Tải bản đầy đủ (.docx) (21 trang)

Tiểu luận chuyên viên quản lý nhà nước tình huống Xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm đối với chủ nhà hàng thuộc xã v, huyện yên phong, tỉnh bắc ninh năm 2017

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (112.9 KB, 21 trang )

PHẦN I: ĐẶT VẤN ĐỀ
1. Nhận thức chung
Lớp Bồi dưỡng ngạch Chuyên viên khóa 1, năm 2018 do Trường
Chính trị Nguyễn Văn Cừ - tỉnh Bắc Ninh tổ chức là khóa học rất có ý
nghĩa, rất bổ ích. Khóa học đã đáp ứng được điều học viên cần và mong
muốn là tiếp thu được nhiều điều hay mà trước đây chưa biết hoặc biết một
cách chung chung, không sâu, kỹ như khi được dự khóa học này; cụ thể:
hiểu được Nhà nước là gì và Nhà nước thực hiện những chức năng, nhiệm
vụ gì; từ đây chúng tôi được nâng cao cả về mặt nhận thức lý luận và tiếp
nhận các thông tin về thực tiễn; qua đó sẽ giúp cho việc nâng cao thêm
trình độ, năng lực và tự tin hơn khi về đơn vị thực hiện nhiệm vụ chuyên
môn; thực hiện công tác tham mưu, công tác lãnh đạo, quản lý tốt hơn và
thay đổi thái độ phục vụ nhân dân. Được dự khóa học này, bản thân hoàn
thiện mình thêm một bước trong tư duy, nhận thức về nhiệm vụ công - tư
và trong ứng xử các mối quan hệ xã hội và chắc chắn bản thân sẽ thực hiện
công việc chuyên môn tốt hơn tại cơ quan, đơn vị.
Về chương trình học, với 16 chuyên đề như vậy là thiết thực. Nội
dung kiến thức phong phú, sát với thực tiễn cuộc sống và với công việc;
vừa sức với trình độ và điều kiện của học viên, có tác dụng bổ trợ cho
người học vận dụng vào lĩnh vực chuyên môn và thực tiễn công tác.
Chuyên đề 4 về Đạo đức công vụ đã giúp ích cho học viên những kỹ năng
bổ ích cần thiết để vận dụng vào công tác của mình.
2. Lý do lựa chọn tình huống
Trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước,
với mục tiêu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo
hướng hiện đại, việc phát triển các khu, cụm công nghiệp, các khu đô thị
mới, các trung tâm văn hoá - kinh tế - xã hội là tất yếu và đó là xu thế tích
cực tạo nên động lực mới cho nền kinh tế.

1



Phát triển các khu công nghiệp và đô thị hoá đã và đang từng bước
làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá - hiện đại hoá;
cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch mạnh mẽ theo xu hướng tăng dần tỷ trọng
các ngành công nghiệp và dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp. Xu
hướng này mang tính tích cực: thúc đẩy phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ
cấu lao động, tạo cơ hội việc làm, tăng thu nhập cho người lao động nông
thôn. Tuy nhiên, xu hướng tích cực này càng phát triển nó sẽ tác động đến
một số vấn đề: chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất công nghiệp làm cho
một bộ phận nông dân thiếu hoặc mất đất canh tác, thiếu hoặc mất việc
làm; tệ nạn xã hội gia tăng và ô nhiễm môi trường,.… Nông dân thiếu hoặc
mất đất canh tác đã phải tìm cách sống mới, một số ít lao động được tuyển
dụng vào làm việc trong các khu công nghiệp; một bộ phận lao động không
được tuyển dụng đổ ra thành thị tìm kiếm việc làm hoặc tự tìm kiếm việc
làm mới tại quê hương mình.
Vấn đề này mang tính phổ biến ở hầu hết các địa phương trong cả
nước; huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh cũng không ngoại lệ, tại các khu
dân cư, khu đô thị đã kéo theo sự phát triển của các nhà hàng kinh doanh
dịch vụ ăn uống. Hiện nay trên địa bàn các xã ven khu công nghiệp Yên
Phong, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh có hàng trăm nhà hàng, quán ăn
phục vụ những món ẩm thực đặc sắc, các nhà hàng, quán ăn này được thiết
kế sang trọng đầy đủ tiện nghi như các nhà hàng của khách sạn. Bên cạnh
đó không giống các nhà hàng cao cấp hay dịch vụ ăn uống tại các khách
sạn năm sao, các nhà hàng bình dân phổ biến hơn, đáp ứng thu nhập trung
bình của phần lớn người dân và công nhân sống trên địa bàn. Đây có thể là
những quán vỉa hè hoặc những quán ăn bình dân dọc trên các con đường,
khu phố. Khách hàng đến ăn thường chú ý đến giá thành của món ăn và sự
tiện lợi hơn là nhà hàng đó, món ăn đó có đảm bảo các quy định về an toàn
thực phẩm không? Đánh vào tâm lý của khách hàng thì các cơ sở nhà hàng


