BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
NGUYỄN THỊ TOÀN
CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN HÀNH VI
QUẢN TRỊ LỢI NH NGHIÊN CỨU TẠI
CÁC CÔNG TY NIÊM YẾT TRÊN SỞ GIAO
DỊCH CHỨNG KHOÁN HÀ NỘI
LUẬN VĂN THẠC SĨ KINH TẾ
Thành phố Hồ Chí Minh – Năm 2016
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
NGUYỄN THỊ TOÀN
CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN HÀNH VI
QUẢN TRỊ LỢI NHUẬN – NGHIÊN CỨU TẠI
CÁC CÔNG TY NIÊM YẾT TRÊN SỞ GIAO
DỊCH CHỨNG KHOÁN HÀ NỘI
Chuyên ngành: KẾ TOÁN
Mã số: 60340301
LUẬN VĂN THẠC SĨ KINH TẾ
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
TS. NGUYỄN THỊ THU
Thành phố Hồ Chí Minh – Năm 2016
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan luận văn “Các nhân tố ảnh hưởng đến hành vi quản trị
lợi nhuận – Nghiên cứu tại các công ty niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán
Hà Nội” là công trình nghiên cứu khoa học của riêng tôi và hoàn thành dưới sự
hướng dẫn của người hướng dẫn khoa học. Các thông tin, số liệu và kết quả
nghiên cứu nêu trong luận văn là hoàn toàn trung thực. Luận văn chưa từng
được tác giả công bố dưới bất kỳ hình thức nào.
Tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm với lời cam đoan trên.
Nguyễn Thị Toàn
MỤC LỤC
TRANG PHỤ BÌA
LỜI CAM ĐOAN
DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT
DANH MỤC CÁC BẢNG
DANH MỤC CÁC HÌNH VẼ VÀ BIỂU ĐỒ
PHẦN MỞ ĐẦU ........................................................................................................ 1
1.Tính cấp thiết của đề tài ................................................................................... 1
2.Mục tiêu nghiên cứu và câu hỏi nghiên cứu................................................... 3
3.Đối tượng nghiên cứu và phạm vi của nghiên cứu ........................................ 4
4.Phương pháp nghiên cứu ................................................................................. 5
5.Đóng góp mới của luận văn ............................................................................. 5
6.Kết cấu của luận văn ........................................................................................ 6
CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU .................................. 8
1.1.Tình hình nghiên cứu trên thế giới .............................................................. 8
1.1.1.Nghiên cứu về mô hình đo lường hành vi quản trị lợi nhuận ................. 8
1.1.2.Nghiên cứu về động cơ dẫn đến hành vi quản trị lợi nhuận ................... 9
1.1.3.Nghiên cứu về kỹ thuật quản trị lợi nhuận............................................ 10
1.1.4.Nghiên cứu về các nhân tố đặc điểm công ty ảnh hưởng đến hành
vi quản trị lợi nhuận ....................................................................................... 10
1.1.5.Nghiên cứu về hậu quả của hành vi quản trị lợi nhuận......................... 11
1.2.Tình hình nghiên cứu trong nước .............................................................. 12
1.2.1.Nghiên cứu về mô hình đo lường hành vi quản trị lợi nhuận ............... 12
1.2.2.Nghiên cứu về động cơ dẫn đến hành vi quản trị lợi nhuận ................. 12
1.2.3.Nghiên cứu về kỹ thuật quản trị lợi nhuận............................................ 13
1.2.4.Nghiên cứu về các nhân tố đặc điểm công ty ảnh hưởng đến hành
vi quản trị lợi nhuận ....................................................................................... 14
1.2.5.Nghiên cứu về hậu quả của hành vi quản trị lợi nhuận......................... 16
1.3.Nhận xét và xác định vấn đề nghiên cứu ................................................... 16
KẾT LUẬN CHƯƠNG 1 ....................................................................................... 18
CHƯƠNG 2: CƠ SỞ LÝ THUYẾT VỀ HÀNH VI QUẢN TRỊ LỢI
NHUẬN VÀ CÁC VẤN ĐỀ LIÊN QUAN ............................................................ 19
2.1.Định nghĩa hành vi quản trị lợi nhuận ...................................................... 19
2.2.Các lý thuyết nền tảng ................................................................................. 20
2.2.1.Lý thuyết đại diện (Agency Theory) ..................................................... 20
2.2.2.Lý thuyết tín hiệu (Signaling Theory) .................................................. 22
2.3.Biến kế toán dồn tích và nhận diện hành vi quản trị lợi nhuận .............. 23
2.3.1.Biến kế toán dồn tích ............................................................................ 23
2.3.2.Nhận diện hành vi quản trị lợi nhuận .................................................... 23
2.4.Một số công cụ quản trị lợi nhuận. ............................................................ 25
2.4.1.Thay đổi chính sách kế toán áp dụng. ................................................... 25
2.4.2.Thông qua việc trích lập và hoàn nhập các khoản dự phòng tổn thất
tài sản ............................................................................................................. 25
2.4.3.Thông qua việc lựa chọn phương pháp đánh giá sản phẩm dở dang. ... 26
2.4.4.Thông qua các khoản trích trước và phân bổ ........................................ 26
2.4.5.Thông qua các khoản dự phòng phải trả ............................................... 27
2.4.6.Việc ước tính tỷ lệ hoàn thành và ghi nhận doanh thu, chi phí đối
với hợp đồng dài hạn ...................................................................................... 28
2.5.Tổng quan về Thông tư 200/2014/TT-BTC ............................................... 29
2.5.1.Lựa chọn phương pháp tính giá hàng xuất kho..................................... 29
2.5.2.Ghi nhận doanh thu đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động
sản .................................................................................................................. 30
2.5.3.Ghi nhận chi phí chiết khấu thương mại, khuyến mãi và giảm giá
hàng bán ......................................................................................................... 30
2.5.4.Ghi nhận dự phòng hoàn nguyên môi trường ....................................... 32
2.5.5.Ghi nhận lãi phải thu từ các khoản cho vay .......................................... 32
