Tải bản đầy đủ (.pdf) (52 trang)

Nghiên cứu năng lực cạnh tranh của điểm đến du lịch thừa thiên huế, việt nam tt

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.96 MB, 52 trang )

ĐẠI HỌC HUẾ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ

LÊ THỊ NGỌC ANH

NGHIÊN CỨU NĂNG LỰC CẠNH TRANH CỦA ĐIỂM ĐẾN
DU LỊCH THỪA THIÊN HUẾ, VIỆT NAM

TÓM TẮT
LUẬN ÁN TIẾN SĨ QUẢN TRỊ KINH DOANH

Mã số: 9340101
Người hướng dẫn khoa học 1: PGS.TS BÙI THỊ TÁM
Người hướng dẫn khoa học 2: PGS.TS NGUYỄN ĐĂNG HÀO

HUẾ - NĂM 2019


Công trình được hoàn thành tại:
Trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế.

Người hướng dẫn khoa học 1:

PGS. TS. Trịnh Văn Sơn

Người hướng dẫn khoa học 2:

PGS. TS. Nguyễn Thị Minh Hòa

Phản biện 1: .......................................................


Phản biện 2: .......................................................

Phản biện 3: ........................................................

Luận án sẽ được bảo vệ tại Hội đồng chấm luận án Đại học Huế họp tại:
........................................................................
............................................................................
Vào hồi………….giờ, ngày

tháng

năm 2019

Có thể tìm hiểu luận án tại: Thư viện Quốc Gia và Thư viện Trường Đại học
Kinh tế, Đại học Huế, 99 Hồ Đắc Di, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Hue


PHẦN I. MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Trong một vài thập niên gần đây thế giới đã chứng kiến sự phát triển với tốc độ bùng
phát của ngành du lịch trở thành một trong những ngành công nghiệp lớn nhất của nền kinh
tế thế giới, và đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của nhiều quốc gia thông qua
tạo ra nguồn thu ngoại tệ, việc làm và thu nhập, thúc đẩy các ngành nghề khác phát triển...
Theo Báo cáo năng lực cạnh tranh du lịch và lữ hành 2015 của Diễn đàn kinh tế thế giới
‘...mặc dù thế giới đang đối mặt với những căng thẳng về địa chính trị từ khu vực Trung Đông
và Ucraina đến Đông Nam Á, các mối đe dọa về khủng bố đang lan rộng khắp toàn cầu, nhưng
tác động của các sự kiện này đến du lịch lữ hành đang là vấn đề chưa rõ ràng’. Trong khi một
số quốc gia và địa phương điểm đến đang phải hứng chịu nhiều tác động do sự suy giảm về
lượt du khách quốc tế thì một số điểm đến khác lại có tác động ngược lại. Và đặc biệt lý thú
là trong mấy năm gần đây ngành du lịch và lữ hành thế giới vẫn tiếp tục tăng trưởng. Tổng

lượt du khách quốc tế đạt kỷ lục 1.19 tỉ lượt trong năm 2015, tăng 52 triệu so với 2014
(UNWTO, 2016). Theo đánh giá của Ủy ban Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC) thì du lịch
và lữ hành hiện nay đang đóng góp 10.2% GDP thế giới với tổng doanh thu 7,613.3 tỉ đô la
Mỹ và chiếm 6.6% kim ngạch xuất khẩu toàn cầu, đóng góp 9.6% việc làm toàn cầu và con
số này có thể lên 12.1% trong năm 2027 (WTTC, 2017).
Khi thị trường du lịch quốc tế ngày càng phát triển thì năng lực cạnh tranh của điểm đến
càng được xem là yếu tố quan trọng tác động đến hoạt động kinh doanh du lịch. Pearce
(1997:25) cho rằng “Khi du lịch thế giới ngày càng trở nên cạnh tranh…tất cả nhận thức sâu
sắc về sự phát triển, thế mạnh và các điểm yếu trong cạnh tranh của điểm đến sẽ là yếu tố tối
quan trọng”. Cũng với quan điểm này, Crouch và Ritchie (2000:6) nhấn mạnh “khả năng cạnh
tranh của điểm đến có tác động phân loại nội bộ ngành và vì thế nó (khả năng cạnh tranh) đang
là vấn đề thu hút sự quan tâm đặc biệt đối với các doanh nghiệp và các nhà nhà hoạch định
chính sách”.
Đối với các điểm đến du lịch, năng lực cạnh tranh vừa được coi là động lực và mục tiêu phát
triển của điểm đến, bởi năng lực cạnh tranh sẽ gia tăng cơ hội thu hút thị trường du khách,
thúc đẩy du lịch phát triển, kéo theo sự phát triển của các ngành bổ trợ, thúc đẩy phát triển
kinh tế xã hội của địa phương điểm đến, góp phần xóa đói giảm nghèo. Tiến trình xây dựng
và duy trì năng lực cạnh tranh vừa là nhiệm vụ có tính chiến lược, vừa gắn với hoạt động hàng
ngày hàng giờ tại điểm đến. Một khi điểm đến du lịch trước khi quyết định triển khai chiến
lược và giải pháp phát triển điểm đến, nâng cao năng lực cạnh tranh thì cần giải quyết được
một loạt các vấn đề cốt lõi như: các yếu tố nào cấu thành năng lực cạnh tranh của điểm đến?
Cách thức đo lường đánh giá các nhân tố này? Liệu danh mục các biến số phổ cập chung có
thể áp dụng để phân tích năng lực cạnh tranh của một điểm đến cụ thể? Đây là những câu hỏi
lớn thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà nghiên cứu cũng như người làm công tác thực
tiễn nhưng cho đến nay vẫn chưa có lời đáp thỏa mãn cho các câu hỏi này. Thậm chí ngay cả
khi điểm đến du lịch thành công trong chiếm lĩnh thị trường thì danh mục các biến số phổ cập
vẫn khó có thể vận dụng để đánh giá năng lực cạnh tranh điểm đến cụ thể.

1



Đối với ngành du lịch, năng lực cạnh tranh là thước đo mức độ hoạt động của ngành trên
thị trường du lịch quốc tế. Mức độ đóng góp của ngành đối với sự phát triển của địa phương,
của đất nước phụ thuộc rất lớn vào khả năng cạnh tranh của ngành. Đối với các doanh nghiệp,
năng lực cạnh tranh là yếu tố sống còn xác định sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp.
Mỗi doanh nghiệp du lịch cần xác định được các yếu tố cấu thành lợi thế cạnh tranh và năng
lực cạnh tranh của điểm đến, đánh giá và khai thác các lợi thế cạnh tranh một cách có lợi nhất
nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường. Do vậy, năng lực cạnh
tranh điểm đến là mối quan tâm của nhiều đối tượng bao gồm những nhà hoạch định chính
sách quản lý và phát triển, những nhà nghiên cứu cũng như của các doanh nghiệp.
Về phương diện nghiên cứu, mặc dù bắt đầu khá muộn màng nhưng các nghiên cứu về
khả năng cạnh tranh của điểm đến đã và đang thu hút nhiều sự chú ý của các chuyên gia cũng
như những người làm công tác thực tiễn như nghiên cứu của Crouch & Ritchie, 1993, 1999;
Dwyer, Forsyth, & Rao, 2000; Vengesayi, 2003; Ekin và Akbulut, 2015. Đặc biệt, nghiên cứu
của Crouch & Richie (1999) được xem là một trong những nổ lực đáng chú ý trong việc vận
hành hóa tổng hợp các biến nghiên cứu cạnh tranh trong du lịch và cạnh tranh ngành để nghiên
cứu năng lực cạnh tranh của điểm đến du lịch (theo Enright & Newton, 2005). Thay vì cho
một số nghiên cứu trước đó chỉ chủ yếu tập trung vào lợi thế cạnh tranh của một số yếu tố lợi
thế tài nguyên hoặc giá cả như trong nghiên cứu của Poon, 1993; Chon &Mayer, 1995. Có
thể thấy các nổ lực nghiên cứu năng lực cạnh tranh điểm đến trong thời gian qua đã tập trung
giải quyết vấn đề khái niệm, cách tiếp cận và vận hành hóa các biến đo lường năng lực cạnh
tranh điểm đến du lịch hoặc ở phạm vi quốc gia, vùng lãnh thổ hoặc địa phương cụ thể. Theo
đó, các mô hình đánh giá năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch thường bao gồm: 1) các yếu
tố kinh doanh; 2) các yếu tố về quản lý, kế hoạch hóa và phát triển điểm đến; và 3) các yếu tố
nguồn lực du lịch và tính hấp dẫn của điểm đến.
Tuy nhiên, tổng lược các nghiên cứu liên quan trên thế giới cũng nhấn mạnh rằng chưa
có một mô hình hoàn thiện về nghiên cứu năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch vì các mô
hình đề xuất đều chưa cung cấp một khung đánh giá tổng hợp các khía cạnh khác nhau về khả
năng cạnh tranh của điểm đến. Thực tế này đặt ra nhu cầu cần thiết đối các nghiên cứu đánh
giá năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch nhằm góp phần hoàn thiện mô hình lý thuyết cũng

