Tải bản đầy đủ (.docx) (17 trang)

TƯ DUY DÂN GIAN TRONG "VỀ KINH BẮC" CỦA HOÀNG CẦM

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (141.64 KB, 17 trang )

TƯ DUY DÂN GIAN TRONG VỀ KINH BẮC CỦA HOÀNG CẦM
Tác giả: Nguyễn Thị Minh Thương - Cập nhật: 13/06/2013
TƯ DUY DÂN GIAN TRONG VỀ KINH BẮC CỦA HOÀNG CẦM

Nguyễn Thị Minh Thương
Khoa Ngữ Văn – Trường ĐHSP Hà
Nội

1. Mỗi cá nhân đều góp phần tạo nên bản sắc của một nền văn hóa,
nền văn hóa ấy, đến lượt nó lại có vai trò “bứng trồng”, tạo ra bản sắc cá
nhân. Nói như G. Devereux, nhà nhân học văn hóa Pháp đương đại, văn
hóa là tâm lý được phóng chiếu ra ngoài, và tâm lý là văn hóa được phóng
chiếu vào trong.[1] Cả cá nhân và văn hóa đều là những thực thể tạo tác,
luôn được sinh thành và không ngừng bồi đắp. Việc lựa chọn cho mình
một giá trị văn hóa có vai trò quan trọng với mỗi cá nhân, đặc biệt với nghệ
sĩ, nó góp phần hình thành tư duy nghệ thuật. Trong rất nhiều cách ứng xử
của các nhà thơ đương đại, khác với những người cùng chịu nạn trên cây
thập ác Nhân văn giai phẩm, Hoàng Cầm đã chọn con đường trở về với
văn hóa dân gian, định vị mình trong không gian Kinh Bắc. Nghiên cứu tư
duy thơ Hoàng Cầm, sẽ là thiếu sót nếu không nói đến dấu ấn của lối tư
duy dân gian. Bài viết sau đi tìm dấu ấn của tư duy dân gian trong thơ
Hoàng Cầm, cụ thể qua tập Về Kinh Bắc – tập thi phẩm được coi là sự
thăng hoa trong nghiệp thơ Hoàng Cầm, để thấy một phương diện cốt yếu
trong tư duy nghệ thuật của nhà thơ, đồng thời cho thấy một thi sĩ hiện đại
đã trở về nguồn dân gian như thế nào? Văn hóa dân gian đi qua màng lọc
tư duy nghệ thuật hiện đại sẽ biến đổi ra sao? Sự dung hợp giữa hiện đại
và truyền thống sẽ tạo ra thành quả gì cho văn chương đương đại?
Toàn bộ những giá trị vật chất, tinh thần của một nền văn hóa thực
chất được tạo ra từ một/ một số kiểu tư duy nhất định và chính bản thân
cách tư duy ấy cũng trở thành một giá trị, một bản sắc văn hóa riêng. Tư
duy dân gian là cách nghĩ, cách cảm của tập thể nhân dân lao động được


hình thành từ lâu đời, được bảo lưu và bồi đắp qua thời gian, trở thành
những trầm tích văn hóa, từ đó hình thành nên tâm thức của cả cộng đồng.


Tư duy dân gian là một phạm trù rất rộng. Nó có thể được thể hiện qua
hoạt động thực tiễn của con người, qua các nghi lễ dân gian, và đặc biệt,
được bảo lưu trong những tác phẩm văn học dân gian,…Vì thế, tư duy dân
gian có thể được hiểu ở một phạm vi hẹp hơn. Đó là tư duy nghệ thuật dân
gian, tức là tư duy nghệ thuật của cộng đồng được lưu giữ trong những tác
phẩm văn học dân gian, thể hiện trên cả hai phương diện: nội dung – quan
niệm về thế giới, cuộc sống con người và cách thể hiện nội dung ấy qua
hình thức nghệ thuật biểu đạt. Có thể khái quát tư duy dân gian thành một
số đặc điểm như sau: 1– Thế giới này cái thần kì tồn tại như một hiện thực
tất yếu, cái huyền ảo không phải là một hư cấu mà họ tin rằng nó thật sự
tồn tại (quan điểm vạn vật nhất linh,…). 2 – Sự hồn nhiên trong hành trình
đi tìm hạnh phúc (thể hiện trong những khát vọng, ước mơ, kết thúc có hậu
trong những câu chuyện cổ,…). 3 – Nghĩ, cảm bằng các biểu tượng, mô típ
(vì dân gian nhìn thấy trong mọi sự vật hiện tượng luôn ẩn tàng ý nghĩa và
thế giới có thể phân loại được). 4- Tư duy dân gian Việt Nam nói chung và
Kinh Bắc nói riêng bên cạnh những nét chung thuộc về tâm thức nhân loại
như trên còn có những nét riêng: người Việt Nam trọng tình, sống hòa hợp
với thiên nhiên, con người nhìn chung là thụ động, gắn với tín ngưỡng thờ
mẫu, đề cao thiên tính nữ,…
Nếu tư duy dân gian là tư duy của cộng đồng thì tư duy thơ hiện đại
là tư duy của cá nhân. Tất nhiên, cái làm nên bản sắc cá nhân là cách anh
ta ứng xử như thế nào với cái cộng đồng. Nếu quay lưng lại cộng đồng,
anh ta là một kẻ tha hương lạc loài, vong bản ngay trên chính quê hương.
Ngược lại, nếu hòa giải với cộng đồng, anh ta phải tìm cách một mặt, dung
hòa với truyền thống, mặt khác, không được để hòa tan trong truyền thống.
Hoàng Cầm là một nhà thơ hiện đại. Ông chọn cách ứng xử tìm về với

nguồn văn hóa dân gian. Ông tha thiết với vùng quê Kinh Bắc, hoài tưởng
về nó với tất cả tình yêu và nỗi đau, ngụp lặn trong nguồn dân gian Kinh
Bắc. Vì thế, tư duy thơ Hoàng Cầm mang dấu ấn của tư duy dân gian rõ
nét. Nhưng thơ Hoàng Cầm không phải là thơ dân gian kéo dài, mà trên
nền tảng tư duy cộng đồng ấy, nhà thơ có những bứt phá riêng bằng sáng
tạo cá nhân, để giữa nguồn chung dân gian, vẫn nhận ra nguồn riêng –
một gương mặt thơ Hoàng Cầm – không thể lẫn.
2. Tìm hiểu vấn đề tư duy dân gian trong tập thơ Về Kinh Bắc, chúng
tôi không cốt dừng lại ở những hình ảnh, thi liệu dân gian được Hoàng
Cầm sử dụng đậm đặc trong thế giới thơ mình (địa danh lịch sử, nhân vật
lịch sử, tái hiện lại các trò chơi dân gian, thi liệu dân gian,…), dù nó cũng
thể hiện một phần của tư duy nghệ thuật – phạm vi đề tài mà nhà thơ bao


