Tải bản đầy đủ (.pdf) (131 trang)

Phan khôi và một số cuộc tranh luận tiêu biểu trên báo chí đầu thế kỷ XX (luận văn báo chí và truyền thông)

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (2.39 MB, 131 trang )

MỤC LỤC
MỞ ĐẦU .................................................................................................................... 1
Chương 1 .................................................................................................................. 11
VÀI NÉT VỀ PHAN KHÔI VÀ VẤN ĐỀ TRANH LUẬN TRÊN BÁO
CHÍ ĐẦU THẾ KỶ XX ........................................................................................ 11

1.1. Cuộc đời và sự nghiệp báo chí của Phan Khôi ............................... 11
1.2. Vấn đề tranh luận trên báo chí ........................................................ 18
Tiểu kết chương 1 .................................................................................. 31
Chương 2 .................................................................................................................. 33
TRANH LUẬN VỀ CÁC VẤN ĐỀ TƯ TƯỞNG VÀ XÃ HỘI ........................ 33

2.1. Tranh luận về Nho giáo .................................................................. 33
2.2. Tranh luận về Triết học................................................................... 37
2.3. Tranh luận về nữ quyền .................................................................. 42
Tiểu kết chương 2 .................................................................................................... 50
Chương 3 .................................................................................................................. 52
TRANH LUẬN VỀ CÁC VẤN ĐỀ HỌC THUẬT ............................................. 52
VÀ VĂN HỌC – NGHỆ THUẬT .......................................................................... 52

3.1. Tranh luận về Quốc học.................................................................. 52
3.2. Tranh luận về sử học....................................................................... 57
3.3. Tranh luận về thơ mới – thơ cũ ....................................................... 62
3.4. Tranh luận về Truyện Kiều ............................................................. 65
Tiểu kết chương 3 .................................................................................................... 71
Chương 4 .................................................................................................................. 73
MỘT SỐ NHẬN XÉT VÀ VẬN DỤNG KINH NGHIỆM TRANH LUẬN
CỦA PHAN KHÔI VÀO THỰC TIỄN BÁO CHÍ HIỆN NAY ....................... 73

4.1. Một số nhận xét .............................................................................. 73
4.2. Vận dụng kinh nghiệm tranh luận của Phan Khôi vào thực tiễn báo


chí Việt Nam hiện nay ................................................................................. 90
Tiểu kết chương 4 .................................................................................................... 97
KẾT LUẬN .............................................................................................................. 99
TÀI LIỆU THAM KHẢO ................................................................................... 102
PHỤ LỤC ............................................................................................................... 109


MỞ ĐẦU
1. Lý do lựa chọn đề tài
Phan Khôi là nhà báo khởi xướng hoặc tham gia vào các cuộc tranh luận, bút
chiến trên báo chí những năm đầu thế kỷ XX về nhiều vấn đề, từ học thuật đến đời
sống. Với kiến thức uyên bác, tư duy sắc bén ưa phản biện, ông đã thổi một luồng gió
mới cho diễn đàn báo chí, khiến cho báo chí Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX
hoạt động sôi nổi bởi những cuộc tranh luận.
Những bài báo trong các cuộc tranh luận trên diễn đàn báo chí của Phan Khôi
đã thể hiện rõ tinh thần phản biện khách quan, logic và khoa học, đưa ra những góc
nhìn, cách tiếp cận và quan điểm mới mẻ cho những người làm báo và người đọc.
Những bài tranh luận của Phan Khôi thực sự tạo nên một luồng sinh khí mới, làm dấy
lên làn sóng tranh luận sôi nổi trong giới nhà báo, học giả Việt Nam đầu thế kỷ XX.
Qua các cuộc tranh luận trên báo chí, Phan Khôi góp phần không nhỏ cho con đường
hiện đại hóa tiếng Việt, cho tinh thần dân chủ trong hoạt động học thuật, báo chí và
văn nghệ, cho không khí tranh luận bình đẳng của giới trí thức Việt Nam.
Các nhà nghiên cứu đều đồng quan điểm nhìn nhận rằng, Phan Khôi thuộc số
những trí thức hàng đầu có công tạo ra mặt bằng tri thức và văn hóa cho xã hội Việt
Nam những năm đầu thế kỷ XX, nhưng khác với họ, ông thể hiện mình ở vai trò phản
biện, và sự phản biện đó đem lại chiều sâu mới cho tri thức. Nhìn lại cuộc đời hoạt
động báo chí của Phan Khôi, có thể thấy vai trò rất lớn của ông trong các cuộc tranh
luận trên diễn đàn báo chí: có khi ông là người châm ngòi, gợi mở vấn đề để các nhà
báo, nhà học giả cùng tranh luận, lại có khi ông đứng ở một phía để cùng tranh luận
với các nhà báo, học giả khác. Nhiều bài học quý giá về biện luận, về phẩm chất và

đức tính trung thực đã được Phan Khôi để lại cho thế hệ mai sau từ những cuộc tranh
luận trên báo chí những năm đầu thế kỷ XX.
Những đóng góp của Phan Khôi đối với báo chí Việt Nam nói riêng, lịch sử tư
tưởng Việt Nam nói chung cần được ghi nhận một cách xứng đáng. Vì vậy, trong thời
gian gần đây, một số nhà nghiên cứu đã cố gắng làm rõ những cống hiến xuất sắc của

1


Phan Khôi cho nền báo chí nước nhà đầu thế kỷ XX. Năm 2013, thành phố Đà Nẵng
đã có một con đường mang tên Phan Khôi. Đây là sự ghi nhận, vinh danh những
đóng góp không nhỏ của ông đối với quê hương, đất nước. Những bài báo của ông
được nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân tập hợp lại in thành bộ 10 cuốn sách “Phan
Khôi, tác phẩm đăng báo” từ năm 1928 đến 1942, thời kỳ cây bút Phan Khôi sung
sức nhất trên diễn đàn báo chí Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. Cũng vài năm gần đây,
một số cơ quan, đơn vị đã tổ chức các hội thảo khoa học, tọa đàm về Phan Khôi và
những đóng góp của ông; một số cuốn sách viết về ông được ra mắt bạn đọc; nhiều
bài báo giới thiệu về sự nghiệp của ông được đăng tải trên báo chí. Thông qua các bộ
tư liệu, các công trình nghiên cứu về Phan Khôi, người đọc đã thấy được phần nào
cuộc đời và sự nghiệp của một nhà báo xuất sắc. Nghệ thuật làm báo, tinh thần phản
biện và tư tưởng của Phan Khôi vẫn có những ý nghĩa quan trọng trong đời sống
chính trị và xã hội hôm nay.
Mặc dù đã có một số công trình nghiên cứu về Phan Khôi nhưng điều làm nên
chất “Phan Khôi” nhất trong sự nghiệp báo chí của ông, đó là việc khơi nguồn và
tham gia vào những cuộc tranh luận trên diễn đàn báo chí, thì chưa có một nghiên
cứu chuyên sâu nào.
Trong khi nhu cầu tranh luận trên báo chí ngày càng trở nên cần thiết thì việc
tìm hiểu về những cuộc tranh luận trên báo chí càng có ý nghĩa khoa học và thực tiễn
sâu sắc. Vì vậy, tôi quyết định chọn đề tài: “Phan Khôi và một số cuộc tranh luận trên
báo chí đầu thế kỷ XX” làm đề tài cho luận văn thạc sĩ của mình.

