VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI
VŨ BÌNH MINH
CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI CỦA LIÊN MINH CHÂU ÂU ĐỐI VỚI
KHU VỰC CHÂU Á - THÁI BÌNH DƯƠNG TRONG BỐI CẢNH
MỚI
LUẬN VĂN THẠC SĨ CHÂU ÂU HỌC
Hà Nội, 2018
VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI
VŨ BÌNH MINH
CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI CỦA LIÊN MINH CHÂU ÂU
ĐỐI VỚI KHU VỰC CHÂU Á - THÁI BÌNH DƯƠNG
TRONG BỐI CẢNH MỚI
Ngành: Châu Âu học
Mã số:
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
TS. ĐỖ TÁ KHÁNH
MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Liên minh châu Âu(EU) là một chủ thể quốc tế có vai trò rất quan trọng trên
bàn cờ chính trị thế giới. EU cũng là một trụ cột lớn mạnh của nền kinh tế thế giới.
Trong tiến trình phát triển, hội nhập và liên kết sâu, rộng của EU, nhiều thành tựu,
chính sách chung có hiệu lực thực thi, góp phần quan trọng vào sự phát triển của thế
giới nói chung cũng như các lĩnh vực cự thể như: hòa bình, ổn định, chính trị đối
ngoại, hợp tác phát triển, kinh tế thương mại, đầu tư, tài chính, phát triển xã hội,
quyền con người, giáo dục đào tạo…nói riêng. Một điểm nổi bật của EU là đóng góp
vào sự phát triển của hoạt động chính trị ngoại giao, hợp tác phát triển cùng các chủ
thể quốc tế khác. Chính sách đối ngoại chung của EU ra đời, phát triển góp phần
quan trọng cho tiến trình thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển với các đối
tác trên thế giới. Quan hệ hợp tác phát triển của EU và khu vực châu Á- Thái Bình
Dương có bề dày truyền thống với từng đối tác riêng cũng như với cả khu vực, đạt
nhiều thành tựu lớn giúp cho các chủ thể cùng có lợi, cùng phát triển hài hòa với lợi
ích của chính mình.
Châu Á-Thái Bình Dương là khu vực phát triển năng động với nhiều quốc gia,
chủ thể lớn có tiếng nói quan trọng trên bàn cờ chính trị thế giới. Khu vực này gồm
có các nước lớn: Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, ASEAN, Hàn Quốc,Austraylia,
Liên bang Nga,…, đóng góp lớn vào sự phát triển chung của thế giới. Nền kinh tế
khu vực cũng có vai trò to lớn trong nền kinh tế thế giới. Hợp tác phát triển của khu
vực châu Á-Thái Bình Dương với thế giới góp phần quan trọng vào sự phát triển của
thế giới và khu vực. Quan hệ hợp tác của châu Á-Thái Bình Dương và Liên minh
châu Âu có vai trò rất quan trọng
1
với sự phát triển của chính các chủ thể cũng như góp phần thúc đẩy sự ổn định,
phát triển chung của thế giới.
Xu hướng chủ đạo của nền chính trị thế giới là hòa bình, hợp tác phát triển mạnh
giữa các chủ thể quốc tế. Quan hệ hợp tác giữa các quốc gia, chủ thể góp phần quan
trọng vào thành tựu chung của thế giới duy trì, phát triển hòa bình, phát triển kinh tế,
xã hội, các lĩnh vực khác của nhân loại. Tuy nhiên, bối cảnh quốc tế và các khu vực
có nhiều thay đổi. Các cuộc bầu cử ở các quốc gia lớn trên thế giới có ảnh hưởng
nhất định đến dường lối đối ngoại và hợp tác của quốc tế cả trên bình diện song
phương và đa phương. Mỗi chủ thể, quốc gia có những đổi thay về chính trị nội bộ
dẫn đến sự hợp tác phát triển giữa các quốc gia có những điều chỉnh khác nhau cho
phù hợp điều kiện thức tế mới.
Liên minh Châu Âu có những điều chỉnh ở mỗi cấp độ, lĩnh vực khác nhau các
chính sách chung của liên minh cũng như của các nước thành viên. Chính sách đối
ngoại chung của EU hình thành và phát triển cùng sự lớn mạnh, liên kết sâu rộng của
Liên minh EU. Thông qua các Hiệp ước khác nhau của EU, chính sách đối ngoại của
EU đã có những thành công và triển khai mạnh mẽ trong quan hệ hợp tác quốc tế của
EU. Năm 2009, Hiệp ước Lisbon có hiệu lực, việc liên kết, hội nhập của Liên minh
châu Âu mạnh mẽ hơn, sâu sắc hơn. Hiệp ước này đồng thời là cơ sở rất quan trọng
cho việc thực thi chính sách đối ngoại của EU với các đối tác quốc tế của liên minh.
Trong sự điều chỉnh chung của chính sách đối ngoại của EU trong bối cảnh quốc tế
mới như thế nào và cụ thể với khu vực châu Á-Thái Bình Dương như thế nào có tầm
quan trọng lớn đối với việc hợp tác phát triển giữa hai chủ thể cũng như góp phần
vào sự phát triển chung của hòa bình, ổn định của thế giới. Việc tìm hiểu về chính
sách đối ngoại của EU nói chung và chính sách đối ngoại của EU đối với khu vực
châu Á-Thái Bình Dương nói riêng trong giai
đoạn hiện nay có ý nghĩa thực tiễn và lí luận lớn đối với Việt Nam. Việc hội nhập
ngày càng chủ động, sâu, mạnh của Việt Nam vào nền kinh tế khu vực và thế giới
cũng cần có những điều chỉnh hợp lý, hài hòa lợi ích quốc gia cũng như các đối tác
cụ thể trong bối cảnh quốc tế mới. Do vậy, đề tài tìm hiểu sâu về chính sách đối
ngoại chung của EU giai đoạn sau năm 2009 đến nay đối với khu vực châu Á-Thái
Bình Dương nhằm có cái nhìn toàn diện về Liên minh châu Âu, quan hệ hợp tác giữa
EU và châu Á – Thái Bình Dương trong một giai đoạn có nhiều thay đổi lớn hiện
nay. Đề tài cũng cố gắng tìm hiểu, đưa ra khuyến nghị có thể đối với Việt Nam trong
tiến trình hội nhập quốc tế mạnh mẽ, quan hệ hợp tác phát triển sậu rộng với các chủ
thể quốc tế cũng như với liên minh châu Âu, góp phần vào sự phát triển chung của
đất nước hài hòa cùng sự phát triển của khu vực và thế giới.
