Tải bản đầy đủ (.pdf) (189 trang)

Hệ giá trị gia đình ven đô hà nội hiện nay (trường hợp làng sáp mai, xã võng la, đông anh, hà nội)

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (5.21 MB, 189 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH

VIỆN VĂN HÓA NGHỆ THUẬT QUỐC GIA VIỆT NAM
-------------------------

Nguyễn Thị Phượng

HỆ GIÁ TRỊ GIA ĐÌNH VEN ĐÔ HÀ NỘI HIỆN NAY
(Trường hợp làng Sáp Mai, xã Võng La, huyện Đông Anh, Hà Nội)

LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HÓA HỌC

Hà Nội - 2018


BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH

VIỆN VĂN HÓA NGHỆ THUẬT QUỐC GIA VIỆT NAM
-----------------

Nguyễn Thị Phượng

HỆ GIÁ TRỊ GIA ĐÌNH VEN ĐÔ HÀ NỘI HIỆN NAY
(Trường hợp làng Sáp Mai, xã Võng La, huyện Đông Anh, Hà Nội)
Chuyên ngành: Văn hóa học
Mã số: 9229040


LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HÓA HỌC

Người hướng dẫn khoa học: GS.TSKH Trần Ngọc Thêm

Hà Nội - 2018


1

LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các tư liệu
được sử dụng trong luận án là trung thực, có xuất xứ rõ ràng; những phát hiện đưa
ra trong luận án là kết quả nghiên cứu của tác giả luận án.

Hà Nội, ngày 24 tháng 7 năm 2018
Tác giả

Nguyễn Thị Phượng


2

MỤC LỤC
LỜI CAM ĐOAN .................................................................................................... 1
MỤC LỤC .............................................................................................................. 2
DANH MỤC CHỮ VIẾT TẮT ............................................................................... 3
DANH MỤC BẢNG ............................................................................................... 4
MỞ ĐẦU ................................................................................................................ 5
Chương 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ HỆ GIÁ TRỊ GIA ĐÌNH .......... 24
1.1. Khái niệm giá trị ......................................................................................... 24

1.2. Giá trị gia đình ........................................................................................... 28
1.3. Cấu trúc giá trị gia đình .............................................................................. 30
1.4. Khu vực ven đô .......................................................................................... 32
1.5. Một số luận điểm lý thuyết ......................................................................... 34
1.6. Làng Sáp Mai và hệ giá trị gia đình truyền thống ở Sáp Mai....................... 40
Tiểu kết ............................................................................................................. 53
Chương 2: THỰC TRẠNG HỆ GIÁ TRỊ GIA ĐÌNH Ở SÁP MAI HIỆN NAY ......... 55
2.1. Thực trạng hệ giá trị gia đình trong lĩnh vực văn hóa vật chất ..................... 55
2.2. Thực trạng hệ giá trị gia đình trong lĩnh vực văn hóa tinh thần ................... 66
2.3. Thực trạng hệ giá trị gia đình trong lĩnh vực văn hóa ứng xử ...................... 77
Tiểu kết ............................................................................................................. 93
Chương 3: XU HƯỚNG VÀ VẤN ĐỀ ĐẶT RA TỪ THỰC TRẠNG HỆ
GIÁ TRỊ GIA ĐÌNH Ở SÁP MAI ......................................................................... 96
3.1. Bối cảnh tác động đến sự biến đổi hệ giá trị gia đình ven đô Hà Nội
từ sau đổi mới đến nay .................................................................................. 96
3.2. Các xu hướng biến đổi của hệ giá trị gia đình ....................................... 101
3.3. Những vấn đề đặt ra từ sự biến đổi hệ giá trị gia đình làng ven đô
Sáp Mai....................................................................................................... 114
Tiểu kết ....................................................................................................... 124
KẾT LUẬN ......................................................................................................... 126
DANH MỤC CÔNG TRÌNH CỦA TÁC GIẢ ĐÃ CÔNG BỐ LIÊN QUAN
ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN .................................................................................... 130
TÀI LIỆU THAM KHẢO ................................................................................... 131
PHỤ LỤC............................................................................................................ 146


3

DANH MỤC CHỮ VIẾT TẮT
Ch.b:


Chủ biên

GDP:

Tổng sản phẩm nội địa (Gross Domestic Product)

NCS:

Nghiên cứu sinh

Nxb:

Nhà xuất bản

PV:

Phỏng vấn

STT:

Số thứ tự

TP:

Thành phố

UBND:

Ủy ban nhân dân



4

DANH MỤC BẢNG
Bảng 2.1: Tỷ lệ các hộ gia đình sở hữu các tiện nghi sinh hoạt hiện đại ................. 56
Bảng 2.2: Sự lựa chọn giá trị trong lĩnh vực văn hóa vật chất ................................ 59
Bảng 2.3: Những giá trị gia đình ven đô tiếp nhận từ đô thị ................................... 63
Bảng 2.4: Sự lựa chọn giá trị gia đình trong lĩnh vực văn hóa tinh thần ................. 67
Bảng 2.5: Mức độ tặng quà cho người thân trong gia đình ..................................... 74
Bảng 2.6: Mức độ tổ chức sinh nhật trong các gia đình .......................................... 75
Bảng 2.7: Sự lựa chọn giá trị gia đình trong lĩnh vực văn hóa ứng xử .................... 78
Bảng 2.8: Mức độ chia sẻ trong công việc nhà........................................................... 86
Bảng 2.9: Quan niệm giá trị con cái trong gia đình ................................................ 92
Bảng 3.1: Thu ngân sách nhà nước của Hà Nội 2008- 2013 ................................... 96
Bảng 3.2: Khuôn mẫu chào hỏi và cách xưng hô ................................................. 112
Bảng 3.3. Thực trạng giáo dục giá trị gia đình truyền thống................................. 117


5

MỞ ĐẦU
1. Lý do lựa chọn đề tài
Trong khoảng gần hai thập niên trở lại đây, ở Việt Nam nói chung, TP Hà
Nội nói riêng đang diễn ra quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa mạnh mẽ. Công
nghiệp hóa, đô thị hóa không chỉ làm mở rộng địa giới hành chính của thủ đô Hà
Nội mà còn tạo ra sự chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, lao động nghề nghiệp,
dịch chuyển dân cư giữa khu vực nông thôn và đô thị.
Việc thu hồi đất nông nghiệp để cho mục đích sử dụng phi nông nghiệp đã
có ảnh hưởng đến đời sống của các hộ gia đình. Ở Việt Nam, từ năm 1990 đến năm

2003 đã có 697.417 ha đất đã bị thu hồi để xây dựng các khu công nghiệp, cơ sở hạ
tầng và phục vụ các mục đích phi nông nghiệp khác [62]. Theo số liệu công bố của
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong khoảng thời gian từ 2001-2005, có
366.000 ha đất nông nghiệp đã được chuyển thành đất đô thị và đất công nghiệp.
Con số này chiếm 4% tổng diện tích đất nông nghiệp ở Việt Nam. Đồng bằng sông
Hồng dẫn đầu với con số 4,4% diện tích đất nông nghiệp của toàn khu vực được
chuyển đổi thành đất phi nông nghiệp [145].
Ở thủ đô Hà Nội, từ năm 2000 đến năm 2010, có 11.000 ha đất, chủ yếu là
đất nông nghiệp đã được chuyển đổi thành đất phi nông nghiệp để phục vụ cho
1736 dự án phát triển đô thị và khu công nghiệp. Sự chuyển đổi này ước tính sẽ làm
mất việc làm truyền thống của khoảng 150.000 hộ nông dân [144]. Cho tới đầu năm
2011, Hà Nội có tổng cộng 19 khu công nghiệp mới, sử dụng 7.526 ha đất [8, tr.13]
cùng với một khu công nghệ cao, 45 cụm công nghiệp vừa và nhỏ và nhiều khu đô
thị mới ở khu vực ven đô [75, tr.88]. Kết quả là khu vực ven đô Hà Nội đã trở thành
nơi chứng kiến một quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa mạnh mẽ; nhiều làng ven
đô thành các trung tâm công nghiệp và đô thị năng động.
Là một làng ven đô, Sáp Mai thuộc xã Võng La, huyện Đông Anh, Hà Nội
cũng nằm trong quá trình công nghiệp hóa mạnh mẽ của thủ đô với hầu hết diện tích
đất nông nghiệp bị thu hồi để xây dựng khu công nghiệp Bắc Thăng Long. Từ năm