2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
Sau một thời gian dài không nhắc đến Phan Khôi vì vụ Nhân văn - Giai phẩm,
những năm gần đây, đã có nhiều nhà nghiên cứu bỏ công tìm tòi, đánh giá lại và đem
trở về cho công chúng ngày nay một Phan Khôi với kho tàng tác phẩm đồ sộ ông
từng có. Tuy nhiên, các cuốn sách, bài nghiên cứu, bài báo, tham luận tại hội thảo
khoa học hay những luận án, luận văn thời gian qua hầu như chỉ tìm hiểu những vấn
đề chung về cuộc đời và sự nghiệp của Phan Khôi mà chưa có nghiên cứu chuyên sâu

2


nào về các cuộc tranh luận của Phan Khôi với các nhà báo, học giả trên báo chí
những năm tháng nửa đầu thế kỷ XX.
Cuốn sách của Vu Gia “Phan Khôi - Tiếng Việt, Báo chí và thơ mới”
(Nxb. Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2003), gồm15 bài viết về
Phan Khôi, đánh giá về sự nghiệp Phan Khôi và nhiều vấn đề về những nội dung nổi
bật trong các tác phẩm báo chí của ông. Trong cuốn sách này, cùng với những bài
viết của mình, tác giả cũng giới thiệu một số nhận định, đánh giá về Phan Khôi của
một số cây bút nổi tiếng như Hoài Thanh, Lưu Trọng Lư, Vũ Ngọc Phan, Thanh
Lãng...
Trong cuốn hồi ký “Nhớ cha tôi - Phan Khôi” (Nbx. Đà Nẵng, năm 2001) của
Phan Thị Mỹ Khanh, con gái Phan Khôi, đã hồi tưởng lại gia cảnh, chuyện cuộc đời
và văn nghiệp của nhà báo Phan Khôi. Cuốn sách còn có một số tác phẩm của ông và
những bình luận, nhận định của các nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà báo về Phan Khôi.
Tiểu sử ký sự “Nắng được thì cứ nắng” của Phan An Sa (Nxb. Tri thức, năm
2013) chứa đựng nhiều thông tin về Phan Khôi trong 23 năm cuối đời ông (19361959). Cuốn sách chia làm bốn phần, từng phần như chiếc chìa khóa mở cánh cửa
quá khứ, từ việc nói về những sự kiện khiến Phan Khôi về Huế sáng lập tờ Sông
Hương năm 1936, qua đó để bạn đọc có điều kiện nhận diện con người Phan Khôi, từ
đó lý giải tư tưởng và hành động của ông trong những sự kiện gắn với cuộc Cách
mạng tháng Tám năm 1945, với Tuần lễ vàng, với Hiệp định Sơ bộ Pháp – Việt ngày

mồng 6 tháng 3, với 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp ở chiến khu Việt Bắc,
cũng như những việc ông làm ở Hà Nội sau ngày hòa bình lập lại năm 1954 ở miền
Bắc. Tác giả cuốn sách đã đặt mình vào vị trí Phan Khôi, theo sát từng dòng tâm
trạng ông với từng sự kiện cuộc đời ông, lý giải những diễn biến tâm trạng của ông
cho đến những giây phút cuối đời. Với lợi thế là người con trai út của Phan Khôi,
Phan An Sa đã cố gắng khởi lập những khoảng trống trong cuộc đời Phan Khôi bằng
tư liệu mà ông sưu tầm được. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là cuốn sách chỉ nói về Phan

3


Khôi từ những năm 1936 với Sông Hương, còn quãng thời gian làm báo sôi nổi nhất
của ông những năm trước đó (từ 1928-1935) chưa được Phan An Sa đề cập tới.
Tháng 10 năm 2014, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam tổ chức hội thảo khoa
học “Phan Khôi và những đóng góp trên lĩnh vực văn hóa dân tộc”. Hội thảo nhận
được 35 tham luận từ các nhà khoa học, nhà nghiên cứu có uy tín trong giới học thuật
thảo luận về cuộc đời và những đóng góp của Phan Khôi những năm nửa đầu thế kỷ
XX, là thời kỳ tư tưởng tư sản phương Tây tràn sang các nước thuộc địa phương
Đông, cũng là thời kỳ Phan Khôi có những hoạt động nổi bật nhất trên lĩnh vực báo
chí, văn học và học thuật ở Việt Nam. Hội thảo nhìn nhận và tôn vinh Phan Khôi là
một trong những nhà trí thức xuất sắc tiêu biểu của Quảng Nam và cả nước, với
những đóng góp quan trọng và có ảnh hưởng lớn trên nhiều lĩnh vực báo chí, văn học,
ngôn ngữ, khoa học lịch sử, khoa học xã hội và tư tưởng xã hội…
Trước đó, cuộc Tọa đàm tưởng niệm cố nhà văn, nhà báo Phan Khôi nhân 120
năm ngày sinh của ông (1887-2007) do Tạp chí Xưa và Nay và Hội Khoa học lịch sử
Việt Nam tổ chức, đã tập hợp được nhiều bài viết của các nhà nghiên cứu, nhà khoa
học, nhà văn ghi nhận, đánh giá cao những đóng góp của Phan Khôi trong các lĩnh
vực lịch sử, văn học, báo chí, văn hóa, xã hội…
Tháng 7 năm 2010, Nxb. Tri Thức và Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh tổ chức
buổi tọa đàm “Phan Khôi và nhân cách người làm báo ưa phản biện”. Trong bài

phát biểu tại tọa đàm, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân đã tổng kết lại quá trình hoạt
động báo chí của Phan Khôi và nêu bật những đóng góp chính của ông ở lĩnh vực
này. Chia sẻ nhận định của mình về Phan Khôi tại buổi tọa đàm, Giáo sư, tiến sĩ Chu
Hảo,Giám đốc Nxb. Tri Thức cho rằng, sinh ra ở Điện Bàn, Quảng Nam, Phan Khôi
là điển hình cho tính cách "Quảng Nam hay cãi". Trong lĩnh vực báo chí, sự hay cãi ở
Phan Khôi biểu hiện ở khả năng phản biện xã hội, phản biện tri thức một cách trung
thực và dũng cảm. Ông tham gia vào hầu hết cuộc tranh luận đình đám nhất của giới
trí thức Việt Nam đầu thế kỷ XX, từ tranh luận với Tản Đà, Huỳnh Thúc Kháng tới
Hải Triều... Nhà nghiên cứu Nguyên Ngọc đánh giá Phan Khôi là người không bao

4


giờ ngại va chạm trước các vấn đề học thuật. Ông là người có công đầu trong việc tạo
ra mặt bằng tri thức và văn hoá cho xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX. Các ý kiến tại
buổi tọa đàm đều cho rằng, do nhiều nguyên nhân khác nhau, cho tới nay, vị trí và vai
trò của Phan Khôi trong lịch sử Việt Nam vẫn chưa được nhìn nhận một cách đúng
mức.
Bài viết “Phan Khôi: Một nấm mồ riêng ta với ta” của nhà báo Hoàng Văn
Quang [61] là một bài viết sâu sắc góp phần tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp báo chí
của Phan Khôi. Tác giả khẳng định, trong sự nghiệp làm báo của mình, Phan Khôi đã
khơi màn cho rất nhiều cuộc tranh luận lớn nhỏ, từ đó khuấy động dư luận trên các
phương diện văn hoá, khoa học, góp phần lôi kéo người dân thoát ra khỏi cái vỏ ốc,
tham gia vào các hoạt động xã hội, làm thức tỉnh ý thức trách nhiệm của mỗi người
trước nội tình đất nước. Tác giả cũng đã mạnh dạn đề cập đến vụ án Nhân văn giai
phẩm, phân tích cái được và chưa được của Phan Khôi trong vụ án này. Từ đó tác giả
đề nghị chúng ta ngày nay cần bắt tay khai quật di sản để trả về một tượng đài nhà
báo Phan Khôi.
Trong luận án tiến sĩ báo chí học “Những đóng góp của Phan Khôi đối với
báo chí Việt Nam đầu thế kỷ XX” (2015) của Phạm Thị Thành đã phân tích sự

nghiệp báo chí và khắc họa chân dung nhà báo Phan Khôi, từ đó làm rõ những thành
tựu trong hoạt động báo chí của Phan Khôi và ảnh hưởng của những hoạt động đó đối
với xã hội, với diện mạo báo chí Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. Luận án đánh giá
những đóng góp của Phan Khôi đối với báo chí Việt Nam đầu thế kỷ XX trên các
khía cạnh: sự phát triển những quan điểm chính trị - xã hội, học thuật thông qua báo
chí; ngôn ngữ; thể loại, nghiệp vụ báo chí. Tuy nhiên, luận án lại thiên về việc tìm
đến sự nhìn nhận công bằng, khách quan hơn đối với Phan Khôi trong lịch sử báo chí
Việt Nam qua việc tìm hiểu những đóng góp của ông mà chưa nhấn mạnh đến việc
tìm hiểu, phân tích những cuộc tranh luận trên báo chí của Phan Khôi và ngọn nguồn
của chúng.

