MỤC LỤC
MỞ ĐẦU..........................................................................................................1
1. Lý do chọn đề tài
1
2. Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu
2
3. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu
2
4. Phương pháp nghiên cứu
3
5. Bố cục tiểu luận
3
CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ QUẢN LÝ DI TÍCH, KHÁI QUÁT
VỀ DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA ĐỀN ĐÔ Ở PHƯỜNG ĐÌNH BẢNG,
THỊ XÃ TỪ SƠN, TÌNH BẮC NINH............................................................4
1.1. Một số khái niệm cơ bản
4
1.2. Cơ sở pháp lý về quản lý di tích lịch sử văn hóa
6
1.3. Khái quát di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đền Đô phường Đình
Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh
8
CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG QUẢN LÝ DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA
ĐỀN ĐÔ PHƯỜNG ĐÌNH BẢNG, THỊ XÃ TỪ SƠN, TỈNH BẮC NINH. .12
2.1. Cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý di tích
12
2.2. Nguồn nhân lực quản lý di tích lịch sử văn hóa
14
2.3. Các hoạt động quản lý di tích lịch sử văn hóa đền Đô, phường Đình
Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh
15
2.4. Đánh giá những ưu điểm, hạn chế trong công tác quản lý di tích lịch sử
văn hóa đền Đô, phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh
25
CHƯƠNG 3: GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ QUẢN LÝ DI TÍCH
LỊCH SỬ VĂN HÓA ĐỀN ĐÔ, PHƯỜNG ĐÌNH BẢNG, THỊ XÃ TỪ
SƠN, TỈNH BẮC NINH................................................................................30
3.1. Những căn cứ để đưa ra giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý di tích lịch
sử văn hóa đền Đô, phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh
30
3.3. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý di tích lịch sử văn hóa đền
Đô, phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh
32
KẾT LUẬN....................................................................................................38
TÀI LIỆU THAM KHẢO............................................................................39
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Bắc Ninh là tỉnh nằm ở vùng châu thổ sông Hồng, một trong những địa
phương có bề dày văn hiến, có truyền thống lịch sử. Bắc Ninh ngày nay là
một phần của vùng Kinh Bắc xưa, là địa bàn cư trú của người Việt cổ từ hàng
nghìn năm trước. Trải thời gian, Bắc Ninh là vùng đất phát tích của vương
triều Lý - triều đại đầu tiên của nhà nước quân chủ phong kiến độc lập đã mở
ra nền văn minh Đại Việt. Với hơn 200 năm phát triển rực rỡ, triều Lý đã để
lại cho các thế hệ sau nhiều DSVH quý giá…
Đền Đô, còn gọi là đền Lý Bát Đế hoặc Cổ Pháp điện là nơi thờ tám vị
vua của nhà Lý. Đây là một quần thể kiến trúc tín ngưỡng được bảo tồn khá
trọn vẹn, nơi tưởng niệm và phụng thờ của toàn dân đối với các vị vua nhà
Lý. Hệ thống di tích này hàm chứa những giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học
và thẩm mỹ, là những chứng tích vật chất xác thực, phản ánh sinh động lịch
sử lâu đời và truyền thống văn hiến có vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống
văn hóa cộng đồng.
Với vị thế, ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống tâm linh của
người dân Việt và in đậm bản sắc văn hóa dân tộc, đền Đô đã được Nhà nước
Việt Nam công nhận là di tích lịch sử - văn hóa theo Quyết định số 154 của
Bộ Văn hóa-Thông tin cũ, nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày
25/01/1991.
Trong những năm qua, nhất là từ khi Luật Di sản văn hóa được ban
hành (2001), công tác quản lý di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh Bắc
Ninh nói chung, di tích lịch sử văn hóa đền Đô nói riêng có nhiều chuyển biến
tích cực. Các di tích trọng điểm của tỉnh đã được quản lý, đầu tư trùng tu, tôn
tạo, phát huy tác dụng đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ văn hóa của cộng
đồng trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, công tác quản lý di tích vẫn còn bộc lộ
nhiều hạn chế như việc chống xuống cấp, xử lý lấn chiếm đất đai, khoanh
vùng bảo vệ di tích; việc tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của
1
Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về quản lý di tích đến cộng đồng
còn chưa thực hiện đầy đủ, có kế hoạch…
Trước thực trạng và sự cấp thiết của vấn đề nghiên cứu, trên cơ sở khoa
học, thực tiễn, tiếp thu những công trình khoa học đi trước, tôi quyết định lựa
chọn và nghiên cứu đề tài: “Công tác quản lý di tích lịch sử văn hóa đền Đô
ở phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh” làm nội dung nghiên
cứu cho tiểu luận kết thúc môn Quản lý di sản văn hóa.
2. Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu
2.1. Mục đích nghiên cứu
Nghiên cứu thực trạng hoạt động quản lý di tích lịch sử văn hóa đền Đô
hiện nay từ đó đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt
động này trong điều kiện thực tế hiện nay của địa phương.
2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
- Nghiên cứu cơ sở lý thuyết về quản lý DSVH nói chung, quản lý di
tích lịch sử văn hóa nói riêng.
- Nghiên cứu đặc điểm, các giá trị tiêu biểu của di tích lịch sử văn hóa
cấp quốc gia đền Đô.
- Nghiên cứu thực trạng hoạt động quản lý di tích lịch sử văn hóa đền
Đô để tìm ra những thành công cũng như những hạn chế trong công tác quản
lý di tích, xác định nguyên nhân của các hạn chế ấy.
- Từ đặc điểm của các di tích lịch sử văn hóa và thực trạng quản lý di
tích tiểu luận đề xuất một số giải pháp nhằm đạt hiệu quả cao hơn nữa trong
công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của di tích lịch sử văn hóa đền
Đô trong giai đoạn hiện nay.
3. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
- Nghiên cứu đặc điểm của đối tượng quản lý đó là loại hình di tích lịch
sử văn hóa ở Bắc Ninh. Cụ thể ở đây là di tích lịch sử văn hóa- di tích đã
được Nhà nước công nhận xếp hạng.
2
- Nghiên cứu các chính sách của Đảng, Nhà nước và địa phương về bảo
tồn di tích và chính sách đối với cộng đồng tham gia bảo tồn di tích.
- Nghiên cứu cơ cấu tổ chức bộ máy và các hoạt động trong lĩnh vực
quản lý di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
- Phạm vi vấn đề nghiên cứu: Tiểu luận chủ yếu tập trung vào hoạt
động quản lý di tích lịch sử văn hóa theo tinh thần nội dung của Luật Di sản
văn hóa năm 2001, được sửa đổi, bổ sung năm 2009.
- Phạm vi không gian: Tiểu luận sẽ tập trung đi sâu tìm hiểu công tác
quản lý tại di tích lịch sử văn hóa đền Đô.
- Phạm vi thời gian: Từ năm 2001 khi Luật Di sản văn hóa được ban
hành cho đến nay.
4. Phương pháp nghiên cứu
Tiểu luận được thực hiện dựa trên việc sử dụng một số phương pháp
nghiên cứu như: Phương pháp quan sát, nghiên cứu tài liệu để thu thập thông
tin liên quan, phương pháp so sánh, phân tích, tổng hợp, đánh giá.
