Tải bản đầy đủ (.pdf) (96 trang)

Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có trong luật hình sự việt nam và thực tiễn xét xử tại hà nội (luận văn thạc sĩ luật học)

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (721.2 KB, 96 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

BỘ TƯ PHÁP

TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI

TẠ THỊ THU HƯƠNG

TỘI CHỨA CHẤP HOẶC TIÊU THỤ TÀI SẢN DO NGƯỜI
KHÁC PHẠM TỘI MÀ CÓ TRONG LUẬT HÌNH SỰ VIỆT
NAM VÀ THỰC TIỄN XÉT XỬ TẠI HÀ NỘI.

LUẬN VĂN THẠC SĨ LUẬT HỌC

HÀ NỘI - NĂM 2016

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

BỘ TƯ PHÁP

TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI


TẠ THỊ THU HƯƠNG

TỘI CHỨA CHẤP HOẶC TIÊU THỤ TÀI SẢN DO NGƯỜI
KHÁC PHẠM TỘI MÀ CÓ TRONG LUẬT HÌNH SỰ VIỆT
NAM VÀ THỰC TIỄN XÉT XỬ TRÊN TẠI HÀ NỘI.

LUẬN VĂN THẠC SĨ LUẬT HỌC
Chuyên ngành: Luật hình sự


Mã số: 60380104

Người hướng dẫn khoa học: TS. Hoàng Văn Hùng

HÀ NỘI - NĂM 2016

LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan Luận văn là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số
liệu, ví dụ và trích dẫn trong Luận văn có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo chính xác,
tin cậy và trung thực. Các kết quả nghiên cứu trong luận văn do tôi tự tìm hiểu,
phân tích một cách khách quan và phù hợp với thực tiễn trên địa bàn thành phố Hà


Nội. Tôi đã hoàn thành tất cả các môn học và đã thanh toán tất cả các nghĩa vụ tài
chính theo quy định của Trường Đại học Luật Hà Nội.
Tôi xin chân thành cảm ơn !

GIẢNG VIÊN HƯỚNG DẪN

NGƯỜI CAM ĐOAN

Tạ Thị Thu Hương


DANH MỤC CÁC TỪ VIẾT TẮT
BLHS:

Bộ luật hình sự

CTTP:


Cấu thành tội phạm

HSST:

Hình sự sơ thẩm

NPT:

Người phạm tội

TAND:

Tòa án nhân dân

TANDTC:

Tòa án nhân dân tối cao

TNHS:

Trách nhiệm hình sự

VKSNDTC:

Viện kiểm sát nhân dân tối cao


DANH MỤC BẢNG
Số hiệu

bảng
Bảng số 1

Tên bảng

Trang

Số vụ/số bị cáo bị xét xử sơ thẩm về tội chứa chấp,

56

tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có trên
địa bàn thành phố Hà Nôi từ năm 2011 – 2015

Bảng số 2

Tổng số vụ án/số bị cáo bị xét xử về tội chứa chấp

58

hoặc tiêu tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà
có theo Điều 250 BLHS so với tổng số vụ án phạm
tội nói chung/ tổng số bị cáo đã xét xử sơ thẩm từ
năm 2011- 2015.
Bảng số 3

Số liệu thống kê kết quả xét xử sơ thẩm đối với các
bị cáo phạm tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do
người khác phạm tội mà có từ năm 2011 – 2015


78


DANH MỤC BIỂU ĐỒ
Số hiệu bản đồ
Biểu đồ số 1

Tên biểu đồ

Trang

Số vụ/ số bị cáo bị xét xử sơ thẩm về tội chứa

57

chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà
có trên địa bàn thành phố Hà Nôi từ năm 2011 –
2015.
Biểu đồ số 2

Cơ cấu kết quả xét xử sơ thẩm đối với các bị cáo
phạm tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người
khác phạm tội mà có trong 5 năm (từ 2011-2015)

79


MỤC LỤC
Trang phụ bìa
Lời cam đoan

Danh mục từ viết tắt
Danh mục các bảng, biểu
Mục lục
Trang
PHẦN MỞ ĐẦU……………………………………………………………. 1
1. Tính cấp thiết của đề tài……………………………………………......

1

2. Tình hình nghiên cứu đề tài…………………………………………….

2

3. Mục đích, nhiệm vụ, đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận văn.. 4
3.1. Mục đích nghiên cứu ………………………………………………....... 4
3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu…………………………………………………… 4
3.3. Đối tượng nghiên cứu…………………………………………………

5

3.4. Phạm vi nghiên cứu…………………………………………………….. 5
4. Phương pháp nghiên cứu của luận văn………………………………

5

5. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận văn……………………………

6

5.1. Về mặt lý luận…………………………………………………………


6

5.2. Về mặt thực tiễn………………………………………………………… 6
6. Kết cấu của luận văn……………………………………………………. 6
PHẦN NỘI DUNG…………………………………………………………. 7
CHƯƠNG 1. MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG VỀ TỘI CHỨA CHẤP
HOẶC TIÊU THỤ TẢI SẢN DO NGƯỜI KHÁC PHẠM TỘI MÀ CÓ
THEO LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM……………………………………

7

1.1. Khái niệm tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm
tội mà có…………………………………………………………………….. 7
1.2. Khát quát lịch sử lập pháp hình sự quy định về tội chứa chấp hoặc
tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có …………………………

11


1.2.1. Trước khi ban hành Bộ luật hình sự năm 1999………………… …… 11
1.2.2. Quy định tại Bộ luật hình sự năm 1999………………………………. 18
1.2.3. Quy định tại Bộ luật hình sự năm 2015………………………………. 19
1.3. Các yếu tố cấu thành của tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do
người khác phạm tội mà có………………………………………………

