Tải bản đầy đủ (.pdf) (245 trang)

VAI TRÒ CỦA NHÂN DÂN TRONG THỰC HIỆN QUY CHẾ DÂN CHỦ CƠ SỞ Ở TỈNH HƯNG YÊN HIỆN NAY

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (2.38 MB, 245 trang )

VIỆN HÀN LÂM
KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI

SẦM THỊ DƯƠNG

NGHIÊN CỨU SO SÁNH DÒNG HỌ
CỦA NHÓM HMÔNG TRẮNG VÀ HMÔNG HOA
Ở XÃ BẠCH NGỌC, HUYỆN VỊ XUYÊN, TỈNH HÀ GIANG

LUẬN ÁN TIẾN SĨ NHÂN HỌC

HÀ NỘI - 2019


VIỆN HÀN LÂM
KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI

SẦM THỊ DƯƠNG

NGHIÊN CỨU SO SÁNH DÒNG HỌ
CỦA NHÓM HMÔNG TRẮNG VÀ HMÔNG HOA
Ở XÃ BẠCH NGỌC, HUYỆN VỊ XUYÊN, TỈNH HÀ GIANG
Ngành: Nhân học
Mã số: 9 31 03 02

LUẬN ÁN TIẾN SĨ NHÂN HỌC

Người hướng dẫn khoa học: 1. PGS.TS. Phạm Quang Hoan
2. PGS.TS. Nguyễn Thị Song Hà



HÀ NỘI - 2019


LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu khoa học của riêng tôi. Các
số liệu điều tra, kết quả trong luận án là trung thực, chưa từng được ai công bố trong
bất kỳ một công trình nào khác. Đối với những quan điểm mà luận án kế thừa của các
tác giả đi trước, đều được trích yếu ghi rõ xuất xứ và tên tác giả đã đưa ra luận điểm đó.
Hà Nội, tháng 03 năm 2019
Nghiên cứu sinh

Sầm Thị Dương


LỜI CẢM ƠN
Luận án tiến sỹ được hoàn thành tại Học viện Khoa học Xã hội, với sự giúp đỡ
quý báu của nhiều tổ chức, tập thể cơ quan và cá nhân.
Tác giả xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành và sâu sắc tới Học viện Khoa học
Xã hội, Khoa Nhân học và Dân tộc học, các thầy, cô giáo, các nhà khoa học đã trực
tiếp giảng dạy truyền đạt những kiến thức khoa học chuyên ngành cho tác giả trong
những năm tháng qua.
Tác giả xin bày tỏ lòng biết ơn đối với lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh Hà Giang,
đồng nghiệp, bạn bè và gia đình đã khích lệ, động viên, tạo điều kiện về thời gian,
vật chất tinh thần, cung cấp tư liệu… trong quá trình thực hiện luận án từ năm 2015
đến 2019.
Tác giả cũng xin gửi lời cảm tạ tới lãnh đạo và người dân địa phương xã
Bạch Ngọc, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang đã nhiệt tình cộng tác, cung cấp số
liệu, tư liệu nghiên cứu cần thiết liên quan tới đề tài trong suốt quá trình tác giả điền
dã, khảo sát tại địa bàn nghiên cứu.

Đặc biệt, tác giả xin bày tỏ lòng tri ân sâu sắc tới PGS.TS. Phạm Quang
Hoan và PGS. TS. Nguyễn Thị Song Hà đã trực tiếp hướng dẫn, dìu dắt, giúp đỡ
với những chỉ dẫn khoa học quý giá và tạo động lực, khơi dậy niềm say mê nghiên
cứu, học tập trong suốt quá trình triển khai và hoàn thành luận án.
Xin trân trọng cảm ơn!
Hà Nội, tháng 03 năm 2019
Nghiên cứu sinh

Sầm Thị Dương


MỤC LỤC
MỞ ĐẦU .................................................................................................................... 1
Chương 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU, CƠ SỞ LÝ
THUYẾT, KHÁI QUÁT VỀ ĐỊA BÀN VÀ TỘC NGƯỜI NGHIÊN CỨU...... 10
1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu ........................................................................ 10
1.2. Cơ sở lý thuyết nghiên cứu ................................................................................ 21
1.3. Một số câu hỏi nghiên cứu ................................................................................. 30
1.4. Khái quát xã Bạch Ngọc và người Hmông tại địa bàn nghiên cứu.................... 31
1.5. Một số điểm tương đồng và khác biệt về văn hóa giữa hai nhóm Hmông
Trắng và Hmông Hoa ................................................................................................ 41
Chương 2: ĐẶC ĐIỂM DÒNG HỌ CỦA NHÓM HMÔNG TRẮNG VÀ
HMÔNG HOA ......................................................................................................... 50
2.1. Sự phân bố của các dòng họ thuộc các nhóm Hmông ....................................... 50
2.2. Quan niệm về dòng họ ....................................................................................... 50
2.3. Sự hình thành các dòng họ ................................................................................. 51
2.4. Các dấu hiệu nhận biết dòng họ ......................................................................... 53
2.5. Tổ chức dòng họ ................................................................................................. 81
2.6. So sánh đặc điểm dòng họ của nhóm Hmông Trắng và Hmông Hoa ................ 85
2.7. Sự biến đổi của đặc điểm dòng họ nhóm Hmông Trắng và Hmông Hoa ................ 90

Chương 3: VAI TRÒ VÀ QUAN HỆ DÒNG HỌ CỦA NHÓM HMÔNG
TRẮNG VÀ HMÔNG HOA .................................................................................. 97
3.1. Vai trò của dòng họ ............................................................................................ 97
3.2. Quan hệ dòng họ .............................................................................................. 118
3.3. So sánh vai trò và quan hệ dòng họ của nhóm Hmông Trắng và Hmông Hoa ...... 124
Chương 4: GIÁ TRỊ, HẠN CHẾ CỦA DÒNG HỌ NHÓM HMÔNG
TRẮNG VÀ HMÔNG HOA, MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẶT RA .............................. 130
4.1. Những giá trị dòng họ của người Hmông Trắng và Hmông Hoa .................... 130
4.2. Những hạn chế của dòng họ người Hmông Trắng và Hmông Hoa ................. 139
4.3. Một số vấn đề đặt ra đối với dòng họ các nhóm Hmông hiện nay và công
tác quản lý ............................................................................................................... 144
KẾT LUẬN ............................................................................................................ 149
DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH CỦA TÁC GIẢ ĐÃ CÔNG BỐ LIÊN
QUAN ĐẾN LUẬN ÁN ........................................................................................ 152
TÀI TIỆU THAM KHẢO .................................................................................... 153


DANH MỤC CÁC KÝ HIỆU, CÁC CHỮ VIẾT TẮT

BCH:
CB:
CNH – HĐH:
CT:
DTTS:
DTH:
ĐU:
GS:
HĐND:
KT-XH:
KHXH:

MTTQ:
NCS:
NQ:
NxB:
PGS:
PL
QĐ:
QLNN
TS:
TTg:
TU:
TW:
Tr:
UBDT:
UBND:
VHDT:
XHCN:

Ban chấp hành
Cán bộ
Công nghiệp hóa – hiện đại hóa
Chỉ thị
Dân tộc thiểu số
Dân tộc học
Đảng ủy
Giáo sư
Hội đồng nhân dân
Kinh tế - xã hội
Khoa học xã hội
Mặt trân tổ quốc

Nghiên cứu sinh
Nghị quyết
Nhà xuất bản
Phó giáo sư
Phụ lục
Quyết định
Quản lý nhà nước
Tiến sỹ
Thủ tướng Chính phủ
Tỉnh ủy
Trung ương
Trang
Ủy ban Dân tộc
Ủy ban nhân dân
Văn hóa dân tộc
Xã hội chủ nghĩa


