Tải bản đầy đủ (.doc) (35 trang)

Tác phầm CHÍ PHÈO Nam Cao

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (55.03 KB, 35 trang )

CHÍ PHÈO – Nam Cao
Nhân vật Chí Phèo
Nam Cao (1917 -1951) là nhà văn xuất sắc của nền văn học hiện thực phê phán trước
cách mạng. Là nhà văn, chiến sĩ, liệt sĩ, Nam Cao khép lại đời văn ở tuổi 36 nhưng ngòi bút của
ông đã vượt lên trên tất cả “bờ cõi và giới hạn” để “khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo
những cái gì chưa có”. Và “Chí Phèo” chính là kết quả của quá trình đào sâu, tìm tòi trên một đề tài
đã cũ. Trước Nam Cao, Ngô Tất Tố với “Tắt đèn”, Nguyễn Công Hoan với “Bước đường cùng”,
tưởng như không còn gì để nói thêm nữa về nỗi khổ của người nông dân bị dồn nén đến bước
đường cùng. Nhưng “khi Chí Phèo ngật ngưỡng bước ra từ trang sách của Nam Cao” thì người đọc
mới chợt nhận ra rằng đây mới là người nông dân khổ nhất, cùng cực nhất, là một con người có
bản tính lương thiện nhưng đã bị đẩy vào con đường lưu manh hóa. Bằng việc sử dụng ngôn ngữ
nghệ thuật đặc sắc, tài năng viết truyện ngắn bậc thầy, Nam Cao đã đem đến cho văn học dân tộc
một điển hình bất hủ về bi kịch bị cự tuyệt làm người – Chí Phèo. Qua nhân vật Chí Phèo, nhà văn
đã mang đến cho người đọc những giá trị nhân văn sâu sắc mà mỗi lần gấp trang sách lại ta không
thể nào quên.
Câu chuyện xoay quanh về số phận và cuộc đời của nhân vật Chí Phèo. Mở đầu trang
văn, Nam Cao đã để cho Chí Phèo khập khưỡng vừa đi vừa chửi. Hắn chửi trời, chửi đời, chửi cả
làng Vũ Đại, chửi những kẻ không chửi nhau với hắn, chửi cha mẹ hắn...Qua tiếng chửi, người đọc
cảm nhận được tâm trạng đau đớn tuyệt vọng và niềm khao khát được giao tiếp với đồng loại của
một con người đã bị xã hội phi nhân tính gạt ra khỏi thế giới loài người
Bằng cách mở đầu chuyện độc đáo như vậy, tác giử không chỉ giới thiệu mà còn bắt đầu
hé mở cho người đọc thấy tình trạng bi đát của một số phận, đó là số phận người nông dân bị xã
hội tàn phá về tâm hồn, hủy diệt cả nhân tính, bị phủ nhận giá trị, tư cách làm người. Có thể nói,
Nam Cao đã tạo nên ám ảnh lớn về số phận bi kịch của người nông dân Chí Phèo từ lai lịch xuất
thân. Ngay từ khi chào đời, Chí đã là một đứa trẻ vô thừa nhận, không cha, không mẹ, không gia
đình, không nhà cửa, nó bị bỏ rơi ở cái lò gạch cũ bỏ hoang, khắp người trần truồng xám ngắt. Nói
như giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh: “một số 0 to tướng trùm lên cuộc đời Chí”. Tuổi thơ của Chí
sống bằng sự cưu mang của nhiều người: anh thả ống lươn đã nhặt được Chí rồi đem cho bà góa
mù, bà góa mù bán cho bác phó cối không con. Khi bác phó cối qua đời, Chí Phèo đi ở hết nhà này
đến nhà khác, phải bán rẻ sức lao động để kiếm sống. May thay, sống giữa những người lao động,
Chí Phèo đã trở thành một anh canh điền khỏe mạnh, chăm chỉ. Cuộc đời xô đẩy, đến năm 20 tuổi,


