Tải bản đầy đủ (.docx) (7 trang)

CON NGƯỜI THIỀN NHÂN ĐÀO TẤNTRONG THƠ

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (89.48 KB, 7 trang )

CON NGƯỜI THIỀN NHÂN ĐÀO TẤN TRONG THƠ
Thứ bảy, 11 Tháng 2 2012 00:57 Quản trị viên

ThS. Nguyễn Đình Thu
1. Khái lược về sự hình thành và phát triển của Phật giáo ở Việt Nam
Phật giáo là một tôn giáo do Thích-ca-mâu-ni (Sakya Mu-ni), tên là Xít-đác-ta (563 - 480 TCN),
vốn là thái tử nước Ca-pi-la-va-xtu thuộc miền Nam dãy Hi-ma-lay-a, vùng đông bắc Ấn Độ cổ
đại sáng lập nên. Ra đời trên cơ sở chống lại chế độ chủng tính và đạo Bà-la-môn khắc nghiệt,
với mục đích giải thoát con người ra khỏi nỗi khổ trần ai, đạo Phật ngay từ đầu đã có ảnh hưởng
sâu rộng đến cư dân Ấn Độ và trên thế giới. Từ thế kỷ VI, đạo Phật ở Ấn Độ suy thoái dần trước
sự lớn mạnh của đạo Hin-đu. Trong khi đó, ở nước ngoài (Thái Lan, Cam-pu-chia, Trung
Quốc…), Phật giáo lại ngày càng phát triển rực rỡ.

Ở nước ta, đạo Phật được du nhập từ rất sớm theo hai con đường: từ Ấn Độ truyền sang và từ
Trung Quốc truyền xuống. Phật giáo nước ta thuộc ngành đại thừa, trong đó phái Thiền tông là
một phái hệ phát triển mạnh, có nhiều đặc sắc và ảnh hưởng rộng khắp hơn cả. Thời Lý – Trần là
thời kỳ hoàng kim của Phật giáo. Lê Quát (học trò Chu Văn An đời Trần) thấy toàn dân theo Phật
mà thờ ơ với Nho nên bất mãn mà viết rằng: “Ta từ lúc nhỏ đã đọc sách, chăm vào việc cổ kim,
cũng rõ được ít nhiều đạo lý thánh hiền để khai hóa cho dân, vậy mà chưa được người trong một
làng nào tin ta. Ta thường đi du lãm sơn xuyên, cùng nam cực bắc, tìm những chỗ gọi là học
cung, gọi là Văn Miếu thì rất ít thấy. Vì vậy, ta lấy làm hổ thẹn với bọn Phật đồ lắm vậy” [9,
265]. Về sau, do nhu cầu xây dựng nhà nước phong kiến tập quyền vững mạnh, đạo Phật ngày
càng nhường vị trí độc tôn của mình cho Nho giáo.
Đạo Phật ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống dân tộc Việt Nam suốt thời kỳ phong kiến và đóng
góp cho nền văn học dân tộc một dòng thơ Thiền khá đặc sắc. Hiện nay đang tồn tại nhiều quan
niệm khác nhau về khái niệm thơ Thiền. Theo nghĩa mở rộng, chúng ta có thể hiểu: “Thơ Thiền
là thơ của các nhà sư và cả của những người không đi tu nhưng am hiểu và yêu thích Phật giáo,
hình thức trực tiếp hay gián tiếp dùng hình ảnh và ngôn ngữ nhà Phật, nội dung trực tiếp hay
gián tiếp nêu lên một triết lý Thiền, một bài học Thiền, một cảm xúc hay một tâm trạng Thiền khi
nhận thức hay giải minh thế giới” [6, 30].
2. Những biểu hiện con người thiền nhân Đào Tấn trong thơ


