Tải bản đầy đủ (.docx) (13 trang)

Tín ngưỡng phồn thực

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (111.58 KB, 13 trang )

Thành viên nhóm:
Kim Thanh Sản
Nguyễn Minh Diệp
Nguyễn Minh Huyền
Bài tập nhóm
Môn: Tín ngưỡng, tôn giáo bản địa một số quốc gia trên thế giới và
Đông Nam Á
Tín ngưỡng phồn thực ở Việt Nam và một số nước trên thế giới
1. Khái niệm
Phồn nghĩa là nhiều, thực là biểu hiện sự sinh sôi, nảy nở của vạn vật. Do vậy, tín
ngưỡng Phồn thực tôn thờ sự sinh sản, sinh sôi, nảy nở để duy trì và phát triển sự sống
của con người (ước mong con đàn cháu đống).
Tín ngưỡng phồn thực là một trong những hình thái tín ngưỡng sơ khai của các
cộng đồng cư dân nông nghiệp thời tiền sử, từng tồn tại phổ biến ở các khu vực Đông Á
và Đông Nam Á. Biểu hiện dễ nhận thấy của hình thức tín ngưỡng này là tục “săn đầu –
tế máu” (cùng các “biến thể” của chúng – “lễ đâm trâu”/chọi trâu) và các hình thức tôn
thờ hành vi giao phối cũng như thờ sinh thực khí của nam và nữ (âm vật – dương vật
/linga- yôni). Về sau, do ảnh hưởng của luân lý Khổng giáo ở một số nước, các hình thức
tín ngưỡng phồn thực bị xem là “dâm bôn, bậy bạ, chúng bị mai một dần và cho tới nay –
về cơ bản, chỉ còn lại những dấu tích mờ nhạt, thậm chí – trong nhiều trường hợp, không
phải bao giờ cũng dễ dàng nhận ra chúng.
Tín ngưỡng phồn thực được biểu đạt bởi rất nhiều hình thức khác nhau, tùy theo
phong tục của từng quốc gia, khu vực mà có những cách làm và thờ những hình “giống”
khác nhau. Nhưng bên cạnh những điểm khác biệt ấy vẫn còn đó những cái đại đồng của
nền văn minh nông nghiệp lúa nước.
2. Tín ngưỡng phồn thực của người Việt Nam
Ở Việt Nam, tín ngưỡng phồn thực ra đời trên nền tảng xã hội nông nghiệp cổ
truyền. Xuất phát từ những nghi lễ mang tính phồn thực trong tín ngưỡng nông nghiệp
được thực hiện với mong muốn mang lại sự sinh sôi nảy nở. Các nghi lễ này dần hình



thành thành nghi thức và gắn với nó là các lễ vật, cá trò diễn mang tính nghi lễ. Bên cạnh
đó, ngay từ những ngày đầu ở Việt Nam, tư tưởng phồn thực đã thể hiện sự tôn thờ trời
đất, giới siêu nhiên và thần thánh, những thế lực mang biểu tượng của sự sống, sự sinh
sôi nảy nở. Vậy nên, phồn thực được coi là một tín ngưỡng với đầy đủ các yếu tố như đối
tượng thờ, cơ sở và điện thờ, nghi thức thờ cúng, vật dâng cúng và các trò chơi, trò diễn
mang tính nghi lễ.
Đối tượng thờ được chia làm hai loại: Những biểu tượng, vật biểu trưng cho hình
sinh thực khí (sinh tức là sinh đẻ, thực tức là nảy nở, khí tức là công cụ) 1 và những nhân
vật được coi là “dâm thần” hoặc các vị thần phồn thực, những đối tượng làm nên hành vi
giao phối.
Cơ sở và điện thờ của tín ngưỡng: cho đến nay, nơi thờ tín ngưỡng phồn thực ở Việt
Nam hầu hết đều được đặt trong các đình làng. Điện thờ các đối tượng phồn thực thì
được đặt ở hậu cung – nơi quan trọng và linh thiêng nhất của ngôi đình làng. Hậu cung là
một vài gian nhỏ nối liền với gian giữa của đình, nhô ra như cái chuôi vồ - nơi đặt bàn
thờ thần phồn thực hay các biểu tượng phồn thực. Nếu là thần phồn thực thì thường có
mũ và áo của thần đi kèm, còn nếu là các biểu tượng phồn thực thì được đặt trong tráp
hay hộp sơn son thiếc vàng đặt trên bàn thờ, được giữ gìn cẩn thận chỉ những ngày hội
mới được mở ra. Ngăn cách giữa hậu cung và nơi tiền tế là hai cửa chạm trổ ở hai bên tả
hữu, thường ngày phải đóng kín để đảm bảo sự tôn kính với thần. Trước hậu cung có bày
đặt hương án, đồ bát bửu. Phần nhà tiền tế, gian giữa nối với hậu cung, là nơi tiến hành
các nghi lễ tế tự và dâng cúng thần, hai bên tả hữu đình ngoài là bục để dân làng và các
quan viên của làng ngồi ăn uống và hồi họp. Nơi đây cũng có thể bày đặt một số đồ lễ,
kiệu rước, cáng hay những vật sinh thời các thần sử dụng hay gắn với biểu tượng thờ.
Nghi thức thờ cúng: đây là nghi thức quan trọng vì góp phần giải mã cho bản chất
của một lễ hội. Trong nghi thức thờ các thần phồn thực, đặc biệt thường là các tục “hèm”
mang tính nghi lễ - yếu tố cốt yếu của thờ phồn thực. “Hèm” trong các nghi thức thờ
phồn thực thường mang ý nghĩa là một nghi lễ hay phong tục với các lề lối cúng tế, xưng
1 Trần Ngọc Thêm, Cơ sở văn hóa Việt Nam, Sđd, tr. 127



