Tải bản đầy đủ (.pdf) (172 trang)

LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HỌC 2019_XUNG ĐỘT VĂN HÓA TRONG TIỂU THUYẾT VIẾT VỀ NÔNG THÔN GIAI ĐOẠN TỪ 1986 ĐẾN NAY

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.1 MB, 172 trang )

VIỆN HÀN LÂM
KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI

HỒ THỊ GIANG

XUNG ĐỘT VĂN HÓA TRONG TIỂU THUYẾT VIẾT VỀ
NÔNG THÔN GIAI ĐOẠN TỪ 1986 ĐẾN NAY

LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HỌC

HÀ NỘI, 2019


VIỆN HÀN LÂM
KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI

HỒ THỊ GIANG

XUNG ĐỘT VĂN HÓA TRONG TIỂU THUYẾT VIẾT VỀ
NÔNG THÔN GIAI ĐOẠN TỪ 1986 ĐẾN NAY

Ngành : Văn học
Mã số : 9.22.01.21

LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HỌC

NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
1. PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp
2. TS Cao Kim Lan



HÀ NỘI, 2019


LỜI CẢM ƠN
Tôi xin trân trọng cảm ơn PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp và TS Cao Kim Lan,
những người thầy đã tận tình chỉ dạy, hướng dẫn, đóng góp ý kiến quý báu giúp tôi
hoàn thành luận án.
Tôi xin chân thành cảm ơn Ban giám đốc Học viện khoa học xã hội, Phòng Đào
tạo, Khoa văn học đã tạo điều kiện tốt nhất để tôi hoàn thành luận án.
Tôi xin chân thành cảm ơn các thầy, cô giáo thuộc phòng Lí luận văn học,
phòng Văn học Việt Nam đương đại của Viện văn học đã có những góp ý bổ ích với
tôi trong quá trình thực hiện luận án.
Tôi xin chân thành cảm ơn TS Trần Ngọc Hiếu – giảng viên trường Đại học Sư
phạm Hà Nội đã gợi ý tài liệu và có những góp ý bổ ích để tôi hoàn thành luận án.
Xin chân thành cảm ơn cơ quan nơi tôi đang công tác, lãnh đạo trường Đại học
Ngoại ngữ, trường THPT chuyên Ngoại ngữ, tổ Xã hội đã quan tâm, tạo điều kiện cho
tôi trong suốt quá trình thực hiện luận án.
Xin được gửi lời cảm ơn sâu sắc đến gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, những
người đã luôn động viên, khích lệ giúp tôi hoàn thành luận án.
Hà Nội, tháng 1 năm 2019
Tác giả

Hồ Thị Giang


LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số liệu và kết
quả nghiên cứu nêu trong luận án là trung thực và chưa từng công bố ở bất kì một công
trình nào khác.

Luận án có kế thừa và sử dụng một số tài liệu đã công bố có liên quan đến đề
tài để tham khảo. Các nguồn tài liệu ấy đều được chú thích rõ ràng, chính xác.
.
Hà Nội, tháng 1 năm 2019
Tác giả

Hồ Thị Giang


MỤC LỤC
MỞ ĐẦU ........................................................................................................................... 1
CHƢƠNG 1. TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU XUNG ĐỘT VĂN HÓA ..... 7
1.1 Khái niệm văn hóa và xung đột văn hóa.................................................................. 7
1.1.1 Khái niệm văn hóa ............................................................................................ 7
1.1.2 Khái niệm xung đột văn hóa ............................................................................. 8
1.2 Tiếp cận xung đột văn hóa trên thế giới ................................................................ 12
1.3 Nghiên cứu xung đột văn hóa ở Việt Nam ............................................................ 18
1.4 Nghiên cứu xung đột văn hóa trong tiểu thuyết viết về nông thôn sau Đổi mới ... 31
CHƢƠNG 2. XUNG ĐỘT VĂN HÓA VÀ SỰ THỂ HIỆN XUNG ĐỘT VĂN
HÓA TRONG VĂN HỌC............................................................................................. 37
2.1 Xung đột văn hóa trong văn học ............................................................................ 37
2.2 Xung đột văn hóa nhìn từ các hình thức diễn ngôn ............................................... 40
2.2.1 Xung đột văn hóa nhìn từ diễn ngôn chủ nghĩa dân tộc ................................. 40
2.2.2 Xung đột văn hóa nhìn từ diễn ngôn phương thức sản xuất ........................... 46
2.2.3 Xung đột văn hóa nhìn từ diễn ngôn chấn thương .......................................... 49
2.2.4 Xung đột văn hóa nhìn từ diễn ngôn nữ quyền ............................................... 55
2.3 Xung đột văn hóa – nhìn trong tiểu thuyết viết về nông thôn sau Đổi mới........... 57
2.3.1 Trường tri thức thời đại và ý thức hệ .............................................................. 57
2.3.2 Sự đổi mới tư duy tiểu thuyết .......................................................................... 58
2.3.3 Những động hình mới của diễn ngôn xung đột văn hóa ................................. 60

CHƢƠNG 3. CHỦ THỂ DIỄN NGÔN VÀ SỰ ĐỐI THOẠI VĂN HÓA QUA
CÁC MÔ THỨC XUNG ĐỘT XÃ HỘI ...................................................................... 63
3.1 Chủ thể diễn ngôn trong tiểu thuyết viết về nông thôn sau Đổi mới ..................... 63
3.2 Chủ thể chiêm nghiệm về văn hóa họ tộc qua xung đột dòng họ .......................... 66
3.2.1 Quan hệ họ hàng trong văn hóa Việt .............................................................. 66
3.2.2 Kiến tạo xung đột họ tộc ................................................................................. 68
3.3 Chủ thể trăn trở về chấn thương cải cách ruộng đất qua xung đột giai cấp .......... 74
3.3.1 Nhận thức lại về cải cách ruộng đất ............................................................... 74
3.3.2 Đảo lộn quan hệ con người trong cải cách ruộng đất .................................... 75
3.3.3 Sự dịch chuyển số phận của chủ thể ............................................................... 79
3.4 Chủ thể phản biện quan điểm phương thức sản xuất qua xung đột cá nhân - tập
thể ................................................................................................................................. 83
3.4.1 Nhận thức lại mô hình hợp tác hóa nông nghiệp ............................................ 83
3.4.2 Mô típ rời bỏ, xa lánh, lạc lõng ...................................................................... 86
3.5 Chủ thể chất vấn về lối sống qua xung đột thế hệ ................................................. 88
3.5.1 Thế hệ nông thôn nhìn qua quan hệ gia đình, xóm giềng, làng xã ................. 88
3.5.2 Kiến tạo xung đột hành động và lối nghĩ ........................................................ 90


CHƢƠNG 4. XUNG ĐỘT VĂN HÓA NHÌN TỪ BÌNH DIỆN GIÁ TRỊ ............... 95
4.1 Xung đột Nhu cầu – Chuẩn mực .......................................................................... 95
4.1.1 Ám ảnh định kiến họ tộc và sự lệch chuẩn của cá nhân nổi loạn ................... 96
4.1.2 Ám ảnh khuôn khổ đoàn thể chính trị và nỗi đau của số phận bi kịch ......... 100
4.2 Xung đột Thật – Giả ............................................................................................ 102
4.2.1 Thật – Giả trong vòng xoáy cơ chế thị trường .............................................. 102
4.2.2 Thật – Giả và mô hình người cán bộ nông thôn ........................................... 106
4.3 Xung đột Thiêng – Tục ....................................................................................... 112
4.3.1 Thực hành tính phân li của biểu tượng ......................................................... 112
4.3.2 Sáng tạo ngôn ngữ thế tục hóa và lời giễu nhại ........................................... 119
4.4 Xung đột Nông thôn – Thành thị ......................................................................... 126

4.4.1 Sự xâm lấn của thành thị đối với nông thôn ................................................. 126
4.4.2 Chất vấn sinh thái: xung đột nông thôn – thành thị ..................................... 129
4.4.3 Mơ hồ hóa không gian nông thôn – thành thị ............................................... 133
4.5 Xung đột văn hóa Đông – Tây ............................................................................. 137
4.5.1 Diễn ngôn giao thoa chính trị và văn hóa .................................................... 137
4.5.2 Hòa giải xung đột văn hóa Đông - Tây ........................................................... 141
KẾT LUẬN .................................................................................................................. 148
DANH MỤC CÔNG TRÌNH ĐÃ CÔNG BỐ CỦA TÁC GIẢ CÓ LIÊN QUAN
ĐẾN LUẬN ÁN
TÀI LIỆU THAM KHẢO
PHỤ LỤC TÁC PHẨM KHẢO SÁT


MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Nghiên cứu văn học hiện nay có những chuyển mình theo hệ hình nghiên cứu văn
hóa. Hướng nghiên cứu này không hề mâu thuẫn với nghiên cứu văn bản và vẫn gắn
với bản chất văn học. Các nhà nghiên cứu tập trung nhiều hơn đến việc lí giải quan
niệm về cái đẹp, điển phạm, ý thức hệ và cơ chế tạo nên các mã nghệ thuật đặc thù, về
sự loại bỏ hay tiếp nhận, dung nạp hay kháng cự các giá trị. Trong đó, chủ thể yếu thế
được quan tâm đặc biệt. Diễn ngôn khuyết tật, lưu vong, chấn thương xuất hiện sâu sắc
trong các tác phẩm văn học. Văn học thường xâm nhập vào chiều kích tâm linh, vào
trạng thái bất an, tiếc nuối, vào những mâu thuẫn giữa thật - giả, sinh kế - xa lạ, phá bỏ
- trở về. Khi đó, nông thôn Việt Nam có thể xem là một thực thể văn hóa yếu thế/bị tổn
thương trong thời kì đô thị hóa, toàn cầu hóa. Đứng trước “cơn địa chấn” đất đai, tiền
bạc, quyền lực, nông thôn “oằn mình” chống đỡ để thích nghi và giữ gìn các giá trị.
Quá trình thâm nhập giữa truyền thống và hiện đại, quá khứ và hiện tại, cái tự nhiên và
cái văn minh, giá trị nguồn cội và mất kí ức diễn ra mạnh mẽ trong lòng xã hội nông
thôn Việt Nam, làm nảy sinh xung đột văn hóa.
Ở Việt Nam, vấn đề xung đột văn hóa trước đây phần lớn được nhìn theo quan điểm

