Tải bản đầy đủ (.pdf) (84 trang)

Nguyên tắc thống nhất lô gich lịch sử và sự vận dụng nó trong nghiên cứu kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở việt nam hiện nay

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.31 MB, 84 trang )

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI

TRƢỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

PHẠM THU HÀ

NGUYÊN TẮC THỐNG NHẤT LÔ GICH-LỊCH SỬ
VÀ SỰ VẬN DỤNG NÓ TRONG NGHIÊN CỨU
KINH TẾ THỊ TRƢỜNG ĐỊNH HƢỚNG XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

LUẬN VĂN THẠC SĨ TRIẾT HỌC

HÀ NỘI – 2017


ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI

TRƢỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

PHẠM THU HÀ

NGUYÊN TẮC THỐNG NHẤT LÔ GICH-LỊCH SỬ
VÀ SỰ VẬN DỤNG NÓ TRONG NGHIÊN CỨU
KINH TẾ THỊ TRƢỜNG ĐỊNH HƢỚNG XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành: Triết học
Mã số: 60 22 03 01
Chủ tịch Hội đồng


Ngƣời hƣớng dẫn khoa học

PGS.TS. Nguyễn Anh Tuấn

Nguyễn Thúy Vân

HÀ NỘI – 2017


DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT
Chứ cái viết tắt/

Cụm từ đầy đủ

Ký hiệu
ASEAN

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á.

APEC

Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á -Thái Bình Dương.

NEP

Chính sách kinh tế mới.

WTO

Tổ chức Thương mại thế giới.


BCHTƯ

Ban chấp hành trung ương.

CNXH

Chủ nghĩa xã hội.

CNTB

Chủ nghĩa tư bản.

CNCS

Chủ nghĩa cộng sản.


MỤC LỤC
MỞ ĐẦU .......................................................................................................... 1
1. Tính cấp thiết của đề tài nghiên cứu................................................................ 1
2. Tình hình nghiên cứu của đề tài ....................................................................... 2
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu ................................................................... 9
4. Cơ sở lý luận và phƣơng pháp nghiên cứu..................................................... 9
5. Đối tƣợng và phạm vi nghiên cứu. ................................................................10
6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn............................................................................10
7. Kết cấu của Luận văn: ....................................................................................10
NỘI DUNG..................................................................................................... 11
CHƢƠNG 1: MỘT SỐ KHÁI QUÁT CHUNG VỀ NGUYÊN TẮC
THỐNG NHẤT LÔGICH -LỊCH SỬ VÀ NỀN KINH TẾ THỊ TRƢỜNG

ĐỊNH ĐƢỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA Ở VIỆT NAM ............................ 11
1.1. Một số khái quát chung về nguyên tắc thống nhất lô gich - lịch sử. ....11
1.1.1. Một số khái niệm cơ bản ............................................................... 11
1.1.2 Nội dung nguyên tắc thống nhất Lôgich - lịch sử .......................... 18
1.2 Một số khái quát chung về kinh tế thị trƣờng định hƣớng xã hội chủ
nghĩa ở Việt Nam ...................................................................................................25
1.2.1. Khái niệm kinh tế thị trường ......................................................... 25
1.2.2. Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam .......... 30
1.2.3. Đặc điểm nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở
Việt nam hiện nay. ................................................................................... 33
CHƢƠNG 2: VẬN DỤNG NGUYÊN TẮC THỐNG NHẤT LÔ GICH
LỊCH SỬ TRONG NGHIÊN CỨU NỀN KINH TẾ THỊ TRƢỜNG
ĐỊNH HƢỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA Ở VIỆT NAM HIỆN NAY ....... 41
2.1. Tính lịch sử của kinh tế thị trƣờng và cách nghiên cứu nó. ..................41
2.2. Tính lô gích trong phát triển kinh tế thị trƣờng định hƣớng xã hội chủ
nghĩa ở nƣớc ta.......................................................................................................54


2.3. Một số quan niệm trong nền kinh tế thị trƣờng định hƣớng xã hội
chủ nghĩa ở nƣớc ta từ cách tiếp cận thống nhất lô gích lịch sử ..........61
KẾT LUẬN .................................................................................................... 72
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO ..................................................... 75


MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài nghiên cứu
Thực tiễn đời sống hiện thực luôn chứng tỏ, phần lớn những vấn đề
chưa có lời giải trong thực tiễn, đều xuất phát từ việc chưa có sự đánh giá
đúng đắn và khoa học các vấn đề đó trong lý luận; nói cách khác, đó là những
vấn đề chưa có sự soi tỏ lý luận cần thiết. Vì vậy, để tránh những sai lầm, vấp

ngã không đáng có, phải có sự định hình về mặt phương pháp luận trong nhận
thức trước khi đem áp dụng chúng vào hoạt động thực tiễn. Những biến động
của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội trên thế giới và ở Việt Nam trong những
năm qua đang đặt ra những yêu cầu cấp thiết như vậy. Đó là lý do, cần trở lại
với quan điểm của các nhà kinh điển mác xít về phương pháp luận trong
nghiên cứu các hiện tượng xã hội để có được câu trả lời chính xác cho những
hiện tượng phức tạp này.
Nguyên tắc thống nhất lôgich-lịch sử là một trong những nguyên tắc
phương pháp luận cơ bản của phép biện chứng. Việc nắm vững nguyên tắc
này giúp cho nhận thức con người có thể tiến sâu vào tầng bậc bản chất, nắm
bắt những vấn đề có tính quy luật của đối tượng, từ đó, có cách nhìn và ứng
xử đúng đắn trong hoạt động thực tiễn nhằm đạt được mục đích đặt ra.
Sự thống nhất biện chứng giữa cái lịch sử và cái lôgich có ý nghĩa quyết
định đối với việc nhận thức mối quan hệ giữa lịch sử của sự vật và hình thức
phát triển của nó. Vì vậy để hiểu đúng đắn sự thống nhất này góp phần giúp
chúng ta phát hiện được những quy luật chung của nhận thức đối với quá trình
phát triển khách quan của hiện thực, trong đó có các quy luật phát triển của
lịch sử xã hội.
Đặc biệt, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, Việt Nam
đang xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Đây là một mô hình
kinh tế chưa hề tồn tại trong lịch sử phát triển kinh tế của nhân loại, nên
chúng ta gặp không ít khó khăn khi vừa xây dựng nền kinh tế tuân theo quy
1


luật thị trường, nhưng đồng thời cũng phải phù hợp với mục tiêu CNXH.
Thực tiễn này đang rất cần những định hướng về mặt phương pháp luận nhằm
nắm vững tính quy luật của sự phát triển để xây dựng thành công mô hình
kinh tế của đất nước trong thời kỳ đổi mới.
Vì thế, việc tìm hiểu và áp dụng phương pháp luận biện chứng duy vật