Trong thời gian treo ấn từ quan về nhà (1883 – 1885), Đào Tấn có gần một năm tu tại chùa Ông
Núi (Linh Phong tự) ở Phù Cát – Bình Định với đạo hiệu Tiểu Linh Phong Mai Tăng. Trong
“Linh Phong tự ký”, tác giả tự khẳng định: “Giữa niên hiệu Kiến Phúc – Hàm Nghi, Tấn tôi bỏ


quan về nhà ở phía nam Kinh đô, gởi thân nơi cửa Thiền để tránh loạn, kiệu chàm gậy trúc từng
qua lại núi này, chùa này. Người xưa một năm ở núi quá nửa, Tấn tôi lúc bấy giờ cũng tương tự
như thế” [1, 53]. Mặc dù, ban đầu, mục đích lên chùa của Đào công chỉ là để né tránh phong trào
Cần Vương của Đào Doãn Địch – Mai Xuân Thưởng ở Bình Định. Song trong khoảng thời gian
ngắn ngủi ấy, con người, tâm hồn tác giả đã thực sự hòa nhập vào đời sống tu hành và giác ngộ,
tiếp cận được những điều vi diệu trong tư tưởng, triết lý nhà Phật. Ngay cả giai đoạn sau này, khi
xuống núi quay trở lại làm làm quan, tâm hồn ông cũng luôn hướng về Linh Phong tự, về đời
sống Phật giáo với bao xúc cảm, rung động Thiền. Biểu hiện trong thơ ca, có thể gọi tác giả là
con người Thiền nhân, với một cái tâm dù ở đâu, khi nào cũng luôn hướng đến cõi Thiền.
Trước hết, ta hãy nhìn nhận con người Thiền nhân tác giả qua đời sống tu hành. Tu hành là
phương pháp giúp con người đạt tới chỗ đắc đạo nhằm thoát khỏi tình trạng vô minh, vượt qua
bể khổ, luân hồi, nghiệp trướng để được về với cõi Niết Bàn vô sinh, vô diệt. Bát chính (tám điều
chân chính) trong đạo đế của nhà Phật đã quy định rất rõ về phương pháp tu hành bao gồm:
chính kiến (thấy biết chân chính), chính tư duy (suy nghĩ chân chính), chính ngữ (lời nói ngay
thẳng đúng đắn), chính nghiệp (hành động ngay thẳng đúng đắn), chính mệnh (kiếm sống chân
chính), chính tinh tiến (chăm chỉ tu hành theo đúng phép Phật), chính niệm (gạt bỏ mọi tà niệm,
một lòng nghĩ đến chính đạo), chính định (chăm chú vào cõi thiền định). Trong thơ Đào Tấn, đời
sống tu hành của tác giả không được hé lộ một cách đầy đủ mà chỉ phảng phất. Ta không bắt gặp
trong thơ ông một con người suốt ngày ngồi Thiền, tụng kinh niệm phật. Cũng chẳng bắt gặp
một nhà sư giảng đạo cho các đệ tử nghe về thế giới quan, nhân sinh quan Phật giáo qua những
bài kệ. Ở Đào Tấn, ta lại bắt gặp một tu sĩ phóng khoáng, vừa như thực hiện lại vừa như phá bỏ
những giới luật nhà Phật. Một mặt, ông khẳng định khả năng học thiền già dặn của mình, cũng
ăn chay cho tâm hồn thanh tịnh, mặt khác, lại là một túy nhân với những biểu hiện đời thường,
thế tục như nó vốn có: “Nam quốc Mai Tăng lão học thiền / Đạm tương tố phỉ tác xuân diên /
Túy đồi lạc hạ liên hoa mạo / Bối hậu quần cơ tiếu dục điên” (Sãi Mai nước Nam học thiền già