5


Ngoài những công trình đã nêu ở trên còn có một số luận văn thạc sĩ, khóa
luận cử nhân khác nghiên cứu về Phan Khôi như Luận văn Thạc sĩ văn học “Vấn đề
phụ nữ trong trước tác của Phan Khôi của Cao Cẩm Thi (Đại học Khoa học Xã hội và
Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, 2013), Tiếp biến văn hóa Đông Tây đầu thế kỷ
XX nhìn từ góc độ báo chí, qua trường hợp Phan Khôi, luận văn Thạc sĩ Lịch sử của
Kiều Thị Ngọc Lan (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà
Nội, 2008)…
Ngoài ra, còn một số sách nghiên cứu, phê bình về các cuộc tranh luận văn
học hay đấu tranh tư tưởng trong văn học những năm đầu thế kỷ XX như: Bàn về
những cuộc đấu tranh tư tưởng trong lịch sử văn học Việt Nam hiện đại (19301945) (Nxb. Khoa học xã hội, năm 1971) của Vũ Đức Phúc; Phê bình văn học thế hệ
1932 (2 tập, Phong trào văn hóa xuất bản, năm 1972-1973) của Thanh Lãng. Một số
sách của các tác giả như Nguyễn Ngọc Thiện với Tranh luận văn nghệ thế kỷ XX (2
tập, Nxb. Lao động, năm 2001), Nhìn lại cuộc tranh luận nghệ thuật 1935 – 1939
(Nxb. Khoa học xã hội, năm 1996). Tuy nhiên, những cuốn sách này, hoặc chỉ tìm
hiểu về các cuộc tranh luận nói chung, hoặc chỉ sưu tầm, tuyển chọn các bài tranh
luận theo từng chủ đề, chưa có cuốn sách nào tìm hiểu hoặc tuyển chọn riêng về các

cuộc tranh luận của Phan Khôi.
Bài viết “Tìm hiểu cuộc tranh luận của Phan Khôi với Phạm Quỳnh trên
diễn đàn báo chí năm 1930” đăng trên Tạp chí khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội
tập 30, số 1 (2014) trang 33-42 của Trần Viết Nghĩa đã phân tích về hơn 10 bài viết
tranh luận của Phan Khôi với Phạm Quỳnh đăng trên báo chí năm 1930. Năm 1930,
Phan Khôi và Phạm Quỳnh đã có những bài tranh luận với nhau trên diễn đàn báo chí
về một số chủ đề như chính trị, văn học và học thuật. Do được sự quan tâm của dư
luận xã hội nên cuộc tranh luận giữa hai ông đã vượt khỏi khuôn khổ cá nhân để trở
thành một diễn đàn tranh luận chung của một bộ phận trí thức Việt Nam. Tác giả chỉ
ra, qua từng bài viết, Phan Khôi đã vạch trần từ bản chất con người đến những toan
tính chính trị của Phạm Quỳnh. Ông chỉ đích danh Phạm Quỳnh là đại diện của nhóm
học phiệt muốn chuyên chế dư luận; lật tẩy vỏ bọc chuyên tâm văn hóa để mưu lợi

6


chính trị của Phạm Quỳnh; chỉ ra cho dư luận thấy những vấn đề lập hiến cho nước
Nam, đòi trả lại quyền nội trị cho nhà vua, đòi xét lại Hiệp ước 1884, lập hội chấn
hưng quốc học không phải là biểu hiện yêu nước mà là mưu lợi cá nhân của Phạm
Quỳnh. Phan Khôi nói rõ Phạm Quỳnh là cái loa tuyên truyền cho chính sách cai trị
của thực dân Pháp. Tác giả nhận định: “Bị Phan Khôi quật cho những đòn chí tử, tả
tơi trên báo chí và bẽ mặt trước công chúng, nhưng Phạm Quỳnh không có cách nào
chống đỡ được” [55; tr.41]. Tác giả kết luận, qua những cuộc tranh luận này, người
đọc không chỉ hiểu về sự đối lập giữa Phan Khôi và Phạm Quỳnh về tính cách và
quan điểm chính trị, mà còn hiểu thêm về thái độ của một bộ phận giới trí thức trước
những vấn đề nóng bỏng của đất nước.
Bài viết “Phan Khôi và những cuộc tranh luận báo chí” của tác giả Huỳnh Văn
Hoa đăng trên đặc san Người làm báo Đà Nẵng, số kỷ niệm 91 năm Ngày Báo chí
Việt Nam (21-6-1926 - 21-6-2016) của Hội Nhà báo thành phố Đà Nẵng đã tổng kết,
phân chia nội dung các cuộc tranh luận trên báo chí của Phan Khôi thành 7 nhóm

chính: tranh luận về Truyện Kiều, về quyền của phụ nữ, về Nho giáo, về quốc học, về
thơ mới và thơ cũ, về duy tâm hay duy vật, về quan hệ giữa chính trị và văn nghệ. Bài
viết khẳng định, trong tranh luận, Phan Khôi nổi tiếng là một người trực ngôn, thẳng
tính, không vị nể, không khoan nhượng, vì vậy, trước 1945, ông được mệnh danh là
Ngự sử trên văn đàn. Tác giả cho rằng, lịch sử báo chí Việt Nam cần ghi nhận công
lao to lớn của Phan Khôi từ đóng góp của ông cho báo chí thông qua những cuộc
tranh luận.
Hai bài nghiên cứu của tác giả Trần Viết Nghĩa và Huỳnh Văn Hoa có nội
dung gần nhất với đề tài luận văn này, nhưng chưa phải là những công trình nghiên
cứu toàn diện các bài tranh luận của Phan Khôi trên diễn đàn báo chí. Những nội
dung nghiên cứu của hai tác giả mới chỉ dừng lại ở một số nội dung tranh luận và gợi
mở những hướng nghiên cứu về Phan Khôi qua những cuộc tranh luận trên báo chí.
3. Mục tiêu, nhiệm vụ nghiên cứu
3.1. Mục tiêu

7


Mục tiêu nghiên cứu của luận văn là tìm hiểu nội dung, hình thức, nghệ thuật
các cuộc tranh luận trên báo chí của Phan Khôi, những đóng góp của các cuộc tranh
luận này tới diện mạo báo chí Việt Nam những năm nửa đầu thế kỷ XX, từ đó vận
dụng những kinh nghiệm rút ra được trong tranh luận áp dụng cho báo chí hiện đại
ngày nay.
3.2. Nhiệm vụ
Luận văn có những nhiệm vụ chủ yếu:
- Hệ thống hóa những tranh luận của Phan Khôi trên diễn đàn báo chí.
- Làm rõ cuộc đời và sự nghiệp báo chí của Phan Khôi.
- Làm rõ những nội dung tranh luận của Phan Khôi về các vấn đề tư tưởng, xã
hội và học thuật, văn học – nghệ thuật.
- Làm rõ những đóng góp của các cuộc tranh luận của Phan Khôi đối với sự

phát triển của báo chí Việt Nam.
- Rút ra một số kinh nghiệm tranh luận báo chí của Phan Khôi để vận dụng
vào thực tiễn báo chí hiện nay.
4. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu
4.1. Đối tượng
Đối tượng nghiên cứu của luận văn là Phan Khôi và một số cuộc tranh luận
trên báo chí ở Việt Nam trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
4.2. Phạm vi
- Về thời gian: Từ năm 1928 đến năm 1942. Đây là thời gian nhà báo Phan
Khôi xuất hiện nhiều bài báo tranh luận trên diễn đàn báo chí ở Việt Nam.
- Về không gian: nghiên cứu tại Việt Nam.
- Về nội dung: Luận văn tập trung vào một số nội dung chính như sau:
+ Cuộc đời và sự nghiệp báo chí của Phan Khôi.

