Tải bản đầy đủ (.doc) (18 trang)

Quan niệm nghệ thuật về con người trong một người hà nội cua nguyễn khải

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (114.12 KB, 18 trang )

MỞ ĐẦU
Nguyễn Minh Châu đã từng nói:“Văn học và cuộc sống là hai vòng tròn
đồng tâm mà tâm điểm là con người”, nhận xét trên nói lên được sứ mệnh cao cả
của văn chương là phản ánh một cách sinh động và trung thực về con người. Khi
hoàn cảnh lịch sử xã hội thay đổi thì văn học cũng có một sự chuyển mình mạnh
mẽ từ quỹ đạo chiến tranh sang quỹ đạo hòa bình sau năm 1975. Các nhà văn dành
tất cả tâm lực của mình cho một cuộc đổi mới toàn diện văn chương. Đổi mới quan
niệm về nhà văn, đổi mới cách viết, đổi mới đề tài… và đặc biệt nhất là đổi mới
quan niệm nghệ thuật về con người với nội dung dân chủ và nhân bản sâu sắc. Từ
năm 1945 đến năm 1975, phát triển trong điều kiện chiến tranh, văn học nhìn con
người bằng cái nhìn lý tưởng, lấy lịch sử làm điểm quy chiếu con người. Cho nên
con người xuất hiện trong giai đoạn văn học này chủ yếu là con người cộng đồng,
con người giai cấp, con người dân tộc. Những con người đơn giản, dễ hiểu được
xây dựng theo những công thức nhất định. Nhưng từ sau năm 1975, yêu cầu đổi
mới văn học đòi hỏi nhà văn phải nhìn con người trong những mối quan hệ đời
thường đa đoan và phức tạp, khám phá con người ở khía cạnh đời tư bằng cặp mắt
nhiều chiều và bằng cách viết đa thanh.
Chúng ta đã biết bản chất của văn học là phản ánh đời sống bằng hình tượng,
chính vì vậy mà hình tượng nghệ thuật là linh hồn của tác phẩm văn học nghệ
thuật. Nghệ thuật khẳng định vẻ đẹp tâm hồn con người, do đó nghiên cứu tác
phẩm văn học là nghiên cứu thế giới tinh thần do con người sáng tạo ra và đó cũng
chính là hình thức tồn tại của tác phẩm nghệ thuật. Cho nên khi nghiên cứu tác
phẩm văn học dưới góc độ thi pháp sẽ giúp chúng ta tránh được và hạn chế được
việc chia tách tác phẩm theo cấu trúc văn bản để nghiên cứu mà phải nhìn một
cách vừa cụ thể vừa tổng quát về hình tượng nghệ thuật ở từng mảng của nó ,
chẳng hạn như quan niệm nghệ thuật về con người, thời gian nghệ thuật, không
1


gian nghệ thuật, màu sắc nghệ thuật, hình tượng tác giả trong tác phẩm.... Chẳng
hạn khi tìm hiểu con người trong văn học Việt Nam hiện đại ta sẽ thấy mỗi tác giả


có cách quan niệm riêng về con người trong tác phẩm của mình. Con người trong
tác phẩm của Ngô Tất Tố có hai dạng con người là con người oan trái ( nhưng rất
đẹp ) và con người tạo ra oan trái. Con người trong tác phẩm Nam Cao là con
người bán dần sự sống để duy trì sự sống vì vậy mà con người trong tác phẩm của
Nam Cao luôn có ý thức về tâm trạng. Và nó sẽ khác hoàn toàn với con người vũ
trụ, con người chí khí, con người tỏ lòng...trong văn học trung đại. Như ai cũng
biết Kiều bị bán vào lầu xanh chịu bao tủi nhục ê chề. Nhưng khi Từ Hải xuất hiện
cứu nàng thì cái " lầu xanh" ấy lập tức biến thành "lầu hồng". Vì màu hồng có cảm
giác đem lại sự hạnh phúc ấm áp cho con người và người con gái kia vẫn là một
con người danh giá trong tâm khảm tác giả. Ngược lại màu trắng sẽ biểu hiện đầy
đủ sự tang tóc thê lương, lạnh lẽo và cả sự trong trắng của linh hồn người trinh nữ.
Sau hơn một nửa thế kỷ lao động sáng tạo, Nguyễn Khải đã để lại một khối
lượng khá lớn tác phẩm, thuộc nhiều thể loại: truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch, ký, tạp
văn. Dù thuộc thể loại nào thì ngay từ khi mới ra đời tác phẩm của ông cũng
thường tạo được dư luận và được giới lý luận phê bình chú ý. Bạn đọc chờ đợi ở
ông một thái độ mạnh dạn, nhìn thẳng vào những vấn đề quan trọng và phức tạp
của thực tiễn. Giới nghiên cứu phê bình nhận thấy ở nhà văn một cách tiếp cận
hiện thực độc đáo, cái nhìn sắc sảo và tinh tế nhiều khía cạnh của đời sống, đặc
biệt những thân phận, những trạng thái tâm lý của con người. Tác phẩm của ông là
đề tài cuốn hút sự suy nghĩ, tìm hiểu của nhiều cây bút thuộc thế hệ nghiên cứu phê
bình trẻ tuổi xuất hiện vào những năm đất nước mở ra thời kỳ đổi mới; là đề tài
nghiên cứu của nhiều luận án tiến sĩ, thạc sĩ ở các viện nghiên cứu và trường đại
học.

