Tải bản đầy đủ (.doc) (15 trang)

Nghề nghiệp của một cử nhân khoa Tiếng Anh Đại học Tây Bắc sau khi ra trường và chia sẻ về việc cần hay không trình độ ngoại ngữ khi đi xin việc làm.

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (136.82 KB, 15 trang )

Phần 1: Cơ sở lý thuyết
1. Tên đề tài: Nghề nghiệp của một cử nhân khoa Tiếng Anh Đại học Tây Bắc sau
khi ra trường và chia sẻ về việc cần hay không trình độ ngoại ngữ khi đi xin
việc làm.
2. Đối tượng phỏng vấn:
Chị Bùi Thị Hạnh – trưởng phòng kế hoạch công ty SESSVINA
Sinh năm: 1988
Trình độ học vấn: Cử nhân khoa tiếng Anh trường Đại học Tây Bắc
3. Câu hỏi nghiên cứu:
- Mô tả công việc của chị Bùi Thị Hạnh – Trưởng phòng kế hoạch tại công ty
SESSVINA?
- Chia sẻ có cần hay không trình độ ngoại ngữ khi đi xin việc làm?
4. Phương pháp thu thập thông tin:
- Phỏng vấn sâu
- Quan sát
- Phân tích tài liệu
5. Khung lý thuyết:
Trong bài này tôi sử dụng lý thuyết lựa chọn duy lý của Homans.
5.1.

Về nội dung của lý thuyết:

Thuyết lựa chọn hành vi hợp lí dựa vào tiền đề cho rằng con người luôn hành động
một cách có chủ đích, có suy nghĩ để lựa chọn và sử dụng các nguồn lực một cách duy lí
để đạt được kết quả tối đa với chi phí tối thiểu. Có nghĩa là trước khi quyết định một hành
động nào đó thì con người luôn đặt lên bàn cân để cân đo đong đếm giữa chi phí và lợi
nhuận mang lại. Nếu chi phí ngang bằng hoặc nhỏ hơn lợi nhuận thì dẫn tới hành động.
Ngược lại nếu chi phí mà vượt quá lợi nhuận thì sẽ không hành động.
Theo Homans chủ thể hành động luôn cân nhắc và tính toán những loại hoạt động
khác nhau đang đặt ra cho họ. Chủ thể hành động so sánh tổng số phần thưởng liên quan



đến quá trình hoạt động, tính toán khả năng thực tế phần thưởng đó có nhận được hay
không? Những phần thưởng có giá trị cao về mặt khách quan.
Homans đã đánh giá tương quan giữa giá tri phần thưởng và chi phí giành được
phần thưởng. Những phần thưởng được mong đợi nhất là phần thưởng có khả năng thưc tế
giành được và có giá trị xã hội cao. Những phần thưởng ít được mong đợi là phần thưởng
ít có khả năng thực tế giành được và có giá trị xã hội không cao.
Phần thưởng

Chi phí, sự đóng góp
Đồ thị thể hiện mối tương quan giữa phần thưởng, chi phí và sự đóng góp theo
Homans.
Theo Homans, con người rất quan tâm đến phần thưởng của mình có tương xứng
với sự đầu tư và đóng góp của họ hay không. Một khi phần thưởng càng lớn mà chi phí,
đóng góp càng nhỏ thì mọi người cảm thấy bất công. Như vậy nghĩa là phải đảm bảo chi
phí, sự đóng góp con người bỏ ra phải có phần thưởng tương xứng, như vậy mới có được
sự hài lòng và công bằng xã hội.
Thuật ngữ “ lựa chọn” dùng để nhấn mạnh việc phải cân nhắc, tính toán để quyết
định sử dụng loại phương tiện hay cách thức tối ưu trong số những điều kiện hay cách
thức hiện có để đạt được mục tiêu trong điều kiện khan hiếm các nguồn lực. Phạm vi của


mục đích ở đây không chỉ là yếu tố vật chất mà còn cả yếu tố lợi ích về xã hội và tinh
thần.
5.2.

