MỤC LỤC
A. MỞ
ĐẦU.......................................................................................................3
B. NỘI
DUNG...................................................................................................3
I. Quan điểm của Chủ nghĩa Mác-Lênin về quy luật “thống nhất và đấu
tranh giữa các mặt đối lập”............................................................................3
1.1. Khái niệm mâu thuẫn và các tính chất chung của mâu thuẫn....................3
1.2. Quá trình vận động của mâu thuẫn.............................................................4
1.3. Ý nghĩa phương pháp luận của quy luật.....................................................5
II. Vận dụng nội dung và ý nghĩa phương pháp luận của quy luật “thống
nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập” để lý giải quan hệ giữa phát
triển kinh tế với bảo vệ môi trường ở Việt Nam hiện nay...........................5
2.1. Phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường ở Việt Nam hiện nay là hai mặt
đối lập của mâu thuẫn........................................................................................5
2.2. Quá trình vận động của mâu thuẫn trong quan hệ giữa phát triển kinh tế
và bảo vệ môi trường ở Việt Nam hiện nay.......................................................6
2.2.1. Sự thống nhất..................................................................................6
2.2.2. Sự đấu tranh....................................................................................6
2.2.3. Sự chuyển hóa.................................................................................8
2.3. Vận dụng ý nghĩa phương pháp luận của quy luật để đảm bảo phát triển
kinh tế gắn với bảo vệ môi trường....................................................................8
C. KẾT LUẬN.................................................................................................10
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO................................................11
2
A. MỞ ĐẦU
Nguyên lý về sự phát triển của chủ nghĩa Mác – Lênin từ lâu đã được
coi là “xương sống” của phép biện chứng duy vật, có ý nghĩa quan trọng trong
nhận thức và thực tiễn của con người. Nguyên lý này được biểu hiện cụ thể
thông qua ba quy luật, trong đó có quy luật “thống nhất và đấu tranh giữa các
mặt đối lập” (hay còn gọi là quy luật mâu thuẫn). Quy luật trên đã chỉ ra rằng
nguồn gốc, động lực cơ bản ở mọi quá trình vận động và phát triển chính là
mâu thuẫn khách quan vốn có của sự vật hiện tượng. Xét thấy trong thời kỳ
công nghiệp hóa- hiện đại hóa đất nước ở Việt Nam hiện nay, kinh tế đang
dần được chú trọng phát triển và có mối liên hệ mật thiết, tác động qua lại tới
vấn đề bảo vệ môi trường vốn luôn rất cấp thiết. Chính vì vậy, bài tiểu luận
xin được vận dụng nội dung và ý nghĩa phương pháp luận của quy luật
“thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập” để lý giải quan hệ giữa
phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường ở Việt Nam hiện nay.
B. NỘI DUNG
I. Quan điểm của Chủ nghĩa Mác-Lênin về quy luật “thống nhất và
đấu tranh giữa các mặt đối lập”
I.1. Khái niệm mâu thuẫn và các tính chất chung của mâu thuẫn
Khái niệm mâu thuẫn trong phép biện chứng dùng để chỉ sự tác động
qua lại, ràng buộc lẫn nhau giữa hai mặt đối lập của một sự vật, hiện tượng
hoặc giữa các sự vật, hiện tượng với nhau.
Khái niệm mặt đối lập dùng để chỉ những mặt, những thuộc tính có
khuynh hướng phát triển trái ngược nhau nhưng đồng thời lại là điều kiện,
tiền đề tồn tại của nhau. Mặt đối lập là một nhân tố tạo thành mâu thuẫn.
Theo quan điểm chủ nghĩa Mác – Lênin, mâu thuẫn có ba tính chất
chung là tính khách quan, tính phổ biến và tính đa dạng, phong phú.
Thứ nhất, mâu thuẫn có tính khách quan. Bởi vì mâu thuẫn là cái vốn
có của mỗi sự vật, hiện tượng. Mà sự vật, hiện tượng lại tồn tại khách quan,
không phụ thuộc ý chí con người do chúng đều là vật chất.
Thứ hai, mâu thuẫn có tính phổ biến. Bởi vì mâu thuẫn xuất hiện ở cả
ba mặt: trong giới tự nhiên, trong xã hội và trong tư duy.
3
Thứ ba, mâu thuẫn có tính đa dạng, phong phú. Mâu thuẫn ở mỗi sự
vật, hiện tượng khác nhau thì khác nhau trong từng lĩnh vực và điều kiện lịch
sử, cụ thể. Từ đó, xuất hiện nhiều loại mâu thuẫn như: mâu thuẫn bên trong và
bên ngoài, mâu thuẫn chủ yếu và thứ yếu, mâu thuẫn cơ bản và không cơ
bản,...
