CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ TỔ CHỨC GIÁO DỤC
KỸ NĂNG TỰ PHỤC VỤ CHO TRẺ MẪU
GIÁO DỰA VÀO CỘNG ĐỒNG
- Tổng quan nghiên cứu vấn đề
- Trên thế giới
Nghiên cứu kỹ năng ở mức độ khái quát, đại diện cho
hướng nghiên cứu này có P.I.Galperin, V.A.Crutexki,
P.V.Petropxki,...trong các công trình nghiên cứu chủ yếu đi
sâu vào vấn đề hình thành tri thức và kỹ năng theo lý thuyết
hình thành hành động trí tuệ theo giai đoạn.
Nghiên cứu kỹ năng ở mức độ cụ thể, các nhà nghiên
cứu đã nghiên cứu kỹ năng ở các lĩnh vực hoạt động khác
nhau như kỹ năng lao động gắn với những tên tuổi các nhà
tâm lý - giáo dục như V.V.Tseburseva, kỹ năng học tập
gắn với G.X.Cochiuc, N.A.Menchinxcaia, kỹ năng hoạt động
sư phạm gắn với tên tuổi X.I.Kixegops.
Kỹ năng sống được đề cập trong các chương trình hành
động của UNESCO (Tổ chức văn hoá, khoa học và giáo dục
của Liên hiệp quốc), WHO (Tổ chức y tế thế giới), UNICEF
(Quỹ Nhi đồng Liên hiệp Quốc) cũng như trong các chương
trình hành động của các tổ chức xã hội trong và ngoài nước...
ở hướng nghiên cứu này, các tác giả chủ yếu xây dựng hệ
thống các kỹ năng của từng loại hoạt động, mô tả chân dung
các kỹ năng cụ thể và các điều kiện, quy trình hình thành và
phát triển hệ thống các kỹ năng đó..[37].
Giáo dục kỹ năng tự phục vụ cho trẻ mẫu giáo là một
trong những vấn đề đã được các nhà tâm lý, nhà giáo dục
quan tâm nghiên cứu. Mặc dù có khác nhau về các biện pháp,
phương pháp khác nhau từ các góc độ nghiên cứu song họ đều
cho rằng chính hai mặt năng lực và phẩm chất là hai mặt then
chốt mà giáo dục cần tác động đến nhằm tạo ra những con
người toàn diện.
Tác giả Côvaliôp trong công trình nghiên cứu của mình
đã rất chú trọng đến việc giáo dục lao động tự phục vụ cho
trẻ. Tác giả cho rằng: “Thói quen là bản tính thứ hai của con
người. Khi có thói quen lao động, nếu không làm việc người
ta không chịu được v.v...”. Như vậy theo Côvaliôp một khi đã
có thói quen lao động thì con người sẽ chủ động thực hiện
công việc, nếu như không thực hiện thường xuyên thì họ sẽ
cảm thấy khó chịu, buồn bực. Vì vậy, đối với trẻ em một khi
các kỹ năng tự phục vụ đã hình thành thì cần được thực hiện
một cách thường xuyên, liên tục để chúng trở thành nhu cầu
của trẻ, nếu không các em sẽ thấy khó chịu. Tác giả cũng
nhấn mạnh rằng việc trẻ chủ động thực hiện các công việc tự
phục vụ sẽ mang lại cho chúng niềm vui, niềm tự hào đó là
động lực thôi thúc các em thực hiện lao động tự phục vụ. Vì
vậy tác giả cho rằng giáo viên cần tạo được niềm vui, sự hứng
thú cho trẻ trong quá trình trẻ thực hiện hoạt động tự phục vụ,
điều đó mang lại hiệu quả cao trong việc giáo dục lao động tự
phục vụ cho trẻ.
Phẩm chất đạo đức hình thành ở trẻ em trước hết là trong
quá trình lao động. Phẩm chất ấy thể hiện ở sự ham thích và
thói quen lao động phục vụ bản thân, gia đình, nhà trường.