tụng thần linh một cách “kỳ quái”, “xấu xa” hoặc cũng có khi bình thường. Tuy nhiên các
“hèm” ngày nay lại mang tính cấm kỵ đối với xã hội hiện đại nên người ta ít nhiều giấu
giếm che đậy và thường thực hiện vào đêm khuya.
Trò diễn và trò chơi: là một trong những yếu tố cấu thành nên một tín ngưỡng. Trò
diễn trong lễ hội thường được gắn với nhân vật thờ phụng một cách khá rõ nét. Các trò
diễn cũng có thể việc cụ thể hóa hành vi của dân làng hướng tới việc thờ phụng hay tín
ngưỡng thờ phụng. Trò chơi trong lễ hội lại khác, vì không gắn với nhân vật thờ phụng
một cách rõ nét như trò diễn. Các trò chơi diễn ra thường mang tính là lấy may, mang ý
nghĩa tâm linh đối với người dân vì sự cầu mong phát đạt, khỏe mạnh.
Vật dâng cúng: có hai loại vật dâng cúng là thức cúng phổ biến ở các lễ hội (oản, hương,
hoa, quả,...) và thức cúng mang tính nghi lễ (có riêng ở một lễ hội riêng biệt, gắn với ý
nghĩa của lễ hội đó).
Các hiện tượng, biểu hiện phồn thực trong đời sống văn hóa Việt Nam rất đa dạng
và phong phú. Trong nghệ thuật, dòng tranh Đông Hồ với những bức tranh như: Hứng
dừa, Đánh ghen, Lợn đàn… phảng phất hình bóng của tín ngưỡng phồn thực. Điêu khắc
đình làng của một số ngôi đình như Đông Viên (Ba Vì), đình Phùng (Đan Phượng, Hà
Nội), đình Thổ Tang (Vĩnh Phúc), đình Đệ Tứ (Nam Định) còn khắc trạm hình ảnh nam
nữ đang đùa giỡn khi tắm ở hồ sen, hay đùa giỡn với nhau với cơ thể trần.
Trong văn học dân gian, những câu đố thanh giảng tục, thanh giảng thanh phảng
phất tín ngưỡng phồn thực. Văn học thành văn, tác giả như Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương
đã có những tác phẩm miêu tả về dáng vẻ đẹp đẽ, khỏe mạnh của cơ thể con người như:
Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non
(Bánh trôi nước, Hồ Xuân Hương)
Tín ngưỡng phồn thực ở Việt Nam còn được thể hiện qua các lễ hội cổ truyền.
Nhân vật được thờ phụng trong các lễ hội cổ truyền của một số làng quê là những biểu
tượng của tín ngưỡng phồn thực như: thánh Bôn ở một số làng Thanh Hóa; Phật Thạch


Quang (con Man nương với Khâu đà la) là một linga bằng đá. Ở các trò diễn, trò chơi của

