Tải bản đầy đủ (.pdf) (83 trang)

KHẢO SÁT ĐẶC ĐIỂM SINH HỌC CỦA NẤM Ceratocystis fimbriata Ellis Halst GÂY BỆNH CHẾT NHÁNH CÂY NHÃN (Dimocarpus longan Lour)

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1008.3 KB, 83 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC NÔNG LÂM TP. HỒ CHÍ MINH
KHOA NÔNG HỌC

KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP

KHẢO SÁT ĐẶC ĐIỂM SINH HỌC CỦA NẤM Ceratocystis
fimbriata Ellis & Halst GÂY BỆNH CHẾT NHÁNH CÂY NHÃN
(Dimocarpus longan Lour)

NGÀNH: BẢO VỆ THỰC VẬT
KHÓA: 2007-2011
SINH VIÊN THỰC HIỆN: ĐỖ THỊ HIỀN HOA

Tp. Hồ Chí Minh, tháng 07/2011


ii

KHẢO SÁT ĐẶC ĐIỂM SINH HỌC CỦA NẤM Ceratocystis
fimbriata Ellis & Halst GÂY BỆNH CHẾT NHÁNH CÂY NHÃN
(Dimocarpus longan Lour)

Tác giả

ĐỖ THỊ HIỀN HOA

Khóa luận được đệ trình để đáp ứng yêu cầu
cấp bằng kỹ sư ngành Bảo Vệ Thực Vật

GIÁO VIÊN HƯỚNG DẪN


TS. TỪ THỊ MỸ THUẬN

Tp. Hồ Chí Minh, tháng 07/2011


iii

LỜI CẢM ƠN

Để hoàn thành luận văn tốt nghiệp này, ngoài sự cố gắng nỗ lực của bản thân, tôi
đã nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của nhà trường, thầy cô, bạn bè và gia đình.
Trước tiên, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành tới Ban giám hiệu nhà trường,
các thầy cô trong Khoa Nông học và các giảng viên trường Đại học Nông Lâm thành
phố Hồ Chí Minh đã nhiệt tình truyền đạt những kiến thức quý báu và tạo điều kiện tốt
cho tôi trong suốt quá trình học tập và hoàn thành luận văn tốt nghiệp.
Tôi xin bày tỏ lòng kính trọng và sự biết ơn sâu sắc tới Tiến sĩ Từ Thị Mỹ Thuận,
Khoa Nông học, trường Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh - người đã luôn
tận tình hướng dẫn, động viện và giúp đỡ tôi hoàn thành luận văn này.
Tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành tới anh Nguyễn Huy Cường, phòng Bảo Vệ
Thực Vật – Viện Nghiên Cứu Cây Ăn Quả Miền Nam đã tạo điều kiện và giúp đỡ tôi
trong quá trình thu thập vật liệu nghiên cứu.
Tôi xin gửi lời cảm ơn tới các thành viên của hai lớp DH07BVB và DH07BVA,
những người bạn thân thiết đã chia sẻ, giúp đỡ, động viên tôi trong suốt 4 năm qua.
Cuối cùng, tôi xin chân thành cảm ơn tới cha mẹ và những người thân của tôi, đã
luôn bên tôi, động viên, khuyến khích và giúp đỡ tôi trên từng chặng đường của mình.
Xin chân thành cảm ơn mọi người!
Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 07 năm 2011
Tác giả

Đỗ Thị Hiền Hoa



iv

TÓM TẮT
Đề tài “Khảo sát đặc điểm sinh học của nấm Ceratocystis fimbriata Ellis &
Halst gây bệnh chết nhánh cây nhãn (Dimocarpus longan Lour)” được thực hiện
tại phòng thí nghiệm bệnh cây của bộ môn Bảo Vệ Thực Vật, khoa Nông học, trường
Đại Học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh, thời gian từ tháng 02 đến tháng 06 năm
2011.
Giáo viên hướng dẫn:
TS. Từ Thị Mỹ Thuận – Khoa Nông học, trường Đại học Nông Lâm thành phố Hồ
Chí Minh.
Nội dung thực hiện:
Khảo sát đặc điểm hình thái của nấm Ceratocystis fimbriata (C. fimbriata).
Khảo sát sự sinh trưởng, phát triển của nấm C. fimbriata ở các nhiệt độ khác nhau.
Khảo sát sự sinh trưởng, phát triển của nấm C. fimbriata ở các pH khác nhau.
Khảo sát sự sinh trưởng, phát triển của nấm C. fimbriata ở các thời gian chiếu sáng
khác nhau.
Ảnh hưởng của nhiệt độ đến khả năng nảy mầm của bào tử nấm C. fimbriata.
Kết quả đạt được:
Sau khi khảo sát đặc điểm hình thái của 6 mẫu phân lập (MPL) nấm C. fimbriata
gây bệnh chết nhánh cây nhãn ở các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre và Vĩnh Long cho thấy,
các MPL nấm giống nhau về hình thái. Nhưng kích thước bào tử nội sinh, bào tử hậu,
bào tử túi, quả thể và cổ quả thể khác nhau. Bào tử hậu, bào tử túi và quả thể đều có
kích thước lớn nhất ở mẫu TG1, mẫu TG3 có kích thước bào nội sinh lớn nhất và cổ
quả thể dài nhất.