nói chung, nguyên tắc thống nhất lôgich-lịch sử được rút ra từ triết học mác
xít nói riêng, để từ đó chỉ ra ý nghĩa và sự vận dụng nó trong nghiên cứu nền
kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là điều cần thiết.
Vì lý do đó, nên tôi chọn đề tài: “Nguyên tắc thống nhất lôgich-lịch sử
và sự vận dụng nó trong nghiên cứu kinh tế thị trường định hướng xã hội
chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay”.
2. Tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài
- Những nghiên cứu về phương pháp luận biện chứng duy vật nói
chung và phương pháp thống nhất lôgich-lịch sử nói riêng.
Những vấn đề về phương pháp luận biện chứng duy vật được các nhà
kinh điển Mác-Lênin đặt ra và nghiên cứu từ những năm 40 của thế kỷ XIX,
trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc thế giới quan duy vật và phép biện chứng của
các nhà triết học trước đó. Hệ thống tư tưởng này được phát triển và hoàn
thiện, thể hiện trong một số công trình tiêu biểu của các nhà kinh điển như:
C. Mác và Ph. Ăngghen (1993, 1995,1998, 2004), Toàn tập, tập1, 12, 24, 25,
26, 46..) Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội; V.I. Lênin (1974), Toàn
tập, tập 1, tập 29, Nhà xuất bản Tiến bộ, Mátxcơva..
Cuối những năm 60, 70 của thế kỷ XX, những nội dung của phép biện
chứng duy vật được triển khai nghiên cứu sâu sắc và cụ thể hơn để từ đó rút ra
vấn đề phương pháp luận trong giải quyết một số vấn đề xã hội tiếp tục được
các nhà mác xít của các tác giả ở Xô viết (Liên Xô cũ) nghiên cứu như:
I.S.Narskji, A.P.Shevtulin, Rôdentan M ; P.V.Kovnin, Đ.I. RôDenBe ; Z.M.

2


Arudzhev, Abdil’din, G.A. Podôcrytov, N.A. SaGuLốp (Chủ biên). E.V.
Ilencôv; A.M.Minasian, Viện hàn lâm khoa học Liên Xô .v.v...
Từ góc độ ngoài mác xít, một số nhà khoa học cũng đưa ra các góc độ
khác nhau khi nghiên cứu về phương pháp và phương pháp luận. Phương

pháp luận được xem là một năng lực của tư duy tổng hợp, tư duy phức hợp, là
công cụ quan trọng nhất trong quá trình nhận thức của con người đối với mọi
đối tượng và biểu hiện của đời sống xã hội. Edgar Morin có những nghiên
cứu chuyên sâu về các nội dung của phương pháp, ông coi phương pháp là
một công cụ tiếp cận phức hợp giúp con người có khả năng tư duy đúng đắn
trong việc nhận thức thế giới hiện thực và giải quyết các vấn đề nhận thức.
Những luận giải của Edgar Morin thực sự đã vượt qua những nguyên tắc
phương pháp luận trước đó như là cái sẵn có, áp đặt từ bên ngoài để vươn tới
những vấn đề phương pháp như là sự sáng tạo của chính nhận thức nảy sinh
đồng thời trong quá trình phán ánh về hiện thực. Có thể xem đó là những gợi
mở quan trọng về giá trị và tính hữu dụng của các phương pháp. Tác giả
D.Q.Mcinerny thì lại nhấn mạnh những nguyên tắc của tư duy logich được
xem là cơ sở của phương pháp đúng đắn trong tư duy đối với quá trình nhận
thức. Các tác giả như: Helga Nowontny, Peter Scott, Michael Gibbons lại đưa
ra những vấn đề khá mới mẻ, khi cho rằng năng lực nhận thức của con người
là một quá trình, một hiện thực phức tạp, hỗn độn và bất định; vì vậy, việc xác
lập những nguyên tắc của tư duy như một phương thức nhận thức ở tầng bậc
cao nhằm điều chỉnh cho phù hợp với sự thay đổi của hiện thực.
Những nghiên cứu này, cùng với sự phát triển và nâng cao của quá
trình nhận thức, đã từng bước xây dựng phương pháp luận thành hệ thống lý
thuyết hoàn thiện.
Liên quan đến những nội dung nghiên cứu về phương pháp thống nhất
lôgich-lịch sử như là một nguyên tắc phương pháp luận của phép biện chứng
duy vật, thì một trong những hướng nghiên cứu phổ biến nhất là xem xét sự
3


thống nhất giữa lịch sử và lôgich trong phạm vi vấn đề cơ bản của triết học.
Lịch sử là quá trình phát triển của sự vật; cái lịch sử là hiện thực khách quan
đối với sự vận động của sự vật và của hiện thực; lôgich là tính tất yếu được

rút ra trong quá trình lịch sử đó, cái lôgich là sự phản ánh tư tưởng về hiện
thực đó. Ngoài ra, còn có xu hướng bảo vệ và củng cố nguyên tắc thống nhất
lịch sử thông qua việc phê phán các quan điểm ngoài mác xít về sự phát triển
của xã hội cũng như các phương pháp luận khoa học.
Trong triết học cổ điển Đức, vấn đề mối quan hệ giữa lôgich và lịch sử
được chính thức đưa ra để xem xét. Hêghen là người đã đứng trên lập trường
chủ nghĩa duy tâm để giải quyết vấn đề này. Cho nên, ông đã thừa nhận một
khía cạnh của vấn đề, đó là: sự thống nhất giữa lôgich của tư duy với lịch sử
hình thành lôgich ấy.
Trên cơ sở kế thừa những giá trị tích cực và phê phán những hạn chế
trong luận điểm của Heghen đối với vấn đề về cái lịch sử, cái lôgich và sự
thống nhất lôgich-lịch sử; các nhà triết học Mác xít đã tiếp tục phát triển, hoàn
thiện và giải quyết vấn đề sâu sắc hơn. Phương pháp thống nhất lôgich-lịch sử
có một vai trò rất quan trọng trong việc tái hiện lại bản chất của sự vật thông
qua quá trình hình thành và phát triển của sự vật đó. Để từ đó thấy được tính
tất yếu và quy luật tồn tại và phát triển của sự vật. Đây được xem là phương
pháp không thể bỏ qua khi nghiên cứu phương pháp duy vật biện chứng. Bộ
“Tư bản” của Mác, được xem là tác phẩm điển hình nhất và sử dụng thành
công nhất phương pháp thống nhất lôgich-lịch sử nhằm phát hiện ra bản chất
cũng như tính quy luật của sự phát triển của phương thức sản xuất tư bản chủ
nghĩa. Hơn nữa khi nghiên cứu “Tư bản” của Mác thì chúng ta có thể rút ra
được giá trị hiện thực của phương pháp luận trong “Tư bản”. So với các hệ
thống lý luận kinh tế khác, “Tư bản” đã cung cấp phương pháp luận mới cho
khoa học, tức là phải giải thích như thế nào về hình thái xã hội kinh tế, kiến
tạo ra hệ thống lôgich phản ánh sự vận động của nó. Ăngghen đã đánh giá cao
4