một số lễ hội có thể kể đến như: lễ hội làng Nga Hoàng (Bắc Giang), trò tắt đèn đêm giã
La ( Hà Nội), trò múa Mo ở Sơn Đồng (Hoài Đức, Hà Nội). Các lễ hội như: lễ hội Linh
tinh tình phộc ( Lâm Thao, Phú Thọ) thường diễn ra vào đêm 11 và 12 tháng Giêng; lễ
hội rước “của quý” tại Ná Nhèm (Bắc Sơn, Lạng Sơn); lễ hội ông Đùng bà Đà (Thái
Thụy, Thái Bình) thường diễn ra vào 14/4 âm lịch hàng năm.
Trong chạm khắc, trang trí những dấu ấn của tín ngưỡng phồn thực được thể hiện
từ rất sớm trong lịch sử. Năm 1925, W. Goloubew là người đã phát hiện ra bãi đá cổ Sapa
- Lào Cai tại thung lũng Mường Hoa với gần 200 hòn đá lớn nhỏ khác nhau khắc hình
mặt trời, mưa, suối, hình người và cảnh giao phối. Trên các trống đồng ta cũng thấy được
những hình tượng phồn thực được chạm trổ; trên trống đồng Đông Sơn có những hình
như: hươu đực cái đang chạy, bò đực cái, nam nữ giã gạo, nhảy múa, thuồng luồng giao
nhau, chơi chồng nụ chồng hoa... ở thân thạp đồng Đào Thịnh khắc chìm hình những con
thuyền, chiếc sau nối đuôi chiếc trước, khiến cho hai con cá sấu - rồng được gắn ở mũi và
lái của hai chiến thuyền chạm vào nhau trong tư thế giao hoan; trên nắp trống đồng
Hoàng Hạ (Hà Sơn Bình) khắc những cặp chim ngồi trên lưng nhau trong tư thế đạp mái,
tượng cóc giao phối, điệu múa nam nữ úp mặt và tay đưa hai vật thể chạm nhau như kiểu
múa “tùng - dí” trong lễ hội làng ở Phú Thọ sau này.
Tính phồn thực trong tượng tròn. Ở Việt Nam thời Nguyên thủy tính phồn thực
trong nghệ thuật tạo hình đã hình thành và phát triển khá mạnh mẽ. Tượng Người đàn
ông ở Văn Điển (Hà Nội), tìm thấy năm 1966 bằng chất liệu đá ngọc được coi là một
trong những tượng phồn thực thể hiện nghệ thuật tạo hình bằng đá tinh xảo. Triều Lý
cũng chú ý xây dựng một trật tự xã hội vững chắc với sự giao lưu văn hóa rộng rãi; trên
tinh thần đó yếu tố phồn thực đã được hình thành dưới sắc màu Phật giáo kết hợp với
truyền thống mỹ cảm phồn thực dân gian; hình ảnh tiêu biểu của tính phồn thực trong mỹ
thuật thời Lý là cột đá tại chùa Dạm (Bắc Ninh) - là một biến thái Linga-Yoni.
Trên bình diện văn hóa ở miền Trung, vùng đất xa xưa của vương quốc Chăm vẫn
còn lại những tháp và tượng mang tính phồn thực sâu sắc. Tháp Chăm là một loại hình


kiến trúc tôn giáo, được xây dựng thành từng cụm trên những đồi núi cao khoảng 50m

-70m, tháp quay về hướng Đông đón ánh mặt trời và như gợi về nguồn xa, biển cả tạo
nên những khối hình xây dựng với cảnh quan hoành tráng. Giữa lòng tháp là bệ thờ, trên
có cặp tượng linga - yoni mang hình tượng sinh thực khí nam nữ, là sự hòa hợp âm
dương theo tư tưởng phồn thực. Mặt tháp còn được gắn một số tượng đá sa thạch với đề
tài được tôn giáo mà phổ biến là tượng thần Siva, Visnu, Brahma, các tiên nữ Apsara, đặc
biệt là các biểu tượng sinh thực khí thiêng liêng Linga và Yoni tràn đầy chiếm chỗ trong
nhiều không gian kiến trúc. Trong điêu khắc có nhiều chủ đề ca múa, những thân hình
đầy đặn, ngồn ngộn sức sống phồn thực với những cặp tay múa uyển chuyển. Các sinh
hoạt tâm linh phồn thực của người Chăm cho dù ít nhiều bị phủ các lớp lễ nghi, tôn giáo
khác nhưng sự ca ngợi vẻ đẹp cơ thể của phụ nữ vẫn được nhấn mạnh.
Đối với các dân tộc ở Tây Nguyên thì việc biểu thị phồn thực qua các tác phẩm
tượng nhà mồ là sự cầu mong cho con người đã khuất có được cuộc sống ở thế giới âm
như cuộc sống ở trên trần. Từ đó nảy nở các biểu tượng phồn thực dành cho người chết
với những tác phẩm điêu khắc thể hiện nam nữ khỏa thân có bộ phận sinh dục phóng đại
hoặc là tượng nam nữ giao hoan được đặt ở nhà mồ khi làm lễ bỏ mả và tạo nên những
nét riêng độc đáo trong văn hóa và mỹ thuật ở các dân tộc cao nguyên. Pho tượng nam nữ
giao hoan với sinh thực khí nam nữ được biểu tả trực diện, phóng đại một cách hồn
nhiên, dữ dội và đầy khát vọng sinh tồn hoang dại. Ngoài ra còn có nhiều cột tả cặp vú
phụ nữ, thường được làm ở đầu cầu thang lên sàn nhà, tượng trưng cho sự nuôi dưỡng,
cảm giác hưng phấn tính dục. Dưới cặp vú thường có khắc họa hoa thị bản lớn hay chặt
phác những hình chữ thập sâu với ý nghĩa biểu tả, tượng trưng, cách điệu sinh thực khí
nữ. Cá biệt có tượng người đàn bà khóc thế mà vẫn nhấn mạnh âm vật một cách rõ ràng,
hơn thế lại còn bôi màu đỏ, màu vàng và đen. Tượng Thiếu nữ cầm trái bầu lại nghiêng
về sự ẩn dụ, sự biểu hiện khát khao tính dục và sinh sôi một cách thuần khiết. Đánh giá
về điêu khắc nhà mồ Tây Nguyên và tính phồn thực, trong Điêu khắc nhà mồ Tây nguyên
các tác giả viết: “Không quan tâm đến tỷ lệ, mà quan tâm đến trạng thái. Những trạng
thái giàu tính nhục cảm khiến nhìn bức tượng, mà như đang vuốt ve ai đó. Con mắt của


