Tải bản đầy đủ (.docx) (5 trang)

Các nhà thơ mới và văn học trung quốc

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (147.58 KB, 5 trang )

Các nhà Thơ Mới và văn học Trung Quốc
Thứ hai, 27 Tháng 2 2012 00:00 Lê Tiến Dũng
Việt Nam có nhiều cuộc cách mạng. Phong trào Thơ mới cũng được xem là cuộc cách mạng vĩ
đại trong thi ca. Cuộc cách mạng đó do ảnh hưởng phương Tây mà nên. Hầu như các nhà nghiên
cứu đều nhận xét như vậy. Hoài Thanh đã từng nhận xét rằng: “Chúng ta ở nhà Tây, đội mũ Tây,
mặc áo Tây,… Nói làm sao cho xiết những thay đổi về vật chất phương Tây đã đưa tới giữa
chúng ta”[(4; tr.10)]. Làm cuộc cách mạng trong Thơ mới là cả sự đổi mới về hinh thức nghệ
thuật. Người ta sự đổi mới về hình thức nghệ thuật có sự đóng góp từ nhiều phía, đặc biệt từ
phía thơ tượng trưng Pháp.
Ngay nhà thơ nổi tiếng như Xuân Diệu cũng được khẳng định là nhờ thi ca Pháp. Ảnh hưởng này
đến Xuân Diệu “cực điểm”[(4; tr.31)]. Dĩ nhiên, ảnh hưởng của thơ Pháp cũng như thơ ca
phương Tây là một điều hiển nhiên. Nhưng từ đó mà đi nghi ngờ các nền văn học khác thì không
nên. Thơ ca Trung Quốc đã đưa đến ảnh hưởng không nhỏ.

Sự ảnh hưởng của văn học thấm sâu vào từng ý thơ của từng tác giả. Xin nêu dẫn chứng.
Bài Tràng giangcủa Huy Cận là một bài thơ hay. Bài thơ rất tiêu biểu cho Thơ mới. Nhưng đọc
kỹ bài thơ, chúng ta vẫn thấy phảng phất thơ cổ Trung Quôc. Khổ thứ tư cho ta một vẻ đẹp của
thiên nhiên tạo vật. Nhưng trong vẻ đẹp ấy vẫn chất chứa bao nhiêu nỗi buồn. Mây trắng lớp này
đến lớp khác đùm lên sau núi bạc như những bông hoa trắng đang nở. Một cánh chim lè loi trong
ánh chiều đang xuống, gợi một chút ấm cúng. Nhưng cánh chim nhỏ nhoi quá, chấp chới quá
khiến cho trời chiều như rộng ra, nỗi cô đơn thấy rõ hơn, nỗi buồn cũng thấm thía hơn. Chính
cảm xúc ấy, sông nước ấy, trời mây ấy đã gợi lên nỗi nhớ thương da diết:
Làng quê dợn dợn vời con nước


Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà
Nhìn con sóng dợn lên hết lớp này đến lớp khác rồi chạy ra xa (vời con nước) lòng nhớ quê
dường như cũng trải dài theo muôn lớp sóng kia. Cho nên ở đây không phải là “sóng dợn” nữa,
mà “lòng quê dợn dợn vời con nước”. Đó là một nỗi nhớ thương da diết.
Thủa xưa Thôi Hiệu (704-754) nhìn khói sóng trên sông, bỗng chạnh nhớ quê nhà:
Quê hương khuất bóng hoàng hôn


Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai
(Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu)
Còn ở đây dù không có khói sóng, nhưng trước cái mênh mông vô tận của sông nước, của đất
trời cũng khiến cho nhà thơ nhớ nhà, nhớ quê. Huy Cận đã mượn một hình tượng cũ để diễn tả
một cảm xúc mới, tạo nên một tứ thơ mới mẻ và sâu sắc.
Tràng giang là một bài thơ hay. Bài thơ viết về một nỗi buồn thanh khiết
khi thấy mình cô đơn trước trời rộng, sông dài, trước sự mênh mông của vũ
trụ. Ngấn đọng sâu nỗi buồn ấy là một lòng yêu quê hương da diết. Lòng yêu
ấy đã khiến con mắt nhìn cảnh vật tuy buồn bã mà vẫn đẹp một cách dịu
dàng, đằm thắm.
Tràng giang cũng là bài thơ gợi lên ở mỗi người đọc tình cảm tha thiết với quê hương, đất nước. Hay nói như chính
tác giả bài thơ “Tình yêu quê hương trong bài Tràng giang gợi lên và mở ra một tình yêu lớn lao hơn”.
Trường hợp Xuân Diệu chúng ta cũng nêu lên như một điển hình của đổi mới. Nhiều người xem
ông là “người mới nhất trong các nhà thơ mới” (Hoài Thanh) “là người mang đến cho Thơ mới
nhiều cái mới nhất” (Vũ Ngọc Phan)… Nhưng trong thơ mang yếu tố của thơ ca Trung Quốc rất
rõ. Chẳng hạn trong bài Thơ duyên một bài thơ rất hay và khá nổi tiếng của ông có những câu:
Chiều mộng hoà thơ trên nhánh duyên,
Cây me ríu rít cặp chim chuyền.
Đổ trời xanh ngọc qua muôn lá,
Thu đến, nơi nơi động tiếng huyền.
Phảng phất hơi thơ của Liễu Tông Nguyên hơn nghìn năm trước:

Thu lai xứ xứ cát sầu trường


(Mùa thu tới, đâu đâu cũng cắt dạ sầu thương)
Liễu Tông Nguyên - Dữ hao sơ thượng nhân đồng khán sơn…
Không chỉ có bài trên, mà còn rất nhiều bài nữa. Xin kể thêm vài bài nữa để rộng đường dư luận.
Trước hết là bài Rạo rực:

Tơ liễu dong gần tơ liễu êm
Bướm bay lại sánh bướm bay kèm
Rạo rực
Bài này rất gần gũi với thơ của Trịnh Cốc trong bài Hoài thượng biệt hữu nhân:
Dương Tử Giang đầu dương liễu xuân
Dương hoa sầu sát độ giang nhân.
(Bên sông Dương Tử, dương liễu đượm màu xuân
Hoa dương liễu làm cho người qua song buồn muốn chết)
Trịnh Cốc - Hoài Thượng biệt hữu nhân
Trong tứ thơ của bài Ý thu của Xuân Diệu có những câu, những ý rất mới. Nhưng đó là những
câu rất với thơ Trung Quốc:
Bông hoa rứt rơi không tiếng
Ý thu
Đọc kỹ câu thơ gợi cho ta liên tưởng với thơ của Vi Thừa Khánh:
Lạc hoa tương dữ hận
Đáo địa nhất vô thanh
(Hoa rụng dường cùng nhau chia hận
Rơi xuống mặt đất không một tiếng gì)
Vi Thừa Khánh - Nam hành biệt đệ


Những ảnh hưởng như thế khá nhiều trong thơ Xuân Diệu. Trong cái nhìn của nhiều nhiều Xuân
Diệu vẫn là nhà “Tây học”. Nhưng qua những mà chúng tôi đã phân tích, nên xem ông là một
nhà “Trung Quốc học”.
Hơn thế nữa, văn học Trung Quốc như thấm vào máu thịt các nhà thơ. Các nhà thơ trưởng thành
nhờ thấm thía đó. Lấy khổ đầu của bài Tống biệt hành làm ví dụ. Đề tài tống biệt là đề tài không
mới. Đã có bao nhiêu thi nhân thành công với những khúc biệt li đầy thống thiết. Vậy mà đến
lượt mình, Thâm Tâm vẫn tạo được nét riêng.
Cái nét riêng ấy trước hết là không khí của bài thơ. Một cái không khí rất lạ, nói như Hoài
Thanh, phảng phất “cái không khí riêng của nhiều bài thơ cổ. Điệu thơ gấp. Lời thơ gắt. Câu thơ