2


NỘI DUNG
1. Lý thuyết chung về quan niệm nghệ thuật về con người trong văn học
1.1 Khái niệm quan niệm nghệ thuật về con người

Văn học là nhân học, là nghệ thuật miêu tả, biểu hiện con người. Con người
là đối tượng chủ yếu của văn học. Dù miêu tả thần linh, ma quỉ, đồ vật, hoặc đơn
giản là miêu tả các nhân vật, văn học đều thể hiện con người. Mặt khác, người ta
không thể miêu tả về con người, nếu không hiểu biết, cảm nhận và có các phương
tiện, biện pháp nhất định. Điều này tạo thành chiều sâu, tính độc đáo của hình
tượng con người trong văn học. Trần Đình Sử định nghĩa: “Quan niệm nghệ thuật
về con người là cách cắt nghĩa lí giải hiện thực của nghệ sĩ về hệ quy ciếu, thể hiện
tầm lí giải, tầm hiểu biết, tầm đánh giá, tầm trí tuệ, tầm nhìn, tầm cảm của nhà văn
về con người được thể hiện trong tác phẩm của mình. Qua đó quan niệm nghệ
thuật về con người là sự lý giải, cắt nghĩa, sự cảm thấy con người đã được hóa thân
thành các nguyên tắc, phương tiện, biện pháp thể hiện con người trong văn học, tạo
nên giá trị nghệ thuật và thẩm mỹ cho các hình tượng nhân vật trong đó”.
Quan niệm nghệ thuật về con người hướng người ta khám phá cách cảm thụ và
biểu hiện chủ quan sáng tạo của chủ thể, ngay cả khi miêu tả con người giống hay
không giống so với đối tượng.
Tìm hiểu quan niệm nghệ thuật về con người trong văn học là một việc làm
có ý nghĩa lớn trong nghiên cứu văn học. Quan niệm nghệ thuật về con người trong
văn học càng phong phú, đa dạng bao nhiêu thì càng làm cho việc thể hiện con
người trong văn học phong phú đa dạng bấy nhiêu. Quan niệm nghệ thuật về con
người sẽ hướng nhà văn đi vào khám phá chiều sâu của con người nó hạn chế việc
dùng nhân vật minh họa cho tư tưởng. Tìm hiểu quan niệm nghệ thuật về con

3


người của nhà văn giúp ta có cơ sở khoa học hơn để phân tích nhân vật và hiểu hơn
về phong cách tác giả.
1.2. Cơ sở lịch sử xã hội và văn hóa của quan niệm nghệ thuật con người
Quan niệm nghệ thuật về con người là nguyên tắc cảm thấy, hiểu và miêu tả
con người trong văn học. Nhưng các nguyên tắc đó có cơ sở sâu xa trong thực tế

lịch sử. trong Hệ tư tưởng Đức, Mác nói: “Trong tất cả các hình thái xã hội có
trước chủ nghĩa tư bản các đặc điểm đẳng cấp và tầng lớp được từng cá nhân riêng
lẻ thời đó cảm nhận như là cá tính không thể tách rời của họ”. Ngược lại, “Trong
các xã hội có sự thống trị của tư hữu ruộng đất, thì các quan hệ tự nhiên chiếm ưu
thế. Nơi nào tư bản thống trị thì các yếu tố được tạo thành bằng phương thức xã
hội và lịch sử chiếm ưu thế”. Hiểu như vậy thì quan niệm nghệ thuật về con người
là một sản phẩm của lịch sử.
Quan niệm nghệ thuật về con người cũng là sản phẩm của văn hóa tư tưởng.
“Quan niệm con người là hình thức đặc thù nhất cho sự phản ánh nghệ thuật, trong
đó thể hiện sự tác động qua lại của nghệ thuật với các hình thái ý thức xã hội
khác”. Thời trung đại phương Tây, người ta xem con người là sản phẩm sáng tạo
của Chúa Trời; từ thời Phục Hưng đến Khai Sáng thì con người được xem là sản
phẩm của tự nhiên; từ thế kỷ XIX thì xem con người là sản phẩm vừa của tự nhiên,
vừa của xã hội.
Quan niệm con người chính là sự khám phá về con người. Nó phản ánh cấu
trúc của nhân cách con người và các hình thức phức tạp tương ứng trong quan
hệ con người đối với thế giới.
Quan niệm nghệ thuật về con người tất nhiên cũng mang dấu ấn sáng tạo của cá
tính nghệ sĩ, gắn liền với cái nhìn nghệ sĩ. Đây là điều đã được phổ biến công nhận.
Chẳng hạn, chúng ta dễ dàng nhận thấy sự khác biệt trong quan niệm nghệ thuật về
con người trong sáng tác của Nam Cao so với Vũ Trọng Phụng hoặc Ngô Tất Tố.

4


Trong các thể loại văn học khác nhau, do chức năng và hệ thống phương tiện biểu
hiện khác nhau, quan niệm nghệ thuật cũng có sự khác nhau quan trọng.
1.3. Ý nghĩa của quan niệm nghệ thuật về con người
Quan niệm con người tạo thành cơ sở, thành nhân tố vận động của nghệ
thuật, thành bản chất nội tại của hình tượng nghệ thuật. Sự vận động của thực tế

làm nảy sinh những con người mới, và miêu tả những con người ấy sẽ làm văn học
đổi mới. Nhưng còn một khía khác là đổi mới cách giải thích và cảm nhận con
người cũng làm cho văn học thay đổi căn bản. trong lịch sử văn học sử dụng lại các
đề tài, cốt truyện, nhân vật truyền thống là rất phổ biến. Vẫn là con người đã biết,
nhưng hôm qua được nhìn ở một góc độ, hôm nay nhìn sang góc độ mới cũng tạo
thành sáng tác văn học mới.
Quan niệm nghệ thuật về con người không phải bất cứ cách cắt nghĩa, lý giải
nào về con người, mà là cách cắt nghĩa có tính phổ quát, tột cùng mang ý vị triết
học, nó thể hiện cái giới hạn tối đa trong việc miêu tả con người.
Quan niệm nghệ thuật về con người luôn hướng vào con người trong mọi chiều sâu
của nó, cho nên đây là tiêu chuẩn quan trọng nhất để đánh giá giá trị nhân văn vốn
có của văn học. Nghệ sĩ là người suy nghĩ về con người, cho con người, nêu ra
những tư tưởng mới để hiểu về con người, do đó càng khám phá nhiều quan niệm
nghệ thuật về con người thì càng đi sâu vào thực chất sáng tạo của họ, càng đánh
giá đúng thành tựu của họ.

