Tải bản đầy đủ (.pdf) (70 trang)

Khoá luận tốt nghiệp diễn ngôn về giới nữ trong tập truyện i’m đàn bà (y ban) và tiểu thuyết và chúa đã tạo ra đàn bà (simone colette)

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1020.57 KB, 70 trang )

TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI 2
KHOA NGỮ VĂN

======

NGUYỄN THÙY LINH

DIỄN NGÔN VỀ GIỚI NỮ
TRONG TẬP TRUYỆN I’M ĐÀN BÀ (YBAN)
VÀ TIỂU THUYẾT VÀ CHÚA ĐÃ TẠO
RA ĐÀN BÀ (SIMONE COLETTE)
KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC
Chuyên ngành: Lí luận văn học

HÀ NỘI - 2019


TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI 2
KHOA NGỮ VĂN

======

NGUYỄN THÙY LINH

DIỄN NGÔN VỀ GIỚI NỮ
TRONG TẬP TRUYỆN I’M ĐÀN BÀ (YBAN)
VÀ TIỂU THUYẾT VÀ CHÚA ĐÃ TẠO
RA ĐÀN BÀ (SIMONE COLETTE)
KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC
Chuyên ngành: Lí luận văn học
Người hướng dẫn khoa học



TS. Nguyễn Thị Vân Anh

HÀ NỘI - 2019


LỜI CẢM ƠN
Trước hết, tôi xin được bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới TS. Nguyễn Thị Vân Anh cô giáo đã tận tình hướng dẫn tôi trong quá trình học tập và nghiên cứu để tôi có thể
hoàn thành khóa luận tốt nghiệp này.
Tôi cũng xin trân trọng cảm ơn các thầy cô trong khoa Ngữ văn, đặc biệt là
các thầy cô trong Tổ bộ môn Lý luận văn học - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2.
Tôi xin trân trọng cảm ơn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, các thầy cô,
các bạn sinh viên trong khoa Ngữ văn đã tạo điều kiện thuận lợi và giúp đỡ tôi trong
thời gian tôi làm khóa luận. Nhờ đó, tôi mới có thể hoàn thành khóa luận này.
Hà Nội, ngày

tháng

năm 2019

Tác giả khóa luận

Nguyễn Thùy Linh


LỜI CAM ĐOAN
Tác giả khóa luận xin cam đoan:
- Khóa luận này là kết quả nghiên cứu của cá nhân tôi.
- Những số liệu và tài liệu được trích dẫn trong đây là trung thực.
- Kết quả nghiên cứu này không trùng với bất cứ công trình nào đã được

công bố trước đó.
Tôi chịu trách nhiệm trước lời cam đoan của mình.
Hà Nội, ngày

tháng

năm 2019

Tác giả khóa luận

Nguyễn Thùy Linh


MỤC LỤC

MỞ ĐẦU .......................................................................................................... 1
1. Lí do chọn đề tài ............................................................................................ 1
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề ............................................................................ 2
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu................................................................. 3
4. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu ................................................................ 4
5. Phương pháp nghiên cứu............................................................................... 5
6. Đóng góp của khóa luận................................................................................ 5
7. Cấu trúc khóa luận ........................................................................................ 6
NỘI DUNG....................................................................................................... 7
CHƯƠNG 1: KHÁI QUÁT VỀ DIỄN NGÔN VÀ VĂN HỌC SO SÁNH 7
1.1. Khái quát về diễn ngôn .............................................................................. 7
1.1.1. Khái niệm diễn ngôn ............................................................................... 7
1.1.2. Diễn ngôn - những hướng tiếp cận chính............................................... 8
1.1.2.1. Tiếp cận theo hướng ngôn ngữ học...................................................... 8
1.1.2.2. Tiếp cận theo hướng phong cách học .................................................. 9

1.1.2.3. Tiếp cận theo hướng xã hội học. ........................................................ 10
1.1.3. Diễn ngôn văn học ................................................................................ 11
1.2. Khái quát về văn học so sánh ................................................................... 13
1.2.1. Khái niệm văn học so sánh ................................................................... 13
1.2.2. Văn học so sánh - một số trường phái chính......................................... 14
1.2.2.1. Trường phái văn học so sánh Pháp .................................................... 14
1.2.2.2. Trường phái văn học so sánh Mỹ (Hoa Kỳ) ...................................... 15
1.2.2.3. Trường phái văn học so sánh Nga (Liên Xô cũ) ................................ 16
1.3. Khái niệm “phái tính” và “giới tính” trong nghiên cứu văn học ............. 18
CHƯƠNG 2: NHỮNG ĐIỂM TƯƠNG ĐỒNG TRONG DIỄN NGÔN
VỀ GIỚI NỮ TRONG TẬP TRUYỆN “I’M ĐÀN BÀ” (YBAN) VÀ TIỂU
THUYẾT “VÀ CHÚA ĐÃ TẠO RA ĐÀN BÀ” (SIMONE COLETTE) .... 20
2.1. Chủ thể phát ngôn - những phụ nữ đại diện cho tư tưởng mới ................ 20
2.1.1. Ý thức về thân phận và khát vọng “cởi trói” của người phụ nữ ........... 20


2.1.2. Người phụ nữ qua lăng kính của nhà văn nữ ........................................ 24
2.1.2.1. Vẻ đẹp cơ thể của người phụ nữ ........................................................ 24
2.1.2.2. Khát khao tự do yêu đương của người phụ nữ................................... 27
2.1.2.3. Khát khao bản năng tính dục của người phụ nữ ................................ 30
2.2. Chiêm nghiệm của người phụ nữ về thế giới đàn ông ............................. 36
2.2.1. Đàn ông - những kẻ khuyếm khuyết, bất toàn ...................................... 36
2.2.2. Đàn ông - những kẻ ích kỷ, hèn nhát.................................................. 39
CHƯƠNG 3: NHỮNG MẶT KHÁC BIỆT TRONG DIỄN NGÔN VỀ
GIỚI NỮ TRONG TẬP TRUYỆN “I’M ĐÀN BÀ” (YBAN) VÀ TIỂU
THUYẾT “VÀ CHÚA ĐÃ TẠO RA ĐÀN BÀ” (SIMONE COLETTE) . 44
3.1. Chủ thể diễn ngôn .................................................................................... 44
3.2. Phương thức miêu tả người phụ nữ.......................................................... 50
3.3. Phương thức kiến tạo diễn ngôn .............................................................. 56
3.3.1. Kết cấu cốt truyện theo trật tự tuyến tính.............................................. 56

3.3.2. Kết cấu cốt truyện theo trật tự phi tuyến tính ....................................... 59
KẾT LUẬN .................................................................................................... 61
TÀI LIỆU THAM KHẢO


MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
Trải qua bao thập niên thế kỷ, có rất nhiều lý thuyết văn học ra đời, đã mở ra
nhiều cách tiếp cận văn học khác nhau. Mỗi cách tiếp cận cho ta có cái nhìn mới về
các tác phẩm văn học và cuộc sống. Lý thuyết diễn ngôn ra đời tạo ra góc nhìn mới
mẻ về việc nghiên cứu văn học và văn hóa. Diễn ngôn không chỉ tập trung nghiên
cứu các đặc trưng giá trị thẩm mỹ mà nó còn nghiên cứu những tư tưởng, thế giới
quan bị chìm sâu đã chi phối trong quá trình sáng tác của nhà văn, đặc biệt là về
giới. Diễn ngôn về giới là một vấn đề phức tạp nhưng lại vô cùng đặc biệt và hấp
dẫn, nó không đơn giản có ý nghĩa văn học mà còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc
trong quá trình phát triển văn học. Trong văn học việc so sánh diễn ngôn giúp tìm ra
những điểm tương đồng, ảnh hưởng và dị biệt trong cách tiếp cận diễn ngôn của các
thời kỳ, các khuynh hướng, trào lưu, các nền văn hóa, văn học mỗi nước khác nhau.
Vì mỗi nền văn hóa, văn học, mỗi quốc gia mỗi khuynh hướng, trào lưu sáng tác sẽ
có các loại chủ thể phát ngôn khác nhau.
Văn học là tấm gương phản chiếu cuộc sống con người, đặc biệt là đời sống
nội tâm con người, dù cho họ là ai? Trên thế giới này tất thẩy mọi sự bí ẩn đều
không cuốn hút được bằng những bí ẩn của người phụ nữ. Phụ nữ là một nửa của
thế giới, là linh hồn cho cái đẹp của cuộc sống và là nguồn cảm hứng bất tận của thi
ca nhân loại. Tuy nhiên sau thời kì mẫu hệ thì người phụ nữ đã dần đánh mất đi
quyền lực của mình, họ bị thống trị bởi nam giới, bị coi là chiếc sườn thứ 7 của đàn
ông, họ không có quyền tự do, phải chịu sự bi lụy của tình yêu. Trải qua bao thăng
trầm lịch sử, quan niệm về người phụ nữ cũng như vai trò trong xã hội đã có những
biến đổi nhưng vẫn chưa tạo ra được một thế cân đối hài hòa giữa nam và nữ. Do
đó, nhiều người trong xã hội có tư tưởng tiến bộ đặc biệt quan tâm đến bình đẳng

