Tải bản đầy đủ (.doc) (42 trang)

Các câu chuyện giáo dục

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (233.87 KB, 42 trang )

CÁC CÂU CHUYỆN GIÁO DỤC
1) Khi trả lời bất kỳ người lớn nào, em hãy nói “Dạ vâng, thưa
bà” hay “Dạ không phải thế, thưa ông”. Chứ chỉ gật đầu hay nói
đồng ý hay không đồng ý một cách nào khác là không thể chấp nhận
được.
Bởi thầy đã lớn lên trong một gia đình nề nếp nên điều này đến
với thầy một cách tự nhiên, và dường như đó là sự lựa chọn hiển
nhiên đầu tiên đối với thầy. Thầy cảm thấy đây là một trong những
qui tắc quan trọng nhất bởi điều ấy ấn định cách thức ta tôn trọng
người khác, một điều mà thầy mong muốn ở các học sinh của thầy.
Nếu ta muốn trẻ tôn trọng ta thì ta hãy cho trẻ biết điều ấy. Đơn giản
là ta nói với trẻ rằng ta muốn chúng nói với ta “thưa ông” hay “thưa
bà” để chúng biết cách ta mong đợi chúng đối xử với ta.
Thầy cũng nói với các học trò của thầy đây là công cụ rất ích
lợi khi tiếp xúc với người lớn, hơn nữa, cũng rất ích lợi cho người
lớn khi tiếp xúc với nhau. Chẳng hạn mới đây thầy gọi đến công ty
điện thoại để trình bày về những bất hợp lý trong hóa đơn thu tiền
điện thoại của thầy. Người phụ nữ nói chuyện trên điện thoại với
thầy tỏ ra không chút thân thiện mà còn tỏ ra khó chịu nữa.
Sau đó, đang giữa câu chuyện, thầy thốt lên câu “thưa bà” và
thế là thái độ của bà thay đổi hẳn. Bà trở nên thân thiện và dễ tiếp
cận, thế rồi cuối cùng bà giảm nửa số tiền ghi trên hóa đơn của thầy,
nhiều hơn mức mà thầy thậm chí đã đề nghị.
Năm nay, một số học sinh của thầy được phỏng vấn để tuyển
chọn vào lớp chất lượng cao của trường trung học. Trường chỉ
tuyển 30 em, và 12 em trong số học sinh của thầy có mặt trong số
đông đảo học sinh toàn thành phố đã nộp đơn thi tuyển vào đó.
Thầy đã tập cho các học sinh của thầy biết phỏng vấn là như
thế nào, và điều chính yếu mà thầy đã nhấn mạnh với các em ấy là:
“Dù thế nào chăng nữa cũng hãy nói “dạ vâng, thưa bà” hay “dạ
không phải thế, thưa ông”.


1
Vài tuần sau phỏng vấn, thầy rất sung sướng khi toàn bộ 12
học sinh của thầy đều trúng tuyển. Khi thầy nói chuyện với vị giám
đốc thi tuyển của trường thì ông cứ nhắc đi nhắc lại điều ông nhận
xét là các em học sinh của thầy thật lễ phép trong lúc phỏng vấn.
Điều này xem ra quá dễ làm nhưng lại đem lại kết quả lớn.
Xin cảm ơn tư liệu của bạn Nguyễn Đình Huy
2) Nếu bạn nào trong lớp giành được một bàn thắng hay làm
một điều tốt, ta hãy chúc mừng bạn ấy. Hãy vỗ tay thật kêu vào (thầy
nói điều này có thể khiến ai đó nhìn thầy như một gã gàn dở nhưng
trẻ lại rất yêu thích chuyện này).
Hãy nghĩ đến một trận bóng đá hay bóng rổ. Điều gì xảy ra khi
ai đó đá thủng lưới hay ném bóng vào rổ đối phương? Đám đông sẽ
reo hò như điên loạn và la hét cổ vũ cho người ấy. Thầy nghĩ ta cần
phải đem cái môi trường hỗ trợ và đồng đội này vào trong mọi lĩnh
vực, nơi ta đang cùng nhau làm việc để hoàn thành các mục tiêu đề
ra cho dù đó là nơi làm việc, ở nhà và nhất là trong lớp học.
Bất cứ lúc nào khi ta được khen và được thưởng vì những cố
gắng của mình, ta sẽ lại cố làm việc tốt hơn. Điều này thật hiển
nhiên, nhưng vì những lý do gì đó vẫn còn nhiều phụ huynh đã
không biết chúc mừng con cái mình và vẫn còn những hiệu trưởng
cùng những người lãnh đạo đã không biết tạo nên một không khí
thân thiện, ở đó các đồng nghiệp cùng chúc mừng những thành tựu
của nhau.
Thầy đã thử dẫn giải cho các học sinh của thầy hiểu một đội
nhóm và một gia đình đích thực cổ vũ và động viên những nỗ lực
của người khác như thế nào. Ngày đầu tiên vào lớp, thầy đã nói với
các học sinh đại loại như thế này:
Có bạn nào ở đây không thích được chúc mừng khi làm được
một điều gì tốt không? Tất nhiên là không rồi, tất cả chúng ta đều

