PHÒNG GIÁO DỤC- ĐÀO TẠO KÌ THI HỌC SINH GIỎI CẤP HUYỆN LỚP 3
HOÀI NHƠN KHÓA NGÀY: 25/04/2009
ĐỀ CHÍNH THỨC Môn thi: TIẾNG VIỆT
Thời gian: 90 phút ( Không kể phát đề)
Ngày thi: 25/04/2009
Câu 1: ( 2 đ)
Ngắt đoạn văn sau thành câu và đặt dấu phảy, dấu chấm cho phù hợp. ( Viết lại
đoạn văn cho đúng ngữ pháp).
Sông nằm uốn khúc giữa làng rồi chạy dài bất tận những hàng tre xanh chạy dọc
theo bờ sông chiều chiều khi ánh hoàng hôn buông xuống em lại ra sông hóng mát trong
sự yên lặng của dòng sông em nghe rõ cả tiếng thì thào của hàng tre xanh và lòng em trở
nên thảnh thơi trong sáng vô cùng.
Câu 2: ( 2 đ)
Cho câu: “ Công chúa Tiên Dung vô cùng bàng hoàng khi thấy Chữ Đồng Tử
nằm vùi dưới cát”.
a/ Em hiểu từ “ bàng hoàng” trong câu trên thế nào?
b/ Tìm 2 từ đồng nghĩa với “bàng hoàng”.
Câu 3: ( 2 đ)
Đặt câu hỏi trả lời cho bộ phận in đậm:
a/ Mấy bạn học trò bỡ ngỡ đứng nép bên người thân.
b/ Cứ mỗi khi qua đường, mẹ lại nắm chặt lấy tay em.
c/ Khi mẹ vắng nhà, em quét sân và quét cổng.
d/ Bạn lan ngoan, hiền và học giỏi.
Câu 4: ( 4 đ)
Trong bài: “ Sao Mai”, Ý Nhi có viết:
Ngôi sao chăm chỉ Gà gáy canh tư Mặt trời ửng hồng
Là ngôi sao Mai Mẹ em xay lúa Bạn đi chơi hết
Em choàng trở dậy Lúa vàng như sao Sao Mai còn ngồi
Thấy sao thức rồi. Sao nhìn ngoài cửa. Làm bài mải miết.
a/ Trong bài thơ trên, tác giả đã sử dụng biện pháp nhân hóa và so sánh.Em hãy tìm
các từ ngữ, hình ảnh thể hiện rõ điều đó ?
b/ Em thích hình ảnh nào nhất ? Vì sao ?
Câu 5 : ( 10 đ)
Đã là học sinh lớp 3 nhưng những cảm xúc của ngày đầu đi học vẫn còn nguyên vẹn
trong tâm trí em. Hãy viết một đoạn văn ngắn ( 10-12 câu) kể lại những cảm xúc của em
trong ngày đầu tiên đến lớp. ( Có dùng biện pháp so sánh, nhân hóa).
•
Lưu ý : Chữ viết phải đúng mẫu, sạch đẹp, nếu xấu, bẩn và sai cỡ chữ trừ 2
điểm toàn bài.
PHÒNG GIÁO DỤC- ĐÀO TẠO KÌ THI HỌC SINH GIỎI CẤP HUYỆN LỚP 4
HOÀI NHƠN KHÓA NGÀY: 25/04/2009
ĐỀ CHÍNH THỨC Môn thi: TIẾNG VIỆT
Thời gian: 90 phút ( Không kể phát đề)
Ngày thi: 25/04/2009
Câu 1 : ( 2 đ)
Cho đoạn văn :
Mưa mùa xuân xôn xao, phơi phới... Những hạt mưa bé nhỏ, mềm mại, rơi mà như nhảy
nhót.
a/ Tìm từ ghép, từ láy trong đoạn văn.
b/ Tìm danh từ, tính từ trong đoạn văn.
Câu 2 : ( 2 đ)
Đặt 1 câu kể theo mẫu : Ai làm gì ?
a/ Chuyển câu kể đó thành câu hỏi.
b/ Chuyển câu kể đó thành câu cảm.
Câu 3 : ( 2 đ)
Tìm trạng ngữ, chủ ngữ, vị ngữ và cho biết trạng ngữ bổ sung ý gì cho câu ?
« Khi mùa xuân về, những tán lá xanh um che mát cả sân trường. »
Câu 4 : ( 4 đ)
Cho đoạn thơ :
« Dòng sông mới điệu làm sao
Nắng lên mặc áo lụa đào thướt tha
Trưa về trời rộng bao la
Ao xanh sông mặc như là mới may
Chiều trôi thơ thẩn áng mây
Cài lên màu áo hây hây ráng vàng
Rèm thêu trước ngực vầng trăng
Trên nền nhung tím trăm ngàn sao lên
Khuya rồi, sông mặc áo đen
Nép trong rừng bưởi lặng yên đôi bờ...
Sáng ra thơm đến ngẩn ngơ
Dòng sông đã mặc bao giờ áo hoa
Ngước lên bỗng gặp la đà
Ngàn hoa bưởi đã nở nhòa áo ai... »
( Dòng sông mặc áo- Nguyễn Trọng Tạo)
Biện pháp nào được sử dụng nhiều nhất trong đoạn thơ. Nêu những cảm nhận của em về
cái hay, cái đẹp của đoạn thơ được hiện lên nhờ biện pháp đó.
