Đề tài: Nâng cao kỹ năng xin việc cho sinh viên năm cuối Trường Đại học
Nội vụ Hà Nội
Người hướng dẫn: Ths. Đoàn Văn Tình
Người thực hiện: 1. Nguyễn Thị Thu Thảo Lớp: ĐH.QTNL-12D
2. Lưu Thị Mai Anh
Lớp: ĐH.QTNL-12D
3. Trịnh Đình Toản
Lớp: ĐH.QTNL-12D
4. Nguyễn Thị Nhạn
Lớp: ĐH.QTNL-13C
Tóm tắt
Kỹ năng xin việc là một trong những kỹ năng vô cùng quan trọng đối với
mỗi người và đặc biệt cần thiết đối với sinh viên năm cuối. Kỹ năng xin việc
được hiểu là sự vận dụng các tri thức, kinh nghiệm của chủ thể vào trong những
hoàn cảnh xin việc cụ thể để giúp ứng viên chinh phục nhà tuyển dụng và thực
hiện có hiệu quả các mục tiêu việc làm đã đề ra. Kỹ năng xin việc là một trong
các yếu tố hàng đầu mà nhà tuyển dụng nhìn vào để đánh giá và tìm ra ứng viên
xứng đáng vào làm việc tại tổ chức. Chính vì vậy, để hòa nhập với những môi
trường làm việc mới cần phải có những giải pháp thiết thực để phát triển kỹ
năng xin việc cho sinh viên nói chung và sinh viên năm cuối trường Đại học Nội
vụ Hà Nội nói riêng.
1. Đặt vấn đề
Giáo dục đại học trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng đang
đứng trước một bài toán hóc búa là giải quyết mâu thuẫn giữa việc vừa gia tăng
kiến thức, vừa phải nâng cao chất lượng đào tạo phù hợp với yêu cầu xã hội
đang biến đổi từng ngày. Xu hướng mới cần cắt giảm thời gian đào tạo, đồng
thời tạo điều kiện để người học được học theo học chế tín chỉ, học liên thông,
học đồng thời nhiều ngành, nhiều cấp học, nhiều bằng, bậc học,… theo yêu cầu
xã hội, hội nhập quốc tế và yêu cầu sở thích cá nhân. Chất lượng giáo dục đại
học là một trong những nền tảng quan trọng đối với sự phát triển của các quốc
gia trên thới giới.
Để nâng cao chất lượng giáo dục đại học có nhiều giải pháp, như chú
trọng phát triển đội ngũ nhân sự, nâng cao cơ sở vật chất của trường đại học, đổi
mới phương pháp dạy và học, nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học và
chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực quản lý giáo dục đại học,... Và một
trong những yếu tố để đánh giá, để khẳng định chất lượng đào tạo của mỗi
trường đại học đó chính là đầu ra, là việc làm của sinh viên. Theo Báo cáo của
Hội nghị Tuyển sinh toàn quốc do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức đầu năm
2011: có 37% sinh viên tốt nghiệp ra trường không tìm được việc làm vì ngành
nghề đã tốt nghiệp trên thị trường bị bão hòa; 57% sinh viên sau khi ra trường
phải học thêm nghề khác do phát hiện bản thân không phù hợp với chuyên môn
đã học; 50% số lượng sinh viên tại các trường đại học không có hứng thú với
ngành học đã chọn. Mặt khác, theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và
Xã hội, tính tới quý III-2014, cả nước có 174.000 người có trình độ đại học
(ĐH) và trên ĐH thất nghiệp. Ngoài ra, có 750.000 lao động có trình độ ĐH
đang làm các công việc có yêu cầu thấp hơn ngành nghề được đào tạo. Đây là
thực trạng chung của nhiều trường cao đẳng, đại học trên cả nước. Do đó, vấn đề
giải quyết bài toán đầu ra cho sinh viên luôn là vấn đề cần quan tâm đầu tư của
các cơ sở giáo dục đại học, trong đó có Trường Đại học Nội vụ Hà Nội.
Thực trạng trên bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó một nguyên nhân
quan trọng là kỹ năng xin việc của sinh viên năm cuối còn yếu, như: sinh viên
chưa biết cách làm hồ sơ xin việc có chất lượng, chưa có kỹ năng làm các bài
trắc nghiệm, cách vượt qua cách vòng phỏng vấn, cách thể hiện bản thân trong
quá trình thử việc,… Điều này dẫn đến thực trạng là nhiều sinh viên mới ra
trường không chinh phục được nhà tuyển dụng, họ phải chấp nhận thất nghiệp
hoặc làm trái ngành nghề,… Chính vì vậy, việc nghiên cứu về vấn đề phát triển
kĩ năng xin việc của sinh viên năm cuối hệ chính quy tại Trường Đại học Nội vụ
Hà Nội có ý nghĩa vô cùng cấp bách về cả lý luận và thực tiễn.