5. Bố cục tiểu luận
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo, tiểu luận được kết
cấu làm 3 chương:
Chương 1: Cơ sở lý luận về quản lý di tích, khái quát về di tích lịch sử
văn hóa đền Đô ở phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tình Bắc Ninh
Chương 2: Thực trạng quản lý di tích lịch sử văn hóa đền Đô phường
Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh
Chương 3: Quan điểm và giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý di tích
lịch sử văn hóa ở Bắc Ninh
3
CHƯƠNG 1:
CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ QUẢN LÝ DI TÍCH, KHÁI QUÁT
VỀ DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA ĐỀN ĐÔ Ở
PHƯỜNG ĐÌNH BẢNG, THỊ XÃ TỪ SƠN, TÌNH BẮC
NINH
1.1. Một số khái niệm cơ bản
1.1.1 Khái niệm Di sản văn hóa
Trong Công ước Bảo vệ DSVH và thiên nhiên thế giới của UNESCO
ban hành năm 1972, tại điều 1 có quy định những loại hình sẽ được coi như là
“di sản văn hoá” bao gồm: Di tích kiến trúc, nhóm công trình xây dựng và các
di chỉ. Khái niệm di sản trong một số từ điển được hiểu theo một nghĩa đơn
giản đó là tính năng thuộc về nền văn hóa của một xã hội cụ thể, chẳng hạn
như truyền thống, ngôn ngữ, hoặc các tòa nhà, đã được tạo ra trong quá khứ
và vẫn còn có tầm quan trọng lịch sử.
Ở nước ta, năm 2001 Luật Di sản văn hóa được Quốc hội khóa X, kỳ
họp thứ 9 thông qua, thuật ngữ “di sản văn hóa” chính thức được ghi trong
văn bản pháp quy cao nhất và được sử dụng phổ biến. Năm 2009 Luật Di sản
văn hóa được sửa đổi, bổ sung một số điều khoản, theo đó DSVH bao gồm
DSVH phi vật thể và DSVH vật thể, “là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị
lịch sử, văn hóa, khoa học, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác ở
nước Cộng hòa XHCN Việt Nam” [42, tr.33].
1.1.2. Khái niệm Di tích lịch sử văn hóa
Trong hiến chương Venice - hiến chương quốc tế về Bảo tồn và Trùng
tu di tích và di chỉ (năm 1964), tại Điều 1 có định nghĩa: Di tích lịch sử không
chỉ là một công trình kiến trúc mà còn cả các khu đô thị hoặc nông thôn trong
đó được tìm thấy bằng chứng của một nền văn minh cụ thể, phát triển quan
trọng hay một sự kiện lịch sử. Khái niệm này không chỉ áp dụng với những
4
công trình nghệ thuật lớn mà cả với những công trình khiêm tốn đã hội tụ
được các ý nghĩa văn hóa của quá khứ.
Trong các cuốn Đại từ điển tiếng Việt, di tích lịch sử văn hóa được hiểu
là “Tổng thể những công trình, địa điểm, đồ vật hoặc tác phẩm, tài liệu có giá
trị lịch sử hay giá trị văn hóa được lưu lại” [112, tr.414].
Theo Luật Di sản văn hóa: “Di tích lịch sử văn hóa là công trình xây
dựng, địa điểm và các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc công trình, địa
điểm đó có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học” [42, tr.33]. Ở đây, có thể hiểu
rộng ra các công trình xây dựng, địa điểm đó là các tòa nhà, đài tưởng niệm,
quảng trường, khu phố… gắn với các sự kiện lịch sử, các di chỉ khảo cổ, các
địa điểm gắn với hoạt động tôn giáo tín ngưỡng…
1.1.3 Khái niệm Quản lý
Trong Đại từ điển tiếng Việt, “quản lý” được hiểu là việc tổ chức, điều
khiển hoạt động của một số đơn vị, cơ quan; việc trông coi, gìn giữ và theo
dõi việc gì [112, tr.1288]. Các nhà nghiên cứu về khoa học quản lý đưa ra
khái niệm cụ thể hơn: “là sự tác động có tổ chức, có hướng đích của chủ thể
quản lý tới đối tượng quản lý nhằm đạt được mục tiêu đề ra” [110, tr.11-12].
Để thực hiện công tác quản lý cần phải dựa vào các công cụ quản lý là các
chính sách về luật pháp, chiến lược phát triển, quy hoạch, đề án bảo vệ và
phát huy di sản, nguồn lực, tài chính, các công trình nghiên cứu khoa học…
nhằm đạt được các mục đích đã đề ra.
1.1.4 Khái niệm Quản lý di tích lịch sử văn hóa
Quản lý văn hóa là một lĩnh vực cụ thể của quản lý, thường được hiểu
là: Công việc của Nhà nước được thực hiện thống qua việc ban hành, tổ chức
thực hiện, kiểm tra và giám sát việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật
trong lĩnh vực văn hóa, đồng thời nhằm góp phần phát triển kinh tế, xã hội
của từng địa phương nói riêng, cả nước nói chung. Ngoài ra, quản lý văn hóa
còn được hiểu là sự tác động chủ quan bằng nhiều hình thức, phương pháp
của chủ thể quản lý (các cơ quan đảng, nhà nước, đoàn thể, các cơ cấu dân sự,
các cá nhân được trao quyền và trách nhiệm quản lý) đối với khách thể (là
5
mọi thành tố tham gia và làm nên đời sống văn hóa) nhằm đạt được mục tiêu
mong muốn…[31, tr.26].
Di tích lịch sử văn hóa là một bộ phận quan trọng của nền văn hóa dân
tộc, vì vậy có thể hiểu: Quản lý di tích lịch sử văn hóa chính là sự định hướng,
tạo điều kiện tổ chức, điều hành việc bảo vệ, gìn giữ các di tích, làm cho các
giá trị của di tích được phát huy theo chiều hướng tích cực. Việc quản lý di
tích được thực hiện bởi các chủ thể quản lý (cơ quan quản lý, cộng đồng có di
tích…) tác động bằng nhiều cách thức khác nhau đến đối tượng quản lý (các
di tích) nhằm gìn giữ, bảo vệ và khai thác các giá trị của di tích phục vụ sự
phát triển xã hội, đáp ứng nhu cầu về vật chất và tinh thần cho cộng đồng.
1.2. Cơ sở pháp lý về quản lý di tích lịch sử văn
hóa
Từ sau năm 1945, hoạt động bảo tồn di tích ở Việt Nam bắt đầu tiếp
cận với khoa học bảo tồn hiện đại của thế giới. Từ đây, các văn bản pháp lý
từng bước được xây dựng để làm sơ sở cho mọi hoạt động có liên quan, đặc
biệt là công tác quản lý các di tích lịch sử văn hóa.
- Sắc lệnh số 65/SL do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 23/11/1945 quy
định nhiệm vụ của Đông Phương bác cổ học viện và đề cập tới việc cấm phá
huỷ đình, đền, chùa, đền miếu hoặc những nơi thờ tự khác như cung điện,
thành quách cùng lăng mộ phải được bảo tồn.
- Nghị định số 519-TTg do Thủ tướng chính phủ kí ngày 29/10/1957,
quy định Thể lệ bảo tồn cổ tích. Đây là một văn bản pháp lý quan trọng có
giá trị nền tảng cho hoạt động bảo vệ di tích nói riêng và bảo tồn bảo tàng
nói chung.
- Pháp lệnh số 14-LCT/HĐND về Bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử,
văn hóa và danh lam, thắng cảnh do Chủ tịch Hội đồng Nhà nước ký ban hành
ngày 4/4/1984. Đây là căn cứ pháp lý quan trọng để bảo vệ di tích trong thời
kỳ đất nước vừa hoàn toàn thống nhất, là bước tiến lớn của ngành bảo tồn bảo
6
tàng nhằm thống nhất quản lý và chỉ đạo mọi hoạt động bảo vệ di tích bằng
các điều luật cụ thể.