I.2. Quá trình vận động của mâu thuẫn
Trong mâu thuẫn, các mặt đối lập vừa thống nhất, vừa đấu tranh với
nhau, và giữa chúng còn có sự chuyển hóa khi ở một hoàn cảnh, điều kiện
thích hợp.
Sự thống nhất giữa các mặt đối lập là sự tác động qua lại, quy định lẫn
nhau, ràng buộc nhau cùng tồn tại của các mặt đối lập. Trong đó, mặt này lấy
mặt đối lập kia làm tiền đề cho sự tồn tại của mình. Sự thống nhất giữa các
mặt đối lập có vai trò tạo điều kiện để sự vật, hiện tượng tồn tại khi cùng nằm
trong một chỉnh thể; tạo điều kiện để các mặt đối lập đấu tranh với nhau. Sự
thống nhất này mang tính tạm thời, thoáng qua, tương đối, cũng như trạng thái
đứng im của sự vật, hiện tượng.
Sự đấu tranh giữa các mặt đối lập theo nghĩa đen là sự bài trừ, phủ
định lẫn nhau của các mặt đối lập; nhưng hiểu rộng ra theo nghĩa bóng thì đó
là sự tác động qua lại, ảnh hưởng lẫn nhau của các mặt đối lập. Sự đấu tranh
có vai trò là nguồn gốc, động lực cho sự vận động phát triển của sự vật hiện
tượng. Nó mang tính tuyệt đối khi diễn ra từ đầu đến cuối và diễn ra ở mọi sự
vật, hiện tượng, tương ứng với sự vận động.
Sự chuyển hóa giữa các mặt đối lập là sự thay thế các mặt đối lập, là
một tất yếu sau quá trình thống nhất và đấu tranh. Quá trình chuyển hóa diễn
ra hết sức phong phú đa dạng tùy vào tính chất của các mặt đối lập cũng như
điều kiện, hoàn cảnh lịch sử- cụ thể.
Sự tác động qua lại dẫn đến chuyển hóa giữa các mặt đối lập là một
quá trình. Mâu thuẫn mới đầu được hình thành bởi hai mặt đối lập. Khi hai
mặt đối lập của mâu thuẫn xung đột gay gắt và khi điều kiện đã chín muồi thì
chúng sẽ chuyển hóa lẫn nhau, mâu thuẫn được giải quyết. Mâu thuẫn cũ mất
đi, mâu thuẫn mới được hình thành và quá trình tác động, chuyển hóa giữa hai
mặt đối lập lại tiếp diễn, làm cho sự vật, hiện tượng luôn luôn vận động và
phát triển.
4
I.3. Ý nghĩa phương pháp luận của quy luật
Thứ nhất, trong nhận thức và thực tiễn cần tôn trọng mâu thuẫn, phát
hiện mâu thuẫn, phân tích đầy đủ các mặt đối lập, nắm được bản chất, nguồn
gốc, khuynh hướng của sự vận động và phát triển.
Thứ hai, trong việc nhận thức và giải quyết mâu thuẫn cần phải có quan
điểm lịch sử- cụ thể, tức là phải biết phân tích cụ thể từng loại mâu thuẫn và
có phương pháp giải quyết phù hợp. Ngoài ra cần phân biệt đúng vai trò, vị
trí, đặc điểm của các loại mâu thuẫn trong từng hoàn cảnh, điều kiện nhất
định để giải quyết mâu thuẫn đó một cách đúng đắn nhất.
II. Vận dụng nội dung và ý nghĩa phương pháp luận của quy luật
“thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập” để lý giải quan hệ giữa
phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường ở Việt Nam hiện nay
2.1. Phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường ở Việt Nam hiện nay là
hai mặt đối lập của mâu thuẫn
Sở dĩ nói phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường ở Việt Nam là hai mặt
đối lập của mâu thuẫn bởi chúng có khuynh hướng phát triển trái ngược nhau.
Phát triển kinh tế là một nhu cầu tất yếu của con người và xã hội khi
phát triển đến một mức độ nhất định. Đó là việc tập trung khai thác và sử
dụng các nguồn nguyên liệu để sản xuất ra của cải vật chất. Nguồn nguyên
liệu này lại chủ yếu được lấy từ tự nhiên do tính chất các ngành kinh tế mũi
nhọn ở Việt Nam luôn gắn liền với tự nhiên như: nông nghiệp, kinh tế biển,...