giới, nhất là những người nghệ sĩ. Có lẽ vì vậy mà người phụ nữ trở thành đối tượng
trung tâm trong các sáng tác của các nhà văn, đặc biệt là các văn nữ. Họ khắc họa
hình ảnh người phụ nữ và chính cuộc sống của mình trong những mối quan hệ bộn
bề,ngổn ngang với tất cả sự thấu hiểu, cảm thông, chia sẻ, yêu thương.
Đến với tập truyện I’m đàn bà của YBan và cuốn tiểu thuyết Và chúa đã tạo
ra đàn bà của Simone Colette, hai tác phẩm ra đời không chỉ thu hút sự chú ý mà
còn gây tranh cãi trong một thời gian dài và nó đã đem đến cho văn học thế giới một
cái nhìn mới về người phụ nữ. Tác phẩm là bản diễn ngôn về giới nữ, là tiếng lòng
của người phụ nữ trong xã hội ngày nay, là sự phá vỡ diễn ngôn nam quyền.

1


Hai tác phẩm của hai thời kì lịch sử khác nhau, hai nền văn học khác nhau, hai
quốc gia khác nhau của hai tác giả khác nhau nhưng đều cùng khắc họa chân dung của
giới nữ. Hai tác phẩm ra đời đã có nhiều bài báo, bài biết, công trình, đề tài nghiên cứu
về nó, nhưng vẫn chưa có một công trình nào so sánh, giải mã cơ chế diễn ngôn về
người phụ nữ giữa hai tác phẩm này. Tất cả những hấp dẫn và khó khăn của đối tượng
đã thôi thúc chúng tôi lựa chọn đề tài: Diễn ngôn về giới nữ trong tập truyện I’m đàn
bà (Y Ban) và tiểu thuyết Và chúa đã tạo ra đàn bà (Simone Colette).
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
2.1. Những công trình nghiên cứu về tập truyện “I’m đàn bà” của Yban
Tập truyện I’m đàn bà của Y Ban đã có nhiều đóng góp không nhỏ trong
nền văn học Việt Nam, nhất là mảng nói về người phụ nữ. Trên thực tế có nhiều bài
viết, bài báo, bài nghiên cứu về tập truyện này nhưng xét ở góc độ diễn ngôn chúng
tôi thấy vẫn chưa có công trình nào nghiên cứu trực tiếp vấn đề diễn ngôn về giới
nữ trong tập truyện này. Tại đây chúng tôi chỉ điểm qua một số bài viết, bài báo,
công trình nghiên cứu có liên quan đến tác phẩm.
Trong bài viết “I’m đàn bà, tập truyện của Y Ban Nhân Bản hay Dâm Thư”
Trần Yên Hòa đã giới thiệu tổng quan ngắn gọn nhất về cuộc đời Y Ban, về những

vấn đề, tranh cãi của dư luận xoay quanh tác phẩm I’m đàn bà quan trọng nhất tác
giả đã xác định điểm nổi bật nhất trong chân dung nhà văn, đó chính là cá tính bộc
trực thẳng thắn: “Đọc qua truyện “I'm đàn bà” tôi thấy đề tài cũng rất cũ, nhưng Y
Ban đã dùng nó để nói lên tính cách nhân bản trong một con người. “Nhân chi sơ,
tính bản thiện”. Dù trong những dục vọng thân xác, cũng còn có những ý thức về
con người, giúp đỡ một người từ bị bại liệt để có thể sinh hoạt bình thường.Nhưng
kèm theo những ý nghĩ tốt, đó Y Ban đã đi sâu vào việc mô tả những hình ảnh sex
rất hiện thực .” [26].
Qua bài viết “Lê Thị Huệ(Gio-o) đọc tác giả Y Ban(Hanoi) :I’m đàn bà” Lê
Thị Huệ đã xác định chất liệu chính để tạo nên tác phẩm của Y Ban là những kinh
nghiệm đời thường của chính nhà văn trải nghiệm: “Y Ban bám sát các chi tiết xã
hội thời hậu Xã Hội Chủ Nghĩa rất linh động”, “Có lẽ cái chất Hà Nội quê, Hà Nội
Xã Hội Chủ Nghĩa, Hà Nội nghèo khổ, linh động nhất trong mớ ngôn ngữ ngồn
ngộ của Y Ban. Y Ban chứng tỏ là một nhà văn rất giàu ngôn ngữ xã hội và mang
chúng vào các bản văn tiểu thuyết một cách rất chuyên tay” [27].
Trong bài viết “I am đàn bà” và một thế giới “nửa đàn ông là đàn bà” tác
giả Việt Hà đã khái quát đặc điểm nổi bật các kiểu nhân vật nữ trong sáng tác của Y

2


Ban: “Thân phận người đàn bà Việt - đây là tứ lớn cho hết các câu chuyện trong
tập sách. Ngoài một số chuyện nói về người đàn bà Việt trong vẻ đẹp nhân hậu,
thuần phác (như trong truyện Cái Tí) hay cả trong những ấm ớ dễ thương(như
trong gà ấp bóng) còn lại nhiều nhân vật nữ của Y Ban khắc khoải, vô vọng trên
con đường đi tìm một số cuộc sống ấm no, tình yêu hoàn thiện Trong một thế giới
“nửa đàn ông là đàn bà” còn biết bao bất trắc...” [25].
Đây là một số gợi ý cho chúng tôi trong quá trình khảo sát các nhân vật nữ
trong tác phẩm I’m đàn bà của Y Ban.
2.2. Những công trình nghiên cứu về tiểu thuyết “Và Chúa đã tạo ra đàn bà” của

Simone Colette
Cuốn tiểu thuyết Và Chúa đã tạo ra đàn bà là một kiệt tác của Simone
Colette. Tác phẩm được nhà văn Simone Colette viết lại dựa trên bộ phim nổi tiếng
Pháp ở thế kỷ XX Và Chúa đã tạo ra đàn bà của đạo diễn Roger Vadim và làm nên
tên tuổi cho nữ diễn viên Brigitte Bardot. Bộ phim ra đời trong lúc điện ảnh Pháp
đang tranh đua với phong trào ở Ý “Tân Hiện thực” bằng phong trào “Làn sóng
Mới” (nouvelle vague), giúp chấn hưng và đưa Pháp trở thành ngọn cờ tiên phong
của nền điện ảnh châu Âu.
Tác phẩm Và Chúa đã tạo ra đàn bà của Simone Colette là một trong những
cuốn tiểu thuyết tiêu biểu nhất của nền văn học nữ ở Pháp thế kỷ XX. Nó chứa đựng
nhiều yếu tố thể hiện diễn ngôn về giới nữ. Tuy nhiên khi đi tìm hiểu tình hình
nghiên cứu tiểu thuyết này, chúng tôi thấy răng các bài viết chỉ mới dừng lại ở việc
giới thiệu sách, nội dung khái quát và thông tin bên lề tác phẩm. Cũng đã có một số
nghiên cứu về tác phẩm này nhưng chỉ dừng lại ở góc độ ý thức nữ quyền, chưa
khám phá, chuyên sâu tiếp cận tác phẩm từ góc nhìn diễn ngôn.
Tóm lai, những bài viết, bài báo về tập truyện I’m đàn bà của YBan và tiểu
thuyết Và Chúa đã tạo ra đàn bà của Simone Colette chỉ mới được in trên báo, tạp
chí, báo mạng, diễn đàn nhưng chưa thật sự phong phú về số lượng, sâu sắc về mức
độ khảo sát. Hay là những công trình nghiên cứu trong hệ thống các sáng tác của
nhà văn hoặc nghiên cứu tác phẩm đơn lẻ. Nhưng lại chưa có công trình nào đi sâu
vào nghiên cứu so sánh hai tác phẩm ở góc độ lý thuyết diễn ngôn về giới nữ. Vì
vậy đây chính là những gợi ý giá trị cho khóa luận của chúng tôi.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Diễn ngôn về giới nữ trong tập truyện I’m đàn bà của YBan và tiểu thuyết Và
chúa đã tạo ra đàn bà của Simone Colette.