v


Khảo sát sự sinh trưởng và phát triển của 6 MPL nấm C. fimbriata ở 6 mức nhiệt
độ: 10oC, 15oC, 20oC, 25oC, 30oC và 35oC cho kết quả, khoảng nhiệt độ mà 6 mẫu
phân lập nấm có thể sinh trưởng và phát triển là 15 – 30oC. Nhưng nhiệt độ thích hợp
nhất cho nấm sinh trưởng và phát triển là 25oC, có tản nấm phát triển nhanh nhất ở
mẫu nấm BT, chậm nhất ở mẫu VL sau 10 ngày nuôi cấy.
Khi tiến hành khảo sát sự sinh trưởng và phát triển của 6 MPL nấm C. fimbriata ở
9 mức pH: 4, 4,5, 5, 5,5, 6, 6,5, 7, 7,5 và 8 cho thấy, ở các mức pH từ 4 đến 8 nấm đều
có khả năng sinh trưởng và phát triển. Nhưng 6 MPL phát triển tốt nhất ở pH =6,5 và
7. Ở pH = 6,5, các mẫu TG1, TG3, TG4 và BT sinh trưởng và phát triển tốt hơn các
pH khác, còn 2 mẫu TG2 và VL phát triển tốt nhất ở mức pH = 7 ở 10 ngày sau cấy
(NSC).
Tiến hành khảo sát ảnh hưởng của nhiệt độ đến khả năng nảy mầm của bào tử nấm
C. fimbriata cho thấy, bào tử của 6 MPL nấm không nảy mầm ở các nhiệt độ 10oC,
15oC, 20oC, 30oC và 35oC. Nhiệt độ duy nhất bào tử nấm C. fimbriata nảy mầm là
25oC. Tại mức nhiệt độ này và sau 5 giờ sau cấy (GSC), mẫu TG3 có tỷ lệ bào tử nảy
mầm nhiều nhất (97,33 %), tỷ lệ nảy mầm ít nhất ở mẫu nấm TG2 (91,33 %).


vi

MỤC LỤC
Trang
Trang tựa......................................................................................................................... ii
Lời cảm ơn ..................................................................................................................... iii
Tóm tắt ............................................................................................................................iv
Mục lục ...........................................................................................................................vi
Danh sách các chữ kí hiệu, viết tắt .............................................................................. viii
Danh sách các bảng ........................................................................................................ix
Danh sách các hình .......................................................................................................... x

Chương 1 Mở đầu .......................................................................................................... 1
1.1 Đặt vấn đề ................................................................................................................. 1
1.2 Mục tiêu .................................................................................................................... 2
1.3 Yêu cầu ..................................................................................................................... 2
Chương 2 Tổng quan tài liệu ........................................................................................ 3
2.1 Giới thiệu về cây nhãn ............................................................................................. 3
2.1.1 Phân loại thực vật và nguồn gốc cây nhãn ...................................................... 4
2.1.2 Đặc điểm thực vật học ..................................................................................... 4
2.1.3 Điều kiện sinh thái ........................................................................................... 5
2.1.4 Một số giống nhãn trồng phổ biến tại Việt Nam ............................................. 5
2.1.5 Một số bệnh hại chính trên cây nhãn ............................................................... 6
2.2 Giới thiệu về nấm Ceratocystis fimbriata ............................................................. 8
2.2.1 Phân loại .......................................................................................................... 8
2.2.2 Một số đặc điểm của nấm Ceratocystis fimbriata ........................................... 8
2.2.3 Nấm Ceratocystis fimbriata gây bệnh chết nhánh nhãn .................................. 9
2.2.4 Nấm Ceratocystis fimbriata gây bệnh trên cây trồng khác ............................. 9


vii

Chương 3 Vật liệu và phương pháp nghiên cứu .......................................................10
3.1 Thời gian và địa điểm nghiên cứu ...........................................................................10
3.2 Đối tượng nghiên cứu ..............................................................................................10
3.3 Nội dung nghiên cứu ...............................................................................................10
3.4 Vật liệu và phương tiện nghiên cứu ........................................................................10
3.5 Phương pháp nghiên cứu .........................................................................................11
3.5.1 Khảo sát đặc điểm hình thái của nấm C. fimbriata .......................................11
3.5.2 Khảo sát sự sinh trưởng, phát triển của nấm C. fimbriata ở các nhiệt độ khác
nhau (theo phương pháp của Tainter, 1986) ...........................................................12
3.5.3 Khảo sát sự sinh trưởng, phát triển của nấm C. fimbriata ở các pH khác nhau

................................................................................................................................13
3.5.4 Ảnh hưởng của nhiệt độ đến khả năng nảy mầm của bào tử nấm C. fimbriata
................................................................................................................................13
3.5.5 Phương pháp xứ lý số liệu .............................................................................14
Chương 4 Kết quả và thảo luận .................................................................................15
4.1 Đặc điểm hình thái của nấm C. fimbriata ...............................................................15
4.2 Sự sinh trưởng và phát triển của nấm C. fimbriata ở các nhiệt độ khác nhau.........22
4.3 Sự sinh trưởng và phát triển của nấm C. fimbriata ở các pH khác nhau .................29
4.4 Ảnh hưởng của nhiệt độ đến khả năng nảy mầm của bào tử nấm C. fimbriata ......34
Chương 5 Kết luận và đề nghị ....................................................................................36
5.1 Kết luận....................................................................................................................36
5.2 Đề nghị ....................................................................................................................37
Tài liệu tham khảo .........................................................................................................38
Phụ lục ...........................................................................................................................40


viii

DANH SÁCH CÁC CHỮ KÍ HIỆU, VIẾT TẮT

CABI

Centre for Agriculture and Biosciences International

Ceratocystis fimbriata C. fimbriata
Ctv

Cộng tác viên

CV


Coefficient of Variation

EPPO

European Plant Protection Organization

GSC

Giờ sau cấy

MPL

Mẫu phân lập

NSC

Ngày sau cấy

PGA

Potato Glucose Agar


ix

DANH SÁCH CÁC BẢNG

Trang
Bảng 3.1: ký hiệu và địa điểm thu thập 6 MPL nấm C. fimbriata ................................11

