NẮNG BA ĐÌNH.
Nắng Ba Đình mùa thu
Thắm vàng trên lăng Bác
Vẫn trong vắt bầu trời
Ngày tuyên ngôn Độc lập.
Ta đi trên quảng trường
Bâng khuâng như vẫn thấy
Nắng reo trên lễ đài
Có bàn tay Bác vẫy.
Ấm lòng ta biết mấy
Ánh mắt Bác nheo cười
Lồng lộng một vòm trời
Sau mái đầu của Bác...
NGUYỄN PHAN HÁCH.
Bác Hồ kính yêu đã vĩnh biệt chúng ta lâu rồi nhưng Người vẫn mãi mãi sống cùng
non sông đất nước này. Đó là một sự thật. Hình bóng của Người, tinh thần của Người vẫn
vẹn nguyên,vẫn hiển hiện khắp nơi, từ cỏ cây đến sắc trời, từ con đường đến màu
nắng...Cảm giác này càng kì lạ và càng rõ ràng mỗi khi chúng ta đi trên quảng trường Ba
Đình. Nhà thơ Nguyễn Phan Hách dường như đã nói giùm chúng ta điều đó.
Từ ngày Bác đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng
hoà, ngày 2 tháng 9 năm 1945, Người đã mang về đây mùa thu cách mạng và trong ánh
nắng mùa thu bao đời của thiên nhiên xứ sở, bắt đầu từ đấy cũng có một màu sắc mới:
Nắng Ba Đình! Đó là nắng cách mạng, Nắng Tuyên ngôn, Nắng Bác Hồ!
Đi trên quảng trường hôm nay, cảm xúc thơ đến từ ánh nắng in trên lăng Bác:
“ Nắng Ba Đình mùa thu
Thắm vàng trên lăng Bác”
Hai chữ “ thắm vàng” được dùng ở đây dường như nói được cả sự tươi tắn, sáng
trong của nắng trời, cả ánh nắng huy hoàng từ sao vàng cờ đỏ, có cả ánh sáng kiêu hãnh tự
hào của tấm lòng một công dân độc lập, lòng biết ơn sâu nặng của một người con đối với
Bác Hồ.Hai chữ “ thắm vàng” còn như thắm vàng lên lăng Bác, làm cho khói hoa cương
và cẩm thạch ấy rực rỡ nguy nga! Tác giả còn nhận ra sắc nắng, sắc trời hôm nay còn là
sắc nắng, sắc trời của hôm nào:
“ Vẫn trong vắt bầu trời
Ngày Tuyên ngôn Độc lập”
Chao ôi! Màu nắng, màu trời trong vắt hiện ra trong một ngày thế rồi cũng hoá
thành vĩnh viễn! Nghĩa là khoảnh khắc đã hoá thành vĩnh cửu. Đúng thế, bầu trời trong vắt
ngày Tuyên ngôn Độc lập không bao giờ phai đối với tâm trí mỗi người dân Việt Nam!
Cảm xúc của tác giả tiếp tục được nâng lên nữa:
“Ta đi trên quảng trường
Bâng khuâng như vẫn thấy
Nắng reo trên lễ đài
Có bàn tay Bác vẫy”
Nắng không chỉ có màu sắc “thắm vàng”. Nắng còn cất lên tiếng nói của riêng
mình nữa “ Nắng reo trên lễ đài”. Đó là ánh nắng thu đang xao động, hay nắng chính là
tiếng sóng reo hò của muôn vạn con tim Việt Nam trong giờ phút Người đọc Tuyên ngôn,
đén nay dư âm vẫn còn vang vọng, vẫn còn dạy lên trong sắc nắng Ba Đình? Có lẽ tất cả
những ấn tượng ấy đã ùa đến trong lòng nhà thơvà hội tụ trong ngòi bút thơ ca, hội tụ vào
hai chữ “Nắng reo”. Từ hai chữ “ Nắng reo”, người viết còn như hình dung cả bàn tay
Bác vẫy trên lễ đài làm xao động cả nắng Ba Đình- “ Có bàn tay Bác vẫy”
Tác giả nhìn màu nắng thực hôm nay làm sống động cả quá khứ; đem những hình
ảnh của quá khứ làm hiển linh trong hiện tại này. Ấy là thủ pháp từ cái có (hữu) mà gợi
dậy cái không (vô) vậy!
Sự hiển hiện của Người vẫn toàn vẹn nhất là ở khổ thơ kết:
“Ấm lòng ta biết mấy
Ánh mắt Bác nheo cười
Lồng lộng một vòm trời
Sau mái đầu của Bác...”
Thì ra, tất cả nắng Ba Đình đều bắt nguồn từ ánh mắt của Người . Ánh nắng làm
sáng lên, làm ấm lại cả dân tộc này là ánh nắng lan toả ra từ ánh mắt của Bác từ mùa thu
ấy!
Từ bàn tay vẫy, hình ảnh Bác cứ rõ dần hơn với “ Ánh mắt Bác nheo cười”, rồi
cuối cùng là cả “ mái đầu của Bác”. Có phải trong những khoảnh khắc nào đó bằng lòng
biết ơn Bác Hồ sâu nặng khi qua quảng trường Ba Đình, trong nắng Ba Đình, trong sắc trời
Ba Đình, ta sẽ thấy bóng dáng Người hiển hiện như một hiển linh? Và chính điều ấy đã
cho thấy Người đã hoà nhập, đã trường tồn cùng non sông đất nước này!
Có lẽ thế! “ Nắng Ba Đình” đã cho ta thêm một lần cảm nhận về sự hiện diện
thiêng liêng mà gần gũi của Bác Hồ trong đời sống hàng ngày của non sông và của mỗi
một chúng ta!