Áp dụng lý thuyết này vào đề tài có thể giải thích được một số vấn đề sau:
Giải thích được lý do tại sao chị Hạnh lại thay đổi chỗ làm lần thứ 2 từ khi đi xin

việc.

Lần đầu tiên chị làm ở công ty Đại An trên thành phố Hải Dương, cách nhà chị
27km. Theo phỏng vấn sâu, khi làm ở Đại An, lương của chị được hơn 3 triệu một tháng
(mức lương này không thấp vì lúc đó chị vừa mới ra trường được một thời gian). Tuy
nhiên vì nhà xa, và không có xe máy, chị phải dậy từ sáng sớm, nhờ bố chở ra bến xe bus
ở đường lớn để bắt xe bus. Buổi tối sau khi xong việc chị lại phải bắt tuyến xe bus cuối
cùng về nhà. Nhiều hôm mưa, đi lại rất vất vả. Chưa kể mỗi lần đi xe bus đến chỗ làm chị
mất 20 nghìn đồng mua vé xe. Vì vậy chị làm hồ sơ xin về công ty SESSVINA. Công ty
này cách nhà chị gần 1km, đi lại rất thuận tiện. Tuy công việc ở đây không nhàn bằng
công ty cũ nhưng mức lương lại ngang nhau, đi lại thuận tiện, chị không phải lo lắng phải
dậy sớm hay nhỡ xe, không mất tiền vé xe… Như vậy, chị đã có suy nghĩ, tính toán của
mình để lựa chọn phương án tối ưu nhất, đảm bảo lợi nhuận cao nhất và chi phí thấp nhất.
Việc thay đổi chỗ làm của chị không chỉ đảm bảo được mức tiền lương ngang nhau giữa
hai công ty mà còn giúp chị được ở gần nhà, không phải lo lắng nhiều vì mẹ của chị hay
ốm đau.
Theo như chia sẻ của chị Hạnh thì việc có ngoại ngữ rất quan trọng nếu như không
nói là yếu tố quyết định vị trí công việc của người đi xin việc. Chị được học Tiếng Anh
trong trường và học cả tiếng Trung. Việc học tiếng Trung không có trong chương trình học
bắt buộc nhưng chị thấy càng có nhiều ngoại ngữ càng dễ xin việc làm, đồng thời chị cũng
không đi làm thêm nên có nhiều thời gian rảnh rỗi cho việc học thêm một ngoại ngữ khác.
Đây cũng là sự lựa chọn duy lý của chị Hạnh mà chúng ta có thể thấy.
Trong phỏng vấn sâu, chị cũng chia sẻ rằng cả 2 công ty mà chị đã làm việc đều
yêu cầu chị phải có chứng chỉ tiếng Anh. Khi chị nói chị học khoa tiếng Anh, đồng thời có


cả bằng tiếng Trung thì người tuyển dụng khá hài lòng. Tại công ty SESSVINA, một số vị
trí nhân viên mới có được ngẫu nhiên là nhờ trình độ tiếng Anh của mình. Theo chị Hạnh,
một số sinh viên mới ra trường học kế toán, báo chí khi xin vào làm công nhân thời vụ ở
công ty sau khi nói chuyện với giám đốc, có khả năng giao tiếp tiếng Anh tốt, năng động,
đã được nhận vào làm nhận viên văn phòng chính thức, trong khi công ty không có thông
báo tuyển dụng. Công ty SESSVINA là công ty của Hàn Quốc, có rất nhiều hợp đồng với

