Tải bản đầy đủ (.pdf) (87 trang)

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực vệ sinh san toàn thực phẩm theo pháp luật việt nam từ thực tiễn thành phố hà nội

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1016.71 KB, 87 trang )

VIỆN HÀN LÂM
KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI

NGUYỄN HỒNG SÂM

BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG
TRONG LĨNH VỰC VỆ SINH AN TOÀN THỰC
PHẨM THEO PHÁP LUẬT VIỆT NAM HIỆN NAY
TỪ THỰC TIỄN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Ngành: Luật Kinh tế
Mã số: 8.38.01.07

LUẬN VĂN THẠC SĨ LUẬT KINH TẾ

Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. NGUYỄN NHƯ PHÁT

HÀ NỘI, 2018


LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của cá nhân tôi với các giá trị
khoa học cũng như số liệu điều tra thực tiễn khách quan.Tôi xin nhận trách nhiệm
trước những khiếu nại về tác quyền.
TÁC GIẢ LUẬN VĂN

NGUYỄN HỒNG SÂM


DANH MỤC VIẾT TẮT



Từ, cụm từ viết tắt

Nội dung từ, cụm từ viết tắt

NTD

Người tiêu dùng

BVQLNTD

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

VSATTP

Vệ sinh an toàn thực phẩm


DANH MỤC BẢNG BIỂU

Bảng số

Nội dung

Số trang

2.1

Số đơn vị kinh doanh thực phẩm ăn uống năm 2013-2017


50

2.2

Số vụ ngộ độc thực phẩm năm 2013-2017

51

2.3

Tổng số vụ việc cung ứng thực phẩm không đảm bảo

53

VSATTP bị phát hiện
2.4

Các vụ việc được phản ánh đến Hội bảo vệ người tiêu
dùng Hà Nội

58


MỤC LỤC
Mở đầu
Chương 1
1.1
1.2
1.3


Chương 2

2.1
2.2

2.3

Chương 3

3.1

3.2
3.3

1
NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ BẢO VỆ QUYỀN
LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG TRONG LĨNH VỰC VỆ
SINH AN TOÀN THỰC PHẨM
Những vấn đề lý luận về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Những vấn đề lý luận về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm
Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực vệ sinh an
toàn thực phẩm một số quốc gia trên thế giới và kinh
nghiệm cho Việt Nam
THỰC TRẠNG BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU
DÙNG TRONG LĨNH VỰC VỆ SINH AN TOÀN
THỰC PHẨM THEO PHÁP LUẬT VIỆT NAM NGHIÊN CỨU TỪ THỰC TIỄN THÀNH PHỐ HÀ
NỘI
Pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh
vực vệ sinh an toàn thực phẩm

Thực trạng thực hiện pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu
dùng trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn
thành phố Hà Nội từ năm 2011 đến nay
Đánh giá kết quả thực hiện pháp luật về bảo vệ quyền lợi
người tiêu dùng trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm trên
địa bàn thành phố Hà Nội từ năm 2013 đến nay
ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN PHÁP
LUẬT VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG THỰC
HIỆN PHÁP LUẬT VỀ BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI
TIÊU DÙNG TRONG LĨNH VỰC VỆ SINH AN TOÀN
THỰC PHẨM
Định hướng hoàn thiện pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu
dùng trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm
Các giải pháp hoàn thiện pháp luật về bảo vệ quyền lợi người
tiêu dùng trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm
Các giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật về bảo
vệ người tiêu dùng trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực
phẩm
Một số kiến nghị đối với thành phố Hà Nội

3.4
Kết luận
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

8
8
19
28

34


34
47

60

68

68
70
73
75
78
79


MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Quan hệ kinh tế chủ yếu trong xã hội, bên cạnh quan hệ giữa các nhà sản xuất
với nhau, là quan hệ giữa người tiêu dùng (NTD) và nhà sản xuất, là lực lượng hết
sức đông đảo. Nhưng vì chưa nhận thức đầy đủ các quyền và trách nhiệm của mình,
không có đầy đủ kiến thức về mọi mặt và thường hành động riêng lẻ nên trong mối
quan hệ giữa họ và nhà sản xuất kinh doanh, NTD thường đứng ở thế yếu và chịu
nhiều thiệt thòi. Bên cạnh đó, NTD còn có nguy cơ sử dụng hàng hoá, dịch vụ thiếu
độ an toàn đặc biệt là đối với hàng hoá, dịch vụ thiết yếu và hàng hoá, dịch vụ có
ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ con người. Điều này thực sự đã kìm hãm sự phát
triển của xã hội. Chính vì vậy, nhiều nước trên thế giới đã thấy sự cần thiết của việc
bảo vệ NTD, có chính sách tôn trọng các quyền của NTD và các biện pháp chống
lại sự lạm dụng của những nhà sản xuất, kinhdoanh.
Trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, quan hệ tiêu dùng trong lĩnh vực vệ sinh an

toàn thực phẩm(VSATTP) tồn tại nhiều vấn đề tiêu cực, hiện tượng thực phẩm bẩn
tràn lan trên thị trường, công tác kiểm định chất lượng thiếu trung thực và khả năng
kiểm soát việc sử dụng hoá chất độc hại trong nuôi, trồng và chế biến thực phẩm
kém đã dẫn đến nhiều lo ngại về những tác động xấu đến sức khoẻ của NTD. Thực
tế cho thấy, đã diễn ra nhiều trường hợp ngộ độc thực phẩm, nhiều cơ sở chế biến
thực phẩm bẩn bị phát hiện, các tiêu cực trong hoạt động kiểm định của cơ quan
chức năng đã được chỉ rõ, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội. Điều này
đã đặt vấn đềbảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (BVQLNTD) trong lĩnh vực
VSATTP trở thành một đòi hỏi bức thiết mang tính thời sự. Tuy nhiên, hoạt
động BVQLNTD trong lĩnh vực VSATTP đã không diễn ra một cách hiệu quả
do những vướng mắc về cơ sở pháp lý cộng với thói quen giao dịch tự phát và sự
kém hiểu biết từ phía NTD.
Từ cơ sở thực tiễn đó, học viên quyết định lựa chọn đề tài “Bảo vệ quyền lợi
người tiêu dùng trong lĩnh vực vệ sinh san toàn thực phẩm theo pháp luật Việt
Nam từ thực tiễn thành phố Hà Nội” làm đề tài nghiên cứu cho luận văn thạc sĩ
Luật học, chuyên ngành Luật Kinh tế của mình.

