Tải bản đầy đủ (.doc) (12 trang)

KIỂM ĐỊNH CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC ĐẠI HỌC VIỆT NAM HIỆN NAY

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (137.56 KB, 12 trang )

Kiểm định chất lượng giáo dục đại học Việt Nam hiện nay
NCS. Bùi Ngọc Quang
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG-HCM
TÓM TẮT:
Việc kiểm định chất lượng giáo dục luôn là yêu cầu cấp thiết của nền giáo dục
hiện đại ở mọi bậc học, ngành đào tạo, nhất là ở bậc đại học. Bài viết này sẽ được đề
cập và nghiên cứu những nét chính về kiểm định chất lượng giáo dục đại học Việt
Nam hiện nay, chỉ ra những ưu và nhược điểm, qua đó đề ra những khuyến nghị hoàn
thiện cần thiết trong công tác kiểm định chất lượng giáo dục.
Từ khóa: kiểm định, chất lượng, giáo dục đại học
Đặt vấn đề
Giáo dục của nước ta luôn được coi là “quốc sách hàng đầu” 1 và sau Hội nghị Trung
ương 8, Khóa XI vào tháng 10/2013, vấn đề đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục
và đào tạo được coi như là một trong những nội dung vừa chiến lược, vừa cấp
thiết. Do đó, vấn đề quản lý và quản lý chất lượng giáo dục, trong đó có kiểm
định chất lượng giáo dục hiện nay luôn được chú trọng và quan tâm hàng đầu
trong trong các quyết sách đối với giáo dục Việt Nam. Để quản lý và triển khai
hoạt động kiểm định chất lượng một cách hiệu quả, người quản lý phải có tầm
nhìn chiến lược, xác định, lựa chọn, áp dụng các bộ tiêu chuẩn kiểm định chất
lượng, cũng như các quy định, chính sách liên quan sao cho tối ưu và phù hợp
nhất là một vấn đề không chỉ quan tâm đối với cấp quản lý mà còn đối với cả hệ
thống giáo dục.
1. Tổng quan chung về kiểm định chất lượng giáo dục Việt Nam
1.1. Kiểm định chất lượng giáo dục là gì?
Năm 2005, lần đầu tiên khái niệm “kiểm định chất lượng” (được đưa vào Luật Giáo
dục Việt Nam: “Kiểm định chất lượng giáo dục là biện pháp chủ yếu nhằm xác định
mức độ thực hiện mục tiêu, chương trình, nội dung giáo dục đối với nhà trường và cơ
sở giáo dục khác. Việc kiểm định chất lượng giáo dục được thực hiện định kỳ trong

1


lần đầu tiên được quy định tại Điều 35, Hiến pháp năm 1992


phạm vi cả nước và đối với từng cơ sở giáo dục. Kết quả kiểm định chất lượng giáo
dục được công bố công khai để xã hội biết và giám sát”2.
Theo định nghĩa của Hội đồng chất lượng đại học Anh Quốc 3, “kiểm định chất lượng
giáo dục là sự xem xét có hệ thống và độc lập nhằm xác định các hoạt động quản lý
chất lượng và các kết quả liên quan có phù hợp với kế hoạch đặt ra từ trước hay không
và những kế hoạch này có được triển khai hiệu quả, phù hợp để đặt mục tiêu hay
không?”. (Webb, 1994: 48)
Còn ở Hoa Kỳ, cho rằng kiểm định chất lượng giáo dục là hình thức “chứng nhận cơ
sở giáo dục, chương trình đào tạo đạt được những tiêu chuẩn cơ bản về nguồn lực và
các chỉ số thực hiện để củng cố chất lượng, khuyến khích tự đánh giá, tăng cường tự
quản và đảm bảo với công chúng rằng cơ sở giáo dục, chương trình đào tạo đạt được
những chuẩn mực chất lượng cơ bản”. (Stanly & Patrick, 1998: 49)
Tóm lại, ta có thể hiểu, kiểm định chất lượng giáo dục là một trong những hoạt động
đảm bảo chất lượng bên ngoài cơ sở đào tạo. Quá trình kiểm định chất lượng giáo dục
nhằm mục tiêu đưa ra các quyết định công nhận về mức độ tiến bộ và đảm bảo chất
lượng giáo dục tại các cơ sở đào tạo.
1.2. Đặc trưng của kiểm định chất lượng giáo dục
-

Kiểm định chất lượng giáo dục có thể được tiến hành ở phạm vi cấp cơ sở đào
tạo hoặc cấp chương trình đào tạo;

-

Kiểm định chất lượng giáo dục là hoạt động hoàn toàn tự nguyện;

-


Kiểm định chất lượng giáo dục không thể tách rời công tác tự đánh giá;

-

Tất cả các quy trình kiểm định chất lượng giáo dục luôn gắn liền với đánh giá
ngoài;

-

Các chuẩn mực đánh giá rất linh hoạt và được biến đổi cho phù hợp với mục
tiêu hoạt động của từng cơ sở đào tạo.

