LỜI MỞ ĐẦU
Từ xa xưa đến nay, sách được xem là kho tàng văn hóa, tri thức vô tận của nhân loại. Tại
Việt Nam, ngày 21/4 hàng năm đã được Nhà nước chọn là “Ngày sách Việt Nam”.
Hưởng ứng Ngày sách Việt Nam, trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã tổ chức buổi Tọa
đàm “Văn hóa đọc với giảng viên và sinh viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân” vào
8h30 sáng thứ 7 ngày 20/4.
Là một người khá yêu thích sách và có mong muốn tìm tòi, tham khảo các đầu sách hay
từ các diễn giả, em đã tham gia sự kiện này. Bài viết này là những cảm nhận cá nhân của
em về sự kiện lần này cũng như đưa ra các đề xuất về truyền thông sau sự kiện.
Bài viết còn nhiều thiếu sót, rất mong nhận được sự góp ý từ cô để bài viết có thể hoàn
thiện hơn nữa.
Mục lục
Lời mở đầu
A. Cảm nhận chung về sự kiện
I.
Thời gian, địa điểm tổ chức sự kiện
II.
Khách mời của sự kiện
III.
Nội dung sự kiện
B. Đánh giá chung về sự kiện
I.
Ưu điểm
II.
Nhược điểm
C. Các đề xuất về truyền thông sau sự kiện
D. Kết luận
A. Cảm nhận chung về sự kiện
I.
Thời gian, địa điểm tổ chức sự kiện
1. Thời gian tổ chức sự kiện
Theo thời gian trên Fanpage chính thức của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh
Đại học Kinh tế Quốc dân, buổi Tọa đàm sẽ bắt đầu từ 8h30 sáng thứ 7 ngày 20/4.
Ngày được lựa chọn tổ chức sự kiện là ngày 20/4, trước ngày Sách Việt Nam 1 ngày.
Thời gian này Hội sách của công viên Thống Nhất đang được diễn ra thu hút nhiều sự
quan tâm của cộng đồng người yêu sách. Chính vì thế, buổi tọa đàm chia sẻ về cách
đọc cũng như cách chọn sách nhận được sự ủng hộ của nhiều bạn sinh viên Kinh tế
quốc dân.
Ngoài ra, giai đoạn này đang là giai đoạn cuối năm, các bạn sinh viên đang cần điểm
đoàn để đánh giá xếp loại đoàn viên. Mỗi phiếu tham gia tọa đàm sẽ được tích 5 điểm
đoàn nên các bạn sinh viên tham gia cũng khá đông.
Thời gian tổ chức tọa đàm cũng là khi vừa bước sang mùa hè, thời tiết đã bắt đầu
nóng lên. Ban tổ chức tọa đàm đã lưu ý bắt đầu sự kiện sớm hơn so với các sự kiện
trước kia (trước kia các sự kiện thường bắt đầu lúc 9h hoặc muộn hơn). Tuy nhiên,
hầu hết người tham dự vẫn đến muộn hơn so với giờ chính thức. Phải đến 9h30 thì
buổi tọa đàm mới chính thức được bắt đầu.
Lý do đi muộn hầu hết là bởi thói quen của người Việt Nam là hay “cao su”. Tuy
nhiên, cũng có một bộ phận sinh viên do bận các tiết học trên trường nên bất đắc dĩ
phải đến muộn. Buổi sáng thứ 7 vừa rồi do bận 2 tiết học ban đầu nên em cũng đã đến
buổi tọa đàm muộn. Khi đến nơi thì được các thầy cô và các bạn tình nguyện viên
hướng dẫn đến chỗ ngồi và chờ ổn định hội trường rồi buổi hội thảo mới bắt đầu.
2. Địa điểm tổ chức sự kiện
Buổi tọa đàm được tổ chức tại Nhà văn hóa Đại học Kinh tế quốc dân. Vì đây là sự
kiện hầu như chỉ có sinh viên trong trường tham gia nên địa điểm này khá phù hợp và
dễ tìm. Không gian trong Nhà văn hóa rộng và đủ chỗ cho người tham gia. Điều đó
cho thấy Ban tổ chức ước lượng số lượng người tham gia khá chuẩn xác để chuẩn bị
hội trường.