khách hàng là người nước ngoài, vì vậy tiếng Anh rất quan trọng đối với các ứng viên
muốn làm việc ở công ty. Ở đây sự duy lý của công ty thể hiện ở chỗ: Lựa chọn những
ứng viên đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, tuy nhiên trình độ tiếng Anh phải khá hoặc tốt
để tạo hiệu quả cao, năng suất cao trong công việc. Bởi tất cả các giao dịch với khác hàng
nước ngoài, văn bản… phần lớn đều bằng tiếng Anh chứ không phải tiếng Việt. Nếu chỉ
có trình độ chuyên môn mà tiếng Anh kém, không giao tiếp tốt sẽ không được nhận vào
công ty làm việc.
Phần 2: Nội dung cuộc phỏng vấn
Người phỏng vấn: Nguyễn Thị Giang (G)
Người được phỏng vấn: Bùi Thị Hạnh – Trưởng phòng kế hoạch công ty
SESSVINA (H)
Thời gian phỏng vấn: 20h ngày 12/6/2013
Địa điểm phỏng vấn: Tại nhà chị Hạnh.
Nội dung:
(Vào nhà lúc nhà chị Hạnh vừa ăn cơm xong, chị và bố chị đang xem ti vi. Khoảng 5 phút
sau, bố chị nói sang nhà hàng xóm chơi để 2 chị em nói chuyện cho thoải mái)
H: Ngồi đây em, không phải ngại, vẫn còn sớm tí rồi làm việc (cười vui vẻ)
G: Vâng, thế chị đi làm về từ lúc mấy giờ mà nhà ăn cơm muộn thế chị? Em tưởng chị
không phải tăng ca.


H: Chị về lâu rồi, bọn chị chỉ làm 8 tiếng thôi, không phải tăng ca. Về còn đi thể dục với
ông Thấp nên giờ mới ăn. Thế nhà gặt xong chưa Giang?
G: Nhà em gặt xong lâu rồi, may về quê không phải đi gặt nhiều (cười).
H: Dốt lắm, như Huyền nhà chị, cứ hết mùa rồi về (cười vui vẻ).
G: Nhà chị có nhiều ruộng như nhà em đâu mà.
H: Ừ, tại mẹ cô tham nên làm nhiều, chứ nhà chị chỉ chơi thôi.
G: Nhà chị bác Thấp đầy tiền tiết kiệm (cười vui vẻ). Nhà em chả có gì. Bố mẹ nuôi 2 đứa
đã chật vật, lại còn em. Em đang chán lắm, sắp hết năm 3 rồi mà chưa xác định ra trường
làm cái gì. Mẹ em bảo không xin được việc thì về làm công nhân.

H: (cười) Cô cứ lo xa, đi học đại học về lại đi làm công nhân thì chết à. Vất vả lắm, bọn
chị làm 8 tiếng chứ như mấy thím cô ở nhà thì tăng ca suốt, mấy bà đi làm công ty về cứ
tong teo cả người. Vào chị, chị chịu, chả làm được (cười).
G: Nhưng không xin được việc thì chả làm công nhân chứ làm gì chị. Học xã hội ra xin
việc khó lắm, không như mấy ngành kinh tế.
H: Thế cô tưởng chị học kinh tế chắc? Chị cũng dân xã hội đây.
G: Mà em mới biết chị làm văn phòng ở công ty, chưa biết chị làm cụ thể cái gì.
H: Chị làm trưởng phòng kế hoạch (cười)
G: Chức to thế chị. Vào công ty là được làm trưởng phòng ngay hả chị?
H: Không. Lúc đầu chị cũng làm bên văn phòng, nhưng chỉ quản lý đơn hàng thôi. Trước
ở Đại An chị cũng làm bên ấy. Mới được lên trưởng phòng thôi (cười).
G: Làm trưởng phòng chắc là nhàn lắm, mà lương lại cao.


