Tải bản đầy đủ (.doc) (5 trang)

Trịnh Công Sơn làm tươi mới lại tâm hồn tôi

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (120.4 KB, 5 trang )

NHẠC TRỊNH LÀM TƯƠI MỚI LẠI TÂM HỒN TÔI.
Lí Quý Chung.
Nhạc Trịnh Công Sơn có những lúc là cái phao tinh thần cho cá nhân tôi. Nhiều buổi tối trở
về nhà chán nản, tâm trạng khủng hoảng, bế tắc sau một cuộc xuống đường mệt mỏi
nhưng chẳng lay động được gì chế độ Mỹ - Thiệu, tôi nằm ngay trên sàn nhà, không cần bật
đèn, chỉ bật nhạc Trịnh Công Sơn để nghe như nghe chính tâm trạng mình, nhưng đồng
thời lại nuôi nấng được trong con tim niềm hi vọng hòa bình và ước mơ được thấy một
ngày nào đó, Huế - Sài Gòn – Hà Nội sẽ liền một dải. Thế là nhạc Trịnh làm tươi lại tâm hồn
tôi và làm mới ý chí tôi.
Có những đêm, sau cuộc họp chính trị tại dinh Hoa Lan (biệt thự của tướng
Dương Văn Minh) tôi không về thẳng nhà mình mà đến phòng trà Khánh Lý
trên đường Tự Do (nay là Đồng Khởi) để ngồi nghe một mình nhạc Trịnh.
Nhạc Trịnh chống chiến tranh nhưng không hề khiến những người yêu nước
mềm ý chí. Anh kêu gọi hòa bình nhưng không làm cho những ai đang chiến
đấu vì đồng bào và Tổ quốc lại gác súng. Trái lại nó nuôi ý chí làm quật khởi
những tâm hồn yêu nước.
Cuộc sống quá hối hả, dồn dập lắm biến chuyển không có nhiều cơ hội để tôi
và Trịnh Công Sơn gặp nhau. Vả lại tôi và Sơn hoạt động ở hai quỹ đạo rất
khác nhau. Sau 1975, chúng tôi gặp nhau thường hơn, nhưng vì tôi không uống
rượu và cũng không sành về âm nhạc nên cũng không lọt vào cái quỹ đạo đặc
biệt của Sơn gồm những bạn rượu và văn nghệ sĩ. Mỗi lần tôi tới chơi nhà Sơn,
tôi đều báo trước và thường ngồi nói chuyện với nhau chỉ có hai đứa.
Khi tôi lấy vợ lần thứ hai (năm 1985) và tổ chức đám cưới tại hội trường báo
Tuổi Trẻ, tôi có mời Sơn. Tôi và Sơn rất mê khiêu vũ nên giữa buổi tiệc chúng
tôi dẹp bớt đi bàn ghế và cho nhạc trỗi lên. Vào thời điểm này hầu như không
ai dám "liều" như chúng tôi. Khai mạc buổi khiêu vũ, Sơn mời cô dâu nhảy đầu
tiên, còn tôi mời chị Kim Hạnh, Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ. Tôi còn nhớ đó là
một bản nhạc theo nhịp Be Bop. Sơn rất thích nhảy Be Bop. Sau này khi bệnh
tiểu đường trở nặng, đi đứng khó khăn, Sơn không còn khiêu vũ được, làm anh
hối tiếc vô cùng. Có một hôm (khoảng đầu năm 2000) tôi cùng vợ tôi khiêu vũ
ở vũ trường Tự Do ở đường Đồng Khởi, đang nhảy ngoài piste, tôi linh cảm có