Sân khấu được bài trí hợp lý, cách sắp xếp vị trí ngồi của khách mời phù hợp để các
khách mời trao đổi với nhau cũng như tương tác với các bạn sinh viên phía dưới.
Các bạn tình nguyện viên cũng rất tích cực hỗ trợ sắp xếp chỗ ngồi cho khán giả tham
dự, đảm bảo không xảy ra tình trạng lộn xộn hay thiếu chỗ ngồi.
Đây là một ưu điểm khá lớn của buổi Tọa đàm lần này.
II.
Khách mời của sự kiện
Khách mời của tọa đàm lần này có Thạc sĩ Bùi Trung Hải – phó Trưởng phòng CTCT
và Quản lý thông tin sinh viên, Thạc sĩ Trần Hồng Nhung – Giảng viên khoa
Marketing, Thạc sĩ Đào Thiện Quốc – Giám đốc Trung tâm Thư viện cùng các bạn
sinh viên đang phụ trách Tủ sách sống NEU. Đây đều là những khách mời nổi tiếng
yêu sách và có tầm ảnh hưởng đến văn hóa đọc của sinh viên NEU.
Trong khi các khách mời là giảng viên, cán bộ nhà trường mang lại cảm giác gần gũi,
tin tưởng và đưa đến những lời khuyên có tính chuyên môn cho sinh viên thì các bạn
sinh viên đang phụ trách Tủ sách sống NEU mang tới cho chúng em cảm giác gần gũi,
thân thiện và dễ chia sẻ những khó khăn gặp phải trong quá trình tìm hiểu các đầu
sách.
Tóm lại, em cảm thấy dàn khách mời của sự kiện lần này rất phù hợp và khiến buổi
tọa đàm trở nên hấp dẫn hơn đối với các bạn sinh viên.
III.
Nội dung sự kiện
Mở đầu buổi tọa đàm là các tiết mục văn nghệ mở đầu với ý nghĩa ca ngợi cuộc sống
tích cực, mang lại cảm giác thoải mái, thư giãn cho khán giả.
Tiếp theo đó là bài phát biểu của Thạc sĩ Bùi Trung Hải về ngày Sách Việt Nam nói
chung và văn hóa đọc của giảng viên, sinh viên trường Đại học Kinh tế quốc dân nói
riêng. Bài phát biểu là lời mở đầu cũng như phác thảo những nội dung chính trong
buổi tọa đàm.
Cũng giống như hầu hết các buổi tọa đàm khác, đây là phần quan trọng không thể
thiếu, tuy nhiên đối với người tham gia thì hầu hết đều không thích thú với phần này,
một phần vì nó quá hàn lâm và không có điểm gì hấp dẫn, thứ hai là phần này tương
đối dài, đến 15-20 phút.
Sau đó, phần chính của buổi tọa đàm là sự giao lưu, hỏi đáp trực tiếp giữa khán giả và
các khách mời. Đây cũng là phần mà em thích thú nhất bởi thu được cho mình nhiều
mẹo hay, bổ ích cũng như định hướng dòng sách đọc trong tương lai.
Các bạn sinh viên, đặc biệt là các bạn sinh viên K60, K59 rất tích cực đặt câu hỏi cho
các vị khách mời. Các câu hỏi xoay quanh vấn đề làm thế nào để biết mình hợp thể
loại sách nào hay loại sách nào mà các vị khách mời hay đọc, giáo trình của nhà
trường chưa thiết kế hợp lý,… Tất cả các câu hỏi đều được các diễn giả giải đáp một
cách nhiệt tình và chi tiết.
Trong phần giao lưu em ấn tượng nhất đối với câu trả lời của cô Hồng Nhung khi đưa
ra lời khuyên “Làm sao để có hứng thú đọc sách chuyên ngành” của một bạn sinh
viên K59 khoa Marketing. “Phải bắt đầu từ những cái mình thích trước. Chẳng hạn
như bạn thích đọc truyện, thích đọc ngôn tình mà không thích những cuốn sách kinh
tế khô khan thì có thể bắt đầu học marketing, học kinh tế từ những câu chuyện.”