22

1.3.1. Khách thể của tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác
phạm tội mà có …………………………………………………………….


23

1.3.2. Mặt khách quan của tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác
phạm tội mà có………………………………………………………………

29

1.3.3. Chủ thể của tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm
tội mà có……………………………………………………………………

34

1.3.4. Mặt chủ quan của tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác
phạm tội mà có ……………………………………………………………… 35
1.4. Hình phạt đối với người phạm tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản
do người khác phạm tội mà có……………………………………………

39

1.4.1. Hình phạt chính đối với người phạm tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài
sản do người khác phạm tội mà có theo khoản 1 Điều 250 BLHS…………

40

1.4.2. Hình phạt chính đối với người phạm tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài
sản do người khác phạm tội mà có theo khoản 2, 3, 4 Điều 250 BLHS……

41


1.4.3. Hình phạt bổ sung đối với người phạm tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài
sản do người khác phạm tội mà có theo khoản 5 Điều 250 BLHS…………

47

Kết luận Chương 1…………………………………………………………. 49
CHƯƠNG 2. THỰC TIỄN XÉT XỬ TỘI CHỨA CHẤP HOẶC TIÊU
THỤ TÀI SẢN DO NGƯỜI KHÁC PHẠM TỘI MÀ CÓ TẠI HÀ NỘI
VÀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG
XÉT XỬ TỘI TỘI CHỨA CHẤP HOẶC TIÊU THỤ TÀI SẢN DO
NGƯỜI KHÁC PHẠM TỘI MÀ CÓ……………………………………

51

2.1. Tình hình xét xử tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác
phạm tội mà có …………………………………………………………….

51


2.2. Thực tiễn định tội danh ………………………………………………

55

2.3. Thực tiễn quyết định hình phạt ……………………………………… 66
2.4. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động xét xử tội chứa chấp
hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có …………………..... 75
Kết luận Chương 2…………………………………………………………

84


PHẦN KẾT LUẬN ……………………………………………………....... 85
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO


10

PHẦN MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Đất nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã tiến hành
công cuộc đổi mới một cách toàn diện từ Đại hội toàn quốc lần thứ VI cho tới nay
và đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng. Nền kinh tế chuyển từ chế độ quản
lý tập trung quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ
nghĩa dưới sự quản lý của Nhà nước đã vượt qua thời kỳ suy giảm, đạt tốc độ tăng
trưởng khá cao. Tình hình chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng và an ninh được
giữ vững và ngày càng được tăng cường, quan hệ đối ngoại có bước phát triển mới
và đời sống nhân dân được cải thiện.
Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển về kinh tế, xã hội trong thời kỳ đổi mới
hội nhập thì nhiều vấn đề tiêu cực đã phát sinh đặc biệt là tình hình tội phạm gia
tăng. Trong đó, các tội xâm phạm trật tự công cộng cũng có nhiều diễn biến phức
tạp, gây ra hậu quả và tác hại không nhỏ cho xã hội. Trong các tội phạm xâm phạm
trật tự công cộng thì tội chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có
được coi là một trong những tội phổ biến.
Thực tiễn xét xử tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội
mà có không chỉ gặp khó khăn do diễn biến phức tạp của tội phạm mà còn gặp
nhiều khó khăn, vướng mắc trong cách hiểu và áp dụng pháp luật, dẫn đến cùng
một vụ án nhưng có các cách hiểu và áp dụng pháp luật khác nhau. Nguyên nhân
một phần là do các văn bản pháp luật đối với loại tội này chưa đầy đủ, rõ ràng và
cũng một phần do trình độ của cán bộ tư pháp còn nhiều hạn chế.
Nghiên cứu về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội

mà có trên cơ sở lý luận cũng như thực tiễn xét xử, có rất nhiều vấn đề vướng mắc
đòi hỏi khoa học pháp lý phải nghiên cứu, giải quyết như: khái niệm, những dấu
hiệu pháp lý hình sự đặc trưng của tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người
khác phạm tội mà có để có cách hiểu thống nhất, chính xác trong quá trình áp dụng
vào thực tiễn xét xử.


11

Là một cán bộ công tác trong ngành Tòa án thực hiện công tác xét xử trên
địa bàn thành phố Hà Nội, tác giả nhận thấy thực tế xét xử tội chứa chấp hoặc tiêu
thụ tài sản do người khác phạm tội mà có luôn chiếm một số lượng đáng kể trong
tổng số các tội phạm hàng năm và trong quá trình áp dụng cũng gặp nhiều khó
khăn vướng mắc trong việc áp dụng pháp luật. Chính vì vậy, tác giả đã lựa chọn và
nghiên cứu đề tài: "Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội
mà có trong luật hình sự Việt Nam và thực tiễn xét xử tại Hà Nội" làm luận văn
thạc sĩ Luật học. Qua đề tài này, tác giả có điều kiện tiếp tục nghiên cứu một cách
đầy đủ và làm sâu sắc hơn các vấn đề lý luận về cấu thành tội phạm (CTTP)1 cũng
như thực tiễn xét xử đối với chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm
tội mà có trên địa bàn thành phố Hà Nội, để từ đó làm căn cứ để đề xuất, kiến nghị
tiếp tục hoàn thiện pháp luật hình sự; nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng
ngừa và chống tội phạm.
2. Tình hình nghiên cứu đề tài
Dưới góc độ khoa học pháp lý, việc nghiên cứu về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ
tài sản do người khác phạm tội mà có trong một số công trình nghiên cứu khoa học
của các cơ sở đào tạo luật học như: Trường Đại học Luật Hà Nội, Khoa Luật - Đại
học quốc gia Hà Nội, Viện Nhà nước và Pháp luật thuộc Viện Hàn lâm khoa học
xã hội Việt Nam và một số cơ sở đào tạo khác. Trong đó phải kể đến một số giáo
trình, sách chuyên khảo: GS.TSKH Lê Cảm (chủ biên), Giáo trình Luật hình sự
Việt Nam (Phần các tội phạm), Khoa luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, Nxb Đại học