H: Cũng còn tùy, mỗi người một cách ngĩ khác nhau. Như mọi người thì bảo chị làm việc
ở đây nhàn, sướng, lương cao. Còn chị thì muốn nhiều hơn, làm ít mà nhiều tiền càng tốt
(cười rất vui vẻ).
G: Em muốn như chị mà không được đây này. Về quê xin được việc ngay, làm gần nhà,
lương cao.
H: Cô cứ tưởng về là được như thế này ngay à? Không phải đâu. Chị cũng long đong mãi
mới ổn định được như giờ đấy.
G: Thế là sao hả chị?
H: Lúc đầu về chị chơi dài ra, nộp hồ sơ xin vào trường Tứ Kỳ không được. Bố chị bảo
giờ 100 triệu xin cho chị vào đấy dạy được, nhưng chưa được biên chế. Nên chị thôi. Với
lại chị cũng không thích đi dạy lắm. Xong nộp hồ sơ vào Đại An, may là được nhận ngay.
G: Thế sao giờ chị lại làm ở đây?
H: Chị làm được 3 tháng ở Đại An. Lương mới vào cũng được hơn 3 triệu, công việc khá
là nhàn. Chỉ cần có tiếng Anh là làm việc ok. Nhưng sáng nào cũng phải dậy từ 5h30, ăn
uống vệ sinh xong lại bắt bác Thấp chở ra Chùa bắt bus. Nhiều hôm đợi mãi bus không
chạy, đứng đợi gần nửa tiếng. Mỗi lần đi còn mất 20 nghìn. Một ngày mất 40 nghìn cho

không, đã thế nhiều hôm xe đông còn đứng từ trên Hải Dương về đến nhà. Hôm nắng ráo
không sao, hôm mưa mới khổ. Chị chỉ thương bác Thấp, hôm nào cũng dậy sớm chở chị
đi làm. Nên được một thời gian chị bỏ, cũng thấy tiếc, nhưng chấp nhận. Về đây làm một
thời gian thì thấy khá ok. Lương cũng không tồi, gần nhà, tiện đi lại, không mất tiền bus,
sáng không phải dậy sớm (cười).
G: Thế chị làm ở SESSVINA từ bao giờ hả chị?
H: (dáng vẻ suy nghĩ) Hình như là đầu năm 2012. Tháng 1 thì phải. Còn mới được lên
chức từ tháng 5 năm nay thôi.
G: Cũng được một thời gian rồi chị nhỉ. Chị có định chuyển công ty lần nữa không? (cười)


H: Cũng có thể (cười). Nếu có chỗ tốt hơn thì đi chứ. Bác thấp bảo đầu tư cho chị con
Vespa rồi (cười rất vui vẻ). Chỗ nào lương cao hơn nữa thì đi.
G: Cho em hỏi một câu hơi tế nhị một chút nhé (cười). Lương một tháng của chị được bao
nhiêu ạ?
H: Thế mà tế nhị (cười). Người ngoài thì chị không nói, họ lại đánh giá này khác. Còn các
cô đang đi học thì có gì đâu mà sợ. Lương tháng giờ của chị được 4 triệu rưỡi chưa
thưởng. Được thưởng nữa thì cao hơn một chút.
G: Thế là cao rồi chị, em cũng đang phấn đấu sau này đi làm được tầm đấy (cười rất vui
vẻ)
H: Cứ chăm chỉ học là ra trường có việc ngon ngay.
G: Vị trí trưởng phòng của chị thì hàng ngày phải làm những công việc gì ạ?
H: Ừm. Thì chỉ xoay quanh một số việc thôi. Lập kế hoạch sản xuất cho công ty như số
lượng, thời gian cụ thể. Ký các giấy tờ, gửi email cho khách hàng và đàm phán về việc
chuyển hàng sớm hay muộn với khách. Hoặc có những thay đổi gì trong kế hoạch làm
việc chị cũng phải làm cụ thể, chi tiết cho công ty.
G: Nhiều công việc như vậy làm thế nào để chị làm tốt được công việc ạ?
H: Chủ yếu là học lỏm thôi, xem người đi trước người ta làm thế nào, xử lý tình huống thế
nào. Mình mới làm còn nhiều cái chưa biết lắm, lóng ngóng. Nhưng phải nhanh nhẹn mà
nhìn họ làm, làm được một thời gian thấy cũng đơn giản thôi em. Ừm. Chị còn có 2 quyển

sổ. Một quyển ghi hôm nay làm được gì và một quyển ghi chép những công việc ngày
hôm sau, những tuần sau phải hoàn thành. Đây là yêu cầu của công ty. Nhưng chị thấy nó
cũng hợp lý; rèn cho mình kỹ năng làm việc chuyên nghiệp, quy củ, tỉ mỉ. Làm nhân viên
văn phòng phải tỉ mỉ và cẩn thận chứ không thì bị đuổi việc ngay (cười).
G: Vâng. Em hình như không có tính cẩn thận. Em hay ẩu lắm.