những nhà điêu khắc Tây Nguyên rọi sâu vào bóng tối của cái chết, để cô đúc thành hình

tượng về cái không thể hiểu. Cùng với điêu khắc Champa, điêu khắc phong kiến Bắc Bộ,
điêu khắc nhà mồ Tây Nguyên là nền điêu khắc lớn ở Việt Nam.”
Có thể thấy tín ngưỡng phồn thực ở Việt Nam được thể hiện rất đa dạng. Từ lâu đã
hình thành và ăn sâu vào đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của người Việt cũng như là trầm
tích văn hóa trong văn hóa Việt Nam.
3. Tín ngưỡng phồn thực ở Thái Lan
Thái Lan là quốc gia có lịch sử phát triển gắn liền với nghề nông trồng lúa nước.
Vì vậy người Thái rất chú trọng đến các hình thức lễ hội liên quan đến tín ngưỡng phồn
thực phục vụ cho nhu cầu của họ. Một trong những lễ hội biểu đạt rõ tín ngưỡng phồn
thực này là lễ hội Bun bang phay. Lễ hội này thường được gọi là lễ hội bắn pháo hoa
thăng thiên, thường được tổ chức ở các tỉnh Đông Bắc (Thái Lan), khoảng từ tháng 5 đến
tháng 6 (muộn nhất là tháng tám).
Trong lễ hội có nghi lễ cúng Thần Trời để cầu mưa, thể hiện ước vọng phồn thực,
sinh sôi nảy nở cho cá nhân và cộng đồng. Theo quan niệm của người Thái Lan, nếu lễ
hội không được tổ chức thì năm đó sẽ không tránh khỏi rủi ro, đói kém, ốm đau và nhiều
tai họa khác. Dựa trên tình hình thực tế, lễ hội có thể tổ chức hay hoàn lại theo quyết định
của đại diện gia đình lấy đa số. Nhưng dù tổ chức hay chưa thì đến hạn định cũng phải có
một số người đàn ông mang rượu tới biếu thành hoàng làng và nhảy múa theo đúng nghi
thức để cầu xin sức khỏe và hạnh phúc.
Trong những ngày lễ hội sẽ có rất nhiều hoạt động như múa hát, không khí náo
nhiệt. Vào buổi tối tại các Sala, những người đàn ông trong những bộ quần áo truyền
thống cùng với những chiếc khăn rằn say sưa nhảy múa điên cuồng.
Trước khi thực hiện nghi lễ bắn pháo hoa, pháo sẽ được rước tới miếu thành hoàng
rồi mới ra bệ phóng. Bệ phóng là một tòa kiến trúc giống như một chiếc thang cao hoặc
có thể dùng một cây cao để đặt pháo. Các nhà sư phụ trách kĩ thuật làm pháo, Tiếng pháo


nổ đanh giòn hay không liên quan đến tương lai của làng. Họ kiêng pháo nổ xịt, kiêng
phụ nữ đi vào khu cấm của chùa, khi tiếng pháo nổ giòn thì họ tin tương lai làng sẽ tốt.
Trong quan niệm của người Thái, tục thăng thiên pháo để kích thích sự hưng phấn

của Bố Trời cầu mong mưa thuận gió hòa. Vì vậy, trong đêm chuẩn bị pháo cho lễ hội,
ngay giữa chốn thâm nghiêm bậc nhất, trước mặt các vị sư cùng già làng cao tuổi đáng
kính, đám thanh niên kéo tới tán tỉnh nhau, trêu ghẹo nhau, cợt nhả tự nhiên trong tiếng
chày xen lẫn tiếng cười đùa. Các hoạt động có dấu tích của tín ngưỡng phòn thực nhằm
mong muốn sự trù phú. Tục đốt pháo thăng thiên cũng có ở một số quốc gia khác như
Lào. Trong đêm đốt pháo người ta còn cầm hình dương vật, âm vật diễu hành và mô
phỏng động tác giao phối, biểu hiện ý niệm phồn thực, mong cho mùa màng bội thu và sự
phát triển của hoa lá, gia súc.
Có thể nói, tín ngưỡng phồn thực là một hiện tượng tôn giáo có tính toàn thế giới.
Hầu như ở đâu ngày nay người ta cũng bắt gặp những vết tích của nó. Người ta tôn thờ
những biểu tượng của năng lượng thiêng sinh ra muôn loài và xem việc cụ thể hoá nó
trong hiện thực như một ma thuật truyền sinh cho mùa màng và cả con người. Lễ hội bắn
pháo thăng thiên của Thái Lan chính là cách bày tỏ sự biết ơn của người dân với vị thần
mưa Vassacan - một vị thần rất thích lửa và đổi lại thần Vassacan sẽ ban tặng cho họ
những cơn mưa để đồng ruộng màu mỡ và mùa màng tốt tươi. Hay nói cách khác, đây
chính là mong muốn, khát vọng của người dân Thái Lan về một cuộc sống ấm no, hạnh
phúc.
4. Tín ngưỡng phồn thực của người Hàn Quốc
Tín ngưỡng phồn thực ở người Hàn được gọi là Saeng sik ki sin ang, được thể hiện
ở những thuật cầu mưa, cầu ngư, cầu sinh sôi nảy nở qua việc tôn thờ hành vi giao
phối và các khí cụ “sinh thực” của cả nam và nữ. Từ những di chỉ khảo cổ, các nhà
khảo cổ học Hàn Quốc đã khai quật được rất nhiều sinh thực khí nam bằng gỗ liên
quan tới tiểu vương quốc Tân La, cũng tại một khu mộ cổ thời Tân La họ tìm thấy
những chiếc bát được chôn theo người chết có vẽ những hình ảnh miêu tả rất sống
động về sinh thực khí nam.
Bên cạnh đó, các nhà khảo cổ học Hàn Quốc còn phát hiện khá nhiều pho tượng đất
nung thể hiện phụ nữ với bộ ngực nở nang, bụng thót, hông nở và bộ phận sinh dục