2


mọc lên như nấm với tình trạng hoạt động không có giấy phép, điều kiện vệ
không đảm bảo, không có đầy đủ trang thiết bị phục vụ cho việc chế biên
thực phẩm, sử dụng hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm, hàng không
rõ nguồn gốc xuất xứ... Đó là nguyên nhân gây mất an toàn thực phẩm và
lan truyền dịch bệnh trong cộng đồng. Do đó, hơn bao giờ hết công tác đảm
bảo vệ sinh an toàn thực phẩm phải được các ngành, các cấp, các cơ quan
chức năng quan hàng đầu.
Trong bối cảnh hiện nay số lượng các cơ sở trên toàn địa bàn huyện
rất lớn nên việc quản lý còn nhiều lỏng lẻo. Mặt khác số lượng cán bộ làm
công tác về an toàn thực phẩm chưa nhiều, trình độ chuyên môn còn hạn
chế, một số cán bộ quản lý còn nể nang, thiếu kiến thức không kiên quyết
xử lý vi phạm hoặc tiếp tay cho doanh nghiệp làm sai pháp luật.
Qua thời gian học tập lớp bồi dưỡng ngạch Chuyên viên tại Trường
Chính trị Nguyễn Văn Cừ, tôi đã hiểu rõ hơn nhiều vấn đề trong công tác
quản lý Nhà nước nói chung và quản lý ngành nói riêng. Trong khuôn khổ
của bài tiểu luận tình huống, tôi xin chọn tình huống “Xử phạt vi phạm
hành chính về an toàn thực phẩm đối với chủ nhà hàng thuộc xã V,
huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh năm 2017” làm tiểu luận cuối khóa học.
3. Mục đích nghiên cứu
- Rà soát các hành vi vi phạm về điều kiện an toàn thực phẩm để xử
lý đúng người, đúng tội.
- Đánh giá hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước về an toàn
thực phẩm.
- Đề xuất một số giải pháp và kiến nghị để nâng cao hiệu quả trong
công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
- Nghiên cứu tình huống nảy sinh khi kiểm tra hành chính về an toàn

thực phẩm tại một nhà hàng ăn uống.

3


- Phạm vi nghiên cứu: diễn tại một buổi kiểm tra nhà hàng ăn uống
tại xã V, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh của Đoàn kiểm tra liên ngành về
VSATTP huyện (Đoàn kiểm tra). Chủ nhà hàng là ông M.Q.V, thời gian
xảy ra tình huống là tháng 12/2017.
5. Kết cấu của tiểu luận
- Phần I: Đặt vấn đề;
- Phần II: Giải quyết vấn đề;
- Phần III: Kết luận.

4


PHẦN II: GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
1. MÔ TẢ TÌNH HUỐNG
1.1 Hoàn cảnh xảy ra tình huống
09h30 ngày 11/12/2017, Đoàn kiểm tra đã tiến hành kiểm tra việc
chấp hành các quy định của nhà nước về an toàn thực phẩm tại nhà hàng
của ông M.Q.V, địa chỉ: xã V, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh vào đúng
lúc nhà hàng có hơn 60 thực khách đang dùng bữa.
Đoàn kiểm tra gồm có 09 người trong đó: Trưởng đoàn là đồng chí
Nguyễn T. Đ - Phó Trưởng phòng Y tế và 08 đồng chí thành viên từ các cơ
quan: Trung tâm Y tế, phòng Kinh tế - Hạ tầng, phòng Nông nghiệp & Phát
triển nông thôn, Đội quản lý thị trường số 3, Văn phòng HĐND - UBND và
Công an huyện.
Ông Đ Trưởng đoàn đọc quyết định của Chủ tịch UBND huyện Yên

Phong về việc thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành về việc chấp hành các
quy định của nhà nước về an toàn thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh dịch
vụ ăn uống trên địa bàn huyện. Sau đó ông Đ nêu rõ đoàn sẽ kiểm tra theo
hai nội dung gồm: thủ tục pháp lý và kiểm tra vệ sinh thực tế:
* Về thủ tục pháp lý ông V đã xuất trình được những giấy tờ như sau:
- Giấy đăng ký kinh doanh nhà hàng do phòng Tài chính - Kế hoạch
huyện Yên Phong trong đó ghi rõ ngành nghề kinh doanh là nhà hàng;
- Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện An toàn thực phẩm do phòng
Y tế huyện Yên Phong cấp ngày 19/5/2014 (hết hiệu lực);
- Giấy khám sức khỏe và giấy xác nhận tập huấn kiến thức an toàn
thực phẩm của 10 nhân viên do Trung tâm Y tế huyện Yên Phong cấp ngày
17/7/2017;
- Hợp đồng, hóa đơn mua bán các loại nguyên liệu thực phẩm: thịt lợn,
thịt bò, thịt gà, rau củ quả, nước đá dùng liền, gia vị, gạo bún, bánh phở...