dặn / Dưa suông tương nhạt đặt làm tiệc xuân / Say chệnh choạng làm rơi chiếc mũ cánh sen /
Các cô gái nấp sau lưng cười rũ rượi – Tặng Mai Tăng). Hai câu thơ sau gần như đối lập với hai
câu thơ trước. Người đọc dễ nhầm tưởng đó là bức tranh biếm họa về đời sống tu hành của Mai
Tăng. Nhưng không, cần phải hiểu rằng, Đào Tấn không tu hành theo lối khổ hạnh, mà chịu ảnh
hưởng lối tu Nam tông của Huệ Năng (638 – 713) bên Trung Quốc. Với Huệ Năng, Thiền tông
đã chuyển từ chủ nghĩa duy tâm khách quan sang chủ nghĩa duy tâm chủ quan, cho rằng: muôn
vật, mọi điều, kể cả Phật tính đều có ở trong mỗi người. Vì vậy, muốn thành Phật, chúng ta chỉ
cần gạt bỏ vọng niệm (những ý nghĩ sai trái) mà chẳng cần phải tụng niệm kinh kệ, chăm chăm
trì giới. “Cách tu hành giới luật nghiêm ngặt tầm chương trích điển khổ hạnh đã nhường chỗ
cho đời sống tự nhiên đầy sinh thú, đói thì ăn, buồn ngủ thì nằm ngủ, tùy duyên, tùy ngộ, thuận
ứng nhẹ nhàng, làm cho con người được khoan khoái” [3, 135]. Trong thực tế, hình ảnh tu sĩ
cũng rượu thịt, ta đã bắt gặp ở Thiền sư Thiện Chiêu (đời Tống) hay Tuệ Trung Thượng sĩ (đời
Trần). Và trong thơ thiền Lý – Trần cũng không thiếu những cảnh huống tương tự như: “Ngư
ông say ngủ không ai gọi” (Không Lộ - Ngư nhàn), “Để kệ cho sư vui đến sáng” (Trần Thái
Tông – Gửi nhà sư Đức Sơn ở am Thanh Phong), “Mở mắt mà như say choáng váng” (Huyền
Quang – Ngọ Thụy)... Bản thân thiền nhân Đào Tấn cũng đã thừa nhận về sự “phá giới” của
mình sau những cơn say: “Kim nhật hứng lai câu phá giới / Hoàng hoa ly lạc túy tây phong”
(Hôm nay hứng đến phá bỏ hết các giới luật / Hoa cúc bên rào rơi ngã vì say gió tây – Túy hậu).
Như vậy, cái “lão học thiền” của Mai Tăng đã thể hiện ngay ở cách tu hành theo tinh thần “phá
chấp” triệt để, không còn chịu sự ràng buộc nghiêm ngặt vào giáo lý, kinh điển của Phật, của Tổ.


Chỉ có những người học thiền già dặn như Đào Tấn mới nhận ra điều đó và mới có đủ dũng khí
để tu như vậy. Theo tài liệu “Mai viên cố sự” của Lộc Xuyên Đặng Quí Địch cho biết: Đào Tấn
“sinh trưởng trong một gia đình theo đạo Phật. Bà Hà Thị Loan - mẹ cụ - là một Phật tử thuần
thành, phụng Phật tại nhà”. Bản thân Đào Tấn lên Linh Phong tự cũng “không đầu sư” mà “đã
học Thiền từ cái nguồn Kinh sách phong phú” theo kiểu tự tu, tu tại tâm, tu tại gia trong suốt
cuộc đời mình [1, 124-126].
Theo Nguyễn Phạm Hùng, thơ Thiền chia làm hai loại: thơ Thiền thiên về triết lý và thơ Thiền
thiên về trữ tình. Ở Đào Tấn, dù mảng thơ Thiền sáng tác không nhiều nhưng lại có đủ cả hai loại

