Tải bản đầy đủ (.doc) (7 trang)

TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG TRẢI NGHIỆM SÁNG TẠO – BIỆN PHÁP BỒI DƯỠNG NĂNG LỰC NGỮ VĂN CHO HỌC SINH TRONG NHÀ TRƯỜNG THPT

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (106.34 KB, 7 trang )

TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG TRẢI NGHIỆM SÁNG TẠO – BIỆN PHÁP BỒI
DƯỠNG NĂNG LỰC NGỮ VĂN CHO HỌC SINH TRONG NHÀ
TRƯỜNG THPT
ThS. Trần Thị Hạnh Phương
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
1.1. Bối cảnh giáo dục trong giai đoạn hiện nay đã và đang đặt ra những thách thức
không nhỏ đối với người học và người dạy. Quán triệt tinh thần và mục tiêu về đổi
mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, trong nhà trường phổ thông, người học
không những được trang bị kiến thức mà còn được phát triển toàn diện năng lực và
phẩm chất cá nhân. Đó chính là quá trình chuyển đổi mạnh mẽ nhằm phát huy năng
lực tư duy, tính chủ động sáng tạo của mỗi cá nhân học sinh.
1.2. Môn Ngữ văn trong nhà trường phổ thông cũng đã và đang từng bước chuyển
đổi cách thức cũng như mục đích dạy học cho phù hợp. Dạy học Ngữ văn vừa giúp
các em có một thế giới quan, nhân sinh quan tiến bộ, vừa có một vốn tri thức về văn
hóa, văn học, ….. để có thể ứng xử, giao tiếp trong cuộc sống và học tập. Hơn thế
nữa, còn khơi dậy ở các em những xúc cảm cá nhân trong khám phá cái hay cái đẹp
của tác phẩm văn chương, hình thành và rèn luyện những năng lực Ngữ văn cần
thiết nhằm đáp ứng yêu cầu của cuộc sống của chính bản thân học sinh.
1.3.Tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo qua môn Ngữ văn là một trong những
biện pháp tạo ra các môi trường khác nhau để học sinh được quan sát, suy nghĩ và
trải nghiệm tham gia vào các hoạt động thực tiễn. Qua đó khuyến khích, động viên
và tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh tích cực nghiên cứu, khơi nguồn cho sự sáng
tạo, tìm ra những giải pháp mới, những cái mới trên nền tảng vân dụng những cái đã
có và những cái đã được trải nghiệm trong thực tiễn cuộc sống, biến ý tưởng thành
hiện thực….. từ đó hình thành những phẩm chất và kĩ năng sống, phát triển năng lực
chủ thể của học sinh. Học từ trải nghiệm và bằng trải nghiệm mang lại hiệu quả cao,
phù hợp với xu thế phát triển của giáo dục và đào tạo trong thời kì hội nhập và quốc
tế hóa.
2. NỘI DUNG
2.1. Khái niệm
2.1.1. Trải nghiệm sáng tạo






Theo Từ điển Tiếng Việt: “Trải nghiệm là trải qua, kinh qua” [3; 1020]. Quan
niệm này có phần đồng nhất với quan điểm triết học khi xem trải nghiệm chính là
kết qủa của sự tương tác giữa con người với thế giới khách quan. Sự tương tác này
bao gồm cả hình thức và kết quả của các hoạt động thực tiễn trong xã hội, bao gồm
cả kĩ thuật và kĩ năng, các nguyên tắc hoạt động và phát triển thế giới khách quan.



Dưới góc nhìn sư phạm, trải nghiệm được hiểu chính là sự thực hành trong
quá trình đào tạo và giáo dục; là một trong những phương pháp đào tạo nhằm giúp
người học không những có được năng lực thực hiện mà còn có những trải nghiệm về
cảm xúc, ý chí và nhiều trạng thái tâm lí khác. Nói như vậy, học qua trải nghiệm sẽ
gắn liền với kinh nghiệm và cảm xúc cá nhân.
Theo Từ điển Tiếng Việt: “Sáng tạo là tạo ra những giá trị mới về vật chất
hoặc tinh thần; Tìm ra cái mới, cách giải quyết mới, không bị gò bó, phụ thuộc vào
cái đã có” [3; 847].Như vậy trải nghiệm sáng tạo chính là một hoạt động trong đó
con người thể hiện sự tương tác của chính bản thân với thực tiễn khách quan, qua đó
phát triển năng lực thực tiễn, phẩm chất nhân cách và phát huy tiềm năng sáng tạo
của cá nhân con người.