6
2003, từ một địa bàn thuần nông, Sáp Mai đã nhanh chóng trở thành một khu vực
dịch vụ năng động với những nhà máy, cơ sở sản xuất nằm ngay bên cạnh làng. Cơ
cấu kinh tế của xã không còn nghiêng về nông nghiệp như trước mà đã chuyển
trọng tâm sang lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ.
Tác động của chuyển đổi cơ cấu kinh tế làm cho đời sống gia đình các hộ
nông dân ở Sáp Mai có sự biến đổi mạnh mẽ. Những thay đổi nhận thấy rõ nét ở
Sáp Mai là sự thay đổi về cảnh quan, tỷ lệ hộ gia đình chuyển sang làm công
nghiệp, dịch vụ, thành phần dân cư; mức sống của các gia đình; mức độ mua sắm,

tiếp cận với các loại phương tiện sinh hoạt, giải trí, thông tin liên lạc hiện đại... So
với trước kia, nhu cầu hưởng thụ các hoạt động văn hóa, nghệ thuật vui chơi giải trí
của các gia đình có sự tăng lên rõ rệt...
Cần nói ngay là sự chuyển đổi này ở Sáp Mai vẫn còn đang tiếp tục, thậm chí
mới ở giai đoạn ban đầu, nghĩa là yếu tố đô thị chưa được hình thành một cách rõ
nét, trong khi yếu tố nông thôn, nông dân vẫn chưa mất đi sự ảnh hưởng của nó.
Tình trạng quá độ từ nông thôn sang đô thị này, bên cạnh những mặt tích cực, đã
làm nảy sinh nhiều mặt tiêu cực do tác động mặt trái của quá trình công nghiệp hóa,
đô thị hóa mang lại như: bạo lực gia đình, tranh chấp tài sản giữa anh em ruột thịt
có xu hướng tăng, số vụ án liên quan đến tệ nạn xã hội cờ bạc, lô đề, ma túy... đã
xuất hiện với tần suất nhiều hơn trên địa bàn xã kể từ khi có khu công nghiệp.
Song hành với sự biến đổi trong đời sống gia đình là sự biến đổi về hệ giá trị
của người dân Sáp Mai. Việc lựa chọn những giá trị hiện đại trong đời sống vật chất
gia đình thay thế cho những giá trị truyền thống diễn ra khá nhanh và triệt để. Trong
quan hệ gia đình, sự biến đổi về giá trị diễn ra chậm hơn. Bên cạnh việc du nhập
một số giá trị mới như bình đẳng giới, quyền trẻ em... một số giá trị truyền thống đã
được người dân tái cấu trúc lại và cấp thêm ý nghĩa cho phù hợp với bối cảnh mới.
Nhìn nhận sự vận động của hệ giá trị gia đình ở Sáp Mai hiện nay và đặt chúng
trong bối cảnh đặc thù của làng là phi nông nghiệp hóa cho thấy một thực tế khá rõ:
việc đón nhận các giá trị mới và cải biến các giá trị gia đình truyền thống đã dẫn
đến những thay đổi quan trọng trong hành vi ứng xử và lối sống của gia đình nơi


7
đây. Như chúng ta biết, một số lý thuyết hiện đại về giá trị - tiêu biểu là Inglehart và
Baker [118], Tarkhnishvili và Tevzadze [134] đã nhận định rằng, trong xã hội hiện
đại, các giá trị truyền thống sẽ bị thay thế bởi các giá trị hiện đại và mất đi vai trò
vốn có của nó. Cụ thể là vai trò thống trị của nam giới, sự coi trọng quyền cha mẹ
và đời sống gia đình suy yếu, thay vào đó là giá trị tập trung vào cá nhân. Những xã
hội có mức an sinh xã hội thấp thường tập trung vào những an toàn về kinh tế và vật

chất hơn là những giá trị khác. Và khi kinh tế xã hội phát triển, sẽ xuất hiện giá trị
tự biểu hiện. Nói cách khác, tiền sẽ giúp cho con người có sự lựa chọn, và giá trị
của họ là dùng sự lựa chọn đó để tự biểu hiện. Với việc nghiên cứu hệ giá trị gia
đình ở Sáp Mai hiện nay sẽ phần nào kiểm chứng những quan điểm lý thuyết này,
xem trên thực tế nó có những điểm gì giống và khác nhau so với những xu hướng
biến đổi giá trị gia đình trên thế giới.
Với các lý do trên, Hệ giá trị gia đình ven đô Hà Nội hiện nay (trường hợp
làng Sáp Mai, xã Võng La, Đông Anh, Hà Nội) đã được chọn làm đề tài nghiên cứu
của luận án này. Và do gia đình ven đô nói chung, gia đình ở Sáp Mai nói riêng
đang nằm trong quá trình chuyển tiếp từ nông thôn sang đô thị, từ truyền thống sang
hiện đại, vì vậy trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi luôn nhìn nó trong sự vận
động và biến đổi, đặt trong mối liên hệ với công nghiệp hóa và đô thị hóa.
2. Tình hình nghiên cứu
Với nội dung trọng tâm là quá trình động của hệ giá trị gia đình ven đô Hà Nội
từ sau đổi mới đến nay, bên cạnh các công trình nghiên cứu về giá trị gia đình, đề tài
luận án có mối liên hệ gần gũi với các công trình nghiên cứu sự biến đổi của gia đình
Việt Nam nói chung, đặc biệt là gia đình ở vùng ven đô trong bối cảnh công nghiệp
hóa và hiện đại hóa. Do đó, trong phần tổng quan vấn đề, đối với các nghiên cứu
quốc tế, luận án sẽ ưu tiên cho các công trình nghiên cứu sự biến đổi giá trị gia đình,
đặc biệt là ở khu vực châu Á và Đông Nam Á. Đối với các nghiên cứu trong nước,
luận án sẽ điểm qua các công trình nghiên cứu về gia đình ở đồng bằng sông Hồng
trước khi tập trung giới thiệu các công trình nghiên cứu gia đình ở khu vực ven đô nói
chung và khu vực ven Hà Nội nói riêng, đặc biệt là từ hơn hai thập niên trở lại đây.