này, đôi khi nó đan xen ngay trong một bài thơ. Tác giả vừa “trực tiếp phát biểu về những quan
niệm triết học Phật giáo, triết luận về vũ trụ và nhân sinh bằng những phạm trù Phật học”, vừa
gián tiếp qua những hình ảnh thiên nhiên hay cuộc sống sinh động “diễn tả những trạng thái tình
cảm, cảm xúc, rung động về cuộc sống, về thiên nhiên mang màu sắc, âm hưởng, tâm thế Thiền”
[6, 46].
Con người thiền nhân Đào Tấn trong thơ thể hiện chủ yếu ở sự giác ngộ, nhận thức được tư
tưởng, triết lý nhà Phật. Trong thơ Thiền của mình, tác giả dùng không ít những phạm trù, thuật
ngữ, những hình ảnh, âm thanh của đời sống Phật giáo để nói lên tư tưởng, triết lý nhà Phật như:
“Thiền cơ”, “vô”, “hữu”, “dục”, “an bài”, “phúc”, “không”, “độc tọa”, “vô ngôn”, “nhơn”, “tự
tại”, “Di Lặc”, “chung”, “chung thanh”, “tự”, “tự môn”...vv. Tuy nhiên, Mai Tăng không chủ
trương thuyết pháp, giảng đạo cho người khác như những vị thiền sư mà nghiêng về hướng giác
ngộ, nhận thức cho chính mình. Ông nhận thức được cái nội lực phi thường của Di Lặc - “nhất
tiếu không” mà một mình sắp đặt mọi việc: “Di Lặc nguyên lai bản đại hùng / Lãn tàn cao cứ
Phạn vương cung / Cổ kim quân độc an bài đắc / Thương hải phù vân nhất tiếu không ” (Di Lặc
vốn là một vị bồ tát rất dũng mãnh / Lười nhác ngồi chễm chệ nơi cung Phạn vương / Ông riêng
xếp đặt việc xưa nay / Chuyện biển xanh và mây nổi thì chỉ một tiếng cười không – Dạ du Di
Lặc điện ngẫu hứng). Chính cái cười của Di Lặc trước “biển xanh và mây nổi” là dũng khí của
kẻ tu hành, “vô úy” – không sợ trước mọi đổi thay, thăng trầm, “dĩ bất biến ứng vạn biến”, như
Vạn Hạnh từng nói với đệ tử “Nhậm vận thịnh suy vô bố úy / Thịnh suy như lộ thảo đầu phô”.
Còn sự “lười nhác” kia đâu phải là thói xấu, đó là cái tâm của kẻ tu hành không vướng bận,
không can thiệp vào việc đời, phần nào giống với tinh thần “vô vi” của Đạo giáo. Trong bài “Tự
phật”, ngay ở nhan đề, tác giả đã nhận thức được cái cốt lõi của quan niệm về Phật. Ai tu hành
cũng mong muốn thành Phật. Nhưng Phật ở đâu ? Phật không ở trong kinh kệ mà tụng niệm,
cũng chẳng ở thế giới Tây phương cực lạc mà đi tìm, “Phật ở mình”, trong lòng mình, là chính
mình. “Nghĩa là mỗi cái Tôi tự tìm đường đi của mình, tự trở thành Phật tổ của mình” [3, 136].
Đúng như lời dặn của sư Quảng Nghiêm: “Nam nhi tự có chí xung thiên / Chớ bước theo vết
Như Lai đã bước”. Nhận thức được điều đó đã là người đạt đạo. Với hình thức đối đáp tự nhiên,
có khả năng khắc sâu vào tâm trí người đọc, thông qua hình tượng hóa thân Di Lặc, tác giả đã
trình bày kiến giải về cái thể và cái tướng của Phật tính: “Hòa Nam khấu thỉnh Di Lặc phật /
Phúc như hứa đại tàng hà vật / Tiếu vân trung hữu nhất đoàn băng / chỉ thị không không vô xứ

ngật” (Kính cẩn xin hỏi phật Di Lặc / Trong bụng chứa vật gì mà to thế? / Cười đáp: trong ấy có
một khối băng / Chả ăn gì cả, chỉ là trống rỗng – Tự phật). Cái thể trong suốt như băng và cái
tướng to lớn bên trong “trống rỗng” chính là cái chân như, Phật tính, là cõi Niết Bàn. Đó là biểu
tượng cho thế giới siêu hiện thực vô sinh vô diệt, vô thủy vô chung tồn tại trong tâm tưởng của
người đã thành Phật. Tác giả còn thấy được cái chân như ở hình ảnh nước suối: “Nhấm ngụm
nước suối trong thấu hiểu mùi đạo chân như” (Đề vách đá chùa Ông Núi), ở hình ảnh “ông Núi