2.1.2. Tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo


Tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo là cách thức tổ chức hoạt động giáo

dục, trong đó dưới sự hướng dẫn và tổ chức của nhà giáo dục, từng cá nhân học sinh
được trực tiếp tham gia vào các hoạt động thực tiễn khác nhau của đời sống gia đình,
nhà trường cũng như ngoài xã hội với tư cách là chủ thể của hoạt động, qua đó phát
triển năng lực thực tiễn, phẩm chất và phát huy tiềm năng sáng tạo của học sinh. Hay
nói một cách khác chính là giáo viên tạo cơ hội cho học sinh trải nghiệm trong thực
tiễn để tích lũy và chiêm nghiệm các kinh nghiệm, từ đó có thể khái quát thành sự
hiểu biết theo cách của riêng mình.
2.2. Vai trò của tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo với việc bồi dưỡng năng
lực Ngữ văn cho học sinh THPT.
Trong hoạt động dạy học Ngữ văn, học sinh là chủ thể của hoạt động học, là hạt
nhân với vai trò khám phá sáng tạo. Ở đây học sinh không thừa hưởng một cách thụ
động, ghi nhớ một cách máy móc những kết quả đã được chứng minh, đã được thừa
nhận mà chủ động tham gia vào quá trình tìm kiếm con đường, lựa chọn những
phương pháp, biện pháp để đạt đến kết quả cao nhất nhằm thỏa mãn mục tiêu đặt ra.


Ở mức độ thấp, tính tích cực của người học thể hiện ở những nỗ lực cố gắng học hỏi
cách giải quyết từng vấn đề, từng nhiệm vụ học tập dưới sự hướng dẫn, hỗ trợ của
GV; với sự cộng tác, giúp đỡ của bạn bè. Ở mức độ cao hơn, người học chủ động,
độc lập giải quyết các vấn đề đặt ra, chủ động tìm kiếm những cách giải quyết khác
nhau cho cùng một vấn đề. Ở mức độ lí tưởng, người học chủ động vận dụng những
kiến thức, kĩ năng đã học để sáng tạo ra cách giải quyết mới, độc lập và có hiệu quả
hơn.
Tính tích cực, chủ động sáng tạo của người học trong hoạt động học tập còn được
thể hiện ở chỗ người học biết vận dụng, phối hợp các thao tác, hoạt động, các biện
pháp cụ thể vào quá trình tìm kiếm và xử lý nguồn thông tin tri thức. Và như thế
người học không chỉ sử dụng một kĩ năng mà phải biết phối hợp nhiều kĩ năng, kĩ
xảo; đồng thời biết lựa chọn những kĩ năng, thao tác thích hợp cho từng hoạt động
cụ thể. Đứng trước bài học mới với những nhiệm vụ, vấn đề cần giải quyết, người
học còn phải biết đặt nó trong mối liên hệ với những bài học trước đó, vận dụng