Như vậy sự thích thú và thói quen, kỹ năng lao động tự phục
vụ bản thân chính là một biểu hiện của phẩm chất đạo đức của
trẻ. Ông cho rằng nên cho trẻ em làm việc dễ dàng nhưng có
ích từ khi các em còn nhỏ. Việc thực hiện các kỹ năng tự phục
vụ như tự rửa tay, rửa mặt, đánh răng, chải tóc.... là những
công việc dễ dàng vừa sức trẻ mà vô cùng có ích đối với sức
khỏe và vẻ đẹp con người. Dựa trên quan điểm: “Kiên quyết
yêu cầu phải để trẻ em tự phục vụ từ khi còn nhỏ, nếu không
các em sẽ phát triển thói ăn bám xấu xa„ của Crupxkaia, tác
giả cho rằng: “Con cái chúng ta phải hưởng tuổi thơ hạnh
phúc, nhưng tuyệt nhiên không có nghĩa là tuổi thơ ấy phải
nhàn rỗi. Trẻ em sẽ không thấy hạnh phúc khi bố mẹ cứ phục
vụ các em mãi như cậu ấm cô chiêu”. Đồng thời tác giả đưa
ra nguyên tắc vô cùng đơn giản và quan trọng để rèn cho trẻ
thói quen vệ sinh sạch sẽ đó là: Không làm thay con cái
những việc mà các em có thể tự làm được, ngay cả với những
trẻ bé nhất, tùy theo khả năng, trẻ em phải tự ăn uống, rửa
mặt, đánh răng.
Để trẻ yêu thích lao động, thì cần phải giúp trẻ tiếp cận
với lao động, mức độ thể hiện kỹ năng tự phục vụ ở trẻ phụ
thuộc vào việc tham gia vào hoạt động lao động trong môi
trường xung quanh của trẻ.
Tác giả Nhechaeva lại đặc biệt nhấn mạnh ý nghĩa của
việc giáo dục, rèn luyện thói quen lao động tự phục vụ đối với
sự hình thành nhân cách trẻ mẫu giáo. Tác giả cho rằng cần
phải giáo dục kỹ năng tự phục vụ cho trẻ ngay từ lứa tuổi mẫu
giáo để trẻ có nhu cầu thực hiện hành động tự phục vụ một
cách tự giác. Cũng theo tác giả, để hình thành được những kỹ
năng kỹ xảo, thói quen lao động, kỹ năng tự phục vụ cho trẻ
thì công tác rèn luyện cần phải tiến hành thường xuyên, tỉ mỉ
theo từng bước cụ thể trong một thời gian liên tục. Nhechaeva
cũng đề xuất một số phương pháp như: Làm mẫu từng thao
tác, giải thích bằng lời, nêu gương, tập luyện hàng ngày, sử
dụng trò chơi, sử dụng trực quan, để dạy trẻ trong giờ học,
trong lao động, trong sinh hoạt hàng ngày. Theo tác giả giáo
viên phải củng cố thói quen cho trẻ bằng cách nhắc nhở
thường xuyên và bằng sự rèn luyện hàng ngày của trẻ.
A.X.Macarenco và N.K.Krupcaia nhà giáo dục lớn
người Nga, rất quan tâm tới việc giáo dục trẻ thông qua lao
động, giáo dục kỹ năng tự phục vụ cho trẻ, nguyên tắc lý
tưởng là phải làm thế nào cho bản thân lao động có tính hấp
dẫn học sinh và kích thích họ cố gắng, đạt được những kết
quả tốt đẹp. Theo hai tác giả trong lĩnh vực lao động không
dùng khen thưởng và trách phạt, tác giả cho rằng: Nhiệm vụ
lao động và sự hoàn thành nhiệm vụ đó đã khiến cho nhi
đồng vui sướng thoải mái rồi. Khi thừa nhận công tác của các
em là tốt thì đó phải là cái phần thưởng rất quý đối với lao
động của các em. Đối với trẻ mầm non cần phải giáo dục trẻ
thói quen sinh hoạt, thói quen văn hóa, ý thức tự lập, khả
năng tự kiềm chế, tinh thần vượt khó, ý thức trách nhiệm đối
với bản thân và mọi người. Tác giả quan tâm trước tiên tới
giáo dục và phát triển kỹ năng tự phục vụ ở trẻ thông qua trò
chơi, chính trò chơi phát triển rất nhiều kỹ năng ở trẻ.
Hiện nay xu hướng giáo dục mầm non trên thế giới đặc
biệt là Mỹ và Nhật Bản rất quan tâm đến giáo dục kỹ năng tự
phục vụ cho trẻ. Họ cho rằng thiếu kỹ năng tự phục vụ sẽ dẫn
đến hệ lụy trẻ lười biếng, thụ động và khó khăn khi tham gia
vào các hoạt động tập thể, các nhà giáo dục cho rằng cần giáo
dục trẻ kỹ năng tự phục vụ ngay khi trẻ được một tuổi rưỡi,
việc nắm bắt các kỹ năng tự phục vụ giúp trẻ tăng cường tính
độc lập và cảm giác về sự thành công, không chỉ có lợi cho sự
phát triển của trẻ mà hữu ích cho cả người lớn.