2.5.6.Ghi nhận lãi vay đối với nhà thầu xây lắp ............................................ 33
KẾT LUẬN CHƯƠNG 2 ........................................................................................ 34
CHƯƠNG 3: THIẾT KẾ NGHIÊN CỨU ............................................................ 35
3.1.Mô hình nghiên cứu và phát triển giả thuyết nghiên cứu........................ 35
3.1.1.Mô hình nghiên cứu .............................................................................. 35
3.1.2.Phát triển giả thuyết nghiên cứu ........................................................... 36
3.1.2.1.Chế độ kế toán .............................................................................. 36
3.1.2.2.Quy mô công ty ............................................................................ 37
3.1.2.3.Thời gian hoạt động của công ty .................................................. 37
3.1.2.4.Thời gian niêm yết của công ty .................................................... 38
3.1.2.5.Loại công ty kiểm toán ................................................................. 38
3.1.2.6.Tính trì hoãn của báo cáo tài chính .............................................. 40
3.2.Phương pháp nghiên cứu và quy trình nghiên cứu .................................. 40
3.2.1.Phương pháp nghiên cứu....................................................................... 40
3.2.2.Quy trình nghiên cứu ............................................................................ 41
3.3.Mô hình hồi quy ........................................................................................... 43
3.3.1.Mô hình đo lường hành vi quản trị lợi nhuận – Mô hình Modified
Jones – Mô hình hồi quy giai đoạn 1 ............................................................. 43
3.3.2.Mô hình nghiên cứu các nhân tố - Mô hình hồi quy giai đoạn 2 .......... 45
3.4.Chọn mẫu và thu thập dữ liệu .................................................................... 47
3.4.1.Chọn mẫu .............................................................................................. 47
3.4.2.Thu thập dữ liệu .................................................................................... 49
3.5.Phân tích dữ liệu .......................................................................................... 49
3.5.1.Phân tích thống kê mô tả: ...................................................................... 49
3.5.2.Phân tích tương quan và phân tích hồi quy ........................................... 50
KẾT LUẬN CHƯƠNG 3 ........................................................................................ 52
CHƯƠNG 4: KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ BÀN LUẬN ................................. 53
4.1.Kết quả nghiên cứu...................................................................................... 53
4.1.1.Kết quả nghiên cứu giai đoạn 1 ............................................................ 53
4.1.2.Kết quả nghiên cứu giai đoạn 2 ............................................................ 57
4.1.2.1.Thống kê mô tả ............................................................................. 57
4.1.2.2.Phân tích tương quan .................................................................... 59
4.1.2.3.Phân tích hồi quy .......................................................................... 60
4.2.Bàn luận kết quả .......................................................................................... 67
KẾT LUẬN CHƯƠNG 4 ........................................................................................ 69
CHƯƠNG 5: KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ......................................................... 70
5.1.Kết luận ........................................................................................................ 70
5.2.Kiến nghị ...................................................................................................... 71
5.2.1.Đối với cơ quan quản lý nhà nước ........................................................ 71
5.2.2.Đối với công ty niêm yết ....................................................................... 72
5.2.3.Đối với công ty kiểm toán ..................................................................... 73
5.2.4.Đối với các đối tượng sử dụng thông tin .............................................. 73
5.3.Hạn chế của nghiên cứu .............................................................................. 74
KẾT LUẬN CHƯƠNG 5 ........................................................................................ 76
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
PHỤ LỤC
DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT
BCTC
Báo cáo tài chính
Big4
Nhóm các công ty kiểm toán, gồm: Ernst & Young, Deloitte
Touche, KPMG và PriceWaterhouseCoopers
Big6
Nhóm các công ty kiểm toán, gồm: Arthur Andersen, Ernst &
Young, Coopers & Lybrand, Deloitte Touche, KPMG và Price
Waterhouse
BTC
Bộ tài chính
DA
Biến kế toán dồn tích có điều chỉnh
FGLS
Phương pháp ước lượng bình phương tổi thiểu tổng quát khả
thi
HĐKD
Hoạt động kinh doanh
HOSE
Sở giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh
NDA
Biến kế toán dồn tích không điều chỉnh
OLS
Phương pháp ước lượng bình phương nhỏ nhất
QĐ
Quyết định
TA
Tổng biến kế toán dồn tích
TP.HCM
Thành phố Hồ Chí Minh
TT
Thông tư
TTCK
Thị trường chứng khoán
VAS
Chuẩn mực kế toán Việt Nam
DANH MỤC CÁC BẢNG
Bảng 3.1. Mô tả các biến độc lập
Bảng 4.1. Kết quả đo lường các hệ số hồi quy theo mô hình Modified Jones
Bảng 4.2. Mô tả thống kê biến kế toán dồn tích có điều chỉnh
Bảng 4.3. Thống kê mô tả các biến trong mô hình hồi quy giai đoạn 2
Bảng 4.4. Thống kê mô tả biến loại công ty kiểm toán
Bảng 4.5. Ma trận tương quan mô hình hồi quy giai đoạn 2
Bảng 4.6. kết quả hồi quy giai đoạn 2 theo phương pháp OLS
Bảng 4.7. Kết quả kiểm định hiện tượng tự tương quan, phương sai thay đổi và đa
cộng tuyến
Bảng 4.8. Kết quả khắc phục hiện tượng phương sai thay đổi với hồi quy FGLS có
trọng số
Bảng 4.9. Kết quả kiểm định giả thuyết của bài nghiên cứu
DANH MỤC CÁC HÌNH VẼ VÀ BIỂU ĐỒ
Hình 3.1. Mô hình ảnh hưởng vận dụng chế độ kế toán đến hành vi quản trị lợi
nhuận của các công ty niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội.
