Tải bản đầy đủ (.doc) (13 trang)

CÔNG TÁC QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO TRẺ MẦM NON TẠI TP. HỒ CHÍ MINH

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (123.02 KB, 13 trang )

CÔNG TÁC QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG
CHO TRẺ MẦM NON TẠI TP. HỒ CHÍ MINH
(Nghiên cứu định tính tại Trường mầm non Trẻ Thơ, quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh)

Cao Văn Quang1
Phạm Thị Tâm2
Tạ Thị Thanh Thủy3
Tóm tắt
Mục đích của nghiên cứu này là tìm hiểu thực trạng công tác quản lý hoạt động
giáo dục kỹ năng sống cho trẻ mầm non trên địa bàn TP.HCM. Trong nghiên cứu, các
cuộc phỏng vấn bán cấu trúc đã được sử dụng phỏng vấn với Ban Giám hiệu, giáo
viên và phụ huynh trường mầm non. Kết quả nghiên cứu cho thấy công tác quản lý
của nhà trường trong việc tổ chức, chỉ đạo và kiểm tra – đánh giá hoạt động giáo dục
kỹ năng sống cho trẻ của nhà trường còn nhiều hạn chế. Nghiên cứu đã kết luận rằng
cần phải tăng cường công tác phối hợp giữa nhà trường với phụ huynh để hỗ trợ nhau
trong việc giáo dục trẻ; kiểm tra chặt chẽ hoạt động giảng dạy của giáo viên trên lớp;
và, gia tăng và đa dạng các hoạt động giáo dục kỹ năng sống ngoài giờ trên lớp. Nhà
trường cần áp dụng các biện pháp quản lý được đề xuất để có thể nâng cao hiệu quả
công tác quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống ở trường mầm non.
Từ khóa: quản lý, giáo dục kỹ năng sống, trẻ mầm non.
Management of life skills education activities for pre-school children in Ho Chi
Minh City: A qualitative research at the Tre Tho Preschool, Tan Binh District,
HCMC
Abstract
The purpose of this study is to understand the current status of management of life
skills education activities for preschool children in HCMC. In the study, semistructured interviews were used to interview head-teachers, teachers and parents of
preschool children. Research results show that the management of the preschool in
organizing, directing, monitoringand evaluation of the life skills education activities
for pre-school children has many limitations. The study concluded that there is to
1


NCS, Khoa Giáo dục, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM

2

NCS, Khoa Dân tộc học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM

3

NCS, Khoa Dân tộc học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM

1


strengthen coordination between the school and parents to support each other in
educating children; closely monitor teaching activities of teachers in their class; and,
increasing and diversifying life skills education activities outside the classroom.
Preschools should adopt the proposed management measures to improve the
effectiveness of the management of life skills education activities for children.
Keywords: management, life skills education, pre-school children.
1. Giới thiệu đề tài
Công ước của Liên hiệp quốc về quyền trẻ em (1989) đã nêu rõ: Trẻ em là nhóm
đối tượng cần được chăm sóc và bảo vệ đặc biệt, nhất là trong những năm tháng đầu
đời, do sự chưa trưởng thành về thể chất và trí tuệ. Sự bảo vệ chăm sóc này bao gồm
việc trang bị cho trẻ những KN cần thiết để giúp trẻ tồn tại và phát triển (UNICEF,
1989).
Chương trình đổi mới giáo dục MN ở nước ta đã quan tâm đến mục đích hình
thành và phát triển ở trẻ em những chức năng tâm sinh lý, năng lực và phẩm chất
mang tính nền tảng, những KNS cần thiết phù hợp với lứa tuổi, khơi dậy và phát triển
tối đa những khả năng tiềm ẩn, chuẩn bị tốt cho trẻ vào học ở tiểu học và cho sự phát
triển của trẻ trong các giai đoạn sau (Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2009). Bên cạnh đó, Bộ

giáo dục và Đào tạo đã ban hành Bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi theo bốn lĩnh vực: nhận
thức, tình cảm và quan hệ xã hội, ngôn ngữ và giao tiếp, nhận thức và sẵn sàng với
việc học; qua đó định hướng cho các trường MN quan tâm chú trọng đến việc giáo dục
KNS cho trẻ (Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2009).
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc hình thành KNS cho trẻ chủ yếu từ môi
trường học đường và phải được sự tác động - hỗ trợ từ các nguồn lực trong xã hội bao
gồm trường học, gia đình và các tổ chức xã hội. Levine (1998) đã khẳng định rằng:
trường học là nơi trẻ em sinh sống với bạn cùng tuổi trong thời gian nhiều năm. Đó là
môi trường tự nhiên và hoàn hảo để trẻ được học hỏi và thể hiện các KN xã hội. Các
tác giả Kube và Ratigan (1991); Morrison, Oloivos, Lena và Domingeuz (1993) nhấn
mạnh vai trò của cha mẹ và các tổ chức xã hội, giáo viên và tất cả nhân viên nhà
trường trong việc xây dựng chương trình phát triển hành vi xã hội cho trẻ em và cho
rằng cần phải tận dụng tất cả mọi nguồn lực của tất cả các đối tượng người lớn để giáo
dục trẻ. Như thế, trường MN có một vai trò trọng yếu trong việc GDKNS cho trẻ.