8
2.1. Các nghiên cứu về giá trị gia đình
Trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, vấn đề giá trị từ xưa đến nay đã
được khá nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước đề cập đến. Từ cuối thế kỷ
XVIII, việc nghiên cứu giá trị đã dần phát triển thành một chuyên ngành khoa học

độc lập với tên gọi là Giá trị (Axiology). Lý thuyết về giá trị ban đầu tồn tại trong
khuôn khổ triết học, về sau mới dần tách ra và thâm nhập vào hầu như tất cả các
ngành khoa học xã hội và nhân văn [84, tr.30].
Đã có nhiều học giả trên thế giới và Việt Nam bàn về giá trị dưới các góc độ
triết học, tâm lý học như Immanuel Kant (1724-1804), Rudolph Hermann (18171881), Friedrich Wilhelm Nietzsche (1844-1900), Wilhelm Windelband (1848-1915),
Karl Heinrich Marx (1818-1883), Christian von Ehrenfels (1859-1932), Alexius
Meinong (1583-1920) John Dewey (1859-1952), George Edward Moore (18731958)... Nghiên cứu về giá trị học hiện đại trên thế giới, điển hình có thể kể đến 3 học
giả là Robert.S.Hartman với cuốn Cấu trúc của giá trị: những cơ sở của giá trị học
khoa học (1967), Milton Rokeach với công trình Niềm tin, thái độ và giá trị: lý thuyết
về tổ chức và sự biến đổi (1968) và Ronald F. Inglehart, người được biết đến với tư
cách là giám đốc chương trình Điều tra giá trị thế giới (WVS) [84, tr.31 - 35].
Ở Việt Nam, có thể kể đến một số học giả tiêu biểu như Phạm Minh Hạc,
Ngô Đức Thịnh, Hồ Sĩ Quý, Trần Ngọc Thêm... Theo Ngô Đức Thịnh, giá trị là hệ
thống những đánh giá mang tính chủ quan của con người về bất cứ một hiện tượng
tự nhiên, xã hội và tư duy theo hướng những cái đó là cần, là tốt, là hay, là đẹp.
Nói cách khác đó chính là những cái được con người cho là chân thiện mỹ, giúp
khẳng định và nâng cao bản chất người. Một khi những nhận thức giá trị ấy đã
hình thành và định hình thì nó chi phối cách suy nghĩ, niềm tin, hành vi, tình cảm
con người [86, tr.22]. Còn Trần Ngọc Thêm cho rằng, “Giá trị là tính chất của
khách thể được chủ thể đánh giá là tích cực xét trong so sánh với các khách thể khác
cùng loại trong một bối cảnh không gian- thời gian cụ thể” [84, tr.39].
Về giá trị gia đình, cho đến nay mới có rất ít người trực tiếp đề cập đến hoặc
đưa ra những định nghĩa cụ thể, nhưng đã có nhiều công trình có nội dung hàm


9
chứa yếu tố giá trị được biểu đạt trong các đặc điểm của gia đình về hôn nhân, về
các vai trò trong gia đình, sự lưu truyền dòng dõi, kế thừa tài sản và thờ cúng tổ
tiên... Có thể kể đến một số công trình tiêu biểu như Việt Nam phong tục của Phan
Kế Bính [9], Việt Nam văn hóa sử cương của Đào Duy Anh [1], Văn Minh Việt

Nam của Nguyễn Văn Huyên [36], và các nghiên cứu gần đây của Trần Đình Hượu
về gia đình Việt Nam với ảnh hưởng của Nho giáo [39], Trần Từ bàn về cơ cấu tổ
chức làng Việt cổ truyền ở Bắc Bộ trong đó có bàn về gia đình [94], Mai Huy Bích
bàn về đặc điểm gia đình ở đồng bằng sông Hồng [5].... Các đặc điểm chủ yếu được
đề cập trong những nghiên cứu này bao gồm: hôn nhân là việc của gia đình, chồng
là chủ gia đình, vợ phụ thuộc chồng, con cái phụ thuộc vào cha mẹ, con cái phải
vâng lời cha mẹ, coi trọng con trai, con trai được quyền thừa kế tài sản, thờ cúng tổ
tiên, tính cộng đồng gia đình...
Về hôn nhân, gia đình người Việt theo chế độ phụ quyền nên hôn nhân là ở
nhà chồng. Đặc điểm nổi trội trong hôn nhân truyền thống là hôn nhân sắp đặt với
quan niệm “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”. Do mục đích của hôn nhân là để có con
nối dõi, do vậy việc hôn nhân là việc chung của gia tộc chứ không phải là việc cá
nhân của con cái [1, tr.83]. Trong gia đình, người gia trưởng có quyền uy tuyệt đối
ở trong nhà, có quyền sở hữu, quản lý tài sản, sở hữu vợ con và có quyền độc đoán
về việc hôn nhân của con cái... Địa vị của người đàn bà là phải tuân theo luân lý
“tam cương ngũ thường” của Nho giáo, luôn phụ thuộc vào đàn ông [1, tr.91].
Trong quan hệ với cha mẹ, con cái luôn ở địa vị phụ thuộc. Cha đối với con
cái phải nghiêm, con đối với cha phải hết sức hiếu. Con cái phải kính trọng và vâng
lời cha mẹ, phải nuôi dưỡng ông bà cha mẹ... Ngoài ra anh em phải sống hòa thuận,
anh yêu mến em, em kính trọng anh [36, tr.87].
Do mục tiêu của hôn nhân là lưu truyền dòng dõi nên giá trị con trai trong gia
đình luôn được coi trọng. Đối với người chồng, hôn nhân đánh dấu việc anh ta đạt địa
vị người lớn, nhưng chỉ khi có con trai anh ta mới hoàn thành nghĩa vụ với dòng dõi,
địa vị của anh ta mới trở nên trọn vẹn. Còn với người vợ, khi sinh được con trai mới
có thể được an toàn trong nhà chồng [7, tr.25]. Xưa kia, nếu vợ chính vợ lẽ đều không


10
có con trai mà người chồng đã già thì phải nuôi một người con trai trong họ hàng là
người thừa tự, xem như con đích của mình [1, tr.105]. Việc thừa kế tài sản trong gia

đình cũng lấy con trai làm chủ, đặc biệt là con trai trưởng. Tuy nhiên luật pháp và
phong tục không tuân thủ chặt chẽ theo nguyên lý ấy mà vẫn cho các con trai khác
cũng như con gái đều có quyền cùng chia tài sản với con trưởng [1, tr.106-107].
Một đặc điểm quan trọng của gia đình người Việt, mà tác giả Mai Huy Bích
cho là “đặc điểm bao trùm lên các đặc điểm khác”, đó là tính cộng đồng (giá trị
cộng đồng). Phân tích của ông về các chức năng cơ bản của gia đình đã khẳng định,
điều tạo nên nét riêng của gia đình Việt Nam không chỉ ở ảnh hưởng Khổng giáo,
mà đó là tính cộng đồng, tức cơ cấu chặt chẽ đặc biệt của gia đình, buộc các thành
viên cá thể phải đặt lợi ích tập thể gia đình ở vị trí tối cao, hy sinh mọi lợi ích riêng
nếu nó trái với lợi ích chung của cả tập thể gia đình. Tính cộng đồng của gia đình
Việt Nam là sản phẩm của lịch sử xa xưa và có quan hệ mật thiết với tính cộng
đồng của xã hội Việt Nam [5, tr.14-16].
Tuy nhiên, bên cạnh những đặc điểm trên, các nghiên cứu còn cho thấy, gia
đình người Việt vẫn chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ cơ tầng văn hóa bản địa, đó là chế
độ mẫu hệ [86]. Do vậy, các phong tục và pháp luật đối với đàn bà ở Việt Nam so
với luân lý có phần bớt nghiêm khắc hơn [1, tr.97- 99]. Thậm chí, người vợ Việt
Nam còn được chồng yêu mến và trân trọng, được con cái yêu quý và kính nể và chiếm
một chỗ đứng cao trong gia đình [36, tr.83]. Các nghiên cứu của Nguyễn Văn Huyên,
Trần Đình Hượu, Nguyễn Từ Chi đều chỉ ra rằng, người vợ trong gia đình thường là
người nắm giữ “tay hòm chìa khóa” và là “nội tướng”. Các quan hệ trong gia đình cũng
có phần bình đẳng hơn rất nhiều so với cái vỏ luân lý bề ngoài [36], [39], [12].
Trên thế giới, những ý niệm về giá trị gia đình đã được các học giả quan tâm
từ những thập niên 50, 60 của thế kỷ trước khi công nghiệp hóa phát triển mạnh mẽ
ở các nước phương Tây. Tuy nhiên phải cho đến những thập niên 90 của thế kỷ XX
trở đi, các vấn đề về gia đình và sự biến đổi của nó mới được kiểm chứng sinh động
trên thực tiễn. Các nghiên cứu về giá trị gia đình thường tập trung vào các khía cạnh
về đời sống gia đình và cấu trúc gia đình như: quan hệ hôn nhân, quan hệ trong gia