và nhấn mạnh tính thống nhất giữa cái logic và cái lịch sử trong tác phẩm:
“Đây không phải là một quá trình thuần túy lôgich, mà là một quá trình lịch

sử, và sự phản ánh giải thích quá trình lịch sử ấy trong tư duy, là sự nghiên
cứu lôgich về mối liên hệ nội tại của quá trình ấy” [3, 658]. Theo cách giải
quyết vấn đề như vậy, các nhà triết học mác xít đã phát triển và hoàn thiện
nguyên tắc thống nhất lôgich-lịch sử ở một trình độ mới hơn, có sự khác biệt
về chất so với các nhà triết học trước đó.
Trong những nghiên cứu liên quan đến những nội dung này, có hai tác
phẩm cần đề cập đến của các nhà triết học Xô viết là cuốn “ phép biện chứng
trong bộ Tư bản của Mác” của M.M.Rodenta (Nxb.Sự thật năm 1962)
“Logich học biện chứng” của E.V.Ilencov (do Nguyễn Anh Tuấn dịch), năm
2003, Nxb Văn hóa Thông tin), ngoài việc tập trung đi nghiên cứu những
quan niệm khác nhau của các nhà triết học trong lịch sử về tư duy biện chứng,
các công trình này cũng đi sâu nghiên cứu về phương pháp lôgich-lịch sử.
Nếu M.M.Rodenta đã trình bày một cách có hệ thống những nội dung cơ bản
của nguyên tắc thống nhất lôgich-lịch sử như một nguyên tắc phương pháp
luận của phép biện chứng duy vật thì E.V.Ilencov lại chú trọng đến việc phân
tích mối liên hệ biện chứng giữa cái lôgich và cái lịch sử như là hình thức của nội
dung quan hệ giữa sự phát triển của khoa học với sự phát triển của hiện thực.
Hiện nay, các nhà triết học mác xít đang tiếp tục phát triển và nghiên
cứu vấn đề mối tương quan giữa sự thống nhất của cái lôgich và cái lịch sử
bằng cách kế thừa những giá trị lý luận của Hêghen, Mác, Ănghen và Lênin.
Trên cơ sở những thành tự khoa học trên lĩnh vực nhận thức, có thể áp dụng
và giải quyết có hiệu quả những vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra.
Ở Việt Nam, những nghiên cứu về phép biện chứng duy vật và ý
nghĩa phương pháp luận được rút ra từ đó, được trình bày phổ biến và căn bản
trong các sách giáo khoa triết học của Hội đồng lý luận trung ương; Bộ giáo
dục và đào tạo. Ngoài ra, để hiểu sâu về giá trị và ảnh hưởng của phương
5


pháp luận biện chứng mác xít đã có một số công trình nghiên cứu riêng về

Chủ nghĩa Mác-Lênin và ảnh hưởng của Chủ nghĩa Mác-Lênin trong thời đại
ngày nay, hay nghiên cứu vấn đề mối quan hệ giữa lịch sử và lôgich, vận
dụng nguyên tắc thống nhất lôgich-lịch sử để nhận thức và giải quyết các vấn
đề trong thực tiễn như: Hồ Sĩ Quý, Nguyễn Hữu Tầng, Lại Văn Toàn, Lê Hữu
Nghĩa, Lê Phương Lan, Nguyễn Văn Nghĩa, Lê Xuân Bá, Doãn Chính, Đinh
Ngọc Thạch, Xuân Kiều, Phạm Văn Đức, Đặng Hữu Toàn, Nguyễn Đình
Hòa, Nguyễn Thúy Vân, Trần Nhâm.v..v..
Công trình Giáo trình Logic học biện chứng, Nxb Đại học Quốc gia,
Hà Nội 2016 của PGS.TS Nguyễn Thúy Vân và PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn
biên soạn được xem là công trình nghiên cứu tương đối hệ thống và chuyên
sâu về nội dung cơ bản của phương pháp luận biện chứng, trong đó có nguyên
tắc thống nhất lôgich-lịch sử.
Ngoài ra, một số công trình nghiên cứu khoa học, luận văn, luận án có
liên quan đến đề tài như: Đề tài “Phương pháp của Bộ “Tư bản” và việc vận
dụng chúng trong nghiên cứu quá trình xây dựng và phát triển nền kinh tế thị
trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay” đề tài nghiên cứu
cấp Đại học Quốc gia, Hà Nội của PGS.TS Nguyễn Thúy Vân (2010). Nội
dung đề tài này đã làm rõ một số vấn đề về phương pháp luận trong Bộ “Tư
bản”, trong đó có nguyên tắc thống nhất lôgich-lịch sử và bước đầu chỉ ra sự
vận dụng phương pháp này trong việc nghiên cứu nền kinh tế thị trường định
hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay. Các công trình nghiên cứu của
Phạm Thái Việt (1996) “Sự thống nhất giữa cái lôgich và cái lịch sử - một
nguyên tắc của nhận thức lý luận”; luận văn Th.s Triết học Trần Minh Hiếu
trường Đại học khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học quốc gia Hà Nội, 2008
“ Khái quát các quan niệm của một số nhà kinh tế học tư sản cổ điển và quan
niệm của Heghen về “điểm khởi đầu nghiên cứu” trong Bộ “ Tư bản” .v.v..;
các công trình này đều ít nhiều đề cập tới nội dung của nguyên tắc thống nhất
6