2. Tình hình nghiên cứu đề tài
a) Tình hình nghiên cứu trong nước:
Có nhiều công trình nghiên cứu, tài liệu phong phú về lý luận quan hệ quốc tế
như: Học Viện Quan hệ Quốc tế (2007), “Lý luận quan hệ quốc tế”, Sách tham khảo
nội bộ, Quyển 1, Hà Nội 2007. Tác phẩm đề cập đến nhiều luận điểm, học thuyết nổi
tiếng của các học giả có tiếng trên thế giới về quan hệ quốc tế. Sách là tập hợp các tri
thức sâu, rộng để nghiên cứu về quan hệ quốc tế. Đây cũng là một cuốn sách rất hữu
ích cho những ai quan tâm, nghiên cứu về lĩnh vực quan hệ quốc tế. Paul R. Viotti,
Mark V. Kauppi (2003), “Lý luận quan hệ quốc tế”, Sách tham khảo, NXB Lao động,
Hà Nội 2003. Cuốn sách đề cập sâu rộng các vấn đề lý luận hữu ích cho độc giả quan
tâm lĩnh vực nghiên cứu quan hệ quốc tế. Nhiều lý thuyết, lý luận sâu sắc của các
học giả nổi tiếng thế giới được đề cập đến trong tác phẩm. Đây là một cuốn sách rất
có ý nghĩa trong việc tiềm hiểu, nghiên cứu, nâng cao kiến thức về lĩnh vực quan hệ
quốc tế. Nguyễn Thu Mỹ(2006), “Bài giảng: Vấn đề An
ninh và Xung đột trong Quan hệ quốc tế”,Viện nghiên cứu Châu Mỹ, Hà Nội, 2006.
Tác giả đưa ra bức tranh toàn diện về lý luận các vấn đề liên quan đến an ninh, xung
đột cũng như quan hệ quốc tế. Tác giả phân tích sâu, rộng về các vấn đề nổi bật của
nền chính trị thế giới giai đoạn trước và trong thời kỳ chiến tranh Lạnh. Bên cạnh đó,
tác phẩm đưa ra những nhận xét, góc nhìn về an ninh trong nền chính trị thế giới. Tác
phẩm rất bổ ích cho việc tìm hiểu về quan hệ quốc tế đương đại.
Về chính sách đối ngoại chung của EU và các lý luận liên quan có các tác
phẩm: Đặng Minh Đức (2015), “Chính sách an ninh và đối ngoại chung của Liên
minh châu Âu và một số gợi ý cho xây dựng cộng đồng an ninh – chính trị ASEAN”,
Viện nghiên cứu Châu Âu. Tác giả đưa ra cái nhìn tổng quan về chính sách an ninh
và đối ngoại chung của EU cùng những điều chỉnh hài hòa với bối cảnh thế giới
mới. Tác giả cũng nhấn mạnh những khuyến nghị hữu ích cho khu vực ASEAN
trong việc hội nhập, liên kết khu vực. Bùi Hồng Hạnh (2010), “Chính sách đối ngoại
và an ninh chung của Liên minh Châu Âu (CFSP)), Tạp chí Nghiên cứu Châu Âu số
1, 2010. Bài viết đưa ra cái nhìn hay về tiến trình hình thành và một số nội dung chủ
chốt của Chính sách đối ngoại và An ninh chung của châu Âu cũng như đã tập trung
xem xét một số vấn đề và khả năng thực thi chính sách đối ngoại chung trong khuôn
khổ của CFSP hiện nay. Bùi Thị Thu Hà (2001), “ Chính sách đối ngoại và an ninh
chung của EU và tác động đối với an ninh châu Âu”, khóa luận tốt nghiệp. Bài viết
đã đề cập đến quá trình hình thành của CFSP, những vấn đề liên quan đến chính sách
cũng như tác động của chính sách này đối với an ninh châu Âu.
Bức tranh tổng quan về EU và các vấn đề nổi bật có các tác phẩm: Nguyễn
Quang Thuấn (2009), “Quan hệ kinh tế Việt Nam - Liên minh Châu Âu: thực trạng
và triển vọng”, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội. Cuốn sách phân
tích thực trạng quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam - EU từ năm 1995 đến năm 2008
với ba nội dụng chính là thương mại, đầu tư và hợp tác phát triển chính thức. Trên cơ
sở đó sẽ đưa ra những định hướng, giải pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế Việt
Nam - EU cho đến giai đoạn năm 2020. Nguyễn An Hà (Chủ biên) (2013), “Điều
chỉnh chính sách phát triển của một số quốc gia chủ chốt Châu Âu giai đoạn khủng
hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu”, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội. Cuốn
sách đi sâu vào phân tích sự điều chỉnh chiến lược phát triển của EU giai đoạn tới
năm 2020 trên cơ sở nhận diện bối cảnh mới sau khủng hoảng tài chính, suy thoái
kinh tế toàn cầu và những nhân tố tác động tới khu vực của các quốc gia này. Cuốn
sách đánh giá các tác động, rút ra một số gợi mở cho Việt Nam trong triển khai chiến
lược phát triển bền vững về kinh tế môi trường và xã hội cũng như thúc đẩy quan hệ
hợp tác với EU. Đinh Công Tuấn (2010), “Một số vấn đề chính trị - kinh tế nổi bật
của Liên minh châu Âu trong giai đoạn 2011 – 2020 và tác động đến Việt Nam”,Viện
nghiên cứu châu Âu, Hà Nội. Tác giả đưa ra cái nhìn tổng quan, sâu rộng về các vấn
đề nổi bật của EU giai đoạn 2011 cho đến hiện nay, đồng thời khuyến nghị nhiều
triển vọng cho giai đoạn tiếp theo. Tác giả đi sâu về lĩnh vực kinh tế, thương mại và
khía cạnh chính trị, xã hội ở khu vực EU. Đinh Công Tuấn (Chủ biên) (2011), “Liên
minh Châu Âu hai thập niên đầu thế kỷ XXI”, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội. Cuốn
sách phân tích, nghiên cứu, đánh giá những vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội của EU
trong giai đoạn 2000 - 2010, đánh giá những tác động của xu hướng phát triển của
EU đối với thế giới, khu vực Châu Âu và Việt Nam trong thời gian tới.
Khái quát các vấn đề mới khu vực châu Á –Thái Bình Dương có nhiều công trình
nghiên cứu, tác phẩm bổ ích: PGS, TS. Đồng Xuân Thọ(2017), “Sự điều chỉnh chiến
lược của các nước lớn đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương”, Tạp chí Cộng
sản, Hà Nội. Tác giả đưa ra bức tranh tổng quan, sâu,
rộng bối cảnh khu vực châu Á- Thái Bình Dương và những thay đổi chính sách của
các nước lớn khu vực trong giai đoạn hậu khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế
toàn cầu. Công trình rất bổ ích cho việc nhìn nhận, đánh giá tình hình khu vực cũng
như những hàm ý chính sách đối ngoại cho các chủ thể khác nhau.
b) Tình hình nghiên cứu của nước ngoài:
Có nhiều công trình nghiên cứu nổi tiếng về chính sách đối ngoại chung của
EU và những vấn đề lý luận liên quan như: Catherine Gegout (2010), “European
foreign and security policy: States, Power, Institutions, and Amercican Hegemony”.
