Tải bản đầy đủ (.pdf) (146 trang)

Tư tưởng nhân bản trong lịch sử tư tưởng hàn quốc cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.83 MB, 146 trang )

VIỆN HÀN LÂM
KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI

ĐÀO VŨ VŨ

TƯ TƯỞNG NHÂN BẢN TRONG LỊCH SỬ TƯ TƯỞNG HÀN QUỐC
CUỐI THẾ KỶ 19 ĐẦU THẾ KỶ 20

LUẬN ÁN TIẾN SĨ TRIẾT HỌC

HÀ NỘI - 2019


VIỆN HÀN LÂM
KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI

ĐÀO VŨ VŨ

TƯ TƯỞNG NHÂN BẢN TRONG LỊCH SỬ TƯ TƯỞNG HÀN QUỐC
CUỐI THẾ KỶ 19 ĐẦU THẾ KỶ 20

Chuyên ngành : Triết học
Mã số : 92 29 001

LUẬN ÁN TIẾN SĨ TRIẾT HỌC

NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: PGS. TS LÊ THỊ LAN

HÀ NỘI - 2019




MỤC LỤC
MỞ ĐẦU .......................................................................................................... 1
CHƯƠNG 1. TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN
TỚI LUẬN ÁN ................................................................................................ 6
1.1. Các công trình nghiên cứu liên quan tới bối cảnh Hàn Quốc cuối thế kỷ
19 đầu thế kỷ 20 ............................................................................................. 6
1.2. Các công trình nghiên cứu liên quan tới tư tưởng nhân bản Hàn Quốc
cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 ........................................................................ 23
1.4. Những vấn đề nghiên cứu đặt ra ........................................................ 39
CHƯƠNG 2. CƠ SỞ HÌNH THÀNH TƯ TƯỞNG NHÂN BẢN HÀN
QUỐC CUỐI THẾ KỶ 19 ĐẦU THẾ KỶ 20............................................. 42
2.1. Bối cảnh xã hội Hàn Quốc cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 ..................... 42
2.2. Tiền đề lý luận của tư tưởng nhân bản Hàn Quốc cuối thế kỷ 19 đầu
thế kỷ 20 ...................................................................................................... 49
2.3. Về thuật ngữ “tư tưởng nhân bản” trong luận án.................................. 67
CHƯƠNG 3. MỘT SỐ TƯ TƯỞNG NHÂN BẢN TIÊU BIỂU Ở HÀN
QUỐC CUỐI THẾ KỶ 19 ĐẦU THẾ KỶ 20............................................. 72
3.1. Tư tưởng nhân bản của Choe Je U ........................................................ 72
3.2. Tư tưởng nhân bản của Ham Seok Heon .............................................. 89
CHƯƠNG 4. ĐẶC ĐIỂM, GIÁ TRỊ, HẠN CHẾ VÀ Ý NGHĨA CỦA TƯ
TƯỞNG NHÂN BẢN HÀN QUỐC CUỐI THẾ KỶ 19 ĐẦU THẾ KỶ 20
....................................................................................................................... 110
4.1. Đặc điểm của tư tưởng nhân bản Hàn Quốc cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 ..110
4.2. Giá trị và hạn chế của tư tưởng nhân bản Hàn Quốc cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ
20 .........................................................................................................................113
4.3. Ý nghĩa của tư tưởng nhân bản Hàn Quốc cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 .....120

KẾT LUẬN .................................................................................................. 131

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO ................................................... 136
DANH MỤC CÔNG TRÌNH ĐÃ CÔNG BỐ LIÊN QUAN TỚI LUẬN ÁN.141


MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Con người là một trong những vấn đề trọng tâm của các nền triết học. Sự thay
đổi trong cách hiểu về con người kéo theo sự thay đổi toàn bộ cách thức nhìn nhận
các vấn đề khác của con người. Những câu hỏi và trả lời về con người vẫn thường
là tiêu chí để phân định các thời kì triết học cho lịch sử mỗi nền triết học.
Trong một thời gian dài, triết học Hàn Quốc chịu ảnh hưởng của triết học
Trung Quốc với ba hệ thống cơ bản là Nho, Phật, Lão, trong đó vấn đề con người
cũng không là ngoại lệ. Chỉ tới khi tiếp xúc với làn sóng phương Tây với tri thức
khoa học kĩ thuật và tôn giáo, cùng tác động của khủng hoảng và biến động trong
nội tại xã hội Jo Seon, triết học Hàn Quốc mới buộc phải mở rộng và đứng trước bài
toán cởi mở thế giới tinh thần của chính mình. Sự gặp gỡ, va chạm với phương Tây
diễn ra mạnh mẽ vào giai đoạn cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Trong quá trình đó, thế
giới quan tam giáo lung lay trước sự biến đổi của xã hội, bộc lộ hạn chế trong việc
giải thích thế giới cũng như thiết lập trật tự cho các mối quan hệ trong xã hội đang
được mở rộng và trở nên phức tạp hơn. Đó cũng là thời kỳ tinh thần khoa học kỹ
thuật phương Tây và Ki tô giáo du nhập vào lịch sử tư tưởng triết học tam giáo
truyền thống.
Chính trong cuộc gặp gỡ đầy biến động và bạo lực này cùng những hệ quả của
nó mà việc định hình lại chính mình đã diễn ra trong tư tưởng triết học Hàn Quốc.
Câu hỏi “ta là gì?” một lần nữa được các triết gia đặt ra trong quá trình suy tưởng và
phản tư trước thời cuộc để từ đó hình thành một diện mạo mới cho thế giới tinh thần
của người Hàn Quốc. Nghiên cứu chủ đề tư tưởng nhân bản của Hàn Quốc trong
giai đoạn cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 là để tìm câu trả lời cho câu hỏi trên, từ đó
giúp ta hiểu thêm về thế giới tinh thần Hàn Quốc, cách người Hàn Quốc hiểu về tồn
tại người qua triết học của họ.

Sự tiếp xúc với phương Tây của Hàn Quốc cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 vừa là
quá trình tan rã thế giới quan mang tính đẳng cấp của văn hóa Nho giáo đi cùng với
quá trình phản tư lại triết học truyền thống của dân tộc, vừa là quá trình “Tây hóa”
1


của xã hội và tiếp nhận Ki tô giáo vào lịch sử tư tưởng triết học vốn có. Hệ quả của
quá trình này là sự hình thành bốn trào lưu tư tưởng lớn: trào lưu Vệ chính xích tà
được giới trí thức Tính lý học triển khai, trào lưu Khai hóa của giới trí thức Tây
học mới, trào lưu tôn giáo bản địa của giới trí thức bình dân và trào lưu Ki tô
giáo Hàn Quốc của giới trí thức thuộc hệ thống Ki tô giáo. Sự xuất hiện đa dạng
các trào lưu tư tưởng cho thấy những tương tác đa dạng trong quá trình tiếp xúc
với phương Tây. Tuy nhiên, một trong những yếu tố tác động mạnh mẽ nhất tới
triết học Hàn Quốc giai đoạn này là ý niệm về tồn tại tuyệt đối đến từ Thiên
Chúa giáo phương Tây. Trong bốn trào lưu tư tưởng, trào lưu tôn giáo bản địa
mới và trào lưu Ki tô giáo Hàn Quốc là hai trào lưu hình thành từ sự tác động
của tư tưởng về tồn tại tuyệt đối. Nếu như trào lưu Vệ chính xích tà có thái độ
bài trừ và phê phán, trào lưu Khai hóa có thái độ tiếp nhận Thiên Chúa giáo vô
điều kiện, thì hai trào lưu này có thái độ dung thông và thu dụng ý niệm này.
Quá trình thu dụng và dung thông ý niệm về tồn tại tuyệt đối đã giúp triết học
Hàn Quốc hình thành nên quan niệm mới về thế giới và con người, đây là điểm
mấu chốt tạo ra sự chuyển biến trong nhận thức về thế giới quan và nhân sinh
quan của triết học Hàn Quốc giai đoạn này. Đó là việc hình thành ý niệm về con
người với tư cách là một sinh mệnh tinh thần và nhân cách sáng tạo lịch sử. Do đó,
khảo sát quá trình phản tư, xác lập lại chính mình và tiếp biến ý niệm về tồn tại
tuyệt đối trong hai trào lưu này giúp ta có cái nhìn rõ hơn về quá trình hình thành ý
niệm mới về con người hình thành trong giai đoạn này.
Cùng với sự phát triển của chủ nghĩa tư bản, triết học phương Tây hiện đại
phải đối mặt với sự xuất hiện con người đại chúng, nó là sự giải phóng con người
khỏi ràng buộc duy lý sau khi nó được giải phóng khỏi ràng buộc của Ki tô giáo [7].