5


2. Quan niệm nghệ thuật về con người trong Một người Hà Nội của Nguyễn
Khải
2.1. Vài nét về tác giả Nguyễn Khải và tác phẩm Một người Hà Nội
Nguyễn Khải là nhà văn luôn luôn có ý thức, có trách nhiệm với thời đại, với
xã hội, với con người. Ông luôn nhìn cuộc sống trong sự vận động và biến đổi và
bao giờ cũng muốn khám phá, lôi tuột ra những vấn đề của hiện thực.
Nguyễn Khải là nhà văn nổi tiếng với những tác phẩm “Mùa lạc”,“Một chặng
đường”,“Tầm nhìn xa”. Trước năm 1978, tác phẩm của Nguyễn Khải là cái nhìn
tỉnh táo, sắc lạnh, luôn khai thác hiện thực trong thế xung đột, đối lập cũ - mới, tốt
- xấu, ta – địch. Từ năm 1978 trở về sau, tác phẩm của ông là cái nhìn trăn trở,
chiêm nghiệm, cảm nhận cái hiện thực xô bồ, hối hả, đổi thay nhưng cũng đầy

hương sắc. Chuyển mạnh từ hướng ngoại sang hướng nội. Nhà văn nhìn con người
trong mối quan hệ chặt chẽ với lịch sử, quá khứ dân tộc, gia đình và sự tiếp nối thế
hệ. Từ đó nhà văn khẳng định những giá trị nhân văn cao đẹp của cuộc sống và con
người hôm nay. Nhân vật bà Hiền trong tác phẩm tiêu biểu cho hướng tiếp cận ấy
của nhà văn.
Tác phẩm Một người Hà Nội tiêu biểu cho các tác phẩm của Nguyễn Khải sau giai
đoạn 1978, vẻ đẹp của hình tượng của cô Hiền tiêu biểu cho nét đẹp và sức sống
bất diệt của Hà thành. Qua nhân vật này, nhà văn Nguyễn Khải đã nói lên biết bao
nhiêu điều có tính triết lý về sự thay đổi của thời gian, không gian nhưng vẻ đẹp
của con người và vốn văn hóa cùng tính cách người Hà Nội mãi là giá trị tinh thần
không thay đổi.
Nguyễn Khải là cây bút hết sức độc đáo, ở vị trí hàng đầu của nền văn học cách
mạng Việt Nam. Ông thuộc thế hệ những nhà văn trưởng thành từ cuộc kháng
chiến chống thực dân Pháp và đặc biệt có nhiều thành tựu văn học gắn liền với
những bước phát triển của cách mạng và sự đổi thay của lịch sử dân tộc. Tác phẩm
của ông luôn đem lại những cách nhìn mới và sâu thẳm về con người, về cõi vô tận
6


của đời sống vốn rất mênh mông và khó nắm bắt, giàu tính triết luận và tính nhân
văn cao cả.
2.2. Quan niệm nghệ thuật về con người trong tác phẩm Một người Hà Nội
2.2.1. Con người với truyền thống văn hóa Hà Nội
Nhân vật trung tâm trung truyện ngắn là cô Hiền , một người Hà Nội bình
thường. Cũng như những người Hà Nội bình thường khác, cô đã cùng Hà Nội ,
cùng đất nước trải qua những biến động, thăng trầm nhưng vẫn giữ được cốt cách
Hà Nội, cái bản lĩnh văn hoá của người Hà Nội. Cô sống thẳng thắn, chân thành,
không giấu giếm quan điểm, thái độ của mình với mọi hiện tượng xung quanh.
Thời trẻ, cô Hiền là một người tài hoa, yêu thích văn chương, giao du với đủ loại
thanh niên con nhà giàu, nghệ sĩ văn nhân, nhưng khi chọn chồng cô không hề lãng

mạn mà chọn ông anh giáo dạy cấp Tiểu học hiền lành, chăm chỉ. Cô tính toán kĩ
lưỡng khi quản lí gia đình, dạy dỗ con cái từ cách ăn nói, đi đứng… sao cho thể
hiện được nét văn hoá của người Hà Nội.
Hoà bình lập lại ở miền Bắc, cô Hiền nói về niềm vui và cả những cái có phần máy
móc, cực đoan của cuộc sống xung quanh: vui hơi nhiều, nói cũng hơi nhiều, theo
cô chính phủ can thiệp vào nhiều việc của dân quá .... Cô tính toán mọi việc trước
sau rất khôn khéo và đã tính là làm, đã làm là không để ý đến những đàm tiếu của
thiên hạ...
Miền Bắc bước vào thời kì ương đầu với chiến tranh phá hoại bằng không quân
của Mĩ. Cô Hiền dạy con cách sống “biết tự trọng, biết xấu hổ”, biết sống đúng
với bản chất người Hà Nội. Đó cũng là lí do vì sao cô sẵn sàng cho con trai ra trận:
“Tao đau đớn mà bằng lòng, vì tao không muốn nó sống bám vào sự hi sinh của
bạn. Nó dám đi cũng là biết tự trọng”...
Sau chiến thắng mùa xuân 1975, đất nước trong thời kì đổi mới, giữa không khí xô
bồ của thời kinh tế thị trường, cô Hiền vẫn là “một người Hà nội của hôm nay,