mong muốn điều ấy. Vậy thì năm nay chúng ta sẽ là một gia đình, và
các thành viên trong gia đình ấy gắn bó với nhau, cùng hỗ trợ nhau,
cùng chúc mừng những thành quả của nhau nhé.
2
Đó chính là môi trường mà chúng ta sẽ cùng nhau xây dựng
trong lớp này, và vì thế nếu bạn nào làm được một điều tốt thì ta hãy
làm cho mọi người biết đến bạn đó. Ta có thể chỉ cần nói với bạn ấy
“làm tốt đấy” hay ta có thể vỗ tay hoan nghênh những nỗ lực của
bạn ấy. Làm cách nào cũng được, miễn là ta cố gắng bày tỏ sự đánh
giá của mình đối với một việc làm tốt.
Sau đó, thầy đưa ra nhiều thí dụ về những dịp thích hợp để vỗ
tay chúc mừng những học sinh khác, chẳng hạn khi một bạn có một
nhận xét hay, một điểm số cao hay viết một đoạn văn xuất sắc. Cũng
thế, nếu bạn nào bị điểm kém ta vẫn nên chúc mừng nếu điểm số đó
chứng tỏ bạn ấy đã nỗ lực hơn trước. Rồi thầy và trò đã cùng nhau
thực tập vỗ tay - vâng, đúng thế, tập vỗ tay thật sự.
Không có kiểu vỗ tay nửa vời như thầy đã nói. Mọi học sinh
phải vỗ tay làm sao đó để thật sự bày tỏ lòng tôn trọng và sự cảm
kích của mình. Đầu tiên thầy dạy học sinh cách vỗ tay, rồi cho nửa
lớp vỗ tay, 1/4 lớp chỉ hơi chạm hai bàn tay, phần còn lại của lớp
ngồi im. Sau vài hướng dẫn chi tiết rồi cả lớp cùng làm.
Đôi khi học sinh vỗ tay cổ vũ một phát biểu hay một điểm số
của một bạn nào đó vốn không nhất thiết phải là khen ngợi. Qui định
là nếu một vài học sinh bắt đầu vỗ tay thì cả lớp cũng vỗ tay theo.
Một vài bạn bắt đầu vỗ tay dường như là đã nhìn thấy điều gì đó
khiến các bạn ấy cảm kích. Với chúng tôi, một vài tiếng vỗ tay lẻ tẻ
xem ra còn tồi tệ hơn là việc mọi người vỗ tay về một chuyện có thể
chưa đáng được như vậy.
Khi phải phụ trách một lớp đến 37 học sinh, người thầy gần
như không thể dành sự chú ý và khen ngợi đáng được có cho tất cả

học sinh của mình. Điều này sẽ trở nên dễ dàng hơn khi thầy có một
lớp học với các học sinh luôn quan tâm đến việc khen ngợi thành
quả của các bạn khác. Sự thừa nhận của thầy vẫn luôn là điều khích
lệ nhưng lời chúc mừng từ những bạn đồng lứa lại có thể có tác
động lớn hơn nhiều.
Khi trả lại bài làm cho học sinh, thầy ghi điểm số trên bảng biểu
dương được treo trong lớp. Cùng với việc công bố này, thầy gọi tên
học sinh, ngừng lại một vài giây rồi đọc thật to điểm số - nếu là 10
thì đọc oang oang cả lớp. Cả lớp reo vang chúc mừng và khuôn mặt
3
các học sinh lấp lánh, rạng rỡ. Điểm số 9 cũng sẽ nhận được những
tiếng vỗ tay, còn điểm số 8, đôi khi 7 cũng nhận được những tràng
pháo tay nếu bạn học sinh ấy đã chứng tỏ rõ có tiến bộ hơn trước.
Học sinh thích chuyện này và các em chờ đợi điều này mỗi ngày.
Dạy và cùng làm việc với học sinh trong một môi trường như
thế quả là một kinh nghiệm tích cực và có nhiều niềm vui. Thầy nghĩ
mọi người nên tìm cách tạo nên không khí ấy trong mọi lớp học và
nơi làm việc.
K.T.
3) Khi ho, hắt hơi hay ợ, ta hãy quay mặt đi chỗ khác và lấy tay
che miệng lại, rồi hãy nói lời “xin lỗi”.
Việc này xem chừng quá dễ làm, nhưng thật ngạc nhiên có biết
bao trẻ đã không hề được dạy dỗ để làm việc này. Thật vậy, thầy đã
để ý thấy nhiều người lớn mỗi lần ho và hắt hơi nơi công cộng cũng
chẳng thèm lấy tay che miệng. Thầy rất ghét đi xe buýt bởi không
sao tránh khỏi có ai đó đứng ngay phía sau lưng ho hay hắt hơi vào
gáy mình.
Một lần thầy chứng kiến một bà to béo hắt hơi trúng phải một
người phụ nữ nhỏ bé đứng ngay cạnh. Đờm và nước bọt chảy nhểu
nhảo trên mặt người phụ nữ tội nghiệp ấy, và thầy còn nhớ lúc ấy

thầy đã tự nhủ: “Chết tiệt, người phụ nữ tội nghiệp này sẽ bị lây
bệnh cúm mất thôi”.
Một trong những điều quan trọng thầy nhắc nhở các học sinh
của thầy là sau khi hắt hơi hay ho vào lòng bàn tay, các em phải nhớ
đi rửa tay ngay, nếu không các em sẽ lây truyền mầm bệnh cho bất
cứ vật gì hay người nào mà các em tiếp xúc.
Để giúp trẻ ghi nhớ qui tắc này, thầy đã kể cho chúng nghe một
truyện cổ tích. Chuyện kể: có một bọn yêu ma lang thang khắp nơi
để rình rập xem có ai hắt hơi là nhảy tọt vào miệng người ấy. Nếu ai
không che miệng thì lũ yêu ma sẽ chui vào bụng người ấy, còn nếu
lấy tay che miệng thì chúng sẽ bị chặn lại ở bên ngoài. Cứ mỗi lần
hắt hơi, trẻ lại nhớ câu chuyện này và vì thế thực hành theo lời
khuyến cáo ấy.
4
4) Trong lúc chuyện trò, nếu có ai hỏi ta một câu thì ta hãy hỏi
lại người ấy một câu. Nếu như có ai hỏi ta “Bạn đi nghỉ cuối tuần thú
vị chứ?” thì ta nên trả lời câu hỏi này và sau đó đáp lễ lại người ấy
một câu hỏi.
Chẳng hạn:
Thầy: Em đi nghỉ cuối tuần thú vị chứ?
Bạn: Vâng, thật thú vị, thầy ạ. Gia đình và em đã đi shopping. Còn
thầy thì sao? Thầy đi nghỉ cuối tuần cũng thú vị chứ?
Đó chỉ là phép lịch sự để chứng tỏ cho người khác thấy là ta đang
quan tâm đến họ cũng như họ đã quan tâm đến ta vậy.
Đây là một kỹ năng sống mà ta cần tập luyện. Thật vậy, thầy đã gặp
nhiều người trưởng thành đã sở đắc được điều này, và cũng phải
nói thật lòng là cũng có rất nhiều người lớn chẳng biết chút gì cả.
Thầy nói với các học sinh của thầy rằng khi các em chuyện trò với ai
thì các em nhớ là đừng để cuộc đối thoại này biến thành độc thoại.
Chúng ta cũng đã từng gặp những người cứ mở miệng ra thì y như