quát. Điều ấy đã được khảo sát khá công phu trong những công trình
nghiên cứu khác, sự nhắc lại là không cần thiết. Chúng tôi tập trung làm
sáng tỏ dấu ấn của tư duy dân gian ở chiều sâu hơn, thể hiện trong
cách nhìn thế giới, dạng thức cái tôi trữ tình, các biểu tượng, mô típ,
các huyền thoại đã trở thành mẫu gốc trong tư duy nhân loại, những
vấn đề thuộc tâm thức cộng đồng được bảo lưu qua thời gian được
trở lại và hồi sinh trong thơ một nhà thơ hiện đại,...
2.1. Tư duy huyền thoại là nét đặc trưng của tư duy nguyên thủy.
Những khảo cứu của Lévy Bruhl trong Kinh nghiệm thần bí và biểu tượng
ở người nguyên thủy đã chỉ ra rằng: “Trong ý nghĩ của người nguyên thủy,
thế giới huyền thoại (dựa vào kiểu thế giới đó, họ tạm hình dung thế giới vô
hình), tuy rằng họ cảm thấy thế giới đó khác với thế giới này, và rằng nó
thuộc về thời kỳ trong đó vẫn còn chưa có thời gian, tuy nhiên thế giới ấy
không phải là ở nơi khác, ở bên ngoài vùng đất họ cư trú, thậm chí cũng
không phải là ở bên kia đường chân trời. Tất cả những gì xảy ra trong thế
giới đó lấy vùng đất mà họ đang sinh sống làm sàn diễn”[2]. Người nguyên

thủy tin sự tồn tại của thế giới huyền thoại là có thật. Những tổ vật, những
anh hùng truyền thuyết, họ đã sống, và họ vẫn hiện diện, đôi khi ở những
nơi thờ vật tổ địa phương, đôi khi hòa nhập vào những lớp đất dưới hình
thù cây cối, tảng đá,…Bởi thế, cũng theo tác giả này, thế giới huyền thoại
gợi lên trong người nguyên thủy những xúc động linh thiêng hơn là một
niềm kinh ngạc. Để trở về với thế giới huyền thoại ấy, không gì khác là trở
lại bằng những giấc mơ, hoặc thiếu vắng những giấc mơ thì người đang
sống có thể tìm đến những ông đồng bà cốt. Tư duy huyền thoại khiến con
người nhìn thế giới như một thực thể thực ảo trộn lẫn. Thế giới được bao
bọc trong một không khí huyền ảo với những vật thần kì, siêu nhiên. Tuy
nhiên, khi xã hội càng văn minh thì tư duy huyền thoại càng lùi vào quá
khứ như một sản phẩm của trí tưởng tượng trong thời ấu thơ một đi không
trở lại đầy lãng mạn và hồn nhiên của loài người. Sự phát triển của lí tính
và khoa học kĩ thuật khiến người ta ngày càng khước từ tư duy huyền
thoại nguyên thủy. Chỉ đến khi học thuyết phân tâm học của Freud ra đời
với phát hiện về đời sống vô thức của con người, và đặc biệt, khi K. Jung
khám phá ra bên cạnh đời sống vô thức cá nhân còn có đời sống vô thức
tập thể được bảo lưu trong các cổ mẫu nguyên thủy thì tư duy huyền thoại
trở lại như một sự lại giống trong văn học viết. Tất nhiên, tư duy huyền
thoại này ít nhiều đã tách khỏi gốc cây nguyên hợp của văn học dân gian
để phát triển về một hướng riêng, phức tạp hơn khi có sự cộng hưởng với
tư duy hiện đại. Như thế, tư duy huyền thoại của dân gian đã trở thành một
lớp trầm tích được lưu giữ và bồi đắp trong dòng chảy lịch sử. Nó trở


thành một thứ tâm thức cộng đồng, sẽ phóng chiếu vào tâm thức của mỗi
cá nhân, mà nghệ sĩ là đối tượng nhạy cảm đặc biệt.
Có thể tìm thấy ở Về Kinh Bắc của Hoàng Cầm dấu ấn của lối tư
duy huyền thoại này khi nhà thơ tạo lập nên một thế giới hòa trộn cái thực
và cái ảo. Cái ảo trộn lẫn trong cái thực như một tồn tại hiển nhiên: Ao

mưa dằng dịt lá trường sinh, hái quả vườn ổi lại đi qua cầu bà Sấm, bến cô
Mưa, trò chơi đố cỏ, đố lá quen thuộc, nhưng cỏ và lá ở đây là cỏ bồng thi,
lá diêu bông, thời gian cũng được huyền thoại hóa với những chiều liêu
trai, đêm hồ tinh, đêm vàng Kinh Bắc,...Đó là cái nhìn của huyền thoại. Thế
giới là một hợp nguyên của cái đời thường và cái kì ảo hoang đường. Thụy
Khuê gọi “sa mạc Hoàng Cầm lung linh giữa mơ và thực” vì lẽ đó.
Nhưng điều muốn nhấn mạnh ở đây là Hoàng Cầm đã nối kết thế giới
thực và thế giới ảo bằng cách nào? Không phải ngẫu nhiên Về Kinh
Bắc mở đầu bằng năm đêm trong nhịp một được đặt tên là Khấn
nguyện. Đỗ Lai Thúy đã lí giải khá thuyết phục khi coi đêm trong ý nghĩa
biểu tượng của nó là “vũ trụ thời khởi thủy”, “đêm đồng nghĩa vô thức”,
“đêm là bà đỡ, đồng lõa của sáng tạo, của giấc mơ”. Hoàng Cầm đã nối cái
thực tại hiện hữu với cái huyền thoại vô thức bằng quãng thời gian lưu
chuyển – đêm, bằng con đường của giấc mơ, và bằng cách khấn nguyện,
gọi đồng, nhập hồn. Chu Văn Sơn nhận ra Hoàng Cầm trong Về Kinh
Bắc đã:“chiêu hồn quá khứ”, “gọi hồn quá khứ về thăng đồng”. Hoàng Cầm
như một “gã phù thủy” sửa soạn hình nhân: “Hình nhân má điệp tóc mực
tàu/ Mắt nghiêng dựa liếp/ Mai nhảy vào đám lửa giỗ đầu/ Gấm song cầu
khoác lại áo ngày xưa”, thắp “Đèn nhang 1”, “Đèn nhang 2”, rì rầm khấn
khứa “Tăm cắm chặt bình hương/ Em xít xa tập khấn,.. Khắp tập thơ rì rầm
những lời khấn nguyện....Hoàng Cầm đã giao tiếp với cõi ảo sinh bằng cả
giấc mơ và cả cách nhập hồn, gọi đồng, siêu thoát. Con đường trở về Kinh
Bắc cũng như cách người nguyên thủy giao tiếp với cõi siêu nhiên. Kinh
Bắc vì thế cũng là một cõi siêu thực, không phải là một thực tại hiện hữu,
mà là thực tại khác tồn tại trong giấc mơ, được siêu thăng trong giá đồng
của sự trở về. Hoàng Cầm đã nối kết hai thế giới hiện hữu và vô hình bằng
cách ấy. Bởi thế, thế giới của Về Kinh Bắc hiện lên đầy những huyền thoại
trong cõi thực.
Từ Kinh Bắc trong hiện tại trở về Kinh Bắc trong quá khứ, từ Kinh
Bắc thực gọi dậy cả một Kinh Bắc ảo sinh, Hoàng Cầm đã diễn đạt khoảng