1


2. Tình hình nghiên cứu đề tài
Trên cơ sở nghiên cứu các tài liệu và các công trình nghiên cứu, học viên nhận
định vấn đề pháp luật và thực hiện pháp luật về BVQLNTD trong lĩnh vực
VSATTP là một vấn đề mới, chưa có nhiều công trình nghiên cứu đề cập. Xem xét
vấn đề BVQLNTD nói chung có thể kể đến một số công trình sau:
- Đề tài “Tăng cường năng lực các thiết chế thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi
người tiêu dùng ở Việt Nam” của Viện Khoa học pháp lý – Bộ Tư pháp thực hiện
tháng 11/2013, do TS. Nguyễn Thị Vân Anh làm chủ nhiệm;
- Đề tài “Hoàn thiện pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Việt Nam
trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế”, đề tài nghiên cứu cấp bộ do TS. Đinh Thị

Mỹ Loan chủ nhiệm năm 2006;
- Đề tài “Bảo đảm quyền của người tiêu dùng trong nền kinh tế thị trường định
hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay”, đề tài nghiên cứu cấp bộ của Viện
nghiên cứu quyền con người do TS. Tưởng Duy Kiên chủ nhiệm năm 2007;
- Đề tài “Nghiên cứu hoàn thiện cơ chế pháp lý nhằm bảo vệ quyền lợi của
người tiêu dùng trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam”, đề tài nghiên cứu cấp bộ
của Viện nghiên cứu khoa học pháp lý – Bộ Tư pháp do ThS. Định Thị Mai Phương
làm chủ nhiệm năm 2008
- Cuốn “Tìm hiểu Luật bảo vệ người tiêu dùng các nước và vấn đề bảo vệ
quyền lợi người tiêu dùng ở Việt Nam” của Nhà xuất bản Lao động, năm 1999
do Việt Nhà nước và Pháp luật biên soạn.
Nhiều công trình nghiên cứu được công bố dưới hình thức các bài viết được
đăng tải trên các tạp chí khoa học chuyên ngành luật hoặc tham luận trong các Hội
thảo quốc gia và quốc tế. Quan trọng nhất có thể nhận thấy quan điểm rõ ràng của
các học giả trong một bài viết như:
- Một số vấn đề lý luận xung quanh Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng,
PGS.TS Nguyễn Như Phát đăng tải trên website của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ
người tiêu dùng - Bộ Công Thương: tác giả đề cập tới các vấn đề lý luận trọng tâm
của pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD như: lý luận về quan hệ tiêu dùng, triết lý về
ngoại lệ so với các nguyên tắc dân sự truyền thống, kiểm soát giao dịch chung, hợp
đồng mẫu, trách nhiệm khi hàng hóa có khuyết tật, khởi kiện tập thể và thủ tục rút
gọn. Theo quan điểm của PGS.TS Nguyễn Như Phát, “pháp luật bảo vệ quyền lợi

2


người tiêu dùng là loại pháp luật mang tính can thiệp vào quyền tự do của các nhà
cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ”.
Ngoài ra phải kể đến một số các bài viết như:
- Điều kiện thương mại chung và nguyên tắc tự do khế ước, PGS.TS. Nguyễn

Như Phát, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật số 6 năm 2003;
- Đặc điểm của quan hệ tiêu dùng và pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu
dùng, Nguyễn Thị Thư, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật số 10/2012, Viện Nhà nước
và Pháp luật;
- Những vấn đề về việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Việt Nam, Đoàn
Văn Trường, Viện nghiên cứu khoa học thị trường và giá cả, Bộ Tài Chính, 2003;
- Pháp luật và vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Đặng Vũ Huân, Tạp chí
Dân chủ và Pháp luật, số chuyên đề về pháp luật và tiêu dùng tháng 1 năm 2005;
- Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có nên quy định tổ chức là người tiêu
dùng, Lê Hồng Hạnh, Trần Thị Quang Hồng, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số
20/2010, Văn phòng quốc hội;
- Một số vấn đề chung về chế định trách nhiệm sản phẩm và vai trò của chế
định này dưới góc độ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Trần Thị Quang Hồng,
Trương Hồng Quang, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật số 12/2010, Viện Nhà nước và
Pháp luật;
- Quyền lợi người tiêu dùng vẫn chưa được đảm bảo, Tô Giang, Tạp chí Dân
chủ và Pháp luật, số chuyên đề về pháp luật và tiêu dùng tháng 1 năm 2005;
- Kỷ yếu Hội thảo đẩy mạnh công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Việt
Nam, Sáng kiến trong khuôn khổ dự án 7UP2 ngày 20/3/2006 do Cục Cạnh tranh và
Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Thương mại chủ trì tại Hà Nội…
- Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong pháp luật cạnh tranh, Thạc sỹ Ngô
Vĩnh Bạch Dương, Tạp chí Nhà Nước và Pháp luật số 11 năm 2000;
- Những vấn đề về việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Việt Nam, Đoàn
Văn Trường, Viện nghiên cứu khoa học thị trường và giá cả, Bộ Tài Chính, 2003;
Đáng chú ý là, một số công trình được biên soạn dưới dạng sách tham khảo đã
được công bố trong thời gian gần đây song nội dung của các nghiên cứu này mới chỉ
dừng lại ở việc giới thiệu và cung cấp những thông tin về kinh nghiệm điều chỉnh của
pháp luật nước ngoài và bước đầu đã có những đánh giá tổng quát về thực trạng quan

3



hệ pháp luật tiêu dùng ở Việt Nam. Về loại công trình này, có thể kể đến:
- Tìm hiểu Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng các nước và vấn đề bảo vệ
ngườ tiêu dùng ở Việt Nam, Viện Nhà nước và pháp luật, Nhà xuất bản lao động
1999; PGS. TS. Nguyễn Như Phát – PGS. TS Trần Đình Hảo (chủ biên),
- Hệ thống các quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Nhà xuất bản
Chính trị quốc gia, 2004;
- Tìm hiểu pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Nhà xuất bản Tư pháp,
2005; Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng,
- Sổ tay công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia,
2006;
- Giáo trình Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Nhà xuất bản Công an nhân
dân, 2012; Nguyễn Thị Vân Anh; Nguyễn Văn Cương (chủ biên);
Có thể nói, cho đến nay vẫn chưa có công trình khoa học nào đi sâu nghiên cứu
một cách cơ bản và có hệ thống chủ đề pháp luật và thực hiện pháp luật về
BVQLNTD trong lĩnh vực VSATTP.
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
3.1. Mục đích nghiên cứu
Luận văn được thực hiện nhằm mục đích khái quát những vấn đề lý luận và
pháp luật về BVQLNTD trong lĩnh vực VSATTP, đồng thời có những đánh giá
thực tiễn thực hiện từ thành phố Hà Nội nhằm chỉ ra các điểm tích cực, hạn chế và
nguyên nhân của hạn chế. Qua đó đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật
và nâng cao hiệu quả việc thực hiện pháp luật về BVQLNTD trong lĩnh vực
VSATTP trên phạm vi toàn quốc nói chung và thành phố Hà Nội nói riêng.
3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
Để hoàn thành luận văn, học viên xác định phải thực hiện các nhiệm vụ nghiên
cứu sau:
- Hệ thống những vấn đề lý luận về BVQLNTD trong lĩnh vực VSATTP trên cơ
sở xây dựng các khái niệm liên quan và những nội dung khác;

- Trình bày và đánh giá các quy định của pháp luật về BVQLNTD trong lĩnh
vực VSATTP theo các mốc thời gian nhất định, đặc biệt làm rõ các cơ sở pháp lý
hiện hành.