cái đài phát liên tu bất tận mà không hề biết dừng lại, mà thầy thì lại
không muốn bất cứ học sinh nào của thầy lớn lên trở thành những
người như thế.
Thầy muốn các em hiểu rằng ta càng trở nên dễ mến và càng được
trân trọng như thế nào khi hỏi về những suy nghĩ và ý kiến của
người khác. Đơn giản vì đó là cách dễ nhất để người khác biết ta
quan tâm đến việc họ là ai và họ có gì để bày tỏ với ta.
Khi học sinh bước vào lớp học, thầy thường chào, chẳng hạn như
“Xin chào T.T., kỳ nghỉ cuối tuần của em thế nào?” và T.T. đáp: “Rất
tuyệt, thầy ạ, em đi tắm biển với bố mẹ em”. Rồi T.T. lao đến chỗ của
mình. Thầy thường gọi các học sinh lại và nói với các bạn: “Này,
thầy vừa bày tỏ sự quan tâm của thầy về kỳ nghỉ cuối tuần của các
em, và thay vì chứng tỏ cho thầy thấy một sự lịch sự tương tự thì
các em lại lẳng lặng chạy ngay về chỗ ngồi của mình. Nào chúng ta
cùng làm lại nhé. T.T., kỳ nghỉ cuối tuần của em thế nào?”. T.T. liền
đáp lại: “Rất tuyệt, thầy ạ, em đi tắm biển với bố mẹ em. Còn kỳ nghỉ
cuối tuần của thầy ra sao?”. Đối với trẻ, việc này cần có một chút tập
luyện nhưng lợi ích của nó thật đáng để chúng ta làm như vậy.
5
Biết đặt câu hỏi cũng là một kỹ năng có thể có ích khi được phỏng
vấn. Khi các học sinh của thầy đi phỏng vấn để được tuyển vào
trường trung học, nhân viên tiếp nhận của trường hỏi các em nhà
văn nào được ưa thích nhất. Nhiều học sinh của thầy kể lại cho thầy
biết sau khi kể ra một vài nhà văn mà mình yêu thích, chúng cũng đã
hỏi người phỏng vấn chúng: “Có nhà văn nào mà ông đặc biệt thích
đọc không?”. Điều này cho thấy trẻ có ý thức cao và cũng chứng tỏ
trẻ hiểu rõ người khác cũng có những sở thích như là đọc sách
chẳng hạn. Kỹ năng này được ứng dụng không chỉ trong phỏng vấn
mà còn trong bất cứ cuộc chuyện trò nào.
Qui tắc này là để người khác biết ta quan tâm đến họ, còn kết quả

mà bạn nhận được khi bạn thực hiện việc này là gì? Lần đầu tiên đi
dạy học, thầy dành thời gian hỏi han các học sinh xem chúng quan
tâm đến những gì. Thầy hỏi chúng thích và không thích điều gì và
điều gì khiến chúng vui thích nhất. Thầy muốn các bạn ấy biết thầy
quan tâm đến việc các em là ai và rằng thầy có mặt ở đó không chỉ
để dạy các em những điều có trong sách vở.
Thầy nhớ trong năm đầu tiên đi dạy có một học sinh tên B. Bạn ấy tổ
chức một buổi sinh nhật trên xe moóc của ông bà ngoại vào dịp cuối
tuần. B. có mời thầy dự cùng với hầu hết các thầy trong trường,
nhưng khi hỏi thăm thì thầy phát hiện chẳng có thầy nào khác đến
dự. Thế nhưng, thầy đã nói với bạn ấy là thầy chắc chắn sẽ có mặt.
Còn bọn trẻ, cứ mỗi năm phút chúng lại hỏi thăm thầy xem thầy có
đến thật không.
Thứ bảy ấy, mặc dù thầy nghĩ là đã thuyết phục chúng tin vào ý định
của thầy, nhưng thầy lại không nghĩ là không đứa trẻ nào chờ đợi
thầy có mặt, nên khi thầy đến chúng tràn tới vây lấy thầy như thể
thầy là một người nổi tiếng. Thầy trò đã chơi đùa và nói chung là đã
có một khoảng thời gian cực kỳ vui thích. Ngày ấy đã mở ra con
đường dài phát triển mối quan hệ giữa thầy và trò, giúp chúng ngày
càng tin tưởng thầy. Đến thứ hai, khi thầy yêu cầu học sinh cần tập
trung chú ý trong lớp thì ánh mắt của chúng đã khác. Chúng kính
trọng và nghe lời thầy.
Có nhiều cách để thể hiện sự quan tâm đến những người khác, từ
chỗ biết lắng nghe người khác, không là người độc thoại ích kỷ đến
6
chỗ có những nỗ lực để thể hiện sự quan tâm của ta đối với những
người khác... nhưng cuối cùng vẫn là ta nhận lại được biết bao điều
tốt đẹp.
5) Khi thắng thì chớ huênh hoang, còn khi thua thì cũng đừng
tức giận mà hãy nói “Mình rất thích ganh đua và mình mong sẽ gặp