giao thoa giữa hai thế giới. Về Kinh Bắc bằng những đứt gãy trong mạch
cảm xúc. Đó là sự gãy khúc mà ở đó ranh giới giữa cõi thực và cõi ảo


chạm xiết nhau, tạo ra những đột biến tâm linh, trong giây phút, con người
được mặc khải, gặp gỡ với một thế giới khác ngoài thực tại: Chớp rạch
dáng tiên vén xiêm xõa ngủ/ thoắt chìm/ Gấu đẩy đá thiên thai, Chợt mê
thét giữa sân/ Nét mác chữ thiên toạc lưng trâu mộng, Chợt thấy mấy hài
nhi khăn trắng/ Xẵng canh gà thét đuổi đêm đông, Vại bỗng ngất ngư cười
cải mả/ Bát bỗng lim dim tìm mắt gái muộn chồng, Mắt sư nữ chùa Thầy/
Thoắt xanh màu xanh xứ Lạng, Chợt rùng mình níu đêm đồng lõa/ Gai xiên
đâm mười ngón ân tình,...Các từ bỗng, chợt, thoắt, lặp lại với tần số cao
trong tập thơ gợi nên tính chất đột biến, vụt hiện. Trong Đêm thổ - thi phẩm
mở đầu cho cuộc hành trình trở về Kinh Bắc, sau giây phút thoắt chìm, thế
giới Kinh Bắc thực chìm đi trong cõi huyệt mộ, lầu hoang, mồ mưa sũng.
Kinh Bắc hiện lên như một âm bản. Tất cả được khâm liệm vớiChâu chấu
ma vờn cổ yếm xây, Tờ kinh đắp mặt ru bươm bướm, Cô nàng xưa cắn
chắt/ Giờ đã nằm lưng giậu phủ tầm xuân,...Nhưng khi bước qua thế giới
huyệt mộ ấy rồi, Kinh Bắc hiện về rực rỡ, ồn ào, hoàng kim trong những
đêm vàng, đêm hội, trong quá khứ vàng son với những vương hậu, ái phi,
với nhịp sống và lễ hội văn hóa ngàn đời. Qua hai lần khúc xạ và phóng
chiếu, có thể hiểu vì sao Phạm Thị Hoài đọc Hoàng Cầm thấy thơ ông “đẹp
và xa cách”.
Tuy nhiên, dù mang dấu ấn của tư duy dân gian trong cách nhìn thế
giới, Hoàng Cầm vẫn là một nhà thơ hiện đại. Tư duy huyền ảo của dân
gian kết hợp với cái nhìn siêu thực đầy tính hiện đại đã tạo nên một Hoàng
Cầm huyền ảo và siêu thực, truyền thống và hiện đại. Tư duy siêu thực
như một bước tiến của tư duy nghệ thuật hiện đại trên cơ sở triết học là
thuyết trực giác của Bergson và cơ sở tâm lý là phân tâm học của Freud
đã đưa lại một cái nhìn mới và chính xác hơn về thực tế. Thực tế ấy được

kết hợp giữa thực và mộng, giữa vô thức và ý thức, “giấc mơ và hiện thực
sẽ chuyển hóa thành một kiểu thực tế tuyệt đối, một cái siêu thực”[3]. Tư
duy siêu thực của nghệ thuật hiện đại gần với tư duy huyền thoại nguyên
thủy của dân gian ở chỗ nó cùng tạo ra một thế giới thực mộng trộn lẫn,
nhưng khác ở chỗ tư duy siêu thực nhấn nhiều hơn đến đời sống tâm linh
vô thức cá nhân, còn tư duy huyền thoại nguyên thủy nhấn mạnh vào đời
sống tâm linh vô thức tập thể với những hình tượng thần thoại kì vĩ, những
sự vật thần kì– biểu tượng tôn thờ chung cho cả cộng đồng. Hơn nữa, tư
duy siêu thực tìm đến một cách viết đặt những hình ảnh rất xa nhau, để
mở rộng tối đa biên độ của sự tạo nghĩa trong cách biểu đạt hình tượng.
Cái siêu thực kết hợp với cái huyền ảo dân gian đã tạo nên nét riêng của
Hoàng Cầm trong Về Kinh Bắc. Sự đứt đoạn trong mạch nối các câu thơ,
những khoảng lặng, lời câm để lại khoảng trống trên văn bản là những


sáng tạo mới của Hoàng Cầm để tạo nên thế giới huyền ảo siêu thực trên
cơ sở tư duy huyền thoại của dân gian. Thủ pháp này khó có thể tìm thấy
trong cách biểu đạt của dân gian. Con người thời nguyên thủy cũng có sự
tư duy như vậy, nhưng họ thể hiện nó qua các hoạt động nghi lễ chứ trình
độ ngôn ngữ sơ khai của buổi bình mình trong lịch sử nhân loại chưa cho
phép con người biểu lộ tư duy ấy bằng ngôn ngữ. Bởi thế, sự sáng tạo của
Hoàng Cầm khi vận dụng tư duy huyền thoại của nguyên thủy ở đây là sự
làm mới trong cách viết. Với chất liệu được lấy từ vùng quê Kinh Bắc: hoa
lá cỏ cây, sông hồ, chùa chiền, lễ hội, sử sách,...của quê hương, ông đã
tạo nên một thế giới thơ siêu thực thấm đẫm chất huyền ảo dân gian.
2.2. Dấu ấn của tư duy dân gian trong Về Kinh Bắc không chỉ thể
hiện qua cách tư duy về thế giới mà còn được nhận ra ở dạng thức cái tôi
trữ tình.
Trước hết, có thể thấy dạng thức cái tôi trữ tình trong Về Kinh Bắc có
sự gặp gỡ với kiểu nhân vật quen thuộc trong cổ tích dân gian: nhân vật

mồ côi. Nhân vật mồ côi rất tiêu biểu trong truyện cổ tích thần kì (anh
Khoai – Cây tre trăm đốt, Tấm – Tấm Cám, Chử Đồng Tử - Chử Đồng
Tử, Lọ Lem – Cô bé Lọ Lem,...). Kiểu nhân vật này hiền lành, tốt bụng, có
số phận bất hạnh, nhưng nhìn chung là thụ động, yếu ớt, thường xuyên
phải có sự trợ giúp của những lực lượng siêu nhiên mới có thể thực hiện
được ước mơ. Sáng tạo kiểu nhân vật mồ côi, dân gian muốn phản ánh
thực trạng đau khổ của người lao động trong xã hội xưa, và qua họ, gửi
gắm những ước mơ về hạnh phúc, một xã hội công bằng cái thiện chiến
thắng cái ác.
Hoàng Cầm cũng là một con người mồ côi trong tình cảm. Tuổi thơ
ông qua đi không bình lặng như những đứa trẻ khác. Mẹ Hoàng Cầm là cô
gái làng Bựu, có nhan sắc và hát quan họ hay nổi tiếng. Nhưng sự tài sắc
của người đàn bà không phải lúc nào cũng là vật bảo đảm cho một tương
lai hạnh phúc. Khi lấy chồng, bà phải chịu số phận hẩm hiu. Bố Hoàng
Cầm là một nhà Nho, ba lần thi trường Nam Định không đậu, sau đó bất
đắc chí nên bỏ làng đi dạy học lang thang, rồi làm thầy lang, nhưng vẫn
lang thang chữa bệnh khắp các huyện trong vùng Bắc Ninh, Bắc Giang.
Người cha không làm tròn phận sự của một trụ cột gia đình. Mẹ Hoàng
Cầm khi sinh ông phải vượt cạn một mình, và cũng một mình nuôi con.
Chính Hoàng Cầm bộc bạch: “Không hiểu sao, tôi sớm có cái buồn cô đơn
ngay từ những năm lên sáu, lên bảy tuổi. Bẩm sinh chăng? Hay chính nỗi
buồn của người con gái tài sắc lấy chồng từ năm mười bảy tuổi mà phải