11

đình, các kiểu loại gia đình, vấn đề ly hôn... Theo Jagger và Wright, có bốn nhóm
giá trị gia đình được quan tâm bao gồm: i) giá trị gia đình truyền thống; ii) giá trị
gia đình được thể chế hóa trong hệ thống luật pháp thường được nghiên cứu trong
bối cảnh thay đổi luật pháp về gia đình với những biến đổi giá trị gia đình truyền
thống; iii) khái niệm gia đình trong mối quan hệ giữa cá nhân và nhà nước; iv) gia
đình trong chuyển đổi từ hiện đại đến hậu hiện đại. Đối với mỗi nhóm giá trị này lại
có những khía cạnh giá trị gia đình khác nhau. Chẳng hạn với gia đình truyền thống,
người ta quan tâm đến những khía cạnh mà con người hằng mong ước trong quan
hệ giữa vợ và chồng, giữa cha mẹ và con cái, giữa anh chị em với nhau. Đối với
mối quan hệ giữa cá nhân và nhà nước, vấn đề trách nhiệm của nhà nước hay gia
đình trong việc chăm sóc người già và trẻ em được đặt ra. Một số giá trị gia đình có
thể cùng xuất hiện ở nhiều thời kỳ khác nhau như tình yêu, quan tâm chăm sóc, tôn
trọng lẫn nhau, trách nhiệm và sự cam kết thực hiện nghĩa vụ về lòng hiếu thảo, và
sự giao tiếp, sự chung thủy [dẫn theo 60, tr.35].
Theo Sobotka & Toulemon, các nghiên cứu ở Mỹ đã cho thấy hôn nhân đã
trở nên không có vai trò quan trọng trong sản xuất kinh tế, tiêu dùng và chuyển giao
tài sản từ thế hệ này sang thế hệ khác. Hôn nhân không còn vai trò ảnh hưởng đến
mối quan hệ giữa nam và nữ, sự chuyển đổi sang giai đoạn trưởng thành của nam và
nữ. Hôn nhân cũng không còn ý nghĩa so sánh khi bàn về trải nghiệm tình dục, sắp
xếp cuộc sống, sinh con và nuôi con. Hôn nhân ngày nay không còn ý nghĩa thiêng
liêng như trước mà nó ngày càng được nhìn nhận về tính thực tiễn hơn là một thiết
chế mang tính tôn giáo [132, tr.87].
Trong nghiên cứu The most Important Person in the World: A look at
Contemporary Family value (Người quan trọng nhất trên thế giới: Nhìn vào giá trị
gia đình hiện đại) của A.Vandenheuvel cũng cho thấy, việc kết hôn để sinh con và
được an tâm hơn về mặt tài chính không còn được coi là lý do quan trọng nữa. Hôn
nhân không còn là điểm bắt đầu của việc chung sống và bắt đầu có quan hệ tình dục
giữa nam và nữ [135]. Theo Manning và cộng sự, hiện nay việc tìm hiểu và kết hôn
của thanh niên nam nữ đã có sự chuyển đổi. Thay vì từ làm quen, tìm hiểu rồi đến



12
kết hôn, họ chuyển từ tìm hiểu sang chung sống và sau đó có thể kết hôn hoặc
không. Phần nhiều những cặp nam nữ ngày nay coi sống thử và kết hôn là hai sự
việc không loại trừ nhau mà sống thử trở thành một giai đoạn diễn ra trước khi tiến
tới hôn nhân. Mô hình hôn nhân truyền thống vẫn giữ vai trò quan trọng nhưng
chung sống không kết hôn đã được chấp nhận rộng rãi [125].
Đối với châu Á, hôn nhân vẫn là một giá trị quan trọng trong quan niệm của
đa số người dân. Việc sống không kết hôn hay kết hôn quá muộn ở châu Á vẫn chưa
trở thành phổ biến. Cuộc khảo sát về giá trị gia đình được thực hiện lặp lại năm
1993 và năm 2010 ở Singapore cho thấy, trong 10 người được hỏi thì có tới 8 người
tin rằng hôn nhân là quan trọng [152]. Tuy nhiên tuổi kết hôn của thanh niên ở khu
vực này cũng ngày càng cao hơn. Các cặp vợ chồng sau khi kết hôn thường thích
sống riêng, và người vợ ngày càng tham gia nhiều hơn vào thị trường lao động bên
ngoài. Trong bài viết Late marriage and low fertility in Singapore: the limits of
policy (Hôn nhân muộn và mức sinh ở Singapore: giới hạn về chính sách)
G.W.Jones đã chỉ ra rằng, tuổi kết hôn đã tăng lên và một số người còn lưỡng lự
trong việc kết hôn bởi các vấn đề như: áp lực sinh con sau khi kết hôn, tỷ lệ ly hôn
gia tăng, và đặc biệt sự độc lập về kinh tế của người phụ nữ khi các cơ hội về học
tập và việc làm của họ ngày càng mở rộng... [120].
2.2. Các nghiên cứu về sự biến đổi giá trị gia đình
2.2.1. Các nghiên cứu về sự biến đổi giá trị gia đình trên thế giới
Để nghiên cứu các chiều cạnh biến đổi giá trị gia đình, các nhà xã hội học
cũng như nhân học trên thế giới thường gắn nó với sự phát triển, với công nghiệp
hóa, đô thị hóa - biểu hiện cơ bản của hiện đại hóa cũng như sự chuyển đổi xã hội.
Ít công trình nào khảo sát về biến đổi mà lại chỉ quan tâm đến một khía cạnh nêu
trên mà thường xuyên có sự gắn kết tương hỗ nhất định. Một số vấn đề cơ bản
thường thu hút các nhà nghiên cứu trong suốt nửa sau thế kỷ XX và vẫn phổ biến
hiện nay đó là vấn đề biến đổi giá trị trong hôn nhân gia đình. Sự biến đổi này
thường thể hiện trong các quan niệm về ý nghĩa của hôn nhân thông qua các chỉ báo

về sinh đẻ và việc nuôi dưỡng con cái, sự lựa chọn nơi ở sau kết hôn, vai trò của sự
tham gia lao động xã hội của phụ nữ trong hôn nhân...