H: Thế thì phải sửa đi. Ở nhà thế nào cũng được nhưng đi làm thì tác phong phải khác.
Nhiều khi mình đúng cũng không được cãi lại sếp. Tính mà không cẩn thận làm hỏng việc
cũng không được. Phải cẩn thận từng tí một đấy. Nhiều hôm chị cũng căng thẳng lắm. Về
nhà cáu gắt cả với bác Thấp (cười vui vẻ). Nhưng hôm sau lại bình thường. Công việc mà.
G: Ừm, những phương tiện để chị làm việc là gì ạ?
H: Thì chỉ có máy tính này, sổ sách, giấy tờ. Phải tốt Words và Excel nữa. Không tốt máy
tính cũng không làm được việc.
G: Em máy tính cũng sử dụng được kha khá chị ạ (cười)
H: Thế thì tốt. Luyện nhiều vào (cười)
G: Ngoài công việc chính thì chị có phải làm những công việc nào khác không?
H: (cười) Có chứ. Khi đi gặp khách hàng nước ngoài thì chị phiên dịch. Nhưng chỉ tiếng
Anh và tiếng Trung thôi, còn tiếng khác thì có người khác (cười vui vẻ). Nói chung là
phiên dịch và biên dịch tiếng Anh và tiếng Trung.
G: Vậy sản phẩm sau khi công việc của chị hoàn thành là gì? Ý của em muốn hỏi là kết
quả công việc, nó tạo ra cái gì đấy ạ. Ví dụ như thợ xây thì tạo ra cái nhà. Thợ may thì tạo
ra cái áo hoàn chỉnh. Đại loại thế.
H: À, tất nhiên là phải xây dựng, phác thảo được kế hoạch cho công ty. Đặt ra các mục
tiêu cho công ty như là số lượng hàng, các lô hàng xuất đi. Nói chung là rất nhiều việc.
G: Lúc nãy em nghe chị bảo chị làm ngày 8 tiếng. Em thấy nhân viên đa phần như thế,
nhưng cũng có công ty họ cho làm thêm giờ thì phải.
H: Công ty này chỉ làm giờ hành chính thôi. Làm từ 8h sáng đến 5h chiều. Trưa được
nghỉ.
G: Công ty họ tính thời gian hoàn thành công việc của chị như thế nào ạ?



H: Công việc phải hoàn thành theo từng ngày, đôi khi là theo tuần, tùy theo số lượng đặt
hàng. Vì là công ty sản xuất nên phải làm theo yêu cầu của khách hàng, mình không thể
quyết định được.
G: Vâng. Vậy chị có cảm thấy hài lòng về công việc mình đang làm không?
H: (Chần chừ một chút) Khá là hài lòng (cười rất vui vẻ). Cô hỏi câu này chị khó trả lời
quá. Tính chị không biết hài lòng với cái gì bao giờ. Phải muốn thứ cao hơn nữa. Nhưng
thực sự là với người đi làm không lâu được như thế này cũng là tạm ổn. Trong khi mình
có việc làm, có một vị trí khá là ok thì nhiều đứa bạn chị vẫn đang long đong.
G: Chị tự đánh giá chuyên môn của mình được mấy điểm theo thang điểm 10?
H: Ừm (chần chừ suy nghĩ). 8 điểm. Liệu có tự tin quá không nhỉ (cười rất to và vui vẻ)
G: Chắc là không đâu ạ (cười). Chị nghĩ là sinh viên những ngành xã hội như bọn em ra
trường phải làm việc bao lâu để có được trình độ như chị ạ?
H: (suy nghĩ, chưa trả lời ngay) Chị nghĩ là một năm. Nhưng cái này còn tùy vào đối
tượng nữa. Nhiều người họ còn giỏi hơn cả chị đấy chứ (cười).
G: Đấy là số ít thôi chị. Em nghĩ một năm mà đạt được trình độ như chị thì hơi khó (cười)
H: (cười) Bây giờ phấn đấu còn chưa muộn.
G: Em sau khi ra trường cũng muốn làm ở những vị trí tương tự như của chị. Làm văn
phòng ấy ạ. Xin được vào công ty SESS thì càng tốt, gần nhà (cười to). Có gì sau này chị
mà còn làm mà họ có nhu cầu tuyển người hay vị trí nào phù hợp thì dành chỗ cho em
nhá.
H: Cô này khôn thế (cười to). Ok. Có gì giúp được chị giúp nhiệt tình. Nhưng quan trọng
là giờ học tiếng Anh mạnh vào.
G: Họ bắt buộc tiếng Anh hả chị?