Trong khi đó, triết học phương Đông, trong đó có triết học Việt Nam, sau khi va
chạm, tiếp xúc, tiếp nhận triết học và văn minh phương Tây cũng đã hình thành con
người cá thể, nhưng tính chất của mẫu hình này chưa thật đã định hình rõ nét. Trong
bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế và sự giao lưu và dịch chuyển con
người đầu thế kỷ 21, vấn đề con người một lần nữa cần phải được đặt ra. Bởi với

2


quá trình tìm và hiểu về thế giới tinh thần của các nước khác cũng giúp ích cho
quá trình đưa ra mẫu hình con người Việt Nam trong bản thân triết học Việt Nam.
Nghiên cứu kinh nghiệm của triết học Hàn Quốc qua các triết gia Hàn Quốc giai
đoạn cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 vừa là nghiên cứu cần thiết để trang bị tri thức
triết học về đất nước và con người Hàn Quốc, vừa cung cấp tri thức để so sánh
với triết học Việt Nam, vừa để trang bị thêm một kinh nghiệm tham khảo cho
việc định hình mẫu hình con người Việt Nam trong thế kỷ 21.
Như vậy, (1) vấn đề bản thể người là một vấn đề trọng tâm của triết học; (2)
sáng tạo tinh thần của triết học Hàn Quốc trong quá trình tiếp xúc với ý niệm về
tồn tại tuyệt đối qua Thiên Chúa giáo phương Tây giúp hình thành nên ý niệm
mới về thế giới và con người trong trào lưu tôn giáo mới và Ki tô giáo Hàn Quốc
như thế nào; (3) nhu cầu nhận thức về con người ở cấp độ cá nhân trong bối cảnh
toàn cầu thế kỷ 21, là ba lý do để chúng tôi chọn Tư tưởng nhân bản trong lịch
sử tư tưởng Hàn Quốc cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 làm chủ đề nghiên cứu
trong luận án này.
2. Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu của luận án
Mục đích của luận án là làm rõ cơ sở hình thành tư tưởng nhân bản Hàn
Quốc cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20; phân tích nội dung của một số tư tưởng nhân
bản Hàn Quốc tiêu biểu trong giai đoạn này; nêu đặc điểm, đánh giá giá trị, hạn
chế và ý nghĩa của tư tưởng nhân bản Hàn Quốc giai đoạn này.
Theo đó, nhiệm vụ của luận án là:

- Làm rõ bản chất của bối cảnh chính trị, xã hội, tư tưởng Hàn Quốc cuối
thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 trong đó tư tưởng nhân bản được định hình.
- Phân tích và luận giải nội dung tư tưởng nhân bản của một số nhà tư tưởng
trong trào lưu tôn giáo mới và Ki tô Hàn Quốc giai đoạn cuối thế kỷ 19 đầu thế
kỷ 20.
- Khái quát đặc điểm, phân tích và làm rõ những giá trị, hạn chế, ý nghĩa
của tư tưởng nhân bản Hàn Quốc cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.

3


3. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu và cơ sở tư liệu của luận án
Đối tượng nghiên cứu của luận án là tư tưởng nhân bản Hàn Quốc giai đoạn
cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, thể hiện qua một số nhà tư tưởng tiêu biểu là Choe
Je U - đại diện cho trào lưu tôn giáo mới và Ham Seok Heon - đại diện cho trào
lưu tư tưởng Ki tô Hàn Quốc.
Phạm vi nghiên cứu của luận án là bốn trào lưu tư tưởng xuất hiện trong
giai đoạn cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, cụ thể hơn nữa là trào lưu Vệ chính xích
tà, trào lưu Khai hóa, trào lưu tôn giáo bản địa mới và trào lưu Ki tô Hàn Quốc.
Cơ sở tư liệu của luận án là các công trình nghiên cứu của học giả Hàn
Quốc về lịch sử nói chung về giai đoạn cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, lịch sử tư
tưởng triết học Hàn Quốc giai đoạn này; về hệ thống tư tưởng của các nhà tư
tưởng tiêu biểu và trước tác của các nhà tư tưởng tiêu biểu giai đoạn này.
4. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu của luận án
Luận án sử dụng phương pháp luận của triết học Marx và các phương pháp
nghiên cứu cụ thể như: Phân tích, tổng hợp, quy nạp, khái quát hóa, lịch sử,
thống nhất giữa logic và lịch sử, văn hóa, thông diễn, v.v...
5. Đóng góp mới về mặt khoa học của luận án
- Luận án khảo sát bối cảnh thời đại, tiền đề ra đời của tư tưởng nhân bản
Hàn Quốc và chứng minh đây là sự “chủ động đối mặt với khủng hoảng và thể

nghiệm cái mới” của người Hàn Quốc.
- Luận án hệ thống và khái quát hóa tư tưởng nhân bản Hàn Quốc cuối thế kỷ
19 đầu thế kỷ 20 theo ba phương diện: quan hệ với cái tuyệt đối / vô hình, quan hệ
với tha nhân / xã hội, quan hệ với chính mình.
- Luận án chỉ ra những nội dung cụ thể của tư tưởng nhân bản của hai nhà tư
tưởng tiêu biểu cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 là Choe Je U và Ham Seok Heon.
Trong đó lần đầu tiên nhìn nhận tư tưởng Ki tô giáo của Ham Seok Heon theo mạch
tiến trình lịch sử tư tưởng triết học Hàn Quốc.
- Luận án khái quát năm đặc điểm, nêu ra hai giá trị, phê phán hai hạn chế,
luận giải hai ý nghĩa của tư tưởng nhân bản Hàn Quốc cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20

4


đối với lịch sử tư tưởng triết học Hàn Quốc, một ý nghĩa lịch sử và một ý nghĩa hiện
thời của tư tưởng này.
6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án
- Hệ thống hóa quan niệm về tồn tại người và nội dung tư tưởng nhân bản của
một số nhà tư tưởng Hàn Quốc tiêu biểu cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.
- Khái quát đặc điểm, làm rõ giá trị, hạn chế và ý nghĩa của tư tưởng nhân bản
Hàn Quốc cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 trong lịch sử tư tưởng triết học Hàn Quốc và
lịch sử Hàn Quốc.
- Cung cấp hiểu biết chuyên sâu về triết học Hàn Quốc cuối thế kỷ 19 đầu thế
kỷ 20.
- Đóng góp tri thức về triết học Hàn Quốc, phương pháp tư duy của người Hàn
Quốc, về thế giới quan, nhân sinh quan và giá trị quan trong tư tưởng triết học Hàn
Quốc.
- Luận án có thể được sử dụng làm tài liệu tham khảo cho ngành Hàn Quốc
học nói riêng, nghiên cứu triết học Hàn Quốc và triết học nói chung.
7. Kết cấu của luận án

Luận án gồm phần Mở đầu, bốn chương nội dung, Kết luận, Danh mục các
công trình đã công bố, Danh mục tài liệu tham khảo và Mục lục.

5


CHƯƠNG 1
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN TỚI LUẬN ÁN
1.1. Các công trình nghiên cứu liên quan tới bối cảnh Hàn Quốc cuối thế kỷ 19
đầu thế kỷ 20
* Liên quan tới chính trị - ngoại giao Hàn Quốc cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20
Về tình hình chính trị Hàn Quốc giai đoạn cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 có:
Lịch sử Hàn Quốc (2005) của Ban biên soạn Giáo trình Hàn Quốc Học, Bài giảng
về lịch sử cận đại Hàn Quốc (2007) của Hội [nghiên cứu] lịch sử cận đại Hàn Quốc.
Các công trình này đã chỉ ra tiến trình diễn ra các sự kiện chính trong lịch sử cận đại
Hàn Quốc. Đó là những biến động của xã hội Jo Seon với các nội dung về nền
chính trị bằng đảng, chính trị thế đạo, các phong trào nông dân cuối thế kỷ 19. Tiếp
theo là những sự kiện như Điều ước Gang Hwa do (1876) đánh dấu mốc mở cửa
cho nước ngoài xâm nhập; Nhâm ngọ quân loạn (1882) của Heung Seong Đại viện
quân và phái bảo thủ tiến hành để giành quyền kiểm soát quyền lực; Chính biến
Giáp thân (1884) của những người chủ trương khai hóa và cải cách; Cách mạng
nông dân Đông học năm 1894. Sau khi cách mạng nông dân Đông học bị dập tắt,
hai thế lực nước ngoài là nhà Thanh và Nhật Bản đụng độ với nhau trong cuộc
chiến Thanh - Nhật cùng năm. Nhà Thanh thất bại, Nhật Bản ám sát hoàng hậu
Myong Seong để chấm dứt sự ảnh hưởng của nhà Thanh tới Jo Seon. Tháng 2/1896,
vua Go Jong chạy sang Đại sứ quán Nga để tránh quân Nhật Bản. Vua đổi tên nước
thành Đại Hàn đế quốc, kêu gọi Nga gửi quân tới Jo Seon. Năm 1904, cuộc chiến
Nga - Nhật tiếp tục nổ ra trên đất Jo Seon. Nhật Bản tiếp tục giành thắng lợi và từng
bước tiến hành hợp bang với Hàn Quốc qua con đường ngoại giao. Đến năm 1910,
Hàn Quốc chính thức trở thành thuộc bang và chịu sự cai trị của đế quốc Nhật Bản.