2


Tuy nhiên, công tác quản lý hoạt động giáo dục KNS (QL HĐGDKNS) cho trẻ
tại các trường MN hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế. Chương trình bồi dưỡng cán bộ
quản lý và giáo viên MN 2016-2017 mới bắt đầu đề cập đến việc triển khai giáo dục
KN xã hội cho trẻ MN (Bộ Giáo dục&Đào tạo, 2017). Nghiên cứu này bước đầu tìm
hiểu về thực trạng công tác QL HĐGDKNS cho trẻ ở trường MN, và qua đó, có thể
đưa ra các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả cho công tác này.
2. Mục đích nghiên cứu
Mục đích của nghiên cứu này là để tìm hiểu một trường học về công tác quản lý
hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho trẻ, trong các khía cạnh sự quan tâm của nhà
trường, việc xây dựng kế hoạch, tổ chức/triển khai, chỉ đạo và kiểm tra đánh giá các
HĐGDKNS. Do đó, để đạt được mục đích nghiên cứu này, các câu hỏi nghiên cứu đã
được nêu ra như "Sự quan tâm của nhà trường đến GDKNS cho trẻ ở trường mầm

non?", "Nhà trường đang thực hiện việc GDKNS cho trẻ thế nào?", "Công tác QL
HĐGDKNS hiện nay ra sao?", và "Đâu là những thuận lợi và khó khăn của nhà trường
trong công tác này?"
3. Phương pháp nghiên cứu
Trong nghiên cứu này, phương pháp "nghiên cứu trường hợp" được sử dụng
nhằm mục đích phân tích sâu về công tác quản lý của lãnh đạo nhà trường, các điều
kiện tổ chức dạy học và các yếu tố khác góp phần tham gia vào HĐGDKNS cho trẻ
trong trường mầm non.
Nghiên cứu được thực hiện với tám (08) người tham gia, là những người đang
đóng vai trò khác nhau trong trường: Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng chuyên môn, ba
(03) giáo viên và ba (03) phụ huynh của trẻ đại diện cho ba khối Mầm, Chồi và Lá tại
trường mầm non. Trong nghiên cứu, các cuộc phỏng vấn bán cấu trúc đã được sử
dụng.
4. Nội dung – Kết quả nghiên cứu
Trong phần này, những phát hiện – kết quả nghiên cứu từ các cuộc phỏng vấn
được trình bày theo cách trần thuật. Nội dung về thực trạng GDKNS cho trẻ tại trường
MN sẽ được phân tích trước, tiếp theo sẽ là thực trạng công tác quản lý hoạt động
GDKNS cho trẻ mầm non, và sau cùng là một số biện pháp được đề nghị nhằm nâng
cao hiệu quả cho công tác quản lý của các hoạt động giáo dục này.
4.1. Thực trạng giáo dục kỹ năng sống cho trẻ tại trường mầm non
3


4.1.1. Nhận thức về việc giáo dục kỹ năng sống cho trẻ tại trường mầm non
Phân tích từ các cuộc phỏng vấn với Hiệu trưởng (HT), Phó hiệu trưởng (PHT)
chuyên môn, các giáo viên (GV) và các phụ huynh (PH) của trẻ cho thấy, Ban Giám
hiệu, các GV và PH đều nhìn nhận việc GDKNS cho trẻ MN là việc quan trọng. Riêng
đối với PHT cho rằng: "... vấn đề KNS ở trường là vấn đề quan trọng nhất". Các PH
cũng coi việc GDKNS cho trẻ MN là đặc biệt quan trọng. Ý thức việc GDKNS cho trẻ
quan trọng một cách mạnh mẽ nên một PH đã nói rằng: "Trước khi gửi bé vô trường