Marxist, luôn gắn với thực tiễn xã hội, đấu tranh giai cấp. Với C.Marx, muốn tìm hiểu
bản chất cái Đẹp phải khảo sát các bản chất xã hội của nó. Mĩ học Marxist cho rằng,
nghệ thuật xét đến cùng là sự phản ánh hiện thực khách quan, không phải là sự tự biểu
hiện, sự hóa thân của thế giới tâm linh người nghệ sĩ. Xung đột văn hóa như là đối
tượng được mô phỏng/phản ánh để giúp nhận thức thực trạng xã hội, nó nằm trong sự
định hướng, trong chiến lược của mô hình xã hội chủ nghĩa. Và, mọi xung đột văn hóa
đều hướng đến cải tạo hiện thực. Như đánh giá của Macxim Gorki trong Bàn về văn
học, xung đột lớn nhất được quan tâm là xung đột giai cấp, gắn với hai mảng hiện thực
lớn là “hiện thực của giai cấp chỉ huy, những giai cấp có quyền lực đang dùng mọi cách
để khẳng định cho kì được uy quyền của mình đối với con người” và “hiện thực của
những người bị trị, những người bị khuất phục và đã cam tâm chịu khuất phục, là cuộc
sống buồn tẻ trong lao động nặng nhọc không ngừng”. Bên cạnh đó còn là xung đột về
quan niệm cá nhân – tập thể, gắn với những diễn giải đầy ngợi ca về tính chất điển
hình, và sự nhạo báng đối với tiếng nói cá nhân. Quy về thời đại, tập thể, mĩ học
Marxist khước từ cách lí giải mọi vấn đề của con người từ thế giới hỗn độn bên trong,
mà gắn với xã hội học, với vấn đề phương thức sản xuất. Tiếng nói một giọng, hiện
thực một chiều được đề cao trong cái nhìn bổ đôi, nhị phân. Tình hình này đã diễn ra
rất rõ trong văn học Việt Nam. Nền văn học hướng tới tính đại chúng, tính tập thể đã
gạt trừ mọi tiếng nói riêng tư. Văn hóa thời đại đối lập với văn hóa cá nhân. Cái nhìn sử
thi chỉ lựa chọn kinh nghiệm của cộng đồng và những vấn đề lớn, mọi góc khuất và
1


tầng vỉa kín đáo được đẩy ra bên lề, ngoại vi. Xung đột văn hóa trong nghiên cứu hiện
đại đã vượt lên những giới hạn đó. Các tác giả hiện đại hướng đến tinh thần đối thoại
sâu sắc. Văn hóa được xác định trong nội tại bản thân nó và trong sự va chạm, đụng độ
với những cái khác. Bởi vậy, xung đột văn hóa có những mô thức biểu hiện phong phú,
dưới những diễn giải đa chiều, vừa là sự tương tác của đặc điểm văn hóa truyền thống
vừa là những đụng độ văn hóa hiện đại, vừa là sự cọ xát trong văn hóa bản địa, vừa là
sự gây hấn/tiếp thu với các yếu tố ngoại lai, vừa là những trăn trở của số phận cá nhân

khi va chạm với quan niệm của đám đông, của thời đại. Nhìn nông thôn Việt Nam như
một thực thể văn hóa tự nó và thực thể tự nó – cái khác (nơi xuất hiện rõ nhất các mô
thức xung đột văn hóa – mà bản chất là nhu cầu đối thoại), sẽ nhận ra sự nỗ lực kiến
giải các vấn đề về phận nữ, về chấn thương, về lịch sử, về thành thị.
Thành tựu thực tế trong tiến trình văn học đã chứng minh đề tài nông thôn là một đề tài
lớn, luôn nhận được sự quan tâm sâu sắc. Nhiều tác giả và tác phẩm ghi được dấu ấn lớn
trong văn học Việt Nam, có thể kể đến một số tên tuổi ở mảng văn xuôi theo từng giai
đoạn như: Phạm Duy Tốn, Nguyễn Bửu Mọc, Hồ Biểu Chánh (buổi giao thời 1900 –
1930), Kim Lân, Bùi Hiển, Trần Tiêu, Thạch Lam Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Nam
Cao (thời kì 1930 – 1945), Tô Hoài, Nguyễn Văn Bổng, Chu Văn, Nguyễn Khải (thời kì
1945 – 1975), Đào Vũ, Nguyễn Kiên, Nguyễn Mạnh Tuấn, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn
Huy Thiệp, Lê Lựu, Dương Hướng, Võ Văn Trực, Đoàn Lê, Ngô Ngọc Bội, Tạ Duy Anh,
Đỗ Minh Tuấn, Hoàng Minh Tường, Nguyễn Ngọc Tư, … (giai đoạn từ sau 1975). Không
chỉ ghi nhận về thành quả, nhìn vào sự vận động chủ đề và lối viết của văn xuôi, chúng ta
nhận thấy sự dịch chuyển rất rõ từ khuynh hướng mô phỏng đến đối thoại, minh họa đến
chất vấn. Tìm đến văn hóa nông thôn, các nhà văn bày tỏ khát vọng được nhận thức lại đời
sống văn hóa, khám phá tâm thức nguồn cội, đối thoại về bản sắc, truyền thống.
Ý nghĩa của văn hóa không ngừng được cộng hưởng, tái sinh qua diễn biến, chuyển
động, trượt nghĩa, lưu chuyển. Văn hóa không tĩnh tại mà nó được xem là một mạng lưới
giao cắt, chồng lấn, được nhìn ở tính thời điểm, và phụ thuộc vào các mối quan hệ khác
nhau. Điều này sẽ lí giải thỏa đáng các hiện tượng văn hóa ở từng thời kì lịch sử mang đặc
trưng và diện mạo riêng. Chẳng hạn, Truyện Kiều của Nguyễn Du có cả sinh mệnh bình
dân và điển phạm. Vấn đề cái tôi cá nhân, quyền tự do dân chủ đi từ cấm đoán đến tôn
trọng; hoặc vấn đề nông thôn và thành thị, thiêng liêng và trần tục, phương Đông và
phương Tây, thế hệ trước – thế hệ sau… cũng được nhìn nhận ở trạng thái xung đột hoặc
giao thoa. Tùy thuộc vào thời điểm, trong đó có sự quy chiếu của ý thức hệ, mà giá trị văn
hóa, kiểu văn hóa được khẳng định hoặc bị phủ định. Lựa chọn xung đột văn hóa giai đoạn
từ 1986 đến nay cho phép nhìn nhận văn hóa ở tính năng động, xác định sâu hơn sự cọ xát
cũ – mới, cái tự nhiên – cái văn minh, bản sắc – ngoại lai. Đây cũng là giai đoạn có nhiều
đổi mới trong tư duy tiểu thuyết, có sự tương tác đa chiều và mở rộng về không gian, nhịp

độ phát triển, có sự thông thoáng về tư tưởng, đường lối. Từ sau 1986, đất nước chuyển
2


biến về chính trị - xã hội, văn hóa – tư tưởng, làm phát sinh cuộc đụng độ mới của người
nông dân, cả về vật chất và tinh thần, đời sống và tâm hồn. Thực thể lịch sử - văn hóa Việt
xuất hiện những biến đổi qua tác động của các dấu mốc phản ánh sự căng nở phạm vi, dịch
chuyển tinh thần, trí tuệ: 1995 (Việt Nam gia nhập Asean), 1997 (phủ sóng mạng lưới
internet), 2007 (Việt Nam gia nhập WTO). Bối cảnh toàn cầu hóa đã tác động đến văn hóa
nông thôn làm thay đổi nhận thức không gian văn hóa, xuất hiện các hình thái văn hóa mới
và tạo nên một tâm thế khác của chủ thể văn hóa. Các tác giả viết về nông thôn thực hiện
chiến lược giao tiếp giữa chủ thể - đối tượng tham chiếu và người tiếp nhận trong một sinh
quyển văn học đặc biệt. Tập trung vào tiểu thuyết thuộc giai đoạn từ sau 1986, chúng ta sẽ
thấy sự xâm lấn, thay thế dần giá trị cũ bằng các giá trị mới trong xu hướng đô thị hóa,
toàn cầu hóa mạnh mẽ.
2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
2.1 Mục đích nghiên cứu
Luận án tìm hiểu xung đột văn hóa dưới các hình thức diễn ngôn, từ đó khẳng
định tầm quan trọng của lí thuyết liên ngành trong nghiên cứu văn chương nghệ thuật.
Luận án nhằm diễn giải điều kiện, cơ chế tạo ra xung đột văn hóa trong văn
học, từ đó thấy được vai trò và giới hạn của các yếu tố tâm lí, quyền lực, ngoại lai
trong việc hình thành khung ứng xử, giá trị sống của con người, trong sự chất vấn về
giá trị văn hóa Việt trên hành trình hội nhập.
Luận án hướng tới khẳng định sức sáng tạo trong lối viết của nhà văn, tính
tham dự vào đời sống xã hội, văn hóa của tác phẩm văn học. Thực hành kiến tạo
văn hóa bằng kí hiệu hình tượng, kí hiệu không gian, cách tạo mã nghệ thuật,… đã
chứng minh tính đối thoại đa chiều của tiểu thuyết và khả năng lí giải ở chiều sâu
các vấn đề văn hóa.
2.2 Nhiệm vụ nghiên cứu
Thứ nhất, luận án xác định khái niệm xung đột văn hóa. Luận án xem xung đột

văn hóa là một loại hình của xung đột.
Thứ hai, luận án chú trọng phân tích sự thể hiện xung đột văn hóa trong văn
học. Luận án nhìn nhận xung đột văn hóa từ các hình thức diễn ngôn khác nhau, như là
diễn ngôn chủ nghĩa dân tộc, diễn ngôn chấn thương, diễn ngôn phương thức sản xuất,
diễn ngôn nữ quyền. Tương ứng với mỗi hình thức diễn ngôn là các mô thức xung đột
văn hóa. Từ đây, luận án nhận thấy những xung đột cơ bản trong từng giai đoạn văn
học nhất định (với sự chi phối của thiết chế văn hóa – chính trị - xã hội). Việc nghiên
cứu xung đột văn hóa không xơ cứng, đông đặc, tĩnh tại trong giao tiếp một chiều như
trước đây mà có sự lí giải ở chiều sâu các vấn đề ý thức hệ, điển phạm.
Thứ ba, luận án tìm hiểu chủ thể diễn ngôn trong loại hình xung đột văn hóa:
thấy được vị trí quan sát, điểm nhìn của nhà văn và sự chi phối của quyền lực, tri thức,
tư tưởng hệ đến sự lựa chọn điểm nhìn của nhà văn. Từ đây, luận án phân tích sự chất
3


vấn văn hóa qua các mô thức xung đột xã hội mà nhà văn kiến tạo trong tiểu thuyết
viết về nông thôn.
Thứ tư, luận án phân tích xung đột quan niệm giá trị như là nội dung cơ bản, cốt
lõi của xung đột văn hóa. Luận án dựa trên các mô thức giá trị văn hóa để phân tích
khả năng kiến tạo của tiểu thuyết trên nhiều phương diện khác nhau như chủ đề, hình
tượng nghệ thuật, ngôn ngữ, không gian – thời gian..., trọng tâm là nhìn sự kiến tạo ấy
trong tương quan cái cũ – cái mới; cái đã qua – cái đang/sẽ là. Mặt khác, luận án phân
tích những tác động từ quan hệ đồng đại (nhìn từ trục ngang, trong bối cảnh hiện tại)
và quan hệ lịch đại (sự vận động của lịch sử - xã hội) với quan hệ bảo lưu/biến đổi,
điểm mạnh/thế yếu để nhận ra cơ sở tạo nên đặc điểm riêng trong cách kiến tạo văn
hóa của tiểu thuyết viết về nông thôn từ 1986 đến nay.
3. Đối tƣợng và phạm vi nghiên cứu
3.1 Đối tượng nghiên cứu
Luận án nghiên cứu xung đột văn hóa nông thôn thông qua tình huống lịch sử xã hội, dựa trên ý thức hệ, trường tri thức thời đại và sự thực hành tạo nghĩa trong văn
bản văn học.