3



3.2. Phạm vi nghiên cứu
Do giới hạn về thời gian và khuôn khổ của đề tài, khóa luận giới hạn phạm vi
nghiên cứu trong cuốn tiểu thuyết Và Chúa đã tạo ra đàn bà của Simone Colette và
tập truyện I’m đàn bà của Yban gồm 10 truyện ngắn:
- I’m đàn bà
- Gà ấp bóng
- Cái Tý
- Tự
- Người đàn bà đứng trước gương
- Sau chớp là giông bão
- Tôi và gã
- Cuộc chiến tranh giữa các nền văn hóa
- Hàng khuyến mãi
- Hai bảy bước chân là thiên đường
4. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
4.1. Mục đích nghiên cứu
Lựa chọn việc nghiên cứu đề tài “Diễn ngôn về giới nữ trong tập truyện I’m
đàn bà (Y Ban) và tiểu thuyết Và Chúa đã tạo ra đàn bà (Simone Colette)” khóa
luận hướng tới những mục đích cơ bản sau:
- Nắm vững kiến thức về lý thuyết diễn ngôn và lý thuyết văn học so sánh
- Làm sáng tỏ cơ chế tạo lập diễn ngôn về giới nữ của hai hiện tượng văn học.
- Áp dụng lý thuyết của diễn ngôn và văn học so sánh vào việc nghiên cứu
đề tài “Diễn ngôn về giới nữ trong tập truyện I’m đàn bà của YBan và tiểu thuyết
Và Chúa đã tạo ra đàn bà bà của Simone Colette” nhằm thấy được những nét đặc
sắc về nội dung tư tưởng cũng như giá trị của mỗi tác phẩm.
- Phân tích tính đặc thù của diễn ngôn giới nữ trong hai nền văn học khác nhau.
- Góp phần khẳng định sự thành công, tính nhân văn về đề tài nữ giới của hai
tác giả qua hai tác phẩm của mình ở những thời điểm lịch sử khác nhau.
4.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
Nghiên cứu đề tài “Diễn ngôn về giới nữ trong tập truyện I’m đàn bà (Y

Ban) và tiểu thuyết Và Chúa đã tạo ra đàn bà (Simone Colette)” khóa luận hướng
tới những nhiệm vụ cơ bản sau:
- Tìm ra được phương diện diễn ngôn về giới nữ trong trong tập truyện I’m
đàn bà của YBan và tiểu thuyết Và Chúa đã tạo ra đàn bà bà của Simone Colette.
4


- Nghiên cứu so sánh nhân vật nữ trong hai tác phẩm nêu trên ở phương diện
diễn ngôn.
- Phân tích, đánh giá nhìn nhận những vấn đề một cách toàn diện.
- Tìm hiểu các tài liệu để phục vụ việc nghiên cứu đề tài.
- Tập hợp và trình bày các vấn đề lí luận, nội dung liên quan đến đề tài.
5. Phương pháp nghiên cứu
Để tiến hành nghiên cứu đề tài “Diễn ngôn về giới nữ trong tập truyện I’m
đàn bà (Y Ban) và tiểu thuyết Và Chúa đã tạo ra đàn bà (Simone Colette)”, khóa
luận này đã sử dụng một số phương pháp nghiên cứu sau đây:
- Các nguyên tắc phương pháp luận của lí thuyết văn học so sánh: Vận dụng
hệ thống lý thuyết của bộ môn Văn học so sánh để phân tích, tìm ra bản chất, quy
luật tồn tại và phát triển của nền văn học.
- Các nguyên tắc phương pháp luận của lí thuyết diễn ngôn: Áp dụng lý
thuyết diễn ngôn về giới nữ trong văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa.
- Phương pháp hệ thống; nghiên cứu, phân tích đối tượng trong hệ thống các
tác phẩm viết về người phụ nữ.
- Phương pháp xác định lịch sử phát sinh: Tìm hiểu nguồn gốc phát sinh, quá
trình tồn tại của các tác phẩm để phát hiện ra bản chất và sự tác động của các thiết
chế văn hóa, chính trị, xã hội đến tác phẩm văn học.
- Phương pháp so sánh đối chiếu: So sánh hai tác phẩm của các tác giả khác
nhau thuộc hai nền văn học khác nhau để nhận thấy những nét tương đồng và sự
khác biệt giữa hai hiện tượng văn học.
- Phương pháp phân tích và tổng hợp: chúng tôi chia nhỏ các đối tượng để

phân tích, rồi từ đó sẽ có cái nhìn cụ thể, chính xác hơn về các hiện tượng văn học.
6. Đóng góp của khóa luận
Dựa trên những cơ sở của các khái niệm được xác lập, khóa luận đã đi sâu
vào tìm hiểu diễn ngôn về giới nữ trong tiểu thuyết Và Chúa đã tạo ra đàn bà của
Simone Colette và tập truyện I’m đàn bà của Y Ban, từ đó để có thể chỉ ra được
những điểm giống và khác nhau, các giá trị của diễn ngôn về giới nữ trong việc biểu
đạt quan niệm thẩm mỹ của mỗi nhà văn. Với đề tài khóa luận này, chúng tôi hi
vọng góp phần làm rõ hơn những nét chung sâu sắc, những nét riêng độc đáo của
Simone Colette và Y Ban trong diễn ngôn về giới nữ, đồng thời góp phần khẳng
định được sức mạnh, ưu thế của dòng văn học nữ Việt Nam hiện đại cũng như dòng
văn học nữ Pháp hiện đại.
5


7. Cấu trúc khóa luận
Ngoài phần mở đầu, kết luận và tài liệu tham khảo, nội dung của khóa luận
được triển khai thành ba chương:
CHƯƠNG 1: Khái quát về diễn ngôn và văn học so sánh
CHƯƠNG 2: Những điểm tương đồng trong diễn ngôn về giới nữ trong tập
truyện I’m đàn bà (Y Ban) và tiểu thuyết Và Chúa đã tạo ra đàn bà (Simone
Colette)
CHƯƠNG 3: Những mặt khác nhau trong diễn ngôn về giới nữ trong tập
truyện I’m đàn bà (Y Ban) và tiểu thuyết Và Chúa đã tạo ra đàn bà (Simone
Colette)

6


NỘI DUNG
CHƯƠNG 1: KHÁI QUÁT VỀ DIỄN NGÔN VÀ VĂN HỌC SO SÁNH

1.1. Khái quát về diễn ngôn
1.1.1. Khái niệm diễn ngôn
Hiện nay, khái niệm diễn ngôn được sử dụng khá phổ biến, rộng khắp trong
nhiều lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, đặc biệt là trong lĩnh vực nghiên cứu
văn học được sử dụng khá nhiều, tuy nhiên sự hình dung về diễn ngôn chưa thực sự
rõ ràng, nội hàm của nó chưa được giải thích một cách cặn kẽ, thậm chí là khá phức
tạp. Chỉ khi nhận diện được diễn ngôn là gì thì bước đầu chúng ta sẽ có cách tiếp
tiếp cận mới với văn học. Vì vậy mà mỗi nhà khoa học, mỗi nhà nghiên cứu sử
dụng dụng khái niệm và các dấu hiệu biểu hiện khác nhau về diễn ngôn theo cách
riêng của mình, khi đó người đọc phải dựa vào ngữ cảnh trong những trường hợp cụ
thể để hiểu cách cách dùng. Chính vì thế, việc xác định nó hiện vẫn là một đòi hỏi
bức thiết của khoa học, một câu hỏi bỏ ngỏ.
Theo khảo chứng của nhà nghiên cứu người Nga, P.Ilin cho rằng quan điểm
diễn ngôn được các nhà cấu trúc luận đặt ra đầu tiên. A.I.Grenimas và J.Courters
đưa ra cách hiểu luận chứng lí thuyết kĩ lưỡng về diễn ngôn trong công trình Từ
điển giải thích lí luận ngôn ngữ, họ cũng đồng nhất diễn ngôn với quá trình kí hiệu
hóa. Tức là quá trình tạo và sử dụng kí hiệu được thực hiện dưới những dạng thức
thực tiễn diễn ngôn khác nhau. Trong nghiên cứu của mình, theo Manfred Frank diễn
ngôn (discurere) có nguồn gốc từ tiếng La Tinh discoursus, mà gốc động từ của từ
này là discurere có nghĩa là nói luyên thuyên, tán chơi. Như vậy, diễn ngôn là một
lối, một cách hay một lượt nói không xác định độ dài, sự triển khai không bị giới hạn.
Diễn ngôn trong tiếng Pháp gần với từ tán gẫu, kể chuyện, nói chuyện phiếm,...
Trong từ điển New Webster`s Dictionary thì khái niệm diễn ngôn có hai nghĩa. Một
là sự giáo tiếp, trao đổi, trò chuyện bằng tiếng nói. Hai là nghiên cứu một vấn đề nào
đó có hệ thống.
GS Đỗ Hữu Châu từng nêu định nghĩa về diễn ngôn trong cuốn Đại cương
ngôn ngữ học tập 2 như sau: Hiểu tổng quát, diễn ngôn là thực tiễn gián tiếp của
con người trong xã hội. Nhấn mạnh thực tiễn giao tiếp xã hội để phân biệt với lời
nói cá nhân [16]. Theo Jacob Torfing thì Diễn ngôn là kết quả của những cách đọc
bá quyền mà mục đích của chúng là xác lập vai trò lãnh tụ về mặt chính trị, cũng