này thì mình đã đi khoảng mười (10) trường xung quanh đây, khảo sát rất là kỹ. Mình
chọn trường này là vì mình thấy ở đây cô giáo rất quan tâm đến hành vi của bé nên
mình chọn trường này". Tuy nhiên, xét về mặt đánh giá mức độ nhận thức và sự quan
tâm của nhà trường mầm non về việc GDKNS cho trẻ, PH lớp lá (PHL) cho rằng: "nếu
mà tính theo thang điểm 10 thì mình nghĩ nhà trường quan tâm đến việc GDKNS cho
bé ở khoảng mức 5 điểm". Nhưng nhìn chung, họ đều đánh giá nhà trường mầm non
có nhận thức được việc GDKNS cho trẻ là quan trọng, và quan tâm đến hoạt động này.
4.1.2. Thực hiện công tác giáo dục kỹ năng sống cho trẻ tại trường mầm non
Nhận thức là bước khởi đầu cho hành động cụ thể. Khi nhận thức được tầm quan
trọng và có sự quan tâm đến việc GDKNS cho trẻ, nhà trường MN đã có những thể
hiện bằng những việc làm cụ thể. Phân tích sâu các bản ghi phỏng vấn với Ban Giám
hiệu (BGH), các GV và với PH của trẻ cho thấy rõ hơn những hành động cụ thể của
nhà trường.
Trước tiên, việc đánh giá công tác thực hiện GDKNS cho trẻ MN một cách khách
quan, khi sự đánh giá đó xuất phát từ phía bên ngoài nhà trường, đó là các PH của trẻ.
Phân tích từ các cuộc phỏng vấn với PH cho kết quả rằng, họ đều có một nhận định
chung: Trường MN có thực hiện việc rèn KNS cho trẻ thông qua việc tổ chức các hoạt
động ngoại khóa. Chẳng hạn PHL cho biết: "Các hoạt động ngoài trời như là đi công
viên, dã ngoại hay là đi tham quan một số khu vực như Bảo tàng của thành phố... Còn
hoạt động ngoài trời thì mình thấy tại trường cụ thể như là cho bé vẽ, vẽ tranh, nặn
đất sét, dạy về giao thông,...". Đồng thời, các PH cho biết, họ nhận thấy nhà trường có
hoạt động GDKNS cho trẻ trong chương trình dạy học được công bố trên website của
trường mỗi tháng, và thông qua quan sát bằng camera ở trường-lớp có các tiết học các
cô dạy KNS cho trẻ, ví dụ như PH lớp mầm (PHM) cho biết: "Nhà trường có tiết học
liên quan đến KNS, ví dụ như là dạy cho bé làm bánh, dạy cho bé tự tắm, rửa tay rửa
4


chân, khi đi ngủ thì cô hướng dẫn cho bé thay quần áo rồi cho bé tự làm...". Như vậy,
dưới cái nhìn khách quan từ phía PH, họ đã đánh giá tốt việc thực hiện của nhà trường

trong hoạt động GDKNS cho trẻ.
Về phía nhà trường, qua phân tích cuộc phỏng vấn với BGH, kết quả cho thấy,
trường MN đã thực hiện công tác GDKNS cho trẻ một cách khoa học và có kế hoạch
cụ thể. HT cho biết, nhà trường đã bắt đầu công việc này bằng việc nâng cao nhận
thức, sự hiểu biết cho PH, như tại sao phải GDKNS cho trẻ ngay từ nhỏ, việc GDKNS
cho trẻ phải thực hiện như thế nào?... Cụ thể, mỗi quý/kỳ trong năm, nhà trường tổ
chức buổi sinh hoạt chuyên đề và mời các chuyên gia đến báo cáo, trao đổi với PH
trong trường, chẳng hạn: Chuyên gia tâm lý giáo dục nói chuyện và hướng dẫn PH
cách thức giúp cho trẻ tự lập, hình thành các thói quen tốt ở nhà, chuẩn bị tâm lý cho
trẻ vào lớp 1...; Bác sĩ tư vấn hỗ trợ PH cách thức chăm sóc, vệ sinh thân thể cho trẻ và
hướng dẫn trẻ biết tự bảo vệ bản thân...
PHT phụ trách chuyên môn về chương trình dạy học chia sẻ về cách thức thực
hiện GDKNS cho trẻ ở trường MN như sau: "... Nhà trường phân biệt dạy theo từng
mỗi nhóm tuổi khác nhau, mỗi nhóm tuổi có những KN khác nhau, ví dụ như nhóm
nhà trẻ thì dạy các KN căn bản như tập uống nước, cầm muỗng, cầm thìa,.... Còn lớp
lớn hơn, vấn đề bây giờ, nhà trường đang chú trọng là vấn đề vệ sinh thân thể và bảo
vệ bản thân, ví dụ các bé gái không để bị lạm dụng […], KN đi đường như thế nào,
KN giao tiếp,…".
Về phía các GV, việc thực hiện GDKNS cho trẻ được các GV cho biết là đã triển
khai thông qua các hoạt động sinh hoạt với trẻ ở trong và ngoài lớp học. Chẳng hạn,
GV hướng dẫn trẻ xếp hàng theo thứ tự, chỉ bảo cho trẻ các lễ giáo: đến trường chào
cô và chào tạm biệt ba mẹ, tập cho trẻ tặng quà sinh nhật cho bạn trong lớp; tổ chức
cho trẻ làm bánh… GV lớp mầm (GVM) chia sẻ rằng, khi tổ chức sinh nhật cho trẻ,
giáo viên dạy cho trẻ biết nói lời cảm ơn khi được bạn tặng quà, và không chen lấn
trong các buổi sinh hoạt... đó là những cách mà giáo viên thực hiện việc GDKNS cho
trẻ.
Tóm lại: Kết quả phân tích từ các cuộc phỏng vấn đã cho thấy khá rõ về hiện
trạng thực hiện công tác GDKNS cho trẻ MN. Sự đánh giá khách quan từ góc nhìn của
các PH có sự phù hợp với hiện thực tự đánh giá của các GV và BGH trường MN. Như
vậy, có một sự rõ ràng ở đây là, khi có nhận thức tốt về tầm quan trọng của việc