như cung cấp các khuyến cáo chính sách và giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh
điểm đến ở các phạm vi khác nhau.
Đối với ngành du lịch Việt Nam, trong những năm qua mặc dù có nhiều chuyển biến
tích cực và đạt được tăng trưởng đáng kể, song du lịch Việt Nam nói chung và du lịch Thừa
Thiên Huế (từ đây được tóm lược là Huế) nói riêng chưa thực sự phát triển xứng với tiềm
năng. Sản phẩm du lịch chưa hấp dẫn và thiếu tính đặc trưng. Khả năng thu hút và hình ảnh
của các điểm đến du lịch của Huế còn mờ nhạt đối với du khách (Bùi Thị Tám, 2010, Trần
Thị Ngọc Liên, 2013). Số liệu thống kê từ Sở Du lịch Thừa Thiên Huế cũng cho thấy, số ngày
lưu trú bình quân tại Thừa Thiên Huế trong giai đoạn 2013-2017 giảm sút từ 2.01 ngày/khách
(năm 2013) xuống 1.8 ngày/khách (năm 2017), trong khi các điểm đến lân cận như Đà Nẵng
và Hội An lại có sự tăng nhanh. Điều này đặt ra câu hỏi lớn về năng lực cạnh tranh của điểm
đến du lịch Thừa Thiên Huế. Với thực tế vượt trội về tài nguyên du lịch và với một điểm đến
du lịch được phát triển khá sớm ở Việt Nam cũng như ở khu vực Miền Trung (Bùi Thị Tám
2


và Mai Lệ Quyên, 2012; Lê Thị Ngọc Anh, 2018), nhưng du lịch Thừa Thiên Huế vẫn chưa
có được những bước phát triển nổi trội khẳng định vị thế của một điểm đến tiên phong trong
khu vực.
Cho đến nay cũng đã có một số nghiên cứu về khả năng thu hút, hình ảnh điểm đến và
năng lực cạnh tranh được thực hiện ở khu vực miền Trung như nghiên cứu của Bùi Thị Tám,
2010; Thái Thanh Hà, 2010, Nguyễn Thị Bích Thủy, 2013. Tuy nhiên, các nghiên cứu này
được thực hiện theo một số cách tiếp cận cụ thể và với tính chất nghiên cứu khám phá về một
số khía cạnh cụ thể liên quan đến năng lực cạnh tranh. Do vậy, các khuyến nghị cho nghiên
cứu tiếp theo từ các nghiên cứu này đã nhấn mạnh vào việc cần tiếp tục có các nghiên cứu có
tính hệ thống cả về nội dung, phương pháp cũng như vận dụng thực tiễn các mô hình đánh
giá năng lực cạnh tranh của điểm đến.
Về mặt lý thuyết liệu có thể xây dựng một mô hình cấu trúc và có tính khả thi để đánh
giá một cách khoa học các yếu tố cấu thành năng lực cạnh tranh của một điểm đến du lịch và
tương tác giữa chúng? Về phương diện vận dụng thực tiễn, năng lực cạnh tranh của điểm đến

du lịch Huế hiện nay như thế nào? các yếu tố nào cấu thành đến năng lực cạnh tranh của điểm
đến du lịch Huế và mức độ tương tác hỗ trợ giữa chúng? Các cơ hội và giải pháp cụ thể nào
cần được khai thác để nâng cao năng lực cạnh tranh của điểm đến du lịch Thừa Thiên Huế?
Quyết định số 1622/QĐ-UBND ngày 26/8/2013 của Uỷ Ban Nhân Dân tỉnh Thừa
Thiên Huế cũng đã nêu rõ quan điểm: “Phát triển du lịch Thừa Thiên Huế nhanh, bền vững,
đảm bảo chất lượng và khả năng cạnh tranh, gắn chặt với việc bảo tồn và phát huy các giá trị
di sản văn hóa”, cho thấy được sự quan tâm và tính cấp bách của công tác đánh giá năng lực
cạnh tranh của du lịch Huế nhằm thực hiện được mục đích “Tập trung phát triển du lịch thành
ngành kinh tế mũi nhọn, phấn đấu đến năm 2020 đưa Thừa Thiên Huế trở thành điểm đến
hàng đầu trong khu vực; đến năm 2030 xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một điểm đến
ngang hàng với các thành phố di sản văn hóa thế giới”.
Từ thực tế trên, việc nghiên cứu năng lực cạnh tranh của điểm đến du lịch Huế để làm
rõ thực trạng phát triển và năng lực cạnh tranh, cũng như các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực
cạnh tranh, từ đó đề xuất khuyến nghị chính sách và giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh
tranh của điểm đến du lịch Huế là thực sự cấp thiết. Do đó, luận án “Nghiên cứu năng lực
cạnh tranh của điểm đến du lịch Thừa Thiên Huế, Việt Nam” có ý nghĩa khoa học và hy
vọng góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Thừa Thiên Huế, đóng góp vào sự
phát triển kinh tế xã hội của tỉnh cũng như phát triển du lịch của khu vực Miền Trung trong
thời gian tới.
2. Mục tiêu nghiên cứu của đề tài
2.1. Mục tiêu chung
Trên cơ sở nghiên cứu lý luận và phương pháp luận về năng lực cạnh tranh của điểm
đến du lịch để xây dựng, kiểm định và đề xuất mô hình lý thuyết đánh giá năng lực cạnh tranh
điểm đến du lịch, và sử dụng trong phân tích, đánh giá năng lực cạnh tranh của điểm đến du
lịch Thừa Thiên Huế.
2.2 Mục tiêu cụ thể
3


1. Hệ thống hóa, làm rõ những vấn đề lý luận và phương pháp luận về đánh giá năng

lực cạnh tranh điểm đến du lịch.
2. Xây dựng khung lý thuyết và hệ thống biến đo lường năng lực cạnh tranh điểm đến
du lịch
3. Phân tích, đánh giá các yếu tố cấu thành năng lực cạnh tranh của điểm đến du lịch
Thừa Thiên Huế
4. Đề xuất định hướng, giải pháp chủ yếu và các hàm ý chính sách nhằm nâng cao năng
lực cạnh tranh của điểm đến du lịch Thừa Thiên Huế.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1 Đối tượng nghiên cứu
- Đối tượng nghiên cứu của luận án là những vấn đề lý luận, phương pháp luận và vận
dụng thực tiễn về nghiên cứu đánh giá năng lực cạnh tranh của điểm đến du lịch Huế.
- Để thực hiện các nội dung nghiên cứu thì đối tượng điều tra là các chủ thể liên quan
đến hoạt động kinh doanh, nghiên cứu, quản lý và phát triển du lịch được tiếp cận khảo sát
gồm các chuyên gia thuộc các cơ quan quản lý nhà nước các cấp về du lịch, các tổ chức, các
doanh nghiệp, các viện trường liên quan.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
Để giải quyết các vấn đặt ra và đạt được các mục tiêu của đề tài, phạm vi nghiên cứu
của luận án được xác định cụ thể như sau:
 Về nội dung nghiên cứu: Luận án lựa chọn cách tiếp cận nghiên cứu năng lực cạnh
tranh điểm đến du lịch địa phương – đó là một tỉnh/thành phố cụ thể, mà không nghiên cứu
đánh giá năng lực cạnh tranh điểm đến nói chung ở cấp vĩ mô (quốc gia, khu vực…) hay ở
cấp độ điểm đến vi mô (như một huyện, thị trấn, một khu du lịch…), và cũng không so sánh
đánh giá năng lực cạnh tranh cấp ngành, cấp quốc gia hay cấp doanh nghiệp. Do vậy, các nội
dung nghiên cứu chính gồm:
- Tập trung nghiên cứu làm rõ các khái niệm về điểm đến và các cấp độ điểm đến,
năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch, các vấn đề lý luận và phương pháp luận về đánh giá
năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch.
- Lựa chọn, thiết kế mô hình và vận hành hóa hệ thống các biến tổng hợp, các biến
chi tiết đánh giá năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch phù hợp với điều kiện và ngữ cảnh phát
triển điểm đến du lịch địa phương.

- Giới thiệu khái quát về thực trạng quản lý, phát triển điểm đến du lịch Thừa Thiên Huế
và xây dựng năng lực cạnh tranh của điểm đến du lịch Thừa Thiên Huế.
- Phân tích đánh giá các nhân tố cấu thành năng lực cạnh tranh của điểm đến du lịch
Thừa Thiên Huế.
- Nghiên cứu các định hướng, giải pháp và hàm ý chính sách nhằm nâng cao năng lực
cạnh tranh của điểm đến du lịch Thừa Thiên Huế.
 Về không gian: Với mục tiêu và phạm vi nêu trên, luận án tập trung nghiên cứu điểm
đến du lịch Thừa Thiên Huế (trong luận án này được gọi vắn tắt là Huế và cũng phù hợp
với tên gọi thông thường được sử dụng trong các chiến lược quảng bá hình ảnh điểm đến của
Thừa Thiên Huế). Việc lựa chọn điểm đến Huế là dựa vào một số tiêu chí sau:
4