như đạo đức - trí tuệ [29]. Còn nhà nghiên cứu Louis Marin thấy rằng: Diễn ngôn là

7


hình thức tồn tại của cái tưởng tượng được gắn với sức mạnh, cái tưởng tượng có
tên quyền lực [29]. Hay theo Louise Dzh.Fillip et Marian V.Yorgensen: Diễn ngôn
là hình thức của các hành vi xã hội được sử dụng để mô tả thế giới xã hội (bao gồm
tri thức, con người và quan hệ xã hội. [29].
Như chúng ta đã thấy thuật ngữ diễn ngôn được sử dụng trong nhiều ngành
với nhiều phương diện khác nhau. Nội hàm của diễn ngôn cũng vì thế mà trở nên
khác nhau, phức tạp, đa dạng và thậm chí là mâu thuẫn nhau. Trong thực tế, sự sáng
tạo những diễn ngôn mới là bất tận, với số lượng không ngừng nhưng chúng vẫn
nằm trong một hệ thống tương đối ổn định, phải tuân thủ những nguyên lí kiểm soát
hoạt động sản xuất và lưu chuyển diễn ngôn.
1.1.2. Diễn ngôn - những hướng tiếp cận chính
1.1.2.1. Tiếp cận theo hướng ngôn ngữ học
Đây là hướng tiếp cận do các nhà ngữ học đề xuất chịu ảnh hưởng từ những
quan điểm nghiên cứu của F.de Sausure. Trong công trình nghiên cứu này, F.de
Sausure chỉ ra sự đối lập giữa ngôn ngữ với lời nói. Ngôn ngữ là một hệ thống, một
kết cấu tinh thần trừu tượng, khái quát và ngôn ngữ học chỉ nghiên cứu ngôn ngữ,
tức là việc sử dụng ngôn ngữ bị chi phối bởi hệ thống các nguyên tắc. Trong khi lời
nói là của các cá nhân cụ thể được vận dụng ngôn ngữ vào trong những hoàn cảnh
cụ thể và không thuộc đối tượng nghiên cứu của ngữ học.
Việc F.de Sausure phân biệt ngôn ngữ và lời nói đã làm nền tảng cho việc chỉ
ra sự đối lập giữa diễn ngôn (discourse) và văn bản (text). Diễn ngôn là cấu trúc của
lời nói, mang tính động, còn văn bản là cấu trúc của ngôn ngữ mang tính tĩnh.
Năm 1983 Michael Stubbs phân biệt: “một văn bản có thể được viết ra, trong khi
một diễn ngôn có thể được nói ra, một văn bản có thể được tương tác trong khi một
diễn ngôn thì không tương tác”.

Vào những năm 1960 trên cơ sở sự đối lập giữa văn bản và diễn ngôn, ngôn
ngữ học đã chuyển sang hai hướng: một nghiên cứu sâu về cấu trúc bên trong của
các văn bản như một hệ thống chỉnh thể, khép kín và biệt lập, và hướng còn lại,
chuyên nghiên cứu về cấu trúc diễn ngôn liên quan đến bối cảnh của lời nói, nhân
vật nói... Hai khuynh hướng này hình thành trong hoàn cảnh phát triển thịnh vượng
của chủ nghĩa cấu trúc, do đó nó bị ảnh hưởng bởi phong trào lý thuyết này. Vào
những năm 1960, ngôn ngữ học của Saussure và chủ nghĩa cấu trúc của Bloomfield
đã phát triển đến thời kỳ hưng thịnh. Tại thời điểm này, mọi người cảm thấy sự chật
chội và hạn hẹp của ngôn ngữ học lấy câu làm đơn vị lớn nhất và đề xuất nghiên

8


cứu đơn vị câu lớn hơn. Từ đây, nghiên cứu văn bản trở thành một xu hướng nghiên
cứu và phát triển rất rầm rộ. Văn bản được coi là sự nối dài của câu và mọi người sử
dụng các công cụ phân tích cấu trúc câu để phân tích văn bản.
Một số nhà ngữ học đã đề xuất diễn ngôn như là một đối tượng mới của ngữ
văn học, và cần phải nghiên cứu diễn ngôn và văn bản như những đơn vị biểu đạt trên
cần tồn tại trong thực tế đời sống. Họ không quan tâm đến việc phân tích các văn bản
văn học cụ thể mà chỉ đi sâu vào nghiên cứu đặc trưng văn học. Các nhà nghiên cứu
quan tâm đến “tính văn học” như tính liên kết, tính chỉnh thể... của văn bản nhưng lại
không đặt nó vào trong hoàn cảnh lịch sử, văn hóa, xã hội vì với họ văn bản chỉ là
chất liệu để nghiên cứu, phân tích thuộc tính trừu tượng, khái quát của văn học.
Qua đây, chúng ta thấy diễn ngôn là một cấu trúc nội tại, khép kín được cấu
thành từ các phạm trù ngữ pháp. Phân tích diễn ngôn là phân tích các cấu trúc biểu
nghĩa trong tương tác với ngữ cảnh, là tìm kiếm những mô hình ngôn ngữ mang
tính tĩnh - cái cơ chế ẩn tàng của tổ chức ngôn từ trong văn bản để hiểu thực chất
nôi dung của diễn ngôn.
1.1.2.2. Tiếp cận theo hướng phong cách học
M.Bakhtin có thể được coi là nguồn gốc của một truyền thống mới trong

nghiên cứu diễn ngôn. Tư tưởng về diễn ngôn của Bakhtin đóng vai trò như một bản
lề, hoặc một cây cầu kết nối khái niệm diễn ngôn của ngôn ngữ học cấu trúc với
khái niệm diễn ngôn của các trường phái lý luận hậu hiện đại. Trong các tác phẩm
của Bakhtin, chúng ta có thể thấy cuộc đối thoại và tiêu cực đối với nhiều quan
điểm về ngôn ngữ học được lưu hành trong thời đại của ông, đặc biệt là các quan
điểm ngôn ngữ được phát triển trên cơ sở tư tưởng của Saussure. Nhưng mặt khác,
cũng có thể nhận ra sự tương đồng trong suy nghĩ của ông với những quan điểm lý
thuyết quan trọng nhất của văn hóa văn học hậu hiện đại.
Nếu cách tiếp cận ngôn ngữ đối với diễn ngôn được hình thành trên cơ sở
ngôn ngữ học của Saussure, thì cách tiếp cận phong cách học về diễn ngôn được
phát triển dựa trên quan điểm đối lập với ngôn ngữ của Saussure. Bakhtin có ý đối
thoại với ngôn ngữ học và phong cách học đương thời được nuôi dưỡng bởi ngôn
ngữ học Saussure trong bài tiểu luận Vấn đề các thể loại lời nói.
Diễn ngôn (discourse), là khái niệm trung tâm trong quan điểm ngôn ngữ của
Bakhtin. Ông nói rằng diễn ngôn là ngôn ngữ trong chỉnh thể sống động, cụ thể là
ngôn ngữ được sử dụng, trong bối cảnh xã hội, của những tiếng nói xã hội mâu
thuẫn và đa tầng. Diễn ngôn là khu vực tiếp xúc giữa chúng ta và người. Diễn ngôn
là một vùng đất của sự giao thoa, hội tụ và tranh luận về những ý tưởng và quan
9


niệm khác nhau về thế giới. Do đó, Bakhtin nhấn mạnh, đối thoại là bản chất của
diễn ngôn. Mỗi người nói không phải là người nói đầu tiên, mà là người trả lời,
người nói chuyện với hàng ngàn người nói trước đó. Người nghe không phải là
người nghe thụ động mà là người phản hồi tích cực. Mỗi phát ngôn chỉ là một liên
kết, một giai đoạn của một loạt các phát ngôn khác. Lời nói của chúng ta, do đó,
được hình thành và phát triển trong sự tương tác, thường xuyên, liên tục với các
phát ngôn của các cá nhân khác, chứa đầy những từ lạ, với mức độ lạ hoặc thuần
thục, mức độ hấp thu và loại bỏ khác nhau.
Trong thực tế, các phát ngôn thường mạch lạc và được tổ chức ở dạng ổn