Ngày 1/3/1919, nổ ra phong trào biểu tình đòi độc lập trên toàn Jo Seon. Phong trào
này thất bại. Bước sang những năm 1920, đế quốc Nhật Bản gia tăng khai thác
thuộc địa, biến Jo Seon thành bàn đạp xâm nhập Đại lục. Các phong trào xã hội phát
triển mạnh như phong trào báo chí và xuất bản cổ xúy cho tinh thần dân tộc và củng
6


cố dân tộc tính. Năm 1945, sau khi Nhật Bản thua trong thế chiến thứ 2, Hàn Quốc
được giải phóng.
Về quan hệ giữa Jo Seon và các nước phương Tây, các nước phương Tây và Jo
Seon trong giai đoạn này có các công trình: Phương Tây và Jo Seon - lịch sử đối
đầu của hai nền văn hóa lạ (1997) của Gang Je Eon; Tiếp nhận văn hóa phương
Tây và cải cách cận đại (2004) của Viện nghiên cứu Quốc học, Đại học Yon Sei;
Cuộc gặp với văn hóa phương Tây (2010) của Ủy ban biên soạn Quốc sử, Văn minh
và dã man - Jo Seon thế kỷ thứ 19 qua nhãn quan của tha nhân (2008) của Jo Hyon
Beom, v.v... Quá trình Jo Seon tiếp xúc với phương Tây được các công trình trên
mô tả có thể đúc kết trong các từ khóa như: Tây học, Ki tô giáo và văn minh vật
chất phương Tây. Trong giai đoạn này, mối quan hệ ban đầu là sự tiếp xúc của Jo
Seon với phương Tây qua sách về khoa học được các nhà Thực học mang về từ nhà
Thanh hồi thế kỷ 18, sau đó là sự phê phán, bài trừ Thiên Chúa giáo từ phía Nho sĩ
và chính quyền Jo Seon vào thế kỷ 19 [41]. Sau khi mở cửa năm 1876, đặc biệt là
sau khi tiến hành cải cách Giáp ngọ, việc tiếp nhận văn minh vật chất phương Tây,
khoa học, lối sống, báo chí và đạo Tin lành diễn ra tích cực hơn [40]. Các tư tưởng
như tư tưởng Ki tô giáo, hệ thống vạn quốc công pháp, thuyết Tiến hóa xã hội, tư
tưởng nhân quyền là những khía cạnh tư tưởng được tiếp nhận trong quá trình tiếp
xúc với phương Tây [63].
Jo Seon trong con mắt của người phương Tây có thể được tổng kết qua các nội
dung: chế độ chính trị bị lũng đoạn bởi tham ô, chính sách bế quan tỏa cảng, mê tín,
lối tư duy chưa phân hóa, người dân có ý thức cộng đồng nhiều hơn châu Âu nhưng
mất vệ sinh, lười biếng, thiếu tính chính xác, v.v..., Jo Seon hiện ra là một nước bán

khai và cần phải được văn minh hóa trong mắt của các nhà truyền giáo người
phương Tây [78]. Đặc biệt, về tôn giáo tại Jo Seon, các nhà truyền giáo nhận thấy
các hình thức tôn giáo của người Hàn Quốc chủ yếu là tín ngưỡng dân gian như thờ
thần tự nhiên, Lên Đồng, cầu phúc, phong thủy, ma quỷ, v.v... người Jo Seon được
mô tả là có thái độ dựa dẫm vào tồn tại siêu việt và xuất chúng hơn mình, tin vào
quan hệ tương thông giữa thần và người, muốn giải thoát tâm hồn khỏi đau khổ và
7


phiền não [63, tr. 224]. Người phương Tây cũng đánh giá người Jo Seon là những
người “tự trọng và thấp kém” [95, tr. 141], họ cho rằng Jo Seon là nước của những
người ở ẩn - tức là khá “đóng” về mặt văn hóa và bất lực trước nền chính trị bóc lột
dân chúng [95, tr. 142] do thiếu năng lực tham gia vào chính trị [95, tr. 143].
Trình bày về quan hệ giữa Jo Seon và Nhật Bản, Nhật Bản và Jo Seon có các
công trình: Thuyết tiến hóa xã hội và tư tưởng xã hội thực dân (2003) của Park
Seong Jin, Biến chuyển khuôn thức tư duy (paradigm) của Đông Á thế kỷ 19 và đế
quốc Nhật Bản (2007) của Gang Sang Gyu; Nhận thức về ‘phương Đông’ của
người Đông Á (2010) của Choe Won Sik, Paek Young Seo; Giáo trình Lịch sử Hàn
Quốc cận hiện đại của Kim Kwang Nam chủ biên v.v... Từ những năm cuối của thế
kỷ 19, Nhật Bản đã lấy nhiều cớ để tiến quân vào Jo Seon hay dùng nhiều thủ đoạn
ngoại giao để yêu cầu Jo Seon mở cửa. Sau khi ép Jo Seon mở cửa, Nhật Bản dựa
vào các hiệp ước đã ký kết để cùng triều đình Jo Seon đàn áp các cuộc nổi dậy trên
đất Jo Seon, tranh giành quyền kiểm soát Jo Seon với nhà Thanh, sau đó là với Nga.
Vào giai đoạn sau đó, khi Nhật Bản chiếm Jo Seon (1910) và xây dựng cơ sở vật
chất cho quá trình xâm lược các nước khác, chính sách thống trị thực dân như
thuyết ‘Nhật Tiên đồng hóa’ với nội dung về phương pháp đồng hóa được đăng
công khai trên tờ Nhật báo hàng ngày, các cuộc triển lãm thể hiện một Nhật Bản
vượt trội, nội dung về thuyết ‘Nội Tiên nhất thể’ và mâu thuẫn của nó được các nhà
nghiên cứu Hàn Quốc phân tích, phê phán và lên án khá chi tiết [58].
Cụ thể hơn về tình hình đô hộ của đế quốc Nhật Bản, Giáo trình Lịch sử Hàn

Quốc cận - hiện đại (Kim Kwang Nam chủ biên) chỉ ra các giai đoạn của quá trình
đô hộ: Giai đoạn thứ nhất (1910~1919),1 Nhật Bản tập trung vào xây dựng chính

Giai đoạn cai trị thứ nhất (1910~1919): thực dân Nhật Bản xác lập cơ quan chính quyền thống trị là Tổng
đốc phủ, xây dựng hệ thống hành chính, quân sự, trường học và tiến hành các hoạt động kinh tế. Tổng đốc
phủ Jo Seon thực thi các chính sách đàn áp, cấm lập hội chính trị, đóng cửa các tòa báo xuất bản bằng chữ
Hangul, bắt học sinh mặc đồng phục kiểu Nhật Bản. Về mặt kinh tế, thực dân Nhật Bản bắt đầu tổ chức lại
thị trường lương thực và nguyên liệu nhằm độc chiếm và độc quyền thị trường, đồng thời cho xây dựng
đường ray, cảng biển, đường xá và mạng thông tin phục vụ cho việc bòn rút thuộc địa. Chúng cũng cho điều
tra đất đai và cướp trắng ruộng của nông dân hay buộc nhiều công ty của người Hàn phải đóng cửa. Những
hành động này của chính quyền thực dân đã khiến cho người dân Jo Seon vô cùng khổ cực và kiệt quệ để rồi
bùng nổ phong trào biểu tình đòi độc lập ngày 1 tháng 3 năm 1919.
1

8


quyền thực dân, hệ thống hành chính, kinh tế, trường học. Giai đoạn thứ hai
(1920~1936) tập trung vào chính sách văn hóa;2 Giai đoạn thứ ba (1936~1945), đế
quốc Nhật Bản huy động người Hàn Quốc vào cuộc chiến tại lục địa và đồng hóa
tinh thần.3 Theo các tác giả của 100 năm qua chúng ta đã sống ra sao tập 3, võ sĩ
đạo người Nhật có tên là Saiko là tác giả của thuyết Chinh Hàn xuất hiện năm 1873,
sau đó được hai phái là phái dùng Vũ lực và phái dùng Văn trị tiếp tục áp dụng [95,
tr. 126-127]. Phái Văn trị chủ trương thành lập chính quyền khai hóa thân Nhật, xây
dựng hệ thống cơ sở vật chất bóc lột kinh tế trong khi đó phái Vũ lực chủ trương
dùng chiến tranh, ám sát hay bạo động để xâm lược. Cuộc chiến Nga - Nhật nổ ra
trên đất Jo Seon do phái Vũ lực gây ra, dẫn tới việc hợp nhất Jo Seon vào Nhật Bản
năm 1910. Luận thuyết trong chủ trương xâm lược Hàn Quốc của Nhật Bản dựa
trên hai thuyết, thứ nhất là thuyết ‘Thoát Á luận’ với nội dung văn minh hóa Nhật
Bản và xâm lược châu Á như các nước phương Tây, thứ hai là thuyết ‘Hưng Á

