Tải bản đầy đủ (.docx) (7 trang)

Mối quan hệ giữa tình yêu và thù hận trong romeo và guiliet

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (38.13 KB, 7 trang )

Mối quan hệ giữa tình yêu và thù hận trong “Romeo và Juliet” của Shakespeare

Từ trước đến nay, nói đến kịch là chúng ta nói đến xung đột kịch. “Xung đột, do
đó, là một đặc điểm cơ bản của kịch”(1). Và nói đến Romeo và Juliet, người ta
thường nghĩ, xung đột giữa tình yêu của Romeo, Juliet và mối thù giữa hai dòng họ
là xung đột cơ bản, xuyên suốt tạo cơ sở để Shakespeare xây dựng vở kịch. Tuy
nhiên chúng tôi nhận thấy vấn đề cần phải bàn thêm.
Như chúng ta đã biết, có ba dạng bi kịch thường gặp trong các vở bi kịch tình yêu:
xung đột giữa tình yêu của đôi tình nhân và mối quan hệ giữa hai dòng họ, xung
đột trong tình yêu tay ba, xung đột trong thế giới nội tâm. Romeo và Juliet là một
vở bi kịch tình yêu nên nó có những khả năng tạo ra cả ba dạng xung đột kể trên.
Tuy nhiên trong bài viết này, chúng tôi chỉ chú ý đến dạng xung đột thứ nhất: xung
đột giữa tình yêu của đôi tình nhân và mối quan hệ giữa hai dòng họ.
” Một mối thù sinh một mối tình”(2)
Juliet từng ngao ngán thốt lên như vậy khi biết Romeo thuộc về dòng họ
Montague. Bởi hai dòng họ Montague và Capulet vốn có sẵn mối thâm thù. Chẳng
ai biết nguyên nhân của mối thù. Chỉ thấy gia nhân hai nhà gặp nhau là rút kiếm ra
đánh nhau kéo theo cả chủ nhân của họ: Tybalt, ông già Montague, ông già
Capulet. Có thể khẳng định rằng hằn thù nằm sâu trong tiềm thức của mọi người
chỉ cần có dịp là bùng phát lên khó lòng dập tắt nổi. Đó vốn là chuyện riêng tư của
hai nhà nhưng hai nhà không tự giải quyết được. Vương chủ phải ra tay can thiệp
để ngăn chặn cơn ẩu đả. Và để những cuộc ẩu đả không tiếp tục xảy ra, vương chủ
phải dùng hình phạt nặng nề nhất: cái chết, để răn đe. Nhưng Shakespeare không
để cho vương chủ giải quyết vấn đề một cách triệt để. Chính vì thế lời nói của
vương chủ tuy có hiệu lực giải tán cuộc ẩu đả nhưng đó chỉ là giải pháp tình thế.
Hoà khí được thiết lập ngay nhưng chỉ mang tính tạm thời. Và sau đó mối thù tiếp
tục được “củng cố” bằng cuộc chạm trán giữa Romeo và Tybalt. Kết cục thật bi
thảm: Tybalt chết, Romeo bị lưu đày.
Mối thù cũ chưa được xoá bỏ, thù mới lại xuất hiện khiến cho hố sâu ngăn cách
giữa hai nhà như rộng thêm ra. Một lần nữa cách giải quyết của vương chủ lại nửa
vời làm cho những người trong cuộc không mãn nguyện. Chính Capulet phu nhân