H: Ừ. Yêu cầu bắt buộc nhá.
G: Thế như vị trí của chị thì họ có những yêu cầu gì ạ?
H: Bằng đại học này, khá hoặc gỏi càng tốt. Chị cũng được bằng khá chứ không được giỏi

(cười). Biết tiếng Anh. Tốt cả tiếng Anh chuyên ngành và giao tiếp thì tuyệt hơn. Kỹ năng
thuyết trình tôt. Làm việc nhiều, có kinh nghiệm với Excel, thông thạo Words. Cẩn thận,
chi tiết trong công việc. Ứng xử nhanh và thông minh. Nói chung là phải có tiếng Anh và
tin học. Ngoài ra kỹ năng mềm cũng phải Ok. Cái nào kém mình có thể học hỏi trong quá
trình làm việc mà.
G: Khó khăn với em đấy chị ạ. Nhưng em sẽ cố gắng. Lúc chị mới xin việc vào đây họ có
bắt viết đơn xin việc hay phỏng vấn bằng tiếng Anh không chị? Em thấy nhiều người bảo
phải làm đơn xin việc bằng tiếng Anh, nghe đã sợ.
H: Không đâu. Tất cả đơn xin việc, phỏng vấn đều bằng tiếng bằng tiếng Việt hết. Nhưng
ở công ty này giám đốc trực tiếp phỏng vấn. Ông ấy là người Hàn, nhưng biết nhiều thứ
tiếng lắm. Vì chị biết cả tiếng Anh với tiếng Trung nên được ưu tiên. Xóm cô có Hiền học
cao đẳng kế toán cũng biết tiếng Anh. Lúc đầu đi làm thời vụ. Gặp giám đốc nói chuyện
được bằng tiếng Anh, giờ được nhận chính thức rồi. Đang làm ở phòng chị. Thế nên cố
gắng mà học ngoại ngữ vào mới đổi đời được (cười).
G: Vâng. Thế những chứng chỉ ngoại ngữ của chị đạt mức nào hả chị?
H: Tiếng Anh tofel, advance. Tiếng trung: intermediate nhé.
G: Như em học tiếng Anh trong trường, nhưng em học kém lắm. Đang cố gắng để qua
chuẩn đầu ra mà khó khăn quá. Em không học được tiếng Anh. Chả biết thế nào nữa chị ạ.
Có thể học tiếng khác bù đắp cho tiếng Anh được không hả chị?
H: (cười) Đi học trung tâm đi. Tốn kém một chút nhưng sẽ tiến bộ ngay. Các cô là kiểu
học kém xong lười học nên càng ngày càng kém. Chăm chỉ tí là khá ngay. Mà chị nghĩ đi
học ở đâu thì cũng phải tự học là chính, chả ai lo cho mình được. Nếu mà khó khăn quá thì


học tiếng khác. Tiếng Trung hoặc tiếng Hàn, Nhật đều được. Khá là thông dụng, có nhiều
công ty nữa. Cơ hội sẽ nhiều hơn. Nếu chỉ có bằng đại học khá mà không có ngoại ngữ
hoặc ngoại ngữ không tốt thì nói thật là rất khó có công việc tốt thời buổi này.
G: Vâng.
H: Chị nghĩ là mấy ngành xã hội học như cô thì bắt buộc phải có tiếng Anh đấy. Cô nghĩ
mà xem. Mấy ngành đấy cô làm sao xin vào được công chức, nhà không có chân, không