Hình 3.2. Mô hình các nhân tố về đặc điểm công ty ảnh hưởng đến hành vi quản
trị lợi nhuận của các công ty niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội
Hình 3.3. Quy trình nghiên cứu
Biểu đồ 4.1. Xu hướng quản trị công ty của các công ty niêm yết tại Sở giao dịch
chứng khoán Hà Nội
Biểu đồ 4.2. Thực trạng quản trị công ty của các công ty niêm yết tại Sở giao dịch
chứng khoán Hà Nội
Biểu đồ 4.3. Phân phối chuẩn của phần dư
1
PHẦN MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Lợi nhuận, một chỉ tiêu kinh tế tổng hợp phản ánh hiệu quả của quá trình
kinh doanh. Doanh nghiệp chỉ tồn tại và phát triển khi nó tạo ra lợi nhuận, nếu
doanh nghiệp hoạt động không có hiệu quả, thu không đủ bù đắp chi phí đã bỏ
ra thì doanh nghiệp sẽ bị đào thải, đi đến phá sản. Nhà đầu tư thường dựa vào
các thông tin được công bố từ các công ty niêm yết để ra quyết định đầu tư và có
xu hướng đầu tư vào các công ty kinh doanh có hiệu quả và có triển vọng tăng
trưởng cao (Đặng Ngọc Hùng, 2015). Lợi nhuận trước thuế thu nhập doanh
nghiệp là cơ sở để các cơ quan thuế thu thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp
của các doanh nghiệp; Và chỉ tiêu lợi nhuận là một trong các cơ sở để các trung
gian tài chính ra quyết định cho vay. Như vậy, lợi nhuận là chỉ tiêu quan trọng
đối với doanh nghiệp vì nó ảnh hưởng đến sự sống còn của doanh nghiệp và sự
trung thực của chỉ tiêu lợi nhuận là vấn đề cực kỳ quan trọng vì nó ảnh hưởng
đến việc ra quyết định của người sử dụng thông tin.
Healy và Whalen (1999) cho rằng khi các nhà quản trị sử dụng những xét
đoán của mình trên báo cáo tài chính và trong cơ cấu của nghiệp vụ kinh tế phát
sinh để làm thay đổi báo cáo tài chính, để gây ra sự hiểu nhầm về tình trạng hoạt
động của doanh nghiệp hoặc tác động đến kết quả các hợp đồng mà chúng dựa
vào số liệu báo cáo của kế toán, nhằm đạt được các lợi ích cá nhân của mình thì
đồng nghĩa với việc hành vi quản trị lợi nhuận của nhà quản trị đã xảy ra. Như
vậy, làm thế nào để nhận biết được hành vi quản trị lợi nhuận của các nhà quản
trị? Các nhà quản trị dùng những kỹ thuật gì để quản trị lợi nhuận? Những nhân
tố nào tác động đến hành vi quản trị lợi nhuận của nhà quản trị?...Đây là những
câu hỏi quan trọng đặt ra cho những người sử dụng thông tin để họ có một cái
2
nhìn bao quát về hành vi quản trị lợi nhuận của các doanh nghiệp, từ đó có
nguồn thông tin đáng tin cậy hỗ trợ việc ra quyết định của mình.
Ronen và Yaari (2008) cho rằng các nhà quản trị có thể thực hiện quản trị
lợi nhuận thông qua việc lựa chọn chính sách kế toán hoặc thông qua các hoạt
động kinh tế phát sinh tại đơn vị. Chính sách kế toán là các nguyên tắc, cơ sở và
phương pháp kế toán cụ thể được doanh nghiệp áp dụng trong việc lập và trình
bày báo cáo tài chính (VAS29); và việc lựa chọn và áp dụng các chính sách kế
toán phù hợp với quy định của từng chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán hiện
hành (VAS21). Như vậy, khi chế độ kế toán thay đổi có thể sẽ ảnh hưởng đến
việc lựa chọn và áp dụng chính sách kế toán của các doanh nghiệp, từ đó có thể
ảnh hưởng đến hành vi quản trị lợi nhuận của các doanh nghiệp.
Ngày 22/12/2014, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 200/2014/TT-BTC
hướng dẫn Chế độ kế toán Doanh nghiệp thay thế cho Quyết định 15/2006/QĐBTC, áp dụng cho việc lập và trình bày báo cáo tài chính từ năm 2015 trở đi.
Như vậy Báo cáo tài chính năm 2014 của các doanh nghiệp được lập và trình
bày theo Quyết định 15/2006/QĐ-BTC, và Báo cáo tài chính năm 2015 của các
doanh nghiệp được lập và trình bày theo Thông tư 200/2014/TT-BTC. Như vậy,
có sự khác biệt về mức độ quản trị lợi nhuận của các doanh nghiệp trong năm
2014 và năm 2015 hay không?
Trong những năm gần đây, các nhà nghiên cứu tại Việt Nam đã bước đầu
quan tâm đến vần đề quản trị lợi nhuận. Phan Thị Thanh Trang (2015) đã tiến
hành nghiên cứu xem xét hành vi quản trị lợi nhuận của các công ty niêm yết tại
HOSE trước và sau khi niêm yết, đồng thời xem xét ảnh hưởng của điều kiện
kinh tế đến quản trị lợi nhuận; Đặng Ngọc Hùng (2015) đã tiến hành nghiên cứu
xu hướng quản trị lợi nhuận do thay đổi thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp
của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam;… Tuy nhiên,
hiện nay, chưa có nghiên cứu nào xem xét ảnh hưởng của việc lựa chọn và áp
dụng chính sách kế toán đến hành vi quản trị lợi nhuận.