lại bạn”, hay nói “Cuộc chơi thật tuyệt” hay đừng nói gì cả. Tỏ ra tức
giận hay cau có kiểu như “Tao đã chơi không hết sức, chứ mày
cũng chẳng hay ho gì” chỉ chứng tỏ một sự yếu kém.
Nếu ta giỏi về mặt nào thì những người khác sẽ thừa nhận thôi.
Không cần phải nói cho những người khác ta tài năng như thế nào,
bởi vì khi ta cứ huênh hoang về bản thân mình, người khác sẽ nhìn
ta nghi ngờ và chẳng còn ai quan tâm xem ta có những kỹ năng gì.
Rất nhiều người không sao nhận thức được điều này, bởi vì chúng
ta sống trong một thứ văn hóa mà ai ai cũng cứ muốn trưng ra
những thành quả và khả năng của mình.
Trước đây thầy là một fan cuồng nhiệt của các ngôi sao truyền
hình, điện ảnh, ca sĩ nhạc rap. Thầy nghĩ họ cực kỳ tài năng và thầy
rất vui thích với công việc của họ. Tuy nhiên sau này, mỗi khi nhìn
thấy họ xuất hiện trên truyền hình hay đọc những bài viết về họ trên
các tạp chí, sao cứ thấy họ vênh váo tự tâng bốc mình là ngôi sao tài
năng nhất đương thời. Điều này thật sự làm thầy quá đỗi thất vọng
khiến thầy tránh bỏ tiền ra mua vé đi xem họ trình diễn hay đọc
những gì viết về họ. Điều đáng xấu hổ là ở chỗ ai ai cũng biết là họ
tài năng, họ chẳng cần lúc nào cũng phải “khua môi múa mép” như
thế.
Thầy không muốn điều này xảy ra cho các học sinh của thầy dù
là ở mức độ nào đi nữa. Bất kể các em có tài đến thế nào, thầy chỉ
muốn các em tự tin mà khiêm tốn. Hằng năm, thầy đều đưa các học
sinh của thầy tham gia giải bóng rổ toàn thành và vào cuối mỗi mùa
giải, các học sinh lại bình chọn ai là cầu thủ xuất sắc nhất giải. Có
một học sinh tên Q.D.. Bạn ấy đúng là một cầu thủ xuất sắc nhất giải.
Thế nhưng, bạn ấy lúc nào cũng thấy cần nhắc nhở mọi người
biết bạn ấy là cầu thủ xuất sắc như thế nào. Cứ thế, sau mỗi mùa
7
giải, bạn ấy lại càng bực tức khi không được bình chọn là cầu thủ

xuất sắc nhất. Danh hiệu này lại luôn dành cho những cầu thủ khiêm
tốn hơn, được đánh giá là đã thi đấu hết mình vì toàn đội.
Thầy nói với các học sinh của thầy rằng đôi khi người ta thật
khó tự kiềm chế để đừng nói về những khả năng của mình, nhưng
nếu có thể tự kiềm chế được thì việc này sẽ càng khiến những khả
năng của ta trở nên vĩ đại hơn khi chúng được chính những người
khác nhìn nhận. Bạn Q.D. không cần phải nói cho mọi người biết
bạn ấy giỏi bóng rổ như thế nào, điều này hiển nhiên rồi còn gì. Bạn
ấy chỉ nên tập trung chơi hết mình và để cho cách chơi của mình tự
nói lên điều ấy. Đó chính là thông điệp thầy muốn chuyển đến cho
các học sinh của thầy.
Thầy cũng dành thời gian nói với các học sinh của thầy về việc
làm thế nào để thua một cách đáng yêu. Một trong những điều phiền
muộn nhất của thầy là khi bạn nào đó đã chơi thua lại còn cứ cay cú
“Tao đã không chơi hết sức, chứ...” hay “Tao thả cho mày thắng lần
này đấy!”.
Cha thầy là người rất giỏi trong nhiều môn thi đấu. Thế nhưng
thỉnh thoảng ông cũng không may bị thua thầy. Gặp may thôi,
chuyện này không xảy ra thường xuyên nhưng là đã có xảy ra. Thầy
luôn cố hết sức thi đấu với ông, nhưng sau mỗi bàn thầy giành
chiến thắng, ông luôn bình luận như là “A, cha cứ nghĩ ván này
thắng con dễ ợt” hay “Con có nghĩ là cha đã cố hết sức không?”.
Nghe vậy thầy cứ sướng cả người!
Giờ đây, sau biết bao nỗ lực, có một qui tắc hành xử trong gia
đình thầy và trong lớp học của thầy như sau: trong bất kỳ cuộc tranh
đua nào, ta sẽ luôn cố gắng hết sức và đừng bao giờ đổ lỗi thất bại
cho người khác. Điều này sẽ khiến mọi việc trở nên đáng yêu hơn
biết bao và cuộc chơi nào cũng vui vẻ và khuây khỏa biết bao.
Thắng hay thua cũng chẳng sao, quan trọng nhất là tất cả chúng ta
đã chơi hết mình và chúng ta đều vui thích vì những nỗ lực của nhau