DANH MỤC BẢNG
Bảng 1.1. So sánh một số thuật ngữ về thân tộc của hai nhóm Hmông Trắng và
Hmông Hoa .................................................................................................... 42
Bảng 1.2. So sánh một số đặc trưng văn hóa truyền thống giữa nhóm Hmông
Trắng và Hmông Hoa ..................................................................................... 46
Bảng 1.3. So sánh một số đặc trưng văn hóa giữa nhóm Hmông Trắng và
Hmông Hoa vẫn duy trì tín ngưỡng truyền thống và nhóm Hmông Trắng
và Hmông Hoa đã cải đạo theo Tin Lành ...................................................... 47
Bảng 2.1: So sánh sự giống và khác nhau về đặc điểm dòng họ của nhóm
Hmông Trắng và dòng họ của nhóm Hmông Hoa còn duy trì tín ngưỡng
truyền thống.................................................................................................... 85
Bảng số 2.2: So sánh sự giống và khác nhau về đặc điểm dòng họ người Hmông

còn duy trì tín ngưỡng truyền thống và dòng họ người Hmông cải đạo theo
Tin Lành ......................................................................................................... 88
Bảng 3.1: So sánh sự giống và khác nhau về vai trò và quan hệ dòng họ của
nhóm Hmông Trắng và Hmông Hoa duy trì tín ngưỡng truyền thống ........ 124
Bảng 3.2: So sánh sự giống/ khác nhau về vai trò, quan hệ dòng họ của
nhóm người Hmông duy trì tín ngưỡng truyền thống và nhóm cải đạo
theo Tin Lành .................................................................................... 126


DANH MỤC SƠ ĐỒ
Sơ đồ 1. Cách bố trí các bát trong lễ cúng ma trâu của họ Giàng nhóm Hmông Hoa ..... 74
Sơ đồ 2. Cách bố trí các bát trong lễ cúng ma trâu của họ Thào nhóm Hmông Trắng .... 74
Sơ đồ 3. Cách bố trí các bát trong lễ cúng ma trâu của họ Thào nhóm Hmông Hoa ....... 75
Sơ đồ 4. Cách bố trí các bát trong lễ cúng ma trâu của họ Vàng nhóm Hmông Trắng.... 75


MỞ ĐẦU

1. Tính cấp thiết của đề tài
Người Hmông là tộc người thiểu số trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.
Với đặc thù về nguồn gốc lịch sử tộc người, tâm lý, văn hóa,... người Hmông đã và
đang là mối quan tâm nghiên cứu của nhiều tổ chức, nhiều ngành khoa học ở trong và
ngoài nước, trong đó có ngành Dân tộc học và Nhân học. Trên địa bàn tỉnh Hà Giang,
người Hmông phân bố khắp ở 11/11 huyện, thành phố với bốn nhóm gồm: Hmông
Trắng, Hmông Hoa, Hmông Xanh và Hmông Đen, trong đó đông nhất là nhóm
Hmông Trắng và Hmông Hoa. Tổng dân số người Hmông của tỉnh là 255.329 người
[8], chiếm tỷ lệ 1/3 dân số, người Hmông là tộc người có dân số đông nhất tỉnh.
Khi nghiên cứu về văn hóa người Hmông, thì dòng họ là một trong những vấn
đề cốt lõi. Mỗi dòng họ người Hmông là một cộng đồng văn hóa với sắc thái riêng và
giữa các nhóm địa phương khác nhau lại có những đặc thù, nhưng vẫn mang trong

mình những yếu tố văn hóa đặc trưng của tộc người. Nghiên cứu dòng họ người
Hmông theo từng nhóm địa phương, để nhận diện bản sắc văn hóa, tìm ra những
điểm tương đồng và khác biệt, đề xuất các biện pháp phù hợp đối với vấn đề phát huy
vai trò thiết chế dòng họ, quản lý xã hội theo từng nhóm tộc người trong bối cảnh
hiện này là rất cần thiết và hữu ích.
Một trong những đặc thù của dòng họ người Hmông là tâm lý cố kết mạnh đến
mức có thể liên/xuyên biên giới, xuyên quốc gia. Đó là ưu điểm đồng thời cũng là
yếu điểm dễ bị kẻ xấu lợi dụng. Trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa, sự giao lưu,
tiếp biến văn hóa, sự tiếp nhận tôn giáo mới, nhất là đạo Tin Lành trong một bộ phận
người Hmông, đã tác động đến các mối quan hệ dòng họ truyền thống, tạo nên những
thay đổi lớn trong nội bộ tộc người, dòng họ trong một nhóm và giữa các nhóm
Hmông theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau. Sự cố kết và phân ly tộc người,
dòng họ diễn ra đan xen và ngày càng phức tạp. Chúng ta biết rằng, ngôn ngữ nhóm
Hmông Trắng có sự tương đồng với tiếng Hmông quốc tế, nhưng đối với tỉnh Hà
Giang, nhóm Hmông Trắng lại có tỷ lệ theo đạo Tin Lành ít hơn nhóm Hmông Hoa.
Như vậy, việc nghiên cứu để tìm ra nguyên nhân cốt lõi, lý giải vấn đề có tính chất
thời sự như những hiện tượng trên trong từng nhóm địa phương, cũng là một trong
những nhiệm vụ quan trọng đối với công tác vùng người Hmông.
Ngày nay, khi xem xét các nguồn lực phát triển xã hội, thì văn hóa được coi
là nguồn lực “mềm”. Từ quan điểm này, thì dòng họ chính là một nguồn vốn xã hội.

1


Bản thân dòng họ các tộc người nói chung, trong đó có tộc người Hmông luôn hàm
chứa những giá trị kinh tế, văn hóa, xã hội nhất định. Do vậy, cần có những nghiên
cứu về dòng họ, làm rõ nguồn vốn xã hội và giá trị nguồn lực này. Kết quả nghiên
cứu là minh chứng và cơ sở khoa học, thúc đẩy các cấp quản lý đổi mới tư duy
trong việc huy động và xã hội hóa các nguồn nội lực, để phát triển KT-XH của địa
phương vùng đồng bào Hmông theo hướng bền vững.

Cho đến nay, mặc dù đã có rất nhiều tác giả nghiên cứu về những khía cạnh
khác nhau của tộc người Hmông, tuy nhiên chưa có nghiên cứu nào đi sâu so sánh
sự tương đồng và khác biệt về thiết chế dòng họ các nhóm Hmông khác nhau tại địa
bàn một xã. Vì thế, nghiên cứu so sánh dòng họ người Hmông thuộc các nhóm khác
nhau theo tính chất điểm, dưới góc độ chuyên ngành Nhân học là một đề tài mới,
vừa có ý nghĩa khoa học, vừa có giá trị thực tiễn sâu sắc.
Từ những lý do trên, NCS quyết định chọn vấn đề Nghiên cứu so sánh dòng
họ của nhóm Hmông Trắng và Hmông Hoa ở xã Bạch Ngọc, huyện Vị Xuyên,
tỉnh Hà Giang làm đề tài luận án tiến sĩ.
2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của luận án
* Mục đích nghiên cứu:
- Tìm hiểu đặc điểm, vai trò, mối quan hệ, giá trị dòng họ của nhóm Hmông
Trắng và Hmông Hoa trên địa bàn xã Bạch Ngọc, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang;
so sánh để nhận diện sự tương đồng và khác biệt của dòng họ giữa hai nhóm.
- Nhận diện sự biến đổi bản sắc văn hóa dân tộc Hmông thông qua nghiên
cứu về dòng họ của hai nhóm Hmông tại địa bàn nghiên cứu.
- Kết quả nghiên cứu cung cấp luận cứ khoa học và cơ sở thực tiễn trong
quản lý nhà nước đối với công tác dân tộc - tôn giáo tại vùng người Hmông.
* Nhiệm vụ nghiên cứu:
- Làm rõ sự tương đồng và khác biệt về dòng họ của nhóm Hmông Trắng và
Hmông Hoa.
- Làm rõ sự tương đồng và khác biệt dòng họ của nhóm người Hmông vẫn
duy trì tín ngưỡng truyền thống và dòng họ nhóm Hmông đã cải đạo theo Tin Lành.
- Đề xuất các vấn đề đối với công tác quản lý nhà nước về dân tộc – tôn giáo,
nhất là trong công tác phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc
thiểu số trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc theo Chỉ thị 06/CT-TTg; Công