luận’ với quan điểm phải đoàn kế những nước châu Á có cùng văn hóa, trong đó
Nhật Bản là mãnh chủ đánh đuổi phương Tây và làm cho châu Á trở nên phú cường.
Sau khi đã chiếm Jo Seon, Nhật Bản thống trị bằng chính sách mở rộng lãnh thổ với
hai mục đích là bóc lột kinh tế trên danh nghĩa xây dựng đường sắt, cảng biển, khai
khẩn, xây dựng quân đội [95, tr. 131] và chính sách văn hóa như nêu cao chủ nghĩa
Giai đoạn thứ hai (1920~1936) là giai đoạn Nhật Bản tiến hành chính sách văn hóa chủ yếu bằng các hoạt
động mua chuộc, nuôi dưỡng phái thân Nhật với các nội dung cụ thể: 1- Lấy người trung thành tuyệt đối với
Nhật Bản làm quản lý; 2- Lựa chọn những nhân vật ‘thân Nhật’ dám hi sinh tính mạng để trà trộn vào giới
quý tộc, lưỡng ban, Nho sinh, các nhà tiểu tư sản, nhà giáo dục hay giáo chủ để chuyển hướng tổ chức thành
tổ chức thân Nhật; 3- Biến giáo chủ của các tổ chức tôn giáo thành người thân Nhật và đặt các cố vấn người
Nhật vào tổ chức; 4- Tài trợ cho người thân Nhật và giáo dục “tài năng” cho giới trí thức thân Nhật; 5- Bày
sinh kế cho giới lưỡng ban thất nghiệp bằng cách cho họ vào đội tuyên truyền hay đội do thám; 6- Lấy vốn
Nhật Bản “giúp đỡ”, mua chuộc các tiểu tư sản Jo Seon để lôi kéo họ chống lại nông dân và người lao động
Jo Seon; 7- Thành lập các tổ chức thân Nhật trên toàn quốc để kiểm soát hoạt động của nông dân Jo Seon.
3
Giai đoạn thứ ba (1936~1945) bắt đầu từ khi Nhật Bản chủ trương xâm lược Đại lục. Jo Seon bị biến thành
căn cứ địa tham chiến. Năm 1936, ngay sau khi nhậm chức Tổng đốc phủ, Tổng đốc Minami đã ban bố Lệnh
kiểm soát công nghiệp, lấy phát triển công nghiệp quân đội làm trọng tâm cho kinh tế chiến tranh. Công
nghiệp nặng và công nghiệp hóa học, hạ tầng giao thông, thông tin được đầu tư xây dựng. Lệnh giam cầm dự
bị và lệnh bảo hộ tội phạm chính trị người Jo Seon được ban bố cùng với các hoạt động lùng sục và đàn áp
phong trào đấu tranh tư tưởng của người Hàn Quốc. Chính sách đồng hóa học sinh Jo Seon với các khẩu hiệu
như “Nội Tiên nhất thể”, “Hoàng quốc đồng dân”, giáo dục sai lạc lịch sử, địa lý Hàn Quốc, giải tán các học
hội của người Hàn Quốc, bắt người Hàn Quốc thực hiện các nghi lễ Thần đạo theo tín ngưỡng của Nhật Bản.
Thực dân Nhật Bản bắt thanh niên Hàn Quốc làm binh lính tham chiến, tổ chức các đội lao động “bảo quốc”
để ép người Hàn Quốc lao động trong xưởng sản xuất vũ khí và quân bị. Chúng tuyển chọn phụ nữ, thành lập
đội “Úy an phụ” trong quân đội để mua vui cho binh lính Nhật Bản. Phải đến khi thua cuộc trong Thế chiến
thứ hai và hứng chịu hai quả bom nguyên tử, Nhật Bản mới chấm dứt dã tâm đế quốc của mình và Hàn Quốc
được độc lập năm 1945 qua sự thất bại này của thực dân Nhật Bản.
2


9


châu Á trong lực lượng lục quân với những luận điệu như ‘đồng văn đồng tổ’ hay
‘môi hở răng lạnh’, nhấn mạnh tới việc đề cao tính mệnh và lợi ích trước hết [95, tr.
132]. Chính sách đồng hóa về mặt tinh thần cũng đồng thời được thực dân Nhật Bản
tuyên truyền trên đất Jo Seon, đặc biệt là từ sau chiến tranh Trung - Nhật năm 1937:
từ việc triệt để xóa bỏ ý thức dân tộc, văn hóa dân tộc, họ tên, ngôn ngữ và lịch sử,
cho tới việc nhấn mạnh dân tộc Hàn Quốc và dân tộc Nhật Bản là một, việc Nhật
Bản hóa Hàn Quốc là một ân huệ đặc biệt của Thiên Hoàng để cứu tế dân tộc Hàn
[95, tr. 133-134].
Sự khác nhau trong nhận thức về phương Đông thời cận đại của Nhật Bản,
Trung Quốc, Hàn Quốc do hai tác giả Choe Won Sik và Pek Young Seo khảo cứu,
cho thấy những phản ứng khác nhau về vấn đề cải cách để từ đó hình thành quan
niệm về Đông Á khác nhau của mỗi nước. Cụ thể, với Nhật Bản - nước đã khai hóa
thành công thì quan niệm về Đông Á chuyển từ ‘khu vực lạc hậu’ sang ‘Đông Á
sánh ngang với phương Tây’, nhất là sau khi giành chiến thắng trong cuộc chiến
Nga - Nhật. Quan điểm này sau đó chuyển thành quan điểm ‘Đông Á là một’, Nhật
Bản khẳng định vị trí vượt trội của chính mình, rồi chuyển dần sang mâu thuẫn ‘hô
vang khẩu hiệu độc lập cho châu Á, cộng đồng hợp tác châu Á nhưng lại xâm chiếm
và đô hộ Hàn Quốc’ [80, tr. 17-20]. Trung Quốc vốn nhận thức phương Đông như
khu vực có mình làm trung tâm, nhưng sau khi nhận thấy dã tâm của Nhật Bản,
Trung Quốc chủ trương chủ nghĩa Tân châu Á với nội dung giải phóng các dân tộc
nhược tiểu bị áp bức và phương pháp là thành lập một liên bang Á Châu để tham
gia các diễn đàn thế giới, nơi có sự tham gia của các đoàn thể khu vực khác [80, tr.
20-22]. Với Hàn Quốc, sau khi nhận thấy trật tự địa chính trị Đông Á có Trung
Quốc là trung tâm sụp đổ, Hàn Quốc đã công nhận Nhật Bản là mãnh chủ của châu
Á. Nhưng sau khi Nhật Bản hiện thực hóa ý đồ trở thành nước bảo trợ, các phong
trào đấu tranh tại Hàn Quốc rẽ sang hai hướng. Một là đi theo chủ nghĩa dân tộc và
phát triển tư tưởng xây dựng đất nước dân tộc độc lập, tự cường. Hai là hướng

thuần túy phê phán Nhật Bản là kẻ đã phá vỡ liên minh Đông Á. Vào thời kỳ bị đế
quốc Nhật Bản đô hộ, trào lưu tìm lại đặc trưng của văn hóa châu Á phát triển cùng

10


với quá trình phê phán, bài trừ những điểm khác biệt của văn hóa châu Á với văn
hóa phương Tây. Một trào lưu khác là phát hiện lại phương Đông để xác định sức
mạnh dân tộc trong bối cảnh mới của lịch sử [80, tr. 23-26].
* Liên quan tới tình hình xã hội Hàn Quốc cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20
Các công trình nghiên cứu về tình hình xã hội Hàn Quốc cuối thế kỷ 19 đầu
thế kỷ 20 có thể kể ra đây: Một trăm năm qua chúng ta đã sống ra sao tập 1 & 2
(2008) của Hội nghiên cứu lịch sử Hàn Quốc; Cuộc gặp với văn hóa phương Tây
(2010) của Ủy ban biên soạn Quốc sử; Văn minh và dã man - Jo Seon thế kỷ thứ 19
qua nhãn quan của tha nhân (2008) của Jo Hyon Beom; Bài giảng về lịch sử cận
đại Hàn Quốc (2007) của Hội [nghiên cứu] lịch sử cận đại Hàn Quốc; Tranh luận
cận đại Hàn Quốc và cận đại hóa thực dân (2012) của Jeong Yeon Tae.
Giai đoạn cuối thế kỷ 19, xã hội Hàn Quốc được khắc họa là một xã hội chìm
đắm trong bệnh tật, hạn hán mất mùa, dân trí thấp, đời sống vệ sinh bất cập, tâm lý
mê tín dị đoan lan tràn. Hạn hán năm 1877, mất mùa những năm 1882, 1885, 1888,
1892, 1893. Công trình 100 năm qua chúng ta đã sống ra sao tập 1 cho biết hiện
trạng bệnh tật, dân trí thấp và mê tín dị đoan trong xã hội qua ghi nhận về dịch tả:
“Căn bệnh truyền nhiễm xuất hiện nhiều nhất trên bán đảo Hàn vào thời điểm đầu
thế kỷ 19 là bệnh tả. Bệnh này chính thức được phát hiện lần đầu vào năm 1821, sau
đó 3~4 năm thì truyền vào Jo Seon và là nguyên nhân gây tử vong cho hơn 5% dân
số Jo Seon lúc bấy giờ... Người Jo Seon khi đó cho rằng có một con ma chuột chui
vào người mình khiến họ bị mắc bệnh tả. Thế nên người ta đã lấy hay vẽ những bức
hình của mèo - kẻ thù không đội trời chung của chuột, rồi dán lên trước cửa nhà làm
bùa xóa tà ma” [93, tr. 33-34].
Sau khi nhận thấy xu thế tất yếu cần mở cửa để chủ động thay đổi hệ thống

cho phù hợp với thời đại cũng như nhận thấy sức uy hiếp của dân chúng sau cuộc
cách mạng nông dân Đông học, triều đình Jo Seon đã tiến hành cải cách Giáp Ngọ4