13
Về biến đổi giá trị gia đình, đáng chú ý nhất là các nghiên cứu về sự biến đổi
vai trò giới. Nghiên cứu của G.Kaufman [121] và J.L. Rhoden [130] đã đề cập đến
những thay đổi vai trò của nam giới và phụ nữ ở nhà và nơi làm việc đã có tác động
đến đời sống gia đình nói chung và các giá trị trong quan hệ vợ chồng nói riêng.
Đặc biệt các tác giả đã đi sâu phân tích về sự độc lập về kinh tế của người phụ nữ
dẫn đến những biến đổi vai trò của họ trong gia đình như: có nhiều lựa chọn cho cuộc
sống cá nhân hơn, người phụ nữ cũng không phải cố gắng để cân bằng giữa đời sống
gia đình và công việc - điều hoàn toàn khác với mô hình hôn nhân truyền thống.
Bên cạnh đó các tác giả như Vandenheuvel, Kim và Hopped-Graff cũng đã
đi sâu nghiên cứu về sự biến đổi của giá trị con cái trong gia đình ở các nước châu
Á, về vai trò của người mẹ trong truyền thống và gia đình Hàn Quốc hiện đại..,
trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến giá trị tinh thần của đứa con, xem đó như là một
nhân tố làm cho cuộc sống gia đình trở nên phong phú hơn. Con cái ngày càng có ý
nghĩa về mặt tình cảm hơn là sự đầu tư về kinh tế [123], [135].
Nghiên cứu của East West Center còn đề cập đến sự suy giảm giá trị bền
vững của gia đình, thể hiện trong quan niệm của mọi người về ý nghĩa của gia đình,
về tỉ lệ ly hôn và sự hài lòng về đời sống gia đình... trong các xã hội hiện đại ở châu
Á như Hàn Quốc, Nhật Bản [110].
Có thể nói, các nghiên cứu quốc tế về biến đổi giá trị gia đình cho thấy,
đang có sự giao thoa mạnh mẽ giữa truyền thống và hiện đại ở các nước trên thế
giới như châu Âu, Mỹ nói chung và các nước công nghiệp mới ở châu Á nói
riêng, thể hiện trong sự biến đổi về vai trò giới, các quan niệm về giá trị con cái,
về giá trị bền vững của gia đình và ly hôn... Các nghiên cứu nói trên đã giúp
nghiên cứu sinh có cái nhìn so sánh trong nghiên cứu về giá trị gia đình giữa các
khu vực trên thế giới, tiếp nhận các lý thuyết và các phương pháp nghiên cứu

hiện đại để phục vụ cho đề tài nghiên cứu.
2.2.2. Các nghiên cứu về sự biến đổi giá trị gia đình ở Việt Nam
Trong thời gian qua, cùng với sự biến đổi trong đời sống gia đình, hệ giá trị gia
đình của người Việt đã trải qua một quá trình biến đổi sâu sắc và được nhiều chuyên
ngành khoa học quan tâm nghiên cứu và đạt được nhiều thành tựu quan trọng.


14
Một số nghiên cứu và những cuộc điều tra quy mô lớn gần đây, hệ giá trị gia
đình và sự biến đổi của nó trong xã hội đương đại cũng được gián tiếp đề cập như:
Điều tra gia đình Việt Nam 2006 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ
quan khác (2008), Điều tra cơ bản về bình đẳng giới (2005) của Viện Khoa học xã
hội Việt Nam tại 13 tỉnh thành phố của Việt Nam; Điều tra cơ bản về gia đình Việt
Nam và người phụ nữ trong gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất
nước của Trung tâm nghiên cứu khoa học về gia đình và phụ nữ thực hiện năm
2000 tại các tỉnh miền Bắc Việt Nam; các nghiên cứu liên ngành về gia đình nông
thôn Việt Nam trong chuyển đổi thuộc Chương trình hợp tác nghiên cứu Việt Nam Thụy Điển do cơ quan Hợp tác quốc tế Thụy Điển tài trợ và Bộ Khoa học và Công
nghệ quản lý và thực hiện trong giai đoạn từ 2004- 2010; Điều tra về mối quan hệ
vợ chồng trong gia đình của Viện nghiên cứu Gia đình và Giới thực hiện năm 2011
tại Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc.... Các cuộc điều tra nói trên, cùng với các công trình
nghiên cứu, đã cung cấp một bức tranh toàn diện về những thay đổi trong các mối
quan hệ hôn nhân gia đình ở Việt Nam cũng như vai trò và trách nhiệm của mỗi
thành viên, góp phần làm sáng tỏ những thay đổi về giá trị chuẩn mực của gia đình
dưới tác động của công nghiệp hóa và hiện đại hóa.
Trong nghiên cứu Gia đình Việt Nam và một số vấn đề đang đặt ra hiện nay,
Nguyễn Hữu Minh đã chỉ ra một số vấn đề quan trọng của gia đình hiện nay trong
quan hệ gia đình như sự biến đổi quan hệ giới và các mối quan hệ khác [53].
Nghiên cứu của Lê Ngọc Văn, cũng đi sâu phân tích sự biến đổi gia đình thể hiện
trong quyền ra quyết định, quyền sở hữu tài sản... trong gia đình trên cơ sở số liệu
Điều tra cơ bản về gia đình 2000 [100].

Vấn đề giá trị con cái, ứng xử giữa cha mẹ và con cái cũng được một số
nghiên cứu đề cập đến như: Giá trị con cái trong gia đình Việt Nam - những vấn đề
đặt ra của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới [105], Quan hệ cha mẹ - con cái vị
thành niên: cơ sở lý luận và những vấn đề đặt ra ở Việt Nam hiện nay của Đặng
Bích Thủy [87]...., qua đó chỉ ra những biến đổi căn bản trong ứng xử giữa cha mẹ con cái và việc đón nhận các giá trị mới của gia đình.


15
Một số chuyên luận gần đây về đời sống văn hóa và quan hệ giữa người cao
tuổi với con cháu trong xã hội Việt Nam hiện nay của Lê Ngọc Lân [48], Lê Ngọc
Lân, Nguyễn Hữu Minh, Trần Quý Long [49] đều đi sâu phân tích vai trò, vị thế của
người già và mối quan hệ giữa người cao tuổi và con cháu trong gia đình hiện nay.
Việc điểm qua các công trình nghiên cứu trên cho thấy, vấn đề giá trị gia
đình từ trước đến nay hầu hết mới chỉ được đề cập một cách gián tiếp trong các
công trình nghiên cứu về gia đình. Việc nghiên cứu hệ giá trị gia đình một cách hệ
thống với cơ sở lý luận và khung phân tích cụ thể mới lần đầu tiên được tiến hành
năm 2015 mang tên Hệ giá trị gia đình Việt Nam dưới góc nhìn xã hội học của
nhóm tác giả Lê Ngọc Văn và cộng sự. Ở đây, các tác giả đã đặt hệ giá trị gia đình
trong khung lý thuyết hiện đại hóa và lý thuyết nhóm để giải thích sự vận động và
biến đổi của nó trên ba chiều cạnh là sự biến đổi giá trị gia đình trong đời sống vật
chất, trong đời sống tinh thần - tâm linh và trong ứng xử gia đình [103].
Như vậy có thể thấy, cho đến nay vấn đề hệ giá trị gia đình Việt Nam căn
bản vẫn chưa được quan tâm nghiên cứu một cách độc lập, mặc dù so với trước, các
chiều cạnh của hệ giá trị gia đình đã được gián tiếp đề cập một cách phong phú đa
dạng hơn. Trong các công trình trên đã chứa đựng những phân tích đáng chú ý về
hệ giá trị gia đình Việt Nam trên các phương diện đồng đại cũng như lịch đại. Các
nghiên cứu này đã gợi mở cho nghiên cứu sinh trong các cách tiếp cận khác nhau về
nghiên cứu giá trị gia đình và có được cái nhìn tổng thể về bức tranh chuyển đổi giá
trị gia đình ở Việt Nam hiện nay.
2.3. Các nghiên cứu về khu vực ven đô và biến đổi gia đình ven đô Hà Nội