7


thuần tuý Hà Nội, không pha trộn”. Từ chuyện cây si cổ thụ ở đền Ngọc Sơn, cô
Hiền nói về niềm tin vào cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.
Nhân vật bà Hiền mang vẻ đẹp thanh lịch của người đất kinh kỳ. Đó là vẻ
đẹp có trong bản thân nhân vật và được nhân vật không ngừng ý thức vun đắp.
Đúng như câu ca xưa viết về con người Hà Nội:
“Chẳng thơm cũng thể hoa lài
Chẳng lịch cũng thể con người Tràng An”
Vẻ đẹp thanh lịch đó được thể hiện ở cách bà nuôi dạy con, uốn nắn cho chúng từ
thói quen nhỏ nhất như cách cầm bát đũa, cách múc canh, cách nói chuyện trong
bữa ăn, cách đi đứng… Điều này thật khác với cách sinh hoạt của gia đình nhân
vật xưng tôi “Cứ việc sục muôi, sục đũa vào, vừa ăn vừa quát mắng con cái,

nhồm nhoàm, hả hê, không phải theo một quy tắc nào cả”. Với bà Hiền đây không
phải là chuyện sinh hoạt vặt vãnh mà là văn hóa sống, văn hóa ứng xử của người
Hà Nội “Là người Hà Nội thì cách đi đứng nói năng phải có chuẩn, không được
sống tùy tiện buông tuồng”. Bà còn nói làm người Hà Nội thì phải “Biết lòng tự
trọng, biết xấu hổ”. Đây không phải là biểu hiện của sự kỹ tính mà thể hiện nét
tinh tế của một người có văn hóa.
Vẻ đẹp thanh lịch ấy còn thể hiện qua lối sống, qua những thói quen lịch lãm
rất Hà Nội. Dường như sự lịch lãm ấy như dòng máu chảy trong huyết quản của bà
qua bao thời gian. Thời thiếu nữ thì mở xalông văn chương, khi về già thì tĩnh tâm
hưởng ngoạn cái đẹp, trang trọng giữa nhịp sống xô bồ, náo nhiệt với hình ảnh
ngồi “Tỉa thủy tiên mỗi khi xuân về”, qua không khí căn phòng khách cổ kính,
trang trọng với “Bình phong bằng gỗ chạm… Cái sạp gụ chân quỳ … Cái lư
hương đời Hán”. Tất cả đều tinh tế và quý phái đậm hồn Hà Nội.
Sau chiến tranh, giữa đời thường là vẻ đẹp của một bà Hiền bình dân như
bao con người khác “Áo bông ngắn, quần thâm, đi dép hoặc đi guốc, khăn len
buộc đầu”. Nhưng điều đáng quý ở bà là quan niệm sống “Xã hội lúc nào cũng
8


phải có một gia tầng thượng lưu của nó để làm chuẩn cho mọi giá trị”. Đây là một
quan niệm đẹp về cái chuẩn thanh lịch. Khác với kiểu buông tuồng. Bữa tiệc chiêu
đãi hai anh lính từ chiến trường miền Nam trở về đã giúp tác giả nói lên được vẻ
đẹp ấy, đó là vẻ đẹp thanh lịch đúng chuẩn của con người Hà Nội. “Các ông mũ
dạ, áo ba-đờ-xuy, cổ thắt caravat, các bà lược giắt trâm cài hoa hột lấp lánh, áo
nhung, áo dạ, đeo ngọc, đeo dây đi lại uyển chuyển”. Vẻ đẹp này không chỉ là vẻ
đẹp một thời mà là cả một đời, nó sẽ là vẻ đẹp trầm tích văn hóa cho một thời vàng
son của lịch sử.
Ngoài vẻ đẹp thanh lịch quý phái, ở bà còn toát lên vẻ đẹp của bản lĩnh cá
nhân, bản lĩnh sống của người Hà Nội, hiểu biết, nhận thức về cuộc sống hết sức
thực tế. Là người phụ nữ nhưng bà mạnh mẽ, chủ động, tự tin, dám là chính mình.

Trong hôn nhân bà chủ động lấy một ông giáo tiểu học hiền lành chăm chỉ. Bà nào
chọn ai trong số đám văn nhân một thời vui chơi ? Sự kiện ấy làm cả Hà Nội “kinh
ngạc”. Bà tính toán việc sinh con đẻ cái sao cho hợp lý, đảm bảo tương lai con cái.
Nếu trong thời kỳ phong kiến vai trò của người phụ nữ bị xem nhẹ thì trong xã hội
hôm nay, bà Hiền luôn đề cao người phụ nữ “Người đàn bà không là nội tướng thì
cái gia đình ấy cũng chả ra sao”. Bà cũng quyết định luôn cái kinh tế gia đình
trong cái buổi giao thời đầy phức tạp. Ông chồng định mở tiệm máy in trong khi
nhà nước đang có ý “không thích cá nhân làm giàu”. Bà nhanh chóng cản ngăn
“Ông muốn làm ông chủ ở cái chế độ này à?”. Đây chính là cái nhìn tỉnh táo, sáng
suốt của con người biết nhìn xa trông rộng.
Bản lĩnh ở bà còn là tính thẳng thắn. Bà bày tỏ rất thẳng nhận xét của mình
về cuộc sống với bao vấn đề. Theo bà “Chính phủ can thiệp quá nhiều vào việc
của dân quá, nào là phải tập thể dục mỗi sáng, sinh hoạt văn nghệ mỗi tối”. Bà
cũng nhận ra cái gì đó không phù hợp trong cách nghĩ “không thích cá nhân làm
giàu”. Đây chính là thái độ nói thẳng nói thật của con người trung thực, có cái nhìn
sâu sắc với thời cuộc.
9