- Ở Việt Nam
Khái niệm “Kỹ năng sống” thực sự được hiểu một cách
đúng đắn và chặt chẽ sau hội thảo “Chất lượng giáo dục và kỹ
năng sống” do UNICEF tổ chức năm 2003 tại Hà Nội. Từ đó
người làm công tác giáo dục ở Việt Nam đã hiểu đầy đủ hơn
về kỹ năng sống.
Ở Việt Nam các nhà nghiên cứu kỹ năng tiếp cận theo
hai hướng: Hướng thứ nhất là kỹ năng lao động, xét về mặt kỹ
thuật của thao tác, hành động hay hoạt động gắn với những
tên tuổi các nhà tâm lý - giáo dục như Trần Trọng Thuỷ, Hà
Thị Đức…
Thứ hai là kỹ năng hoạt động sư phạm, kỹ năng học tập
xét về mặt năng lực của con người gắn với tên tuổi các nhà
tâm lý - giáo dục như Nguyễn Như An, Nguyễn Văn Hộ, Ngô
Công Hoàn, Nguyễn Quang Uẩn, Nguyễn Thị Tính, Trần
Quốc Thành…
Việt Nam đã thực hiện đổi mới chương trình giáo dục
mầm non. Chương trình mầm non mới hướng đến giáo dục
kỹ năng sống tích hợp với các hoạt động khác. Giáo dục lao
động tự phục vụ, hình thành kỹ năng, thói quen tự chăm
sóc bản thân cho trẻ mầm non đã được các nhà nghiên cứu
quan tâm khai thác như: Nguyễn Bát Can, Nguyễn Oánh,
Châu Thị Hạnh, Hoàng Hồi, Phạm Năng Cường, Phạm Đức
Khâm, Đinh Kỷ, Phan Sỹ Kỷ, Lâm Đình Liêm, Nguyễn
Văn Khoa đã nhấn mạnh vai trò của giáo dục lao động tự
phục vụ đối với giáo dục toàn diện cho trẻ. Các tác giả cho
rằng phương pháp chủ yếu là giảng giải kết hợp trực quan,
luyện tập, thực hành chủ yếu dưới hình thức tiết học....
Tác giả Nguyễn Thị Phong, Trần Thanh Tùng trong công
trình nghiên cứu của mình hai tác giả cho rằng để hình thành
các kỹ năng như lau mặt, rửa tay, chải tóc, mặc quần áo... thì
cô giáo phải dạy từ động tác đơn giản đến phức tạp, phải
thường xuyên kiểm tra, củng cố, tạo điều kiện cho trẻ được
tập luyện thường xuyên. Hai tác giả đưa ra yêu cầu và trình tự
thực hiện từng kỹ năng tự phục vụ, vệ sinh thân thể như: rửa
mặt, rửa tay, vệ sinh tóc, móng... chi tiết, cụ thể .
Tác giả Nguyễn Thị Thư nêu lên sự cần thiết của việc
giáo dục và rèn luyện cho trẻ những kỹ năng thói quen tốt
trong cuộc sống bao gồm cả kỹ năng tự phục vụ. Theo tác giả
việc giáo dục kỹ năng cần tiến hành mọi lúc mọi nơi, tận dụng
cơ hội trong hoạt động hàng ngày để giáo dục trẻ. Tác giả chỉ
ra rằng kết quả hình thành kỹ năng tự phục vụ cho trẻ liên
quan đến vai trò của truyền thống gia đình, vai trò của cá nhân
trẻ và tính hứng thú của chính quá trình giáo dục [32].
Tác giả Trần Thị Trọng đưa ra hệ thống các phương
pháp nhằm xây dựng kỹ năng và hình thành hành vi cho trẻ
như nhóm phương pháp trực quan (làm mẫu, phân tích động
tác); phương pháp chỉ dẫn; nhóm phương pháp khích lệ nêu
gương (nêu gương, dùng tình huống nhận xét). Theo tác giả,
giáo dục kỹ năng tự phục vụ cho trẻ gồm nhiều khâu: Làm
cho trẻ nắm được các yêu cầu, rèn kỹ năng thực hiện thao tác,
nắm được trình tự thực hiện... trong quá trình giáo dục, phải
sử dụng nhiều phương pháp và tiến hành trong mọi hoạt động
của trẻ như vui chơi, học tập [35].
Tác giả Nguyễn Thị Ngọc nghiên cứu thực trạng giáo
dục kỹ năng sống cho trẻ mẫu giáo thông qua tổ chức hoạt
động vui chơi và đề xuất một số giải pháp về giáo dục kỹ
năng sống cho trẻ mẫu giáo [20].