2



cuộc xây dựng nông thôn mới; Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn
hóa, góp phần bảo tồn văn hóa tộc người Hmông.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án
- Đối tượng nghiên cứu: Dòng họ của nhóm Hmông Trắng và Hmông Hoa ở
xã Bạch Ngọc. Luận án tập trung nghiên cứu 6 dòng họ gồm 3 họ Giàng, 2 dòng họ
Thào và 1 dòng họ Vàng.
- Phạm vi nội dung nghiên cứu: Thiết chế dòng họ, các nghi lễ dòng họ như:
tang ma, tín ngưỡng, cưới xin, vai trò, quan hệ và giá trị dòng họ nhóm Hmông
Trắng và Hmông Hoa. Trên cơ sở đó tiến hành so sánh sự giống và khác nhau giữa
dòng họ của hai nhóm.
- Phạm vi địa bàn nghiên cứu: Nghiên cứu tổ chức dòng họ của hai nhóm
Hmông Trắng và Hmông Hoa tại 05 thôn có người Hmông sinh sống tập trung gồm:
Khuổi Vài, Khuổi Dò, Minh Thành, Ngọc Lâm và Ngọc Sơn. Xã Bạch Ngọc là địa
bàn nghiên cứu có tính chất mẫu đại diện, đảm bảo thực hiện được mục tiêu và phạm
vi nghiên cứu của đề tài. Bởi xã có cả hai nhóm Hmông Trắng và Hmông Hoa cùng
sinh sống, đồng thời có cả bộ phận cải đạo và không cải đạo trong hai nhóm. Những
địa bàn tiếp giáp với xã Bạch Ngọc đều có người Hmông sinh sống và một có bộ
phận người Hmông theo đạo Tin Lành.
Giới hạn phạm vi nghiên cứu của đề tài trong giai đoạn từ năm 1986 đến nay,
bởi sau Đại hội Đảng lần thứ VI (tháng 12/1986) đất nước bước vào thời kỳ đổi
mới. Đồng thời kể từ khi đổi mới, quản lý nhà nước về công tác dân tộc được quan
tâm toàn diện. Bên cạnh đó, chiến tranh biên giới Việt - Trung kết thúc, đồng bào
các dân tộc nói chung, trong đó có người Hmông cư trú ở vùng biên giới của tỉnh
Hà Giang có cuộc sống ổn định hơn.
4. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu của luận án
4.1. Phương pháp luận
Cơ sở phương pháp luận của luận án là chủ nghĩa duy vật lịch sử, đối tượng
nghiên cứu luôn đặt trong hoàn cảnh cụ thể trên cả phương diện lịch đại và đồng
đại. Bên cạnh đó, các vấn đề nghiên cứu còn được luận giải trên cơ sở phương pháp
luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng của chủ nghĩa Mác – Lê nin, đặt đối tượng

nghiên cứu trong mối liên hệ tương tác qua lại với môi trường tự nhiên, kinh tế - xã
hội và luôn xem xét theo chiều hướng vận động, biến đổi không ngừng, nhằm tìm ra
bản chất của vấn đề, tránh tư duy siêu hình, chủ quan, duy ý chí. Đồng thời, các

3


phân tích của đề tài luận án cũng được giải quyết trên quan điểm của Đảng, Nhà
nước ta và tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề văn hóa, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo.
4.2. Phương pháp nghiên cứu
Để thực hiện các mục tiêu nghiên cứu đặt ra, luận án đã sử dụng những phương
pháp nghiên cứu chủ yếu sau:
* Phương pháp thu thập tổng hợp tài liệu hiện có: NCS tiến hành thu thập, hệ
thống hóa và xử lý các nguồn tài liệu đã có từ các sách, báo, tạp chí; Các đề tài, luận
án nghiên cứu ở trong nước và nước ngoài; Báo cáo của các cơ quan trung ương và
địa phương liên quan đến đề tài luận án. Trên cơ sở tài liệu thu thập được, NCS
phân tích, chọn lọc, tham khảo, vận dụng, kế thừa các kết quả đó để làm sáng tỏ vấn
đề nghiên cứu. Các tài liệu được sử dụng trong luận án, đều được trích nguồn, liệt
kê rõ ràng, với 120 tài liệu tham khảo.
* Phương pháp điền dã dân tộc học: đây là phương pháp chủ đạo của luận án,
được sử dụng trong khai thác, thu thập các nguồn tư liệu về dòng họ của nhóm
Hmông Trắng và nhóm Hmông Hoa, ở 05 thôn trên địa bàn xã Bạch Ngọc gồm:
Minh Thành, Khuổi Dò, Khuổi Vài, Ngọc Lâm và Ngọc Sơn. NCS vận dụng các thao
tác của phương pháp nghiên cứu này như: quan sát trực tiếp, quan sát tham dự, phỏng
vấn sâu, thảo luận nhóm để thu thập tư liệu, cụ thể như sau:
- Quan sát trực tiếp: NCS xuống cộng đồng, thôn bản, gia đình các dòng họ
thuộc hai nhóm người Hmông Trắng và Hmông Hoa, quan sát kỹ lưỡng cảnh quan,
nhà cửa, các sinh hoạt đời sống hàng ngày, sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo
của dòng họ như: ăn, ở, mặc, đi lại, lao động sản xuất, các nghi lễ tang ma, ma trâu,
ma lợn, các nghi lễ cưới xin, sinh hoạt đạo Tin Lành ... NCS vừa quan sát, vừa ghi

chép nhật ký. Đồng thời sử dụng các kỹ thuật như chụp ảnh, vẽ sơ đồ để lưu làm tư
liệu. Thao tác này, thường được NCS sử dụng trong dịp đầu mới đến làm quen địa
bàn, mới gặp gỡ, tiếp cận đối tượng hoặc mới phát hiện vấn đề nghiên cứu. Kết quả
của thao tác quan sát trực tiếp làm cơ sở để chọn lọc những vấn đề cần nghiên cứu
tiếp theo trên thực địa trong thời gian tới, cũng như việc lựa chọn vận dụng phương
pháp, thao tác nghiên cứu phù hợp.
- Quan sát tham dự: Quá trình thực hiện đề tài luận án, NCS đã thiết lập được
mối quan hệ thân thiết với cộng đồng nhóm Hmông Trắng và nhóm Hmông Hoa tại
địa bàn nghiên cứu. NCS thường được các hộ gia đình, dòng họ mời dự các sinh hoạt
nghi lễ quan trọng như: đám cưới, hay các nghi lễ tín ngưỡng, trong trường hợp có

4


đám tang cộng đồng cũng thông tin để NCS biết và đến dự. NCS đã quan sát tham dự
các nghi lễ như: Lễ cúng ma trâu, lễ cưới truyền thống, lễ cúng cho trẻ nhanh biết đi,
lễ giải hạn, lễ gọi hồn của họ dòng Giàng, nhóm Hmông Hoa, thôn Minh Thành. Lễ
mừng thọ của hộ gia đình ông Lý Văn Minh (nhóm Hmông Trắng, thôn Khuổi Dò);
Lễ giải hạn của hộ gia đình ông Vàng Mý Sỳ (nhóm Hmông Trắng, thôn Khuổi Dò);
Đám cưới của hộ gia đình họ Giàng, người Hmông Trắng theo đạo Tin Lành ở thôn
Khuổi Vài. Dịp tết âm lịch năm 2017, NCS tham dự tại một số hộ gia đình nhóm
Hmông Trắng và Hmông Hoa ở thôn Minh Thành. Với phương châm “3 cùng” là
“cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc”, khi tham dự các sinh hoạt nghi lễ tại cộng đồng,
dòng họ, hộ gia đình của hai nhóm Hmông, NCS được đồng bào coi như thành
viên/khách thân thiết. NCS cũng thực hành các nghi thức trong các nghi lễ theo
hướng dẫn của đồng bào,... Với sự hiểu biết về ngôn ngữ, phong tục tập quán người
Hmông, đồng thời với mối quan hệ gần gũi với cộng đồng, nghiên cứu sinh đã dần
tiếp cận được đối tượng nghiên cứu từ cái nhìn “bên trong” – “chủ thể”, hạn chế dần
tư duy, lối quan sát từ cái nhìn “bên ngoài” – “khách thể”.
- Phỏng vấn sâu: Để thu thập tài liệu phục vụ đề tài luận án, NCS đã sử dụng