được thể hiện có phần thái quá và những pho tượng đàn ông với hình ảnh bộ phận sinh

dục với kích thước lớn so với tầm vóc cơ thể. Tín ngưỡng phồn thực ở Hàn Quốc từ
xưa đã thể hiện khát vọng về sự sinh sôi nảy nở, con đàn cháu đống qua những bức
tượng đất nung thể hiện hành vi giao hoan của nam nữ.
Ngoài ra, tại Bảo tàng Dân tộc học Hàn Quốc còn lưu giữ đồng tiền “độc nhất vô
nhị” trong lịch sử tiền tệ nhân loại đó là 4 phía của đồng tiền có 4 hình khắc miêu tả 4
tư thế giao hợp của nam nữ. Cùng với các di vật khảo cổ học, trong cuốn Tam quốc lưu
sử của Hàn Quốc cũng đề cập đến hình ảnh sinh thực khí nam nữ thông qua các câu
truyện, ở người Việt tương tự với mô típ đó được thể hiện qua câu truyện Nữ Oa – Tứ
Tượng.
Tín ngưỡng phồn thực của người Hàn Quốc được thể hiện qua các nghi lễ như: lễ
cầu mưa, lễ cầu ngư và cầu sự sinh sôi nảy nở.
 Tín ngưỡng phồn thực của người Hàn Quốc trong nghi lễ cầu mưa
Theo TS. Joo Kang Hyun, vào ngay trước ngày giải phóng Triều Tiên khỏi ách
chiếm đóng của Nhật Bản (1945) khi đó gặp những năm thời tiết hạn hán kéo dài,
dịch bệnh tràn lan và có nhiều người chết, cư dân trên đảo Jin có một phương thức
ma thuật cầu mưa. Họ gõ chiêng, trống, muỗng, bát... ầm ĩ và la hét lên, trong lúc
đó những người phụ nữ cởi băng kinh nguyệt dính máu quay tít mù lên trời với
niềm tin rằng việc làm đó sẽ buộc trời phải đổ mưa. Và họ tin rằng kinh nguyệt
càng đỏ sẽ càng linh nghiệm, đặc biệt là của những cô dâu mới và những người đàn
bà góa.
Về bản chất, nó cũng gần với tục săn đầu – tế máu hay tục đâm trâu ở những cư
dân Đông Nam Á. Việc người ta gõ chiêng, trống để mô phỏng cho tiếng sấm, sét,
còn hành vi quay những băng kinh nguyệt để máu bắn tung tóe tượng trưng cho
hiện tương mưa rơi. Và máu, nhất kinh nguyệt của phụ nữ hàm chứa sức mạnh sinh
sản, kích thích sự sinh sôi nảy nở.
Ngoài ra, người Hàn Quốc còn có phương thuật cầu mưa khác đó là ăn trộm cối
dã. Gặp những lúc thời tiết khô hạn, những người phụ nữ tụ tập thành từng tốp sang
các làng bên “ăn trộm” cối dã, họ khiêng những chiếc cối đến những nơi đông
người qua lại và chôn ngược. Sau đó, họ tháo băng kinh nguyệt ra và vắt lên mõm
cối, rẽ băng chéo ra hai phía và tin rằng, trời tất phải tuôn mưa. Người Hàn Quốc

cũng quan niệm hình ảnh chày – cối tượng trưng cho sinh thực khí nam và nữ linga và yoni.
 Tín ngưỡng phồn thực trong nghi lễ cầu ngư
Ở một số làng thuộc xã Won Deok, thành phố Sam Cheok, dân làng có tục lệ
cúng tế Seo Nang, là một cô gái xinh đẹp được vẽ trong miếu thờ gọi là He rang