2. Nội dung chính
2.1. Đặc điểm sinh viên năm cuối Trường Đại học Nội vụ Hà Nội
Trường Đại học Nội vụ Hà Nội là cơ sở giáo dục công lập thuộc hệ thống
giáo dục quốc dân, trực thuộc Bộ Nội vụ. Với trên 40 năm hình thành và phát
triển, trường có sứ mệnh mở ra cơ hội học tập cho mọi người với chất lượng tốt,
phục vụ nhu cầu học tập đa dạng với nhiều hình thức đào tạo, đa ngành, đa cấp
độ, đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực ngành Nội vụ và cho xã hội, phục vụ sự
nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế. Mục tiêu phát triển
của nhà trường là đến năm 2025 trở thành trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực
có uy tín trong nước, khu vực và quốc tế.
Nhà trường hiện đang tổ chức quản lý và đào tạo 27 ngành nghề, trong đó
có 6 ngành đại học, 11 ngành cao đẳng, 11 ngành trung cấp và đào tạo nghề.
Nhà trường đang đào tạo 4 ngành học bậc đại học bao gồm: Quản trị Nhânlực,
Quản trị Văn phòng, Văn thư Lưu trữ, Khoa học Thư viện (niên khoá 20122016) đang bước vào giai đoạn cuối cùng của quá trình học tập, tiếp thu kiến
thức trên giảng đường đại học, chuẩn bị hành trang bước vào giai đoạn làm
quen, học hỏi với môi trường nghề nghiệp thực sự, sinh viên Trường Đại học
Nội vụ đã chuẩn bị những gì để bước vào môi trường mới đó? Sinh viên vẫn còn
yếu trong các khối kỹ năng mềm, đặc biệt là kỹ năng xin việc. Sở dĩ có hệ quả
trên là do sinh viên còn thụ động trong quá trình học, đồng thời chưa có sự kết
hợp đào tạo kỹ năng mềm giữa nhà trường với đơn vị chuyên môn.
Sinh viên năm cuối Trường Đại học Nội vụ Hà nội là những cử nhân
ngành Nội vụ trong tương lai, được đào tạo một cách bài bản, khoa học, đáp ứng
được nhu cầu cũng như yêu cầu của xã hội.Với số lượng 5300 sinh viên, trong
đó sinh viên theo học ở tất cả các ngành học thuộc các khoa của trường đào tạo,
cụ thể: Ngành Quản trị nhân lực 1400 sinh viên, ngành Quản trị Văn phòng
1350 sinh viên, ngành Văn thư Lưu trữ 700 sinh viên, ngành Khoa học thư viện
và Quản lý văn hóa 750 sinh viên, dịch vụ pháp lý 150 sinh viên,...(thống kê
theo theo phương pháp quan sát và ghi chép số liệu từ Phòng Quản lý Đào tạo).
Sinh viên là một trong những tầng lớp tri thức của mỗi quốc gia, là tương
lai của đất nước, là lực lượng nòng cốt để xây dựng một quốc gia giàu mạnh,
phát triển. Cũng giống như sinh viên trên mọi miền tổ quốc, sinh viên năm cuối
trường Đại học Nội vụ Hà nội đang đứng trước nhiều thách thức trước tình hình
mới của đất nước và trên thế giới. Sinh viên năm cuối trước khi ra trường phải
đối mặt với nhiều vấn đề, trong đó có sự hoang mang, lo lắng về công việc…
đặc biệt là tình hình thất nghiệp. Theo báo cáo điều tra lao động việc làm quý IV
năm 2012 của Tổng Cục Thống Kê, cả nước có khoảng 857.000 người thất
nghiệp và 1,3 triệu người thiếu việc làm. Con số này tăng nhiều so với thời điểm
trước, và chắc chắn con số thưc tế còn lớn hơn nhiều so với thống kê. Hơn 60%
sinh viên ra trường không có việc làm hoặc phải làm những công việc tạm thời,
không đúng chuyên ngành. Với số lượng sinh viên ra trường ngày càng nhiều
như hiện nay thì cơ hội việc làm ngày càng trở nên khó khăn. Thực trạng này tạo
nên những tâm lý tiêu cực cho sinh viên năm cuối nói riêng và sinh viên nói
chung, với câu hỏi: kết quả học tập sẽ như thế nào và ra trường sẽ đi về đâu?