1.3. Mục đích của kiểm định chất lượng giáo dục
Kiểm định có mục đích kép là đánh giá chất lượng và cải tiến chất lượng giáo dục, do
đó mục đích chính của kiểm định chất lượng giáo dục là nhằm đảm bảo đạt được
những chuẩn mực nhất định trong giáo dục đào tạo và không ngừng cải tiến, nâng cao
2
3

Điều 17, Luật Giáo dục Việt Nam
tên tiếng Anh là Quality Assurance Agency for Higher Education – QAA

2


chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu của người sử dụng nguồn nhân lực và đảm bảo
quyền lợi cho người học.
Kiểm định chất lượng giáo dục còn nhằm mục đích giải trình với xã hội, với các cơ
quan nhà nước hay các cơ quan, tổ chức tài trợ, liên kết, cấp kinh phí hỗ trợ. Hiện nay,

không ít các cơ quan, tổ chức, cũng như người học, cha mẹ học sinh quan tâm đến việc
cơ sở đào tạo, chương trình đào tạo đã được kiểm định chất lượng giáo dục hay chưa
trước khi đưa ra quyết định tài trợ hay không tài trợ hay theo học tại cơ sở đào tạo,
chương trình đào tạo đó.
1.4. Vai trò của kiểm định chất lượng giáo dục
Kiểm định chất lượng giáo dục có vai trò giúp cho các nhà quản lý giáo dục nhìn lại
toàn bộ hoạt động của nhà trường một cách có hệ thống để từ đó điều chỉnh các hoạt
động giáo dục của nhà trường theo một chuẩn mực nhất định.
Thông qua hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục, bao gồm hoạt động tự đánh giá
và hoạt động đánh giá ngoài, lãnh đạo nhà trường sẽ xác định được mức độ đáp ứng
các mục tiêu giáo dục theo các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trong từng giai
đoạn.
Kết quả kiểm định chất lượng giáo dục phản ánh chất lượng đào tạo của nhà trường,
nhờ đó lãnh đạo trường nắm được những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức
của đơn vị mình, từ đó làm căn cứ để xây dựng kế hoạch cải tiến chất lượng giáo dục,
không ngừng nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục.
1.5. Các loại kiểm định chất lượng giáo dục
Có 2 loại kiểm định chất lượng tại Việt Nam hiện nay, đó là kiểm định chất lượng cấp
cơ sở đào tạo và cấp chương trình đào tạo.
Kiểm định chất lượng cấp cơ sở đào tạo (tức kiểm định cấp trường) nhằm đánh giá về
các điều kiện đảm bảo chất lượng cho toàn bộ mọi lĩnh vực hoạt động của nhà trường,
liên quan đến tất cả các đơn vị và cá nhân của trường.
Kiểm định chất lượng cấp chương trình đào tạo nhằm đánh giá về các điều kiện đảm
bảo chất lượng cho một chương trình đào tạo, và chỉ liên quan đến các đơn vị và cá
nhân có liên quan đến chương trình đào tạo.
1.6. Nội dung của kiểm định chất lượng giáo dục
-

Đánh giá chất lượng về cơ cấu tổ chức, sứ mạng, mục tiêu của tổ chức;


3


-

Đánh giá về chất lượng các thủ tục, cơ chế, chính sách và quá trình;

-

Đánh giá về chất lượng các nguồn lực: tài chính, cơ sở vật chất và con người.