Ngoài ra, cô cũng gợi ý thêm nhiều đầu sách hay, hấp dẫn và bổ ích khuyên đọc cho
các bạn ngành Marketing.
Phần chia sẻ về Tủ sách sống NEU của bạn Sao Mai cũng để lại nhiều ấn tượng trong
lòng người tham dự. Với nhiệt huyết tuổi trẻ mong muốn mang sách đến gần hơn với
những tỉnh vùng sâu, vùng xa, cô bạn đã cùng những cộng sự xây dựng điểm đọc tại
nhiều tỉnh và kêu gọi ủng hộ sách vở từ các mạnh thường quân.
Buổi tọa đàm này thực sự đã mang tới cho em nhiều điều bổ ích. Việc được lắng nghe
quan điểm về “việc đọc” và “sách” đứng trên quan điểm của giảng viên và sinh viên
khiến em được mở mang nhiều hơn về cách đọc sách sao cho thú vị và tốt cho “sức
khỏe” tinh thần.
B. Đánh giá chung về sự kiện
I.
Ưu điểm
Buổi tọa đàm được lựa chọn đúng thời gian, thời điểm nên thu hút và đảm bảo
số lượng người tham gia như dự kiến.
Không gian được sắp xếp hợp lý, phù hợp thực tế.
Khách mời phù hợp và có nhiều quan điểm khác nhau.
Mang lại nhiều điều bổ ích về sách và cách đọc sách “văn hóa” cho người tham
gia.
II.
Nhược điểm
Thời gian chưa được đảm bảo, chưa có cách thức để khiến người tham gia phải
đến đúng giờ.
Mặc dù có link đăng ký nhưng buổi tọa đàm chưa có kiểm tra lại email xác
nhận, nếu trường hợp xấu có thể khiến buổi tọa đàm lộn xộn vì không xoay sở
kịp về vị trí ngồi.
Công tác truyền thông trước sự kiện chưa tập trung
C. Các đề xuất truyền thông sau sự kiện
1. Cập nhật hình ảnh trong và sau buổi tọa đàm trên website của khoa và Fanpage
Đoàn trường. Có thể livestream trực tiếp để các bạn không tham gia được cũng
có thể theo dõi và comment tại nhà.
2. Đưa các hình ảnh đẹp về hỏi đáp trong buổi tọa đàm để viết các bài về “sách”
đối với sinh viên ngày nay như thế nào?
3. Đề nghị mọi người check in tại hội thảo để lan rộng tầm ảnh hưởng hơn nữa.
KẾT LUẬN
Là một buổi tọa đàm về Văn hóa đọc, buổi tọa đàm đã làm tròn nhiệm vụ là cầu nối chia
sẻ giữa sinh viên và các khách mời về sách và văn hóa đọc đối với giới trẻ hiện nay.
Công tác chuẩn bị và hậu cần được chuẩn bị khá kỹ lưỡng, tuy nhiên phần truyền thông
cho sự kiện này chưa được chú trọng khi hội trường A vẫn còn chỗ trống. Thêm vào đó,
nhiều bạn sinh viên vẫn chưa biết đến sự kiện này, phải đến gần sát sự kiện diễn ra mới
nhận được thông tin. Đây là thiếu sót lớn của bộ phận phụ trách truyền thông sự kiện.
Một số giải pháp đề xuất cho truyền thông sau sự kiện khá dễ dàng thực hiện và mang lại
hiệu quả cao nên bộ phận truyền thông nên chú ý bố trí nhân lực để chụp và bắt các
khoảnh khắc trong khi hội thảo diễn ra.
Trên đây là toàn bộ cảm nhận của em về buổi tọa đàm “Văn hóa đọc với Giảng viên, sinh
viên trường Đại học Kinh tế quốc dân”.
Rất mong có sự nhận xét của cô ạ!