Bên cạnh những sinh viên đáp ứng đủ những yêu cầu mà nhà tuyển dụng đòi hỏi
hoặc có những người có người thân xin việc hộ thì số còn lại phải chật vật chạy
đi chạy lại với các trung tâm giới thiệu việc làm. Vậy sinh viên năm cuối cần
phải làm gì và làm như thế nào để có được một công việc tốt? Để chuẩn bị hành
trang vào đời, các bạn sinh viên nói chung và các bạn sinh viên năm cuối
Trường Đại học Nội vụ Hà Nội nói riêng phải không ngừng cố gắng, phấn đấu,
tiếp thu kiến thức chuyên môn, đồng thời phải tích cực tham gia các hoạt động
để tích lũy những kỹ năng cần thiết, và đặc biệt là kỹ năng xin việc.
2.2. Thực trạng kỹ năng xin việc của sinh viên năm cuối Trường Đại học Nội
vụ Hà Nội
Để đánh giá thực trạng kỹ năng xin việc của sinh viên năm cuối Đại học
Nội vụ Hà Nội, nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát 300 sinh viên, với các
ngành là: Quản trị nhân lực, Quản trị Văn Phòng, Văn thư Lưu trữ, Khoa học
Thư viện, trong thời gian từ ngày 15/09 đến ngày 30/09. Kết quả thu được như
sau:
Một là sự nhận thức của sinh viên về kỹ năng xin việc: đây là sự tự đánh
giá năng lực bản thân sinh viên về kỹ năng xin việc. Sinh viên sẽ đánh giá một
cách khách quan. Nhóm nghiên cứu đưa ra 3 mức độ sự nhận thức về kỹ năng
xin việc của sinh viên là Tốt, Khá và Trung bình, Kém. Số liệu thống kê cho
thấy, chỉ có 20 sinh viên trên tổng số 300 sinh viên được khảo sát tự tin đánh giá
năng lực bản thân là có kỹ năng xin việc ở mức Tốt, chiếm 6,66%. Mức năng
lực Khá có 42 sinh viên, chiếm 14%. Còn lại gần 80% sinh viên đánh giá năng
lực của mình chỉ đạt mức Trung bình, Kém. Như vậy, kết quả tính toán đã phản
ánh mức độ năng lực kỹ năng xin việc của sinh viên năm cuối còn hạn chế, kết
quả này phù hợp với giả thuyết mà chúng tôi đưa ra.
Hai là kỹ năng tiếp cận nhà tuyển dụng: kỹ năng tiếp cận nhà tuyển dụng
là việc quá trình tìm hiểu các thông tin về nhà tuyển dụng, bao gồm: các tiêu chí
tuyển dụng , vị trí tuyển dụng, ngành nghề, tình hình kinh doanh, môi trường
làm việc, văn hóa công sở…từ đó ứng viên sẽ có học tập, tích lũy kiến thức,
kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu tuyển dụng.
Thông qua khảo sát thực tế, có 75% sinh viên có tìm hiểu về nhà tuyển
dụng, tuy nhiên chủ yếu là thông qua mạng Internet- nguồn thông tin chưa thực
sự xác thực và vấn đề mà sinh viên khi tìm hiểu chủ yếu về vị trí tuyển dụng.
Trong khi đó nhà tuyển dụng luôn ưu tiên những ứng viên có sự tìm hiểu về
công ty, nhất là về văn hóa công sở, môi trường làm việc.
Ba là kỹ năng viết CV và hồ sơ xin việc: CV là viết tắt của Curriculum
vitae, tiếng Việt có thể gọi là tài liệu cá nhân của mình, qua đó ứng viên giới
thiệu thông tin, trình độ năng lực chuyên môn của ứng viên đối với nhà tuyển
dụng.
Thông qua khảo sát, có tới 40% sinh viên không biết viết CV xin việc,
thậm chí trong tỷ lệ 60% sinh viên viết được CV xin việc thì cũng chủ yếu là
tham khảo hoặc sao chép trên mạng Internet. Hầu như các bản CV này không
gây được ấn tượng với nhà tuyển dụng. Trên thực tế nếu bản CV của bạn gây ấn
tượng với nhà tuyển dụng thì các bạn đã thành công đến 50%. Có đến 80% sinh
viên trả lời là có biết đến CV xin việc nhưng chưa từng gửi đi một bản CV nào
đến nhà tuyển dụng. Từ việc khảo sát thực tế, chúng tôi nhận thấy rằng kĩ năng
viết CV xin việc của sinh viên năm cuối khá kém và cần được đào tạo, hướng
dẫn nhiều hơn trong quá trình học tập.