4


- Xem xét thực trạng thực hiện pháp luật về BVQLNTD trong lĩnh vực
VSATTP trên địa bàn thành phố Hà Nội và chỉ ra những hạn chế và nguyên nhân
của các hạn chế trong công tác này.
- Đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả thực
hiện pháp luật về BVQLNTD trong lĩnh vực VSATTP trên phạm vi toàn quốc nói
chung và những kiến nghị cho Thành phố Hà Nội nói riêng.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
4.1. Đối tượng nghiên cứu
Luận văn nghiên cứu pháp luật và việc thực hiện pháp luật về BVQLNTDtrong
lĩnh vực VSATTP.
4.2. Phạm vi nghiên cứu
- Phạm vi không gian: Luận văn nghiên cứu việc thực hiện pháp luật về
BVQLNTD trong lĩnh vực VSATTP trên địa bàn thành phố Hà Nội;
- Phạm vi thời gian: Luận văn nghiên cứu pháp luật về BVQLNTD trong lĩnh
vực VSATTP và nghiên cứu thực tiễn thực hiện pháp luật về BVQLNTD trong lĩnh
vực VSATTP trên địa bàn thành phố Hà Nội từ năm 2013 đến 2017 (5 năm).
5. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu
5.1. Phương pháp luận
Nghiên cứu được thực hiện trên cơ sở phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật
biện chứng và duy vật lịch sử. Vấn đề nghiên cứu được xem xét theo một trình tự từ
quá khứ đến hiện tại trong mối quan hệ, tương tác qua lại với các vấn đề khác trong
môi trường xã hội.
Ngoài ra, tác giả còn căn cứ vào quan điểm của Đảng và Nhà nước đối với vấn

đề bảo vệ NTD.
5.2. Phương pháp nghiên cứu
Trong luận văn, học viên sử dụng một số phương pháp sau:
- Phương pháp phân tích: Phương pháp được sử dụng xuyên suốt quá trình
nghiên cứu của luận văn, nhằm đi sâu xem xét, đánh giá các vấn đề tạo cơ sở cho
các nhận định khoa học;
- Phương pháp tổng hợp: Được sử dụng khi đánh giá thực tiễn nhằm rút ra
những kết luận tổng quan, những quan điểm, đề xuất và kiến nghị ở Chương 2 và
Chương 3;

5


- Phương pháp so sánh luật học: Được sử dụng tại Chương 1;
- Phương pháp thống kê: Được sử dụng trong Chương 2;
6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận văn
6.1. Ý nghĩa lý luận
Kết quả nghiên cứu của luận văn góp phần hoàn thiện lý luận về BVQLNTD
trong lĩnh vực VSATTP.
6.2. Ý nghĩa thực tiễn
Luận văn có ý nghĩa làm tài liệu tham khảo lý luận, nghiên cứu, học tập. Những
đề xuất, kiến nghị của luận văn góp phần cung cấp những luận cứ khoa học phục vụ
cho công tác nghiên cứu nội dung BVQLNTD trong lĩnh vực VSATTP; Đồng thời
từ những kết quả nghiên cứu thực tiễn tại thành phố Hà Nội, luận văn còn đề xuất
các giải pháp nói chung và các kiến nghị đối với thành phố Hà Nội nói riêng nhằm
hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả việc thực hiện pháp luật về BVQLNTD
trong lĩnh vực VSATTP ở Việt Nam hiện nay.
7. Kết cấu của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận, luận văn được kết cấu theo truyền thống 03
chương:

Chương 1. Những vấn đề lý luận về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh
vực vệ sinh an toàn thực phẩm
Chương 2. Thực trạng bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực vệ sinh
an toàn thực phẩm theo pháp luật Việt Nam – nghiên cứu từ thực tiễn thành phố Hà
Nội
Chương 3. Định hướng và giải pháp hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả
hoạt động thực hiện pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực vệ
sinh an toàn thực phẩm.

6


CHƯƠNG 1
NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU
DÙNG TRONG LĨNH VỰC VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM
1.1. Những vấn đề lý luận về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
1.1.1. Khái niệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
NTD là chủ thể trong quan hệ thương mại, đóng vai trò là bên mua và sử dụng
các sản phẩm, dịch vụ của bên bán. NTD hay người tiêu thụ là một từ nghĩa rộng
dùng để chỉ các cá nhân hoặc hộ gia đình dùng sản phẩm hoặc dịch vụ sản xuất
trong nền kinh tế. Khái niệm NTD được dùng trong nhiều văn cảnh khác nhau vì
thế cách dùng và tầm quan trọng của khái niệm này có thể rất đa dạng. NTD là
người có nhu cầu, có khả năng mua sắm các sản phẩm dịch vụtrên thị trường phục
vụ cho cuộc sống, NTD có thể là cá nhân hoặc hộ gia đình. Tùy vào quan điểm kinh
tế học khác nhau mà khái niệm NTD cũng có nhiều cách tiếp cận không giống nhau.
Tại Mỹ, NTD được xác định là người cuối cùng sử dụng, tiêu dùng hàng hóa, ý
tưởng, dịch vụ nào đó. NTD cũng được hiểu là người mua hoặc ra quyết định như là
NTD cuốn cùng (Ví dụ một người mẹ mua sữa bột cho đứa trẻ cũng được gọi là
NTD mặc dù cô ta không là NTD sản phẩm đó). Theo pháp luật Việt Nam hiện
hành, NTD là người mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh

hoạt của cá nhân, gia đình, tổ chức.
NTD trong quạn niệm của nhiều quốc gia chỉ công nhận cá nhân. Ví dụ như tại
Mỹ, NTD được xác định là cá nhân tham gia giao dịch với mục đích chủ yếu vì nhu
cầu cá nhân hoặc sinh hoạt hộ gia đình. Canada cũng đồng quan điểm khi quy định
NTD là tự nhiên nhân (cá nhân) nhưng không phải là thương nhân mua sắm hàng
hóa, dịch vụ cho mục đích kinh doanh của mình. Đồng quan điểm, Liên minh châu
Âu đưa ra khái niệm NTD trong các văn bản pháp luật về BVQLNTDcủa Liên minh
Châu Âu đã được giải thích trong Chỉ thị số 1999/44/EC ngày 25/5/1999 về việc
mua bán hàng hóa tiêu dùng và các bảo đảm có liên quan (Directive 1999/44/EC of
the European Parliament and of the Council of 25 May 1999 on certain aspects of
the sale of consumer goods and associated guarantees). Chỉ thị này giải thích “NTD
là bất cứ tự nhiên nhân (tức là cá nhân) nào … tham gia vào các hợp đồng điều