- Luật Di sản văn hóa ban hành năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một
số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009 đã cụ thể hóa đường lối, chính
sách của Đảng và Nhà nước ta, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xã hội hóa các
hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị DSVH, mở rộng phạm vi điều chỉnh cả
DSVH phi vật thể là một vấn đề mà đã được nhiều quốc gia đề cập tới. Luật
tạo cơ sở pháp lý để triển khai các hoạt động cần thiết trong việc bảo vệ, phát
huy giá trị DSVH; xác định rõ quyền hạn, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân và
chủ sở hữu đối với DSVH, chỉ rõ những việc được làm và không được làm,
những hành vi bị nghiêm cấm, cơ chế khen thưởng, tôn vinh những người có
công, xử phạt các hành vi vi phạm di tích; trách nhiệm của các Bộ, ban, ngành
có liên quan ở trung ương và UBND các cấp trong việc bảo tồn DSVH. Tuy
nhiên, trong quá trình đưa Luật áp dụng vào thực tiễn bên cạnh những mặt
tích cực, cũng nảy sinh một số hạn chế như chưa xử lý thoả đáng mối quan hệ
giữa bảo tồn và phát triển dẫn đến tình trạng thương mại hoá di tích... Vì vậy,
năm 2009, Quốc hội đã thông qua việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật
Di sản văn hóa.
- Quy hoạch tổng thể Bảo tồn và Phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa
và danh lam thắng cảnh đến năm 2020 đã được Bộ Trưởng Bộ VHTT ký
Quyết định phê duyệt số 1706/QĐ-BVHTT, ngày 24/7/2001, kèm theo danh
sách 32 di tích ưu tiên đầu tư chống xuống cấp và tôn tạo đến năm 2020. Dự
án này đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng các dự án cụ thể về bảo
tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa,danh làm thắng cảnh ở nước ta
hiện nay.
- Một số công ước quốc tế liên quan đến các hoạt động bảo tồn DSVH
+ Công ước Bảo vệ DSVH và thiên nhiên thế giới được UNESCO ban
hành năm 1972 đã khẳng định giá trị nổi bật toàn cầu của DSVH và thiên
nhiên thế giới, đồng thời thức tỉnh ý thức của nguyên thủ các quốc gia cũng
7
như toàn nhân loại về trách nhiệm bảo tồn DSVH. Công ước hướng dẫn các
yêu cầu và chuẩn mực quốc tế về bảo tồn DSVH, đồng thời hướng dẫn cơ chế
giám sát mang tính toàn cầu đối với hoạt động của từng quốc gia thành viên
bảo đảm sự toàn vẹn và giá trị nổi bật toàn cầu của di sản thông qua một tổ
chức thống nhất quản lý di sản và kế hoạch quản lý thích ứng cho các di sản
được đưa vào danh mục di sản thế giới.
+ Công ước Bảo vệ DSVH phi vật thể do UNESCO thông qua năm
2003 là công ước tôn vinh giá trị DSVH phi vật thể cũng như tính đa dạng
văn hóa toàn nhân loại, đề cao vai trò của cộng đồng cư dân địa phương với
tư cách là chủ thể sáng tạo văn hóa - chủ sở hữu, người thụ hưởng giá trị người trực tiếp bảo vệ và phát huy giá trị di sản trong đời sống xã hội. Công
ước đặt ra danh mục hai loại hình DSVH phi vật thể là DSVH phi vật thể đại
diện của nhân loại và DSVH phi vật thể trong tình trạng khẩn cấp nhằm nâng
cao nhận thức và trách nhiệm của các quốc gia thành viên, vai trò của cộng
đồng cư dân địa phương.
+ Công ước Bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa
được UNESCO thông qua năm 2005. Công ước có mục đích bảo vệ và phát
huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa được thể hiện và truyền tải cụ thể
trong các hoạt động văn hóa, sản phẩm và dịch vụ văn hóa - các phương tiện
của nền văn hóa đương đại. Đồng thời, đặt ra một khung pháp lý thuận lợi cho
tất cả các quốc gia thành viên trong lĩnh vực sản xuất, phân phối, truyền bá,
tiếp cận và hưởng thụ các biểu đạt văn hóa từ nhiều nguồn gốc khác nhau.
1.3. Khái quát di tích lịch sử văn hóa cấp quốc
gia đền Đô phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh
Bắc Ninh
Đền Đô – còn gọi là Cổ Pháp Điện hay đền Lý Bát Đế, đền được xây
dựng vào thế kỷ 11 (1030), trên khu đất phía đông nam Hương Cổ Pháp, Châu
Cổ Pháp (làng Đình Bảng).
8
Đền Đô thuộc làng Đình Bảng, xã Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc
Ninh. Đền là nơi thờ 8 vị vua nhà Lý: Lý Công Uẩn tức Lý Thái Tổ (1009 –
1028); Lý Thái Tông (1028 – 1054); Lý Thánh Tông (1054 – 1072); Lý Nhân
Tông (1072 – 1128); Lý Thần Tông (1128 – 1138); Lý Anh Tông (1138 –
1175); Lý Cao Tông (1175 – 1210) và Lý Huệ Tông (1210 – 1224).
Trải qua các triều đại Lý, Trần, Lê, đền Đô đều được quan tâm tu sửa
và mở rộng, đặc biệt, đền được mở rộng nhất vào thế kỷ 17 (1602) với quy
mô của 21 hạng mục công trình. Kiến trúc của đền có sự kế thừa phong cách
cung đình và phong cách dân gian, tổng thể kiến trúc được kết hợp hài hoà,
chạm khắc tinh xảo, thể hiện một công trình kiến trúc bề thế vững chắc nhưng
không cứng nhắc trong khung cảnh thiên nhiên.
Năm 1952, đền Đô bị giặc Pháp chiếm và phá huỷ hoàn toàn. Từ năm
1989 trở lại đây, Đền Đô đã từng bước được khôi phục, tìm lại dáng vẻ xưa
của đợt trùng tu, mở rộng đền năm 1602 với các hạng mục công trình như:
Nhà Hậu cung (80m²), nhà chuyền Bồng (80m²), nhà Kiệu (130m²), nhà để
Ngựa (130m²), Thuỷ đình, Phương đình…
Tổng thể kiến trúc di tích đền Đô:
Đền Đô có diện tích 31.250m², gồm 21 hạng mục công trình lớn nhỏ.
Trung tâm là điện thờ, nơi đặt bài vị và tượng của Tám vị vua nhà Lý, xung
quanh có nhà chuyền Bồng, nhà Tiền tế, nhà Phương Đình, nhà để kiệu, nhà
để ngựa, nhà Thuỷ Đình… Kiến trúc Đền đô được chia làm hai khu vực nội
thành và ngoại thành.
Khu vực nội thành có diện tích 4.320m² , bố trí theo kiểu “Nội công ngoại
quốc” bao quanh là tường gạch cao 3m, rộng 1m (hai bên xây gạch, ở giữa đổ
đất) có hai cửa ra vào. Nội thành được chia thành Nội thất và Ngoại thất.