Bảng 4.1: Đặc điểm hình thái của 6 MPL nấm C. fimbriata trên môi trường PGA .....15
Bảng 4.2: Kích thước các loại bào tử của 6 mẫu phân lập nấm C. fimbriata ...............17
Bảng 4.3: Quá trình nảy mầm của các loại bào tử nấm C. fimbriata ............................20
Bảng 4.4: Đường kính tản nấm của 6 MPL nấm C. fimbriata trên mội trườn PGA ở
15oC ...............................................................................................................................22
Bảng 4.5: Đường kính tản nấm của 6 MPL nấm C. fimbriata trên môi trường PGA ở
20oC ...............................................................................................................................23
Bảng 4.6: Đường kính tản nấm của 6 MPL nấm C. fimbriata trên môi trường PGA ở
25oC ...............................................................................................................................24
Bảng 4.7: Đường kính tản nấm của 6 MPL nấm C. fimbriata trên môi trường PGA ở
30oC ...............................................................................................................................25
Bảng 4.8: Đường kính tản nấm của 6 MPL nấm C. fimbriata trên môi trường PGA ở
các pH khác nhau sau 6 NSC và 10 NSC ......................................................................30
Bảng 4.9: Tốc độ phát triển tản nấm của 6 MPL nấm C. fimbriata trên môi trường
PGA ở các pH khác nhau ..............................................................................................32
Bảng 4.10: Tỷ lệ bào tử nảy mầm (%) của 6 MPL nấm C. fimbriata ở nhiệt độ 25oC tại
các thời điểm khác nhau ................................................................................................34


x

DANH SÁCH CÁC HÌNH
Trang
Hình 2.1: Cây nhãn tiêu da bò bị bệnh ............................................................................ 7
Hình 2.2: Triệu chứng trong mạch gỗ ............................................................................. 7
Hình 4.1: Tản nấm C. fimbriata mẫu TG1 trên môi trường PGA ở 25oC sau 10 NSC 18
Hình 4.2: Sợi nấm C. fimbriata mẫu TG1 gây bệnh chết nhánh cây nhãn ...................18
Hình 4.3: Quả thể của nấm C. fimbriata mẫu TG1 gây bệnh chết nhánh cây nhãn. .....19
Hình 4.4: Bào tử của nấm C. fimbriata mẫu TG1 gây bệnh chết nhánh cây nhãn. ......19
Hình 4.5: Quá trính nảy mầm của 3 loại bào tử nấm C. fimbriata ................................21

Hình 4.6: Đường kính tản nấm của 6 MPL nấm C. fimbriata ở các nhiệt độ khác nhau
sau 10 ngày nuôi cấy. ....................................................................................................27
Hình 4.7: Tản nấm C. fimbriata mẫu TG1 trên môi trường PGA ở các nhiệt độ khác
nhau sau 10 ngày nuôi cấy.............................................................................................28
Hình 4.8: Tản nấm C. fimbriata mẫu TG1 trên môi trường PGA ở pH khác nhau sau
10 ngày nuôi cấy. ...........................................................................................................33
Hình 4.9 : Quá trình nảy mầm của bàn tử nấm C. fimbriata mẫu TG1 ở mức nhiệt độ
25oC ...............................................................................................................................35


1

Chương 1
MỞ ĐẦU

1.1 Đặt vấn đề
Trái cây là thực phẩm rất quan trọng trong cuộc sống hằng ngày. Trái cây không
chỉ cung cấp cho con người về nguồn chất dinh dưỡng phong phú, mà còn đem lại
nguồn thu nhập chính cho người nông dân. Hiện nay, những loại cây ăn trái đặc sản
cho hiệu quả kinh tế cao và đang được mở rộng diện tích trồng như cam, xoài, nhãn,
vải, chôm chôm, sâu riêng.
Cây nhãn (Dimocarpus longan Lour) cùng họ với cây vải (Litchi chinensis), chôm
chôm (Nephelium lappaceum L.), là cây á nhiệt đới và nhiệt đới. Nhãn được trồng
nhiều ở Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam.
Trái nhãn chứa nhiều chất dinh dưỡng, có thể ăn tươi, sấy khô, đóng hộp nên nhu
cầu sử dụng trái nhãn là rất cao. Việc tăng sản lượng nhãn để đáp ứng nhu cầu đó là
cần thiết và người trồng nhãn đã sử dụng những biện pháp làm tăng năng suất, đặc biệt
là khắc phục hiện tượng ra quả cách niên như: khoanh vỏ, xiết nước, xử lý hóa chất.
Những biện pháp này đem lại hiệu quả cao, tuy nhiên việc khoanh vỏ, xiết nước cùng
với những bất cẩn trong quá trình trồng và chăm sóc đã gây ra những vết thương cho

cây nhãn. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho các vi sinh vật gây bệnh như nấm, vi
khuẩn xâm nhập và phát triển.
Cây nhãn cũng như các loại cây trồng khác đều bị sâu bệnh hại tác động đến quá
trình sinh trưởng, phát triển của cây. Và một trong những bệnh gây hại nghiêm trọng
trên cây nhãn trong thời gian gần đây là bệnh chết nhánh do nấm C. fimbriata gây ra.
Bệnh chết nhánh nhãn với các triệu chứng: cành hay thân bị khô héo dần, sau đó chết
đi làm ảnh hưởng tới năng suất và hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, việc nghiên cứu về
bệnh này để tìm ra những biện pháp phòng ngừa và trị bệnh còn rất nhiều hạn chế.


2

Chính vì vậy, được sự phân công của khoa Nông học chúng tôi đã tiến hành thực
hiện đề tài “Khảo sát đặc điểm sinh học của nấm Ceratocystis fimbriata Ellis &
Halst gây bệnh chết nhánh cây nhãn (Dimocarpus longan Lour)”, để nghiên cứu
một số đặc điểm hình thái và sinh học của nấm làm tiền đề cho các nghiên cứu về
phòng trừ bệnh chết nhánh nhãn do nấm C. fimbriata gây ra, giúp tăng hiệu quả kinh tế
cho người trồng nhãn.
1.2 Mục tiêu
Khảo sát một số đặc điểm sinh học của nấm C. fimbriata tác nhân gây bệnh chết
nhánh cây nhãn, nhằm cung cấp cơ sở cho các nghiên cứu tiếp theo về bệnh này.
1.3 Yêu cầu
-

Mô tả đặc điểm hình thái của nấm C. fimbriata tác nhân gây bệnh chết nhánh cây
nhãn.