đã khẳng định: “Chúng ta sẽ báo được thù”(3). Nếu dự định báo thù của Capulet
phu nhân được thực hiện thì tình yêu của đôi trẻ sẽ ra sao? Trước mối thù giữa hai
dòng họ, Romeo và Juliet đã suy nghĩ và hành động như thế nào?
Cần khẳng định rằng Romeo và Juliet đến với nhau bằng những rung động đầu đời
chân thành đằm thắm. Đó là sự gắn bó trong sáng không gợn chút toan tính của
những tâm hồn vốn thuộc về nhau, vốn sinh ra để dành cho nhau.
Romeo đến với dạ hội nhà Capulet không phải vì đang có ý định theo đuổi Juliet.
Ban đầu chàng khẳng định chàng tới dự buổi dạ hội là để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của
nàng Rosaline, người đang khiến chàng thao thức đến hao gầy. Nhưng rồi mọi
chuyện diễn ra nằm ngoài dự kiến của chàng. Trái tim chàng một lần nữa lại rung
lên khi ánh mắt bắt gặp vẻ diễm lệ của Juliet.
Sự nảy nở những cảm xúc đầu tiên của tình yêu muôn đời vẫn thế. Nó bất chấp
mọi khoảng cách tuổi tác, địa vị, danh vọng. Romeo và Juliet không nằm ngoài
quy luật đó. Sau lần gặp gỡ đầu tiên, dù biết rõ người mình yêu vốn là kẻ thù, cả
Romeo và Juliet đều không kiểm soát nổi tình cảm của mình. Trong khung cảnh
êm đềm của vườn nhà Capulet, Shakespeare đã dành tới 188 dòng thơ để miêu tả
toàn bộ đêm thề nguyền mộng mơ của Romeo và Juliet. Hơn thế nữa, để chứng tỏ
sự gắn bó mãnh liệt của tình yêu say đắm, Shakespeare còn tạo ra những cuộc chia
tay nửa vời đầy lưu luyến. Sự trở đi trở lại của nhân vật trên sân khấu cho thấy
mức độ mặn nồng trong tình cảm của đôi trai gái vừa bước vào giai đoạn đầu của
hạnh phúc đôi lứa.
Như vậy sau sự choáng ngợp của lần tiếp xúc đầu tiên, Romeo và Juliet đều đã biết
rõ về nguồn gốc xuất thân của nhau, nhưng họ không thật sự dừng lại trước
ngưỡng ranh giới yêu hay không yêu để băn khoăn suy tính. Vậy tình yêu và thù
hận có khi nào va chạm với nhau hay chỉ song song tồn tại mà không hề biết đến
sự có mặt của nhau?
Như ở trên chúng ta đã biết mối thù giữa hai dòng họ Montague, Capulet thật sâu
sắc khó giải quyết và tình yêu của Romeo, Juliet lại thật đằm thắm nồng nàn.

Chính vì vậy, trên cơ sở đối sánh với lí luận về sự phát triển và giải quyết xung đột
trong một vở kịch, chúng tôi tìm hiểu xem tình yêu và thù hận với tư cách là “hai
lực lượng đối địch nhau của tấn kịch”(4) có phải là cơ sở để Shakespeare xây dựng
nên xung đột trong vở kịch này?