dù kết cục cuối cùng có ra sao đi nữa.
K.T.
8
6) Tiếp xúc bằng ánh mắt. Khi ai đó đang nói, em hãy luôn nhìn
vào người ấy. Còn khi ai đó nhận xét điều gì, em hãy quay lại và nhìn
thẳng vào người ấy.
Tiếp xúc bằng ánh mắt là điều rất nhiều người cảm thấy khó
làm, nhưng đó lại là điều quan trọng khi em muốn lấy điểm với
người khác và cho họ thấy em rất nghiêm túc đối với những gì em
nói. Chẳng hạn khi ai đó tìm gặp ông chủ của mình và đề nghị ông ta
tăng lương, ông ta chắc sẽ quan tâm đến người ấy nếu người ấy
nhìn thẳng vào mắt ông ta hơn là cúi nhìn xuống phía dưới. Nếu bạn
đưa ra một đề nghị kinh doanh, mọi người chắc sẽ tin bạn và tin vào
những ý tưởng của bạn nếu họ thấy bạn tỏ ra tự tin và nhìn thẳng
vào mắt họ.
Thầy đã dành nhiều thời gian khuyến khích các học trò của
thầy tiếp xúc bằng ánh mắt. Để thực tập, thầy đã chia lớp thành từng
nhóm hai người một. Rồi thầy nói với các em rằng tiếp xúc bằng ánh
mắt khi ta nói sẽ giúp điều ta đang nói được nhấn mạnh hơn và có
nhiều cảm xúc hơn. Khi ta nhìn đi chỗ khác hay đưa mắt nhìn xuống
dưới thì điều này cho thấy ta không tự tin vào những điều ta đang
nói và rằng có thể là ta đang không nói thật.
Thầy cũng nói với các bạn ấy rằng mắt cứ láo liên nhìn quanh
có nghĩa là đang không trung thực. Khi học trò đã đứng thành từng
nhóm xong, thầy cho các bạn ấy tập nói chuyện với nhau và nhận
xét xem việc tiếp xúc bằng ánh mắt với những đồng nghiệp của
mình có hiệu quả như thế nào.
Tiếp xúc bằng ánh mắt không chỉ là cách tỏ cho thấy sự tự tin
mà còn là cách quan trọng để bày tỏ sự tôn trọng. Trong lớp, khi
một học sinh phát biểu thì thầy yêu cầu các học sinh khác quay nhìn

và tập trung vào bạn này. Thầy không cho phép các học sinh khác
giơ tay để nói chen khi bạn này còn chưa nói xong, bởi vì nếu làm
như thế thì xem ra các em quan tâm đến điều mình muốn nói hơn là
điều mà người khác nói. Thầy nói các em thử hình dung xem điều gì
sẽ xảy ra khi mình đang cố diễn đạt ý tưởng còn mọi người chung
quanh lại chẳng ai vỗ tay. Điều đó hẳn khiến các em cảm thấy giống
9
như những ý kiến của mình chẳng có giá trị gì, và bởi vậy chúng ta
không làm điều ấy.
Thầy đã từng làm việc ở một điểm bán thức ăn nhanh, làm
bánh và phục vụ bàn trong nhiều nhà hàng khác nhau. Phục vụ
khách có thể là một điều thú vị nhưng cũng có thể là một cực hình,
nhất là khi phải tiếp xúc với những khách hàng khó tính.
Thầy còn nhớ mình đã từng yêu thích công việc này biết bao
khi khách hàng nhìn thẳng vào mắt mình để đặt món ăn. Nhìn thẳng
vào mắt một người là tỏ ra tôn kính người ấy hơn. Khi họ rời tiệm
ăn, thầy luôn chờ đợi họ nói lời cảm ơn mình, nhưng có nhiều người
lại đã không làm thế, và điều này làm thầy buồn lòng. Họ đang nghĩ
gì vậy? Nhiều người cũng nói lời cảm ơn nhưng là vào lúc họ vội vã
quay người bước ra khỏi quán. Sao ta lại không dành một giây để
nhìn thẳng vào mắt một người và nói lời cảm ơn nếu như ta đã có ý
làm điều này nhỉ?
Thầy cố gắng sao cho các học sinh của thầy thực tập điều này
với những người lớn khác nhau không phải là các thầy cô trong
trường. Những người lao công, những người bán căngtin, những
nhân viên đánh máy thường ít được tôn trọng như mức dành cho
thầy cô giáo, và thầy đã làm hết sức mình để thay đổi hình ảnh này
trong đầu óc học sinh của thầy.
Thầy giảng giải cho học sinh về vai trò của từng con người
trong nhà trường và công việc của họ góp phần như thế nào để các

em có thể nhận được một môi trường giáo dục tốt nhất. Rồi thầy
cũng nói cho các bạn ấy biết là mọi người đều sẽ cố gắng làm việc
tốt hơn lên nếu cảm thấy mình được tôn trọng, và như thế là mọi
người đang tạo ra sự thay đổi. Thầy cố gắng làm một tấm gương
cho học sinh bằng cách cư xử thân thiện và tôn trọng đối với mọi
thành viên trong ban giảng dạy của trường. Không khó khăn lắm các
em học sinh đã làm theo thầy, và kết quả luôn thật hiển nhiên.
Khi xuống nhà ăn, học sinh đã tự xếp hàng và không cho phép
mình nói chuyện khi lấy thức ăn, các em đã biết nhìn thẳng vào mắt
những người phục vụ và lễ phép hỏi xin mỗi khi các em cần điều gì.
Các em cũng luôn biết nói lời cảm ơn những người phục vụ và chúc
họ một ngày làm việc tốt đẹp. Những người phục vụ cũng đã luôn
10
khen ngợi lớp học của thầy là tuyệt vời và nói họ đã được tôn trọng
đúng mực.
Bất kể cách ta quan hệ với những người quanh ta như thế nào,
cũng như bất kể điều gì ta nói với họ thì ta cũng sẽ được coi trọng
hơn và hành động của ta cũng sẽ được đánh giá đúng nếu có sự
tiếp xúc bằng ánh mắt.
K.T
7) Hãy luôn nói lời cảm ơn khi thầy cho em cái gì. Nếu sau 3
giây mà em không nói cảm ơn thì thầy sẽ lấy lại cái ấy. Không thể có
bất cứ lý do nào để biện minh cho thái độ thiếu cảm kích của mình
cả.
Theo thầy, nói lời cảm ơn chẳng là điều gì quá to tát. Không
biết đã đến lần thứ bao nhiêu rồi thầy buộc phải lấy lại cái mà thầy
đã cho học sinh chỉ bởi vì các em quên nói lời cảm ơn. Thầy lấy lại
mà học sinh vẫn cứ vô tư nghĩ rằng thầy chỉ đùa chơi, lát sau thể
nào thầy cũng đưa lại. Nhưng chuyện này không bao giờ xảy đến.
Để cho qui tắc này trở nên có hiệu lực, ta cần phải thực thi nó một