Cuộc cải cách 3 đợt, kéo dài từ 1894 ~ 1896, được tiến hành trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội. Về
chính trị, trọng tâm là giảm bớt quyền lực của nhà vua bằng việc thiết lập cơ quan Quân quốc cơ vụ xứ để xử
4

11


để chấn chỉnh đất nước và củng cố lại vương quyền. Đô thị hóa, xây dựng cơ sở hạ
tầng như hệ thống điện, giao thông, thông tin, hệ thống giáo dục, báo chí được triển
khai nhanh chóng. Sự thay đổi trong nhận thức về văn minh cận đại của người Hàn
Quốc còn khiến cho người phương Tây ngạc nhiên. Theo Jeong Yeon Tae, “Helbert
thấy chính việc người Hàn Quốc tiếp cận với tiến bộ vật chất đã chấp nhận thay đổi
và tận dụng chúng một cách tự do là nguyên nhân chính thúc đẩy sự thay đổi.
Người Hàn Quốc nhanh chóng nhận ra và sử dụng cái lợi của giao thông và thông
tin, họ cũng không ngần ngại công nhận tính hữu dụng của cả Ngân hàng đệ nhất
Nhật Bản và sử dụng hệ thống này. Họ nhanh chóng nhận thức được giá trị của
thương mại với nước ngoài, họ cải tiến tình trạng sinh hoạt của mình bằng các sản
phẩm nhập khẩu như may mặc, xăng dầu và diêm, thay vào đó, nhận thấy việc xuất
khẩu ngũ cốc sẽ làm tăng giá ngũ cốc, họ bắt tay vào khai khẩn, cải thiện hệ thống
thủy lợi để tăng việc sản xuất gạo” [75, tr. 200]. Nhận định này cho thấy chủ trương
mở cửa của triều đình Jo Seon và tâm lý đón nhận thời đại mới của người dân Jo
Seon đã bắt đầu thay đổi diện mạo xã hội Jo Seon.
Trong bối cảnh bị đế quốc đô hộ sau Điều ước hợp bang với Nhật Bản, các
hoạt động khải mông diễn ra sôi nổi trong lĩnh vực giáo dục và báo chí. Từ đầu
những năm 1880, triều đình Jo Seon đã cử các đoàn thị sát tới Nhật Bản, Trung
Quốc để học hỏi mô hình giáo dục ở hai nước này. Năm 1883, trường học đầu tiên
theo lối giáo dục mới được thành lập ở Won San. Đến Cải cách Giáp Ngọ thì hệ

thống giáo dục cận đại chính thức được phổ biến. Đến năm 1909, trên cả Hàn Quốc
lý các vấn đề về chế độ, hành chính, tư pháp, giáo dục, xã hội ở trung ương và địa phương bằng hình thức
trao đổi, thảo luận; chuyển hình thức Lục tào thành Bát a môn, phân định quan chế của trung ương thành hai
cơ quan riêng là Nghị chính phủ và Cung nội phủ. Đây là những cơ quan mới, độc lập giải quyết các vấn đề
của đất nước. Niên hiệu được chuyển tên thành Khai quốc kỉ nguyên. Đến lần thứ hai, Nghị chính phủ được
chuyển tên thành Nội các, tám a môn chuyển thành bảy bộ, niên hiệu một lần nữa được đổi tên thành Kiến
dương. Sau sự kiện sát hại hoàng hậu Myong Seong (1895), dưới sức ép của Nhật Bản, Go Jong tiến hành cải
cách lần thứ ba, mà cơ bản là thiết lập chính phủ nội các với các nhân sự thân Nhật.
Trong cải cách Giáp Ngọ do nhà nước Đại Hàn đế quốc tiến hành này, tiền tệđược thống nhất, thuế được
chuyển thành hình thức nộp tiền thay cho vật phẩm như trước kia, nhà nước tiến hành đổi tiền được làm bằng
bạc sang tiền giấy tại các ngân hàng, các hình thức đo đạc cũng được quy định thống nhất trên toàn Đại Hàn.
Chế độ mua bán nô dịch, chế độ đẳng cấp và khoa cử được phế bỏ, thay vào đó là hệ thống trường học.
Nhiều hủ tục (như tảo hôn, cấm tái giá) được phế bỏ hay điều chỉnh. Đến lần cải cách thứ ba, thái độ mở cửa
và tích cực tiếp nhận văn minh, vật chất phương Tây thể hiện rõ như việc ban bố lệnh cắt tóc ngắn, sử dụng
Tây lịch, mở trường tiểu học, thiết lập hệ thống bưu điện...

12


đã hình thành 2.250 trường học tư với quy mô lớn nhỏ khác nhau [93, tr. 46-47].
Mục tiêu tập trung vào phát triển con người dân tộc với nội dung giáo dục chủ yếu
là để khai minh, phú cường và phát triển con người kiêm bị trí dục, đức dục, thể dục
và cổ xúy cho tình yêu nước, khôi phục lại quốc quyền đang lung lay trước thế lực
nước ngoài. Trong nền giáo dục do đế quốc Nhật Bản kiểm soát, người Jo Seon chỉ
học chương trình phổ thông và nghề nghiệp chứ không được học tới bậc đại học.
Mục tiêu của nền giáo dục này là biến người Jo Seon thành những quốc dân trung
thành của Hoàng quốc Nhật Bản, dần xóa đi cảm thức dân tộc và chuẩn bị tinh thần
chiến đấu để sẵn sàng trở thành quân nhân của Nhật Bản. Theo Hội nghiên cứu lịch
sử Hàn Quốc, “bất chấp sự gia tăng nền giáo dục Hoàng dân hóa, người Jo Seon vẫn
rất nhiệt tình với giáo dục. [...] Bởi nền giáo dục vốn chỉ tập trung vào tầng lớp tinh

hoa đã mở rộng ra tầng lớp người Jo Seon có thân phận thấp kém trong xã hội. [...]
Nhiệt huyết với giáo dục vẫn duy trì trong cảnh bị thực dân thống trị với cấu trúc áp
bức là bởi giáo dục là cách duy nhất để người Jo Seon vươn lên cảnh bị dịch chuyển
xã hội và chuyển đổi thân phận” [93, tr. 50-51].
Trong giai đoạn từ 1896 là năm tờ báo Độc lập số đầu tiên được xuất bản, tới
năm 1910 khi chủ quyền Jo Seon bị thực dân Nhật Bản tước đoạt, đã có khoảng 20
tờ báo các loại được ấn hành, mặc dù phần lớn các báo này không tồn tại lâu dài do
thiếu kinh phí hoạt động. Số lượng tạp chí cũng là khoảng 50 tờ. Báo chí được in
lẫn cả tiếng Hán và tiếng Hangul, nội dung chủ yếu liên quan tới việc khai mông
dân chúng, cổ xúy cho tinh thần cứu quốc, độc lập dân tộc, xây dựng quốc dân có
tinh thần tự do, bình đẳng. Tên báo, tạp chí cùng các cơ quan và học hội phát hành
đa dạng, cho thấy hoạt động báo chí diễn ra sôi nổi: Nguyệt báo của Học hội Đại
Hàn tự cường, Nguyệt báo của Học hội Đại Hàn, Học báo vùng Ho Nam, Nguyệt
báo của Học hội vùng Tây Bắc, Nguyệt báo của Học hội Gi Ho hưng học là báo của
các tổ chức ở các thành phố hay địa phương. Các tạp chí: Nữ giới chỉ nam, Hội phụ
nữ từ thiện là của các tổ chức phụ nữ; Học báo Thái cực, Học báo Hội du học sinh
Đại Hàn, Nguyệt báo Học hội Đại Hàn, Báo Đại Hàn hưng học là đầu báo do các tổ
chức du học sinh tại Nhật Bản phát hành [88, tr. 305]. Các tổ chức tôn giáo cũng
tham gia hoạt động xuất bản: Báo Vạn tuế của Thiên đạo giáo, Thánh thư Jo Seon
13


là tờ báo của giới trí thức Ki tô giáo du học từ Nhật Bản về, Báo Hội thánh Jesus,
Ki tô tân báo, Giáo hội chỉ nam, Tân dân, Tân nữ giới, Tân gia đình, Thanh niên,
Đời sống nông dân, v.v... là báo và tạp chí của các tổ chức thuộc cộng đồng Ki tô
Hàn Quốc xuất bản [90, tr. 309-332].
Sách lịch sử, sách ngữ văn cũng được tập trung biên soạn và xuất bản làm sách
giáo khoa trong nỗ lực tiếp nối tri thức truyền thống, cùng với việc tiếp nhận các tri
thức khoa học từ phương Tây, cổ xúy tinh thần dân tộc, khai sáng người dân và phát
triển đời sống sinh hoạt văn hóa mới. Có một số công trình điển hình về ngữ văn

