Tải bản đầy đủ (.pdf) (89 trang)

(Luận văn thạc sĩ) TRUYỆN NGẮN NGUYỄN DẬU DƯỚI GÓC NHÌN VĂN HÓA

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (895.17 KB, 89 trang )

VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI

ĐINH THỊ HIỀN

TRUYỆN NGẮN NGUYỄN DẬU DƯỚI GÓC NHÌN VĂN HÓA

LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC VIỆT NAM

HÀ NỘI, 2019


VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM


HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI

ĐINH THỊ HIỀN

TRUYỆN NGẮN NGUYỄN DẬU DƯỚI GÓC NHÌN VĂN HÓA

Ngành: Văn học Việt Nam
Mã số: 8 22 01 21

NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
PGS.TS. LÊ THỊ DỤC TÚ

HÀ NỘI, 2019


LỜI CAM ĐOAN


Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Đề tài do cá nhân
tôi nghiên cứu; các số liệu, kết quả nêu trong luận văn là trung thực và có nguồn trích
dẫn; bố cục, phông chữ của luận văn đúng với quy định và đề tài chưa từng được ai
công bố trong bất kỳ công trình nào khác.
Hà Nội, ngày tháng năm 2019
HỌC VIÊN

Đinh Thị Hiền


MỤC LỤC
MỞ ĐẦU..............................................................................................................................1
Chương 1. MỐI QUAN HỆ GIỮA VĂN HÓA – VĂN HỌC VÀ HÀNH TRÌNH
SÁNG TÁC CỦA NHÀ VĂN NGUYỄN DẬU ............................................................7
1.1. Khái niệm văn hóa - văn học. ...................................................................................7
1.2. Mối quan hệ giữa văn hóa và văn học......................................................................9
1.3. Phương pháp tiếp cận văn học dưới góc nhìn văn hóa .........................................11
1.4. Hành trình sáng tác của nhà văn Nguyễn Dậu .....................................................13
Chương 2. CÁC GIÁ TRỊ VĂN HÓA TRONG TRUYỆN NGẮNCỦA
NGUYỄN DẬU ................................................................................................................19
2.1. Con người – đối tượng thẩm mĩ mang dấu ấn văn hóa.........................................19
2.2. Không gian - nơi lưu giữ những giá trị văn hóa ....................................................44
Chương 3. MỘT SỐ PHƯƠNG DIỆN NGHỆ THUẬTTRONG TRUYỆN
NGẮN NGUYỄN DẬU...................................................................................................56
3.1. Cốt truyện.................................................................................................................56
3.2. Tình huống truyện ...................................................................................................64
3.3.Giọng điệu trần thuật ................................................................................................70
KẾT LUẬN .......................................................................................................................79
TÀI LIỆU THAM KHẢO..............................................................................................81



MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Văn học và văn hóa có mối quan hệ gắn bó mật thiết. Văn học là một bộ phận của
văn hóa, một trong những yếu tố quan trọng góp phần hình thành bản sắc văn hóa dân
tộc. Văn học không chỉ có khả năng nhận thức, phản ánh, truyền tải và lưu giữ các giá trị
văn hóa mà còn góp phần kiến tạo các giá trị văn hóa mới. Diện mạo và các giá trị văn
hóa tiêu biểu của một cộng đồng người được thể hiện qua văn học.
Có nhiều cách tiếp cận trong nghiên cứu văn học. Trong thời đại hội nhập ngày nay,
cùng với những tiến bộ của nghiên cứu văn học và thời đại, cần có cách nhìn, cách đánh
giá mới mẻ hơn, khoa học, hữu hiệu, chân xác hơn về tác phẩm văn chương. Tiếp cận tác
phẩm văn học dưới góc nhìn văn hóa là một hướng khai thác xuất hiện từ đầu thế kỉ XX,
giúp người nghiên cứu vừa có thể khai thác sâu giá trị nội tại của tác phẩm, vừa có cái
nhìn bao quát toàn diện về giá trị của tác phẩm trong cái nhìn soi chiếu với văn hóa của
cộng đồng, dân tộc.
Truyện ngắn có những đặc điểm và thế mạnh riêng trong các thể loại văn học.
Truyện ngắn là một thể loại tự sự có hình thức ngắn gọn, cơ động mà vẫn chuyển tải
được những vấn đề cơ bản của đời sống: “nội dung của truyện ngắn bao trùm hầu hết các
phương diện của đời sống: đời sống thế sự hay sử thi, nhưng cái độc đáo của nó là ngắn.
Truyện ngắn được viết ra để tiếp thu liền một mạch, đọc một hơi không nghỉ”. Với đặc
điểm nhỏ gọn, phong phú về ngôn ngữ, nhân vật, tình tiết, truyện ngắn là thể loại gần gũi
với đời sống hàng ngày và giữ ưu thế trong việc truyền tải bức tranh muôn màu của đời
sống sinh hoạt vật chất cũng như tinh thần của con người.
Trong dòng văn học đương đại, nhà văn Nguyễn Dậu xuất hiện lặng lẽ, điềm
đạm nhưng cũng đã để lại một dấu ấn đậm nét. Dù hành trình sáng tác không liên tục
nhưng sự nghiệp văn học của ông khá dày dặn, phong phú với một phong cách riêng
biệt, đặc biệt là ở thể loại truyện ngắn. Tuy nhiên, truyện ngắn Nguyễn Dậu chưa được
nhắc đến nhiều trong các tài liệu học tập và nghiên cứu. Chưa có nhiều công trình nghiên
cứu truyện ngắn của ông một cách hệ thống, chuyên sâu và toàn diện. Hơn nữa, các công


1


trình nghiên cứu mới chỉ đề cập đến một vài nét về phong cách truyện ngắn của Nguyễn
Dậu thông qua một số lượng nhân vật và một số nét đặc trưng trong nghệ thuật viết
truyện ngắn, chưa đi sâu vào mối quan hệ giữa văn hóa và văn học trong truyện ngắn
của ông.
Vì thế, luận văn này mong muốn đi sâu vào tìm hiểu thế giới nghệ thuật của
truyện ngắn Nguyễn Dậu đặt trong mối liên hệ giữa văn học và văn hóa. Với phương
pháp tiếp cận văn hóa học, chúng tôi muốn đóng góp một vài ý kiến chủ quan đối với
hiện tượng truyện ngắn Nguyễn Dậu, hi vọng góp phần có cái nhìn đúng đắn, toàn diện
hơn về nhà văn. Từ đó, khẳng định vị trí và đánh giá một cách thỏa đáng đóng góp của
nhà văn cho thể loại truyện ngắn nói riêng, văn học Việt Nam đương đại nói chung.
2. Tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài
Truyện ngắn Nguyễn Dậu như đã nói là một hiện tượng văn học không mới. Tuy
nhiên, trong nhiều thập kỉ, truyện ngắn của ông không được nhắc đến nhiều trong các tài
liệu học tập và nghiên cứu. Cũng đã có một số những bài nhận xét khái quát về truyện
ngắn Nguyễn Dậu nhưng mới chỉ dừng lại ở từng truyện ngắn hay từng tập truyện riêng
lẻ. Chưa có một cái nhìn hệ thống khi nhận diện truyện ngắn của nhà văn này. Vì vậy,
chưa làm rõ đựợc những nét đặc sắc của truyện ngắn Nguyễn Dậu, nhất là đặt dưới góc
nhìn văn hóa.
Cuộc đời và sự nghiệp của nhà văn Nguyễn Dậu được nhắc đến chủ yếu là các bài
giới thiệu ngắn theo dạng tiểu sử trong các tuyển tập văn học vùng miền. Những đồng
nghiệp yêu mến trân trọng cuộc đời người nghệ sĩ đã viết bài về ông để nhắc nhở, để tiếc
thương cho một người có tài mà văn nghiệp truân chuyên trong một thời kì biến động
của lịch sử. Nhà văn Nguyễn Dậu được nhắc đến qua vài dòng giới thiệu về tiểu sử (năm
sinh, năm mất, quê quán và một vài nét về quá trình làm việc) trong thư mục của thư
viện Hải Phòng và qua các bài viết của đồng nghiệp. Về sự nghiệp văn chương, cũng chỉ
có một số bài viết giới thiệu sơ lược về quá trình từ cầm bút đến thành danh của nhà văn
Nguyễn Dậu.