3
Từ tầm quan trọng của vấn đề, và từ tính thiết thực của việc tạo ra một
công cụ đơn giản hỗ trợ việc ra quyết định cho những người sử dụng thông tin
thông qua mối liên hệ giữa những thông tin cơ bản được công bố bởi các công ty
niêm yết (đặc điểm công ty) và hành vi quản trị lợi nhuận, luận văn này nghiên
cứu đề tài: “Các nhân tố ảnh hưởng đến hành vi quản trị lợi nhuận – Nghiên
cứu tại các công ty niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội”.
2. Mục tiêu nghiên cứu và câu hỏi nghiên cứu
a. Mục tiêu nghiên cứu
Mục tiêu của nghiên cứu là phân tích thực trạng mức độ quản trị lợi
nhuận trong giai đoạn thay đổi chế độ kế toán, đồng thời xác định và phân tích
ảnh hưởng của nhóm nhân tố đặc điểm công ty (bao gồm quy mô công ty, thời
gian hoạt động của công ty, thời gian niêm yết của công ty, loại công ty kiểm
toán và tính trì hoãn của báo cáo tài chính) đến hành vi quản trị lợi nhuận của
các công ty niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội. Dựa trên kết quả
nghiên cứu đưa ra một vài kiến nghị cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên
quan nhằm hỗ trợ họ trong việc ra các quyết định phù hợp.
b. Câu hỏi nghiên cứu
Để thực hiện được mục tiêu đặt ra, luận văn sẽ trả lời các câu hỏi sau:
Câu hỏi 1: Mức độ quản trị lợi nhuận của các công ty niêm yết tại sở
giao dịch chứng khoán Hà Nội trong năm 2014 và năm 2015 (giai đoạn thay đổi
chế độ kế toán) như thế nào?
Câu hỏi 2: Ảnh hưởng của các nhân tố đặc điểm công ty đến mức độ
quản trị lợi nhuận của các công ty niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội
trong năm 2015 như thế nào?
4
Câu hỏi 3: Cần đề xuất những kiến nghị nào đối với các đối tượng liên
quan nhằm hỗ trợ họ trong việc ra các quyết định phù hợp.
3. Đối tượng nghiên cứu và phạm vi của nghiên cứu
a. Đối tượng nghiên cứu
Hành vi quản trị lợi nhuận của các công ty niêm yết tại Sở giao dịch
chứng khoán Hà Nội trong năm 2014 và năm 2015, và các nhân tố liên quan đến
đặc điểm công ty ảnh hưởng đến hành vi quản trị lợi nhuận của các công ty niêm
yết tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội trong năm 2015.
b. Phạm vi nghiên cứu
Nguyễn Thị Phương Hồng (2016) đã tổng hợp khá chi tiết các nhân tố có
liên quan đến hành vi quản trị lợi nhuận, gồm 23 nhân tố và được chia thành 5
nhóm nhân tố: nhóm biến liên quan đến cơ cấu sở hữu vốn, nhóm biến liên quan
đến quản trị công ty, nhóm biến liên quan đến cơ cấu vốn, nhóm biến liên quan
đến đặc điểm thị trường của công ty và nhóm biến liên quan đến hiệu quả công
ty. Đề tài chỉ tập trung nghiên cứu ảnh hưởng của các nhân tố bao gồm vận dụng
chế độ kế toán (lựa chọn và áp dụng chính sách kế toán, ước tính kế toán) và
nhóm nhân tố về đặc điểm công ty (quy mô công ty, thời gian hoạt động của
công ty, thời gian niêm yết của công ty, loại công ty kiểm toán và tính trì hoãn
của báo cáo tài chính). Theo đó, phạm vi nghiên cứu của luận văn như sau:
Không gian: Luận văn tập trung xem xét hành vi quản trị lợi nhuận của
các công ty niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội, bỏ qua các công ty
thuộc nhóm ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm vì các công ty này có đặc
điểm riêng biệt.
Thời gian: Tập trung nghiên cứu trong giai đoạn 2014-2015 để xem xét
sự khác biệt về hành vi quản trị lợi nhuận của các công ty niêm yết tại Sở giao
dịch chứng khoán Hà Nội trong giai đoạn thay đổi chế độ kế toán.
5
4. Phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu đã hệ thống các lý thuyết nền tảng, hệ thống và phân tích
những công trình nghiên cứu trước đây có liên quan đến đo lường hành vi quản
trị lợi nhuận để lựa chọn mô hình đo lường hành vi quản trị lợi nhuận cho luận
văn, và hệ thống và phân tích những công trình nghiên cứu trước đây có liên
quan đến các nhân tố đặc điểm công ty ảnh hưởng đến hành vi quản trị lợi nhuận
để xây dựng mô hình nghiên cứu các nhân tố. Sau đó, tác giả sử dụng phương
pháp định lượng để xem xét ảnh hưởng của các nhân tố này đến quản trị lợi
nhuận tại các công ty niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội với sự hỗ
trợ của Eview6.
5. Đóng góp mới của luận văn
Kết quả của luận văn có một số đóng góp như sau:
-
Hầu hết các nghiên cứu về hành vi quản trị lợi nhuận tại Việt
Nam đều nghiên cứu tập trung cho các công ty niêm yết tại Sở giao dịch
chứng khoán TP.HCM, hoặc nghiên cứu bao quát cho cả thị trường
chứng khoán Việt Nam. Trong khi đó, luận văn này chỉ tập trung nghiên
cứu cho các công ty niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội. Kết
quả cho thấy hầu hết tất cả các công ty niêm yết tại Sở giao dịch chứng
khoán Hà Nội đều thực hiện hành vi quản trị lợi nhuận trong giai đoạn
2014-2015.
-
Luận văn tiến hành xem xét mức độ quản trị lợi nhuận của các
công niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội trong giai đoạn mới
nhất là giai đoạn 2014-2015, kết quả nghiên cứu cho thấy, mức độ quản
trị lợi nhuận của năm 2015 không có sự khác biết đáng kể về mặt ý
nghĩa thống kê so với mức độ quản trị lợi nhuận năm 2014.