Quốc gia Hà Nội (2001, tái bản năm 2003 và 2007); GS.TS Võ Khánh Vinh (chủ
biên), Giáo trình luật hình sự Việt Nam (Phần các tội phạm), Nxb Công an nhân
dân, Hà Nội (2001).
Bên cạnh đó, các vấn đề về lý luận và thực tiễn xét xử còn được nghiên cứu
trong một số công trình nghiên cứu khoa học của Ths. Đinh Văn Quế, Bình luận
khoa học Bộ luật Hình sự năm 1999 - Phần các tội phạm, Tập 9; TS. Trần Minh
1 Nguyễn Ngọc Hòa (2008), Tội phạm và cấu thành tội phạm, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, trang 36.


12

Hưởng, Tìm hiểu Bộ luật Hình sự nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb
Lao động, Hà Nội, 2002.
Các bài báo, tạp chí như: Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác
phạm tội mà có trong luật hình sự Việt Nam của tác giả Phạm Văn Báu đăng trên
Tạp chí Luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, số 5/2004; Đề xuất sửa đổi điều
250 Bộ luật hình sự về tội "chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội
mà có" của tác giả Trần Quốc Văn đăng trên tạp chí Kiểm sát củaViện Kiểm sát
nhân dân tối cao, số 2/2011; Một vài ý kiến về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản
do người khác phạm tội mà có của tác giả Thái Chí Bình đăng trên tạp chí Tòa án
nhân dân, Tòa án nhân dân tối cao, số 20/2012; Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản
do người khác phạm tội mà có của tác giả Đặng Thị Tuyết Nhung đăng trên tạp chí
Tòa án nhân dân, Tòa án nhân dân tối cao, số 14/2013; Giải pháp nâng cao hiệu
quả áp dụng các quy định của Bộ luật Hình sự về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài
sản do người khác phạm tội mà có của tác giả Vũ Thị Thùy Dung đăng trên tạp chí
Thanh tra, Thanh tra chính phủ, số 8/2015.
Ngoài ra, còn phải kể đến một số khóa luận tốt nghiệp, luận văn thạc sĩ Luật
học chuyên ngành Luật hình sự như: Đấu tranh phòng chống tội chứa chấp hoặc
tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có trên địa bàn tỉnh Sơn La tác giả
Phùng Mạnh Hùng, Luận văn thạc sĩ luật học năm 2006; Tội chứa chấp hoặc tiêu

thụ tài sản do người khác phạm tội mà có trong Bộ luật Hình sự Việt Nam - Những
vấn đề lý luận và thực tiễn tác giả Vũ Thị Thùy Dung, Khoá luận tốt nghiệp năm
2011; Phòng ngừa tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà
có trên địa bàn thành phố Hà Nội tác giả Kiều Thị Hảo, Luận văn thạc sĩ luật học
năm 2011.
Các công trình nghiên cứu, sách chuyên khảo, bài viết liên quan đến tội chứa
chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có thường tập trung đi sâu
tới vấn đề lý luận về dấu hiệu định tội của tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do
người khác phạm tội mà có hoặc nhìn nhận vấn đề dưới góc độ tội phạm học, đấu
tranh phòng ngừa tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có


13

hoặc đấu tranh phòng ngừa tội xâm phạm trật tự công cộng trên một địa bàn nhất
định. Tuy nhiên, đến nay chưa có công trình nghiên cứu nào nghiên cứu một cách
toàn diện, có hệ thống các vấn đề lý luận, các quy định của pháp luật và thực tiễn
xét xử trên địa bàn thành phố Hà Nội đối với tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do
người khác phạm tội mà có ở cấp độ một luận văn thạc sĩ luật học. Đặc biệt là
những quy định mới của tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm
tội mà có trong Bộ luật hình sự năm 2015.
Việc nghiên cứu toàn diện vấn đề lý luận và các quy định của BLHS về tội
chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có theo BLHS 1999 và
Bộ luật hình sự năm 2015, cũng như đề xuất các biện pháp nâng cao hiệu quả áp
dụng các quy định về tội phạm này vẫn là vấn đề cần thiết trên cả hai phương diện
lý luận và thực tiễn.
3. Mục đích, nhiệm vụ, đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận văn
3.1. Mục đích nghiên cứu
Việc nghiên cứu đề tài này giúp chúng ta hiểu rõ hơn và có hệ thống những
vấn đề pháp lý cơ bản với tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm

tội mà có theo luật hình sự Việt Nam như: Khái niệm, các dấu hiệu pháp lý, trách
nhiệm hình sự (TNHS) đối với người phạm tội và thực tiễn xét xử với tội chứa
chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có trong thời gian từ năm
2010 – 2015 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trên cơ sở đó, luận văn chỉ ra một số vướng mắc làm cản trở công tác giải
quyết vụ án của cơ quan tiến hành tố tụng, từ đó đề xuất một số kiến nghị, giải
pháp hoàn thiện pháp luật và những giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng các quy
định của BLHS Việt Nam về xử lý loại tội phạm này.
3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu.
Để đạt được mục đích trên, luận văn đã đặt ra và giải quyết các nhiệm vụ
sau: a) Phân tích, làm rõ lịch sử hình thành và phát triển những quy định về tội
chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có trong luật hình sự
Việt Nam; b) Phân tích, làm rõ những vấn đề lý luận như: khái niệm, dấu hiệu