7


chỉnh trong Chỉ thị này… vì mục đích không liên quan tới hoạt động kinh doanh
hoặc nghề nghiệp của mình.” Các quốc gia thuộc nhóm các nước Đông Nam Á như
Thái Lan, Malayxia, Indonexia cũng đồng nhất với quan điểm trên. Trong đó nhấn
mạnh điều kiện cần là cá nhân và điều kiện đủ là việc mua sản phẩm, dịch vụ không
nhằm mục đích kinh doanh.[20]
Tuy nhiên, sẽ là không công bằng nếu không đề cập tới thực tế là cũng có quốc
gia, vùng lãnh thổ trên thế giới mà trong pháp luật BVQLNTD của họ có quy định
NTD bao gồm cả tổ chức. Trong số này, phải kể đến Ấn Độ và Đài Loan (Trung
Quốc). Luật BVQLNTDcủa Ấn Độ năm 1986 có một số quy định như sau (Điều
2(1d) và 2(1m), Điều 2(1d): “NTD là bất cứ người nào mua … hàng hóa… mà
không có mục đích để bán lại hoặc vì mục đích thương mại khác.” Điều 2(1m) giải
thích chữ “người” (nhân) ở đây được hiểu bao gồm: hãng (doanh nghiệp), cá nhân,
hộ gia đình, hợp tác xã, tổ chức xã hội.
Mặc dù vậy, có thể khẳng định rằng, xu hướng chung mang tính thông lệ trong

pháp luật BVQLNTDở các quốc gia trên thế giới (nhất là các quốc gia phát triển và
các quốc gia thuộc khu vực ASEAN) là NTD chỉ nên giới hạn là cá nhân mua sắm
hàng hóa, dịch vụ vì mục đích không nhằm mục đích hoạt động kinh doanh, thương
mại hoặc hoạt động nghề nghiệp chuyên nghiệp. Việc quan niệm NTD bao gồm cả
tổ chức sẽ không phù hợp với thông lệ chung như đã dẫn chứng ở trên.[20]
Ngoài ra, việc quy định NTD chỉ là cá nhân sẽ góp phần khu biệt hóa đối tượng
được bảo vệ, tập trung nguồn lực vốn có hạn của các quốc gia cho việc bảo vệ nhóm
NTD yếu thế nhất, cần được bảo vệ nhất – đó chính là các cá nhân tham gia mua
sắm hàng hóa, dịch vụ nhằm mục đích sinh hoạt tiêu dùng cá nhân của bản thân
hoặc của gia đình mình. Quy định theo hướng này cũng góp phần nâng cao ý thức
tự bảo vệ của các chủ thể khác có hoạt động mua và sử dụng hàng hóa khi tham gia
quan hệ thị trường, đảm bảo tốt hơn nguyên tắc tự do hợp đồng – điều rất cần thiết
trong bối cảnh phát triển nền kinh tế thị trường ở nước ta trong giai đoạn hội nhập
mạnh mẽ như hiện nay.
Tuy nhiên, ở một số ít quốc gia, trong đó có Việt Nam lại xem NTD không chỉ
có cá nhân. Theo đó, hiện nay NTD bao gồm các đối tượng không chỉ là cá nhân

8


tiêu dùng riêng lẻ mà còn là tổ chức (như doanh nghiệp, cơ quan quản lý Nhà nước,
hiệp hội ngành nghề, tổ chức xã hội, đoàn thể…) tiến hành mua, sử dụng hàng hóa,
dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình hoặc tổ chức đó.
Nói cách khác, các đối tượng này thực hiện việc mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ
không nhằm mục đích để bán lại hoặc mục đích sinh lời. Những đối tượng mua
hàng hóa, dịch vụ để bán lại hoặc sử dụng làm nguyên liệu phục vụ cho mục đích
sản xuất, kinh doanh được bảo vệ bởi các văn bản quy phạm pháp luật khác như Bộ
luật Dân sự, Luật Thương mại, Luật Cạnh tranh, Bộ luật Hình sự...
Như vậy, có thể khẳng định, NTD là những người mua và sử dụng sản phẩm,
dịch vụ cuối cùng trong quan hệ mua - bán.

NTD là người, tổ chức mua và sử dụng sản phẩm, dịch vụ, là người chịu ảnh
hưởng trực tiếp các lợi ích cũng như tác hại nếu có của sản phẩm, dịch vụ. Trong quan
hệ mua - bán, lợi ích của người mua có xu hướng bị xâm phạm nhiều hơn lợi ích của
người bán. Do đó, trong nền kinh tế thị trường, hầu hết các quốc gia đều có những
chính sách để bảo vệ lợi ích của NTD. Hoạt động này được gọi là bảo vệ NTD.
BVQLNTDlà hoạt động của cơ quan nhà nước và các tổ chức, hội dân sự và
bản thân của NTD căn cứ vào pháp luật thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn
cản hoặc đấu tranh để bảo vệ các quyền lợi mà NTD bị bên cung cấp xâm hại.
1.1.2. Sự cần thiết bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực vệ sinh an
toàn thực phẩm
BVQLNTD là hoạt động phổ biến và mang tính tất yếu của nhiều quốc gia trên
thế giới. Sự cần thiết của việc BVQLNTD xuất phát từ một số lý do sau:
Thứ nhất, NTD là người chịu tác động trực tiếp của sản phẩm tiêu dùng. NTD
được xác định là người sử dụng các sản phẩm và dịch vụ cuối cùng, do đó họ là
người chịu tác động trực tiếp từ các sản phẩm hay dịch vụ mà họ sử dụng hay thụ
hưởng. Các tác động đó bao gồm cả tác động tích cực và tác động tiêu cực. Tác
động tích cực là các giá trị sử dụng mà NTD có được khi bỏ tiền ra để mua sản
phẩm hoặc dịch vụ. Đó là giá trị cốt lõi mà NTD mong muốn có được. Tuy nhiên,
bên cạnh đó, các sản phẩm, dịch vụ cũng bao hàm cả những tác động tiêu cực. Các
tác động tiêu cực có thể là một dạng tác động ngoài mong muốn nhưng đã lường