6
-
Luận văn tập trung xem xét các nhân tố đặc điểm công ty ảnh
hưởng đến hành vi quản trị lợi nhuận cho năm tài chính mới nhất, giúp
các đối tượng liên quan có thể cập nhật thông tin về hành vi quản trị lợi
nhuận của các công ty niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội,
từ đó hỗ trợ cho việc ra quyết định của mình. Kết quả nghiên cứu cho
thấy 4 nhân tố liên quan đến đặc điểm công ty, bao gồm: quy mô công
ty, thời gian hoạt động của công ty, loại công ty kiểm toán và tính trì
hoãn của báo cáo tài chính có ảnh hưởng đến hành vi quản trị lợi nhuận
của các công ty niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội.
-
Kết quả nghiên cứu của luận văn cùng với các kiến nghị được
đề xuất có thể là một công cụ hữu ích cho các đối tượng liên quan như
cơ quan quản lý nhà nước, công ty niêm yết, công ty kiểm toán và các
đối tượng sử dụng thông tin... trong việc ra các quyết định.
6. Kết cấu của luận văn
Ngoài phần mở đầu và kết luận, luận văn được chia thành 5 chương:
Chương 1 – Tổng quan tình hình nghiên cứu: Trình bày các công trình
nghiên cứu trước đây của Việt Nam và quốc tế về hành vi quản trị lợi nhuận của
các công ty.
Chương 2 – Cơ sở lý thuyết về hành vi quản trị lợi nhuận và các vấn đề
liên quan: Trình bày các lý thuyết liên quan đến hành vi quản trị lợi nhuận, các
công cụ quản trị lợi nhuận và Thông tư 200/2014/TT-BTC.
Chương 3 – Thiết kế nghiên cứu: Phát triển các giả thuyết nghiên cứu,
đưa ra mô hình nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu, quy trình nghiên cứu và
trình bày cách thu thập dữ liệu, chọn mẫu và phương pháp phân tích dữ liệu.
7
Chương 4 – Kết quả nghiên cứu và thảo luận: Trình bày kết quả nghiên
cứu, đồng thời thảo luận mối quan hệ giữa các nhân tố với hành vi quản trị lợi
nhuận.
Chương 5 – Kết luận và các kiến nghị: Trình bày kết luận của bài nghiên
cứu, hạn chế bài nghiên cứu và đề xuất định hướng nghiên cứu trong tương lai.
Đồng thời, đưa ra một vài góp ý đối với các đối tượng có liên quan nhằm hỗ trợ
họ trong việc đưa ra các quyết định phụ hợp.
8
CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
1.1. Tình hình nghiên cứu trên thế giới
1.1.1.
Nghiên cứu về mô hình đo lường hành vi quản trị lợi nhuận
Mô hình Healy (1985) là mô hình đầu tiên đo lường hành vi quản trị lợi
nhuận, mô hình chỉ so sánh chỉ số tổng dồn tích trên tài sản giữa các nhóm
doanh nghiệp chứ không đo lường trực tiếp dồn tích. Mô hình DeAngelo
(1986) tính chênh lệch giữa tổng dồn tích của hai kỳ trên tài sản để xác định
dồn tích có điều chỉnh riêng biệt cho mỗi doanh nghiệp. Mô hình Jones (1991)
tính dồn tích không điều chỉnh là một hàm số thay đổi theo doanh thu và tài
sản cố định hữu hình, tính tổng biến dồn tích bằng cách lấy lợi nhuận sau thuế
trừ đi dòng tiền từ hoạt động kinh doanh, và dồn tích có điều chỉnh được xác
định là phần còn lại của tổng dồn tích sau khi trừ đi dồn tích không điều chỉnh.
Mô hình Friedlan (1994) là một biến thể của mô hình DeAngelo (1986), xác
định dồn tích có điều chỉnh bằng cách tính chênh lệch giữa tổng dồn tích của
hai kỳ trên tài sản được chuẩn hóa bởi doanh thu bán hàng. Mô hình của
Dechow và các cộng sự (1995) (còn gọi là mô hình Modified Jones) cải tiến
mô hình Jones (1991) bằng cách bổ sung thêm một yếu tố tạo ra dồn tích
không điều chỉnh là nợ phải thu; theo đó Dechow và các cộng sự (1995) tiến
hành so sánh các mô hình để đo lường hành vi quản trị lợi nhuận, kết quả cho
thấy mô hình Modified Jones là tốt nhất để phát hiện quản trị lợi nhuận. Mô
hình của Kothari và các cộng sự (2005) phát triển mô hình của Jones (1991) và
mô hình Modified Jones (1995) với việc đưa thêm biến lợi nhuận trên tổng tài
sản vào mô hình nhằm xem xét mối quan hệ giữa biến dồn tích và kết quả hoạt
động của công ty; tuy nhiên, nghiên cứu của Keung and Shih (2014) cho thấy
các sai số của mô hình của Kothari và các cộng sự (2005) sẽ có mối tương
quan ngược chiều với biến kế toán dồn tích có thề điều chỉnh.
9
1.1.2.
Nghiên cứu về động cơ dẫn đến hành vi quản trị lợi nhuận
Healy (1985) tìm thấy bằng chứng về hành vi sử dụng các khoản dồn
tích để tối đa hóa các khoản thưởng. Watts and Zimmerman (1990) cho rằng
các nhà quản lý có động lực để thúc đẩy báo cáo lợi nhuận từ tương lai đến kỳ
kế toán hiện hành khi một kế hoạch giải thưởng tồn tại dựa trên lợi nhuận.