lôgich-lịch sử . Đây là những nguồn tài liệu tham khảo hữu ích để tác giả có
cơ sở khi triển khai nghiên cứu đề tài.
- Những nghiên cứu chung về kinh tế thị trường và kinh tế thị
trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Khi Việt Nam đang trên đường xây dựng và phát triển nền kinh tế thị
trường định hướng xã hội chủ nghĩa, do sự thiếu hụt về mặt lý luận cho một
mô hình chưa có tiền lệ trên thế giới càng đặt ra nhu cầu bức thiết về việc phải
hoàn thiện về mặt lý luận mô hình này để hiện thực hóa nó trong thực tiễn.
Những nghiên cứu ở nước ta trong thời gian này chủ yếu tập trung nghiên cứu
về kinh tế thị trường ở góc độ kinh tế học với các tác giả như: Phạm Hảo,
Hoàng Ngọc Hoà, Đỗ Hoài Nam, Bùi Thị Xuyến.v.v..
Vũ Văn Phúc với công trình “Một số vấn đề về kinh tế thị trường định
hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta” năm 2001. Nhà xuất bản Chính trị quốc
gia, dưới góc độ kinh tế chính trị, cuốn sách đã phân tích những điều kiện
hình thành và bản chất của kinh tế thị trường, phân biệt kinh tế thị trường nói
chung với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Tác
giả Vũ Đình Bách (chủ biên): Kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa
ở Việt Nam (2008), Nhà xuất bản chính trị quốc gia, đã phân tích một cách
khái quát nội dung, các đặc điểm của mô hình kinh tế thị trường định hướng
xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, cũng như các nhân tố tác động tới quá trình xây
dựng mô hình kinh tế này. Công trình: “Thể chế kinh tế nhà nước trong nền
kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế ở Việt Nam” của các tác giả
Lương Xuân Quỳ, Đỗ Đức Bình (chủ biên), Nhà xuất bản chính trị quốc gia,
đã đi sâu luận giải tính định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế thị
trường ở Việt Nam thông qua vai trò của thành phần kinh tế nhà nước. Cùng
hướng nghiên cứu này, công trình: “Vấn đề sở hữu trong nền kinh tế thị
trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam” của tác giả Nguyễn Kế
Tuấn (chủ biên), Nhà xuất bản chính trị quốc gia (2010), chủ yếu đi sâu luận
7



giải về lý luận và thực trạng vấn đề sở hữu trong kinh tế thị trường và trong
quá trình đổi mới kinh tế ở Việt Nam, từ đó đề xuất phương hướng và giải
pháp đối với vấn đề sở hữu trong xây dựng và phát triển kinh tế thị trường
định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Tác giả Đỗ Hoài Nam (2009),
thông qua công trình “Một số lý thuyết kinh tế và cuộc khủng hoảng kinh tế
toàn cầu” đã hệ thống hóa được một số lý thuyết kinh tế trên thế giới liên
quan đến hai đường hướng kinh tế chủ đạo là lý thuyết “Bàn tay vô hình” và
lý thuyết “Bàn tay hữu hình”, từ đó phân tích nguyên nhân của cuộc khủng
hoảng kinh tế toàn cầu và liên hệ đến vấn đề phát triển kinh tế ở Việt Nam
hiện nay nói chung và kinh tế thị trường nói riêng.
Ngoài ra, một số công trình của các tác giả Phạm Hảo (Chủ biên) (2001),
“Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa - một số vấn đề lý
luận và thực tiễn”, Nxb Đà Nẵng. Hoàng Ngọc Hà (2005), “Các mô hình thể
chế kinh tế thị trường và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở
Việt Nam”, Tạp chí Cộng sản.v.v.. cũng đã nêu lên được những đặc điểm cơ
bản nhất trong quá trình hình thành và phát triển kinh tế thị trường định
hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta, thấy được sự khác nhau căn bản giữa kinh
tế thị trường nói chung và kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chỉ
ra những mặt tích cực cũng như hạn chế mà kinh tế thị trường mang lại.
Ngoài ra các nghiên cứu trên đã có một số dự báo, xu hướng và cách thức xây
dựng thành công kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam
hiện nay.
Tuy nhiên, trước những biến đổi nhanh chóng và phức tạp của hiện
thực, thì những nghiên cứu trên vẫn chưa thể đáp ứng một cách đầy đủ những
lời giải về mặt lý luận mà hiện thực đang đặt ra.
Như vậy, về cơ bản những công trình nghiên cứu trên đã hệ thống hóa
được những nội dung của phương pháp luận biện chứng duy vật nói chung và
phương pháp thống nhất lôgich-lịch sử nói riêng cũng như những vấn đề cơ
8



bản của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay.
Tuy nhiên, chưa có công trình nào nghiên cứu sự vận dụng phương pháp
thống nhất lôgich-lịch sử như một phương pháp luận đúng đắn vào nghiên cứu
kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay. Đây chính là
hướng nghiên cứu mới mà luận văn muốn đặt ra và nghiên cứu.
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
Mục đích của luận văn là trên cơ sở hệ thống hóa một số vấn đề lý luận
chung về nguyên tắc thống nhất lôgich-lịch sử và nền kinh tế thị trường định
hướng xã hội chủ nghĩa, luận văn phân tích sự vận dụng nguyên tắc thống
nhất lôgich-lịch sử trong nghiên cứu kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ
nghĩa ở Việt Nam hiện nay.
Nhiệm vụ nghiên cứu:
Để đạt được mục đích trên, luận văn phải thực hiện các nhiệm vụ cơ bản sau:
- Hệ thống hóa một số vấn đề lý luận chung về nguyên tắc thống nhất
lôgich-lịch sử và kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
- Phân tích sự vận dụng nguyên tắc thống nhất lôgich-lịch sử trong nghiên
cứu kinh tế thị trường định hướng xă hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay.
4. Cơ sở lý luận và phƣơng pháp nghiên cứu
- Cơ sở lý luận: Luận văn dựa trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa duy vật biện
chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử. Đồng thời cũng có sự kế thừa và tiếp thu
những giá trị của các công trình nghiên cứu có liên quan.
- Phương pháp nghiên cứu: Luận văn được thực hiện trên cơ sở phương
pháp luận mác xít, đặc biệt là phương pháp luận biện chứng duy vật và một số
phương pháp liên ngành như: phương pháp phân tích-tổng hợp, so sánh, đối
chiếu, phương pháp đi từ trừu tượng đến cụ thể, phương pháp trừu tượng hóa,
khái quát hóa..v.v..
9



5. Đối tƣợng và phạm vi nghiên cứu
- Đối tượng nghiên cứu: luận văn tập trung nghiên cứu nội dung
nguyên tắc thống nhất lôgich-lịch sử và sự vận dụng nó trong nghiên cứu kinh
tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay.
- Phạm vi nghiên cứu: luận văn chỉ tập trung nghiên cứu nguyên tắc
thống nhất lôgich-lịch sử theo quan niệm của các nhà triết học mác xít và sự
vận dụng phương pháp này trong việc nghiên cứu kinh tế thị trường định
hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (từ năm 1986 đến nay).
6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn
Ý nghĩa lý luận: Đề tài luận văn góp phần làm sáng tỏ cơ sở lý luận và
nội dung của nguyên tắc thống nhất lôgich-lịch sử. Đồng thời chỉ ra ý nghĩa
của phương pháp này trong nghiên cứu kinh tế thị trường định hướng xã hội
chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay
Ý nghĩa thực tiễn:
- Luận văn có thể sử dụng làm tư liệu tham khảo cho việc học tập và
nghiên cứu vấn đề này đối với sinh viên, học viên sau đại học các ngành triết
học, kinh tế học.
- Luận văn cũng góp phần chỉ ra sự vận dụng phương pháp trong việc
nhìn nhận cũng như nghiên cứu các vấn đề lý luận và thực tiễn để có cánh
nhìn đầy đủ và toàn diện nhất về đối tượng.
7. Kết cấu của Luận văn
Nội dung chính của luận văn gồm có 2 chương và 5 tiết, ngoài phần mở
đầu, phần kết luận và danh mục tài liệu tham khảo.