rắn rỏi gân guốc, không mềm mại uyển chuyển như phần nhiều thơ bây giờ. Nhưng vẫn đượm
chút bâng khuâng khó hiểu của thời đại”[(4; tr.290)]. Ngay từ đoạn mở đầu, người đọc đã cảm
nhận được “chút bâng khuâng khó hiểu” ấy:
Đưa người ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng?
Bóng chiều không thắm, không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong ?
Bốn câu thơ tạo thành hai câu hỏi: không qua sông sao có sóng? bóng chiều không vàng vọt sao
lại đầy bóng hoàng hôn? Tiếng sóng và bóng hoàng hôn không có nơi ngoại giới, nhưng lại có
trong cõi lòng, có ở“trong lòng” và có ở “trong mắt trong”.
“Đưa người ta không đưa qua sông” là một câu thơ toàn thanh bằng, tạo nên cái bâng khuâng xao xuyến
của buổi tiễn đưa. Câu thơ dưới “Sao có tiếng sóng ở trong lòng?” nổi lên mấy thanh trắc làm cho nhịp thơ rắn rỏi, gân guốc mà
vẫn đượm buồn. Tứ thơ gợi nhớ tới một điển tích xưa. Ngày xưa, Thái Tử Đan tiễn Kinh Kha qua sông Dịch, sang đất Tần để diệt
tên bạo chúa Tần Thủy Hoàng. Đó là cuộc tiễn đưa không hẹn ngày trở lại. Người tiễn đưa hôm nay, dù không đưa người qua
sông, mà trong lòng vẫn có tiếng sóng của mấy nghìn năm trước. Đó là tiếng sóng của nỗi lòng xao xuyến khi tiễn một người ra
đi tìm chí lớn quyết không trở về với bàn tay không. Tiễn một người ra đi mà không bao giờ nói trở lại, “ ba năm mẹ già cũng
đừng mong”. Cuộc “tống biệt” có thể thành ra cuộc “vĩnh biệt”. Cho nên trong nỗi lòng người tiễn âm vang tiếng sóng của cuộc
vĩnh biệt thuở nào. Trong tiếng sóng đó có cả sự cảm phục chí quyết ra đi của người đi và cả nỗi xót xa đến tê tái lòng.
Người ra đi cũng mang tâm trạng buồn bã dù rằng đã ra đi với một quyết tâm “một giã
gia đình, một dửng dưng”. Cho nên dù “bóng chiều không thắm không vàng vọt” mà vẫn “đầy
hoàng hôn trong mắt trong”. Đấy là những câu thơ hay, diễn tả tinh tế tâm trạng người đi. Người
đi trong bóng chiều nhạt nhòa. Nhạt nhòa vì không thắm không vàng vọt hay vì mắt người rưng
rưng? Nỗi buồn dù đã cố giấu cố nén lại hóa ra cuối cùng vẫn cứ hiện ra nơi bóng hoàng hôn
trong mắt trong. Đó là một nỗi buồn thăm thẳm mà cũng đầy day dứt.
Tóm lại, ảnh hưởng của văn học Trung Quốc đối với phong trào Thơ mới là có thật. Nó không
mới lạ như văn học phương Tây, mà nó thấm sâu vào từng câu, từng chữ, từng ý, từng tứ, từng
giọng điệu… của bài thơ. Nếu không hiểu điều đó thì cũng khó mà hiểu hết cái hay của Thơ
mới.



LTD

Tài liệu tham khảo
1.

Huy Cận – Hà Minh Đức (chủ biên) (1993) - Nhìn lại một cuộc cách mạng trong thơ ca, NXB
Giáo dục, Hà Nội.

2.

Lê Tiến Dũng (1998) - Những cách tân nghệ thuật trong thơ Xuân Diệu giai đoạn 1932 – 1945,
NXB Giáo dục, TP Hồ Chí Minh,

3.

Nhiều tác giả (2003) - Thơ mới 1932 – 1945 tác giả và tác phẩm, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội.

4.

Hoài Thanh – Hoài Chân (1967) – Thi nhân Việt Nam, NXB Hoa Tiên, Sài Gòn.

Nguồn: Tạp chí Đại học Sài Gòn, số chuyên đề Bình luận văn học - Niên giám 2011



×