chẳng có gì cả” (Phỏng Linh Phong tự quy châu phong vũ đại tác). Không dừng lại ở đấy, thiền
nhân còn bàn đến chuyện nhân duyên, đến lòng từ bi, đến nỗi bi ai của phận người. Duyên hay
nhân duyên là khái niệm chỉ mối quan hệ nhân quả nhằm giải thích cho khổ đế và tập đế của đạo
Phật. Tác giả không chỉ trò chuyện về nhân duyên: “Nhất dạ thiền phòng thoại cựu nhơn” (Du
Ngũ Hành sơn) mà còn tự làm thơ nói về nhân duyên: “Ngẫu tùy ngâm tuyết khấu đàn duyên”
(Đề vách đá chùa Ông Núi). Đào tiên sinh nhận ra “Bụi đời luống phủ đầy áo” – Mai Tăng tiểu
chiếu cũng là nhận ra tấm thân khốn khổ, bụi bặm của những kiếp người sau những năm tháng
mưu sinh, vật lộn. Vì lo toan, tính toán mà dốt cuộc còn lại chỉ là mái đầu tóc bạc: “ Lưỡng cá
thanh xuân các bạch đầu” (Hai kẻ thanh xuân giờ đây đầu đều đã bạc - Hoa triêu dạ dữ nội hữu
Diêu Tiên khanh Diệc Cổ tự), “Ưu thiên mấn dĩ ban” (Lo chuyện không đâu tóc cứ bạc dần –
Cửu nhật). Đó không chỉ là nhận thức về sự thay đổi mà còn là nhận thức về nỗi khổ của con
người, của chính mình. Và từ đáy lòng sâu thẳm trong con người tác giả đã toát lên tình thương,
lòng từ bi, tinh thần cứu khổ cứu nạn theo tư tưởng Phật giáo. Tinh thần đó không chỉ biểu hiện ở
mong muốn dùng 108 tiếng chuông tượng trưng cho sự giải thoát 108 sự phiền não trong thế
gian (Một trăm lẻ tám tiếng chuông vang động tận đọt cây - Đề vách đá chùa Ông Núi) mà đôi
khi tác giả còn trực tiếp thốt lên: “Cửa động là nơi ân cần tiễn nhau / Đáng thương đều là những
người xuống núi” – Du ngũ Hành sơn. Tác giả tự nhận mình là “kẻ sĩ từ bi thà là Phật thiệt” ( Đề
vách đá chùa Ông Núi) để có thể cứu độ chúng sinh thoát ra khỏi bể khổ, không còn ưu phiền.
Và về cuối đời, ông còn nhận thấy cuộc đời làm quan của mình chỉ như giấc mộng, phần nào
thấy được cái hư huyễn của cuộc đời, của thân xác như Vạn Hạnh đã nói: “Thân như điện ảnh
hữu hoàn vô” (Thị đệ tử). Như vậy, đi từ nhận thức cho tới tự nhận thức, Đào Tấn đã đề cập đến
nhiều phương diện, tư tưởng, triết lý Phật giáo.