3.2 Phạm vi nghiên cứu
Phạm vi nghiên cứu của luận án là các tiểu thuyết viết về nông thôn giai đoạn từ
1986 đến nay. Dựa trên số văn bản lưu hành và sự thừa nhận về thành tựu của số đông
các nhà nghiên cứu, luận án tập trung nhiều hơn vào các tiểu thuyết viết về nông thôn
ở miền Bắc (xem Phụ lục). Một vài tiểu thuyết viết về nông thôn miền Nam hoặc đề
cập đến đời sống miền núi được nói đến khi phân tích sự dịch chuyển không gian
thành thị - nông thôn hoặc tìm hiểu xung đột Đông – Tây. Các tiểu thuyết trước 1986
được sử dụng như những tư liệu đối sánh để nhấn mạnh thêm diện mạo riêng của tiểu
thuyết sau 1986, đồng thời nhận ra sự thay đổi tính chất của xung đột văn hóa trong
các tiểu thuyết ấy. Bên cạnh đó, mảng truyện ngắn viết về nông thôn cũng được đề cập
phần nào với vai trò so sánh chủ đề, cách viết so với tiểu thuyết viết về nông thôn.
4. Phƣơng pháp nghiên cứu
4.1 Phương pháp liên ngành văn hóa học
Đây là phương pháp quan trọng xuyên suốt luận án. Phương pháp này vận dụng
kết hợp kiến thức của ngành nhân học làng xã, phân tâm học, triết học, ngôn ngữ học,
tôn giáo để giải thích những mã văn hóa trong văn học. Chẳng hạn như, lí giải tâm lí
cộng đồng làng, ám ảnh giấc mơ, vô thức tập thể... xuất hiện trong các tiểu thuyết viết
về nông thôn sau Đổi mới.
4.2 Phương pháp kí hiệu học
Sử dụng phương pháp này, luận án xem xét kĩ các đơn vị ngôn ngữ trong chức
năng tạo nghĩa đối lập. Văn bản tiểu thuyết viết về nông thôn được tạo lập bằng mạng
lưới kí hiệu đa tầng bậc. Kí hiệu ngôn ngữ, kí hiệu hình tượng, kí hiệu không gian đều
cho thấy tính quan niệm của nhà văn về con người và cuộc sống. Phương pháp này
4


giúp luận án nhận diện và phân loại kí hiệu (mô – típ), từ đó thấy được đặc điểm, tính
chất và xu hướng vận động của hình tượng.
4.3 Phương pháp xã hội học
Phân tích xung đột văn hóa dựa trên nền cảnh lịch sử - xã hội không thể không có

phương pháp xã hội học. Lí thuyết chức năng xã hội và cấu trúc xã hội cho phép tìm
hiểu sự phân chia thế hệ, nhóm người, nguyên tắc hoạt động của các quan hệ xã hội.
Điều này soi chiếu sự khác nhau giữa mô hình nông thôn cũ – mới, truyền thống –
hiện đại dưới sự tương tác của hoàn cảnh kinh tế - chính trị - xã hội.
4.4 Phương pháp hệ thống
Luận án sử dụng phương pháp hệ thống để hệ thống hóa các tiểu thuyết viết về đề
tài nông thôn giai đoạn từ 1986 đến nay, xâu chuỗi và tìm ra hệ thống xung đột chính,
mô- típ tiêu biểu, xu hướng dịch chuyển không gian và hình tượng nổi bật. Đồng thời,
luận án đặt tiểu thuyết viết về nông thôn từ sau 1986 vào hệ thống các tiểu thuyết viết
về nông thôn để nhận ra điểm tiếp nối – phát triển, đặt vào hệ thống thi pháp tiểu
thuyết để nhận thức điểm mạnh của thể loại này trong việc kiến tạo văn hóa nông thôn
thời kì mới.
4.5 Phương pháp so sánh
Đề tài nông thôn là đề tài lớn, có sự phát triển khác nhau trong từng giai đoạn văn
học. Để làm rõ diện mạo tiểu thuyết viết về nông thôn từ 1986 đến nay, luận án phải so
sánh với giai đoạn trước 1986 để nhận ra sự kế thừa và phát huy; đồng thời, trong quá
trình thực hiện, luận án có so sánh đề tài nông thôn trong các thể loại văn học khác
nhau, trong các tác phẩm khác nhau để thấy những ưu trội của mỗi tác giả hoặc mỗi
tác phẩm.
4.6 Phương pháp loại hình
Bản chất của phương pháp loại hình là tìm hiểu cấu trúc bên trong của đối tượng và
tìm ra quy luật phát triển của nó. Phương pháp loại hình cho phép nhận diện tính cộng
đồng về mặt loại hình, đồng thời nhận ra sự khu biệt, riêng khác của các mô hình lịch
sử, văn hóa, văn học. Luận án sử dụng phương pháp này để tìm hiểu về đặc điểm tâm
lí/cấu trúc/mô hình cái tự nhiên và cái văn minh, đặc thù mô thức xung đột ở từng giai
đoạn lịch sử - xã hội; tìm hiểu, sắp xếp và phân tích các kiểu/loại xung đột văn hóa.
5. Đóng góp mới về khoa học của luận án
Đây là luận án đầu tiên đặt vấn đề nghiên cứu xung đột văn hóa trong tiểu thuyết
dưới góc nhìn liên ngành văn hóa học. Luận án xem nông thôn là thực thể văn hóa yếu
thế và diễn giải nó dưới các hình thức diễn ngôn.

Luận án đã dựa trên các cách hiểu khác nhau về văn hóa để giới thuyết hợp lí, chú
ý hệ tọa độ, tính thời điểm và sự dịch chuyển của chủ thể văn hóa trong những không
gian khác nhau. Từ đây, có thể nhận ra những tương tác ngoại vi tại các ranh giới, các
đường biên. Cách nhìn như thế thuận tiện để thâm nhập vào không gian văn hóa, phân
5


tích tính đối thoại văn hóa qua các vùng tiếp xúc, và cũng hợp lí để khai thác được
những ranh giới nhận thức và cảm xúc của chủ thể văn hóa khi va chạm, đụng độ với
các chủ thể khác. Gắn với cách hiểu đó, khái niệm xung đột văn hóa được tạo lập để
khái quát hóa các mô thức xung đột và sự vận động của mô thức xung đột. Luận án
góp phần bổ khuyết một vấn đề nghiên cứu quan trọng mà nhiều khi, do hoàn cảnh
lịch sử - xã hội Việt Nam, vấn đề ấy chưa được quan tâm đúng mức.
Luận án cung cấp nhận thức về đời sống nông thôn ở những giai đoạn có sự chuyển
đổi về mô hình xã hội và văn hóa. Thực thể văn hóa nông thôn hiện ra với đầy những
xáo trộn, biến động, cọ xát giữa cái cũ và cái mới, cái văn minh và cái tự nhiên, bản
sắc và ngoại lai. Tính đối thoại văn hóa của chủ thể biểu hiện rất rõ rệt ở góc nhìn này.
Luận án phân tích tiểu thuyết viết về nông thôn đương đại như là đối tượng văn hóa
- thẩm mĩ, khai thác và chứng minh khả năng kiến tạo văn hóa của văn học. Bằng kĩ
thuật viết đa dạng với cách tổ chức hình tượng, ngôn ngữ, không gian, điểm nhìn.., các
nhà văn đã lí giải sâu sắc quan niệm về cái đẹp, về điển phạm, về ý thức hệ. Tập trung
vào giai đoạn văn học từ sau 1986, luận án thấy được thế mạnh của tư duy tiểu thuyết
sau Đổi mới và nỗ lực sáng tạo lối viết của nhà văn.
6. Ý nghĩa lí luận và thực tiễn của luận án
Kết quả của luận án cho thấy tính ưu việt của việc tiếp cận liên ngành trong nghiên
cứu khoa học xã hội và nhân văn. Việc đề xuất khái niệm xung đột văn hóa, tìm hiểu
cách tiếp cận xung đột văn hóa trên thế giới và ở Việt Nam cung cấp tri thức văn hóa,
văn học hữu ích, góp phần bổ khuyết các vấn đề nghiên cứu trong bối cảnh hiện đại.
Đồng thời, tiểu thuyết viết về nông thôn sau Đổi mới được đánh giá sâu sắc hơn, làm
hoàn chỉnh hơn cách nhìn về mảng đề tài hoặc giai đoạn văn học sử.