Câu 5 : ( 10 đ)
Hãy tả cái trống trường em và nêu cảm xúc khi nghe tiếng trống vào lớp. ( Viết mở bài
gián tiếp, kết bài mở rộng).
•
Lưu ý : Chữ viết phải đúng mẫu, sạch đẹp, nếu xấu, bẩn và sai cỡ chữ trừ 2
điểm toàn bài.
•
PHÒNG GD & ĐT ĐÁP ÁN KÌ THI HỌC SINH GIỎI CẤP
HUYỆN
MÔN TIẾNG VIỆT LỚP 3
Năm học : 2008-2009
Câu 1 : ( 2 đ) Đoạn văn đánh dấu câu đúng như sau :
Sông nằm quanh co uốn khúc giữa làng rồi chạy dài bất tận. Những hàng tre xanh
chạy dọc theo bờ sông. Chiều chiều, khi ánh hoàng hôn buông xuống, em lại ra sông hóng
mát. Trong sự yên lặng của dòng sông, em nghe rõ cả tiếng thì thào của hàng tre xanh và
lòng em trở nên thảnh thơi, trong sáng vô cùng.
Đúng cả 3 dấu chấm được 1 điểm. Sai mỗi dấu chấm trừ 0,5 điểm.
Đúng cả 4 dấu phảy được 1 điểm. Sai mỗi dấu phảy trừ 0,25 điểm.
Câu 2 : ( 2 đ)
a/ Nghĩa từ « bàng hoàng » : sững sờ, không ngờ tới ( HS có cách giải nghĩa khác
mà đúng) được điểm tối đa là 1 điểm.
b/ 2 từ đồng nghĩa với bàng hoàng : sững sờ, sửng sốt, ngạc nhiên... được 1 điểm.
Mỗi từ đúng được 0,5 điểm.
Câu 3 : ( 2 đ)
Đặt mỗi câu hỏi đúng được 0,5 điểm.
a/ Ai bỡ ngỡ đứng nép bên người thân ?
Bỡ ngỡ đứng nép bên người thân là ai ?
b/ Khi nào mẹ lại nắm chặt lấy tay em ?
Mẹ nắm chặt lấy tay em khi nào ?
c/ Em làm gì khi mẹ vắng nhà ?
Mẹ vắng nhà em làm gì ?
d/ Bạn lan như thế nào ?
* Chú ý: HS có cách đặt câu hỏi khác nhưng đúng yêu cầu vẫn ghi điểm tối đa.
Câu 4: ( 4 đ)
a/ ( 2 đ) Chỉ ra các hình ảnh so sánh được 1 điểm.
Ngôi sao chăm chỉ là ngôi sao Mai.
Mẹ em xay lúa, lúa vàng như sao.
Chỉ ra các từ ngữ nhân hóa như: Sao Mai chăm chỉ, thức dậy, nhìn ngoài
cửa, ngồi làm bài mải miết được 1 điểm.
b/ ( 2 đ) HS nêu được hình ảnh mình thích nhất và phân tích được vì sao thích với
lời văn trong sáng, giản dị có hình ảnh được tối đa 2 điểm.
* Chú ý: Nếu HS kết hợp cả 2 câu a và b viết dưới dang một đoạn văn tốt vẫn cho
điểm tối đa. ( Khuyến khích dạng trả lời này).Cả 2 câu dựa vào mức độ làm bài của các em
mà trừ điểm cho phù hợp.
Câu 5: ( 10 điểm)
Đảm bảo các yêu cầu sau:
a/ Thể loại: Kể lại cảm xúc trong ngày đầu đến lớp.
b/ Nội dung: Cảm xúc này có thể:
- Vui mừng xen lẫn lo âu trong ngày đầu đến lớp.
- Bỡ ngỡ trước cảnh lạ, người lạ….
- Rụt rè khi vào lớp….
- Dấu ấn sâu sắc về cô giáo chủ nhiệm…
- Tình cảm của bạn bè…
-------------------------------
c/ Biểu điểm cụ thể:
- Điểm 9- 10: Viết đúng các yêu cầu trên, lời văn gọn, trong sáng, chân thật.
Dùng từ chính xác, có hình ảnh. Biết dùng so sánh, nhân hóa phù hợp.Chữ viết
đẹp, trình bày sạch sẽ. Sai không quá 2 lỗi về chính tả, dùng từ, đặt câu.
- Điểm 7- 8: Như điểm 9- 10 nhưng có phần sút hơn một tí.
- Điểm 5-6: Đúng yêu cầu đề, văn gọn, dùng từ ngữ tương đối chính xác. Biết
dùng phép so sánh hoặc nhân hóa chính xác. Chữ viết đúng, đẹp, sai không quá
5 lỗi các loại.
- Điểm 3-4: Như 5-6 nhưng có phần sút kém hơn.
- Điểm 1-2: Chưa sát yêu cầu đề, lan man….
- Điểm 0,5: Lạc đề hoàn toàn hoặc viết vài câu…
* Lưu ý chung: Toàn bài nếu viết chữ xấu, sai cỡ chữ, trình bày bẩn trừ tối đa 2 điểm.