Nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại
a) Đặt cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam trong sự gắn bó với
cách mạng vô sản thế giới
Thời đại mà Hồ Chí Minh sống và hoạt động là thời đại đã chấm dứt sự tồn tại biệt lập giữa
các quốc gia, mở ra mối quan hệ quốc tế ngày càng rộng lớn giữa các dân tộc
Sự thất bại của các phong trào yêu nước chống Pháp cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX
không phải vì nhân dân ta thiếu anh dũng, các lãnh tụ phong trào kém nhiệt huyết mà do
nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân thiếu đường lối cách mạng đúng đắn, phương
pháp cách mạng không phù hợp với xu thế mới của thời đại.
Do nhận thức đúng sự biến chuyển của thời đại, Hồ Chí Minh đã sớm đến được với cánh tả
của cách mạng Pháp, gặp được Luận cương của V.I. Lênin, tán thành Quốc tế
III, tìm thấy con đường giải phóng dân tộc Việt Nam theo con đường cách mạng vô sản.
Người viết: "Thời đại của chủ nghĩa tư bản lũng đoạn cũng là thời đại một nhóm nước
lớn do bọn tư bản tài chính cầm đầu thống trị các nước phụ thuộc và nửa phụ thuộc, bởi
vậy công cuộc giải phóng các nước và các dân tộc bị áp bức là một bộ phận khăng khít
của cách mạng vô sản. Do đó mà trước hết nảy ra khả năng và sự cần thiết phải có liên
minh chiến đấu chặt chẽ giữa các dân tộc thuộc địa với giai cấp vô sản của các nước đế
quốc để thắng kẻ thù chung"
Sau khi nắm được đặc điểm của thời đại mới, Hồ Chí Minh đã hoạt động không
mệt mỏi để gắn cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới. Người đã chỉ ra một trong
những nguyên nhân gây ra sự suy yếu của các dân tộc phương Đông, đó là sự biệt lập.
Theo Người, "Cách mệnh An Nam cũng là một bộ phận trong cách mệnh thế giới. Ai
làm cách mệnh trong thế giới đều là đồng chí của dân An Nam cả". Do đó, cần phải "Làm
cho các dân tộc thuộc địa, từ trước đến nay vẫn cách biệt nhau, hiểu biết nhau hơn và đoàn
kết lại để đặt cơ sở cho một Liên minh phương Đông tương lai, khối liên minh này sẽ là một
trong những cái cánh của cách mạng vô sản.
Do nhiều nguyên nhân, giai cấp công nhân ở phương Tây lúc đó chưa có hiểu biết
đầy đủ và chính xác về vấn đề thuộc địa. Một số lãnh tụ cơ hội của Quốc tế II đã bênh
vực chính sách thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc. V.I. Lênin đã kiên quyết đấu tranh
chống lại quan điểm sai lầm này. Hồ Chí Minh đã bảo vệ và phát triển quan điểm của
V.I. Lênin về khả năng to lớn và vai trò chiến lược của cách mạng giải phóng dân tộc ở
thuộc địa đối với thắng lợi của cách mạng vô sản: cách mạng ở phương Tây muốn thắng
lợi thì nó phải liên hệ chặt chẽ với phong trào giải phóng chống chủ nghĩa đế quốc ở các
nước thuộc địa và các nước bị nô dịch.
Chính nhờ nắm bắt được đặc điểm và xu thế phát triển của thời đại mà Hồ Chí
Minh đã xác định chính xác đường lối chiến lược, sách lược và phương pháp cách mạng
đúng đắn cho sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc Việt Nam theo con đường của
cách mạng vô sản. Hồ Chí Minh khẳng định: "Cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này
đến thắng lợi khác, điều đó chứng minh rằng trong thời đại đế quốc chủ nghĩa, ở một
nước thuộc địa nhỏ, với sự lãnh đạo của giai cấp vô sản và đảng của nó, dựa vào quần
chúng nhân dân rộng rãi trước hết là nông dân và đoàn kết được mọi tầng lớp nhân dân
yêu nước trong mặt trận thống nhất, với sự đồng tình và ủng hộ của phong trào cách
mạng thế giới, trước hết là của phe xã hội chủ nghĩa hùng mạnh, nhân dân nước đó
nhất định thắng lợi"
b) Kết hợp chặt chẽ chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc
tế trong sáng
Là nhà yêu nước chân chính, Hồ Chí Minh đã triệt để phát huy sức mạnh của chủ
nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc; đồng thời là nhà quốc tế chủ nghĩa trong sáng. Hồ
Chí Minh đã suốt đời đấu tranh không mệt mỏi để củng cố và tăng cường tình đoàn kết
và hữu nghị giữa Việt Nam và các dân tộc khác đang đấu tranh cho mục tiêu chung là
hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội. Người cho rằng: Đảng lấy toàn
bộ thực tiễn của mình để chứng minh rằng chủ nghĩa yêu nước triệt để không thể nào
tách rời với chủ nghĩa quốc tế vô sản. Tinh thần yêu nước chân chính khác hẳn với tinh
thần "vị quốc" của bọn đế quốc phản động. Nó là một bộ phận của tinh thần quốc tế.