10


NỘI DUNG
CHƢƠNG 1: MỘT SỐ KHÁI QUÁT CHUNG VỀ NGUYÊN TẮC

THỐNG NHẤT LÔGICH-LỊCH SỬ VÀ NỀN KINH TẾ THỊ TRƢỜNG
ĐỊNH ĐƢỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA Ở VIỆT NAM
1.1. Một số khái quát chung về nguyên tắc thống nhất lôgich-lịch sử
1.1.1. Một số khái niệm cơ bản
Nguyên tắc thống nhất lôgich-lịch sử là một trong những nguyên tắc
phương pháp luận cơ bản của phép biện chứng. Việc nắm vững nguyên tắc
này giúp cho nhận thức con người có thể tiến sâu vào tầng bậc bản chất của
đối tượng, thấy ra những vấn đề có tính quy luật trong sự tồn tại, vận động, và
phát triển của đối tượng.
Để tìm hiểu và nắm được những nội dung cơ bản của nguyên tắc thống
nhất lôgich-lịch sử, thì chúng ta cần hiểu rõ nội hàm những khái niệm căn bản
liên quan đến nguyên tắc này.
Khái niệm lịch sử, cái lịch sử và phương pháp lịch sử.
Theo tiếng Hy lạp cổ từ istorija được dịch nghĩa là lịch sử. Lúc đầu lịch
sử dùng để chỉ những sự kiện diễn ra trong đời sống tự nhiên và xã hội. Theo
cách quan niệm này thì quan niệm về lịch sử rất dễ đồng nhất với khái niệm
vật chất, vì chúng đều là là thực tại khách quan được xét đến trong quá trình
phát triển. Dần dần phạm trù “lịch sử”, trong sự vận động của nó, không
ngừng đổi mới nội dung và mở rộng nghĩa hơn. Lúc này, lịch sử được hiểu là:
khoa học về sự vận động, phát triển của xã hội nói chung, là những gì đã từng
xảy ra trong quá khứ; dùng để chỉ sự phát triển hiện thực trong biểu hiện của
mọi khách thể mang tính sự kiện nói riêng. Theo đó, thì ngoại diên của khái
niệm lịch sử bao hàm cả lịch sử của tư duy. Tức là phải thừa nhận tư duy và
tư tưởng cũng có lịch sử cho dù lịch sử đó xét đến cùng nó cũng bị phụ thuộc
vào sự phát triển của tồn tại. Là một bộ phận trong khái niệm lịch sử nên lịch
11


sử của tư tưởng cũng có tính khách quan, nhưng không phải khách quan theo
nghĩa bản thể luận mà là khách quan theo nghĩa nhận thức luận.

Hiện nay, khái niệm lịch sử dùng để chỉ quá trình phát triển thực tế,
của toàn bộ hiện thực và nhận thức về hiện thực, với những hình thức biểu
hiện phong phú, đa dạng, cụ thể, với toàn bộ các mối liên hệ cụ thể của nó tồn
tại trong không gian và thời gian xác định. Và dù là lịch sử xã hội hay lịch sử
tự nhiên thì đều là “lịch sử tự nó”, luôn luôn tồn tại khách quan độc lập với ý
thức của con người, nhưng lại được con người nhận thức và biến đổi theo quy
luật để phục vụ cho cuộc sống con người.
Như vậy, có sự khác biệt giữa phạm trù lịch sử và phạm trù vật chất.
Điểm khác biệt giữa chúng là, phạm trù lịch sử không chỉ lột tả được nội dung
phát triển của thế giới khách quan (vật chất) mà còn thấy được sự vận động và
phát triển không ngừng trong lĩnh vực tư duy, nhận thức và ý thức con người
phản ánh về hiện thực khách quan. Còn phạm trù vật chất chỉ dùng để chỉ một
thực tại khách quan đem lại cho con người trong cảm giác, được cảm giác
chép lại, phản ánh lại và không phụ thuộc vào cảm giác của con người. Nói
cách khác, cái lịch sử không đơn thuần là vật chất trong sự phát triển, và vì cả
tồn tại và tư duy đều vận động và phát triển triển không ngừng, bởi vậy đều
có tính lịch sử [xem 22; 98].
Khái niệm lịch sử mà chúng ta nghiên cứu ở đây liên quan đến hai đối
tượng, hai lĩnh vực nhận thức: thứ nhất là lịch sử nói chung của hiện thực
khách quan, tức là lịch sử được hiểu như một quá trình phát triển thực tế
chung; sinh thành, phát triển và diệt vong của đối tượng; thứ hai là lịch sử của
nhận thức tư tưởng tư duy của con người, đặc biệt là lịch sử của khái niệm.
Từ đó thấy được, lịch sử được tồn tại như một quá trình, trong cả tự nhiên, xã
hội và tư duy [ 22; 98].
Như vậy, nếu khái niệm lịch sử dùng để chỉ mọi quá trình phát triển
thực tế của hiện thực thì khái niệm cái lịch sử lại được hiểu là lịch sử được
12