Vẻ đẹp của bà Hiền còn là vẻ đẹp của một nhân cách sống cao thượng, vẻ
đẹp của con người Hà Nội luôn coi lòng tự trọng là thước đo phẩm giá của mình.
Lòng tự trọng ấy được thể hiện rõ nét nhất qua câu chuyện của bà về hai người con
đi bộ đội. Khi anh Dũng xin đi bộ đội vào Nam chiến đấu, bà nói với nhân vật
“tôi” : “Tao đau đớn mà bằng lòng, vì tao không muốn nó sống bám vào sự hi
sinh của bạn bè. Nó dám đi cũng là biết tự trọng”. Đến lượt thằng con thứ hai lên
đường bà cũng nói “Tao không khuyến khích cũng không ngăn cản, ngăn cản tức
là bảo nó tìm con đường sống để các bạn nó phải chết, cũng là một cách giết chết
nó”. Bà muốn sự công bằng như bao bà mẹ khác “Tao cũng muốn sống bình đẳng
với các bà mẹ khác, hoặc sống cả, hoặc chết cả, vui lẻ có hay hớm gì”. Là người
mẹ ai mà không yêu con, không muốn con gặp gian nguy, bất trắc nhưng ở đây bà

Hiền muốn dạy con đừng bao giờ sống đớn hèn, sống bám vào sự hi sinh của
người khác là sống đáng hổ thẹn. Lòng tự trọng không cho phép con bà sống hèn
nhát, ích kỷ. Ở đây bà còn hiện lên vẻ đẹp của người mẹ thời chiến có ý thức trách
nhiệm với đất nước với dân tộc, biết sẻ chia trước đau thương mất mát của biết bao
người mẹ khác. Lòng tự trọng giúp con người ta sống có trách nhiệm với cộng
đồng. Ở bà Hiền, lòng tự trọng của cá nhân đã hòa vào lòng tự trọng của dân tộc.
Đây là một cách ứng xử rất nhân bản.
Bà còn là con người luôn lưu giữ những niềm tin vào cuộc sống. Dù sống
trong cơn lốc thị trường làm xói mòn đi nếp sống của người Hà Nội ngàn năm văn
vật nhưng nó không làm lay chuyển được ý thức của con người luôn tin vào giá trị
văn hóa bền vững của Hà Nội không thể mất đi. Bà quan niệm rằng “Với người
già, bất kể ai, cái thời đã qua luôn là thời vàng son, mỗi thế hệ đều có thời vàng
son của họ. Hà Nội thì không thế. Thời nào nó cũng đẹp, một vẻ đẹp riêng cho mọi
lứa tuổi”. Đấy chính là niềm tin mãnh liệt vào những giá trị cổ truyền. Nhà văn
còn đem hình ảnh cây si cổ thụ vào phần cuối của truyện với thái độ ngợi ca nhân
vật với sự trân trọng những giá trị tâm linh. Cây si bật gốc đổ lên mái đền Ngọc
10


Sơn nhưng nhờ vào tình yêu và niềm tin của con người mà nó đã sống lại. Sự sống
lại cây cổ thụ là niềm lạc quan tin tưởng của tác giả vào sự phục hồi những giá trị
tinh thần của Hà Nội. Những giá trị văn hóa bền vững sẽ không mất đi, nhà văn ao
ước những giá trị ấy sẽ hóa thân vào hiện tại “Một người như cô phải chết đi thật
tiếc, một hạt bụi vàng của Hà Nội rơi xuống chìm sâu vào lớp đất cổ. Những hạt
bụi vàng lấp lánh đâu đó ở mỗi góc phố Hà Nội hãy mượn gió mà bay lên cho đất
kinh kỳ lung linh chói sáng những ánh vàng”.
Qua nhân vật bà Hiền, nhà văn khẳng định sức sống bền bỉ của các giá trị
văn hóa mang nét đẹp Hà Nội. Qua đó tác giả gửi gắm niềm thiết tha gìn giữ các
giá trị ấy cho hôm nay và cho cả mai sau. Từ đó chúng ta thêm yêu quý, tự hào về
văn hoá, đất nuớc, con người Việt Nam trong mối quan hệ chặt chẽ với lịch sử, với

quá khứ dân tộc, với quan hệ gia đình và nối tiếp thế hệ. Nhân vật bà Hiền là “Một
người Hà Nội” mãi mãi là hạt bụi vàng trong bể vàng trầm tích của văn hóa xứ sở.
2.2.2 Con người trong mối quan hệ chặt chẽ với lịch sử, quá khứ dân tộc, gia đình
và sự tiếp nối thế hệ
Trước năm 1978, tác phẩm của Nguyễn Khải là cái nhìn tỉnh táo, sắc lạnh,
luôn khai thác hiện thực trong thế xung đột, đối lập cũ - mới, tốt - xấu, ta – địch.
Từ năm 1978 trở về sau, tác phẩm của ông là cái nhìn trăn trở, chiêm nghiệm, cảm
nhận cái hiện thực xô bồ, hối hả, đổi thay nhưng cũng đầy hương sắc. Chuyển
mạnh từ hướng ngoại sang hướng nội. Nhà văn nhìn con người trong mối quan hệ
chặt chẽ với lịch sử, quá khứ dân tộc, gia đình và sự tiếp nối thế hệ. Từ đó nhà văn
khẳng định những giá trị nhân văn cao đẹp của cuộc sống và con người hôm nay.
Nhân vật bà Hiền trong tác phẩm tiêu biểu cho hướng tiếp cận ấy của nhà văn.
Tác phẩm Một người Hà Nội tiêu biểu cho các tác phẩm của Nguyễn Khải sau giai
đoạn 1978, vẻ đẹp của hình tượng của cô Hiền tiêu biểu cho nét đẹp và sức sống
bất diệt của Hà thành. Qua nhân vật này, nhà văn Nguyễn Khải đã nói lên biết bao
11