thao tác phỏng vấn sâu. Trên cơ sở nhiệm vụ của đề tài, NCS phỏng vấn nhiều đối
tượng với tiêu chí và nội dung cụ thể như sau:
+ Đối tượng phỏng vấn gồm: Trưởng dòng họ, những người có uy tín trong
dòng họ (người cao tuổi là bậc cha, chú, bà cô, ông cậu, người cầm quyền ma quyền
khách); già làng, trưởng thôn, những người là cán bộ đã nghỉ hưu hoặc đang tham gia
công tác, chủ hộ gia đình, những người hoạt động tín ngưỡng (thầy cúng, thầy kèn,
thấy trống, thầy chỉ đường); Trưởng điểm nhóm Tin Lành, một số chức sắc, chức
việc của các nhóm đạo của các dòng họ ở cả hai nhóm Hmông Trắng và Hmông Hoa.
Trong các đối tượng phỏng vấn có nam, nữ, người già, người trẻ, có độ tuổi, nghề
nghiệp khác nhau.
+ Tiêu chí: Đối tượng phỏng vấn phải là người Hmông của hai nhóm Hmông
Trắng và Hmông Hoa; sinh sống hoặc có quan hệ anh em với 06 dòng họ mà đề tài
luận án chọn làm đối tượng nghiên cứu ở 5 thôn của xã Bạch Ngọc. Đồng thời họ
phải là những người am hiểu phong tục tập quán dòng họ, tộc người.
+ Nội dung phỏng vấn: Tập trung vào các nhóm vần đề về quan niệm, sự hình
thành, các dấu hiệu nhận biết, truyền thuyết, kiêng kỵ của các dòng họ; Một số sinh
hoạt dòng họ như: tập tục trong đời sống, cưới xin, tang ma, tín ngưỡng, tôn giáo;

5


Sinh hoạt đạo Tin Lành; Các mối quan hệ dòng họ;... Quá trình thực hiện phỏng vấn
sâu, để trả lời các câu hỏi nghiên cứu của đề tài luận án, NCS đặt những câu hỏi nhỏ,
chi tiết để tìm hiểu và giải thích rõ nguyên nhân, lý do, ý nghĩa của các nội dung
phỏng vấn. Từ đó giải mã những vấn đề ẩn sâu bên trong sự vật, hiện tượng, câu
chuyện... đồng thời tìm ra điểm tương đồng và khác biệt của dòng họ giữa nhóm
Hmông Trắng và nhóm Hmông Hoa tại địa bàn nghiên cứu. Kết quả, NCS đã thực
hiện được trên 30 cuộc phỏng vấn sâu. Thời gian cuộc phỏng vấn thường là 1 buổi
hoặc 1 ngày, cuộc dài nhất có trường hợp kéo dài 2-3 ngày/cuộc, có những đối tượng,
NCS phỏng vấn sâu nhiều lần.

- Thảo luận nhóm: NCS thường tranh thủ sử dụng thao tác thảo luận nhóm, mỗi
khi có dịp thích hợp. Cơ cấu cuộc thảo luận nhóm phụ thuộc vào điều kiện hoàn cảnh
từng lúc, từng nơi. Với các dịp sinh hoạt nghi lễ có nhiều người tham dự, thì sẽ cố
gắng thảo luận nhiều người (5 đến 7 người/nhóm) hoặc tối thiểu là 3 người/nhóm. Có
nhóm nam, nhóm nữ, nhóm hỗn hợp nam - nữ, hỗn hợp độ tuổi, thuần nhóm Hmông
(nghĩa là riêng nhóm Hmông Trắng hoặc nhóm Hmông Hoa); hỗn hợp hai nhóm (có
cả nhóm Hmông Trắng và nhóm Hmông Hoa). Thao tác này được sử dụng rất linh
hoạt, thường thảo luận theo một chủ đề nhất định. NCS đặt vấn đề, để các thành viên
tự trao đổi, đồng thời đặt câu hỏi gợi mở và thúc đẩy niềm tự hào, sự hiểu biết của
mỗi cá nhân, để họ thảo luận với tinh thần cởi mở nhất. Thao tác này giúp NCS thu
thập được nhiều thông tin giá trị hữu ích, và làm rõ những vấn đề mà khi thực hiện
phỏng vấn sâu, đối tượng phỏng vấn chưa giải thích rõ hoặc chưa cung cấp đầy đủ
thông tin. Thảo luận nhóm còn là cách kiểm chứng để đảm bảo độ chính xác các
thông tin thu được từ các cuộc phỏng vấn sâu. Chính vì vậy, NCS thường xuyên sử
dụng thao tác này để làm rõ những vấn đề còn chưa hiểu rõ và thiếu thông tin. Kết
quả, NCS đã thảo luận nhóm được trên 20 cuộc.
* Phương pháp phân tích, tổng hợp: Từ các tư liệu thu thập được thông qua
các phương pháp nghiên cứu trên, NCS tiến hành phân tích để làm rõ các nội dung
của đề tài luận án. Qua phân tích giúp NCS luận giải các vấn đề nghiên cứu rõ ràng,
đảm bảo tính khoa học, chính xác. Lập luận có lôgic luận cứ, luận chứng đầy đủ.
Đồng thời với việc phân tích NCS tổng hợp lại toàn bộ tư liệu một cách hệ thống,
theo từng vấn đề. Làm cơ sở đánh giá nguồn từ liệu nào đã đầy đủ, tư liệu nào còn
thiếu, mức độ quan trọng, độ chính xác... từ đó đặt ra nhiệm vụ nghiên cứu thu thập
tư liệu trong thời gian tiếp theo.

6


* Phương pháp so sánh: để làm rõ vấn đề của đề tài luận án đó là sự giống và khác
nhau giữa dòng họ của nhóm Hmông Trắng và nhóm Hmông Hoa, NCS tiến hành so

sánh từng vấn đề, cụ thể gồm: So sánh tên gọi, ngôn ngữ, văn hóa vật chất (nhà ở, trang
phục), văn hóa tinh thần (sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo, cưới xin, tang ma), tổ chức dòng
họ, đặc điểm dòng họ... So sánh trên các phương diện: về thời gian và lịch sử; về không
gian và địa lý; giữa các nguồn tư liệu; giữa các vùng, nhóm người Hmông khác nhau,
nhằm đảm bảo cho việc nghiên cứu đạt mục đích đề ra. Qua so sánh, tìm ra được nguyên
nhân và lý giải sự tương đồng và khác biệt dòng họ của hai nhóm.
* Phương pháp chuyên gia: NCS đã gặp gỡ một số chuyên gia am hiểu về nội
dung đề tài luận án để trao đổi, phỏng vấn, xin ý kiến tư vấn, chỉ dẫn... Đó là các nhà
khoa học, các bậc lão thành, các cán bộ, lãnh đạo là người Hmông đã nghỉ hưu hoặc
đang tham gia công tác, những người có uy tín am hiểu về văn hóa tộc người Hmông...
Thông qua phương pháp chuyên gia, NCS đã kế thừa được rất nhiều kết quả, kinh
nghiệm nghiên cứu và nhiều chỉ dẫn khoa học hữu ích, qua đó tiết kiệm được thời gian
và tranh thủ được trí tuệ, kiến thức của chuyên gia vận dụng vào đề tài luận án.
Để thực hiện các phương pháp nghiên cứu trên có hiệu quả, NCS luôn chú ý
việc lựa chọn các mẫu quan sát, phỏng vấn sâu và thảo luận nhóm, theo nguyên tắc
đảm bảo tính đại diện cơ cấu xã hội như: lứa tuổi, nghề nghiệp, giới tính, thành
phần, học vấn, điều kiện kinh tế... đó là các yếu tố đảm bảo cho kết quả nghiên cứu
mang tính khách quan và có độ tin cậy. Quá trình vận dụng các phương pháp nghiên
cứu là một nghệ thuật, mỗi đối tượng, vấn đề nghiên cứu đều phải tiếp cận một bằng
phương pháp, thao tác cụ thể. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều trường hợp nghiên cứu
phải vận dụng kết hợp nhiều phương pháp mới có thể thu được hiệu quả cao nhất.
4.3. Nguồn tài liệu của luận án
Luận án được hoàn thành chủ yếu dựa vào nguồn tư liệu mà tác giả thu thập
được qua các đợt điền dã từ năm 2014 đến cuối năm 2018 ở xã Bạch Ngọc, để phân
tích và tìm hiểu những nét tương đồng và khác biệt giữa dòng họ của hai nhóm
Hmông Trắng và Hmông Hoa vẫn duy trì các yếu tố văn hóa truyền thống, hay đã cải
đạo theo văn hóa Tin Lành. Ngoài ra, tác giả luận án còn tham khảo ý kiến của các
chuyên gia, các nhà khoa học hiểu biết về vấn đề dòng họ, đồng thời tham khảo các
tài liệu liên quan đến đề tại luận án được thống kê và lưu trữ của các cơ quan, đơn vị
ở Trung ương và địa phương.