phải sống cô đơn đến hơn mười năm?” [4] Như vậy, Hoàng Cầm không
phải đứa trẻ mồ côi nhưng lại mang mặc cảm mồ côi. Mặc cảm của một
đứa trẻ yếu ớt, luôn thèm khát tình cảm in dấu trong Về Kinh Bắc.Với
Hoàng Cầm, nỗi sợ thường trực nhất là sợ mất mẹ, sợ mẹ đi lấy chồng:
“Động gót mưa xuân/ cưới mặt trời hè/ Ới thương là thương/ Gà con nhớ
mẹ/ cỏ vàng rung chân”, “Chị lỡ xe hồng/ Mẹ đi lấy chồng/ cỗ cưới chênh

vênh khoai luộc/ Mật vàng mọng rách vỏ nâu non”,...Nhu cầu có mẹ
thường trực bên mình trở thành nỗi thảng thốt của đứa con khi không có
mẹ: Mẹ ơi/ Mẹ ơi/ Con không mong giời mưa/ (Mưa không được thả diều)/
bây giờ mẹ ở đâu. Bốn câu thơ giản dị, nhưng đọc kĩ, thấy trong đó cả sự
hồn nhiên của trẻ thơ và nỗi đau người lớn. Dấu ngoặc đơn Mưa không
được thả diều thực chất chỉ là sự giải thích nhằm chống chế cảm xúc đau
xót, cách nói chệch hướng, làm mờ hóa nỗi đau mà đứa con không dám
gọi tên. Con không mong giời mưa, đâu phải vì Mưa không được thả
diều, mà ẩn ý của nó đã được gợi đến trong sự liên tưởng với lời bài ca
dao: Trời mưa bong bóng phập phồng/ Mẹ đi lấy chồng con ở với ai. Thơ
Hoàng Cầm luôn thảng thốt ám ảnh mất mẹ, mẹ đi lấy chồng. Ám ảnh mồ
côi vọng vào trong những cuộc đi tìm: Mùa chưa về/ Tu hú gọi Em đi tìm
Mẹ, Con đi tìm Mẹ/ Tre dậm lông mày/ Ao bèo chột mắt, Ta con bê vàng
lạc dáng chiều xanh/ đi mãi tìm sim sim chẳng chín/ Ta lên đồi thông nằm
miếu Hai Cô/ gặm cỏ mưa phùn/ Dóng dả gọi về đồng sương/ đôi ba người
lận đận/ Đêm nay mẹ chẳng về chuồng”,...Sau này khi đứa trẻ lớn lên, ngôi
người nữ được dịch chuyển, từ mẹ sang chị, từ tình mẫu tử sang tình yêu,
tình gắn mẹ chuyển sang tình luyến chị. Trong tình yêu, xúc cảm của
Hoàng Cầm vẫn còn nguyên ám ảnh côi cút trong tâm thức: Chị bỏ em đi/
Cánh nhẹ trên sông/ Chiếc lá mơ rừng/ Hát lừng ngọn gió/ Khóc đỏ chiều
quê, Chị lỡ xe hồng/ Mẹ đi lấy chồng, Bao giờ Chị về/ Tóc phủ vai em
chiều hương nhu, Quan đốc đồng áo đen nẹp đỏ/ thả tịnh vàng cưới Chị/
võng mây trôi,...
Mang ám ảnh mồ côi, thiệt thòi và thiếu thốn, không được bồi đắp bởi
sức mạnh của người cha, cái tôi trữ tình của Hoàng Cầm trong Về Kinh
Bắc hiện lên đầy yếu ớt, bất lực và có phần thụ động. Nếu các nhân vật
mồ côi trong cổ tích gửi vào tiếng khóc nỗi bất lực của mình thì cái tôi
Hoàng Cầm trong Về Kinh Bắc hiện lên nỗi mặc cảm xót xa. Cái tôi ấy chỉ
biết: Em đứng nhìn theo em gọi đôi khi tịnh vàng cưới Chị (Cây tam
cúc), chỉ biết nghe theo lời Chị bảo, câm lặng đi tìm Lá để rồi chấp nhận

mọi khước từ, chỉ biết Lẽo đẽo em đi vườn mai sau/ cúi nhặt chiều mưa
dăm quả rụng (Quả vườn ổi), nó thụ động trong cuộc chơi để người khác
đưa đường: Chị đưa em đến bến này (Cỏ bồng thi), nó chỉ biết van xin và


phản ứng yếu ớt: Ngày chị bảo Em quên/ Em tơ tưởng sao bắt Em đừng
nhớ/ Tha cho em/ Tha em (Nước sông Thương), và bất lực hoàn
toàn: Chắp tay nhìn nghẽn nghìn phương (Đợi mùa)... Mồ côi trở thành nỗi
ám ảnh trong cái tôi trữ tình. Thơ Hoàng Cầm đầy những khoảng lặng, lời
câm, những đối thoại rời rạc khắc sâu thêm tâm thức mồ côi ấy. Phạm Thị
Hoài khi đọc Mưa Thuận Thành đã rất tinh tế nhận ra: “Thế giới tình cảm
của Hoàng Cầm trong Mưa Thuận Thành, dù gồm nhiều mảng rất khác
nhau, chỉ xót xa, phiền muộn, yểu điệu, yếu ớt, tinh vi, nhiều mặc cảm và
nhiều nữ tính”[5]. Nhân vật trữ tình không có cái mạnh mẽ nồng nàn nam
tính người con trai trong thơ Xuân Diệu: Anh xin làm sóng biếc/ Hôn mãi
cát vàng em/ Hôn thật khẽ thật êm/ Hôn êm đềm mãi mãi, cũng không có
cái táo bạo như Đồng Đức Bốn sau này: Em bỏ chồng về ở với tôi không.
Nguồn cơn của sự bất lực này là do đâu? Đó là bởi tình yêu của
Hoàng Cầm phạm phải một điều bất thường, một cấm kị, trong hệ thống
quy chuẩn của xã hội: em yêu chị. Bởi thế, trong con mắt chị, em còn là trẻ
con, không được coi như một người trưởng thành. Mối tình
của Em với Chị, nói như Chu Văn Sơn, là khối tình nghẹn, không được
chấp nhận để bùng tỏa ra ngoài. Hoàng Cầm không có đủ mạnh mẽ để
phá bỏ quyết liệt giới hạn cấm kị. Sự phản ứng bền bỉ, nhưng âm ỉ, chứ
không bùng phát mãnh liệt. Tình yêu của Em không được thể hiện công
khai, mà phải gửi gắm qua các trò chơi dân gian. Bởi thế, Hoàng Cầm còn
biết nói gì, làm gì hơn là câm lặng? Biết làm gì hơn ngoài những hành
động thụ động yếu ớt kia?
Tuy nhiên, vẫn có sự khác biệt căn bản giữa dạng thức cái tôi trữ tình
của Hoàng Cầm và kiểu nhân vật mồ côi trong văn học dân gian. Xây dựng