Về mặt thực tiễn, luận án góp phần nhận thức sâu sắc hơn về đời sống xã hội, văn
hóa nông thôn thời kì hội nhập. Luận án sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích cho những ai
có nhu cầu tìm hiểu mảng văn học Việt Nam sau Đổi mới.
7. Cơ cấu của luận án
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Tài liệu tham khảo, luận án được cấu trúc
thành 4 chương:
Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu xung đột văn hóa
Chương 2: Xung đột văn hóa và sự thể hiện xung đột văn hóa trong văn học
Chương 3: Chủ thể diễn ngôn và sự đối thoại văn hóa qua các mô thức xung đột
xã hội
Chương 4: Xung đột văn hóa nhìn từ bình diện giá trị

6


CHƢƠNG 1
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU XUNG ĐỘT VĂN HÓA
1.1 Khái niệm văn hóa và xung đột văn hóa
1.1.1 Khái niệm văn hóa
Từ trước đến nay, hầu như khái niệm văn hóa được nhìn nhận ở dạng tương đối
ổn định, có cấu trúc vững bền, biểu hiện thành những hoạt động quen thuộc, những nếp
nghĩ sâu bền của cộng đồng người trong cuộc sống, ví dụ: quan niệm của E.B. Tylor
(năm 1871) trong công trình Primitive Culture (Văn hóa nguyên thủy, của L. Whitte
(năm 1949) trong The Science of Culture (Khoa học về văn hóa). Theo Raymond
Williams, khái niệm văn hóa mang tính “nhân học”, tập trung vào ý nghĩa thường ngày
(như giá trị - những mô hình lí tưởng trừu tượng, chuẩn mực – những quy định rõ
ràng): “một nền văn hóa luôn có hai khía cạnh: một là những ý nghĩa và chiều hướng
được biết đến, những cái mà các thành viên của nó được dạy dỗ; hai là, những quan sát
và ý nghĩa mới, những cái được đưa ra và được kiểm tra. Đây là những quá trình thông
thường của các xã hội con người và trí tuệ con người, và thông qua chúng, chúng ta

nhìn thấy bản chất của văn hóa: rằng văn hóa vừa có ý nghĩa phổ biến bình thường nhất
và lại có những ý nghĩa cá nhân tốt đẹp nhất.” [11]. Hội nghị quốc tế UNESSCO năm
1982 ở Mexico cũng thống nhất: “Văn hóa là tổng thể những nét riêng biệt, tinh thần và
vật chất, trí tuệ và xúc cảm quyết định tính cách của một xã hội hay một nhóm người
trong xã hội.” [248].
Tuy nhiên, văn hóa không bao giờ đứng yên, xu hướng bảo tồn của nó không
đồng nghĩa với tính cố thủ. Muốn phát triển văn hóa, cách tốt nhất là phải căng nở, lan
rộng để hấp thu những yếu tố mới. Đó là vấn đề quy luật đối với sự sống của một nền
văn hóa, mà vẫn được các nhà nghiên cứu gọi là “quá trình tiếp biến văn hóa”. Các
điểm tiếp biến bao giờ cũng tồn tại hiện tượng giao thoa. Điều này không chỉ thể hiện
trong thực tiễn văn hóa sinh động mà còn thể hiện trong nỗ lực kiến tạo văn hóa của
chủ thể diễn ngôn văn học. M.Bakhtin hình dung sự tiếp biến văn hóa hay vận động
văn hóa là quá trình “ngoại vi hóa trung tâm”. Bản sắc văn hóa được xác định không
chỉ trên đặc điểm “nó đã là”, mà còn ở đặc điểm “nó đang/sẽ là” trong thế vận động đa
chiều. Khi đó, nghiên cứu văn hóa không chỉ là nhìn sâu vào đặc trưng vốn có, mà còn
phải nhìn kĩ ở những đường biên, những ranh giới mà tại đó, luôn có nguy cơ xâm lấn
của các hoạt động văn hóa, các giá trị văn hóa. “Lĩnh vực văn hóa không có nội địa, bởi
vì toàn bộ nó nằm trên đường biên, các đường biên ngang dọc chồng chéo giao cắt
nhau, nằm ở khắp nơi, xuyên thấm vào từng yếu tố của văn hóa... Mỗi hành động văn
hóa đều chỉ tỏ ra có sức sống đầy đủ ở trên đường biên, bởi vì ở đây hành động văn hóa
mới tỏ ra tính nghiêm túc và tính quan trọng, xa rời vùng biên thì nó đánh mất vùng đất

7


sinh tồn của mình, sẽ biến thành sự kiêu kì, trống rỗng, bị thoái hóa và đi đến tiêu
vong...” [199, tr.328].
IU.Loman cũng cho rằng, ngay cả khi ranh giới trong không gian văn hóa được
hiểu theo nghĩa cơ bản của nó, thì “nó cũng chỉ giữ ý nghĩa của một cơ chế đệm chuyển
đổi thông tin, một bộ phận phiên dịch độc đáo”. “Khi kí hiệu quyển được đồng nhất với

một không gian “văn hóa” đã thuần phác, còn thế giới bên ngoài trong tương quan với
nó lại được đồng nhất với vương quốc của những hiện tượng tự phát hỗn độn, rối loạn,
thì sự phân bố không gian của các tổ chức kí hiệu học trong hàng loạt trường hợp sẽ có
dạng như sau: các nhân vật nhờ có tài năng đặc biệt (như phù thủy) hoặc một loại nghề
nghiệp (thợ rèn, phó cối, đao phủ) sẽ thuộc về hai thế giới và tựa như là những thông
dịch viên, sống ở vùng lãnh thổ ngoại vi, vùng giáp ranh của không gian văn hóa và
không gian huyền thoại, trong khi đó, tọa lạc ở trung tâm bao giờ cũng là chốn linh
thiêng của các đấng thánh thần “văn hóa” tổ chức ra thế giới.” [147, tr.94].
Ở Việt Nam, trong nghiên cứu hiện đại, văn hóa cũng được nhìn nhận ở tính
năng động như thế. Trần Nho Thìn đã chọn ba thành tố căn bản khi nghiên cứu về văn
hóa, đó là biểu tượng, nghĩa và giá trị. Theo ông, biểu tượng là một tự sự về văn hóa.
Nó rất linh hoạt và sinh động: “trong cách quan niệm hiện đại không đơn thuần dừng
lại ở việc giải mã ý nghĩa của các biểu tượng mà là nghiên cứu đời sống của các biểu
tượng này trong các quan hệ xã hội. Và khi đó, “văn hóa bắt đầu được giải thích không
phải như là tổng số các mô hình hành vi (các phong tục, tập tục, truyền thống) mà như
một tập hợp các cơ chế kiểm soát hành vi (các kế hoạch, hướng dẫn, quy tắc, chỉ đạo).”
[218, tr.28]. Biểu tượng tham gia điều tiết các quan hệ xã hội, cho nên, nghiên cứu biểu
tượng không phải là giải mã ý nghĩa ban đầu của nó, mà là “nỗ lực theo dõi đời sống
của kí hiệu này trong môi trường của các quan hệ xã hội”; không phải là khám phá kho
lưu giữ các nghĩa mà là lí giải “sức mạnh tham dự vào những thay đổi của trường xã
hội”. Như vậy, có thể giới thuyết một cái nhìn về văn hóa năng động hơn trong bối
cảnh sự tương tác văn hóa diễn ra với tốc độ nhanh và đa chiều. Đó là: văn hóa vừa là
tổng thể các sinh hoạt xã hội và các hoạt động thuộc chiều sâu tinh thần được thể hiện
thành những mô thức nhất định mang bản sắc của cộng đồng người, vừa là những
tương tác ngoại vi tại các đường biên; văn hóa vừa có tính ổn định vừa có sự biến đổi
qua các giai đoạn phát triển của khách thể và chủ thể.
1.1.2 Khái niệm xung đột văn hóa
Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới đã định nghĩa xung đột như sau: “Xung đột
(conflict): Hệ quả của những căng thẳng đối lập ở bên trong cũng như bên ngoài, có thể
đạt tới độ nguy kịch, xung đột biểu trưng khả năng chuyển từ cực đối lập này sang cực

đối lập khác, đảo lộn khuynh hướng về phía tốt hay xấu: độc lập – nô lệ, đau khổ - vui
sướng, đau ốm – khỏe mạnh, chiến tranh – hòa bình, định kiến – sáng suốt, trả thù – tha
thứ, phân liệt – hòa giải, ức chế - phấn chấn, tội lỗi – trong trắng, ... Xung đột là hình
8


ảnh của hiện thực, đồng thời của sự bất ổn định tinh thần do hoàn cảnh hoặc cá nhân
gây nên, cũng như của sự giải cố kết cá nhân hoặc tập thể.” [37, tr.1027].
Với góc nhìn xã hội học, xung đột xã hội và xung đột văn hóa hầu như được hiểu
giống nhau, đó là “tình huống hoặc quá trình xã hội, trong đó tồn tại mâu thuẫn về lợi
ích của cá nhân với một nhóm xã hội, giữa các nhóm xã hội với xã hội nói chung, thể
hiện bằng sự bất đồng, tranh chấp do khác nhau về nhận thức, thái độ, nhu cầu, giá trị,
mối quan tâm về nguồn lực tài nguyên – xã hội, và đôi khi thể hiện bằng hình thức
đụng độ vũ trang.” [72, tr.890]. Mĩ học nhìn nhận xung đột là một nhân tố tích cực
thúc đẩy sự cải tiến sáng tạo. Đó là những tranh luận, mâu thuẫn về tiêu chuẩn giá trị,
về cách nhìn cuộc sống và con người. Từ góc nhìn mĩ học, xung đột văn hóa biểu hiện
dưới dạng xung đột cách nhìn, quan niệm, nhằm hướng tới những chuẩn mực thẩm mĩ
mới phù hợp hơn và nhân văn hơn. Phương diện này cũng được nhà nghiên cứu Trần
Nho Thìn nhắc tới trong công trình Văn học trung đại Việt Nam dưới góc nhìn văn
hóa, khi ông cho rằng, nghiên cứu xung đột văn hóa chủ yếu ở Xung đột trong cách
nhìn thế giới/cách kiến tạo mô hình thế giới và Xung đột trong cách nhìn/cách kiến tạo
mô hình con người.
Khi đưa ra khái niệm xung đột văn hóa, các nhà nghiên cứu cũng thấy mối quan
hệ giữa văn hóa và xã hội. Từ điển bách khoa văn hóa học có viết: “Xung đột văn hóa
(conflits culturels) (cách phiên âm tiếng Latinh, theo sách chú thích) là những hình
thức và phương tiện tác động lẫn nhau trong xã hội, trong đó có sự chống lại, không
muốn và không biết cách hiểu được của một bên đối với những nhu cầu và khả năng
của bên đối lập; tình trạng nổi nóng dẫn đến thù địch, thậm chí hận thù, gây khó khăn
lớn cho mối quan hệ giữa hai bên. Xung đột phát sinh trong mọi lĩnh vực của văn hóa,
mọi khu vực của sinh hoạt xã hội, không chừa một lĩnh vực hoặc khu vực nào.” [183,