5


GDKNS cho trẻ sẽ làm tiền đề tốt dẫn đường và thúc đẩy cho những hành động cụ thể
tiếp theo.
4.2. Thực trạng công tác quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho trẻ mầm
non
Công tác quản lý hoạt động GDKNS cho trẻ ở trường MN bao gồm các hoạt
động xây dựng kế hoạch, hoạt động tổ chức, hoạt động chỉ đạo và hoạt động kiểm tra –
đánh giá HĐGDKNS cho trẻ. Thực trạng quản lý các hoạt động này sẽ được phân tích
sâu các cuộc phỏng vấn đã thực hiện với BGH, GV và PH của trẻ trường MN dưới
đây.
4.2.1. Xây dựng kế hoạch giáo dục kỹ năng sống cho trẻ mầm non
Lãnh đạo trường MN cho biết, công tác xây dựng kế hoạch các hoạt động giáo
dục nói chung trong nhà trường, cách riêng là hoạt động GDKNS cho trẻ, là một công
việc bắt buộc phải làm và là nhiệm vụ thường niên của trường trước khi bước vào năm
học mới; mặt khác, việc xây dựng kế hoạch giảng dạy phải được dựa vào Chương trình
giáo dục mầm non của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Công việc này, HT thường giao cho
PHT phụ trách chuyên môn. PHT có trách nhiệm xây dựng kế hoạch giảng dạy cho
toàn trường, bao gồm các khối lớp Nhà trẻ, Mầm, Chồi và Lá, và trình lên HT xem xét
và phê duyệt. Đồng thời, PHT cũng có trách nhiệm xây dựng kế hoạch chương trình
giảng dạy cho từng tháng, và cũng trình lên hiệu trưởng duyệt, sau đó mới triển khai
xuống GV các lớp; tuy nhiên, chương trình này vẫn có sự linh hoạt tùy theo bối cảnh
thực tế trong quá trình hoạt động giảng dạy, như điều PHT chia sẻ sau đây: "Tôi chịu
trách nhiệm xây dựng kế hoạch chương trình giảng dạy nói chung, trong đó có nội
dung GDKNS. Thông thường có chương trình theo tháng, ví dụ như tháng 9 là KN tự
phục vụ. Tuy nhiên, tùy vào thời điểm/bối cảnh mà nhà trường sẽ bổ sung thêm
chương trình khác xen kẽ vào, chứ không cố định chương trình như vậy; ví dụ trong
thời điểm có vấn đề lạm dụng tình dục trẻ em thì chúng tôi bổ sung thêm chương trình
hướng dẫn trẻ phòng tránh bị lạm dụng…". Phân tích thêm các cuộc phỏng vấn với

GV, họ cũng xác nhận rằng: nhà trường có xây dựng kế hoạch hoạt động GDKNS cho
trẻ; và GV biết được kế hoạch này thông qua các cuộc họp với BGH hằng tháng. Điều
này bước đầu minh chứng cho sự quan tâm của nhà trường MN trong việc GDKNS
cho trẻ. Cụ thể hơn về các minh chứng này sẽ được tìm hiểu trong phần tiếp theo trong
việc triển khai, tổ chức các kế hoạch của nhà trường.
6