5


* Về điều kiện vệ sinh thực tế tại nhà hàng:
- Vệ sinh cơ sở: theo nguyên tắc một chiều, phân khu riêng biệt sống
chín. Khu vực cống rãnh còn để hở bốc mùi. Theo ông V thì trưa ngày hôm
nay khách đặt tiệc liên hoan và có dùng bữa sớm nên nhân viên chưa kịp
dọn dẹp.
- Vệ sinh trang thiết bị dụng cụ: nhà hàng sử dụng thớt sống và thớt
chín lẫn lộn không riêng biệt, các dụng cụ còn để lộn xộn không theo
nguyên tắc.
- Số lượng nhân viên ở thời điểm hiện tại trong bếp là 15 người; đã
có trang phục riêng của từng bộ phận; Khi được hỏi tại sao chỉ có giấy xác
nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm và giấy khám sức khỏe của
10/15 nhân viên thì ông V nói rằng 05 người kia mới bắt đầu thử việc từ

chiều hôm qua nên chưa đi tập huấn và khám sức khỏe.
- Đoàn kiểm tra dụng cụ lưu mẫu thức ăn lưu thì không có, khi hỏi
bếp trưởng về lưu mẫu thức ăn thì bếp trưởng cho biết là chưa thấy ai nói
phải lưu mẫu thức ăn và cũng không biết phải lưu như thế nào?
- Thực hành vệ sinh cá nhân: các nhân viên có trang phục bảo hộ lao
động, không có ai mắc các bệnh ngoài da.
- Kiểm tra sổ kiểm thực 3 bước cơ sở đã ghi chép đủ 3 bước gồm:
bước nhập thực phẩm, bước sơ chế, bước chế biến.
1.2 Diễn biến của tình huống
Sau khi kiểm tra thủ tục pháp lý và kiểm tra vệ sinh thực tế của nhà
hàng thì đồng chí Đ - Trưởng đoàn kiểm tra đưa ra nhận xét nhà hàng còn
một số tồn tại như sau:
+ Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hết hiệu lực;
+ Không có giấy Khám sức khỏe và giấy xác nhận kiến thức an toàn
thực phẩm của 05 nhân viên mới tuyển dụng.
+ Khu vực cống rãnh còn để hở bốc mùi.

6


+ Không lưu mẫu thức ăn.
+ Sử dụng thớt sống, chín lẫn lộn.
Sau khi nghe nhận xét của đoàn kiểm tra ông V đã xin đoàn kiểm tra
cho cơ sở khắc phục các lỗi trên. Đồng thời ông V hứa sẽ cho nhân viên đi
khám sức khỏe và đăng ký tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm ngay
trong chiều nay, về giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm
hết hiệu lực thì cơ sở của ông đã làm hồ sơ và nộp bộ phận một cửa của
UBND huyện Yên Phong vào ngày 05/12/2017 hiện cơ sở đang chờ lịch
thẩm định của cơ quan có thẩm quyền. Đồng thời ông V sẽ mời đơn vị thi
công và thiết kế đến bếp để sửa chữa và trang bị thêm các trang thiết bị,

dụng cụ. Ông V nói có chút quà cảm ơn đoàn và đưa vào tay đồng chí Đ
nhưng đồng chí Đ nhất định không nhận. Lúc này ông V tỏ rõ thái độ
không đồng tình với đoàn kiểm tra và nói nhà hàng của ông đang trong quá
trình hoàn thiện thủ tục chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm,
đáng lẽ cơ quan có thẩm quyền nên cử đoàn tới thẩm định để cấp phép chứ
hiện tại Đoàn kiểm tra vào làm việc là có biểu hiện gây khó khăn cho
doanh nghiệp. Đồng thời ông V khăng khăng nói sẽ không ký biên bản
kiểm tra. Đồng chí Đ thấy tình hình có vẻ nghiêm trọng nên đã hội ý đoàn
kiểm tra để đưa ra phương án giải quyết.
2. PHÂN TÍCH TÌNH HUỐNG
2.1 Mục tiêu phân tích tình huống
Tình huống trên đặt ra yêu cầu phải xử lý chính xác, dứt điểm đảm
bảo giữ vững kỷ cương phép nước. Việc xử lý nghiêm giúp doanh nghiệp
hiểu được tầm quan trọng của các quy định, từ đó có thái độ đúng đắn và
tích cực để tuân thủ các quy định của nhà nước về an toàn thực phẩm, đồng
thời làm giảm bớt các vi phạm không đáng có xẩy ra. Xử lý vi phạm hành
chính đối với cơ sở vi phạm sẽ làm gương cho các cơ sở khác và cũng là hồi
chuông cảnh tỉnh các cơ sở đang hoạt động trái phép hoặc đang vi phạm.

7


2.2 Cơ sở lý luận
- Luật ATTP số 55/2010/QH12 có hiệu lực từ ngày 01/07/2011;
- Thông tư 15/2012/TT-BYT ngày 12/9/2012 của Bộ Y tế về Quy
định về điều kiện chung bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất,
kinh doanh thực phẩm;
- Thông tư 30/2012/TT-BYT ngày 05/12/2012 của Bộ Y tế về Quy
định về điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn
uống, kinh doanh thức ăn đường phố.