2. Ưu, nhược điểm trong công tác kiểm định chất lượng giáo dục Việt Nam hiện
nay
2.1. Ưu điểm trong công tác kiểm định chất lượng giáo dục Việt Nam
Hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục của Việt Nam đã từng bước được hình
thành từ năm 2003, với sự thành lập của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo
dục, nay được đổi tên thành Cục Quản lý chất lượng 4 (thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo),
được giao nhiệm vụ xây dựng các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục và giúp Bộ
trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo công tác kiểm định chất lượng giáo dục trong
cả nước, cùng với 04 trung tâm kiểm định chất lượng được thành lập và đã đi vào hoạt
động: Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục ĐHQG Hà Nội (2013), Trung tâm
Kiểm định chất lượng giáo dục ĐHQG-HCM (2014), Trung tâm Kiểm định chất lượng
giáo dục ĐH Đà Nẵng (2016), và Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Hiệp hội
Đại học Cao đẳng Việt Nam (2016), với chỉ tiêu mỗi năm phấn đấu đánh giá 50-60
trường.
Đến nay hệ thống văn bản để đảm bảo cho kiểm định chất lượng giáo dục trong
mỗi nhà trường và hoạt động đánh giá ngoài về cơ bản đã đầy đủ. Thể hiện từ Nghị
định của Chính phủ, Luật Giáo dục Đại học, thông qua các thông tư, các văn bản
hướng dẫn… cụ thể như Nghị định số 75/2006/NĐ-CP của Chính phủ ngày
02/08/2006 Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục

năm 20055 đã dành toàn bộ Chương VII để hướng dẫn về công tác kiểm định chất
lượng giáo dục, trong đó nêu rõ (1) nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác kiểm định
chất lượng giáo dục, (2) các tổ chức quản lý và tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục,
(3) công bố công khai kết quả kiểm định chương trình và cơ sở giáo dục; Mục 6, Điều
28, Chương 3 của Luật Giáo dục đại học năm 20126 cũng yêu cầu các trường đại học
“tự đánh giá chất lượng đào tạo và chịu sự kiểm định chất lượng giáo dục.” Hiện nay,
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ trương kiểm định chất lượng giáo dục đại học theo Bộ

4

Quyết định số 2077/QĐ-BGDĐT ngày 19/6/2017 của Bộ trưởng Bộ GD&DT
trong Luật số 38/2005/QH11 ngày 14/06/2005 của Quốc hội
6
trong Luật số 08/2012/QH13 ngày 18/06/2012 của Quốc hội
5

4


tiêu chuẩn AUN-QA7 cấp chương trình đào tạo 8 và cấp cơ sở đào tạo 9 và triển khai áp
dụng bắt đầu từ năm 2017 dưới sự cho phép và đồng ý của Hội đồng Tín thác Mạng
lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN-BOT 10)… Các văn bản quy phạm pháp
luật và các văn bản hướng dẫn triển khai công tác kiểm định chất lượng giáo dục liên
đã được ban hành cho tất cả các cấp học, tạo hành lang pháp lý cho công tác kiểm định
chất lượng giáo dục phát triển bền vững ở Việt Nam.
Việc triển khai áp dụng và chuyển từ Bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng cấp
cơ sở đào tạo từ 10 tiêu chuẩn, 61 tiêu chí sang 25 tiêu chuẩn, 111 tiêu chí được xây
dựng trên Bộ tiêu chuẩn AUN-QA của các trường đại học tiên tiến khu vực ASEAN,
cũng như ban hành áp dụng Bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng cấp chương trình đào
tạo theo AUN-QA sẽ là cầu nối để các trường đại học của Việt Nam hòa vào chất

lượng chung của khu vực. Bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng của Mạng lưới các
trường đại học Đông Nam Á (AUN) cũng giao thoa khá lớn với bộ tiêu chuẩn của
Châu Âu và của Bắc Mỹ nên bộ tiêu chuẩn mới này sẽ là một điểm để đưa giáo dục
đại học Việt Nam hòa nhập cùng thế giới.
Một điểm nổi bật nữa, đến nay đội ngũ đảm bảo cho hoạt động kiểm định chất
lượng từ bên ngoài đã được chuẩn bị tương đối đầy đủ. Cụ thể có hơn 700 người đã
hoàn thành các khóa đào tạo kiểm định viên, trong đó có 240 người đã được cấp thẻ
kiểm định viên. Tính đến ngày 31/7/2018, cả nước hiện có 117 cơ sở giáo dục đại học;
03 trường cao đẳng sư phạm đã được kiểm định và đạt chuẩn quốc gia trong nước và
hiện có 6 cơ sở đào tạo đã được kiểm định cấp trường và đạt chuẩn quốc tế bởi AUN
và HCERES11 (xem Bảng 1).
Bảng 1. Danh sách các trường đại học được kiểm định đạt chuẩn quốc tế
7

