Tải bản đầy đủ (.pdf) (54 trang)

Khoá luận tốt nghiệp đạo học trong thơ ca của nguyễn bỉnh khiêm và nguyễn khuyến

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (526.53 KB, 54 trang )

TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI 2
KHOA NGỮ VĂN

ĐỖ THU HIỀN

ĐẠO HỌC
TRONG THƠ CA CỦA NGUYỄN BỈNH
KHIÊM VÀ NGUYỄN KHUYẾN

KHOÁ LUẬN TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC
Chuyên ngành: Văn học Việt Nam

HÀ NỘI, 2019


TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI 2
KHOA NGỮ VĂN

ĐỖ THU HIỀN

ĐẠO HỌC
TRONG THƠ CA CỦA NGUYỄN BỈNH
KHIÊM VÀ NGUYỄN KHUYẾN
KHOÁ LUẬN TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC
Chuyên ngành: Văn học Việt Nam

Người hướng dẫn khoa học

TS. NGUYỄN THỊ TÍNH

HÀ NỘI, 2019




LỜI CẢM ƠN

Em xin chân thành cảm ơn TS. Nguyễn Thị Tính - người đã trực tiếp
hướng dẫn em trong thời gian thực hiện khoá luận.
Em xin trân trọng gửi lời cảm ơn đến toàn bộ các thầy cô giáo trong
khoa Ngữ Văn; cảm ơn thư viện trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đã giúp
đỡ, tạo điều kiện tốt nhất để em hoàn thành khoá luận tốt nghiệp.

Hà Nội, ngày

tháng

Sinh viên

Đỗ Thu Hiền

năm 2019


LỜI CAM ĐOAN

Tôi xin khẳng định đây là kết quả nghiên cứu của cá nhân tôi dưới sự
hướng dẫn trực tiếp, nhiệt tình của cô giáo TS. Nguyễn Thị Tính.
Đề tài nghiên cứu này không trùng với đề tài nghiên cứu của tác giả
nào khác.

Hà Nội, ngày


tháng

Sinh viên

Đỗ Thu Hiền

năm 2019


MỤC LỤC
MỞ ĐẦU .......................................................................................................... 1
1. Lý do chọn đề tài ........................................................................................... 1
2. Lịch sử vấn đề ............................................................................................... 2
3. Mục đích nghiên cứu ..................................................................................... 4
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu................................................................. 5
5. Phương pháp nghiên cứu............................................................................... 5
6. Đóng góp của khoá luận................................................................................ 5
7. Bố cục khoá luận ........................................................................................... 6
NỘI DUNG....................................................................................................... 7
Chương 1. MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG ........................................................ 7
1.1 Tác giả Nguyễn Bỉnh Khiêm và Nguyễn Khuyến ...................................... 7
1.1.1 Tác giả Nguyễn Bỉnh Khiêm ................................................................... 7
1.1.2 Tác giả Nguyễn Khuyến .................................................................................9
1.2 Khái niệm đề tài “đạo học” ....................................................................... 12
Tiểu kết chương 1 .......................................................................................... 13
Chương 2: NHỮNG ĐIỂM TƯƠNG ĐỒNG TRONG CÁI NHÌN VỀ
ĐẠO HỌC ĐƯƠNG THỜI CỦA NGUYỄN BỈNH KHIÊM VÀ
NGUYỄN KHUYẾN ..................................................................................... 14
2.1 Sự suy đồi của trường học và Nho sinh .................................................... 14
2.2 Sự tác động tiêu cực của đạo học đến xã hội ............................................ 19

Tiểu kết chương 2 .......................................................................................... 25
Chương 3. NHỮNG ĐIỂM KHÁC BIỆT TRONG CÁI NHÌN VỀ ĐẠO
HỌC ĐƯƠNG THỜI CỦA NGUYỄN BỈNH KHIÊM VÀ NGUYỄN
KHUYẾN ....................................................................................................... 26
3.1. Sự khác biệt trong điểm nhìn và đối tượng phê phán .............................. 26
3.2 Sự khác biệt trong tư tưởng về ảnh hưởng của đạo học đến xã hội .......... 33
Tiểu kết chương 3 .......................................................................................... 44
KẾT LUẬN .................................................................................................... 45
TÀI LIỆU THAM KHẢO


MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Văn học nước ta thời kì Trung đại chịu ảnh hưởng sâu sắc của tư tưởng
Nho giáo. Các nhà văn, nhà thơ hướng ngòi bút của mình vào những nội dung
đạo đức cơ bản như tam cương, ngũ thường - thước đo phẩm hạnh của con
người lúc bấy giờ. Cũng từ đó mà nảy sinh quan niệm “văn dĩ tải đạo, thi
ngôn chí”; văn chương trở thành nguồn cảm hứng để con người giãi bày tâm
tư, tình cảm của mình trước vận mệnh đất nước, xã hội đương thời. Xuất thân
là nhà nho, cùng sống trong thời kì đất nước đầy biến động, cùng viết về đạo
học Nho gia nhưng ở Nguyễn Bỉnh Khiêm và Nguyễn Khuyến ta vẫn bắt gặp
những điểm khác biệt.
Nho giáo đã du nhập và tồn tại trong nước ta suốt thời kì phong kiến,
ăn sâu bám rễ vào tiềm thức nhân dân trở thành hệ tư tưởng thống trị xã hội
ngay cả khi giành lại được độc lập. Nho giáo được truyền bá rộng rãi trong
nhân dân trở thành ngôn ngữ chính thức để đào tạo tri thức được dùng trong
thi cử. Bởi vậy mà những người theo học Nho giáo thường được coi là những
người ở tầng lớp trên muốn thông qua thi cử, cố gắng học tập để ra làm quan.
Với mong muốn phò vua giúp nước, đem lại cuộc sống hạnh phúc cho nhân
dân mà Nguyễn Bỉnh Khiêm và Nguyễn Khuyến đều tu dưỡng bản thân, tích

luỹ tri thức để thi cử làm quan.
Mang trong mình lí tưởng của một nhà nho chân chính nhưng hoàn
cảnh đất nước thay đổi đã khiến cho mỗi nhà thơ phải lựa chọn cho mình một
chí hướng riêng. Nếu Nguyễn Bỉnh Khiêm tài năng xuất chúng, chọn triều đại
để thi cử và đỗ Trạng Nguyên ra làm quan rồi lại bất lực trước thực tại, phải
xin về hưu trí một thời gian thì Nguyễn Khuyến lại khác. Ông hăm hở đi thi
nhưng gặp phải thất bại, lao đao chốn trường thi. Cuối cùng ông đã đỗ đầu ba
kì thi, ra làm quan và được gọi là Tam Nguyên Yên Đổ. Khi có cơ hội thực
hiện hoài bão nam nhân thì đất nước lại rơi vào cảnh loạn lạc, nhà Nguyễn
gần như sụp đổ hoàn toàn bởi vậy nên giấc mơ trị quốc bình thiên hạ của ông
cũng không thể thực hiện. Chán nản trước hoàn cảnh đất nước, Nguyễn
Khuyến cáo quan về quê. Trải qua các quãng thời gian đầy biến động, hai nhà

1


thơ họ Nguyễn đã chứng kiến mọi sự thay đổi suy đồi của đạo học Nho gia và
Nho sinh trong xã hội đương thời từ đó khéo léo truyền tải chúng vào trong
các tác phẩm văn chương của mình. Đúng như Trần Đình Hượu trong cuốn
“Nho giáo và văn học Việt Nam trung cận đại” có viết: “ Nho giáo xác định
văn học nghệ thuật là phương tiện giáo hóa chính tâm, chế dục, là công cụ
chính trị động viên, tổ chức xã hội nhằm biến thành hiện thực hài hòa của
Trời, sự trật tự của Đất. Vì lẽ đó, Nho giáo chỉ chấp nhận một thứ văn học
nghệ thuật chí thiện, hoàn toàn hợp đạo đức.” [8;33].
Tìm hiểu đề tài này, chúng tôi muốn tiếp cận thêm các khía cạnh của
văn chương thời Trung đại đồng thời có một góc nhìn mới về tư tưởng trong
các tác phẩm của Nguyễn Bỉnh Khiêm và Nguyễn Khuyến.
Chọn đề tài này, chúng tôi muốn trau dồi thêm vốn kiến thức phong
phú, đa dạng và sâu sắc nhằm phục vụ cho công việc giảng dạy sau này và tập
luyện làm quen với các phương pháp nghiên cứu.