- Nghị định 178/2013/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ ngày
14/11/2013 về Quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.
2.3 Phân tích tình huống
2.3.1 Đánh giá, nhận xét về nhận thức và hành vi của đối tượng
có liên quan trong tình huống
Đây là tình huống rất hay gặp trong quản lý nhà nước về ATTP.
Doanh nghiệp sau khi có giấy phép và đi vào hoạt động một gian thì điều
kiện về cơ sở vật chất bị hao mòn trong khi cơ sở không có kế hoạch tu bổ,
sửa chữa dẫn đến các sai phạm không đáng có; việc thiếu kiến thức, thiếu
hiểu biết của nhiều nhà hàng cũng dẫn đến tình trạng các vi phạm về an
toàn thực phẩm ngày càng gia tăng. Chính vì vậy, cần phải xử lý nghiêm
các sai phạm của nhà hàng.
Trong tình huống này nhà hàng của ông V đã phạm phải những sai
lầm như sau:
- Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hết hiệu lực
trên 3 tháng. Theo Khoản 2 Điều 37 Luật ATTP số 55/2010/QH12 có hiệu
lực từ ngày 01/07/2011 thì trước khi hết hiệu lực 6 tháng cơ sở phải tiến
hành làm các thủ tục xin cấp lại giấy chứng nhận cơ sở điều kiện ATTP. Tuy
nhiên, cơ sở đã nộp hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an

8


toàn thực phẩm tại bộ phận một cửa của UBND huyện Yên Phong trước khi
đoàn đến kiểm tra 4 ngày làm việc.
- Không khám sức khỏe và không có giấy xác nhận kiến thức ATTP
cho 05 nguời trực tiếp chế biến thực phẩm: Căn cứ Khoản 1, 2 Điều 3 Thông
tư 15/2012/TT-BYT ngày 12/9/2012 của Bộ Y tế về “Quy định về điều kiện
chung bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực
phẩm” thì chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất thực phẩm phải:

+ Được khám sức khỏe và cấp giấy xác nhận đủ sức khỏe.
+ Được tập huấn và cấp giấy xác nhận tập huấn ATTP.
- Khu vực cống rãnh còn để hở bốc mùi. Căn cứ Điểm d Khoản 2
Điều 1 Thông tư 15/2012/TT-BYT ngày 12/9/2012 của Bộ Y tế thì: cống
rãnh thoát nước thải phải được che kín và vệ sinh khai thông thường xuyên.
- Không lưu mẫu thức ăn: Căn cứ Khoản 7 Điều 4 Thông tư
30/2012/TT-BYT ngày 05/12/2012 của Bộ Y tế về “Quy định về điều kiện
an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh
thức ăn đường phố” thì nhà hàng phải có đủ dụng cụ lưu mẫu thức ăn, tủ
bảo quản mẫu thức ăn lưu và bảo đảm chế độ lưu mẫu thực phẩm tại cơ sở
ít nhất là 24 giờ.
- Sử dụng thớt sống, chín lẫn lộn: Căn cứ Khoản 3 Điều 4 Thông tư
30/2012/TT-BYT ngày 05/12/2012 của Bộ Y tế thì phải có đủ dụng cụ chế
biến, bảo quản và sử dụng riêng đối với thực phẩm tươi sống và thực phẩm
đã qua chế biến; có đủ dụng cụ chia, gắp, chứa đựng thức ăn, dụng cụ ăn
uống bảo đảm sạch sẽ, thực hiện chế độ vệ sinh hàng ngày;
- Việc ông V nói “nhà hàng của ông đang trong quá trình hoàn thiện
thủ tục chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, đáng lẽ cơ quan
có thẩm quyền nên cử đoàn tới thẩm định để cấp phép chứ hiện tại Đoàn
kiểm tra vào làm việc là có biểu hiện gây khó khăn cho doanh nghiệp” là sai.
Vì căn cứ Điều 9 Thông tư 30/2012/TT-BYT ngày 05/12/2012 của Bộ Y tế

9


thì: “Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cơ quan có thẩm
quyền có trách nhiệm kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và kinh
doanh thức ăn đường phố trên địa bàn quản lý. Tần xuất kiểm tra: … 2.
Không quá 03 (ba) lần/năm đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống do
đơn vị chức năng được Ủy ban nhân dân huyện/quận ủy quyền cấp Giấy

chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm”.
Đoàn kiểm tra được thành lập theo quyết định của Chủ tịch UBND
huyện Yên Phong về việc kiểm tra liên ngành về việc chấp hành các quy định
của nhà nước về an toàn thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống
trên địa bàn huyện. Nhà hàng của ông V là nằm trong kế hoạch, chuyên đề
kiểm tra trong năm 2017 đã được Chủ tịch UBND huyện phê duyệt và trong
năm 2017 đây là lần đầu tiên được điểm tra, nên việc Đoàn kiểm tra liên
ngành thực hiện kiểm tra tại nhà hàng của ông V là đúng thẩm quyền.
2.3.2 Nguyên nhân xảy ra tình huống
Qua phân tích tình huống xảy ra trên, nguyên nhân chính là:
- Tình trạng trên giấy giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn
thực phẩm không ghi thời hạn của giấy. Vì vậy có thể dẫn đến hiểu lầm cho
doanh nghiệp tưởng giấy có giá trị mãi mãi.
- Do nhận thức của doanh nghiệp về các văn bản pháp luật chưa cao,
thiết hiểu biết và coi thường pháp luật. Chủ nhà hàng cũng như người quản
lý không tự tìm hiểu các quy định liên quan đến hoạt động, lĩnh vực của
mình. Điều đó được thể hiện là ông V trả lời “rằng 05 người mới bắt đầu
thử việc từ chiều hôm qua nên chưa đi tập huấn và khám sức khỏe”.
- Mặc dù bếp trưởng của nhà hàng đã được tập huấn kiến thức an
toàn thực phẩm và được cấp giấy xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm tuy
nhiên khi được hỏi về lưu mẫu thức ăn thì lại trả lời “chưa thấy ai nói phải
lưu mẫu thức ăn và cũng không biết phải lưu như thế nào?”. Điều này có
thể do nhân viên có đi tập huấn nhưng không chú ý lắng nghe giảng viên,

10


trong khi đó giảng viên thì cứ giảng mà không cần quan tâm là học viên có
tiếp thu hay không? hoặc tập huấn cũng chỉ là hình thức để cấp giấy xác
nhận kiến thức an toàn thực phẩm. Việc cấp giấy xác nhận tập huấn kiến

thức an toàn thực phẩm không phản ánh đúng kiến thức của người được tập
huấn nên mới dẫn đến tình trạng có giấy xác nhận tập huấn nhưng người
được tập huấn lại không có kiến thức. Điều này cũng đặt ra tình huống cần
phải thay đổi phương pháp tập huấn và cần phải kiểm tra kiến thức của
người được tập huấn nếu đạt mới cấp giấy xác nhận tập huấn kiến thức an
toàn thực phẩm.
- Khi người chế biến thực phẩm không có kiến thức về an toàn thực
phẩm nên mới dẫn đến tình trạng thực hành sai. Cụ thể trong tình huống này
là nhân viên đã sử dụng thớt sống để thái đồ chín. Họ không hiểu được việc
làm đó của họ sẽ gây ra hậu quả như thế nào? Và tại sao phải sử dụng riêng
hai loại thớt này?
- Nhận thức của chủ cơ sở và người quản lý còn thấp, xem nhẹ các
quy định của nhà nước về an toàn thực phẩm dẫn đến thực tế là nhà hàng
phục vụ cho 100 khách nhưng lại không có dụng cụ lưu mẫu thức ăn. Cũng
chính vì hạn chế về nhận thức nên họ không hiểu được tầm quan trọng của
việc lưu mẫu thức ăn. Và việc lưu mẫu có tác dụng như thế nào? Trên thực
tế thì việc lưu mẫu có vai trò vô cùng quan trọng. Mẫu thức ăn lưu sẽ là
bằng chứng để chứng minh người bị ngộ độc thức ăn có phải do đồ ăn của
nhà hàng hay không? Trên thực tế thì chủ cơ sở chỉ tập trung vào việc làm
thế nào để bán được nhiều sản phẩm, làm thế nào để đem lại lợi nhuận
nhiều nhất mà quên đi việc mình cần làm để bảo vệ mình khi có ngộ độc
thực phẩm xẩy ra.
2.3.3 Hậu quả của tình huống
- Cơ sở hoạt động trong khi chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP đã
hết hiệu lực. Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP chứng nhận cho cơ