cách nghiêm túc và đôi khi việc này cũng rất khó.
Có lần, một học sinh nữ cùng bốn bạn nữa được thưởng một
chồng vở vì đã giành được điểm cao trong kiểm tra môn xã hội. Cô
bé quá xúc động nên cứ nhảy cẫng lên vì vui sướng. Các bạn khác
trong lớp nhanh chóng nhận ra là bạn ấy quên nói lời cảm ơn, và
thầy buộc phải lấy lại phần thưởng vừa trao tặng.
Việc này làm thầy đau lòng nhưng luật đã đưa ra thì không thể
làm trái luật. Thầy phải nhất quán với chính bản thân mình cũng như
với mọi học sinh của thầy. Trẻ hiểu rõ điều này nên hiếm khi phàn
nàn mỗi khi thầy lấy lại những gì thầy vừa cho. Trẻ hiểu đó là một
qui tắc mà ngay từ đầu thầy đã nói công khai nó sẽ được thực thi ra
sao.
Mới đây thầy nói chuyện với một cô giáo dạy lớp 12 ở một
trường trung học. Cô đến tìm gặp thầy. Cô nói cô thường đem đến
niềm thích thú hay phần thưởng cho các cô cậu học sinh đã lớn của
mình, và rằng có một nhóm học sinh trong lớp của cô luôn đáp lại cô
với một lời cảm ơn. Một lần cô khen các bạn này thật lễ phép thì các
11
bạn ấy đều nói phải lễ phép thôi bởi vì thầy giáo lớp 5 đã khắc ghi
điều này trong các em.
Một học sinh còn nhớ khi còn học lớp 5 có lần được thưởng
một cây kẹo que, nhưng bạn ấy còn chưa kịp bỏ vào miệng thì thầy
đã lấy lại bởi vì bạn ấy quên nói lời cảm ơn. Bạn ấy nói sau đó thầy
đã nhét cây kẹo vào miệng bạn ấy và với vẻ thất vọng thầy quay lại
tiếp tục giảng dạy. Sự việc đã in sâu trong tâm trí và bạn ấy thề sẽ
không bao giờ được quên nói lời cảm ơn lần nào nữa.
Trong cuộc sống thường nhật của mình, thầy luôn cố để đừng
quên nói lời cảm ơn với bất cứ ai mà thầy có liên hệ như bác nhân
viên kiểm tra, chị phục vụ vệ sinh, em học sinh giữ cánh cổng
trường giúp thầy bước vào, người bạn làm một việc giúp thầy, hay

bất cứ ai đem lại cho thầy một điều gì đó bất kể lớn hay nhỏ đi nữa.
Ở trường, thỉnh thoảng bác lao công phải chùi rửa các lớp học
vào ban đêm. Thầy luôn cảm thấy ngạc nhiên đến hài lòng khi bước
vào lớp học vừa được quét dọn tươm tất, và một vài lần thầy đã tìm
gặp bác để nói lời cảm ơn vì bác đã làm công việc của mình tốt đến
thế. Bác dường như luôn tỏ ra ngạc nhiên sao thầy lại cảm ơn bác
chỉ vì bác đã làm tốt công việc của mình.
Dù sao thầy cũng có thể nói rằng bác rất cảm kích vì điều này,
và thầy bắt đầu để ý thấy là lớp học của thầy đã luôn được chùi rửa
sạch sẽ hơn trước.
K.T.
8) Hãy gây ngạc nhiên cho người khác bằng những việc tốt bất
ngờ. Ít nhất mỗi tháng một lần hãy ra khỏi nếp sống thường nhật để
làm một việc tốt, việc nhân ái bất ngờ nào đó cho người khác.
Tất cả bọn trẻ đều thích qui tắc này, và dường như đó là một ý
tưởng độc đáo và nó thật sự đem lại nhiều niềm vui nhất. Có điều
đây lại là một trong số những qui tắc khó thực hiện nhất khi ta muốn
tuân giữ. Trong cuộc sống thường nhật của mình, chúng ta quá bận
rộn đến mức chẳng còn thời gian để ngồi lại và nghĩ đến chuyện làm
một điều gì gây ngạc nhiên cho ai đó.
Thường nếu như không phải là sinh nhật của ai hay một dịp
đặc biệt, thì chẳng mấy ai cảm thấy có nhu cầu thoát khỏi nếp sống
12
quen thuộc hằng ngày để làm một điều đặc biệt gì đó cho người
khác. Tuy nhiên, thầy cảm thấy thời điểm tốt đẹp nhất để đem đến
một sự ngạc nhiên thú vị cho ai đó lại chính là lúc người ấy không
chờ đợi nhất. Làm cách này, người nhận biết rõ bạn làm không vì bị
bó buộc mà vì bạn muốn làm.
Ngạc nhiên mà thầy nói ở đây vượt xa hơn là tặng ai đó một
món quà mà là có nhiều chất trí tuệ và ý nghĩa hơn kia. Thầy nói với