- Vai trò, vị trí và giai đoạn phát triển của điểm đến du lịch Huế trong vùng du lịch
đồng vị Trung Trung Bộ
- Tầm quan trọng và tính phù hợp với chiến lược và quy hoạch phát triển du lịch của
khu vực nói riêng và của du lịch Thừa Thiên Huế nói chung
- Tính có thể kế thừa và so sánh với các nghiên cứu trước về đánh giá năng lực cạnh
tranh của điểm đến du lịch. Đây là yếu tố quan trọng trong nghiên cứu kiểm định khung lý
thuyết.
- Về mặt khái niệm thì năng lực cạnh tranh của một điểm đến được đánh giá qua các
thuộc tính/yếu tố cấu thành năng lực cạnh tranh của điểm đến đó. Do vậy, trong nghiên cứu
này việc lựa chọn thêm hai điểm đến phụ cận là Đà Nẵng và Quảng Nam (Hội An) – là các
điểm đến vừa có khả năng chia sẻ thị trường với điểm đến Huế, nhưng cũng vừa là các điểm
đến hợp tác trong nổ lực phát triển diểm đến khu vực - chỉ nhằm cung cấp thêm thông tin
tham khảo, có thể so sánh được và đề xuất các hàm ý quản lý điểm đến. Việc phân tích năng
lực cạnh tranh của hai điểm đến tham khảo này không thuộc mục tiêu và phạm vi của nghiên
cứu này.
 Về thời gian:
- Các số liệu thứ cấp về phát triển điểm đến du lịch được thu thập chủ yếu cho giai

đoạn 2012-2017
- Các nội dung định hướng và giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của điểm đến
du lịch Huế được luận giải và đề xuất cho giai đoạn đến năm 2020.
4. Những đóng góp mới của luận án
Trong gần hai thập niên qua, năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch là vấn đề thu hút sự
quan tâm của các nhà hoạch định chính sách quản lý và phát triển điểm đến du lịch, các doanh
nghiệp du lịch lữ hành, cũng như những nhà nghiên cứu liên quan. Đã có khá nhiều nghiên cứu
liên quan nhằm xây dựng khung lý thuyết cũng như vận dụng trong đánh giá năng lực cạnh
tranh điểm đến du lịch ở những cấp độ điểm đến khác nhau.. Tuy nhiên do tính chất đa chiều
và phức tạp của bản thân khái niệm năng lực cạnh tranh điểm đến, đa số các nghiên cứu chỉ
dừng lại ở một hoặc một số khía cạnh đánh giá năng lực canh tranh, ngoại trừ một số nghiên
cứu năng lực cạnh tranh điểm đến quốc gia. Điều này khẳng định ý nghĩa khoa học và thực tiễn
của các nghiên cứu về đánh giá năng lực cạnh tranh điểm đến địa phương. Do vậy, khi thực
hiện các mục tiêu đã được xác định, nghiên cứu này có những đóng góp mới sau:
 Về mặt lý luận:
Thứ nhất, luận án đề xuất mô hình lý thuyết đánh giá năng lực cạnh tranh điểm đến địa
phương cùng với hệ thống các biến số đo lường cụ thể phù hợp với điều kiện cụ thể tài nguyên,
đặc điểm phát triển và quản lý điểm đến của từng cấp độ điểm đến. Góp phần khẳng định sự
cần thiết và tính hợp lý của việc tiếp tục các nghiên cứu hoàn thiện khung lý thuyết đánh giá
năng lực điểm đến du lịch theo các cấp độ khác nhau.
Thứ hai, khác với hầu hết các nghiên cứu trước đây đều dựa vào việc phân tích và lựa
chọn chủ quan của nhà nghiên cứu để xác lập mô hình đánh giá năng lực cạnh tranh điểm đến
du lịch, thì có thể nói đây là một trong số ít các nghiên cứu đầu tiên vận dụng phương pháp
Delphi để tìm kiếm sự đồng thuận trong xây dựng mô hình cũng như cụ thể hóa các biến đo
lường năng lực cạnh tranh điểm đến. Do vậy, mô hình đề xuất trong nghiên cứu này đảm bảo
5


tính khách quan khoa học. Đây là đóng góp có ý nghĩa về mặt phương pháp luận và kết quả
mô hình đề xuất của luận án là tài liệu tham khảo hữu ích cho những nhà nghiên cứu liên

quan.
Thứ ba, thông thường các nghiên cứu trước chủ yếu chỉ sử dụng phương pháp phân tích
nhân tố khám phá (EFA) nên các kết quả chỉ dừng lại mức độ khám phá, chưa có nghiên cứu
khẳng định và kiểm định sự phù hợp của mô hình trong vận dụng thực tiễn. Đặc biệt, với số
lượng lớn các biến số và tính phức hợp đa diện của chúng thì càng cần có các nghiên cứu khẳng
định để kiểm định các nhân tố cấu thành năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch. Trong nghiên
cứu này, với qui mô mẫu số liệu đủ lớn, việc kết hợp triệt để phương pháp EFA, phân tích nhân
tố khẳng định (CFA) đã giúp giải quyết được hạn chế thường gặp đã nêu trên. Trên cơ sở đó,
việc đánh giá năng lực cạnh tranh không dừng lại ở phân tích từng nhân tố riêng biệt, mà còn
phân tích và chỉ ra tác động qua lại giữa các nhân tố và từ đó là giải pháp quản lý liên quan.
 Về phương diện thực tiễn:
Thứ nhất, về mặt thể chế và quản lý, cấp tỉnh là cấp địa phương cao nhất có quyền hạn
và trách nhiệm hoạch định và tổ chức triển khai thực hiện các chiến lược, quy hoạch và kế
hoạch phát triển du lịch ở địa phương. Do vậy, có thể nói nghiên cứu năng lực cạnh tranh của
điểm đến địa phương (cụ thể là cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) sẽ cung cấp cơ sở
dữ liệu khoa học, hợp lý và hữu ích nhất để xây dựng và hiện thực hóa các chiến lược và kế
hoạch phát triển điểm đến du lịch.
Thứ hai, đây là nghiên cứu đầu tiên chuyên sâu về đánh giá năng lực cạnh tranh điểm
đến Thừa Thiên Huế được tiếp cận từ phía cung (chuyên gia, nhà quản lý và các doanh
nghiệp), và với việc sử dụng mô hình đánh giá năng lực cạnh tranh điểm đến được xây dựng
trên cơ sở khoa học khách quan, nghiên cứu này đã cung cấp những thông tin cụ thể hữu ích
về các yếu tố cấu thành năng lực cạnh tranh của điểm đến Thừa Thiên Huế, những điểm mạnh,
điểm yếu so với các đối thủ cạnh tranh. Từ đó, giúp cho các nhà hoạch định chiến lược quản
lý và phát triển điểm đến du lịch Thừa Thiên Huế có được những chính sách phù hợp nhằm
nâng cao năng lực cạnh tranh của điểm đến Thừa Thiên Huế.
Thứ ba, các giải pháp và hàm ý quản lý dựa trên các kết quả nghiên cứu khách quan,
khoa học sẽ giúp cho các nhà quản lý cũng như các doanh nghiệp có được các định hướng và
giải pháp cụ thể trong phát triển sản phẩm cũng như quảng bá phù hợp với lợi thế cạnh tranh
và lợi thế so sánh của điểm đến Huế, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường, gia tăng sự hài
lòng của du khách, góp phần phát triển du lịch Thừa Thiên Huế theo hướng bền vững.


6


PHẦN II. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU
CHƯƠNG 1
TỔNG QUAN VỀ VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU
Năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch là vấn đề thu hút sự quan tâm đặc biệt trong một
vài thập niên gần đây khi mà ngành du lịch toàn cầu phát triển nhanh và cạnh tranh thị trường
du lịch ngày cảng gia tăng. Do vậy, các nghiên cứu về đánh giá năng lực cạnh tranh của điểm
đến du lịch đang là một trong những lĩnh vực nghiên cứu quan trọng nhằm góp phần hoàn
thiện khung lý thuyết, vận hành hóa các biến nghiên cứu, cũng như kiểm định thực nghiệm
các mô hình đề xuất.
Với mục đích đó, luận án tập trung làm rõ các khái niệm cơ bản liên quan trong nghiên
cứu, đánh giá năng lực cạnh tranh của điểm đến như khả năng thu hút của điểm đến, hình ảnh
điểm đến, lợi thế cạnh tranh và năng lực cạnh tranh cũng như mối liên hệ giữa chúng.
Năng lực cạnh tranh của một điểm đến du lịch là khái niệm phức tạp và đa chiều bởi
tính đa dạng của ngành du lịch. Một điểm đến du lịch cạnh tranh được định nghĩa là khả năng
tạo ra và cung cấp những sản phẩm, dịch vụ có chất lượng vượt trội hơn các điểm đến khác
cho du khách nhằm nâng cao thị phần du lịch đồng thời bảo tồn và duy trì tài nguyên du lịch.
Tổng hợp các nghiên cứu đánh giá năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch, kết hợp
nghiên cứu Báo cáo năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch của WEF cho thấy các yếu tố phổ
biến cấu thành năng lực cạnh tranh của điểm đến du lịch gồm:
 Các nguồn lực du lịch cốt lõi và các điểm hấp dẫn du lịch
 Các nguồn lực hỗ trợ
 Các chính sách và kế hoạch quản lý, phát triển điểm
 Các yếu tố chất lượng và khuếch đại
Bên cạnh đó khả năng thu hút của điểm đến du lịch và hình ảnh điểm đến là những
khái niệm có liên quan đến đánh giá năng lực cạnh tranh của điểm đến du lịch. Một trong
những yếu tố quan trọng tạo nên năng lực cạnh tranh của điểm đến đó là khả năng thu hút của