Kẻ thù của các dân tộc và cách mạng thế giới hiểu rõ sức mạnh của khối đoàn kết
dân tộc và đoàn kết quốc tế, vì vậy, để áp đặt và duy trì được ách thống trị của chúng
đối với các thuộc địa, chúng đã ra sức chia rẽ các dân tộc, truyền bá tư tưởng của chủ
nghĩa chủng tộc, khuyến khích thói kỳ thị màu da, kích động chủ nghĩa dân tộc cực
đoan... Hồ Chí Minh đã chứng kiến sự thối nát đó của chủ nghĩa thực dân khi còn ở
trong nước cũng như khi đi tìm đường cứu nước, song Người cũng đã chứng kiến về sự
chan hòa giữa các dân tộc, các chủng tộc khi đến Liên Xô năm 1923. Người rất phấn
khởi nhìn thấy ở Trường Đại học phương Đông hình ảnh đại đoàn kết giữa các dân tộc
đủ màu da:
"Rằng đây bốn biển một nhà.
Vàng, đen, trắng, đỏ đều là anh em".
Hồ Chí Minh là người có đóng góp lớn vào lý luận Mác- Lênin về kết hợp chặt
chẽ giữa chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức
mạnh thời đại. Luận điểm coi chủ nghĩa đế quốc là "con đỉa hai vòi", coi liên minh các
dân tộc ở phương Đông là một trong những cái cánh cách mạng vô sản", khẳng định chủ
nghĩa cộng sản có thể áp dụng được ở phương Đông, cách mạng giải phóng dân tộc ở
thuộc địa có thể thắng lợi trước cách mạng vô sản ở chính quốc,... là sự phát triển sáng
tạo chủ nghĩa Mác - Lênin của Hồ Chí Minh.
Đề cao sự giúp đỡ quốc tế với cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh cũng đồng thời
nhấn mạnh trách nhiệm của cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới. Khi phong
trào cộng sản và công nhân quốc tế có sự chia rẽ, Đảng ta và Hồ Chí Minh đã hoạt động
không mệt mỏi để mong góp phần khôi phục sự đoàn kết quốc tế trên cơ sở những
nguyên tắc của chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý, có tình.
Như vậy, theo Hồ Chí Minh, từ đại đoàn kết dân tộc phải đi đến đại đoàn kết quốc
tế; đại đoàn kết dân tộc đúng đắn là cơ sở cho việc thực hiện đoàn kết quốc tế trong
sáng. Đại đoàn kết dân tộc là một trong những nhân tố bảo đảm thắng lợi của cách mạng
Việt Nam. Đoàn kết quốc tế cũng là một nhân tố hết sức quan trọng giúp cho cách mạng
Việt Nam đi đến thắng lợi hoàn toàn của sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đưa cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Kết hợp chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế vô sản đòi hỏi phải đấu tranh
chống lại mọi biểu hiện của chủ nghĩa dân tộc vị kỷ, chủ nghĩa sô vanh và mọi thứ chủ
nghĩa cơ hội khác. Chúng ta không chỉ chiến đấu vì độc lập, tự do của đất nước mình
mà còn vì độc lập, tự do của các nước khác, không chỉ bảo vệ lợi ích sống còn của dân
tộc mình mà còn vì những mục tiêu cao cả của thời đại: hòa bình, độc lập dân tộc, dân
chủ và chủ nghĩa xã hội
c) Dựa vào sức mình là chính, tranh thủ sự giúp đỡ của các nước xã hội
chủ nghĩa, sự ủng hộ của nhân loại tiến bộ, đồng thời không quên nghĩa
vụ quốc tế cao cả của mình
Trong mối quan hệ giữa sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, bao giờ Hồ Chí
Minh cũng tích cực và quan tâm đến phát huy sức mạnh của dân tộc, coi nguồn lực nội
sinh giữ vai trò quyết định, còn nguồn lực ngoại sinh chỉ phát huy được tác dụng thông
qua nguồn lực nội sinh. Vì vậy, trong đấu tranh cách mạng, Hồ Chí Minh luôn luôn nêu
cao khẩu hiệu "tự lực cánh sinh, dựa vào sức mình là chính", "muốn người ta giúp cho,
thì trước mình phải tự giúp lấy mình đã". Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ
ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập.