Giáo dục kỹ năng tự phục vụ cho trẻ được nhiều nhà
nghiên cứu trong và ngoài nước quan tâm. Các tác giả đã chỉ
ra tầm quan trọng, vai trò, ý nghĩa của việc giáo dục kỹ năng
tự phục vụ đối với sự phát triển của trẻ. Một số công trình đã
nghiên cứu các biện pháp giáo dục kỹ năng tự phục vụ thông
qua các hình thức khác nhau như lao động, vui chơi, học tập,
ngày lễ, ngày hội. Trong luận văn tác giả tiếp cận việc tổ chức
chế độ sinh hoạt hàng ngày để xây dựng các biện pháp tổ
chức giáo dục kỹ năng tự phục vụ cho trẻ mẫu giáo dựa vào
cộng đồng ở huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương.
- Một số khái niệm liên quan đến đề tài
- Giáo dục
Theo Tác giả Nguyễn Văn Hộ, Tác giả Hà Thị Đức:
“Giáo dục (theo nghĩa rộng) là quá trình toàn vẹn nhằm hình
thành, phát triển nhân cách con người, được tổ chức một
cách có mục đích có kế hoạch thông qua các hoạt động và
quan hệ giữa nhà giáo dục và đối tượng giáo dục nhằm
truyền đạt và lĩnh hội những kinh nghiệm xã hội mà loài
người đã tích lũy trong lịch sử”[14, tr1].“Giáo dục (theo
nghĩa hẹp) là quá trình xã hội được tổ chức có mục đích, có
kế hoạch; trong đó dưới vai trò chủ đạo của nhà giáo dục,
học sinh hình thành thế giới quan, niềm tin, lý tưởng, động
cơ, tình cảm, thái độ, và các hành vi thói quen đạo đức phù
hợp với các giá trị chuẩn mực xã hội”[14, tr12].
Theo Tác giả Phạm Viết Vượng:“Giáo dục (theo nghĩa
rộng) là quá trình tác động của nhà giáo dục lên các đối
tượng giáo dục nhằm hình thành cho họ những phẩm chất
nhân cách toàn diện”.“Giáo dục (theo nghĩa hẹp) được hiểu
là quá trình tác động của nhà giáo dục lên các đối tượng giáo
dục để hình thành cho họ ý thức, thái độ và hành vi ứng xử
với cộng đồng xã hội” [39, tr3].
Như vậy, giáo dục là quá trình tác động của nhà giáo dục
lên các đối tượng giáo dục, nhằm hình thành cho đối tượng
giáo dục những phẩm chất nhân cách về các mặt trí tuệ, đạo
đức, thẩm mĩ, thể chất, kỹ năng lao động.
- Kỹ năng
Trong cuốn Tâm lý học xuất bản năm 1980,
V.A.Kruteski cho rằng: “Kỹ năng là các phương thức thực
hiện hoạt động - cái mà con người lĩnh hội được”. Để làm rõ
khái niệm kỹ năng, tác giả đã phân tích kỹ vai trò của việc
luyện tập trong thực tiễn, trong hoạt động, trong quá trình
hình thành kỹ năng.
Tác giả viết: “Trong một số trường hợp thì kỹ năng là
phương thức sử dụng các tri thức, con người cần phải áp
dụng và sử dụng chúng vào trong cuộc sống, vào trong thực
tiễn. Trong quá trình luyện tập, trong hoạt động thực hành kỹ
năng trở nên được hoàn thiện trong mối quan hệ đó và hoạt
động của con người cũng trở nên được hoàn hảo hơn trước”.
A.G.Kovalov trong cuốn “Tâm lý học cá nhân” thì nhấn
mạnh “Kỹ năng là phương thức thực hiện hành động phù
hợp với mục đích và điều kiện của hành động”. Tác giả
không đề cập đến kết quả của hành động. Theo tác giả, kết
quả hành động phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó quan
trọng hơn cả là năng lực của con người chứ không đơn giản
là cứ nắm vững cách thức hành động thì đem lại kết quả
tương ứng [1].
Theo L.Đ.Lêvitôv nhà tâm lý học Liên Xô cho rằng: “Kỹ
năng là sự thực hiện có kết quả một động tác nào đó hay một
hoạt động phức tạp hơn bằng cách lựa chọn và áp dụng
những cách thức đúng đắn, có tính đến những điều kiện nhất
định”[19]. Theo tác giả, người có kỹ năng hành động là người
phải nắm được và vận dụng đúng đắn các cách thức hành
động nhằm thực hiện hành động có kết quả. Tác giả còn nói
thêm, con người có kỹ năng không chỉ nắm lý thuyết về hành
động mà phải vận dụng vào thực tế.