9


trước của sản phẩm, ví dụ như tác dụng phụ của thuốc, cũng có thể là những tác
động tiêu cực xuất phát từ lỗi của sản phẩm. Lỗi của sản phẩm có thể xuất phát từ
việc kiểm tra sản phẩm thiếu cẩn trọng hoặc sản phẩm bị biến chất do các tác động
ngoại vi hoặc lỗi này do sự cẩu thả trong sản xuất, kinh doanh của người sản xuất và
cung cấp sản phẩm, dịch vụ. Dù nguyên nhân do đâu và sự tác động tiêu cực có tính
khách quan hay chủ quan, hậu quả của nó đều do NTD gánh chịu. Đặc biệt những

tác động tiêu cực do sự cẩu thả của người sản xuất, kinh doanh sẽ tác động rất xấu
đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của NTD, ví dụ như các thực phẩm có chứa
độc tố do người sản xuất cố tình sử dụng trong sản xuất nhằm gia tăng một đặc tính
nào đó của sản phẩm. Chính điều này đã đặt nội dung BVQLNTD lên sự tất yếu,
thay vì bảo vệ quyền lợi người sản xuất.
Thứ hai, quyền lợi của NTD luôn có nguy cơ bị xâm hại và khó để yêu cầu bồi
hoàn. Trong quan hệ giữa người sản xuất, kinh doanh với NTD là quan hệ mua bán. Người sản xuất hoặc kinh doanh giao sản phẩm, dịch vụ cho NTD sau khi nhận
đủ đơn vị tiền tệ tương ứng với giá cả của sản phẩm, dịch vụ. Lúc này, cơ bản giao
dịch đã được hoàn tất. Mặc dù có chính sách bảo hành, hậu mãi sản phẩm, dịch vụ
song với vai trò là cá nhân đơn lẻ, giao dịch đã được hoàn tất, rất khó để NTD yêu
cầu bên sản xuất, kinh doanh bồi hoàn các lợi ích hay thực hiện việc đổi trả nếu sản
phẩm, dịch vụ không tương xứng với giá cả hoặc sản phẩm lỗi gây ra những tiêu
cực. Thực trạng này cơ bản xuất phát từ hai nguyên nhân chính: thứ nhất, NTD đa
số là các cá nhân đơn lẻ, tiếng nói của họ thấp và quan trọng hơn là giá trị tiêu dùng
cá nhân nhỏ, NTD thường sẽ không sẵn sàng lựa chọn các hình thức đòi quyền lợi
tốn kém về mặt tiền bạc, thời gian như khởi kiện, gây sức ép bằng truyền thông…
do đó rất nhiều trường hợp NTD cá nhân sẽ chọn cách bỏ qua; thứ hai, những người
sản xuất, kinh doanh sản phẩm, dịch vụ đều có những quy định nhằm hạn chế khả
năng yêu cầu hoàn trả hay bồi hoàn của NTD như: chính sách không đổi trả, xác
định tình trạng ngoại hình của sản phẩm để từ chối bảo hành, từ chối hậu mãi khi di
chuyển ra khỏi khu vực xác định… Chính hai nguyên nhân này mà nếu không có cơ
chế pháp lý và hoạt động của những cơ quan, tổ chức chức năng thực hiện hoạt
động BVQLNTD thì lợi ích của NTD trong xã hội sẽ bị bỏ ngõ.

10


Thứ ba, BVQLNTD trong nền kinh tế thị trường là một hoạt động tất yếu. Nền
kinh tế thị trường với mối quan hệ tư do cung - cầu, song chính sự tự do của nó dẫn
đến nhiều nguy cơ khác nhau như: cá lớn nuốt cá bé, độc quyền, thiếu hụt hàng hóa

công và đặc biệt là sự cẩu thả trong sản xuất, kinh doanh xuất phát từ đạo đức sản
xuất, kinh doanh bị lu mờ trước đồng tiền. Kinh tế thị trường phát triển mà thiếu đi
cơ chế giám sát từ phía nhà nước, tất yếu những tác động tiêu cực của chúng sẽ diễn
ra thường xuyên và ở mức độ ngày càng sâu rộng. Chính vì thế, sự canh chừng của
nhà nước và các tổ chức xã hội dân sự là một đòi hỏi để nền kinh tế thị trường được
phát triển đúng hướng, đúng quy mô mà xã hội mong muốn. Trong đó, việc
BVQLNTD trước các thủ đoạn ngày càng tinh vi và táo bạo của người sản xuất,
kinh doanh là một hoạt động quan trọng.
Thứ tư, sự bất cân xứng giữa người sản xuất, kinh doanh sản phẩm, cụ thể với
trường hợp sản xuất, kinh doanh thực phẩm với NTD. Không chỉ trong sản xuất,
kinh doanh thực phẩm, hầu hết các nội dung kinh doanh – tiêu dùng đều hàm chứa
các yếu tố bất bình đẳng. Có nhiều biểu hiện về sự bất bình đẳng hiện diện rõ ràng,
song cũng có một số yếu tố ngầm định. Và dù yếu tố nào đi chăng nữa, tính chất
bán – mua (tiêu dùng) luôn nghiêng phần yếu thế về phía người mua. Cụ thể:
- Sự bất cân xứng về thông tin sản phẩm. Các thông tin liên quá đến thành phần
và quy trình tạo ra thực phẩm là yếu tố bắt buộc phải công khai khi phân phối thực
phẩm ra thị trường. Tuy nhiên, không phải mọi thành phần tạo ra thực phẩm đều
được người sản xuất, kinh doanh công bố đầy đủ. Đặc biệt, lượng chất cấm, các
chất có nguy cơ tác động đến sức khỏe NTD nhưng lại có tác dụng tích cực cho
tăng hương vị hay thời hạn sử dụng không được bên bán công bố. NTD bình thường
không có khả năng thử thành phẩm để chỉ ra các chất như vậy. Ngoài ra, thông tin
về thành phần và quy trình tạo ra thực phẩm chỉ được công khai chủ yếu với hàng
hóa đóng hộp hay ít nhất là có nhãn mác đi kèm. Các thực phẩm sử dụng liền không
có khả năng thể hiện các thông tin này. Do vậy, trong quan hệ bán – mua (sử dụng)
thực phẩm, sử bất bình đẳng thông tin là rõ ràng. Đương nhiên, trong sự bất bình
đẳng đó người bán sẽ chiếm lợi thế, còn NTD luôn trong trạng thái thiếu thông tin
về thực phẩm mà mình sử dụng. Vì chính tác động trực tiếp của thực phẩm đến sức