Cho đến nay, khu vực ven đô là nơi thu hút được khá nhiều sự quan tâm
nghiên cứu của các học giả, do đây là khu vực luôn có sự biến đổi mạnh mẽ vì nằm
sát khu vực đô thị và chịu ảnh hưởng rất lớn từ đô thị. Các nghiên cứu về văn hóa
làng ven đô Hà Nội, trong đó vấn đề gia đình cũng được gián tiếp đề cập đến, thể
hiện trong phong tục lối sống, sinh kế, sử dụng thời gian rỗi... và đó là nền tảng
quan trọng cho sự biến đổi hệ giá trị gia đình. Có thể kể đến một số công trình tiêu
biểu như Văn hóa truyền thống làng xã ngoại thành Hà Nội dưới tác động của nền


16
kinh tế thị trường của Trần Đức Ngôn và các cộng sự [57], Những biến đổi về giá
trị văn hóa truyền thống ở các làng ven đô Hà Nội trong thời kỳ đổi mới của Ngô
Văn Giá chủ biên [21], Câu chuyện làng Giang của Lương Hồng Quang và cộng
sự [69], Những biến đổi kinh tế xã hội ở Dịch Vọng trong quá trình đô thị hóa từ
làng xã thành phường (1999) của Trịnh Duy Luân, Biến đổi kinh tế xã hội ở vùng
ven đô Hà Nội trong quá trình đô thị hóa [55]... Trong các công trình nói trên, các
tác giả đã đi sâu khảo sát về sự biến đổi văn hóa truyền thống của các làng xã ven
đô, thể hiện trên các khía cạnh địa lý, kinh tế, nghề nghiệp, đời sống sinh hoạt, tôn
giáo tín ngưỡng... cũng như tìm ra các xu hướng biến đổi cùng các nguyên nhân dẫn
đến sự biến đổi ở đây.
Theo Ngô Văn Giá và cộng sự, sự tác động của đô thị hóa đến các giá trị văn
hóa truyền thống được biểu hiện thông qua các cá nhân, gia đình và cộng đồng làng.
Sự biến đổi này là khá rõ nét nên việc xây dựng, định hướng hệ giá trị văn hóa,
trong đó có hệ giá trị gia đình ở các làng thuộc khu vực nói trên là hết sức cần thiết.
Cùng chia sẻ quan điểm trên, nghiên cứu của Lương Hồng Quang và cộng sự
cũng đã đi sâu phân tích mô tả sự biến đổi của hệ thống các giá trị chuẩn mực và các
khuôn mẫu văn hóa của các hộ gia đình nông dân làng Giang (Hoài Đức, Hà Nội) khi
bước vào quá trình đô thị hóa, trong đó nét nổi bật là sự đan xen giữa cái cũ và cái mới,
giữa hiện đại và truyền thống, giữa nông thôn và đô thị, thể hiện trong mọi mặt đời
sống của họ, làm nên bức tranh đặc thù về biến đổi văn hóa làng ven đô.

Ngoài ra, các nghiên cứu từ góc độ xã hội học của Nguyễn Hữu Minh, Trịnh
Duy Luân... còn đi sâu phân tích những tác động của đô thị hóa dẫn tới sự chuyển
đổi nghề nghiệp, cơ cấu lao động việc làm của dân cư và đời sống văn hóa - xã
hội... của một số làng xã ven đô Hà Nội mới lên phường, thể hiện qua các chỉ báo
như: cơ cấu nguồn thu nhập, mức sống, nhà ở, cơ sở hạ tầng, môi trường, khuôn
mẫu hôn nhân... Tuy nhiên theo các tác giả thì việc sử dụng đất, cơ sở hạ tầng, cơ
cấu việc làm, các sinh hoạt văn hóa, lối sống... của cư dân ven đô vẫn còn mang
nặng tính làng xã, dẫn đến những bất cập trong quá trình phát triển của khu vực này
khi hội nhập vào đô thị.


17
Sự biến đổi văn hóa trong cộng đồng dân cư vùng đô thị hóa, đặc biệt là
những biến đổi trong quan hệ ứng xử gia đình, dòng họ và cộng đồng ở đây còn
được các nghiên cứu dưới góc độ nhân học làm sâu rộng hơn như nghiên cứu của
Nguyễn Đình Tuấn ở phường Định Công và xã Minh Khai, Nguyễn Thị Hồng Yến
ở hai phường Nhật Tân và Trung Kính... [108]. Bằng việc phân tích sự chuyển đổi
một số giá trị trong hôn nhân; phong tục tập quán, việc sử dụng thời gian rỗi vào
việc giải trí, sự thích ứng của người dân với những thay đổi khi làng xã trở thành
phường, những thách thức về chuyển đổi sinh kế, việc làm, lối sống...các tác giả đã
làm nổi bật những nét đặc thù của cư dân ven đô Hà Nội hiện nay.
Trong công trình Công nghiệp hóa, đô thị hóa và sự biến đổi sinh kế ở ven
đô Hà Nội, Nguyễn Văn Sửu đã mô tả, phân tích và lý giải về quá trình đô thị hóa
và những ảnh hưởng của các quá trình này đến sinh kế của các hộ gia đình nông dân
ở ven đô Hà Nội, trong đó nổi bật là việc biến đổi không gian sản xuất và sự hình
thành không gian đô thị cùng những hoạt động sinh kế mới [75].
Gần đây nhất là cuốn Làng ven đô và sự biến đổi văn hóa (trường hợp xã
Xuân Đỉnh, Từ Liêm, Hà Nội) của Nguyễn Thị Phương Châm và Đỗ Lan Phương đã
chỉ ra những tác động của đô thị hóa và những xu thế biến đổi văn hóa của làng
cũng như sự thích ứng linh hoạt của người dân nơi đây trong quá trình hội nhập vào

văn hóa đô thị... [11]. Những nghiên cứu trên, tuy chưa trực tiếp bàn về gia đình
nhưng trên thực tế, vấn đề gia đình và sự biến đổi của nó được gián tiếp đề cập
trong hầu hết các nghiên cứu đó.
Bàn về gia đình ở khu vực ven đô, có thể kể đến một số nghiên cứu tiêu biểu
Từ làng đến phố: đô thị hóa và quá trình chuyển đổi lối sống ở một làng ven đô
(trường hợp phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội) (2010), luận văn thạc
sỹ của Bùi Thị Kim Phương [64]; các bài viết của Nguyễn Đình Tuấn về Một số
biến đổi trong quan hệ ứng xử và sử dụng thời gian của người dân vùng chuyển đổi
từ xã lên phường [92]; Những biến đổi cơ bản của hệ giá trị văn hóa gia đình
truyền thống ở các làng ven đô Hà Nội trong quá trình đô thị hóa của Nguyễn Thị
Mỹ Hạnh [30]; về Gia đình trong quá trình đô thị hóa tại các vùng ven đô Hà Nội


18
(nghiên cứu trường hợp xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm, Hà Nội) của Bùi Văn Tuấn [91];
Sự biến đổi văn hóa gia đình trong quá trình đô thị hóa (nghiên cứu trường hợp xã
Mễ Trì, huyện Từ Liêm, Hà Nội) của Nguyễn Thị Nhật Hoan [32]... Những đặc
điểm nổi trội của văn hóa gia đình được đề cập trong các nghiên cứu này, đó là sự
đan xen giữa “đặc tính” của gia đình nông thôn và gia đình đô thị. Gia đình ven đô
Hà Nội một mặt vẫn giữ những đặc điểm của gia đình truyền thống, mặt khác cũng
đã rất cởi mở và linh hoạt, ở đó có sự tái cấu trúc từ không gian sống, lối sống, tập
tục, nghi lễ, các giá trị, chuẩn mực trong gia đình và giữa gia đình với dòng họ.
Tại Sáp Mai, hiện có một số bài viết như: Biến đổi không gian sống, lối sống
và văn hóa gia đình ở Sáp Mai của Nguyễn Thị Phượng và Nguyễn Tiến Lộc [67],
Biến đổi nghi thức thờ cúng trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt dưới
tác động của quá trình đô thị hóa (khảo sát tại xã Võng La, Đông Anh, Hà Nội) của
Nguyễn Văn Thắng [77]... cũng chỉ mới bàn đến một vài khía cạnh trong sự biến
đổi văn hóa gia đình nơi đây. Ngoài ra, còn một vài xuất bản phẩm của địa phương
như: Lý lịch di tích xã Võng La, Lịch sử đấu tranh cách mạng xã Võng La, Đông
Anh, Hà Nội [96]... với mục đích ghi lại truyền thống cách mạng của làng.