-

Xác định mức nhiệt độ, độ pH thích hợp cho sự sinh trưởng phát triển của nấm C.

fimbriata.

-

Xác định nhiệt độ thích hợp cho sự nảy mầm của bào tử nấm C. fimbriata.


3

Chương 2
TỔNG QUAN TÀI LIỆU
2.1 Giới thiệu về cây nhãn
Cây nhãn (Dimocarpus longan Lour) là một trong những cây trái được trồng lâu đời
nhất và phổ biến nhất của nước ta. Đây là loại cây ăn trái có khả năng thích hợp với
nhiều loại thổ nhưỡng khác nhau, dễ trồng, tuổi thọ dài và năng suất cao. Tùy theo
từng giống mà trái nhãn có hình dạng và màu sắc khác nhau.
Theo Nguyễn Văn Kế (2008), nhãn thường được ăn tươi, chủ yếu người tiêu dùng là
người gốc châu Á. Hongkong là nơi nhập nhãn nhiều nhất. Do trái nhãn có thời gian
tồn trữ ngắn, nên nhãn cần được chế biến như sấy khô, đông lạnh, đóng hộp. Thịt nhãn
sấy khô (nhãn nhục) còn là vị thuốc chữa đau dạ dày, mất ngủ và giải độc được người
Trung Quốc sử dụng nhiều.
Theo Trần Thế Tục (1993), kết quả phân tích thành phần dinh dưỡng trong trái nhãn
cho thấy: đường tổng số 12,38 – 22,55%, trong đó đường glucoza 3,85 – 10,16%, axit
0,096 – 0,109%, vitamin C 43,12 – 163,70 mg/100 gr thịt quả, vitamin K 196,5
mg/100 gr. Ngoài ra, trái nhãn còn có các chất khoáng Ca, P, Fe đều là chất dinh
dưỡng rất cần thiết cho sức khỏe của con người. Và cây nhãn cho ra nhiều hoa, nhiều
đợt trong năm nên là cây lấy mật quan trọng có chất lượng cao, cây có tán xòe rộng
dùng làm cây che bóng tốt.
Theo Wong và Saichol (1991), nhãn là trái cây quý, ngon ngọt và đặc biệt có mùi
thơm đặc trưng, độ đường biến động từ 15 – 25%. Cứ 100 gr thịt quả cho khoảng 100

– 109 calo. Trái nhãn nặng từ 5 – 22 gr. Để xuất khẩu nhãn tươi qua các thị trường lớn
trái phải to, nặng từ 14 – 18 gr (loại A), độ Brix từ 19 – 20%, phần thịt quả chiếm từ
67 – 78% trọng lượng toàn trái, không sâu bệnh, mẫu mã đẹp, loại B trái trung bình có
trọng lượng biến động từ 12,5 – 13,2 gr, và các trái dưới 12,5 gr được xếp vào loại C.


4

Với những giá trị dinh dưỡng và giá trị kinh tế mà cây nhãn mang lại, việc mở rộng
diện tích trồng, chăm sóc nhãn là điều rất cần thiết.
2.1.1 Phân loại thực vật và nguồn gốc cây nhãn
Cây nhãn có tên khoa học là Dimocarpus longan Lour, tên tiếng Anh là Longan.
Cây nhãn có vị trí phân loại như sau:
Kingdom (giới):

Plantae

Order (bộ):

Sapindales

Family (họ):

Sapindaceae

Genus (giống):

Dimocarpus

Species (loài):


Dimocarpus longan

< Nguồn: >
Theo Ke và ctv (2000), cây nhãn có nguồn gốc từ phía bắc Myanmar tới phía nam
Trung Quốc. Tại Trung Quốc, nhãn có nguồn gốc ở Yunnan và các trung tâm phát sinh
phụ là Guangdong, Guangxi và đảo Hainan.
2.1.2 Đặc điểm thực vật học
Cây nhãn cao khoảng 5 – 13 m, tán cây xòe rộng hay mọc đứng tùy theo giống, mọc
thẳng hơn khi trồng bằng hạt. Cây phân cành mạnh, vỏ thân sần sùi.
Lá nhãn là lá kép lông chim có từ 3 – 6 cặp lá chét, mép lá trơn. Lá xanh đậm và
láng ở mặt trên, xanh nhạt ở mặt dưới, mặt dưới lá của giống nhãn xuồng có lông mịn,
lá còn non có màu vàng hay nâu đỏ. Ở giống long nhãn, đầu và gốc lá bầu, còn thon ở
giống tiêu da bò.
Phát hoa nhãn là chùm tụ tán mọc ở ngọn cành, có chiều dài từ 8 – 40 cm. Trong
một phát hoa có nhiều loại hoa, hoa đực có khoảng 8 nhị đực có lông xếp thành hàng
đơn trên đế hoa, hoa cái mang bao phấn nhưng bất thụ, hoa lưỡng tính có hai lá noãn
và bầu noãn có nhiều lông tơ với núm nhụy có hai thùy. Thời gian một phát hoa nở
kéo dài từ 1 – 2 tuần, sự thụ phấn diễn ra chủ yếu từ 8 giờ sáng đến 2 giờ chiều, hoa nở


5

theo thứ tự như sau: hoa đực, hoa cái và cuối cùng là hoa lưỡng tính. Hoa nhãn thụ
phấn chéo nhờ côn trùng.
Trái nhãn thuộc loại quả hạch, vỏ có màu xanh khi còn non, khi chín tùy từng giống
có màu sắc khác nhau, vỏ vàng sậm (tiêu da bò), vàng ửng hồng (tiêu hồng), vàng nhạt
(tiêu trắng). Đường kính trái từ 1,25 – 3,5 cm, thịt trái có màu đục và mỏng nhiều nước
ở giống long nhãn, ráo ở các giống nhãn tiêu. Hạt nhãn tròn nâu đen và láng, kích
thước thay đổi tùy theo giống nhãn (Nguyễn Văn Kế, 2008).