Theo tác giả A.U.Pêtrôpxki: “Kỹ năng là sự vận dụng tri
thức đã có để lựa chọn và thực hiện những phương thức hành
động tương ứng với mục đích đặt ra. Theo tác giả trên cơ sở
các tri thức thu nhận được đối tượng vận dụng những tri thức
đó theo các phương thức để đạt mục đích, ông nhấn mạnh tri
thức và sự vận dụng tri thức để đạt kết quả.
Quan điểm của K.K.Platônôp: “Kỹ năng là khả năng
của con người thực hiện một hoạt động bất kỳ nào đó hay các
hành động trên cơ sở của kinh nghiệm cũ”. Tác giả quan niệm
người có kỹ năng là người có phẩm chất thực hiện hoạt động
dựa trên kinh nghiệm đã có.
Khi bàn về kỹ năng, tác giả Trần Trọng Thủy cũng cho
rằng: “Kỹ năng là mặt kỹ thuật của hành động con người nắm
được cách thức hành động tức là kỹ thuật hành động có kỹ
năng” [36, tr79].
Theo tác giả Vũ Dũng thì: “Kỹ năng là năng lực vận
dụng có kết quả tri thức về phương thức hành động đã được
chủ thể lĩnh hội để thực hiện những nhiệm vụ tương ứng” [9,
tr 9].
Mặc dù có sự nhấn mạnh ở các mặt khác nhau trong
quan niệm về kỹ năng, song các nhà khoa học đều đã có sự
thống nhất ở những vấn vấn đề sau:
Thứ nhất các tác giả đều cho rằng thực chất của khái
niệm kỹ năng là sự lựa chọn trong tình huống cụ thể các
phương thức đúng đắn của hành động để đạt tới mục đích đặt
ra, điều đó chỉ có thể làm được khi thực hiện hợp lý các thao
tác trí tuệ tương ứng. Mọi kỹ năng xét về mặt cấu trúc, đều
bao gồm các thành phần:
Nhìn chung các tác giả đều cho rằng tri thức là cơ sở, là
nền tảng để hình thành kỹ năng (Tri thức ở đây bao gồm tri
thức về cách thức hành động và tri thức về đối tượng hành
động. Kỹ năng là sự chuyển hoá tri thức thành năng lực hành
động của cá nhân).
Mục đích hình thành kỹ năng
Các thao tác tương ứng cùng với những phương tiện
thực hiện các thao tác.
Thứ hai kỹ năng bao giờ cũng gắn với một hành động cụ
thể nào đó và được xem như một đặc điểm của hành động.
biểu hiện mức độ đúng đắn và thành thục của hành động. Kỹ
năng không có đối tượng riêng đối tượng của kỹ năng là đối
tượng của hành động. Không có kỹ năng chung chung hay nói
cách khác, kỹ năng không phải là một hiện tượng tự thân, kỹ
năng chỉ liên quan đến hành động nhưng về nguyên tắc thì lại
khác hành động.
Thứ ba xét về kết quả hình thành, để đánh giá một cá
nhân có kỹ năng nào đó cần dựa vào các tiêu chuẩn cá nhân
phải hiểu rõ mục đích của hành động, các yếu tố để triển khai
hành động biết triển khai hành động đúng và thành thục trong
thực tiễn, một hành động còn nhiều sai sót, tốn nhiều thời
gian, sức lực chưa thể coi là hành động có kỹ năng.
Thứ tư để hình thành được hành động có kỹ năng bao
giờ cá nhân cũng phải triển khai hành động ở dạng khái quát
nhất, đầy đủ nhất đồng thời tìm ra được các quy tắc quy luật
chung có thể triển khai ở các dạng tương tự.
Trên những quan điểm của những học giả về kỹ năng
chúng tôi hiểu: Kỹ năng là sự thực hiện có hiệu quả một hành
động hay một hoạt động nào đó đạt được mục đích đề ra.
- Kỹ năng tự phục vụ
Lao động tự phục vụ là hình thức lao động nhằm thỏa
mãn nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày nhằm chăm sóc cho
bản thân như tắm rửa, cởi quần áo, thu dọn giường ngủ, chải
đầu, đi giầy dép [2, tr204].