Nội thất bao gồm các công trình: Nhà Hậu cung- nơi đặt ngai và bài vị
thờ 8 vị vua nhà Lý. Nhà Chuyền Bồng có kiến trúc chồng diêm 8 mái, các
đầu đao uốn cong mềm mại. Ngoài ra còn có nhà để bia, nhà để ngựa,, nhà
tiền tế, nhà để kiệu,… Phía trước, bên trái Chính điện là đền vua Bà (đền
9
Rồng) là nơi thờ Lý Chiêu Hoàng. tất cả đều được xây dựng công phu, đắp,
chạm khắc tinh xảo.
Bước qua Ngũ Long Môn (cổng tam quan với năm hình rồng chạm đá
tinh xảo) là một sân rộng, nơi đặt lư hương hướng vào nhà phương đình bày
hương án với đôi voi đá cỡ lớn chầu trung tâm.
Tiếp giáp với phương đình là nhà tiền tế – nơi diễn ra các đại lễ long
trọng đồng thời cũng là nơi trưng bày chiêng trống, đồ tế khí, nghi trượng …
Với một cảnh quan rộng lớn, được chia thành các biệt khu, đền Đô
mang lại cho khách hành hương nhiều cảm giác khác nhau: đại điện hoành
tráng, hậu cung trang nghiêm, thủy đình thư thái, văn bia tịch mịch. Xen lẫn
trong gió là mùi hương trầm ấm áp, hương ngọc lan thoang thoảng, đưa ta vào
cõi suy tưởng về một triều đại anh hùng với những võ công văn trị kiệt xuất
với tư tưởng Phật giáo từ bi.
Ngoài những giá trị văn hóa, lịch sử, đền Đô là một công trình kiến trúc
đặc sắc với nghệ thuật điêu khắc đá (rồng, voi, ngựa, lân), điêu khắc gỗ (lân,
chạm lộng hình rồng, họa tiết trang trí), tạc tượng thờ và xây dựng (hệ thống
cột trụ, mái đao) đều đạt ở mức tinh xảo.
Nhà tiền tế rộng 7 gian (220m2) có điện thờ vua Lý Thái Tổ. Phía bên
trái điện thờ có treo tấm bảng ghi lại “Chiếu dời đô” của vua Lý Thái Tổ với
214 chữ, ứng với 214 năm trị vì của 8 đời vua nhà Lý. Phía bên phải có treo
tấm bảng ghi bài thơ nổi tiếng Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt.
Cổ Pháp điện gồm 7 gian, rộng 180m2 là nơi đặt ngai thờ, bài vị và tượng
của 8 vị vua nhà Lý. Gian giữa là nơi thờ Lý Thái Tổ và Lý Thái Tông; ba gian
bên phải lần lượt thờ Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông và Lý Thần Tông; ba gian
bên trái lần lượt thờ Lý Anh Tông, Lý Huệ Tông và Lý Cao Tông.
Ngoại thất gồm nhà vuông, kiến trúc kiểu chồng diêm tám mái, 8 đầu
đao cong vút mềm mại. Khu vực này có nhà chủ tế, nhà kho, nhà khách và
đền vua bà (thờ các hoàng thái hậu triều Lý).
Thủy đình dựng trên hồ bán nguyệt, rộng 5 gian, có kiến trúc chồng
diêm 8 mái, 8 đao cong. Đây là nơi để các chức sắc ngày trước ngồi xem biểu
10
diễn rối nước. Thủy đình đền Đô xưa đã được Ngân hàng Đông Dương thời
thuộc Pháp chọn làm hình ảnh tiêu biểu in trên tờ giấy bạc 5 đồng.
Đền Đô với kiến trúc độc đáo mang tính giá trị nghệ thuật, cảnh trí hữu
tình và mang trong mình một giá trị lịch sử văn hoá đậm nét của Vương Triều
Lý nói riêng và lịch sử dân tộc nói chung. Đền Đô xứng đáng với lời ngợi ca:
“Đền Đô kiến trúc tuyệt vời
Thăng Long đẹp nhất, đẹp người ngàn năm”
Di tích lịch sử văn hoá đền Đô đã được Nhà nước công nhận xếp hạng
di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia theo Quyết định số 154 ngày 25/01/1991
của Bộ Văn hoá Thông tin.
11
CHƯƠNG 2:
THỰC TRẠNG QUẢN LÝ DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA
ĐỀN ĐÔ PHƯỜNG ĐÌNH BẢNG, THỊ XÃ TỪ SƠN,
TỈNH BẮC NINH
2.1. Cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý di tích
Mô hình quản lý di tích ở địa phương đã có sự kết hợp giữa chính
quyền và cộng đồng người dân. Việc chịu trách nhiệm trước các cơ quan các
cấp, trước pháp luật về sự an toàn của di tích, di vật, cổ vật thuộc về các
trưởng ban (là người của chính quyền). Sự tham gia của các hội người cao
tuổi, hội cựu chiến binh, phụ nữ, đoàn thanh niên… là đại diện của cộng đồng
nhân dân, những đại diện này là chủ nhân của các di tích, tham gia vào BQL
di tích sẽ trao cho họ trách nhiệm bảo vệ, giám sát các di sản của địa phương.
2.1.1 Về cơ chế phối hợp của cơ quan quản lý các
cấp
Quản lý di tích được tổ chức theo cấp hành chính, theo chiều dọc từ
tỉnh xuống đến các cấp huyện/thị xã, xã/phường, thôn/khu dân cư. Về phương
diện chuyên biệt tổ chức tương ứng sẽ là BQL di tích cấp tỉnh, phòng Văn hóa
- Thông tin huyện/thị xã, BQL di tích cấp xã/phường, BQL di tích ở di tích cụ
thể. Trong những năm qua, Bắc Ninh đã thu được những hiệu quả tích cực
trong cơ chế phối hợp thống nhất, tiêu biểu là đền Đô - đây là đơn vị đạt hiệu
quả cao từ việc phối hợp hợp lý, phát huy được vai trò của các BQL các cấp.