2


Trên trang ngày 17/7/2007, nhà văn Nguyễn Dậu được
nhắc đến trong bài viết có tên Truyện làng văn của tác giả Hoàng An. Tác giả Hoàng An
đã giới thiệu Nguyễn Dậu là một cây bút văn xuôi với nhiều tiểu thuyết và truyện ngắn
như Mở hầm, Nàng Kiều Như, Nhọc nhằn sông Luộc, Xanh vàng trắng đỏ đen (tiểu
thuyết), Con thú bị ruồng bỏ, Chó sói ngửi chân, Hương khói lòng ai (tập truyện ngắn)...
và là một nhà văn có sức viết mãnh liệt. Trong khoảng chừng mươi năm cuối đời, do
mắc bệnh tim nặng và biết được quỹ thời gian của mình còn eo hẹp nên ông ít giao du,
kiệm lời và tập trung sức lực cho sáng tác. Ông viết khá nhanh. Có truyện ngắn, ông viết
một đêm là xong. Chỉ trong một thời gian ngắn cuối đời, Nguyễn Dậu cho xuất bản liên
tục ba bốn cuốn tiểu thuyết dày dặn cỡ ba, bốn trăm trang.
Bài viết Nhà văn Nguyễn Dậu và sức sống của ngòi bút của tác giả Vũ Quốc Văn
đăng trên trang vanthoviet.com (1/9/2011) đã biên niên lại cuộc đời và sự nghiệp của
Nguyễn Dậu, hé lộ một cuộc đời nhiều cay đắng, nhọc nhằn, truân chuyên của nhà văn
trong đời thực cũng như trong văn chương. Tác giả Vũ Quốc Văn cho hay, Nguyễn Dậu
đã bị phê phán từ sự kiện tác phẩm bị “xét lại” của văn học những năm 1960 mà theo lối
phê bình lúc đó gọi là các tác phẩm viết theo kiểu “tự nhiên chủ nghĩa”. Các tiểu thuyết
Mở hầm của Nguyễn Dậu cùng các tiểu thuyết Nhãn đầu mùa của tác giả Xuân Tùng,
Trần Thanh, Mùa hoa dẻ của Văn Linh đã bị giới phê bình lúc đó khai tử. Sau sự kiện
ấy, Nguyễn Dậu đã xa rời sự nghiệp viết trong nhiều năm, nhưng lòng yêu nghề đã hối
thúc ông quay trở lại, sáng tác trong niềm đam mê sáng tạo mãnh liệt trong những năm
cuối đời.
Bài viết Nguyễn Dậu - Nhọc nhằn sông Luộc, tác giả Kiến Văn (đăng trên tạp chí
Văn nghệ Quân đội ra ngày 22/09/1911) lại tập trung vào quãng đời sau khi tiểu thuyết
Mở hầm bị phê phán. Bài viết đã cho thấy tác giả vẫn vẹn nguyên niềm say mê với
nghiệp viết sau 28 năm không cầm bút. Các sáng tác trong chặng đường mười năm cuối
đời của ông thể hiện lòng yêu nghề, yêu đời, đem đến thông điệp về lối sống có lương tri

cho mọi người.

3


Bài Nhà văn Nguyễn Dậu và nhà văn Vũ Bão, hai người anh, hai bàn phím, một
giấc mơ…của nhà văn Nguyễn Khắc Phục đăng trên trannhuong.net (16/7/2013) kể lại
một kỉ niệm trùng hợp về hai nhà văn Nguyễn Dậu và nhà văn Vũ Bão. Hai nhà văn
được bạn bè đồng nghiệp tặng cho chiếc máy chữ để bớt đi sự nhọc nhằn trong sáng tác
nhưng cả hai không dùng được bao lâu thì qua đời. Dù cặm cụi lao lực vất vả trên từng
trang viết, không hề có sự hỗ trợ của công nghệ nhưng nhà văn Nguyễn Dậu và Vũ Bão
để lại một sự nghiệp văn chương phong phú, giàu có, truyền tải thông điệp nhân văn đến
với độc giả: “hai người anh, hai bàn phím gõ chữ mà cùng một giấc mơ: Mơ văn
chương tử tế giúp ích cho đời, văn chương cho thỏa chí tang bồng hồ thỉ, văn chương là
sống, yêu, hi vọng và hướng tới những điều tốt đẹp nhất…”. Những tác phẩm mà nhà
văn Nguyễn Dậu để lại, đặc biệt ở giai đoạn sau Đổi mới, đã chứng minh giá trị nhân văn
sâu sắc đằng sau những trang viết vô cùng hấp dẫn của ông.
Nhà nghiên cứu Lê Thị Dục Tú trong cuốn Từ điển tác phẩm văn xuôi (tập 3)
cũng đánh giá về truyện ngắn của Nguyễn Dậu. Từ việc khái quát nội dung cụ thể của
hai tập truyện ngắn Đôi hoa tai lóng lánh và Con thú bị bỏ hoang, nhà nghiên cứu khẳng
định nét đặc sắc nghệ thuật trong truyện ngắn của Nguyễn Dậu là “Văn của Nguyễn Dậu
mang sắc thái ngôn ngữ đời thường. Cách kể chuyện ở ngôi thứ nhất (nhân vật xưng
“tôi”) làm cho truyện của ông giàu sức thuyết phục. Đồng thời, nhà nghiên cứu cũng
nhận định về giá trị nội dung tư tưởng trong truyện của Nguyễn Dậu là “bức thông điệp
của hầu hết các truyện của Nguyễn Dậu là tình thương và lòng nhân hậu. Chỉ có điều đó
mới cảm hóa được con người và làm cho cuộc sống tốt đẹp lên” [34, tr.221-223].
Luận văn Thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn của Nguyễn Dậu của tác giả Lê
Thị Vân Khánh là công trình nghiên cứu đầu tiên có cái nhìn tương đối hệ thống về
truyện ngắn của Nguyễn Dậu. Đặt truyện ngắn của Nguyễn Dậu trong tương quan với
truyện ngắn Việt Nam đương đại, tác giả đã chỉ ra các kiểu nhân vật cũng như một số

phương diện nghệ thuật trong truyện ngắn của nhà văn. Qua đó, người viết đã phần nào
phác thảo những nét đặc sắc trong phong cách sáng tác cũng như một số những đóng
góp nổi bật của nhà văn.

4


Từ sau 1975, Việt Nam bước sang một thời kì mới, thời kì thống nhất đất nước,
tự do, hòa bình và dân chủ. Không khí dân chủ và hiện thực đời sống đa dạng đã tạo tiền
đề cho sự xuất hiện của các cây bút trẻ. Giới nghiên cứu phê bình văn học lúc này tập
trung ưu tiên nghiên cứu về các tên tuổi mới với sự phá cách trong lựa chọn đề tài và bút
pháp. Bên cạnh đó, nghiên cứu văn học tập trung vào các tên tuổi bước từ thời chiến
tranh sang thời Đổi mới như Bảo Ninh, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Huy Thiệp…
Trong bối cảnh đó, tên tuổi của Nguyễn Dậu dường như bị lãng quên. Vì thế, như
một yêu cầu tất yếu, cần phải xem xét, khẳng định lại giá trị văn chương của Nguyễn
Dậu nói chung và truyện ngắn của Nguyễn Dậu nói riêng. Luận văn Truyện ngắn
Nguyễn Dậu dưới góc nhìn văn hóa hy vọng sẽ đưa lại cái nhìn đầy đủ và chi tiết hơn về
truyện ngắn Nguyễn Dậu, góp phần làm sáng rõ rõ mối quan hệ giữa văn học và văn
hóa; đồng thời cho thấy những đóng góp nổi bật của nhà văn về tư tưởng và đặc sắc nghệ
thuật trong truyện ngắn dưới góc nhìn văn hóa.
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
Luận văn hướng tới việc giải quyết những vấn đề sau:
- Luận văn dựa vào các phạm trù văn hóa, soi tỏ mối quan hệ giữa văn hóa và văn
học, khẳng định những phương thức biểu đạt của văn hóa trong văn học.
- Luận văn đi sâu vào truyện ngắn của Nguyễn Dậu như một hiện tượng văn hóa
cụ thể, chỉ ra những giá trị ẩn sâu trong truyện ngắn của Nguyễn Dậu, từ đó làm rõ căn
nguyên tồn tại chất văn hóa trong sáng tác của nhà văn.
- Khẳng định nét độc đáo về tư tưởng, nội dung, nghệ thuật trong truyện ngắn của
Nguyễn Dậu dưới góc nhìn văn hóa. Qua đó làm làm nổi bật sự đóng góp của Nguyễn
Dậu trong văn học Việt Nam hiện đại.

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
4.1. Đối tượng nghiên cứu
Ở đề tài này, người viết hướng tới đối tượng nghiên cứu là truyện ngắn của nhà văn
Nguyễn Dậu và những giá trị văn hóa biểu hiện trong các tác phẩm, khảo sát trong các
tập truyện ngắn được viết từ sau năm 1986.

5


4.2. Phạm vi nghiên cứu
Luận văn nghiên cứu những bình diện văn hóa được đề cập trong truyện ngắn của
nhà văn Nguyễn Dậu, tập trung ở các tập truyện ngắn được viết từ sau năm 1986, bao
gồmcác tập truyện ngắn sau: Con thú bị ruồng bỏ (1990), Đôi hoa tai lóng lánh (1996),
Bảng lảng hoàng hôn(1997),Gió núi mây ngàn (2000).
Trong quá trình nghiên cứu, đề tài sẽ có sự đối sánh với các tác phẩm khác cùng
nằm trong dòng chảy văn học đương đại Việt Nam.
5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu
Khi thực hiện đề tài này, tác giả sử dụng một số phương pháp nghiên cứu sau:
- Phương pháp tiếp cận hệ thống.
- Phuơng pháp phân tích, tổng hợp
- Phương pháp liên ngành
- Phương pháp phân tích văn bản
Quá trình nghiên cứu đề tài đồng thời sử dụng các thao tác: so sánh - đối
chiếu…nhằm bổ trợ cho việc triển khai đề tài.
6. Ý nghĩa lí luận và thực tiễn
- Luận văn góp phần làm rõ mối quan hệ giữa văn hóa và văn học, khẳng định vai
trò của phương pháp nghiên cứu văn học dưới góc nhìn văn hóa.
- Luận văn góp phần tìm hiểu những giá trị văn hóa trong truyện ngắn của
Nguyễn Dậu. Từ đó, góp phần khẳng định tên tuổi, vị trí của Nguyễn Dậu trong nền văn
học Việt Nam hiện đại.

7. Kết cấu của luận văn
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Tài liệu tham khảo, luận văn bao gồm 3 chương:
Chương 1: Mối quan hệ giữa văn học và văn hóa và hành trình tác của nhà văn
Nguyễn Dậu
Chương 2: Những giá trị văn hóa tiêu biểu trong truyện ngắn của Nguyễn Dậu
Chương 3: Một số phương diện nghệ thuật thể hiện những giá trị văn hóa trong
truyện ngắn Nguyễn Dậu

6


Chương1
MỐI QUAN HỆ GIỮA VĂN HÓA – VĂN HỌC
VÀ HÀNH TRÌNH SÁNG TÁC CỦA NHÀ VĂN NGUYỄN DẬU
1.1. Khái niệm văn hóa.
Văn hóa là khái niệm được đề cập đến trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu như dân tộc
học, nhân loại học, dân gian học, địa văn hóa học, văn hóa học, xã hội học,...và trong mỗi
lĩnh vực nghiên cứu đó định nghĩa về văn hóa cũng khác nhau. Ngay từ năm 1952, hai
nhà nhân loại học Mỹ là Alfred Kroeber và Clyde Kluckhohn đã từng thống kê có tới
164 định nghĩa khác nhau. Theo nhà nghiên cứu Phan Ngọc thì cho đến năm 1994,
những định nghĩa về văn hóa trên thế giới đã chạm ngưỡng con số kỉ lục là 420 định
nghĩa. Những con số khổng lồ đó phán ánh những cách nhìn nhận và đánh giá khác nhau
về văn hóa, đồng thời là minh chứng cho tính đa nguyên của văn hóa.
Văn hóa được bắt nguồn từ chữ Latinh "Cultus" mà nghĩa gốc là gieo trồng, được
dùng theo nghĩa Cultus Agri là "gieo trồng ruộng đất" và Cultus Animi là "gieo trồng
tinh thần" tức là "sự giáo dục bồi dưỡng tâm hồn con người”. Đây là khái niệm mang nội
hàm rộng với rất nhiều cách hiểu khác nhau, liên quan đến mọi mặt đời sống vật chất và
tinh thần của con người. Khi nói về văn hóa, mỗi người có một quan điểm khác nhau.
Chúng tôi chỉ xin trích dẫn một vài định nghĩa được coi là tiêu biểu nhất:
Tại hội nghị Quốc tế UNESCO (1992) tại Mexico, các nhà văn hóa trên thế giới đã

thống nhất khái niệm về văn hóa như sau: Văn hóa là tổng thể những nét riêng biệt về
vật chất và tinh thần, trí tuệ và cảm xúc, quyết định tính cách của một xã hội hay một
nhóm người trong xã hội. Văn hóa bao gồm nghệ thuật và văn chương, những lối sống,
những quyền cơ bản về con người, những hệ thống và giá trị, tập tục và tín ngưỡng. Văn
hóa đem lại cho con người khả năng soi xét về bản thân.[49]
Theo tác giả Edouard Herriot thì “Văn hóa là cái còn lại khi ta đã quên đi tất cả, là
cái vẫn thiếu khi người ta đã học tất cả”.[55;tr.1]

7


Ở trong nước, khái niệm văn hóa được đề cập đến trong môt số công trình nghiên
cứu của các nhà văn hóa như: Phan Ngọc, Đào Duy Anh, Nguyễn Văn Huyên, Phan Kế
Bính, Trần Ngọc Thêm, Từ Chi…
Theo Từ điển Tiếng Việt (1992), văn hóa được định nghĩa là: “Tổng thể nói chụng
những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình lịch
sử”.[33;tr1079]
Chủ tịch Hồ Chí Minh lại cho rằng văn hóa là toàn bộ những gì do con người sáng
tạo và phát minh ra: Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới
sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn
học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoại hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương
thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hoá. Văn hoá là sự
tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản
sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn.[43;tr.55]
Với cố thủ tướng Phạm Văn Đồng, văn hóa là những gì đối lập với thiên nhiên và
do con người sáng tạo nên: “Nói tới văn hóa là nói tới một lĩnh vực vô cùng phong phú
và rộng lớn, bao gồm tất cả những gì không phải là thiên nhiên mà có liên quan đến con
người trong suốt quá trình tồn tại, phát triển, quá trình con người làm nên lịch sử… (văn
hóa) bao gồm cả hệ thống giá trị: tư tưởng và tình cảm, đạo đức với phẩm chất, trí tuệ
và tài năng, sự nhạy cảm và sự tiếp thu cái mới từ bên ngoài, ý thức bảo vệ tài sản và

bản lĩnh của cộng đồng dân tộc, sức đề kháng và sức chiến đấu bảo vệ mình và không
ngừng lớn mạnh” .[56;tr.3]
Trong tác phẩm Cơ sở văn hóa Việt Nam và Tìm hểu về văn hóa Việt Nam, nhà
nghiên cứu Trần Ngọc Thêm khẳng định nội hàm văn hóa bao gồm những giá trị vật
chất và tinh thần do con người sáng tạo ra và phải mang tính nhân tính: “Văn hóa là một
hệ thống hữu cơ các giá tri vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra và tích lũy qua
quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự
nhiên và xã hội” [55, tr. 24].

8


Văn học là một loại hình sáng tác, tái hiện những vấn đề của đời sống xã hội và con
người. Phương thức sáng tạo của văn học được thông qua sự hư cấu, cách thể hiện nội
dung các đề tài được biểu hiện qua ngôn ngữ.
Văn học có các thể loại khác nhau như: tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, kịch bản, lí
luận phê bình. Văn học có lịch sử phát triển từ lâu đời, là sự phát triển của văn học dân
gian.
Nhìn chung, các định nghĩa về văn hóa hiện nay rất đa dạng. Sự đa dạng của các
khái niệm phản ánh những hướng tiếp cận khác nhau. Trong mỗi thời điểm lịch sử, khái
niệm văn hóa lại có nét khác biệt, bản thân chúng không thể bao quát đầy đủ nội hàm
rộng lớn của văn hóa mà chỉ tóm lược khía cạnh nào đó của văn hóa. Tuy nhiên, các định
nghĩa về văn hóa đều thống nhất coi văn hóa là sản phẩm sáng tạo của con người, được
tạo ra và phát triển trong quan hệ qua lại giữa con người và xã hội. Văn hóa là tổng hòa
tất cả các khía cạnh của đời sống, mang dấu ấn của con người. Văn hóa cũng thể hiện
trình độ phát triển của con người, là nấc thang đưa con người vượt lên trên những loài
động vật khác, là kết quả của sự tiến hóa nhân loại.
1.2. Mối quan hệ giữa văn hóa và văn học
Xét trong mối quan hệ giữa văn học và văn hóa thì văn học chính là một bộ phận
trong tổng thể của văn hóa, một yếu tố không thể tách rời của hệ thống văn hóa. Trong

công trình Mỹ học sáng tạo ngôn từ, M. Bakhtin xác định: “Văn học là một bộ phận
không thể tách rời của văn hóa. Không thể hiểu nó ngoài cái mạch nguyên vẹn của toàn
bộ văn hóa của một thời đại trong đó nó tồn tại”.[4;tr.2] Đây là mối quan hệ khăng khít,
tương trợ lẫn nhau và mang tính biện chứng, phản ánh đặc điểm có tính quy luật của
quan hệ riêng chung mang tầm triết học: “cái riêng chỉ tồn tại trong mức độ liên hệ với
cái chung. Cái chung chỉ tồn tại trong cái riêng, thông qua cái riêng”. Văn học là thành
tố của văn hóa thể hiện mối quan hệ tác động, chi phối giữa hệ thống với thành tố, giữa
toàn thể với bộ phận trong cơ tầng văn hóa. Mối quan hệ giữa văn học với văn hóa được
thể hiện trên các phương diện sau đây:

9


Trước hết, văn học là sản phẩm và là hiện thân của văn hóa. Văn học là một bộ
phận trong tổng thể hệ hình văn hóa, không nằm ngoài hệ thống văn hóa. Văn học phản
ánh hiện thực thông qua lăng kính văn hóa và là hiện thân của văn hóa. Điều đó có nghĩa
là trong văn học luôn bộc lộ rõ nét bản chất văn hóa của một đất nước. Văn học là sản
phẩm của lịch sử, là sản phẩm sáng tạo của loài người, có trách nhiệm phản ánh lịch sử
tồn tại của các thời đại với những giá trị mang bản sắc riêng. Trong văn học luôn bộc lộ
rõ nét bản sắc văn hóa của một đất nước và những tác phẩm văn học luôn mang trong
mình những biểu hiện văn hóa của một vùng quê, một đất nước. Tác giả Trần Lê Bảo
khẳng định: “Văn học chẳng những là một bộ phận của văn hóa, chịu sự chi phối ảnh
hưởng trực tiếp từ văn hóa mà còn là một trong những phương diện tồn tại và bảo lưu
văn hóa. Văn học chịu ảnh hưởng trực tiếp từ môi trường văn hóa thời đại và truyền
thống văn hóa độc đáo của một dân tộc, đồng thời thể hiện cả nội hàm tâm lí văn hóa
độc đáo của một thời đại và một cộng đồng dân tộc. Cùng với hệ thống giá trị văn hóa là
những mô thức văn hóa riêng của một cộng đồng dân tộc, văn học đã tự giác tiếp nhận
và thể hiện những giá trị và mô thức mà cả cộng đồng tôn trọng và tuân thủ” [4, tr. 5].
Văn học là tấm gương phản chiếu văn hóa và nhà văn là “người thư kí trung
thành của thời đại” (Balzac). Tác phẩm là đứa con tinh thần của người nghệ sĩ, là sản

phẩm của thời đại. Nhà văn đắm mình trong không khí thời đại, nắm vững tinh thần thời
đại cùng với môi trường, vốn sống, vốn văn hóa…để hình thành ý tưởng nghệ thuật. Vì
thế, người cầm bút dù muốn hay không cũng tiếp nhận và tái tạo những thành tố văn hóa
của cộng đồng mình, những nét đặc trưng văn hóa mỗi vùng miền và chỉ thực sự trở
thành nhà văn lớn khi đạt đến tầm vóc của một nhà văn hóa – tư tưởng.
Văn học có chức năng bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống
của cha ông để lại và nhà văn là cầu nối chuyển giao những giá trị đó.
Không những thế, văn học còn là sự kết tinh các giá trị văn hóa và sản sinh ra các giá trị
văn hóa tinh thần mới. Nhà thơ Tố Hữu đã từng nói: “Văn học thực chất là cuộc đời.
Văn học sẽ không là gì cả nếu không vì cuộc đời mà có. Cuộc đời là nơi xuất phát và
cũng là nơi đi tới của văn học”. Trong cuộc đời, cái bản chất nhất, làm nên tính người

10


chính là văn hóa, là những ứng xử văn hóa, quy chuẩn đạo đức làm người. Văn học gìn
giữ và bảo lưu những giá trị văn hóa truyền thống. Nhà văn khi sáng tạo luôn chịu sự chi
phối của các thành tố, những quy phạm của văn hóa cộng đồng, tuân thủ nghiêm ngặt
những hệ giá trị ngầm được hoạch định sẵn trong tâm thức văn hóa của mỗi người.
Những giá trị tốt đẹp của văn học sẽ được lưu truyền, gìn giữ và phát huy trong các thế
hệ con người và thời đại dân tộc.
Văn học còn có khả năng đặc biệt, tạo ra các giá trị văn hóa, trong đó quan trọng
nhất là giá trị ngôn ngữ dân tộc và những giá trị tư tưởng của mỗi cá nhân con người
trong dân tộc. Giáo sư Trần Đình Sử cho rằng: “Sáng tạo văn học không đơn giản chỉ là
nói càng nhiều về các hiện tượng mới của đời sống. Các hiện tượng mới chưa chắc đã là
văn hóa. Nó có thể nhất thời và sớm muộn sẽ bị đào thải. Cùng với việc sáng tạo ra nhân
sinh quan, sáng tạo cách cảm nhận mới và đánh giá mới đối với đời sống, văn học phải
sáng tạongôn ngữ mới, hình thức mới [54, tr.2].Trên hành trình phát triển của dân tộc,
ngôn ngữ văn học luôn đóng một vai trò quan trọng trong việc lưu giữ và sáng tạo các
giá trị văn hóa dân tộc. Những giá trị ngôn ngữ truyền thống, đặc biệt là ngôn ngữ dân

gian luôn là tài sản quý giá của mỗi dân tộc trong bất cứ thời kì nào.
Bên cạnh đó, văn học còn bảo vệ, gìn giữ và hun đúc lên một giá trị độc đáo là
nhân phẩm con người, nhân cách văn hóa. Văn học có khả năng tác động, điều chỉnh
hành vi của con người trong mối quan hệ với môi trường tự nhiên, xã hội và với chính
bản thân. Văn học góp phần cấu tạo, hoàn thiện, phát triển nhân cách con người trong
tổng hòa nhân cách văn hóa dân tộc, nhân loại. Văn học không chỉ phản ánh các giá trị
như đạo lí làm người, các chuẩn mực, phong tục, tập quán, tín ngưỡng… mà còn hun
đúc nên các giá trị đạo lí, nâng lên tầm tư tưởng và giáo dục cho thế hệ mai sau.
1.3. Phương pháp tiếp cận văn học dưới góc nhìn văn hóa
Với mối quan hệ khăng khít không thể tách rời như vậy, cho nên, nghiên cứu
văn học phải luôn đặt nó trong mối quan hệ với văn hóa. Một trong những người khởi
xướng cho xu hướng tiếp cận văn học bằng văn hóa là Mikhail. M. Bakhtin – Giáo sư
văn học người Nga. Bakhtin quan niệm: “Trước hết khoa học nghiên cứu văn học cần

11


phải gắn bó chặt chẽ với văn hóa. Không thể hiểu nó ngoài cái bối cảnh nguyên vẹn của
toàn bộ văn hóa một thời đại trong đó nó tồn tại. Không được tách nó khỏi các bộ phận
khác của văn hóa, cũng như không được như người ta vẫn làm, và trực tiếp gắn với các
nhân tố xã hội – kinh tế, vượt qua đầu văn hóa. Những nhân tố xã hội – kinh tế tác động
tới toàn bộ văn hóa nói chung, và chỉ thông qua văn hóa, mới tác động được tới văn học.
(M. Bakhtin, Mỹ học sáng tạo ngôn từ). Ở nước ta, không ít công trình nghiên cứu văn
học đi sâu vào tìm hiểu bản sắc dân tộc trong văn học, xem bản sắc dân tộc như là phẩm
chất của văn học và ngược lại, không ít những công trình nghiên cứu văn hóa xem trọng
dẫn liệu văn học như những dấu hiệu, tiêu chí góp phần làm sáng tỏ đặc điểm văn hóa,
bản sắc văn hóa của dân tộc.
Nghiên cứu tác phẩm văn học theo quan điểm văn hóa là vận dụng những tri thức về văn
hóa để nhận diện giải mã các yếu tố của thi pháp tác phẩm. Phương pháp này ưu tiên cho
việc phục nguyên không gian văn hóa trong đó tác phẩm đã ra đời, xác lập sự chi phối

của các quan niệm triết học, tôn giáo, đạo đức, luật pháp, chính trị, thẩm mĩ…từng tồn tại
trong không gian văn hóa xác định đối với tác phẩm về các mặt xây dựng nhân vật, kết
cấu, mô típ, hình tượng, ngôn ngữ. Đây thực chất là phương pháp tiếp cận liên ngành,
yêu cầu vận dụng tổng hợp các tri thức về lịch sử, nhân học, tôn giáo, khảo cổ học…để
làm sáng tỏ các hiện tượng thi pháp trong các tác phẩm văn học. Phương pháp tiếp cận
văn hóa học lấy con người làm trung tâm để để xây dựng hệ thống vấn đề miêu tả trong
tác phẩm. Con người với tư cách là thực thể văn hóa bao giờ cũng tồn tại trong ba mối
quan hệ cơ bản: quan hệ với môi trường tự nhiên, quan hệ với xã hội và quan hệ với
chính mình.
Mặc dù là phương pháp tiếp cận văn học ra đời sau nhưng phương pháp tiếp cận
văn học dưới góc nhìn văn hóa vẫn khẳng định được thế mạnh của mình. Phương pháp
tiếp cận văn học dưới góc nhìn văn hóa giúp độc giả có thể hình dung được đời sống văn
hóa với những phong tục, tập quán, quan niệm đạo đức, ứng xử xã hội…của một thời đại
nơi mà tác phẩm được sinh ra. Hơn nữa, phương pháp tiếp cận văn hóa học giúp người
thưởng thức tác phẩm văn học xác định được vị trí, vai trò của người sáng tác trong hành

12


trình phát triển của lịch sử văn hóa – văn học dân tộc. Không những thế, góc nhìn văn
hóa sẽ khắc phục được hạn chế khám phá văn học chỉ gói gọn trong phạm vi hạn hẹp ở
góc nhìn đơn lẻ, mang tính chất chuyên biệt. Cuối cùng, với cách tiếp cận văn hóa, người
nghiên cứu sẽ có thể tìm kiếm những cấp độ ý nghĩa độc đáo trong quá trình giải mã các
hiện tượng văn học mới mẻ, dị biệt.
Tác giả Đỗ Thị Ngọc Chi trong công trình nghiên cứu của mình đã yêu cầu
người nghiên cứu tác phẩm văn học dưới góc nhìn văn hóa cần phải: “1) Phải đặt văn
học trong bối cảnh rộng lớn của văn hóa xã hội hoặc trong ảnh hưởng qua lại của văn
học đối với các hiện tượng văn hóa khác; 2) Xem văn học là bộ phận của văn hóa thì
văn bản văn học cũng là một sản phẩm văn hóa vì thế cần giải mã nó trong ngữ cảnh
văn hóa; 3) Văn học là một trong những loại hình nghệ thuật có khả năng bao quát,

chạm tới cái mạch ngầm sâu thẳm của đời sống văn hóa cũng như chiều sâu tư tưởng
của người nghệ sĩ[10;tr17].Theo đó, phương pháp tiếp cận văn hóa học có những tiêu chí
khi nghiên cứu, đánh giá một hiện tượng văn học: Thứ nhất, phải chú ý đến các quan hệ
xã hội và các kiểu hình tượng xã hội trong văn học, chẳng hạn như các kiểu không gian
tồn tại của con người như không gian sản xuất, không gian đấu tranh, không gian sinh
hoạt, không gian xã hội mang màu sắc chính trị….; thứ hai là quan hệ của con người với
thiên nhiên và các hình tượng thiên nhiên; thứ ba là quan niệm con người gắn với hoàn
cảnh lịch sử cụ thể. Nguyên tắc của phương pháp tiếp cận dưới góc nhìn văn hóa là
không chỉ đi tìm ảnh hưởng của văn hóa đương thời đối với văn học mà còn truy nguyên
đến các truyền thống xa xưa của cộng đồng.
1.4. Hành trình sáng tác của nhà văn Nguyễn Dậu
1.4.1. Tiểu sử nhà văn Nguyễn Dậu
Nhà văn Nguyễn Dậu tên khai sinh là Nguyễn Ngọc Song, cũng có tên là Trương
Mẫn Song (vì mẹ ông họ Trương). Ông sinh ra tại Cống Xuất, khu Xi măng của thành
phố Hải Phòng. Quê gốc của ông ở huyện Hoài Đức, Sơn Tây, nay thuộc Hà Nội.
Nguyễn Dậu có duyên với binh nghiệp. Sau khi học lớp Nhất trường Giăng
Duypuy (Jean Dupuis) cũng là lúc cách mạng tháng Tám nổ ra, Nguyễn Dậu tham gia

13


công tác tuyên truyền ở Hải Phòng, sau đó gia nhập quân đội, học trường Thiếu sinh
quân rồi phục vụ ở bộ binh, pháo binh, quân y. Sau cách mạng Trung Quốc thành công,
năm 1950 được quân đội cử sang Trung Quốc học khóa đào tạo sĩ quan. Trong thời gian
ở quân đội, ông từng là cán bộ quân y, cao xạ, dã pháo 105 ly.
Năm 1954 về công tác tại phòng Văn nghệ quân đội thuộc Tổng cục chính trị, rồi
chuyển ngành lần lượt công tác ở xưởng phim, biên tập viên Nhà xuất bản phổ thông,
Tòa soạn báo Văn nghệ, Sở Văn hóa Hà Nội. Với mong muốn được trải nghiệm cuộc
sống theo phương châm “sống đã rồi hãy viết” (Nam Cao), Nguyễn Dậu đã dũng cảm từ
bỏ cuộc sống phố phường, đưa cả vợ con theo mình về vùng than Cẩm Phả để lao động

và viết văn. Vừa làm thợ cuốc than để kiếm sống, Nguyễn Dậu vừa cặm cụi ghi chép,
gom nhặt các chi tiết đời sống chuẩn bị cho sự ra đời của tác phẩm. Chính nhờ có hai
năm lăn lộn vất vả ở vùng than này mà Nguyễn Dậu có cảm hứng và tư liệu hiện thực để
viết bộ tiểu thuyết Mở hầm - một trong những tác phẩm mở đầu của văn học ở miền
Bắc trong thời kì xây dựng chủ nghĩa xã hội. Dù thiên tiểu thuyết này bị phê phán nhưng
Nguyễn Dậu vẫn quyết tâm theo đuổi sự nghiệp văn chương. Rời vùng than ở Quảng
Ninh, Nguyễn Dậu lên vùng mỏ thiếc ở Tĩnh Túc, về Hải Phòng, vào khu 4, đến với các
công trường, xưởng máy, trận địa để thâm nhập thực tế, lấy tư liệu cho sáng tác.
Trong giai đoạn giặc Mỹ bắn phá miền Bắc, với tinh thần xông pha của một nhà
văn – chiến sĩ, Nguyễn Dậu bất chấp hiểm nguy, có mặt ở hầu khắp các vùng đất máy
bay Mĩ bắn phá ác liệt như cầu Bùn, cầu Giát, phà Ghép... của vùng trọng điểm Thanh –
Nghệ Tĩnh. Khát vọng sáng tác đã giúp nhà văn quên đi mọi khó khăn, nhọc nhằn của
đời sống kháng chiến, cháy hết mình cho việc sống và viết. Thành quả của sự khổ luyện
vất vả ấy chính là sự ra đời của các tập truyện ngắn Huệ Ngọc, Trở lại đảo (Nhà xuất bản
phổ thông), Người ngoại ô (Nhà xuất bản văn học) cùng hàng trăm bài báo phản ánh
thực tế chiến đấu của chiến sĩ và nhân dân nơi tuyến lửa mà nhà văn đang bám trụ.
Sau năm 1975, Nguyễn Dậu lại tiếp tục cuộc phiêu lưu mới. Ông đi vào miền
Nam, sang đất Campuchia rồi quay về Hà Nội. Vì cuộc sống mưu sinh vất vả, Nguyễn
Dậu phải làm đủ nghề kiếm sống như bán dép, làm thợ cắt tóc ngoài vỉa hè. Tuy nhiên,

14


điều đáng quý là ông chưa lúc nào từ bỏ “mộng văn chương”, vẫn say mê với từng con
chữ. Sau gần ba mươi năm không cầm bút, Nguyễn Dậu trở lại với văn chương bằng sự
hăm hở, háo hức vẫn vẹn nguyên niềm say mê sáng tạo. Cảm hứng và sinh lực sáng tạo
vẫn nảy nở căng trào giúp ông cho ra đời “những thiên truyện ngắn ám ảnh, hấp dẫn đến
mức kinh điển”. Với ý tưởng mới, cách viết mới, những tập truyện ngắn của ông thời kì
này đánh dấu một thời kì mới trong văn nghiệp, đưa ông vào hàng tên tuổi những nhà
văn đương đại tiêu biểu.

Nhìn lại cuộc đời của Nguyễn Dậu, có thể thấy, cuộc đời ông nhiều sóng gió,
thăng trầm, trải qua không ít những gian truân nhưng ông vẫn luôn sống hết mình với
cuộc đời, vẫn tha thiết với văn chương, nghệ thuật và cháy hết mình vì lí tưởng. Chính
việc phải lăn lộn trong cuộc đời đầy những nhọc nhằn đã giúp cho những trang viết của
ông luôn chân thực, sống động, tươi mới mang hơi thở của cuộc sống đời thường nhiều
buồn vui lẫn lộn. Với một nền tảng học vấn vững vàng của cả Tây học và Hán học, kết
hợp với những trải nghiệm trong cuộc sống, Nguyễn Dậu tạo nên được một phong cách
riêng biệt trong văn chương, ghi một dấu ấn không thể phai mờ trong văn học Việt Nam
hiện đại. Ông được ghi tên trong Từ điển văn học Việt Nam (bộ mới) do Nhà xuất bản
Thế Giới ban hành năm 2005.
1.4.2. Hành trình sáng tác
Nhà văn Nguyễn Dậu ra nhập làng văn vào năm 1955 với tiểu thuyết đầu tay Nữ
du kích Cam Lộ. Năm 1961, ông trở nên nổi tiếng, được nhiều người biết đến, trở thành
hiện tượng của văn đàn lúc ấy với tiểu thuyết Mở hầm. Với bút lực dồi dào, chỉ trong
một thời gian ngắn sau đó, Nguyễn Dậu xuất bản hàng loạt tập truyện ngắn và tiểu thuyết
trình làng.
Sự nghiệp văn chương của Nguyễn Dậu nhìn tổng quát có thể chia làm hai chặng
đường. Chặng thứ nhất, từ năm 1955 đến năm 1962, khép lại với sự kiện tiểu thuyết Mở
hầm. Các tác phẩm tiêu biểu trong giai đoạn này là tiểu thuyết Đôi bờ (Nxb Thanh niên,
1958), Mở hầm (Nxb Thanh niên, 1961), Vòm trời Tĩnh Túc (Nxb Lao Động, 1963); các
tập truyện ngắn: Ánh đèn trong lò (Nxb Văn học, 1961), Huệ Ngọc (Nxb Văn học

15


1962)... Các tác phẩm này đều ra đời trong cái lấm lem than bụi ở các nhà máy, hầm mỏ,
công trường mà nhà văn đã sống và làm việc nên đều ngồn ngộn các chi tiết của đời sống
thực tế, giàu giá trị hiện thực.
Chặng đường thứ hai là những sáng tác viết ra sau thời kì Đổi mới. Giai đoạn
này, ông viết khỏe, viết đều và còn viết rất nhanh. Ông trở lại văn đàn với bút lực dồi dào

lạ thường. Về điều này, nhà phê bình văn học Ngô Vĩnh Bình có lần đã biểu dương
Nguyễn Dậu, với những nhận định, đánh giá đầy yêu mến và trân trọng về văn chương
ông: “Bút lực của nhà văn có tuổi này là dường như còn rất dồi dào. Dồi dào không phải
chỉ ở chỗ viết khỏe, in đều mà cái chính là ở văn phong, ở lối nhìn, cách nghĩ, ở cả phía
khai thác đề tài, đối tượng miêu tả” [9]. Chỉ trong gần chục năm cuối của thế kỉ trước,
Nguyễn Dậu đã cho ra đời hàng loạt những tập truyện ngắn: Con thú bị ruồng bỏ (Nhà
xuất bản Hội Nhà văn, 1988), Rùa hồ Gươm ( Nhà xuất bản Hà Nội, 1990, Hương khói
lòng ai (Nhà xuất bản Văn học, 1994), Đôi hoa tai lóng lánh (Nhà xuất bản Văn học,
1995), Phật tại tâm (Nhà xuất bản Văn học, 1995), Bảng lảng hoàng hôn (Nhà xuất bản
Văn học, 1997)... Tác phẩm của ông thời kì này phản ánh những vui buồn của kiếp
người với biết bao chiêm nghiệm của chính ông trong suốt một cuộc đời đầy nhọc nhằn,
sóng gió. Ông viết về niềm vui và nỗi đau đớn của một con chó săn của một ông tướng;
ông viết về nỗi lo âu, xót xa của những con rùa ở Hồ Gươm; con người trong sáng tác
của ông đều là những người ở dưới đáy của xã hội bị sóng gió cuộc đời vùi dập, sống
không địa vị, không danh phận nhưng luôn luôn phải vật lộn để giữ phần nhân tính và
thiện căn của mình. Ông cũng đi sâu khai thác những tâm tư, tình cảm uẩn khúc, éo le
của con người mà thời điểm ấy người ta ngại đề cập với một cái nhìn đôn hậu, chan chứa
yêu thương. Văn phong của ông giai đoạn này sâu lắng trong suy tư, trầm tĩnh, hồn hậu
trong cảm xúc với biết bao nhiêu chiêm nghiệm từng trải trong cuộc đời. Nhà phê bình
văn học Ngô Vĩnh Bình nhận xét: “đọc truyện ngắn Nguyễn Dậu chúng ta chẳng thấy
những điều triết lý to tát mà dường như chúng ta luôn nhận được những bài học về cuộc
sống lăn lóc đầy khổ đau của con người trong thế giới người. Và đọc ông, mỗi người
thấy yêu thêm đồng loại, thấy tin tưởng ở sức mạnh tiềm ẩn cũng như sự trong sáng vốn

16


có của chính mình để vượt qua thử thách, để hướng tới ánh sáng ngay cả khi ở trong
những góc tối tăm nhất” [9].
Nhận định về sáng tác của Nguyễn Dậu, tác giả Anh Chi trong bài viết Nhà văn

Nguyễn Dậu đã nhận xét: ở trong giai đoạn sáng tác thứ nhất: “Nguyễn Dậu lăn xả vào
thực tế lao động ở các hầm mỏ; và với sức trẻ, ông viết say mê, gấp gáp. Văn ông giai
đoạn đó ngồn ngọn sức sống, sự tươi nguyên nên có thể bị coi là tự nhiên chủ nghĩa”.
Với giai đoạn sáng tác thứ hai: “Văn ông giai đoạn này vững vàng về bố cục, mạnh bao
trong suy tư, sắc sảo trong mô tả và đặc biệt là sâu lắng trong xúc cảm”.
Nguyễn Dậu là người nghệ sĩ đa tài. Không chỉ viết văn, ông còn sáng tác thơ ca,
tấu hài, kịch, chèo. Ngoài ra, với sự thông thạo Pháp văn, Trung văn, ông còn là tác giả
của nhiều ấn phẩm dịch thuật:Tất cả hiến dâng Đảng (1954); Người bí thư xã (1956);
Ngôi sao đỏ Đổng Tồn Thụy (1958); Anh hùng chiến đấu Triều Tiên (1958); Tống Nhạc
Phi (1959); Niềm hy vọng hòa bình (1961); Cuốn sách thấy ở Thuận Xuyên (1962).
Nguyễn Dậu còn dịch một số truyện Việt Nam sang Trung văn như Má Năm
(Nguyễn Văn Thông); Ông Năm Hạng (Nguyễn Quang Sáng); Huệ Ngọc (Nguyễn Dậu)
đều do nhà xuất bản Bắc Kinh ấn hành năm 1963.
Có thể thấy, với sự cần cù, miệt mài và một ý thức đầy tinh thần trách nhiệm của
người cầm bút, Nguyễn Dậu xứng đáng là một nhà văn tiêu biểu trong dòng văn học
đương đại. Ông nhận được sự yêu mến, nể phục của không ít bạn bè đồng nghiệp. Họ
đều dùng những lời lẽ đầy trân trọng và đánh giá cao tài năng nghệ thuật cũng như nhân
cách của Nguyễn Dậu. Tác giả Nguyễn Đình Thi khẳng định: “Nguyễn Dậu là một cây
bút sắc sảo và bạo dạn”. Tác giả Ngô Vĩnh Bình lại có một so sánh xác đáng: “Nếu có
thể ví văn đàn với bóng đá thì nhà văn Nguyễn Dậu là cầu thủ hiệp một đá khá xuất sắc,
hiệp hai bị treo giò, vào đá hai hiệp phụ lại ghi được những bàn thắng đẹp mắt làm mọi
người hân hoan và sửng sốt”. Tác giả Bảo Vũ lại so sánh Nguyễn Dậu như một nhà tu
khổ hạnh mà vô cùng đáng trọng: “Nói đến sự nể phục với một nhà văn là không cần
thiết. Anh ta đi ngang qua cõi đời này với sứ mệnh của nhà truyền giáo. Đó là công việc
khuyến thiện và tôn vinh con người. Trong giáo phái, có thể anh ta chỉ ở đẳng cấp thấp;

17


nhưng những gì người thầy tu khổ hạnh ấy để lại cho đời, dù chỉ là một dấu vết mờ nhạt

thôi, cũng đủ để người ta cúi mình trước nấm mồ của anh”. Nhà nghiên cứu Lê Thi Dục
Tú trong bài viết “Đội ngũ các nhà văn Việt Nam viết truyện ngắn đương đại” in trên
báo Văn nghệ quân đội số ra ngày 8/11/2012, nhà văn Nguyễn Dậu được đặt bên cạnh
những cây bút quen thuộc Nguyễn Minh Châu, Ma Văn Kháng, Nguyễn Khải, Xuân
Thiều, Đỗ Chu. Theo đó, Nguyễn Dậu là một trong những nhà văn gạo cội, kịp đổi mới
ngòi bút để phù hợp với những chuyển biến của thời cuộc.
Tiểu kết chương
Văn hóa là sản phẩm của con người, văn hóa được tạo ra và phát triển trong quan
hệ qua lại giữa con người và xã hội. Văn hóa và văn học có mối quan hệ hữu cơ mật
thiết. Việc nghiên cứu văn học dưới góc nhìn văn hóa là một hướng đi cần thiết và có
triển vọng. Cách tiếp cận này giúp chúng ta lí giải trọn vẹn hơn tác phẩm nghệ thuật, cắt
nghĩa một cách rõ ràng hơn những phương diện nội dung và hình thức của tác phẩm,
cũng như góp phần lí giải thị hiếu của độc giả, tâm lí sáng tác và những đóng góp của
nhà văn với nền văn học.
Nguyễn Dậu đã sống và viết với tất cả niềm say mê và sự nhiệt huyết, sôi nổi, vô
tư của một nhà văn – người trí thức – người lính trong những năm tháng nhọc nhằn mà
vĩ đại của lịch sử dân tộc từ ngày Cách mạng tháng Tám bùng nổ cho đến thời kì sau Đổi
mới. Với gần năm mươi năm cầm bút, dẫu không liên tục nhưng Nguyễn Dậu đã để lại
một sự nghiệp nghệ thuật đa dạng từ tiểu thuyết, truyện ngắn cho đến thơ ca, tấu hài,
kịch, chèo và dịch thuật. Ông đã góp phần làm nên những thành tựu rực rỡ của văn học
nước nhà. Bạn bè, đồng nghiệp và độc giả yêu mến và trân trọng ông không chỉ bởi tài
năng nghệ thuật mà còn bởi nhân cách lớn của một sống hết mình vì lí tưởng, vì cuộc đời
và vì những người thân yêu. Việc tìm hiểu, nghiên cứu giá trị tác phẩm của Nguyễn Dậu
là trách nhiệm của thế hệ sau để phát hiện và tôn vinh những đóng góp mà ông để lại cho
văn học nói riêng và cuộc đời nói chung.

18


Chương 2

CÁC GIÁ TRỊ VĂN HÓA TRONG TRUYỆN NGẮN
CỦA NGUYỄN DẬU
2.1. Con người – đối tượng thẩm mĩ mang dấu ấn văn hóa
Con người là nhân tố quan trọng nhất của văn hóa. Con người tạo ra văn hóa và
đồng thời là một phần của văn hóa, chịu sự ràng buộc của văn hóa. Qua ngôn ngữ, cử
chỉ, thói quen sinh hoạt vật chất, tinh thần của con người có thể nhận diện được tín
hiệu, đặc trưng văn hóa của dân tộc đó. Vì thế, văn hóa và con người có mối quan hệ
bền chặt, tác động và chi phối lẫn nhau, biểu thị mối quan hệ giữa cái chung với cái
riêng, cá nhân với cộng đồng.
Trong sự phát triển của văn hóa, con người thể hiện hai chức năng: vừa là đối
tượng vừa là chủ thể văn hóa. Hay nói cách khác, con người vừa là chủ thể sáng tạo
văn hóa vừa là khách thể văn hóa, lưu giữ những giá trị truyền thống xa xưa để lại.
Bàn về hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị văn hóa con người Việt Nam truyền thống,
nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII (năm 1998) nhấn mạnh: “Những giá trị bền vững,
những tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được vun đắp nên qua lịch sử
hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý
chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình làng xã - Tổ quốc; lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý; đức tính cần cù,
sáng tạo trong lao động; sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống...” (Nghị
quyết Trung ương 5 khóa VIII, dangcongsan.vn).
Đặc tính văn hóa dân tộc đã được các nhà nghiên cứu văn hóa, như: Đào Duy
Anh, Nguyễn Văn Huyên, Trần Trọng Kim, Phan Kế Bính... nhận diện qua tâm lý, tính
cách, phẩm chất con người trong mối tương tác với môi trường tự nhiên, điều kiện địa
lý, hoàn cảnh lịch sử. Cũng theo các nhà nghiên cứu, hệ giá trị văn hóa của con người
Việt Nam gồm có những phẩm chất, tính cách như có nhân cách, lối sống tốt đẹp với
các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng
tạo; có ý thức tôn trọng pháp luật, hiểu biết sâu sắc, tự hào, tôn vinh lịch sử,

19



văn hóa dân tộc.; có thế giới quan khoa học, hướng tới chân - thiện - mỹ; có lối sống
mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người; sống và làm việc theo Hiến pháp và
pháp luật, bảo vệ môi trường; kết hợp hài hòa tính tích cực cá nhân và tính tích cực xã
hội; đề cao trách nhiệm cá nhân đối với bản thân, gia đình và xã hội; khẳng định, tôn
vinh cái đúng, cái tốt đẹp, tích cực, cao thượng; nhân rộng các giá trị cao đẹp, nhân
văn… ()
Nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Dậu là đối tượng thẩm mĩ mang dấu ấn
văn hóa được nhà văn xây dựng theo những chuẩn mực hệ giá trị văn hóa dân tộc, thể
hiện những phẩm chất và cốt cách văn hóa như lối ứng xử nghĩa tình, sự bao dung,
rộng lượng, vị tha; lối sống trọng danh dự; yêu mến và trân trọng với những giá trị văn
hóa; tình yêu và trách nhiệm với quê hương, đất nước... Soi chiếu nhân vật dưới góc
nhìn văn hóa, nhà văn xây dựng nhân vật trên hai phương diện: những con người
chuẩn mực theo hệ giá trị văn hóa dân tộc, lưu giữ và phát huy những giá trị văn hóa và
con người tha hóa, đánh mất nhân phẩm và phá hủy những giá trị văn hóa dân tộc.
2.1.1. Mẫu nhân vật chuẩn mực theo hệ giá trị văn hóa
Là một người từng bôn ba đây đó, trải nghiệm lăn lộn trong nhiều môi trường
sống khác nhau nên những truyện ngắn của Nguyễn Dậu phản ánh cuộc sống, lối ứng
xử của nhiều tầng lớp, giai cấp khác nhau: từ những người lao động cho tới người trí
thức; từ những anh lính giải ngũ cho đến các nhà văn, họa sĩ; từ những ni cô, nhà sư,
bác phó cạo cho đến những quan chức có thế lực; từ những người phụ nữ bình dân cho
đến những người phụ nữ quý phái, có học thức... Họ đều là những người có lối sống và
ứng xử đẹp theo chuẩn mực giá trị văn hóa dân tộc. Tựu chung lại, có thể thấy nhân vật
của Nguyễn Dậu tập trung vào ba kiểu nhân vật: người lính đã giải ngũ, người nghệ sĩ
và người trí thức.
2.1.1.1. Mẫu nhân vật là những người lính đã giải ngũ
Trong sáng tác của mình, Nguyễn Dậu dành nhiều tình cảm yêu mến, sự trân
trọng và ngưỡng mộ với những người lính trở về từ quân ngũ. Họ không chỉ là những
người sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ quân sự, mà khi trở về cuộc sống đời thường, vẫn

20



nêu cao tấm gương sống đẹp, giàu tình yêu thương, vị tha, thủy chung, yêu mến những
giá trị văn hóa cổ xưa và đầy tinh thần trách nhiệm với quê hương, đất nước.
Truyện ngắn Hương khói lòng ai viết về người thiếu tướng Đoàn Văn Mãi. Ông
là hiện thân cho vẻ đẹp của lớp người lính già trong cuộc sống đời thường. Không chỉ
đẹp ở vẻ ngoài tráng kiện mà ông còn có một tâm hồn đôn hậu, bao dung, giàu lòng
trắc ẩn. Hơn hai mươi năm sống trong một ngôi biệt thự của một gia đình chí sĩ tản cư,
được nhà nước cấp, mặc dù bị bạn bè và vợ con cho là gàn dở, cổ lỗ hay giễu cợt và
chê bai nhưng thiếu tướng vẫn cương quyết giữ lại những thứ cũ kĩ trong ngôi nhà như
cái án thư, cỗ tràng kỉ, những câu đối, tủ chè, sập gụ cho đến cả cái hương án tổ tiên.
Trong khi những người bạn ngang cấp của ông cho rằng những câu đối chữ nho treo
đầy các cột là quá “cổ lỗ sĩ”, đáng “vứt! vứt tất” thì thiếu tướng vẫn một mực khẳng
định giá trị bất biến của chúng: “Những câu đối ấy đều viết về tổ tiên phúc đức, con
hiền cháu thảo cả. Cái giáo huấn ấy thì đến muôn đời sau vẫn chẳng bao giờ cũ”. Điều
kì lạ hơn là ông còn thờ cúng cả ảnh của một bà cụ già mà ông đoán là mẹ già hoặc bà
cụ tổ của cái gia đình tản cư kia. Những ngày rằm và mùng một, ông vẫn thắp và cắm
lên bát nhang ba nén hương cùng với một đĩa hoa thơm. Ông giải thích một cách hồn
hậu: “Để một vong hồn hương lạnh khói tàn là không nên. Vả lại, tôi tự coi bà cụ kia
như một người cô, người mẹ của mình. Sau này do sự tấn công mãnh liệt của đàn con
“trẻ trung và tràn đầy phong cách hiện đại”, ông cũng dần dần nhượng bộ để cho
chúng thu hẹp vườn hoa, phá cái cổng được xây theo lối “tiền viên hậu sảnh”, kiêng
những án thư, bàn ghế cũ lên trên gác.Tuy vậy, ông vẫn kiên quyết không cho chúng
đụng đến hương án có thờ hình ảnh bà lão cố tổ và không cho xê dịch và hủy bỏ mấy
chậu hoa có trồng những cây lưu niên, sần sùi, uốn khúc rồng rắn mà chỉ riêng ông mới
hiểu được những “thế” của chúng.
Nếu như những người lính già như thiếu tướng Đoàn Văn Mãi là người biết trân
trọng những di sản văn hóa cổ truyền và có một đời sống tâm linh sâu sắc thì thế hệ
những người lính trẻ trong sáng tác của nhà văn Nguyễn Dậu lại là những người rất trẻ


21


×