Đi sâu vào mảng thơ thiền cụ Đào, ta còn thấy những cảm xúc, rung động, những cảm nhận về
thiên nhiên, cuộc sống đượm màu sắc thiền, lúc ẩn lúc hiện. Nhìn thấy hòn đá nhỏ xinh đẹp, ông
đưa nó về làm bạn: “Ngẫu quá Vân quan đắc hảo thạch / Huề lai tiểu ốc bạn thư vi” (Qua cửa ải
Hải Vân tình cờ nhặt được viên đá đẹp / Đem về ngôi nhà nhỏ cho nó làm bạn với sách phòng
văn – Đắc thạch). Cử chỉ đó xuất phát từ cảm xúc nhân văn, từ cái nhìn bình đẳng vô biệt, yêu
thương đến cả những sinh linh nhỏ bé, những vật vô tri vô giác của thiền nhân. Những người
phàm phu tục tử sao có được những cảm xúc, cử chỉ như vậy ? Thế giới thơ thiền Đào Tấn còn
phủ một cảm xúc miên man, mông lung, đứt nối của người, của cảnh rất khó nắm bắt. Đó là cảm
giác man mác về thời gian trong một đêm mưa gió, khi “Hai kẻ thanh xuân giờ đây đầu đều đã
bạc” - Hoa triêu dạ dữ nội hữu Diêu Tiên khanh Diệc Cổ tự. Là cõi hoài niệm về một khách
giang hồ bao năm chưa có dịp về lại ngôi chùa cũ hay một ông quan ngất ngưỡng cưỡi bò vàng
với cốt cách và không khí thực hư như Lão Đam cưỡi trâu trong truyền thuyết: “Hoàng độc thi
nhân kim bất tại / Dữ quân thùy phục đính tao phùng” (Nhà thơ cưỡi bò vàng nay không còn nữa
/ Hỏi ai là kẻ trở lại để cùng người hẹn cuộc tao phùng – Vãng đăng Hồng sơn phỏng Thiên
Tượng phế tự xuất sơn hữu tác). Con mắt thiền nhân đã khiến những bức tranh thiên nhiên trong
thơ ông cũng mang đậm màu sắc thiền. Thơ thiền thường có những bức tranh thiên nhiên mơ hồ,
huyền ảo. Trúc Lâm Đầu Đà – Trần Nhân Tông, người sáng lập ra phái Thiền Trúc Lâm núi Yên
Tử đã từng vẽ nên một bức tranh huyền diệu về cảnh thiên nhiên và cuộc sống con người:
“Trước xóm, sau thôn, mờ mờ như khói phủ / Bên bóng chiều, cảnh nửa như có nửa như không”
(Thiên Trường vãn vọng). Đào Tấn cũng hay lựa chọn chất liệu “khói”, “mây”, “ráng chiều” để
làm cho bức tranh nhạt nhòa, mờ ảo như đi vào cõi hư vô của Thiền: “Lạp trượng vân yên đệ kỷ
trùng” (Chống gậy vượt lên mấy tầng mây khói - Vãng đăng Hồng sơn phỏng Thiên Tượng phế
tự xuất sơn hữu tác), “Nhất kính (kỉnh) yên hà tự tại thiên” (Vùng trời thỏa thích một khối khói


mây ráng chiều - Đề vách đá chùa Ông Núi). Ở đấy, ta bắt gặp Đào Tấn như một tiên ông đang
du ngoạn cảnh tiên trên thiên đường mịt mù mây khói, con người như vô ý, quên đi thực tại hiện
hữu để hợp nhất với thiên nhiên vào cõi vô cùng vô tận. Một tiếng chuông ngân mang mang
trong đêm trăng mờ cũng là một không gian huyền diệu mang màu sắc thiền mà Đào công nắm
bắt được: “Khiêm lăng tây lộ nguyệt hoàng hôn / Tùy trứ chung thanh khấu tự môn” (Đường