dang. Tục lệ này bắt nguồn từ câu chuyện xa xưa, dân chúng các làng này vẫn chèo
thuyền ra đảo Bạch bắt nghêu. Bỗng nhiên có một cơn gió lớn nổi lên, có 4 cô gái
đồng trinh không vững tay chèo, thuyền bị lật và họ bị chết chìm. Sau đó, cứ mỗi
lần các trai làng đi biển đều bị gặp bão và chết hết.
Họ cho rằng do 4 cô gái đồng trinh “nổi sóng”, quan niệm rằng ma gái chưa
chồng được gọi là son-kak-si là đáng sợ nhất. Do 4 cô gái trẻ chết ở tuổi đầy sinh
lực, sinh khí sung mãn, nhu cầu sinh lý cuồng nhiệt. Vì vậy, mỗi năm họ đều cúng
tế 2 lần cho Seo Nang bằng những chiếc sinh thực khí nam. Ngoài ra, họ còn đẽo
những chuỗi sinh thực khí nam, kết với nhau và đem thả xuống biển. Từ đó, dân
làng đi biển không gặp tai nạn nữa và đánh bắt được nhiều cá.
 Các hình thức thờ cúng liên quan tới cầu sinh sôi nảy nở
Bên cạnh thờ sinh thực khí nam, tại một số địa phương ở Hàn Quốc cũng sùng
bái sinh thực khí nữ. Cụ thể, ở thôn Mu do tỉnh Chung Cheong có một tảng đá tự
nhiên có hình y như sinh thực khí nữ, người dân quan niệm nếu ném hòn đá trúng
vào chỗ đó sẽ sinh con trai. Họ còn cho rằng nếu dùng gậy chọc vào lỗ đó, con gái
trong làng sẽ cuồng lên và quan hệ với đàn ông có vợ. Và để tránh những việc
không hay xảy ra, hàng năm họ phải có lễ vật cúng cho tảng đá này.
Tuy nhiên, ở một số nơi tại Hàn Quốc người ta thờ cả hai thứ đó. Chẳng hạn ở
am Won-baek, tỉnh Jeol-la có 12 điểm thờ thần thổ địa dưới dạng sinh thực khí
nam và nữ. Họ gọi đó là tảng đá lường và xem đó như vị thần bảo vệ làng. Cũng tại
ngọn núi phía sau làng này, còn có một vách đá, ở giữa có một khe nước chảy rất
giống như sinh thực khí nữ. Dân chúng gọi đó là “tảng đá tè hè”. Người ta cho
rằng, nếu làng đối diện trông thấy khe đá này, con gái trong làng sẽ chửa hoang. Để
ngăn điều đó, họ dựng một sinh thực khí nam ở cổng làng.

Ngoài ra, trong văn hóa Hàn Quốc vẫn còn nhiều tục lệ liên quan tới tín ngưỡng
phồn thực như tục kéo co hay “gả chồng cho cây”. Tục kéo co trước đây rất phổ
biến ở những cư dân trồng lúa ở miền Trung bán đảo Hàn. Người ta chia thành 2
phe. Sợi dây để kéo gồm 2 loại dây đơn và dây đôi (còn gọi là dây đực và dây
cái). Giữa 2 sợi người ta dùng một trâm đẽo bằng gỗ đâm xuyên qua để tượng
trưng cho hành vi giao hợp. Trong 2 đội chơi, một đội chủ yếu là phụ nữ và trẻ em.
Và người ta tin rằng, chỉ có năm nào đội nữ thắng cuộc, năm đó mới được mùa.
Do vậy, bao giờ người ta cũng “đạo diễn” cho phía đội nữ thắng cuộc, bởi phụ nữ
tượng trưng cho sự sinh sôi, nảy nở.
Tục gả chồng cho cây thường áp dụng cho cây cối trồng đã nhiều năm không ra
quả. Người Hàn sử dụng phương thuật “gả chồng cho cây” bằng cách vào tháng
Giêng họ đặt vào chạng cây hình chữ Y một hòn đá. Việc làm này rõ ràng có sự liên


tưởng tới hình thức giao hợp nam nữ và về sau được xem như một “nông pháp”,
những cành càng sa xuống đất, khả năng ra quả nhiều hơn.
Khác với nhiều cộng đồng dân cư ở Đông Nam Á, tín ngưỡng phồn thực ở
người Hàn hầu như không sử dụng tới các hình thức săn đầu – tế máu, nếu có
chăng cũng chỉ là gián tiếp. Đây cũng chính là nét tương đồng giữa văn hóa truyền
thống Hàn với văn hóa truyền thống Việt (bởi tục săn đầu tế máu ở các cư dân Việt
cổ cũng chỉ có thể nhận thấy gián tiếp thông qua hình khắc các chiến binh đội mũ
hóa trang lông chim trên các hiện vật văn hóa Đông Sơn và qua tục chọi trâu vẫn
duy trì cho tới hôm nay ở Đồ Sơn).
Đặc biệt, trong các hình thức liên quan tới thờ sinh thực khí, cách biểu hiện ở
người Hàn rất lộ liễu với những mô tả và thể hiện sống động, tuy nhiên, chính điều
đó đã chứng tỏ sức sống mãnh liệt của văn hóa truyền thống Hàn trước văn hóa
Hán.
5. Tín ngưỡng phồn thực của người Nhật Bản
Trong tiếng Nhật, tín ngưỡng phồn thực được gọi là tasan shinko, bên cạnh đó còn
rất nhiều tên gọi khác như: Kanamara sama (Kim Ma La Dạng), Inyoseki (Đá Âm