5. Đóng góp mới về khoa học của luận án

7


- Cung cấp các tư liệu khoa học mới, góp phần làm phong phú thêm hệ thống
tư liệu liên quan đến người Hmông và dòng họ người Hmông.
- Chỉ ra những điểm tương đồng và khác biệt của dòng họ ở cả bộ phận vẫn duy
trì văn hóa truyền thống và cải đạo thuộc hai nhóm Hmông Trắng và Hmông Hoa tại
một địa bàn nghiên cứu cụ thể là xã Bạch Ngọc, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang.
- Làm rõ những biến đổi về đặc điểm dòng họ sau khi cải đạo.
- Nhận diện được bản sắc văn hóa dân tộc Hmông thông qua nghiên cứu về
dòng họ trong xã hội đương đại.
- Kết quả nghiên cứu cung cấp luận cứ khoa học trong quản lý nhà nước đối với
công tác dân tộc - tôn giáo tại vùng người Hmông ở tỉnh Hà Giang. Đề xuất quan
điểm, giải pháp hữu hiệu trong việc xây dựng và thực hiện chính sách bảo tồn và
phát huy các giá trị văn hóa dòng họ người Hmông.
6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án
6.1. Ý nghĩa lý luận
Luận án được thực hiện dựa trên phương pháp nghiên cứu chuyên ngành Dân tộc
học và Nhân học với các lý thuyết phù hợp. Nguồn tài liệu được sử dụng là kết quả
nghiên cứu khoa học của nhiều học giả trong và ngoài nước về khoa học xã hội và nhân
văn. Bên cạnh đó luận án còn được bổ sung tài liệu điền dã Dân tộc học tại địa bàn
nghiên cứu. Vì vậy, bên cạnh ý nghĩa cung cấp tài liệu tham khảo về tư liệu, thông tin,
luận án còn mang ý nghĩa khoa học chuyên ngành, do được viết theo cách đưa lý thuyết,
phương pháp nghiên cứu Dân tộc học và Nhân học vào trường hợp cụ thể trên thực địa.
Nội dung đề tài luận án nghiên cứu đặt dòng họ các nhóm Hmông Trắng và
Hmông Hoa trong phạm vi, thời gian cụ thể. Đồng thời gắn với việc tìm hiểu việc
thực hiện các cơ chế, chính sách dân tộc – tôn giáo tại địa bàn. Vì vậy, luận án có
giá trị trong việc cung cấp cơ sở khoa học để các nhà quản lý đánh giá, tổng kết các

chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đã và đang áp dụng triển khai thực hiện
ở vùng đồng bào dân tộc Hmông.
6.2. Ý nghĩa thực tiễn
Luận án là đề tài nghiên cứu so sánh về dòng họ nhóm Hmông Trắng và nhóm
Hmông Hoa đầu tiên tại xã Bạch Ngọc, vì vậy, có những ý nghĩa thực tiễn như sau:
- Nội dung luận án phản ánh trung thực các vấn đề văn hóa dòng họ nhóm
Hmông Trắng và nhóm Hmông Hoa trong bối cảnh đương đại. Kết quả nghiên cứu
chỉ ra những mặt tích cực cần được bảo tồn, phát huy đối với văn hóa dòng họ hai

8


nhóm Hmông, đồng thời cũng nêu rõ những tồn tại, hạn chế cần được xóa bỏ, thay
đổi trong đời sống sinh hoạt văn hóa đồng bào, thúc đẩy phát triển văn hóa tộc
người và xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.
- Kết quả nghiên cứu luận án mang giá trị thực tiễn đối với cơ quan quản lý về
công tác dân tộc – tôn giáo và cấp ủy, chính quyền địa phương nơi có người Hmông
cư trú. Thực tế thời gian qua đã cho thấy, việc ứng xử với bộ phận người Hmông
theo đạo Tin Lành, dưới góc độ quản lý nhà nước trong từng giai đoạn có quan
điểm chỉ đạo và cách giải quyết khác nhau, chủ yếu từ góc độ chính trị mà chưa
quan tâm nhiều đến việc giải quyết vấn đề này từ văn hóa. Với cách tiếp cận và giải
quyết vấn đề từ góc độ văn hóa, luận án bổ sung tư liệu để các nhà quản lý có cơ sở
khoa học tham khảo trong xây dựng và tổ chức thực hiện quản lý nhà nước có hiệu
quả về công tác đối với đồng bào Hmông.
- Luận án còn làm tài liệu tham khảo bổ ích cho các nhà nghiên cứu Dân tộc
học, nhân học, văn hóa, tôn giáo…
7. Kết cấu của luận án
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo, danh mục công trình của tác
giả đã công bố và Phụ lục, luận án được kết cấu thành 4 chương:
Chương 1. Tổng quan tình hình nghiên cứu, cơ sở lý thuyết, khái quát về địa bàn

và tộc người nghiên cứu.
Chương 2. Đặc điểm dòng họ của nhóm Hmông Trắng và Hmông Hoa.
Chương 3. Vai trò và quan hệ dòng họ của nhóm Hmông Trắng và Hmông Hoa.
Chương 4. Giá trị, hạn chế của dòng họ nhóm Hmông Trắng và Hmông Hoa,
một số vấn đề đặt ra.

9


Chương 1
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU, CƠ SỞ LÝ THUYẾT, KHÁI
QUÁT VỀ ĐỊA BÀN VÀ TỘC NGƯỜI NGHIÊN CỨU
1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu
1.1.1. Nghiên cứu của các tác giả nước ngoài
Từ thế kỷ XVII, các nhà khoa học Phương Tây đã bắt đầu nghiên cứu về dòng
họ, những người đi đầu đặt nền móng nghiên cứu về dòng họ phải nói đến
Bacophen, Mac Lennan và L.Morgan. Đối tượng nghiên cứu chủ yếu của họ là một
số tộc người sinh sống ngoài các nước Phương Tây. Khi nghiên cứu về lịch sử của
gia đình nguyên thủy, các tác giả này đã phát hiện mối quan hệ thân tộc, quan hệ
hôn nhân và sự phát triển của hình thái gia đình. Các phát hiện trên được tổng hợp
trong tác phẩm kinh điển Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà
nước [54] của Ph.Ănghen. Ông đã trình bày kết quả nghiên cứu của L.Morgan theo
quan điểm duy vật lịch sử. L.Morgan đã phát hiện tính thân tộc và đặc điểm (tục lệ)
của thị tộc (dòng họ) khi nghiên cứu về thị tộc Irôqua (mẫu hệ) và thị tộc Hy Lạp
(phụ hệ). Đó là những tục lệ về bầu và bãi miễn tù trưởng, nguyên tắc hôn nhân, sở
hữu tài sản, quan hệ tương trợ, tín ngưỡng tôn giáo, tên gọi, quyền lực... và bước
đầu, ông đã đưa ra khái niệm về thân tộc (gens). Tuy nhiên, trong khuôn khổ nội
dung tác phẩm L.Morgan mới chỉ luận giải một vài vấn đề liên quan đến dòng họ và
chế độ thân tộc ở một số tộc người cổ đại, nên chưa mang tính hệ thống. Nhưng
những nghiên cứu của L.Morgan đã đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển của

một số môn khoa học sau này, trong đó có Dân tộc học và Nhân học.
Các học giả phương Tây khi nghiên cứu về mô hình quan hệ dòng họ trong
hệ thống thân tộc cho rằng: Các dòng họ được xác định bằng mối quan hệ tổ tiên, vì
vậy chúng có một bề dày thời gian. Nguyên tắc quan hệ dòng họ bao gồm sự truyền
lại và kết hợp; tư cách thành viên được truyền qua mối liên hệ cha mẹ - con cái và
liên kết những người này thành một nhóm xã hội. Trong một số xã hội, tư cách
thành viên trong một dòng họ sẽ quyết định cách thức người ta được huy động để
phục vụ cho hành động xã hội. Có hai cách chính mà người ta thiết lập nên dòng họ:
Cách thứ nhất, dòng họ được thiết lập bởi những người tin rằng, họ liên hệ với nhau
bằng một quan hệ như nhau thông qua bên mẹ và bên cha. Điều này có nghĩa là, họ
tin rằng, những mối quan hệ họ có với phía bên cha cũng giống như những mối
quan hệ họ có với phía bên mẹ. Các nhà nhân học gọi cách tính dòng họ như thế là