2.1.2 Về mô hình quản lý
Mô hình mang tính chất cộng đồng tự quản: Ở các BQL trực tiếp tại các
di tích về nguyên tắc, chính quyền và người dân cùng tham gia thực hiện việc
quản lý đối với các di tích được Nhà nước công nhận xếp hạng. Thành phần
tham gia BQL di tích địa phương có đại diện chính quyền xã, thôn chủ yếu
giữ vai trò giám sát, còn việc quản lý di tích là do cộng đồng với thành phần
12
gồm hội người cao tuổi của các thôn, xóm, hội phụ nữ, đoàn thanh niên...đảm
nhiệm. Vai trò tự quản được thể hiện ở tất cả các khâu từ chăm nom, bảo vệ di
tích, giữ gìn cảnh quan môi trường, tiến hành những tu sửa nhỏ, đến các công
việc như lên kế hoạch, lập nội dung và tổ chức lễ hội, cúng tế các ngày tuần
sóc vọng, quản lý các nguồn thu - chi, giữ gìn an ninh trật tự, trông giữ xe
máy, xe đạp, ô tô cho du khách…
BQL di tích đền Đô: Đây là mô hình tiêu biểu về quản lý di tích có hiệu
quả. BQL di tích đền Đô trực thuộc BQL di tích phường Đình Bảng, hoạt
động theo nhiệm kỳ 3 năm. Việc lựa chọn nhân sự cho BQL được tiến hành
theo quy chế dân chủ. Từ mỗi khu phố, thông qua hội nghị toàn thể của hội
người cao tuổi sẽ tiến cử từ 5 - 6 hội viên tham gia BQL di tích. Tiêu chuẩn để
lựa chọn những người này là những người có sức khỏe, có tài đức, tâm huyết,
là các gia đình nề nếp, không có con cháu vướng vào tệ nạn xã hội. Lựa chọn
được tổng số nhân sự khoảng 80 người, sẽ tổ chức Hội nghị toàn thể cho các
cá nhân được quyền ứng cử, đề cử, tiến hành bầu bằng phiếu kín và thành lập
ra Ban thường trực gồm 5 nhân sự. Sau đó từ 5 người này, hội nghị lại tiến
hành bỏ phiếu kín bầu trưởng, phó BQL. Trưởng ban sẽ điều hành chung toàn
bộ công việc, phó ban phụ trách tổ chức, điều hành các công việc và ngoại
giao, 3 ủy viên thường trực sẽ được trưởng ban phân công chịu trách nhiệm
làm 3 tổ trưởng của 3 tổ: 1/Tổ Nội thất; 2/Tổ xây dựng; 3/Tổ Nghi lễ. Hội
nghị toàn thể cũng tiến hành bầu ra kế toán và thủ quỹ của đền. Ban thường
trực thường xuyên có mặt tại di tích, làm việc tập thể, bàn bạc công việc để cá
nhân thực hiện hàng ngày. BQL di tích đền Đô hoạt động theo phương châm:
đoàn kết, công khai và minh bạch, nhất là minh bạch về tài chính. Ban đầu,
các thành viên của BQL làm việc với tinh thần “cơm nhà, việc đền” hoàn toàn
không có hỗ trợ kinh phí. Từ năm 2008, được sự đồng ý của chính quyền địa
phương, sự thống nhất của toàn BQL, mỗi cụ trực đền sẽ được nhận
10.000đ/ngày, trưởng ban nhận thù lao 400.000đ/tháng, phó ban là
300.000đồng/tháng. BQL di tích sẽ họp giao ban toàn thể vào đầu tháng, có
13
sự tham dự của đại điện chính quyền địa phương, nội dung bao gồm các công
việc như thông qua tài chính, đánh giá hiệu quả công việc của tháng trước,
bàn và thống nhất kế hoạch hoạt động của tháng tiếp theo. Mô hình BQL di
tích đền Đô được vận hành quy củ, hiệu quả, tạo được sự uy tín đối với chính
quyền địa phương và du khách.
Như vậy, đối với mô hình mang tính chất cộng đồng tự quản, việc quản
lý các di tích sẽ phát huy được hiệu quả cao nếu cộng đồng tự giác, nhận thức
được vai trò của việc bảo tồn, phát huy giá trị của di tích. Việc tổ chức quản lý
có sự đồng thuận cao của cộng đồng, đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ với
các cơ quan chuyên môn sẽ đưa lại hiệu quả như trường hợp tại đền Đô.
2.2. Nguồn nhân lực quản lý di tích lịch sử văn
hóa
Trong quản lý di tích lịch sử văn hóa, nguồn nhân lực tham gia quản lý
các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn được phân công. Hiện nay theo sự
phân cấp, nhân lực quản lý di tích ở Bắc Ninh bao gồm: đội ngũ cán bộ của
BQL di tích tỉnh, các BQL trực tiếp tại di tích, cán bộ phòng Văn hóa Thông
tin ở các huyện, thị xã và một số bộ phận khác có liên quan.
Đội ngũ cán bộ BQL di tích tại địa phương: Thành phần tham gia gồm
đại diện chính quyền địa phương cấp xã, thôn và đại diện cộng đồng. Qua
khảo sát thực tế cho thấy về trình độ của đội ngũ này là không thống nhất,
không đồng đều: Ở nhiều di tích, thành phần BQL gồm nhiều cán bộ nhà
nước nghỉ hưu, nhiều người có học hàm, học vị thuộc các chuyên ngành khác
nhau. Trường hợp như ở BQL di tích đền Đô: Ban thường vụ là các cụ có
trình độ học vấn cao, khi tham gia công tác xã hội có địa vị nhất định;
Ngoài ra, một thành phần rất quan trọng góp phần vào thành công trong
quản lý di tích đó là cộng đồng, những người gắn bó chặt chẽ với các di tích.
Trang bị những kiến thức về di sản cho cộng đồng cũng chính là việc đầu tư
cho "nguồn vốn" con người tại chỗ trực tiếp bảo vệ di tích Đối với các đối
tượng này, hình thức chủ yếu là tuyên truyền, vận động và trang bị cho họ
14
những hiểu biết về DSVH của quê hương, từ đó hình thành ý thức và thu hút
họ tích cực tham gia vào các hoạt động bảo vệ di tích.
2.3. Các hoạt động quản lý di tích lịch sử văn
hóa đền Đô, phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh
Bắc Ninh
Trong những năm qua, hoạt động quản lý di tích lịch sử văn hóa ở di
tích lịch sử văn hóa đền Đô đã được thực hiện theo các nội dung cụ thể quy
định tại Điều 54 của Luật Di sản văn hóa. Trong quá trình nghiên cứu về hoạt
động quản lý di tích ở đây, tiểu luận đi sâu nghiên cứu tập trung những nội
dung nổi bật nhất thể hiện được vai trò, chức năng của các cơ quan quản lý,
đánh giá những thành công cũng như hạn chế trong công tác quản lý di tích
tại đền Đô trong thời gian vừa qua.
2.3.1. Xây dựng quy hoạch, kế hoạch, dự án bảo
tồn di tích
2.3.1.1. Xây dựng quy hoạch bảo tồn di tích
Việc xây dựng quy hoạch cho di tích là nhiệm vụ quan trọng đầu tiên
của cơ quan quản lý di tích. Hiện nay, việc xây dựng quy hoạch được căn cứ
vào Nghị định 70/2012/NĐ-CP quy định về việc thẩm quyền, trình tự, thủ tục
lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử văn
hóa, danh lam thắng cảnh. Trong đó bao gồm Quy hoạch bảo quản, tu bổ,
phục hồi hệ thống di tích (quy hoạch hệ thống di tích) và Quy hoạch tổng thể
bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích (quy hoạch tổng thể di tích).
Để thực hiện chương trình quy hoạch tổng thể, tỉnh đã xác định rõ mục
tiêu, nhiệm vụ, đồ án quy định đáp ứng phát triển lâu dài, đảm bảo tính khoa
học, tính hợp lý. Theo ông Nguyễn Duy Nhất - Giám đốc BQL di tích tỉnh
cho biết: Quan điểm của UBND tỉnh là quy hoạch tu bổ, tôn tạo một số di tích
trọng điểm chú trọng gắn với phát triển du lịch. Mục tiêu cần hướng tới của
việc tổ chức quy hoạch là đảm bảo giữ gìn tối đa các yếu tố nguyên gốc của di
15
tích, đồng thời khai thác phát huy giá trị di tích phục vụ sự phát triển kinh tế văn hóa - xã hội, đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân.
Năm 2010, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh ra Quyết định số 1345/QĐUBND về việc Phê duyệt dự án đầu tư xây dựng tôn tạo khu di tích Đền Đô
và sông Tiêu Tương, phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, theo hình thức hợp
đồng BT (Xây dựng-chuyển giao) có tổng mức đầu tư hơn 634 tỷ đồng.
Nguồn vốn thực hiện dự án do nhà đầu tư liên danh Công ty cổ phần đầu tư
A.D.E.L, Công ty cổ phần Sông Đà 2 và Công ty cổ phần đầu tư xây dựng
Trung Việt.