Liên quan mật thiết đến kỹ năng viết CV là kỹ năng làm hồ sơ xin việc.
Kỹ năng làm hồ sơ xin việc là việc vận dụng các kiến thức, kinh nghiệm đã
được học tập và rèn luyện để xây dựng và thiết kế bộ hồ sơ xin việc chuyên
nghiệp với đầy đủ thông tin và tạo được ấn tượng đối với nhà tuyển dụng. Khâu
làm hồ sơ chính là khâu quyết định đầu tiên cho hành trình xin việc của các ứng
viên, nó quyết định xem các ứng viên có được vào các vòng tiếp theo hay
không, Nhà tuyển dụng chỉ nhìn qua hồ sơ là có thể đánh giá được tương đối
chính xác về ứng viên. Việc nhiều sinh viên ra trường chọn cách rải hồ sơ khắp
các công ty với những hồ sơ xin việc như nhau là một trong số những dấu hiệu
chứng minh sinh viên hiện nay thiếu kỹ năng làm hồ sơ và kỹ năng xin việc.
Kết quả khảo sát cho thấy, có đến 80% sinh viên nói rằng mình không có
kỹ năng làm hồ sơ xin việc, lý do là vì kỹ năng này được lồng ghép với môn học
Tuyển dụng nhân lực đối với khoa Tổ chức và Quản lý nhân lực, còn với các
khoa và chuyên môn khác thì hầu như chưa được tiếp cận. Một số sinh viên
ngành nhân lực cũng thú nhận rằng tuy đã được tiếp cận với kỹ năng làm hồ sơ
xin việc nhưng vẫn còn mơ hồ, bước đầu chỉ dừng lại ở mức cơ bản, chưa hình
thành kỹ năng.
Bốn là kỹ năng nhận diện các hình thức trắc nghiệm và vượt qua các bài
trắc nghiệm: kỹ năng trắc nghiệm, thi tuyển là sự vận dụng các kiến thức, kinh
nghiệm làm việc cũng như các kỹ năng liên quan khác của các ứng viên để
chứng minh khả năng chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ, các tố chất tâm lý, tiềm
năng và sự phù hợp của bản thân ứng viên với công việc trước nhà tuyển dụng.
Trắc nghiệm là phương pháp áp dụng những kĩ thuật tâm lí khác nhau để xét
đoán, đo lường, đánh giá về năng khiếu, sự hiểu biết, sự khéo léo, cá tính... của
ứng viên. Vì thế các ứng viên cần phải vừa thể hiện năng lực chuyên môn và
vừa thể hiện sự khéo léo của bản thân như về: IQ, EQ, kiến thức tổng quát, tâm
lí, thể chất, tínhs cách cá nhân…
Qua số liệu khảo sát thì chỉ có 10% sinh viên tự tin cho rằng mình có thể
vượt qua bài thi trắc nghiệm một cách dễ dàng, có đến 75% sinh viên luôn bị
động về cách xử lý kiến thức cho bài thi trắc nghiệm. Sở dĩ như vậy là vì đặc thù
sinh viên trường thường làm bài luận trong các kỳ thi cuối kỳ, cuối khoá, chính
vì vậy kỹ năng, phương pháp làm trắc nghiệm còn yếu. Bên cạnh đó, thực tế cho
thấy sinh viên hiện nay chỉ chủ yếu làm thêm các công việc đơn giản, không liên
quan và phục vụ cho ngành nghề của mình sau này vì thế trong quá trình thi
tuyển sinh viên cho thấy rõ sự non kinh nghiệm, mặc dù lý thuyết các bạn nắm
rất chắc nhưng điều mà tổ chức cần là thực hành thì sinh viên mới ra trường lại
chưa làm được.
Năm là kỹ năng phỏng vấn, thể hiện bản thân: phỏng vấn được hiểu là
một cuộc trao đổi hai chiều giúp nhà tuyển dụng đánh giá được năng lực ứng
viên, đồng thời giúp ứng viên có được những thông tin quan trọng về doanh
nghiệp tuyển dụng. Tiêu chí được xác định để đánh giá kỹ năng phỏng vấn của
sinh viên tốt hay không là số điểm, mức thang đánh giá, phiếu đánh giá theo các
vấn đề mà nhà tuyển dụng đưa ra. Căn cứ vào số điểm của ứng viên cũng như
mức độ ứng phó, trả lời câu hỏi của ứng viên là một trong những tiêu chí cơ bản.