định mà ông gọi là các thể loại lời nói. Các loại lời nói là các dạng phát ngôn tương
đối bền vững được tạo ra trong một phạm vi sử dụng ngôn ngữ cụ thể, toàn bộ cơ
thể bao gồm ba bình diện: nội dung chủ đề, phong cách và tổ chức kết cấu.
Bakhtin nói rằng thể loại lời nói là tiền lệ, có vai trò chi phối và tổ chức lời
nói của chúng ta, thấm vào suy nghĩ của chúng ta, vô thức bật ra khi chúng ta giao
tiếp. Vai trò của nó thậm chí còn quan trọng đến nỗi, nếu không có thể loại lời nói
và nếu chúng ta không thể làm chủ chúng, ngay cả khi chúng ta có đầy đủ từ vựng
và quy tắc sử dụng ngôn ngữ, chúng ta không thể nói, không thể giao tiếp.
Do đó, nếu giáo trình ngôn ngữ học của Saussure đánh dấu một sự thay đổi
quan trọng trong ngôn ngữ: chuyển từ nghiên cứu sự biến đổi ngôn ngữ trong lịch
sử sang nghiên cứu ngôn ngữ như một hệ thống tĩnh, cô lập và khép kín, thì với một
khái niệm diễn ngôn mới, Bakhtin đã đưa ngôn ngữ học sang một bước ngoặt mới:
chuyển đổi từ nghiên cứu ngôn ngữ như một thực thể tĩnh, khép kín và biệt lập đến
nghiên cứu ngôn ngữ trong giao tiếp, trong cuộc sống đa dạng và sống động.
Bakhtin đặc biệt quan tâm đến cuộc đối thoại của lời nói và các lý thuyết văn học
của ông cho thấy sự phức tạp, biến đổi nhiều mặt và liên tục của các văn bản /diễn
ngôn lịch sử. Khái niệm về tính lịch sử, tính xã hội này của diễn ngôn sau này sẽ
gặp nhau, hoặc có thể nói, sẽ đặt nền tảng cho một sự thay đổi cực kỳ quan trọng
trong lý thuyết của thế kỷ XX: trào lưu giải cấu trúc.
1.1.2.3. Tiếp cận theo hướng xã hội học.
Điểm trung tâm của cách tiếp cận thứ ba này là quan niệm về diễn ngôn của
M.Foucault, người được coi là ông tổ của các lý thuyết hậu hiện đại và có ảnh
hưởng lớn nhất đến nghiên cứu diễn ngôn sau nhiều năm 1960. Định kiến của ông
bao trùm nhiều lĩnh vực của nhân văn và khoa học xã hội , đề cập đến các chủ đề
khác nhau như chứng điên và văn minh, kỷ luật và hình phạt, tình dục... rất khó
khăn. có thể khẳng định rằng ông là nhà sử học, nhà văn hóa, nhà triết học, chính trị
gia hay nhà xã hội học.
10



Nếu sức mạnh và kiến thức được coi là mối quan tâm lớn nhất của Foucault,
thì bài diễn thuyết là một liên kết không thể thiếu để hiểu hai yếu tố này. Đối với
Foucault, cả kiến thức và sức mạnh chỉ có thể được tạo ra, hiện thực hóa, vận hành
và phân phối bởi và trong diễn ngôn.
Foucault nghĩ rằng kiến thức là một sản phẩm được tạo ra bởi các diễn ngôn.
Và bởi vì đằng sau diễn ngôn là sức mạnh, nên kiến thức mà chúng ta có là kết quả
của xung đột quyền lực. Và diễn ngôn là chiến trường nơi chiến đấu diễn ra để
giành quyền nói lên sự thật, đòi hỏi những gì được coi là kiến thức. Foucault đã đưa
ra ba định nghĩa về diễn ngôn.
Định nghĩa thứ nhất theo nghĩa rộng nhất, diễn ngôn gồm “tất cả các nhận
định nói chung” tức là: tất cả các phát ngôn hoặc văn bản mang nghĩa và có hiệu lực
nào đó trong thế giưới thực, đều được coi là diễn ngôn. Theo cách hiểu này diễn
ngôn chỉ như là phương tiện để biểu đạt, truyền tải, miêu tả những thông tin về một
tồn tại sẵn có trong thực tế.
Định nghĩa thứ hai là định nghĩa thường được Foucault sử dụng để nhận
dạng các diễn ngôn cụ thể như: diễn ngôn nữ quyền, diễn ngôn y học, diễn ngôn nữ
tính,... Diễn ngôn như là “một nhóm các nhận định được cá thế hóa”, được tổ chức
một cách mạch lạc, theo cách thức nào đó và có hiệu lực chung. Vì thế mà định
nghĩa diễn ngôn này thường được dùng ở số nhiều.
Định nghĩa thứ ba về diễn ngôn có ảnh hưởng nhất đối với nhiều nhà lí luận.
Diễn ngôn “như một hoạt động được kiểm soát/điều chỉnh nhằm tạo nên một tập
hợp các nhận định”. Trong định nghĩa này điều mà Foucault theo đuổi gần trọn cuộc
đời học thuật của mình là những quy tắc và cấu tạo ra những nhận định, những diễn
ngôn cụ thể.
1.1.3. Diễn ngôn văn học
Từ nhiều thập kỷ nay, diễn ngôn văn học xuyên qua bao thời đại trở thành
một vấn đề được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm dưới những góc độ khác nhau và
trong một trường nghiên cứu khá mở. Dù đã có nhiều công trình nghiên cứu về khái
niệm diễn ngôn văn học nhưng nó vẫn chưa trút bỏ được cái “lạ tính” và các đặc
trưng của nó hầu như chưa được hệ thống hóa trong một công trình cụ thể nào cả.

Bởi vì diễn ngôn văn học là cụ thể nên việc áp dụng các khái niệm và phương pháp
phân tích diễn ngôn thông thường vào phân tích diễn ngôn văn học đã và đang gây
ra nhiều tranh cãi. Vì thế chỉ nên nói về chức năng của nó. Để xác định các đặc
điểm của diễn ngôn văn học cần chỉ ra mối quan hệ của nó với các diễn ngôn khác.
Diễn ngôn văn học với các diễn ngôn khác có những điểm tương đồng trong việc
tạo ra hiện thực, tạo ra cách nhìn mới về cuộc sống, tạo ra một thế giới khác.
11