4.2.2. Tổ chức hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho trẻ mầm non
Phân tích các cuộc phỏng vấn với BGH đều cho thấy có sự thống nhất giữa HT
và PHT chuyên môn trong việc tổ chức và chỉ đạo HĐGDKNS cho trẻ, tức là từ nội
dung chương trình chung của mỗi tháng, nhà trường sẽ phổ biến cho GV các lớp (mỗi
tháng họp chuyên môn một lần); các GV nắm được nội dung chung đó rồi tự soạn bài
dạy cho lớp mình. Về việc này, PHT cho biết thêm: "GV sẽ góp ý, điều chỉnh (nếu có),
cho phù hợp với lứa tuổi; rồi GV sẽ dựa vào chương trình chung, KN chung này để
xây dựng chi tiết các bài dạy cụ thể; GV soạn giáo án và giảng dạy theo sáng kiến của
mình".
Về cách thức tổ chức giảng dạy KNS cho trẻ, BGH cũng thống nhất rằng, có hai
hình thức tổ chức: Dạy trên lớp và Dạy ngoài giờ trên lớp. Các GV cho biết, hoạt động
GDKNS cho trẻ đa phần là tổ chức trong các giờ dạy trên lớp, và với nhiều phương
pháp như: chơi trò chơi, kể chuyện, cho trẻ xem video clip về tình huống/câu
chuyện,... Thông thường nội dung GDKNS cho trẻ sẽ được lồng ghép vào các nội
dung giáo dục MN, ví dụ như PHT cho biết: "Mầm non đa số dạy lồng ghép. Ví dụ
tháng này chủ đề là về giao thông, thì lồng ghép KN là con qua đường như thế nào,
[…] qua đường con cần KN gì,…", và GVM nói rằng: "Ở lớp nhỏ này thì chưa dạy
nhiều; chủ yếu là mấy kỹ năng tự phục vụ, hướng dẫn bé tự xúc ăn, thay đồ, đánh
răng; dạy bé thông qua những lúc sinh hoạt hàng ngày, nhắc nhở bé luôn; trẻ hay
quên nên phải lặp đi lặp lại nhiều lần, nhắc bé chào hỏi…"
Các hoạt động GDKNS cho trẻ ngoài giờ trên lớp cũng được BGH và GV cho
biết là phong phú, đa dạng, bao gồm các hoạt động dã ngoại, như đi công viên nước,

hồ bơi, thảo cầm viên, nhà bảo tàng… và tổ chức các hoạt động dưới sân trường như
bóc/lột trứng cút, làm bánh, pha nước giải khát, vẽ tranh, chơi trò chơi…; các hoạt
động này được tổ chức đan xem nhau và mỗi học kỳ có ba lần.
Tóm lại, công tác quản lý tổ chức các HĐGDKNS ở trường MN có mang tính
khoa học và chặt chẽ, nhưng đồng thời cũng mang tính rộng mở, tạo điều kiện cho GV
phát huy tính tự chủ và sáng tạo trong công việc soạn bài và tổ chức hoạt động giảng
dạy; nhờ đó làm cho nội dung giáo dục trở nên thiết thực, gần gũi với trẻ và làm cho
hình thức tổ chức/phương pháp giảng dạy được phong phú, sinh động hơn.
4.2.3. Hoạt động chỉ đạo giáo dục kỹ năng sống cho trẻ mầm non

7


Việc chỉ đạo triển khai thực hiện các HĐGDKNS cho trẻ của nhà trường được
GV cho biết là nhẹ nhàng và thoải mái, chủ yếu theo hình thức phổ biến chương trình
giáo dục hàng tháng (có sự trao đổi và đóng góp ý kiến của giáo viên), và để tự mỗi
GV chủ động thực hiện: từ việc soạn giáo án, giờ dạy trên lớp, đến cách thức tổ chức
các hoạt động giảng dạy,... miễn sao nội dung nằm trong chương trình chung của
trường đã thống nhất. Điều này cũng được HT xác nhận rằng: "Nhà trường chỉ phổ
biến chương trình dạy từng tháng xuống cho GV, rồi để GV tự soạn bài dạy KN nhỏ
theo KN chung cho lớp mình". Bên cạnh việc phổ biến chương trình GDKNS cho GV,
nhà trường có yêu cầu GV phối hợp với PH để cùng cộng tác vào công tác này. HT
nói: "Tôi cũng có nhắc các GV phối hợp với phụ huynh để dạy cho trẻ, nhất là những
trẻ đặc biệt…"; PHT giải thích thêm: "Đối với PH, nhà trường có nói với GV yêu cầu
PH phối hợp, như KN tự phục vụ thì yêu cầu PH để bé tự làm…". Phân tích các cuộc
phỏng vấn với GV thì thấy rằng, nhà trường không có chỉ đạo gì đối với họ mà thường
chỉ có lưu ý GV liên lạc với phụ huynh để hợp tác; Các PH cho biết, họ không nhận
được yêu cầu gì từ GV, mà chỉ có phần "Ý kiến của phụ huynh" trong sổ liên lạc. Qua
đây cho thấy, công tác quản lý việc chỉ đạo của BGH trong việc phối hợp giữa nhà
trường với PH còn mang tính hời hợt, chưa có chương trình cụ thể và chưa thực sự sâu