Kỹ năng thể hiện bản thân là một trong những kỹ năng cần thiết trong quá trình
phỏng vấn, nhờ có kỹ năng thể hiện bản thân mà nhà tuyển dụng có thể nắm bắt
được những điểm mạnh, năng lực thực sự của ứng viên, đồng thời sẽ tạo được
cảm tình của nhà tuyển dụng và tạo không khí hài hoà trong quá trình phỏng
vấn. Thông qua khảo sát có tới 76% sinh viên ( 228 sinh viên trên tổng số 300
sinh viên được khảo sát) trả lời rằng không có kỹ năng phỏng vấn, chưa tiếp cận
được câu hỏi của nhà tuyển dụng, đồng thời không có những câu trả lời trúng,
đúng với yêu cầu của nhà tuyển dụng. Kỹ năng thể hiện bản thân là không có,
không nhận diện được điểm mạnh của mình, có những sinh viên nhận diện được
điểm mạnh của mình nhưng lại không có cách để thể hiện nó trước nhà tuyển
dụng. Với con số 76% sinh viên không có kỹ năng xin việc, cách thể hiện bản
thân là một vấn đề đáng lo ngại. Quá trình phỏng vấn là thời gian mà nhà quản
lý quyết định có tuyển dụng ứng viên hay không. Nếu như những kỹ năng khác
đều hoàn thành tốt nhưng đến kỹ năng cuối cùng quyết định là phỏng vấn mà
không tốt đồng nghĩa với việc sinh viên không được tuyển dụng, bởi phỏng vấn
cũng là một hình thức thẩm tra thông tin ứng viên và là một trong những biện
pháp tìm kiếm ứng viên phù hợp. Con số 76% sinh viên không có kỹ năng
phỏng vấn sẽ có thể đồng nghĩa với việc 76% sinh viên đó sẽ thất nghiệp nếu
không có ý thức rèn luyện kỹ năng xin việc, thể hiện bản thân trước nhà tuyển
dụng.
Sáu là kỹ năng thử việc, hội nhập với tổ chức: kỹ năng thử việc là việc
các ứng viên vận dụng các kiến thức chuyên môn, các kỹ năng liên quan, kinh
nghiệm đúc rút đã được trau đồi thông qua quá trình học tập và rèn luyện để áp
dụng vào thực tế công việc, chứng minh năng lực, sự phù hợp với công việc, khả
năng làm việc trong thực tế của ứng viên. Điều này sinh viên trường đã được
làm quen qua 2 lần tiếp cận thực tế là kỳ kiến tập 1 tháng và kỳ thực tập 2 tháng.
Sinh viên có cơ hội tiếp cận với môi trường làm việc thực tế đã giúp cho sinh
viên trưởng thành hơn và có cái nhìn tổng quan hơn về nghề. Đối với kỹ năng
này sinh viên năm cuối của trường đã trau dồi được lượng kiến thức và luyện tập
kỹ năng ở mức độ nhất định. Thực tế khảo sát cho thấy 75% sinh viên hoàn
thành tốt kỳ kiến tập của mình, tích lũy được phần nào kinh nghiệm làm việc
cũng như rút ra bài học cho kỳ thực tập sắp tới cũng như công việc trong tương
lai.
Để tìm hiểu nguyên nhân ảnh hưởng đến mức độ kỹ năng xin việc của
sinh viên năm cuối chúng tôi đưa ra 8 nội dung mà theo chúng tôi nó có khả
năng ảnh hưởng đến kỹ năng xin việc của sinh viên khi nhận được phiếu thăm
dò sinh viên sẽ chọn ra những nội dung đúng với bản thân mình. Thông qua sự
lựa chọn của sinh viên chúng tôi tìm ra được những nguyên nhân ảnh hưởng đến
mức độ kỹ năng của sinh viên. Kết quả:
- 100% sinh viên cho biết các bạn chưa biết được những kỹ năng xin việc cụ thể.
- 92% sinh viên nói rằng các bạn chưa được ai hướng dẫn rèn luyện một số kỹ
năng xin việc và bản thân các bạn cũng chưa biết cách rèn luyện một số kỹ năng
xin việc (85%)
Các nội dung sau cũng có tỉ lệ phần trăm được các bạn chọn rất cao:
- Môi trường bạn đang học tập không đề cập đến kỹ năng xin việc (60%)
- Bạn chưa chủ động tìm việc (65%)
Từ những con số trên, chúng ta có thể thấy được rằng kỹ năng thử việc và
hội nhập với tổ chức là một khái niệm khá mới đối với hầu hết sinh viên. Đây là
một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất nghiệp, làm trái ngành,
trái nghề,...Chính vì vậy, để tự tin trong quá trình xin việc, cần nắm vững kĩ
năng thử việc và hội nhập với tổ chức.