Trước hết chúng tôi xin được trình bày một số quan điểm bàn về cấu trúc của một
vở kịch nói chung. Tìm hiểu vấn đề này, chúng tôi nhận thấy có nhiều điểm tương
đồng trong lí luận của Gustave Freitay, Pospelov, John Peck và Martin Coyle, Tất
Thắng. Chúng tôi lựa chọn ý kiến tổng hợp của Tất Thắng bàn về cấu trúc kịch
năm hồi trong cuốn Về thi pháp kịch(5). Đây chỉ là một dạng cấu trúc của kịch nói
chung. Vậy Shakespeare đã thể hiện các nguyên tắc cấu trúc kịch năm hồi trong
việc xử lí mối quan hệ giữa tình yêu và thù hận như thế nào?
Theo Tất Thắng, trong các vở kịch năm hồi nói chung, hồi I là hồi chứa “tình
huống xuất phát, mầm mống xung đột”(6). Thông thường ở hồi đầu của mỗi vở
kịch, nguyên nhân của xung đột thường xuất hiện rõ ràng với hai lực lượng đối
địch. Hơn thế nữa, nguyên nhân đó thường trực tiếp liên quan đến hai nhân vật
chính của cuộc tình. Trong Romeo và Juliet, ở hồi I, Shakespeare cho biết hai nhà
Montague và Capulet vốn có sẵn mối thâm thù. Nhưng nguyên nhân của mối thù
không được nói rõ, không liên quan đến hai nhân vật chính của cuộc tình. Tuy
nhiên có những tình huống có thể tạo ra mầm mống cho xung đột giữa tình yêu và
thù hận.
Ở hồi I, Shakespeare có thể để cho Romeo xuất hiện ngay trong cảnh đầu tiên khi
gia nhân hai nhà đánh nhau, Tybalt và hai người cha cũng bị kéo vào cuộc. Tuy
nhiên, Romeo lại không xuất hiện do đang chìm đắm trong cuộc tình với Rosaline.
Chàng cũng không được cha trao cho nhiệm vụ báo thù. Bởi vương chủ đã có mặt
kịp thời để giải tán tất cả nên hai ông già Montague, Capulet không bị tách khỏi
các nhân vật khác và không có cơ hội so kiếm. Hay trong dạ hội nhà Capulet,
Shakespeare để cho Tybalt nghe thấy giọng Romeo. Nếu anh ta biết Romeo đang
hết lời ca ngợi Juliet và thanh minh cho sự thay đổi mau lẹ của trái tim mình thì

chắc chắn mầm xung đột đã được gieo.
Tuy nhiên ông già Capulet lại nhận ra thái độ của Tybalt và ngăn lại. Ông làm như
vậy vì ông không muốn chuyện ầm ĩ xảy ra với khách khứa của mình. Nhưng quan
trọng hơn là ông có thiện cảm với Romeo. Ông đánh giá Romeo công bằng trung
thực trên cơ sở thực tế: “Nó đi đứng đàng hoàng lịch sự lắm. Mà nói thực thành
Verona này cũng tự hào về một chàng thanh niên công tử đức hạnh và mực thước
như nó”(7). Tất nhiên nếu Shakespeare xây dựng tình huống khác đi: ông già
Capulet là người gây sự, Tybalt can ngăn thì có lẽ ẩu đả đã xảy ra cuốn Romeo,
Juliet vào cuộc. Nhưng Shakespeare không làm như vậy.


Vì thế, cho đến hết hồi I, những người cha vẫn không được thông báo về tình cảm
của đôi trẻ. Mối thù giữa hai dòng họ Montague và Capulet tuy gay gắt nhưng bản
thân Romeo, Juliet không bị cuốn vào những cuộc đụng độ và trả thù đẫm máu.
Chính vì vậy, theo chúng tôi, ở hồi I, tuy Shakespeare có tạo ra những tình huống
va chạm căng thẳng giữa những người thuộc hai họ Montague, Capulet nhưng tình
huống xuất phát, mầm mống xung đột giữa tình yêu và thù hận chưa được hình
thành.
Sang hồi II: “sự phát triển của xung đột kịch tăng dần, các nút kịch thắt lại”(8).
Nếu Shakespeare chú ý tạo ra xung đột thì đến hồi II có thể ông để cho Tybalt theo
dõi biết được đêm thề nguyền của Romeo, Juliet và gây sự với Romeo. Nhưng
Shakespeare cũng không để cho câu chuyện phát triển theo chiều hướng ấy. Trong
hồi II, thù hận tuy có xuất hiện nhưng chỉ thoáng qua bởi chi tiết Tybalt viết thư
đến nhà Romeo để thách đấu. Và Shakespeare lại không để cho Romeo nhận được
lá thư đó. Còn lại là sự thăng hoa đến tuyệt đỉnh hạnh phúc của tình yêu từ đêm thề
nguyền đến đám cưới bí mật. Mối quan hệ đối nghịch giữa tình yêu và thù hận vẫn
chưa được thiết lập.
Sang hồi thứ III: “xung đột căng đến mức tưởng như không giải quyết được. Các
nút kịch thắt lại”(9). Trong vở Romeo và Juliet, đến hồi III, có một sự việc xảy ra
ảnh hưởng trực tiếp đến mối tình của Romeo, Juliet. Romeo giết Tybalt rồi bỏ trốn.