Cuốn sách đề cập lý thuyết và cách tiếp cận về chính sách đối ngoại và an ninh
chung, cơ chế ra quyết sách, phân tích quan điểm của EU về nhân quyền của Trung
Quốc, mối quan hệ của EU với NATO. Michael Eugene Smith (2004), “ Europe’s
foreign and security policy: The Institutionalization of Cooperation”. Cuốn sách
chứng minh tầm quan trọng và mức độ của chính sách đối ngoại và an ninh của EU.
Tác giả đưa ra cái nhìn sâu về chính sách an ninh và đối ngoại chung của EU cũng
như cơ chế phối hợp của liên minh và các nước thành viên giai đoạn đầu hình thành
chính sách đối ngoại và an ninh chung. Federiga Bindi, “The Foreign Policy of the
European Union Assessing Europe's Role in the World”, (2010). Cuốn sách đưa ra
cái nhìn tổng quan về chính sách an ninh và đối ngoại chung của EU đồng thời nêu
vai trò quan trọng, đa dạng của EU trên bàn cờ chính trị thế giới. Angelos
Chryssogelos, “The EU’s Crisis of Governance and European Foreign Policy”,
Europe Programme | November 2016. Tác giả đề cập đến chính sách đối ngoại chung
của EU và các nước thành viên cũng như vai trò của các thể chế của liên minh trong
việc tìm tiếng nói đồng thuận về các vấn đề chính trị, quan hệ quốc tế mà EU quan
tâm, tham gia. Cuốn sách chỉ ra sự hạn chế của cơ chế phối hợp giữa các thể chế
của cấp liên minh và các nước
thành viên về hoạch định, thực thi chính sách đối ngoại chung. Nicholas Moussis
(2011), “Access to the European Union: law, economics, policies”. Cuốn sách đã đề
cập đến bức tranh tổng thể về châu Âu. Đưa ra cái nhìn tổng quan về quá trình hội
nhập châu Âu, sự phát triển của Liên minh châu Âu thông qua liên minh thuế quan
và thị trường chung; phân tích các chính sách nội khối và chính sách đối ngoại chung
của EU cũng như nhìn nhận về tiến trình hội nhập của EU. Svein S.Andersen and
Kjell A.Eliassen(2001), “Making Policy in Europe” second edition, SAGE
publications 2001. Cuốn sách đề cập sâu về cơ chế ra quyết định, cách thức hoạch
định chính sách của EU nói chung cũng như việc cho ra đời chính sách an ninh và
đối ngoại chung của EU. Eleanor E.Zeff and Ellen B.Pirro(2001), “The European
Union and the Member States: Cooperation, Coordination and Compromise”, Lynne
Rienner Publishers, 2001. Cuốn sách đề cập đến một số chính sách chung của EU và
đi sâu nghiên cứu về cơ chế phối hợp, chia sẻ chính sách của cả cấp liên minh và cấp
thành viên. Chính sách an ninh và đối ngoại chung của EU được nêu như một tham
khảo chính về sự khó khăn của sự phối hợp chính sách giữa cấp độ liên minh và các
nước thành viên. Ramses A.Wessel(1999), “The European’s Foreign and Security
policy: a Legal Institutional Perspective”, Kluwer Law International the
Hague/Boston/London, 1999. Tác giả đưa ra cái nhìn tổng quan về chính sách an
ninh và đối ngoại chung của Liên minh châu Âu đặc biệt liên quan đến cơ chế ra
quyết định hình thành, xây dựng chính sách về mặt luật thể chế của liên minh. Tác
giả cũng chỉ ra những triển vọng phong phú về tương lai của chính sách đối ngoại và
an ninh chung gắn với triển vọng phát triển của hệ thống thể chế cũng như chính liên
minh như thế nào. Walter Carlsnaes, Helene Sjursen and Brian White(2004),
“Contemporary Foreign Policy”, SAGE Publishers, 2004. Cuốn sách đưa ra cái nhìn
sâu, rộng về chính sách đối ngoại của EU và các nước thành viên.
Những mặt tích cực và hạn chế của việc hoạch định và thực thi chính sách đối ngoại
chung nhằm nâng cao vai trò,tiếng nói của EU trên thế giới. Nicholas Moussis
(2011), “Access to the European Union: law, economics, policies”. Cuốn sách đã đề
cập đến bức tranh tổng thể về châu Âu. Đưa ra cái nhìn tổng quan về quá trình hội
nhập châu Âu, sự phát triển của Liên minh châu Âu thông qua liên minh thuế quan
và thị trường chung; phân tích các chính sách nội khối và chính sách đối ngoại chung
của EU cũng như nhìn nhận về tiến trình hội nhập của EU. “National security versus
global security”, tác giả Segun Osisanya đã khẳng định rằng giữa an ninh quốc gia
và an ninh toàn cầu có mối quan hệ cộng sinh. Có những vấn đề an ninh của quốc gia
cần sự hỗ trợ giải quyết từ quốc tế, và có những vấn đề an ninh toàn cầu cần sự phối
hợp hiệu quả từ các quốc gia.
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
a. Mục đích nghiên cứu đề tài:
- Mục tiêu tổng quát: Nghiên cứu sâu, rộng về Chính sách đối ngoại của
Liên minh Châu Âu đối với châu Á-Thái Bình Dương giai đoạn 2009 đến
2018.
- Mục tiêu cụ thể: tìm hiểu về các yếu tố như: Bối cảnh quốc tế, bối
cảnh khu vực liên minh châu Âu và khu vực châu Á-Thái Bình Dương giai
đoạn 2009 đến 2018; Nghiên cứu rõ về Nội dung chủ yếu của Chính sách đối
ngoại EU giai đoạn 2009-2018;Tìm hiểu về Chính sách hợp tác phát triển của
EU đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương giai đoạn 2009-2018; tìm hiểu
về một số hoạt động thực tiễn của quan hệ đối ngoại, hợp tác phát triển giữa
các chủ thể; Dự báo chính sách đối ngoại của EU với khu vực châu Á-Thái
Bình Dương cũng như khái quát quan hệ EU-Việt Nam và đưa ra một số
khuyến nghị có thể đối với Việt Nam.
b. Nhiệm vụ nghiên cứu đề tài: chỉ ra được nội dung chủ yếu của chính
sách an ninh và đối ngoại chung của EU giai đoạn 2009 đến nay, tập trung vào
chính sách đối ngoại của EU đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương và đặc
biệt với Việt Nam.
4. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu
- Đối tượng nghiên cứu: Chính sách đối ngoại của Liên minh Châu Âu
đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
- Phạm vi nghiên cứu: Tìm hiểu về Cơ sở hình thành và phát triển chính
sách đối ngoại chung của EU; Đưa ra nội dung chủ yếu của chính sách đối
ngoại EU giai đoạn từ 2009 đến 2018, giai đoạn sau kkhungr hoảng tài chính
và suy thoái kinh tế toàn cầu; Tìm hiểu về chính sách đối ngoại của EU đối
với khu vực châu Á-Thái Bình Dương giai đoạn 2009-2018; khái quát quan
hệ hợp tác giữa EU và Việt Nam và đưa ra một số khuyến nghị có thể cho Việt
Nam.
5. Phương pháp nghiên cứu
Ngoài các phương pháp cơ bản và mang tính truyền thống như duy vật biện
chứng và duy vật lịch sử, đề tài sẽ áp dụng các phương pháp phân tích, tổng hợp, so
sánh để làm sáng tỏ các vấn đề cần được nghiên cứu trong phạm vi đề tài.
6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của đề tài
a. Về mặt khoa học: đề tài đưa ra cái nhìn toàn diện về sự hình thành và phát
triển, thực thi chính sách đối ngoại của một quốc gia, chủ thể. Cụ thể là
chính sách đối ngoại chung của Liên minh châu Âu. Các yếu tố ảnh
hưởng, nội hàm của chính sách đối ngoại chung của EU.
b. Về mặt thực tiễn: đề tài đưa ra bức tranh tổng quát về chính sách đối ngoại
chung của Liên minh châu Âu những năm 2009 đến nay. Bức tranh toàn
cảnh về khu vực châu Á –Thái Bình Dương, khu vực EU, đặc biệt nhấn
mạnh quan hệ hợp tác của EU và khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng
như với Việt Nam.
7. Kết cấu của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận, bảng chữ cái viết tắt, mục lục, danh mục tài liệu
tham khảo, đề tài được kết cấu làm 03 phần, cụ thể như sau:
Chương 1: Chính sách đối ngoại chung của Liên minh châu Âu
Chương 2: Chính sách đối ngoại của EU đối với khu vực châu Á – Thái Bình
Dương giai đoạn từ năm 2009 đến nay
Chương 3: Dự báo chính sách đối ngoại chung của EU đối với khu vực châu Á
– Thái Bình Dương và một số khuyến nghị cho Việt Nam
Chương 1: Chính sách đối ngoại chung của Liên minh châu Âu
1.1. Cơ sở lí luận về Chính sách đối ngoại:
Thứ nhất, Chính sách đối ngoại: Chính sách đối ngoại của mỗi quốc gia ra
đời và phát triển trên cơ sở lí luận của các học thuyết chính trị, lý thuyết về chính
sách đối ngoại cơ bản cũng như các giá trị phổ quát của mỗi quốc gia, dân tộc đó.
Việc hình thành, phát triển và thực thi chính sách đối ngoại của mỗi quốc gia phụ
thuộc nhiều yếu tố: nền chính trị quốc gia, tầng lớp cầm quyền, các chính trị gia nổi
tiếng hay các nhóm học giả có tiếng nói trong xã hội, bối cảnh chính trị khu vực và
thế giới, tư tưởng xã hội, nền tảng văn hóa, lịch sử của dân tộc, …Trong việc ra đời
chính sách đối ngoại, vai trò của nhà lãnh đạo quốc gia, chủ thể quốc tế có ý nghĩa
đặc biệt quan trọng. Ngày nay, hoạt động quan hệ hợp tác quốc tế phong phú, đa
dạng trên nhiều lĩnh vực và rông khắp các chủ thể. Chính sách đối ngoại của một
quốc gia cũng có thể hiểu như sự kéo dài của chính sách đối nội với các chủ thể
ngoài biên giới quốc gia.
Hệ thống các lý thuyết chủ yếu: Về bản chất, các lý thuyết cung cấp một bản
đồ hay khung tham chiếu giúp cho thế giới phức tạp xung quanh chúng ta trở nên dễ
hiểu hơn. Việc chọn lựa lý thuyết nào là một quyết định quan trọng bởi vì mỗi lý
thuyết dựa trên các giả định khác nhau về bản chất của chính trị quốc tế, mỗi lý
thuyết đưa ra các tuyên bố nhân quả khác nhau và mỗi lý thuyết đưa ra một tập hợp
các khuyến nghị khác nhau về chính sách đối ngoại. Chúng ta cần các lý thuyết để
hiểu được cơn bão táp thông tin, thực tiễn cuộc sống, sự vụ diễn ra hàng ngày. Khó
có thể đưa ra một chính sách tốt nếu các nguyên tắc tổ chức cơ bản của người đó sai
lầm, giống như khó có thể xây dựng được các lý thuyết tốt nếu như không hiểu biết
nhiều về thế giới thực. Cách tiếp cận đơn lẻ không thể nắm bắt được tất cả những
điều phức tạp của nền chính trị thế giới đương đại. Các lý thuyết khác nhau giúp
vạch ra
những điểm mạnh và những điểm yếu của chúng và thúc đẩy sự sàng lọc tiếp. Chúng
ta nên hoan nghênh và khuyến khích sự đa dạng của các lý thuyết vê quan hệ quốc tế
đương đại [32].