tr.636]. Trương Lập Văn đã khái quát thành 5 dạng thức xung đột mà nhân loại thế kỉ
XX phải đối mặt khi tìm hiểu ý thức Đông Á trong chuyển đổi mô hình hiện đại, đó là:
xung đột giữa con người với tự nhiên, xung đột giữa con người với xã hội, xung đột
giữa con người với con người, xung đột tâm linh của con người, xung đột giữa các nền
văn minh. Trong quá trình phân tích, diễn giải, nhà nghiên cứu kết hợp cấu trúc xã hội
với nền tảng văn hóa mang tính bản sắc để hiểu về sự vận động của văn hóa Á Đông,
nhất là Trung Quốc trong bối cảnh mới. Theo ông, sự song hành góc nhìn xung đột xã
hội và xung đột văn hóa là cần thiết để lí giải các hiện tượng văn hóa, đi tới khẳng
định sự cần thiết của triết học trong hóa giải xung đột.
Bên cạnh đó, giá trị văn hóa được các nhà nghiên cứu đặc biệt nhấn mạnh.
Theo Trương Lập Văn, “giá trị là khái niệm của quan hệ, là chỉ quan hệ đặc biệt
(khẳng định và phủ định, xung đột và dung hợp) giữa nhu cầu của khách thể (tự nhiên,
xã hội, người khác và tác dụng, biến hóa của hình thái ý thức của hình thức khách thể
nào đó) và nhu cầu của chủ thể.” [254, tr.47]. Đoàn Văn Chúc khi nghiên cứu về xã
9


hội học văn hóa cũng nhìn nhận giá trị như một đặc điểm cơ bản và cốt lõi nhất, thể
hiện sâu đậm nhất tính chất văn hóa của con người: “giá trị là cái khả ao ước trong
đời sống của một cộng đồng xã hội, một nhóm hay một cá nhân. Nói cách khác, người
ta nhìn thấy ở các giá trị những “quan niệm thầm kín hoặc bộc lộ về cái ao ước, riêng
của một cá nhân hay của một nhóm, những quan niệm ấy chi phối sự lựa chọn trong
các phương thức, các phương tiện và các mục đích khả thể của hành động.” [41,
tr.147]. Gắn với khái niệm giá trị là khái niệm chuẩn mực (phép tắc hay quy phạm phải
theo trong ứng xử), tiêu chuẩn (những dấu hiệu khả quan sát, khả đo lường, được lấy
làm nguyên tắc để căn cứ vào đó mà phán xét, thẩm định giá trị của một sự vật). Đoàn
Văn Chúc chia thành các loại hạng giá trị, bao gồm giá trị thuộc trật tự tự nhiên
(những phẩm chất thuộc phần vật chất con người), giá trị thuộc trật tự kinh tế, giá trị
thuộc trật tự tâm linh (là sản phẩm của một vũ trụ quan và một nhân sinh quan nào đó
(tín ngưỡng, tôn giáo, học thuyết). Nhà nghiên cứu nhấn mạnh đến khái niệm “giá trị

thuộc trật tự đạo đức” và “giá trị thuộc trật tự thẩm mĩ”. Giá trị thuộc trật tự đạo đức là
những chuẩn mực trong ứng xử giữa các vai trò trong xã hội. Giá trị thuộc trật tự thẩm
mĩ là những rung cảm trước vẻ đẹp của tự nhiên và của nghệ thuật. Cũng theo nhà
nghiên cứu, hệ thống văn hóa có tính cởi mở, “như hiện tượng đồng tồn so le ta từng
được chứng kiến trong lịch sử mỗi khi có sự “cấy văn hóa”, hẳn cho thấy quan hệ giữa
các yếu tố trong hệ thống là quan hệ tổ hợp, không phải quan hệ loại trừ, do vậy các
yếu tố cổ truyền bản địa với hiện tại du nhập có thể đi bên nhau mà không bài xích
nhau, không phải mãi mãi nhưng cũng có thể trong một thời đoạn không ngắn ngủi.
Trong Hệ giá trị Việt Nam, từ truyền thống đến hiện đại và con đường tới tương lai,
Trần Ngọc Thêm cũng cho rằng: “Hệ giá trị là toàn bộ các giá trị của một khách thể
trong một bối cảnh không gian – thời gian xác định cùng với mạng lưới các mối quan
hệ của chúng.” [tr.51 . Giá trị văn hóa phân biệt với giá trị tự nhiên bởi tính nhân sinh
cao và phân biệt với giá trị văn minh bởi có tính lịch sử. Giá trị văn hóa gồm hai bộ
phận là các giá trị con người (trực tiếp thuộc về con người), và các giá trị gián tiếp có
liên quan đến con người. Giá trị con người gồm có giá trị cá nhân (giá trị thể chất, giá
trị tinh thần, giá trị hoạt động) và giá trị xã hội (gồm giá trị nhận thức, giá trị tổ chức,
giá trị ứng xử). Hệ giá trị văn hóa chứa đựng trong mình hệ tính cách văn hóa và bản
sắc văn hóa (tính cách văn hóa – tính cách dân tộc – mở rộng ra là tính cách tập thể, là
hệ thống các đặc điểm tinh thần tương đối bền vững thuộc về con người của một cộng
đồng người (chủ thể) trong điều kiện không gian và thời gian sinh tồn cụ thể của họ).
Như vậy, điểm khả dụng nhất để hiểu sâu khái niệm xung đột văn hóa, phân
tách xung đột văn hóa so với xung đột kinh tế, chính trị, xã hội chính là hệ giá trị của
văn hóa. Có thể phân xuất một số bình diện của xung đột kinh tế, chính trị và xung đột
văn hóa như sau: xung đột kinh tế, chính trị gồm: xung đột giữa các phe nhóm - giai
cấp; xung đột nhóm – quốc gia; xung đột về thể chế, xung đột quyền lợi khai thác và
10


thụ hưởng tài nguyên, lãnh thổ,… Xung đột văn hóa gồm: xung đột thế giới quan,
niềm tin; xung đột sắc tộc và tôn giáo; xung đột lối sống; xung đột tư tưởng bảo thủ cấp tiến; xung đột giá trị thật – giả; thiêng – tục; thiện – ác. Xung đột kinh tế, chính trị

thường thể hiện sinh động trong các hoạt động vật chất cụ thể, gắn liền với lợi ích.
Xung đột giá trị thường ẩn chìm hơn, gắn với vấn đề bản sắc, trình độ văn minh, tính
quan niệm, phẩm cách và thể diện. Xung đột văn hóa không thể đồng nhất với xung
đột xã hội nhưng chúng có những điểm giao thoa. Bởi vì, các giá trị được định hình,
suy cho cùng chỉ nảy sinh được thông qua sự tương tác xã hội. Con người chỉ cấu tạo
nên giá trị của nó trong các mối quan hệ, không thể nào tuyệt đối trong giới hạn của
bản thân nó. Có điều, xung đột xã hội là loại hình xung đột có tính bao quát hơn - diễn
ra ở nhiều phạm vi như cá nhân, gia đình, quốc gia, xuyên quốc gia và có tính đa dạng
về cấp độ. Một số mô thức trong xung đột xã hội chỉ trở thành xung đột văn hóa khi nó
được đẩy đến mức tranh luận về giá trị, quan niệm sống. Xung đột văn hóa là sự đụng
độ của những cách kiến giải mang tính thẩm mĩ, là sự mâu thuẫn giữa các cách nhìn
về vấn đề của văn hóa. Thậm chí, hẹp hơn và sâu hơn, đó là xung đột, mâu thuẫn bên
trong con người với những giá trị sống mà chính con người đang loay hoay lựa chọn.
Nhấn mạnh lại, xung đột văn hóa diễn ra khi có sự va chạm giữa những quan niệm về
giá trị, và thường xảy ra ở phần giáp ranh, nơi diễn ra sự dịch chuyển không gian văn
hóa một cách hiển lộ hoặc âm thầm. Chuyển dịch không gian này, hiểu ở quy mô lớn
là sự mở rộng phạm vi dân tộc đến toàn cầu, phương Đông và phương Tây. Nhìn ở
diện rộng, thế giới càng theo trật tự phẳng, tính dân chủ càng nới rộng thì sự song tồn
và chất vấn giữa các quan điểm, các giá trị càng trở nên sinh động. S.Huntington nhìn
thấy sự dịch chuyển thế cân bằng của các nền văn minh, trong đó đáng chú ý sức mạnh
trỗi dậy của văn hóa bản địa làm phá vỡ cách nhìn phương Tây là trung tâm. Khi nền
kinh tế Xô-viết trì trệ và không còn đủ sức duy trì sức mạnh quân sự, những giá trị và
thể chế phương Tây đã cuốn hút người dân của các nền văn hóa khác. Phương Tây tạo
ra lực hướng tâm mạnh mẽ với sự thể hiện sức mạnh vượt trội trong cuộc đua công
nghệ hiện đại và tiềm lực quân sự, chính trị. Tuy nhiên, sức mạnh ấy chỉ duy trì trong
khoảng những năm đầu thế kỉ XX và sau đó suy giảm dần. Phương Tây nhanh chóng
phải đối đầu với tình hình thực tế nội bộ. Trong khi đó, nền văn minh Đông Á ngày
càng mạnh lên, họ vừa chú trọng hiện đại hóa vừa bày tỏ sự tự tin vào nền văn hóa
đậm bản sắc của dân tộc mình. Cán cân Đông – Tây thay đổi, xu hướng toàn cầu hóa
đã xác định lại mối quan hệ trung tâm – ngoại vi. Điều này tạo ra động lực lớn để

khẳng định văn hóa dân tộc như một sức mạnh trên con đường hội nhập. Sức mạnh ấy
bắt nguồn từ những sinh hoạt văn hóa gần gũi nhất, mà ở Việt Nam, để rõ được nó,
nhất thiết phải nhìn vào không gian văn hóa nông thôn mang đậm tính chất vùng văn
hóa. Những xung đột văn hóa được phản ánh, không gì khác, đó là cách thể hiện sự
kháng cự hoặc thích nghi, sự bảo tồn hoặc biến đổi các giá trị truyền thống. Mặt khác,
11


sự gia tăng tốc độ phát triển kinh tế, hệ thống internet phủ sóng toàn cầu và nhu cầu
nhân công lao động đồng thời tạo nên tâm lí bất an và hoang mang đối với những
người dân di cư. Họ cần “một dòng chảy mới về bản sắc, một hình thức cộng đồng
mới ổn định, và những quy ước mới về đạo đức để giúp họ tìm được ý nghĩa và mục
đích.” [103, tr.139]. Đó là lí do dẫn tới những cách viết “tầm căn”, “tìm nguồn” để
kháng cự lại nhịp độ đô thị hóa mạnh mẽ. Cách con người nhận thức lại về cái tự nhiên
trong sinh thái cũng là một trong những biểu hiện của nỗi bất an đô thị hóa. Quả thực,
nếu xét diễn trình văn hóa mà không nhìn sâu vào những xung đột, mâu thuẫn, sẽ
không thể nhận ra những chuyển động tất yếu để làm phong phú và giàu có hơn văn
hóa quốc gia. Như M.Bakhtin đã chỉ ra, ở tại các đường biên, khi có sự va đập, xâm
lấn giữa các giá trị, đời sống văn hóa mới thể hiện sống động nhất. Phần ngoại vi văn
hóa tham gia tích cực vào việc điều chỉnh và thiết lập trung tâm văn hóa. Nhìn ở
những mô thức xung đột văn hóa chính là thừa nhận sức mạnh tấn công của các yếu tố
mới mẻ hoặc khác biệt. Văn hóa phải là những yếu tố ổn định, và cả những yếu tố bên
lề có tác dụng điều chỉnh sự phát triển của văn hóa chính thống.
Và, cũng như hầu hết các nhà nghiên cứu văn hóa, mà chung hơn cả là định
nghĩa văn hóa của UNESSCO, S.Huntington cũng nhận ra khả năng ổn định, hòa bình
của các nền văn minh khi đã trải qua những va đập, đụng độ. Xung đột không phải là
trạng thái căn bản và vĩnh viễn, mà chủ yếu, nó diễn ra trong quá trình hiện đại hóa,
biểu hiện cụ thể qua những giai đoạn phát triển thực tế. Hòa bình vẫn là trạng thái
sau cùng mà thế giới và mỗi quốc gia hướng tới, hiểu theo nghĩa ổn định chính trị và
sâu sắc hơn đó là sự phát triển bền vững theo hướng giao lưu hợp tác. Cũng vì vậy,