Tóm lại, khi nghiên cứu về khu vực ven đô và gia đình ven đô, hầu hết các
tác giả đều có chung quan điểm rằng, đây là một khu vực năng động và biến đổi
nhanh, thể hiện trong văn hóa, lối sống, phong tục tập quán, sinh kế và các ứng xử
trong gia đình. Từ các nghiên cứu này, nghiên cứu sinh cần đặt ra và trả lời các câu
hỏi cụ thể hơn: vậy trong sự biến đổi về không gian sống, lối sống, phong tục tập
quán, sinh kế như trên, hệ giá trị gia đình đã biến đổi như thế nào? Các gia đình ven
đô đã làm gì để thích nghi với quá trình biến đổi ấy...? Có thể nói, các nghiên cứu
về khu vực ven đô và gia đình ven đô đã cung cấp cho nghiên cứu sinh một vốn tri
thức phong phú về ven đô nói chung cũng như cung cấp những gợi ý mang tính
phương pháp luận trong nghiên cứu văn hóa gia đình ven đô đương đại.
3. Mục đích nghiên cứu và nhiệm vụ nghiên cứu
3.1. Mục đích nghiên cứu
Tìm hiểu thực trạng hệ giá trị gia đình ven đô Hà Nội (trường hợp làng Sáp


19
Mai) trong bối cảnh hiện nay. Chỉ ra những tác động của công nghiệp hóa, đô thị
hóa lên hệ giá trị gia đình và các hệ quả mà nó mang lại, đồng thời phân tích xu
hướng biến đổi của hệ giá trị gia đình ven đô Hà Nội hiện nay.
3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
Để thực hiện được mục đích nghiên cứu nêu trên, luận án có các nhiệm vụ
chính sau đây:
- Hệ thống hóa các khái niệm và vấn đề liên quan đến gia đình và hệ giá trị
gia đình để hình thành cơ sở lý luận cho nghiên cứu đề tài luận án.
- Làm rõ các vấn đề về gia đình và hệ giá trị gia đình ở làng ven đô Sáp Mai bao
gồm: đặc điểm gia đình, các phong tục tập quán trong gia đình, hệ giá trị gia đình, các tác
động của công nghiệp hóa, đô thị hóa lên gia đình và hệ giá trị gia đình ở Sáp Mai.
- Tìm hiểu thực trạng hệ giá trị gia đình ở Sáp Mai trong mối quan hệ với đô thị
hóa và công nghiệp hóa và những hệ quả mà nó mang lại trong đời sống gia đình.
- Xác định và đánh giá các yếu tố tác động ảnh hưởng đến sự hình thành các

trạng thái trên.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
4.1. Đối tượng nghiên cứu
- Đối tượng nghiên cứu của luận án là hệ giá trị gia đình làng ven đô Sáp Mai
hiện nay trong bối cảnh công nghiệp hóa đô thị hóa.
4.2. Phạm vi nghiên cứu
Về không gian, luận án giới hạn nghiên cứu hệ giá trị gia đình ở khu vực
đang trong quá trình đô thị hóa, trong đó lấy điểm nghiên cứu khảo sát là làng Sáp
Mai thuộc xã Võng La, huyện Đông Anh, Hà Nội.
Về thời gian, phạm vi nghiên cứu của luận án giới hạn trong giai đoạn từ sau
đổi mới đến nay, đặc biệt là từ thời điểm cuối những năm 1990 khi phần lớn đất
nông nghiệp trong làng được thu hồi để chuyển đổi mục đích sử dụng.
Về chủ thể, trước kia, Sáp Mai là một làng thuần nông, trong đó các hộ gia
đình nông dân chiếm tỷ lệ đa số. Tuy nhiên, từ năm 1997 trở đi, các đợt thu hồi đất
phục vụ cho việc xây dựng khu công nghiệp Bắc Thăng Long đã lấy đi phần lớn


20
diện tích đất canh tác của các hộ gia đình, khiến cho thành phần lao động thuần nông
giảm thiểu một cách rõ rệt chưa kể việc có rất nhiều hộ chỉ còn là hộ nông dân một
cách hình thức. Hiện tại đại đa số các hộ gia đình đã chuyển sang làm dịch vụ, công
nhân, và những nghề tự do đơn giản khác. Trong luận án, chúng tôi sẽ tập trung vào
các hộ gia đình này. Và vì giới hạn vấn đề nghiên cứu ở việc nhận diện thực trạng hệ
giá trị gia đình ven đô Hà Nội hiện nay nên chúng tôi sẽ quan tâm đến bức tranh về hệ
giá trị gia đình trong sự gắn kết với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa.
5. Phương pháp nghiên cứu
Đề tài này tập trung vào tìm hiểu hệ giá trị gia đình trong bối cảnh chuyển
đổi từ một xã hội mà con số lao động nông nghiệp chiếm tỷ lệ đáng kể sang một xã
hội phi nông nghiệp với cách tiếp cận văn hóa học. Nói cách khác, là từ một xã hội
“truyền thống” sang một xã hội được coi là “hiện đại”, nó đã nói lên điều gì về sự

lựa chọn giá trị của người dân để thích nghi và hội nhập, từ đó sáng tạo nên văn hóa
của mình, đó là điều mà nghiên cứu hướng tới.
Ở đây, chúng tôi chú trọng đến cái nhìn “từ bên trong” nhằm tìm hiểu quan
niệm của chủ thể văn hóa xung quanh những giá trị mà họ lựa chọn. Đây là cách tiếp
cận được nhiều nhà nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn trên thế giới sử dụng hiện
nay, với quan điểm xem người dân là những chủ thể có tính tự quyết đối với hành vi
của mình. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chú trọng đến cái nhìn từ bên ngoài một cách đúng
mức, bởi có những điều mà bản thân người trong cuộc không dễ nhận ra.
Với tư cách là một người trong cuộc, đã từng sống một thời gian dài ở khu
vực làng xã ven đô, với những trải nghiệm nhiều mặt gắn với đời sống gia đình
trong thập niên gần đây cũng là một yếu tố thuận lợi cho người viết trong việc tìm
hiểu về đối tượng nghiên cứu.
Với việc tìm hiểu hệ giá trị gia đình ở làng Sáp Mai, đề tài áp dụng phương
pháp nghiên cứu quen thuộc của văn hóa học đó là phương pháp nghiên cứu liên
ngành. Bên cạnh phương pháp quan sát tham dự và phỏng vấn sâu là những phương
pháp phổ biến trong dân tộc học và được lựa chọn như những phương pháp chính để
tìm hiểu động cơ, ý nghĩa ẩn kín của các hành vi lựa chọn của các chủ thể văn hóa,