2.1.3 Điều kiện sinh thái
Theo Nguyễn Văn Kế (2008), nhãn là cây trồng được ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt
đới. Tùy theo giống nhãn mà nhiệt độ tới hạn thay đổi từ 7 – 12oC. Nhiệt độ tối hảo
cho sự ra hoa và quả phát triển là 20 – 25oC. Nhãn rất cần ánh sáng, bị rợp bóng cây sẽ
cho ít trái.
Nhãn là cây chịu hạn khá tốt nhưng chịu úng rất kém. Lượng mưa tối thiểu khoảng
1.200 – 1.500 mm/năm, nên tưới bổ sung khi lượng mưa phân bố không đều để làm
tăng năng suất và chất lượng trái.
Đất thịt (phù sa ven sông) và đất thịt pha cát, độ pH từ 5,5 – 6,5 phù hợp cho trồng
nhãn. Cây nhãn cần chân đất sâu và thoát nước tốt.
2.1.4 Một số giống nhãn trồng phổ biến tại Việt Nam
Cây nhãn là một trong những cây ăn trái chủ đạo làm tăng hiệu quả kinh tế cho
người nông dân hiện nay. Vì vậy, diện tích trồng nhãn ở Việt Nam ngày càng được mở
rộng và các giống nhãn cũng được cải thiện để tăng năng suất và chất lượng trái. Sau
đây là một số giống nhãn được trồng phổ biến ở Việt Nam:


Long nhãn: lá kép có 4 cặp lá chét, bản lá to dày, trái to, hạt lớn, để lộ vết nứt

trắng, phần thịt cơm mỏng, nước nhiều, ăn ngọt thơm. Do trái nhiều nước nên không
được ưa chuộng so với các giống khác. Long nhãn được sử dụng làm gốc ghép do sức
sống mạnh.


6

• Nhãn tiêu da bò: cây có khả năng sinh trưởng mạnh, vỏ trái có màu vàng sậm, thịt
trái dày, hạt nhỏ, ráo nước, chùm lớn. Nhãn tiêu da bò có 5 cặp lá chét, bản lá nhỏ,
thuôn nhọn. Giống này có thời gian nuôi trái dài, cần phải xử lý để cây ra hoa.
• Nhãn xuồng: có nguồn gốc từ Bà Rịa – Vũng Tàu, có hai loại là xuồng cơm trắng

và xuồng cơm vàng. Xuồng cơm vàng được thị trường ưa chuộng hơn. Trái có màu
vàng hanh, trái lớn có dạng hình xuồng đường kính có thể lớn hơn 3 cm, trọng lượng
từ 16 – 25 gr, có phần cuống lõm sâu, thịt trái dày, ráo dòn, ngọt thơm. Nhãn xuồng
trồng bằng hạt, dễ ra hoa (Nguyễn Văn Kế, 2008).
2.1.5 Một số bệnh hại chính trên cây nhãn
• Bệnh thối trái do nấm Phytophthora sp. gây ra. Bệnh này thường xuất hiện và gây
hại nặng trên trái nhãn sắp chín vào mùa mưa. Trái bệnh bị thối nâu, thịt trái thối nhũn,
chảy nước có mùi hôi chua và có thể thấy tơ nấm trắng phát triển trên vết bệnh. Cần
cắt bỏ và thu gom những trái bị bệnh trong vườn đem đi tiêu hủy. Phun các thuốc gốc
đồng để phòng trị theo liều lượng khuyến cáo.
• Bệnh phấn trắng do Oidium sp.: hoa bị xoắn vặn, khô cháy, trái non bị nhiễm
bệnh sẽ nhỏ, có màu nâu. Vỏ trái bị đóng phấn trắng phần cuống trái. Trái bị bệnh
thường thối nâu đen ở cuống trái sau đó lan dần đến nguyên trái. Phun các thuốc gốc
lưu huỳnh Kumulus, hoặc Anvil, Topsin M nồng độ 0,1 – 0,2.
• Bệnh khô cháy hoa do Phyllostista sp.: bệnh thường xuất hiện vào lúc hoa nở rộ,
trên cánh hoa có những vết chấm nhỏ bằng đầu kim, có màu nâu đen làm hoa bị vàng,
sau đó khô và rụng đi. Bệnh nặng khi có sương mù, mưa nhiều, ẩm độ cao. Phun
Benomyl 0,1% hay các thuốc gốc đồng.
• Bệnh đốm rong do rong Cephaleuros virescens gây ra: bệnh gây hại nghiêm trọng
trên lá vào những tháng mưa ẩm. Đốm bệnh có hình tròn lúc đầu nhỏ khoảng 3 – 5
mm, hơi nhô lên trên mặt lá do rong phát triển thành lớp nhung mịn màu xanh hơi
vàng. Đốm bệnh tròn có thể phát triển hơn 1 cm. Mặt dưới của vết bệnh có màu nâu
nhạt đến sậm do mô lá bị hoại. Trên một lá có thể có nhiều đốm làm cho lá bị vàng và