Juliet vô cùng đau đớn khi biết Romeo giết Tybalt, nhưng nàng còn đau đớn hơn
khi biết Romeo bị đi đày. Sau khi chia tay với Romeo, Juliet lại bị bố mẹ ép buộc
phải làm đám cưới với Paris. Rõ ràng tình yêu của Romeo, Juliet ở vào tình thế
nguy khốn tưởng như không gì cứu vãn nổi.
Nhưng nguyên nhân của tình trạng nguy khốn trên có phải là mối thù của hai dòng
họ không? Xem xét diễn biến của sự việc, chúng ta thấy Tybalt gây gổ với Romeo
không phải vì biết Romeo yêu Juliet. Còn Romeo, chàng giết Tybalt không phải vì
anh ta ngăn cản tình yêu của chàng mà vì cái chết của Mercutio. Chàng trả thù cho
Mercutio. Sau khi giết Tybalt, Romeo chạy đến phòng của tu sĩ Lawrence vật mình
than khóc. Chàng lo sợ lòng oán hờn của Juliet. Nhưng nguyên nhân khiến họ chia
lìa lại chính là quyết định của vương chủ. Bên cạnh đó, có những người thật lòng
mong muốn giúp đỡ họ. Chính nhờ thế mà họ vẫn tiến hành được những nghi lễ
của tình yêu trước khi phải chia lìa. Và thù hận không đủ sức huỷ hoại tình yêu, nó
chỉ có thể bắt họ tạm thời xa nhau theo sự sắp đặt của tu sĩ Lawrence và chờ đợi hi


vọng xum họp trong tương lai. Như vậy thù hận tuy có ảnh hưởng đến mối tình của
Romeo, Juliet nhưng ảnh hưởng đó chỉ mang tính ngẫu nhiên không phải do các
bậc cha mẹ cố tình chia rẽ đôi trẻ hoặc do đôi trẻ bị dồn đẩy vào cùng đường phải
rời xa nhau.
Đến hồi IV: “tạm thời hoà hoãn, xung đột chùng”(10). Trong vở Romeo và Juliet,
mặc dù ở hồi III, Capulet phu nhân đã khẳng định: “Chúng ta sẽ báo được
thù”(11), nhưng có lẽ bà nói vậy chỉ để an ủi Juliet hay do quá bận rộn với việc thu
xếp cho đám cưới của Juliet nên kế hoạch của bà không thấy được nhắc tới ở hồi
IV. Cũng chính vì thế mà cho đến hồi IV, mối quan hệ giữa tình yêu và thù hận
không thể phát triển thành xung đột giữa cha mẹ và con cái hay chuyển hoá thành
xung đột giữa tình yêu và trách nhiệm của đôi tình nhân.
Cuối cùng là hồi thứ năm: “xung đột giải toả, hành động đổ nhanh về chỗ kết thúc
của nó”(12). Như chúng ta đã thấy, trong suốt bốn hồi đầu xung đột giữa tình yêu
và thù hận không được hình thành cho nên đến hồi V “hành động” vẫn “đổ nhanh