như: Văn phạm quốc ngữ Đại Hàn (1906), Âm học văn điển quốc ngữ (1908), Đại
cương quốc văn (1909), Văn phạm quốc ngữ (1910), Bài giảng về cách đánh chữ Jo
Seon (1920), Cách dùng đúng chữ Hangul (1936), v.v... Một số cuốn sách về lịch sử
Hàn Quốc cũng đã ra đời như: Hàn Quốc thông sử của Park Eun Sik, Lịch sử Hàn
Quốc nhìn từ ý Chúa của Ham Seok Heon, v.v... các cuốn sử này vừa phải khắc
phục quan điểm lịch sử phong kiến lấy vương triều làm trung tâm, đồng thời thể
nghiệm lịch sử quan mới dưới sự kiểm duyệt nghiêm ngặt của thực dân Nhật Bản,
* Liên quan tới tình hình tôn giáo Hàn Quốc cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20
Một số công trình nghiên cứu về tôn giáo Hàn Quốc giai đoạn này có: Một
trăm năm qua chúng ta đã sống ra sao tập 1 (2008) của Hội nghiên cứu lịch sử Hàn
Quốc; Phong trào tôn giáo Hàn Quốc (2006) của Noh Gil Myong; Lịch sử Ki tô
giáo tập 2 (2012) của Hội lịch sử Ki tô giáo Hàn Quốc; Tự chủ tiếp nhận Ki tô giáo
phương Tây - Ryu Yeong Mo, Kim Gyo Shin, Ham Seok Heon (2004) do Park
Gyong Mi chủ biên; Ki tô giáo trong lịch sử quan hệ Hàn - Nhật cận đại (2009) của
Yang Hyun Hae.
Tình hình tôn giáo Hàn Quốc cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 qua tổng hợp các
công trình trên có thể được đúc kết trong các từ khóa: sự trỗi dậy của các tín
ngưỡng dân gian, tôn giáo bản địa mới, Thiên Chúa giáo - Tin lành.
Theo Noh Gil Myong trong Các phong trào tôn giáo Jo Seon, từ nửa sau
vương triều Jo Seon, hệ thống xã hội phong kiến đã bắt đầu thay đổi [47, tr. 23-26],

14


chức năng thống nhất xã hội của hệ giá trị Nho giáo ngày một suy yếu. Mâu thuẫn
và phân biệt trong xã hội vốn tồn tại trong hệ thống vương triều Jo Seon dần trở nên
gay gắt và bộc lộ ra ngoài xã hội. Những phản ứng đối phó với khủng hoảng giá trị
xã hội thể hiện ở ba dạng thức: thứ nhất là phản ứng của giới trí thức là tầng lớp
tinh hoa của xã hội với phong trào Thực học và phong trào Bảo Nho. Thứ hai là
phản ứng của người dân với phong trào tôn giáo dân chúng, ở đây tác giả đề cập tới

tín ngưỡng Thiên Chúa giáo và các tôn giáo bản địa. Thứ ba là phản ứng của giới
cầm quyền trong xã hội Jo Seon với phong trào Vệ chính xích tà (衛正斥邪) [47, tr.
27-29].
Noh Gil Myong cho rằng các hình thức tôn giáo có mục đích cứu rỗi con
người khỏi mâu thuẫn và bất công trong xã hội hiện thực, khỏi đau khổ và tội ác để
hướng tới một thế giới lý tưởng nơi con người được bình đẳng, hòa bình và sung
sướng. Theo đó, trong bối cảnh các giá trị của Tính lý học Jo Seon không còn đóng
vai trò giữ gìn trật tự và gắn kết xã hội, tư tưởng về Di lặc và Sấm vĩ5 là hai tư
tưởng phổ biến kể từ đầu thế kỷ 19, nó phản ánh khát vọng phá bỏ cái cũ, mưu cầu
trật tự xã hội mới và mong muốn xuất hiện thánh nhân hay anh hùng cứu thế. Hai tư
tưởng này cũng tác động tới sự ra đời của tôn giáo mới hay tín ngưỡng dân gian ở ý
tưởng về thế giới Long hoa, Địa thượng thiên quốc hay thế giới Hậu thiên, v.v... với
việc nhấn mạnh rằng thế giới ấy sẽ được thực hiện trên đất Jo Seon [47, tr. 58]. Noh
Gil Myong kết luận về giai đoạn này: “Vào hậu kỳ Jo Seon, với dân chúng [...] cần
một khải thị mang tính tận thế và tiên tri, có cách lý giải đơn giản và rõ ràng, vừa tố
cáo sự chấm dứt của trật tự vốn có đã lỗi thời, vừa báo hiệu một thế giới mới đang
tới, cứu rỗi họ khỏi sự áp bức và khuất phục, hỗn loạn và đau khổ” [47, tr. 60].

Tư tưởng Di lặc: Tư tưởng khải thị của Phật giáo dựa vào cuốn Kinh Di lặc tam bộ, cho rằng đệ tử của
Thích Ca Mâu Ni là Di Lặc sẽ thành Phật sau 5, 67 tỉ năm, sau khi phật Thích ca nhập tịch. Phật Di Lặc từ
5

thế giới Đạo thuật giáng hạ, thuyết giáo ba lần dưới cây Long Hoa (龍華樹)để cứu chúng sinh khỏi bể khổ.
Tư tưởng Sấm vĩ (秘訣):Bí quyết là từ để chỉ những phương pháp bí mật không được phổ biến rộng rãi như
bí dược (秘藥), bí yếu (秘要) nhưng thường được hiểu là các bí quyết đắc đạo chỉ dạy cách trở thành thần
tiên hay những lời tiên tri về quốc sự, dự đoán những sự kiện lớn sẽ xảy ra. [47, tr. 46]

15



Nếu như trong dân gian xuất hiện không khí mê tín thì cùng với sự chủ động
tiếp nhận Thiên Chúa giáo phương Tây, các cộng đồng tín ngưỡng Ki tô đã hình
thành xuất phát nhu cầu tự thân của người Jo Seon [47, tr. 63]. Các phong trào
Thiên Chúa giáo thời kỳ đầu hồi thế kỷ 17-XVIII tập trung vào việc biên dịch và
học tập các sách dịch từ tiếng Trung Quốc để tìm hiểu khoa học kỹ thuật và tư
tưởng tôn giáo. Đến năm 1784, [với nỗ lực của nhân vật Kwang Am Lee Byok]
Giáo hội Jo Seon thành lập không với bất cứ sự tác động hay giúp đỡ nào từ phía
các nhà truyền giáo phương Tây, cho thấy sự chủ động tiếp nhận Ki tô giáo của
người Jo Seon như một nhu cầu tự thân. Các phong trào sử dụng báo chí cũng
phát triển mạnh trong cộng đồng Ki tô hữu. Trải qua khoảng 100 năm bị bức hại,
Ki tô giáo Hàn Quốc cuối thế kỷ 19 chuyển từ hình thức báo chí sang phong trào
tôn giáo chống phong kiến với các nội dung đề cao tự do tôn giáo, tính bình đẳng
và tôn nghiêm của tồn tại người theo hướng thoát tục, lai thế, hơn là theo hướng đấu
tranh tại thế [47, tr. 85-87].
Đến cuối thế kỷ 19, cùng với việc mở cửa, kí kết các hiệp định thông thương
với nước ngoài và cho phép truyền giáo vào những năm 1880, đạo Tin lành du nhập
vào Jo Seon trong bối cảnh dễ dàng hơn so với Thiên Chúa giáo trước đây. Xã hội
Jo Seon tích cực tiếp nhận Ki tô giáo hơn, hoạt động của các nhà truyền giáo cũng
mạnh mẽ hơn rất nhiều. Noh Gil Myong tổng kết: “động cơ của phần lớn trí thức
tham giao vào phong trào Tin lành thời kỳ đầu là vấn đề khai hóa và độc lập mà dân
tộc đang phải đối mặt, hơn là tính tôn giáo thuần túy. Nhưng [...] lại đối lập với
chính sách của các nhà truyền giáo. Nhu cầu cải đạo của họ mang tính chính trị, dân
tộc, kinh tế, xã hội và văn hóa trong khi của các nhà truyền giáo lại là tính linh, tính
lai thế, phân tách chính giáo, theo chủ nghĩa Phúc âm và chủ nghĩa cứng nhắc. Theo
đó không thể không dẫn tới va chạm và mâu thuẫn” [47, tr. 119]. Kết quả dẫn tới
hiện tượng bài xích các nhà truyền giáo nước ngoài, việc các trí thức hướng về dân
tộc tách khỏi Giáo hội và hình thành các phái khác nhau trong Giáo hội, thành: phái
dị đoan Thần học, phái chống lại các nhà truyền giáo rồi phái chủ trương quyền lực
Giáo hội, phái theo chủ nghĩa phi Giáo hội, phái theo chủ nghĩa thần bí, phái yêu