Trong việc hoạch định, thực thi và nghiên cứu về chính sách đối ngoại có các lý
thuyết chủ yếu được bàn luận đến như: Chủ nghĩa Hiện thực: nhìn nhận thế giới vô
chính phủ, hỗn loạn. Các quốc gia, dân tộc luôn tìm kiếm và vì quyền lực quốc gia
dân tộc mình là trên hết. Từ cổ chí kim, nhiều hoạt động có mục đích của các quốc
gia, dân tộc luôn đề cao tính lợi ích quốc gia lên trên hết. Nhà lãnh đạo của các quốc
gia cũng luôn vì quyền lực và lợi ích của đát nước mình làm kim chỉ nam cho mọi
hoạt động, phát ngôn hay quan hệ hợp tác quốc tế. Người dân hay doanh nghiệp có
thể vì các lợi ích của bản thân hoạt động trao đổi quốc tế nhưng trên hết vẫn không
thể vượt qua lợi ích của quốc gia, dân tộc mình.[10], [11]
Chủ nghĩa Tự do: đề cao việc hợp tác quốc tế, thúc đẩy toàn cầu hóa về thương
mại, đầu tư, hợp tác kinh tế nhằm tạo ra nền hòa bình, ổn định cho thế giới. Thế giới
hiện đại được phát triển phồn thịnh, hòa bình được gìn giữ thành xu hướng chủ đạo
cũng nhờ vai trò của hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực từ kinh tế, thương mại, đầu tư
và các hoạt động trao đổi tự do khác xuyên biên giới. Những lý luận của chủ nghĩa tự
do giúp cho các chủ thể tham gia hoạt động giao thương quốc tế càng có niềm tin và
kết quả tốt đẹp hơn. Hợp tác phát triển, hoạt động xuyên biên giới, thế giới phẳng,
toàn cầu hóa đang là xu hướng chủ đạo của thế giới đại đồng.[10], [11]
Chủ nghĩa Chức năng: khuyến nghị hợp tác từ các lĩnh vực lan tỏa sang các lĩnh
vực khác sâu rộng hơn. Hội nhập và liên kết quốc tế là một tiến trình nhiều khó khăn,
thách thức do sự khác biệt của các chủ thể tham gia. Việc hợp tác, cùng liên kết trong
những lĩnh vực đơn nhất, phổ quát, dễ hòa nhập dẫn đến các liên kết sâu, rộng hơn
của các lĩnh vực khác là một quá trình
được thực hiện tốt, thuận lợi hơn. Từ các liên kết về ngành nghề, việc làm đến trao
đổi thương mại, đầu tư đến tài chính, kinh tế rồi tiền tệ, ngân hàng, …liên minh châu
Âu cho ví dụ sâu sắc về hội nhập liên kết sâu, rộng các lĩnh vực khác của cộng đồng.
[10], [11]
Chủ nghĩa Kiến tạo: nhấn mạnh đến bản sắc quốc gia và bản sắc xã hội của mỗi
quốc gia nhằm giải thích về điểm mấu chốt trong đường lối chính trị, chính sách
quốc phòng an ninh, chính sách đối ngoại của các quốc gia này. Các quốc gia,dân tộc
có giá trị văn hóa, tư tưởng chính trị, đặc tính xã hội khác nhau. Trong mỗi quốc gia,
dân tộc lại bao gồm nhiều chủ thể có tư tưởng, giá trị khác nhau. Việc hoạch định,
thực thi chính sách điều hành, phát triển xã hội nói chung và chính sách đối ngoại nói
riêng phụ thuộc vào nhiều biến số của bối cảnh quốc gia đó bên cạnh ảnh hưởng của
nền chính trị khu vực, thế giới. Lý thuyết này giúp cho các nhà hoạch định, thực thi
chính sách có sự linh hoạt về làm và thực hiện chính sách đối ngoại của quốc gia,
dân tộc mình. [10], [11]
Khái niệm quyền lực: Quyền lực cứng là kiểm soát về quân sự, ngoại giao, trừng
phạt về kinh tế để gia tăng lợi ích quốc gia. Quyền lực mềm là nguồn lực chính trong
nghệ thuật quản lý đất nước, là khả năng thuyết phục người khác làm theo những gì
mình muốn (cùng với sức mạnh thiết lập luật chơi – yếu tố thường bị bỏ qua một
cách kỳ lạ trong những cuộc đối thoại hiện nay về quyền lực cứng và mềm). Các
công cụ quyền lực bao gồm: lực lượng vũ trang, các cơ quan thực thi pháp luật và
tình báo, các cơ quan chính phủ khác nhau giành riêng cho ngoại giao song phương
và công cộng, viện trợ nước ngoài, kiểm soát tài chính quốc tế.
Khái niệm an ninh và an ninh quốc gia: An ninh, hiểu theo một nghĩa đơn giản
nhất, là khả năng giữ vững sự an toàn trước các mối đe dọa. An ninh có ý nghĩa là sự
tồn tại, an toàn, bình an, không có nỗi lo, rủi ro, mối nguy, sự
cố hay tổn thất về người và của. Ngược lại với an ninh là mất an ninh là rủi ro, là
nguy hiểm, là tổn thất… Tuy nhiên, an ninh không phải là một khái niệm tĩnh mà là
một khái niệm động và trải qua nhiều thay đổi về cách hiểu, cũng như cách tiếp cận.
An ninh quốc gia là vấn đề hệ trọng, quyết định đến vận mệnh của quốc gia, dân tộc
nên mọi quốc gia đều phải tập trung củng cố và xây dựng, tăng cường tiềm lực an
ninh và bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia. Đây là việc làm tất yếu và thường xuyên,
là nghĩa vụ thiêng liêng của mọi công dân ở quốc gia đó. Trong lịch sử nhân loại, an
ninh quốc gia bao giờ cũng là vấn đề được đặt lên hàng đầu, là nhiệm quan trọng
nhất. Các quốc gia luôn tìm mọi cách tăng cường quốc phòng, tiềm lực quân sự của
mình, chạy đua vũ trang để tăng cường khả năng tự bảo vệ cho mình. An ninh quốc
gia không nên hiểu theo nghĩa hẹp là bảo vệ nhà nước trước những cuộc tấn công
quân sự qua biên giới lãnh thổ mà an ninh quốc gia còn phải đối mặt với những thách
thức phi truyền thống. An ninh quân sự: An ninh quân sự ngụ ý khả năng của một
quốc gia để bảo vệ chính mình, và ngăn chặn sự xâm lược quân sự từ bên ngoài.
Ngoài ra an ninh quân sự bao hàm khả năng của một quốc gia để thực thi các lựa
chọn chính sách của mình bằng cách sử dụng vũ lực quân sự. An ninh chính trị: là
một thành phần quan trọng của an ninh quốc gia, an ninh chính trị là sự ổn định của
trật tự xã hội. An ninh chính trị cùng với an ninh quân sự và an ninh xã hội tạo nên
một khuôn khổ cho an ninh quốc gia. An ninh chính trị liên quan đến bảo vệ chủ
quyền đất nước và hệ thống chính trị, sự an toàn xã hội từ các mối đe dọa nội bộ bất
hợp pháp và các mối đe dọa hay áp lực từ bên ngoài. An ninh kinh tế: Trong hệ
thống phức tạp hiện nay của thương mại quốc tế, đặc trưng bởi các thỏa thuận đa
quốc gia phụ thuộc lẫn nhau, an ninh kinh tế là sự tự do thực hiện việc lựa chọn
chính sách phát triển của một quốc gia theo cách mong muốn; tự do kiểm soát các
quyết định kinh tế và tài chính của họ. An ninh kinh tế đòi hỏi
khả năng bảo vệ sự phồn thịnh, giàu có của một quốc gia và tự do kinh tế từ các mối
đe dọa bên ngoài. Vì vậy, nó bao gồm chính sách kinh tế, thương mại, tài chính và
một số cơ quan thực thi pháp luật. An ninh năng lượng: thường được định nghĩa ở
mức độ mà một quốc gia hoặc những cá nhân liên quan có quyền hạn đối với các
nguồn năng lượng như dầu mỏ, khí đốt, nước và khoáng chất. [5], [7]
1.2.