Các hạng mục đầu tư xây dựng gồm san nền, kè đá, nạo vét lòng hồ,
lòng sông, hệ thống giao thông nội bộ, hệ thống thoát nước mưa, hệ thống
thoát nước thải, hệ thống cấp nước sạch, hệ thống điện, công viên cây xanh,
cảnh quan và hệ thống thu gom rác thải.
Việc xây dựng năm cầu qua sông Tiêu Tương, trong đó có một cầu loại
số 1 và bốn cầu loại số 2; xây dựng hệ thống thoát nước, hệ thống nước thải
của các hộ dân được xử lý cơ học... cũng là các hạng mục của dự án.
Ngày 28/3/2016, hợp đồng xây dựng – chuyển giao (Hợp đồng BT) Dự
án đầu tư xây dựng tôn tạo khu di tích Đền Đô và Sông Tiêu Tương đã được
ký kết tại tỉnh Bắc Ninh, giữa hai đơn vị là Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh và
Liên danh HAB. Dự án đầu tư xây dựng Tôn tạo khu di tích Đền Đô và Sông
Tiêu Tương rộng 40ha. Dự án Tôn tạo khu di tích Đền Đô và Sông Tiêu
Tương nhằm hình thành khu du lịch tâm linh sinh thái ở phường Đình Bảng,
khai thác di tích sẵn có tạo thành mạng lưới du lịch từ Đền Đô – Khu sơn
Lăng cấm địa – Khu du lịch Đền Đầm, thu hút khách du lịch, góp phần thực
hiện mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh Bắc Ninh.
16
2.3.1.2. Xây dựng kế hoạch bảo tồn di tích
Việc trùng tu, tôn tạo nhằm bảo tồn các di tích lịch sử văn hóa hiện nay
được thực hiện bằng các kế hoạch cụ thể theo kế hoạch ngắn hạn hàng năm và
các kế hoạch trung, dài hạn.
Năm 2007, kế hoạch Quản lý, bảo tồn và phát huy di tích lịch sử cách
mạng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2007 - 2010 được phê duyệt. Mục
tiêu của đề án là tăng cường sự quản lý, đầu tư tu bổ, tôn tạo, bảo tồn để phát
huy giá trị di tích góp phần thiết thực vào sự nghiệp xây dựng nền văn hóa
tiên tiến đậm đà bản sắc Bắc Ninh - Kinh Bắc. Trong đề án nêu rõ nhiệm vụ:
1/Về quản lý di tích: tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, đầu tư thỏa đáng
cho việc quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử cách mạng,
nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp,
các tầng lớp nhân dân về công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử cách
mạng theo hướng xã hội hóa nhằm huy động mọi nguồn lực của tổ chức, cá
nhân và toàn xã hội tham gia vào hoạt động này; Xây dựng kế hoạch và tổ
chức tổng điều tra đánh giá thực trạng toàn bộ di tích, các tài liệu, hiện vật
liên quan đến sự kiện cách mạng, triển khai nghiên cứu lập hồ sơ và đề nghị
công nhận xếp hạng đối với các di tích có đủ điều kiện. 2/Về bảo tồn di tích:
Khắc phục tình trạng xuống cấp, triển khai các dự án tu bổ, tôn tạo các di tích.
Quan tâm đến việc phục chế các di vật, hiện vật của các di tích. Cấp giấy
chứng nhận quyền sử dụng đất cho các chủ di tích đã được nhà nước công
nhận xếp hạng. Xây dựng kế hoạch và triển khai việc thực hiện cắm mốc giới
khoanh vùng bảo vệ đất đai và các công trình thuộc di tích. 3/Về phát huy tác
dụng di tích: tổ chức các hoạt động như hội thảo, tọa đàm, lễ hội, xuất bản
sách và các tài liệu giới thiệu. Đầu tư tôn tạo, xây dựng các công trình, các
hạng mục về du lịch, dịch vụ văn hóa ở di tích nhằm gắn kết văn hóa với kinh
tế thông qua các dịch vụ và thu phí tham quan di tích.
17
2.3.2. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục
pháp luật về di tích
Tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp quy về bảo vệ di tích lịch sử,
văn hóa là việc làm có ý nghĩa quan trọng. Hằng năm, BQL di tích tỉnh đều tổ
chức các lớp tập huấn tuyên truyền, hướng dẫn các văn bản pháp quy của
trung ương cũng như của tỉnh Bắc Ninh có liên quan đến DSVH. Đối tượng
tham gia các lớp tập huấn là các lãnh đạo phòng Văn hóa - Thông tin các
huyện, thị xã; đại diện các BQL di tích địa phương, cán bộ văn hóa xã…
Nội dung phổ biến trong các lớp tập huấn bao gồm: 1/Giá trị của
DSVH. 2/Phát huy giá trị di tích phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội;
3/Vai trò, trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ DSVH. 4/Luật Di sản
văn hóa năm 2001 được sửa đổi, bổ sung năm 2009. 5/Các văn bản dưới luật
như các Nghị định, Thông tư, Chỉ thị…có liên quan đến DSVH; 6/Các văn
bản do UBND tỉnh, Sở VHTTDL ban hành về di tích lịch sử văn hóa như Quy
chế quản lý và sử dụng di tích lịch sử văn hóa tỉnh Bắc Ninh, Quy định về
quản lý di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia trên địa bàn tỉnh…Cán bộ giảng dạy
tại các lớp tập huấn thường là lãnh đạo của Sở VHTTDL, Phòng Di sản văn
hóa, lãnh đạo BQL di tích tỉnh. Ngoài ra, BQL di tích còn mời các chuyên gia
của Cục Di sản văn hóa, các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực di sản… tham gia
nói chuyện, cập nhật các thông tin về DSVH. Tại các lớp tập huấn, các gương
tiêu biểu trong công tác quản lý di tích được mời để làm báo cáo điển hình
như trường hợp BQL di tích đền Đô.
Thời gian tổ chức các lớp tập huấn thường từ 2 - 3 ngày, trong đó có 1
ngày phổ biến, hướng dẫn các nội dung theo văn bản của nhà nước liên quan
đến DSVH, 1 ngày dành cho các đại biểu tham quan thực tế tại một điểm di
tích cụ thể.
Ngoài ra, tại di tích lịch sử văn hóa đền Đô còn tổ chức được các buổi
nói chuyện, sinh hoạt tập thể, mở các cuộc vận động tuyên truyền, quán triệt
pháp luật về bảo vệ di tích lịch sử văn hóa, giới thiệu về lịch sử, giá trị của di
18
tích ở địa phương. Từ đó hình thành được ý thức trách nhiệm của mỗi người
dân đối với việc bảo vệ, giữ gìn các di tích nơi mình đang sinh sống, khơi dậy
được lòng trân trọng của cộng đồng đối với các DSVH của địa phương.
2.3.3. Tổ chức hoạt động nghiệp vụ nhằm bảo tồn
và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa
2.3.3.1. Hoạt động bảo tồn di tích
Nội dung quan trọng của hoạt động quản lý là phải tiến hành các hoạt
động cần thiết để duy trì, bảo vệ các DSVH này. Trên thực tế cho thấy, hiệu
quả của việc xếp hạng di tích không chỉ mang lại niềm tự hào cho người dân
địa phương mà nếu có cách thức phù hợp sẽ làm cho di tích đó có vai trò quan
trọng trong đời sống cộng đồng. Trường hợp đền Đô từ một địa điểm di tích
chỉ còn sót lại duy nhất một tấm bia ghi lại thời điểm trùng tu di tích. Sau khi
được xếp hạng cấp quốc gia, chính quyền địa phương đã huy động các nguồn
lực để phục dựng, xây dựng mới nhiều hạng mục công trình tại điểm di tích.