nhiêu điều có tính triết lý về sự thay đổi của thời gian, không gian nhưng vẻ đẹp
của con người và vốn văn hóa cùng tính cách người Hà Nội mãi là giá trị tinh thần
không thay đổi.
Nhân vật cô Hiền vốn xuất thân trong một gia đình giàu có, lương thiện, được dạy
dỗ theo khuôn phép nhà quan, thời trẻ là một thiếu nữ xinh đẹp, thông minh, mở
xalông văn chương để giao lưu rộng rãi với giới văn nghệ sĩ Hà thành. Cô là con
người trí thức, hiểu biết rộng, là con người có “bộ mặt tư sản”, một cách sống rất
tư sản : “Ở trong một tòa nhà rộng, tọa lạc ngay tại một đường phố lớn, hướng
nhà nhìn thẳng ra cây si cổ thụ và hậu cung đền Ngọc Sơn”. Cái mặc cũng sang
trọng quá: “Mùa đông ông mặc áo Ba-đờ-xuy, đi giày da, bà mặc áo Măng-tô cổ
lông, đi giày nhung đính hạt cườm”. Cái ăn cũng không giống với số đông: “Bàn
ăn trải khăn trắng, giữa bàn có một lọ hoa nhỏ, bát úp trên đĩa, đũa bọc trong giấy

bản, và từng người ngồi đúng chỗ quy định”. Đây là một lối sống nền nếp, lịch
lãm, nhìn thì cứ ngỡ là tư sản nhưng thực chất cô Hiền không phải là tư sản bởi vì
“Cô không bóc lột ai cả thì làm sao gọi là tư sản”. Cô làm ăn lương thiện với cửa
hàng hoa giấy do chính tay tự làm và các con phụ giúp. Trong quan hệ với người
làm, chủ và tớ “dựa vào nhau mà sống”. Tình nghĩa như người trong họ. Đây
chính là vẻ đẹp của người lao động chân chính, có nhân có nghĩa.
Vẻ đẹp của cô Hiền được miêu tả trong nhiều thời điểm khác nhau của lịch sử.
Nhân vật lại có những biểu hiện ứng xử thể hiện cá tính đặc biệt nhất quán.
Khi hòa bình lập lại 1955, nhân vật “Tôi” từ kháng chiến trở về. “Hà Nội nhỏ hơn
trước, vắng hơn trước”. Người thì tìm những vùng đất mới để làm ăn, sinh sôi.
Riêng gia đình cô Hiền vẫn ở lại Hà Nội “Họ không thể rời xa Hà Nội, không thể
sinh cơ lập nghiệp ở vùng đất khác”. Đây chính là sự gắn bó máu thịt, tình yêu của
cô đối với Hà Nội. Hay sau kháng chiến chống Mỹ, mỗi bận nhân vật “tôi” từ Sài
Gòn trở về Hà Nội, bà băn khoăn hỏi “Anh ra Hà Nội lần này thấy phố xá như thế

12


nào, dân tình thế nào ?”. Cứ ngỡ đó chỉ là câu hỏi xã giao nhưng thực chất là chứa
đựng tất cả những đau đáu, phấp phỏng và hi vọng về tương lai Hà Nội.
Chính tầm nhìn xa có ở bà Hiền, rộng ra là có ở nền văn hoá của đất kinh kì
đã tạo nên cái mà trên kia ta đã gọi là thế tồn tại uyển chuyển và ngoan cường của
Hà Nội, vượt lên trên mọi ba động của đời sống chính trị. Chi tiết bà Hiền kể cho
nhân vật "tôi" nghe về sự hồi sinh sau cơn bão của cây si cổ thụ ở đền Ngọc Sơn
mang ngụ ý triết lí sâu sắc. Các nhân vật trong truyện dường như chỉ "luận" về sự
kiện này xoay quanh sự tiếp nối của nhiều thế hệ người Hà Nội. Kì thực, ý nghĩa
của nó trong cấu trúc chỉnh thể của tác phẩm còn lớn hơn thế. Cũng cần lưu ý :
nhiều quan điểm được nói ra từ miệng bà Hiền cũng là cái mà nhân vật "tôi" và tác
giả tỏ ra tâm đắc. Lời trần thuật khách quan về đối tượng đã quyện chặt với lời
phân tích mang theo cách đánh giá riêng của người viết. Đây quả là một nét đặc

sắc của văn Nguyễn Khải - một nhà văn vẫn được nhiều người viết khác cùng thế
hệ bái phục về "năng khiếu" có thể gài lồng được vào sáng tác của mình những tư
tưởng riêng đầy táo bạo, không dễ phát ngôn, về đời sống.
Nhìn chung, bà Hiền đúng là một người Hà Nội, dù bà không thuộc "típ"
điển hình quen thuộc mà văn học cách mạng một thời ưa xây dựng trong cảm hứng
ngợi ca. Dĩ nhiên, bà cũng đã dành được sự ngợi ca, quý trọng rất mực của nhân
vật "tôi", của tác giả, nhưng đây là sự ngợi ca, quý trọng xuất phát từ một tiêu chí
đánh giá khác với trước. Cái lõi của tiêu chí đó chính là sự khẳng định bản lĩnh cá
nhân của con người trong đời sống - điều sẽ khiến cho con người trong khi biết
thích ứng với thời đại thì vẫn đóng góp được nhiều cho việc cải biến, cải tạo môi
trường tồn tại của mình theo hướng tích cực.
2.3 Cái nhìn nghệ thuật nhiều chiều đối với các hiện tượng đời sống được miêu tả
Đọc văn Nguyễn Khải, người đọc dễ dàng nhận thấy nghệ thuật trần thuật
theo một lối riêng của ông. Không thuật kể theo lối thông thường để tái hiện sự
việc, truyện của ông thiên về lối kể qua suy ngẫm, chiêm nghiệm của bản thân về
13