từ viết tắt của “ASEAN Universiy Network − Quality Assurance” có nghĩa là “Mạng lưới
các trường đại học Đông Nam Á − Đảm bảo chất lượng”
8
Thông tư số 04/2016/TT-BGDĐT ngày 14/3/2016 về việc ban hành “Quy định về tiêu
chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học” của Bộ
GD&ĐT
9
AUN (2016). Hướng dẫn đánh giá cơ sở giáo dục của Mạng lưới đảm bảo chất lượng các
trường đại học ASEAN (phiên bản 2.0). NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
10
The AUN Board of Trustees
11
Hội đồng cấp cao về đánh giá nghiên cứu và giáo dục đại học Pháp, là thành viên của Hiệp
hội Đảm bảo chất lượng giáo dục đại học châu Âu (ENQA- European Association for
Quality Assurance in Higher Education) và Hệ thống Giáo dục đại học châu Âu (EHEAEuropean Higher Education Area), có giá trị toàn Châu Âu


5


TT

Tổ chức kiểm Thời điểm
định chất lượng đánh giá

Tên trường

1.

Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG-HCM)

3.
4.
5.
6.
7.

Trường ĐH Bách Khoa (ĐH Đà Nẵng)
Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội
Trường ĐH Xây dựng
Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HN)
Trường ĐH Tôn Đức Thắng

HCERES
3/2017
AUN-QA
9/2017

HCERES
3/2017
HCERES
3/2017
HCERES
3/2017
AUN-QA
01/2017
HCERES
4/2018
Nguồn: Bộ GD&ĐT (2018)

Bên cạnh công tác kiểm định chất lượng cấp cơ sở đào tạo, nhiều chương trình
đào tạo cũng được đánh giá, kiểm định theo chuẩn trong nước và quốc tế. Cụ thể, theo
số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT (2018), tính đến ngày 31/7/2018, đã có 10 chương
trình được đánh giá theo chuẩn trong nước và 106 chương trình được đánh giá và đạt
chuẩn quốc tế theo AUN, ABET12, ACBSP13, AMBA14, CTI15, ENAEE16, FIBAA17,
IACBE18 như đánh giá của Hội đồng Kiểm định Kỹ thuật và Công nghệ - Hoa Kỳ
(ABET): Một số trường đại học như Trường Đại học FPT, Trường Đại học Bách khoa
– ĐHQG-HCM đang có các chương trình phấn đấu đạt chuẩn của ABET. Tháng
11/2013, 02 chương trình của Trường Đại học Bách Khoa, ĐHQG-HCM đã được kiểm
định theo ABET; đánh giá của Ủy ban văn bằng kỹ sư Pháp – CTI: 14 ngành đào tạo
kỹ sư chất lượng cao của 04 trường đại học (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội,
Trường Đại học Xây dựng, Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng, Trường
Đại học Bách Khoa, ĐHQG-Hồ Chí Minh) đã được CTI tổ chức đánh giá vòng 2 vào
năm 2010 (vòng 1 đã được đánh giá vào năm 2004). Ngoài ra, có 04 trường đại học đã
đăng ký làm thành viên và tiếp cận với bộ tiêu chuẩn đánh giá của Hiệp hội phát triển

12


Accreditation Board for Engineering and Technology (Hội đồng Kiểm định Kỹ thuật và
Công nghệ, Hoa Kỳ)
13
Accreditation Council for Business Schools and Programs (Hội đồng Kiểm định các trường
và chương trình đào tạo về kinh doanh, Hoa Kỳ)
14
Association of MBAs (Hiệp hội MBA)
15
Commission des Titres d'Ingénieur (Uỷ ban Văn bằng Kỹ sư Pháp)
16
European Network for Accreditation of Engineering Education (Mạng lưới kiểm định đào
tạo kỹ thuật của châu Âu)
17
Foundation for International Business Administration Accreditation (Quỹ Kiểm định các
chương trình quản trị kinh doanh quốc tế)
18
International Assembly for Collegiate Business Education (Hiệp hội quốc tế các trường đại
học đào tạo ngành kinh doanh)