14

pháp lý, trách nhiệm hình sự của tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác
phạm tội mà có; c) Phân tích và đánh giá các quy định của Bộ luật hình sự và các
văn bản hướng dẫn của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về tội chứa chấp
hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có; d) Khái quát về tình hình tội
phạm và thực tiễn xét xử loại tội phạm này trên địa bàn Hà Nội trong những năm
gần đây; nêu lên những vướng mắc trong quá trình xét xử, đòi hỏi khoa học luật
hình sự phải nghiên cứu giải quyết; e) Đề xuất hệ thống các giải pháp nâng cao
hiệu quả áp dụng những quy định của pháp luật hình sự hiện hành về tội chứa chấp
hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.
3.3. Đối tượng nghiên cứu
Luận văn nghiên cứu và làm sáng tỏ những vấn đề lý luận, những quy định
của Bộ luật hình sự Việt Nam và thực tiễn xét xử (định tội danh và quyết định hình
phạt) đối với tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có

trong luật hình sự Việt Nam.
3.4. Phạm vi nghiên cứu
Trong khuôn khổ luận văn thạc sĩ luật học, phạm vi nghiên cứu của luận văn
là những vấn đề liên quan đến tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác
phạm tội mà có dưới góc độ luật hình sự và thực tiễn xét xử trong thời gian 5 năm
gần đây (từ năm từ năm 2011 đến năm 2015) trên địa Hà Nội.
4. Phương pháp nghiên cứu của luận văn
Luận văn được thực hiện trên cơ sở phương pháp luận của chủ nghĩa Mác –
Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về Nhà nước
và pháp luật, về đấu tranh phòng chống tội phạm trong giai đoạn cải cách tư pháp ở
nước ta hiện nay.
Trong quá trình nghiên cứu luận văn sử dụng các phương pháp nghiên cứu
cụ thể như: Phân tích, tổng hợp và thống kê xã hội học; phương pháp so sánh, đối
chiếu; phân tích quy phạm pháp luật, khảo sát thực tiễn; nghiên cứu, điều tra án
điển hình để phân tích và luận chứng các vấn đề khoa học cần nghiên cứu trong
luận văn này.


15

5. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận văn
5.1. Về mặt lý luận
Kết quả nghiên cứu và những đề xuất của luận văn sẽ có ý nghĩa quan trọng
đối với việc nâng cao hiệu quả việc áp dụng những quy định của pháp luật hình sự
hiện hành về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có ở
nước ta. Và đồng thời, cũng thông qua kết quả nghiên cứu của luận văn tác giả
mong muốn luận văn của mình cũng góp phần hoàn thiện hơn lý luận về hành vi
chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có trong khoa học luật
hình sự Việt Nam và từ đó cũng góp phần thúc đấy sự phát triển khoa học luật hình
sự ở Việt Nam hiện nay.

5.2. Về mặt thực tiễn
Luận văn có thể sử dụng làm tài liệu tham khảo, nghiên cứu, học tập. Những
đề xuất, kiến nghị của luận văn sẽ cung cấp những luận chứng khoa học phục vụ
cho công tác lập pháp và nâng cao chất lượng hoạt động điều tra, truy tố và xét xử
đối với tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Đồng
thời qua đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội chứa
chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có hiện nay.
6. Kết cấu của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, nội dung của
luận văn gồm 2 chương:
Chương 1: Một số vấn đề chung về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người
khác phạm tội mà có theo luật hình sự Việt Nam;
Chương 2: Thực tiễn xét xử tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác
phạm tội mà có tại Hà Nội và một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt
động xét xử tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm
tội mà có.
.


16

PHẦN NỘI DUNG
CHƯƠNG 1. MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG VỀ TỘI CHỨA CHẤP HOẶC
TIÊU THỤ TẢI SẢN DO NGƯỜI KHÁC PHẠM TỘI MÀ CÓ THEO LUẬT
HÌNH SỰ VIỆT NAM
1.1. Khái niệm tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà

Dưới góc độ ngôn ngữ Tiếng Việt: “Chứa chấp là chứa một cách trái phép:
chứa chấp kẻ gian; chứa chấp hàng lậu2 và “tiêu thụ: có hai nghĩa, nghĩa 1: bán
ra được, bán đi được (nói về hàng hóa); Nghĩa 2: dùng hết dần vào việc gì, ví dụ:

xe này tiêu thụ nhiều xăng3. Từ đó, chúng ta có thể hiểu chứa chấp hoặc tiêu thụ
tài sản do người khác phạm tội mà có “là hành vi chứa chấp một cách trái phép
hoặc bán, sử dụng trái phép tài sản do người khác phạm tội mà có.” Với khái niệm
trên hành vi chứa chấp của tội này sẽ là hành vi chứa, cất, giữ trái phép tài sản do
người khác phạm tội mà có; còn hành vi tiêu thụ của tội này sẽ là hành vi bán hoặc
sử dụng một cách trái pháp luật tài sản do người khác phạm tội mà có.
Dưới góc độ khoa học pháp lý hình sự thì “tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài
sản do người khác phạm tội mà có” được hiểu như thế nào.Trước hết, chúng ta
phải làm rõ khái niệm “tội phạm” trong khoa học pháp lý hình sự, Điều 8 của Bộ
Luật hình sự năm 1999 đã quy định:
Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ
luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một
cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn
lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế…xâm phạm
những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa.4
Khái niệm này đã thể hiện một cách rõ ràng, cụ thể về tội phạm: đó là hành
vi (của một hoặc một nhóm người) nguy hiểm cho xã hội, đã vi phạm các quy định
2 Từ điển Tiếng Việt, Nxb Văn hóa Sài Gòn, 2005, tr 349.
3 Từ điển Tiếng Việt, Nxb Văn hóa Sài Gòn, 2005, tr 1603.
4 Bộ luật Hình sự, Nxb Lao động. năm 2014, trang 41.