nhận thức. Đây là phạm trù thuộc về tư tưởng; tức là “cái lịch sử được hiểu là

một phạm trù dùng để chỉ sự phát triển của hiện thực được nhận thức“ [22;
99 ]. Do đó tự nhiên, xã hội và tư duy – một khi trở thành đối tượng xem xét
của nhận thức (lôgich) thì đều thể hiện như là cái lịch sử với tư cách là cái
lịch sử. Nói cách khác, khi chuyển các đối tượng nghiên cứu (các sự vật, hiện
tượng) đã thâu tóm được tính quy định lịch sử phổ biến được khái quát thành
lý luận đó chính là phạm trù cái lịch sử. Lúc này, lịch sử không phải là lịch sử
“tự nó” mà lịch sử được xét trong mối quan hệ với nhận thức. Ví dụ, cùng
một nhân vật lịch sử chúng ta có nhiều cách đánh giá khác nhau, do quá trình
nhận thức, đánh giá của mỗi người là khác nhau. Tuy nhiên, sự nhận thức có
thể khác nhau nhưng cũng phải luôn tuân thủ tính khách quan khi phản ảnh về
hiện thực. Điều này làm nên tính đặc thù của phương pháp lịch sử.
Phương pháp lịch sử được rút ra từ phạm trù “cái lịch sử” như là một
nguyên tắc nhận thức của lô gích học biện chứng. Phương pháp lịch sử như là
sự ứng dụng cụ thể của phương pháp logic đối với những đối tượng cụ thể
nào đó.
Phương pháp lịch sử yêu cầu nhận thức: thứ nhất là phải phản ánh lịch
sử trong quá trình sinh thành, vận động, biến đổi và phát triển. Thứ hai phải
bám sát đối tượng theo thời gian để tái hiện nó trong tính muôn vẻ, bề ngoài,
ngẫu nhiên và cụ thể của chúng.
Trong phương pháp lịch sử, các lý thuyết cũ bị phê phán bằng cách so sánh
với chính những sự kiện đã được xác định về mặt lịch sử và các lý thuyết mới
được xuất hiện trong lịch sử bằng con đường nhận thức và khái quát hoá chúng.
Ưu điểm của phương pháp lịch sử là: có thể phản ánh đối tượng một
cách cụ thể, sinh động nhất vì sự mô tả đối tượng luôn dựa trên việc bám sát
vào các sự kiện và tiến trình lịch sử để phản ánh. Nhược điểm của phương
pháp lịch sử là: dễ sa vào tiểu tiết, mô tả cảm tính, khó thấy được bản chất,
tính quy luật của lịch sử. Ví dụ, khi nghiên cứu quá trình biến đổi tư tưởng
13



Việt Nam, cần phải bám vào diễn biến thời gian để nắm được quá trình phát
sinh, phát triển và biến đổi của tư tưởng Việt Nam qua các thời kỳ (đó là việc
sử dụng phương pháp lịch sử). Nhưng quá trình nhận thức không chỉ dừng ở
đó, việc bám theo sự vận động của đối tượng để nhận thức phải đồng thời từ
đó rút ra được bản chất, tính quy luật của tiến trình lịch sử để có những khái
quát mang tính tổng thể nhất, chung nhất và đầy đủ nhất. Điều này cần sự bổ
sung của một phương pháp khác. Đó chính là phương pháp lôgich.
Khái niệm lôgich, cái lôgich và phương pháp lôgich
Theo nghĩa chung nhất, thuật ngữ lôgich dùng để chỉ tính quy luật, tính
tất yếu trong quá trình tồn tại, vận động, biến đổi, phát triển của sự vật, hiện
tượng, hay quá trình. Đó có thể là lôgich của hiện thực (lôgich khách quan)
hay lôgich của nhận thức, tư duy (lôgich chủ quan).
Nếu quan niệm lịch sử là sự phát triển của đối tượng trong quá trình với
những biểu hiện phong phú, bề ngoài, hiện tượng trong thời gian và không
gian cụ thể thì lôgich: “Chính là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình lịch sử, liên
kết các sự kiện, các mặt dường như tách biệt thành một chỉnh thể toàn vẹn”
[22; 15]
Như vậy, lôgich là cái được lẩy ra từ lịch sử, là tính quy luật của lịch
sử, là cái sẽ chi phối toàn bộ quá trình phát triển, biến đổi của lịch sử. Chẳng
hạn lôgich của sự sống là phải thông qua quá trình trao đổi chất. Tính quy luật
này bao hàm trong nó tất cả những biểu hiện sinh động của quá trình trao đổi
chất rất khác nhau ở các loài và cá thể sinh học khác nhau.
Đối với khái niệm cái lôgich cũng có nhiều quan niệm khác nhau về
khái niệm này. Trong đó có hai loại quan điểm chủ yếu, nhóm quan điểm thứ
nhất cho rằng, cái lôgich tồn tại cả trong lĩnh vực tinh thần và trong hiện thực
khách quan (lôgich khách quan) như một số tác giả: Grushin V.A, Ljubutin K.
N, Grisenko I.I, Mareev N. X theo họ, bản thân sự phát triển hiện thực của
khách thể đã hàm chứa cái lôgich từ ngay trong bản thân nó, cái lôgich đó
14



hoàn toàn mang ý nghĩa khách quan rồi từ đó mới quy định nên sự nhận thức
về tính khách quan đó. Nhóm quan điểm thứ hai lại cho rằng, cái lôgich là
khái niệm chỉ đặc trưng riêng trong lĩnh vực tinh thần, quan điểm này dường
như có sự tương đồng với cách hiểu của Hêghen về lôgich; cái lôgich lúc này
được hiểu là sự phản ánh lý luận về cái lịch sử, nó là “hình ảnh chủ quan của
thế giới khách quan” [ 11, 19]. Shevtulin A. P cho rằng “cái lôgich là dùng để
chỉ mối liên hệ xác định, tất yếu của các tư tưởng (khái niệm, phán đoán),
phản ánh thế giới khách quan vào trong nhận thức của con người dưới dạng
các hình ảnh tinh thần”. Spirkin G. A cho rằng “cái lôgich là sự phản ánh khái
quát cái lịch sử”. Tác giả Lê Hữu Nghĩa thì cho rằng, không nên đồng nhất cái
lôgich với tư duy, nhưng cái lôgich lại không tách rời tư duy trừu tượng, đó là
sự biểu đạt mối liên hệ tất yếu trong sự phát triển của tư duy trừu tượng: cái
lôgich là sự tiếp nối nhất định, tất yếu của các khái niệm, phán đoán, phản ánh
thế giới khách quan trong ý thức con người dưới dạng các hình ảnh tư tưởng
[30, 19 - 20]. Tác giả Lại Văn Toàn, với cách tiếp cận tư duy biện chứng của
mình, ông đã có sự khái quát lý luận trong quan niệm về cái lôgich “cái lôgich
theo cách lý giải mới (của Mác) là sự trừu tượng từ cái lịch sử dưới một hình
thức khái quát, trong những khía cạnh tất yếu, đã được chắt lọc ra mọi cái
ngẫu nhiên lịch sử. Nói một cách chính xác, đây không còn là cái lịch sử, mà
là sự phản ánh của nó. Một sự phản ánh đã được chỉnh sửa theo chính quy
luật của bản thân hiện thực lịch sử” [xem 27]. Đây là sự kế thừa và phát triển
tiếp tục quan niệm của Ăng ghen khi coi: lôgich không phải là sự phản ánh
lịch sử một cách đơn thuần mà là sự phản ánh đã được uốn nắn lại, nhưng uốn
nắn theo quy luật mà bản thân quá trình lịch sử đem lại. Tức là qua sự phản
ánh quá trình lịch sử, rồi tiếp tục thông qua quá trình nhận thức của con người
để rút ra các quy luật đặc trưng căn bản của đối tượng, nhưng cái quy luật
được rút ra đó phải phù hợp với sự tồn tại khách quan vốn có tức quy luật phát triển
khách quan của hiện thực mà nó phản ánh (cái lịch sử) của đối tượng.
15