phía tây khiêm lăng ánh trăng nhòa nhạt / Lần theo tiếng chuông ngân đến gõ cửa chùa – Dạ quá
Hòa Quang tự ngẫu chiếm). Cảnh bàng bạc, mông lung giữa khoảng không tỉnh lặng ấy như chịu
ảnh hưởng từ bài Phong kiều dạ bạc của Trương Kế:
“Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền”
(Chùa Hàn Sơn ngoài thành Cô Tô
Nửa đêm, tiếng chuông vang đến thuyền khách)
Tác giả còn phân thân làm một thiền sư “hô phong hoán vũ” để kiềm tỏa đường về của chính
mình. Cảnh mưa gió mịt mù phủ kín lối về của con thuyền trên sông nước vừa như thực vừa như
ảo quả là một bức tranh tuyệt diệu: “Khả ái Sơn Ông vô sở hữu / Chỉ tương phong vũ tống quy
châu” (Đáng yêu thay Ông Núi chẳng có gì cả / Chỉ đem gió mưa mà tiễn thuyền sư trở về Phỏng Linh Phong tự quy châu phong vũ đại tác). Trong đạo Phật, người ta nói nhiều đến thiền
hay thiền định (yên tĩnh mà suy nghĩ). Nó nguyên là phép tu hành của đạo Thiền (Djainisme) mà
Phật Thích-ca đã kế thừa. Phép tu thiền này ảnh hưởng trong thơ thiền khá rõ. Những bức tranh
dù là thiên nhiên hay cuộc sống con người mà thơ thiền hướng tới thường là những bức tranh
tĩnh lặng. Nó là nơi xa con người, nếu không cũng là khoảng con người tập trung không đông
đúc, như trong rừng, trên núi, trên sông, một vùng quê, một vùng ngoại thành nào đó. Chỉ có ở
nơi đó, thiền nhân mới có được cái tĩnh tâm, cái khoảng lặng từ đáy lòng mà suy nghĩ tìm thấy
con đường giải thoát ra khỏi cảnh khổ trần gian. Trong thơ thiền Đào Tấn có những bài chỉ có tác
giả đối diện với cảnh trên núi cao như núi Hồng, núi Ông. Cảnh nơi ấy không chỉ đẹp mà còn
vắng lặng, thanh tịnh đến bất ngờ. Còn gì vắng lặng hơn khi một mình lên ngôi chùa hoang trên
đỉnh núi Hồng với “Cội hàn tùng lẻ loi tựa lưng ngôi chùa đổ / Khối đá im lìm nằm giữ lấy
chuông hư” (Vãng đăng Hồng sơn phỏng Thiên Tượng phế tự xuất sơn hữu tác), một mình đứng
nơi vách đá núi Ông mà đối diện với suối trong, mây trời (Đề vách đá chùa Ông Núi) chẳng khác
gì cảnh vắng lạnh trên núi Yên Tử “Cao sát trời xanh am Thiền mát lạnh / Cửa mở trên tận tầng
mây” (Huyền Quang - Yên Tử sơn am cư ). Ở bức tranh vắng lặng ấy, hình ảnh ngôi chùa, cây
tùng, phiến đá như những sinh thể sống hiện lên thật hồn nhiên, tự nhiên. Phật giáo phủ định tư
duy lý tính, suy luận mà đề cao trực giác, trực cảm. Vì thế, cảnh vật hiện lên trong con mắt thiền
nhân thường “bất ngờ nắm bắt được trong cuộc sống với dáng vẻ tự nhiên, trong trẻo nhất” [6,
35]. Hình ảnh “Bích vân hương thảo mãn Tàng Chân” (Cỏ thơm mây biếc phủ đầy động Tàng
Chân – Du Ngũ Hành sơn) cũng là một trong nhiều bức tranh thiên nhiên mang dáng vẻ tự nhiên,

trong trẻo của Thiền. Nó mang đậm mùi đạo Thiền như trong thơ Lê Thánh Tông :
“Điểu ngữ hoán nghênh tùng hạ khách
Hoa dung tĩnh đối động trung tiên”