thân quen thì không vào được. Chỉ có đi làm ở các công ty thôi. Mà giờ không đâu là
không cần ngoại ngữ. Nhưng cũng không cần quá cao siêu đâu. Biết hoặc khá là được rồi.
Còn mình có thể học mà (cười).
G: Vâng, em hiểu chị ạ. Chỉ còn biết cố gắng năm cuối này nữa thôi. Hè em tính đi học
thêm trung tâm tiếng Anh.
H: Thế thì ra trường Ok (cười to).
G: Vâng, hôm nay rất cảm ơn sự giúp đỡ của chị. Vỡ vàng ra rất nhiều điều ạ. Sau này có
gì em liên lạc thì giúp đỡ em với nhá (cười).
H: Được. Chị dặn thêm là có tính cẩu thả thì về sửa ngay đi nhá. Không không làm được
việc đâu. Người ta cũng yêu cầu kỹ năng mềm nữa. Ứng xử phải khôn khéo, nhanh nhạy,
cần thận (cười)
G: Vâng, em cảm ơn chị.
H: Không có gì cả, không phải khách sáo (cười)
G: Vâng ạ.
Một vài nhận xét về cuộc phỏng vấn:
Cuộc phỏng vấn diễn ra trong thời gian khá dài, khoảng hơn 30 phút và không bị gián
đoạn.


Người được phỏng vấn có ngoại hình xinh đẹp và nói chuyện rất dễ tính.
Thái độ của cả người phỏng vấn và người được phỏng vấn đều thoải mái và cởi mở
nên thu thập được thông tin khá dễ dàng. Người được phỏng vấn chia sẻ rất thật về công
việc của mình. Một phần có được sự thuận lợi này là do tôi và em gái của chị Hạnh quen
biết nhau. Đây là điểu kiện thuận lợi cho cuộc phỏng vấn diễn ra tốt đẹp và thân thiện.
Phần 3: Kết luận:
Nghề nhân viên văn phòng nói chung hay vị trí trưởng phòng của chị Hạnh nói riêng
trong hệ thống nghề nghiệp của Việt Nam đừng ở thứ hạng khá cao. Bởi vị trí xã hội và
thu nhập của nó không hề thấp so với trung bình chung của tất cả các ngành nghề khác.
Đồng thời điều kiện làm việc của công việc này khá tốt. Thường là làm việc trong các văn
phòng, không phải lao đông ngoài trời ; không phải lao động chân tay mà lao động trí óc.

Nghề này có độ hấp dẫn nhất định. Tuy nhiên theo nhiều người thì công việc của nhận
viên văn phòng khá nhàm tẻ và mang tính chất lặp lại, đơn điệu.
Trong tình hình phát triển hiện nay, kinh tế phát triển, các công ty ra đời ngày càng
nhiều sẽ kéo theo đó nhiều ngành nghề và vị trí mới. Tuy nhiên theo tôi nghề nhân viên
văn phòng sẽ vẫn phát triển, tăng về số lượng và chất lượng. Công việc sẽ bớt nhàm tẻ, đòi
hỏi phải vận động và năng động hơn trong công việc.
Thông qua cuộc phỏng vấn sâu chị Bùi Thị Hạnh, bản thân tôi rút ra được một số
kinh nghiệm sau:
-

Để có được việc làm tốt, trước hết bằng đại học phải đạt khá trở lên.
Phải cải thiện trình độ tiếng Anh của mình. Thông thạo các kỹ năng, giao tiếp được
cơ bản. Việc này được đặt lên vị trí hàng đầu. Việc làm cụ thể là đăng ký một khóa

-

học tiếng Anh ở trung tâm vào kỳ nghỉ hè.
Phải rèn luyện các kỹ năng sử dụng máy tính văn phòng như Excel, Words, in ấn…
Rèn luyện tính cẩn thận, tỉ mỉ, bình tĩnh…trong mọi công việc và giao tiếp hằng
ngày.