Như vậy, trong quá trình nhận thức không thể tách rời quan hệ giữa
logich của hiện thực và sự phản ánh về nó; vì thế, việc xác định cái lôgich
(với tư cách là tính tất yếu của hiện thực được nhận thức) cần và phải được
thông qua cái lịch sử. Từ đó giúp chúng ta có thể phân biệt được phạm trù
logich với các phạm trù: tư duy trừu tượng, nhận thức lý luận ...
Từ những phân tích trên có thể khái quát rằng, cái lôgich chính là cái
lịch sử đã được gọt giũa bớt những cái ngẫu nhiên bề ngoài, để giữ lại cái tất
nhiên, đã được “uốn nắn” và “sửa chữa” nhằm thấy được cái tất yếu, cái
chung và bản chất nhất của đối tượng. Vậy cái lôgich là để chỉ tính tất yếu trong quá
trình vận động, phát triển của lịch sử, hay chính là quy luật của quá trình đó được
nhận thức, nói cách khác cái lôgich là cái lịch sử đã được hiểu.
Từ khái niệm lôgich và cái lôgich, phương pháp lôgich được xác lập và
ứng dụng trong hoạt động nhận thức. Phương pháp lôgich là phương pháp;
thứ nhất: đi thẳng vào trạng thái chín muồi căn bản nhất của khách thể để
khám phá, nhận thức ra thuộc tính, tính chất, tính quy luật khách quan của nó;
thứ hai là phương pháp có thể tái hiện lại lịch sử ở những điểm chính yếu nhất
và thể hiện nội dung đó trong lôgích của khái niệm. Phương pháp này không
chỉ dừng ở việc mô tả thuần tuý các sự kiện, các giai đoạn trong lịch sử phát
triển của đối tượng, nó đi thẳng vào nhận thức tính quy luật phát triển của lịch
sử. Đó là phương pháp lịch sử nhưng đã lột bỏ những cái ngẫu nhiên, bề
ngoài; để nắm lấy cái bản chất của đối tượng.
Với tính năng vượt trội trong nhận thức lịch sử, phương pháp lôgich có
những ưu điểm: Thứ nhất, khi xét hiện tượng theo phương pháp lôgich ta xem
xét nó ở chính thời điểm mà ở đó nó đạt tới sự thể hiện đầy đủ và chín muồi
nhất. Điều này vừa giúp ta có thể nhận thức đối tượng ở trạng thái đương đại,
đồng thời lại có thể mường tượng ra quá trình lịch sử dẫn đến nó. Bởi vì,
trạng thái phát triển chín muồi của đối tượng chính là sự tổng kết về mặt lịch
sử của khách thể, ở đó chỉ còn lưu giữ lại những “hạt nhân hợp lý” của những

16


quá trình phát triển trước đó. Sự phân tích một cách khách quan và lôgich sẽ
làm lịch sử của khách thể được tái hiện ở những nét chính yếu nhất. Thứ hai,
đây là phương pháp đưa ra quan niệm có tính chất phê phán lý luận đối với tất
cả các sự kiện và vấn đề hiện nay. Tức là có thể hoàn toàn phân tích một cách
lôgich rằng, một lý thuyết nào đó được xây dựng trước đây so với bức tranh
thực tế của hiện thực mà chúng ta quan sát ngày hôm nay. Nhờ phương pháp
này, hạt nhân hợp lý của các quan điểm cũ được khẳng định và gia nhập vào các
quan điểm mới như một trường hợp riêng của quan điểm mới.
Tuy nhiên, phương pháp này cũng có những nhược điểm, mà nhược
điểm căn bản nhất của phương pháp lôgich là rất dễ rơi vào tư biện, nếu thiếu
đi những tư liệu chính xác và bản chất của đối tượng.
Như vậy, lịch sử và lôgich là hai phạm trù khác nhau nhưng có mối
quan hệ biện chứng, thống nhất với nhau. Có thể hiểu cái lịch sử là cái lôgich
với những mối liên hệ tất nhiên và ngẫu nhiên với không gian và thời gian cụ
thể; còn cái lôgich là lịch sử được gọt giũa bớt những cái ngẫu nhiên, để giữ
lại cái tất nhiên, nó là cái lịch sử vừa được uốn nắn vừa sửa chữa bớt các sự
kiện, không gian, thời gian cụ thể chỉ giữ lại cái bản chất, tất yếu, có tính quy luật.
Cơ sở khách quan của sự phản ánh lôgich chính là lịch sử, nhưng
không phải là lịch sử “được đem lại trong trực quan hay biểu tượng” mà là
“lịch sử được chắt lọc” khỏi những tính quy định bề ngoài, đơn nhất, ngẫu
nhiên, chỉ còn lại những vòng khâu phát triển bản chất nhất, chung nhất và tất
yếu. Ví dụ, các phạm trù do việc phát triển tư tưởng trước đây xây dựng nên
(các khái niệm được sáng tạo bởi sự phát triển lịch sử của khoa học) đều được
so sánh với các sự kiện lịch sử hiện thực. Việc coi lịch sử là cơ sở, tiền đề
chân thực nhất cho việc nhận thức đúng đắn tính quy luật của đối tượng
chính là cơ sở quan trọng làm hình thành nên nội dung nguyên tắc thống nhất
giữa lô gích và lịch sử.

17


1.1.2 Nội dung nguyên tắc thống nhất lôgich-lịch sử
Theo quan điểm của các nhà kinh điển Mác-Lênin, giữa phương pháp
lôgich và phương pháp lịch sử có mối liên hệ mật thiết, hỗ trợ, bổ xung cho
nhau. Phương pháp lịch sử là cần thiết nhưng mới là điều kiện cần. Để hoàn
thiện được chân lý cần phải sử dụng đến cả phương pháp lôgich, đây mới là
điều kiện đủ để nhận thức đúng về đối tượng. Sự thống nhất này vừa phải
tuân thủ nguyên tắc lịch sử, tìm ra đặc trưng của quá trình lịch sử đó, vừa phải
tuân theo một quá trình nhận thức lôgich nhất định.
Ở trình độ tư duy trực quan, cảm tính trước đây thì phương pháp lôgich
và phương pháp lịch sử là 2 phương pháp tách biệt nhau. Phương pháp lôgich
được dùng chủ yếu ở những lĩnh vực của cái phổ biến và tất yếu, còn phương
pháp lịch sử có nhiệm vụ là mô tả và liệt kê những sự kiện, hiện tượng xảy ra
một cách bề ngoài, ngẫu nhiên. Là một nhà biện chứng, Hêracrít, mặc dù đã
nhận thức ra tính quy luật của hiện thực và tính quy luật trong nhận thức về
hiện thực, nhưng ông đã đồng nhất một cách tuyệt đối logos của thế giới và
logos của tư tưởng với nhau. Mặc dù có sự phân biệt giữa quá trình tư duy và
quá trình hiện thực nhưng theo ông, chúng đều có nguồn gốc và chịu sự chi
phối của cái gọi là logos chung, hay nói cách khác, chỉ có phương pháp lô
gich mới chi phối toàn bộ quá trình nhận thức về hiện thực. Pácmenít thừa
nhận lịch sử nhưng lại phủ nhận khả năng nhận thức nó. Theo ông, lịch sử tự
nó đã là lôgich và phương pháp lôgich trong nhận thức không bao giờ chạm
được vào lịch sử. Zênon không đồng tình với quan điểm của Pácmenít, ông
cho rằng mục đích của nhận thức là phải nắm bắt quá trình tồn tại trong hiện
thực; hơn nữa tư duy con người phải biến đổi sao cho kịp thời nhằm nắm bắt
đầy đủ sự biến đổi liên tục trong hiện thực khách quan. Zênon là người đầu
tiên gợi mở đến vấn đề mối quan hệ giữa cái lôgich và cái lịch sử từ đó liên
quan đến phương pháp lôgich và phương pháp lịch sử. Đến Platon ông lại có