Theo Nguyễn Thị Hòa kỹ năng tự phục vụ là khả năng
hằng ngày của con người nhằm thỏa mãn nhu cầu sinh hoạt cá
nhân, chăm sóc cho bản thân như tắm rửa, ăn uống…[12]. Tác
giả cho rằng người có kỹ năng tự phục vụ là người có nhận
thức và kỹ năng trong các hoạt động tự phục vụ bản thân.
Theo Lê Thu Hương kỹ năng tự phục vụ là khả năng
chuyên biệt của một cá nhân về một hoặc nhiều khía cạnh nào
đó được sử dụng để giải quyết tình huống hay công việc phục
vụ cho chính mình như tự nấu ăn, tự giặt quần áo [15].
Có thể hiểu: Kỹ năng tự phục vụ là hành động của một
cá nhân để giải quyết tình huống hay công việc phục vụ cho
chính mình, như tự nấu ăn, tự giặt quần áo, tự xúc ăn, tự rửa
mặt… mà không cần sự giúp đỡ của người khác.
- Giáo dục kỹ năng tự phục vụ cho trẻ Mẫu giáo
Khi xem giáo dục kỹ năng tự phục vụ là một hoạt động,
dựa trên khái niệm về giáo dục có thể hiểu kỹ năng tự phục vụ
như sau:
Nghĩa rộng: “Giáo dục kỹ năng tự phục vụ là quá trình
tác động của giáo viên tới trẻ nhằm giáo dục cho trẻ những
cách thức tiến hành công việc hàng ngày để phục vụ bản thân
trẻ như ăn uống, vệ sinh cá nhân… để giáo dục cho trẻ thói
quen tốt, và khả năng tự chủ, chủ động trong công việc” [11 tr
6].
Khái niệm tương tự: “Giáo dục kỹ năng tự phục vụ là
quá trình toàn vẹn, được tổ chức có mục đích có kế hoạch,
thông qua các hoạt động và quan hệ giữa giáo viên và trẻ
nhằm truyền đạt cho trẻ những tri thức, cách thức và trẻ học
được những kinh nghiệm xã hội của loài người từ giáo viên ở
lớp”[11 tr6 ].
Nghĩa hẹp: “Giáo dục kỹ năng tự phục vụ được hiểu là
quá trình tác động của giáo viên tới trẻ nhằm để giáo dục cho
trẻ những kiến thức, kỹ năng và hành vi ứng xử phù hợp với
công việc tự phục vụ bản thân” [11 tr 6].
Tác giả Nguyễn Thị Hòa: “Giáo dục kỹ năng tự phục vụ
cho trẻ có thể hiểu là quá trình sử dụng các biện pháp khác
nhau một cách khoa học nhằm tác động tới trẻ, từ đó hình
thành ở trẻ kỹ năng tốt giúp trẻ biết tự chăm sóc bản thân,
đặc biệt là tự giác chủ động trong công việc”[12 tr 10].
Giáo dục kỹ năng tự phục vụ là một bộ phận quan trọng
của giáo dục lao động, nhằm hình thành những phẩm chất của
người lao động mới như yêu lao động, quý trọng người lao
động, giáo dục kỹ năng tự phục vụ cho trẻ mẫu giáo giúp trẻ
nắm được các kỹ năng đơn giản phục vụ cho sinh hoạt và
chuẩn bị sau này cho trẻ tham gia vào đời sống lao động.
Có thể hiểu: “Giáo dục kỹ năng tự phục vụ là quá trình,
do các nhà giáo dục tổ chức nhằm phát triển ở cá nhân về
một hoặc nhiều khía cạnh nào đó, được sử dụng để giải quyết
tình huống thực hiện công việc tự phục vụ cho chính bản thân
của đối tượng được giáo dục”.
Kỹ năng tự phục vụ ở trẻ Mẫu giáo là hành động của trẻ
để giải quyết tình huống hay công việc phục vụ cho chính
mình như tự giặt quần áo, tự xúc ăn, tự rửa mặt… mà không
cần sự giúp đỡ của người khác.
- Cộng đồng
Cho đến nay, dù có nhiều quan điểm, cách tiếp cận khác
nhau. Tuy nhiên có thể khái quát, Cộng đồng là những nhóm
xã hội, ở đó con người có những tương tác với nhau và cùng
chia sẻ những cái chung nào đó, có thể là địa bàn cư trú,
những giá trị chung, những quy tắc ứng xử chung… và tạo
nên sự gắn kết xã hội.
Cộng đồng là một nhóm người sống trong một môi
trường có những điểm tương đối giống nhau có những mối
quan hệ nhất định với nhau (Korten, 1987).