những điều đã biết, kĩ năng đã có làm cơ sở, nền móng giải quyết những vấn đề mới.
Tính tích cực trong học tập thực chất là tính tích cực nhận thức, đặc trưng ở khát
vọng hiểu biết, cố gắng và nỗ lực cao trong quá trình chiếm lĩnh tri thức.
Hoạt động trải nghiệm sáng tạo là một hoạt động học tập bổ ích, có hiệu quả đối với
học sinh ở nhà trường phổ thông. Thông qua hoạt động trải nghiệm sáng tạo, học
sinh được phát huy vai trò chủ động, tích cực và sáng tạo trong hoạt động học tập
của mình. Bồi dưỡng và phát triển năng lực đặc thù của môn học như năng lực đọc
hiểu, năng lực thưởng thức, cảm thụ văn chương, năng lực đánh giá cái hay, cái đẹp
của văn chương, năng lực vận dụng….. Từ đó có thể tham gia vào quá trình giao tiếp
văn học, giao tiếp đời sống một cách có hiệu quả.
Bên cạnh đó tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo còn phát huy sự trải nghiệm
sáng tạo thế giới nghệ thuật trong tác phẩm văn học ở chính mỗi bản thân học sinh.
Qua hoạt động trải nghiệm, mỗi học sinh sẽ có những cảm nhận riêng, mới mẻ và bổ
ích, có những cách nhìn nhận về cuộc sống, về con người khác nhau. Mỗi bài học
trải nghiệm sẽ là một bài học làm người giúp các em sống tốt hơn, hoàn thiện và
phát triển nhân cách, năng lực chủ thể học sinh. Hơn ai hết học sinh biết kết nối và
luôn có ý thức trải nghiệm để thẩm thấu sâu sắc những giá trị tác phẩm, làm phong
phú hơn vốn sống, vốn hiểu biết xã hội của bản thân, hình thành nên động cơ, niềm
tin và giá trị sống.
2.3. Cách thức thực hiện


Trong dạy học Ngữ văn, GV cần chú ý phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo của
học sinh (người học). Đây chính là cốt lõi của đổi mới dạy và học, hướng tới hoạt
động học tập chủ động, chống lại thói quen thụ động của học sinh. Học sinh phải
được đưa vào những tình huống thực tiễn của đời sống, được trực tiếp quan sát, thảo
luận, trải nghiệm và giải quyết vấn đề theo những cách suy nghĩ của mình. Nói cách
khác là được tạo điều kiện tối đa để phát huy hết các năng lực chủ quan của mình
trong quá trình khám phá, chiếm lĩnh, tiếp nhận và thưởng thức văn học dưới sự hỗ
trợ, sự hướng dẫn của người giáo viên. Phát huy được tính tích cực, chủ động của

học sinh chính là tiền đề cho sự sáng tạo, sự phát triển tự giác và hứng thú trong học
tập.
Trong dạy học tác phẩm văn chương, tăng cường tính tích cực, chủ động sáng tạo
của học sinh không chỉ thể hiện ở hệ thống câu hỏi, bài tập mà còn thể hiện ở sự đa
dạng hóa các hoạt động học tập, hình thức trải nghiệm phù hợp với năng lực của học
sinh.
Xuất phát từ đặc trưng phản ánh của văn chương với tư cách là một loại hình nghệ
thuật đa giá trị, giáo viên rèn cho học sinh chủ động diễn đạt, diễn tả tình cảm, cảm
xúc, cảm nhận của mình thông qua một số hình thức tổ chức đa dạng như:
Tổ chức dưới hình thức các câu lạc bộ văn học như: Câu lạc bộ Văn học dân gian,
Nguyễn Du và Truyện Kiều; Tinh hoa thơ mới, Âm vang thơ kháng chiến, Văn học
sau 1975; …… Đây là hình thức sinh hoạt ngoại khóa văn học của học sinh dưới sự
định hướng của giáo viên. Với hoạt động này học sinh có cơ hội được chia sẻ những
kiến thức, những hiểu biết của mình về các lĩnh vực chuyên sâu. Học sinh được thực
hành các quyền trẻ em của mình như quyền được học tập, quyền được vui chơi giải
trí và tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, quyền được tự do biểu đạt, được
tìm kiếm và tiếp nhận, xử lí những thông tin……Qua đó rèn luyện, bồi dưỡng và
phát triển cho học sinh các năng lực như năng lực giao tiếp, năng lực hợp tác, năng
lực làm việc nhóm, năng lực giải quyết vấn đề, năng lực Ngữ văn…… Thông qua
hoạt động câu lạc bộ, giáo viên nói riêng, các nhà giáo dục nói chung hiểu và quan
tâm hơn đến những nhu cầu, nguyện vọng, những mục đích chính đáng của học sinh.
Tổ chức dưới hình thức là các sân chơi, trò chơi văn học. Trò chơi là một hoạt động
vừa có tính chất giải trí, thư giãn nhưng cũng đồng thời là một hoạt động giáo dục
“học mà chơi, chơi mà học”. Đây chính là món ăn tinh thần mang lại nhiều bổ ích và
không thể thiếu được trong cuộc sống của mỗi con người nói chung, học sinh nói
riêng. Hình thức này có thể sử dụng trong nhiều tình huống, nhiều lĩnh vực khác