kiểu nhân vật mồ côi, dân gian muốn hướng đến những vấn đề xã hội: vấn
đề thân phận con người, đấu tranh giai cấp, lẽ công bằng,...Bởi thế, nhân
vật mồ côi trong truyện cổ là nhân vật chức năng, nó đại diện cho tư
tưởng, quan điểm của nhân dân, được sự trợ giúp của những lực lượng
thần kì để thực hiện những ước mơ đẹp đẽ, lãng mạn. Dân gian không tập
trung diễn tả đời sống nội tâm nhân vật. Nỗi đau tâm hồn của nhân vật mồ
côi không phải là một ám ảnh. Ẩn trong hình tượng nhân vật mồ côi là cái
nhìn, tiếng nói của tập thể về những vấn đề xã hội. Dạng thức cái tôi trữ
tình trong Về Kinh Bắc mang tâm thức mồ côi. Nó mang tính cá nhân đầy
cảm xúc và ám ảnh. Nó là nỗi đau riêng mà nhà thơ nếm trải, bởi thế, ông
thể hiện nó với tất cả những đau đớn, day dứt, dang dở của những khát
vọng không thành. Nói cách khác, ở truyện cổ tích, chỉ xuất hiện kiểu nhân
vật mồ côi chứ chưa xuất hiện nhân vật cô đơn. Còn ở Hoàng Cầm, kiểu


nhân vật mồ côi đã trở thành cảm thức về nỗi cô đơn – một cảm thức lớn
của con người thời hiện đại. Đó cũng chính là sự khác biệt căn bản giữa tư
duy văn học dân gian và văn học viết. Một bên là tư duy của cộng đồng,
một bên là tư duy sáng tạo của cá nhân.
Thứ hai, dấu ấn của tư duy dân gian thể hiện trong tính khuynh nữ
của cái tôi trữ tình. Tình cảm gắn bó với mẹ và luyến ái với chị khiến cái tôi
trong Về Kinh Bắc mang dạng thức một cái tôi khuynh nữ. Hoàng Cầm
thường tìm đến những vẻ đẹp mang thiên tính nữ mà phần bản chất nhất,
cốt lõi nhất của thiên tính này là tính mẫu. Tư duy khuynh nữ chịu ảnh
hưởng rõ nét của tư duy cộng đồng. C. Jung trong Từ điển biểu tượng văn
hóa thế giới, cho rằng tính nữ tượng trưng cho phương diện của vô thức,
gọi là ANIMA. Anima là hiện thân cho tất cả những khuynh hướng tâm lí
nữ tính của tâm hồn con người, ví dụ như những tình cảm, những tâm
trạng mơ hồ, trực giác tiên đoán, tính nhạy cảm về sự phi lí, năng lực tình
yêu cá nhân, tình cảm đối với thiên nhiên, và sau cùng – nhưng không phải

là kém hơn – là mối liên hệ với vô thức. Anima cũng có thể tượng trưng
cho một ảo mộng về tình yêu, hạnh phúc, về hơi ấm người mẹ, một giấc
mơ xúi giục con người quay lưng với thực tại. Xã hội nông nghiệp cổ
truyền Việt Nam với lối sống trọng tình, đề cao vai trò của người phụ nữ,
đã hình thành nên một thứ đạo mẫu trong tâm thức người Việt, khác với
nền văn hóa phương Bắc đề cao phụ tính – dương tính. Nguyên lí Mẹ
được coi như nền tảng của gốc văn hóa Việt.[6] Nhà văn Nguyễn Xuân
Khánh đã đặt tính mẫu trong tương quan với tính nữ: “Người việt cổ mình
là thờ người Mẹ, người mang nặng đẻ đau, ôm ấp, che chở, nuôi nấng và
chăm bẵm con mình suốt đời, nó khác hoàn toàn với tính nữ. Nếu tính nữ
đơn thuần chỉ là tính mềm mại, uyển chuyển, tính nhu thì Mẫu Thượng
Ngàn vẫn có tính nữ nhưng trong đó tính nữ phát triển lên trọn vẹn là tính
mẫu”. [7] Cả tính nữ, và phần cốt lõi nhất của nó là tính mẫu được thể hiện
rõ nét trong Về Kinh Bắc.
Tính khuynh nữ trong tư duy nghệ thuật tạo nên dạng thức cái tôi cái
tôi trữ tình khuynh nữ ở Về Kinh Bắc, nó thể hiện cả trong cách tư duy và
thế giới cảm xúc của tập thơ. Về tư duy, lối tư duy duy cảm là tư duy mang
tính nữ, thiên về cảm tính hơn lí tính. Nó tạo ra những hình ảnh của vô
thức, ngẫu nhiên, lộn xộn, đứt đoạn, để lại những khoảng trống trong liên
tưởng và những khoảng trắng, sai ngữ pháp trong hệ thống ngôn từ. Về
thế giới cảm xúc, một mặt, thế giới cảm xúc của Hoàng Cầm trong Về Kinh
Bắc tràn ngập nỗi khát khao trở về với mẹ. Mặt khác, tính nữ thể hiện trong
ảo mộng theo đuổi những giấc mơ tình yêu lứa đôi.


“Về Kinh Bắc giống như một giấc mơ”[8]. Những hình ảnh trong giấc
mơ khó có thể cắt nghĩa rạch ròi. Khó có thể hiểu được những hình ảnh
trong thơ Hoàng Cầm bằng logic lí trí đơn thuần: Về Kinh Bắc phải đâu con
nghẹn khóc/ Con không cười/ Con thoảng nhớ, thoảng quên. Đó là “trạng
thái mơ màng”, “một sự mù đi và điếc đi với thế giới bên ngoài” (Arnaudop)