21
nghiên cứu sinh cũng quan tâm đến phương pháp điều tra xã hội học nhằm hỗ trợ giải
quyết cho vấn đề nghiên cứu, đồng thời sử dụng phương pháp phân tích, tổng hợp tư
liệu thành văn có liên quan để nhận thức rõ hơn về vấn đề. Ngoài ra, luận án còn sử
dụng cách tiếp cận của Sử học (tiếp cận đối tượng nghiên cứu theo chiều lịch đại để
đánh giá, phân tích sự vận động của chủ thể qua các giai đoạn lịch sử quan trọng và
những hệ quả mà quá trình đó tạo ra đối với cuộc sống hiện tại của con người) và
phương pháp hệ thống loại hình để phân biệt các đặc trưng của gia đình ven đô.
Việc quan sát và phỏng vấn sâu, đối tượng phỏng vấn của đề tài là những
người làng hiện đang cư trú và sinh sống tại làng với các độ tuổi, giới tính, trình độ
học vấn và mức sống khác nhau. Nhằm thu được những thông tin đáng tin cậy nhất

có thể, nghiên cứu sinh đã lựa chọn và tiếp cận đối tượng phỏng vấn từ nhiều nguồn
như: sự giới thiệu của người quen, sự giới thiệu của chính người phỏng vấn, sự giới
thiệu của các cơ quan chức năng... Bên cạnh việc đưa ra những câu hỏi về vấn đề
hiện tại, việc đưa ra những câu hỏi mang tính hồi cố nhằm có được thông tin về đặc
điểm gia đình trong quá khứ, đặc biệt là hệ giá trị gia đình - cũng là điều mà nghiên
cứu sinh đặc biệt chú ý. Các thông tín viên lớn tuổi được đề nghị cho biết càng
nhiều càng tốt những trải nghiệm liên quan mà họ còn nhớ được. Mỗi cuộc phỏng
vấn sâu thường kéo dài từ 50 - 60 phút, được ghi âm với sự cho phép của những
người tham gia phỏng vấn. Sau đó các băng ghi âm được gỡ và chọn lọc thông tin
để phục vụ cho việc xây dựng bản thảo của luận án. Tên của người tham gia phỏng
vấn được thay đổi nhằm đảm bảo sự bí mật. Ngoài ra còn một số cuộc thảo luận
nhóm nhằm tìm hiểu các vấn đề thực trạng lối sống và sinh hoạt trong gia đình ở địa
phương, thực trạng quản lý và định hướng các chính sách của nhà nước và địa
phương về vấn đề gia đình, và quan điểm của họ trong việc đưa ra các giải pháp
nhằm xây dựng gia đình tiến bộ, bền vững...
Cả trong phỏng vấn sâu, thảo luận nhóm và quan sát tham dự, sau khi có kết
quả, nghiên cứu sinh đều tiến hành ngay việc phân tích dữ liệu nhằm rút kinh
nghiệm trong việc thu thập dữ liệu để điều chỉnh kế hoạch nghiên cứu cho phù hợp
với tình hình thực tiễn tại khu vực nghiên cứu.


22
Về phương pháp nghiên cứu định lượng: nghiên cứu sinh sử dụng phiếu điều
tra xã hội học để phỏng vấn người dân ở các điểm nghiên cứu. Mục đích của các
phiếu điều tra là thông qua các câu hỏi cho trước để thu thập các thông tin phản ánh
sự thay đổi trong quan niệm, lối sống của người dân ở địa phương được nghiên cứu
trong bối cảnh chuyển đổi hệ giá trị gia đình từ sau 1986 đến nay. Tổng số phiếu
điều tra tại điểm nghiên cứu là 400 phiếu, sau khi làm sạch còn 388 phiếu với cơ
cấu giới tính là 170 nam, 218 nữ.
Về việc tổng hợp - phân tích các tư liệu liên quan, nghiên cứu sinh tiếp cận,

phân tích, sử dụng các nhóm tài liệu sau: 1/ Các công trình nghiên cứu đã được
công bố; 2/ Các văn bản của Đảng bộ, Đảng ủy và UBND xã (các báo cáo kinh tế
xã hội hàng năm của địa phương và các định hướng phát triển kinh tế xã hội của
xã); 3/ Các tư liệu về làng gồm các công trình, bài viết nghiên cứu về Sáp Mai.
Ngoài ra, nghiên cứu sinh còn tham khảo các thông tin về làng trên Internet- một
nguồn tin có tính cập nhật và đa dạng- để tìm hiểu thêm những vấn đề mà đề tài
quan tâm về đời sống của người dân Sáp Mai hiện nay.
6. Câu hỏi nghiên cứu và giả thuyết nghiên cứu
6.1. Câu hỏi nghiên cứu
Hệ giá trị gia đình làng ven đô Sáp Mai hiện nay đang tồn tại như thế nào?
Các nhân tố tác động và những hệ quả mà nó mang lại?
6.2. Giả thuyết nghiên cứu
- Hệ giá trị gia đình ở làng ven đô Sáp Mai hiện nay đang có sự biến đổi
mạnh mẽ theo hướng từ truyền thống sang hiện đại, trong đó các giá trị sinh tồn vẫn
được đa số người dân ưu tiên lựa chọn song đã bắt đầu quan tâm đến giá trị chất
lượng sống. Sự coi trọng giá trị cộng đồng đang dần được thay thế bằng các giá trị
mang tính cá nhân.
- Những lựa chọn giá trị gia đình của người dân hiện nay là cơ sở của sự hình
thành các hành vi, khuôn mẫu và các vai trò mới trong gia đình.
- Công nghiệp hóa, đô thị hóa có tác động mạnh mẽ đến sự lựa chọn giá trị
gia đình của người dân ven đô hiện nay.


23
7. Đóng góp của luận án
7.1. Trên góc độ lý thuyết và phương pháp nghiên cứu
- Đây là một nghiên cứu về hệ giá trị gia đình ở một làng ven đô Hà Nội
trong bối cảnh công nghiệp hóa, đô thị hóa - dưới góc độ văn hóa học.
- Trên góc độ lý luận, qua việc giải quyết vấn đề nghiên cứu, luận án bước
đầu làm rõ các khái niệm cũng như vận dụng một số luận điểm của lý thuyết Hiện

đại hóa với đại diện là Inglehart & Baker và lý thuyết Công nghiệp văn hóa với
quan điểm của W.Goode, là những luận điểm lý thuyết được biết đến nhiều trong
lĩnh vực nghiên cứu biến đổi giá trị văn hóa và gia đình, nhằm giải thích về thực
trạng hệ giá trị gia đình làng ven đô Sáp Mai trong bối cảnh hiện nay
7.2. Trên góc độ thực tiễn
Đề tài góp phần làm toàn diện hơn nữa nhận thức về thực trạng hệ giá trị gia
đình Việt Nam hiện nay, khi đô thị hóa đang là một xu thế ngày càng phát triển, và
vì thế, cung cấp thêm cơ sở cho các nhà hoạch định chính sách và những người thực
hiện các dự án phát triển về lĩnh vực gia đình và văn hóa gia đình, góp phần xây
dựng gia đình hiện đại, bền vững và nhân văn, phù hợp với xu hướng phát triển của
xã hội đương đại.
8. Kết cấu của luận án
Ngoài phần Mở đầu (19 trang), Kết luận (4 trang), Tài liệu tham khảo (15
trang), Phụ lục (41 trang), nội dung luận án được trình bày trong 3 chương:
- Chương 1: Cơ sở lý luận và thực tiễn về hệ giá trị gia đình (30 trang)
- Chương 2: Thực trạng hệ giá trị gia đình ở Sáp Mai hiện nay (40 trang)
- Chương 3: Xu hướng và vấn đề đặt ra từ thực trạng hệ giá trị gia đình ở Sáp
Mai (30 trang)


×