cuộc sống, qua lối đối thoại mang tính dân chủ với người đọc. Điều này đã tạo nên
một nét phong cách rất riêng thể hiện cá tính sáng tạo độc đáo của nhà văn. Có lẽ
đây là một yếu tố tạo nên sự thú vị, hấp dẫn cho người đọc khi tiếp cận tác phẩm
của ông. Đọc “Một người Hà Nội” cũng có thể thấy Nguyễn Khải là một nhà văn
hiểu Hà Nội sâu sắc, yêu và say mê nét đẹp văn hóa người Hà Nội và thiết tha
muốn lưu giữ mãi mãi nét đẹp văn hóa chốn kinh kỳ.
Làm nên thành công của tác phẩm nói chung và xây dựng nhân vật bà Hiền nói
riêng là nhờ vào ngôn ngữ kể chuyện đặc sắc, có tính cá thể hóa. Nhà văn ít miêu
tả, chủ yếu là kể, kể bằng quan sát, phân tích và bình luận sắc sảo giàu ý nghĩa.
Giọng điệu trần thuật mang tính trải đời, tự nhiên, trĩu nặng suy tư, giàu chất khái
quát, đa thanh, mang đậm yếu tố tự truyện qua “cái tôi”, (giọng kể tự tin xen lẫn
hoài nghi, tự hào xen lẫn tự nhiên tăng tính chân thật, khách quan.)

Hình tượng bà Hiền được xây dựng lên như để chứng minh có một tinh thần Hà
Nội, một linh hồn Hà Nội thực sự đã và đang tồn tại, để lại dấu ấn đậm nét trong
những người con của nó. Bà Hiền không phải là một "tấm gương" kiểu mẫu hiểu
theo nghĩa thông thường để các tổ chức xã hội nêu lên cho mọi người học tập, theo
cách người ta vẫn thường làm nhằm mục đích tuyên truyền, vận động. Bà chỉ là
người dân bình thường, dù xuất thân là con nhà "tư sản", dù đã có một thời "vang
bóng". Tác giả và người kể chuyện hiểu vậy nên chọn cách giới thiệu, chuyện trò
về bà thật dung dị. Bà là một người bà con xa, người dì họ của "tôi", thế thôi ! Mọi
việc bà làm đều tự nhiên, như cuộc sống hàng ngày, chẳng gây chấn động gì tới
xung quanh cả. ấy vậy, ai dám bảo chất Hà Nội ở bà không đậm đặc ? Vả lại, muốn
khám phá bề sâu văn hoá của một vùng đất, tuyệt đối không được bỏ qua những
điều tưởng là nhỏ nhặt. Nhiều khi chính chúng lại cung cấp cứ liệu thuyết minh về
vấn đề có sức nặng hơn hẳn những chuyện to tát. Dõi theo mạch kể của nhân vật
"tôi", người đọc thấy quả không có gì đáng gọi là "sự kiện" việc bà Hiền lấy
chồng, quản lí gia đình, sinh con, dạy con, cho con đi bộ đội, tiếp khách, bài trí nơi
14


ở, duy trì nếp sinh hoạt riêng,... Một câu bình phẩm của "tôi", rằng, việc bà lấy ai
không lấy, lại lấy một ông giáo cấp tiểu học hiền lành chăm chỉ làm chồng đã
"khiến cả Hà Nội phải kinh ngạc", thực chất chỉ là một cách nói phóng đại. Nếu
quả người ta có kinh ngạc, thì đó là sự kinh ngạc trước một chuyện không ngờ lại
xảy ra bình thường quá như thế. Tuy vậy, nếu bình tâm suy xét, ta lại thấy trong tất
cả những cái bình thường kia lại chứa đựng một triết lí sống đáng nể, vừa thể hiện
bản lĩnh cá nhân một con người, vừa bộc lộ lối sống đặc trưng của đất kinh kì. Bà
Hiền biết rõ mình là ai và cũng tương tự thế, bà hiểu sâu xa mình là người Hà Nội.
Sau năm 1954, gia đình bà chẳng di cư vào Nam vì "không thể rời xa Hà Nội".
Đây không đơn giản chỉ là một biểu hiện của tình yêu đối với nơi đã sinh ra và
nuôi dưỡng mình, mà còn là một biểu hiện của niềm tin vào thế tồn tại bền vững
của mảnh đất đã trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, có văn hoá riêng đã thấm