7

rụng sớm. Phòng trị bệnh bằng các loại thuốc gốc đồng Bordeaux, Copper B, Copper
Zinc (Võ Thế Truyền và cộng sự, 2003).
• Bệnh đọt chổi: bệnh làm hoa méo mó, rụng hết, lá già cong queo, lá non mọc

chụm lại. Bệnh được nghi ngờ do virus gây ra, lây lan nhờ côn trùng hay qua mắt
ghép, gây hại nặng giống nhãn tiêu da bò. Bệnh không có thuốc phòng trị, biện pháp
tốt nhất là chọn giống tốt (Nguyễn Văn Kế, 2008).
• Bệnh chết nhánh nhãn do nấm Ceratocystis fimbriata gây ra: triệu chứng ban đầu
bệnh xuất hiện trên một số cành chính, lá bị héo, sau đó toàn bộ cây bị héo khô, rụng
lá và làm chết cây một cách rất nhanh chóng, đột ngột. Vị trí cành héo thường gặp ở
những cành cấp 1 hay thân chính. Khi cắt ngang cành hoặc thân chính bị chết nhánh
thì thấy hệ thống bó mạch có màu nâu đen. Phòng trừ bệnh bằng cách tiến hành cắt tỉa
và tiêu huỷ những cành bệnh, cành vô hiệu bên trong tán, vệ sinh vườn sạch sẽ. Phun
ngừa thuốc trừ nấm có phổ rộng như: Coc 85, Zineb, Mancozeb Topsin-M trước khi
khoanh vỏ xử lý ra hoa nhằm tiêu diệt mầm bệnh (Trương Thị Hậu, 2009).

Hình 2.1: Cây nhãn tiêu da bò bị bệnh

Hình 2.2: Triệu chứng trong mạch gỗ

(Hình ảnh nguồn: Đỗ Thị Hiền Hoa, 2011)


8

2.2 Giới thiệu về nấm Ceratocystis fimbriata
2.2.1 Phân loại
Nấm Ceratocystis fimbriata Ellis & Halst có vị trí phân loại như sau:
Kingdom (giới):

Fungi

Phylum (ngành):


Ascomycota

Class (lớp):

Sordariomycetes

Order (bộ):

Microascales

Family (họ):

Ceratocystidaceae

Genus (giống):

Ceratocystis

Species (loài):

Ceratocystis fimbriata

< Nguồn: />2.2.2 Một số đặc điểm của nấm Ceratocystis fimbriata
• Đặc điểm hình thái
Trong môi trường nhân tạo, sợi nấm màu trong suốt sau đó xanh lục hơi nâu và tỏa
ra mùi hương trái cây. Nấm tăng trưởng rất nhanh (0,5 cm trong 24 giờ ở 24oC, môi
trường PGA). Đường kính quả thể từ 130 – 200 µm, có cổ dài từ 400 – 800 µm. Ba
loại bào tử được hình thành: bào tử nội sinh có màu trắng, hình trụ, chiều dài từ 11 –
16 µm, chiều rộng từ 3 – 6 µm; bào tử hậu hình cầu, có màu xanh lục hơi nâu, chiều
dài từ 11 – 19 µm, chiều rộng từ 9 – 15 µm; bào tử túi có hình dạng như cái mũ có

chiều dài 4 – 8 µm (OEPP/EPPO, 1992).
• Đặc điểm sinh học
Theo Accordi (1989), sau khoảng một tuần nuôi cấy, quả thể được sinh ra từ tản
nấm. Nấm này có thể tồn lưu trong nhiều năm ở - 17oC, nhưng không phát triển dưới
10oC hoặc trên 40oC, chúng có thể sống được trong đất. Nấm phát tán bằng sợi nấm,
bào tử nội sinh, bào tử hậu hay bào tử túi. Bào tử nấm có khả năng tồn tại trong điều
kiện khác nghiệt vì nó có vách dày và bền vững (OEPP/EPPO, 1992).


9

• Phương thức hoạt động và phát tán
Nấm C. fimbriata phát tán giữa các cây Platanus spp. thông qua chỗ tiếp xúc của
rễ (Accordi, 1986). Nấm này chỉ xâm nhập qua vết thương, và có thể tồn tại trên bề
mặt vết thương trong 7 – 15 ngày, chúng lây lan nhanh chóng theo chiều dọc thân cây
với chiều dài vết bệnh từ 1 – 2 m/năm. Trong tự nhiên, nấm bệnh được truyền qua các
công cụ cắt tỉa thân cành, các máy móc làm đất gây tổn thương cho rễ. Nấm có mùi
hương trái cây nên thu hút côn trùng đến truyền bệnh, chúng cũng được lây bệnh qua
con đường thương mại từ vùng này sang vùng khác (OEPP/EPPO, 1992).
2.2.3 Nấm Ceratocystis fimbriata gây bệnh chết nhánh nhãn
Những nghiên cứu ngoài nước về bệnh chết nhánh trên cây nhãn do nấm C.
fimbriata gây ra là rất ít.
Những nghiên cứu trong nước về bệnh chết nhánh nhãn cũng rất hạn chế. Theo Bùi
Cách Tuyến (2004) và Nguyễn Huy Cường (2006), bệnh chết nhánh nhãn do nấm
Phoma sp. gây ra. Tuy nhiên, theo phòng Bảo Vệ Thực Vật – Viện Nghiên Cứu Cây
Ăn Quả Miền Nam (2008) xác định bệnh chết nhánh nhãn tiêu da bò do nấm C.
fimbriata gây ra (Trương Thị Hậu, 2009).
2.2.4 Nấm Ceratocystis fimbriata gây bệnh trên cây trồng khác
Loài nấm C. fimbriata có phạm vi ký chủ rất rộng lớn, với ít nhất 31 loài cây trồng
trong 14 họ cây kí chủ của chi Ceratocystis (CABI, 2001). Theo Ellis và Halsted

(1980), những cây kí chủ của loài này gồm: cây bạch đàn (Eucalyptus spp.), cây xoài
(Mangifera indica), cây cacao (Theobroma cacao), cây cà phê (Coffea arabica), cây
cao su (Hevea brasiliensis), cây tiêu huyền (Platanus spp.), cây quả hạnh (Prunus
spp.), cây dương sung (Populus spp.). Theo Johnson và cộng sự (2005), nấm C.
fimbriata gây bệnh cho cây khoai sọ (Colocasia esculenta) và cây khoai lang
(Ipomoea batatas).