Chí đến làm canh điền cho nhà Bá Kiến và đó cũng là đến “hành trình” đau khổ của đời người. Chí
đã qua quãng đời bi thương để bắt đầu đến bến bờ của bi kịch. Bắt đầu cái bi kịch này, Chí phải
làm điều mà hắn thấy “nhục hơn là thích huống hồ lại sợ”, đấy là bà ba quỷ cái bắt Chí bóp chân,
đấm lưng,... như vậy Chí là một người giàu lòng tự trọng, có ý thức về nhân cách. Ngoài ra Chí còn
có ước mơ bình dị, chính đáng và vô cùng đẹp đẽ: “ao ước có một gia đình nho nhỏ, chồng cuốc
mướn cày thuê, vợ dệt vải, chúng lại bỏ một con lợn nuôi để làm vốn liếng, khá giả thì mua dăm ba
sào ruộng làm.”. Chí Phèo thực sự là một người nông dân lương thiện, giàu lòng tự trọng.
Nhưng đau đớn thay, cái xã hội bất lương ấy đã không cho Chí sống an phận với cuộc đời
lương thiện nghèo khổ đó. Chỉ vì cái ghen vu vơ mà Bá Kiến đã đẩy Chí Phèo vào tù. Sau bảy, tám
năm, nhà tù thực dân đã “nhai ngấu nghiến” những gì thuộc về phần người trong Chí, đã vằm nát
bộ mặt người của Chí, phá hủy cả nhân tính đẹp đẽ. Trước mắt người đọc không còn là hình ảnh
của anh nông dân hiền như đất nữa mà giờ đây Chí mang hình dạng của một kẻ lưu manh, côn đồ:


“cái đầu thì trọc lốc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt thì đen và rất cơng cơng, hai mắt gườm gườm
trông gớm chết! Hắn mặc quần nái đen với cái áo tây vàng. Cái ngực phanh, đầy những nét chạm
trổ rồng phượng với một ông tướng cầm chùy, cả hai cánh tay cũng thế. Trông gớm chết!”. Nhà
văn dùng hai từ “gớm chết” để bày tỏ sự kinh hãi và cũng là để phân biệt hắn với những người
nông dân lương thiện khác. Không chỉ thay đổi về nhân hình mà Chí còn thay đổi hoàn toàn về
nhân tính. Về hôm trước hôm sau, Chí uống rượu từ trưa đến xế chiều, miệng thì lảm nhảm chửi.
Hắn hung hăng đến nhà Bá Kiến để trả thù bằng cách rạch mặt ăn vạ. Nhưng Bá Kiến lại là một
con người xảo quyệt, mềm nắn rắn buông, chỉ bằng vài lời nói đường mật mà lão ta đã khiến cho ý
thức trả thù của Chí bị suy sụp. Chí Phèo sống bằng nghề dọa nạt, cướp giật: khi thì nải chuối xanh
ở vườn ai, khi thì dúm muối của cô hàng xén. Không trả được thù, lần hai đến nhà Bá Kiến, Chí đã
rợi vào cạm bẫy nham hiểm của lão, trở thành công cụ, kẻ tay sai đắc lực cho lão. Chỉ cần lão ta
quằng cho vài hào để uống rượu là có thể sai hắn làm bất kì việc gì kể cả giết người. Đời Chí là
những cơn say vô tận, triền miên: “ăn khi say, ngủ trong lúc say, chửi trong lúc say...” và khi say
thì hắn rạch mặt ăn vạ. Mọi người xa lánh hắn như xa lánh một con vật gì đó rất ghê tởm. Chí Phèo
– con quỷ dữ của làng Vũ Đại. Bàn tay của Chí đã “đập nát biết bao cảnh yên vui, làm chảy máu và
nước mắt của biết bao người lương thiện”.