17

của BLHS, vi phạm các chuẩn mực đạo đức, phá vỡ các trật tự bình thường của
hoạt động xã hội, gây ra những hậu quả xấu cho lợi ích của xã hội và cần phải
trừng trị. Hơn nữa, khái niệm này cũng đã khái quát được đầy đủ 4 yếu cấu thành
của tội phạm: khách thể, mặt khách quan, chủ thể, mặt chủ quan.
Theo từ điển Luật học, thì “hành vi chứa chấp tài sản do người khác phạm
tội mà có là hành vi cất giấu hoặc tạo điều kiện cho việc cất giấu những tài sản

mình biết rõ do hành vi phạm tội của người khác mà có được5”. Còn “hành vi tiêu
thụ tài sản do người khác phạm tội mà có là hành vi mua, trao đổi, nhận hoặc giúp
cho việc mua bán, trao đổi tài sản do người khác phạm tội mà có6”.
Và khi thực hiện hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm
tội mà có thì người đó không có sự hứa hẹn trước với người có tài sản do phạm tội
mà có, vì nếu có hứa hẹn trước thì người thực hiện hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ
tài sản do người khác phạm tội sẽ là người giúp sức trong đồng phạm của tội phạm
đã thực hiện để có được tài sản.
Trên cơ sở này có thể đưa ra khái niệm của tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản
do người khác phạm tội mà có như sau: Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do
người khác phạm tội mà có là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong
bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý
tuy không hứa hẹn trước, mà chứa, cất, giữ, bán tài sản biết rõ là do người khác
phạm tội mà có, xâm phạm trật tự công cộng và trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa.
Như vậy, khái niệm trên của tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác
phạm tội mà có đã thỏa mãn đầy đủ các dấu hiệu của tội phạm là: tội phạm là hành
vi nguy hiểm cho xã hội; tội phạm được quy định trong Bộ luật hình sự; tội phạm
do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện; tội phạm được thực hiện với
lỗi cố ý và tính chịu hình phạt của tội phạm.
Dấu hiệu thứ nhất của tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm
tội mà có là hành vi nguy hiểm cho xã hội
5Từ điển Luật học, Viện khoa học pháp lý – Bộ tư pháp, Nxb tư pháp, năm 2006, trang 162
6 Từ điển Luật học, Viện khoa học pháp lý – Bộ tư pháp, Nxb tư pháp, năm 2006, trang 764


18

Hành vi chứa chấp (chứa, cất, giữ) hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm
tội mà có tuy không có hứa hẹn trước là hành vi nguy hiểm cho xã hội vì những
hành vi này không chỉ trực tiếp xâm phạm trật tự công cộng an toàn xã hội mà còn

cản trở hoạt động tư pháp của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong việc
điều tra, xử lý người phạm tội, đồng thời gián tiếp khuyến khích người khác phạm
tội, phạm tội nhiều lần.
Dấu hiệu thứ hai của tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm
tội mà có được quy định trong Bộ luật hình sự
Tại Điều 2 của Bộ luật hình sự 1999 quy định: “Chỉ người nào phạm một tội
đã được Bộ luật hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự”. Do vậy, chỉ
người nào phạm một trong các tội được quy định trong Bộ luật hình sự mới phải
chịu trách nhiệm hình sự. Hay nói cách khác không thể có tội phạm nếu như hành
vi đó chưa được mô tả tại một điều Luật cụ thể ở phần các tội phạm của Bộ luật
hình sự. Như vậy, người nào đó thực hiện hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản
do nguời khác phạm tội mà có chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này nếu
hành vi của người đó phù hợp với hành vi được mô tả tại Điều 250 của Bộ luật
hình sự. Còn hành vi đó mà không được quy định tại Điều 250 của Bộ luật hình sự
thì không thể coi người đó phạm tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác
phạm tội mà có.
Dấu hiệu thứ ba của tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm
tội mà có là do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện
Người có năng lực trách nhiệm hình sự là con người cụ thể đạt độ tuổi do pháp
luật hình sự quy định, có khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của mình. Điều
12 của Bộ luật hình sự quy định độ tuổi chịu TNHS như sau: “1. Người từ đủ 16
tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm. 2. Người từ đủ 14 tuổi
trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất
nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng7”.
7 Bộ luật hình sự, Nxb Lao động, năm 2014, trang 46.


19

Như vậy, đối với người thực hiện hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do

người khác phạm tội mà có sẽ bị truy cứu TNHS khi họ có đủ năng lực TNHS theo
điều 12 Bộ luật hình sự và không thuộc trường hợp không có năng lực TNHS (là
trường hợp khi thực hiện hành vi tội phạm họ đang mắc bệnh tâm thần hoặc một
bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của
mình) theo quy định tại Điều 13 Bộ luật hình sự. Ngoài ra, đối với trường hợp
người phạm tội do say rượu hoặc dùng chất kích thích mạnh tuy họ không nhận
thức được hành vi họ thực hiện là nguy hiểm cho xã hội hoặc mất khả năng điều
khiển hành vi của mình trong khi phạm tội nhưng sẽ vẫn bị truy cứu TNHS được
quy định tại Điều 14 Bộ luật hình sự: “Người phạm tội trong tình trạng say rượu
hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu TNHS”.
Dấu hiệu thứ tư của tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm
tội mà có là tính có lỗi của tội phạm
Trong khoa học pháp lý hình sự cũng như trong luật hình sự Việt Nam thì
nguyên tắc có lỗi được coi là nguyên tắc cơ bản. Nội dung của nguyên tắc này là
“không có tội nếu như không có lỗi”. Lỗi là thái độ tâm lý của người thực hiện tội
phạm đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội mà họ đã thực hiện và đối với hậu quả
cho xã hội của hành vi đó gây ra dưới hình thức lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý.
Đối với tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có thì
người thực hiện hành vi cũng phải có lỗi và là lỗi cố ý vì khi thực hiện hành vi
phạm tội này họ nhận thức được hành vi mà họ thực hiện là nguy hiểm cho xã hội,
thấy trước và mong muốn hậu quả xảy ra hoặc cũng có thể họ không mong muốn
hậu quả sẽ xảy nhưng có ý thực để mặc hậu quả xảy ra khi thực hiện hành vi đó.
Nếu người thực hiện tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà
có không có lỗi thì không có tội.
Dấu hiệu thứ năm của tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm
tội mà có là tính chịu hình phạt
Khi tội phạm bị phát hiện thì phải có chế tài để xử lý tội phạm đó. Như vậy,
mới có thể bảo vệ được quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ, giáo dục mọi



20

người có ý thức chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật và đặc biệt còn giúp cho công
tác đấu tranh phòng và chống tội phạm đạt hiệu quả.
Đối với tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có,
người phạm tội chỉ bị áp dụng một hình phạt chính và có thể bị áp dụng một hoặc
một số hình phạt bổ sung. Theo quy định tại Điều 250 Bộ luật hình sự thì hình phạt
chính có thể áp dụng là: phạt tiền; cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn và hình
phạt bổ sung được quy định tại khoản 5 Điều 250 Bộ luật hình sự là phạt tiền; tịch
thu tài sản, và tùy từng trường hợp cụ thể mà có thể áp dụng cả hai hình phạt bổ
sung hoặc một trong hai hình phạt bổ sung.
Tóm lại, các dấu hiệu trên là những dấu hiệu chung của khái niệm tội chứa
chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Các dấu hiệu đó là cơ sở
để phân biệt tội phạm với hành vi chưa cấu thành tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài
sản do người khác phạm tội mà có và cũng được thể hiện trong CTTP được quy
định trong Bộ luật hình sự.
1.2. Khát quát lịch sử lập pháp hình sự quy định về tội chứa chấp hoặc tiêu
thụ tài sản do người khác phạm tội mà có
Mỗi loại tội phạm đều có lịch sử hình thành và phát triển, giai đoạn sau là sự
kế thừa và phát triển của giai đoạn trước và tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do
người khác phạm tội mà có cũng trải qua các giai đoạn hình thành và phát triển
như vậy. Chính vì vậy, tác giả sẽ đi nghiên cứu lịch sử lập pháp về tội chứa chấp
hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có theo ba giai đoạn:
1.2.1. Trước khi ban hành bộ Luật hình sự năm 1999
* Dưới chế độ phong kiến đến trước cách mạng tháng 8 năm 1945
Dưới chế độ phong kiến các triều đại đều sử dụng luật pháp là công cụ điều
chỉnh các quan hệ xã hội, bảo vệ chế độ phong kiến đặc biệt là xây dựng hệ thống
hình luật. Trong đó, việc xây dựng và áp dụng hệ thống hình luật thành công nhất
trong lịch sử phong kiến của nước ta phải kể đến Bộ luật Hồng Đức (hay còn gọi là
Quốc triều hình luật) dưới thời Vua Lê Thánh Tông vào năm 1483, “được coi là



21

Bộ luật quan trọng nhất, chính thống nhất của triều Lê 8” và Bộ luật Gia Long
(hay còn gọi là Hoàng Việt Luật Lệ) dưới thời vua Gia Long vào năm 1813.
Đối với tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có
khi nghiên cứu Bộ luật Hồng Đức và Bộ luật Gia Long cho chúng ta thấy rằng: các
bộ luật đều chưa có quy định riêng về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người
khác phạm tội mà có, nhưng đều đã đề cập tội phạm này tại nhiều điều luật. Trong
Bộ luật Hồng Đức tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có được quy định
tại Điều 429: “Giữa ban ngày ăn cắp vặt cũng xử tội đồ, đã lấy được của thì phải
bồi thường một phần tang vật. Những kẻ chứa chấp thì bị buộc tội nhẹ hơn một
bậc và bắt bồi thường một phần ba tang vật. Kẻ biết việc mà không cáo giác bị tội
nhẹ hơn hai bậc”. Và tại Điều 460 cũng quy định: “ Những kẻ nhận tài vật của kẻ
ăn trộm, thay đổi hình dạng rồi đem bán thì xử nhẹ hơn tội ăn trộm một bậc. Nếu
vì nhầm mà nhận những đồ vật ấy, thì truy số tiền mua ở người bán, còn đồ vật thì
được trả lại cho người mất9”. Các quy định trên đã chỉ rõ hành vi chứa chấp, tiêu
thụ tài sản ăn cắp là có tội, phải chịu trách nhiệm và tội này đều được các nhà làm
luật đánh giá là nhẹ hơn so với tội phạm chính.
Trong Bộ luật Gia Long, tại Điều 7, quyển thứ 13, có đề cập tội chứa chấp
hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có với tên gọi tội đạo tặc oa trữ
(trộm cắp, chứa đồ gian) như sau: “Phàm có thâm ý trộm bạo, chứa đồ gian, dù
chính bản thân không cùng thực hiện, chỉ chia phần tang vật thì cùng xử chém.
Nếu cùng thực hiện thì không nói đến việc chia tang vật, không chia tang vật, chỉ
theo bọn mà làm không chia thủ, tòng đều bị chém cả. Nếu không biết việc trộm
nọ, chỉ là chứa tạm thì không buộc tội […].Về mưu kế, kẻ chứa đồ gian chưa có
thâm ý lập mưu, chỉ là cùng biết mưu kế của giặc và cùng thực hiện nhưng không
chia tang vật hay có chia tang vật nhưng không cùng thực hiện vụ trộm, thì đều xử
chém cả. Nếu không làm, không chia tang vật thì phạt 100 trượng.10” Như vậy,

