Tải bản đầy đủ (.doc) (4 trang)

Montréal, còn nhớ hay đã quên

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (94.12 KB, 4 trang )

Montréal, còn nhớ hay đã quên ?
Hồ Đình Nghiêm, 2003
1978
Tôi lập gia đình. Đó là năm tôi tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật. Căn nhà số 14 Đinh
Công Tráng, nơi anh chị tôi thuê, cũng là chốn dùng làm dịa điểm sum vầy cho một buổi
tiệc nhỏ, hạn chế người dự.
Gia chủ, họa sĩ Đinh Cường dựng một khung bố trắng lên giá vẽ. Những ống màu nặn ra
trên palette. Mọi thứ được chuẩn bị. Và chờ đợi. Cũng giống như chị tôi, từ sau bếp đã một
mình hoàn tất những món ăn, củi lửa thôi xông khói.
Một tiệc cưới hơi khác thường? Không, nó chỉ được xem như lời từ giã đã chẳng thể nói
ra. Chúng tôi sẽ lên đường sau đó. Con đường có sóng cao, có biển rộng. Và tất cả những
bất trắc chờ đón.
Khách lần lượt đến, những người mà anh chị tôi xem như thân thích trong suốt thời gian
thăng trầm của Huế nhiều biến động. Bửu Ý, Định Giang, Tôn Thất Văn, Bửu Chỉ, Trịnh
Công Sơn và sau rốt, Dương Đình Sang, một hoạ sĩ trẻ. Tất cả ngồi quanh chiếc bàn gỗ.
Vai sát vai, rượu rót ra ly và mọi người chúc tôi những lời tốt lành về một ngã rẽ giữa cuộc
đời mà tôi vừa tìm thấy. Theo yêu cầu của Đinh Cường, tất cả những ai có mặt hãy thay
phiên lên vẽ bất kỳ thứ gì vào tấm bố trắng. Nó sẽ là món quà mọn nhằm trao gửi cho đôi
vợ chồng rụt rè ngồi kia. Và nét cọ khởi đầu của Đinh Cường là hàng chữ "Mùa hạ
Nghiêm xuôi dòng Ngọc Bích". Một vạt màu xanh vắt ngang, tựa đường chân trời rộng
mở. Trịnh Công Sơn ghi chú tiếp: "Hạnh phúc là điều không ai có thể hiểu được, nhưng
Nghiêm+Bích phải hiểu". Cây cọ nhúng sơn hai ba bận cho thứ thông điệp đó đi tới tận
cùng dấu chấm. Anh ta vẫn thế. Chữ viết đẹp, áo quần rất có gu. (Thời điểm đó chưa có
chữ xịn) Giọng nói nhỏ nhẹ, ưa dùng chữ "Thiệt à?" khi góp tiếng, như một kẻ đi giữa
cuộc đời mà lòng luôn mang nỗi hoài nghi. Anh khác với Bửu Chỉ. Bửu Chỉ to tiếng hơn.
Sẵn sàng tranh luận bất cứ đề tài gì với giọng điệu rất Mệ và luôn giành phần thắng. Tự
thân Bửu Chỉ lúc ấy cũng toát ra dáng dấp của một nghệ sĩ. Quần Jean xanh, chemise đen,
nón béret made in France và bên dưới, những lọn tóc quăn luôn che phủ vành tai. Bửu Chỉ
là người động thủ sau chót, anh đứng trước giá vẽ, thao tác có hơi lâu và khi trở về chỗ
ngồi, mọi người đều hiểu bức tranh kia đã hoàn chỉnh tới độ chẳng ai được quyền lên thêm
thắt. Cuộc rượu tràn tiếng cười, cái nóng của mùa hè Huế phải chịu dừng chân ngoài thềm