Trương Lập Văn nhận định: “Thế kỉ XXI sẽ là thế kỉ dung hợp hài hòa xung đột, là thế
kỉ đa nguyên, đa cực, đa trung tâm thẩm thấu và bổ trợ lẫn nhau của văn hóa thế giới.
Sự hình thành và phát triển của kinh tế các vùng, các khu vực đã mở ra không gian và
nền tảng cho sự sinh tồn, thẩm thấu, bổ trợ lẫn nhau, dung hợp hài hòa xung đột cho
các trung tâm văn hóa và đa nguyên văn hóa.” [254, tr.19]. Từ những luận giải trên, có
thể hiểu khái niệm xung đột văn hóa như sau: Xung đột văn hóa là một loại hình xung
đột, được thể hiện thành các mô thức xung đột giá trị mà qua đó, cho thấy những động
hình văn hóa và dự báo lược đồ giá trị trong điều kiện phát triển mới.
Nhìn văn hóa ở những mô thức xung đột, sẽ thấy văn hóa giống như một quyền
lực mềm dẻo chi phối sự phát triển của xã hội. Đó là thứ quyền lực không đo lường,
định lượng được nhưng rất quyết liệt, dai dẳng và rốt ráo. Bản chất của xã hội và văn
hóa, sự định hình chỉnh thể nền văn hóa, suy cho cùng phải từ những xung đột như thế.
Đó là điều thú vị, nhưng cũng là khó khăn khi tiếp cận xung đột văn hóa.
1.2 Tiếp cận xung đột văn hóa trên thế giới
Trên thế giới, vấn đề xung đột được các nhà xã hội học quan tâm từ rất sớm. Các
nhà nghiên cứu này xem xung đột như là một thuyết (Theory of conflict). Khi ấy, xung
12


đột được xem xét từ khái niệm, nguyên nhân đến tiến trình, kết quả. Trong đó, người
ta nhấn mạnh trạng thái mâu thuẫn, đụng độ giai cấp, thể chế nhà nước. Lí luận của
chủ nghĩa Marx phát triển quan niệm xung đột xã hội thành đấu tranh giai cấp (giữa
chủ sở hữu tư liệu sản xuất với những người ngoài; giữa những nhà tư bản với giai cấp
vô sản). Marx cho rằng, việc tổ chức phương thức sản xuất không chỉ đơn giản là vấn đề
điều phối các hiện vật, thay vào đó, một cách cố hữu, nó gắn với những mối quan hệ
giữa con người. Những mối quan hệ này bên cạnh tính xã hội còn là vấn đề quyền lực và
xung đột. Với chủ nghĩa Marx, lịch sử không phải là một quá trình tiến hóa êm ả, mà
được đánh dấu bằng những gián đoạn và ngắt quãng quan trọng của phương thức sản
xuất. Mỗi phương thức sản xuất sẽ bị thay thế bởi một phương thức sản xuất khác khi
những điều kiện bên trong, đặc biệt là những điều kiện của xung đột giai cấp, dẫn tới sự

biến đổi và thay thế nó. Xung đột xã hội được nhìn như một quy luật phát triển, song
hành cùng đồng thuận xã hội để tạo nên sự tiến bộ của mỗi quốc gia và toàn nhân loại.
Đáng chú ý khi đề cập đến xã hội nông thôn là học thuyết tiến hóa của Tonnies [72,
tr.739]. Theo ông, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của phân tích xã hội học
là xác định được vai trò của môi trường trong quan hệ nhân quả của một nền văn hóa.
Chính học thuyết tiến hóa của Tonnies về sự biến chuyển từ phương thức sống cộng
đồng sang phương thức sống xã hội dưới ảnh hưởng của đô thị công nghiệp đã thúc
đẩy sự phát triển mạnh mẽ của xã hội nông thôn. Dạng kinh tế, dạng thống trị và hệ
thống giá trị đặc thù đã tạo ra nét riêng biệt về văn hóa nông thôn. Nhắc đến những
xung đột trong xã hội, người ta chú trọng nhiều đến sự thay đổi không gian nông thôn,
sự biến chuyển văn hóa và sự hình thành nét mới trong tâm lí, tính cách. Có thể hình
dung thuyết xung đột xã hội đề cập đến những hiện tượng bề nổi, có tính vật chất trên
cơ sở tìm hiểu tương quan lực lượng xã hội. Như vậy, ban đầu, xung đột văn hóa được
xem là một biểu hiện trong xung đột xã hội, là một chiều cạnh trong quá trình phát
triển của lịch sử. Có nghĩa là, xung đột văn hóa như một hệ quả kéo theo của xung đột
về phương thức sản xuất, quan hệ sản xuất. Xung đột văn hóa thuộc lĩnh vực của cấu
trúc thượng tầng, bị chi phối mạnh mẽ bởi cơ sở hạ tầng.
Đến khoảng giữa thế kỉ XX, xung đột văn hóa lại trở thành vấn đề trung tâm.
Samuel Hungtington khẳng định rằng: “Nguồn gốc cơ bản của các xung đột trên thế
giới này sẽ không còn là hệ tư tưởng hay kinh tế nữa. Các ranh giới quan trọng nhất
chia rẽ loài người và nguồn gốc bao trùm các xung đột sẽ là văn hóa. Nhà nước dân
tộc vẫn là nhân vật chủ yếu trên sân khấu thế giới, nhưng các xung đột cơ bản nhất của
chính trị toàn cầu sẽ diễn ra giữa các dân tộc và các nhóm người thuộc những nền văn
minh khác nhau. Sự đụng độ giữa các nền văn minh sẽ trở thành nhân tố chi phối
chính trị thế giới. Ranh giới giữa các nền văn minh sẽ là chiến tuyến tương lai.” [103].
S.Huntington nhấn mạnh thêm: “Văn minh là một thực thể văn hóa nào đấy. Làng
xóm, khu vực, nhóm sắc tộc, dân tộc, cộng đồng tôn giáo, tất cả đều mang sắc thái văn
13



hóa đặc thù của mình, phản ánh những mức độ khác nhau của tính không đồng nhất về
văn hóa... Chúng ta có thể xác định văn minh là một cộng đồng văn hóa cao nhất, là
trình độ cao nhất của tính đồng nhất văn hóa của con người”. Ông đã dựa vào nhiều cơ
sở để khẳng định tính tất yếu xảy ra sự đụng độ giữa các nền văn minh, đáng chú ý là:
sự khác biệt giữa các nền văn minh, thế giới đang trở nên bé đi, những quá trình hiện
đại hóa kinh tế và biến đổi xã hội trên toàn thế giới đang phá vỡ tính đồng nhất truyền
thống của con người nơi địa bàn cư trú. Huntington nhận ra các đặc tính và khác biệt
văn hóa ít thay đổi hơn so với các đặc tính và khác biệt về kinh tế và chính trị, và do
vậy, việc giải quyết và đưa chúng tới thỏa hiệp cũng phức tạp hơn. Trong đụng độ giữa
các nền văn minh, câu hỏi đặt ra theo cách khác, không phải là “Anh theo phe phái
nào”, mà “Anh là ai?”. Học giả người Trung Quốc, ông Guo Jiemin cho rằng: “Cái gọi
là đụng độ văn hóa, nói khái quát, là chỉ sự đối lập, gạt bỏ, phủ định lẫn nhau giữa các
nền văn hóa khác nhau, thực chất là sự đụng độ giữa các đặc tính khác nhau của loài
người”. Bởi vì khái niệm văn hóa rất rộng, không chỉ là vấn đề vật chất mà còn là vấn
đề tinh thần, cho nên xung đột văn hóa cũng rất phong phú. “Chẳng hạn, từ giác độ địa
lí, chúng ta có xung đột văn hóa phương Đông và phương Tây; từ giác độ lịch sử, có
xung đột văn hóa truyền thống và hiện đại; từ giác độ quốc gia, có xung đột văn hóa
ngoại lai và văn hóa bản địa; từ giác độ phát triển xã hội có xung đột văn hóa nông
nghiệp và văn hóa công nghiệp.” [260].
Vậy, hệ thống trật tự với vai trò của thể chế, nhà nước đang nhường chỗ dần cho
những cuộc đụng độ về văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa. Nhân loại đang phấn đấu
bước qua giai đoạn đấu tranh bằng vũ khí, bằng súng ống mà chuyển sang đấu tranh về
văn hóa. Thách thức đặt ra cho mỗi quốc gia là vấn đề bản sắc và hòa nhập, vấn đề
ứng xử với môi trường tự nhiên, với quyền con người. Thomas Fridman nhìn thế giới
ở mô hình “phẳng”, tức là sự phá vỡ trật tự trên dưới, mạnh yếu theo tinh thần bá
quyền chính trị để xác lập những quan hệ mới dựa vào đặc điểm văn hóa quốc gia.
Ông đã dùng những từ ngữ rất ngắn gọn để mô tả thế giới, đó là “nóng, phẳng, chật”.
Đồng thuận với cách nhìn của Thomas Fridman, Alvin Toffler trong Làn sóng thứ ba
đã bàn về nền văn minh hậu công nghiệp với sự tăng trưởng chóng mặt về kinh tế, sự
di chuyển dân cư sang các vùng miền khác nhau tạo nên tính phức tạp văn hóa, đỏi hỏi