Từ lúc sinh ra cho đến khi trưởng thành, cuộc đời Chí là chuỗi những bất hạnh: từ anh
canh điền khỏe mạnh có những ước mơ đẹp, Chí đã trở thành con quỷ mất hết cả nhân hình, nhân
tính. Qua đây Nam Cao đã cho thấy một thực tế đau lòng về cuộc sống của nhân dân ta trước Cách
mạng tháng tám. Đó là cuộc sống bị bóp nghẹt ước mơ, khát vọng, người nông dân bần cùng hóa
dẫn đến lưu manh hóa – một cuộc sống tối tăm, không ánh sáng. Nhà văn xót thương cho nhân vật,
cay đắng và đau đớn cùng nhân vật. Đây chính là vẻ đẹp của tấm lòng nhân đạo của nhà văn dành
cho những kiếp người như Chí Phèo mà trước đó ở cái làng Vũ Đại đã có Năm Thọ, Binh Chức.
Nam Cao đã phát hiện trong chiều sâu của nhân vật là bản tính tốt đẹp, chỉ cần chút tình
thương chạm khẽ vào là có thể sống dậy mãnh liệt, tha thiết. Sự xuất hiện của thị Nở trong tác
phẩm có ý nghĩa thật đặc sắc. Đọc tác phẩm, người đọc những tưởng rằng Chí Phèo sẽ trượt dài
mãi trên con dốc của tội lỗi nhưng chính tình yêu của thị Nở - một người đàn bà xấu đến “ma chê
quỷ hờn”, ngẩn ngơ, ế chồng đã đánh thức lương tri, làm bùng cháy giấc mơ hoàn lương của Chí,
kéo Chí từ con vật trở lại làm người. Và đoạn văn viết về sự thức tỉnh của linh hồn trong Chí sau
đêm gặp thị Nở là đoạn văn tuyệt bút và đầy chất thơ của Nam Cao.
Sau cái đêm say khướt ấy, Chí Phèo được thị Nở chăm sóc tận tình, chu đáo, thị dìu Chí
vào lều và đánh cảm cho hắn. Sáng hôm sau, Chí Phèo dậy muộn và thấy “lòng mơ hồ buồn”. Cụm
từ đã thể hiện cảm xúc trở về linh hồn người trong lòng con quỷ dữ. Hôm nay, Chí Phèo đã nghe
thấy những âm thanh bình dị của cuộc sống dội vào đôi tai lần đầu tiên tỉnh táo của Chí. Đó là
tiếng chim hót, tiếng của người lao xao đi chợ, tiếng của anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá bên
sông để lòng Chí trào dâng cảm xúc “Chao ơi là buồn!”. Chí buồn bởi già rồi mà vẫn cô độc, cũng
đã bước sang cái sườn dốc bên kia của cuộc đời, Chí nhận ra rằng cô độc còn đáng sợ hơn cả đói
rét và ốm đau. Đang suy nghĩ miên man thì thị Nở bước vào cùng với nồi cháo hành bốc khói nghi
ngút. Chí Phèo thấy vậy nên “ngạc nhiên” lắm vì đây là lần đây tiên hắn được săn sóc bởi bàn tay
một người đàn bà và cũng vì từ trước tới nay hắn có được miếng ăn là do dọa nạt, cướp bóc. Chí
nhìn bát cháo bốc khói mà “bâng khuâng” vừa vui vừa buồn và có cái gì giống như sự ăn năn. Chí
húp cháo và cảm nhận một điều “cháo hành mới thơm và ngon làm sao”. Bát cháo hành xoàng xĩnh
đơn sơ nhưng chứa đựng trong đó là hương vị của tình yêu, hạnh phúc lớn lao lần đầu tiên cuộc đời
dành cho hắn. Cháo hành chính là liều thuốc giải độc giúp Chí thoát khỏi những cơn say triền
miên, khơi dậy trong sâu thẳm của Chí niềm khao khát yêu thương, khao khát mái ấm gia đình làm
cho Chí bâng khuâng, xao xuyến: “Hắn thấy lòng thành trẻ con. Hắn muốn làm nũng với thị như