10


song hệ. Cách thứ hai, được gọi là dòng họ đơn hệ, được xây dựng trên giả định
rằng, những mối quan hệ thân thuộc quan trọng nhất phải được tính qua hoặc phía
cha hoặc phía mẹ. Những dòng họ này gồm những người có liên hệ với nhau chỉ
thông qua những người nam hoặc chỉ thông qua những người nữ. Đây là loại dòng
họ thông thường nhất trên thế giới hiện nay. Các dòng họ đơn hệ hình thành từ
những quan hệ thông qua phía cha thì được gọi là dòng họ phụ hệ và những dòng họ
dựa trên những quan hệ thông qua phía mẹ thì được gọi là dòng họ mẫu hệ [18].
Những quan điểm trên được trình bày trong cuốn sách Nhân học một quan điểm về
tình trạng nhân sinh. Tuy nhiên chủ yếu được luận giải chuyên sâu về lý thuyết, nên
chỉ có thể tham khảo làm cơ sở nền tảng trong nhận thức về vấn đề dòng họ và thân
tộc ở góc độ lý thuyết Nhân học.
Công trình nghiên cứu Bức khảm văn hóa Châu Á [20] của Grant Evans, đã
trình bày một cách hệ thống về lý thuyết cũng như những vấn đề chung và các vấn đề
cụ thể của ngành Nhân học, được phân tích trên cơ sở của các dẫn liệu dân tộc học

thu thập từ thực địa ở Châu Á. Cuốn sách giành riêng chương 5, phân tích về tổ tiên
và bà con thông gia, quan hệ họ hàng bên ngoài gia đình. Từ tư liệu nghiên cứu về
các gia đình Châu Á, các nhà khoa học phương Tây thấy rằng, có hai loại họ hàng
được tạo ra: họ hàng sinh học hoặc là huyết tộc và họ hàng tạo ra qua hôn nhân hoặc
là quan hệ thân thuộc với họ nhà vợ hay họ nhà chồng. Họ đã sử dụng lý thuyết dòng
họ và lý thuyết thông gia để phân tích về hôn nhân và thông gia đối với trường hợp
người Hmông ở Trung Quốc và Đông Nam Á. Khi phân tích về các quan hệ hôn nhân
cư trú bên chồng, các tác giả này chỉ ra bốn loại dòng họ: (1). Dòng họ thuộc cùng
một thị tộc (không thể tiến hành hôn nhân trong thị tộc do có quy tắc ngoại hôn); (2).
Dòng họ cho vợ đi, người vợ ra khỏi dòng họ; (3). Dòng họ nhận vợ về, người vợ
chuyển về dòng họ; (4). Những dòng họ khác không có quan hệ gì đặc biệt. Cuốn sách
viết theo hình thức đưa lý thuyết Nhân học vào phân tích các trường hợp cụ thể, qua đó
chúng ta học được cách vận dụng lý thuyết để luận giải các trường hợp nghiên cứu.
Tuy nhiên, do nội dung tự liệu bao trùm diện rộng - toàn Châu Á, nên các phân tích về
dòng họ và thân tộc mặc dù có những ví dụ cụ thể về người Hmông nhưng cũng chỉ
mang tính điểm qua.
Nhà Nhân học người Mỹ, Robert Lowie với công trình Luận về xã hội học
nguyên thủy [63], gồm 15 chương, đã tập trung trình bày về các vấn đề như: hôn
nhân, gia đình, thị tộc, quan hệ họ hàng, tài sản, tổ chức xã hội, chính quyền, pháp
luật... Mặc dù, đối tượng nghiên cứu chủ yếu là các thổ dân Da Đỏ ở châu Mỹ và

11


khảo cứu các xã hội nguyên thủy. Nhưng với cách tiếp cận bằng phương pháp
nghiên cứu chuyên ngành và vận dụng lý thuyết chức năng để làm rõ các quan hệ
dòng họ, họ hàng hai bên (họ nội, họ ngoại). Công trình thực sự có giá trị đối với
luận án trong việc vận dụng lý thuyết Nhân học vào quá trình nghiên cứu.
Đối với các nghiên cứu về người Hmông, tác giả luận án thừa kế các công
trình nghiên cứu: Lịch sử người Mèo [19] của F.M. Savina, trình bày về nguồn gốc,

sự hình thành tộc người Hmông. Đây là một trong những tài liệu hiếm hoi có sự so
sánh, tác giả đã so sánh thuyết hình hành vũ trụ của người Hmông với một số dân
tộc cổ đại, thấy giống hệt truyền thuyết của người Chaldéc, người Lô Lô và có điểm
tương đồng với những câu truyện kể trong chương đầu của cuốn sách “sáng tạo thế
giới” (Genèse). Ngoài ra, F.M. Savina còn so sánh về trang phục giữa nhóm Hmông
Trắng với các nhóm Hmông khác.
Tác giả Guy Morechand, trong công trình Những đặc điểm của thuật saman
của người Mèo Trắng ở Đông Dương [22], đã mô tả chi tiết về đặc điểm thuật
saman của nhóm Hmông Trắng, với những nghi lễ như lên đồng, bói toán và gọi
hồn... Tác giả phát hiện thuật ra sa man của người Hmông Trắng có sự tương đồng
với đặc điểm cấu trúc của thuật sa man Châu Á, đồng thời nhận định rằng, nguồn
gốc của người Hmông Trắng có mối liên quan đến vùng Trung Á. Khi phân tích tổ
chức chính trị của người Hmông, tác giả đã đề cập đến vấn đề dòng họ, quan hệ của
những người cùng họ và bước đầu đưa ra khái niệm dòng họ với tên gọi là
“Xeem”... Tuy nhiên, do nghiên cứu chủ yếu tập trung vào thuật sa man nên vấn đề
dòng họ chưa được đề cập sâu. Nhưng tài liệu lại có giá trị đối với luận án khi tiến
hành nghiên cứu so sánh, do tập trung nghiên cứu sâu về nhóm Hmông Trắng, nên
trở thành tư liệu để so sánh với nhóm khác. Hơn nữa, việc phát hiện một số đặc
điểm văn hóa của các nhóm Hmông, nhất là về tên gọi của mỗi nhóm được phân
biệt theo trang phục của nữ giới,... là cơ sở để tham khảo trong việc so sánh văn hóa
giữa các nhóm Hmông [22, tr.4].
Nghiên cứu về Một làng người Hmông Xanh ở Thượng Lào [36] của Jacques
Lemoine đã mô tả về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, gia đình, hôn nhân, hệ thống thân
thích của người Hmông Xanh ở làng Pha hok. Trong đó, vấn đề dòng họ được trình
bày riêng và phân tích khá tỷ mỷ, từ cách nhận anh em, một số kiêng kỵ, đến các
mối quan hệ, cũng như nguyên tắc ứng xử... Để làm rõ các thuật ngữ chỉ quan hệ
dòng họ, tác giả đã liệt kê hệ thống thuật ngữ thân thích, đồng thời so sánh hệ thống
thuật ngữ này giữa phương ngôn Hmông Xanh và Hmông Trắng. Mặc dù cuốn sách

