1. Khái niệm Di sản văn hoá và Cộng đồng.
- Di sản văn hóa (vật thể và phi vật thể) là những sản phẩm vật chất và tinh thần có giá trị
về lịch sử, văn hóa và khoa học bao gồm các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh,
các lễ hội, nếp sống truyền thống, tri thức dân gian, văn hoá cộng đồng, v.v. Đối với mỗi
dân tộc, mỗi quốc gia, di sản văn hóa được xem là báu vật thiêng liêng mà mỗi thế hệ phải
có trách nhiệm phát huy và bảo tồn cho các thế hệ tiếp theo. Một xã hội không thể tồn tại
và phát triển nếu không dựa trên nền tảng các giá trị văn hoá.
Nhiều giá trị văn hóa đã vượt ra ngoài khuôn khổ của một dân tộc, một quốc gia và có ảnh
hưởng toàn cầu – đó là di sản văn hóa thế giới. Tính đến tháng 6 năm 2011, Việt Nam có
13 di sản được UNESCO công nhận là di sản thế giới trong đó có 11 di sản văn hóa. Đây là
những tài sản vô giá chung của toàn nhân loại.
- Cộng đồng là nền tảng phát triển của mọi xã hội. Khái niệm cộng đồng có thể được hiểu
ở những mức độ quy mô khác nhau từ làng, bản đến bộ tộc, dân tộc, quốc gia. Tuy nhiên
trong thực tế, cộng đồng thường được hiểu theo nghĩa hẹp, hạn chế đối với những nhóm cư
dân sinh sống ở những vùng có điều kiện kinh tế – xã hội còn kém phát triển, cuộc sống
của họ phụ thuộc chủ yếu vào việc khai thác trực tiếp các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Đặc điểm này thể hiện tác động của cộng đồng lên các giá trị tài nguyên, trong đó có tài
nguyên du lịch và qua đó ảnh hưởng đến phát triển du lịch bền vững.
2. Vai trò của Văn hoá và Cộng đồng với phát triển du lịch.
· Vai trò của Di sản văn hóa với phát triển Du lịch:
Phát huy và bảo tồn các giá trị văn hóa là hai mặt của một thể thống nhất, có tác động
tương hỗ lẫn nhau trong quá trình phát triển của mỗi xã hội mà văn hóa được xem là nền
tảng. Việc phát huy các giá trị văn hoá sẽ có tác dụng làm tăng ý thức, trước hết là của mỗi
thành viên trong cộng đồng dân tộc và của bè bạn quốc tế đối với trách nhiệm bảo tồn các
giá trị văn hóa. Ngược lại việc bảo tồn sẽ là cơ sở và tạo ra cơ hội có được các giá trị văn
hóa để tự hào, để giới thiệu với các dân tộc khác, các quốc gia khác trên thế giới.
Du lịch là một ngành kinh tế có định hướng tài nguyên một cách rõ rệt, hay nói một cách
khác du lịch chỉ có thể phát triển trên cơ sở khai thác các giá trị tài nguyên du lịch. Đứng từ
góc độ này, các giá trị văn hóa được xem là dạng tài nguyên du lịch để khai thác tạo ra các
sản phẩm du lịch hấp dẫn, khác biệt và có khả năng cạnh tranh không chỉ giữa các vùng
miền, các địa phương trong nước mà còn giữa Việt Nam với các nước trong khu vực và
quốc tế.
Có nhiều phương thức tiếp cận để phát huy các giá trị văn hóa, tuy nhiên du lịch được xem
là phương thức phát huy có hiệu quả nhất, đặc biệt đối với bạn bè quốc tế. Không phải
ngẫu nhiên du lịch được xem là “cầu nối” giữa các dân tộc, giữa các nền văn hóa trên thế
giới. Qua hoạt động hướng dẫn du lịch, du khách có cơ hội không chỉ được được tận mắt
nhìn thấy trong thực tế, mà còn được hiểu về giá trị các di sản văn hóa nơi mình đến du
lịch. Nhiều giá trị văn hóa chỉ có thể cảm nhận được trong những khung cảnh thực của tự
nhiên, của nếp sống truyền thống cộng đồng mà không thể có phim ảnh, diễn xuất nào có
thể chuyển tải được. Và chỉ có du lịch mới có thể đem lại cho du khách những trải nghiệm
đặc biệt, sống động.
Công tác bảo tồn các giá trị văn hoá đòi hỏi có kinh phí cho hoạt động thu thập, nghiên cứu
di sản; bảo vệ, tu sửa, tôn tạo, v.v. bên cạnh những yêu cầu về kinh nghiệm, về đội ngũ, về
trình độ khoa học công nghệ, v.v. trong lĩnh vực bảo tồn. Nguồn kinh phí dành cho hoạt
động bảo tồn di sản văn hóa từ ngân sách nhà nước và hợp tác quốc tế thường rất hạn hẹp
so với nhu cầu thực tế. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của công tác bảo tồn
văn hoá.