về chỗ kết thúc của nó” nhưng xung đột được giải toả không phải là xung đột giữa
tình yêu và thù hận mà là xung đột giữa hai dòng họ. Trước cái chết của đôi uyên
ương, vương chủ cho rằng thù hận chính là nguyên nhân của kết cục bi thảm kia.
Đó là sự trừng phạt của Chúa đối với hai người cha luôn thù hằn hiềm khích nhau.
Giải thích như vậy không phải không có lí, đặc biệt đối với mối thù lâu đời khó
hoà giải của hai dòng họ Montague và Capulet. Tuy nhiên theo chúng tôi, cái chết
của đôi trai gái không phải do oán thù của hai gia đình trực tiếp gây nên. Trước khi
chết, cả Romeo và Juliet đều không có một lời nào buộc tội oán thù dồn ép họ vào
đường cùng không lối thoát. Lí do khiến họ lựa chọn cái chết thật giống nhau. Họ
khẳng định họ chết vì tình yêu, chết cho tình yêu.
Cũng chính vì thế mà chúng tôi không đồng tình với quan điểm của Đặng Thế
Bính khi ông cho rằng: “Nhưng Romeo và Juliet có cúi đầu khuất phục trước
những trở ngại không? Không, họ luôn luôn tranh đấu để bảo vệ tình yêu của họ.
Mối thù hằn lâu đời giữa hai nhà đã không ngăn được họ yêu nhau”(13). Nói cách
khác ông muốn gián tiếp khẳng định Romeo, Juliet đã phải đấu tranh với mối thù
hằn lâu đời giữa hai nhà. Nhưng trên thực tế trong toàn bộ năm hồi của vở kịch thì
thù hận giữa hai dòng họ chưa khi nào trực tiếp xuất hiện với tư cách là một lực
lượng đối địch mâu thuẫn gay gắt với tình yêu nhằm cản trở tình yêu. Những thế
lực có thể đại diện cho thù hận cất lên tiếng nói phản đối tình yêu đều không hay


biết gì về mối tình bí mật của hai người trong suốt bốn hồi đầu của vở kịch. Như
vậy tình yêu của Romeo, Juliet có cần phải đấu tranh với thù hận để tồn tại không?
Cũng từ việc khảo sát mối quan hệ giữa tình yêu và thù hận được thể hiện trong
năm hồi của vở kịch, chúng tôi nhận thấy mối quan hệ này không được thiết lập
ngay từ hồi đầu của vở kịch, cũng không được phát triển lên bởi những tính cách bi
kịch. Sự kết nối năm hồi của vở kịch được tạo ra không phải từ sự gia tăng dần tính
chất căng thẳng gay gắt của mâu thuẫn giữa tình yêu và thù hận trong thế tương
phản đối nghịch. Có nhiều chi tiết ngẫu nhiên xuất hiện chen ngang làm thay đổi
hoàn toàn số phận của nhân vật chính là một trong những nguyên nhân tạo nên

kịch tính.
Còn thù hận không thật sự xuất hiện như một lực lượng độc lập công khai đối địch
với tình yêu. Nó chỉ ngẫu nhiên tồn tại bên cạnh tình yêu và va chạm với tình yêu
một cách vô thức. Tính chất nửa vời đó làm cho mối quan hệ giữa tình yêu và thù
hận không thể chuyển hoá thành xung đột với những tác động qua lại lôgic biện
chứng trong một cuộc đấu tranh mà cả hai bên đều cố gắng để giành phần thắng
bằng mọi cách. Romeo, Juliet không phải sử dụng đến mọi phương tiện từ mềm
mỏng đến cương quyết để đấu tranh bảo vệ tình yêu của mình. Cha mẹ Romeo,
Juliet cũng không cần phải dùng mọi âm mưu hay thủ đoạn tàn bạo để chia rẽ đôi
tình nhân. Mọi việc diễn ra như cái gì phải đến sẽ đến.
Như vậy sẽ là cực đoan nếu cho rằng tình yêu của Romeo, Juliet bất chấp sự tồn tại
của mối thù giữa hai dòng họ. Dù có xa cách về thời gian đối với mối thù xưa, dù
không trực tiếp đưa ra những dự kiến về sự phản ứng của cha mẹ hai bên và không
chuẩn bị đối phó với những tình huống xấu có thể xảy ra, bóng dáng của thù hận
vẫn thoáng qua trong tiềm thức họ, chi phối hành động của họ. Cũng chính vì thế
mà đám cưới được tiến hành một cách bí mật. Nếu hoàn toàn bất chấp thù hận, bất
chấp mọi phản ứng của gia đình, chắc chắn hai người đã công khai ngày lễ của tình
yêu và công khai chống lại tất cả những thế lực cản trở tình yêu của họ.
Chỉ có điều, theo chúng tôi không phải ngẫu nhiên mà Shakespeare lại để chi tiết
Tybalt hằn học gây gổ chen ngang vào giữa những lời yêu đương đắm say của
Romeo. Nhưng Tybalt lại không có cơ hội ngăn cản tiếng nói tha thiết của một trái
tim đang ắp đầy niềm vui, niềm đam mê cuồng nhiệt. Sự hằn học bị lọt thỏm giữa
bầu không khí vui vẻ hoà bình và thân thiện, rồi nhanh chóng lịm tắt bởi nơi đó