2.3. Giải pháp để nâng cao kỹ năng xin việc cho sinh viên năm cuối Trường
Đại học Nội vụ Hà Nội
2.3.1. Đối với Nhà trường
* Giải pháp chung
Trước khi sinh viên được tốt nghiệp ra trường nếu được trang bị đúng và
đủ các kĩ năng mềm sẽ làm gia tăng cơ hội việc làm phù hợp với chuyên môn
đào tạo. Vì vậy, các trường đại học nói chung và Trường Đại học Nội vụ Hà Nội
nói riêng cần phải trang bị những kỹ năng xã hội cần thiết cho sinh viên trước
khi tốt nghiệp, các chương trình đào tạo kỹ năng cần phải làm thường xuyên
ngay từ năm nhất và được cụ thể hóa trong chương trình đào tạo, đội ngũ giảng
dạy kỹ năng cần được tuyển chọn và đào tạo chuyên nghiệp.
Đồng thời, các trường đại học trong đó có Trường Đại học Nội vụ Hà Nội
cần tiến hành thực hiện tự chủ về mặt tài chính để có thể đảm bảo quyền tự chủ
về các chương trình đào tạo cho sinh viên như giảm bớt các môn học đại cương,
tăng các giờ ngoại khóa. Việc tự chủ về mặt tài chính sẽ giúp các trường xây
dựng được những nét riêng để phù hợp với đặc điểm sinh viên.
* Giải pháp cụ thể
Để góp phần nâng cao kỹ năng xin việc cho sinh viên bên cạnh việc có
những bản CV công việc hoàn hảo, những bộ hồ sơ ấn tượng thì ngay từ khi còn
trên ghế nhà trường bất cứ sinh viên nào cũng cần được trang bị đầy đủ kiến
thức chuyên môn nghiệp vụ cùng các kỹ năng cần thiết để phục vụ cho công
việc sau này.
Để đảm bảo cho sinh viên được học tập tốt trước tiên Nhà trường cần phải
chú trọng không ngừng việc nâng cao chất lượng giáo dục điều đó bắt đầu từ
việc tạo ra một môi trường học tập và rèn luyện thật tốt, phải đảm bảo cả về cơ
sở vật chất lẫn tinh thần, tạo một không gian học tập mà ở đó sinh viên cảm thấy
hứng thú và yêu thích với sự lựa chọn của mình. Sinh viên được học hành một
cách thực tế hơn, được tự do rèn luyện và phát huy năng lực cũng như trí tuệ và
sức sáng tạo của mình.
Nhà trường với đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm, trình độ chuyên
môn vững vàng và nhiệt huyết trong công việc, đặc biệt là khoa Tổ chức và
Quản lý nhân lực, đây là nơi đào tạo những nhà quản trị nhân lực trong tương
lai, những cán bộ nhân sự nòng cốt. Bên cạnh đó, Khoa nên thường xuyên tổ
chức những buổi chia sẻ về vấn đề kỹ năng xin việc của sinh viên, bởi trên thực
tế đây là một trong những nội dung được xen lẫn vào với chương trình giảng dạy
của Khoa.
Nhà trường cần trang bị đầy đủ hơn các máy móc trang thiết bị phục vụ
cho việc học tập, tiến hành thay thế các trang thiết bị văn phòng lạc hậu bằng
các loại trang thiết bị máy móc hiện đại như: máy chiếu, máy photocopy, máy
in, máy scan, phủ sóng WiFi để sinh viên dễ dàng học tại trường cập nhật thông
tin tốt hơn.
Mở các lớp tư vấn hướng nghiệp, các buổi tọa đàm về vấn đề việc làm
cho sinh viên.Đồng thời thay đổi phương thức đào tạo cho sinh viên chú trọng
việc học đi đôi với hành.Giảm bớt những môn học không thực sự cần thiết để
bớt gánh nặng lý thuyết cho sinh viên.
Ngoài ra, Nhà trường có thể tổ chức các buổi giao lưu giữa sinh viên năm
cuối với các cựu sinh viên đã có việc làm ổn định, thành đạt để sinh viên học hỏi
kinh nghiệm hoặc có thể mời các nhà tuyển dụng đến trường như các diễn giải,
thỉnh giảng, trao đổi, nói chuyện với mục đích giúp sinh viên có thêm kiến thức
thực tế, rèn luyện kỹ năng mềm…
Nhà trường cần xây dựng một bộ môn hoàn chỉnh về các kỹ năng mềm để
đưa vào giảng dạy chính trong chương trình học. Cần định hướng việc làm cho
sinh viên ngay trong thời gian học tập để sinh viên tiếp cận thực tế với công việc
đó. Một trong những giải pháp đó là vấn đề làm thêm, thực tập, sinh viên làm
quen dần với công việc tương lai để biết bản thân yếu, thiếu những khía cạnh
nào để khắc phục.