Trạng thái ấy xuyên suốt cả tập thơ, tạo nên những hình ảnh chập chờn,
hư thực - sản phẩm của trực giác. Những câu thơ: Mồ tháng giêng mưa
sũng/ Đằm ca dao sáo diều chiều lịm tím lưng trâu, Một trẻ sơ sinh đuổi
giọng mèo hoang qua miếu mưa phùn, Giếng ngọc ễnh ương quát đêm
tiền sử, Nát nhàu thân tố nữ, Gàu giai ai vớt chị ơi/ Lòa lõa thân trăng, vục
bên hồ tinh, … tạo nên một thế giới thực mà ảo, gần mà xa. Những hình
ảnh như một khúc đoạn trong giấc mơ. Khó có thể lí giải cơ chế liên tưởng
của Hoàng Cầm bởi: “Mạch liên tưởng khó nắm bắt, lắt léo, tinh vi, đột
ngột nhảy cóc, đột ngột mất hút, rồi lại đột ngột trở về như không có gì cần
giải thích.”.[9]
Có thể thấy, dạng thức cái tôi trong Về Kinh Bắc của Hoàng Cầm
mang cảm thức mồ côi và thiên về tính nữ. Dạng thức cái tôi này mang
đậm dấu ấn của tư duy dân gian trong kiểu dạng nhân vật mồ côi của
truyện cổ tích và tâm thức nghiêng về tính nữ trong lối tư duy duy cảm và
tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt. Sự hòa hợp giữa tư duy dân gian
trong tư duy của nhà thơ hiện đại đã tạo nên dấu ấn riêng cho cái tôi trữ
tình của Hoàng Cầm.
2.3. Tư duy dân gian thường được thể hiện bằng những biểu tượng
và mô típ. Mô típ được sử dụng trong hầu khắp các thể loại văn học dân
gian, từ thần thoại, truyền thuyết, ca dao,...đặc biệt ở truyện cổ tích.
Nghiên cứu của Propp trong Hình thái học truyện cổ tích thần kì thực chất
là cuộc đi tìm các mô típ, ý nghĩa của các đơn vị mô típ và liên hệ chúng lại
trong một chỉnh thể cấu trúc. Khảo sát hơn 100 truyện cổ tích thần kì Nga,
Propp xác lập được một hệ thống 31 chức năng (ý nghĩa của các mô
típ). [10] Về Kinh Bắc của Hoàng Cầm đã sử dụng nhiều mô típ dân gian.
Các mô típ quen thuộc của dân gian: sự ngăn cấm (dặn dò không được
làm gì), sự vi phạm (quên lời dặn, làm trái lệnh), sự rời khỏi (nhân vật
chính ra đi), mô típ thách đố, mô típ đi tìm vật thiêng được tìm thấy
trong Về Kinh Bắc ở cả hai cấp độ: bài thơ và tập thơ.
Nhân vật trữ tình trong tập thơ đã phạm phải điều ngăn cấm của tình

yêu: một đứa trẻ có tình cảm luyến ái với một người đã trưởng thành. Tình
yêu Em – Chị là nét riêng của Hoàng Cầm trong thơ tình yêu. Bởi phạm


phải điều cấm kị nên nhân vật quên đi những ranh giới thông thường: Chị
bảo em quên (Nước sông Thương), nhưng bất chấp sự cấm kị ấy, nhân vật
phản kháng: Em tơ tưởng sao bắt Em đừng nhớ và cầu xin: Tha cho em/
Tha Em. Phạm phải cấm kị nên phải đối diện với những hiểm nguy, bị ám
ảnh bởi sự trừng phạt của cộng đồng (Cỏ Bồng thi[11]). Đây đều là những
mô típ quen thuộc trong văn học dân gian: Adam và Eva phạm tội tổ tông,
ăn trái cấm nên bị trừng phạt, Promete phạm điều cấm kị đánh cắp lửa
thiêng xuống cho loài người nên bị xiềng trên vách núi, Nàng Tô Thị lấy
nhầm anh trai làm chồng nên phải trở thành vọng phu hóa đá, người em
trong Sự tích trầu cau phải bỏ nhà đi vì sự nhầm lẫn của vợ người anh,
dẫn đến kết thúc bi kịch cho cả ba nhân vật trong câu chuyện, Thị Màu
mang thai hoang bị làng phạt vạ,...Phạm phải cấm kị - Phản kháng – Hình
phạt của cộng đồng là những mô típ quen thuộc trong văn học dân gian đã
lưu lại dấn ấn trong sự sáng tạo của Hoàng Cầm ở Về Kinh Bắc.
Chúng tôi chú ý đến mô típ Đi tìm vật thiêng –theo chúng tôi là quan
trọng nhất trong hệ thống mô típ ở Về Kinh Bắc. Mô típ đi tìm vật thiêng có
liên quan đến mô típ thách đố. Môtíp thách đố thể hiện ở một số thi phẩm
của Hoàng Cầm (Lá diêu bông, Cỏ bồng thi). Đó là mô típ được định hình
trong văn học dân gian, đặc biệt là truyện cổ tích và ca dao dân ca. Ở
truyện cổ tích, đó là những thử thách đặt ra với nhân vật, nếu vượt qua thử
thách sẽ được phần thưởng. Ở ca dao dân ca, thách đố được gửi gắm
trong những lời hát đố: đố hoa, đố vật,... Thách đố trong Về Kinh Bắc là đố
lá diêu bông, đố cỏ bồng thi: Chị bảo/ đứa nào tìm được lá diêu bông/ từ
nay ta gọi là chồng, Ngày mười bảy tuổi/ chót chơi đố cỏ Bồng Thi/ cỏ
Bồng Thi phải cheo leo mỏm đá. Nếu câu đố trong ca dao dân ca, dù khó
bao nhiêu thì người hát đối vẫn giải được, vì nó chỉ là cái cớ để xây đắp

tình duyên lứa đôi. Còn trong truyện cổ tích, thử thách đặt ra cho nhân vật
tốt bụng, dẫu có khó khăn bao nhiêu cũng có thể vượt qua bởi được trợ
giúp bởi những vật thần kì, thì trong thơ Hoàng Cầm, câu đố là bất khả
giải, thực hiện việc thách đố là bất khả thi. Lá diêu bông, cỏ bồng thi là
những điều không thực. Nhưng Em thì không được sự giúp đỡ của thần
linh. Nhân vật trữ tình chỉ là một cậu bé si tình, đơn thương độc mã. Bởi
thế, câu đố trong thơ Hoàng Cầm là câu đố bất khả giải. Hoặc nếu giải
được rồi thì cũng không được công nhận: rất nhiều lần nhân vật tìm thấy
Lá, nhưng đều bị chị - người thách đố khước từ. Em đã thất bại trong cuộc
chơi tình yêu.
Môtíp thách đố gắn liền với môtíp đi tìm. Vì thách đố là đố để đi tìm
(Lá diêu bông). Những vật kiếm tìm có khi rất gần gũi thân thuộc, có khi hư


ảo mông lung. Những cuộc đi tìm đều khó khăn, gian nan thử thách,
phải đi đầu non cuối bể, Qua cầu bà Sấm, bến cô Mưa,... Nhưng ta hãy
xem kết quả của những cuộc đi tìm: Ở Cỏ bồng thi, tác giả không nói trực
tiếp có tìm thấy cỏ hay không, nhưng chỉ qua động thái lắc đầu, qua một
từ thôi, người đọc đủ hiểu cuộc kiếm tìm ấy là vô vọng: Lắc đầu hoa tím
rụng/ ngó rừng xanh Em hỏi ngọn nguồn/ Biết rồi/ Thôi/ nghe hoa tím hát.
Ở Quả vườn ổi, tưởng như vật kiếm tìm kia sắp thuộc về em rồi, nhưng:
- Xin Chị một quả chín
- Quả chín quá tầm tay
- Xin Chị một quả ương
- Quả ương chim khoét thủng
Cả quả chín, quả ương đều vượt quá tầm tay. Em mãi mãi không thể
chạm tới. Chỉ Cách nhau ba bước mà thực ra là cả một khoảng xa vời vợi
không thể vượt qua.
Trong những cuộc hành trình tìm kiếm của Em, chỉ có duy nhất một
lần tìm thấy: Hai ngày Em tìm thấy Lá/ Chị chau mày/ đâu phải lá Diêu