Đến nay, di tích đền Đô là một trong những di tích tiêu biểu, là một trong
những niềm tự hào của người dân Đình Bảng nói riêng, của tỉnh Bắc Ninh nói
chung. Hàng năm đền Đô thu hút hàng vạn du khách về thăm quan, tưởng
niệm các vị vua nhà Lý…
Hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích: Hiện nay, việc thực hiện tu bổ, tôn tạo
các di tích chủ yếu bằng hai nguồn chính: 1/ Ngân sách nhà nước; 2/ Huy
động các nguồn lực từ cộng đồng. Thông qua các hình thức này, nhiều di tích
được tu bổ tôn tạo, chống được sự hủy hoại, xuống cấp, thiết thực đưa vào
phục vụ đời sống cộng đồng.
Đền Đô là công trình được tiến hành phục dựng được cộng đồng đánh
giá đạt hiệu quả chất lượng cao. Từ năm 1989, di tích được khởi công phục
dựng. Đến nay, khu di tích lịch sử văn hóa Đền Đô đã hoàn thiện được nhiều
hạng mục như: Linh cung, nhà chuyển bồng, nhà tiền tế, phương đình, sân
rồng, nhà kiệu, nhà bia, nhà ngựa, nhà khách, nhà giám trù, điện mẫu, thủy
19
đình, ngũ long môn, văn chỉ, võ chỉ… Xây dựng nhà trưng bày Truyền thống
và lịch sử đền Đô cùng nhiều hạng mục công trình khác. Qua điều tra, phỏng
vấn trực tiếp khách tham quan, các ý kiến trả lời đều đánh giá cao chất lượng
tu bổ, tôn tạo di tích, đáp ứng được nhu cầu của người dân.
Ở một số hạng mục nằm trong di tích, việc tu bổ, tôn tạo vẫn còn hiện
tượng tùy tiện, không tuân thủ sự quản lý của nhà nước và hướng dẫn của cơ
quan chuyên môn, nhiều vi phạm chưa được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp
thời. Có trường hợp, do không nhận thức được giá trị cũng như thiếu căn cứ
khoa học trong công tác bảo tồn nên đã xảy ra việc sửa chữa, tôn tạo di tích
một cách tùy tiện, sai lệch, phá vỡ cảnh quan, làm biến dạng di tích, thậm chí
còn phá hỏng yếu tố gốc của di tích. Nhiều di tích bị “thay hình đổi dạng”
việc thay đổi vật liệu xây dựng từ gỗ chuyển sang hoàn toàn bằng bê tông, để
mái bê tông, tượng cổ bị thay thế bằng tượng mới hoặc sơn thếp lòe loẹt…
2.3.3.3. Hoạt động phát huy giá trị di tích
Di tích lịch sử, văn hóa đền Đô đã tổ chức xây dựng đội ngũ thuyết
minh riêng phục vụ cho khách tham quan. Di tích có đội ngũ thuyết minh
phục vụ du khách có hiệu quả, tổ hiện có 05 người, tổ trưởng là Anh hùng lao
động, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Đức Thìn. Tổ thuyết minh đảm nhận việc
giới thiệu về khu di tích cho tất cả các đoàn khách nếu có nhu cầu đăng ký
hướng dẫn. Vào thời điểm của mùa lễ hội (từ tháng 1 đến tháng 3 âm lịch),
đền Đô thu hút lượng du khách rất lớn, tổ thuyết minh đảm nhận từ 20 - 30
đoàn khách mỗi ngày. Nội dung thuyết minh được BQL kiểm duyệt, bổ sung
thường xuyên, hàng năm có kiểm tra, bồi dưỡng, tập huấn về các kiến thức
DSVH, nội dung giá trị của khu di tích cho đội ngũ thuyết minh này. Theo
nhận xét, đánh giá của bà Đỗ Thị Thủy - Phó giám đốc BQL di tích Bắc Ninh:
“Tổ thuyết minh hoạt động có chất lượng, nhiều năm liền là gương tiêu biểu
cho các đơn vị khác học hỏi kinh nghiệm. Nhiều đoàn khách của tỉnh, các sở
20
ban ngành sau khi tham quan xong đều có phản hồi tích cực về đội ngũ thuyết
minh này”.
BQL di tích tỉnh cũng phối hợp với BQL di tích đền Đô tổ chức lễ dâng
hương đêm giao thừa tại di tích; lễ xin lửa truyền thống tại đền Đô cho khai
mạc Festival văn hóa Bắc Ninh; tổ chức các lễ dâng hương, báo công học tập
hàng năm tại di tích Văn miếu Bắc Ninh... những sự kiện này đã góp phần
thiết thực nâng cao giá trị của các di tích, gắn các di tích với sinh hoạt của
cộng đồng.
Việc khai thác giá trị các di tích phục vụ phát triển du lịch cũng là hình
thức phát huy giá trị của di tích có hiệu quả. Với hệ thống DSVH vật thể và
phi vật thể nói chung, di tích lịch sử văn hóa nói riêng rất đa dạng, phong phú,
đây có thể coi là những sản phẩm độc đáo của địa phương dành cho du khách,
có khả năng mang lại một nguồn lợi lớn về kinh tế và đồng thời quảng bá văn
hóa, hình ảnh cho địa phương. Những năm qua, việc phối hợp giữa quản lý di
tích lịch sử văn hóa và phát triển du lịch bước đầu được chú trọng. Với lợi thế
về vị trí địa lý và tiềm năng du lịch, đền Đô có nhiều điều kiện để phát triển
du lịch, đặc biệt là du lịch văn hóa tâm linh. Bắc Ninh là tỉnh không có tài
nguyên du lịch thiên nhiên như không có rừng, không có biển, không có cảnh
quan thiên nhiên đặc sắc, lại không phải là điểm đến để mua sắm, nghỉ dưỡng
nên có thể khẳng định rằng, số lượng khách chủ yếu được thu hút bởi các di
tích, di sản. Di tích đền Đô là một trong những địa điểm thu hút khách hành
hương về địa điểm này thi hành tín ngưỡng, vãn cảnh di tích với số lượng
hàng vạn du khách hằng năm. Xác định rõ đối tượng du khách chủ yếu là
hành hương tâm linh, do vậy tại điểm di tích đền Đô hiện nay đều không tiến
hành thu vé của khách tham quan. Đây là một trong những chủ trương nhằm
mở cửa các di tích, tạo điều kiện cho du khách được tự do tham quan, thi hành
tín ngưỡng.
Cho đến nay, hầu hết các di tích đã xếp hạng ở Bắc Ninh nói chung, di
tích đền Đô nói riêng đều được các trường phổ thông nhận trông coi, chăm
21
sóc theo hướng dẫn của BQL di tích tỉnh. Các nhà trường có kế hoạch định kỳ
phối hợp với BQL di tích tại địa phương để tổ chức cho học sinh tiến hành vệ
sinh cảnh quan, môi trường tại di tích và thường xuyên tổ chức cho học sinh
tới học tập, thăm quan, tìm hiểu về các di tích ở địa phương
Học sinh Lâm Thu Thủy, lớp 4G, trường Tiểu học Cát Linh đã viết ra
những cảm nghĩ của mình sau buổi tham quan, học tập ngoại khóa tại đền Đô:
“Nghe cô thuyết minh kể chuyện, chúng em như sống lại thời kỳ oanh liệt của
các vị vua trước đây. Công lao của các nhà vua thật to lớn đã đóng góp vào
công cuộc dựng nước và giữ nước. Chúng em càng thêm thấm thía truyền
thống anh hùng dân tộc của cha ông ta xưa kia. Em thật tự hào là người Việt
Nam - đất nước có truyền thống anh hùng bất khuất. Em hứa sẽ cố gắng học
tập thật tốt để xứng đáng là con cháu của các vị vua anh hùng.” [Nguồn:
website www.catlinhschool.edu.vn].
