Một vài kỷ niệm với Trịnh Công Sơn
SÂM THƯƠNG, 2000
1. KEM KHÔNG ĐƯỜNG
Với những người bị bệnh tiểu đường thì việc kiêng cử ăn uống tất cả những thức ăn có
chứa gluco, nói chung là chất ngọt, hoặc tinh bột là điều bắt buộc, nếu không muốn lượng
đường trong máu tăng lên, căn bệnh trở nên trầm trọng hơn, dễ đưa tới nhiều biến chứng
nguy hiểm đến tính mạnh. Do đó, người bị tiểu đường đặc biệt rất thèm đồ ngọt, nhất là
chè hay kem là những thứ có sức lôi cuốn cực kỳ. Rất nhiều người không khống chế được,
đã ăn uống cho thỏa mãn cơn khát thèm nhất thời của mình.
Trịnh Công Sơn và tôi đã từng rơi vào tình trạng dỡ khóc dỡ cười của cơn khát thèm đó.
Vào một buổi chiều, trời đã tắt nắng, Sơn và tôi đi bộ từ nhà hàng TIB trên đường Hai Bà
Trưng, định đi ngược đường Điện Biên Phủ trở về nhà của Sơn ở đường Phạm Ngọc
Thạch . Theo cách này sẽ gần hơn rất nhiều so với đi đường Hai Bà Trưng rẽ Nguyễn Đình
Chiểu qua Phạm Ngọc Thạch.
Khi vừa từ nhà hàng Tib đi ngược lại, chúng tôi chợt nhận ra bên phải là một quán Kem,
trang trí bằng hình vẽ ngộ nghỉnh, màu sắc tươi vui, có lẽ chủ nhân của nó muốn tạo sự thu
hút đối với trẻ em. Vì họ hiểu, trẻ em rất thích ăn kem. Trẻ em đã thích, đã đòi thì cha mẹ
chúng chỉ có việc đáp ứng, và rất hạnh phúc để được đáp ứng yêu cầu của con cái mình.
Nhưng họ đâu ngờ cái quán Kem với cách trang trí vui nhộn kia lại đập vào mắt những
người bị bệnh tiểu đường như Sơn và tôi.
Sơn đứng lại trước quán quan sát, vào lúc đó quán thật nhộn nhịp. Trên những chiếc bàn
nhỏ không chỉ có trẻ em, mà có cả người lớn và những cặp tình nhân nữa… Họ đang ăn
kem, nói cười với tất cả vẻ thích thú thỏa mãn trên nét mặt. Ít nhất là trong góc độ nhìn của
Sơn và tôi.
Tôi vẫn chưa hiểu Sơn có ý định gì, định nhắc Sơn về nhà, thì Sơn quay lại nói với tôi:
- Mình có thể vào ăn một ly đi.
Tôi lắc đầu:
- Không được đâu Sơn, kem ngọt lắm.
Sơn vẫn kiên trì:
- Tụi mình chỉ ăn một ly thôi, moi (tôi, tiếng Pháp) thấy thèm lắm.
Tôi cũng cảm thấy cơn thèm đã lên tận cổ nhưng vẫn cương quyết nói với Sơn:
- Mỗi khi thấy thèm đều ăn, thì đường huyết sẽ tăng đó.
Sơn vẫn không chịu thua:
- “Toi (anh, hay mầy, tiếng Pháp) máy móc quá, đâu phải ngày nào mình cũng ăn. Lâu lâu
mình mới ăn một lần mà.” Như để thuyết phục tôi, Sơn nhấn mạnh- “Bác sĩ vẫn nói với
moi thỉnh thoảng có ăn cũng không sao.”
Nhìn thấy khuôn mặt Sơn, tôi thấy thương bạn mình quá, tất cả mọi dũng khí của tôi biến
mất. Tôi mỉm cười gật đầu:
- Ừ, thì ăn. Đâu phải moi không thèm, nhưng cố gắng hạn chế được chừng nào hay chừng
ấy.