Bông//Mùa đông sau/ Em tìm thấy lá/ Chị lắc đầu/ trông nắng vãn bên
sông//Ngày cưới chị/ Em tìm thấy Lá/ Chị cười/ xe chỉ ấm trôn kim// Chị ba
con/ Em tìm thấy Lá/ Xoè tay phủ mặt Chị không nhìn. Nhưng đọc kĩ hơn,
sự tìm thấy ấy hoàn toàn bị phủ nhận bởi người thách đố, chỉ là sự tìm
thấy đơn phương của em. Việc tìm thấy lá chẳng có nghĩa gì người thách
đố không công nhận. Khi người thách đố đã rời bỏ cuộc chơi thì vật thách
đố cũng không còn ý nghĩa. Bởi thế, nhìn trên bề mặt văn bản: Từ thủa ấy/
Em cầm chiếc lá. Chiếc lá được tìm thấy ở đây đã không còn là
chiếc Lá viết hoa như trước nữa. Chiếc lá đã bị mất thiêng. Bởi chiếc lá
diêu bông chỉ là vật thiêng mà Em có thể đánh đổi cả cuộc đời để kiếm tìm
khi nó gắn với phần thưởng thiêng liêng: được là chồng của chị. Nhưng khi
chị đã lấy chồng, rồi ba con, thì niềm hi vọng của Em trở thành vô vọng.
Chiếc lá – tín chỉ của tình yêu, giờ chỉ là một chiếc lá bị mất giá. Nó chở
nặng nỗi đau về hi vọng bị tước đoạt, khát khao hạnh phúc bị chối từ.
Ở Quả vườn ổi cũng vậy, từ quả chín, quả ương đã bị mất thiêng để trở
thành quả rụng. Em chỉ nhận được chiếc lá bình thường và dăm quả rụng
chiều mưa.


Như thế, những cuộc kiếm tìm trong Về Kinh Bắc đều là những cuộc
kiếm tìm vô vọng. Cả lá diêu bông, quả vườn ổi, cỏ bồng thi đều là
những cấm vật mà Em không bao giờ chạm tới. Vật thiêng (lá diêu bông,
quả vườn ổi, cỏ bồng thi) chính là biểu tượng cho tình yêu, hạnh phúc lứa
đôi mà nhân vật kiếm tìm. Có thể thấy dấu ấn của mô típ đi tìm vật thiêng
trong văn học dân gian ở đây. Trong thần thoại, cổ tích, vật thiêng có thể là
thuốc trường sinh, lọ nước thần, tấm da cừu vàng,...Cũng như những vật
thiêng trong thơ Hoàng Cầm, chúng đều đem lại hạnh phúc và sự thần
diệu cho cuộc sống con người. Để có được những vật màu nhiệm ấy, nhân
vật của huyền thoại phải trải qua hành trình nguy hiểm đầy thử thách. Dấu
ấn của mô típ tìm vật thiêng được tìm thấy ở Về Kinh Bắc. Nhưng sự khác

biệt ở đây là nhân vật trong huyền thoại luôn có sự trợ giúp của lực lượng
thần linh. Vì thế, hành trình đi tìm vật thiêng dầu có khó khăn hiểm trở bao
nhiêu cũng đều tìm thấy. Còn thơ Hoàng Cầm luôn khép lại trong nỗi hụt
hẫng bơ vơ của những câu chuyện không có hậu. Những thi phẩm của
Hoàng Cầm mãi mãi là một cổ tích thời hiện đại, với tất cả những hụt hẫng,
dang dở, những mơ ước không thành, những khước từ đau xót.
Hành trình đi tìm vật thiêng được đặt trong một hành trình lớn hơn,
bao quát cả tập thơ: hành trình đi tìm bản thể. Bản thể ấy cũng chính là
một vật thiêng mà Hoàng Cầm kiếm tìm. Thực chất cuộc tuần du về Kinh
Bắc là một cuộc tìm mình. Về Kinh Bắc có rất nhiều những cuộc đi tìm: Đi
tìm hướng làng xa, Đi tìm con bướm bạc đầu, Đi tìm tóc rối đổi kẹo, Đi tìm
đôi ếch cõng mưa rào, Đi tìm chổi xuể gậm giường um khói, Đi tìm vành
khăn chít đầu ngải cứu, Em mười hai tuổi tìm theo chị,...Hoàng Cầm
hướng về Kinh Bắc – nơi nguồn cội, quê hương để kiếm tìm bản thể. Cuộc
hành trình về Kinh Bắc vì thế không phải là sự chuyển di trong không gian
địa lí. Nó là cuộc tuần du trong tâm tưởng để trở về quê hương - nơi lưu
giữ tình yêu và tuổi ấu thơ. Đó nguồn cội bình yên, thứ nước lành rửa
những vết thương trong đời thực. Hành trình về Kinh Bắc do đó là hành
trình trở về với bản lai diện mục của Hoàng Cầm. Trong cuộc đi tìm này,
Hoàng Cầm đã thành công. Về với ta – thi phẩm khép lại tập thơ, Hoàng
Cầm đã nhận ra bản thể của mình: Ta con phù du ao đời chật chội/ Đứng
cánh bèo đo gió lặng tìm sao. Con phù du ấy chính là bản ngã nhà thơ.
Phận phù du nhưng mang khát vọng lớn lao, dù đứng ở nơi cánh bèo đầy
nênh nổi, nhưng hành động của nó thật phi thường: đo gió, tìm sao.
Có thể thấy cuộc đi tìm bản thể của Hoàng Cầm có cả sự gặp gỡ và
khác biệt với cuộc đi tìm cái tôi trong Thơ mới. Thơ mới đi tìm cái tôi cá
nhân bị đè nén ngàn năm trong đời sống cộng đồng, nhưng càng đi sâu