với mẹ”. Một nét tâm trạng chưa bao giờ có ở Chí cho nên Nam Cao đã thốt lên rằng “ôi sao mà
hắn hiền thế ai dám bảo đó là thằng Chí Phèo vẫn đập đầu, rạch mặt mà đâm chém người”. Trong
lòng Chí bùng cháy một khát vọng: “Hắn thèm lương thiện, hắn muốn làm hòa với tất cả mọi
người” và hắn tin rằng thị Nở sẽ mở đường cho hắn. Ước mơ thời trai trẻ xa xưa vụt hiện về: có
mái nhà, có vợ, có chồng; câu nói giản dị của Chí đã thể hiện được cái khát khao đó: “Hay là mình
sang đây ở với tớ một nhà cho vui”. Một con người sống vì rượu như Chí Phèo giờ đây cũng có ý
nghĩ là uống thật ít rượu cho khỏi tốn tiền và quan trọng hơn là để tỉnh táo mà yêu nhau. Chỉ cần
một chút tình yêu thương dù là tình yêu thương của con người dở hơi, bệnh hoạn, xấu xí cũng đủ
làm sống dậy bản tính người trong Chí. Sức cảm hóa của tình yêu thương thật kì diệu biết nhường
nào.
Sau bao nhiêu năm đắm chìm trong cơn say và tội lỗi, giờ đây Chí đã thức tỉnh và có khát
vọng làm người. Cuộc gặp gỡ với thị Nở đã mở ra bước ngoặt lớn lao cho cuộc đời của Chí. Thị
Nở chính là tia chớp lóe sáng trong cuộc đời tăm tối dằng dặc như bầu trời đêm của Chí. Thị đúng
là cơn gió mát lành thổi vào cuộc đời Chí, là ngọn lửa ấm áp thổi vào quãng đời nguội lạnh của
hắn. Và có thể nói rằng thị chính là vị “thiên sứ” mà nhà văn Nam Cao đã ban tặng cho Chí Phèo.
Nam Cao đã phát hiện ra phần người nhỏ bé trong lòng con quỷ dữ, nó giống như mặt trời có thể
che mờ chứ không bao giờ có thể nguội tắt, đánh thức lương tri bằng phép nhiệm màu của tình yêu
– đó là tư tưởng nhân đạo mới mẻ và lớn lao của nhà văn.
Niềm khao khát được sống lương thiện và niềm hi vọng được trở về cuộc sống cộng đồng
trong Chí chỉ lóe lên như một ánh hào quang trong một đêm đen dằng dặc bỗng bị dập tắt một cách
phũ phàng. Chỉ vì trong mắt người dân Vũ Đại Chí chỉ là một con quỷ dữ, là một kẻ chuyên rạch
mặt ăn vạ nên bà cô thị Nở đã không chấp nhận thị lấy Chí. Như vậy một chút hạnh phúc nhỏ nhoi,
khốn khổ, tội nghiệp mà Chí Phèo cũng không được hưởng. Thị Nở đã cự tuyệt hắn và trút tất cả
những lời nói của bà cô lên mặt hắn. Chí Phèo đã có những cung bậc cảm xúc khác nhau. Đầu tiên
“hắn ngẩn mặt ra” bởi Chí không hiểu những lời nói của thị. Chới với trong đau khổ, Chí như
muốn níu kéo, cố bấu víu để giữ lại cái hạnh phúc nhỏ nhoi bằng cách đuổi theo và nắm lấy tay thị.
Điều đó cho thấy Chí khao khát có được tình yêu với thị Nở, khao khát đến với cuộc sống lương
thiện biết nhường nào. Nhưng thị đã gạt ra và giúi hắn ngã xuống. Đau khổ, tuyệt vọng và bế tắc,