(Chim hót chào đón khách dưới rặng tùng
Hoa nở lặng yên trước tiên trong động)
(Đề Sài Sơn tự)
Ở Đào Tấn, dù ẩn tu hay xuống núi làm quan, tác giả đều có sự thống nhất ở một tấm lòng, một
tâm hồn luôn hướng đến Phật, luôn quan tâm đến các chùa chiền, nhà sư; lấy sự thăm viếng, trò
chuyện chốn thiền môn làm niềm vui để quên đi mọi phiền muộn, tuế toái của cuộc đời. Chỉ có
hơn chục bài thơ Thiền mà tác giả nhắc đến rất nhiều tên chùa, điện, động – nơi tác giả trực tiếp
đặt chân tới thăm viếng: chùa Linh Phong (Ông Núi), chùa Hòa Quang, chùa Diệc Cổ, chùa
Thiên Tượng, điện Di Lặc, động Tàng Chân…vv. Có lúc, tác giả một mình đi du ngoạn cảnh
chùa, đôi khi lại cùng vợ là Diêu Tiên đến thăm lại chùa cũ như một chứng tích về tuổi thanh
xuân của mình (Nẫm tứ niên tiền thử dạ du / Hải Đường hoa hạ thuyết phong lưu – Hai mươi
bốn năm trước cũng đêm nay chúng ta cùng dạo chơi / Dưới khóm hoa Hải Đường cùng bàn
chuyện phong lưu - Hoa triêu dạ dữ nội hữu Diêu Tiên khanh Diệc Cổ tự). Mỗi khi rảnh không
có việc gì làm hay buồn phiền vì chuyện quan trường, tác giả lại mượn cớ đến thăm các sư ( Độc
tọa hàn nha vô nhất sự / Tiếu tương sơn mính tặng sơn tăng – Một mình ngồi ở cửa quan khốn
khổ không việc gì làm / Bèn đem trà núi tặng cho nhà sư ở núi, buồn cười thật! – Tặng tăng) để
được trò chuyện (Nhất dạ thiền phòng thoại cựu nhơn – Du Ngũ Hành sơn). Đặc biệt suốt cuộc
đời của mình, ngoài nỗi hoài hương, ông còn nhớ đến Linh Phong Tự như một nỗi niềm khắc
khoải, mong đợi: “Ưu thiên mấn dĩ ban / Linh Phong hồi thủ xứ - Lo chuyện không đâu tóc cứ
bạc dần / Chùa Linh Phong là nơi ngoảnh đầu lại – Cửu nhật). “Trong hệ thống thế giới quan tôn
giáo, con người được coi như một thực thể nhị nguyên, là sự kết hợp giữa tinh thần và thể xác;
trong đó, thể xác là cái nhất thời, tinh thần mới là vĩnh viễn” [4, 118]. Chính vì thế, mỗi khi thể
xác đau đớn thì tâm hồn thường thoát xác để phiêu du đến một bến bờ đối lập, tìm kiếm sự an ủi
hay lãng quên thực tại. Nhu cầu tất yếu ấy đã bắt gặp trong thơ Thiền Đào Tấn.
3. Kết luận

Đạo Phật do có nhiều điểm tương đồng với tâm thức, truyền thống của người Việt nên đã sớm
được nhân dân ta đón nhận. Dù có lúc thăng trầm song một dòng chảy văn học mang âm hưởng
Thiền vẫn chưa hề đứt đoạn. Đối với Đào Tấn, dù không xuống tóc đi tu nhưng qua thơ ta thấy
được từ đời sống đến nhận thức tác giả đều chịu ảnh hưởng tư tưởng Thiền tông. Chính chất
Thiền trong con người Đào Tấn đã góp phần làm cho một trọng quan triều đình mà lại rất gần gũi
với nhân dân, sống nhân ái chan hòa, thấu hiểu được thế thái nhân tình trong xã hội ba đào đầy
biến động.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] L. X. Đ. Q. Địch, Mai viên cố sự, NXB Văn hoá dân tộc, Hà Nội, (2005).
[2] Nhiều tác giả, Đào Tấn nhà thơ nghệ sĩ tuồng xuất sắc, Ty văn hoá và thông tin nghĩa Bình,
(1978).


[3] Nhiều tác giả, Về con người cá nhân trong văn học cổ Việt Nam, NXB Giáo dục, Hà Nội,
(1997).
[4] Nhiều tác giả, Triết học Mác – Lênin đề cương bài giảng dùng trong các trường đại học, cao
đẳng từ năm học 1991 – 1992 (Tái bản lần 7), Tập 2, NXB Giáo dục, (2001).
[5] Nhiều tác giả, Đào Tấn trăm năm nhìn lại, NXB Hội nhà văn, (2008).
[6] N. P. Hùng, Thơ Thiền Việt Nam những vấn đề lịch sử và tư tưởng nghệ thuật (Chuyên luận),
NXB Đại học quốc gia Hà Nội, (1995 ).
[7] V. N. Liễn (Chủ biên), Thư mục – Tư liệu về Đào Tấn, Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nghĩa
Bình – Sở văn hoá và thông tin Nghĩa Bình – Nhà hát tuồng Nghĩa Bình, (1985).
[8] V. N. Liễn (Biên khảo), Đào Tấn thơ và từ, NXB Sân khấu, Hà Nội, (2003).
[9] T. N. Thêm, Cơ sở văn hóa Việt Nam (Tái bản lần thứ 2), NXB Giáo dục, Tp.HCM, (1999).
Lần cập nhật cuối ( Thứ bảy, 11 Tháng 2 2012 01:01 )



×