Healy and Wahlen (1999) cho rằng có ba động cơ chính dẫn đến hành vi quản
trị lợi nhuận, đó là kỳ vọng thị trường vốn, các hợp đồng bằng văn bản được
ký kết trong đó có liên quan đến số liệu kế toán, và phản ứng lại các quy định
của chính phủ. Baralexis (2004) cho thấy các công ty nhỏ đang thực sự quan
tâm nhiều hơn về tiết kiệm chi phí thuế trong cân nhắc quản trị lợi nhuận. Ball
and Shivakumare (2005) xác định thuế là một trong những mục tiêu chính của
báo cáo thường niên của các công ty tư nhân. Burgstahler and Eames (2006)
nghiên cứu vai trò của kỳ vọng thị trường vốn và phát hiện ra rằng hành vi
quản trị lợi nhuận càng tăng khi đáp ứng những kỳ vọng của các nhà phân tích
và những dự báo trong quản lý. Bergstresser and Philippon (2006) nghiên cứu
về hành vi quản trị lợi nhuận của nhà quản lý khi họ được quyền chọn mua cổ
phiếu, kết quả cho thấy để gia tăng tài sản cá nhân, nhà quản trị luôn có xu
hướng quản trị lợi nhuận theo hướng tăng lên. Chevis và các cộng sự (2007) đã
nghiên cứu về sự đồng thuận và đánh giá công ty từ thị trường vốn, kết quả
cho thấy các công ty nếu đạt hoặc vượt kế hoạch sẽ được đánh giá cao hơn các
công ty không đạt được kế hoạch. Noronha và các cộng sự (2008) cho thấy
động cơ hợp đồng bồi thường quản lý và tiết kiệm chi phí thuế thu nhập doanh
nghiệp là những động cơ cho hành vi quản trị lợi nhuận tại các công ty đại
chúng của Trung Quốc. Nghiên cứu của Ahmad–Zaluki và các cộng sự (2011)
cho thấy các công ty có hành vi quản trị lợi nhuận nhiều nhất vào những năm
niêm yết, đặc biệt là các công ty niêm yết trong giai đoạn khủng hoảng. Omar
Farooq and Meryem Benali (2012) cho thấy các công ty cổ phần có hành vi
quản trị lợi nhuận trong suốt những năm niêm yết, tuy nhiên mức độ quản trị
lợi nhuận của năm đầu niêm yết cao hơn những năm trước và sau niêm yết.
10
Như vậy, có thể nói các động cơ chủ yếu dẫn đến hành vi quản trị lợi nhuận
bao gồm: kỳ vọng của thị trường vốn, lợi ích từ các hợp đồng dựa trên lợi
nhuận kế toán, các quy định về pháp lý của chính phủ và các quy định của các
đối tượng có liên quan.
1.1.3.
Nghiên cứu về kỹ thuật quản trị lợi nhuận
DuCharme và các cộng sự (2000) cho rằng nhà quản trị có thể thông
qua việc lựa chọn các phương pháp kế toán, sử dụng các ước tính kế toán và
ghi nhận các khoản thu và chi phí để thực hiện hành vi quản trị lợi nhuận.
Verbruggen và các cộng sự (2008) cho rằng có 4 – bốn kỹ thuật quản trị lợi
nhuận: quản trị lợi nhuận thông qua dồn tích các đối tượng cụ thể (một tình
huống cụ thể, một chuẩn mực kế toán cụ thể hay một ngành công nghiệp cụ
thể), quản trị lợi nhuận thông qua phân bổ chi phí hay doanh thu, quản trị lợi
nhuận thông qua công bố thông tin, và quản trị lợi nhuận thông qua các hoạt
động thực tế.
1.1.4.
Nghiên cứu về các nhân tố đặc điểm công ty ảnh hưởng đến hành
vi quản trị lợi nhuận
Becker và các cộng sự (1998) sử dụng mô hình Jones (1991) quan sát
các công ty do Big6 (hiện nay là Big4) kiểm toán và không do Big6 kiểm toán,
kết quả cho thấy các công ty không do Big 6 kiểm toán quản trị lợi nhuận cao
hơn các công ty do Big 6 kiểm toán.
Nghiên cứu của Roodposhti & Chashmin (2011) về tác động của cơ chế
quản trị công ty đến quản trị lợi nhuận với mẫu nghiên cứu gồm 196 công ty
niêm yết trên Sàn chứng khoán Tehran trong giai đoạn 2004-2008. Kết quả
nghiên cứu cho thấy quy mô công ty càng tăng thì hành vi quản trị lợi nhuận
càng tăng.
Nghiên cứu của Ahmad–Zaluki và các cộng sự (2011) về hành vi quản
11
trị lợi nhuận của các công ty niêm yết tại Malaysia với mẫu nghiên cứu gồm
250 công ty trong giai đoạn 1990-2000 và sử dụng mô hình Jones (1991) để
nhận diện hành vi quản trị lợi nhuận, cho thấy chất lượng công ty kiểm toán và
thời gian hoạt động của công ty có tác động nghịch biến với hành vi quản trị
lợi nhuận.
Nghiên cứu của Soliman & Ragab (2013) sử dụng mô hình Jones
(1991) đã quan sát 40 công ty niêm yết tại Sàn chứng khoán Ai Cập trong giai
đoạn 2007-2010 để xem xét các ảnh hưởng đến quản trị lợi nhuận. Kết quả
nghiên cứu cho thấy quy mô công ty tác động thuận chiều đến hành vi quản trị
lợi nhuận
Dwi Lusi Tyasing Swastika (2013) nghiên cứu về mối quan hệ giữa
quản trị công ty, quy mô doanh nghiệp và quản trị lợi nhuận, kết quả cho thấy
các biến về hội đồng quản trị có mối quan hệ thuận chiều với hành vi quản trị
lợi nhuận, các biến chất lượng công ty kiểm toán và quy mô công ty có mối
quan hệ nghịch chiều với hành vi quản trị lợi nhuận.