Trong bối cảnh trên, nguồn thu từ du lịch sẽ là đóng góp quan trọng cho hoạt động bảo tồn
của chính những giá trị văn hoá.
Như vậy có thể thấy mối quan hệ tương hỗ mật thiết giữa bảo tồn với phát huy di sản văn
hóa và giữa bảo tồn, phát huy di sản với hoạt động phát triển du lịch. Đây là những mối
quan hệ biện chứng cần được nhìn nhận một cách khách quan và đầy đủ để xây dựng định
hướng khai thác có hiệu quả các gía trị di sản văn hóa phục vụ phát triển du lịch và xây
dựng các chính sách phù hợp để du lịch có thể có những đóng góp tích cực và trách nhiệm
nhất cho hoạt động bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa.
Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp có tính xã hội hoá cao vì vậy hoạt động phát triển du lịch
có thể thu hút và cần được sự tham gia rộng rãi của các thành phần kinh tế và cộng đồng xã
hội. Đây được xem là một trong những “điểm mạnh” so sánh của du lịch so với các ngành
kinh tế khác.
Chính vì vậy một trong những phương thức tiếp cận quan trọng cho phát triển du lịch bền
vững là đẩy mạnh phát triển du lịch cộng động đồng, trong đó các giá trị truyền thống và
vai trò của cộng đồng được phát huy đầy đủ nhất.
· Vai trò của Cộng đồng với phát triển Du lịch:
Với việc phát huy vai trò của cộng đồng thông qua phát triển du lịch cộng đồng sẽ có
những tác động tích cực bao gồm :
- Góp phần tăng thu nhập cho cộng đồng địa phương, đặc biệt ở vùng nông thôn nơi tỷ lệ
đói nghèo còn cao. Đây sẽ là yếu tố tích cực góp phần làm giảm tác động của cộng đồng
đến các giá trị cảnh quan, tự nhiên và qua đó sẽ góp phần bảo tồn tài nguyên, môi trường
đảm bảo cho phát triển du lịch bền vững;
- Góp phần để cộng đồng, đặc biệt là những người dân chưa có điều kiện trực tiếp tham gia
vào các dịch vụ du lịch, được hưởng lợi từ việc phát triển hạ tầng du lịch (giao thông, điện,
nước, bưu chính viễn thông, v.v.). Đây cũng sẽ là yếu tố tích cực để đảm bảo sự công bằng
trong phát triển du lịch, một trong những nội dung quan trọng của phát triển du lịch bền
vững;
- Góp phần tạo cơ hội việc làm cho cộng đồng và qua đó sẽ góp phần làm thay đổi cơ cấu,
nâng cao trình độ lao động khu vực này. Đây sẽ là yếu tố quan trọng góp phần hạn chế
được dòng di cư của cộng đồng từ khu vực nông thôn ra khu vực thành thị, ổn định xã hội
đảm bảo cho phát triển bền vững chung;
- Góp phần tích cực trọng việc phục hồi và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, nghề
truyền thống, vì vậy có đóng góp cho phát triển du lịch bền vững từ góc độ tài nguyên, môi
trường du lịch;
- Tạo điều kiện đẩy mạnh giao lưu văn hóa và kế đến là giao lưu kinh tế giữa các vùng
miền, giữa Việt Nam với các dân tộc trên thế giới. Đây cũng sẽ là yếu tố quan trọng trong
bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam đồng thời tạo cơ hội để phát
triển kinh tế ở những vùng còn khó khăn, đảm bảo sự phát triển bền vững nói chung, du
lịch nói riêng.
Với những tác động tích cực trên, việc đẩy mạnh phát triển du lịch nói chung, du lịch cộng
đồng nói riêng sẽ có vai trò rất quan trọng trong phát triển bền vững ở Việt Nam, đặc biệt
trong bối cảnh tỷ lệ người dân nông thôn còn chiếm tới hơn 70% dân số cả nước, trong đó
tỷ lệ đói nghèo còn cao.
3. Định hướng phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa
và phát triển cộng đồng ở Việt Nam.
Nhận thức được vai trò của việc phát huy các giá trị văn hoá và vai trò của cộng đồng trong
phát triển du lịch, Nhà nước Việt Nam luôn xác định phát triển du lịch phải gắn liền với
mục tiêu tạo bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá góp phần phát triển bền vững. Tư
tưởng này đã được cụ thể hoá trong nội dung của Pháp lệnh Du lịch, 1999, theo đó : “Nhà
nước Việt Nam xác định du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, mang nội dung văn hoá
sâu sắc, …” ; đồng thời “… bảo đảm phát triển du lịch theo hướng du lịch văn hoá, du
lịch sinh thái, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá, thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt
Nam” cũng như trong Luật Du lịch, 2005, theo đó một trong những nguyên tắc cơ bản để
phát triển du lịch là “phát triển có trọng tâm, trọng điểm theo hướng du lịch văn hóa – lịch
sử, …..bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị của tài nguyên du lịch”.