6


giảng dạy doanh thương bậc đại học - Hoa Kỳ (AACSB19) đó là: Trường Đại học Quốc
tế, ĐHQG-HCM, Trường Đại học Quốc tế RMIT Việt Nam, Trường Đại học Quốc tế
Sài Gòn, Trường Đại học Kinh tế và Tài chính TP. Hồ Chí Minh. Đặc biệt là 03 trường
đại học thành viên chính thức của Việt Nam đã gia nhập Mạng lưới các trường đại học
Đông Nam Á (AUN) là ĐHQG-Hà Nội, ĐHQG-HCM và Đại học Cần Thơ; hiện đã có
2 cơ sở đào tạo được đánh giá chính thức cấp trường bởi AUN là Trường ĐH Khoa
học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội và Trường ĐH Bách Khoa, ĐHQG-HCM và đã có 49
chương trình đào tạo đã được đánh giá ngoài và đạt chuẩn AUN trong giai đoạn 20072016, Việt Nam đứng vị trí thứ 2 trong khu vực (xem Bảng 2).

Bảng 2. Số lượng chương trình đạt chuẩn AUN trong khu vực giai đoạn 2007-2016

Nguồn: AUN (2016)
Việc đạt chuẩn AUN-QA của các chương trình đào tạo Việt Nam là bước đầu
tạo điều kiện để các trường đại học Việt Nam tiến dần đến sự liên thông, liên kết,
chuyển đổi tín chỉ (ACTS20) và được công nhận trong lĩnh vực học thuật trong khu
vực; sinh viên Việt Nam được hưởng lợi khi di chuyển giữa các trường đại học trong
khối ASEAN; đồng thời từ đó xây dựng được thương hiệu trường đại học, góp phần
thu hút sinh viên từ các trường đại học khác trong khu vực. Việc đạt chuẩn AUN-QA
của các chương trình đào tạo Việt Nam cũng thể hiện rõ trách nhiệm giải trình của các
trường đại học trước xã hội về chất lượng đào tạo theo nhu cầu của xã hội và yêu cầu
19
20

Association to Advance Collegiate Schools of Business
Asean Credit Transfer System

7


của thị trường lao động, đáp ứng được kỳ vọng của Nhà nước, Chính phủ trong việc
đầu tư lớn cho 2 Đại học Quốc gia của Việt Nam nhằm góp phần đẩy mạnh tiến trình
quốc tế hóa giáo dục đại học ở Việt Nam một cách toàn diện và sâu sắc hơn.
Kiểm định chất lượng giáo dục và việc công khai trong kiểm định chất lượng là
điều bắt buộc trong một quy trình đã được ghi trong Luật Giáo dục, do đó sẽ được
công khai. Đương nhiên kết quả đó sẽ tác động đến quá trình phát triển của nhà trường
(cụ thể là tuyển sinh), việc tác động này sẽ theo hai phía; nếu như kết quả kiểm định là
tốt thì kết quả là tích cực và ngược lại. Chúng ta đang ở trong xã hội cởi mở và các
trường đại học phải dần dần tự chủ trên chính nội lực của mình, tự chủ đó phải gắn với
trách nhiệm xã hội và trách nhiệm giải trình. Việc công khai này để cho học sinh, phụ

huynh và xã hội giám sát, đặc biệt là các em học sinh chuẩn bị vào học biết được
trường mạnh chỗ nào, yếu chỗ nào và cảm thấy có phù hợp với nguyện vọng của mình
hay không. Chính vì vậy, việc công khai kiểm định chất lượng là có lợi cho trường chứ
không phải là không có lợi.
2.2. Nhược điểm trong công tác kiểm định chất lượng giáo dục Việt Nam
Về đội ngũ nhân sự: cán bộ chuyên trách làm công tác đảm bảo chất lượng và
kiểm định chất lượng tại các cơ sở đào tạo thực sự chưa có kinh nghiệm về lĩnh vực
công tác hoàn toàn mới mẻ này, thực tế là tất cả cán bộ đều kiêm nhiệm, vừa làm việc
này, vừa phải đảm bảo hoạt động chuyên môn của trường.
Về nhận thức: nhận thức và mối quan tâm về vai trò của công tác đảm bảo và
kiểm định chất lượng giáo dục của lãnh đạo và tập thể cán bộ, giảng viên chưa cao,
chưa đồng đều; văn hóa chất lượng, văn hóa kiểm định chưa thực sự thấm nhuần tới
mọi thành viên trong tổ chức, vẫn còn hiện tượng làm đối phó với công tác đảm bảo
chất lượng và kiểm định chất lượng.
Về kinh phí: ngoài khó khăn về đội ngũ nhân sự, công tác kiểm định chất lượng
tại các trường còn gặp khó khăn về kinh phí, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa có chính
sách, phân bổ kinh phí, hướng dẫn cụ thể dành riêng cho hoạt động triển khai hoạt
động đảm bảo chất lượng, dẫn đến chưa thật sự động viên các cán bộ, giảng viên tham
gia vào công tác tự đánh giá, đảm bảo và kiểm định chất lượng.
Về chế tài, khen thưởng: cho đến nay mặc dù hệ thống văn bản về kiểm định
chất lượng giáo dục đã khá hoàn chỉnh song các chế tài để khuyến khích các trường