sát vấn đề.
Đối với các lực lượng khác trong trường (bảo mẫu, cấp dưỡng,...), tuy không trực
tiếp thực hiện các HĐGDKNS với trẻ, BGH cũng có những yêu cầu họ cộng tác – phối
hợp với GV để thực hiện. Các bảo mẫu thường làm việc chung với GV nên sẽ phối
hợp và hỗ trợ GV nhiều hơn trong các hoạt động dạy học, đặc biệt là trong các hoạt
động chăm sóc cho trẻ... Đơn cử chia sẻ của GVM: "Bảo mẫu hướng dẫn trẻ xúc đồ
ăn, thay quần áo, đánh răng; khi đang lau dọn sẽ nhắc nhở trẻ chơi tránh những nơi
cô đang làm việc,...".
Các thành phần khác, như cấp dưỡng, bảo vệ..., thì BGH sẽ có những chỉ đạo
riêng và cụ thể theo yêu cầu của GV, hoặc tùy vào loại hình hoạt động. PHT cho biết:
"Có những KN cần sự phối hợp thì mình mới chỉ đạo người làm việc này người làm
việc kia…"; Chẳng hạn, PHT cho biết thêm: "KN liên quan đến hoạt động dã ngoại sẽ
yêu cầu người chuẩn bị các dụng cụ đi đường; KN pha nước chanh, làm rau muống,
GV sẽ lên kế hoạch cần bao nhiêu ký chanh, bao nhiêu bó rau muống, thì sẽ yêu cầu/
báo cho nhân viên cấp dưỡng hỗ trợ, chuẩn bị trước".
8


Nhìn chung, nhà trường MN đã có sự chỉ đạo bao quát toàn bộ các thành phần/bộ
phận trong trường để cùng phối hợp thực hiện HĐGDKNS cho trẻ; tuy rằng, mức độ
chỉ đạo thường chỉ là những lời yêu cầu nhẹ nhàng, mang tính khuyến nghị, mà chưa
thể hiện sự mạnh mẽ, quyết liệt.
4.2.4. Công tác kiểm tra, đánh giá giáo dục kỹ năng sống cho trẻ mầm non
Kết quả phân tích các cuộc phỏng vấn với BGH và GV cho thấy, nhà trường
không coi trọng việc kiểm tra, đánh giá đối với GV trong việc thực hiện HĐGDKNS
cho trẻ. BGH cho biết, thỉnh thoảng có lên lớp xem qua GV có dạy đúng chương trình,
hoặc chỉ coi qua camera để biết xem trên lớp đang hoạt động gì... Tuy nhiên, nhà
trường lại chú trọng nhiều đến việc hướng dẫn GV kiểm tra và đánh giá đối với trẻ ở
trên lớp. Dưới đây là chia sẻ của HT:
"Tôi hướng dẫn các cô đứng lớp các KN quan sát và nhận xét bé vào sổ, có thể mỗi

ngày quan sát 3 bé, chứ không phải quan sát hết một lượt; hàng tháng sẽ báo cáo qua
sổ ghi lên BGH. Chú ý đến các bé đặc biệt, và trao đổi với PH. Mỗi GV có một quyển
sổ để ghi các trường hợp đặc biệt. Hướng dẫn GV trong và sau các buổi học KN, quan
sát trẻ, đánh giá trẻ qua các KN: để cặp, cất đồ chơi đúng chỗ, xếp đồ gọn gàng. Từ đó
đánh giá trẻ mọi lúc mọi nơi để góp ý giúp cho trẻ hoàn thiện hơn. Mỗi tháng BGH sẽ
theo dõi sổ nhận xét của GV về việc đánh giá những trẻ đặc biệt, để theo dõi tình hình
của bé và của GV. Và có biện pháp liên hệ với gia đình về những bé lười học thì tôi trao
đổi với PH để hỗ trợ cho nhau trong việc giáo dục trẻ".

Đồng thuận với sự chỉ đạo và hướng dẫn của BGH, các GV đều thực hiện việc
kiểm tra và đánh giá KN của trẻ theo quy trình của nhà trường: Mỗi tháng, GV viết
nhận xét về các KN của trẻ vào sổ liên lạc với PH, gửi sổ lên cho BGH xem và duyệt,
sau đó gửi về cho PH theo dõi và cho ý kiến. Đồng thời, mỗi GV tùy theo sáng kiến
của mình để có thể thực hiện tốt công việc này. Chẳng hạn, GV lớp chồi (GVC) chia
sẻ: "Kiểm tra trẻ chủ yếu theo phương pháp quan sát, thấy bé nào chưa tốt thì rèn bé
đó kỹ hơn; trường hợp bé nào khó quá, mà phương pháp của cô trẻ chưa tiếp thu
được, thì nhờ nhà trường hỗ trợ xem có biện pháp nào tốt hơn không"; GV lớp lá
(GVL) thì cho rằng: "… kiểm tra trẻ mọi nơi mọi lúc, ví dụ vào giờ trẻ ăn, ngủ, giờ
thay đồ,… Nếu kiểm tra trên lớp thì không có kiểm tra được hết, nên phải kiểm tra
thêm".
Như vậy, công tác kiểm tra – đánh giá HĐGDKNS cho trẻ ở trường MN đối với
GV chưa được rõ ràng và chặt chẽ; mặc dù, sự thông thoáng của nhà trường trong việc
9