ai nhìn mình từ quầy bar, tôi quay lại và nhìn thấy Trịnh Công Sơn. Đứng bên
Lý Quí Chung và Trịnh Công
Sơn
cạnh là họa sĩ Trịnh Cung. Anh đưa tay lên chào tôi. Khi bản nhạc kết thúc tôi
liền đến chỗ anh. Tôi hỏi Sơn: "Ông không nhảy à?". Giọng Sơn buồn man
mác: "Mình đi đứng còn khó khăn thì làm sao nhảy. Thấy toa nhảy, moa thèm
quá". Sơn còn hỏi thêm: "Hình như toa nhảy disco hơi khác người ta phải
không?". Tôi cười trả lời: "Khiêu vũ đâu nhất thiết phải giống như người khác.
Mình nhảy theo cảm xúc của mình – như thế tự do và hứng thú hơn". Nhìn Sơn
đứng bên piste mà không nhảy, tôi buồn và thương anh vô cùng. Tôi biết bệnh
tình của anh đã tới thời kỳ khá nặng.
Mùng 5 Tết năm Tân Tị (năm 2001), tôi vào bệnh viện Chợ Rẫy cùng với họa
sĩ Trịnh Cung thăm Sơn. Đây là lần cuối cùng tôi gặp mặt người nghệ sĩ tài hoa
này. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, ngày 1-4-2001, anh vĩnh viễn từ giã bạn bè
và tất cả những người yêu thương và ngưỡng mộ anh. Cuộc gặp Sơn tại bệnh
viện Chợ Rẫy, tôi có ghi lại thành một bài báo đăng trên tạp chí Đẹp số đầu
tháng 2-2001:
"...Sơn vẫn nằm trên giường khi nói chuyện với chúng tôi, nhưng trông anh vẫn
khỏe khoắn, thần sắc tinh anh. Tôi chợt cười thầm trong bụng bởi một ý nghĩ
thú vị vụt đến: Con người gầy gò và nhẹ bâng này đang mang nhiều thứ bệnh
trong người, tưởng như dễ dàng rơi vào tay tử thần, lại là người chiến đấu cho
cuộc sống bản thân dữ dội nhất.
Cách đây mấy năm, Sơn bị đưa vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng hôn mê.
Lần đó, bạn bè thật sự lo lắng cho anh. Cuối cùng Sơn vẫn trở về an toàn. Gặp
lại Sơn tại nhà riêng của anh lần đó, tôi tò mò hỏi: "Đúng là ông trở về từ cõi
chết, vậy ông suy nghĩ gì về... cái chết?"
Tôi vẫn gọi Sơn như thế, từ "ông" được dùng theo cách xưng hô thân mật. Có
lúc chúng tôi gọi nhau bằng "toa" và "moa", cách xưng hô giữa những người
bạn có thời học trường Pháp. Sơn không cần suy nghĩ, trả lời ngay: "Chết là
thiệt thòi. Người Pháp nói: Les absents ont toujours tort. Chết, mình không còn

họp mặt với bạn bè, không còn được ngắm cuộc đời rất đẹp này". Nhớ câu trả
lời cách đây mấy năm, tôi tò mò muốn biết nằm trên giường bệnh lần này, anh
nghĩ gì. Câu trả lời còn nhanh hon và gọn hơn lần trước: "Mình muốn ra khỏi
đây càng sớm càng tốt".
"Hãy cứ vui chơi cuộc đời
Đừng cuồng điên mơ trăm năm sau
Còn đây em ngọt ngào
Đứng bên ngày yêu dấu
Nhìn mây trôi đang tìm về núi cao"
(Hãy cứ vui như mọi ngày)
Vóc dáng mảnh khảnh, quen thuộc của anh Sơn với mọi người trong nhiều năm
qua, khiến không ai có thể nghĩ rằng Sơn đã có một thời trai trẻ là con nhà thể
thao chính cống. Mỗi sáng anh đều quần một hai hiệp quyền Anh. Anh đồng
thời còn là đệ tử Vovinam từ những ngày đầu môn này được thành lập ở Sài
Gòn, và là vận động viên điền kinh 10 môn. Nếu người em trai của Sơn không
tung một cú quật trong một lần luyện võ với nhau, khiến ngực anh đập xuống
nền nhà làm vỡ mạch máu phổi phải nằm trên giường suốt hai năm, thì chắc
chắn chúng ta chỉ có một vận động viên Trịnh Công Sơn (chưa bảo đảm là xuất
sắc) nhưng mất đi một Trịnh Công Sơn tài năng âm nhạc. Đó là khúc quanh
cuộc đời của anh. Sơn nói: "Trên giường bệnh mình suy nghĩ rất nhiều...". Khi
rời giường bệnh năm 1957, trong anh đã có một đam mê khác: âm nhạc. Với
nhiều người, tác phẩm đầu tay của Sơn là "Ướt mi". Nhưng Sơn tiết lộ:
"Bản nhạc đầu tiên đúng nghĩa của mình có tên "Sương đêm". Không ai biết
sáng tác này. Nó đã thất lạc. Bản thân mình cũng không nhớ lời và nhạc như
thế nào!".
Tác phẩm đầu tiên của Sơn – "Ướt mi" – như công chúng yêu nhạc biết, đã
được Thanh Thúy – ca sĩ thời thượng những năm 50, người có giọng ca liêu
trai, trình diễn lần đầu tại phòng trà Văn Cảnh. Không như suy nghĩ chung của
nhiều người, Khánh Ly không phải là người đầu tiên và duy nhất hát thành
công nhạc Trịnh Công Sơn trước năm 1975. Sau Thanh Thúy, một giọng ca