8


làm tốt, đặc biệt là xử lý những trường làm chưa tốt, chưa thực sự chú trọng đến công
tác kiểm định chưa mạnh.
Về bộ công cụ đánh giá: các bộ công cụ đánh giá, đo lường trong công tác đảm
bảo chất lượng và kiểm định chất lượng hiện nay còn nhiều tranh cãi, ở chừng mực
nào đó chưa theo kịp được sự vận hành, phát triển rất nhanh của thực tế giáo dục đại

học, đặc biệt là theo chuẩn quốc tế.
3. Những đề xuất khuyến nghị hoàn thiện công tác kiểm định chất lượng giáo dục
Việt Nam
Thứ nhất, nâng cao chất lượng đội ngũ kiểm định viên, cán bộ chuyên trách
công tác đảm bảo chất lượng, cũng như nâng cao nhận thức và mối quan tâm về vai trò
của công tác đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục của lãnh đạo và tập thể cán bộ,
giảng viên tại các cơ sở đào tạo, trung tâm kiểm định, qua việc không ngừng tổ chức,
bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ chuyên trách này.
Thứ hai, Bộ GD&ĐT cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn tổ chức kiểm định
giữa kỳ, đánh giá chương trình đào tạo và văn bản hướng dẫn sử dụng kết quả đánh giá
trong việc xét thi đua hằng năm. Đặc biệt, cần có kế hoạch rõ ràng, hướng dẫn các đơn
vị thực hiện nhiệm vụ hằng năm. Cần có biện pháp chế tài các đơn vị thực hiện không
nghiêm trong kiểm định chất lượng bởi có một số cán bộ, giảng viên không nhận thấy
lợi ích của công tác này.
Thứ ba, Bộ GD&ĐT cần xây dựng một bộ thông tư mới, bộ công cụ mới như
một thang thước để đạt được chuẩn của khu vực để các trường lấy đó đánh giá để xem
mạnh ở đâu, chỗ nào chưa được để từng bước tiếp tục duy trì điểm mạnh, khắc phục
những hạn chế, từng bước theo chiến lược cụ thể để nâng cao chất lượng giáo dục theo
hướng tiếp cận với khu vực. Bằng cách này, trong một thời gian chúng ta sẽ có được
bước chuyển biến rõ nét về chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.
Thứ tư, xem xét nếu đáp ứng các yêu cầu có thể thành lập thêm một số trung
tâm kiểm định mới phù hợp với nhu cầu đánh giá, nhu cầu của các hoạt động trong hệ
thống giáo dục đại học Việt Nam, đặc biệt là thành lập các trung tâm kiểm định nghề
nghiệp hay kiểm định chương trình hay kiểm định chuyên môn được hiểu là quá trình
công nhận chính thức của một tổ chức kiểm định chuyên môn đối với một chương
trình mà chất lượng của nó thể hiện sự đáp ứng những yêu cầu đầu tiên của việc thực