Bước vào quán, chúng tôi chọn cái bàn bên phải phía ngoài, để được nhìn ra đường, nhìn
xe chạy và người đi qua đi lại. Tôi vẫn còn dè dặt, hỏi nhân viên phục vụ khi hai chúng tôi
đã ngồi vào bàn:
- Ở đây có bán kem không đường (suger free, tức là một loại đường không phải gluco)
không?
Không biết anh nhân viên phục vụ có nghe và hiểu điều tôi muốn nói không, anh nhanh
nhẩu trả lời, trên môi điểm một nụ cười thật tươi và hiếu khách.
- Dạ, có.
Sơn nhìn tôi mỉm cười, hứa hẹn một chầu kem thả giàn, có nghĩa là không phải kiêng cử.
Tôi cũng háo hức nhập cuộc, vì tin chắc là kem không đường. Chúng tôi mỗi người một ly,
rồi thêm một ly nữa. Nhìn Sơn ăn hai ly kem, tôi thầm nghĩ giá như bửa ăn hằng ngày nào
Sơn cũng ăn khoẻ như vậy, thay vì uống rượu, chắc anh sẽ mập mạnh hơn nhiều.
Trước khi ra khỏi quán, như để tự thưởng mình, chúng tôi còn mua thêm mỗi đứa một
phần, kem được bỏ vào một chiếc bánh như chiếc nón chúc ngược. Trên đường về nhà hai
đứa vừa ăn, vừa nói chuyện rôm rã.
Khi qua đoạn đường Điện Biên Phủ, gần tới ngã rẽ vào nhà, Sơn nhìn cây kem trên tay
mình, rồi nhìn cây kem trên tay tôi. Sơn bật cười, nụ cười thật hồn nhiên và trẻ thơ. Tôi
ngưng ăn, nhìn Sơn ngạc nhiên:
- Sơn cười gì vậy?
Sơn nhìn thẳng vào mắt tôi:
- “Toi” không thấy buồn cười thật sao?
Tôi lắc đầu:
- Không.
Sơn mỉm cười:
- Moi nhớ ông già “moi” hồi đó mới 30 tuổi, đã rất nghiêm chỉnh, đạo mạo, đâu có chuyện
cầm cây kem ăn ngoài đường. Còn toi và moi bây giờ đã là U. 60 mà mỗi đứa một cây
kem, cầm ăn nghênh ngang ngoài đường, thì không phải là chuyện đáng cười sao?
7.1996
2. RƯỢU GIẤU Ở ĐÂU?
Cuối tháng 4, đầu tháng 5 năm 2000, dù không được Ban tổ chức mời, nhưng chúng tôi
vẫn ra Huế dự Festival Huế 2000. Vì như Sơn nói: “Mình là những đứa con của Huế , ngày
vui của gia đình sao mình lại không có mặt”. Chuyến đi do Phạm Phú Ngọc Trai, một
người bạn của chúng tôi tổ chức. Một nhóm đã đi theo đường bộ trước như Trần Long Ẩn,
Từ Huy... Còn Sơn, Trịnh Xuân Tịnh, Bảo Phúc, Phạm Phú Ngọc Trai, Phi Long và tôi thì
đi bằng máy bay, hẹn cùng gặp mặt ở Đà Nẳng. Chúng tôi ở Đà Nẳng hai đêm, thăm viếng
một vài nơi trước khi đi đường bộ ra Huế. Đến Huế, chúng tôi ngụ tại khách sạn Ngô
Quyền, ở đường Ngô Quyền, vì khách sạn Morin đã không còn chỗ cho tất cả đoàn của
chúng tôi.
Từ khi biết có Sơn thì ở đây như một rạp hát, người ra vô tấp nập. Không chỉ có bạn bè cũ
của Sơn mới tìm đến thăm Sơn, mà khán giả, phần lớn là sinh viên học sinh của đất Thần
kinh cũng tìm cách gặp gỡ trao đổi với Sơn, thần tượng của họ trong gần suốt thời gian
Sơn trú ngụ tại khách sạn này.
Buổi tối hôm đó, sau khi đã tham dự chương trình biểu diễn thời trang của nhà tạo mẫu
Minh Hạnh tại cung Diên Thọ trở về:
Buổi tiệc vui bắt đầu vào khoảng 10 giờ đêm ở khoảnh sân rộng phía sau của khách sạn.