Samira Rahmani và các cộng sự (2013) nghiên cứu về tác động của quy
mô doanh nghiệp và cấu trúc vốn đến quản trị lợi nhuận sử dụng mô hình
Jones (1991) để đo lường hành vi quản trị lợi nhuận trên mẫu gồm 75 công ty
niêm yết tại Iran trong giai đoạn 2006-2010. Kết quả cho thấy cấu trúc vốn (tỷ
lệ đòn bẩy tài chính) có ảnh hưởng nghịch biến với hành vi quản trị lợi nhuận,
nhưng nghiên cứu không tìm ra ảnh hưởng của biến quy mô công ty.
1.1.5.
Nghiên cứu về hậu quả của hành vi quản trị lợi nhuận
Cohen và Zarowin (2008) đã tiến hành so sánh các doanh nghiệp có
cùng quy mô, hoạt động trong cùng một ngành công nghiệp và làm sáng tỏ
mức độ ảnh hưởng tiêu cực của quản trị lợi nhuận tới hoạt động đầu tư của
doanh nghiệp. Kết quả cho thấy vào thời kỳ tiến hành hành vi quản trị lợi
nhuận, các công ty đầu tư vượt quá mức tối ưu, và sau thời kỳ này, các công ty
12
lại đầu tư thấp hơn mức tối ưu, dẫn đến số tiền đầu tư của các cổ đông chưa
được sử dụng hiệu quả, từ đó ảnh hưởng tiêu cực tới lợi ích của các cổ đông.
Nghiên cứu của Dechow & các cộng sự (1996) cho thấy các nhà đầu tư rất
nhạy cảm với hành vi quản trị lợi nhuận thông qua việc cung cấp bằng chứng
là có một sự sụt giảm khoảng 9% trong giá cổ phiếu của những công ty đang bị
SEC - Cơ quan liên bang thực thi luật lệ chứng khoán của Mỹ điều tra về hành
vi quản trị lợi nhuận.
1.2. Tình hình nghiên cứu trong nước
1.2.1.
Nghiên cứu về mô hình đo lường hành vi quản trị lợi nhuận
Phạm Thị Bích Vân (2012) sử dụng mô hình nhận diện hành vi quản trị
lợi nhuận của Dechow và các cộng sự (1995) – Modified Jones với một nghiên
cứu gồm 54 doanh nghiệp niêm yết trên HOSE trong năm 2010, tác giả Phạm
Thị Bích Vân dựa theo kết quả nghiên cứu và đưa ra nhận định mô hình
Modified Jones không hiệu quả trong việc nhận diện hành vi quản trị lợi nhuận
của các doanh nghiệp niêm yết trên HOSE. Kết quả này, trái ngược với các kết
quả nghiên cứu của Giáp Thị Liên (2015) và Nguyễn Thị Phương Hồng
(2016). Ngoài ra, nghiên cứu của Phạm Thị Bích Vân (2012) đề xuất mô hình
mới cho việc nhận diện quản trị lợi nhuận của các công ty niêm yết trên HOSE
dựa trên mô hình Modified Jones với việc đưa thêm vào mô hình biến dự
phòng và sử dụng biến khấu hao tài sản cố định để thay thế biến tài sản cố
định, kết quả cho thấy hệ số đo lường sự phù hợp của mô hình tăng lên và mô
hình có ý nghĩa thống kê, tuy nhiên biến dự phòng được đưa thêm vào mô hình
lại không có ý nghĩa thống kê, nghĩa là biến này không ảnh hưởng đến việc
phát hiện quản trị lợi nhuận tại các doanh nghiệp niêm yết ở HOSE.
1.2.2.
Nghiên cứu về động cơ dẫn đến hành vi quản trị lợi nhuận
Nghiên cứu của Huỳnh Thị Vân (2012) về hành vi quản trị lợi nhuận ở
các công ty cổ phần trong năm đầu niêm yết trên TTCK Việt Nam, kết quả cho
13
thấy công ty cổ phần có xu hướng quản trị lợi nhuận tăng lên trong năm đầu
niêm yết, các công ty được hưởng thuế suất ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp
sẽ quản trị lợi nhuận trong năm đó lên rất cao nhằm tiết kiệm chi phí thuế thu
nhập doanh nghiệp. Nguyễn Thị Minh Trang (2012) sử dụng mô hình quản trị
lợi nhuận của DeAngelo (1986) và Friedlan (1994) nghiên cứu với mẫu là 20
doanh nghiệp thuộc 4 loại hình doanh nghiệp khác nhau (công ty cổ phần,
doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn và doanh nghiệp nhà
nước), kết quả nghiên cứu cho thấy ứng với mỗi loại hình doanh nghiệp sẽ có
các nguyên nhân quản trị lợi nhuận khác nhau: công ty cổ phần có xu hướng
quản trị tăng lợi nhuận nhằm thu hút vốn đầu tư từ bên ngoài, đồng thời cũng
có xu hướng tiết kiệm chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp; các loại
hình doanh nghiệp còn lại có xu hướng quản trị giảm lợi nhuận nhằm tiết kiệm
chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp. Nguyễn Thị Phương Uyên
(2014) nghiên cứu việc quản trị lợi nhuận trong trường hợp phát hành thêm cổ
phiếu của các công ty cổ phần niêm yết trên TTCK Việt Nam, kết quả nghiên
cứu cho thấy các công ty cổ phần niêm yết trên TTCK Việt Nam có xu hướng
quản trị tăng lợi nhuận trong những năm phát hành bổ sung cổ phiếu nhằm thu
hút nhà đầu tư để đợt chào bán được thành công. Phan Thị Thanh Trang
(2015) nghiên cứu về hành vi quản trị lợi nhuận các công ty niêm yết trên
HOSE, kết quả nghiên cứu cho thấy 100% các công ty có hành vi quản trị lợi
nhuận qua các năm trước, trong và sau năm niêm yết, các công ty cổ phần có
hành vi quản trị tăng lợi nhuận trong năm đầu niêm yết cao hơn năm trước và
sau khi niêm yết.