11


sở đó có đủ điều kiện để kinh doanh, sản xuất hay không? Giấy chứng nhận

cơ sở đủ điều kiện dùng để trả lời về điều kiện cơ sở vật chất đúng theo các
quy định hiện hành và đảm bảo an toàn thực phẩm để chế biến, kinh doanh
thực phẩm. Nhà hàng ông V giấy chứng nhận đã hết hiệu lực nên mới có
tình trạng cống rãnh còn để hở và bốc mùi. Tuyển nhân viên trong khi họ
không có giấy khám sức khỏe và chưa được tập huấn kiến thức an toàn
thực phẩm.
- Việc khám sức khỏe rất quan trọng. Khám sức khỏe để biết được
người đó có đủ sức khỏe để làm việc hay không? có mắc bệnh truyền
nhiễm hoặc mắc bệnh không được tiếp xúc với thực phẩm? Trên thực tế đã
xẩy ra tình trạng người chế biến thực phẩm mắc bệnh lao hoặc bệnh tả mà
họ không biết hoặc biết nhưng vẫn tham gia chế biến. Đây cũng là nguyên
nhân dẫn đến ngộ độc thực phẩm cấp tính do vi khuẩn.
- Trong suốt quá trình sản xuất thực phẩm bên cạnh các yếu tố liên
quan đến cơ sở vật chất thì yếu tố con người là vô cùng quan trọng. Do đó
việc cung cấp và trang bị những kiến thức cơ bản về an toàn thực phẩm cho
nhân viên là hết sức cần thiết. Từ việc có kiến thức thì nhân viên sẽ có thái
độ nghiêm túc, tuân thủ các quy định và thực hành an toàn thực phẩm
đúng. Việc không có kiến thức dẫn đến tình trạng làm việc theo cảm tính,
không theo quy định dấn đến những hậu quả đáng tiếc.
- Việc lưu mẫu thức ăn là vô cùng quan trọng. Trên thực tế có rất
nhiều vụ ngộ độc thực xẩy ra. Tuy nhiên số vụ ngộ độc tìm ra nguyên nhân
thì rất ít. Do các nhà hàng hoặc cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống không có
mẫu thức ăn lưu nên không có bằng chứng để xét nghiệm. Việc lưu mẫu
thức ăn sẽ giúp cơ quan quản lý tìm ra nguyên nhân và căn nguyên của ngộ
độc thực phẩm. Đồng thời mẫu thức ăn lưu sẽ là bằng chứng để truy xuất
nguồn gốc nguyên liệu không đảm bảo an toàn thực phẩm. Việc nhà hàng

12



không lưu mẫu thức ăn thì khi có ngộ độc thực phẩm xẩy ra thì rất khó cho
các cơ quan trong việc tìm ra nguyên nhân và căn nguyên gây ngộ độc.
- Việc sử dụng thớt sống, chín lẫn lộn cũng có thể dẫn tới ngộ độc
thực phẩm. Bởi thớt dùng để thái đồ sống tiềm ẩn rất nhiều các loại vi sinh
vật đặc biệt là các loại vi sinh vật gây bệnh cấp tình. Khi người chế biến
dùng thớt sống để thái đồ chín đã làm lây nhiễm số lượng lớn vi sinh vật có
hại sang đồ ăn chín. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến các vụ ngộ
độc cấp tính hàng loạt.
- Khi khu vực cống rãnh còn để hở bốc mùi đây sẽ là nơi có rất nhiều
mầm bệnh và là nơi côn trùng như ruồi, muỗi, rán cư ngụ, xâm nhập và bay
đến đậu vào các đồ ăn hay dụng cụ chế biến. Cống bị ứ đọng và không kín
tạo nên mùi hôi thối rất mất vệ sinh và ảnh hưởng đến thực phẩm cũng như
sức khỏe của người trực tiếp chế biến thực phẩm.
3. XỬ LÝ TÌNH HUỐNG
3.1 Mục tiêu xử lý tình huống
- Thông qua giải quyết tình huống để góp phần tăng cường pháp chế
Xã hội chủ nghĩa.
- Xác định đúng mức độ sai phạm của cơ sở để có biện pháp xử lý
đúng người, đúng tội.
- Tạo ra môi trường công bằng và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng
cho các nhà hàng đã nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của nhà nước.
- Bảo vệ quyền lợi chính đáng của khách hàng khi ăn uống tại các
nhà hàng.
- Phối hợp với các cơ quan chức năng để hạn chế tối đa những hậu
quả mà vi phạm đó gây ra.
3.2 Xây dựng phương án xử lý tình huống
3.2.1 Phương án thứ 1: Đoàn kiểm tra do đồng chí Đ làm Trưởng
đoàn sẽ nhận quà cảm ơn của nhà hàng và thống nhất đồng ý theo phương

13



án đó là bỏ qua một số sai phạm của nhà hàng (không ghi vào biên bản) và
sẽ xử lý vi phạm về hành vi không lưu mẫu thức ăn.
- Ưu điểm: Phương án này vừa đơn giản vừa hợp tình vì: Giấy
chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đã hết hiệu lực. Tuy
nhiên cơ sở đã nộp hồ sơ xin cấp mới trước khi đoàn kiểm tra đến; Giấy
khám sức khỏe và giấy xác nhận của 05 người lao động thời vụ ông V hứa
sẽ cho làm ngay trong chiều cùng ngày và 05 nhân viên này mới được
tuyển dụng chiều hôm trước; Cống rãnh hở và bốc mùi thì có thể khắc phục
ngay bằng cách dọn vệ sinh và làm kín hóa; Việc sử dụng thớt sống, chín
lẫn lộn thì cỏ thể khắc phục bằng cách giáo dục nhân viên, và mua thớt mới
có dán biển tên thớt sống, thớt chín.
- Nhược điểm: Khi thực hiện phương án này tức là đoàn kiểm tra đã
vi phạm đạo đức công vụ, không hoàn thành đúng trách nhiệm của người
thi hành công vụ, không thực thi được pháp luật. Mặt khác tạo ra thói quan
xấu cho doanh nghiệp, dẫn đến tư tưởng chỉ cần có tiền đưa cho cơ quan
chức năng thì mọi chuyện làm sai của mình sẽ được giải quyết và không
phải truy cứu trách nhiệm trước pháp luật. Việc không ghi các lỗi vào biên
bản sẽ dẫn đến tình trạng nhà hàng của ông V sẽ không khắc phục các tồn
tại mà đoàn đã nêu.
3.2.2 Phương án thứ 2: Phạt lỗi không lưu mẫu thức ăn, nhắc nhở
lỗi giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP hết hiệu lực (vì cơ sở đã nộp
hồ sơ xin cấp mới). Các lỗi còn lại sẽ cho cơ sở khắc phục trong vòng 03
ngày, sau 03 ngày đoàn sẽ đến kiểm tra lại. Sau 03 ngày mà cơ sở vẫn
không khắc phục các tồn tại thì lúc đó Đoàn kiểm tra sẽ xử lý vi phạm theo
quy định.
- Ưu điểm: Ở phương án này Đoàn kiểm tra đã làm đúng chức năng
và thẩm quyền của mình, xử lý tình huống một cách dứt khoát và triệt để.
Việc này tạo sự tin tưởng cho doanh nghiệp trong công tác quản lý an toàn