điểm điểm đến. Tuy nhiên, trên thực tế không ít người nhầm lẫn giữa khả năng thu hút và
năng lực cạnh tranh của điểm đến.
Khả năng thu hút của điểm đến du lịch là “phản ánh cảm nhận, niềm tin, và ý kiến mà
mỗi cá nhân có được về khả năng làm hài lòng khách hàng của điểm đến trong mối liên hệ
với nhu cầu chuyến đi cụ thể của họ”, và khả năng thu hút được đánh giá từ phía cầu còn
năng lực cạnh tranh được đánh giá từ phía cung.
Về hình ảnh điểm đến, đó là yếu tố đóng vai trò quan trọng trong nâng cao khả năng
thu hút và năng lực cạnh tranh của điểm đến. Và hình ảnh điểm đến được hiểu là sự kết hợp
các ý niệm, niềm tin, ấn tượng và nhận thức của mỗi người về điểm du lịch và là một trong
những yếu tố cơ bản tác động đến quyết định lựa chọn điểm đến của du khách.
Trên cơ sở thống nhất khái niệm năng lực cạnh tranh của điểm đến, chương này cũng
đã tổng lược một cách có hệ thống các mô hình đánh giá năng lực cạnh tranh điểm đến cấp
quốc gia và đề xuất cho điểm đến địa phương, cùng các cách tiếp cận và đánh giá năng lực
cạnh tranh điểm đến du lịch.
Tổng lược các kết quả nghiên cứu nổi bật trên thế giới về năng lực cạnh tranh
điểm đến du lịch cho thấy:
7


Về mặt khái niệm, các nghiên cứu thảo luận các vấn đề có tính khái niệm về năng lực
cạnh tranh du lịch và năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch
Về khung nghiên cứu, có sự khá đồng nhất trong hệ thống hóa, lựa chọn các biến tổng
hợp phản ánh năng lực cạnh tranh (1- tài nguyên; 2 - nguồn lực hỗ trợ; 3- Quản lý điểm đến;
4- Môi trường vi mô; 5- Môi trường vĩ mô; và 6 - các yếu tố mở rộng khác)
Về cách tiếp cận, các nghiên cứu có sự khác biệt trong cách tiếp cận như
- Cách tiếp cận dựa trên lợi thế so sánh, cấu trúc ngành, cam kết môi trường như Hassan
2000
- Tiếp cận dựa trên thành công của điểm đến: tác động của du lịch đối với điểm đến,
cam kết môi trường... như Yoon, 2000; Poon, 1993
- Cạnh tranh về giá như Dwyer và các cộng sự, 2000, 2002

Về phương pháp đánh giá và phân tích, đối tượng khảo sát trong các nghiên cứu đa số
là thực hiện khảo sát từ phía cung; sử dụng thang đo Likert’s; phương pháp phân tích EFA;
phương pháp phân tích thống kê mô tả; phương pháp nghiên cứu so sánh.
Đối với các nghiên cứu liên quan ở trong nước, tổng lược các nghiên cứu liên quan
cho thấy, các nghiên cứu sử dụng một số chỉ tiêu trong hệ thống các chỉ tiêu đánh giá năng
lực cạnh tranh của WEF để phân tích đánh giá năng lực cạnh tranh của điểm đến du lịch hay
sử dụng tiêu chí đánh giá năng lực cạnh tranh cấp quốc gia và năng lực cạnh tranh cấp tỉnh,
kết hợp tham khảo hệ thống chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh du lịch và lữ hành của WEF
hoặc vận dụng mô hình của Crouch và Richie để đánh giá về năng lực cạnh điểm đến. Cách
tiếp cận từ phía cầu như một số nghiên cứu điều tra du khách của Thái Thanh Hà, 2010;
Nguyễn Thị Lệ Hương, 2014. Về phương pháp đánh giá và phân tích: sử dụng thang đo
Likert’s; phương pháp phân tích: phân tích thống kê mô tả (Nguyễn Anh Tuấn, 2010); phân
tích EFA.
Các nghiên cứu trong và ngoài nước tuy khác nhau về cách tiếp cận nhưng các nghiên
cứu đều nhấn mạnh vào hai nhân tố: Nguồn lực và quản lý nguồn lực và khá đồng nhất trong
hệ thống hóa, lựa chọn các biến tổng hợp phản ánh năng lực cạnh tranh (1- tài nguyên; 2 nguồn lực hỗ trợ; 3- Quản lý điểm đến; 4- Môi trường vi mô; 5- Môi trường vĩ mô; và 6- các
yếu tố mở rộng khác)
Về nghiên cứu thực nghiệm, chia làm 3 nhóm
Nhóm thứ nhất: những nghiên cứu trường hợp phân tích những điểm mạnh và điểm
yếu của các điểm đến dựa trên mô hình của Porter
Nhóm thứ hai: gồm các nghiên cứu sử dụng một công cụ khảo sát để đo lường năng
lực cạnh tranh điểm đến và chủ yếu vận dụng ở phạm vi điểm đến quốc gia, vùng lãnh thổ,
trong khi có rất ít các nghiên cứu đánh giá ở phạm vi điểm đến địa phương/vùng
Nhóm thứ ba: các nghiên cứu tập trung vào các khía cạnh cụ thể của năng lực cạnh
tranh của điểm đến du lịch như cạnh tranh về giá
Về các mô hình lý thuyết về năng lực cạnh tranh điểm đến quốc gia và điểm đến
địa phương
Mặc dù có nhiều cách tiếp cận nhưng có ít nghiên cứu đề xuất khung lý thuyết để đo
lường năng lực cạnh tranh của một điểm đến. Sau đây là 3 mô hình đo lường năng lực cạnh
tranh điểm đến du lịch nổi bật.

Thứ nhất là mô hình của Crouch và Richie (1993, 1999, 2003), đây được xem là mô
hình toàn diện về đánh giá năng lực cạnh tranh điểm đến và được tham chiếu nhiều nhất vì
8


thể hiện các yếu tố cốt lõi của du lịch. Mô hình của Ritchie và Crouch khác biệt và tiến bộ
hơn các mô hình khác ở chỗ trong khi các mô hình khác chỉ tập trung chủ yếu vào sản phẩm
cụ thể hay hình ảnh điểm đến du lịch (Schroeder, 1996; Formica, 2001) thì mô hình của
Ritchie và Crouch mặc dù được phát triển dựa trên khung lý thuyết cạnh tranh của Porter
nhưng xem xét cả các yếu tố du lịch cụ thể và các yếu tố liên quan. Theo hai ông, tính cạnh
tranh của điểm đến được quyết định bởi năm nhân tố chính: (i) các nguồn lực cốt lõi và yếu
tố thu hút; (ii) các yếu tố và nguồn lực hỗ trợ; (iii) quản lý điểm đến; (iv) chính sách, quy
hoạch và phát triển điểm đến; (v) các yếu tố mở rộng.
Thứ hai là mô hình của Dwyer và Kim (2003), cơ bản thể hiện các yếu tố cốt lõi như
mô hình của Crouch và Richie nhưng các yếu tố được mô hình hoá gọn gàng hơn. Yếu tố
quyết định chính của năng lực cạnh tranh bao gồm tài nguyên thừa kế, tài nguyên tái tạo, yếu
tố hỗ trợ, quản lý điểm đến, điều kiện thực tế và nhu cầu. Theo các tác giả, sự thịnh vượng
kinh tế xã hội như là một kết quả cuối cùng của khả năng cạnh tranh du lịch.
Thứ ba là mô hình của Vengesayi (2003) các yếu tố cốt lõi của mô hình tương tự như
mô hình của Crouch và Richie nhưng được mô hình hoá đơn giản hơn. Mô hình nghiên cứu
năng lực cạnh tranh và thu hút của một điểm đến (TDCA - Tourist Destination
Competitiveness and Attractiveness) trong đó, năng lực cạnh tranh được đánh giá dựa vào
bốn yếu tố chính là: (i) tài nguyên và các hoạt động, (ii) môi trường trải nghiệm, (iii) các dịch
vụ hỗ trợ, và (iv) truyền thông/ quảng bá.
Đây chính là các mô hình nghiên cứu làm cơ sở cho việc đề xuất mô hình đánh giá
năng lực cạnh tranh của điểm đến Huế.

9



CHƯƠNG 2
ĐẶC ĐIỂM ĐỊA BÀN NGHIÊN CỨU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1 Đặc điểm địa bàn nghiên cứu
Huế được biết đến là một trong những địa phương có nguồn tài nguyên du lịch đa dạng
và nổi trội với 5 di sản văn hóa thế giới. Trong hơn hai thập kỷ qua, du lịch Huế luôn giữ
được bước tăng trưởng ổn định cả về tổng lượt khách và doanh thu, và đang được biết đến
như là một trong những điểm đến khó bỏ qua đối với du khách trong nước và quốc tế. Tuy
nhiên, so với các địa phương lân cận trong khu vực như Đà Nẵng và Hội An thì du lịch Huế
vẫn có tốc độ tăng trưởng chậm hơn và đặc biệt số ngày lưu trú bình quân thấp hơn nhiều và
chưa được cải thiện.
2.2 Phương pháp nghiên cứu
Phần này trình bày qui trình nghiên cứu và các phương pháp nghiên cứu được sử dụng
trong nghiên cứu này, bao gồm phương pháp nghiên cứu định tính và nghiên cứu định lượng.
Kết quả nghiên cứu định tính đã cho phép nghiên cứu thừa kế và đề xuất sơ bộ mô hình đánh
giá năng lực cạnh tranh của điểm đến Huế gồm 3 nhóm nhân tố cơ bản với 15 tiêu chí đánh
giá cùng các chỉ tiêu đánh giá cụ thể của từng tiêu chí. Ba nhóm đó gồm: Tài nguyên và nguồn
lực cốt lõi; Hoạt động quản lý điểm đến; Dịch vụ du lịch cơ bản. Kết quả này được dùng để
thực hiện phương pháp Delphi nhằm đảm bảo tính khách quan khoa học trong việc xây dựng
mô hình đánh giá năng lực cạnh tranh của điểm đến Huế. Các phương pháp thu thập và phân
tích số liệu được sử dụng trong nghiên cứu năng lực cạnh tranh của điểm đến Huế cũng được
làm rõ.
2.2.1 Thiết kế qui trình nghiên cứu
Năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch là một khái niệm phức tạp nhất là khi xem xét
vận dụng trong từng điều kiện quản lý và phát triển của từng địa phương, quốc gia. Việc thiết
kế qui trình nghiên cứu khoa học là một trong những điều kiện đầu tiên đảm bảo tính khoa
học, khách quan và hiệu quả của hoạt động nghiên cứu. Về bản chất, vấn đề đánh giá năng
lực cạnh tranh điểm đến du lịch đòi hỏi cách tiếp cận đa ngành và trên quan điểm hệ thống,
do vậy việc vận dụng kết hợp các phương pháp nghiên cứu cũng là một yếu tố quan trọng để
đảm bảo thực hiện được các nội dung nghiên cứu đặt ra.
2.2.2 Phương pháp thu thập và phân tích số liệu