Diễn ngôn văn học tạo lập tri thức, thể hiện khả năng nhận thức cái đẹp,
cách giải thích, cách cắt nghĩa thế giới và con người của chủ thể nói. Chủ thể lời
nói trong văn học không tồn tại trước bài phát biểu, nó được sinh ra trong bài phát
biểu của chính nó.
Diễn ngôn văn học tạo nghĩa về một hiện tượng, một sự vật, một thực tế, nó
tham gia vào định nghĩa của bất cứ điều gì theo quy ước riêng của nó, nó thậm chí
có thể phá hủy bất kỳ ảo tưởng và ngụy biện trí tuệ nào đó trong cõi người - nếu
chúng ta nhớ một bài diễn văn phân biệt như vậy để đảm bảo sự thật vô thức trong
bài diễn văn. Diễn ngôn văn học có một sức mạnh nhất định về "thông tin", nó
mang ý thức hệ và "lãnh đạo" quan điểm, cách giải thích thế giới đang thống trị về
mặt xã hội và văn hóa; nó luôn tìm cách tạo ra ý nghĩa mới về mọi thứ, mang đến
cho mọi người một cách nhìn mới về thế giới và vũ trụ, vì vậy có thể nói rằng nó đã
cố gắng hết sức để tạo ra kiến thức chung.
Các diễn ngôn văn học có tính lịch sử, bởi vì kiến thức của nó, cách nhìn về
thế giới và sáng tạo của nó theo thời gian. Có thể tưởng tượng điều này: mỗi thời kỳ
của lịch sử, mỗi nền văn hóa, mọi thể chế chính trị - xã hội đều có một quy ước thực
hành diễn ngôn nhất định. Tuy nhiên, cần nhớ rằng, trong mỗi thời đại, có một diễn
ngôn mô hình thống trị - diễn ngôn chiếm ưu thế, điều khiển hoạt động của các loại
diễn ngôn khác, bao gồm cả diễn ngôn văn học. Ngôn ngữ trong diễn ngôn văn học
được sử dụng như một phương tiện biểu đạt và tạo hình, như R.Wellek nói ngôn
ngữ là một tổ chức xã hội. Văn học chưa bao giờ thoát khỏi ảnh hưởng của các tổ

chức xã hội, chưa bao giờ thoát khỏi các hệ thống xã hội khác, và miễn là nó sử
dụng ngôn ngữ, thì cấu trúc và chức năng của nó còn mang tính xã hội. Chỉ trong
các quy ước và chuẩn mực mà mọi người đặt ra, điều chỉnh và công nhận, diễn
ngôn văn học mới được hình thành hoặc sử dụng.
Các diễn ngôn văn học có tính quy chiếu, để nó có ý nghĩa. Todorov lập luận
rằng diễn ngôn mang tính quy chiếu và chỉ tính quy chiếu mới cho phép tạo ra thế
giới. Sự quy chiếu của văn học bao gồm nội quy chiếu và ngoại quy chiếu, cả hai
đều không ngăn cản nhau mà bổ sung cho nhau.
Diễn ngôn văn học có tính hư cấu, trong đó nó tạo ra "cái tồn tại khả thể" để
quy chiếu, cái quy chiếu của nó được tạo bằng ngôn ngữ. Nó khác với các hình thức
diễn ngôn hình tượng và mơ hồ khác ở chỗ nó không cho rằng nó đã mang lại sự
thật hiển nhiên, nhưng "ngấm ngầm nhận thức được vị thế tu từ học của chính mình,
nhận thức được thực tế rằng điều chúng nói khác hẳn với việc chúng làm và những
đỏi hỏi của chúng về kiến thức đều thông qua cấu trúc giả tưởng vốn làm chúng trở
nên mơ hồ và không xác định được” (Sự đỏng đảnh của phương pháp).

12


Diễn ngôn văn học cho chúng ta một kiến thức về thực tế của con người, môi
trường mà con người tồn tại và cách con người nắm bắt môi trường đó. Việc tạo ra
diễn ngôn rất độc đáo đến nỗi chính người sáng tạo không biết tất cả những điều mà
diễn ngôn có thể nói về một hiện tượng, một đối tượng. Ý nghĩa của diễn ngôn bị
ảnh hưởng mạnh mẽ bởi vô thức, trực giác. Diễn ngôn tạo ra ý nghĩa, định hình cho
những gì cái tôi đang nói đồng thời kiểm soát ý thức và sự sáng tạo của người nói
thông qua những trải nghiệm tưởng tượng và những ham muốn.
1.2. Khái quát về văn học so sánh
1.2.1. Khái niệm văn học so sánh
Bên cạnh các thuật ngữ chảy trôi trong nhiều thời đại, nhiều phạm trù văn
hóa thì hiện nay thuật ngữ “văn học so sánh” đã và đang được sử dụng phổ biến

trong giới nghiên cứu và giảng dạy văn học. Trên thế giới đặc biêt ở các nước
phương Tây trong các trường đại học đều có bộ môn văn học so sánh. Bộ môn này
tồn tại và phát triển đến bây giờ là hơn môt trăm năm, nó đã có nhiều đóng góp to
lớn cho ngành lí luận văn học.
Ban đầu văn học so sánh chỉ là một phương pháp dùng để xác định đánh giá
mối quan hệ giữa các hiện tượng văn học với nhau, gọi là phương pháp so sánh,
chúng được áp dụng một cách đơn sơ, tự phát, chưa có cơ sở khoa học nào. Đến thế
kỷ XVIII, chủ nghĩa tư bản bắt đầu phát triển ở phương Tây tạo điều kiện cho sự
giao lưu văn hóa nói chung và văn học nói riêng phát triển mạnh, phương pháp so
sánh được áp dụng một cách có ý thức hơn. Nhà nghiên cứu Murald người Pháp và
Andreew người Anh cũng như các ấn phẩm định kỳ của Pháp như L’année
littéraire, Journal estranger,... đã nhiều lần sử dụng thuật ngữ “văn học so sánh”.
Sang thế kỷ XIX, thuật ngữ “văn học so sánh” xuất hiện trong Giáo trình Văn học
so sánh của Noel và Laplace ở Pháp vào năm 1816, đến năm 1886 công trình tổng
hợp đầu tiên về lịch sử văn học thế giới với đầu đề Văn học so sánh (Comparative
Literature) của nhà nghiên cứu người Anh Macauly Posnett đã đánh dấu sự hình
thành chính thức của bộ môn văn học sánh với tính cách là một bộ môn độc lập.
Vào nửa đầu thế kỷ XX, nổi bật lên một trường phái thực chứng-lịch sử của một
nhóm các nhà nghiên cứu so sánh người Pháp như F.Baldensperger, P.V.Tieghem,
Wellek, Warren,... đây là giai đoạn chú ý đến sự ảnh hưởng và vay mượn. Đến nửa
cuối thế kỷ XX, bằng cách mở rộng đối tượng nghiên cứu sang lĩnh vực các hiện
tượng tương đồng đã giúp hoàn chỉnh bộ môn văn học so sánh hơn.
Thuật ngữ “văn học so sánh’ trong tiếng Việt được dịch từ thuật ngữ
“comparative” trong tiếng Anh và từ tiếng Pháp là “littérature comparée”. Bên
13


cạnh đó còn có các thuật ngữ khác chính xác hơn, phức tạp hơn như: “lịch sử các
nền văn học được so sánh”, “lịch sử so sánh các nền văn học”. Ngoài ra trong
tiếng Đức có thuật ngữ “lịch sử văn học so sánh”, còn trong tiếng Nga có thuật ngữ

là ”nghiên cứu văn học so sánh”.
Trong tài liệu “Đề cương bài giảng văn học so sánh” của PGS.TS Phùng
Gia Thế đã chỉ ra rằng: “Nói văn học so sánh thì không nên hiểu đó là một nền văn
học được so sánh, mà phải hiểu là một bộ môn khoa học có chức năng so sánh một
nền văn học này với một hay nhiều nền văn học khác, hoăc so sánh văn học với các
lĩnh vực biểu hiện khác của con người.” Ngoài ra PGS.TS Phùng Gia Thế cũng
khẳng định: “Văn học so sánh là bộ môn nghiên cứu văn học vượt ra ngoài phạm vi
một nước và nghiên cứu mối quan hệ giữa văn học với các lĩnh vực trí thức khác và
lĩnh vực tín ngưỡng bao gồm nghệ thuật (như hội họa, điêu khắc, kiến trúc âm
nhạc), triết học, lịch sử, khoa học xã hội (như chính trị, kinh tế, xã hội học), khoa
học tự nhiên, tôn giáo...”. Hay nói một cách khác là “Văn học so sánh là so sánh
văn học của một nước này với một nước khác, hoặc nhiều nước khác, là so sánh văn
học với các lĩnh vực biểu hiện khác của nhân loại.”
1.2.2. Văn học so sánh - một số trường phái chính
1.2.2.1. Trường phái văn học so sánh Pháp
Nói đến trường phái văn học so sánh Pháp là nói đến truyền thống “nghiên cứu
ảnh hưởng”, chú trọng liên hệ thực tế và phương pháp thực chứng, tôn trọng sự thực
(miêu tả, ghi chép, chú giải, điều tra, đối chiếu...), nhằm làm sáng tỏ ảnh hưởng của
nền văn học dân tộc này đối với dân tộc khác, thông qua các đại diện cụ thể với các
quan hệ thực tế, phản đối quan niệm coi văn học so sánh là việc so sánh giữa các nền
văn học không có quan hệ ảnh hưởng. Đây là trường phái văn học so sánh xuất hiện
sớm nhất. Đánh dấu cho sự hình thành và đặt nền móng cho trường phái văn học so
sánh Pháp là các công trình nghiên cứu của F.Baldensperger (1871-1958) và
P.V.Tieghem (1871-1948). Trong công trình của mình, F.Baldensperger (1871-1958):
nghiên cứu hệ thống về ảnh hưởng của văn học nước ngoài đối với văn học Pháp,
ông phê phán các loại so sánh không có giá trị như so sánh thể hiện sự tương đồng
bề ngoài, hoặc so sánh chỉ nhằm tìm ra tài liệu nguyên sơ của tác phẩm, theo ông
văn học so sánh phải chỉ được ra mối liên hệ giữa các hiện tượng văn văn học mà
trước đó người ta tưởng không có gì liên quan đến nhau, là nghiên cứu các hiện
tượng văn học tương tự của các quan hệ tay đôi có liên hệ bằng phương pháp so

sánh, chứng thực. Còn trong công trình của P.V.Tieghem (1871-1948): Trình bày tư
tưởng của trường phái Pháp về mặt lí luận: Tính chất, phương pháp, phạm vi.