tối, hay đúng ra, sự oi ả thường hằng của nó khi tràn vào đã không làm cho chúng tôi mỏi
mệt. Và cuối cùng tôi lên đường dong duổi mà lòng vẫn ắp đầy hình ảnh buổi tiệc tình thân
kia. Ở chốn dung thân mới, nhớ về cố quận là nhớ cái đêm chếnh choáng men say nọ. Say
vì tình yêu tinh khôi với người bạn đời - đã đành - say luôn với những tên tuổi đàn anh đến
chung vui mà trong trí bấy giờ biết chắc một điều: Khó còn cơ hội nhìn thấy mặt mũi họ
một lần nào khác. Như thể "đôi chân ta đi sông còn ở lại".
1992
Tôi đã gặp lại anh. Montréal không có đường phượng bay, nhưng chiều tà thảng hoặc cũng
dấy lên đôi lần bức rức hệt cơn gió Huế "lăng loàn" thuở nọ. Trời nóng và một người vừa
đến từ xứ nhiệt đới. Anh vẫn thế, ốm yếu, từ tốn, nhỏ nhẹ. Nhưng ở sự hao gầy kia, có thể
đã cưu mang một thứ khí hậu khác thường khi đến đây. Những lời anh nói ra luôn ngầm
chứa sự quyến rũ và người nghe sẽ đón nhận sau đó một kết luận lý thú. Hấp lực ấy là
thành tựu của một người đi nhiều hiểu rộng, và sau hết, người ấy phải có một trái tim giàu
lòng nhân. Chúng tôi nhắc lại những gì còn nhớ. Một tối nào quây quần ngoài trời, giữa
đám cỏ mọc cao ở sân trường Mỹ thuật, đêm mà Lê Thành Nhơn vừa hoàn thành bức
tượng Phan Bội Châu đồ sộ. Lan man hồi ức, "nghe những tàn phai", cuối cùng là tôi đã
buồn thật lòng vì số phận của bức tranh siêu thực do nhiều bàn tay tạo nên năm xưa ở tiệc
cưới. Chẳng rõ nó phiêu dạt nơi nào sau ngày tôi âm thầm bỏ đi với đôi bàn tay trắng? Tôi
không lạ khi biết anh từng có những lần trưng bày tranh thành công. Còn anh, anh ngạc
nhiên khi hay ra tôi đã xuất bản một hai tập truyện ngắn. Anh hỏi:
-Toa bỏ cọ rồi sao ?
-Bỏ. Tôi nói không suy nghĩ.
-Viết lách có khá không?
Tôi không hiểu chữ khá. Tôi đùa: "Đường chạy vòng quanh, một vòng tiều tụy!" Anh cười,
so vai khi kể cho tôi nghe một câu chuyện, như thể biểu tôi hãy viết lại nó. Chuyện về một
bức tượng, về một bà Việt kiều, về một nhân vật nữ anh hùng du kích. Tóm gọm diễn tiến
câu chuyện đi gần tới mức phi lý. Nó tượng trưng rõ ràng về cái vô thường của cuộc sống.
Tôi xúc động và tôi hiểu, tôi chẳng thể viết được nó ra trên giấy. Tôi nói với anh, tôi không
phải là nhà văn. Tôi thấy mình yếu đuối trước những hoàn cảnh khốc liệt. Tôi thiếu thốn
nghèo khổ với vốn chữ nhỏ nhoi. Và tôi thành thật khi có câu trả lời: Viết lách không khá!