Dương) v.v. Đối tượng thờ cúng trong tín ngưỡng phồn thực của người Nhật không gì
khác là những sinh thực khí nam nữ. Những sinh thực khí đó có thể làm bằng đá, vải
màu đỏ, thiếc, thép, đồng, gỗ… nhưng chủ yếu là được làm bằng đá hoặc gỗ. Những
sinh thực khí này xuất hiện trong đền thờ, các lễ hội, bảo tàng hay thậm chí ở những
góc vườn tại Nhật Bản. Hình dạng và kích thước của các sinh thực khí không cố định
hay theo một quy chuẩn nào mà chủ yếu theo bàn tay chế tác của con người. Trong xã
hội cổ đại, biểu hiện của tín ngưỡng phồn thực ở Nhật Bản được thể hiện qua hai hình
thức là: vật thiêng và ma thuật mô phỏng.
Vật thiêng: thờ cúng một vật tượng trưng nào đó, mà ở đây là cột đá – tượng trưng
cho dương vật của người nam. Đá âm dương tại đền Kosei daimyojin được xây
dựng vào thời kỳ văn hóa Jomon là một biểu trưng rõ nét cho tín ngưỡng phồn
thực. Ở Nagoya, Iwate và một số tỉnh Đông Bắc Nhật Bản có những lễ hội tôn
vinh sinh thực khí của đàn ông với những biểu trưng bằng đá.
Ma thuật mô phỏng: là hoạt động diễn tả lại hành vi giao hoán của người nam và
người nữ. Đôi khi, hoạt động này được được diễn lại bằng một số trò diễn trong
các nghi lễ cầu cúng tại một số lễ hội như Houne, Kanamara. Tuy nhiên, ở mỗi địa
phương khác nhau sẽ có những hình thức mô phỏng khác nhau.
Biểu hiện của tín ngưỡng phồn thực tại Nhật Bản được thể hiện rõ nhất thông qua
các lễ hội (ngày nay vẫn còn tồn tại) như: lễ hội Houne – thờ dương vật tổ chức vào ngày
15/3 hàng năm tại đền Tagatajin (phía Bắc Nagoya; lễ hội Kanamara tại đền Wakamiya


Hachimagu thuộc thành phố Kawasaki; lễ hội Iwate… Thường vào dịp lễ hội, những
người đàn ông khiêng trên mình một biểu tượng dương vật lớn, thường làm bằng gỗ, kích
cỡ rất lớn có thể nặng tới vài trăm kg và hô vang “hoh sho – hoh sho” vật thiêng được
rước một quãng đến đền Shimmeisha; lễ hội này vốn xuất phát từ nghi lễ ăn mừng chiến
thắng của người Nhật cổ xưa khi họ tiêu diệt được một con quỷ răng nanh chuyên ăn
dương vật đàn ông. Người đàn ông tham gia rước dương vật phải là người khỏe mạnh và
cường tráng mặc Kimono trắng hay kiểu Yukata, nữ thì mặc Kimono sặc sỡ, sau đó họ sẽ
làm các nghi thức trong đó có cả sự xuất hiện của các thầy cúng Shinto. Bên cạnh dương

vật lớn, trong lễ hội còn có những biểu tượng nhỏ khác được làm bằng Daikon (củ cải).
Về thời gian, do mong muốn cầu mong cho một năm tốt lành, mùa màng bội thu nên các
nghi thức thường tổ chức vào một giờ nhất định và làm trong một không gian thiêng
liêng.
Có thể thấy tín ngưỡng phồn thực đã có một lịch sử lâu đời ở Nhật Bản, nó có từ
thời kỳ cổ đại và ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tâm linh của người Nhật Bản và là một
trong ba tín ngưỡng quan trọng của người Nhật.
Tín ngưỡng phồn thực của người Nhật và người Việt đều có những nét tương đồng
như việc xuất hiện lâu đời trong lịch sử và có những ảnh hưởng đến đời sống tâm linh của
người dân mỗi nước; tín ngưỡng phồn thực gắn với những mong muốn về một mùa màng
bội thu, sự sinh sôi nảy nở; ở người Việt cũng được biểu hiện ở hai hình thức vật thiêng
và ma thuật mô phỏng thậm chí đa dạng hơn. Tuy nhiên ở mỗi quốc gia những hình thức
thể hiện, thời gian, không gian, quy mô… biểu hiện cho tín ngưỡng phồn thực là khác
nhau và mức độ đậm nhạt khác nhau.
6. Tín ngưỡng phồn thực ở một số quốc gia khác
Bên cạnh người Việt, Thái, Nhật hay Hàn thì các dân tộc khác trên thế giới họ
cũng có những hình thức biểu hiện khác nhau của tín ngưỡng phồn thực.
Ở Bhutan quốc gia được mệnh danh là “quốc gia hạnh phúc nhất thế giới”, hình
ảnh dương vật nam có thể thấy khắp mọi nơi: vẽ trên tường, trên cửa, trên mái nhà, trong
các lễ hội…Người Bhutan tin rằng đó là biểu tượng của sự sinh sôi, nảy nở; bảo vệ họ
khỏi quỷ dữ và xua đuổi tà ma.
Tại Hungary, từ thế kỉ II TCN cứ vào ngày thứ hai sau lễ phục sinh, người dân
Hungary lại mặc các trang phục truyền thống của mình ra phố, người đàn ông sẽ múc
nước và xối vào cô gái ở độ tuổi lấy chồng để cầu khả năng sinh nở. Hình thức đó cũng
xuất hiện ở một số quốc gia khác như Ba Lan, Slovakia,…
Hy Lạp có lễ hội dương vật, cứ vào thứ hai đầu tiên của mùa chay theo Chính
Thống giáo sẽ diễn ra lễ hội để tôn vinh vị thần của rượu, sự điên loạn và khoái cảm
Dionysus diễn ra tại thị trấn Tyrnavos.