10

Chương 3
VẬT LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

3.1 Thời gian và địa điểm nghiên cứu
Địa điểm tiến hành nghiên cứu: phòng thí nghiệm bệnh cây của Bộ môn Bảo Vệ
Thực Vật, khoa Nông học, trường Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh. Thời
gian nghiên cứu từ tháng 02 đến tháng 06 năm 2011.
3.2 Đối tượng nghiên cứu
Nấm Ceratocystis fimbriata tác nhân gây bệnh chết nhánh cây nhãn.
3.3 Nội dung nghiên cứu
- Khảo sát đặc điểm hình thái của nấm C. fimbriata.
- Khảo sát sự sinh trưởng, phát triển của nấm C. fimbriata ở các nhiệt độ khác nhau.
- Khảo sát sự sinh trưởng, phát triển của nấm C. fimbriata ở các pH khác nhau.
- Ảnh hưởng của nhiệt độ đến khả năng nảy mầm của bào tử nấm C. fimbriata.
3.4 Vật liệu và phương tiện nghiên cứu
• Vật liệu nghiên cứu: 6 mẫu phân lập nấm C. fimbriata được phân lập từ mẫu cây
nhãn bệnh chết nhánh ở các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre và Vĩnh Long.


11


Bảng 3.1: Ký hiệu và địa điểm thu thập 6 MPL nấm C. fimbriata
STT

Ký hiệu MPL

Địa điểm lấy mẫu

1

TG1

Xã Hiệp Đức - Cai Lậy - Tiền Giang

2

TG2

Xã Hiệp Nhơn - Cai Lậy - Tiền Giang

3

TG3

Ấp Hòa Phúc - Hòa Khánh - Cái Bè - Tiền Giang

4

TG4


Xã Bình Đức - Châu Thành - Tiền Giang

5

BT

404/1 - Phú Phụng - Chợ Lách - Bến Tre

6

VL

Ấp Phước Lợi A - Phước Hậu - Long Hồ - Vĩnh Long

• Môi trường nuôi cấy: môi trường PGA
Thành phần môi trường như sau:
Khoai tây

200 gr

Glucose

20 gr

Agar

15 gr

Nước cất


1.000 ml

• Hóa chất dùng để chuẩn độ pH: NaOH, HCl 1N.
• Dụng cụ: cân điện tử, nồi hấp, tủ sấy, tủ cấy, tủ định ôn, kính hiển vi, bếp điện,
thước micrometer, buồng đếm hồng cầu Thomas, micropipet, pipet, ống tiêm, đĩa petri
(đường kính 9cm), cốc thủy tinh, bình tam giác, lame, dao cấy, kéo, kẹp, đèn cồn, giấy
thấm vô trùng, hộp nhựa có nắp đậy có kích thước 8 x 14 x 7 cm, ống hút nhựa, túi
nilon.
3.5 Phương pháp nghiên cứu
3.5.1 Khảo sát đặc điểm hình thái của nấm C. fimbriata
• Thu thập mẫu bệnh: 6 mẫu bệnh được thu từ cành, thân cây nhãn có biểu hiện khô
chết nhánh, hay chết toàn thân tại vườn nhãn các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre và Vĩnh
Long.
• Phương pháp phân lập nấm: tiến hành rửa các mẫu bệnh đã được thu thập dưới
vòi nước chảy, tại vị trí vết bệnh đặc trưng ta cắt phần tiếp giáp giữa mô bệnh và mô


12

khỏe kích thước 1 – 2 cm cho vào cốc thủy tinh. Rửa các mẫu bệnh với cồn 700, rửa
sạch lại với nước cất, lặp lại 3 lần trong khoảng thời gian là 5 phút. Các mẫu bệnh sẽ
được cắt nhỏ hơn và để ráo nước trong tủ cấy trên giấy thấm vô trùng. Khử trùng kẹp
trên ngọn lửa đèn cồn, để nguội, gắp mẫu đặt 3 điểm trên đĩa petri chứa môi trường
PGA. Khi sợi nấm mọc ra từ mẫu bệnh, cấy chuyền sang đĩa PGA mới.
• Cách tiến hành: từ tản nấm C. fimbriata đã được phân lập 5 ngày tuổi, lấy một
khoanh nấm đường kính 0,5 cm đặt vào đĩa petri có sẵn môi trường PGA. Đặt đĩa petri
ở điều kiện nhiệt độ phòng. Sau khi thấy nấm mọc, tiến hành làm tiêu bản quan sát
dưới kính hiển vi ở các độ phóng đại 10X và 40X. Tiến hành làm tiêu bản và quan sát
24 giờ/lần cho đến khi các loại bào tử xuất hiện.
• Các chỉ tiêu theo dõi:

- Hình dạng, màu sắc tản nấm.
- Thời gian xuất hiện, hình dạng, màu sắc và kích thước của bào tử nội sinh, bào
tử hậu, bào tử túi, quả thể, cổ quả thể. Dùng thước micrometre để đo kích thước các
loại bào tử và quả thể, mỗi chỉ tiêu đo 30 lần cho mỗi MPL.
3.5.2 Khảo sát sự sinh trưởng, phát triển của nấm C. fimbriata ở các nhiệt độ
khác nhau (theo phương pháp của Tainter, 1986)
Tiến hành nuôi cấy 6 MPL nấm C. fimbriata ở 6 nhiệt độ 10oC, 15oC, 20oC, 25oC,
30oC, 35oC để khảo sát sự sinh trưởng phát triển của nấm ở những nhiệt độ khác nhau.
Mỗi nhiệt độ cấy 5 đĩa petri cho mỗi MPL.
• Các bước tiến hành: mỗi MPL, tiến hành cấy một khoanh nấm có đường kính 0,5
cm (lấy từ mép tản nấm 5 ngày tuổi) vào trung tâm của đĩa petri (đã đổ sẵn môi trường
PGA) ở vị trí úp ngược sao cho nấm tiếp xúc với môi trường. Đặt các đĩa petri trong tủ
định ôn có điều chỉnh nhiệt độ.
• Các chỉ tiêu theo dõi:
- Hình thái của tản nấm.
- Đường kính tản nấm: đường kích của tản nấm được tính theo công thức sau:
D (cm) = (d1 +d2)/2