kiểm tra – đánh giá này có thể tạo cho GV sự thoải mái, tự do sáng tạo, nhưng sẽ hạn
chế trong việc kiểm soát các hoạt động GDKNS của GV cho trẻ và có thể làm cho hoạt
động GDKNS cho trẻ chưa đạt được mục đích của trường MN đặt ra, hoặc yêu cầu của
xã hội. Tuy vậy, một điểm đáng ghi nhận ở đây đối với trường MN là BGH đã có sự
hướng dẫn GV khá kỹ lưỡng trong việc quan sát – theo dõi và kiểm tra – đánh giá trẻ

trong quá trình chăm sóc và giáo dục trẻ.
4.3. Đề xuất một số biện pháp quản lý hoạt động GDKNS cho trẻ mầm non
Căn cứ theo kết quả phân tích hiện trạng những hạn chế của công tác quản lý
HĐGDKNS cho trẻ của trường MN trên đây, đồng thời dựa vào cơ sở lý thuyết khoa
học quản lý giáo dục, người nghiên cứu đưa ra một số biện pháp hỗ trợ nhằm có thể
cải thiện và nâng cao hiệu quả công tác này như sau.
1) Tăng cường công tác quản lý sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình trong việc
GDKNS cho trẻ. Để công tác này có hiệu quả, trước tiên, nhà trường cần nắm bắt
thông tin về trẻ và bối cảnh gia đình của trẻ ngay từ khi nhận trẻ vào trường và
thường xuyên cập nhật – ghi nhận những thông tin thay đổi ở trẻ từ gia đình. Tiếp
đến, nhà trường cần phải phổ biến và trao đổi với PH về chương trình giáo dục,
dạy học của nhà trường để PH biết và đóng góp ý kiến. Thứ ba, thống nhất với
PH về phương thức kết nối/liên hệ với họ cũng như cách thức làm việc phối hợp
hỗ trợ trong việc giáo dục trẻ; chẳng hạn, trong trường hợp PH không có thời
gian gặp mặt trao đổi trực tiếp thì có thể thực hiện việc này qua email, hoặc bằng
công nghệ truyền thông hiện đại khác như messenger, viber, Zalo,... Một khi nhà
trường xác định rõ được vai trò quan trọng của gia đình trong việc GDKNS cho
trẻ thì sẽ định hướng và chỉ đạo rõ ràng về việc phối hợp với phụ huynh trong
cộng tác giáo dục này (Hawkings, Lishner, Catalano & Howard, 1986).
2) Đối với việc tổ chức hoạt động giảng dạy trên lớp của GV, một mặt, nhà trường
tiếp tục phát huy tinh thần tự chủ, sáng tạo của GV trong việc soạn giáo án và
hình thức tổ chức, phương pháp dạy học, nhưng mặt khác, cần tăng cường việc
quản lý các hoạt động liên quan đến dạy học của GV, như kiểm tra các giáo án
giảng dạy trước khi GV giảng dạy để kịp thời góp ý điều chỉnh cho bài giảng phù
hợp với đặc điểm tâm sinh lý của trẻ, theo hướng phương pháp sư phạm mầm
non (có hình ảnh sự vật cụ thể sống động sẽ thu hút và gây ấn tượng – tác động
hiệu quả đến trẻ); đồng thời, cần theo dõi giám sát quá trình GV giảng dạy và sau
10