1.2.3.
Nghiên cứu về kỹ thuật quản trị lợi nhuận
Nguyễn Công Phương (2009) tổng hợp và đưa ra 4 kỹ thuật quản trị lợi
nhuận của nhà quản trị: lựa chọn phương pháp kế toán, vận dụng các phương
pháp kế toán, lựa chọn thời điểm vận dụng các phương pháp kế toán và lựa
chọn thời điểm đầu tư hay thanh lý tài sản cố định. Nguyễn Thị Minh Trang
14
(2011) nghiên cứu về kỹ thuật quản trị lợi nhuận của nhà quản trị, đưa ra một
số kỹ thuật quản trị mà nhà quản trị có thể sử dụng: lựa chọn phương pháp kế
toán ảnh hưởng đến thời điểm ghi nhận doanh thu và chi phí, vận dụng các
phương pháp kế toán thông qua việc lựa chọn thời điểm ghi nhận chi phí và
các ước tính kế toán, và lựa chọn thời điểm mua hoặc bán tài sản. Nghiên cứu
của Đường Nguyễn Hưng (2013) về hành vi quản trị lợi nhuận đối với thông
tin lợi nhuận công bố trên báo cáo tài chính cho thấy nhà quản trị có thể sử
dụng các kỹ thuật sau để quản trị lợi nhuận: lựa chọn chính sách kế toán, thực
hiện các ước tính kế toán, quyết định về thực hiện nghiệp vụ kinh tế và hành vi
vận dụng sai các quy định kế toán. Võ Văn Nhị và Trần Thị Thanh Hải (2016)
đã đưa ra 6 kỹ thuật quản trị lợi nhuận: thay đổi chính sách kế toán áp dụng,
thông qua việc trích lập và hoàn nhập các khoản dự phòng tổn thất tài sản,
thông qua việc lựa chọn phương pháp đánh giá sản phẩm dở dang, thông qua
các khoản trích trước và phân bổ, thông qua các khoản dự phòng phải trả, và
thông qua việc ước tính tỷ lệ hoàn thành hợp đồng và ghi nhận doanh thu, chi
phí đối với hợp đồng dài hạn.
1.2.4.
Nghiên cứu về các nhân tố đặc điểm công ty ảnh hưởng đến hành
vi quản trị lợi nhuận
Nghiên cứu của Huỳnh Thị Vân (2012) về hành vi quản trị lợi nhuận ở
các công ty cổ phần trong năm đầu niêm yết trên TTCK Việt Nam với mẫu
nghiên cứu gồm 43 công ty niêm yết, kết quả cho thấy quy mô công ty thì
không ảnh hưởng đến hành vi quản trị lợi nhuận.
Nguyễn Thị Phương Uyên (2014) nghiên cứu việc quản trị lợi nhuận
trong trường hợp phát hành thêm cổ phiếu của các công ty cổ phần niêm yết
trên TTCK Việt Nam, kết quả nghiên cứu cho thấy các công ty có quy mô
càng lớn thì mức độ quản trị lợi nhuận càng cao và chất lượng kiểm toán
không ảnh hưởng đến quyết định quản trị lợi nhuận của doanh nghiệp.
15
Trần Thị Mỹ Tú (2014) phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến hành vi
quản trị lợi nhuận trên báo cáo tài chính tại các công ty cổ phần niêm yết trên
HOSE, kết quả cho thấy các nhân tố ảnh hưởng đến hành vi quản trị lợi nhuận
của công ty niêm yết: cao nhất là tính độc lập của hội đồng quản trị (chiếm
61.7%), tiếp theo đến quy mô công ty (15.53%), công ty kiểm toán (14.56%)
và cuối cùng là đòn bẩy tài chính (8.74%). Trong đó quy mô công ty có tác
động thuận chiều đến hành vi quản trị lợi nhuận và công ty kiểm toán có tác
động nghịch chiều đến hành vi quản trị lợi nhuận.
Phan Thị Thanh Trang (2015) nghiên cứu về hành vi quản trị lợi nhuận
các công ty niêm yết trên HOSE, kết quả nghiên cứu cho thấy mức độ đóng
góp của các biến: cao nhất là biến quy mô công ty, tiếp theo là các biến điều
kiện kinh tế, công ty kiểm toán và cuối cùng là thời gian hoạt động của công
ty, biến ngành nghề kinh doanh không có ý nghĩa thống kê. Trong đó, quy mô
công ty có tác động thuận chiều đến hành vi quản trị lợi nhuận, thời gian hoạt
động và loại công ty kiểm toán có tác động nghịch chiều với hành vi quản trị
lợi nhuận.
Nguyễn Thị Phương Hồng (2016) nghiên cứu về các nhân tố ảnh hưởng
đến chất lượng báo cáo tài chính thông qua hành vi quản trị lợi nhuận và giá trị
thích hợp của thông tin kế toán, nghiên cứu tổng hợp và bổ sung các nhân tố
ảnh hưởng đến hành vi quản trị lợi nhuận. Nghiên cứu này đưa ra mô hình
gồm 23 nhân tố tác động đến chất lượng báo cáo tài chính, 23 nhân tố này
được chia thành 5 nhóm, bao gồm nhóm biến liên quan đến cơ cấu sở hữu vốn,
nhóm biến liên quan đến quản trị công ty, nhóm biến liên quan đến cơ cấu vốn,
nhóm biến liên quan đến đặc điểm thị trường và nhóm biến liên quan đến hiệu
quả công ty. Kết quả nghiên cứu cho thấy thông qua quản trị lợi nhuận có 11
nhân tố trên tổng số 23 nhân tố có ảnh hưởng đến chất lượng báo cáo tài chính.
Trong đó, quy mô công ty và tính trì hoãn của báo cáo tài chính có tác động
thuận chiều đến hành vi quản trị lợi nhuận, thời gian niêm yết của công ty có