8


+ Những cuộc tranh luận về những vấn đề tư tưởng và xã hội
+ Những cuộc tranh luận về những vấn đề học thuật và văn học – nghệ thuật.
5. Phương pháp nghiên cứu
- Tác giả luận văn đã sử dụng các phương pháp thống kê, so sánh, phân tích,
tổng hợp để thực hiện luận văn này.
- Luận văn tiếp cận theo hướng liên ngành trong nghiên cứu.
6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn
6.1. Ý nghĩa lý luận
Luận văn bước đầu đưa ra được những vấn đề lý luận về tranh luận trên báo
chí – khái niệm hiện nay hầu như chưa được nghiên cứu bài bản. Luận văn cũng phân
tích, làm rõ nội dung các cuộc tranh luận trên báo chí của Phan Khôi, lý giải tại sao từ
thời điểm đầu thế kỷ XX đến trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 lại có nhiều
cuộc tranh luận trên báo chí, từ đó đưa ra các luận chứng chứng minh các vấn đề lý

luận về tranh luận trên báo chí.
6.2. Ý nghĩa thực tiễn
Luận văn phân tích nội dung, hình thức, nghệ thuật các cuộc tranh luận trên
báo chí của Phan Khôi, góp phần bổ sung một góc nhìn đầy đủ hơn về nét nổi bật
nhất, độc đáo nhất trong sự nghiệp báo chí của ông.
Từ những vấn đề rút ra trong các cuộc tranh luận có thể soi rọi vào báo chí
Việt Nam hiện nay, rút ra bài học, kinh nghiệm cho những người làm báo khi tranh
luận trên diễn đàn báo chí hiện đại.
7. Bố cục của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo, phụ lục, luận văn có 4
chương như sau:
Chương 1: Vài nét về Phan Khôi và vấn đề tranh luận trên báo chí đầu
thế kỷ XX

9


Chương 2: Tranh luận về các vấn đề tư tưởng và xã hội
Chương 3: Tranh luận về các vấn đề học thuật và văn học – nghệ thuật
Chương 4: Một số nhận xét và vận dụng những kinh nghiệm tranh luận
của Phan Khôi vào thực tiễn báo chí hiện nay

10


Chương 1
VÀI NÉT VỀ PHAN KHÔI VÀ VẤN ĐỀ TRANH LUẬN TRÊN BÁO CHÍ
ĐẦU THẾ KỶ XX
1.1. Cuộc đời và sự nghiệp báo chí của Phan Khôi
Phan Khôi, hiệu Chương Dân, sinh ngày 6 tháng 10 năm 1887 (20 tháng 8

năm Đinh Hợi) tại làng Bảo An (nay thuộc xã Điện Quang), huyện Điện Bàn, tỉnh
Quảng Nam. Dòng họ Phan - Bảo An của ông cũng đã sản sinh cho quê hương, đất
nước những người con ưu tú như chí sĩ Phan Thành Tài, một trong những nhân vật
chủ chốt của cuộc khởi nghĩa Duy tân, bị thực dân Pháp bắt và xử trảm tại chân cầu
Vĩnh Điền, Quảng Nam năm 1916; như các nhà cách mạng Phan Thanh, Phan Bôi.
Dòng họ và gia đình này có đến 3 vị đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt
Nam dân chủ cộng hòa, đó là các ông Phan Bôi, Phan Thao và bà Phan Thanh (tức Lê
Thị Xuyến).
Phan Khôi xuất thân trong gia đình có truyền thống Nho học. Ông ngoại của
ông là tổng đốc Hoàng Diệu. Cha ông là Phó bảng Phan Trân (làm Tri phủ Diên
Khánh - Khánh Hòa, từ chức ở nhà từ năm 39 tuổi, mất năm 1934). Phan Khôi có hai
người vợ là bà Lương Thị Tuệ, con nhà quan cũng ở Quảng Nam, và bà Nguyễn Thị
Huệ, quê Nam Định. Ông có 10 người con, 5 trai, 5 gái, đều là những người ưu tú.
Phan Khôi học chữ Hán từ nhỏ, nổi tiếng thông minh, ham học hỏi và hay “lý
sự”. Phan Khôi được cha gửi đi trọ học trường Trần Quý Cáp trong 10 năm (từ 1896
đến 1906). Trần Quý Cáp là người thầy đầu tiên và là người có ảnh hưởng sâu sắc
đến tư tưởng và phương thức đấu tranh bất bạo động của Phan Khôi sau này. Năm 19
tuổi đi thi, đỗ tú tài (1906), vì thế mà Phan Khôi thường lấy biệt hiệu là Tú Sơn. Chán
lối học từ chương khuôn sáo và thi cử nên Phan Khôi không chuẩn bị cho khoa thi
tiếp theo, mà ông tìm học chữ Quốc ngữ và tiếng Pháp. Ông là một trong những
người đầu tiên cắt tóc ngắn, hưởng ứng vận động Duy tân. Tuy nhiên, trình độ Hán
học của ông vẫn được Phan Châu Trinh đánh giá là có thể sánh với trình độ tiến sĩ
xuất sắc.

11


Năm 1906, Phan Khôi học chữ Quốc ngữ với Phan Thành Tài, một người bà
con trong họ. Thấy Phan Thành Tài chỉ mới biết đọc, không biết viết, không đủ sức
dạy lên nữa nên Phan Khôi chuyển sang trường thầy Lê Hiên tại làng Phi Phủ (nay

thuộc xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Thầy Lê Hiên chỉ mới đỗ
bằng Tiểu học nên chỉ có thể dạy Quốc ngữ và tiếng Pháp theo chương trình vỡ lòng
và dự bị.
Càng trưởng thành, tư tưởng cựu học càng rời xa ông. Không ít lần, Phan Khôi
thẳng thắn tranh luận về xu thế thời đại với cha và ông nội, kiên quyết bảo vệ những
quan điểm của mình. Đức tính ngay thẳng, cương trực, đôi khi ngang ngạnh rất đặc
trưng của người Quảng Nam này đã trở thành phong cách “độc” của Phan Khôi.
Là con nhà khoa bảng, đề cao sự tự học và nặng lòng với những câu hỏi chưa
tự trả lời được về sự mất nước, về ách đô hộ của thực dân Pháp, Phan Khôi dễ dàng
hòa nhập vào các hoạt động yêu nước theo đường lối Phan Châu Trinh và mau chóng
trở thành thành viên tích cực của phong trào này (1906).
Phan Khôi đến với nghề báo một cách tự nhiên. Năm 1907, hưởng ứng phong
trào Nghĩa Thục, ông ra Bắc học tiếng Pháp, viết bài cho tờ Đăng cổ tùng báo (cơ
quan ngôn luận cổ động tư tưởng cải cách của nhóm Đông Kinh Nghĩa Thục). Khi
trường Đông Kinh Nghĩa Thục và tờ Đăng cổ tùng báo bị cấm, ông đi Nam Định học
chữ Pháp với Nguyễn Bá Học – một nhà nho sớm biết tiếng Pháp ở trình độ cao hơn
thầy Lê Hiên. Sau vì nhà nho này bị mật thám Pháp theo dõi, ông phải trở về quê.
Năm 1909, Phan Khôi ra Huế xin vào học trường dòng Pellerin (của Giáo hội
công giáo) chuyên dạy các môn bằng tiếng Pháp. Học được vài tháng thì Phan Khôi
lại phải trở về quê vì ở nhà có đại tang. Lúc này, ở Quảng Nam nổ ra phong trào “xin
xâu” (biểu tình đòi giảm sưu thuế), Phan Khôi tham gia, bị bắt và cầm tù tại nhà lao
Hội An cùng Huỳnh Thúc Kháng và nhiều nhân sĩ khác của phong trào Duy tân.
Trong “Thi Tù Tùng Thoại”, cụ Huỳnh Thúc Kháng từng khen Phan Khôi khi cùng
các bạn tù là những ông cử, ông nghè xướng họa: “Trong khi các bạn tiễn, có mấy bài
tứ tuyệt của ông Tú Phan Khôi là xuất sắc hơn cả” [81; tr 353]. Trong thời gian bị tù