Cột Than khóc tại bảo tang Hagia Sophia tại Thổ Nhĩ Kỳ được xem là một nơi để
cầu con cái. Tại thân cột có một lỗ nhỏ thi thoảng rỉ nước ra như ai khóc, ai muốn cầu con
cái sẽ dung ngón tay cái ấn vào lỗ vừa cầu nguyện vừa xoay ngón tay cái.
7. Nhận xét
Có thế thấy tín ngưỡng phồn thực có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới, mỗi quốc
gia có những biểu hiện khác nhau về tín ngưỡng phồn thực nhưng có một đặc điểm chung
là nó được biểu hiện rất đa dạng ở mỗi quốc gia từ nghệ thuật, văn học, các lễ hội, trong
sinh hoạt hàng ngày v.v… Ở một số quốc gia như Việt Nam, Nhật Bản Hàn Quốc, Thái
Lan và một số nước Đông Nam Á khác tín ngưỡng phồn thực đều có một mục đích đó là
hướng đến sự sinh sôi, nảy nở, sự phát triển, cầu mùa. Bên cạnh đó còn có những khía
cạnh chung như đối tượng thờ cúng là sinh thực khí nam nữ và hành vi giao phối được
thể hiện trên hai bình diện là vật thiêng và ma thuật mô phỏng; cùng với đó nền tảng của
tín ngưỡng phồn thực ở các nước cũng dựa trên nền tảng xã hội nông nghiệp; thời gian
không gian thường diễn ra vào mùa xuân. Tuy nhiên có một điểm dễ nhận thấy trong các
lễ hội của người Nhật hay Hàn Quốc là cách biểu hiện tín ngưỡng phồn thực của người
Hàn và Nhật thì thoáng hơn hay lộ liễu hơn so với người Việt Nam, giải thích cho điều
này có thể là do những khác biệt về tâm lý, văn hóa, môi trường sống, lịch sử. Bên cạnh
đó ở Việt Nam hay Thái Lan chịu sự ảnh hưởng của cơ tầng văn hóa Đông Nam Á nên có
nhiều những sự khác biệt với các quốc gia Đông Á như Nhật bản hay Hàn Quốc trên
những bình diện về thời gian, không gian, quy mô, sự đa dạng v.v…
Do những điều kiện về việc khảo sát và tư liệu phần trình bày của chúng tôi chỉ
khái quát về tín ngưỡng phồn thực ở một số quốc gia là Việt Nam, Thái Lan, Hàn Quốc
và Nhật Bản cũng như đưa ra một số điểm so sánh; tín ngưỡng phồn thực ở mỗi quốc gia
biểu hiện rất đa dạng và phong phú vì vậy cần có những nghiên cứu sâu hơn và đa dạng
hơn trong mối tương quan giữa các nền văn hóa.

Tài liệu tham khảo
1. Lưu Thị Thu Thủy (2013), Tìm hiểu tính đa thần trong tín ngưỡng dân gian
Nhật Bản so sánh với Việt Nam, Luận văn Ths.Châu Á học
2. Trần Quốc Vượng (2012), Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb. Giáo dục Việt

Nam
3. Nguyễn Long Châu (2000), Tìm hiểu văn hóa Hàn Quốc, Nxb. Giáo dục TP.
Hồ Chí Minh
4. (đăng ngày
9/2/2017)
5. (đăng ngày 18/3/2013)


6. />fbclid=IwAR35vB03D1AjI3RQNZ9NKill2fGV9LUdtylL2ngL_TpYAVpRNexdwjZ24Bw (đăng ngày
27/6/2012)
7. (Truy cập ngày 13/5/2019)



Tài liệu bạn tìm kiếm đã sẵn sàng tải về

Tải bản đầy đủ ngay
×