9



hành một nghề trong thực tiễn bởi các tổ chức nghề nghiệp đối với các chương trình
đào tạo chuyên môn, đặc thù. Kiểm định chuyên môn ở đây có thể thực hiện ở một
phạm vi rộng như một trường đại học thành viên hay là một phạm vi hẹp như một
chương trình của một chuyên ngành.
Thứ năm, khuyến khích các cơ sở giáo dục ở trong nước đăng ký đánh giá,
kiểm định bởi các tổ chức đánh giá và kiểm định chất lượng của khu vực và quốc tế
như AUN, AACSB, ABET, ACBSP, AMBA, CTI, ENAEE, FIBAA, IACBE… cũng
như tham gia vào các tổ chức xếp hạng trên thế giới như QS Asia Ranking và có cơ
chế, chính sách khen thưởng, đặc thù riêng cho các chương trình đào tạo, cơ sở đào tạo
đạt chuẩn khu vực và quốc tế này.
Thứ sáu, từng bước ứng dụng công nghệ thông tin trong việc hỗ trợ công tác
đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng, như việc xây dựng và hình thành cơ sở
dữ liệu dùng chung về chỉ số thực hiện, chỉ số cốt lõi (KPIs 21) đối với các cơ sở giáo
dục, qua đó xây dựng bảng đối sánh về một số chỉ tiêu cho các trường để làm cơ sở so
sánh, đối sánh, xếp hạng sau này giữa các trường trong cả nước và đối với từng khu
vực, cũng như làm cơ sở dữ liệu cho việc viết báo cáo tự đánh giá và đánh giá ngoài…
Kết luận
Đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục luôn có vai trò quan trọng và là
một trong những mối quan tâm hàng đầu của mọi cá nhân, tổ chức và toàn xã hội. Do
đó, việc nhìn nhận thực trạng, các ưu, nhược điểm trong kiểm định chất lượng giáo
dục Việt Nam hiện nay sẽ giúp cho ta có cái nhìn tổng quan, toàn cảnh về chất lượng
giáo dục, qua đó, giúp cho các nhà quản lý giáo dục xây dựng, đưa ra quyết định,
những chính sách, đề xuất, giải pháp, biện pháp hợp lý, hiệu quả nhằm không ngừng
nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý trong công tác đảm bảo chất lượng và kiểm định
chất lượng giáo dục.

21

Key Performance Indicators


10


Educational Quality Accreditation of Higher Education Institutions in
Vietnam today
ABSTRACT:
Educational accreditation is always an urgent requirement for modern education at all
levels for training programmes, especially in the higher education institutions. This
article presents some main features of current Vietnamese higher education
accreditation,

highlights

its

advantages

and

disadvantages,

and

makes

recommendations for improving accreditation in Vietnam.
Keywords: accreditation, quality, higher education
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.AUN (2016), Hướng dẫn đánh giá cơ sở giáo dục của Mạng lưới đảm bảo chất
lượng các trường đại học ASEAN (phiên bản 2.0), NXB Đại học Quốc gia Hà

Nội.
2.Bộ GD&ĐT (2016), Quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình
đào tạo các trình độ của giáo dục đại học (Thông tư số 04/2016/TT-BGDĐT
ngày 14/3/2016).
3.Bộ GD&ĐT (2017), Quy định về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học
(Thông tư số 12/2017/TT-BGDĐT ngày 19/5/2017).
4.Bộ GD&ĐT (2018), Danh sách các chương trình đào tạo, cơ sở đào tạo được
đánh giá/công nhận (số liệu cập nhật thống kê tính đến ngày 31/7/2018),
/>5.Đinh Tuấn Dũng (2008), “Vai trò của kiểm định chất lượng đối với đào tạo đại
học”, trong Kỷ yếu Vai trò của các tổ chức kiểm định độc lập trong kiểm định
chất lượng giáo dục đại học Việt Nam, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, Viện
Nghiên cứu giáo dục, tr. 158-164.
6.Nguyen Duy Mong Ha, Bui Ngoc Quang (2018). “Integration in higher education
through ASEAN University Network: Chances for Vietnamese HEI’s
development”. International Conference Proceedings on Education Revolution,

11


Transformation and Cross-Boarding in Taiwan and Vietnam, 21 April 2018,
HCMC, Vietnam, p.p. 33-.
7.Stanley, E. & Patrick, W. (1998), “Quality Assurance in American and British
Higher Education: A Comparison”, in Gaither G. H., Quality Assurance in
Higher Education: An International Perspective, San Francisco: Jossey-Bass
Publisher, p.p. 39 – 56.
8.Trần Thị Bích Liễu, Nguyễn Tùng Lâm (2008), “Đôi nét về các tổ chức kiểm
định nghề nghiệp ở Mỹ và vì sao phải có tổ chức kiểm định độc lập”, trong Kỷ
yếu Vai trò của các tổ chức kiểm định độc lập trong kiểm định chất lượng giáo
dục đại học Việt Nam, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, Viện Nghiên cứu Giáo
dục, tr. 179-192.

9.Webb, C. (1994), “Quality Audit in the Universities”, in Green D. (ed.), What is
Quality in Higher Education?, Buckingham: Society for Research into Higher
Education & Open University Press, p.p. 46 – 59.

12



×