12


(1911-1914), ngoài việc thơ phú xướng họa với các nhân sĩ bạn tù, ông tiếp tục tự học

tiếng Pháp. Đầu năm 1914, vì có chiến tranh Đức – Pháp, Toàn quyền Đông Dương
Albert Saraut mới ân xá cho nhiều tù nhân, trong đó có Phan Khôi.
Năm 1914, được ra tù, Phan Khôi về nhà cưới vợ và mở lớp dạy chữ Hán tại
nhà mình, cải tiến cách giảng bài dễ hiểu, khác với các thầy đồ xưa, khiến học trò xa
gần nô nức đến học. Khi triều đình Huế bãi bỏ chế độ khoa cử chữ Hán, ông thôi dạy
và khuyên học trò đi học chữ Quốc ngữ và chữ Pháp.
Năm 1916, Phan Khôi ra Hải Phòng làm thư ký cho Công ty vận tải đường
thuỷ của Bạch Thái Bưởi. Làm công việc này chỉ để kiếm sống, không thể nâng cao
kiến thức và không phù hợp chí hướng riêng nên Phan Khôi đã xin thôi việc, dù Bạch
Thái Bưởi tìm mọi cách để giữ chân ông.
Năm 1918, được Nguyễn Bá Trác giới thiệu, Phan Khôi lên Hà Nội tham gia
viết bài cho tờ Nam Phong tạp chí của Phạm Quỳnh. Đây là thời gian ông chính thức
bước vào nghề báo. Thời gian này, ông chuyên tâm nghiên cứu về khoa lý luận học
và đã bộc lộ là một trong những nhà báo đầu tiên có lối viết gãy gọn, trình bày tư
tưởng dễ hiểu, dễ thuyết phục độc giả. Hơn một năm sau, do những bất đồng ý kiến
với chủ bút Phạm Quỳnh, ông bỏ tờ báo này, vào Sài Gòn viết cho báo Quốc dân diễn
đàn, rồi Lục tỉnh tân văn. Và vì bài báo “Giải đại ý bài diễn thuyết của quan toàn
quyền Sarraut về cuộc Đông Dương tự trị”, ông bị thôi việc ở tờ này.
Năm 1920, Phan Khôi trở ra Hà Nội viết cho các tờ Thực nghiệp dân báo và
Hữu thanh tạp chí; đồng thời cộng tác với vợ chồng mục sư người Mỹ W.C. Cadman
để dịch Kinh Thánh (Bible) ra chữ Quốc ngữ (tiếng Việt) bằng cách đối chiếu bản
chữ Hán với bản chữ Pháp.
Năm 1922, Phan Khôi lại vào Sài Gòn tìm việc làm nhưng không báo nào mời
làm chủ bút. Vì thế, ông chỉ viết bài cộng tác kiếm sống chờ thời cơ. Sau đó, khoảng
năm 1925, ông bị chính quyền Pháp tình nghi và đe dọa nên phải chạy về Cà Mau ẩn
náu nơi nhà người bạn làm chủ đồn điền. Không giao du bàn luận văn chương với ai,
thời gian này ông chủ yếu dành học tiếng Pháp. Phan Khôi viết thư cho một nhà báo

13



Pháp có tên Dejean de la Batie ở Sài Gòn nhờ giúp đỡ. Dejean gửi xuống cho Phan
Khôi một số sách học và một số bài báo ngắn để ông tập dịch từ tiếng Pháp sang
tiếng Việt và ngược lại, rồi gửi lên cho Dejean xem. Sau một thời gian, Dejean viết
thư cho Phan Khôi khen ngợi sự tiến bộ nhanh chóng của ông và cho rằng cứ đà này
thì chỉ trong vòng 6 tháng, Phan Khôi sẽ viết báo bằng tiếng Pháp được.
Thời kỳ nổi bật nhất trong sự nghiệp báo chí của Phan Khôi là những năm
1928-1939. Thời gian này ông đã viết hàng nghìn bài báo trên các tờ Thần Chung,
Trung Lập, Đông Pháp thời báo, Sông Hương, Tràng An, Phụ nữ Tân văn, Đông Tây
tuần báo.
Thời kỳ 1928-1933 đánh dấu sự chuyển biến về chất của ngòi bút Phan Khôi.
Những năm này, tại Sài Gòn, Phan Khôi viết cho các tờ Đông Pháp thời báo (1928),
Thần chung (1929-1930), Phụ nữ tân văn (1929-1934), Trung lập (1930-1933), Quần
báo (báo chữ Hán của Hoa kiều ở Chợ Lớn, 1928-1930), gửi bài cộng tác với Đông
Tây tuần báo (1929-1932) ở Hà Nội. Đây là những năm ông khẳng định phong cách
và tên tuổi đặc biệt trong làng báo. Năm 1932, ông sáng tác bài Tình già, là bài thơ
được xem như mở đầu cho phong trào thơ mới của kỷ nguyên Văn học Việt Nam.
Năm 1933, Phan Khôi ra Hà Nội, viết cho Thực nghiệp dân báo, sau đó nhận
lời làm chủ báo Phụ nữ thời đàm.
Năm 1935, Phan Khôi vào Huế làm chủ bút tờ Tràng An. Tháng 8-1936, Phan
Khôi được phép xuất bản tờ Sông Hương do chính ông sáng lập. Tờ tuần báo này chỉ
ra được 32 số, đến ngày 27-3-1937 ra số cuối cùng do Phan Khôi bị kiệt quệ về tài
chính.
Năm 1937, ông vào lại Sài Gòn, dạy quốc văn và chữ Hán tại trường Chấn
Thanh; đồng thời cộng tác gửi bài cho các báo ở Hà Nội: Hà Nội báo (1936-1937),
Đông Dương tạp chí (1937-1938); Dư luận (1938), Thời vụ (1938-1939), Tao đàn
(1939), Phổ thông bán nguyệt san (1939)… Năm 1941, trường Chấn Thanh từ Sài
Gòn chuyển về Đà Nẵng, Phan Khôi về làng Bảo An sống với gia đình.

14



Trong năm 1945, Phan Khôi từ chối khi được Nguyễn Bá Trác đến vận động
tham gia chính phủ thân Nhật mà Trần Trọng Kim đang thành lập; ông cũng không
mặn mà với đại diện tổ chức phản đế là Hoàng Phê đến vận động; ông chỉ nhận lời
một cách hờ hững với tổ chức Quốc dân đảng (do Phan Bá Lân đến vận động nhiều
lần), nhưng không hoạt động gì.
Sự kiện Việt Minh giành chính quyền ở Quảng Nam và trong cả nước là bất
ngờ đối với Phan Khôi, ông ngạc nhiên khi biết ngay trong gia đình có người của
Việt Minh. Được mời dự mít tinh mừng thàmh lập nước ở tỉnh Quảng Nam, ông lên
diễn đàn tỏ ý tán thành độc lập dân tộc....
Tháng 10 năm 1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, với tư cách là
một nhà hoạt động văn hóa, Phan Khôi được Chính phủ mời từ quê nhà huyện Điện
Bàn, Quảng Nam về Hà Nội dự hội nghị Văn hóa lần thứ nhất. Kháng chiến toàn
quốc bùng nổ, nhiều trí thức lớn, nhiều văn nghệ sĩ tên tuổi rời thủ đô Hà Nội lên
chiến khu Việt Bắc. Hình ảnh Phan Khôi, một người con xứ Quảng, dù đã bước sang
tuổi 60 vẫn rời thủ đô lên chiến khu là một hình ảnh đẹp mang nhiều ý nghĩa, có sức
động viên lớn đối với nhân sĩ trí thức đất Bắc thời bấy giờ. Ở chiến khu, ông dành
thời gian cho công tác nghiên cứu ngôn ngữ học và dịch thuật trong cơ quan hội Văn
nghệ Việt Nam.
Kháng chiến chống Pháp thành công, quân dân ta về tiếp quản thủ đô. Giới
văn nghệ sĩ cũng cùng nhau trở về. Lúc này, vợ con ông từ miền Nam tập kết ra Bắc,
gia đình sum họp sau gần 10 năm xa cách. Ông trở về Hà Nội, làm việc trong hội Văn
nghệ Việt Nam từ năm 1955. Thời gian này, ông không viết báo nữa mà tập trung
nghiên cứu, dịch và có các tác phẩm như: Việt ngữ nghiên cứu, các tuyển tập Lỗ Tấn.
Cho đến nay, quyển Việt ngữ nghiên cứu của ông vẫn còn nhiều giá trị bởi những
phát hiện độc đáo, mới mẻ, giàu tính lý luận và thực tiễn.
Năm 1956, ông được Bộ Văn hoá và hội Văn nghệ Việt Nam cử đi Trung
Quốc dự kỷ niệm 20 năm (1936-1956) ngày mất Lỗ Tấn (1881-1936); ông có bài
phát biểu gây ấn tượng tại lễ kỷ niệm.