Nhà trường cần tiếp tục tạo điều kiện và mở rộng quy mô hoạt động của
Câu lạc bộ Nhà quản trị nhân lực bởi vì đây là mô hình hay, hấp dẫn sẽ giúp sinh
viên rèn luyện thêm nhiều kỹ năng. Hơn nữa trong quá trình hoạt động, Câu lạc
bộ đã xin được rất nhiều học bổng tài trợ từ các doanh nghiệp cho các bạn sinh
viên. Câu lạc bộ Nhà quản trị nhân lực thường có những buổi tọa đàm giữa sinh
viên và các doanh nghiệp, có mối liên kết cực kì chặt chẽ với doanh nghiệp
trong việc đưa các sinh viên có thành tích tốt tham gia các khóa học thêm về
nhân sự, giao tiếp, thuyết trình... Việc mở rộng và phát triển những mô hình Câu
lạc bộ nhà quản trị nhân lực sẽ giúp sinh viên có sân chơi để giao lưu học hỏi và
đối thoại với các doanh nghiệp.
Các ngành học của Trường Đại học Nội vụ Hà Nội nói chung và khoa Tổ
chức và Quản lý nhân lực nói riêng cần liên kết với các doanh nghiệp, các cơ sở
sử dụng lao động, các trung tâm giới thiệu việc làm, các đơn vị chuyên môn,
đồng thời tăng cường tổ chức các buổi giao lưu giữa sinh viên với các doanh
nghiệp nhằm đạo tạo những buổi ngoại khoá cho sinh viên về kỹ năng mềm, đặc
biệt là kỹ năng xin việc để từ đó sinh viên có sự chuẩn tốt nhất cho quá trình tìm
việc sau khi ra trường.
Các đơn vị hợp tác của trường, các doanh nghiệp có thể đến trao đổi với
sinh viên về vấn đề trong buổi phỏng vấn, kỹ năng xin việc dưới con mắt nhà
tuyển dụng, từ đó giúp sinh viên có cái nhìn toàn diện hơn để có thể có những
chuẩn bị tốt nhất.
Tổ chức các buổi hoạt động hướng nghiệp, các buổi giao lưu nói chuyện
chuyên đề cho sinh viên với các chủ đề liên quan đến các chuyên ngành mà
trường đang đào tạo.Tư vấn cho sinh viên tác phong ăn mặc, đi đứng, kỹ năng
giao tiếp, cách viết CV, làm việc với Email và tự tin đúng mực khi đi phỏng vấn
xin việc. Chỉ ra cho sinh viên thấy tính đa dạng của những công việc từ ngành
học của mình. Nâng cao nhận thức cho sinh viên giá trị quan trọng của một
người làm việc có tinh thần trách nhiệm, kỷ luật cao có đạo đức trong công việc.
2.3.2. Đối với sinh viên năm cuối
Đối với sinh viên nói chung và sinh viên năm cuối nói riêng cần tích cực
nghe giảng, ghi chép theo cách hiểu của bản thân theo sơ đồ tư duy, không nên
phụ thuộc quá nhiều vào việc đọc chép. Ngoài giờ lên lớp các bạn phải học cho
bản thân ít nhất 1 ngoại ngữ: Tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Trung Quốc. Bên
cạnh đó, sinh viên nên học nhóm với nhau trao đổi về các môn học, đồng thời
tìm kiếm các thông tin liên quan đến ngành học qua sách, báo, internet.
Sắp xếp thời gian học tập ở nhà một cách có khoa học, có tinh thần cầu
thị học hỏi từ những người học cùng ngành đã ra trường đi làm, tìm hiểu nhu
cầu tuyển dụng hiện nay, luôn cập nhật tin tức việc làm văn phòng qua các trang
việc làm. Các tiêu chí của nhà tuyển dụng yêu cầu về chuyên môn ra sao để
hoàn thiện bản thân mình.