14


thực phẩm, doanh nghiệp sẽ không sợ cán bộ làm sai, làm không đúng thẩm
quyền mà xử lý oan cho doanh nghiệp. Đồng thời cho cơ sở cơ hội để khắc
phục vì căn cứ vào Nghị định 178/2013/NĐ-CP của Thủ tướng chính phủ
ngày 14/11/2013 về Quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực
phẩm thì cơ sở không bị xử lý vi phạm hành chính về lỗi: cống không kín, có
mùi; sử dụng thớt sống, chín lẫn lộn...
- Nhược điểm: Phương án này tốn thời gian cho Đoàn kiểm tra: phải
xuống kiểm tra việc khắc phục các tồn tại của cơ sở và cắt cử cán bộ giám
sát, đôn đốc việc khắc phục của cơ sở.
3.2.3 Lựa chọn phương án tối ưu
Để giải quyết tình huống đã được nêu ra ở trên tôi chọn phương án 2
là phương án tối ưu nhất vì phương án này đáp ứng được nhiều mục tiêu xử
lý tình huống nhất:
- Tăng cường sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng trên
địa bàn đối với việc khắc phục tồn tại của cơ sở.
- Thông báo cho cơ quan chức năng, chính quyền địa phương nơi về
những vi phạm của cơ sở. Để giám sát cơ sở khắc phục tồn tại và hạn chế
tối đa những hậu quả mà vi phạm đó gây ra.
- Việc xử lý vi phạm hành chính tạo ra môi trường công bằng và bảo
vệ quyền lợi chính đáng cho các nhà hàng đã nghiêm chỉnh chấp hành các
quy định của nhà nước.
- Bảo vệ quyền lợi chính đáng của khách hàng khi ăn uống tại các
nhà hàng.
3.3 Kế hoạch tổ chức thực hiện phương án
Phương án 2 là phương án tối ưu nhất được lựa chọn để giải quyết
vấn đề trên. Sau đây là kế hoạch cụ thể thực hiện phương án nêu trên:

* Đoàn kiểm tra liên ngành

15


- Báo cáo lại UBND huyện, Trưởng phòng Y tế huyện kết quả của
buổi kiểm tra định kỳ các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn;
- Tham mưu cho UBND huyện, Trưởng phòng Y tế huyện ban hành
thông báo các tồn tại của nhà hàng ông V và việc kiểm tra giám sát việc
khắc phục tồn tại của cơ sở.
- Tiến hành kiểm tra giám sát tất cả các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn
uống nói chung và nhà hàng ăn uống nói riêng trong kế hoạch được phê
duyệt để kịp thời phát hiện những sai phạm và những cơ sở không đủ điều
kiện để có kế hoạch khắc phục, xử lý.
- Sau 03 ngày tiến hành kiểm tra lại việc khắc phục tồn tại của cơ sở
và hoàn thiện hồ sơ xử lý vi phạm hành chính.
* Phòng Y tế huyện và Trung tâm Y tế huyện
Phân công cán bộ giám sát việc khắc phục các tồn tại của nhà hàng.
Đồng thời lên lịch thẩm định cơ sở theo quy định.
3.4 Những kết quả đạt được
- Sau 03 ngày Đoàn kiểm tra của đã đến kiểm tra việc khắc phục các
tồn tại của nhà hàng, kết quả cụ thể như sau:
- Nhà hàng đã có thớt sống và thớt chín riêng biệt, có ghi biển tên và
có giá treo riêng.
- Hệ thống cống đã được kín hóa bằng inox, đảm bảo khai thông tốt
và không có mùi hôi tanh.
- Cơ sở đã mua dụng cụ lưu mẫu thức ăn và dành riêng 01 tủ lạnh để
lưu mẫu thức ăn.
- 05 nhân viên vừa tuyển dụng nhà hàng đã cho thôi việc do không
đáp ứng được các yêu cầu của nhà hàng.