12



chủ yếu nghiên cứu về nhóm Hmông Xanh tại một làng, nhưng lại có giá trị đối với
vấn đề nghiên cứu so sánh về mặt thuật ngữ thân thích, cũng như vấn đề dòng họ
đối với đề tài luận án.
Cuốn sách Hmong: History of a people (Hmông: Lịch sử một dân tộc) của
Keith Quincy [39] là một nghiên cứu được phân tích tổng hợp từ nhiều tư liệu liên
quan đến người Hmông trên thế giới. Nội dung được chia làm 11 chương, phán ánh
về nguồn gốc và những biến cố quan trọng trong tiến trình lịch sử tộc người này.
Tuy chưa đề cập sâu đến vấn đề dòng họ, nhưng việc phân tích về truyền thuyết đã
cung cấp tư liệu tham khảo cho luận án ở góc độ tìm hiểu sự hình thành các dòng
họ. Đặc biệt ở truyền thuyết lý giải về sự phân nhóm địa phương (05 nhóm) của
người Hmông, mà cách thức để phân biệt nhóm thông qua trang phục, có ý nghĩa
trong việc khẳng định chức năng của trang phục đối với việc phân loại nhóm và
cũng là cơ sở để so sánh sự khác biệt giữa các nhóm địa phương.
Một nghiên cứu có tính tổng hợp khác của Gary Lee và Nick Tapp với bài
viết Các vấn đề về dân tộc Hmông hiện nay: 10 điểm chính [20], đã đưa ra các vấn
đề cần làm sáng tỏ về người Hmông. Mặc dù các phân tích rất khái quát, nhưng
cũng đã đề cập đến vấn đề dòng họ (luận điểm 5), chỉ ra cách thức người ta xác định
mối quan hệ họ hàng. Đồng thời làm rõ mặt tiêu cực của tâm lý cố kết dòng họ
người Hmông, điểm mà người bên ngoài dễ lợi dụng gây tổn hại tới tộc người. Năm
2010 hai tác giả đồng chủ biên một công trình chuyên khảo, đề cập tới những khía
cạnh khác nhau về người Hmông ở nước Úc [106].
Nixholas Tapp với cuốn sách Chủ quyền và nổi loạn người Hmông
Trắng ở miền Bắc Thái Lan [49]. Với mục đích nghiên cứu quá trình đồng hóa
của người Hmông trở thành thành viên của các nền văn hóa khác nhau. Tác giả
đã trình bày về tình trạng tiến thoái lưỡng nan về kinh tế, chính trị, tôn giáo
vùng người Hmông Trắng ở miền Bắc Thái Lan; Sự phản kháng của người
Hmông Trắng và cuộc nổi loạn vào cuối thập niên 60 của thế kỷ XX. Vấn đề
dòng họ người Hmông được mô tả và phân tích khá sâu, tại làng tiêu điểm có

tên là Nomya, các mối quan hệ họ hàng được phác họa bằng giản đồ cây phả
hệ. Mặc dù tài liệu chỉ tập trung nghiên cứu điểm - một nhóm địa phương,
nhưng đã làm rõ những vấn đề nổi cộm trong đời sống người Hmông nói chung
ở các nước Đông Dương. Nhất là về vấn đề sản xuất và phá bỏ cây thuốc phiện,
hay quá trình người Hmông trở thành tộc người của một quốc gia, sự xâm nhập
của các tôn giáo mới (Công Giáo, Tin Lành). Với cách tiếp cận chuyên ngành

13


Dân tộc học, cuốn sách thực sự có giá trị tham khảo đối với luận án về mặt
phương pháp nghiên cứu và tư liệu so sánh giữa các nhóm Hmông.
Prasit Leepreecha với nghiên cứu chuyên sâu về Dòng họ và bản sắc của
người Hmông ở Thái Lan [113], đã phân tích khá cụ thể về thiết chế xã hội mà
người Hmông gọi là “xênhv” và cho rằng, xã hội Hmông cả trong truyền thống
và hiện nay được điều tiết bởi các mối quan hệ có tính cố kết rất bền chặt, đó là
tổ chức dòng họ.
Người Hmông từ lâu đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu
Trung Quốc. Tác giả Nhan Ân Tuyền với bài viết Trang phục truyền thống và
cách tân của người Hmông tỉnh Vân Nam, cho rằng hàng ngàn năm nay, người
Hmông từ lưu vực sông Hoàng Hà vượt qua núi cao. Sông sâu, tiến vào vùng
đất Tây Nam và Trung Nam – Trung Quốc, trong đó có một bộ phận di cư sang
các nước láng giềng như Việt Nam, Lào, Thái Lan, Myanma…[50]. Cũng trong
công trình đồ sộ này tác giả Cổ Văn Phượng với bài viết Văn hóa và kỹ thuật
dệt lanh của người Hmông – Vân Nam đã giới thiệu một cách ấn tượng về một
số tập tục liên quan đến vải lanh và quần áo vải lanh trong tang lễ của người
Hmông. Các bài viết này có giá trị đối với đề tài luận án trong việc so sánh về
trang phục giữa các nhóm Hmông, đặc biệt còn thấy được điểm tương đồng
trong văn hóa dệt vải lanh đối với tộc người Hmông ở Trung Quốc và ở Việt
Nam [50].

Bên cạnh đó còn có một số công trình đã được công bố về người Hmông
có liên quan đến vấn đề tôn giáo, chẳng hạn như: Vayong Moua, Hmông
Christianity: Conversion, Consequnence and Conflict, (người Hmông Thiên Chúa:
Chuyển đổi, hậu quả và xung đột) [119]. Đây là công trình được tác giả công bố dựa
trên kết quả nghiên cứu nhiều năm về người Hmông ở Lào, chuyển đổi tín ngưỡng
sang Thiên Chúa. Hay như James Flewis, đã công bố công trình Messianism as A
Factor in Vietnam’s Hmông Mass Conversion to Christianity (Cứu thế như một
nhân tố đổi mới của người Hmông Việt Nam chuyển sang Thiên Chúa giáo: từ
1990-2005) [109].
1.1.2. Nghiên cứu của các tác giả trong nước
1.1.2.1. Các công trình nghiên cứu chung về dòng họ của một số dân tộc thiểu
số ở các tỉnh miền núi phía Bắc

14


Nghiên cứu về dòng họ điển hình có các nhà nghiên cứu như Ngô Đức Thịnh
với bài viết Dòng họ trong đời sống xã hội hiện nay [78], đã phân tích sâu về bản chất
của dòng họ và khẳng định sự phát triển “phục hưng” của dòng họ trong những thập
niên gần đây, đồng thời chỉ ra những tác động tích cực, tiêu cực đối với con người và
xã hội. Tuy không đề cập nghiên cứu riêng về tộc người nào, nhưng bài viết đã cung
cấp kiến thức chung nhất về lý luận và thực tiễn để tiếp cận nghiên cứu về vấn đề
dòng họ trong bối cảnh xã hội hiện nay.
Nhà nghiên cứu Phan Đại Doãn có bài viết Cơ sở kinh tế và thể chế tông
pháp của dòng họ người Việt [9], trong đó đã tập trung phân tích về thể chế dòng họ
của người Việt, với các quy tắc ứng xử, quan hệ họ hàng (trách nhiệm/nghĩa vụ),
phân biệt ngôi thứ trong quan hệ huyết thống... các quy định trong việc thực hiện
Thọ Mai Gia Lễ. Đồng thời, trong công trình này đã so sánh thể chế dòng họ người
Việt với Trung Quốc, Nhật Bản thông qua một số bộ luật của các triều đại phong
kiến, chỉ ra những điểm tương đồng và khác biệt. Sự tồn tại, phát triển của thể chế