Đã có hẹn trước, ngoài những người bạn của chúng tôi từ Sàigòn ra, buổi nhậu có mặt Bửu
Ý, Định Giang, Bội Trân…Có thể còn một vài người nữa, nhưng tôi không nhớ rõ.
Cái gì có thể thiếu, nhưng không bao giờ thiếu rượu đối với Sơn, nhất là trong những dịp
họp mặt bạn bè vui vẻ như thế này. Không những thế, ai cũng yêu quý Sơn, biết tính Sơn
thích uống rượu, ai cũng muốn góp vào cuộc vui, mỗi người một chai. Đối với Sơn “Trò
chơi uống rượu gần gủi với đời hơn. Nó là người bạn, người tình, nó là niềm vui và cũng là
nỗi buồn, nó là lời an ủi, là niềm phấn khích, nó chia sẻ rồi lại bù đắp. Tóm lại, với người
biết uống rượu như một trò chơi tao nhã thì nó là tất cả. Uống rượu để thấy yêu đời, yêu
người hơn và thậm chí yêu cả những lập lòe đom đóm ma trơi tình phụ (Trịnh Công Sơn,
Trò Chơi, bản viết tay). Việc bạn bè cưng chìu Sơn, yêu thương Sơn luôn muốn thỏa mãn
yêu cầu về rượu của Sơn là hành động thật khó phán xét. Vì cả hai đều tự nguyện.
Trước mặt tôi, chỉ có thấy chai và chai. Tôi thật sự choáng ngợp dù chưa uống một giọt
nào, rồi khi nhìn lại, thấy thân thể gầy còm của Sơn. Tôi thương bạn mình đến thắt ruột.
Bao giờ ở bên Sơn, trong những cuộc rượu tôi luôn sống trong một tâm trạng mâu thuẩn.
Một mặt, tôi muốn lao mình vào cuộc chơi, sống đến tận cùng với nó, vì tôi cũng rất thích
uống và có thể uống được nhiều nữa. Nhất là khi ở bên cạnh tôi còn có Sơn, giữa đám bạn
bè thân thiết. Mặt khác, tôi lại không muốn Sơn dự vào cuộc rượu và càng không muốn
cuộc rượu kéo dài. Đơn giản là vì tâm trí tôi luôn luôn lãng vãng số lượng rượu mỗi ngày
Sơn đổ vào cái dạ dày mong manh của mình. Nó sẽ giết chết dần, chết mòn Sơn. Đó là
điều tôi không muốn. Có điều may mắn đối với tôi là Sơn hiểu rất rõ tâm trạng của tôi,
nhưng không phải bất cứ lúc nào Sơn cũng nghe lời can ngăn của tôi.
Nhìn vào thái độ hưng phấn của Sơn và mọi người giữa bàn tiệc, tôi chỉ biết im lặng và tốt
nhất là cùng tham dự vào cuộc rượu. Và cũng không mấy khi tôi hòa nhập vào cuộc rượu
một cách tự nguyện như hôm nay. Vì bên cạnh tôi có Sơn, giữa bầu không khí bạn bè anh
em, nơi miền đất tôi đã sinh ra và trải qua suốt quãng đời thơ ấu, và cũng phải nhiều năm
tôi mới có cơ hội quay về.
Cuộc rượu vẫn kéo dài dù đã hơn một giờ sáng, ai nấy đều mệt mỏi, Sơn cũng đã chếnh
choáng, nhưng vẫn tiếp tục uống. Dù đã uống khá nhiều tôi bắt đầu thấm mệt, nhưng tôi
nhìn thấy trên bàn hai chai Chivas Rigal còn nguyên chưa mở. Tôi thầm nghĩ, nếu cứ tiếp
tục, sức khỏe Sơn sẽ có vấn đề ngay. Chắc chắn sáng mai Sơn không thể làm gì được với
những công việc đã có dự tính trước. Tôi nghe nói sáng mai Sơn có ý định đi thăm mộ của
ba Sơn. Mộ ba Sơn đã được chôn ở Ngự Bình, chỉ có mộ mẹ Sơn và bà ngoại là chôn ở
nghĩa trang Gò Dưa. Tôi muốn cuộc rượu ngưng ở đây, nên đã rất kín đáo tìm cách giấu đi
hai chai rượu còn lại.