15


Năm 1957, Phan Khôi tham gia đại hội thành lập Hội nhà văn Việt Nam.
Trong hai năm 1956, 1957 Phan Khôi có một số bài viết đăng trên các tập Giai
phẩm. Bài báo Phê bình lãnh đạo văn nghệ của Phan Khôi đăng trên Giai phẩm mùa
thu, tập 1, ra ngày 29-8-1956 nói về những bất cập trong việc xét giải thưởng văn học
1954-1955 của Hội Văn nghệ Việt Nam, đã gây ra những thảo luận trong giới văn
nghệ. Tháng 9-1956, Phan Khôi nhận lời đứng làm chủ nhiệm tuần báo Nhân văn của
một nhóm văn nghệ sĩ và đăng một số bài trên báo này. Khi tờ Nhân văn bị đóng cửa,
ông có một số bài đăng tuần báo Văn (của Hội Nhà văn Việt Nam, 1957-1958) bị
đương thời xem như những biểu hiện tư tưởng tiêu cực và có tính phá hoại. Vụ Nhân
văn - Giai phẩm bị xử lý, nhiều văn nghệ sĩ bị kỷ luật với nhiều hình thức khác nhau,
riêng ông bị khai trừ vĩnh viễn khỏi Hội Nhà văn Việt Nam.
11 giờ trưa ngày 16-1-1959 (mồng 8 tháng Chạp năm Mậu Tuất) tại số nhà 73
phố Thuốc Bắc, Phan Khôi nằm quay mặt vào tường lặng lẽ trút hơi thở cuối cùng,
thọ 72 tuổi. Ông được mai táng tại nghĩa trang Hợp Thiện, Hà Nội. Trong những năm
1970-1980, phần mộ ông đã bị thất lạc, đến nay gia đình vẫn chưa tìm lại được.
Phan Nam Sinh, con trai Phan Khôi sau này đã viết về những ngày cuối đời
của cha mình: “Sao lại có người như cha tôi, suốt một đời đi tìm cái mới cho đất
nước, cho khoa học, có khi dấn thân vào cả chốn hiểm nguy, lại một thời gian dài
chẳng được ai hiểu cho, mãi tận cuối đời vẫn phải sống trong cô đơn, cô đơn ngay
trong chính gia đình của mình? Phải chăng cuộc đời này đã không công bằng, đã
quá nghiệt ngã với ông? Hỏi ông còn biết sống với ai, hay cái chết mới chính là sự
giải thoát?” [80].
Khoảng thời gian hoạt động rực rỡ nhất trong đời Phan Khôi kéo dài từ năm
1928 đến năm 1939. Trong khoảng thời gian này, toàn bộ các bài viết của ông đều
được đăng trên báo chí với các đề tài rất đa dạng: cổ học Trung Quốc và Việt Nam;
văn hóa, văn học và chính trị Trung Quốc đương đại; khảo cứu lịch sử, văn hóa, ngôn

ngữ và văn học Việt Nam, phê phán chính sự đương thời… Đặc biệt, Phan Khôi là
người khởi động hoặc tham gia hàng loạt các cuộc tranh luận trên báo chí về khá

16


nhiều vấn đề học thuật có tính cơ bản và lâu dài, gắn với sự phát triển của tư tưởng,
văn học và xã hội Việt Nam thế kỷ XX.
Qua trước tác của Phan Khôi, người ta thấy rõ nét chân dung một tác gia nhập
cuộc say sưa, một Phan Khôi uyên bác, thẳng thắn, lập luận gai góc, phản biện xã hội
bằng trí tuệ sắc bén và tư duy cấp tiến, kiên quyết bài trừ Hán học, cổ xúy cho tân
học. Đó là “hình ảnh kỳ lạ nhất, cô độc nhất, bản lĩnh nhất của lịch sử báo chí Việt
Nam hiện đại. Ngay trong cái cõi nhân sinh ta là bụi bặm, ông đã chọn thái độ sống
như một cây thông. Ông đứng sừng sững, không bè phái, băng nhóm dù đơn độc
nhưng lại dám “gây sự” từ Nam chí Bắc trên trường văn trận bút” [63; tr. 19].
Nhà văn Nguyên Ngọc, trong bộ phim tài liệu “Con mắt còn có đuôi” đã nhận
định: “Từ trước đến nay chúng ta đều đã biết Phan Khôi là một nhà báo lớn, nổi
tiếng, nhưng qua những công trình mà Lại Nguyên Ân đã công bố, chúng ta hết sức
ngạc nhiên, không ngờ sự nghiệp báo chí của ông lại to lớn đến như thế. Trong suốt
hàng chục năm, ngày nào ông cũng viết, cũng có bài trên tất cả những báo quan
trọng nhất của thời đó. Theo tôi, ngày nay chúng ta có thể coi Phan Khôi là một
trong những nhà báo lớn nhất trong lịch sử báo chí của chúng ta” [89].
Cuộc đời hoạt động báo chí của Phan Khôi thời gian gần đây đã dần được
công nhận lại. Phan Khôi đã được tôn vinh là “Danh nhân văn hóa Việt Nam thời
hiện đại” tại lễ trao giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh lần thứ 10 diễn ra ngày 243-2017. Tuy là lần thứ 10 nhưng từ năm 2014, giải thưởng Phan Châu Trinh mới có
thêm một hạng mục mới là Tôn vinh Danh nhân Văn hóa Việt Nam thời hiện đại
(giữa thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX), và cũng chỉ mới tôn vinh 4 vị tiêu biểu
là: Trương Vĩnh Ký, Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu và Nguyễn Văn Vĩnh. Như
vậy, Phan Khôi là danh nhân văn hóa thứ 5 được tôn vinh tại giải thưởng này. Trong
bài phát biểu vinh danh Phan Khôi tại buổi lễ, nhà văn Nguyên Ngọc - Chủ tịch Hội

đồng khoa học Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh nhận định: “Phan Khôi quả là một tác
giả hết sức đa dạng, một nhà phê bình văn học uyên thâm và sắc sảo, một nhà nghiên
cứu văn học sâu sắc, một nhà thơ tài hoa, một tác giả văn tự sự hấp dẫn, một tác giả

17


xuất sắc của các thể loại của văn tiểu phẩm, hoạt kê, châm biếm, một dịch giả tài
năng, một nhà ngôn ngữ học tinh tế và là một nhà báo kiệt xuất” [88].
1.2. Vấn đề tranh luận trên báo chí
1.2.1. Lý luận báo chí về tranh luận
Cuốn “Từ điển Tiếng Việt” của GS. Hoàng Phê định nghĩa: “tranh luận” là
bàn cãi để tìm ra lẽ phải.
Các học giả thường dùng một số từ để thay cho tranh luận, đó là bút chiến,
tranh biện.
Theo Phan Khôi, người tham gia vào rất nhiều cuộc tranh luận trên báo chí
đầu thế kỷ XX, bút chiến là “hai người hay nhiều người tranh biện cùng nhau về một
vấn đề gì” (Tôi thất vọng về ông Nguyễn Tiến Lãng - [12; tr.108]).
Tác giả Trần Văn Chánh, trong bài viết Tản mạn văn hóa tranh luận, đã cho
rằng, “Cãi nhau hay tranh luận là hoạt động thường xuyên của con người trong xã
hội, khi hai bên (hoặc hai phe) còn có những ý kiến bất đồng, phải dùng sự kiện và lý
lẽ bắt bẻ lẫn nhau, chỉ ra và phê phán chỗ sai của đối phương để chứng minh lẽ phải
thuộc về mình. Nếu được thể hiện bằng giấy bút thì còn gọi luận chiến hay bút chiến
(polemic). Có thể tranh cãi nhau về mọi thứ trên đời, cả về thái độ sống tốt - xấu,
nhưng thường nhất là những vấn đề thuộc kiến thức, quan điểm liên quan đến học
thuật hoặc chính trị” [20].
Tác giả Cát Thụy, trên báo Dân Trí cho rằng, “Tranh luận, theo cách đơn
giản nhất là dùng những lý lẽ, quan điểm cá nhân để cùng nhau làm sáng tỏ sự thật,
đúng sai về một vấn đề, một sự việc... Nó là một sinh hoạt bình thường trong cuộc
sống. Những cuộc tranh luận lành mạnh tạo ra những góc nhìn, tiếng nói đa chiều,

thúc đẩy sự tiến bộ” [74].
Tác giả Hồ Bất Khuất, trên tạp chí Gia đình và trẻ em định nghĩa: “Việc trao
đi, đổi lại trên báo chí trong tiếng Việt được gọi là “bút chiến”, nghĩa là người ta
chiến đấu với nhau bằng ngòi bút, bằng trí tuệ - ngang bằng và sòng phẳng. Nói nôm