Theo tác giả Tô Duy Hợp: Cộng đồng là một thực thể xã
hội có cơ cấu tổ chức, là một nhóm người cùng chia sẻ và
chịu sự ràng buộc bởi các đặc điểm và lợi ích chung được
thiết lập thông qua tương tác và trao đổi giữa các thành viên.
Tóm lại, dù được tiếp cận dưới nhiều góc độ khác nhau.
Tuy nhiên, khi nhắc đến cộng đồng thường bao gồm một số
đặc điểm cơ bản sau:
- Đặc điểm kinh tế, xã hội.
- Huyết thống.
- Mối quan tâm, quan điểm.
- Môi trường nhân văn.
- Giáo dục kỹ năng tự phục cho trẻ mầm non dựa
vào cộng đồng
Giáo dục kỹ năng tự phục vụ cho trẻ mầm non dựa vào
cộng đồng là phát huy vai trò chủ đạo của nhà trường trong
sự phối hợp với các các lực lượng xã hội và gia đình nhằm
khai thác thế mạnh của các chủ thể vào hoạt động giáo dục
kỹ năng tự phục vụ cho trẻ mầm non.
Có 3 nhân tố chính trong việc giáo dục đạo đức và phẩm
chất kỹ năng phục vụ cho trẻ đó là: gia đình, nhà trường và xã
hội. Mỗi nhân tố đều mang một vai trò riêng nhất định:
+ Gia đình : là tế bào của xã hội, là nền tảng của mỗi quốc
gia và là chỗ dựa vững chắc về mặt tinh thần, đồng thời cũng
là kim chỉ nam để tránh những nhận thức lệch lạc từ phía trẻ.
+ Nhà trường : là môi trường giáo dục chuyên nghiệp,
không chỉ phát triển về kiến thức mà còn phải truyền tải cho
trẻ những giá trị chuẩn mực của xã hội để các em trở thành
những con người trí thức thật sự cố đời sống tinh thần phong
phú bên cạnh cuộc sống gia đình.
+ Xã hội : là môi trường thực tế, giúp trẻ hoàn thiện một
số kĩ năng cuộc sống, chi phối một phần rất lớn trong suy
nghĩ và hành động của học sinh.
Vì vậy, sự phối hợp của 3 nhân tố trên là việc làm hết sức
cần thiết để nâng cao chất lượng giáo dục nhân cách ở học
sinh. Giống như chiếc kiềng 3 chân, đơn giản, vững chắc và
không thể thiếu bất kì chân nào.
- Một số vấn đề cơ bản về giáo dục kỹ năng tự phục
vụ cho trẻ mẫu giáo.
-Một số đặc điểm tâm lý của Trẻ mẫu giáo
Đặc điểm tâm lý trẻ mầm non thường có xu hướng muốn
độc lập và trưởng thành. Trẻ thích khám phá và rất tò mò về
thế giới xung quanh, bắt đầu hòa mình vào môi trường tập
thể – môi trường lớp học.
Trẻ mẫu giáo bé là trẻ độ tuổi 3- 4 tuổi. Ở lứa tuổi này,
cơ thể trẻ tăng trưởng và phát triển mạnh [14].
Các cơ quan, hệ cơ quan đang phát triển, hệ cơ phát
triển mạnh nhưng không đồng đều, vì vậy các vận động thô ở
trẻ tốt hơn các vận động tinh tế và khéo léo. Hệ xương ở trẻ
mẫu giáo bé đang cốt hóa nên còn mềm, tính đàn hồi cao. Bộ
máy tiêu hoá của trẻ còn yếu, dễ bị bệnh khó tiêu do ăn quá
nhiều, ăn quá nóng hay quá lạnh hoặc phản ứng khi ăn phải
các thức ăn lạ. Trọng lượng tim lớn gấp 4 - 5 lần lúc mới sinh,
nhịp đập chậm hơn so với lứa tuổi trước nhưng vẫn nhanh so
với người lớn. Tốc độ phát triển nhanh nhưng dung lượng,
cùng nhịp đập còn nhỏ và yếu, cho nên không thể tham gia
các hoạt động trong thời gian dài với cường độ cao. Hệ hô
hấp của trẻ mẫu giáo bé còn non yếu trẻ thở không sâu bằng
người lớn, nhịp hô hấp nhiều hơn so với người lớn. Não của
trẻ phát triển nhanh, các chức năng của não phát triển, kết cấu
thần kinh của não có xu thế sớm trưởng thành. Song trẻ ở tuổi
này do công năng hưng phấn và ức chế của hệ thần kinh chưa
cân bằng nên nếu chỉ làm một việc gì đơn thuần kéo dài dễ
gây mệt mỏi. Đôi khi trẻ chơi vui quá không kiềm chế được,
mải chơi quên cả ăn, ngủ. Đó là biểu hiện năng lực tự kiềm
chế còn kém, vì thế không nên để trẻ kéo dài thời gian hưng
phấn khi vui chơi quá nhiều.