16


nước hoang tưởng, v.v... trong nội bộ Giáo hội Hàn Quốc [47, tr. 123]. Mặc dù vậy,
các trí thức có đức tin Ki tô hướng về dân tộc sau những năm 1920 đã phát triển các
phong trào giáo dục, thể dục thể thao, kinh doanh, xuất bản, văn hóa, phát triển
nông thôn và tiếp tục hoạt động khai hóa xã hội.
Kể từ năm 1920, đế quốc Nhật Bản đưa ra luận điệu ‘Nội Tiên nhất thể’ nhấn
mạnh: “dân tộc Hàn Quốc và dân tộc Nhật Bản là một phần trong dân tộc Nhật Bản,
có chung vận mệnh chứ không phải là đối tượng giải phóng, nên cùng với dân tộc
Nhật Bản trở thành chủ thể giải phóng tất cả các dân tộc châu Á khác khỏi sự áp
bức của chủ nghĩa đế quốc phương Tây” [89, tr. 250]. Với ý đồ trên, Nhật Bản đã
thi hành chính sách hòa hữu với Ki tô giáo Hàn Quốc, yêu cầu sự hợp tác và kết hợp
với Ki tô giáo Nhật Bản, đồng thời bài trừ ảnh hưởng của các nhà truyền giáo
phương Tây. Bởi xét về logic, luận điệu “cộng đồng chung vận mệnh” để hợp nhất
dân tộc Nhật Bản và dân tộc Hàn Quốc với nhau là luận điệu xuất phát từ Ki tô giáo,
do đó nó dễ dàng được cộng đồng Ki tô giáo tiếp nhận hơn cả. Nhật Bản còn áp
dụng chính sách phải hành lễ thờ Thần đạo trong các trường học - trong đó có
trường học của các nhà truyền giáo và lấy đó làm cớ để bài trừ các nhà truyền giáo
phương Tây ra khỏi hệ thống giáo dục. Đến năm 1940, những nhà truyền giáo
người nước ngoài trong hệ thống y tế và giáo dục cũng là đối tượng bị trục xuất.
Đồng thời với quá trình đó là các chính sách thống trị và ép buộc Giáo hội Hàn
Quốc, tiếp đó thu nhận các lãnh đạo Giáo đoàn Ki tô Hàn Quốc có ý thân Nhật
thông qua luận điệu ‘tôn giáo vệ quốc’ để thúc đẩy sự tham gia và hợp tác với Nhật
Bản [89, tr. 253-257].
Sự biến chất của Ki tô giáo Hàn Quốc bắt đầu bằng thái độ ủng hộ cho cuộc
chiến mà Nhật Bản tiến hành ở lục địa. Năm 1937, khi cuộc chiến Trung - Nhật
đang diễn ra, đế quốc Nhật Bản đã dùng nhiều cách lôi kéo người Hàn Quốc và các
tổ chức tôn giáo Hàn Quốc vào cuộc, theo tinh thần ‘Nội Tiên nhất thể’. “Trong một
bộ phận Hội Trưởng lão đã quyết định mở ‘Hội cầu nguyện và thuyết giáo về thời

cuộc’ tại nhà thờ Seung Dong để nhận thức lại chủ trương ‘Nội Tiên nhất thể’ và
cầu nguyện vào các buổi sáng cho sự toàn thắng của Nhật Bản” [89, tr. 270]. Dần
17


dần không khí hợp tác với Nhật Bản của Giáo hội ngày một rõ, cụ thể là việc tổ
chức các ‘liên minh nhà thờ’ từ phía Giáo hội Hàn Quốc và Ủy ban Thường trị
trung ương của Nhật Bản, hay hợp nhất và biến các tổ chức của Giáo hội Hàn Quốc
thành tổ chức cấp dưới của Nhật Bản. Hội Lịch sử Ki tô giáo Hàn Quốc nhận định:
“từ sau năm 1938, các tổ chức Ki tô giáo phần lớn đều có tính chất ‘phò trợ’ đế
quốc Nhật dẫu mức độ là khác nhau” [89, tr. 276].
Tuy nhiên, trong nội bộ Ki tô giáo cũng nảy sinh xu thế xây dựng Ki tô giáo
Hàn Quốc, thoát khỏi ảnh hưởng của phương Tây cũng như không thỏa hiệp với
chính quyền thực dân. Trong lĩnh vực tư tưởng triết học, ba nhân vật điển hình đã
xây dựng nền móng cho Ki tô giáo dân tộc trong thế kỷ 20 được các nhà nghiên cứu
Ki tô giáo Hàn Quốc lựa chọn là Ryu Young Mo, Kim Gyo Shin và Ham Seok
Heon [50]. Họ đều là những người sống trọn trong thế kỷ 20. Trong ba người này
thì Ryu Yong Mo phát triển Ki tô giáo theo hướng đa nguyên khi ông tích hợp Ki tô
giáo với các tư tưởng truyền thống khác nhằm thống nhất các tôn giáo qua ý niệm
về vị thần độc nhất ban sinh mệnh vĩnh cửu cho con người. Kim Gyo Shin là người
lập nên tạp chí Thánh kinh Jo Seon, chủ trương chủ nghĩa phi nhà thờ trong Ki tô
giáo Hàn Quốc. Còn Ham Seok Heon là người tiếp nhận lịch sử quan của Ki tô giáo
để từ đó giải nghĩa cho những khó khăn mà dân tộc Hàn đang phải đối mặt qua cuốn
sách về lịch sử Hàn Quốc có tên là Lịch sử Hàn Quốc nhìn từ ý Chúa. Ông hình
thành nên một lịch sử quan độc đáo trong quá trình kết hợp nhãn quan Ki tô giáo
vào phân tích lịch sử của dân tộc Hàn, từ đó tích hợp tư tưởng Ki tô giáo vào lịch sử
tư tưởng triết học Hàn Quốc.
Cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 còn xuất hiện một dạng thức tôn giáo mới là các
tôn giáo mới nội sinh của Hàn Quốc. Các tôn giáo nội sinh mới này bắt đầu từ Đông
học (東學) của Choe Je U năm 1860, sau đó hình thành nhiều tổ chức tôn giáo khác,

có tổ chức còn tồn tại tới ngày nay. Các tôn giáo này đều có đặc điểm chung là xuất
phát từ trải nghiệm tôn giáo nhập thần và tư tưởng Cách thế. Các phong trào tôn
giáo nội sinh mới xuất hiện vào giai đoạn này có Đông học của Choe Je U, Jeung

18


San giáo (甑山敎) thành lập 1902 năm của Gang Il Sun (1871-1909), Đại tông giáo
(大琮敎) của Na Cheol (1863-1916) thành lập năm 1909, Giác thế đạo (覺世道)
thành lập năm 1915 của Lee Seon Pyong (1882-1956), Phật giáo Viên (圓佛敎)
thành lập năm 1916 của Park Jung Bin (1891-1943), Canh định Nho đạo (更定儒道)
thành lập năm 1928 của Gang Dae Seong (1889-1954), Vật pháp giới (勿法系)
thành lập năm 1943 của Kim Bong Nam (1898-1950), v.v... [47, tr. 138]. Noh Gil
Myong cho rằng trục tư tưởng chính của các tôn giáo mới này là tư tưởng Khai tịch
với những nội dung về Tiên thiên, Hậu thiên và tư tưởng chủ thể dân tộc với quan
niệm tuyển dân (選民) và lập trường kế thừa văn hóa dân tộc [47, tr. 151-156]. Với
đặc trưng là tôn giáo dân tộc, các tổ chức này tiến hành các hoạt động đa dạng, từ
việc thành lập các cộng đồng sinh hoạt, học tập, cải tạo xã hội, hoạt động giáo dục,
báo chí, v.v... cho tới các hoạt động vũ trang (Cách mạng nông dân Đông học năm
1894, hoạt động của Đại tông giáo thành lập năm 1909) hay thị uy biểu tình đòi độc
lập (Phong trào ngày 1/3/1919) hay tham gia hoạt động chính trị như Thiên Đạo
giáo. Chính vì thế, kể từ khi trở thành thuộc địa của Nhật Bản, các tôn giáo này bị
thực dân Nhật Bản quy là tôn giáo phi pháp hoặc bị các trí thức mới phê phán là mê
tín dị đoan trong không khí khai hóa theo văn minh phương Tây [95, tr. 205-218].
Trong việc luận giải về tính chất của bối cảnh Hàn Quốc cuối thế kỷ 19 đầu
thế kỷ 20, không thể không nhắc tới phân tích của các nhà nghiên cứu lịch sử tư
tưởng triết học Hàn Quốc giai đoạn này. Hai công trình điển hình nhất cho nghiên
cứu lịch sử tư tưởng triết học Hàn Quốc cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 là Lịch sử tư
tưởng cận đại Hàn Quốc của Park Jeong Sim và Luận về lịch sử triết học hiện đại
Hàn Quốc - Đứt đoạn với thế giới và ý niệm Tự do của Lee Gyu Seong.