Trong khi đó, bảo vệ môi trường lại là việc bảo đảm an toàn cho các
nguồn tài nguyên thiên nhiên tránh khỏi sự xâm hại của con người, đồng thời
khắc phục những hậu quả môi trường do con người, do tình trạng biến đổi khí
hậu (mà nguyên nhân một phần cũng là do con người) gây ra.
Như vậy, việc phát triển kinh tế và việc bảo vệ môi trường ở Việt Nam
là hai mặt đối lập tạo nên mâu thuẫn. Mâu thuẫn này là khách quan, tồn tại
phụ thuộc vào hiện thực khách quan. Có thể xét đây là mâu thuẫn bên ngoài,
giữa các sự vật hiện tượng với nhau; nhưng nếu đặt hai mặt đối lập này ở một
mối quan hệ khác thì đây lại là mâu thuẫn bên trong quá trình phát triển bền
vững của xã hội Việt Nam.
2.2. Quá trình vận động của mâu thuẫn trong quan hệ giữa phát
triển kinh tế và bảo vệ môi trường ở Việt Nam hiện nay
2.2.1. Sự thống nhất
5
Phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường là hai yếu tố quan trọng và bắt
buộc phải thực hiện để tiến tới sự phát triển bền vững của một quốc gia, xã
hội. “Tiêu chí để đánh giá sự phát triển bền vững là sự tăng trưởng kinh tế ổn
định; thực hiện tốt tiến bộ và công bằng xã hội; khai thác hợp lý, sử dụng tiết
kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường
sống.”1. Đảng và Nhà nước ta cũng đã nêu quan điểm về điều này trong Quyết
định số 432/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai
đoạn 2011 – 2020: “Phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong quá
trình phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa phát triển
kinh tế với phát triển xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường, bảo đảm quốc
phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội.”
Trong đó, mặt này lấy mặt đối lập kia làm tiền đề cho sự tồn tại của
mình. Phát triển kinh tế lấy bảo vệ môi trường là tiêu chí để nâng cao chất
lượng hoạt động và đảm bảo sự tăng trưởng ổn định. Ngược lại, việc phát
triển kinh tế tốt lại hỗ trợ chi phí và điều kiện thực hiện các hoạt động bảo vệ
môi trường, qua đó nâng cao chất lượng môi trường sống.
Như vậy, chúng ràng buộc lẫn nhau, cùng tồn tại. Nếu không có phát
triển kinh tế thì khó thực hiện tốt được bảo vệ môi trường và ngược lại.
2.2.2. Sự đấu tranh
Sự đấu tranh giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường ở Việt Nam
hiện nay đã diễn ra theo một quá trình cụ thể.
Mới đầu, khi nền kinh tế nước ta còn chưa phát triển thì nhìn chung
các hoạt động kinh tế không làm ảnh hưởng nhiều tới vấn đề bảo vệ môi
trường; hoặc giữa chúng có xảy ra xung đột nhưng đó chỉ là những xung đột
nhỏ và diễn ra cục bộ. Lấy ví dụ vào những năm trước thời kỳ Đổi mới
(1986), nước ta chủ trương thực hiện nền kinh tế hàng hóa tập trung bao cấp,
hoạt động chính là nông nghiệp. Với kỹ thuật và công nghệ lạc hậu thời bấy
giờ thì hoạt động kinh tế không gây xáo trộn các nhân tố tự nhiên như đất,
nước, không khí. Có chăng chỉ là những trường hợp phát rừng, đốt rừng làm
nương rẫy một cách bừa bãi, trái phép tại một vài đại phương dẫn đến tình
trạng đất trống đồi trọc, khiến bầu không khí bị nhiễm khói bụi trên phạm vi
địa phương đó.
1 Nguyễn Đức Long (2010), “Các giải pháp đảm bảo phát triển bền vững và bảo vệ môi trường
ở Việt Nam hiện nay”, Luật học, (8), tr. 38.
6
Năm 1986, nước ta bước vào thời kỳ Đổi mới. Đảng đã đề ra chủ
trương tiến hành công nghiệp hóa- hiện đại hóa đất nước nên trong cơ cấu nền
kinh tế từ lâu công nghiệp và dịch vụ luôn có sự phát triển vượt bậc, giảm tỉ
trọng của nông nghiệp. Từ đây, vấn đề phát triển kinh tế và vấn đề bảo vệ môi
trường bắt đầu có sự xung đột gay gắt.