2.2.2.1 Nguồn số liệu
Để giải quyết được các mục tiêu đặt ra, số liệu thứ cấp và sơ cấp được thu thập bằng các
việc sử dụng kết hợp phương pháp nghiên cứu định tính và định lượng.
2.2.2.2 Phương pháp nghiên cứu định tính
Để thu thập các thông tin và ý kiến đánh giá của các chuyên gia về các biến tổng hợp
(constructs) và cách vận hành hóa chúng thành các biến cụ thể (variables), cũng như mối liên
hệ giữa chúng, một số phương pháp nghiên cứu định tính được kết hợp vận dụng trong nghiên
cứu này, gồm: phỏng vấn chuyên gia, phương pháp thảo luận nhóm tập trung (focus group)
và phương pháp Delphi. Đây là bước quan trọng

10


Nghiên cứu định tính

Tổng
lược tài
liệu

Liệt kê các biến tổng hợp và
cụ thể đánh giá năng lực
cạnh tranh điểm đến

Hội thảo
học thuật

Thang đo phác thảo với các biến
tổng hợp và cụ thể

Nghiên cứu định lượng lựa

chọn thang đo (phương
pháp Delphi)

-Các yếu tố cấu thành năng lực
cạnh tranh của điểm đến Huế
- Tác động giữa các nhân tố
- So sánh với một số đối thủ
cạnh tranh khu vực
- Đề xuất giải pháp nâng cao
NLCT

Tần suất, trị trung
bình, CVs, ANOVA

Thang đo được lựa
chọn
Nghiên cứu định lượng
thanh lọc thang đo
(dữ liệu lần 1)

Nghiên cứu định lượng đánh
giá thang đo (dữ liệu lần 2)

Tần suất, trị trung
bình, ANOVA

Alpha
EFA

- Phân tích, đánh giá năng

lực cạnh tranh của điểm đến
Huế
- So sánh với một số điểm
đến khác

Thang đo đã được
thanh lọc
Thang đo năng lực
cạnh tranh điểm đến
được khẳng định

Alpha
CFA

Ghi chú:
Công việc thực hiện
Kết quả đạt được
Phương pháp sử dụng

Sơ đồ 2.1 Các bước chính của quá trình nghiên cứu
Bước 1. Thảo luận về việc xác định đối tượng, nội dung, phạm vi nghiên cứu để có
được xây dựng và hoàn thiện khung nghiên cứu đảm bảo tính khoa học và khả thi.
 Bước 2. Thảo luận nhóm tập trung và phương pháp Delphi: Trong nghiên cứu này,
phương pháp thảo luận nhóm tập trung được sử dụng như là nhóm giám sát quá trình thực
hiện Delphi. Thông qua các cuộc thảo luận nhóm tập trung gồm 6-8 người là các thành viên
nghiên cứu của HAT Marketing Group – Khoa Du lịch, Đại học Huế, và một số chuyên gia.
Đồng thời, kết hợp với thảo luận riêng biệt một số chuyên gia du lịch để hình thành một khung
nghiên cứu đề xuất với các chỉ tiêu đánh giá năng lực cạnh tranh điểm đến địa phương. Trên
cơ sở kết quả thảo luận nhóm tập trung, tác giả đã tổng hợp và đề xuất sơ bộ mô hình gồm 3
nhóm nhân tố với 15 yếu tố cấu thành năng lực cạnh tranh của điểm đến để lấy ý kiến chuyên

gia.
 Bước 3. Thiết kế bảng hỏi, điều tra thử và hoàn thiện bảng hỏi
2.2.2.3 Phương pháp nghiên cứu định lượng
 Đối tượng điều tra
Trong nghiên cứu này tổng thể là những đối tượng hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh
du lịch, các nhà quản lý các chuyên gia liên quan đến lĩnh vực du lịch có ít nhất 3-5 năm kinh
nghiệm trong ngành du lịch và liên quan, và được nhóm thành 4 nhóm:
1. Những nhà quản trị trong các doanh nghiệp du lịch – khách sạn – nhà hàng – lữ
hành
2. Những chuyên gia quản lý trong các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch

11


3. Các giảng viên ngành du lịch của các trường đại học, cao đẳng trên địa
bàn 3 tỉnh/thành
4. Các chuyên gia tư vấn phát triển về du lịch
 Qui mô mẫu và phương pháp chọn mẫu
Trong nghiên cứu này, việc phỏng vấn trực tiếp bằng bảng hỏi cấu trúc được
thực hiện với 720 đối tượng liên quan đến hoạt động kinh doanh du lịch, quản lý và
phát triển điểm đến, các giáo viên thuộc các cơ sở đào tạo liên quan đến lĩnh vực này
ở 3 địa phương: Thừa Thiên Huế (Huế), Đà Nẵng và Quảng Nam (Hội An). Phân bố
mẫu điều tra được thực hiện theo định hướng ít nhất có ½ mẫu điều tra phải được
thực hiện ở Huế bởi địa bàn nghiên cứu của đề tài luận án là Huế. Phần mẫu còn lại
phân bố cho hai địa phương so sánh là Đà Nẵng và Hội An dựa theo mức độ và qui
mô phát triển của hai địa phương này.
Việc chọn các phần tử của mẫu tại từng địa phương được thực hiện theo phương
pháp chọn mẫu ngẫu nhiên phân tầng. Trong đó các tầng được phân lập theo 4 nhóm nêu
trên và các phần tử trong mỗi nhóm được chọn theo phương pháp ngẫu nhiên thuận tiện.
Cụ thể, với 720 bảng hỏi được phát ra ở các địa phương từ tháng 4/2016 đến tháng 4/2017

gồm: 450 ở Huế; 150 mẫu ở Đà Nẵng và 120 mẫu ở Hội An. Theo đó số phiếu thu về và
sử dụng được là: 444 mẫu ở Huế (chiếm 63,79% tổng số phiếu thu về), 139 mẫu ở Đà
Nẵng (chiếm 19,97%) và113 mẫu ở Hội An (chiếm 16,24%). Đặc điểm của mẫu điều
tra được tổng hợp ở Bảng 2.3.
 Các phương pháp phân tích số liệu
Do tính chất phức hợp và đa diện của vấn đề nghiên cứu, việc sử dụng kết
hợp các phương pháp phân tích là cần thiết để giải quyết được các mục tiêu đề tài đặt
ra. Cụ thể:
o Phương pháp phân tích dữ liệu chuỗi thời gian: được sử dụng để phân tích
xu hướng biến động của các chỉ tiêu qua thời gian.
o Phân tích nhân tố khám phá (EFA): Phần 1 của mẫu (gồm 348 mẫu) được sử
dụng để phân tích nhân tố khám phá nhằm xác định các nhân tố cấu thành
năng lực cạnh tranh của điểm đến Huế.
o Phân tích nhân tố khẳng định (CFA): trên cơ sở các nhân tố được xác lập ở
bước phân tích EFA, phần 2 của mẫu (348 mẫu còn lại) được sử dụng để tiến
hành phân tích CFA nhằm kiểm định mô hình đo lường năng lực cạnh tranh
của điểm đến Huế.