18


na, người ta tranh luận với nhau căng thẳng, gay cấn thông qua những bài viết được
in trên giấy. Ai được, ai thua cũng có ý nghĩa, nhưng điều cơ bản là độc giả luôn
luôn là những người được hưởng lợi, được thưởng thức màn đấu trí của những trí
giả, học giả, nhà báo. Điều quan trọng hơn, trong những cuộc “bút chiến”, nhiều
vấn đề được làm sáng tỏ, nhiều chân lý được khẳng định” [41].
Qua tìm hiểu, từ trước đến nay chưa có một tác phẩm nghiên cứu nào đề cập
đến lý luận tranh luận trên báo chí. Vì vậy, tác giả luận văn xin đưa ra quan điểm
riêng về vấn đề này: Tranh luận trên báo chí là việc đưa ra các lý lẽ, lập luận,
phân tích giữa các bên có những góc nhìn khác nhau hoặc đối lập nhau về cùng
một vấn đề trên báo chí, nhằm chứng minh quan điểm của mình là đúng.
Tranh luận trên báo chí không phải là một thể loại mà là hoạt động, cách thức
để truyền tải thông tin. Người viết thường sử dụng thể loại bình luận, chuyên luận để
tham gia các cuộc tranh luận trên báo chí, bởi khi tranh luận cần có sự phân tích, đưa
ra các lập luận, lý lẽ để bảo vệ quan điểm.
Những cuộc tranh luận bao giờ cũng xuất phát từ chỗ quan điểm những người
tham gia tranh luận khác nhau hoặc đối lập nhau. Tranh luận trên báo chí cũng vậy,
chỉ đặc biệt hơn là lấy báo chí là công cụ, là diễn đàn để thể hiện. Cũng nhờ đó, các
cuộc tranh luận trên báo chí được đông đảo người đọc biết đến, đón đọc và có thể
tham gia.
Tranh luận báo chí khác với phản biện báo chí. Theo tác giả Trần Đăng Tuấn,
“Phản biện xã hội là đưa ra các lập luận, phân tích nhằm phát hiện, chứng minh,
khẳng định, bổ sung hoặc bác bỏ một đề án (phương án, dự án) xã hội được hình

thành và công bố trước đó. Một đề án, phương án, dự án xã hội khi đưa ra bao giờ
cũng dựa trên những cơ sở lập luận nhất định. Vì vậy, phản biện xã hội dựa vào các
lập luận, phân tích từ một góc nhìn khác, một hệ thống công cụ khác với góc nhìn và
hệ thống công cụ đã dùng ở đề án xã hội nói trên. Như vậy, phản biện xã hội chỉ có
thể triển khai dựa trên cơ sở đa nguyên ý kiến, lập luận và công cụ phân tích” [77;
tr.160].

19


Như vậy, có thể thấy, tranh luận và phản biện trên báo chí giống nhau ở chỗ
cùng dựa trên lập luận, cùng là sự thể hiện góc nhìn khác về một vấn đề. Tuy nhiên,
tranh luận báo chí mang góc nhìn cá nhân, còn phản biện trên báo chí mang tính
chiến đấu của báo chí. Trong khi tranh luận là một cách thức truyền tải thông tin trên
báo chí thì phản biện lại là một chức năng của báo chí. Tranh luận trên báo chí có thể
không phân rõ đúng, sai khi kết thúc tranh luận, nhưng phản biện trên báo chí hướng
tới việc làm cho cái đúng được bảo vệ, được làm rõ, cái sai bị đẩy lùi. Tranh luận trên
báo chí phản ánh những vấn đề trong cuộc sống, còn phản biện trên báo chí ngoài
việc phản ánh những vấn đề trong cuộc sống còn phản biện những vấn đề của giai
cấp cầm quyền đưa ra. Tranh luận trên báo chí có thể kết thúc nhanh hoặc kéo dài lên
tới hàng chục năm, còn phản biện trên báo chí thường chỉ diễn ra trong thời gian
ngắn, bởi tính thời sự của những vấn đề phản biện cần giải quyết ngay.
Từ thực tiễn, có thể thấy tranh luận trên báo chí có một số đặc điểm cơ bản
sau:
Một là, tranh luận trên báo chí là việc thể hiện ý thức, góc nhìn cá nhân khác
nhau đối với một vấn đề xã hội để cho người đọc nhận định, phán xử đúng, sai. Trong
cuộc sống, giữa các cá nhân với nhau cũng thường diễn ra các cuộc tranh luận, nhưng
tranh luận trên báo chí là dùng diễn đàn báo chí để thông tin, người đọc là trọng tài
phán xử.
Hai là, các vấn đề được tranh luận thường là các vấn đề nảy sinh trong đời

sống xã hội mà còn nhiều quan điểm khác nhau. Thông tin trên báo chí mang tính
chính trị, xã hội nên các vấn đề tranh luận cũng mang tính chính trị, xã hội. Từ các
vấn đề được đưa ra tranh luận, hiện thực cuộc sống, ý thức hệ tư tưởng được tái hiện
tương đối đầy đủ trên mặt báo.
Ba là, tranh luận trên báo chí thường dựa trên nền tảng chính là các lý lẽ, lập
luận, dẫn chứng đưa ra để chứng minh cho góc nhìn riêng của mình là đúng và chứng
minh quan điểm của đối phương là không đúng, là nhầm lẫn, không phù hợp.

20


Bốn là, tranh luận trên báo chí phải là luồng thông tin hai chiều, giữa ít nhất là
hai góc nhìn khác nhau về cùng một vấn đề. Người tranh luận sẽ cố gắng chứng minh
là mình đúng, đối phương sai, và cuộc tranh luận có thể có tòa soạn đứng ra phân xử
đúng sai, hoặc có thể bỏ ngỏ để người đọc tự nhận định.
Năm là, tranh luận trên báo chí thường mang tính cá nhân. Những người tranh
luận có thể không cần phân rõ thắng thua mà chỉ cần qua cuộc tranh luận có thể bộc
lộ con người mình, cá tính mình, quan điểm riêng của mình.
Sáu là, tranh luận trên báo chí có thể kết thúc sớm, chỉ trong có hai bài báo
của hai tác giả, cũng có thể kéo dài hàng chục năm với hàng trăm bài báo của hàng
chục tác giả khác nhau, của hàng chục tờ báo khác nhau về cùng một vấn đề.
Bảy là, báo chí tạo ra lợi thế trong tranh luận bởi khả năng truyền tải thông tin
và đa chiều; khả năng tương tác giữa tác giả với tác giả, tác giả với bạn đọc, để từ đó
chính bạn đọc lại có thể trở thành tác giả; khả năng tập hợp ý kiến có chất lượng của
các chuyên gia, nhà báo, nhà văn…
Tám là, tranh luận trên báo chí là một hình thức thể hiện thông tin của báo chí,
được thực hiện dựa trên chức năng tự thân của báo chí, đó là chức năng thông tin.
Các yếu tố như chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục… có ảnh hưởng nhất định đến
tranh luận trên báo chí. Tranh luận trên báo chí được thực hiện trên cơ sở quyền tự do
ngôn luận, tính dân chủ của xã hội.

Trong khi tranh luận thường vấp phải ngụy biện, khiến hiệu quả thuyết phục
người cùng tranh luận và công chúng không cao. Trong cuộc tranh luận với Lê Dư về
Quốc học, khi Lê Dư nhắc lại sai ý của mình, Phan Khôi phản hồi, “Phàm biện luận,
theo phép, khi nhắc lại những lời của người mà mình biện luận với, thì phải nhắc cho
thật đúng, đừng làm sai lạc cái nguyên ý của họ đi. Ấy là sự ngay thật mà người biện
luận buộc mình phải giữ. Người biện luận nếu là đám học giả với nhau, thì lại càng
nên giữ gắt hơn nữa. Bởi vì, sự biện luận giữa bọn chính khách hoặc ký giả nhà báo,
có nhiều khi vì lợi mà vất sự ngay thật đi, đến như bọn học giả, chỉ vì lẽ thật mà biện
luận, nếu không giữ cho ngay thật thì ra tuồng như mình vì lợi” [5; tr.207].