Phát triển kinh tế đã phá hủy nguồn tài nguyên thiên nhiên và làm ô
nhiễm môi trường. Trong lĩnh vực nông nghiệp, việc lạm dụng các hóa chất
như thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ gây ô nhiễm đất, ô nhiễm nguồn nước xung
quanh, và khiến bản thân các sản phẩm nông nghiệp có nguy cơ gây ngộ độc
nếu ăn phải. Trong lĩnh vực công nghiệp, việc khai thác tràn lan khoáng sản
khiến cho nguồn tài nguyên này ở nước ta đang dần cạn kiệt. Tài nguyên rừng
cũng bị khai thác để xây dựng thủy điện một cách ồ ạt. “Theo các chuyên gia
sinh quyển, để tạo ra 1 MW điện, phải ‘đổi’ ít nhất 10-30 ha rừng, và để có
1.000 ha hồ chứa nước cũng cần san phẳng, giải phóng từ 1.000 – 2.000 ha
đất rừng ở phía thượng nguồn.”2. Không chỉ khai thác tài nguyên thiên nhiên
mà các hoạt động công nghiệp còn làm ô nhiễm môi trường trầm trọng. Nhiều
nhà máy, xí nghiệp xả nước thải và khí thải độc hại trực tiếp ra ngoài môi
trường mà không qua hệ thống xử lí. Một ví dụ điển hình là vụ công ty sản
xuất gang thép Formosa đã xải thải trực tiếp ra vùng biển Vũng Áng tại Hà
Tĩnh, kết quả là nước biển nhiễm độc lan ra đến bốn tỉnh duyên hải Trung Bộ,
làm cá chết hàng loạt. Trong lĩnh vực dịch vụ, một trong những hoạt động
gây ảnh hưởng đến môi trường nhất là hoạt động du lịch. Việc biến thiên
nhiên thành khu vui chơi nghỉ dưỡng kéo theo một lượng lớn người đổ về
sinh hoạt, trong khi chính quyền các cấp lại không làm tốt công tác quản lý
khiến môi trường bị quá tải, suy thoái.
Khi môi trường bị tàn phá đến một mức độ nhất định, nó sẽ tác động
ngược trở lại đối với việc phát triển kinh tế. Cụ thể, việc chặt phá rừng làm
đất đồi núi mất sự che chắn, khiến lũ đầu nguồn đổ về. Việc thải nhiều khí
CO2 ra ngoài môi trường đẩy nhanh tốc độ biến đổi khí hậu, thời tiết cũng trở
nên khắc nghiệt hơn với các hiện tượng mưa bão, hạn hán, lốc xoáy,... Hậu
quả từ những thiên tai này là rất lớn: mất mùa màng, phá hủy công trình, cướp
đi sinh mạng của người dân,... Các nguồn tiền dành cho phát triển kinh tế nay
2 />
7
phải sử dụng cho các hoạt động khắc phục thiệt hại và bảo vệ môi trường.
“Đánh giá của Ngân hàng Thế giới cho thấy, ô nhiễm môi trường, ô nhiễm
không khí tại Việt Nam đã gây thiệt hại đến 5% GDP hàng năm.”3. Như vậy,
môi trường đã gián tiếp làm giảm khả năng sản xuất nông nghiệp, công
nghiệp, ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp dịch vụ, qua đó kìm
hãm sự phát triển kinh tế.
2.2.3. Sự chuyển hóa
Theo quan điểm chủ nghĩa Mác – Lênin, khi phát triển kinh tế và bảo
vệ môi trường đấu tranh gay gắt và đạt đến một mức độ nhất định, chúng sẽ
tất yếu chuyển hóa cho nhau. Sự chuyển hóa này diễn ra như thế nào là phụ
thuộc vào nhận thức của con người và điều kiện, hoàn cảnh cụ thể.
Đó là khi ta hài hòa được giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường.
Các doanh nghiệp không còn xả thải gây ô nhiễm, cân đối được việc khai thác
và tái tạo các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Mâu thuẫn lúc này được giải
quyết, và một mâu thuẫn khác hình thành, bởi trong xã hội luôn tồn tại rất
nhiều mâu thuẫn. Hiện nay, ngay cả khi một bộ phận các doanh nghiệp, công
ty ý thức được việc bảo vệ môi trường và thực hiện các biện pháp bảo vệ thiết
thực, họ vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức khác. Đó có thể là mâu thuẫn
giữa phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội, với sự tiến bộ công bằng,...
Quá trình tác động, chuyển hóa giữa hai mặt đối lập lại tiếp diễn, khiến cho xã
hội Việt Nam không ngừng phát triển.
2.3. Vận dụng ý nghĩa phương pháp luận của quy luật để đảm bảo
phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường
Trên cơ sở tiếp tục thực hiện chiến lược phát triển bền vững được đề ra
bởi Đảng và Nhà nước, các cá nhân và tổ chức trong xã hội cần có nhận thức
đúng đắn và hành động thiết thực trong việc đảm bảo phát triển kinh tế hài
hòa, gắn liền với bảo vệ môi trường.
Thứ nhất, cần có sự quan tâm sâu sắc tới mâu thuẫn giữa phát triển
kinh tế và bảo vệ môi trường ở Việt Nam hiện nay. Mỗi người đều phải trang
bị cho mình những kiến thức đầy đủ về vấn đề này, từ đó có ý thức trong việc
thể hiện thái độ với môi trường sống xung quanh. Để có được sự tiếp nhận
đông đảo của mọi người, các cấp chính quyền và tổ chức xã hội phải thường
3 />
8
xuyên tổ chức các buổi giao lưu, chia sẻ và giáo dục ý thức cho mọi người.
Hơn nữa, “trong bối cảnh xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Xã
hội chủ nghĩa, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và xây dựng đất nước phát
triển bền vững thì việc tiếp tục xây dựng, hoàn thiện pháp luật về bảo vệ môi
trường là hết sức cần thiết.”4. Bởi pháp luật có tính quy phạm phổ biến, tính
bắt buộc chung, điều chỉnh ý thức và hành vi của tất cả mọi người và có
những chế tài phù hợp với những ai vi phạm.
Thứ hai, cần nhận thức đầy đủ về tính chất của mỗi mặt đối lập để từ
đó có giải pháp đúng đắn. Về phát triển kinh tế, cần chú trọng hơn nữa tới
việc phát triển chiều sâu bên cạnh phát triển chiều rộng, tức là đẩy mạnh chất
lượng lao động, nguồn nhân lực, bộ máy quản lý cũng như áp dụng các tiến
bộ khoa học công nghệ. Các doanh nghiệp nên được khuyến khích sử dụng
năng lượng tái tạo, các nguyên vật liệu mới, thân thiện với môi trường. Về
việc bảo vệ môi trường, nên lấy chất lượng sống của người dân là trọng tâm;
tăng cường bảo vệ môi trường và phòng tránh thiên tai ngay từ đầu chứ không
phải chờ đến khi có hậu quả mới đi khắc phục.
Thứ ba, cần xét đến các điều kiện, hoàn cảnh ở riêng từng vùng miền
để có được biện pháp giải quyết mâu thuẫn phù hợp. Vì mâu thuẫn có tính đa
dạng, phong phú nên quá trình vận động của nó ở từng nơi cũng khác nhau.
Ví dụ như ở vùng nông thôn thì cần tập trung hơn vào bảo vệ môi trường
trong hoạt động nông nghiệp, và không thể áp dụng các biện pháp đó tại các
thành phố. Trong quá trình trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, áp dụng các mô
hình phát triển tiến bộ từ bạn bè quốc tế thì cần phải đối chiếu với thực tiễn
phát triển tại Việt Nam để có thể đạt được hiệu quả tốt nhất khi thực hiện
chiến lược phát triển bền vững.
C. KẾT LUẬN
Phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường là hai vấn đề, hai mặt đối lập có
mối quan hệ chặt chẽ với nhau, ngày càng có ý nghĩa thiết thực trong đời sống
xã hội. Việc vận dụng triệt để nội dung và ý nghĩa phương pháp luận của quy
luật “thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập” theo quan điểm chủ nghĩa
4 Nguyễn Văn Hùng (2011), Hoàn thiện pháp luật về bảo vệ môi trường ở Việt Nam trong điều
kiện hiện nay, luận văn thạc sĩ luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, tr. 02.
9
Mác-Lênin sẽ giúp chúng ta có được nhận thức đúng đắn về quá trình vận
động của mâu thuẫn này đối với sự phát triển xã hội. Qua đó, ta có thể từng
bước thúc đẩy sự chuyển hóa của mâu thuẫn, hài hòa giữa phát triển kinh tế
và môi trường, vì mục tiêu phát triển bền vững đất nước.
10
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
I. Văn bản pháp luật
1. Quyết định số 432/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Phát triển bền vững
Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020.
II. Tạp chí, luận văn, trang web
1. Nguyễn Văn Hùng (2011), Hoàn thiện pháp luật về bảo vệ môi trường
ở Việt Nam trong điều kiện hiện nay, luận văn thạc sĩ luật học, Trường
Đại học Luật Hà Nội.
2. Nguyễn Đức Long (2010), “Các giải pháp đảm bảo phát triển bền vững
và bảo vệ môi trường ở Việt Nam hiện nay”, Luật học, (8), tr. 38 – 43.
3. />4. />
11