Tải bản đầy đủ (.doc) (3 trang)

HIỆN TƯỢNG QUÊN, NHÌN từ góc độ tâm lí học

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (35.25 KB, 3 trang )

HIỆN TƯỢNG QUÊN, NHÌN TỪ GÓC ĐỘ TÂM LÍ HỌC
Quên là hiện tượng thường gặp ở tất cả mọi người, mọi lứa tuổi. Trong cuộc
sống hàng ngày không ít lần chúng ta đã quên. Để một đồ vật ở đâu đó lâu ngày ta
không nhớ đến chúng; một người quen lâu ngày không gặp khi gặp lại khiến ta ngờ
ngợ; kiến thức nếu không được thường xuyên ôn tập, củng cố thì cũng không còn
tồn tại trong đầu óc…Tất cả những hiện tượng trên đều là biểu hiện của sự quên.
Quên là quá trình không làm tái hiện lại được nội dung đã ghi nhớ trước đó
vào thời điểm cần thiết. Quên diễn ra ở nhiều mức độ khác nhau như : quên tạm
thời, quên cục bộ, quên hoàn toàn.
Hiện tượng quên xảy ra thường do nhiều nguyên nhân và đương nhiên đều
liên quan đến não bộ. Có thể chỉ ra một số nguyên nhân sau.
Thứ nhất: Do quá trình ghi nhớ không tốt. Ghi nhớ là quá trình tri giác đối tượng
nhằm tạo dấu vết trên vỏ não. Quá trình này càng tích cực thì hiệu quả ghi nhớ càng
cao. Ngược lại, nếu cá nhân không tập trung cao độ trong khi ghi nhớ thì hình ảnh
và kiến thức cần nhớ sẽ không được lưu giữ sâu sắc trên vỏ não, đồng thời nếu kiến
thức không thường xuyên ôn tập, củng cố một cách vững chắc thì cũng không thể
nhớ lâu và nhớ chính xác được. Hiệu quả của quá trình ghi nhớ kém dẫn đến rất dễ
quên.
Thứ hai: Do các quy luật ức chế của hoạt động thần kinh trong quá trình ghi nhớ.
Hiệu quả của quá trình ghi nhớ phụ thuộc rất nhiều vào trạng thái hoạt động của hệ
thần kinh. Khi hoạt động hệ thần kinh đang ở trạng thái hưng phấn sẽ giúp cá nhân
dễ dàng trong việc thành lập phản xạ có điều kiện và nhờ vậy quá trình tạo dấu vết
trên vỏ não được tốt hơn. Ngược lại nếu hoạt động của hệ thần kinh đang ở trạng
thái ức chế sẽ làm kìm hãm hoặc mất phản xạ có điều kiện, cá nhân thiếu tập trung
dẫn đến khả năng ghi nhớ kém.


Thứ ba: Do tài liệu cần ghi nhớ không gắn với cuộc sống, hoạt động hàng ngày.
Sẽ rất khó nhớ lâu, nhớ chính xác nếu nội dung ghi nhớ bị tách ra khỏi mọi hoạt
động của cuộc sống hàng ngày, ví như cách ta học vẹt, học thuộc lòng nhưng chính
ta cũng không hiểu bản chất và cách vận dụng chúng vào trong cuộc sống. Với cách


ghi nhớ như vậy thì chẳng bao lâu mọi nội dung được ghi nhớ sẽ bị xóa sạch.
Thứ tư: Do tài liệu ghi nhớ không phù hợp với nhu cầu, sở thích, hứng thú và
không có ý nghĩa thực tiễn đối với cá nhân. Người ta thường quên những gì không
liên quan hoặc ít liên quan đến đời sống. Những gì không thường xuyên sử dụng
trong đời sống hàng ngày của cá nhân thì cũng dễ bị quên.
Ngoài ra quên còn do một số nguyên nhân khác như: quên do “đãng trí bác
học”, do nghiện rượu, di truyền, quên do tuổi già “ già thì ai chẳng lẫn”, quên do
chấn thương vùng đầu, do trầm cảm hoặc thậm chí có những cái quên mang tính
bệnh lí như bệnh lú Alzheimer.
Để khắc phục hiện tượng quên không làm ảnh hưởng đến cuộc sống và công việc
thì cần tìm ra những biện pháp giúp cho quá trình ghi nhớ được tốt hơn, từ đó hạn
chế sự quên. Có thể chỉ ra một số biện pháp sau:
Kỹ thuật “ Từ khoá”: Kỹ thuật này liên quan đến việc ghi nhớ thông tin mới trên
cơ sở thông tin cũ trên cơ sở làm xuất hiện các liên tưởng. Nhờ “cái này” sẽ giúp ta
nhớ đến “cái khác”. Để ghi nhớ một thông tin mới, chúng ta có thể sử dụng một “từ
khoá” đã có trong trí nhớ dài hạn, gắn nó với một từ hoặc thông tin mới, nhờ vậy
quá trình ghi nhớ sẽ đạt hiệu quả tốt hơn.
Biện pháp “Loci”: Hay còn gọi là xây dựng sơ đồ trí tuệ. Để ghi nhớ một thông tin
mới chúng ta sắp xếp thông tin theo một sơ đồ để chúng có mối liên hệ logic với
nhau theo một chuỗi. Có thể kể ra một số cách như: lập đề cương, xây dựng các trò
chơi trí nhớ, bản đồ tư duy (mind map)… Sử dụng kỹ thuật này giúp nâng cao khả
năng ghi nhớ.


Biện pháp cấu trúc tài liệu: Đó là việc xử lý các thông tin cần nhớ ở mức độ sâu
hơn và sắp xếp các thông tin đó theo một cấu trúc phù hợp với nội dung của tài liệu.
Để thực hiện điều này thì đầu tiên ta cần đọc lướt qua hệ thống mục lục của tài liệu,
tóm tắt những nội dung chính, sau đó mới đặt câu hỏi và trả lời để thấy sự liên kết và
hiểu các mối quan hệ giữa các thành phần khác nhau của tài liệu, xếp chúng theo
một cấu trúc nhất định.

Lưu giữ thông tin: Ôn tập thường xuyên là cách tốt nhất để lưu giữ tài liệu một
cách lâu, bền.
Mặc dù bản chất của hiện tượng quên là quá trình ta không thể nhớ lại những gì
đã ghi nhớ trước đó nhưng cũng cần nhìn nhận mặt tích cực của hiện tượng này.
Ngày nay khoa học đã chứng minh rằng quên là một hiện tượng hợp lý, hữu ích giúp
cho não không bị quá tải Quên thông thường là do cơ chế tự bảo vệ của não - Quên
để mà nhớ. Chẳng hạn, khi chúng ta cần loại bỏ bớt những thông tin không cần thiết,
những câu chuyện vô bổ không giúp ích gì trong cuộc sống thì quên thật có ích. Vấn
đề là cần khôn ngoan lựa chọn cái gì nên nhớ, nên quên.

Tài liệu tham khảo
1. Tâm lí học đại cương – Nguyễn Quang Uẩn - NXB Giáo dục 2005
2. Tuyển tập Tâm lí học – Phạm Minh Hạc NXB Giáo dục 2002



×