đó cùng với GV lượng giá lại các hoạt động để đánh giá ngay những ưu điểm nổi
bật và khắc phục các điểm hạn chế nếu có. Bên cạnh đó, nhà trường cần có các
hình thức khen thưởng đối với các GV có những sáng kiến và thành quả tốt trong
hoạt động giáo dục trẻ.
3) Tăng cường tổ chức các hoạt động GDKNS cho trẻ ngoài giờ trên lớp. Bởi vì,
việc gia tăng các hoạt động này sẽ là cơ sở nền tảng của việc hình thành và phát
triển các kỹ năng cho trẻ, nghĩa là muốn hình thành một KN nào đó thì cần phải
cho trẻ được thực hành - trải nghiệm trên thực tế và phải được lặp đi lặp lại nhiều
lần. Đồng thời, các hoạt động GDKNS ngoài giờ trên lớp cần sự đa dạng phong
phú, nhằm có thể tạo điều kiện cho trẻ được phát triển các kỹ năng một cách toàn
diện và hài hòa.
Mặc dù có thể còn nhiều đề xuất khác góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản
lý HĐGDKNS cho trẻ ở trường MN. Song, do giới hạn phạm vi của đề tài này, người
nghiên cứu thiết nghĩ, với ba đề xuất biện pháp trình bày trên đây là căn bản và sát
thực với hiện trạng của công tác quản lý này ở trường MN hiện nay, và khi thực hiện
triệt để các biện pháp đã đề xuất trên đây, chắc hẳn, công tác quản lý HĐGDKNS cho
trẻ của trường MN sẽ mang lại nhiều thành quả hơn.
5. Kết luận
Qua kết quả của nghiên cứu này về hiện trạng hoạt động GDKNS và công tác
quản lý HĐGDKNS cho trẻ ở trường MN đã chỉ ra những hạn chế trong công tác quản
lý sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình; Công tác kiểm tra – đánh giá các
HĐGDKNS cho trẻ của GV chưa được thường xuyên và chặt chẽ; và, Công tác tổ
chức các hoạt động ngoài giờ trên lớp trong việc GDKNS cho trẻ ở trường MN chưa
nhiều và phong phú. Đồng thời, đề tài đã làm nổi lên được vai trò quan yếu của công
tác phối hợp giữa nhà trường và gia đình trong hoạt động GDKNS cho trẻ MN và nhấn
mạnh đến sự cần thiết và tầm quan trọng của việc tổ chức các hoạt động GDKNS cho
trẻ trên lớp, đặc biệt là các hoạt động ngoài giờ trên lớp. Và, theo sát với những hạn
chế, tồn tại và những điểm nổi bật mà kết quả nghiên cứu đã nêu, người nghiên cứu
lần lượt đề xuất ba biện pháp căn bản và thiết thực: (1) Tăng cường công tác quản lý
sự phối hợp giữa nhà trường và PH, (2) Tăng cường công tác quản lý việc kiểm tra –

đánh giá GV trong HĐGDKNS, và (3) Tăng cường tổ chức các HĐGDKNS ngoài giờ

11


trên lớp, để công tác quản lý HĐGDKNS cho trẻ ở trường MN có thể mang lại hiệu
quả tốt hơn.
Cũng thông qua kết quả nghiên cứu này cho chúng ta thấy được hai điểm nhấn
quan trọng. Thứ nhất, sự cần thiết và quan trọng của việc phối hợp giữa nhà trường và
gia đình để cùng nhau cộng tác – hỗ trợ cho HĐGDKNS cho trẻ đạt hiệu quả. Điều
này hoàn toàn đúng đắn và phù hợp với ý kiến của các chuyên gia giáo dục và quản lý
giáo dục; bởi vì, vai trò của mỗi môi trường giáo dục của nhà trường học hay gia đình
có khác nhau, song, sự tác động và ảnh hưởng đồng thời của cả hai môi trường, hay cụ
thể hơn là sự tác động đồng thời của cả GV ở trường và của PH ở nhà, sẽ làm cho hiệu
quả giáo dục cho trẻ được cao hơn.
Điểm nổi bật thứ hai là, đối với trẻ MN thì việc tổ chức hoạt động dạy học trên
lớp của GV phải đa dạng, phong phú trong hình thức và phương pháp dạy học, ứng
dụng các phương tiện công nghệ hiện đại, sử dụng các công cụ trực quan sinh động
trong dạy học trên lớp; đồng thời, tăng cường triển khai nhiều loại hoạt động dạy học
ngoài giờ trên lớp, để trẻ có nhiều điều kiện được trải nghiệm thực tiễn cuộc sống xã
hội, trẻ sẽ hứng thú, tích cực tham gia, học hỏi và phát triển toàn diện hơn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Bộ Giáo dục và Đào tạo. (2009). Chương trình giáo dục mầm non.
Bộ Giáo dục và Đào tạo. (2009). Thông tư Ban hành Bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi.
Bộ Giáo dục và Đào tạo. (2016). Tài liệu bồi dưỡng thường xuyên Cán bộ quản lý và
Giáo viên mầm non năm học 2016-2017. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Carroll D. (1997). Teaching Your Children Life Skills. Berkley Books.
Department for Children, Shools and Families. (2007). Children and Young People
Today: Evidence to support the development of the Children’s Plan.
Hawkins J.D., Lishner D.M., Catalano R.F., Howard M.O. Childhood predictors of

adolescent substance abuse: Toward an empirically grounded theory. Journal of
Children in Contemporary Society. 1986;18:11–47.
Nair S. (2012). Exploring Parents’ and Teachers’ Views of Primary Pupils’ Thinking
Skills and Problem Solving Skills, Creative Education, 3(1), pp.30-36.
UNESCO. (2008). The contribution of early childhood education to a sustainable
society. Paris.
UNICEF. (1989). Công ước của Liên Hiệp Quốc về quyền trẻ em. Khai thác từ
12


/>World Health Organization. (1999). Partners in Life Skills Education - Conclusions
from a United Nations Inter-Agency Meeting. Geneva: Deparment of Mental
Health.

13



×