-

Rèn luyện khả năng đứng trước đám đông, kỹ năng thuyết trình, các kỹ năng mềm.

-

Dự định tham gia lớp học kỹ năng mềm do trường tổ chức vào kỳ 1 năm thứ 4.
Học hỏi kinh nghiệm của các anh chị đi trước, người quen và các mối quan hệ khác

đối với những yêu cầu cần có của nhà tuyển dụng. Luyện kỹ năng trả lời phỏng vấn

-

để trả lời phỏng vấn thông minh.
Học cách tạo ra mối quan hệ mới, nhất là đối với những đối tượng mình thấy có thể
học hỏi hoặc giữ liên lạc lâu dài.
Thông qua bài làm, có thể dựa vào cuốn “Mức sống trong thời kỳ bùng nổ dân số” để

hiểu được giáo dục-hay trình độ học vấn có ảnh hường đến thu nhập –hay công việc.
Trong chương 5 cuốn “ Mức sống trong thời kỳ bùng nổ dân số”, các tác giả đã đưa
ra các số liệu, phân tích, chứng minh và đưa ra một số kết luận. Trong đó, các tác giả cũng
nhấn mạnh giáo dục có tác động đến thu nhập theo 2 cách. Một là người có trình độc học
vấn cao hơn sẽ có điều kiện để lựa chọn những công việc có thu nhập hấp dẫn hơn –chẳng
hạn đi làm công ăn lương thay vì làm nông nghiệp. Thứ hai, nó góp phần nâng cao thu
nhập đối với bất cứ hoạt động nào.
Như vậy, chúng ta có thể lý giải được tại sao chị Hạnh lại có công việc và vị trí như
hiện nay trong khi chị mới ra trường cách đây không lâu, thâm niên làm việc thậm chí còn
không bằng nhiều người khác trong công ty có vị trí thấp hơn chị. Bời vì chị có trình độ
chuyên môn cao hơn, nhất là trình độ ngoai ngữ tốt, làm việc với máy tính thành thạo, kỹ
năng mềm tốt. Đây là những yêu cầu mà nhà tuyển dụng mong muốn và đem đến mức
lương hấp dẫn. Nếu như trình độ chuyên môn thấp; hoặc giả chị không có ngoại ngữ,
không thành thạo máy tính, kỹ năng làm việc không tốt…thì sẽ không có được vị trí, công
việc và mức lương hiện nay. Việc có kỹ năng và trình độ học vấn cũng sẽ giúp chị có thể
chuyển đổi vị trí làm việc ở nhiều công ty, nhiều vị trí khác nhau. Vì đa phần các yêu cầu
của những công ty hiện nay chị đều đạt được.
Tóm lại, để có một công việc tốt và ổn định sau khi ra trường, đối với sinh viên Xã
hội học nói chung và bản thân tôi nói riêng, không chỉ cần trau dồi kiến thức để có được
trình độ chuyên môn tốt mà còn phải có trình độ ngoại ngữ trên khá. Đây là yêu cầu gần



như bắt buộc của các công ty và doanh nghiệp hiện nay. Vì vậy, nếu muốn có tương lai tốt,
công việc tốt, phải học tập và rèn luyện tích cực, tránh thói sống ỷ lại. Nhất là thái độ thờ
ơ, nước đến chân mới nhảy và tư tưởng chây lười, ngại thể hiện của sinh viên nói chung.

Tài liệu tham khảo:


1: Lê Ngọc Hùng: Lịch sử và lý thuyết xã hội học, nhà xuất bản đại học Quốc gia Hà Nội,
2011
2: Biên tập Dominique Houghton, Jonathan Houghton, Nguyễn Phong: Mức sống trong
thời kỳ bùng nổ dân số Việt Nam, Nhà xuất bản thống kê Hà Nội.
3: Bài giảng Xã hội học gia đình của cô Lê Thái Thị Băng Tâm.



×