Dựa trên quan điểm về phát triển bền vững và kế thừa những tư tưởng và kết quả đạt được
từ Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam thời kỳ 2001-2010, Chiến lược phát triển du lịch
Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đưa ra một số quan điểm phát triển
trong đó quan điểm về “Phát triển du lịch phải gắn với bảo tồn và phát huy văn hoá
truyền thống dân tộc..tôn trọng văn hoá trong mối quan hệ với cộng đồng điểm đến…”;
“Phát triển du lịch gắn với giảm nghèo..” được nhấn mạnh.
Để thực hiện những quan điểm trên, Chiến lược về tổ chức lãnh thổ du lịch trong giai đoạn
tới sẽ tập trung vào một số địa bàn trọng điểm, trong đó có những địa bàn ưu tiên nơi có
tiềm năng du lịch, đặc biệt về văn hoá truyền thống song cuộc sống của cộng đồng còn
nhiều khó khăn như địa bàn miền núi Tây Bắc với giá trị văn hoá các dân tộc Thái, Mường,
Dao, v.v.; địa bàn Tây Nguyên với không gian cồng chiêng Tây Nguyên và văn hoá dân
tộc Ba Na, Ê Đê, v.v.; địa bàn duyên hải Nam Trung Bộ với các di sản văn hoá thế giới và
văn hoá dân tộc Chăm và Đồng bằng sông Cửu Long với giá trị văn hoá sông nước.
Với định hướng ưu tiên phát triển du lịch văn hoá và du lịch cộng đồng trong Chiến lược
phát triển du lịch Việt Nam và với sự hỗ trợ của Chính phủ phủ thông qua Chương trình
Hành động quốc gia về du lịch và nâng cấp hạ tầng du lịch, hoạt động phát triển du lịch nói
chung, du lịch văn hoá và du lịch cộng đồng nói riêng sẽ tiếp tục có cơ hội phát triển. Kết
quả hoạt động của những mô hình về phát triển du lịch cộng đồng ở Sa Pa (Lào Cai), du
lịch văn hoá ở Hội An (Quảng Nam), v.v. là những thí dụ minh chứng cụ thể cho nỗ lực
bảo tồn di sản văn hoá truyền thống và xoá đói giảm nghèo thông qua hoạt động phát triển
du lịch ở Việt Nam trong thời gian qua. Ở một số điểm du lịch văn hóa, hoạt động du lịch
đã có những hỗ trợ tích cực về vật chất đóng góp cho công tác bảo tồn. Ví dụ điển hình về
vấn đề này là du lịch Hội An, theo đó ngoài nguồn kinh phí từ Nhà nước, nguồn thu từ bán
vé tham quan phố cổ mỗi năm được trích 55% cho việc sửa chữa, trùng tu các di tích, nhà
cổ. Có những ngôi nhà cổ được hỗ trợ tới 300 triệu đồng.
Trong kế hoạch phát triển tới đây, du lịch Việt Nam sẽ đẩy mạnh hơn việc nghiên cứu khai
thác các giá trị văn hoá làng quê để phát triển những sản phẩm du lịch văn hoá đậm bản sắc
dân tộc, hấp dẫn và có sức cạnh tranh để thu hút nhiều hơn nữa khách du lịch, đặc biệt là
khách du lịch quốc tế, góp phần thực hiện những mục tiêu chiến lược đặt ra. Song quan
trọng hơn là thông qua phát triển du lịch làng quê, sẽ góp phần bảo vệ và phát huy được
các giá trị văn hoá truyền thống và tạo cơ hội cho cộng đồng người dân ở nông thôn hiện
chiếm phần lớn dân số ở Việt Nam, tham gia tích cực hơn vào hoạt động du lịch, có thêm
thu nhập để cải thiện được cuộc sống của mình.
Một số định hướng cơ bản đối với phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị
văn hóa và phát triển cộng đồng bao gồm:
– Khai thác có hiệu quả các giá trị các di sản văn hoá để phát triển những sản phẩm du
lịch đặc thù có tính cạnh tranh cao, thu hút khách du lịch.