theo quy định của Bộ luật Gia Long thì tội chứa chấp tài sản do người khác phạm
8 Lê Thị Sơn (2004), Quốc triều hình luật, Nxb Khoa học xã hội, năm 2004, trang 5.
9 Quốc triều hình luật, Nxb Chính trị quốc gia Hà nội năm 1995, trang 166.
10 Nguyễn Văn Thành, Vũ Trinh, Trần Hựu (1994),Hoàng Việt luật lệ, Nxb Văn hóa thông tin,năm 1994, trang 650.


22

tội mà có, có liên quan đến một tội chính là tội trộm cắp tài sản. Nếu người chứa
chấp tài sản trộm cắp cố ý cùng thực hiện tội trộm cắp dưới dạng giúp sức, chứa
chấp tài sản trộm cắp được, được chia tang vật trộm cắp được, thì bị xử chém cùng
những người trộm cắp; nếu cùng thực hiện tội trộm cắp và sau đó chứa chấp tài sản
trộm cắp được, thì không cần biết có được chia tang vật trộm cắp được hay không,
đều bị xử chém. Còn trong trường hợp người chứa chấp tài sản trộm cắp không
thực hiện tội trộm cắp và cũng không được chia tang vật trộm cắp được, thì phạt
100 trượng, lưu 3000 dặm. Và nếu ai không biết tài sản có được do trộm cắp, chỉ là
chứa tạm thì không buộc tội.
Trong Hoàng Việt Hình Luật dưới thời Pháp thuộc tội này được quy định tại
khoản 6 Điều 351: “người nào tri tình mà oa trữ một phần hay toàn phần của trộm
cướp hoặc của lừa gạt hoặc của gì do phạm tội đại hình mà lấy được, thì người oa
trữ sẽ bị phạt một nửa tội danh mà luật đã định phạt về tội đại hình ấy mà người
ao trữ đã tri tình”, “oa trữ” chỉ hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ của gian. Như vậy,
cả Bộ luật Hồng Đức, Bộ luật Gia Long và Hoàng Việt Hình Luật đều đã đề cập
đến tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Đặc biệt
Hoàng Việt Hình Luật cũng đã có bước tiến mới khi quy định loại tội này không
chỉ liên quan đến tội trộm cắp tài sản như trong Bộ luật Hồng Đức và Bộ luật Gia
Long mà có liên quan đến các loại tội phạm khác11.
* Từ khi cách mạng tháng 8 thành công đến trước năm 1985.
Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, để bảo vệ những công trình,
phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia, Nhà nước ta cũng đã ban hành sắc

lệnh số 26/SL ngày 25-02-1946 trừng trị nghiêm khắc những kẻ phá hoại cầu cống,
đường xe lửa, đường giao thông, đê đập, các nhà máy điện, nhà máy nước, dây
điện thoại, điện tín... và sắc lệnh 27 ngày 28/02/1946 trừng trị tội phạm bắt cóc,
tống tiền và ám sát.

11 Hoàng Văn Hùng (2006), Các tội xâm phạm sở hữu trong Hoàng Việt luật lệ,Tội phạm và hình phạt trong Hoàng
Việt luật lệ, Đề tài nghiên cứu khoa học trường Đại học Luật Hà Nội, năm 2006, trang 105.


23

Đáng chú ý, cả hai Sắc lệnh trên đều đã đề cập tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài
sản do người khác phạm tội mà có. Cụ thể: Sắc lệnh số 26/SL quy định tại Điều 2
như sau: “Những kẻ oa trữ các dây điện thoại hay dây điện tín cũng bị phạt như
những kẻ ăn trộm các đồ vật ấy” và “sẽ bị truy tố và xét xử như những trọng tội”;
tại Sắc lệnh 27 ngày 28/02/1946 cũng tại Điều 2 tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản
do người khác phạm tội mà có được quy định: “Những người tòng phạm hoặc oa
trữ những tang vật của các tội phạm trên cũng bị phạt như chính phạm.” và cũng
sẽ “bị truy tố và xét xử như những trọng tội”. Lưu ý “chính phạm” trong trường
hợp này là những người thực hiện hành vi phạm tội bắt cóc, tống tiền và ám sát.
Như vậy thời kỳ này luật cũng chưa quy định tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài
sản do người khác phạm tội mà có thành tội danh riêng mà quy định và xử phạt
những người có hành vi này như những người thực hiện hành vi “trộm cắp các đồ
vật”, “chính phạm”; không có sự phân biệt và chỉ rõ về hành vi “oa trữ” – chứa
chấp hoặc tiêu thụ tài sản là tội phạm độc lập nếu không có hứa hẹn trước với
người thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản với hành vi “oa trữ” không có sự hứa
hẹn trước với người thực hiện hành vi tội phạm là đồng phạm nếu có sự hứa hẹn,
thỏa thuận trước giữa những người chứa chấp hoặc tiêu thụ với người thực hiện
hành vi chiếm đoạt tài sản.
Để quy định cụ thể hơn về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác

phạm tội mà có nhằm bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, tài sản riêng của công dân
việc Nhà nước ban hành hai pháp lệnh: Pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm tài
sản xã hội chủ nghĩa 1970 và Pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm tài sản riêng
của công dân 1970 là cần thiết và đúng đắn. Cụ thể: tại Điều 17 Pháp lệnh trừng trị
các tội xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa 1970 thì tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài
sản xã hội chủ nghĩa bị chiếm đoạt được quy định: “1. Kẻ nào biết rõ là tài sản xã
hội chủ nghĩa đã bị chiếm đoạt mà chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản đó thì bị phạt tù
từ 6 tháng đến 5 năm. 2. Phạm tội trong những trường hợp sau đây: a) Có tính
chất chuyên nghiệp hoặc tái phạm nguy hiểm; b) Có tổ chức; c) Chứa chấp hoặc
tiêu thụ tài sản với số lượng lớn hay là tài sản có giá trị đặc biệt; d) Dùng tài sản