Việc giới thiệu, quảng bá về di tích cũng được chính quyền địa
phương, BQL di tích tiến hành in ấn, xuất bản các cuốn sách, các tờ gấp…
giới thiệu về di tích, lễ hội tại di tích tiêu biểu như cuốn Di tích đền Đô,
Lễ hội đền Đô,…
2.3.5. Tổ chức, quản lý hoạt động nghiên cứu khoa
học về di tích
Muốn thực hiện tốt công tác quản lý trước hết phải hiểu về di tích, điều
đó cũng có nghĩa muốn quản lý tốt đối tượng ta phải hiểu đối tượng mà mình
cần quản lý, muốn làm được như vậy thì việc nghiên cứu, tìm hiểu đối tượng
ấy phải được thực hiện một cách thật thấu đáo, kỹ càng trên tất cả các mặt,
các khía cạnh. Việc nghiên cứu để nhận biết, phân loại giá trị các di tích, nhận
thức những mặt tiêu biểu và những nét tiềm ẩn, đề ra hướng bảo vệ, phát huy
tác dụng di tích một cách tích cực nhất. Việc tổ chức các hoạt động nghiên
cứu khoa học phục vụ cho quản lý, bảo tồn và phát huy di tích lịch sử văn hóa
được tiến hành dưới một số hình thức sau:
22
- Phối hợp tổ chức các hội thảo chuyên ngành về di tích lịch sử văn
hóa: Hội thảo khoa học Bắc Ninh với vương triều Lý được Sở VHTTDL Bắc
Ninh phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tổ chức tháng 8/2010
hướng tới 1000 năm Thăng Long - Hà Nội nhằm làm sáng tỏ những giá trị
của những DSVH vật thể và phi vật thể liên quan đến nhà Lý còn lưu giữ đến
ngày nay. Hội thảo thu hút các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực DSVH, sử
học, các nhà quản lý di sản. Các tham luận đã đề cập tới mối quan hệ giữa quê
hương Bắc Ninh với vương triều Lý, sự ra đời, tồn tại, phát triển của vương
triều Lý, những thành tựu về văn hóa - xã hội, chiến thắng giặc ngoại xâm bảo
vệ đất nước, chứng minh đây là một vương triều phát triển vàng son và rực rỡ
vào bậc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Nhiều ý kiến, tham luận tập
trung phân tích hiện trạng các di tích, các giá trị văn hóa gắn với các di tích đó
cũng như những giải pháp bảo vệ, giữ gìn, phát huy các giá trị lịch sử văn hóa
thời Lý trong giai đoạn hiện nay...
BQL di tích đền Đô tổ chức hội thảo về hoành, phi câu đối sử dụng tại
di tích. Đền Đô là một di tích có 37 bức hoành phi và 56 đôi câu đối ca ngợi
thắng tích địa linh, công đức nhân kiệt với nội dung phong phú, đa dạng, ý tứ
uyên thâm, sâu sắc, phản ánh về một triều đại hưng thịnh trong lịch sử đất
nước; hình thức trình bày trang trọng, công phu. Chữ trên các hoành phi, câu
đối chủ yếu do BQL di tích phục dựng và các tổ chức, cá nhân cung tiến nên
trong quá trình chuyển thể từ chữ trên giấy sang chất liệu gỗ dẫn đến một số
sai lệch. Với số lượng lớn, làm qua nhiều thời kỳ, việc theo dõi, quản lý
không phải lúc nào cũng thuận tiện, nên đã tồn tại một số sai sót như: câu treo
sai vị trí, trùng lặp, sử dụng từ sai, thừa nét, thiếu nét, không rõ chữ... Do vậy,
việc tổ chức hội thảo nhằm lấy ý kiến của các nhà nghiên cứu Hán Nôm, ý
kiến của các bậc cao niên địa phương…về nội dung, cách sắp đặt các văn bản
này trong di tích là việc làm cần thiết.
- Tổ chức nghiên cứu, viết bài, xuất bản ấn phẩm giới thiệu về giá trị
của các di tích cũng là một hình thức nhằm tìm hiểu sâu về di tích, qua đó có
23
thể giới thiệu quảng bá hình ảnh về di tích. BQL di tích đền Đô cũng đã tiến
hành tìm hiểu, thu thập tư liệu và xuất bản một số ấn phẩm về di tích như Di
tích lịch sử văn hóa đền Đô (Nguyễn Đức Thìn).
2.3.6. Huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực
để bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa
Việc huy động các nguồn lực ở đây chủ yếu đề cập đến vấn đề kinh phí,
vật lực được đầu tư cho hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích. Hiện nay việc tu bổ,
tôn tạo di tích được thực hiện chủ yếu bằng hai nguồn: Thứ nhất, thông qua
sự hỗ trợ của nhà nước, kinh phí theo chương trình mục tiêu quốc gia, chống
xuống cấp di tích; Thứ hai, huy động các nguồn lực từ cộng đồng (khoản tài
trợ, công đức và các khoản thu khác) - đây là hình thức xã hội hóa hoạt động
bảo tồn di tích.
Vai trò của cộng đồng trong việc tham gia bảo tồn, phát huy giá trị di
tích được thể hiện rõ nét, điển hình nhất là trường hợp khôi phục, tôn tạo khu
di tích các vua nhà Lý ở Đình Bảng, Từ Sơn gồm đền Đô, chùa Ứng Tâm,
chùa Kim Đài, chùa Quang Đổ… Những di tích này bị thời gian, chiến tranh
làm xuống cấp thậm chí bị phá hủy hoàn toàn. Đền Đô - nơi thờ tám vị vua
Lý, trước khi được nhà nước ra quyết định xếp hạng chỉ còn là bãi đất trống
và một tấm bia “Cổ Pháp điện tạo bi”, niên đại 1604 do Hoàng giáp Phùng
Khắc Khoan soạn ghi lại việc nhà Lê cho xây dựng lại đền Đô. Được sự quan
tâm, ủng hộ của chính quyền địa phương, người dân Đình Bảng cùng khách
thập phương đã đồng lòng nhất trí ủng hộ tiền bạc, công sức để xây dựng lại
đền Đô. Theo thống kê vào thời điểm những năm 1989 thì trong khoảng
thời gian 5 năm, nhân dân Đình Bảng và khách thập phương đã công đức
bằng tiền mặt và hiện vật, công sức lao động để tu bổ, tôn tạo những di
tích lịch sử văn hóa trên quê hương của các vị vua nhà Lý trị giá gần 6 tỷ
đồng... Qua nhiều lần tu bổ, kinh phí xây dựng đền Đô là rất lớn, đến nay
đã lên tới hàng trăm tỷ đồng, trong đó kinh phí hỗ trợ của nhà nước (gồm
kinh phí hỗ trợ của Bộ VHTTDL, UBND tỉnh Bắc Ninh, của các bộ, ban,
24