Hiện nay, một trong những hạn chế cơ bản của du lịch Việt Nam là thiếu các sản phẩm du
lịch đặc thù có tính cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế. Chiến lược phát triển du lịch
Việt Nam trong giai đoạn tới sẽ ưu tiên khắc phục hạn chế này. Trong trường hợp này, bản
thân các di sản văn hoá, đặc biệt là các di sản thế giới là những tài nguyên du lịch có giá
trị. Vấn đề là cần có quy hoạch và đầu tư hợp lý để biến những giá trị di sản văn hoá thành
sản phẩm du lịch có sức cạnh tranh, thu hút khách du lịch. Sự tăng trưởng về khách du lịch
đến các điểm di sản sẽ đồng nghĩa với việc những giá trị di sản này sẽ càng được phát huy.
- Phát triển du lịch di sản văn hóa gắn với phát triển cộng đồng.
Cộng đồng là một phần không thể thiếu của di sản văn hóa, trong nhiều trường hợp cộng
đồng chính là linh hồn, là tâm điểm của di sản. Chính vì vậy phát triển du lịch di sản không
thể tách rời phát triển cộng đồng ở khu vực di sản và lợi ích có được từ du lịch di sản phải
được chia sẻ với cộng đồng. Trong trường hợp này, cộng đồng sẽ là nhân tố tích cực góp
phần bảo tồn và phát huy các giá trị di sản trên quê hương của họ.
Bên cạnh ý nghĩa trên, phát triển du lịch văn hoá gắn với cộng đồng sẽ còn khai thác được
những giá trị văn hoá bản địa góp phần làm đa dạng và phong phú hơn sản phẩm du lịch
điểm đến, làm tăng tính hấp dẫn và hiệu quả kinh doanh du lịch.
– Phát triển du lịch văn hóa, đặc biệt là du lịch di sản phải gắn với phát triển du lịch quốc
gia và khu vực.
Để phát huy có hiệu quả các giá trị di sản văn hóa, đặc biệt là các di sản thế giới, hoạt động
xúc tiến du lịch văn hóa thông qua sự hợp tác với các nước trong khu vực sẽ có ý nghĩa
quan trọng. Sự hợp tác này trước hết sẽ tạo ra các tuyến du lịch văn hoá có tính liên vùng
và khu vực như tuyến du lịch di sản miền Trung, tuyến du lịch di sản Tiểu vùng sông Mê
Kông mở rộng (GMS), tuyến du lịch di sản Hành lang Đông Tây (WEC), v.v. Để các ý
tưởng gắn kết du lịch di sản văn hoá, cần thiết phải có liên kết phát triển du lịch giữa các
vùng du lịch; giữa du lịch Việt Nam với các nước trong khu vực thông quan một số
chương trình cụ thể. Việc quảng bá và phát triển các chương trình này chính là phương
thức phát huy có hiệu quả các giá trị di sản văn hóa ở Việt Nam.
4. Giải pháp tăng cường vai trò của Văn hoá và Cộng đồng với phát triển du lịch.
· Giải pháp tăng cường vai trò của Văn hóa với phát triển du lịch:
Trong quy hoạch phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch văn hóa, cần lồng ghép các tư tưởng
bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, theo đó cần lưu ý tới một số giải pháp cụ thể sau :
- Quy hoạch tổ chức không gian du lịch phải phù hợp với Công ước Bảo vệ Di sản Văn
hóa và Thiên nhiên thế giới và các quy định pháp lý được quy định trong các Luật Di sản
văn hóa, Luật Du lịch và các luật có liên quan;
- Quản lý “sức chứa” phù hợp khả năng chịu tải của tài nguyên và môi trường du lịch và
quản lý tác động của hoạt động du lịch căn cứ báo cáo đánh giá tác động môi trường đối
với các dự án đầu tư phát triển du lịch tại các khu vực di tích, đặc biệt là di sản thế giới;
- Đóng góp từ thu nhập du lịch cho hoạt động bảo tồn, theo đó cần quy định cụ thể tỷ lệ
đóng góp kinh phí cho hoạt động bảo tồn các giá trị di sản từ thu nhập du lịch. Để thực
hiện vấn đề này cần có sự phối hợp của các ngành có liên quan, đặc biệt là ngành Tài
chính;
- Chia sẻ lợi ích với cộng đồng địa phương từ hoạt động du lịch, theo đó cần có sự hỗ trợ
vật chất từ thu nhập du lịch để cải thiện cơ sở hạ tầng địa phương và tạo điều kiện thuận
lợi để cộng đồng được tham gia vào hoạt động dịch vụ du lịch tại các khu di sản. Điều này
sẽ góp phần hạn chế đáng kể “sức ép” của cộng đồng lên các giá trị di sản đồng thời sẽ
khuyến khích họ trở thành chủ nhân thực sự đóng góp vào nỗ lực chung bảo tồn và phát
huy các giá trị di sản ở Việt Nam.
· Giải pháp tăng cường vai trò của Cộng đồng với phát triển du lịch: