Tải bản đầy đủ (.doc) (182 trang)

Nghiên cứu một số chỉ số sinh học của học sinh lứa tuổi 12 đến 16 ở thái nguyên năm 2010 2013

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (7.97 MB, 182 trang )

1

ĐẶT VẤN ĐỀ
Để đáp ứng cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự nghiệp
công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước, theo các nghị quyết Đại hội IX (2001)
và Đại hội X (2006) của Đảng ta đã xác định; Bộ Giáo dục-đào tạo đã và đang
chỉ đạo đẩy mạnh đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy và học,
phương pháp đánh giá và thi tuyển…, cũng như nâng cao chất lượng cơ sở vật
chất, trang thiết bị dạy học. Sự đổi mới giáo dục phổ thông sẽ có hiệu quả khi
áp dụng đúng cho từng đối tượng cấp học, phù hợp với tầm vóc thể lực và
năng lực nhận thức của học sinh. Do vậy, nghiên cứu các đặc điểm sinh học
của trẻ em lứa tuổi học sinh là rất cần thiết.
Học sinh tuổi 12 đến 16 là giai đoạn trẻ đã và đang ở tuổi dậy thì. Ở
giai đoạn này, trẻ có hiện tượng thay đổi mạnh mẽ về tâm-sinh lý, như tốc độ
tăng trưởng nhanh và nhiều thay đổi khác để hoàn thiện dần chức năng của
các cơ quan trong cơ thể. Nghiên cứu đã cho thấy, tăng trưởng trong tuổi dậy
thì chiếm khoảng 15-20% chiều cao đạt được ở tuổi trưởng thành và có xu
hướng phát triển sớm và nhanh hơn so với các năm trước [80]. Tốc độ tăng
trưởng của trẻ có liên quan đến nhiều yếu tố như quá trình công nghiệp hóa,
hiện đại hóa, chủng tộc, dinh dưỡng…, nên sự tăng trưởng không giống nhau
giữa các vùng trong một nước, giữa các giai đoạn phát triển kinh tế-xã hội,
cũng như giữa quốc gia này với quốc gia khác. Vì vậy, các đặc điểm sinh học
cần được đánh giá thường xuyên, định kì theo từng 1 đến 2 thập niên. Bên
cạnh các chỉ số sinh học thì việc tìm hiểu các yếu tố làm xuất hiện tuổi dậy thì
cũng rất cần thiết. Hiện nay, một số nghiên cứu đã tìm thấy gen kiss có liên
quan đến sự xuất hiện tuổi dậy thì [49], [67], [74], [113], [114].
Tại Việt Nam, có nhiều công trình nghiên cứu về chỉ số sinh học đã
công bố [4], [5], [8], [29], [32]…, trong đó công trình của Nguyễn Thành


2



Trung đã nghiên cứu một số chỉ số hình thái-thể lực và trí tuệ (bằng test
Raven) của trẻ em lứa tuổi học đường ở tỉnh Thái Nguyên (1998-2000) [42].
Công trình gần đây mang tính quy mô nhất là "Các giá trị sinh học người Việt
Nam bình thường ở thập kỷ 90-thế kỷ XX", bao gồm cả các chỉ số sinh học
của trẻ em lứa tuổi học đường [4]. Hầu hết các chỉ số sinh học được công bố
trong công trình này đều thay đổi rõ theo hướng tích cực so với các số liệu
nêu trong cuốn “Hằng số sinh học người Việt Nam” được công bố năm 1975.
Mặt khác, các nghiên cứu đã công bố ở Việt Nam được tiến hành khá lâu,
không còn phù hợp với sự phát triển kinh tế-xã hội của nước ta hiện nay; hoặc
chưa phản ánh đầy đủ về các chỉ số sinh học của các Dân tộc thuộc các địa
bàn vùng sâu, vùng xa. Các nghiên cứu hầu như chỉ được tiến hành theo
phương pháp điều tra ngang, rất ít nghiên cứu theo dõi dọc. Trong khi phương
pháp này cho phép đánh giá chính xác hơn sự phát triển của từng cá thể theo
thời gian, nhất là ở cơ thể trẻ có sự thay đổi mạnh lúc dậy thì. Điều này sẽ
giúp ích cho việc áp dụng các biện pháp chăm sóc, giáo dục, rèn luyện một
cách thích hợp nhất với từng nhóm trẻ.
Thái Nguyên là một tỉnh miền núi và trung du; theo thống kê năm
2011, tỷ lệ dân cư thành thị là 28,3%, miền núi là 71,7%. Với cơ cấu dân tộc
có 75,23% là dân tộc Kinh, còn lại là các dân tộc thiểu số Tày, Nùng, Dao,
Mông, Sán Dìu, Cao Lan…. Nền kinh tế của Thái Nguyên vẫn ở mức thấp và
chậm phát triển. Đời sống nhân dân tuy được cải thiện so với trước, nhưng sự
chênh lệch mức sống giữa miền núi và thành thị vẫn còn lớn và thấp hơn so
với nhiều vùng, miền thuộc đồng bằng của nước ta [13]. Do đó, nghiên cứu
các chỉ số sinh học của trẻ lứa tuổi học đường các dân tộc khác nhau tại khu
vực này rất cần thiết. Các kết quả nghiên cứu sẽ cung cấp dữ liệu khoa học
cho việc hoạch định chính sách, đề xuất các biện pháp thích hợp để tăng
cường hiệu quả công tác giáo dục, rèn luyện thể chất, chăm sóc sức khỏe
nhằm nâng cao chất lượng thế hệ trẻ người Việt Nam nói chung và các dân tộc



3

thiểu số ở vùng cao nói riêng. Xuất phát từ những vấn đề trên, chúng tôi thực
hiện đề tài “Nghiên cứu một số chỉ số sinh học của học sinh lứa tuổi 12 đến
16 ở Thái Nguyên năm 2010-2013”.
Mục tiêu:
1. Mô tả đặc điểm hình thái và chức năng của học sinh lứa tuổi 12 đến
16 ở một số trường thuộc tỉnh Thái Nguyên năm 2010.
2. Phân tích sự thay đổi hình thái, chức năng tim mạch của đối tượng
nghiên cứu trong thời gian 2010-2012.
3. Xác định mối liên quan giữa các chỉ số nghiên cứu; liên quan giữa
một số chỉ số hình thái, chức năng với mức độ biểu hiện gen kiss và hormon
của học sinh nữ lứa tuổi 12 đến 16.


4

CHƯƠNG 1

TỔNG QUAN
1.1. Khái quát chung về tuổi sinh học của lứa tuổi 12 đến 16
Sau giai đoạn bào thai, con người được sinh ra và trải qua hai thời kỳ là
thời kỳ trẻ em và thời kỳ người lớn. Sở dĩ có sự phân chia thành hai thời kỳ là do
sự khác biệt về phát triển thể chất và tâm lý. Trẻ em là một cơ thể đang lớn và phát
triển, không giống như người lớn, mỗi giai đoạn của thời kỳ trẻ em có đặc điểm
sinh học riêng [15], [25], [40]. Sự phân chia các thời kỳ phát triển đã được nhiều
tác giả nêu ra [15], [25], [33], [40], có tác giả phân chia theo sự phát triển toàn
diện về hình thái, chức năng tâm thần, có tác giả phân chia theo các giai đoạn mọc
răng và phát triển xương. Tại Việt Nam, Nguyễn Quang Quyền chia tuổi phát

triển của trẻ em thành giai đoạn thiếu nhi bé (từ lúc mới sinh đến 2,5 tuổi), giai
đoạn thiếu nhi trung bình (từ trên 2,5 tuổi đến 7 tuổi), giai đoạn thiếu nhi lớn (từ
trên 7 tuổi đến 11 tuổi đối với nữ; từ trên 7 tuổi đến 13 tuổi đối với nam), giai
đoạn thiếu niên (15-16 đối với nữ và 17-18 tuổi đối với nam) [33]. Vì vậy, học
sinh lứa tuổi từ 12 đến 16 là giai đoạn chuyển tiếp giữa thiếu nhi lớn và thiếu niên.
Theo Tạ Thúy Lan [25], trẻ 12-16 tuổi thuộc tuổi học sinh lớn hay tuổi dậy thì.
Như vậy, có thể nói sự phân chia này chỉ mang tính chất tương đối, không có mốc
chuyển tiếp rõ rệt do còn tùy thuộc vào từng cá thể. Ngoài ra, các giai đoạn phát
triển thường chuyển tiếp đan xen vào nhau. Trong quá trình phát triển của giai
đoạn học sinh lớn, sự xuất hiện tuổi dậy thì là mốc quan trọng nhất.
1.2. Cơ chế xuất hiện tuổi dậy thì
Thời điểm xuất hiện dậy thì tùy thuộc vào từng cá thể và chịu tác động bởi
nhiều yếu tố. Yếu tố khởi phát tuổi dậy thì vẫn được giả thuyết là do sự trưởng
thành của vùng limbic (hệ viền) đã kích hoạt vùng dưới đồi bài tiết đủ lượng
GnRH (Gonadotropin releasing hormone) và phát động hoạt động chức năng
của trục vùng dưới đồi - tuyến yên - tuyến sinh dục [10], [25]. Tuổi dậy thì


5

được chia thành hai giai đoạn là tiền dậy thì và dậy thì hoàn toàn. Khoảng
thời gian tiền dậy thì kéo dài 3 - 4 năm, được đánh dấu bằng thể tích tinh hoàn
của nam tăng trên 4 mililit và tuyến vú bắt đầu phát triển ở nữ. Tuổi dậy thì
hoàn toàn được đánh dấu bằng lần xuất tinh đầu tiên ở nam và lần có kinh
nguyệt đầu tiên ở nữ [10], [25].
Hiện nay, gen kiss đã được phát hiện là có liên quan đến sự xuất hiện
tuổi dậy thì. Gen kiss sản xuất kisspeptin chủ yếu từ vùng dưới đồi [49]. Ngoài
ra, người ta cũng tìm thấy sự có mặt của gen kiss ở nhau thai, tuyến yên, tủy sống,
tuyến tụy, và ở một số mô khác (như các vùng khác nhau trong não, dạ dày, ruột
non, tế bào bạch cầu…) [98]. Kisspeptin lần đầu được phát hiện vào năm 1970,

với vai trò là một gen ức chế di căn u ác tính [88]. Đến năm 2003, các nghiên cứu
đã công nhận kisspeptin là cần thiết cho việc bắt đầu tuổi dậy thì ở người và chuột
bằng cách kích hoạt tế bào thần kinh ở vùng dưới đồi thông qua thụ thể GPR54,
[67], [74], [113], [114]. Ở trẻ em khỏe mạnh, khi định lượng kisspeptin huyết
thanh đã thấy, có tương quan với tăng LH và testosteron trong tất cả các giai đoạn
của tuổi dậy thì ở bé trai [52]. Tương tự như vậy, ở các bé gái dậy thì nồng độ
kisspeptin huyết thanh có liên quan đến tuổi xương, hormon LH và FSH [104].
Một nghiên cứu khác trên nam giới được tiêm kisspeptin vào cơ thể thì LH và
testosteron trong máu tăng, tác giả đã đưa ra kết luận kisspeptin có vai trò điều hòa
bài tiết LH và hormon sinh dục [75]. Năm 2009, Clarkson J. và cộng sự đã
nghiên cứu trên chuột và đưa ra giả thuyết về mối liên quan giữa estradiol với
kisspeptin trong khởi phát tuổi dậy thì [63]. Theo tác giả, sau khi sinh đến trước
tuổi dậy thì không có sự sản xuất kisspeptin. Đến giai đoạn trước tuổi tiền dậy thì,
kisspeptin bắt đầu được giải phóng, nó tác động vào vùng dưới đồi, tuyến yên và
kích thích tuyến sinh dục tiết estradiol. Khi estradiol được bài tiết tăng sẽ làm tăng
giải phóng kisspeptin. Khi kisspeptin đủ lớn sẽ có khả năng kích hoạt và khuếch
đại hoạt động của trục vùng dưới đồi-tuyến yên-tuyến sinh dục để làm xuất hiện


6

tuổi dậy thì. Sau tuổi dậy thì, biểu hiện của kisspeptin dao động cùng với sự thay
đổi của estradiol theo chu kỳ kinh nguyệt [63].

Hình 1.1. Sự thay đổi của kisspeptin và estradiol trong quá trình phát triển
* Nguồn: theo Clarkson J. và cộng sự (2009) [63]

Gần đây, Ali A. và cộng sự đã chứng minh được kisspeptin có tác dụng
làm trứng phát triển và chín khi điều trị IVF (In vitro fertilization-Thụ tinh
trong ống nghiệm). Ông đã tiêm kisspeptin cho các phụ nữ vô sinh và thấy

rằng, sau tiêm 12 giờ thì LH huyết thanh tăng 9 lần so với lúc chưa tiêm, tế bào
trứng chín ở 45/47 bệnh nhân được điều trị bằng kisspeptin [50]. Điều này có
nghĩa là gen kiss không chỉ làm xuất hiện tuổi dậy thì mà còn có vai trò trong
việc duy trì khả năng sinh sản.
1.3. Các nghiên cứu về hình thái, chức năng
1.3.1. Các nghiên cứu về hình thái
1.3.1.1. Các nghiên cứu về hình thái trên thế giới
Các nghiên cứu về hình thái được bắt đầu từ khi con người biết quan
tâm đến chiều cao, cân nặng của mình là bao nhiêu và cách đo như thế nào.
Chính những câu hỏi đó đã thôi thúc con người tìm ra các phương pháp để đo
đạc. Việc tiến hành đo lường và mô tả về hình dáng của con người đã được
các nghệ sĩ của nền văn minh cổ đại vẽ lại. Tuy nhiên, tỷ lệ các phần cơ thể


7

chưa thực sự đúng và chưa có nghiên cứu mang tính chất quy mô. Chỉ đến khi
nhu cầu đo cơ thể với số lượng lớn và cần có hồ sơ lưu trữ phục vụ cho khám
tuyển quân sự, phân loại nam giới trong các đơn vị quân đội ở thế kỷ thứ
XVII thì việc cần có một phương pháp để phân loại con người về hình thái
mới thực sự cần thiết. Từ lúc đó, phương pháp đo lường về chiều cao được
xuất hiện mở đầu cho các nghiên cứu về nhân trắc học sau này.
Ở thế kỷ XVIII, sự phát triển mạnh mẽ của các ngành khoa học cũng đã
thúc đẩy các nghiên cứu về con người. Vấn đề quan tâm chủ yếu của các
nghiên cứu thời đó là hình thái của con người trong một độ tuổi nhất định. Họ
ít chú ý đến tìm hiểu về sự khác biệt tầm vóc giữa các nhóm tuổi hoặc sự thay
đổi về tầm vóc theo thời gian [66]. Theo dẫn liệu của Lancaster H. O., nghiên
cứu mô tả cắt ngang đầu tiên vào năm 1754 mang tính quy mô lớn của
Jampert C. F. (1727-1758) đã công bố biểu đồ chiều cao của các đối tượng từ
1-25 tuổi [86]. Sau đó, để nghiên cứu sự thay đổi của chiều cao theo tuổi,

Philibert G. M. (1720-1785) đã nghiên cứu trên chính con của mình trong
suốt 18 năm từ năm 1759 đến 1777, đây có thể coi là nghiên cứu dọc đầu tiên
về hình thái [86].
Trong thế kỷ XIX, công trình nghiên cứu về hình thái mở đầu cho nền
nhân trắc học hiện đại là nghiên cứu của Le R. L. và cộng sự trên các binh sĩ
Pháp trong những năm 1960-1970 cho thấy, tầm vóc của tân binh Pháp rất đa
dạng và phù hợp với đặc điểm kinh tế-xã hội nơi họ sống [87]. Tại Mỹ, các
nghiên cứu diễn ra muộn hơn, điển hình là một nghiên cứu vào cuối những
năm 1970 trên các nô lệ. Đến những năm 1980, nhiều công trình nhân trắc
học đã ra đời, phạm vi nghiên cứu mang tính quốc gia, thậm chí liên kết giữa
nhiều quốc gia. Ví dụ, nghiên cứu có quy mô lớn của Cục nghiên cứu Kinh tế
(NBER) ở Mỹ và Châu Âu. Nghiên cứu này đã sử dụng thống kê nhân trắc
học để phân tích sự tác động của công nghiệp hóa, cũng như các đặc điểm của
chế độ nô lệ tại Hoa Kỳ. Sau đó, từ năm 1980 đến năm 1990, phạm vi của các


8

nghiên cứu đã phát triển mạnh, di chuyển ra ngoài châu Âu và Bắc Mỹ để đến
châu Á, châu Úc và châu Phi.
Tại Anh, vào thế kỷ XIX sự phát hiện về tầm vóc thấp bé của trẻ em đã
trở thành động lực cho các cuộc điều tra nhân trắc học có quy mô lớn, cũng
như những nỗ lực phát triển các phong trào phúc lợi cho trẻ em. Đến đầu thế
kỷ XX việc nghiên cứu các chỉ số hình thái được diễn ra đồng loạt hầu hết ở
các nước phát triển, như nghiên cứu theo chiều dọc ở Bắc Mỹ và Châu Âu.
Những nghiên cứu đó có thể được xem như là bước chuyển tiếp giữa nhân
trắc đương đại và lịch sử. Từ những năm 1950, nhân trắc học đã được sử dụng
cho nhiều mục đích trong các nước phát triển và nước kém phát triển. Kết quả
nghiên cứu được sử dụng làm giá trị tham chiếu tại thời điểm nghiên cứu,
giám sát tình trạng dinh dưỡng của cá thể, quần thể và để đánh giá hiệu quả

của các chương trình phát triển kinh tế.
Nhìn chung, các chỉ số nhân trắc được mô tả trong các nghiên cứu sơ
khai chỉ là các con số riêng lẻ, rời rạc, đơn độc. Sau này, việc nghiên cứu
mang tính quy mô, với số lượng lớn hơn đã khiến các nhà khoa học phải đưa
toán học, thống kê vào nghiên cứu để nhận định và phân tích, nhằm rút ra các
kết luận có ý nghĩa hơn.
Quetelet A. (1796-1874) là một nhà toán học người Bỉ, nhà thiên văn
học và thống kê đã là người đầu tiên áp dụng thuật toán thống kê để xử lý kết
quả nghiên cứu. Vào năm 1831-1832, Quetelet đã tiến hành đo các chỉ số
chiều cao của trẻ sơ sinh và trẻ em, sau đó ông mở rộng việc nghiên cứu trên
người lớn. Chính việc áp dụng toán học đã giúp ông kết luận là từ sau khi sinh
đến tuổi dậy thì tốc độ tăng trưởng ở mỗi giai đoạn không giống nhau. Ông
kết luận "trọng lượng tăng theo bình phương của chiều cao” và tỷ số đó được
gọi là chỉ số Quetelet. Sau này, đến năm 1972 Keys A. (1904-2004) đổi tên
chỉ số này thành chỉ số BMI (Body Mass Index). Việc ghép các chỉ số nhân
trắc lại với nhau khiến giá trị của chúng trở nên có ý nghĩa vì nó không chỉ


9

mô tả về kích thước mà còn tính được mối tương quan giữa các phần của cơ
thể [69].
Về mặt lý luận, nhân trắc học cho phép chúng ta tìm ra các quy luật về
sự phát triển cơ thể, phân loại dạng người, các nhóm chủng tộc và tìm hiểu
nguồn gốc loài người. Hiện nay, tùy theo mục đích nghiên cứu mà người ta
chia ra các loại nhân trắc học chuyên nghiên cứu sự khác nhau về hình thái
các chủng tộc loài người là cách nghiên cứu cơ bản, thu thập số đo cơ thể
trong chu kỳ sống để xây dựng giá trị tiêu chuẩn về hình thái của con người
thế kỷ XXI. Nhân trắc học đường nghiên cứu thể lực và các tiêu chuẩn kiểm
tra sức khỏe học sinh, nhân trắc thể dục thể thao, nhân trắc nghề nghiệp, nhân

trắc y học nghiên cứu sự phát triển của trẻ em qua các thời kỳ…[33], [66].
Thành tựu lớn của nghiên cứu nhân trắc học từ trước đến nay trên thế
giới đã không chỉ xác định được xu hướng phát triển tầm vóc cơ thể của con
người, mà còn tập trung vào phân tích các mối liên quan đến sự phát triển
hình thái. Sự hình thành tầm vóc trên trẻ em phụ thuộc vào sự tương tác phức
tạp giữa nhiều yếu tố. Các yếu tố đó tác động không giống nhau, có yếu tố
thúc đẩy và có yếu tố làm hạn chế sự phát triển. Về cơ bản, các yếu tố được
phân thành yếu tố nội sinh và yếu tố ngoại sinh. Yếu tố nội sinh bao gồm hệ
nội tiết, yếu tố di truyền, giới, chủng tộc, các bất thường bẩm sinh. Yếu tố
ngoại sinh gồm môi trường và khuynh hướng tăng trưởng, trong đó yếu tố
môi trường bao gồm điều kiện kinh tế xã hội, dinh dưỡng, khí hậu, mùa, các
stress tâm lý, hoạt động thể chất, bệnh tật. Các yếu tố này tương tác với nhau
trong thời kỳ phát triển để đưa ra một kiểu hình đặc trưng cho từng trẻ [5],
[15], [40], [44]. Các kết luận đã được công bố về các yếu tố ảnh hưởng đến sự
phát triển hình thái ở trẻ em rất nhiều. Trong đó, các yếu tố di truyền, chủng
tộc được quan tâm đặc biệt. Các nghiên cứu thuộc lĩnh vực này đã xác định
chiều cao là một đặc điểm di truyền do nhiều gen quy định [121], [128]. Yếu
tố gia đình, chủng tộc tác động lên sự tăng trưởng của trẻ khá lớn [116]. Ước


10

tính mức độ ảnh hưởng của yếu tố di truyền đến sự phát triển cơ thể được tác
giả Rogol A. D. thống kê là từ 41% đến 71% [106]. Tầm vóc tối đa của trẻ
liên quan đến tầm vóc của cả cha lẫn mẹ. Hình dáng của trẻ mập hay gầy cũng
phụ thuộc vào thể trạng của cha mẹ và các thành viên trong gia đình. Nếu trẻ
được sinh ra trong gia đình có các thành viên bị béo phì thì sẽ có khả năng bị
béo phì (hệ số tương quan = 3,62) [122]. Do phụ thuộc vào yếu tố di truyền nên
các chủng tộc khác nhau có hình thái khác nhau. Một nghiên cứu trên người
châu Á và người da trắng cho thấy, người châu Á có chỉ số BMI thấp hơn so

với người da trắng, do cân nặng, chiều cao, và kích thước xương của người
châu Á nhỏ hơn người da trắng. Tuy nhiên, người châu Á có lớp mỡ dưới da
dày hơn so với người da trắng [127].
Nhóm yếu tố thứ hai là giới tính. Nghiên cứu của Ellis J. A. đã tìm thấy
mối liên quan giữa chiều cao với gen chiều cao nằm trên nhiễm sắc thể Y, điều
này khiến cho chiều cao của nam giới lớn hơn so với của nữ giới [70].
Nhóm yếu tố thứ ba là môi trường sống. Bên cạnh yếu tố di truyền, yếu
tố môi trường sống ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển chiều cao và cân
nặng của trẻ. Yếu tố môi trường tương tác với yếu tố di truyền trong suốt thời
kỳ tăng trưởng của trẻ. Trẻ em có các kiểu gen tương tự nhau, được nuôi trong
điều kiện tốt sẽ đạt được chiều cao trưởng thành lý tưởng hơn những trẻ có
hoàn cảnh bất lợi. Các yếu tố môi trường quan trọng là điều kiện kinh tế xã
hội, dinh dưỡng, khí hậu và stress tâm lý. Đa số các nghiên cứu đều cho thấy,
tình trạng kinh tế của gia đình, đất nước và nền văn hóa ảnh hưởng đến các
thông số tăng trưởng của trẻ em. Những trẻ được sống trong môi trường có
điều kiện tốt về kinh tế sẽ có khả năng tăng trưởng nhanh hơn trẻ sống trong
xã hội có nền kinh tế nghèo nàn, trẻ ở các nước phát triển có chiều cao lớn
hơn so với trẻ sống ở các nước đang phát triển và kém phát triển. Trẻ sống ở
nông thôn nơi có điều kiện kinh tế khó khăn, thiếu thốn có tỷ lệ bị suy dinh
dưỡng cao hơn so với các trẻ sống ở vùng thành thị [51], [89].


11

Điều kiện nuôi dưỡng như dinh dưỡng ở thời kỳ trong tử cung, dinh
dưỡng sau sinh là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến tầm vóc và sự phát triển
của trẻ sau này. Nếu trong quá trình mang thai, chế độ dinh dưỡng của người
mẹ không đầy đủ hoặc do bị nhiễm độc thai nghén, thai sẽ bị chậm tăng
trưởng, trẻ khi sinh ra sẽ nhẹ cân [40]. Còn nếu trẻ phải sống ở điều kiện kinh
tế xã hội kém phát triển, môi trường thiếu vệ sinh, không đủ nước sạch, không

đủ số lượng và chất lượng các chất dinh dưỡng cần thiết, cũng như chăm sóc
không tốt sẽ bị suy dinh dưỡng thấp còi.
Các yếu tố khiến trẻ bị stress có thể là do sống ở môi trường quá chật
hẹp đông đúc, bạo lực gia đình, áp lực học tập, thiếu thốn tình cảm…đều góp
phần làm chậm tăng trưởng ở trẻ. Nguyên nhân gia đình quá đông sẽ khiến trẻ
phải chia sẻ không gian chơi, đặc biệt là trẻ không có một chỗ ngủ riêng tư,
dẫn đến rối loạn giấc ngủ thường xuyên do bị quấy rầy, do tiếng ồn quá mức.
Rối loạn giấc ngủ khiến cho sự bài tiết hormon tăng trưởng (GH) có thể bị
giảm, dẫn đến tăng trưởng của trẻ chậm lại [40], [57], [125]. Một nghiên cứu
cho thấy, có 31,1% số trẻ em đã trải qua xung đột gia đình có tầm vóc thấp
hơn 20,2% so với số trẻ được sống trong môi trường hòa thuận, và có 44,0%
số trẻ em ở các hộ gia đình đông đúc có vóc người thấp bé hơn 16,4% so với
số trẻ sống ở những gia đình ít con [97].
Nhìn chung, khi nghiên cứu trên trẻ em, các kết luận được rút ra là sự
tăng trưởng của trẻ có xu hướng tốt lên theo thời gian. Ở thế kỷ XIX sự gia
tăng về chiều cao đạt được ở tuổi trưởng thành là 1-3 cm/thập kỷ [64]. Tương
tự, xu hướng tăng cân nặng cũng theo chiều hướng tích cực. Trẻ em ngày nay
có chiều dài thân, vòng ngực, độ dày lớp mỡ dưới da, khối lượng cơ, đặc biệt
là chiều dài của đùi, đã tăng lên rõ rệt ở cả hai giới [40]. Tuy nhiên, theo một
số nghiên cứu, hiện nay sự gia tăng về chiều cao tối đa ở trẻ em để đạt được
chiều cao lớn nhất ở tuổi trưởng thành đã ngừng ở một số nước như Na Uy,
Anh, Hà Lan [105], [111].


12

Các nghiên cứu ở Châu Á ở thế kỷ XXI, Thái Lan (2012) đã công bố từ
năm 1975 đến năm 2012 chiều cao trung bình của trẻ trai và trẻ gái đã tăng
lên tương ứng là 1,32 cm và 0,86 cm ở mỗi thập kỷ [82]. Ở thế kỷ XXI, nhờ
sự tiến bộ vượt bậc của khoa học, các nghiên cứu về nhân trắc học không chỉ

được thực hiện bằng các dụng cụ đo lường hình thái cổ xưa mà còn được thực
hiện nhờ các máy quét đa chiều, giúp khảo sát chi tiết, chính xác hơn các phần
cơ thể.
1.3.1.2. Các nghiên cứu về hình thái ở Việt Nam
Ở Việt Nam, các kích thước của cơ thể con người được chú ý từ những
năm 30 của thế kỷ XX. Các công trình nghiên cứu nhỏ về đo đạc một số kích
thước như chiều cao, cân nặng, vòng ngực của học sinh Hà Nội đã được thực
hiện. Tuy nhiên, các công trình này sử dụng các thuật toán còn đơn giản vào
việc nhận định kết quả đo đạc, nên tính giá trị phần nào bị hạn chế. Đến giai
đoạn nước ta bước vào xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, công tác điều
tra cơ bản trên mọi mặt kinh tế quốc dân được đẩy mạnh, trong đó có điều tra
về cơ thể con người, do đó ngành nhân trắc học có điều kiện phát triển. Các
nghiên cứu đã được tiến hành với quy mô khá lớn trên nhiều lứa tuổi, số
lượng đối tượng nghiên cứu tăng dần, toán thống kê đã được vận dụng để rút
ra ý nghĩa của các kết quả. Từ các nghiên cứu đã xây dựng được một số tiêu
chuẩn về thang phân loại các kích thước cơ thể, các chỉ số thể lực, một số quy
luật về sự phát triển cơ thể và đặc điểm các dân tộc Việt Nam. Theo Nguyễn
Quang Quyền (1974), có hàng trăm công trình nghiên cứu về nhân trắc học đã
được tổng kết và được tổng hợp tại hai Hội nghị toàn miền Bắc về hằng số
sinh học người Việt Nam bình thường vào năm 1967 và 1972 [33]. Các
nghiên cứu về các đặc điểm hình thái của trẻ em ở thế kỷ XX tập trung vào
các kích thước hình thái, sự khác biệt giữa nam và nữ, phân biệt về vùng
miền, dân tộc… Một số nghiên cứu tiêu biểu về trẻ em ở giữa thế kỷ XX như
nghiên cứu của Đỗ Xuân Hợp và Nguyễn Quang Quyền ở Hà Nội (1959-


13

1962) về "Sức lớn của học sinh Hà Nội từ 7-18 tuổi". Trong 4 năm nghiên
cứu, các tác giả đã cho thấy, có sự gia tăng chiều cao ở từng lứa tuổi theo thời

gian [33]. Nghiên cứu của Phạm Năng Cường (1962) về vòng ngực của học
sinh Hà Nội đã được Nguyễn Quang Quyền ghi chép ở cuốn “Nhân trắc học
và sự ứng dụng nghiên cứu trên người Việt Nam” [33] lại cho thấy, có mối
tương quan giữa vòng ngực và cân nặng. Theo Nguyễn Quang Quyền (1963)
chỉ số vòng ngực ở thanh niên Việt Nam có độ giãn trung bình (hiệu của vòng
ngực hít vào trừ đi vòng ngực thở ra) là từ 6-7 cm, còn sự thay đổi chỉ là 1-2
cm khi đo đường kính trước sau và đường kính ngang ngực [33]. Các nghiên
cứu đó cũng tập trung vào các trẻ em thuộc các dân tộc khác nhau. Nguyễn
Quang Quyền (năm 1969) đã nghiên cứu trẻ em người Việt, Tày, Mường, Thái
ở miền Bắc Việt Nam...[33]. Từ các kết quả nghiên cứu về nhân trắc học, vào
năm 1974 quyển sách đầu tiên ở Việt Nam viết về nhân trắc học của Nguyễn
Quang Quyền đã ra đời với tiêu đề "Nhân trắc học và sự ứng dụng nghiên cứu
trên người Việt Nam". Cuốn sách được coi như là một tài liệu tổng quan, tập
hợp được các kết quả của tác giả và các nhà khoa học nghiên cứu về nhân trắc
học thời đó. Tài liệu này cũng đã đưa ra các phương pháp, kỹ thuật, dụng cụ
đo và tổng hợp các kết quả nghiên cứu của tác giả và các nhà khoa học khác.
Chính ông cùng cộng sự đã xây dựng nên chỉ số QVC (Quay-Vòng-Cao), để
đánh giá thể lực thông qua chiều cao và các vòng chi thay thế cân nặng [33].
Đến nay các nghiên cứu cơ bản về nhân trắc vẫn sử dụng các phương pháp
này.
Đến năm 1975, Nguyễn Tấn Gi Trọng đã xuất bản cuốn sách "Hằng số
sinh học người Việt Nam" trong thế kỷ XIX, bộ số liệu được dùng làm tài liệu
tham khảo cho nhiều công trình nghiên cứu khoa học ở trong nước và nước
ngoài. Tuy nhiên, mặt hạn chế của các công trình nghiên cứu nói trên là do
hoàn cảnh đất nước Việt Nam bị chia cắt, vẫn còn chiến tranh, phương tiện
nghiên cứu còn nghèo nàn, việc trao đổi thông tin với nước ngoài còn hạn chế


14


và phần lớn nghiên cứu có tính tự phát, đối tượng tham gia nghiên cứu còn ít,
do đó các kết quả nghiên cứu có tính đại diện chưa cao [33].
Vào những năm 80, 90 của thế kỷ XX, các công trình nghiên cứu diễn
ra trên khắp vùng miền tiếp tục ra đời, trong đó đối tượng trẻ em đã được
nhiều nhà khoa học quan tâm đến.
Năm 1991, Đào Huy Khuê [20] nghiên cứu 1487 trẻ em từ 6 đến 17
tuổi ở Thị xã Hà Đông - Hà Sơn Bình đã cho thấy, tuổi có chiều cao tăng
mạnh nhất ở nam là 13 lên 14 tuổi (8 cm) muộn hơn ở nữ 1 năm (12 lên 13
tuổi) nhưng giá trị tăng cao nhất của chiều cao ở nữ lại thấp hơn ở nam (6
cm). Tại Bắc Kạn, năm 1992, Nguyễn Văn Lực và cộng sự [30] đã nghiên cứu
chiều cao của các dân tộc khác nhau. Kết quả cho thấy, trẻ em người Mông có
chiều cao đứng thấp hơn so với trẻ em người Tày và người Kinh. Ở khu vực
Hà Nội, Vĩnh Phú, Thái Bình, Trần Văn Dần và cộng sự [6] đã nghiên cứu
(1993 đến 1997) trên 13.747 học sinh tuổi từ 8 đến 14. Tác giả nhận xét, các
học sinh ở Hà Nội vào năm 1993 có chiều cao và cân nặng lớn hơn rõ rệt so
với các trẻ em năm 1971, còn các học sinh Vĩnh Phú không có sự khác biệt về
chỉ số này khi so với các trẻ em ở năm 1971. Tại một số vùng của Nghệ An,
Hà Tĩnh, Nghiêm Xuân Thăng [35] đã nhận thấy, sự phát triển chiều cao của
người dân Nghệ Tĩnh thấp hơn so với cư dân ở vùng đồng bằng Bắc Bộ khi
nghiên cứu trên các đối tượng từ 1 đến 25 tuổi. Phan Thị Sang [34] nghiên
cứu trên địa bàn Huế năm 1996 cho thấy, ở cùng một độ tuổi, các học sinh nữ
đã có kinh nguyệt có chiều cao lớn hơn rõ rệt so với các học sinh chưa có
kinh nguyệt. Năm 1996, Cao Quốc Việt và Nguyễn Phú Đạt nghiên cứu trên
2506 trẻ từ 6 đến 17 tuổi ở nội thành Hà Nội đã thấy, đỉnh tăng trưởng ở trẻ
trai là 13 - 14 tuổi, đến sau so với trẻ gái 1 năm (12 - 13 tuổi), đỉnh tăng
trưởng này xuất hiện trước khi trẻ xuất hiện hiện tượng dậy thì hoàn toàn
khoảng 1 năm [46].


15


Các nghiên cứu đã nêu trên đều là những nghiên cứu mô tả cắt ngang,
các chỉ số nghiên cứu được khai thác tại cùng một thời điểm, đặc điểm sinh
học được tính chung và mang tính phổ biến cho một quần thể. Vì vậy, để tìm
ra được đặc tính phát triển riêng cho từng cá thể cần có những nghiên cứu
theo dõi dọc. Theo Thẩm Thị Hoàng Điệp [9] thì từ năm 1982 đến 1989 liên
Bộ Y tế - Giáo dục đã phối hợp theo dõi học sinh 7 - 13 tuổi về các chỉ số
hình thái, thể lực, số lượng học sinh được nghiên cứu còn ít (37 nam và 35
nữ). Đến năm 1992, tác giả đã tiếp tục tiến hành nghiên cứu dọc trong 10 năm
(1980 đến 1990) [9]. Đây là công trình nghiên cứu được coi là công phu và đã
tìm ra được các quy luật phát triển ở trẻ em Việt Nam. Số học sinh lúc bắt đầu
nghiên cứu là 101 học sinh tại Hà Nội. Trong quá trình theo dõi do biến động
về số học sinh tham gia nghiên cứu nên số liệu của tác giả khi công bố chỉ còn
26 trường hợp nam và 33 trường hợp nữ. Kết quả cho thấy, chiều cao, cân
nặng, các vòng của học sinh tăng dần từ 7-16 tuổi. Chiều cao tăng mạnh nhất
ở cả nam và nữ là 11 lên 12 tuổi. Đến 16 tuổi nam vẫn còn có sự gia tăng
chiều cao trong khi nữ gần như không còn cao thêm nữa. Cân nặng và các
vòng đùi, vòng cánh tay có chung quy luật phát triển, mức tăng cao nhất các
chỉ số này ở nữ là 12 lên 13 tuổi, ở nam là 13 lên 14 tuổi [9].
Đến cuối thế kỷ XX vào những năm 90, với sự phát triển của các thiết
bị y tế hiện đại và chuẩn bị cho việc hoạch định chiến lược phát triển con
người trong thế kỷ XXI, để đáp ứng công cuộc xây dựng đất nước công
nghiệp hóa, hiện đại hóa, một dự án "Điều tra cơ bản một số chỉ tiêu sinh học
người Việt Nam bình thường thập kỷ 90” được thành lập. Dự án có sự tham
gia của nhiều nhà khoa học trên cả nước, với trang thiết bị hiện đại hơn, đủ độ
chính xác và với các kỹ thuật được chuẩn hóa và phổ biến trên thế giới đang
sử dụng. Nghiên cứu đã được thực hiện với quy mô lớn, triển khai ở nhiều
vùng miền gồm khu vực miền núi phía Bắc, khu vực Hà Nội và đồng bằng
sông Hồng, khu vực ven miền Trung, khu vực Tây Nguyên, khu vực đồng



16

bằng sông Cửu Long. Các chỉ tiêu sinh học được nghiên cứu phong phú hơn
những năm trước (siêu âm tim, mạch, định lượng các yếu tố vi lượng…), các
đối tượng được nghiên cứu theo lớp tuổi để có được giá trị đặc thù sinh học
cho mỗi lứa tuổi. Cuốn sách "Các giá trị sinh học người Việt Nam bình
thường thập kỷ 90-thế kỷ XX" (GTSH-2003) do Bộ Y tế công bố đã đánh dấu
sự thành công của các nghiên cứu cơ bản về con người [80].
Sang những năm đầu của thế kỷ XXI, nền khoa học và công nghệ đã có
những bước phát triển kỳ diệu, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghệ thông
tin. Sự phát triển cực kỳ nhanh chóng của các ngành công nghệ cao như công
nghệ sinh học, công nghệ nanô... đang hội tụ với nhau để tạo thành nền tảng
cho một hệ thống công nghệ mới của thế kỷ XXI. Hệ thống này đã và đang
làm biến đổi sâu sắc mọi lĩnh vực của đời sống xã hội loài người nói chung,
trong việc ảnh hưởng đến thể chất và trí tuệ của con người nói riêng và là yếu
tố quyết định chất lượng giống nòi của mỗi quốc gia. Nó đòi hỏi Y học Việt
Nam phải cập nhật các giá trị sinh học người bình thường theo từng thập kỷ.
Đây cũng là điều cần thiết để đánh giá sự ảnh hưởng của mỗi giai đoạn phát
triển kinh tế - xã hội đến con người Việt Nam nói chung và đến trẻ em Việt
Nam nói riêng. Bên cạnh đó, một đề án về phát triển tầm vóc người Việt Nam
được Chính phủ phê duyệt đã thúc đẩy việc nghiên cứu các giá trị sinh học ở
người bình thường, nó là cơ sở cần thiết để cung cấp bằng chứng khoa học
trước khi thực hiện đề án [36]. Hiện nay, nếu so sánh với một số nước ở khu
vực Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Singapore thì tầm vóc thân thể
thanh niên Việt Nam đều thua kém so với tầm vóc thanh niên các nước trong
khu vực. Do đó, đề án mới của Chính phủ đã được phê duyệt nhằm phát triển
thể lực, tầm vóc người Việt Nam trong 20 năm tới để nâng cao chất lượng
nguồn nhân lực, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước;
từng bước nâng cao chất lượng giống nòi, tăng sức khỏe và tuổi thọ của người

Việt Nam [36].


17

Một số công trình đã được thực hiện trong những năm đầu thế kỷ XXI
như, năm 2000, Trần Thị Loan [29] đã nghiên cứu trên các học sinh phổ thông
từ lớp 1 đến lớp 12 của bốn trường phổ thông thuộc quận Cầu Giấy, Hà Nội,
các chỉ số nghiên cứu là chiều cao đứng, cân nặng, vòng ngực trung bình. Tác
giả nhận thấy, các chỉ số trên tăng dần lên theo tuổi, tuy nhiên, mức tăng
không đều giữa các năm. Thời điểm tăng vọt về chiều cao đến trước 2 năm so
với cân nặng và vòng ngực. Mốc thời gian tăng nhanh nhất cả ba chỉ số chiều
cao, cân nặng, vòng ngực ở nữ xuất hiện sớm hơn ở nam 2 năm.
Năm 2001, Nguyễn Phú Đạt đã tiến hành nghiên cứu về tuổi dậy thì
của trẻ em và một số yếu tố ảnh hưởng ở một số tỉnh miền Bắc Việt Nam. Kết
quả đã cho thấy, lứa tuổi tăng chiều cao mạnh nhất ở trẻ trai là 13 lên 14 tuổi
(8,83 cm/năm), và ở trẻ gái là 11 lên 12 tuổi (7,68 cm/năm). Tác giả cũng đã
đưa ra được phương trình tương quan tuyến tính giữa phát triển tinh hoàn và
tuổi ở trẻ trai từ 12 đến 17 tuổi (y = 0,507x - 66,504) với hệ số tương quan r =
0,587. Kết quả cũng đã cho thấy, đỉnh tăng trưởng phát hiện được vào thời
điểm tiền dậy thì [8].
Năm 2009, Đỗ Hồng Cường khi nghiên cứu trên các đối tượng là học
sinh trung học cơ sở độ tuổi 11-15 của 5 dân tộc Kinh, Mường, Tày, Dao,
Thái đã cho thấy, tốc độ tăng chiều cao, cân nặng và các vòng (vòng ngực
trung bình, vòng đùi phải, vòng cánh tay phải co, vòng bụng) lớn nhất ở học
sinh nam là 13 đến 15 tuổi, ở nữ là 11 đến 13 tuổi. Học sinh người dân tộc
Thái, Kinh và Mường có thể lực tốt hơn so với học sinh người dân tộc Dao,
Tày [5].
Năm 2012, nghiên cứu cắt ngang có quy mô lớn của Lê Thị Hợp và
cộng sự ở 21.626 học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 ở Hà Nội, Hải Dương và Bắc

Giang cho thấy, học sinh ở thành thị luôn cao hơn học sinh ở nông thôn và
miền núi. Tình trạng dinh dưỡng của học sinh thành thị tốt hơn học sinh ở
miền núi, tỷ lệ thấp còi ở học sinh miền núi là 23,9% [17].


18

Năm 2013, một nghiên cứu khác của Trần Long Giang trên đối tượng là
các học sinh trung học cơ sở người dân tộc đã cho thấy, các chỉ số chiều cao
đứng, cân nặng, vòng ngực trung bình, BMI của học sinh người dân tộc Kinh
đều lớn hơn của học sinh người dân tộc Dao và Mông [11]. Cùng thời điểm
năm 2013, ở địa bàn tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc, Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng
đã tiến hành nghiên cứu một số chỉ số hình thái trên học sinh người dân tộc
Kinh, Mường và Sán Dìu ở độ tuổi 11-17. Tác giả cũng nhận thấy, các chỉ số
hình thái về chiều cao đứng, cân nặng, vòng ngực trung bình của học sinh
người dân tộc Kinh tốt hơn so với người dân tộc Mường và Sán Dìu [32].
Mức tăng vọt chiều cao của các học sinh nữ là ở tuổi 12 lên 13, còn ở đa số
học sinh nam là 13 lên 14.
Như vậy là vào đầu thế kỷ XXI, các công trình về nhân trắc học đường
đã tập trung vào các chỉ số hình thái của trẻ em các dân tộc Việt Nam ở các
vùng miền khác nhau, nhằm cung cấp các chỉ số phục vụ cho các ngành sinh
học, y học và giáo dục. Tuy nhiên, các nghiên cứu này đều là các nghiên cứu
mô tả cắt ngang, chưa theo dõi được sự phát triển của các học sinh theo tuổi
nên chưa đánh giá đúng thực chất tình trạng phát triển của từng cá thể.
Tại Thái Nguyên, năm 2000 đã có công trình nghiên cứu của Nguyễn
Thành Trung "Nghiên cứu sự phát triển thể chất và trí tuệ trẻ em lứa tuổi học
đường tỉnh Thái Nguyên" [42]. Trong nghiên cứu này, tác giả đã công bố kết
quả điều tra ngang một số chỉ số phát triển thể lực của học sinh trung học cơ
sở thuộc tỉnh Thái Nguyên như: khối lượng cơ thể, chiều cao đứng, chiều cao
ngồi, vòng ngực, vòng đùi, vòng cánh tay duỗi, các chỉ số BMI, Pignet,

Skélie. Nghiên cứu đã cho thấy, sự khác biệt giữa thể lực học sinh nông thôn
và thành phố. Tuy nhiên, đây cũng là một nghiên cứu mô tả cắt ngang và do
kinh phí có hạn nên các chỉ số trong nghiên cứu của tác giả còn hạn chế. Vì
vậy, thực hiện một nghiên cứu dọc là cần thiết để giúp đánh giá chính xác hơn
sự phát triển của mỗi cá thể, và cũng cần đánh giá lại sau 10 năm hình thái,


19

thể lực trẻ em ở Thái Nguyên có phát triển tốt hơn hay không. Cùng với sự trợ
giúp của các phương tiện máy móc hiện đại việc đánh giá các chỉ số thể lực,
các yếu tố liên quan đến sự phát triển của học sinh sẽ được rõ ràng và có ý
nghĩa hơn, để có thể rút ra được các kết luận có giá trị góp phần thúc đẩy sự
phát triển thể chất của trẻ.
1.3.2. Các nghiên cứu về chức năng
1.3.2.1. Các nghiên cứu về chức năng hệ tuần hoàn và máu
Từ thời kỳ cổ xưa, khi đứng trước các hiện tượng xảy ra của bản thân
con người đã luôn đặt các câu hỏi tại sao. Để giải thích các hiện tượng này
người ta thường dựa vào những luận thuyết huyền bí như mọi hoạt động của
con người hay sự sống tồn tại được là nhờ có linh hồn. Quan niệm này chính
là nguồn gốc của tôn giáo.
Vào thế kỷ thứ V trước Công Nguyên, Hippocrate là người đầu tiên giải
thích nguyên nhân không theo tôn giáo. Ông đưa ra thuyết hoạt khí để giải
thích một số hiện tượng như không khí từ bên ngoài vào phổi rồi vào máu và
lưu thông trong máu. Hippocrate cũng là người đầu tiên đưa ra khái niệm "cân
bằng nội môi" để duy trì sức khỏe. Đến thế kỷ thứ II, Galen đã dựa trên khái
niệm của Hippocrate để giải thích một số hiện tượng khác. Ông đã cho rằng,
cơ thể có não và dây thần kinh là phần chịu trách nhiệm về cảm giác và suy
nghĩ [112].
Từ khoảng thế kỷ thứ XVI đến nửa đầu thế kỷ XX, nền kinh tế của các

nước Châu Âu phát triển, chế độ tư bản ra đời và khoa học tự nhiên có những
bước tiến bộ quan trọng. Song song với những phát minh về vật lý học đã có
nhiều phát hiện như việc tìm ra tuần hoàn phổi nhờ phương pháp giải phẫu
của Servet (1511 - 1553), phát hiện hệ thống tuần hoàn máu của Harvey (1587
- 1657) [112]. Sau này, với sự trợ giúp của kính hiển vi Malpighi đã là người
có đóng góp lớn khi phát hiện ra các cấu trúc vi thể của các cơ quan để từ đó
xây dựng giả thuyết về chức năng của chúng. Ông tìm ra tuần hoàn phổi khi


20

nghiên cứu trên ếch (1628 - 1694). Ông cũng là người đầu tiên mô tả các nhú
lưỡi và chứng minh vai trò của nó trong cảm nhận hương vị. Khi nghiên cứu
cấu trúc của da, ông đã mô tả một lớp tế bào mà hiện nay mang tên ông (tế
bào Malpighi). Việc phát hiện ra các tiểu cầu thận giúp giải thích được đơn vị
chức năng của thận. Các cấu tạo nhỏ của cơ quan bạch huyết trong lách sau
này được đặt tên là tiểu thể Malpighian. Đối với hệ thần kinh, ông cũng đã
phát hiện ra các bó sợi và gọi tên nó là chất trắng [129]…
Những phát hiện về hoạt động của các bộ phận trong cơ thể của các nhà
khoa học thông qua thực nghiệm ngày càng nhiều và cụ thể hơn. Họ bắt đầu
tìm cách giải thích bản chất các hiện tượng sống như bản chất của quá trình
hô hấp của Lavoisier A. L. (1743-1794) [83], hoạt động của dòng điện sinh
vật để giải thích sự chuyển động cơ bắp của Luigi G. (1737-1798) [102]...
Nửa sau thế kỷ XIX đến nửa đầu thế kỷ XX, nhờ nhịp độ phát triển của
khoa học kỹ thuật ngày càng mạnh nên nhiều thành tựu về sinh lý học cũng
đạt được trong thời kỳ này. Các thành tựu đó là quan niệm về hằng tính nội
môi của Bernard C. (1813 - 1873) [96], nghiên cứu về chức năng hệ thần kinh
của Sherrington C. S (1857-1952) [56], Broca (1861), Wernicke (1874),
Lichtheim (1885) [103]. Đặc biệt, Pavlov trong nghiên cứu thực nghiệm trên
cơ thể sống đã sử dụng học thuyết về hoạt động thần kinh cấp cao để giải

thích cơ chế điều hoà các hoạt động chức năng. Học thuyết của Pavlov là nền
tảng cho các nghiên cứu cụ thể về hoạt động chức năng của các cơ quan trong
cơ thể.
Năm 1940, kính hiển vi điện tử ra đời, nhờ có nó mà một loạt các thành
tựu mới đã đạt giải thưởng Nobel như phát minh về cấu trúc xoắn kép của
acid nucleic của Watson và Crick (1953) [68]. Năm 1658, nhà tự nhiên học
người Hà Lan, Swammerdam J. (1637-1680) là người đầu tiên quan sát các tế
bào máu màu đỏ dưới kính hiển vi, sau đó Van Leeuwenhoek A. (1632-1723)
đã mô tả kích thước và hình dạng của hồng cầu và đưa ra hình ảnh minh họa


21

đầu tiên vào năm 1695 [78]. Andral G. (1797-1876), một giáo sư y học người
Pháp và Addison W. (1802-1881) đã đồng thời báo cáo mô tả hình ảnh của
bạch cầu (1843) [78]. Donne A. (1801-1878) vào năm 1842 ông phát hiện ra
các tiểu cầu. Đến năm 1901, Landsteiner đã phát hiện ra kháng nguyên hệ
nhóm máu ABO, và gen quy định nhóm máu nằm trên nhiễm sắc thể số 9.
Đến năm 1940, cùng với Wiener ông tìm thêm được nhóm máu hệ Rh [71].
Giữa năm 1932-1942, Guest G. M. (1898-1967) [100] đã thực hiện một
nghiên cứu sâu rộng về các chỉ số hồng cầu trên một số lượng lớn trẻ em bình
thường và thiếu máu. Nghiên cứu không chỉ giúp xác định các giá trị tham
chiếu theo tuổi mà còn xác định được tỷ lệ thiếu máu do thiếu sắt ở trẻ sơ sinh
và trẻ em [77]. Ông cho rằng, có sự sụt giảm của thể tích trung bình hồng cầu
(MCV), huyết sắc tố trung bình hồng cầu (MCH) trước khi xuất hiện dấu hiệu
thiếu máu và những thay đổi này có thể được ngăn ngừa bằng cách sử dụng
sắt.
Hệ tuần hoàn được phát hiện ngay từ khi con người phát hiện ra hệ
thống tuần hoàn máu. Đến năm 1847, Carl Ludwig (1816-1895) là người đầu
tiên ghi lại dao động tuần hoàn chính là các sóng áp lực động mạch biến thiên

theo nhịp thở [54]. Sau đó, sự khám phá của Einthoven W. (1860-1927) về
dòng điện tim khởi nguồn cho việc chế tạo ra máy để ghi điện tâm đồ [53].
Các công trình nghiên cứu về huyết áp đều cho thấy, huyết áp tâm thu và
huyết áp tâm trương tăng lên theo tuổi ở giai đoạn cơ thể đang phát triển [62],
[124]. Nghiên cứu của Voors A. W. (1976) trên 3524 trẻ em từ 5-14 tuổi ở
Bogalusa, Louisiana cho thấy, trẻ em da đen có huyết áp cao hơn so với trẻ
em da trắng. Sự khác biệt này xảy ra bắt đầu trước 10 tuổi, nguyên nhân là do
sự thay đổi của chiều cao và cân nặng. Tác giả cũng nhận thấy, hemoglobin
cũng là yếu tố tác động lên huyết áp [126].
Tại Việt Nam, song song với các nghiên cứu về hình thái thì các nghiên
cứu chức năng các cơ quan cũng được tiến hành. Năm 1960, các chỉ số huyết


22

học lần đầu tiên được Lê Nam Trà trình bày trong báo cáo “Góp phần nghiên
cứu về những con số trung bình huyết học ở người Việt Nam” [38]. Tác giả
cho thấy, số lượng hồng cầu và huyết cầu tố ở người Việt Nam bình thường ít
hơn so với người Châu Âu, bạch cầu ưa acid, bạch cầu mônô và lympho lại
tăng. Ông cho rằng các chỉ số đó nói lên con người Việt Nam thời điểm đó có
tình trạng thiếu máu nhẹ và nhiễm kí sinh trùng mạn tính. Công trình nghiên
cứu của Vũ Triệu An, Nguyễn Ngọc Lanh và Phạm Quốc Cầm (1975) được
Lê Nam Trà ghi lại cho thấy, khi mới sinh số lượng hồng cầu và huyết cầu tố
ở trẻ em Việt Nam khá cao, tương đương với người Âu-Mỹ nhưng sau đó
giảm xuống nhất là chỉ số huyết cầu tố. Còn trong công thức bạch cầu, thì
bạch cầu lympho và acid tăng. Các tác giả đã cho rằng, nguyên nhân ở đây là
dinh dưỡng của trẻ em Việt Nam kém nên nhanh chóng mất dự trữ khi mới lọt
lòng và hay bị viêm nhiễm nên có sự thay đổi công thức bạch cầu. Năm 1993,
Vũ Triệu An đã nhận thấy, số lượng hồng cầu ở những người sống ở nông
thôn thấp hơn so với người sống ở thành thị. Ngược lại, số lượng bạch cầu

acid của những người ở nông thôn lại cao hơn của người sống ở thành thị.
Điều này chứng tỏ tình trạng dinh dưỡng của những người sống ở nông thôn
kém hơn và dễ bị nhiễm kí sinh trùng hơn so với người ở thành thị [38]. Chỉ
số hồng cầu được tập hợp trong cuốn hằng số sinh học người Việt Nam năm
1975 và giá trị sinh học người Việt Nam thập kỷ 90 thế kỷ XX cho thấy, giá
trị của các chỉ số này chưa có xu hướng tăng lên.
Bên cạnh các chỉ số về máu, các chỉ số tuần hoàn cũng được các nhà
khoa học Việt Nam quan tâm. Theo dẫn liệu của Lê Nam Trà [38], năm 1961
và năm 1971 các nhà chuyên khoa tim đã đo huyết áp trên hàng vạn người,
năm 1982 Trịnh Bỉnh Di đã công bố kết quả, huyết áp của người Việt Nam
thấp hơn của người Âu-Mỹ, huyết áp tăng dần theo tuổi nhưng cũng tăng
chậm hơn so với người Âu-Mỹ. Tác giả cho rằng, đặc điểm trên liên quan với
cơ thể ít mỡ và nồng độ cholesterol máu của người Việt thấp.


23

Đến cuối những năm 90 thế kỷ XX, với điều kiện cơ sở vật chất được
nâng cao, các nhà khoa học đã sử dụng các trang thiết bị hiện đại để khai thác
thêm nhiều chỉ số sinh học, đã được thống kê ở cuốn “Các giá trị sinh học
người Việt Nam bình thường thập kỷ 90 thế kỷ XX”[4]. Các chỉ số tế bào máu
ngoại vi đã được công bố gồm các thông số bạch cầu (tỷ lệ bạch cầu trung
tính, acid, mono, lympho), hồng cầu (số lượng hồng cầu, hemoglobin,
hematocrit, huyết sắc tố trung bình hồng cầu, nồng độ huyết sắc tố trung bình
hồng cầu, hồng cầu lưới), tiểu cầu (số lượng tiểu cầu, độ ngưng tập tiểu cầu)
[4]. Giá trị các chỉ số hồng cầu của đối tượng 7-17 tuổi thấp hơn so với người
trưởng thành, trong khi số lượng tiểu cầu lại lớn hơn, còn số lượng bạch cầu
tương đương. Đối với hệ tim mạch, các hình ảnh về điện tâm đồ, siêu âm tim,
lưu huyết não, siêu âm động mạch, tần số tim, huyết áp đã được nghiên cứu.
Các kết quả cho thấy, tần số tim ở lứa tuổi trẻ em giảm dần, còn huyết áp tăng

dần theo tuổi, đến 16 tuổi tần số tim và huyết áp của trẻ gần tương đương người
trưởng thành [4].
Đầu thế kỷ XXI, các tác giả tiếp tục nghiên cứu về tế bào máu ngoại vi,
tần số tim, huyết áp như Đỗ Hồng Cường [5], Nguyễn Phú Đạt [8], Trần Thị
Loan [29], Nguyễn Thị Bích Ngọc [32]...
Kết quả nghiên cứu các chỉ số hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu trong nghiên
cứu của Đỗ Hồng Cường [5] đều trong giới hạn bình thường và không có sự
khác biệt giữa học sinh các dân tộc Kinh, Mường, Tày, Dao và Thái.
Kết quả về chỉ số tuần hoàn trong nghiên cứu của Trần Thị Loan [29]
cho thấy, học sinh nam 12-17 tuổi có tần số tim lớn hơn so với học sinh nữ.
Tần số tim giảm dần theo tuổi, ngược lại huyết áp tâm thu và tâm trương tăng
lên theo tuổi. Nguyễn Thị Bích Ngọc [32] cũng đã nghiên cứu xu hướng thay
đổi của các chỉ số huyết áp và tần số tim trên các đối tượng nghiên cứu của
mình. Theo tác giả, tần số tim của học sinh giảm mạnh nhất lúc 12-14 tuổi đối
với nam, và 11-13 tuổi đối với nữ, còn thời điểm tăng huyết áp mạnh nhất là


24

tuổi 12-13 đối với nữ, và ở nam là 12-14 tuổi. Theo Đỗ Hồng Cường [5],
huyết áp tâm thu của học sinh nam mỗi năm tăng trung bình là 4,3 mmHg,
còn ở học sinh nữ tăng 3,5 mmHg; các giá trị này cao hơn so với kết quả
nghiên cứu của Trần Thị Loan [29].
1.3.2.2. Các nghiên cứu về chức năng hệ sinh dục
Nghiên cứu tuổi dậy thì được coi là một hướng nghiên cứu đánh giá sự
phát triển con người theo thời gian. Từ sau khi xuất bản cuốn sách giáo khoa
đầu tiên về sự tăng trưởng của con người của Stoeller J. A. năm 1729, xu
hướng phát triển tuổi dậy thì đã được nghiên cứu trên toàn thế giới. Dữ liệu
được báo cáo từ các nghiên cứu trên các quần thể người Châu Âu. Ví dụ, ở Na
Uy và Đan Mạch tuổi có kinh nguyệt đã giảm đáng kể từ thế kỷ thứ 19, lên

đến 12 tháng mỗi thập kỷ [99].
Từ trước đến nay, trên thế giới việc nghiên cứu các chỉ số sinh học
trong đó có các chỉ số chức năng như sinh lý dậy thì được nghiên cứu theo
từng thập kỷ [80]. Ở Nhật Bản, việc nghiên cứu tuổi dậy thì đã được thực hiện
ở những phụ nữ sinh từ năm 1930 đến năm 1980 [95]. Nghiên cứu ở Thái Lan
công bố là tuổi dậy thì ở trẻ gái đã giảm 0,39 năm/thập kỷ còn ở trẻ trai là
0,12 năm/thập kỷ [82]. Một nghiên cứu ở Trung Quốc từ năm 1985 - 2010
cho thấy, tuổi có kinh nguyệt rất khác nhau giữa các dân tộc thiểu số (25 dân
tộc), độ tuổi có kinh nguyệt ở nữ dân tộc thiểu số Trung Quốc giảm đáng kể
khoảng 4,5 tháng mỗi thập kỷ [120].
Tại Việt Nam, theo báo cáo của Lê Nam Trà thì tuổi có kinh nguyệt lần
đầu của trẻ gái giảm dần. Ở thập kỷ 50 của thế kỷ XX, tuổi có kinh lần đầu là
16,99 ± 1,91 tuổi, đến thập kỷ 60 giảm xuống còn 15,96 ± 2,10 tuổi, thập kỷ
70 là 15,99 ± 1,90 tuổi, thập kỷ 80 là 16,05 ± 1,70 tuổi, đến thập kỷ 90 thì các
trẻ em ở thành phố có tuổi dậy thì hoàn toàn là 14,00 ± 1,14 tuổi, còn học sinh
nông thôn là 15,38 ± 1,38 tuổi [39]. Theo hằng số sinh học năm 1975 [41],
tuổi có kinh nguyệt lần đầu ở trẻ gái ở thành thị là 168 ± 14 tháng và bằng


25

180 ± 40 tháng ở trẻ nông thôn. Đào Huy Khuê [20] chỉ ra rằng, tuổi dậy thì
hoàn toàn ở trẻ gái Hà Tây là 164 ± 20 tháng. Báo cáo của Cao Quốc Việt
[47] năm 1994 cho thấy, tuổi dậy thì hoàn toàn khác nhau giữa các vùng, giữa
nam và nữ. Ở học sinh nam Hà Nội là 14 tuổi 3 tháng, Bắc Thái (Thái Nguyên
hiện nay) là 15 tuổi 10 tháng. Đối với trẻ gái, ở Hà Nội là 13 năm 2 tháng, trẻ
ở Bắc Thái là 13 năm 2 tháng.
Đến cuối thập kỷ 90 thế kỷ XX, Phan Thị Sang và Phạm Thị Minh Đức
[4] đã tìm hiểu tuổi dậy thì trên các nữ sinh ở nhiều vùng miền Việt Nam. Kết
quả nghiên cứu đã được ghi nhận là giá trị tham chiếu trong cuốn “GTSH2003” của người Việt Nam tại thời điểm đó. Nghiên cứu cho thấy, các nữ sinh

sống ở thành thị có tuổi dậy thì đến sớm hơn so với các nữ sinh ở nông thôn
và miền núi [4]. Độ dài chu kỳ kinh nguyệt và số ngày hành kinh không có sự
khác biệt giữa các nữ sinh ở các vùng miền khác nhau.
Tiếp tục đến những năm đầu thế kỷ XXI, tuổi dậy thì được coi là chỉ số
sinh học cần thiết khi nghiên cứu về đặc điểm sinh học của trẻ em. Nguyễn
Phú Đạt, đã tìm hiểu tuổi dậy thì của các trẻ gái và đã thấy, tuổi có kinh
nguyệt lần đầu tính chung cho các trẻ gái ở Miền Bắc là 159 tháng [8]. Trẻ em
đến từ Hà Nội có tuổi dậy thì hoàn toàn đến sớm nhất (158 ± 11 tháng), tuổi
này đến muộn hơn ở trẻ Thái Bình (161 ± 15 tháng) và Hà Tây (163 ± 14
tháng), muộn nhất là trẻ ở Tuyên Quang (166 ± 14 tháng) và Thái Nguyên
(167 ± 17 tháng) [8]. Theo Đỗ Hồng Cường, tuổi dậy thì hoàn toàn của các nữ
học sinh người Kinh (154 ± 15 tháng) ở Hòa Bình đến sớm hơn so với học
sinh người Mường (171 ± 15 tháng) và người Sán Dìu (160 ± 20 tháng) [5].
Tác giả cho rằng, sự khác biệt này là do yếu tố di truyền và điều kiện dinh
dưỡng của người Kinh tốt hơn so với người Mường và Sán Dìu. Nguyễn Thị
Bích Ngọc [32] cũng khảo sát tuổi dậy thì của học sinh các dân tộc ở tỉnh Phú
Thọ, Vĩnh Phúc. Tác giả đã cho thấy, học sinh người Kinh có tuổi dậy thì


×