11



khỏe và tính mạng của NTD thông qua các thành phần và quy trình tạo ra thực
phẩm, do đó BVQLNTD là công cụ để xóa đi tính bất bình đẳng này.
- Sự bất bình đẳng về thông tin giá. Giá là một trong những cách thức mà người
sản xuất và đặc biệt là người kinh doanh sử dụng để xâm phạm quyền lợi của NTD.
Nguyên tắc chung của thị trường là “thuận mua - vừa bán”. Tuy nhiên, việc niêm yết
giá cũng có những quy định để đảm bảo nguyên tắc NTD biết được giá cả của sản
phẩm trước khi tiêu dùng. Tuy nhiên nhiều hoạt động cung ứng dịch vụ và sản phẩm
lại cố tình không công khai niêm yết giá, niềm yết không đúng với giá thực, thu thêm
các khoản phụ thu và ghi giá của từng sản phẩm đơn lẻ trong chuỗi sản phẩm nhằm
cố tình gây hiểu nhầm đó là giá của bộ sản phẩm. Những hành vi trên diễn ra thường
xuyên và NTD thường bị xâm hại lợi ích bằng hình thức này nhất. Việc bảo vệ quyền
lợi NTD không chỉ ngăn ngừa các hành vi này của bên cung ứng mà còn là cách thức
đấu tranh, BVQLNTD khi các hành vi xâm hại lợi ích đã diễn ra.
Ngoài bất bình đẳng thông tin, bất bình đẳng về vai trò bán – mua (sử dụng) là
bất bình đẳng lớn cần đến hoạt động bảo vệ quyền lợi của NTD. Mặc dù trong hoạt
động thương mại, khách hàng được xác định là “thượng đế”, tuy nhiên trên thực tế
diễn ra lại cho thấy hầu hết các bên sản xuất và cung cấp chỉ coi khách hàng là
thượng đến cho đến khi họ bán được các sản phẩm và dịch vụ của mình. Người mua
(sử dụng) sẽ không còn nhận được thái độ và những trách nhiệm như đã hứa của
nhà sản xuất, kinh doanh giống như lúc bán hàng. Sự bất bình đẳng này xuất hiện
ngay sau khi NTD thanh toán các khoản tiền để mua sản phẩm hay thụ hưởng dịch
vụ. Sau hoạt động này, NTD sẽ phải chịu sự bất bình đẳng với người bán trong việc
đòi lại các quyền lợi liên quan khi không hài lòng với sản phẩm và dịch vụ đã mua.
NTD đa số là cá nhân (tại Việt Nam bao gồm cả tổ chức), do đó tiếng nói khi dòi
hỏi quyền lợi là tiếng nói cá thể, khó tạo ra được những sức ép cần thiết để buộc bên
sản xuất, kinh doanh phải chịu trách nhiệm về việc xâm hại lợi ích NTD. Do đó,
hoạt động bảo vệ quyền lợi NTD với sự hiện diện và kết hợp của nhiều chủ thể khác
nhau sẽ là cơ chế đảm bảo cho việc bảo vệ các lợi ích chính đáng của NTD.


12


1.1.3. Nội dung bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
BVQLNTDcó nội dung cốt lõi là bảo vệ lợi ích của NTD. Theo đó, có thể tóm
lược nội dung BVQLNTD gồm:
Thứ nhất, bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp
khác khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh
doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp.
Thứ hai, bảo vệ quyền được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá
nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn
gốc, xuất xứ hàng hóa; được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao
dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ mà NTD đã mua, sử dụng.
Thứ ba, bảo vệ quyền được lựa chọn hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh
doanh hàng hóa, dịch vụ theo nhu cầu, điều kiện thực tế của mình; quyền quyết định
tham gia hoặc không tham gia giao dịch và các nội dung thỏa thuận khi tham gia
giao dịch với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
Thứ tư, bảo vệ quyền góp ý kiến với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch
vụ về giá cả, chất lượng hàng hóa, dịch vụ, phong cách phục vụ, phương thức giao
dịch và nội dung khác liên quan đến giao dịch giữa NTD và tổ chức, cá nhân kinh
doanh hàng hóa, dịch vụ.
Thứ năm, bảo vệ quyền tham gia xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật về
bảo vệ quyền lợi NTD.
Thứ sáu, bảo vệ quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ
không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công
dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ
đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết.
Thứ bảy, bảo vệ quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội
khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định pháp luật.
Thứ tám, bảo vệ quyền được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn kiến thức về tiêu dùng

hàng hóa, dịch vụ.

13


1.1.4. Chủ thể của hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
BVQLNTD bên cạnh được thực hiện bởi chính NTD còn được thực hiện bởi
hai nhóm chủ thể chính: cơ quan nhà nước có chức năng và các tổ chức xã hội bảo
vệ NTD:
Khi sự can thiệp hợp lý của nhà nước vào quan hệ giữa người sản xuất, kinh
doanh hàng hóa, dịch vụ và NTD với mục tiêu bảo vệ quyền lợi NTD được xem là
cần thiết thì vấn đề còn lại là xây dựng cơ chế và tổ chức thực thi có hiệu quả nhiệm
vụ đó. Nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi NTD của cơ quan quản lý nhà nước theo nghĩa
rộng được hiểu là nhiệm vụ của tất cả các cơ quan trong bộ máy nhà nước. Là cơ
quan quyền lực, Quốc hội đã ban hành luật về bảo vệ quyền lợi NTD 2010. Chính
phủ thống nhất quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi NTD trong phạm vi cả nước.
Các bộ, cơ quan nganh Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban
nhân dân các cấp tùy theo chức năng, nhiệm vụ của mình ban hành và tổ chức thực
hiện các chính sách, văn bản pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD; chỉ đạo hoặc phối
hợp với các cơ quan khác trong hoạt động bảo vệ quyền lợi NTD; đào tạo, bồi
dưỡng đội ngũ cán bộ về bảo vệ quyền lợi NTD; tuyên truyền, giáo dục, phổ biến
pháp luật và những hiểu biết liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi NTD; hợp tác
quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi NTD; kiểm tra, thanh tra việc chấp hành
pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD; giải quyết khiếu nại tố cáo của NTD; xử lý vi
phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD. Viện kiểm sát và tòa án nhân dân trong
phạm vi chức năng của mình có nhiệm vụ có nhiệm vụ bảo vệ pháp chế, bảo vệ
quyền và lợi ích chính đáng cũng như tính mạng, tài sản, tự do, danh dự và nhân
phẩm của công dân. Hệ thống tòa án nhân dân tham gia công tác bảo vệ quyền lợi
NTD thông qua hoạt động giải quyết các tranh chấp giữa người sản xuất, kinh
doanh, cung cấp dịch vụ và NTD, áp dụng các chế tài dân sự, hành chính đối với

những hành vi vi phạm quyền lợi NTD và chế tài hình sự về các tội xâm phạm
quyền lợi NTD như tội buôn bán hàng giả, tội lừa dối khách hàng, tội quảng cáo
gian dối, tội vi phạm các quy định về VSATTP,…
Theo nghĩa hẹp, hoạt động bảo vệ quyền lợi NTD của cơ quan quản lý nhà nước
thuộc trách nhiệm chủ yếu của cơ quan hành pháp. Trong quy định nội dung quản lý