Giây phút riêng tư chẳng thể kéo dài. Anh vốn là người của đám đông, một đám đông thái
quá. Và đám đông nào cũng có vài kẻ làm chúng ta dễ mỏi mệt. Rượu rót ra, thần sắc anh
có vẻ hư hao. Anh bảo, moa có cảm tưởng chuyến đi này như từ Huế vào Sài-gòn. Chỉ vậy
thôi. Có nghĩa là mặt mày, thức ăn, ngôn ngữ. . . mọi thứ đều quen thuộc. Tây đầm đâu?
Hãy parler français cho moa nghe. Những người thân cận như muốn quản thúc anh. Họ có
lí do tế nhị, tránh né tối đa những điều phiền muộn xảy tới, ảnh hưởng xấu đến cuộc đi
chơi xa của anh. Có lẽ anh cũng cảm nhận được một điều, đó là chúng ta đang sống giữa
gian đoạn đầy cả nhiễu nhương bội bạc. Cái thời điểm mà triết thuyết anh từng đưa ra vẫn
chưa có kẻ đồng thuận: "Em hồn nhiên rồi em sẽ bình yên ".
Thơ anh làm ở Montréal nói được với chúng ta đôi điều:
"Mặc đời ô trược vừa qua
Tấm thân nhỏ nhặt người la mắng người
Buồn phiền vỡ mộng đường dài
Ta xin một góc ta ngồi với ta".
Ngao ngán. Chẳng vui. Cầm lòng không đậu để lời thơ dấy lên chút thất vọng. Tôi yêu chữ
"nhỏ nhặt" kia biết mấy? Cả một phận người thì có to tát là bao? Tôi ngậm ngùi, ngồi
thõng tay để anh vẽ cho tôi một tấm portrait bằng phấn màu trên giấy cứng, và muốn bảo
quản nó khỏi hư hao có vị nữ lưu đã nhanh tay mang bình keo xịt tóc ra phủ phất lên đó
một lớp bụi sương thơm mùi hoa hồng.
Anh ôm đàn, cây guitare của Hoàng Xuân Giang, tác giả hai câu thơ "Có người ngậm sợi
tóc mai. Mà nghe cái lạnh giêng hai trở về". Đàn không nắn phím so dây, tự thân nó đã
hoàn chỉnh, hoặc có thấp cao sai lạc đôi phần cũng chẳng gây trở ngại cho tiếng hát kia.
Ngôn từ trong những nhạc phẩm ấy đã có mãnh lực phủ chụp lên tất cả mọi khiếm khuyết
mà người ta gọi là phần kỹ thuật. Tôi chưa nghe các sáng tác mới của anh. Sự háo hức đi
trước, cái thoả mãn đi sau; hai thứ đó đã dìm tôi xuống ở trạng thái bần thần. Một nỗi niềm
gì vừa đi thấu suốt vào lòng để lại trên da thịt chút rợn cảm đến độ phải xiêu người. Tôi
hiểu, nhạc Trịnh Công Sơn sở dĩ lên đứng ngôi vị hàng đầu là do bởi sự chắt lọc chữ dùng
của anh. Những chữ mà người khác không thể tìm bới ra. Nói theo Krishnamurti: "Đó là
thứ ánh sáng của tia chớp nháng lên bầu trời trong khoảnh khắc. Có người nhìn thấy nó, có
người không". Anh đã từng thấy rồi để lại cho đời những "khoảng khắc lung linh".

2001
Lần này, anh đã có "một cõi đi về". Không mộng mị. Người ta đã nói, và viết nhiều về sự
lên đường ấy. Nhưng thủy chung chẳng một ai được như anh từng cất lời "Cho một người
vừa nằm xuống". Những kẻ còn sống, ngang trang lứa anh, và cả thế hệ sau anh đều im
tiếng. Bóng dáng anh còn đó, họ sợ hãi khi phải dẫm lên con đường anh từng khai phá
chăng? Anh đi và để lại một khoảng trống lớn, không gì có thể bù đắp.
Hôm kia, ngồi bó gối trên núi Mont Royal nhìn chiều tà đổ về trên phố lạ, tôi bàng hoàng
chợt nhận ra cái mong manh của một tia sáng đang bị mây phủ che. Bữa tiệc năm xưa đủ
mặt "quần hào" xứ thần kinh giờ này đã khiếm diện thực sự một Định Giang, một Trịnh
Công Sơn, một Bửu Chỉ. Mỗi một tia lửa rơi xuống bên kia đời và hoàng hôn đang vây
quanh chỗ tôi ngồi lặng lẽ. Mốt mai rồi tôi cũng khăn gói trùng phùng. Trong khi còn làm
đứa "nhỏ nhặt" giữa cuộc đời mênh mang này tôi xin viết lại đôi điều nhặt nhỏ, gọi là vì
anh để "nương nhờ chút thở than".
Hạnh phúc là điều không ai có thể hiểu được. Phải không anh Trịnh Công Sơn? Lời anh
chúc hôm nào ở tiệc cưới, mong muốn tôi hiểu, tôi sẽ trình bày rõ nguồn cội ấy cùng anh,
bữa mô chúng ta ngồi góc khuất lấp ở một chốn thực sự cách biệt với nhân gian. Lại gặp
mặt Bùi Giáng thoăn thoắt tới gần, anh ôm đàn đón chào "Còn hai con mắt khóc người một
con". Liệu khi ấy lệ có còn tiếp tục được chảy ra?
Phút giây này tôi chỉ xin vỏn vẹn một điều: Ước ao mình sẽ mãi được hồn nhiên.
Hồ Đình Nghiêm
Mộng lệ an, lễ Lao động 1 tháng 9. 2003

×