14


P.V.Tieghem cho rằng văn học so sánh là một phân ngành của văn học sử, đối
tượng của văn học so sánh là “nghiên cứu quan hệ tương hỗ của tác phẩm các nước
một cách bản chất” (Bàn về văn học so sánh, 1931), theo ông văn học so sánh có
nhiệm vụ khám phá ảnh hưởng của một tác phẩm đối với các sáng tác sau đó, cũng
như nguồn gốc ảnh hưởng của nó. Ngoài F.Baldensperger và P.V.Tieghem thì
J.M.Carré (1887-1958) và M.F.Guyard (1921-) được coi là đại diện chủ chốt của
trường phái Pháp. Kế thừa tinh thần của P.V.Tieghem, trong cuốn sách Văn học so
sánh (1951) của M.F.Guyard, J.M.Carré viết trong lời tựa viết: “Văn học so sánh là
một nhánh của văn học sử: nó nghiên cứu các mối liên hệ tinh thần mang tính quốc
tế, nghiên cứu mối liên hệ thực tế giữa Byron và Puskin, Goethe và Carlye, Scott và
Vigny...nghiên cứu mối liên hệ thực tế trên các phương diện tác phẩm, linh cảm
thậm chí cả cuộc sống giữa các nhà văn của những nền văn học khác nhau”.
Các nhà văn học so sánh trường phái Pháp đã đặt nền móng cũng như có
những đóng góp to lớn vào lịch sử văn học so sánh thế giới. Tuy nhiên trường Pháp
vẫn còn những hạn chế như quá quan trọng các quan hệ trực tiếp nên bị hạn chế
phạm vi nghiên cứu các văn hóa Tây Âu; quá nhấn mạnh vào thực chứng chứng,
các mối liên hệ và khảo chứng thực tế nên bỏ qua sự phân tích mĩ học của tác phẩm;
khuynh hướng chủ nghĩa dân tộc nước lớn; tách bạch văn học so sánh, văn học dân
tộc và văn học tổng thể.
1.2.2.2. Trường phái văn học so sánh Mỹ (Hoa Kỳ)
Trường phái văn học so sánh Mỹ xuất hiện với tư cách là những người phê
phán những hạn chế của trường phái Pháp, đề ra các phương hướng nghiên cứu văn
học so sánh mới, lấy tác phẩm làm trung tâm. Trong cuốn Đề cương bài giảng văn
học so sánh của PGS.TS Phùng Gia Thế đã chỉ ra rằng: “Trường phái Mỹ đề ra

nguyên tắc “không nợ”, thể hiện nghiên cứu bình đẳng siêu không gian. Ngoài
nghiên cứu ảnh hưởng còn nghiên cứu cái giống nhau, khác nhau giữa các hiện
tượng văn học không gian có quan hệ trực tiếp và dưới điều kiện không gian, thời
gian không giống nhau để từ đó tìm ra quy luật cơ bản của văn học. Mở rộng đối
tượng và phạm vi so sánh: nghiên cứu quan hệ giữa văn học với các lĩnh vực tri
thức khác, làm cho văn học so sánh trở thành bộ môn có tính tổng hợp (đưa văn
hóa vào văn học so sánh), so sánh trên cả 3 phương diện: lý luận văn học, lịch sử
văn học và phê bình văn học”. Trong bài luận Cơn khủng hoảng của Văn học so
sánh (1958) R.Wellek đã chỉ trích các nhà văn học so sánh Pháp là: a. Không xác
định được đối tượng nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu. b. Giới hạn một cách
máy móc văn học so sánh trong vấn đề cội nguồn và ảnh hưởng, như vậy biến văn
15


học so sánh thành một nhánh nghiên cứu phụ. c. Đặc biệt nghiêm trọng là biến việc
nghiên cứu so sánh thành công cụ phục vụ cho chủ nghĩa số vanh hẹp hòi, theo chủ
nghĩa khuếch trương văn hóa dân tộc. Theo Wellek cho rằng ba phương diện trên cần
phải được điều chỉnh. Ông chỉ ra văn học so sánh chỉ là một “sự nghiên cứu văn học
vượt lên trên giới hạn của văn học dân tộc”. Ông không thấy được sự khác biệt nào
về chất giữa văn học so sánh và nghiên cứu văn học tổng thể, phải phá bỏ ranh giới
giả tạo giữa chúng. Vào năm 1961 trong bài báo Văn học so sánh: Định nghĩa và
công dụng của văn học so sánh Remak viết : “Văn học so sánh là nghiên cứu văn học
vượt ra ngoài phạm vi một nước và nghiên cứu mối quan hệ giữa văn học với tri thức
khác và lĩnh vực tín ngưỡng, bao gồm nghệ thuật (như hội họa, điêu khắc, kiến trúc,
âm nhạc), triết học, lịch sử, khoa học xã hội (như chính trị, kinh tế, xã hội học), khoa
học tự nhiên, tôn giáo... Tóm lại, văn học so sánh là so sánh văn học của một nước
này với một nước khác, hoặc nhiều nước khác, là so sánh văn học với lĩnh vực biểu
hiện khác của nhân loại”. Sở trường nổi bật của các nhà nghiên cứu Mỹ là nghiên
cứu so sánh đối ứng (Parallelism hay Parallel Study) và so sánh đối chiếu (Contrast).
Đại diện cho kiểu nghiên cứu này là R. Wellek, H. Levin, H. Remak, A. Warren, R. J.

Clements, O. Aldridge. Trong một bài báo O. Aldridge đã phát biểu rằng: “Văn học
so sánh là khám phá sự cùng loại và đối chiếu các tác phẩm, là chỉ một sự nghiên
cứu về tính tương đồng của các tác phẩm vốn không có bất cứ mối liên hệ nào trên
các phương diện thể loại, kết cấu, tình điệu, quan niệm…”.
Sự phê phán những hạn chế của trường phái Pháp của trường phái Hoa Kỳ
vô cùng mạnh mẽ đã đáp ứng được những nhu cầu mới của nghiên cứu văn học mà
trường phải Pháp chưa thực hiện được. Tuy nhiên về lí luận trường phái Mỹ vẫn
chưa đủ tỉ mỉ ,việc mở rộng đối tượng nghiên cứu có chỗ tràn lan dẫn đến nguy cơ
làm triệt tiêu đặc thù của bộ môn văn học so sánh.
1.2.2.3. Trường phái văn học so sánh Nga (Liên Xô cũ)
Trong lịch sử phát triển văn học so sánh, trường phái văn học so sánh Nga
giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Trường phái văn học so sánh Nga có hẳn lối đi
riêng, cơ sở lí luận, phương pháp luận và hệ thống thuật ngữ riêng.
A. N. Vêxêlôpski (1838 - 1906), được coi là người đầu tiên nhận thấy sự
tương đồng loại hình có tính quy luật trong các hiện tượng giống nhau có thể được
cắt nghĩa bằng các nguyên nhân: chung cội nguồn, ảnh hưởng nhau và sự tự sinh,
tuy ông bắt đầu hoạt động khoa học giữa trường phái lý thuyết vay mượn của
Benfei. Theo ông, bất kỳ quốc gia nào đều bị ảnh hưởng bởi các yếu tố lịch sử, tất

16


cả các nền văn học trên thế giới, dù không có mối quan hệ, họ cũng phát triển đối
ứng với nhau, bất kể thời gian và không gian. Vì vậy, nghiên cứu các sự kiện lịch sử
phải dựa trên sự tương đồng về nguồn gốc, hoàn cảnh và quan hệ khu vực.
Thập niên 30 - 40 của thế kỷ XX giới văn nghệ Nga có xu hướng phủ định
văn học so sánh phương Tây, phê phán những người nghiên cứu văn học so sánh,
coi “văn học so sánh là trường phái phản động của văn nghệ tư sản xuất hiện nửa
cuối thế kỷ XIX”.
Trong bài báo Vấn đề nghiên cứu văn học so sánh hiện đại (1959) N. N.