Sự ra đời chính sách đối ngoại chung của EU
Ý tưởng cho việc ra đời một chính sách về đối ngoại, an ninh và quốc
phòng chung được định hình từ thành công của ba cộng đồng giữa các nước
châu Âu: Cộng đồng Than và Thép Châu Âu (ECSC) năm 1951, Cộng đồng
kinh tế Châu Âu (EEC) và Cộng đồng năng lượng nguyên tử Châu Âu
(Euratom) năm 1957. Ba cộng đồng này đã luôn được thúc đẩy thông qua một
loạt các đề xuất, có cùng một mục tiêu phát triển. Sự thất bại trong năm 1954
của các kế hoạch thành lập Cộng đồng Quốc phòng Châu Âu, tức một đội
quân châu Âu tích hợp dưới sự chỉ huy chung, được gọi là kế hoạch “Pleven”,
cũng như một cộng đồng chính trị châu Âu (cấu trúc liên bang hoặc liên
minh), theo sau đó là sự không thành công của kế hoạch “Fouchet” đầu những
năm 1960, đó là dự kiến một liên minh của các quốc gia với chính sách đối
ngoại và quốc phòng chung.
Tuy nhiên, những nỗ lực trong lĩnh vực này vẫn tiếp tục nhưng trở thành mục
tiêu ít tham vọng hơn và chuyển dần sang phương thức hội nhập có chủ quyền. Kết
quả là dẫn đến sự ra đời chính thức của Tổ chức Hợp tác chính trị châu Âu vào năm
1970 và năm 1974 một cấu trúc mới – Hội đồng châu Âu. Với hiệu lực của Đạo luật
Châu Âu Thống nhất vào năm 1987, Cộng đồng châu Âu được hình thành từ Tổ
chức Hợp tác chính trị Châu Âu có được nền tảng thế chế và pháp lý riêng của mình.
[4]
1.2.1. Bối cảnh ra đời chính sách an ninh và đối ngoại chung của EU:
1.2.1.1. Bối cảnh quốc tế: Tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến
động cũng tác động mạnh đến châu Âu. Sự chấm dứt đối đầu Xô – Mỹ, sự sụp
đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu tạo ra khoảng trống
quyền lực mà không một quốc gia riêng lẻ nào ở châu Âu có thể lấp đi được.
Trong khi Mỹ bị tổn thất rất nhiều trong cuộc chạy đua cùng Liên Xô trong
thời kỳ Chiến tranh Lạnh thì đây chính là cơ hội để châu Âu có thể vươn lên
thoát khỏi lệ thuộc Mỹ. Ngoài ra còn hai sự kiện tác động lên quá trình đẩy
nhanh việc hình thành CFSP chính là Chiến tranh vùng Vịnh đầu tiên kết thúc
và cuộc khủng hoảng Nam Tư. Các nước châu Âu thấy lo lắng và phải đối mặt
với một khoảng trống quyền lực sau khi bố trí lại số lượng quân đội Mỹ. Cộng
đồng Châu Âu mong muốn hội nhập sâu hơn và có tiếng nói thống nhất hơn,
Hiệp ước Maastricht và CFSP ra đời vào cuối năm 1992.
Bên cạnh đó sự bùng nổ của cuộc khủng hoảng Nam Tư cũng làm tăng yêu
cầu Cộng đồng châu Âu có tiếng nói thống nhất. Năm 1991, chứng kiến giai đoạn
đầu của một loạt các xung đột bạo lực trong lãnh thổ của Liên bang Cộng hòa xã hội
chủ nghĩa Nam Tư cũ. Trước cuộc khủng hoảng, Nam Tư đã tổ chức một vị trí đặc
quyền với các nước châu Âu do tầm quan trọng về địa chính trị của mình giữa khối
Liên Xô với các nước phương Tây. Vì vậy, sau khi chính quyền Mỹ cho thấy rằng
các đồng minh châu Âu cần phải đi đầu và người châu Âu miễn cưỡng đề cử lực
lượng gìn giữ hòa bình dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc. Cộng đồng Châu Âu
nhận ra sự thiếu thống nhất trong lĩnh vực chính trị và thiếu phương tiện để hành
động trong lĩnh vực quốc phòng. [3], [4]
1.2.1.2. Bối cảnh của Liên minh châu Âu: Trong thời kỳ Chiến tranh
Lạnh, châu Âu hầu như chịu phụ thuộc chiếc ô bảo vệ của Hoa Kỳ về an ninh,
quốc phòng. Các vấn đề an ninh và quân sự đều bị chi phối nhiều bởi Tổ chức
Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Khi suy giảm của răn đe hạt nhân và tầm
quan trọng của sức mạnh kinh tế ngày càng tăng, một số thành viên của Cộng đồng
châu Âu mong muốn phát triển cộng đồng gắn kết và sâu rộng hơn 1. Trong tình thế
như vậy, các nước thành viên EC đã buộc phải tìm cách vượt qua những khó khăn để
thực hiện mong muốn mà họ ấp ủ từ lâu, đó là mở rộng liên kết sang lĩnh vực chính
trị cụ thể là lĩnh vực chính sách đối ngoại và an ninh, quốc phòng. [3], [4]
Công đồng EC và các nước thành viên coi chính sách an ninh và đối
ngoại chung như phương tiện để bảo vệ lợi ích quốc gia cũng như giúp Cộng
đồng châu Âu vươn lên chủ động trong các vấn đề thế giới và khu vực liên
quan. Cơ cấu hợp tác an ninh và chính trị giữa các nước thành viên châu Âu
được bổ sung thể chế mới sẽ giúp ngăn ngừa các cuộc xung đột, bất đồng trong
ngôi nhà chung châu Âu. Cũng theo lời của Walter Hallstein, Chủ tịch đầu tiên
của Ủy ban châu Âu thì một lý do cho việc ra Cộng đồng Châu Âu là cho phép
châu Âu có thể tham gia nhiều, có trách nhiệm và hiệu quả các vấn đề khu vực
và thế giới liên quan. Điều quan trọng đối với cộng đồng là để có thể có một
tiếng nói chung và hành động thống nhất trong các quan hệ kinh tế với các đối
tác, chủ thể quốc tế. Nhu cầu bên ngoài và mong đợi của EU đóng vai trò tích
cực hơn trong hệ thống quốc tế cũng có thể là một trong những yếu tố đằng sau
việc xây dựng CFSP. [37]
Tóm lại, những năm đầu trong tiến trình hội nhập châu Âu, vai trò của Cộng
đồng Châu Âu trên trường quốc tế dựa trên một phần mở rộng của chính sách phổ
biến của nó như chính sách thương mại chung và chính sách nông nghiệp chung.