không có chỗ dành cho nó. Đồng thời nó cho thấy sự khuất phục vô điều kiện của
thù hận hẹp hòi trước sự thăng hoa của tình yêu chân chính.
Nếu chúng ta cố tình coi thù hận là một lực lượng đối địch thì xét tương quan giữa
hai lực lượng: tình yêu và thù hận, tình yêu luôn giành thế chủ động, thế áp đảo
hoàn toàn. Ban đầu nó bất chấp sự tồn tại của thù hận, khi bị thù hận vô tình ngăn

trở, nó sẵn sàng đạp lên thù hận để vượt lên với tất cả sức sống kì diệu của nó.
Đúng như Lương Duy Trung từng nhận xét: “Bản tình ca say đắm, dũng cảm và
bất khuất dám đạp lên hận thù và lễ giáo phong kiến để giành lấy quyền tự do yêu
đương”(14). Hai động từ đạp và giành được sử dụng nhằm chứng tỏ sự vượt trội
hoàn toàn của tình yêu đối với hận thù và lễ giáo phong kiến. Được khao khát tự
do căng đầy chắp cánh, nó vượt lên mọi vật cản thật dễ dàng để sống thành thực
với những gì mình mong muốn. Tình yêu bất tử ấy thể hiện sức sống mạnh mẽ
đáng kiêu hãnh của con người thời đại Phục hưng.
Đặt trong bối cảnh của thời đại Phục hưng, thời đại của những tư tưởng nhân văn
chủ nghĩa, chúng tôi nhận thấy sự hợp lí trong nhận định của John Peck và Martin
Coyle: “Như trong Romeo và Juliet, ông (Shakespeare) cho thấy bản năng tự nhiên
của con người, nó thách thức hoặc phản ứng chống lại những sức ép và sự mong
đợi của xã hội mà họ đang sống” (“As in Romeo and Juliet he can precent natural
instincts in people that challenge or react against the presuces and expectation of
the society in which they live”)(15). Chúng tôi cho rằng những tư tưởng về một
tình yêu tự do trong Romeo và Juliet đã gặp phải một sức ép từ phía “xã hội mà họ
đang sống”. Thù hận chỉ thể hiện được phần nào sức ép vô hình nhưng mạnh mẽ
đó. Nó không trực tiếp xuất hiện nhưng lại tồn tại ở mọi nơi mọi lúc, thậm chí có
khi thoáng qua trong suy nghĩ của đôi tình nhân, như bầu không khí đe doạ bao bọc
quanh tình yêu. Và tình yêu đã bất chấp tất cả để “thách thức hoặc phản ứng chống
lại”. Chính vì thế dù vượt qua khỏi sự kiềm toả của sức ép, tình yêu tự do không
tránh khỏi mất mát đau đớn. Đó là sự hi sinh cần thiết cho tình yêu thăng hoa1



×