học sinh của thầy rằng các em có thể lau chùi, dọn dẹp nhà cửa hay
rửa chén bát mà không chờ được yêu cầu. Các em có thể làm những
việc vặt hay đọc sách cho một người hàng xóm lớn tuổi hay có thể
mang hoa tươi đến cho ai đó. Các cơ hội để làm việc tốt thì ở khắp
quanh ta.
Niềm mong muốn gây ngạc nhiên cho người khác của thầy
xuất phát từ cách cha mẹ thầy đã thường xuyên dành những bất
ngờ cho chị thầy và thầy. Thầy nhớ khi nhìn thấy hai người thoát
khỏi nếp sống thường nhật của mình để làm những việc tốt lành và
bất ngờ cho hai chị em, thầy đã cảm thấy mình đặc biệt và được yêu
thương như thế nào.
Và thầy tự hứa khi lớn lên thầy sẽ làm những điều tương tự
cho mọi người quanh mình. Khi thầy trở thành thầy giáo, thầy thấy
mình đã bỏ một phần tiền lương mỗi tháng mua sách làm phần
thưởng và nhiều thứ khác nữa cho học sinh. Những bất ngờ nho
nhỏ ấy rất được trẻ yêu thích. Ở đây thầy muốn kể với các em câu
chuyện của một thầy giáo trẻ ở Bắc Carolina bên nước Mỹ, qua lời
kể của chính nhân vật trong câu chuyện.
oOo
...Tôi đã cùng bọn trẻ bắt tay vào một dự án vốn dẫn đến một
bất ngờ lớn mà tôi có can dự vào. Điều này đã mãi mãi làm thay đổi
cuộc sống của tôi và của các em học sinh.
Mọi chuyện bắt đầu khi tôi giảng bài cho các em về nhật báo,
và các em tỏ ra lúng túng không hiểu các trang rao vặt được tiến
hành như thế nào. Tôi quyết định cho các em tự đi đăng quảng cáo
trên báo để bản thân các em ấy có thể hiểu công việc này được tiến
hành ra sao. Tôi cho mỗi em cầm tiền đi đăng quảng cáo, bởi tôi
13
muốn dành quyền làm chủ dự án cho các em ấy. Rồi tôi hướng dẫn
các em đến tòa báo xin đăng quảng cáo.

Lập tức, các em muốn rao bán một chiếc xe Lexus trong mục
rao vặt về xe hơi, nhưng sau tôi lưu ý các em ấy: “Chúng ta đâu có
chiếc xe Lexus nào đâu”. Cuối cùng, thầy trò quyết định đăng một
câu đố và đề nghị người đọc viết lời đáp. Câu đố đầu tiên của thầy
trò là: “Đảo nào lớn nhất trên thế giới? Nếu bạn biết, xin vui lòng hồi
âm cho lớp chúng tôi” và bên dưới kèm theo địa chỉ.
Từ hôm ấy, ngày ngày, thầy trò cùng ngóng chờ xem có thư từ
nào hồi âm không. Thật ngạc nhiên, thầy trò nhận được 10 lá thư
của những người khác nhau ở nhiều khu vực. Bọn trẻ rất thích điều
này bởi không ai đã có được câu trả lời đúng, và chúng viết thư gửi
lại cho mỗi người kèm theo câu trả lời đúng là đảo Greenland.
Bọn trẻ tỏ ra rất phấn khích với những lá thư nhận được đến
mức chúng quyết định đăng tiếp nhiều câu đố trên các báo khắp tiểu
bang. Dự án đã không còn là một bài học về rao vặt trên báo nữa mà
là việc các em học sinh đang được mở mang kiến thức từ những
người viết thư đến lớp chúng tôi. Để có nhiều thư trả lời, thầy trò lại
còn viết các bảng hiệu và chuyển đến cho các siêu thị địa phương,
thậm chí còn gửi câu đố cho cả đài truyền thanh.
Rất sớm sau đó, thầy trò chúng tôi đã nhận được hàng tá thư
mỗi ngày từ khắp tiểu bang gửi đến. Người gửi có khi là bác sĩ, luật
sư, những chủ trang trại giống ngựa Ả Rập và biết bao người khác
từ đủ ngành nghề khác nhau. Bằng cách này, các em học sinh ở một
thị trấn nhỏ với 600 dân đang được học hỏi về cuộc sống bên ngoài
thị trấn của mình. Toàn bộ tiến trình này là điều thiết yếu cho trẻ vốn
có quá ít kinh nghiệm về cuộc sống bên ngoài cộng đồng của mình.
Bọn trẻ tỏ ra cực kỳ thích thú với dự án này đến mức một hôm
có một bạn tên là Luke nói: “Thầy ạ, em nghĩ chúng ta cần bước ra
toàn cầu với dự án này”. Ý bạn ấy muốn nói là cần đăng câu đố trên
một tờ báo phát hành khắp thế giới. Một ý kiến xem ra rất hay! Thế là
tôi quyết định cử Luke liên hệ với văn phòng của báo USA Today để