lừng danh khác của Sài Gòn thời đó góp phần giới thiệu tác phẩm của Sơn – đó
là nữ ca sĩ Lệ Thu.
Khánh Ly là người thứ ba và là người hát toàn bộ các nhạc phẩm của Trịnh
Công Sơn. Lần đầu chính Sơn chủ động tiếp xúc với Khánh Ly tại phòng trà
Night Club ở Đà Lạt bằng cách tự giới thiệu mình là tác giả bài "Ướt mi". Sau
một tháng tập bể cả giọng, Khánh Ly cùng Trịnh Công Sơn xuất hiện lần đầu
tiên tại sân sau Đại học Văn khoa Sài Gòn (hiện là Thư viện Quốc gia) trước
5000 sinh viên. Khánh Ly trình bày luôn 24 sáng tác của Sơn trong đêm đó.
Sau đó Khánh Ly đã nói với Sơn: "Trước đây mình chỉ hát trong phòng trà, lần
đầu tiên hát trước hàng ngàn sinh viên, tối đó mình không làm sao ngủ được".
Đó là năm 1965, các sáng tác của Sơn bấy giờ đều là tình ca. Đến năm 1968,
Sơn mới sáng tác nhạc phản chiến.
Hình như Trịnh Công Sơn có hai bài sáng tác về Hà Nội và chẳng có bài nào
viết về Huế. Tôi hỏi anh điều ấy. Sơn không trả lời thắc mắc của tôi mà nói:
"Có lần Hoàng Hiệp phát biểu, bài nào của Sơn cũng có Huế trong đó mặc dù
không có đề cập Huế trực tiếp".
Thêm một thắc mắc, tò mò khác: "Có bao giờ ông nghĩ đến chuyện lấy vợ?"
- Có một lần thoáng qua lúc mình trẻ. Nhưng thời đó, các cô gái ít chịu lấy mấy
ông chồng nghệ sĩ sống bấp bênh.
- Bao nhiêu phần trăm các sáng tác của ông lấy cảm hứng từ một người đẹp nào
đó?
- Một phần năm mình viết cho một người cụ thể.
(Họa sĩ Trịnh Cung, bạn thân của Trịnh Công Sơn từ thời trẻ, nói chen vào:
"Theo tôi hơn con số đó. Phải là 40%. Tôi có thể chứng minh bài nào ông viết
cho người nào").
Sơn không phản đối. Tôi lại hỏi Sơn: "Bửu Ý viết Thay lời tựa cho tuyển tập
"Những bài ca không năm tháng" của ông, có đoạn nói rằng ông đã chuẩn bị
tinh thần cho cái phút sau rốt cuộc đời bằng cách trích lại 4 câu ở 4 sáng tác
khác nhau của ông:
"... một trăm năm sau mãi ngủ yên" ("Sẽ còn ai")

"... mai kia chào cuộc đời" ("Những con mắt trần gian")
"...một hôm buồn lên núi nằm xuống" ("Tự tình khúc")
"...một lần nằm mơ tôi thấy tôi qua đời" ("Bên đời hiu quạnh")
Vậy ông có thật sự chuẩn bị cho cái chết?
- Mình không chuẩn bị cho cái chết. Lạ lùng là sau cơn hôn mê, mình tỉnh lại
vẫn không thấy vui mừng. Thế mà ngủ nằm mơ thấy chết, sáng thức dậy lại
mừng. Đúng là có những người chuẩn bị hẳn hòi cho cái chết của mình và có
những người chẳng chuẩn bị gì cả, coi thường cái chết. Riêng mình hơi khác,
mình không sợ cái chết nhưng nếu phải rời bỏ cuộc đời này mình rất luyến tiếc.
(Sơn dùng thêm tiếng Pháp regret). Trong khi sống mình đã nuối tiếc rồi, mình
sợ mất nó. Mình khát sống.
- Ông có bao giờ nghĩ đến chuyện viết di chúc?
- Không. Một cô ca sĩ đã hỏi mình câu đó. Mình có tài sản chi đâu? Với mình
cái hiện tại là cái có thật, cùng sống với nó. Còn cái sau đó...
- Bây giờ nhìn lại cuộc đời đã qua, về tình yêu, ông thấy thế nào?
- (Không cần suy nghĩ) Thất bại nhiều, thất bại nặng. Thời trẻ sự thất bại mang
lại nỗi đau bàng bạc, kéo dài. Bây giờ nó dữ dội, nhưng ngắn. Mình để nó rơi
vào quên lãng, không lục soát lại, coi như một xác chết của quá khứ.
Tôi chuyển sang chuyện khác và hỏi: Ông có kẻ thù không?
- Có (Rồi dừng lại một giây suy nghĩ). Đúng ra là không. Dĩ nhiên cũng có
người ghét mình. Riêng mình đã loại trong đầu mình khái niệm kẻ thù.
- Ông là nhạc sĩ dấn thân – engagé?
- Từng giai đoạn, nhưng nói chung mình chủ trương ‘nghệ thuật vị nhân sinh’
chứ không ‘nghệ thuật vị nghệ thuật’. Cho nên nếu vì một hoàn cảnh nào đó
buộc mình đi tu, thì mình sẽ đi tu giữa cuộc đời này.
- Ông có hối tiếc vì không có con để nối dõi?
- Không nghĩ tới. Mình chưa bao giờ nghĩ tới một Trịnh Công Sơn con. Tại
sao? Để mình xem có lý do nào không? (Sơn suy nghĩ một lúc) Mình không
thấy lý do nào cả. Có lẽ cuộc sống vội vàng đi qua, đi qua, rồi... Thỉnh thoảng
xưa kia các em mình có nhắc, mẹ mình cũng có nhắc nhưng không ai đặt thành

vấn đề, rồi thôi...

×