- Nhà hàng đã có biên bản thẩm định của Phòng Y tế huyện, Trung
tâm Y tế huyện, kết quả cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm để kinh
doanh nhà hàng ăn uống.

16


- Căn cứ Điểm i Khoản 2 Điều 21 Nghị định 178/2013/ND-CP ngày
14/11/2013 của Thủ tướng chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành
chính về an toàn thực phẩm thì cơ sở bị phạt 4.000.000 đồng về hành vi
không lưu mẫu thức ăn.
* Kết quả của phương án 2:
- Giải quyết được vụ việc nhanh gọn, đem lại niềm tin của nhân dân
đối với cơ quan Nhà nước.
- Tổ chức triển khai, thực hiện có hiệu quả các biện pháp đã đề ra, do
đó đã hạn chế tới mức thấp nhất những thiệt hại về sức khỏe và kinh tế cho
nhân dân.
- Có tác dụng giáo dục, răn đe các co so kinh doanh dich vu an uong
bất hợp pháp, góp phần đấu tranh với các mặt trái của xã hội.
- Các cán bộ trực tiếp thi hành công vụ nhiệt tình trong công việc
không quản thời gian vất vả để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
- Tạo sự phối hợp và liên hệ chặt chẽ giữa cơ quan cấp trên và cơ
quan cấp dưới cùng quản lý cơ sở trên địa bàn.
- Giữ vững kỷ cương phép nước.

17


PHẦN III: KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
1. Kết luận

Đây là tình huống hay gặp trong công tác quản lý an toàn thực phẩm
trên địa bàn huyện chính vì vậy cán bộ quản lý cần có phương pháp giải
quyết tình huống một cách hài hòa nhưng phải đảm bảo đúng pháp luật,
cũng như đảm bảo quyền lợi của các bên một cách tốt nhất. Nếu không xử
lý triệt để tình huống trên dễ dẫn đến những tiêu cực nghiêm trọng như:
thái độ coi thường pháp luật, coi thường cán bộ quản lý nhà nước của các
doanh nghiệp và của người dân; hay sự tha hóa trong tư tưởng của cán bộ
quản lý, vi phạm đạo đức công vụ trong khi đang thi hành công vụ.
Qua tình huống trên có thể thấy nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn
uống vẫn chưa nắm được các quy định của nhà nước về lĩnh vực mình đang
kinh doanh, dẫn đến thái độ xem nhẹ, coi thường pháp luật gây khó khăn
cho công tác quản lý của nhà nước. Do vậy một yêu cầu đặt ra cho các nhà
quản lý là phải tuyên truyền sâu rộng các quy định của nhà nước tới doanh
nghiệp để các quy định pháp luật đi sâu, đi sát vào từng hành động của
người dân. Đồng thời giúp doanh nghiệp hiểu được tầm quan trọng của các
quy định cũng như hậu quả nếu không thực hiện đúng các quy định đó.
2. Kiến nghị
- Đảng và Nhà nước cần quan tâm hơn nữa đối với công tác đảm bảo
an toàn thực phẩm, có những biện pháp hữu hiệu để nâng cao nhận thức của
doan nghiệp về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong kinh doanh dịch
vụ ăn uống.
- Tăng cường bồi dưỡng, đào tạo kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ
cho các cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm.
- Phối hợp với các ngành có liên quan để làm tốt hơn nữa công tác
tuyên truyền các văn bản pháp luật về an toàn thực phẩm cho người dân và
chủ các doanh nghiệp.

18



- Thường xuyên tổ chức các cuộc kiểm tra việc chap hành các quy
định của nhà nước đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa
bàn huyện, xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm trong lĩnh vực
quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm nói chung và về kinh doanh dịch vụ
ăn uống nói riêng.
Với sự hiểu biết còn hạn chế, thời gian đầu tư nghiên cứu có hạn, tôi
đã mạnh dạn nêu lên những suy nghĩ, quan điểm của mình về xử lý tình
huống trong quá trình nghiên cứu thực hiện tình huống. Mặc dù đã có nhiều
cố gắng, song không thể tránh khỏi những hạn chế và thiếu sót. Rất mong
nhận được những ý kiến đóng góp của các thầy, cô giáo Trường Chính trị
Nguyễn Văn Cừ và các đồng chí học viên trong lớp để bài viết của tôi được
hoàn chỉnh hơn.

19


TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12 có hiệu lực từ ngày
01/07/2011;
2. Nghị định 178/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính
phủ về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm;
3. Thông tư 15/2012/TT-BYT ngày 12/9/2012 của Bộ Y tế về “Quy
định về điều kiện chung bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất,
kinh doanh thực phẩm”;
4. Thông tư 30/2012/TT-BYT ngày 05/12/2012 của Bộ Y tế về “Quy
định về điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn
uống, kinh doanh thức ăn đường phố”.

20



MỤC LỤC

21



×