thử hỏi xem giá một diện tích quảng cáo 4x5cm là bao nhiêu tiền.
Khi quay về, Luke chống hai tay trên hông và long trọng tuyên
bố với tôi bằng cái giọng miền Nam của bạn ấy: “Tốt nhât là ngồi
14
xuống, thầy ạ”. Bạn ấy nói với tôi giá quảng cáo là 12.000 USD.
Thoạt đầu tôi không tin và sau khi tan lớp tôi đã tự liên hệ với tòa
báo để khẳng định lại. Tôi nhận ra là Luke nói đúng và tôi sửng sốt
sao một mẩu quảng cáo bé xíu chỉ đăng có một lần mà lại đắt khủng
khiếp đến thế!
Sau khi thảo luận với học sinh, tôi giải thích với các em là
chúng ta không thể đào đâu ra một món tiền khổng lồ như vậy. Thế
nhưng, các em học sinh lại không muốn bỏ cuộc một cách dễ dàng
như thê. Các em nài nỉ tôi cho các em ấy thử làm và rồi thầy trò bắt
tay vào thực hiện một chiến dịch gây quĩ. Tôi nói với các em là tôi có
thể làm bất cứ việc gì để cùng các em kiếm tiền như bán bánh, bán
kẹo, bất cứ việc gì trừ rửa xe bởi tôi chúa ghét việc rửa xe. Thế
nhưng thứ bảy ấy, thầy trò đã đi rửa xe.
Vài tuần sau, đang khi những việc làm gây quĩ đầy “sáng tạo”
của chúng tôi còn giậm chân tại chỗ thì tôi nhận được một cú điện
thoại từ báo USA Today. Một biên tập viên của báo là Joan Baraloto
nói với tôi là có người đã nhìn thấy lớp học của tôi trên TV đang đi
gây quĩ, và rằng người ấy muốn tặng lớp số tiền cần thiết này để
đăng quảng cáo. Tôi lập tức hỏi bà tên người tặng, và bà nói rằng
người ấy chỉ muốn được gọi là “ông già Noel” mà thôi.
Chỉ còn ba tuần nữa là đến lễ Giáng sinh, và tên gọi này xem ra
rất hợp với một sự đóng góp đầy lòng quảng đại như thế. Tôi vội vã
đến lớp và thông báo cho bọn trẻ. Nghe xong, chúng reo hò như
điên dại, và hỏi “Ai cho chúng ta tiền vậy?”. Tôi mỉm cười đáp: “Ông
già Noel đấy”. Luke nhìn tôi vẻ ngờ vực và nói: “Thầy ơi, bố mẹ em
không kiếm nổi số tiền này đâu”.

Thầy trò quyết định đăng một mẩu quảng cáo như sau:
Gửi Tổng thống Clinton và mọi người khắp thế giới
Cái gì cướp mất nhiều sinh mạng nhất mỗi năm hơn cả AIDS, rượu,
tai nạn xe cộ, giết người, tự tử, ma túy và hỏa hoạn cộng lại?
Chính bọn trẻ đã tạo nên mẩu quảng cáo này, còn tôi thì còn
lợn cợn một chút bởi vì xuất thân từ một tiểu bang sản xuất nhiều
thuốc lá, tôi không muốn chọc giận bất cứ ai. Tôi bày tỏ sự băn
khoăn này với các em và rồi một bạn nữ tên là Carmela đã nói với
tôi: “Không sao, thầy ạ. Không phải vì chúng ta xuất thân từ tiểu
15
bang này mà chúng ta lại không dám có ý kiến, quan điểm riêng
sao?”.
Thầy trò ghi địa chỉ cùng số fax trên mẩu quảng cáo và hồi hộp đợi
chờ hồi âm. Tiếc là ngôi trường của chúng tôi nằm ở một vùng quê
nên vào lúc ấy không thể có email và không thể ghi địa chỉ Internet
của chúng tôi vào được.
(Còn tiếp)
K.T.
9) Ngày mẩu quảng cáo này được đăng, tôi cũng không thể có
nổi một tờ báo, bởi báo USA Today không phát hành tại vùng quê
của chúng tôi. Thế nhưng, tác động của mẩu quảng cáo ấy thì ai
cũng cảm thấy được bởi trước khi tôi đến được lớp thì chúng tôi đã
nhận được hơn trăm bức fax.
Ngay khi tôi rẽ vào bãi đậu xe của trường thì cô giáo Barbara
Johns, lúc ấy đang ở trong bãi đậu xe, vội reo lên mừng rỡ: “Thầy
phải đến văn phòng ngay! Tắt máy xe đi! Tôi sẽ đưa xe vào bãi đậu
cho”. Chạy vào đến văn phòng, bức fax đầu tiên tôi cầm lên đọc
được gửi từ thủ tướng Canada. Cũng có những bức fax đến từ khắp
nơi, của bạn bè thân hữu, đội bóng, bác sĩ ở Mumbai, Ấn Độ... và
bao người khác từ bất cứ nơi nào mà ta có thể nghĩ ra.

Khi bọn trẻ đến trường, thầy trò cùng kéo lên văn phòng. Các
đài phát thanh khắp nước cũng đã cho phát mẩu quảng cáo của
chúng tôi và kêu gọi các độc giả của mình gọi điện hồi âm kèm câu
trả lời của họ. Các đài truyền thanh dồn dập gọi cho trường chúng
tôi để hỏi câu trả lời đúng là gì, cũng hệt như bọn trẻ đang rộn ràng
túc trực trên máy điện thoại để trò chuyện với hàng ngàn độc giả.
Có những đứa còn phải trả lời phỏng vấn của các nhà báo
truyền hình. Các bức fax từ khắp nơi trên thế giới đổ về rào rào, còn
bọn trẻ cứ như nhảy vọt khỏi mái nhà vì kích động! Thầy trò còn
chia nhau ở lại đêm trong trường để trực máy fax. Các bức fax
chuyển đến suốt đêm. Khoảng 3g sáng, tôi nhận được một bức fax
trên đó viết “Xin thầy gọi điện cho chúng tôi” cùng với số điện thoại
được ghi bên dưới.
16

Tài liệu bạn tìm kiếm đã sẵn sàng tải về

Tải bản đầy đủ ngay
×