Konrad (1891-1970) đã chỉ ra chỉ giới hạn phạm vi nghiên cứu trong khoảng thời
gian từ thế kỷ XVII đến XIX của các nhà nghiên cứu Pháp, phê phán lí thuyết châu
Âu trung tâm của các nhà văn học so sánh Pháp, và chủ trương nghiên cứu so sánh
phương Đông và phương Tây. Đồng thời, mở rộng không gian nghiên cứu của văn
học so sánh, đưa văn học cổ đại và trung đại hay toàn bộ nền văn minh nhân loại
vào phạm vi nghiên cứu so sánh, bao gồm cả văn học phương Đông.
Năm 1960, tổ chức Hội thảo “Mối liên hệ và ảnh hưởng tương hỗ văn học
các dân tộc” đánh dấu sự hồi sinh và phục hưng của văn học so sánh.
V. Zhirmunski (1891-1971?) một trong những người đại diện hiện đại cho
trường phái văn học so sánh Nga trong bài phát biểu Những vấn đề nghiên cứu văn
học theo hướng so sánh lịch sử cho rằng “tiền đề cơ bản của việc nghiên cứu so
sánh lịch sử đối với nền văn học dân tộc là tư tưởng về tính nhất trí và tính quy luật
chung của quá trình phát triển lịch sử”. Zhirmunski coi văn học so sánh là một bộ
phận cấu thành của văn nghệ học tức là dùng văn nghệ học so sánh để thay thế văn
học so sánh. Trong Văn học so sánh trong đại bách khoa toàn thư Liên Xô ông viết:
“Văn nghệ học so sánh lịch sử là một phân nhánh của văn học sử, nó nghiên cứu
mối liên hệ và quan hệ văn học quốc tế, nghiên cứu các điểm tương đồng và khác
nhau của hiện tượng văn học nghệ thuật các nước. Sự thực văn học tương đồng,
một mặt có thể do phát triển xã hội và văn hóa các dân tộc giống nhau. Mặt khác
cũng có thể do có sự tiếp xúc giữa văn hóa, văn học của các dân tộc; phân biệt
tương ứng thành: loại hình học của quá trình văn học giống nhau và mối liên hệ
ảnh hưởng của văn học. Hai cái đó thường tác động lẫn nhau, nhưng không nên coi
chúng là một”.
Mặc dù trong trường phái văn học so sánh Nga còn có một số quan niệm, ý
kiến chưa thống nhất, thậm chí một số nhà nghiên cứu có tính chất ý thức hệ và hẹp
hòi, quy kết chính trị đối với văn học so sánh phương Tây, tự cho mình là tiên tiến
nhất. Những trường phái này đã có bước tiến đáng kể so với trường phái Pháp và có

17



những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của văn học so sánh thế giới như chỉ
ra được mối liên hệ nội tại giữa hiện tượng văn học và sự phát triển xã hội, coi trọng
văn học phương Tây và phương Đông.
Bên cạnh các trường phái văn học so sánh hùng hậu nói trên, trong các trung
tâm nghiên cứu văn học nhiều nước trên thế giới có nhiều học giả cũng thể hiện
những khuynh hướng nghiên cứu với những công trình xây dựng và phát triển lí
luận văn học so sánh độc đáo.
1.3. Khái niệm “phái tính” và “giới tính” trong nghiên cứu văn học
Trong thời kỳ hiện nay, khi nền văn học nữ ngày càng phát triển mạnh mẽ thì sự
phân biệt rõ ràng giữa khái niệm phái tính (gender) và giới tính (sex) càng thể hiện sự
quan trọng và cấp bách.
Giới tính (sex) trong lĩnh vực nghiên cứu văn học được hiểu là các hoạt động
tình dục của con người, các tác giả thường có xu hướng sử dụng không phiên âm
sang tiếng Việt mà sử dụng từ gốc trong tiếng Anh: "sex" có nghĩa là hoạt động tính
giao nam và nữ trở thành đối tượng mô tả và phản ánh trong cuộc sống hàng ngày.
Tuy nhiên, chúng ta cần phải có cái nhìn rộng hơn khi được dịch sang tiếng Việt
theo khái niệm "phái tính" để phân biệt với khái niệm giới tính (sex). Nói về phái
tính trước tiên là khái niệm người phân chia dựa trên đặc điểm quan niệm văn hóaxã hội và những quy tắc ứng xử riêng của nền văn hóa-xã hội ấy mà hình thành hai
nhóm mang tính chất đặc thù về nam và nữ. Đồng thời sự khác biệt là về các thuộc
tính tự nhiên ban đầu sẽ in dấu trong suy nghĩ và ý thức. Theo nghĩa rộng hơn, phái
tính cũng là ý thức tự giác của chính chủ thể. Do đó, phái tính là sự tự ý thức của
chủ thể về giới của mình, bên cạnh đó cũng là sự trỗi dậy để xác định quyền bình
đẳng giới. Vào những năm 1970, người phụ nữ bắt đầu trở thành đối tượng nghiên
cứu, khái niệm về giới đã được đưa vào sử dụng như một sự khác biệt của mỗi giới
do các quy định văn hóa.
Giới tính (sex) đôi khi được gọi tắt là giới, có liên quan đến sự khác biệt cụ
thể giữa nam và nữ về những đặc điểm sinh học bẩm sinh, mang tính phổ quát và
không thay đổi ở cả hai giới. Tùy thuộc vào bối cảnh, những đặc điểm này có thể
bao gồm sinh học như hooc môn, âm vật, dương vật, buồng trứng, tinh trùng... (ví

dụ như nam, nữ hoặc song tính, cấu trúc xã hội dựa trên giới tính (bao gồm cả vai
trò giới và vai trò xã hội). Trong văn học khái niệm giới tính chỉ đề cập đến chủ
nghĩa kiến tạo xã hội của văn hóa đối với sự khác biệt giữa nam và nữ. Ví dụ khi
nhắc đến phụ nữ là người ta nghĩ đến ngay hình ảnh người phụ nữ phải quanh quẩn

18


suốt ngày trong người ta nghĩ đến ngay hình ảnh người phụ nữ phải quanh quẩn
suốt ngày trong nhà với những công việc bếp núc, gia đình. Còn người đàn ông thì
đi làm những công việc lớn lao, kiếm tiền, là trụ cột của gia đình, luôn mạnh mẽ.
Tóm lại trong tôn ti trật tự của xã hội khái niệm phụ nữ luôn ở dưới xã hội
nam quyền được quy định bởi xã hội nên nó có thể thay đổi theo thời gian với ý
thức tự giác về bình đẳng giới của phụ nữ. Hiện nay số lượng các nhà văn nữ trong
và ngoài nước đang tăng lên. Sự hài hòa trong nghiên cứu những vấn đề của phụ nữ
đã góp phần vào một môi trường dân chủ. Bên cạnh đó, nghiên cứu ngày càng tăng
về vấn đề này dần dần khẳng định sự thay đổi về địa vị của phụ nữ không chỉ trong
văn học mà còn trong cuộc sống. Điều này một mặt cho thấy sự sáng tạo của nhà
văn, mặt khác cho thấy bước đầu họ đã khẳng định được sự ngang bằng trong vai
trò của chủ đề sáng tạo. Đó cũng là một lý do quan trọng cho việc tạo ra sự bùng nổ
của các nhà văn nữ trong văn học. Họ đã thực sự mở ra một diện mạo mới cho văn
học với ý thức rõ ràng hơn về nữ quyền. Nghiên cứu tìm kiếm sự thay đổi trong ý
thức nữ quyền đã mang lại tiếng nói mà ngay cả các nhà văn nam hay thậm chí các
nhà phê bình cũng không thể thừa nhận điều đó.

19


×