21


Theo tác giả Nguyễn Minh trong cuốn Báo chí những vấn đề lý luận và thực
tiễn (tập VIII), báo chí truyền thông luôn trong một quá trình đối thoại mở, mà ở đó
nhà báo thực hiện việc đối thoại với công chúng của mình thông qua bài báo, và nếu
là bài báo tranh luận thì người viết ngoài đối thoại với công chúng còn đối thoại với
người tranh luận. Báo chí hiện đại có xu hướng áp dụng lý thuyết dụng hành của
ngụy biện vào phân tích các lập luận trên báo chí. Ngụy biện là một vấn đề được
logic học nghiên cứu từ rất sớm, là một vấn đề quan trọng trong logic học. Ngụy biện
là một lập luận không hiệu lực nhưng lại tỏ ra hiệu lực. Douglas Walton định nghĩa
ngụy biện là một luận cứ không đạt được một vài tiêu chuẩn chuẩn tắc về logic, được
sử dụng trong bối cảnh đối thoại, nhưng vì vài lý do có vẻ đúng trong bối cảnh đối
thoại, tạo ra trở ngại cho việc nhận ra mục đích của đối thoại [54].
Để tránh trở thành ngụy biện, trong khi tranh luận trên báo chí cần tuân thủ
một số nguyên tắc.
Thứ nhất, tranh luận là “tranh” thắng bằng lý luận. Lý luận là bản chất của
tranh luận. Không thay lý luận bằng việc chứng minh tính “chân lý” của một nhận
định nào đó bằng cách trích dẫn ra một câu nói của một lãnh tụ, một danh nhân, một
câu tục ngữ nào đó.

Thứ hai, đối tượng của tranh luận là các luận điểm. Nói đến luận điểm là nói
đến cả hệ thống quan điểm, trong đó các ý tưởng đan kết với nhau trên một nền tảng
lý thuyết và phương pháp luận nhất định. Khi tranh luận cần nhắm vào chính nền tảng
lý thuyết và phương pháp luận ấy để phê bình. Không tập trung tranh luận ở những
tiểu tiết không có ý nghĩa.
Thứ ba, khi tranh luận cần tập trung vào lý lẽ, không để chữ tình chen vào.
Tránh thỏa hiệp hoặc dùng tình cảm để lấn át lý lẽ.
Thứ tư, người tranh luận phải đọc kỹ và hiểu đúng các luận điểm mình định
phê phán; phải có một số hiểu biết liên quan đến vấn đề mà bài viết đề cập.
Có thể khẳng định, tranh luận trên báo chí giữ một vai trò rất quan trọng. Theo
Ủy ban tự do báo chí của Mỹ, một trong 5 yêu cầu của xã hội hiện đại đối với hoạt

22


động báo chí là nó phải phục vụ như “một diễn đàn để trao đổi, bình luận và phê
bình. Yêu cầu này đòi hỏi những cơ quan truyền thông đại chúng lớn nên coi bản
thân họ là những người tổ chức các cuộc tranh luận công khai…” [57; tr.158]. Ủy
ban này cũng cho rằng, một trong các phương pháp nâng cao chất lượng báo chí, đó
là báo chí nên “nhận nhiệm vụ truyền tải thông tin những cuộc thảo luận” [57;
tr.163]. Từ đó, Thedore Peterson, tác giả thuyết Trách nhiệm xã hội đặt ra vấn đề
“quyền lực và vị thế gần như độc quyền của phương tiện truyền thông đặt lên vai
những người sở hữu chúng những trách nhiệm xã hội, buộc họ phải nhìn nhận mọi
khía cạnh của vấn đề và phải đưa những thông tin đó ra công chúng một cách công
bằng để công chúng có đủ thông tin quyết định”[57; tr.21].
1.2.2. Những vấn đề tranh luận trên báo chí đầu thế kỷ XX
1.2.2.1. Nguyên nhân diễn ra các cuộc tranh luận
Những năm đầu thế kỷ XX, đi đôi với phong trào yêu nước, cứu nước, những
cuộc vận động đòi tự do dân chủ trong đời sống, trong ngôn luận báo chí, những cuộc
tranh luận trên báo chí về văn chương, về tư tưởng, học thuật diễn ra sôi nổi. Nguyên

nhân của việc tranh luận trên báo chí thời kỳ này diễn ra sôi nổi là bởi:
Thứ nhất, các quốc gia trong khu vực thời gian này đều có những mối quan
hệ ràng buộc với phương Tây, ảnh hưởng bởi các nước phương Tây, tiếp nhận những
tư tưởng tiến bộ, ý thức cá nhân phát triển gắn với ý thức dân tộc. Tư tưởng người
dân các nước, đặc biệt là Trung Quốc, một quốc gia có quan hệ lâu đời với Việt Nam
về nhiều phương diện tư tưởng, học thuật, văn hóa, chính trị đều chuyển động. Không
chỉ ảnh hưởng trực tiếp từ nước Pháp, mà sự đổi thay của các nước trong khu vực
cũng ảnh hưởng rất lớn tới Việt Nam, tới tư tưởng của giới học giả.
Thứ hai, với mục tiêu độc lập dân tộc, những nhà cách mạng đã sử dụng báo
chí như một công cụ để tuyên truyền, tuy nhiên, báo chí cách mạng hầu như không
được hoạt động công khai, bị thực dân Pháp đàn áp quyết liệt. Vì thế, ở một mức độ
dễ chấp nhận hơn, để có thể hoạt động công khai, không đả động trực tiếp tới bọn
thống trị, giới học giả sử dụng diễn đàn báo chí để đòi tự do dân chủ, tự do tư tưởng,

23


trao đổi, tranh luận về văn chương, học thuật, báo chí, dịch thuật. Bởi vậy, chính
quyền thực dân dù có kiểm duyệt hay sau này không kiểm duyệt nữa, nhưng chưa thể
đàn áp. Giới trí thức, học giả từ những cuộc tranh luận trên báo chí, có điều kiện bộc
lộ những kiến thức và tâm huyết của mình, bảo vệ chính kiến của mình.
Thứ ba, thời kỳ này báo chí là một công cụ để thực dân Pháp mong muốn
dùng để truyền bá những tư tưởng thực dân vào đầu óc những người dân Việt Nam,
vì thế báo chí được phát triển; việc thành lập và điều hành cơ quan báo chí khá dễ
dàng nên có nhiều tờ báo lần lượt ra đời. Đây không chỉ là phương tiện mà chính là
môi trường văn hóa hình thành và phát triển các cuộc tranh luận.
Thứ tư, không khí tự do dân chủ khiến cho mỗi cá nhân được bộc lộ tối đa
suy nghĩ, quan điểm, tư tưởng của mình. Từ không khí mới này mà đã xuất hiện một
thế hệ mới, với lối suy nghĩ mới, tư duy mới, đã thổi cho báo chí một luồng gió mới,
luồng gió của tự do cá nhân.

Thứ năm, ý thức cá nhân trong môi trường mới. Tâm lý chung của các học
giả thế hệ này là hoài nghi mọi giá trị cũ, và với sự sáng tạo của mình, họ muốn đặt
lại mọi vấn đề. Môi trường xã hội lúc này và con người hoạt động với những kiến
thức cũ và mới muốn được bộc lộ, được khẳng định, tạo nên những dư luận, có khi
đồng thuận, có lúc trái chiều. Thanh Lãng đã nhận xét trong Phê bình văn học thế hệ
1932: “Nhiều biến cố quan trọng đã xẩy ra giúp vào việc sửa soạn và xô đẩy hầu như
một cách ức bách, sự thành hình của một hướng đi mới, một lối sống mới, một lối
hành động mới, một lối cảm xúc mới, một lối suy tư mới, một lối viết mới... với
những nhà lãnh đạo mới” [44; tr.1].
Lúc này, một thế hệ mới với lối tư duy mới dần hình thành: “Như bị gò bó,
dồn ép trong bao nhiêu lâu, lòng người trước làn gió mới như được mở tung ra.
Người ta bắt đầu phê phán, tỏ thái độ trước mọi vấn đề, không bỏ lỡ bất cứ một cơ
hội nào. Với sự ra đời ồ ạt của báo chí, thật là một dịp tốt, một trường sở thích hợp
để các cây bút đua nhau đấu trí, bày tỏ lập trường, bộc lộ tâm tình đối với nhau” [44;
tr.102].

24


×