vào máu thịt cư dân nơi này. Bà Hiền có thể không nghĩ một cách rành rọt như vậy,
nhưng tác giả và nhân vật "tôi" - một sự hoá thân của ông - thì ý thức về điều này
quá sâu sắc. Nhân vật "tôi" cũng khó lòng quên lời bà Hiền răn lũ con của anh:
"Chúng mày là người Hà Nội thì cách đi đứng, nói năng phải có chuẩn, không
được sống tuỳ tiện, buông tuồng". Hoá ra vậy, làm người Hà Nội vừa là một vinh
dự, vừa là một trách nhiệm. Bà Hiền hẳn là luôn đau đáu về vấn đề này, chẳng thế
mà dù đã ngoài bảy mươi, bà vẫn để lộ tâm sự đó của mình khi hỏi người cháu
("tôi") vừa mới từ thành phố Hồ Chí Minh ra thăm : "Anh ra Hà Nội lần này thấy
phố xá thế nào, dân tình thế nào ?" Ngỡ đó chỉ là một câu hỏi xã giao thông
thường mà thực chất lại gửi gắm bao nỗi niềm, bao phấp phỏng và hi vọng về
tương lai của Hà Nội.
Viết về một mẫu người như bà Hiền, văn Nguyễn Khải trở nên khoái hoạt hơn bao
giờ hết. Hoàn toàn có thể nói bà Hiền chính là nhân vật lí tưởng (không nhất thiết
phải là nhân vật anh hùng, nhân vật phi thường) của sáng tác Nguyễn Khải giai
đoạn từ khoảng 1978 trở đi (theo sự tự phân chia của chính nhà văn). Qua bà cũng
15


như qua các nhân vật khác thuộc loại này, nhà văn đã thực sự có đóng góp cho việc
dân chủ hoá hoạt động sáng tác văn học nước nhà. Các thước đo về con người,
cuộc sống trở nên đa dạng hơn, và chính điều đó đã kích thích tinh thần đối thoại ở
độc giả. Thì đó, nhân vật "tôi" trong tác phẩm đâu có được xây dựng như một con
người nắm giữ chân lí, có quyền đưa ra lời phán quyết sau cùng về mọi sự. Anh ta
đã từng hiện lên như một kẻ khôn ranh, ứng xử thiếu đàng hoàng với người cô "tư
sản" (không ghi tên bà Hiền trong lí lịch cán bộ), một kẻ tự thị vô lối khi đưa ra
những lời nhận xét hấp tấp về Hà Nội trong một bữa tiệc. Anh ta cũng có thể sai,
cũng phải chịu lời phản biện từ chính thực tế cuộc sống. Biết nghĩ về sự "nín lặng"
(không đồng nghĩa với sự chấp thuận) của người khác thì cũng đồng nghĩa với việc
tự mình biết sẵn sàng nín lặng khi những "ý thức" khác cất lời. Sự hấp dẫn của văn
của Nguyễn Khải ở giai đoạn sáng tác thứ hai chính được đưa tới từ đặc điểm giàu

tính đối thoại dân chủ này.
Dù không có ý áp đặt cho ai về cách đánh giá một con người, cụ thể ở đây là
bà Hiền, Nguyễn Khải, thông qua nhân vật "tôi", vẫn có khả năng tạo được sự nhất
trí của người đọc khi ông đưa ra nhận xét : bà Hiền chính là một người Hà Nội, tuy
chỉ là hạt bụi nhưng đó lại là hạt bụi vàng của đất kinh kì !

16


KẾT LUẬN
Từ quan niệm nghệ thuật về con người trong Một người Hà Nội có thể nhận
thấy rõ nét rằng quan niệm nghệ thuật về con người là nguyên tắc cảm nhận thẩm
mỹ về con người nằm ẩn trong cách miêu tả, thể hiện, chứng tỏ ciều sâu chiếm lĩnh
con người trong tác phẩm. Giá trị của một tác phẩm văn học không chỉ thể hiện ở
việc nó đứng trên lập trường nào, khẳng định cái gì, phản đối cái gì, mà trước hết ở
chiều sâu chiếm lĩnh đời sống bằng nghệ thuật, cũng như chất thơ, vẻ đẹp do cách
chiếm lĩnh ấy mang lại. Quan niệm nghệ thuật về con người sẽ trở thành hình thức
chủ nghĩa thuần túy nếu như nó không phục vụ làm cho những chủ đề xã hội, triết
lý càng thêm sâu sắc và có ý vị đậm đà.
Quan niệm nghệ thuật về con người không nhất thiết đã được nhà văn ý thức một
cách rõ rệt. Rất có thể nó hiện diện một cách vô thức trong ý thức nhà văn, và khi
miêu tả nhân vật nhà văn tập trung chú ý vào nhân vật chứ không nhất thiết chú ý
đến quan niệm của chính mình. Tuy nhiên nhiều nhà văn lớn khi ý thức sứ mệnh
nghệ thuật của mình đã có ý thức sáng tạo ra quan niệm nghệ thuật mới.

17


TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Thị Dư Khánh, Thi pháp học và vấn đề giảng dạy văn học trong nhà

trường, Nxb Giáo dục, Hồ Chí Minh, 2006.
2. Nguyễn Thị Dư Khánh, Phân tích tác phẩm văn học từ góc độ thi pháp, Nxb
Giáo dục, Hồ Chí Minh.
3. Nguyễn Văn Long, Văn học Việt Nam hiện đại, Những vấn đề nghiên cứu
và giảng dạy, Nxb Giáo dục Việt Nam, 2012.
4. Trần Đình Sử, Giáo trình thi pháp học, Nxb ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh,
1993.
5. Trần Đình Sử, Một số vấn đề Thi pháp học hiện đại, Nxb Vụ giáo viên, Hà
Nội,1993.
6. Trần Đình Sử, Mấy vấn đề Thi pháp Văn học trung đại Việt Nam, Nxb Giáo
dục, Hà Nội, 1999.
7. Trần Đình Sử, Thi pháp Truyện Kiều, Nxb Giáo dục, Hồ Chí Minh, 2003.
8. Trần Đình Sử, Thi pháp thơ Tố Hữu, Nxb Tác phẩm mới Hội Nhà văn Việt
Nam, 1987.

18



×