cả người đến và nơi tiếp nhận phải có những chiến lược văn hóa phù hợp để kháng cự
lại những hụt hẫng, đứt gãy khi dịch chuyển không gian văn hóa. Trong một cuốn sách
khác có tên Cú sốc tương lai (Future Shock), Alvin Toffler nhận định rằng, chúng ta
đang trong thời đại cắt đứt với quá khứ mà phạm vi của nó lan rộng vô cùng. Dòng
thay đổi nhanh đến mức chúng ta phóng thích một lực lượng xã hội hoàn toàn mới,
ảnh hưởng tới nhận thức của chúng ta về thời gian, tới “cách chúng ta cảm thấy thế
giới của chúng ta, phân biệt với những người trong quá khứ đã cảm”. Sự gia tăng này
nằm sau tính không vĩnh viễn – tính nhất thời – thâm nhập và nhuộm màu nhận thức
14


của chúng ta, ảnh hưởng một cách cơ bản “cái cách chúng ta quan hệ với những người
khác, quan hệ với sự vật, quan hệ với toàn bộ tư tưởng, nghệ thuật và giá trị”. Emily
Talen lại quan tâm đến vấn đề cấu trúc đô thị và chiến lược phát triển của Mĩ. Trong
cuốn New Urbanism and American Planning: The Conflict of Cultures (Chủ nghĩa đô
thị mới và chiến lược của người Mỹ: Xung đột giữa các nền văn hóa), Emily Talen đề
cập đến bộ khung văn hóa đô thị, phân tích sự gia tăng của lợi nhuận thị trường, chiến
lược phát triển công chúng và giải quyết khuynh hướng địa phương. Cách nhìn của
Emily nghiêng về góc độ xã hội học nhưng đã hé mở một chiều cạnh xung đột rất
đáng quan tâm là đô thị và địa phương, sự tác động của đô thị hóa đến xã hội hiện đại
làm thay đổi công chúng và nông thôn.
Thực sự, xung đột văn hóa không đơn giản là một chiều cạnh, một hệ quả của xung
đột xã hội mà trở thành vấn đề trung tâm của mọi xung đột. Nghiên cứu xung đột văn
hóa không dừng lại ở việc mô tả nó như một kinh nghiệm đấu tranh xã hội mà cần tìm
hiểu bản chất của vấn đề ở một quy mô rộng và cốt lõi hơn. Đó là toàn bộ những dịch
chuyển về không gian, những thay đổi về lối sống, những va chạm về hệ giá trị. Và,
không thể chỉ dùng những phương pháp suy luận thực tiễn và lí trí để phân tích xung
đột văn hóa mà, rất cần thao tác liên ngành nhân học văn hóa, xã hội học, tâm lí học,
ngôn ngữ học. Cũng có nghĩa là, nghiên cứu xung đột văn hóa không chỉ tập trung vào
các thực hành văn hóa trong đời sống thực tiễn, mà còn phải thấy được cả những va

chạm ở chiều sâu, trong thế giới vô thức và tâm linh của con người.
Đến đây, việc vận dụng quan điểm của S.Freud (về vô thức cá nhân) và quan điểm
của K.G.Jung (về vô thức tập thể) là rất cần thiết. Với Freud, cội nguồn vô thức (“nó”)
mới chính là yếu tố thống trị con người. Cái Tôi của chúng ta cố gắng sống sót trong
thế giới tự nhiên và xã hội, luôn xung đột với sức mạnh điên rồ của “nó”. Nếu cái Tôi
tuân theo nguyên tắc thực tế, thì “nó” tuân theo nguyên tắc thỏa mãn. Văn hóa đã chế
ngự “nó” bằng phương pháp thăng hoa – không phải thăng hoa theo chức năng sinh
học, mà thăng hoa phục vụ mục đích của trí tuệ và văn hóa. Như thế, những đòi hỏi xã
hội đặt ra với văn hóa mâu thuẫn với những say mê sơ khai của con người. Trong
những điều kiện hoàn cảnh xã hội tạo áp lực lớn cho con người dẫn tới những bất an,
đổ vỡ, thì mong muốn tìm tới khát vọng sơ khai càng thể hiện rõ hơn bao giờ hết.
K.G.Jung lại đề cao vô thức tập thể - tức là dạng kinh nghiệm tâm lí tập thể cổ xưa âm
thầm tổ chức đời sống của chúng ta. Dạng sơ khai nhất của vô thức tập thể là những
huyền thoại. Đây cũng là yếu tố quan trọng để tạo nên bản sắc của mỗi dân tộc. Huyền
thoại luôn có tính ổn định và bảo thủ, tuy nhiên đó không phải là yếu tố bất biến. Sự
giải thiêng huyền thoại diễn ra khi nhu cầu tự do tâm lí của cá nhân con người phát
triển. Điều này cũng là một biểu hiện thú vị của xung đột văn hóa.
Trong cuốn Modernism and Cultural conflict (Chủ nghĩa hiện đại và xung đột văn
hóa) (1880 – 1922), xuất phát từ thực tế phát triển của nước Anh, Ann L.Ardis có
15


những thảo luận quan trọng về đặc điểm văn học hiện đại Anh và tính thẩm mĩ của nó
trên cơ sở cắt nghĩa bản chất của chủ nghĩa hiện đại. Ann L.Ardis đặt vấn đề về những
quan điểm căn bản của chủ nghĩa hiện đại văn học. Bà đặt nhóm các nhà văn Ezra
Pound, T. S. Eliot, và James Joyce giữa các nhà văn ở Anh - những người có ý định
định nghĩa lại các tác phẩm văn hoá văn chương tại thời điểm chuyển giao thế kỷ 20.
Ardid quan tâm đến cách làm thế nào mà sự trỗi dậy của chủ nghĩa văn học hiện đại
tăng tính thẩm mĩ, mở đường cho việc thể chế hóa các nghiên cứu tiếng Anh thông qua
sự mất giá trị của thực tiễn thẩm mĩ. Các nghiên cứu về sự chuyển giao thế kỉ 20 cung

cấp khung quy chiếu lịch sử hữu dụng nhất về thay đổi trong xã hội, dựa trên sự liên
quan của nó tới các nghiên cứu về ngôn ngữ Anh và cách tiếp cận của chủ nghĩa hiện
đại văn học tới văn hóa chính thống, ấy là sự thống nhất những khác biệt hiện đại
thách thức trí tuệ của các hình thức thẩm mỹ mới đang tràn lan, chẳng hạn như phim
và sân khấu nhạc kịch. Các tranh luận về vai trò của văn học trong văn hoá được tạo
nên bởi những người theo chủ nghĩa nữ quyền hiểu biết bậc trung và những người theo
chủ nghĩa phường hội trong nỗ lực để tạo ra các giải pháp đối với cả giới tư sản công
khai và thị trường văn học. Những phân tích của Ann L. Ardis đi sâu hơn vào lĩnh vực
văn học, nhận thấy thực tế đụng độ giữa các trào lưu, khuynh hướng văn học (qua
những hiện tượng tiêu biểu) trong các giai đoạn chuyển giao quan trọng (chẳng hạn
như chuyển giao sang thế kỉ XX). Rõ ràng, văn học luôn là đối tượng nhạy cảm nhất
trong việc phản ánh bước chuyển văn hóa, lịch sử, xã hội.
Trong các công trình có tính lí thuyết chuyên ngành về văn hóa – văn học, chẳng
hạn như: The sociology of culture and Culture and Power (Xã hội học Văn hóa và Văn
hóa và quyền lực) của Bourdieu Pierre, Making Sense of Culture studies (Hiểu đúng về
những nghiên cứu văn hóa) của Dr Chris Barker, hay công trình liên đới văn hóa – văn
học Literary into cultural studies (Văn học trong nghiên cứu văn hóa) của Antony
Easthope, các nhà nghiên cứu luôn đặt văn hóa vào một trường quan hệ mật thiết với
chính trị và ngôn ngữ. Điều này càng cho thấy việc phân tích văn hóa qua kênh ngôn
ngữ là hữu dụng và khoa học. Thậm chí, văn hóa được xem là có hoạt động “giống
như một ngôn ngữ”. Ví dụ, Chris Barker cho rằng, cách hiểu được chấp nhận rộng rãi
về văn hóa là các “lược đồ ý nghĩa”: “Nghiên cứu văn hóa đặt ra những câu hỏi về
việc ý nghĩa nào được đưa vào lưu hành, bởi ai, vì mục đích gì và vì quyền lợi của
ai.[... Những suy xét về ý nghĩa đưa nghiên cứu văn hóa đến các lược đồ của chúng ta
được tạo ra như thế nào và đến việc nhìn nhận văn hóa như một tập hợp những thực
hành biểu đạt. Nghĩa là, nghiên cứu văn hóa chú ý tới tổ chức các kí hiệu sinh ra ý
nghĩa. Hệ thống kí hiệu đầu tiên được quan tâm tới là ngôn ngữ. Điều này dẫn dắt các
nhà lí luận tới tư tưởng về diễn ngôn hoặc những hình thức lời nói có quy định.” [11,
tr.115-116 . Hơn nữa, khi quan sát văn hóa như một hệ thống trong tương quan giữa
đồng đại – lịch đại, hướng tâm – li tâm, ngoại vi – trung tâm, các nhà nghiên cứu phát