"Tự giải phóng" là tư tưởng, quan điểm lớn, xuyên suốt của tư tưởng Hồ Chí
Minh. Trong lời kêu gọi gửi tới những người anh em ở các thuộc địa, Người viết: Anh
em phải làm thế nào để được giải phóng? Vận dụng công thức của C. Mác, chúng tôi
xin nói với anh em rằng, công cuộc giải phóng anh em chỉ có thể thực hiện được bằng
56sự nỗ lực của bản thân anh em.
Chính vì đánh giá cao sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc mà
Hồ Chí Minh đã đi tới luận điểm: Cách mạng thuộc địa không những không phụ thuộc
vào thắng lợi của cách mạng vô sản ở chính quốc mà trong điều kiện lịch sử nhất định,
có thể và cần thiết phải chủ động tiến hành trước và bằng thắng lợi của cách mạng thuộc
địa mà góp phần "giúp đỡ những người anh em mình ở phương Tây trong nhiệm vụ giải
phóng hoàn toàn"1
.
Hồ Chí Minh cho rằng, muốn tranh thủ được sức mạnh thời đại, ngoài sức mạnh
cần thiết bên trong, còn phải có đường lối độc lập tự chủ đúng đắn mới tranh thủ được
sức mạnh thời đại. Cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta diễn ra trong bối cảnh
lịch sử phức tạp, đó là sự chia rẽ của hệ thống xã hội chủ nghĩa, của phong trào cách
mạng thế giới. Để tranh thủ được sự đồng tình và ủng hộ của nhân dân thế giới, Đảng ta
và Hồ Chí Minh đề ra đường lối kết hợp chặt chẽ mục tiêu đấu tranh cho độc lập, thống
nhất của dân tộc mình với mục tiêu của thời đại là hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và
chủ nghĩa xã hội.
Nêu cao chủ nghĩa yêu nước kết hợp với chủ nghĩa quốc tế, tranh thủ cao nhất sự
ủng hộ và giúp đỡ của loài người tiến bộ, nhân dân ta đồng thời tích cực thực hiện nghĩa
vụ quốc tế cao cả của mình. Hồ Chí Minh đã nhiều lần nhắc nhở: phải coi cuộc đấu
tranh của bạn cũng như cuộc đấu tranh của ta... Người cùng một hội, một thuyền phải
giúp đỡ lẫn nhau". Người đặc biệt coi trọng xây dựng khối đoàn kết Việt Nam, Lào,
Campuchia - ba nước cùng cảnh ngộ thuộc địa trên bán đảo Đông Dương trong cuộc
đấu tranh giải phóng đất nước. Trong kháng chiến chống chủ nghĩa đế quốc thực dân, tư
tưởng Hồ Chí Minh đã định hướng cho việc hình thành ba tầng Mặt trận: Mặt trận đại
đoàn kết dân tộc; Mặt trận đoàn kết Việt Nam, Lào, Campuchia; Mặt trận nhân dân thế
giới đoàn kết với Việt Nam chống đế quốc xâm lược. Đây thực sự là sự phát triển rực rỡ
nhất và thắng lợi to lớn nhất của tư tưởng đại đoàn kết của Hồ Chí Minh.
Nhờ có sự giúp đỡ của quốc tế, Việt Nam đã giành toàn thắng trong hai cuộc
kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, song cũng bằng việc đánh bại thực
dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Việt Nam ta đã góp phần quan trọng làm suy yếu
chủ nghĩa đế quốc, từng bước hạn chế và làm thất bại âm mưu gây chiến tranh thế giới
của chúng, góp phần củng cố hòa bình và dân chủ trên thế giới, mở rộng và tăng cường
lực lượng cho chủ nghĩa xã hội