Về khả năng vận động, các cơ bắp ở trẻ mẫu giáo bé có
thể nâng đỡ được trọng lượng của cơ thể. Trẻ ở tuổi này có
thể chạy, nhảy, biết dùng đôi tay để nắm chặt đồ vật, biết leo
trèo, đôi chân chạy nhảy liên tục. Các ngón tay cử động chậm
hơn so với sự vận động toàn thân.
Ở giai đoạn này, những cấu tạo tâm lý đặc trưng của con
người được hình thành và phát triển mạnh, đặc biệt là hoạt
động nhận thức của trẻ [33].
Tư duy, trí nhớ, tưởng tượng của trẻ phát triển, trong
hoạt động tư duy của trẻ mẫu giáo thường diễn ra hai kiểu tư
duy đó là tư duy trực quan hành động và tư duy trực quan
hình tượng. Một bước ngoặt rất quan trọng trong hình thành
tư duy ở trẻ mẫu giáo bé, là việc chuyển từ tư duy trực quan
hành động sang tư duy trực quan hình tượng, tuy nhiên tư duy
của trẻ mẫu giáo bé còn mang tính trực giác, chủ quan và
thiếu chính xác. Trí nhớ không chủ định tiếp tục phát triển và
chiếm ưu thế, chú ý có chủ định bắt đầu xuất hiện. Tưởng
tượng của trẻ mẫu giáo bé phong phú và sáng tạo hơn so với
lứa tuổi nhà trẻ. Ở trẻ mẫu giáo bé, tưởng tượng ban đầu còn
hạn chế, sự tái hiện kiến thức đã học mang tính thụ động.
Phạm vi tưởng tượng của trẻ hẹp, chỉ khi tham gia vào hoạt
động chủ đạo, trẻ mới có điều kiện phát triển tưởng tượng
sáng tạo.
Hoạt động nhận cảm của trẻ mẫu giáo bé phát triển
mạnh. Cảm giác tiếp tục phát triển và hoàn thiện, nó trở lên
chính xác hơn và có tính chất tự giác. Tri giác của trẻ phát
triển rất mạnh, tri giác có chủ định phát triển do hoạt động
chủ đạo quyết định. Năng lực tri giác của trẻ cũng được nâng
cao, tri giác nhìn đã phát triển mạnh thể hiện ở tính chính xác
trong việc phân biệt hình dáng và độ lớn của sự vật, tri giác sờ
mó và tri giác nghe phát triển mạnh.
Ngôn ngữ của trẻ mẫu giáo tăng nhanh, vốn từ của trẻ
lĩnh hội khoảng 800 - 1500 từ. Trẻ mẫu giáo bé có vốn từ
phong phú hơn lứa tuổi nhà trẻ cả về số lượng cũng như từ
loại. Trong năm thứ 3, tốc độ tăng vốn từ của trẻ diễn ra
nhanh nhất, cuối 3 tuổi so với đầu 3 tuổi tăng 107% [33]. Trẻ
3 - 4 tuổi đã nắm được ngữ pháp cơ bản để diễn đạt khá chính
xác những nhu cầu của mình. Tuy nhiên, ngôn ngữ của trẻ 34 tuổi còn chưa hoàn chỉnh về mặt ngữ pháp, lời nói chưa
mạch lạc.
Trẻ sợ tới trường:
Khi bước vào độ tuổi đi mẫu giáo, thầy cô và bạn bè ở
trường là một thế giới vô cùng rộng lớn trong mắt trẻ thơ. Có
nhiều bé thích thú với việc tới lớp vào mỗi buổi sáng vì được
gặp cô, gặp bạn nhưng lại có một số bé rất sợ điều này. Thậm
trí có những em nhỏ giả vờ kêu ốm, kêu mệt, đau bụng hay
khóc lóc với bố mẹ để không phải đi học. Tuy nhiên triệu
chứng này sẽ nhanh biến mất nếu như cha mẹ cho bé nghỉ học
ở nhà buổi hôm đó.
Đây là đặc điểm tâm sinh lý trẻ mầm non thường gặp.
Chính vì vậy mà giáo viên cũng như cha mẹ cần yêu thương