nhau. Trò chơi giúp học sinh phát huy tính sáng tạo, tính tích cực, chủ động và gây
hứng thú cho học sinh; giúp học sinh tiếp nhận kiến thức, rèn luyện kĩ năng, phát

triển năng lực một cách nhanh nhất. Và hơn thế còn trang bị cho các em có những
tác phong nhanh nhẹn, tạo được bầu không khí thân thiện, môi trường giao lưu cởi
mở, tích cực giữa các học sinh với nhau, giữa học sinh với các thầy cô giáo. Một số
hình thức trò chơi giáo viên có thể tổ chức cho học sinh như: Hái hoa dân chủ,
Không gian văn học, Rung chuông vàng, Đố thơ, …..
Giáo viên bộ môn Ngữ văn cũng có thể phối hợp với nhà trường, các cơ quan báo
đài, Hội văn học nghệ thuật ở địa phương…..tổ chức các diễn đàn văn học nghệ
thuật như: các buổi Tọa đàm, nói chuyện với các nhà văn, nhà thơ trong chương
trình Ngữ văn ở nhà trường phổ thông; các diễn đàn tương tác như: Em tập làm thơ,
viết văn, Em là nhà văn; Thi sáng tác theo các chủ đề gắn với những ngày lễ hội….
Có thể xem đây chính là một trong những hình thức tổ chức mang lại hiệu quả giáo
dục thiết thực từ môn Ngữ văn. Thông qua các diễn đàn, học sinh có cơ hội bày tỏ
những suy nghĩ, ý kiến, quan niệm hay những câu hỏi, đề xuất của mình về một vấn
đề nảy sinh trong văn học, qua văn học. Và đây cũng là một dịp để các em biết lắng
nghe ý kiến, học tập lẫn nhau và biết tự trang bị cho mình những tri thức, những
năng lực Ngữ văn.
Sân khấu hóa tác phẩm văn học là một hình thức nghệ thuật tương tác dựa trên hoạt
động diễn kịch, trong đó vở kịch chỉ có phần mở đầu đưa ra tình huống, phần còn lại
được sáng tạo bởi những người tham gia. Phần trình diễn chính là một cuộc chia sẻ,
thảo luận giữa những người thực hiện và khán giả, trong đó đề cao sự tương tác, sự
tham gia của khán giả. Thông qua hình thức này tăng cường sự nhận thức, thúc đẩy
học sinh để học sinh đưa ra những quan điểm, suy nghĩ và những cách xử lí tình
huống, khả năng ứng phó với những thay đổi của cuộc sống….. Qua hình thức này,
học sinh cũng nhận thức được sự khác nhau, khoảng cách từ văn bản văn chương
đến nghệ thuật sân khấu. Có thể chuyển thể sang kịch bản văn học một số trích đoạn
như trích đoạn trong Chí Phèo; trích đoạn trong Hồn Trương Ba da hàng thịt; trích
đoạn trong Rômêo và Juliet; ……
Giáo viên tổ chức cho học sinh những buổi tham quan dã ngoại nhằm khích lệ, thu
hút đông đảo học sinh tham gia. Đây được xem là một hình thức học tập thực tế hấp
dẫn đối với học sinh. Mục đích của các chuyến đi là để các em được đi thăm, tìm

hiểu và học hỏi kiến thức, tiếp xúc với các di tích lịch sử, văn hóa đã được in dấu
trong văn học; giúp các em có được những kinh nghiệm thực tế, sự trải nghiệm và từ