sự tách biệt rành mạch giữa hai thế giới: thế giới ý niệm và thế giới sự vật
18


cảm tính, Platon đã loại bỏ đi tính quy định của hiện thực khách quan làm cho
nó trở nên chết cứng và mất đi vai trò của mình trong quá trình nhận thức.
Mặt khác, Platon cũng thấy được tính chất biện chứng của hiện thực, bởi vì
ông cho rằng các sự vật luôn nằm trong quá trình sinh thành, xây dựng, chết
đi và biến đổi. Tuy nhiên, tiến trình nhận thức trên không được ông xem là cái
logich trong mối tương quan với lịch sử nhận thức. Aritxtôt phủ nhận sự tồn
tại trong học thuyết ý niệm của Plaoton, ông cho rằng các ý niệm đó phải
được bắt nguồn từ hiện thực khách quan; giới tự nhiên có tính lịch sử; nên
logich phát triển ý niệm cũng chính là lịch sử của hiện thực. Quan niệm này
chỉ ra mối liên hệ không thể tách rời giữa hiện thực và nhận thức. Tuy nhiên,
sự đồng nhất tuyệt đối giữa tính quy định của hiện thực với nhận thức làm cho
quan niệm của Aritxtôt dễ dẫn đến việc lẫn lộn giữa lôgich khách quan và
lôgich chủ quan, không thấy được sự đồng nhất khác biệt giữa cái lôgich và
cái lịch sử trong tư tưởng triết học của ông. Đến Kant, một lần nữa, mối quan
hệ gữa lôgich và lịch sử lại bị đẩy tách rời nhau. Ông cho rằng “lôgich chung”
không thể đảm nhiệm chức năng phương tiện, cũng như chuẩn mực đối với
quá trình nhận thức hiện thực. Nhiệm vụ mới của lôgich học lúc bấy giờ là
đưa các sự kiện trong hiện thực vào quá trình tạo ra tri thức mới. Kant cho
rằng mọi cái lịch sử nói chung đều bị đẩy ra khỏi mối quan hệ với tiến trình tư
duy, thay vào đó là khái niệm kinh nghiệm, tức là ông đã loại trừ thế giới hiện
thực khách quan ra khỏi cái lôgich. Giữa cái lôgich và cái lịch sử không thể
có mối quan hệ gì với nhau. Lúc này, mối tương quan giữa cái lôgich-cái lịch
sử được thay bằng mối tương quan giữa khái niệm và kinh nghiệm. Tuy
nhiên, chính Kant là người đã phát hiện ra rằng, chính sự khác biệt giữa cái
lôgich và cái lịch sử sẽ tạo ra những khác biệt trong phương pháp nhận thức.
Hêghen là người đầu tiên cho rằng các quy luật biện chứng của sự vận động

đang mở đường phát triển trong giới tự nhiên, trong sự phát triển của tư duy,
tính chi phối tính ngẫu nhiên của lịch sử xã hội được ví như sợi chỉ đỏ xuyên
19


suốt quá trình hiện thực. Hêghen cũng lần đầu tiên giải quyết vấn đề đồng
nhất giữa tư duy và tồn tại trên lập trường phép biện chứng một cách có hệ
thống. Ông cho rằng, giữa tư duy và tồn tại có sự đồng nhất, nhưng là sự đồng
nhất trong khác biệt. Tuy nhiên, do xuất phát từ lập trường duy tâm nên với
Hêghen, tính lịch sử của ý niệm (và chỉ nó mới có khả năng tự phát triển)
chính là tính lôgich; lúc này cái hiện thực của giới tự nhiên đã được gạt bỏ ra
ngoài. Cái lịch sử là cái thứ hai được phát sinh từ cái lôgich.
Mác và Ănghen, xuất phát từ lập trường duy vật và quan niệm biện
chứng để lý giải sự thống nhất giữa lôgich và lịch sử. Các ông chỉ ra rằng cái
yếu tố cơ bản chi phối đời sống của mỗi cá nhân và toàn xã hội, đó không
phải là lĩnh vực tư duy tinh thần như Hêghen mà là hoạt động sản xuất vật
chất hiện thực của xã hội.
Mác cho rằng, bằng hoạt động nhận thức để nắm được cái lôgich của
hiện thực, con người sẽ tạo ra “giới tự nhiên thứ hai”, một thiên nhiên là kết
quả của nhận thức và hoạt động thực tiễn của con người, tác động vào thiên
nhiên thứ nhất (thiên nhiên tự nó). Quá trình đó chỉ có thể thực hiện được với
điều kiện đã tồn tại khách thể vật chất trước đó. Các khách thể vật chất đó
không phụ thuộc vào tư duy con người và phải tuân thủ các quy luật của vật
chất khách quan. Cái lịch sử lúc này là cái cơ sở, là yếu tố chi phối cái lôgich.
Với Mác, lôgich trong phương pháp mới của mình là lôgich “chứa đầy” nội
dung hiện thực của khách thể cụ thể. Vì thế, có mối quan hệ không thể tách
rời giữa phương pháp lôgich và phương pháp lịch sử.
Như vậy, ở trình độ tư duy lý luận thì phương pháp lôgich-lịch sử trở
thành một phương pháp thống nhất. Phương pháp lịch sử chính là phương
pháp lôgich được ứng dụng vào từng lĩnh vực cụ thể, nó là tính quy luật được

thấy ra trong từng biểu hiện cụ thể của nó. Phương pháp lịch sử không phải là
sự miêu tả tiến trình lịch sử theo kiểu liệt kê sự kiện mà là sự mô tả theo một
sợi dây lôgich nhất định của sự phát triển lịch sử. Còn phương pháp lôgich
20


×