12


Bảng 2.3. Thông tin mẫu điều tra
Tiêu chí

Số lượng

%

1, Thâm niên công tác


Tiêu chí

Số lượng

%

2,Thâm niên công tác về du lịch

Dưới 5 năm

272

39.1

Dưới 5 năm

322

46.3

5 - 9 năm

199

28.6

5 - 9 năm

187


26.9

10 - 15 năm

150

21.6

10 - 15 năm

130

18.7

16 - 20 năm

43

6.2

16 - 20 năm

39

5.6

Trên 20 năm

32


4.6

Trên 20 năm

18

2.6

Tổng

696

100

Tổng

696

100

3, Lĩnh vực công tác

4, Độ tuổi

Cơ quan ban ngành

52

7.5


Dưới 31 tuổi

316

45.4

Giảng viên Đại học,
cao đẳng du lịch

69

9.9

31 - 40 tuổi

261

37.5

Doanh nghiệp khách
sạn và lữ hành

567

81.5

8

1.1


41 - 50 tuổi
51 - 60 tuổi
Trên 60 tuổi

85
32
2

12.2
4.6
0.3

696

100

Tổng

696

100

Chuyên gia tư vấn phát
triển
Tổng

Nguồn: Xử lý số liệu điều tra của tác giả 4/2016- 4/2017
CHƯƠNG 3
PHÂN TÍCH CÁC NHÂN TỐ CẤU THÀNH NĂNG LỰC CẠNH TRANH CỦA
ĐIỂM ĐẾN HUẾ

3.1 Đề xuất mô hình lý thuyết đánh giá năng lực cạnh tranh của điểm đến Huế
Trong nghiên cứu này, trên cơ sở kết quả thảo luận nhóm tập trung, bàng bỏi cấu trúc
được thiết kế để tiến hành phương pháp Delphi. Việc thu thập ý kiến của chuyên gia được
thực hiện thông qua hai phương thức là gửi bảng hỏi trực tiếp cho chuyên gia và thu thập
thông tin trực tuyến (Google Docs). Số lượng phiếu khảo sát thu về được 105 phiếu (tỷ lệ
phản hồi là 91.4%) và sau quá trình sàng lọc thì có 85 phiếu khảo sát sử dụng được, bao gồm
18 chuyên gia từ Tổng cục du lịch và các Sở Du lịch; 31 chuyên gia từ các doanh nghiệp; 33
chuyên gia giảng dạy, nghiên cứu trong lĩnh vực du lịch từ các trường đại học, viên nghiên
cứu du lịch; và 3 chuyên gia tư vấn phát triển (Phụ lục 3).
Kết quả nghiên cứu cho thấy các chuyên gia đánh giá cao đối với tất cả 3 nhóm nhân
tố thuộc tính với 15 biến tổng hợp, và hầu hết biến đo lường cụ thể để đánh giá năng lực cạnh
tranh điểm đến mà nhóm giám sát đề xuất, mà theo đó khung nghiên cứu đánh giá năng lực
cạnh tranh được xác lập (Sơ đồ 3.1).
13


3.2 Phân tích nhân tố khám phá các yếu tố cấu thành năng lực cạnh tranh của điểm đến
Huế
Với tổng số mẫu điều tra từ 696 chuyên gia gồm các cán bộ quản lý doanh nghiệp du
lịch lữ hành, các nhà quản lý, các cán bộ giảng dạy, nghiên cứu và tư vấn phát triển về du lịch
ở Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam, luận án thực hiện các bước phân tích nhân tố
khám phá, phân tích nhân tố khẳng định và các kiểm định cần thiết để xác định các nhân tố
cấu thành năng lực cạnh tranh của điểm đến Huế. Kết quả phân tích nhân tố khẳng định đã
xác lập được 7 nhân tố, theo đó mô hình đánh giá năng lực cạnh tranh điểm đến Huế được
hiệu chỉnh gồm 7 nhân tố: 1) Hoạt động quản lý điểm đến; 2) Tài nguyên du lịch nhân văn;
3) Tài nguyên du lịch tự nhiên; 4) Các dịch vụ du lịch cơ bản; 5) Dịch vụ mua sắm; 6) An
ninh an toàn điểm đến; 7) Giá cả các dịch vụ du lịch (Sơ đồ 3.2)
Về mặt phương pháp luận, các kiểm định cho thấy mô hình đề xuất các nhân tố đánh
giá năng lực cạnh tranh của điểm đến Huế là phù hợp với dữ liệu thực tế. Mô hình có độ phù
hợp tổng thể và giá trị cấu trúc tốt với các thang đo có độ tin cậy cao và có tính dị biệt. Những

điểm thống nhất và điểm khác biệt so với các mô hình trước đây cũng được thảo luận và đánh
giá chi tiết (Sơ đồ 3.3).
Kết quả nghiên cứu trên cung cấp thêm trường hợp nghiên cứu điển hình khẳng định sự phù
hợp, giá trị hội tụ và giá trị dị biệt của mô hình đánh giá năng lực cạnh tranh điểm địa du lịch
địa phương. Hay nói cách khác, với các mô hình đánh giá năng lực cạnh tranh của mỗi địa
phương điểm đến thì ngoài những nhân tố mang tính phổ biến (universal attributes), cần có
các thuộc tính được nghiên cứu và kiểm định phù hợp với điều kiện và thực tiễn phát triển
của từng địa phương điểm đến.

14


Tài nguyên du lịch tự nhiên
Tài nguyên du lịch văn hoá
TÀI NGUYÊN VÀ CÁC
NGUỒN LỰC CỐT LÕI

Các sự kiện/lễ hội
Hoạt động giải trí
Mua sắm

Cơ sở hạ tầng
Phát triển nguồn nhân lực
An toàn và vệ sinh môi trường

HOẠT ĐỘNG QUẢN LÝ
ĐIỂM ĐẾN

Truyền thông marketing
Liên kết và cạnh tranh trong ngành

Chính sách quản lý và phát triển

Dịch vụ lưu trú
Dịch vụ ăn uống

DỊCH VỤ

Dịch vụ lữ hành

DU LỊCH CƠ BẢN

Dịch vụ vận tải

Sơ đồ 3.1 Mô hình đề xuất nghiên cứu năng lực cạnh tranh điểm đến
15

NĂNG LỰC CẠNH
TRANH ĐIỂM ĐẾN


Sơ đồ 3.2 Mô hình hiệu chỉnh đánh giá năng lực cạnh tranh của điểm đến du lịch Huế

Sơ đồ 3.3 Kết quả phân tích CFA mô hình đo lường năng lực cạnh tranh điểm đến du
lịch Thừa Thiên Huế
Với việc sử dụng mô hình đã cho phép phân tích chỉ rõ các nhân tố cấu thành năng lực
cạnh tranh của điểm đến Huế, cũng như chỉ ra những điểm mạnh điểm yếu so với hai điểm
16


đến lân cận là Đà Nẵng và Hội An được thể hiện cụ thể trong bảng 3.1 và bảng 3.2. Đây là

những căn cứ khoa học để đề xuất các giải pháp và hàm ý chính sách nhằm tăng cường năng
lực cạnh tranh của điểm đến Huế trong thời gian tới.
Bảng 3.1 So sánh đánh giá của các nhóm chuyên gia về các nhân tố cấu thành năng lực
cạnh tranh của điểm đến Huế

Các nhân tố
1. Quản lý điểm đến
2. Các dịch vụ du lịch chủ yếu
3. Tài nguyên du lịch văn hóa
4. Tài nguyên du lịch tự nhiên
5. Dịch vụ mua sắm
6. An ninh an toàn điểm đến
7. Giá cả dịch vụ du lịch
8. Đánh giá chung năng lực
cạnh tranh của điểm đến

Bình
quân
chung1

Các biến độc lập (Giá trị P)2
Độ tuổi

Nghề
nghiệp

3.54
3.67
4.22
3.94

3.53
3.86
3.83

0.543
0.307
0.445
0.207
0.508
0.147
0.525

0.071
0.115
0.493
0.145
0.462
0.863
0.060

3.45

0.231

0.413

Thâm
Thâm
niên
niên ngành

công tác
du lịch
0.011
0.038
0.081
0.580
0.006
0.155
0.002
0.044
0.065
0.003
0.952
0.985
0.267
0.679
0.184

0.115

Nguồn: Số liệu điều tra của tác giả, 4/2016-4/2017
Ghi chú: Giá trị trung bình bình quân theo thang đo Likert: 1-Rất thấp; 2-Thấp; 3-Trung
bình; 4-Cao; 5-Rất cao
2
Mức ý nghĩa thống kê P: P ≤ 0.1: có ý nghĩa ở mức thấp; P ≤ 0.05: có ý nghĩa thống kê; P
≤0.01 có ý nghĩa thống kê cao; P>0.1 không có ý nghĩa thống kê
1

Số liệu ở Bảng 3.1 cho thấy Huế được đánh giá khá cao với hầu hết các thuộc tính
năng lực cạnh tranh, trong đó các nhân tố được đánh giá cao nhất gồm tài nguyên du lịch tự

nhiên và văn hóa, an ninh an toàn điểm đến và giá cả dịch vụ du lịch.
Kết quả ở Bảng 3.2 cho thấy, so với hai điểm đến phụ cận thì Huế vượt trội về các
nhân tố tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa, tương đồng về an ninh an toàn tại điểm đến
và giá cả dịch vụ du lịch so với hai điểm đến còn lại, nhưng lại yếu hơn về nhân tố quản lý
điểm đến, dịch vụ mua sắm và kể cả dịch vụ du lịch chủ yếu.
Do vậy, đánh giá năng lực cạnh tranh chung của điểm đến du lịch Huế thấp hơn Hội
An và thấp hơn nhiều so với Đà Nẵng. Điều này cũng thống nhất với kết quả nghiên cứu về
khả năng thu hút của ba điểm đến này được thực hiện bởi Bùi Thị Tám và Mai Lệ Quyên
(2012) [1]. Với việc điều tra ý kiến đánh giá của 3 đối tượng (doanh nghiệp, chuyên gia và
du khách) về 17 thuộc tính của điểm đến, các tác giả này cũng đã chỉ rõ Huế vượt trội hơn
hẳn so với điểm đến Đà Nẵng về các thuộc tính tài nguyên, nhưng lại có nhiều hạn chế về hạ
tầng du lịch và hạ tầng hỗ trợ, sản phẩm và các dịch vụ bổ sung. Do vậy, tổng đánh giá về
khả năng thu hút của điểm đến Huế thấp hơn nhiều so với điểm đến Đà Nẵng. Thực tế hiện
nay cũng cho thấy, Đà Nẵng và Hội An vẫn đang có những bước tăng trưởng cao hơn nhiều
so với Huế cả về tổng lượt khách, doanh thu và số ngày lưu trú bình quân.
17