Khi trên bàn đã hết rượu, tôi tuyên bố tạm ngừng cuộc rượu ở đây cho Sơn nghỉ và vì đêm
cũng đã khuya. Tất cả mọi người đều tán đồng, Sơn cũng không phản đối, hay không đủ sự
tỉnh táo để phản đối, vì anh đã không gượng nổi. Khi Sơn được dìu lên phòng, thì Bửu Ý
và Định Giang mới ra về. Định Giang đi xe đạp, chúng tôi bắt Giang để xe lại khách sạn,
gọi taxi về. Nhưng Định Giang nhất dịnh không chịu, cứ đòi về bằng xe đạp của mình. Sau
đó mọi người ai về phòng nấy.
Sáng sớm hôm sau, thức dậy tôi bước nhanh qua giường của Sơn, vì tôi ở chung một
phòng với Sơn. Tôi muốn biết tình trạng sức khoẻ của Sơn thế nào, vì tôi biết Sơn uống
nhiều. Nhưng vừa thấy tôi bước vào, Sơn đã lên tiếng hỏi:
- Hai chai rượu hôm qua “toi” giấu ở đâu?
Tôi hơi bất ngờ trước câu hỏi của Sơn, chỉ còn biết nhìn Sơn cười thú nhận.
5.2000
3. MỘT CUỘC GIAO LƯU
Tối hôm đó, khoảng giữa tháng 9.2000. Sơn và tôi đang chuẩn bị đến rạp hát Long Phụng
ở đường Lý Tự Trọng để tham dự chương trình Giao lưu Âm nhạc và Hội họa của họa sĩ
Trịnh Cung. Nhưng khi chúng tôi vừa xuống tới nhà dưới thì bất ngờ một người bạn của
Sơn, anh mới vừa từ Pháp về, xuống máy bay là anh đi thẳng tới nhà Sơn. Gặp lại bạn cũ
Sơn rất mừng, mà đối với Sơn thì không kể bạn mới hay bạn cũ khi họ đến nhà, Sơn đều
rất trân trọng và thân tình, nên Sơn đã nán lại tiếp bạn. Chúng tôi ngồi với nhau, rót rượu,
uống một vài ly theo thói quen của Sơn.
Ngồi được một lát thì điện thoại bàn của Sơn vang lên. Sơn nhấc máy. Bên kia có tiếng
nói, tôi đưa mắt nhìn Sơn dò hỏi. Sơn hiểu ý gật đầu:
- Trịnh Cung gọi. "Lui" muốn "moi" tới cho kịp khai mạc.
Sơn nhìn người bạn từ xa về hơi có phần lúng túng, nhưng rồi Sơn nói một cách chân tình:
- Hôm nay, Trịnh Cung có một chương trình Giao lưu Âm nhạc và Hội họa, có mời "moi"
tham dự, hay "toi" đi đến đó dự với tụi "moi" luôn. Vì cũng là anh em cả mà.
Người bạn của Sơn đứng dậy:
- Xin lỗi anh Sơn, vì nôn nóng muốn gặp anh, nên tôi đi thẳng đến nhà anh mà không báo
trước. Vậy anh Sơn cứ đi dự chương trình như đã dự định, tôi xin phép về khách sạn tắm
rửa nghỉ mệt, hôm sau sẽ liên lạc với anh. Lần nầy tôi về được hai tuần, chỉ dự hội nghị có
3 ngày.
Tất cả đứng dậy, bước xuống những bậc cấp. Sơn nắm tay người bạn:
- "Toi" nhớ liên lạc với "moi", trong tuần nầy "moi" không bận lắm. Thỉnh thoảng ghé nhà
"moi" ăn cơm.
Tôi cũng theo Sơn tiễn người bạn ra cửa. Bất chợt lại có tiếng điện thoại bàn của Sơn reo
lên, tôi quay lại nhấc máy. Bên kia giọng Trịnh Cung có vẻ nôn nóng:
- Sơn đã đi chưa?