16


hiện quá trình dịch chuyển rất mềm mỏng để hình thành đặc trưng văn hóa của mỗi
quốc gia. Từ rất sớm, khoảng năm 1920, Viktor Shklovskij đã công thức hóa những
lựa chọn “điển phạm hóa” và “phi điển phạm hóa” thành một lí giải cho động năng
văn chương. Tính điển phạm là sản phẩm của các hệ quyền lực trong một hệ thống.
Trong khi đó, chính “văn hóa hạ lưu”, “văn hóa thứ cấp” lại góp phần điều chỉnh sự
phát triển của trung tâm để nó trở nên không xơ cứng, tê liệt. Lotman và trường phái
Tartu Moskva đã phát triển quan điểm của Viktor Shklovskij theo hướng đề xuất thêm
cách nhìn ở ranh giới, đường biên, lí giải các cặp đối lập tạo nghĩa trong văn bản như
là hình thức kiến tạo văn hóa, thể hiện tính chất công cụ nhận thức của văn hóa, đảm
bảo cuộc sống phát triển. Ở hướng chuyển dịch ấy, xung đột văn hóa sẽ được nhận ra
rõ ràng hơn. Cơ chế tạo xung đột cũng được lí giải sâu sắc từ ảnh hưởng quyền lực,
thiết chế và tâm thức cộng đồng.
Với các học giả phương Đông, về căn bản, xung đột văn hóa và sự thực hành xung
đột văn hóa qua các văn bản văn học được quan niệm tương đồng với các học giả
phương Tây. Trong cuốn Introducing cultural studies (Giới thiệu các nghiên cứu về
văn hóa) do David Walton biên soạn, nhà nghiên cứu có dẫn ý kiến của Hoggart, cho
rằng, “cuộc sống của tầng lớp lao động là "một cuộc sống phong phú đầy đủ” và các
tầng lớp lao động truyền thống có một vai trò tích cực trong việc tạo ra, lựa chọn và
thích nghi văn hóa” (working-class life was “a full rich life” and that the traditional
working classes take an active role in making, choosing and adapting culture). Do đó,
Hoggart tập trung phân tích hành vi và lối sống của quần chúng lao động để thấy các
đặc điểm riêng về văn hóa. E.P.Thompson cũng quan niệm rằng văn hóa tầng lớp lao
động như là nơi của xung đột, ý thức - sự phản kháng, và nhấn mạnh đến hiện tượng
đau khổ và đàn áp như là những biểu hiện xung đột trong lòng xã hội. Với xã hội
phương Đông, do đặc thù về phương thức sản xuất, tính cố kết cộng đồng và vị trí của
những người lao động càng trở nên quan trọng. Căn rễ chuyên chế phương Đông cũng
đã tái hiện những đụng độ giai cấp quyết liệt và những cơn sóng ngầm trong đời sống

của quần chúng. Francis Fukuyama tìm ra những yếu tố làm nên sự ổn định của một hệ
thống chính trị (cuốn The Origins of Political Order – Nguồn gốc trật tự chính trị),
trong đó, ông có bàn tới (dù không phải trọng tâm của cuốn sách) “sự chuyên chế của
những người anh em họ”, tức là mối quan hệ huyết thống, dòng tộc nhiều khi là trở lực
kìm hãm làm cho quốc gia bị mắc kẹt. Điều này không chỉ đúng trong xã hội cổ xưa
mà đặt trong văn hóa phương Đông thời hội nhập, nó vẫn có tính cấp thiết.
Mặt khác, ý thức Đông Á của xung đột văn hóa thể hiện qua vai trò điều chỉnh
xung đột. Trương Lập Văn cho rằng, ý thức Đông Á chỉ ý thức lấy Nho học làm hạt
nhân (ảnh hưởng sâu sắc đến kết cấu xã hội, kết cấu tâm lí, điển chương chế độ,
luân lí đạo đức, mô thức hành vi và quan niệm giá trị), ý thức tính tự ngã của người
dân khu vực Đông Á (hàm chứa ý thức chủ thể - độc lập tự chủ, ý thức lo ngại, ý
17


thức khủng hoảng, ý thức phê phán, ý thức phản tỉnh). Ý thức ấy giúp người Đông
Á điều chỉnh lại mối quan hệ với phương Tây, phản tỉnh và phê phán lịch sử để
hướng đến tương lai. Trương Lập Văn chú trọng xung đột giữa văn hóa và văn
minh, tập trung phân tích tiến hóa văn hóa dựa vào sự lựa chọn văn minh. Trương
Lập Văn vẫn nhìn văn hóa như một chỉnh thể thống nhất trên lí niệm hòa hợp. Ông
nhìn xung đột ở diện rộng, xung quanh quan hệ của con người với tự nhiên, với xã
hội, với chính mình. Theo Trương Lập Văn, “Có khác biệt, có đối kháng, có xung
đột mới cấu thành cái “thù đồ” (đường đi khác biệt) và “bách lự” (trăm mối lo
riêng) trong bối cảnh “thiên hạ đồng quy nhi thù đồ, nhất trí nhi bách lự” (tất cả
quy về một mối dù đường đi khác biệt, cùng một chí hướng dù trăm mối lo riêng);
có “thù đồ” và “bách lự” mới cấu thành sự dung hợp của “đồng quy” (quy về một
mối) và “nhất trí” (cùng một chí hướng).” [254, tr.7]. Với ông, lí niệm hòa hợp bao
gồm cả dung hòa và xung đột. Như thế, ngay cả khi lấy Nho học làm ý thức căn
bản, và chú trọng thuyết hòa hợp, Trương Lập Văn vẫn thừa nhận những xung đột
ngầm ẩn trong văn hóa, nhất là ở thời đại giao lưu văn hóa rộng rãi.
Những hiện tượng nghiên cứu trên đã khẳng định một số vấn đề chung căn bản sau

trong xã hội hiện đại:
Một là, thừa nhận toàn cầu hóa đã tạo ra tính đối thoại văn hóa sâu rộng (khi có sự
giao lưu/va chạm giữa các nền văn hóa khác nhau), tác động mạnh mẽ đến đời sống,
trong đó phải kể đến tính chất giải lãnh thổ hóa, nhấn mạnh vào sự dịch chuyển của
trung tâm/ngoại vi, sự đụng độ thành thị - nông thôn trong quá trình đô thị hóa. Điều
này kéo theo mâu thuẫn giữa truyền thống và hiện đại nhìn từ giá trị văn hóa, nhằm
hình thành khung giá trị mới, chuẩn mực mới.
Hai là, xét từ mẫu người văn hóa - chủ thể kiến tạo văn hóa, thế giới tình cảm, vô
thức có những xung đột với lí trí, ý thức để thõa mãn tự do cá nhân, đi tới ham muốn
khẳng định bản sắc cá nhân với những màu sắc mới trong thời hiện đại.
Ba là, vấn đề bản sắc và hội nhập, dân tộc và nhân loại trở nên quan trọng khi văn
hóa quốc gia phải va chạm với “kẻ khác” để khẳng định và phát triển bản sắc của dân
tộc mình. Sự đụng độ này càng cho thấy bản chất kiến tạo của bản sắc văn hóa.
Bốn là, văn học (với chất liệu ngôn ngữ có đặc trưng riêng) tham gia tích cực vào
quá trình kiến tạo văn hóa. Để thấy được những va chạm, đụng độ giữa các mô thức
văn hóa thì việc phân tích các hiện tượng văn học trở nên quan trọng và hữu ích. Lúc
này, văn học được xem là một mạng lưới kí hiệu học văn hóa đặc biệt.
1.3 Nghiên cứu xung đột văn hóa ở Việt Nam
Ở Việt Nam, định nghĩa văn hóa lần đầu tiên được nhắc tới trong công trình Việt
Nam văn hóa sử cương của học giả Đào Duy Anh: “Ta có thể nói rằng, văn hóa là
những giá trị biểu hiện cuộc sinh hoạt mạnh mẽ của loài người, trong cả các phương
diện vật chất, tinh thần và xã hội.” [1, tr.692]. Ông chỉ ra hướng tiếp cận văn hóa trên
18


hai phương diện “tĩnh” (đồng đại) và “động” (lịch đại), đồng thời gợi ý hướng thực
nghiệm trong nghiên cứu: “muốn nghiên cứu văn hóa của một dân tộc, trước hết phải
xét xem dân tộc ấy sinh trưởng ở trong những điều kiện địa lí như thế nào. (...) Nghiên
cứu xem sự hoạt động để sinh hoạt về các phương diện của một dân tộc xưa nay biến
chuyển thế nào, là nghiên cứu văn hóa lịch sử của dân tộc ấy vậy!.” [tr.11-12]. Phan Kế

Bính xem văn hóa như là bản sắc luôn biến đổi “hoặc bởi phong thổ và cải cách chính
trị, cải cách giáo dục trong nước mà thành ra. Hoặc bởi cái phong trào ở ngoài tràn vào
mà dần tiêm nhiễm thành phong tục.” [26, tr.7]. Trần Ngọc Thêm tiếp cận văn hóa trên
góc nhìn cấu trúc hệ thống, loại hình để đi đến nhận định: “Văn hóa là một hệ thống
hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy qua quá trình
hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã
hội của mình.” [211, tr.25].
Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu Trần Quốc Vượng (Cơ sở văn hóa Việt Nam,
NXB Giáo dục, 2014), Trần Ngọc Thêm (Những vấn đề văn hóa học – Lí luận và ứng
dụng, NXB Văn hóa – Văn nghệ Tp.HCM, 2014), Phan Ngọc (Bản sắc văn hóa Việt
Nam, NXB Văn học, tái bản 2015) đều nhấn mạnh giao lưu, tiếp biến văn hóa trong
quá trình hình thành và xây dựng đất nước, trong đó có sự thay đổi (để thích nghi)
hoặc lưu giữ (để khẳng định) những thành tố văn hóa truyền thống. Đương nhiên,
trong “cuộc giao lưu” ấy sẽ xuất hiện xung đột cũ – mới, phương Đông – phương Tây
để hướng tới diện mạo văn hóa mới. Kết quả đem lại luôn là tính chất lai ghép (ở mức
độ khác nhau). Những cái du nhập từ nước ngoài vào không bao giờ giữ được hình hài
nguyên thủy của chúng, chúng bị khúc xạ qua lăng kính địa phương/bản địa người
Việt. Mặt khác, truyền thống như một rào cản chống lại sự xâm nhập văn hóa bên
ngoài cũng sẽ không còn là một truyền thống vốn có từ trước mà luôn được tái
tạo/kiến trúc lại.
Nhà nghiên cứu Phan Ngọc tập trung phân tích bản sắc văn hóa Việt Nam (và sự
thay đổi của nó) trên nền tảng quan niệm về Tổ quốc, Gia đình và Thân phận. Xuất
phát từ bản sắc văn hóa ấy mà những xung đột diễn ra cũng có tính đặc thù, quy định
cách ứng xử của con người. Ví dụ như: nếu phải chọn Tổ quốc và Gia đình, con người
sẽ nghiêng về Tổ quốc; nếu chọn lợi ích cá nhân và quyền lợi dòng tộc, con người sẽ
chọn dòng tộc. Đặc điểm này bền vững nhưng chưa hẳn bất biến. Bởi vì khi gặp gỡ bối
cảnh mới với sự thay đổi sâu sắc các tiêu chuẩn giá trị, những yếu tố cốt lõi truyền
thống bị lung lay. Hoặc, nó sẽ lấn át được nhân tố mới để bảo toàn, hoặc nó sẽ bị thay
thế bởi một nhân tố mới thích hợp với thời đại, hoặc sẽ dung hòa ở một dạng tồn tại
khác. Như thế, bản chất của bản sắc là sự kiến tạo. Điều này phù hợp với cách nhìn

của giới học thuật phương Tây. Phương Tây dịch “Identity” là căn cước/căn tính/bản
sắc, tức là một cái gì đó mà người ta nghĩ hoặc tưởng tượng, thuộc về thế giới hư cấu
đầy chủ quan. Khi tìm hiểu về bản sắc, người phương Tây quan tâm xem ai hoặc cái gì
19


×