24

chứa chấp vào việc kinh doanh, bóc lột, đầu cơ, đút lót hoặc vào những việc phạm
tội khác; Thì bị phạt tù từ 3 năm đến 12 năm.” và tại Điều 13 Pháp lệnh trừng trị
các tội xâm phạm tài sản riêng của công dân 1970 thì tội chứa chấp hoặc tiêu thụ
tài sản riêng của công dân bị chiếm đoạt cũng được quy định tương tự12.
Trong hai pháp lệnh này, tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản riêng của công
dân bị chiếm đoạt và tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản xã hội chủ nghĩa bị chiếm
đoạt đã được quy định thành tội danh riêng. Về kỹ thuật lập pháp cơ bản là giống
nhau về cách quy định tội danh, những dấu hiệu pháp lý hình sự đặc trưng và quy
định cụ thể cấu thành cơ bản của tội phạm, các cấu thành tội phạm tăng nặng cũng
được xác định với các tình tiết tăng nặng cụ thể và tương ứng với khung hình phạt
phù hợp với mức độ nguy hiểm cho xã hội khác nhau của tội phạm. Ngoài ra, về
khách thể của tội phạm thì cả hai pháp lệnh đều xác định tội này có khách thể là
quan hệ sở hữu và được xếp vào nhóm tội cố ý trực tiếp xâm phạm tài sản.
Cả hai pháp lệnh này cũng chưa có sự chỉ rõ hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ
tài sản do người khác phạm tội mà có là tội phạm độc lập nếu không có hứa hẹn
trước với người thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản với hành vi chứa chấp hoặc

tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có là đồng phạm nếu có sự hứa hẹn,
thỏa thuận trước giữa những người chứa chấp hoặc tiêu thụ với người thực hiện
hành vi chiếm đoạt tài sản.
*Từ năm 1985 đến trước khi BLHS năm 1999 có hiệu lực.
Ngày 27/6/1985, Bộ luật hình sự 1985 được ban hành; tổng kết kinh nghiệm
đấu tranh và phòng ngừa tội phạm ở nước ta trong mấy chục năm qua và có dự
kiến tình hình của tội phạm trong thời gian tới. Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản
do người khác phạm tội mà có đã có những sửa đổi và được quy định thành tội
riêng tại Điều 201, cụ thể: “1. Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu
thụ tài sản biết rõ do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến
năm năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ ba
12 Hệ thống các quy định về luật hình sự, luật tố tụng hình sự, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, năm 1976, Tập I,
trang 221.


25

năm đến mười hai năm: a) Có tổ chức;b) Tài sản có số lượng lớn hoặc có giá trị
lớn; c) Tái phạm nguy hiểm13”. So với các quy định về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ
tài sản do người khác phạm tội mà có trong các văn bản pháp luật hình sự ban hành
trước đây, quy định về tội phạm này trong Bộ luật hình sự năm 1985 trên cơ sở kế
thừa các văn bản pháp luật thời kỳ trước và đã có một số điểm mới sau đây:
Thứ nhất, phạm vi và đối tượng áp dụng: so với tội chứa chấp hoặc tiêu thụ
tài sản riêng của công dân bị chiếm đoạt, tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản xã hội
chủ nghĩa bị chiếm đoạt, tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản công cộng bị chiếm
đoạt trong các văn bản pháp luật hình sự ban hành trước đây, tội chứa chấp hoặc
tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có trong Bộ luật hình sự năm 1985 có
tính khái quát cao hơn, nội hàm rộng, chính xác hơn. Cụ thể, không chỉ chứa chấp
hoặc tiêu thụ tài sản xã hội chủ nghĩa, tài sản riêng của công dân do hành vi chiếm
đoạt mà có, mà còn cả những tài sản khác do những hành vi phạm tội khác gây ra.

Thứ hai, về trách nhiệm hình sự: Bộ luật hình sự năm 1985 đã quy định ba
khung hình phạt, ngoài khung cơ bản, còn có hai khung tăng nặng hình phạt. So
với các văn bản pháp luật hình sự ban hành trước đây, quy định về tội chứa chấp
hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có trong Bộ luật hình sự năm
1985, thể hiện sự phân hóa trách nhiệm hình sự rõ ràng, với các tình tiết tăng nặng
định khung hình phạt cụ thể hơn, từ đó tạo điều kiện cá thể hóa trách nhiệm hình
sự trong áp dụng pháp luật. Ngoài ra, theo các khoản 2, khoản 3 Điều 218 người
phạm tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có còn có thể
bị quản chế hoặc cấm cư trú từ một đến năm năm. Bị phạt tiền từ 1.000 đồng đến
50.000 đồng và có thể bị tịch thu một phần tài sản: “Điều 218. Hình phạt bổ
sung[……] 2. Người nào phạm một trong các tội quy định ở các Điều từ 199 đến
203, thì có thể bị quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm. 3. Người
nào phạm một trong các tội quy định ở các Điều từ 199 đến 203, thì bị phạt tiền từ

13 Số chuyên đề về Bộ luật hình sự 1999, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, năm 2000, trang 237.


×