Bảng 3.2 So sánh các nhân tố năng lực cạnh tranh của các điểm đến
Huế, Đà Nẵng và Hội An
Giá trị trung bình

Các nhân tố
1. Quản lý điểm đến
2. Các dịch vụ du lịch chủ yếu
3. Tài nguyên du lịch văn hóa
4. Tài nguyên du lịch tự nhiên
5. Dịch vụ mua sắm
6. An ninh an toàn điểm đến
7. Giá cả dịch vụ du lịch

8. Đánh giá chung năng lực cạnh tranh
của điểm đến

Giá trị
P

Huế
3.54
3.67
4.22
3.94
3.53
3.86
3.83

Đà nẵng
4.02
4.12
3.53
3.43
3.76
4.25
3.91

Hội An
3.72
3.75
3.83
3.26
3.61

4.04
3.66

.000
.000
.000
.000
.000
.000
.000

3.45

4.14

3.53

.000

Nguồn: Số liệu điều tra của tác giả, 4/2016-4/2017
Ghi chú: * Giá trị trung bình bình quân theo thang đo Likert: 1-Rất thấp; 2-Thấp; 3-Trung
bình; 4-Cao; 5-Rất cao
Về thực tiễn, kết quả nghiên cứu cụ thể củng cố cho những nhận định chuyên môn của
các chuyên gia, các nhà quản lý rằng mặc dù Huế có lợi thế vượt trội về tài nguyên du lịch,
tuy nhiên những hạn chế về quản lý điểm đến, về phát triển sản phẩm và đặc biệt là các dịch
vụ bổ sung đã hạn chế không nhỏ tới năng lực cạnh tranh của điểm đến du lịch Huế.

18



CHƯƠNG 4
MỘT SỐ GIẢI PHÁP VÀ HÀM Ý CHÍNH SÁCH NHẰM NÂNG CAO NĂNG LỰC
CẠNH TRANH CỦA ĐIỂM ĐẾN DU LỊCH THỪA THIÊN HUẾ
4.1. Các giải pháp chiến lược nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của điểm đến Huế
Một là, hoàn thiện và triển khai thực hiện quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Thừa Thiên
Huế
Hai là, tăng cường thu hút các nguồn vốn đầu tư phát triển du lịch theo hướng xã hội
hóa
Ba là, đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng điện- đường- giao thông- thông tin liên
lạc nhằm tạo tính thuận lợi, xuyên suốt cho hoạt động du lịch
Bốn là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch
Năm là, củng cố và phát triển các quan hệ hợp tác khu vực, quốc gia và quốc tế
4.2 Các giải pháp cụ thể nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của điểm đến Huế
Nhóm giải pháp về tăng cường hoạt động quản lý điểm đến
- Tạo lập cơ chế phối hợp giữa các bên liên quan
- Thiết lập tổ chức quản lý điểm đến (DMO) nhằm tạo tính đồng bộ, đột phá trong
việc tập trung quản lý điểm đến du lịch
- Chú trọng đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm điểm đến
- Hoàn thiện các công cụ quản trị điểm đến một cách chuyên nghiệp theo tiêu chuẩn
khu vực và quốc tế
- Tăng cường vai trò của các hiệp hội, đặc biệt là Hiệp hội du lịch Huế trong công tác
quản lý với các doanh nghiệp kinh doanh trong ngành du lịch ở Huế sạn và doanh nghiệp dịch
vụ du lịch với nhau.
- Về công tác xây dựng và định vị cho thương hiệu điểm đến du lịch Huế, với slogan
đã được xác định - ‘Huế, một quê hương của hạnh phúc’,
- Tăng cường công tác quản lý nhà nước, thanh, kiểm tra về du lịch
Nhóm giải pháp về phát triển và hoàn thiện các dịch vụ du lịch chủ yếu
- Về dịch vụ lưu trú: Có cơ chế kiểm tra, đánh giá để thúc đẩy và hỗ trợ doanh
nghiệp đổi mới cơ sở vật chất kỹ thuật, nâng cao năng lực phục vụ. Có chính sách ưu đãi để
khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng các sản phẩm lưu trú đặc trưng của du lịch Huế

ở các vùng lân cận (như Làng Sinh thái Lập An, Khách sạn nổi Vinh Thanh…), nhằm đa dạng
hóa sản phẩm và loại hình lưu trú, nâng cao năng lực cạnh tranh của điểm đến Huế.
- Về dịch vụ ăn uống: có cơ chế rõ ràng để hỗ trợ hình thành một số trung tâm ẩm
thực có đặc trưng, có chất lượng, cũng như phối hợp trong xây dựng, phát triển một số thương
hiệu mạnh và quảng bá rộng rãi đến các thị trường, ví dụ như bún bò Huế, cơm chay Huế,
bánh Huế…..
- Về các chương trình du lịch và trải nghiệm du lịch: cần xác định cạnh tranh thông
qua giá và sản phẩm không còn là lợi thế nữa mà trực tiếp hơn đó là trải nghiệm du lịch mà
doanh nghiệp mang lại cho du khách. Việc thiết kế và cung cấp các tour du lịch phải được
thực hiện theo một lịch trình chứ không chỉ tại các điểm tham quan và theo các yếu tố dịch
vụ rời rạc. Chú trọng yếu tố chất lượng trải nghiệm, cung cấp trải nghiệm (selling experiences)
chứ không phải dừng lại cung cấp dịch vụ, sẩn phẩm đơn thuần như hiện nay (selling
products). Tăng cường liên kết và hợp tác giữa các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng để đa
dạng hóa sản phẩm, dịch vụ, tạo chuỗi giá trị cung cấp các lựa chọn trải nghiệm cho du khách,


giảm bớt phiền toái, chi phí và loại bỏ các trải nghiệm tiêu cực của chuyến đi.
- Về hoạt động vui chơi giải trí về đêm: địa phương có thể nghiên cứu học tập mô hình
chợ Đêm ở SiemReap nhằm tận dụng 88 làng nghề truyền thống trên địa bàn. Địa điểm tổ chức
chợ Đêm nên tận dụng ngay tại phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, kết hợp với dự án quy hoạch
chi tiết hai bên bờ sông Hương do KOICA tài trợ. Khuyến khích các doanh nghiệp tham gia
xây dựng các tuyến, tour du lịch đường thủy dọc sông Hương (thưởng thức ẩm thực, nhã nhạc
cung đình Huế trên thuyền rồng, hoặc học tập mô hình tour du lịch vớt rác làm đẹp cảnh quan
như Hội An).
- Về dịch vụ vận chuyển: Hệ thống mạng lưới đường bộ đảm bảo được sự liên kết
giữa thành phố Huế với các huyện, thị xã trong tỉnh và các tỉnh lân cận.
Nhóm các giải pháp về cải thiện các dịch vụ mua sắm
- Tạo ra các sản phẩm đặc trưng của địa phương và tổ chức các điểm trưng bày, bán
sản phẩm đặc thù này
- Tăng cường công tác quản lý, đảm bảo chất lượng của các loại sản phẩm, hàng hoá

- Đa dạng hóa các loại sản phẩm, hàng hóa mang tính đặc trưng của địa phương và
phù hợp với các nhu cầu khác nhau của thị trường:
Nhóm giải pháp về quản lý và phát huy các giá trị tài nguyên du lịch
Quản lý, khai thác tài nguyên theo hướng bền vững
- Thực hiện số hóa bao gồm cả bản đồ định vị toàn cầu và hệ thống thông tin viễn thám
(GPS và GIS) để làm cơ sở cho việc quản lý và khai thác hợp lý tài nguyên du lịch theo hướng
hình thành ‘điểm đến du lịch thông minh’.
- Địa phương cần có kế hoạch khai thác hiệu quả và hợp lý các tài nguyên du lịch tự
nhiên và tài nguyên văn hoá
- Tăng cường các hoạt động hợp tác phát triển về văn hóa, giáo dục, đào tạo, tăng
cường hoạt động ngoại giao thông qua các hiệp hội và tổ chức xã hội, hướng đến hợp tác phát
triển toàn diện cả về kinh tế, văn hóa - xã hội. chương trình nghiên cứu về tài nguyên văn hóa,
về quan hệ và tác động giữa di sản văn hóa
Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị tài nguyên
- Có chính sách, chiến lược và kế hoạch rõ ràng với lộ trình cụ thể đối với công tác
bảo tồn.
- Đầu tư cơ sở hạ tầng và phương tiện hỗ trợ để hoạt động khai thác các tài nguyên
phục vụ du lịch không ảnh hưởng đến tài nguyên, đặc biệt là các tài nguyên du lịch tự nhiên.
- Chú trọng đầu tư cải thiện thông tin và công tác thuyết minh diễn dịch để đảm bảo
chuyển tải đúng giá trị tài nguyên của tỉnh, gia tăng trải nghiệm và sự hài lòng cho du khách.
- Tăng cường cơ chế và các giải pháp quản lý, giám sát hiệu quả đối với hoạt động
du lịch tại các điểm tài nguyên để giảm thiểu các tác động tiêu cực đối với môi trường tự
nhiên và xã hội tại điểm tài nguyên.
- Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền một cách rộng rãi về giá trị tài nguyên,
các yếu tố thể chế và luật pháp cũng như các qui định về bảo tồn các giá trị tài nguyên để thu
hút sự tham gia của các đối tượng trong tiến trình khai thác, sử dụng và bảo tồn.
Nhóm các giải pháp về cải thiện môi trường du lịch, an ninh an toàn điểm đến
- Tăng cường công tác quản lý và bảo vệ môi trường, chú trọng công tác vệ sinh
môi trường, thu gom rác thải… tại các điểm tham quan và vùng phụ cận, trong đó cần củng
cố sự phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước liên quan với các doanh nghiệp và người dân