Trong công trình Lịch sử tư tưởng cận đại Hàn Quốc, tác giả Park Jeong Sim
phân chia thời kỳ cận đại của Hàn Quốc từ năm 1876 đến năm 1945 thành ba giai
đoạn: Giai đoạn 1876~1894 - thời kì mở cảng với trào lưu tư tưởng Vệ chính xích tà,

19


tư tưởng Khai hóa, tư tưởng Đông học và phong trào nổi dậy của nhân dân; giai
đoạn 1894~1910 - thời kì tự cường với các xu hướng khôi phục lại quyền lực quốc
gia bằng việc tiếp nhận chủ nghĩa Darwin về xã hội, thuyết tự cường theo logic đấu
tranh sinh tồn, trào lưu phục hưng cựu học (Nho học) với hướng khám phá tồn tại
người qua việc luận giải quan hệ giữa Tâm và Thân, chủ trương khôi phục văn minh
Nho học qua thuyết Chân ngã hay ‘Jo Seon chân chính’. Giai đoạn thứ ba là giai
đoạn thực dân từ 1910~1945 - với các luận thuyết liên quan tới ý niệm Dân tộc.
Park Jeong Sim đặt vấn đề triết học thời đại trong ba nội dung là khắc phục văn
minh mang tính bạo lực từ phương Tây, xác lập dân tộc tính và nhận thức về chính
mình từ con mắt tha nhân. Tác giả cho rằng ba từ khóa miêu tả bài toán của lịch sử
tư tưởng Hàn Quốc giai đoạn này là Văn minh, Dân tộc và Chủ thể. Cụ thể: (1) Hàn
Quốc tiếp nhận ý niệm về ‘văn minh’ nhưng lại từ một phương Tây bạo lực nên tư
tưởng triết học Hàn Quốc giai đoạn này phải giải quyết được vấn đề ‘cái văn minh
đích thực là gì?’; (2) xác lập tính dân tộc trong bối cảnh bị thực dân Nhật Bản đô hộ
đồng thời xác nhận vị trí ‘dân tộc Hàn Quốc’ trong cộng đồng thế giới; (3) nhìn lại
chính mình - ý niệm về chủ thể hay ý thức phản tư về chính mình trong bối cảnh bị
tha nhân hóa [đồng nhất với Nhật Bản] hay bị áp đặt tiêu chuẩn ‘văn minh hơn’ từ
nhãn quan phương Tây [53].
Tương tự như vậy, công trình Luận về lịch sử triết học hiện đại Hàn Quốc Đứt đoạn với thế giới và ý niệm Tự do của tác giả Lee Guy Seong luận về tư tưởng
triết học hiện đại Hàn Quốc qua ý niệm Tự do, có thể nói là công trình tiếp nối công
trình trên của Park Jeong Shim, cả về mặt lịch đại cũng như về mặt phương pháp
tiếp cận lịch sử tư tưởng triết học Hàn Quốc. Tác giả Lee Guy Seong nêu ra vấn đề
phải giải quyết của triết học Hàn Quốc hiện đại trong hai từ khóa là Cái tự do và

Cái hiện thực. Trong công trình này, bối cảnh xã hội được tiếp cận qua hai từ khóa
này. Tác giả cho rằng nhận thức về tự do của các giai tầng trong xã hội Jo Seon xuất
phát từ sự bất lực và thất bại của tầng lớp nắm thực quyền trong công cuộc cận đại
hóa và sự lung lay của họ trước các thế lực nước ngoài đang cố gắng gây ảnh hưởng
lên vùng bán đảo. Cái hiện thực mà tác giả Lee Guy Seong nói tới chính là cái ác

20


hay tính bạo lực trong thế giới rộng mở mà người Jo Seon đang trải nghiệm, là tình
trạng nô lệ về mặt tinh thần của cộng đồng thế giới. Do đó, tác giả này cho rằng, đặc
trưng của triết học hiện đại Hàn Quốc - nền tảng được các triết gia Hàn Quốc giai
đoạn cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 xác lập, đồng thời là bài toán cần giải cho triết
học Hàn Quốc hiện nay, là: “Ngày nay, bài toán về cách hiểu và giải quyết vấn đề
về nhân tính nội tại và vấn đề xã hội ngoại tại vẫn còn đó. Hiểu một cách thống nhất
các vấn đề nội - ngoại và giải quyết bằng thực tiễn là để khắc phục sự phân rã và
yếu thế trong quan hệ giữa thế giới và con người, giữa con người với con người,
giữa con người với chính bản thân nó. [...] Sự hòa giải đích thực giữa thế giới và
con người cùng quan hệ liên đới bình đẳng giữa con người với con người là nội
dung bản chất của ý niệm tự do. Đấy là cái ẩn giấu không trông thấy. Nhưng chính
bằng nỗ lực giành lấy tự do mới thúc đẩy ta xây dựng một đời sống mới. Cái có khả
năng [thực hiện] là cái mang tính hiện thực” [66, tr. 32-33].
Như vậy, qua tổng hợp các công trình nghiên cứu liên quan tới bối cảnh Hàn
Quốc cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, chúng tôi thấy rằng, bối cảnh Hàn Quốc cuối thế
kỷ 19 đầu thế kỷ 20 nói chung là bối cảnh khủng hoảng và vận động thể nghiệm cái
mới. Khủng hoảng xảy ra trong tình hình chính trị, là biểu hiện đỉnh điểm của xu
hướng đối đầu, phân chia bè phái trong nội chính Jo Seon. Nó kéo theo sự phá sản
của hệ thống chính trị, sự lệ thuộc vào thế lực nước ngoài và cuối cùng là đánh mất
chủ quyền dân tộc. Khủng hoảng trong xã hội thể hiện ra là sự tan rã của trật tự luân
lý đạo đức xã hội cũ, sự nghèo nàn, lạc hậu và bần cùng trong đời sống sinh hoạt

của người dân Jo Seon. Nhưng cũng trong khủng hoảng, khi xét tới lĩnh vực xã hội,
ta lại thấy một sự vận động tự thân trong việc đón nhận thời đại mới và thể nghiệm
cái mới trong sự tiếp xúc với nước ngoài. Sự vận động ấy trước hết xuất phát từ việc
tìm đường mưu sinh của người dân trong bối cảnh xã hội hỗn loạn, tiếp nữa là sự
thâm nhập bất khả tránh của người nước ngoài và Nhật Bản vào Jo Seon. Tâm thế
thể nghiệm ở đây xuất phát từ bối cảnh thiếu thốn tri thức về thế giới, bởi người Jo
Seon nhận ra thế giới rộng lớn hơn rất nhiều so với trước đây, nó đòi hỏi một sự tìm
tòi và học hỏi từ tha nhân. Sự vô minh về thế giới chính là yếu tố quy định nên thái

21


độ chủ động tiếp nhận theo hướng thể nghiệm và thực hiện cái mới của Hàn Quốc
đầu thế kỷ 20.
Nhận định này khác với nhận định của các nhà nghiên cứu tư tưởng triết học
Hàn Quốc giai đoạn này. Park Jeong Sim đặt vấn đề thời đại của triết học Hàn Quốc
cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 là văn minh đích thực, tính dân tộc và phản tư từ con
mắt tha nhân. Nhưng cách đặt vấn đề này thực chất chưa luận giải được việc xác lập
dân tộc tính trong các tôn giáo mới, sự chủ động tổ chức cộng đồng, cải biến đời
sống xã hội mà các tôn giáo này tiến hành khi đã nhận thức được khủng hoảng của
chính mình và chủ động khắc phục khủng hoảng bằng việc khơi ra sức mạnh nội lực
của bản thân. Cách đặt vấn đề này cũng chưa giải thích được tính tự chủ trong việc
Tây hóa một cách chủ động của Hàn Quốc, đặc biệt là qua sự tiếp nhận Ki tô giáo
của Hàn Quốc đầu thế kỷ 20. Với nhận định về bối cảnh thời đại của Lee Guy
Seong, tác giả luận án cho rằng, đúng là sự rộng mở của thế giới, sự phá sản của chế
độ đẳng cấp đã cởi trói cho tinh thần Hàn Quốc vốn bị lệ thuộc vào thế giới tinh
thần có Trung Quốc làm trung tâm và chế độ xã hội do Tính lý học thiết lập. Đúng
là thế giới rộng mở ấy là một hiện thực mang tính bạo lực và chứa đầy cái ác để tinh
thần Hàn Quốc phải khắc phục bằng những phương thức hòa giải giữa thế giới và
con người. Theo đó, việc tiếp nhận Ki tô giáo tích cực, lấy phương Tây làm hình

mẫu để khai hóa là có thể giải thích được. Nhưng trong giai đoạn thực dân Nhật
Bản đô hộ, Ki tô giáo được coi là tôn giáo hợp pháp. Nó cũng có những biểu
hiện ủng hộ thực dân Nhật Bản và phản bội lại dân tộc. Nhìn từ khía cạnh này,
việc coi bối cảnh Hàn Quốc cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 là tự do và hiện thực
bạo lực sẽ không nhìn ra những nhà tư tưởng Ki tô vì dân tộc, không phản bội lại
dân tộc. Nói cách khác, tinh thần Hàn Quốc cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 quả là
phải đối mặt với một hiện thực bạo lực, nhưng không hẳn nó đã tự do. Bởi trong rất
nhiều phản ứng tư tưởng giai đoạn này, có phản ứng chủ động đối mặt với khủng
hoảng của chính mình và đồng thời chủ động thể nghiệm cái mới.

22


×