Trong ngoại giao, lĩnh vực chính trị và an ninh, các nước thành viên của Cộng
đồng Châu Âu duy trì quyền tự chủ tương đối lớn chứ không chịu ảnh hưởng nhiều
của Cộng đồng EEC. Hiệp ước Maastricht có hiệu lực tạo ra một liên minh với ba
trụ cột hợp tác trong đó chính sách đối ngoại và an ninh chung (CFSP) là trụ cột
thứ hai. Từ đó, EEC muốn có vai trò thống nhất, quan trọng trên bàn cờ chính trị
thế giới.
1.3. Nội dung chính sách đối ngoại và an ninh chung của EU
Nội dung chủ yếu của chính sách đối ngoại chung của các quốc gia chính là
mục tiêu và nguyên tắc hoạt động của chính sách. Việc thực thi chính sách đối
ngoại như thế nào có ý nghĩa quyết định sự thành công của chính sách đối ngoại của
mỗi chủ thể. EU đưa ra chính sách đối ngoại chung gồm mục tiêu, nguyên tắc hoạt
động và bộ máy vận hành là một bước thành công lớn cho chính sách đi vào thực
tiễn.
1.3.1. Mục tiêu và nguyên tắc của CFSP: Các vấn đề chính trị, an ninh, quân
sự bên trong và bên ngoài lãnh thổ Liên minh châu Âu được đề cập đến bắt đầu từ
hiệp ước Maastricht (năm 1992), hiệp ước Amsterdam (năm 1999), hiệp ước Nice
(năm 2003) và mới đây là hiệp ước Lisbon (năm 2009). Hiệp ước Maastricht tạo
nền tảng cho sự ra đời của CFSP và được bổ sung và phát triển thông qua các hiệp
ước tiếp theo. Sự kiện Hiệp ước Lisbon đã ra đời và có hiệu lực vào tháng 12 năm
2009 đóng vai trò pháp lý gắn kết các quốc gia Châu Âu, là tiền đề quan trọng tạo
cơ hội thực hiện những kế hoạch đầy tham vọng của tổ chức châu lục này và giúp
nó vươn mình ra thế giới. CFSP được xây dựng nhằm mục tiêu:
- Bảo vệ những giá trị chung, những lợi ích cơ bản và độc lập của Liên minh.
- Tăng cường hợp tác an ninh giữa các nước thành viên.
- Duy trì hòa bình và tăng cường an ninh quốc tế theo nguyên tắc của Hiến
chương Liên Hiệp Quốc, đồng thời thúc đẩy và tăng cường hợp tác quốc tế
trong các vấn đề an ninh.
- Tăng cường dân chủ và thúc đẩy phát triển dân chủ, tôn trọng nhân quyền và
các quyền tự do cơ bản của con người.[29]
Trên phương diện nguyên tắc hoạt động, nhìn một cách khái quát, những
nguyên tắc cơ bản xuyên suốt trong chính sách đối ngoại của EU là phát triển và mở
rộng, hướng tới sự tiến bộ trên toàn thế giới như là: dân chủ, nhà nước pháp quyền,
sự phổ biến và bất khả xâm phạm của các quyền con người và các quyền tự do cơ
bản, tôn trọng chân giá trị của con người, những nguyên tắc của sự bình đẳng và
đoàn kết lẫn nhau, tôn trọng quy định của Hiến chương Liên hiệp quốc cũng như luật
pháp quốc tế. Những nguyên tắc này hầu như không thay đổi xuyên suốt từ Hiệp ước
Rome năm 1957 đến Hiệp ước Lisbon năm 2009 và trở thành kim chỉ nam cho
đường lối đối ngoại của EU hơn nửa thế kỷ qua và Liên minh đã được nhìn nhận là
một quyền lực quy chuẩn trong chính trị thế giới.
Cụ thể hơn, các nguyên tắc đó là:- Các thành viên cam kết tham khảo ý kiến
lẫn nhau và cùng hợp tác trong các vấn đề về chính sách đối ngoại để có thể đưa ra
được ý kiến thống nhất và tiến hành được hoạt động chung.
- Các thành viên thảm khảo lẫn nhau trước khi thông qua lập trường quốc gia
về những vấn đề chính sách đối ngoại cùng quan tâm.
- Đưa ra các quyết định phải có sự nhất trí giữa các thành viên.
- Đảm bảo nguyên tắc tin cậy lẫn nhau trong tham khảo ý kiến.
- Thiết lập mối tiếp xúc trực tiếp giữa các bộ ngoại giao của các nước thành
viên một cách nhanh nhạy và linh hoạt.
Những mục tiêu và nguyên tắc hoạt động nêu trên chính là cơ sở vững chắc
cho quá trình xây dựng và phát triển của CFSP. Nó đã giúp cho CFSP nâng cao được
sự hợp tác giữa các nước thành viên để tạo ra một cộng đồng thống nhất, tăng cường
vị thế của EU trên trường quốc tế đặc biệt trong những vấn đề về an ninh khu vực.
[4]
1.3.2. Cơ cấu hoạt động của CFSP: Cơ cấu hoạt động của CFSP được
quy định rõ trong hiệp ước Maastricht nhằm đảm bảo việc xác lập và thi hành
chính sách đối ngoại và an ninh chung. Các cơ quan có nhiệm vụ và vai trò quan
trọng trong việc thực thi các hoạt động của CFSP bao gồm : Hội đồng châu Âu, Hội
đồng ngoại trưởng, Uỷ ban chính trị; Uỷ ban đại diện thường trực và Nhóm phối hợp
công tác. Cụ thể:
- Hội đồng châu âu thực hiện các chức năng : Đặt ra các nguyên tắc và định
hướng chung của CFSP; Đưa ra các quy định cần thiết cho việc xác định và
thực thi CFSP trên cơ sở những định hướng chung được cộng đồng thống
nhất;
- Hội đồng ngoại trưởng: Gồm bộ trưởng ngoại giao của các nước thành viên,
đại diện cho lợi ích của nước mình. Hội đồng họp thường kì ít nhất 1 lần/ 1
tháng và chức chủ tịch được luân phiên đảm nhiệm bởi từng nứơc trong thời
gian 6 tháng. Hội đồng có chức năng thảo luận những vấn đề và định hướng
mà hội đồng châu Âu đề ra. Sau đó, hội đồng sẽ quyết định trên nguyên tắc bỏ
phiếu nhất trí trước khi có quyết định của “Hành động chung”.