vào cái tôi, Thơ mới càng bất lực. Nói như Hoài Thanh: “Đời chúng ta nằm

trong vòng chữ tôi. Mất bề rộng ta đi tìm bề sâu. Nhưng càng đi sâu càng
lạnh”[12]. Có nhiều lí do, nhưng có thể nhìn thấy một điều căn bản: cái tôi
Thơ mới không có điểm tựa quê nhà. Nó là cái tôi vong bản. Ngay cả ở
nhà thơ chân quê Nguyễn Bính, thì quê nhà không còn thuần túy là quê
nhà nữa mà đã ít nhiều biến thiên trong cuộc va chạm với đô thị phương
Tây. Còn Hoàng Cầm tìm thấy bản ngã của mình bởi ông có một nơi chốn
để trở về là quê hương Kinh Bắc. Đó là nơi mà sau những chấn thương
trong cuộc đời Hoàng Cầm có thể trở về “cầm máu những vết thương”.
[13] Ở nơi nguồn cội quê hương, con người tìm thấy bản thể mình. Ở điểm
này, Hoàng Cầm đã gặp gỡ với Henry Vaughan trong hai câu thơ đấy ý
nghĩa: Và khi tro bụi rơi về/ Trong thinh lặng ấy cận kề quê hương[14].
Như vậy, Về Kinh Bắc mang dấu ấn của tư duy dân gian khi sử dụng
các mô típ truyền thống. Những mô típ này vừa được bảo lưu, vừa được
dịch chuyển trong tư duy thơ hiện đại tạo nên dấu ấn riêng cho những mô
típ thơ của Hoàng Cầm.
2.4. Tư duy dân gian được còn được thể hiện rõ nét qua các lễ hội
dân gian. Tập thơ dành hẳn một nhịp Điểm trang để nói về những hội hè
Kinh Bắc. Không khí lễ hội dân gian của một vùng quê được gợi lên sống
động trong tập thơ với những: thi sợi bún, thi ăn mía thổi cơm, thi đánh đu,
thi hát đúm, thi dệt vải, thi thêu gấm, hội chen Nga hoàng, hội Gióng, hội
Long Khám, hội Vân Hà, hội đền Tám vua triều Lý. Nhưng cái cốt yếu của
Hoàng Cầm không phải là tái hiện lại không khí lễ hội dân gian, dựng lên
những bức tranh quê như Anh Thơ hay Đoàn Văn Cừ đã làm thời Thơ mới
mà là qua lễ hội để nói đến những khát khao tình dục, những ẩn ức của
con người trong trong ngày thường bị đè nén: Ngửa mặt hứng mưa đồi cỏ
ngát/ Nguôi dần cơn sốt bỏng môi hoa, Đùi chảy búp dài thon nhún vội/
Bàng hoàng tia chớp liệng nghiêng xanh, Vải gột hồ hai má gột môi hoang,
Sân đình/ lại Thị Mầu í a tung tình/ rung rinh/ chờ,...Hội hè Kinh Bắc bảo
lưu tín ngưỡng phồn thực - một trong những tín ngưỡng mang sức sống
mạnh mẽ của dân gian.

3. Như vậy, tư duy nghệ thuật của Hoàng Cầm trong Về Kinh
Bắc mang đậm dấu ấn của tư duy dân gian từ tâm lí sáng tạo, cách nhìn
thế giới, dạng thức cái tôi trữ tình đến cách sử dụng các mô típ dân gian và
việc bảo lưu các tín ngưỡng nguyên thủy. Lối tư duy dân gian qua màng
lọc của tư duy nghệ thuật hiện đại đã tạo nên giá trị riêng cho Về Kinh


Bắc và cũng làm nên dấu ấn riêng của Hoàng Cầm trong văn học đương
đại.


TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Lévy Bruhl. Kinh nghiệm thần bí và biểu tượng ở người nguyên thủy. Nxb
Thế giới, Tạp chí văn hóa nghệ thuật. H., 2008
2. JeanChevalier, Alaij Gheerbrant, Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới,
NXB Đà Nẵng, Trường viết văn Nguyễn Du, 1997
3. Phạm Thị Hoài. Đọc Mưa Thuận Thành. Nguồn: www. Talawas.org
4. A. Propp. Tuyển tập V. IA. Propp. Nxb Văn hóa dân tộc, Tạp chí văn hóa
nghiệ thuật Hà Nội. H., 2003 (tập 1)
5. Chu Văn Sơn. Hoàng Cầm – Gã phù du Kinh Bắc. Nguồn: www.
Talawas.org
6. Đỗ Lai Thúy. Bút pháp của ham muốn. Nxb Tri thức. H.,2009
7. Trần Quốc Vượng. Văn hóa Việt Nam, tìm tòi và suy ngẫm. Nxb VHTT.
H.,2000

[1] Dẫn theo Đỗ Lai Thúy. Bút pháp của ham muốn. Nxb Tri thức, H.,2009.
Tr191.
[2] Lévy Bruhl. Kinh nghiệm thần bí và biểu tượng ở người nguyên
thủy. Nxb Thế giới, H,.2008. Tr 30.
[3] Berton Brecht. Tuyên ngôn của chủ nghĩa siêu thực. Nguồn:

evan.com.vn. Bản in.
[4] Hoàng Cầm – Thơ. Nxb Hội Nhà văn, Trung tâm văn hóa ngôn ngữ
Đông Tây. Phần Vĩ Thanh của tập Về Kinh Bắc.
[5] Phạm Thị Hoài. Đọc Mưa Thuận Thành. Đã dẫn.


[6] Xin xem: Thích Nguyên Hiến. Nguyên lí Mẹ trong tín ngưỡng và văn
hóa Việt Nam. Nxb Giáo dục 2002 và Trần Quốc Vượng.Văn hóa Việt
Nam, tìm tòi và suy ngẫm. Nxb VHTT, 2000.
[7] Nguyễn Xuân Khánh nói về Mẫu Thượng Ngàn trên vietnamnet.com.vn
(2006).
[8] Đỗ Lai Thúy. Bút pháp của ham muốn. Đã dẫn.
[9] Phạm Thị Hoài. Đọc Mưa Thuận Thành. Nguồn: talawas.org. Bản in.
Tập thơ Mưa Thuận Thành có 33 bài thì có 8 bài được rút ra từ tập Về
Kinh Bắc – chính là những bài thơ thể hiện rõ nét nhất cái tôi trữ tình của
nhà thơ. Vì thế, nhận xét của Phạm Thị Hoài cho Mưa Thuận Thành có thể
coi là một nhận định chung cho cả hai tập thơ.
[10] Xem phần Hình thái học truyện cổ tích trong Tuyển tập A. Propp. Nxb
Văn hóa dân tộc, Tạp chí văn hóa nghệ thuật. 2008.
[11] Chúng tôi đồng tình với cách lí giải của Đỗ Lai Thúy trong Đi tìm ẩn
ngữ thơ Hoàng Cầm (Trích trong Bút pháp của ham muốn, sdd) . Ông cho
rằng: Những từ vực, khe, thòng lọng, trói, dây muốn dại…kín…
rồi, trong Cỏ Bồng thi gợi nhắc đến những hình phạt treo cổ, ném mình
xuống vực sâu, …những hình phạt dành cho những người phạm tội chửa
hoang, loạn luân trong xã hội cổ truyền.
[12] Hoài Thanh, Hoài Chân. Thi nhân Việt Nam. Nxb Văn học. H.,2004.
[13] Chu Văn Sơn. Hoàng Cầm, gã phù du Kinh Bắc. Bản in.
[14] Nguyên tác: And when this dust falls to urn/ In that state I came,
return. Trích theo lời đề từ của nhà văn Đoàn Minh Phượng trong tiểu
thuyết Và khi tro bụi. Cuốn tiểu thuyết cũng mang tư tưởng của câu thơ nói

trên: ở cội nguồn quê hương, con người tìm được bản thể của mình.



×