hôm nay Chí lại uống rượu với hi vọng rượu sẽ giúp hắn xoa dịu nỗi đau, quên đi tất cả nhưng
“càng uống lại càng tỉnh” và nỗi niềm chua xót trào dâng “Chao ôi, buồn!”. Chí cay đắng hiểu ra
một điều: một người tập trung toàn bộ cái xấu như thị Nở còn cự tuyệt với Chí thì chắc chắn cộng
đồng làng Vũ Đại sẽ không chấp nhận Chí. Cánh cửa trở về làm người vừa hé mở thì đã bị đóng
sầm lại. Lạ lùng thay, trong hơi rượu lại thoang thoảng mùi cháo hành. Trong nỗi đau đến tột cùng
thì hương vị tình yêu lại trỗi dậy miên man, Chí “ôm mặt khóc rưng rức” – Chí khóc bởi nhận ra
rằng mình không thể trở về làm người được nữa. Chí uống rượu say và xách dao ra đi, trong ý
định, Chí định đến nhà đâm chết con “khọm già”, con “đĩ Nở” nhưng bước chân vô định của Chí
lại đến thẳng nhà Bá Kiến. Ngọn lửa căm hờn vẫn luôn âm ỉ cháy trong Chí Phèo, ngọn lửa ấy càng
bùng lên dữ dội khi Chí đã thức tỉnh. Hơn ai hết lúc này Chí hiểu ra rằng: kẻ đã cướp đi quyền làm
người, cướp đi cả bộ mặt và linh hồn của mình chính là Bá Kiến. Chí Phèo bước vào nhà Bá Kiến
và dõng dạc tuyên bố: “Tao muốn làm người lương thiện”. Chí hỏi rồi lại tự trả lời: “Không được
nữa rồi, ai sẽ làm mất những vết sẹo trên mặt. Tao không thể làm người lương thiện nữa. Biết
không!”. Chí rút dao đâm chết Bá Kiến rồi tự kết liễu đời mình. Hành động của Chí Phèo mặc dầu
là tự phát nhưng đó là hành động lấy máu rửa thù của người nông dân, “tức nước vỡ bờ” – đó là
hành động tất yếu khi người nông dân bị đè nén, áp bức. Chí Phèo đã chết trên ngưỡng cửa trở về
làm người, Chí thà chết còn hơn sống một cuộc sống thú vật. Cái chết thê thảm của Chí Phèo có ý
nghĩa lên án, tố cáo xã hội thực dân nửa phong kiến đã đẩy người nông dân lương thiện vào con


đường bần cùng hóa, lưu manh hóa và cuối cùng họ phải tìm đến cái chết để giữ được nhân phẩm
của mình. Ngòi bút nhân đạo của Nam Cao như vút lên tiếng kêu cứu: hãy cứu lấy những con
người lương thiện bị xô đẩy, bị tước đoạt nhân hình nhân tính, hãy mở đường cho họ được hoàn
lương vì bản chất tốt đẹp trong họ không bao giờ mất cả.
Nhà văn Nam Cao đã xây dựng được một nhân vật điển hình về hình ảnh của người nông
dân trước Cách mạng tháng tám: khổ đau, bị áp bức dồn đến đường cùng, họ không chỉ thiếu đói
về miếng cơm manh áo mà còn bị đày đọa về tinh thần, bị cướp đi nhân hình nhân tính, bị vằm nát
bộ mặt người, bị cự tuyệt quyền làm người. Chi tiết kết thúc tác phẩm đầy ngụ ý: biết đâu sẽ có
một Chí Phèo con bước ra từ cái lò gạch cũ vào đời để nối nghiệp bố. Nam Cao đã vạch ra một quy
luật tàn bạo: nếu còn cái xã hội như vậy thì sẽ còn những kẻ như Chí Phèo, Binh Chức, Năm Thọ,

Tự Lãng – những kẻ lưu manh được sản sinh ra từ cái xã hội xấu xa đó.
Hình tượng nhân vật Chí Phèo đã để lại trong lòng người đọc niềm xúc động, lòng cảm
thông sâu sắc đối với kiếp người nông dân lương thiện nhưng bị đẩy vào con đường bần cùng hóa,
lưu manh hóa. Tác phẩm còn là bức tranh hiện thực của xã hội phong kiến Việt Nam trước Cách
mạng tháng tám đặc biệt là nói về số phận khổ đau của những người lao động bị đẩy đến đường
cùng không lối thoát. Cùng với chị Dậu, lão Hạc... Chí Phèo đã khẳng định tính tất yếu phải có một
cuộc cách mạng để đòi lại quyền sống cho người dân Việt Nam khi đó. “Chí Phèo” sẽ mãi là kiệt
tác bất hủ bởi nó chứa đựng những tư tưởng, tình cảm lớn mang giá trị nhân đạo và hiện thực sâu
sắc. Sự kết hợp giữa giá trị hiện thực sắc bén và giá trị nhân đạo mới mẻ cao cả đã làm cho tác
phẩm “Chí Phèo” bất tử, tỏa sáng mãi với thời gian.
























Tài liệu bạn tìm kiếm đã sẵn sàng tải về

Tải bản đầy đủ ngay
×