tại điểm đến.
- Cần có quy hoạch và đầu tư để hoàn thiện hệ thống các điểm vệ sinh công cộng
đạt chuẩn phục vụ du lịch. Có hệ thống biển báo, bảng chỉ dẫn rõ ràng đối với các điểm
tham quan, cũng như các tiện ích chung khác phục vụ du khách.
- Lồng ghép các vấn đề về môi trường vào các qui hoạch phát triển kinh tế chung
của các địa phương trong toàn tỉnh cũng như xác lập chế tài nhằm đảm bảo thực hiện tốt các
chiến lược và kế hoạch phát triển theo hướng bền vững. Chú trọng công tác truyền thông,
giáo dục cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường vì lợi ích của chính họ.
- Chú trọng công tác đảm bảo an ninh trật tự xã hội cho du khách, kiên quyết loại
bỏ các hiện tượng chèo kéo khách, ăn xin biến tướng, đeo bám khách, nhất là tại các di tích,
các lễ hội đông người…
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát với việc công khai bảng giá dịch vụ và
tuân thủ chất lượng đã hứa hẹn.
- Tuyên truyền rộng rãi và có chế tài thưởng phạt rõ ràng đối với việc thực hiện Bộ
qui tắc ứng xử du lịch trên địa bàn tỉnh. Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống
cháy nổ…Tăng cường công tác thanh kiểm tra việc chấp hành của các doanh nghiệp đối với
việc chấp hành các qui định này.
- Tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho các doanh nghiệp du lịch cạnh tranh lành
mạnh.
- Nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh và cải thiện mối liên kết giữa các tác
nhân tham gia trong cụm ngành, bao gồm: các cơ quan quản lý, các cơ sở khách sạn và các
điểm tham quan du lịch, các đơn vị điều hành tour và các hướng dẫn viên, các nhóm cộng
đồng tại địa phương.
Nhóm các giải pháp về truyền thông và marketing điểm đến
- Chú trọng công tác nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu thị trường làm cơ sở xác
định các thị trường mục tiêu, xây dựng chiến lược truyền thông và marketing điểm đến Huế.
- Tổ chức huy động sự tham gia của cộng đồng (có thể thông qua các cuộc thi) để tìm
kiếm ý tưởng chuyển hóa các tài nguyên thành các sản phẩm du lịch đích thực – các trải

nghiệm du lịch (selling experiences). Xây dựng câu chuyện du lịch, huyền thoại hóa, sử thi
hóa về thiên nhiên và con người xứ Huế, hoàn thiện các kịch bản và thuyết minh đối với các
tài nguyên du lịch nổi trội để có thể chuyển tải tốt nhất nội hàm giá trị của các tài nguyên, gia
tăng trải nghiệm khó quên cho du khách khi đến thăm Huế.
- Xây dựng chiến lược truyền thông cho thương hiệu và hỉnh ảnh điểm đến Huế với
việc sử dụng các công cụ marketing tích hợp. Phát triển hệ thống nhận diện thương hiệu du
lịch Huế theo chủ đề và theo logo để tăng cường quảng bá trên các phương tiện thông tin đại
chúng và qua các công cụ trực tuyến.
- Hoạt động xúc tiến đối với thị trường nội địa có thể thông qua các phương tiện
truyền thông đại chúng, các hội chợ, triễn lãm về du lịch, các chương trình roadshow liên kết
với các địa phương trong vùng và trong nước…Đối với thị trường quốc tế có thể tham gia các
hội chợ ở các thị trường trọng điểm thường niên ở khu vực ASEAN (ITB – Singapore), Đức
(hội chợ IBT), Nhật Bản (JATA)…Tổ chức các chương trình famtrip, presstrip từ các thị
trường Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc….
- Nhanh chóng nâng cấp và vận hành hiệu quả cổng thông tin điện tử du lịch Huế, kết
nối các websites của tỉnh, của trung ương và của các công ty lữ hành, cũng như các ứng dụng


chạy trên điện thoại di động để chuyển tải và quảng bá đầy đủ hơn thông tin và hình ảnh hình
ảnh du lịch Huế.
- Trên cơ sở hoàn thiện dữ liệu thông tin điểm đến, hệ thống các công cụ nhận diện
thương hiệu và phản hồi để tăng cường quảng bá thông qua các trang marketing online
(Tripadvisor, booking.com, agoda, traveloka) mạng xã hội (Youtube, Fanpage, Twitter,
Instagram…)
- Hoàn thiện web cho các hoạt động lễ hội định kỳ của Huế và đảm bảo thông tin
thường xuyên, kịp thời đến các thị trường, đặc biệt là cho Festival Huế, Festival làng nghề
Huế.
- Tăng cường tổ chức truyền thông cho các sự kiện giao lưu văn hóa, các chương trình
giao lưu kết nối, các hội thi có qui mô quốc gia và quốc tế tổ chức tại Huế.



PHẦN III. KẾT LUẬN
(1) Luận án đã tổng quan một cách có hệ thống những vấn đề lý luận và thực tiễn về
điểm đến du lịch, các cấp độ điểm đến du lịch, năng lực cạnh tranh của điểm đến du lịch, các
yếu tố cấu thành nên năng lực cạnh tranh điểm đến, cũng như các nghiên cứu ở trong và ngoài
nước để khai thác và kế thừa các kết quả nghiên cứu liên quan làm cơ sở luận giải cho cơ sở
lý luận và thực tiễn của đề tài. Đặc biệt là chỉ ra các khoảng trống mà luận án cần nghiên cứu
và từ đó là các đóng góp về lý thuyết và thực tiễn của đề tài.
(2) Dựa trên cơ sở phân tích các khái niệm, các mô hình lý thuyết và các mô hình vận
dụng trong các nghiên cứu trước, cùng với phương pháp đo lường và phân tích năng lực cạnh
tranh điểm đến trong và ngoài nước, tác giả đã nghiên cứu đề xuất mô hình nghiên cứu năng lực
cạnh tranh phù hợp với điểm đến du lịch địa phương. Mô hình này đã nhận được ý kiến đóng góp
và đồng thuận cao của các chuyên gia vực du lịch ở Tổng cục du lịch và nhiều địa phương trên
cả nước. Theo đó, mô hình lựa chọn sử dụng đánh giá năng lực cạnh tranh của điểm đến du lịch
Huế gồm ba nhóm yếu tố chính là "Tài nguyên và các nguồn lực cốt lõi", "Hoạt động quản lý
điểm đến" và "Các dịch vụ du lịch cơ bản" cùng hệ thống chỉ tiêu đánh giá cụ thể cho mỗi yếu
tố.
(3) Với việc khảo sát ý kiến của 696 chuyên gia du lịch, sử dụng phương pháp phân
tích nhân tố khám phá (EFA) và phân tích nhân tố khẳng định (CFA), luận án đã xác định
được các yếu tố cấu thành năng lực cạnh tranh của điểm đến du lịch Huế, bao gồm 7 nhân tố:
1) Hoạt động quản lý điểm đến; 2) Tài nguyên du lịch nhân văn; 3) Tài nguyên du lịch tự
nhiên; 4) Các dịch vụ du lịch cơ bản; 5) Dịch vụ mua sắm; 6) An ninh an toàn điểm đến; 7)
Giá cả các dịch vụ du lịch.
(4) Sử dụng mô hình gồm 7 nhân tố để đo lường và phân tích năng lực cạnh tranh
điểm đến Huế trong mối liên hệ so sánh với hai điểm đến lân cận là Đà Nẵng và Hội An. Kết
quả luận án đã chỉ rõ mặc dù Huế có lợi thế vượt trội về tài nguyên du lịch, nhưng những hạn
chế về quản lý điểm đến, về phát triển sản phẩm và đặc biệt là các dịch vụ bổ sung đã hạn chế
không nhỏ tới năng lực cạnh tranh của điểm đến du lịch Huế.
(5) Kết quả nghiên cứu của luận án cung cấp thêm trường hợp nghiên cứu điển hình
về xây dựng mô hình đánh giá năng lực cạnh tranh địa phương điểm đến và lựa chọn phương

pháp đánh giá phù hợp. Luận án chỉ ra rằng ngoài những nhân tố mang tính phổ biến (universal
attributes), cần có các thuộc tính được nghiên cứu và kiểm định phù hợp với điều kiện và thực
tiễn phát triển của từng địa phương điểm đến.
(6) Trên cơ sở những vấn đề lý luận và phân tích các yếu tố cấu thành năng lực cạnh
tranh của điểm đến du lịch Huế, luận án đã đưa ra những giải pháp chiến lược và giải pháp cụ
thể để phát triển du lịch Huế trong thời gian tới


×