14


nhà nước về bảo vệ quyền lợi NTD Luật bảo vệ quyền lợi NTD đã tiếp cận theo
nghĩa hẹp này. Điều 47 Luật Bảo vệ quyền lợi NTD nêu rõ Cơ quan quản lý nhà
nước về bảo vệ quyền lợi NTD bao gồm:
- Chính phủ chịu trách nhiệm thống nhất quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi
NTD trong phạm vi cả nước.
- Bộ Công Thương chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện thống nhất quản
lý nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi NTD. Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người
tiêu dùng có trách nhiệm giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương thực hiện chức năng này
trong phạm vi cả nước. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục
Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng về bảo vệ quyền lợi NTD được quy định tại
Nghị định của Chính phủ số 06/2006/NĐ-CP ngày 09/01/2006.
Ban BVQLNTD thuộc Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng có nhiệm vụ
và quyền hạn cụ thể quy định tại Quyết định số 27/2006/QĐ-BTM ngày 28/08/2006
về việc thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị thuộc
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng.
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn
của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công Thương trong hoạt động bảo vệ
quyền lợi NTD.
- Uỷ ban nhân dân các cấp thực hiện việc quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi
NTD trong phạm vi của mình theo phân cấp của Chính phủ.
Trong đó, Bộ Công thương là cơ quan có trách nhiệm chính trong quản lý nhà

nước về bảo vệ quyền lợi NTD.
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng là cơ quan giúp Bộ trưởng Bộ Công
Thương thống nhất quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi NTD, trong đó có nhiệm
vụ xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD và tổ chức
thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật sau khi được ban hành; phát hiện và kiến
nghị cơ quan có liên quan giải quyết theo thẩm quyền về những văn bản đã ban
hành có nội dung không phù hợp với quy định của pháp luật về bảo vệ NTD; giải
quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền và xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ NTD;

15


tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật và các chính sách có liên quan đến bảo
vệ quyền lợi NTD,…
Bên cạnh Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, một cơ quan khác của Bộ
Công Thương cũng có vai trò quan trọng liên quan đến công tác bảo vệ quyền lợi
NTD, đó là Cục Quản lý thị trường với các nhiệm vụ như thực hiện công tác kiểm
tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống các vi phạm pháp luật trong hoạt động
thương mại (vi phạm quy định về chất lượng hàng hóa công nghiệp lưu thông trên
thị trường…) ; đấu tranh phòng chống buôn lậu, sản xuất và buôn bán hàng giả,
hàng kém chất lượng; chống vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, VSATTP và các hoạt
động sản xuất, kinh doanh khác trái quy định của pháp luật, xử lý vi phạm hành
chính theo quy định của pháp luật,…
Trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Công thương về bảo vệ quyền lợi NTD
bao gồm:
- Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban
hành và tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án,
chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD.
- Quản lý hoạt động bảo vệ quyền lợi NTD của tổ chức xã họi, tổ chức hòa giải
hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung theo quy định tại Điều 19 của Luật

BVQLNTD 2010.
- Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD; tư vấn;
hỗ trợ và nâng cao nhận thức về bảo vệ quyền lợi NTD.
- Xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin phục vụ công tác bảo vệ quyền lợi NTD; đào
tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nghiệp vụ phục vụ công tác bảo vệ quyền lợi NTD
- Thanh tra, kiểm tra, giái quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về
bảo vệ quyền lợi NTD theo thẩm quyền
- Thực hiện hợp tác quốc tế về bảo vệ quyền lợi NTD
Các bộ, cơ quan ngang Bộ trong phạm vi, chức năng, nhiệm vụ được giao chịu
trách nhiệm phối hợp với Bộ Công Thương thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ
quyền lợi NTD và Ủy ban Nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ
quyền lợi NTD tại địa phương. Quản lý nhà nước của các Bộ trong lĩnh vực bảo vệ

16


quyền lợi NTD được thực hiện thông qua các hoạt động như: xây dựng trình Chính
phủ ban hành hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến bảo vệ
quyền lợi NTD; chỉ đạo, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp
luật về bảo vệ quyền lợi NTD trong phạm vi ngành, lĩnh vực của mình quản lý hoặc
cùng với các Bộ, ngành khác cũng tiến hành kiểm tra, thành tra việc chấp hành pháp
luật về bảo vệ quyền lợi NTD của các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch
vụ; giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD
trong phạm vi thẩm quyền được phân cấp; tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến
thưc, pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD trong phạm vi ngành, lĩnh vực do Bộ,
ngành phụ trách.
Ngoài những trách nhiệm nói trên, đối với một số công việccó liên quan chặt
chẽ với công tác bảo vệ quyền lợi NTD các Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ được giao
trách nhiệm cụ thể như sau:
Bộ Y tế thực hiện việc quản lý, kiểm tra, thanh tra đối với dược phẩm, dược

liệu, trang thiết bị, dụng cụ y tế, các loại mỹ phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe
con người, chất lượng phẩm tươi sống, thực phẩm đã qua chế biến công nghiệp;
Bộ Xây dựng thực hiện việc quản lý, kiểm tra, thanh tra trong tất cả các khâu từ
quy hoạch, thiết kế, thi công, nghiệm thu công trình xây dựng dâm dikmh
Bộ Khoa học và công nghệ thực hiện việc thống nhất quản lý, kiểm tra, thanh
tra hoạt động khoa học, công nghệ, tiêu chuẩn đo lường chất lượng sản phẩm, hàng
hóa, sở hữu trí tiệu theo quy định của pháp luật,…
Ngoài ra còn có sự phối hợp giữa Bộ Công thương các bộ: bộ giao thông vận
tài, bộ văn hóa, thể thao và du lịch, bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ
thông tin và truyền thông,… nhằm bảo vệ quyền lợi NTD
Do quyền lợi NTD có liên quan đến rất nhiều lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản
lý của nhiều bộ, ngành và do nước ta không có cơ quan riêng chuyên trách về bảo
vệ quyền lợi NTD nên sự phân công rành mạch thẩm quyền và sự phối hợp hoạt
động chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi
NTD là cần thiết. Các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi
NTD cần phối hợp với nhau trong các hoạt động như: xây dựng chính sách, văn bản

17


quy phạm pháp luật; cấp giấy chứng nhận hành nghề hoặc giấy chứng nhận đủ điều
kiện kinh doanh; thanh tra, kiểm tra, trao đổi thông tin, văn bản; tuyên truyền, tập
huấn, đào tạo; tổ chức kiểm nghiệm, giám định và tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm
tra liên ngành. Tuy nhiên, ngoài công tác VSATTP, sự phối hợp hoạt động giữa các
cơ quan quản lý nhà nước trong bảo vệ quyền lợi NTD với các nội dung đề cập ở
trên vẫn còn hạn chế.
Ngoài ra Ủy ban Nhân dân các cấp cũng có trách nhiệm quản lý nhà nước về
bảo vệ quyền lợi NTD. Cụ thể, theo quy định tại Điều 49 Luật BVQLNTD 2010,
trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp về BVQLNTD bao gồm:
- Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban

hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD tại
địa phương.
- Quản lý hoạt động về bảo vệ quyền lợi NTD của tổ chức xã hội, tổ chức hòa
giải tại địa phương.
- Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD; tư vấn,
hỗ trợ và nâng cao nhận thức về bảo vệ quyền lợi NTD tại địa phương.
- Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về
bảo vệ quyền lợi NTD theo thẩm quyền.
Ngoài ra, hiện nay BVQLNTD còn được các tổ chức xã hội tồn tại dưới dạng
các hội thực hiện.
1.2. Những vấn đề lý luận về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh
vực vệ sinh an toàn thực phẩm
1.2.1. Khái niệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực vệ sinh an
toàn thực phẩm
Thực phẩm là một trong các mặt hàng tiêu dùng thường xuyên và tất yếu của
con người. Thực phẩm được xác định bao gồm thức ăn và đồ uống mà NTD sử
dụng, nhưng không bao gồm thuốc hay các chế phẩm y học khác. Có thể xác định
cụ thể gồm: thực phẩm ăn dưới dạng tươi sống, ăn liền, khô, đóng hộp; thực phẩm
uống bao gồm cả nước tinh khiết, nước ngọt, nước pha chế, nước có cồn và thực
phẩm chức năng.

18


Việc tiêu dùng thực phẩm là tất yếu nhằm duy trì sự sống của con người, do đó
nó không thuộc hàng hóa lựa chọn. Thực phẩm phẩm có vai trò là năng lượng nuôi
sống con người do đó có tác động trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của người sử
dụng, cũng như các thế hệ sau của người sử dụng. Chính vị vậy, việc đảm bảo
VSATTP là một yêu cầu vô cùng quan trọng nhằm duy trì một xã hội khỏe mạnh và an
toàn. Do đó, hoạt động BVQLNTD trong lĩnh vực VSATTP là một hoạt động tất

yếu.
BVQLNTD trong lĩnh vực VSATTP là một nội dung của BVQLNTD nói
chung. Do đó, khái niệm BVQLNTD trong lĩnh vực VSATTP so với khái niệm
BVQLNTD là một khái niệm riêng nằm trong khái niệm chung. Theo đó,
BVQLNTD trong lĩnh vực VSATTP là hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm
quyền, các tổ chức xã hội có chức năng, bằng các công cụ khác nhau để đảm bảo an
toàn và bảo vệ quyền lợi của NTD thực phẩm trước các bên sản xuất, kinh doanh
thực phẩm.
1.2.2. Nội dung pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực vệ
sinh an toàn thực phẩm
BVQLNTD trong lĩnh vực VSATTP là một nội dung của BVQLNTD nói
chung. Do đó, ngoài những nội dung của bảo vệ NTD, nội dung BVQLNTD trong
lĩnh vực VSATTP chứa đựng những yếu tố riêng biệt. Cụ thể, nội dung cốt lõi của
BVQLNTD bao gồm:
Thứ nhất, bảo vệ quyền được thoả mãn các nhu cầu cơ bản trong tiêu dùng các
mặt hàng thực phẩm. Các nhu cầu cơ bản của con người của bất cứ một quốc gia
nào xuất phát từ vấn đề cần được đảm bảo sự tồn tại hay đáp ứng những nhu cầu
thiết yếu nhất. Theo lý thuyết về Tháp nhu cầu của nhà tâm lý học Abraham
Maslow, ăn, uống, nghỉ ngơi là các nhu cầu cơ bản của con người. Nói cách khác đó
là nhu cầu về lương thực, quần áo và nhà cửa. Trong xã hội hiện đại, con người
ngày càng có những đòi hỏi cao hơn về môi trường sống thiết yếu, đó là nhu cầu về
dịch vụ y tế, nước sạch và vệsinh, giáo dục, năng lượng và phương tiện vận chuyển,
đi lại.Trong đó quyền thỏa mãn tiêu dùng nhu cầu thực phẩm là nhu cầu nền tảng,
cơ bản nhất của con người. Nghĩa là khác với việc tiêu dùng các sản phẩm, dịch vụ

19


khác, tiêu dùng thực phẩm là một hoạt động bắt buộc để duy trì sự sống của con
người. Con người không có quyền lựa chọn có hay không tiêu dùng thực phẩm.

Chính vì sự tất yếu này mà trước hết, BVQLNTD trong lĩnh vực VSATTP phải đảm
bảo được quyền thỏa mãn được nhu cầu tiêu dùng cơ bản này.
Thứ hai, bảo vệ quyền được an toàn khi tiêu dùng thực phẩm. Tiêu dùng thực
phẩm là một tất yếu khách quan sau khi bảo vệ được quyền tiêu dùng khách quan,
BVQLNTD trong lĩnh vực VSATTP còn phải bảo vệ được quyền tiêu dùng an toàn.
Quyền được an toàn có nghĩa là quyền được bảo vệ khỏi các sản phẩm, các quy
trình sản xuất và dịch vụ có thể gây nguy hại cho sức khỏe và cuộc sống. Việc tiêu
dùng thực phẩm sẽ tác động trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của NTD. Do đó,
nhất thiết phải được bảo vệ để sản phẩm tiêu dùng an toàn với người sử dụng.
Quyền này bao gồm quan ngại về lợi ích lâu dài cũng như nhu cầu trước mắt của
NTD. Quyền này liên quan đến chính sách của Chính phủ trong việc thiết lập các
tiêu chuẩn về chất lượng, VSATTP, các cơ quan chuyên môn nhằm kiểm tra, giám
định về chất lượng và an toàn thực phẩm.
Thứ ba, bảo vệ quyền được thông tin về thực phẩm của NTD. Trong tiêu dùng
thực phẩm, vấn đề an toàn vệ sinh của thực phẩm được quyết định ở nhiều khâu và
nhiều nội dung, trong đó thông tin về thành phần, các hương liệu, phẩm màu sử
dụng, quy trình chế biến và thời gian sử dụng là những nội dung cần phải được công
khai đến NTD. NTD phải có quyền được thông tin một cách công khai và trung
thực các nội dung kể trên nhằm có những đối chiếu để đưa ra các lựa chọn thực
phẩm an toàn, phù hợp với đặc điểm sức khỏe và thị hiếu tiêu dùng của mình. Đặc
biệt thông tin về thành phần và thời hạn sử dụng của thực phẩm phải được công bố
với NTD một cách chính xác. Bảo vệ quyền này của NTD thực phẩm làm đảm bảo
cho sự hiểu biết về sản phẩm của NTD để tự thân NTD bảo đảm an toàn về tiêu
dùng thực phẩm của mình.
Thứ tư, bảo vệ quyền được chọn lựa các sản phẩm tiêu dùng. Quyền được chọn
lựa sản phẩm tiêu dùng là khả năng lựa chọn ít nhất trên hai sản phẩm tiêu dùng của
NTD. Quyền này cũng là một quyền quan trọng của NTD xuất phát từ bản chất tất
yếu phải tiêu dùng của thực phẩm, trong đó có những thực phẩm không thể thay thế.

20



×