đó có thể áp dụng vào cuộc sống của chính các em. Các lĩnh vực tham quan dã ngoại
thường được tổ chức ở nhà trường phổ thông là: Thăm quan các Viện bảo tàng như:
Bảo tàng văn học, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng dân tộc…..; các Khu di tích lịch
sử - văn hóa như: Khu di tích Nguyễn Du, Côn Sơn Kiếp Bạc, Khu Di tích Hồ Chí
Minh, Thành Cổ Quảng Trị, Ngã ba Đồng Lộc….; Dã ngoại theo các chủ đề học
tập……
Một trong những hình thức tổ chức hoạt động hấp dẫn, lôi cuốn học sinh tham gia và
đạt hiệu quả cao trong việc học tập, giáo dục và rèn luyện Ngữ văn đó là tổ chức các
cuộc thi, hội thi. Hội thi mang tính chất thi đua giữa các cá nhân, nhóm và tập thể
mong muốn vươn lên để đạt được mục tiêu đặt ra. Cuộc thi là cơ hội tranh tài, đọ sức
đáp ứng nhu cầu của học sinh, thu hút tài năng và sự sáng tạo không ngừng của học
sinh; phát triển khả năng hoạt động tích cực, chủ động và sự tương tác của học sinh;
góp phần bồi dưỡng cho các em động cơ học tập tích cực, kích thích hứng thú trong
quá trình nhận thức. Hội thi, cuộc thi có thể thực hiện một cách linh hoạt, phong phú
hấp dẫn như: thi sáng tác văn, thi vẽ tranh qua thơ, thi tìm hiểu về văn, thi đố vui, thi
giải ô chữ, thi tiểu phẩm, thi kể chuyện, đọc thơ……Như vậy, bồi dưỡng năng lực
Ngữ văn cho học sinh không chỉ dừng lại ở những giờ học trên lớp mà còn thông
qua những hình thức hoạt động ngoài giờ lên lớp. Khuyến khích, tạo cơ hội, điều
kiện thuận lợi cho học sinh tham gia các chương trình, các dự án, các hoạt động để
tìm hiểu, để chia sẻ và trải nghiệm….là một trong những nhiệm vụ quan trọng của
giáo viên Ngữ văn. Nói như Hoài Thanh người giáo viên dạy Ngữ văn cũng giống
như người “đệm đàn”, người “dạo nhạc” cho các “ca sĩ” nhà trường non trẻ, người
bắc nhịp cầu đồng cảm giữa chủ thể sáng tạo văn học và chủ thể cảm thụ văn
chương. “Đệm đàn chớ để tiếng đàn lấn át tiếng hát. Bình thơ cũng không nên che
mất tiếng thơ. Người đệm đàn, bình thơ phải biết lùi lại để đưa tiếng hát, tiếng thơ
lên trước” [4; 237].

3. KẾT LUẬN
Tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong dạy học Ngữ văn được xem là một
trong những cách thức nhằm phát huy vai trò sáng tạo của người học, giúp học sinh
có những nhận thức, những trải nghiệm bổ ích, mới mẻ, đầy lí thú với văn học nghệ
thuật. Từ việc tham gia vào các hoạt động trải nghiệm sáng tạo sẽ giúp học sinh phát
triển các năng lực của chủ thể; có kĩ năng nắm bắt nội dung nhanh hơn, chủ động
phát hiện ra các giá trị của văn học, có khả năng phản hồi thông tin, trực tiếp được


thể nghiệm các tư tưởng, cảm xúc, góp phần tích cực tham gia vào đời sống xã hội
để trở thành những con người phát triển toàn diện. Và như vậy, dạy học tác phẩm
văn chương không còn là những giờ học kiến thức thuần túy, giờ “học chữ” mà trở
thành những giờ “học làm người”. Hơn bất cứ giờ học nào khác, đây chính là cơ hội
thuận lợi để chuẩn bị cho các em những hành trang cần và đủ của mỗi con người
trong giai đoạn hiện nay.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bùi Ngọc Diệp (2015), Hình thức tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo
trong nhà trường phổ thông, Tạp chí Khoa học Giáo dục, Số 113/ 02.
2. Đặng Vũ Hoạt (chủ biên) (1998), Tổ chức hoạt động giáo dục, NXB Giáo dục.
3. Nhiều tác giả (1992), Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển ngôn ngữ, Hà Nội.
4. Đinh Thị Kim Thoa (2005), Tài liệu tập huấn kỹ năng xây dựng và tổ chức các
hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong trường trung học, Hà Nội.
5. Hoài Thanh toàn tập (1999), tập 4, NXB Văn học.
Bài đăng trên Tạp chí Giáo chức, số 126 (10/2017), tr. 32 - 36.



×