13

Trong đó: d1, d2 là 2 đường chéo vuông góc phần tản nấm mọc.
Tiến hành đo 5 lần, lần đầu đo ở 2 ngày sau cấy, các lần đo sau cách nhau 48 giờ,
quan sát cách mọc của tản nấm ở các nhiệt độ khác nhau.
3.5.3 Khảo sát sự sinh trưởng, phát triển của nấm C. fimbriata ở các pH khác
nhau
• Các bước tiến hành: mỗi MPL, tiến hành cấy một khoanh nấm có đường kính 0,5
cm cùng độ tuổi (lấy từ mép tản nấm 5 ngày tuổi) vào trung tâm đĩa petri chứa môi
trường PGA đã được chuẩn độ ở 9 pH: 4, 4,5, 5, 5,5, 6, 6,5, 7, 7,5 và 8 ở vị trí úp
ngược sao cho nấm tiếp xúc với môi trường. Ở mỗi pH cấy 5 đĩa Petri cho mỗi MPL.

Đặt các đĩa petri ở điều kiện nhiệt độ phòng.
• Chỉ tiêu theo dõi được thực hiện tương tự như mục 3.5.2.
3.5.4 Ảnh hưởng của nhiệt độ đến khả năng nảy mầm của bào tử nấm C.
fimbriata
• Các bước tiến hành: Thí nghiệm tiến hành trên lame, có nhỏ 1 giọt agar nước (20
g agar/1.000 ml nước cất) lame được đặt trong những hộp nhựa trong có nắp đậy, 1
lame/hộp. Dưới đáy hộp nhựa đặt giấy vô trùng thấm ẩm, để duy trì độ ẩm trong hộp.
Bào tử nấm C. fimbriata được hòa trong nước vô trùng để tạo thành dung dịch bào tử
có mật số 2 x 103 bào tử/ml. Sử dụng buồng đếm hồng cầu Thomas để đếm mật số bào
tử. Dung dịch bào tử được nhỏ lên lame (trên giọt agar) và cho hộp nhựa được đậy kín.
Sau đó, hộp được đặt trong tủ định ôn ở các nhiệt độ thí nghiệm (10oC, 15 oC, 20 oC,
25 oC, 30 oC và 35 oC), ở mỗi nhiệt độ thực hiện 5 hộp, mỗi hộp 1 lame.
• Chỉ tiêu theo dõi: tỷ lệ nảy mầm được tính theo công thức sau:
Tỷ lệ bào tử nảy mầm (%) = (số bào tử nảy mầm / tổng số bào tử quan sát) x 100
Ở các thời điểm 1, 2, 3, 4 và 5 giờ sau cấy, lấy lame để kiểm tra sự nảy mầm của
bào tử bằng cách quan sát dưới kính hiển vi. Ở mỗi thời điểm theo dõi, quan sát ít nhất
100 bào tử để tính tỷ lệ nảy mầm, bào tử nảy mầm là những bào tử có một hoặc vài
ống mầm có chiều dài dài hơn đường kính của bào tử.


14

Đếm mật số bào tử/ml bằng buồng đếm hồng cầu Thomas theo công thức:
D = (4.000 x a x 103 x 10-n)/b
Trong đó:

D: mật số bào tử/ml
a: số lượng bào tử đếm được trong 16 ô lớn
b: số ô con trong 16 ô lớn (256 ô)
10-n: nồng độ pha loãng mẫu

103: số chuyển mm3 thành ml (103mm3 = 1ml)

3.5.5 Phương pháp xứ lý số liệu
Số liệu sau khi thu thập được xử lý thống kê ANOVA 1, trắc nghiệm LSD bằng
phần mềm MSTATC.
Số liệu tỷ lệ (%) nảy mầm của bào tử được chuyển đổi arcsin(x)1/2 trước khi xử lý
thống kê bằng ANOVA 1.


15

Chương 4
KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN
4.1 Đặc điểm hình thái của nấm C. fimbriata
Đặc điểm hình thái và màu sắc tản nấm của 6 MPL nấm C. fimbriata được mô tả
dựa vào cơ sở và phương pháp mô tả của Hunt, 1956 (trích dẫn bởi Backer và
Harrington, 2004). Kết quả hình thái của 6 MPL nấm C. fimbriata được thể hiện ở
bảng 4.1 và bảng 4.2.
Theo kết quả quan sát được, đặc điểm tản nấm của 6 MPL nấm C. fimbriata trên
môi trường PGA hầu như không có sự khác biệt.
Bảng 4.1: Đặc điểm hình thái của 6 MPL nấm C. fimbriata trên môi trường PGA
Đặc điểm

Ngày xuất hiện
(NSC)

Hình dạng

Màu sắc


Bào tử nội sinh

2

Hình trụ

Không màu

Bào tử hậu

3

Hình cầu, hình trứng

Màu nâu đen

Bào tử túi

5

Hình mũ

Không màu

Quả thể

5

Hình cầu


Màu đen, nâu đen

Cổ quả thể

5

Thẳng

Màu đen, nâu đen

Đặc điểm tản nấm của 6 mẫu nấm phân lập C. fimbriata như sau: tản nấm có dạng
tròn, có mùi trái cây chín, ban đầu có màu trắng sau đó chuyển sang màu nâu đen,
những sợi nấm mới mọc ở ngoài rìa tản nấm có màu trắng. Sợi nấm mọc dày và mọc
sát mặt môi trường nuôi cấy.
Quan sát dưới kính hiển vi cho thấy sợi nấm mảnh, không màu, có vách ngăn, chỗ
vách ngăn không thắt lại. Bào tử nội sinh xuất hiện lúc 2 NSC có hình trụ, không màu,
đơn bào, mọc thành chuỗi. Bào tử hậu xuất hiện lúc 3 NSC, xuất hiện riêng lẻ có hình


×