- Uỷ ban chính trị: Gồm các vụ trưởng chính trị của các Bộ Ngoại giao của
các nước thành viên. Uỷ ban họp thường kỳ hàng tháng và có thể họp bất
thường khi cần. Uỷ ban có nhiệm vụ chuẩn bị các công việc cần thiết cho Hội
đồng Ngoại trưởng, thực hiện các yêu cầu của Hội đồng cũng như giám sát
việc thực hiện CFSP của các nước thành viên, giám sát tính liên tục các hoạt
động về hợp tác chính trị châu Âu. Uỷ ban chính trị có chức năng như là một
cơ quan thực thi các quyết định của Hội đồng ngoại trưởng.
- Uỷ ban đại diện thường trực: Là một tổ chức có tính chất như đại sứ quán
bao gồm những đại diện cao cấp của các nước thành viên và phải chịu trách
nhiệm chuẩn bị và chi tiêu cho các công việc của hội đồng và các hoạt động
của CFSP.
- Nhóm phối hợp công tác: Mỗi bộ ngọai giao của các nứơc thành viên cử một
quan chức tham gia Nhóm phối hợp. Nhóm này có vai trò đặc biệt là tiến
hành tổ chức thực hiện hợp tác trong lĩnh vực đối ngoại và an ninh chung, đồng thời
giám sát việc thực hiện hợp tác và tổ chức chung của CFSP. Để có thể thống nhất
họat động giữa các nước thành viên, EU đã đề ra 2 giải pháp tiến hành. Một là thiết
lập sự hợp tác có hệ thống: Các nước thành viên sẽ thông báo và bàn bạc với nhau
trong khuôn khổ Hội đồng Bộ trưởng châu Âu về mọi vấn đề của CFSP có liên quan
tới lợi ích chung. Các nước thành viên phải làm cho chính sách quốc gia của mình
phù hợp với lập trường chung của khối. Trong các hội nghị quốc tế, các nước thành
viên cũng có trách nhiệm bảo vệ lập trường chung đó. Hai là thiết lập hành động
chung: Hội đồng ngoại trưởng quyết định hành động chung bao gồm việc xác định
lập trường chung và hành động phù hợp với lập trường đó. Chủ tịch EU sẽ giữ vai trò
đại diện cho EU thực hiện các hoạt động chung bằng cách thể hiện lập trường chung
của EU tại các diễn đàn, tổ chức quốc tế. Hai cách thức trên đã được áp dụng sau khi
Hiệp ước Maastricht có hiệu lực, nhằm xây dựnh CFSP vững mạnh. Tuy nhiên khi
tiến hành thì mọi chuyên lại không đơn giản như vậy. Vấn đề ưu tiên của các quốc
gia thành viên thường khác nhau và là nguyên nhân làm cho các hoạt động đối ngoại
của EU gặp rất nhiều trở ngại trong quá trình thực hiện.[4]
Tiểu kết chương 1
Trong chương 1, tác giả đã hệ thống hóa những vấn đề lý luận chung về chính
sách đối ngoại, trên cơ sở đó tác giả cho rằng bản chất Chính sách đối ngoại của mỗi
quốc gia ra đời và phát triển trên cơ sở lí luận của các học thuyết chính trị, lý thuyết
về chính sách đối ngoại cơ bản cũng như các giá trị phổ quát của mỗi quốc gia, dân
tộc đó. Trên nền tảng những lý thuyết chung về chính sách đối ngoại, luận văn đưa ra
các nội dung chủ yếu của chính sách an ninh và đối ngoại chung của EU từ bối cảnh
ra đời cho đến mục tiêu, nguyên tắc hoạt động và cơ cấu hoạt động của bộ máy nhằm
đạt được hiệu
quả hoạch định và thực thi chính sách an ninh và đối ngoại chung của EU. Đây sẽ
những cơ sở lý thuyết quan trọng để tác giả phân tích trong các chương tiếp theo.
Chương 2: Chính sách đối ngoại của EU đối với khu vực
châu Á – Thái Bình Dương giai đoạn từ năm 2009 đến
nay
2.1. Bối cảnh quốc tế và khu vực giai đoạn từ 2009 đến nay
2.1.1. Bối cảnh quốc tế: Xu hướng toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại,
đầu tư cùng hợp tác giữa các quốc gia ở các lĩnh vực kinh tế, thương mại và
đầu tư diễn ra mạnh mẽ. Các chủ thể kinh tế quốc tế được thuận lợi, tự do
trong việc hợp tác, kinh doanh ở hầu khắp các thị trường thế giới trong khuôn
khổ luật pháp của các nước và luật định quốc tế. Hoạt động hợp tác xã hội,
nhân đạo, tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ thiên tai giữa các quốc gia diễn ra mạnh
mẽ. Các tổ chức dân sự quốc tế thuận lợi trong việc hợp tác, nâng cao năng
lực các vùng khó khăn, trợ giúp người dân nghèo trên khắp thế giới. Hoạt
động văn hóa, giáo dục không có giới hạn về biên giới, thúc đẩy nâng cao
trình độ kiến thức, kỹ năng cho các công dân ở những nước kém phát triển.
Hoạt động thể thao, văn hóa, truyền thông, truyền hình được tự do phát triển,
hợp tác, quảng bá, giao lưu,. Người dân trên toàn thế giới được hưởng nhiều
lợi ích của việc toàn cầu hóa, tự do thương mại, đầu tư, dễ dàng tìm và có việc
làm phù hợp với năng lực, dễ tiếp cận thị trường quốc tế, thị trường vốn được
luân chuyển mạnh mẽ. Xu hướng chung là hợp tác, cùng phát triển và đem lại
điều tốt đẹp cho nhân loại. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đem đến cho
nhân loại nhiều thành tựu rực rỡ, kết nối vạn vật, trí tuệ nhân tạo, công nghệ
mới về vật lý, sinh hóa đem đến cho con người nhiều kết quả tốt đẹp. Cuộc
cách mạng công nghiệp này cũng đồng thời đưa ra thách thức lớn đối với mọi
quốc gia, dân tộc, cá nhân trong việc chuyển mình kì diệu của tiến bộ khoa
học mới.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hòa bình, hợp tác, phát triển diễn ra mạnh mẽ, cuộc
khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế thế giới xảy ra năm 2008 rất khốc liệt tác
động đến hầu hết các quốc gia, chủ thể kinh tế trên thế giới.