Sinh viên cần tích cực tham gia các hoạt động ngoại khoá như sinh hoạt
trong các câu lạc bộ của trường, hoạt động Đoàn để từ đó có thể hoàn thiện bản
thân, tiếp thu những kỹ năng mềm cần thiết cho cuộc sống; nên chơi và học tập
với những người bạn có cùng chí hướng, có mục tiêu học tập. Xây dựng kế
hoạch học tập của bản thân theo từng tuần, tháng và đặt mục tiêu ngắn hạn và
dài hạn cho bản thân.
Mỗi SV nên có một công việc bán thời gian trong quá trình học tập hoặc
trong quá trình kiến tập và thực tập. Tham gia các câu lạc bộ tình nguyện tại địa
phương, trường học, tham gia văn hóa- văn nghệ, thể dục- thể thao. Tham gia
các khóa học ngắn hạn về giao tiếp, kỹ năng xử lý thông tin, đánh máy 10 ngón,
cách viết CV chuyên nghiệp và làm việc với Email. Làm việc nhóm với nhau
một cách thường xuyên và hợp tác hơn, thông qua các môn học được học trên
lớp: Kỹ năng giao tiếp, Kỹ năng Tổ chức và kiểm tra, Nhập môn Quản trị văn
phòng…
Rèn luyện tác phong công nghiệp bằng cách đúng thời gian, coi trọng lời
hứa, giữ thái độ sống tích cực hơn, rèn luyện khả năng làm việc độc lập bằng
cách không ỷ lại hay dựa dẫm vào người khác. Tạo thói quen nói tốt, tự tin trước
đám đông bằng các bài thuyết trình trên lớp, không e ngại khi phát biểu ý kiến,
không sợ sai. Rèn luyện thói quen đọc các loại sách viết về các kỹ năng mềm
cần có khi đi phỏng vấn....
3. Kết luận
Kỹ năng xin việc là kỹ năng quan trọng với mỗi người nói chung và sinh
viên năm cuối nói riêng. Để hoàn thiện khối kỹ năng này chúng ta cần có quá
trình tìm hiểu, tích luỹ. Với sinh viên Trường đại học Nội Vụ Hà Nội, bên cạnh
việc được trang bị khối kiến thức chuyên môn vững vàng, sinh viên cần có sự
trau dồi học hỏi thêm những kỹ năng mềm, đặc biệt là kỹ năng xin việc để có thể
tìm được một công việc phù hợp, yêu thích trong tương lai. Để tạo lên thương
hiệu sinh viên Việt Nam nói chung và sinh viên Trường Đại học Nội vụ Hà Nội
nói riêng, sự cố gắng nỗ lực của mỗi sinh viên là nên tảng, song bên cạnh đó cần
có sự giúp đỡ của Nhà trường nơi sinh viên học tập, Nhà nước và các tổ chức,
các doanh nghiệp. Hiểu rõ được vai trò và tầm quan trọng của kỹ năng xin việc,
chúng ta cần có hệ thống giáo dục hoàn thiệc hơn với các chương trình, các hoạt
động ngoại khoá bổ trợ kỹ năng cho sinh viên Việt Nam. Đối với sinh viên
trường đại học Nội Vụ Hà Nội, cần có những chương trình bài giảng phong phú
với nội dung về kỹ năng mềm, cần được trang bị trang vật chất phục vụ cho quá
trình học tập, tiếp thu và trao đổi kiến thức. Kỹ năng xin việc đang trở thành một
kỹ năng nền tảng không thể thiếu của mỗi sinh viên, do đó mỗi sinh viên cần có
ý thức học tập và rèn luyện kỹ năng ngay từ khi ngồi trên giảng đường đại học
để có thể vững bước vào cánh cửa nghề nghiệp đầy triển vọng.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Quốc Hùng (2005), Cẩm nang xin việc, NXB Văn hóa Thông tin;
2. Nguyễn Thị Lê Hương & Đặng Thị Huyền (CB) (2011), Cẩm nang việc làm
và lập nghiệp, NXB Lao động Xã hội;
3. C. Levinson & Ray Conrad (2011), Nghệ thuật săn việc 2.0 (Bản dịch), NXB
Trẻ TP Hồ Chí Minh ;
4. Hạnh Nguyên (2003), Cẩm nang việc làm cho lao động trẻ, NXB Thanh niên;
5. Bích Phụng, 2009, Quyết định đúng đắn khi tìm việc, Nxb Lao động Xã hội;
6. Ryan (1997), Preparing for career success, West Publishing Company, USA;
7. Bản CV hoàn hảo (2013), Nhiều tác giả, NXB Lao động- Xã hội;
8. 27 lợi ích của việc thuyết phục (2011), Chris St.Hilaire;
9. Một số các website như: doc.vn, ebook.vn, Tailieu.vn,...;