dòng họ được tác giả luận giải một cách biện chứng từ việc chia và kế thừa tài sản,
cho thấy vấn đề nghiên cứu được vận dụng chặt chẽ quan điểm của C.Marx (mọi
vấn đề đời sống xã hội đều chịu sự chi phối của kinh tế). Do đó, bên cạnh giá trị về
mặt tư liệu, bài viết còn mang giá trị về mặt phương pháp luận để tham khảo nghiên
cứu về dòng họ các tộc người ở Việt Nam.
Nhà dân tộc học Đặng Nghiêm Vạn có những nghiên cứu tiêu biểu sau:
Bài viết Bàn về dòng họ người Việt [95], nội dung xoay quanh khái niệm, cách
hiểu về họ và quan niệm ba họ (họ nội, họ ngoại, họ vợ). Mặc dù, đối tượng nghiên
cứu là người Việt, nhưng bài viết được tác giả tiếp cận bằng phương pháp nghiên cứu
dân tộc học, các mối quan hệ thân tộc được phân tích chi tiết với ví dụ cụ thể và minh
họa bằng sơ đồ. Qua đó cung cấp kiến thức cơ bản về nghiên cứu thân tộc, dòng họ.
Một nghiên cứu khác của Đặng Nghiêm Vạn về Dòng họ, gia đình các dân tộc
ít người trước sự phát triển hiện nay [94]. Bài viết đã phản ánh một cách tổng quát,
về thực trạng tình hình gia đình và dòng họ các dân tộc thiểu số nước ta từ nửa cuối thế
kỷ XIX. Dưới tác động của bối cảnh lịch sử, quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa... làm
cho chức năng xã hội và giá trị truyền thống của gia đình và dòng họ các dân tộc thiểu số
ở nước ta có những biến đổi, xáo trộn mạnh mẽ, theo cả hai chiều hướng tích cực và tiêu
cực. Trên cơ sở đó, tác giả đưa ra quan điểm đối với việc cải tạo gia đình và dòng họ các
DTTS, với nguyên tắc phải tôn trọng các giá trị nền tảng về đạo đức, bình đẳng giới, tính

15


nhân văn... Mục tiêu hướng đến là xây dựng gia đình, dòng họ thành đơn vị ổn định, tạo
động lực phát triển xã hội, góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Mặc dù
bài viết mang tính tổng quát, nhưng có giá trị về cả lý luận và thực tiễn trong quan điểm
phát triển và cải tạo chức năng gia đình và dòng họ đồng bào DTTS.
Công trình Tàn dư văn hóa nguyên thủy liên quan đến dòng họ, gia đình, hôn
nhân người Khơ Mú [93] của Đặng Nghiêm Vạn là một trong những công trình hiếm
hoi nghiên cứu về tộc người Khơ Mú thời điểm trước cách mạng Tháng Tám. Qua

phân tích các tên họ của người Khơ mú, tác giả phát hiện có nhiều tên họ bắt nguồn
từ các loài động vật hoặc thực vật nào đó. Mỗi tôtem dòng họ đều có huyền thoại để
lý giải và những kiêng kỵ riêng. Mặc dù bài viết có phạm vi nghiên cứu dòng họ
người Khơ Mú, nhưng với việc đi sâu phân tích về tôtem và phát hiện dấu vết liên
minh ba thị tộc trong quan hệ dòng họ, đã cung cấp cho chúng ta phương pháp tiếp
cận khi nghiên cứu dòng họ, luôn cần phải xem xét đến yếu tố lịch đại.
Công trình Tín ngưỡng dòng họ với cố kết tộc người ở các dân tộc Hmông và
Khơ Mú [80] của Nguyễn Văn Toàn đi sâu tìm hiểu về tín ngưỡng dòng họ với sự cố
kết tộc người của hai tộc người trên, tác giả nhận thấy rằng: các dòng họ của người
Khơ Mú không được tổ chức chặt chẽ như ở người Hmông. Tuy nhiên, tín ngưỡng
dòng họ là một trong những yếu tố quan trọng để duy trì sự cố kết tộc người. Mặc dù,
đây là một nghiên cứu chuyên đề mang tính chất điểm về người Hmông và người
Khơ Mú tại huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Nhưng với việc so sánh chỉ ra sự thống
nhất và khác biệt trong tín ngưỡng dòng họ hai tộc người này, góp phần làm rõ hơn
tín ngưỡng dòng họ người Hmông nên có giá trị tham khảo đối với luận án.
Luận án tiến sĩ của Lê Minh Anh với đề tài Quan hệ dòng họ của người Nùng
Phàn Slình [1], là một nghiên cứu điểm tại xã Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn. Cùng với việc
làm rõ quan niệm, đặc điểm và cấu trúc dòng họ người Nùng Phàn Slình, luận án đã
phân tích sâu các mối quan hệ dòng họ. Mặc dù đối tượng nghiên cứu là người Nùng,
nhưng công trình có giá trị về mặt phương pháp và cách tiếp cận khi nghiên cứu về
dòng họ dưới góc độ chuyên ngành Nhân học.
1.1.2.2. Các nghiên cứu về dòng họ người Hmông
Tác giả Phạm Quang Hoan có nhiều công trình nghiên cứu sâu về dòng họ của
người Hmông, trong đó phải kể đến các bài viết: Vai trò của thiết chế xã hội truyền
thống trong việc quản lý nguồn tài nguyên cộng đồng của người Hmông [31], tập

16


trung trình bày hai loại hình tổ chức xã hội truyền thống cơ bản là bản làng và dòng

họ, phân tích sâu vai trò của các thiết chế xã hội đó đối với việc quản lý xã hội và các
nguồn tài nguyên; Một số nghi lễ liên quan đến dòng họ người Hmông huyện Kỳ Sơn,
Nghệ An [32]; Một số nghi lễ phản ánh bản sắc và tính cố kết dòng họ của người
Hmông [34] giới thiệu về một số nghi lễ quan trọng của dòng họ người Hmông như:
lễ cúng thi su (lễ đuổi tà ma), nhu đa (lễ cúng ma bò)... Các nghiên cứu chuyên đề
này góp phần làm rõ đặc điểm văn hóa và thiết chế dòng họ người Hmông. Một
nghiên cứu khác mang tính tổng hợp của Phạm Quang Hoan và một số tác giả là Đặc
trưng văn hóa và truyền thống cách mạng các dân tộc ở Kỳ Sơn – Nghệ An [33].
Trong nghiên cứu này, các tác giả giành riêng một chương để giới thiệu về dân tộc
Hmông trên các lĩnh vực hoạt động kinh tế, văn hóa vật chất, tổ chức xã hội, tổ chức
dòng họ, nghi lễ vòng đời... Công trình nghiên cứu mang tính tổng hợp này đã cung
cấp thêm tư liệu về người Hmông và dòng họ người Hmông ở các địa phương trên
các vùng miền khác nhau của nước ta.
Tác giả Vương Duy Quang có những nghiên cứu tiêu biểu sau: Quan hệ dòng
họ trong xã hội người Hmông [57] đã phản ánh sâu sắc quan niệm, triết lý và chỉ ra
những mặt tích cực và hạn chế về dòng họ người Hmông; Công trình Văn hóa tâm
linh của người Hmông ở Việt Nam: truyền thống và hiện đại [59], đã khảo cứu sâu
về tín ngưỡng truyền thống và những biến đổi của nó trong đời sống tâm linh người
Hmông. Tác giả trình bày mục riêng để giới thiệu về dòng họ qua hệ thống thân tộc,
tổ chức dòng họ, các mối quan hệ dòng họ và các lễ nghi tín ngưỡng liên quan đến
dòng họ. Công trình có giá trị tham khảo đối với luận án ở cả lĩnh vực dòng họ và
đời sống tâm linh.
Nhà dân tộc học Nguyễn Ngọc Thanh với bài viết Những quy ước của người
Hmông [70], đã giới thiệu chi tiết vệ các quy ước trong tục lệ của cộng đồng dòng họ
người Hmông như: sử dụng đất đai, nguồn nước, bảo vệ mùa màng và chăn nuôi, xử
phạt tội trộm cắp, ngoại tình và ly hôn... Mặc dù, nghiên cứu chỉ tập trung giới thiệu
về các quy ước, nhưng những phân tích đã làm rõ giá trị của thiết chế dòng họ, làng
bản trong quản lý xã hội. Công trình Thiết chế xã hội và vai trò của người có uy tín ở
người Hmông tỉnh Sơn La [25] nghiên cứu về gia đình, dòng họ, những tổ chức quan
phương và phi quan phương trong xã hội truyền thống, để tìm hiểu vai trò của người

có uy tín trong đồng bào dân tộc Hmông. Những nghiên cứu này, đã bổ sung tư liệu
tham khảo cho luận án, khi tìm hiểu về thiết chế dòng họ truyền thống của người
Hmông Trắng và người Hmông Hoa ở xã Bạch Ngọc.

17


×