệu cho chúng ta những điểm cơ bản của thơ ca Nhật Bản.
Được nhiều người quan tâm hơn cả là thể thơ Haiku trong thơ ca Nhật Bản. Đây là một
thể loại rất đặc trưng gắn với đất nước, con người Nhật và nổi tiếng trên thế giới. Nếu
một số bài như Tìm hiểu thơ Haiku Nhật Bản của Nhật Chiêu (Sông Hương số 21/1986),
Vài nét về thơ Haiku với thi bá Basho của Châm Vũ Nguyễn Văn Tần (Văn học (miền
Nam) số 90/1969), Cảm nhận về thơ Haiku (Tác phẩm mới số 4/1992), Basho và Hài cù

đạo của Nhật Chiêu (Kiến thức ngày nay) nói đến những điểm chung của thể thơ Haiku
thì một số bài khác lại nghiên cứu và chỉ ra những đặc trưng cụ thể về nội dung và nghệ
thuật của thơ Haiku như Cấu trúc nghệ thuật thơ Haiku của Nguyễn Tuấn Khanh (Văn
học số 10/1999), Một số đặc điểm của thơ Haiku Nhật Bản của Hà Văn Lưỡng (Nghiên
cứu Nhật Bản và Đông Bắc á số 3/2002), Dấu ấn Thiền tông trong thơ Basho của Đỗ Thái
Luận (Tạp chí Văn hoá số 5/1997). ở các bài viết về văn xuôi, nổi bật là những bài nghiên
cứu về thể loại tiểu thuyết hoặc về những vấn đề chung của văn xuôi Nhật Bản. Đó là các
bài: Tiểu thuyết Nhật Bản của Mai Chương Đức (Văn học (miền Nam) 1969), Thi pháp
tiểu thuyết của Yasunari Kawabata, nhà văn lớn Nhật Bản của Lưu Đức Trung (Tạp chí
Văn học số 9/1979), Văn xuôi Nhật Bản của Bùi Trọng Bình (Tác phẩm mới số 4/1992),
Văn xuôi hiện đại Nhật Bản của Nguyễn Văn Sĩ (Báo Văn nghệ số 1/1993).
Tình hình nghiên cứu văn học Nhật Bản ở nước ta qua các giai đoạn đã có những thành
tựu đáng kể và khá phong phú, đa dạng về thể loại bài viết với chất lượng ngày càng cao.
Tuy nhiên, so với yêu cầu của độc giả và với khối lượng tác phẩm văn học Nhật Bản dịch
ngày càng nhiều thì các bài nghiên cứu, phê bình hẳn còn chưa đáp ứng.
2. Bên cạnh những bài nghiên cứu, sách về văn học Nhật Bản của các tác giả Việt Nam,
thiết nghĩ cũng cần điểm lại một số sách và bài của các tác giả nước ngoài về nền văn học
này đã được dịch. Bởi vì những tài liệu này cũng góp phần không nhỏ vào việc giới thiệu


văn học Nhật Bản ở nước ta. Cho đến nay, các bài báo nghiên cứu và sách của tác giả
nước ngoài viết về văn học Nhật Bản được dịch chủ yếu là của Nga và Nhật Bản. Cuốn
Văn học Nhật Bản từ cổ đến cận đại (N.I.Konrat – (Nga), Nxb Đà Nẵng, 1999) trình bày
một cách hệ thống tiến trình văn học Nhật Bản qua các thời kỳ và dừng lại ở thời cận đại.
Một số bài nghiên cứu của các tác giả Nga về nền văn học thuộc Phương Đông độc đáo
này: Nhà văn Nhật Bản Kendabuno Oe (G.Sachivisi), Số phận bi kịch của các thiên tài
(N.T.Phêđôrencô), Kojiki – Sự khởi đầu của văn học Nhật Bản (N.I.Konrat), Thiền trong
thơ Haiku Nhật Bản (T.P.Grigôrieva), Kawabata – con mắt nhìn thấu cái đẹp
(N.T.Phêđôrencô)… thể hiện một sự đánh giá mang tính khoa học và mở ra nhiều vấn đề
lý thú cho những người nghiên cứu. Chúng ta đã chú ý dịch nhiều bài nghiên cứu của các

tác giả Nhật Bản qua các ngôn ngữ khác nhau. Đây là ý kiến của những người “bản địa”
nên rất bổ ích đối với người đọc và người nghiên cứu của nước ta. ở các tạp chí và các
báo đã đăng tải những bài như Thơ Nhật Bản ngày nay (Kiwao Nomura – Viện
TTKHXH), Sân khấu Nhật Bản hiện đại (Takasi Nomura – Báo Văn nghệ, số 2/1993),
Nền văn học hiện đại Nhật Bản từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai đến nay (Sone
Hiroyoshi – Tạp chí Văn học nước ngoài), Tình hình văn học đương thời Nhật Bản
(K.Norine – Báo Văn nghệ số 5,6,7,8/2002), Những đặc điểm của văn học Nhật Bản
(Shui Kato)… Trong bối cảnh giao lưu văn hoá, việc tiếp cận nhiều luồng thông tin về
văn học Nhật Bản để cung cấp cho bạn đọc Việt Nam những kiến thức cơ bản thông qua
việc dịch những tài liệu nước ngoài như trên là hết sức quan trọng.
IV. Kết luận
Văn học Nhật Bản đã được giới thiệu khá đầy đủ ở nước ta thông qua việc dịch thuật và
nghiên cứu. Đó là những cố gắng lớn của các dịch giả, các nhà nghiên cứu, các nhà xuất
bản, các báo, tạp chí. Tuy nhiên, vẫn còn một số điều cần lưu ý:
- Chúng ta chỉ chú trọng dịch thơ và văn xuôi, còn mảng kịch, đặc biệt là kịch Noh và sân
khấu Kabuki hầu như chưa đụng đến.
- Đã có ý thức chọn dịch những tác phẩm tiêu biểu cho các giai đoạn, song chúng ta thấy
vẫn còn tình trạng mất cân đối giữa các thời kỳ văn học. Văn học thời kỳ Meji (1868 –
1913) và những thập niên đầu thế kỷ XX có nhiều tác giả, tác phẩm hay nhưng dịch còn
quá ít ỏi.
- Một số tác giả lớn, tiêu biểu hay được giải Nobel như Y.Mishima, I.Saikaku, K.Oe dịch
rất hạn chế.
- So với nhu cầu của công chúng thì việc dịch thuật, giới thiệu văn học Nhật Bản ở nước
ta còn chưa đáp ứng. Mặt khác, việc dịch hiện nay chủ yếu là qua ngôn ngữ Anh, Pháp,
Nga, Trung còn tiếng Nhật thì còn quá ít ỏi. Điều đó không tránh khỏi “hao hụt” qua mỗi
lần chuyển ngữ.
Chúng tôi nghĩ rằng phải cần đẩy mạnh công tác dịch thuật và nghiên cứu ở mức cao hơn
nữa nhằm giới thiệu đầy đủ tinh hoa văn học của xứ sở Phù Tang, đất nước của hoa Anh
đào.



(Hà Văn Lưỡng
Trường Đại học Khoa học Huế.)
Nguồn : Trung Tâm nghiên cứu Nhât Bản



×