Mặt khác, trong chương trình Ngữ Văn THCS và THPT thì Nguyễn
Bỉnh Khiêm và Nguyễn Khuyến được chọn để giảng dạy với tư cách là các
tác gia tiêu biểu gắn với những tác phẩm đại diện cho phong cách nghệ thuật
của họ. Nếu Nguyễn Bỉnh Khiêm được bộc lộ tư tưởng qua “Nhàn” thì
Nguyễn Khuyến lại xuất hiện nhiều hơn qua chùm ba bài thơ thu: “Thu điếu”,
“Thu ẩm’, “Thu vịnh”, hay tác phẩm “Bạn đến chơi nhà”,... Chính bởi vậy mà
việc chúng tôi chọn đề tài này là có tính chủ đích, góp phần trực tiếp và mang
ý nghĩa lớn lao trong việc giảng dạy chuyên môn.
2. Lịch sử vấn đề
Nguyễn Bỉnh Khiêm và Nguyễn Khuyến đều là những nhà nho, nhà thơ
lớn của nền thi ca văn học Việt Nam, bởi vậy mà đã có rất nhiều đề tài nghiên
cứu xoay quanh cuộc đời và sự nghiệp của hai tác giả. Tuy nhiên, theo sự tìm
hiểu của tôi thì chưa có công trình nghiên cứu nào đặt hai tác gia ở vị trí so
sánh cụ thể. Các đề tài nghiên cứu thường thấy chỉ ra sự so sánh giữa Nguyễn
Trãi với Nguyễn Bỉnh Khiêm hay giữa Nguyễn Khuyến và Tú Xương. Có lẽ
bởi Nguyễn Bỉnh Khiêm và Nguyễn Khuyến sống ở hai thế kỉ khác nhau nên
ít có sự so sánh. Nói vậy không có nghĩa là chưa có công trình nào đề cập đến

2


đề tài “đạo học” trong thơ ca của hai nhà nho mà là có đề cập nhưng ở riêng
biệt từng người. Cụ thể, khi lựa chọn tìm hiểu đề tài này, bản thân người viết
cũng đã tham khảo, tổng hợp từ nhiều nguồn tài liệu của các nhà nghiên cứu
có liên quan. Và trong số đó, tôi thấy có các công trình nghiên cứu, những bài
viết có đề cập trực tiếp, liên quan đến vấn đề của khoá luận:
1. Đinh Gia Khánh, “Nguyễn Bỉnh Khiêm và tấm lòng lo trước thiên hạ
đến già chưa thôi”.
2. Phan Thanh Quang (1991), Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, “500 năm
Nguyễn Bỉnh Khiêm - Nỗi đau tình đời vận nước”.

3. Bùi Duy Tân,“Nguyễn Bỉnh Khiêm và tấm lòng tiên ưu đến già chưa thôi”.
4. Trần Thị Băng Thanh, Vũ Thanh, “Sức sống của thơ ca và tư tưởng
của Nguyễn Bỉnh Khiêm”.
5. Biện Văn Điền, 2001, Thư viện Quốc gia, Luận án: “Phong cách
nghệ thuật của Nguyễn Khuyến”
6. Lê Văn Tấn, 2012, Thư viện Quốc Gia, Luận án: “Nhận diện loại
hình nhà nho ẩn dật và vai trò của họ trong văn học Trung đại Việt Nam”.
7. Võ Thị Hồng Hạnh, 2018, trường Đại học Tây Bắc, Khóa luận: “Tư
tưởng Nho giáo, phi Nho giáo trong thơ Nguyễn Khuyến”.
8. Bạch Thị Thơm, 2013, Khoa Ngữ Văn, trường Đại học Sư phạm Hà
Nội 2, Khoá luận: “Kiểu nhà nho hành đạo và nhà nho ẩn dật trong thơ
Nguyễn Bỉnh Khiêm”.
Các công trình nghiên cứu về Nguyễn Bỉnh Khiêm đa phần nhắc đến
ông là một nhà nho có bản lĩnh, một tấm lòng suy tư về thiên hạ đến già chưa
thôi và xoáy sâu vào tư tưởng “Nhàn” của nhà thơ. Trần Thị Băng Thanh, Vũ
Thanh đã cho rằng: “Nguyễn Bỉnh Khiêm là nhà nho có bản lĩnh, một trí giả.
Tìm đến với sự nhàn dật chính là Nguyễn Bỉnh Khiêm đã tìm về với cái vụng,
cái chuyết mà theo quan niệm của Nho gia, đã được điều chỉnh bởi quan niệm
của Đạo lão, mới là bản chất tự nhiên của sự vật. Chính quan niệm nhàn dật
đạt đến ý vị triết học đó đã tạo nên một Nguyễn Bỉnh Khiêm - Bạch Vân cư sĩ
tự do, tự tại, giản phác, hồn nhiên, lạc quan, khỏe khoắn, rất hiếm thấy trong
làng thơ nhàn thời trung đại” (Sức sống của thơ ca và tư tưởng của Nguyễn
Bỉnh Khiêm). Hay Đinh Gia Khánh trong bài viết “Nguyễn Bỉnh Khiêm và

3


tấm lòng lo trước thiên hạ đến già chưa thôi” lại cho rằng ông gắn với: “quan
niệm về một phẩm chất cao khiết trong xã hội mà ông cho là đục lầm, về một
thái độ tự chủ trong một cõi đời mà ông cho là hỗn loạn, về một chỗ đứng

vững vàng trong một thời thế mà ông cho là đảo điên. Đó là đạo lí của người
trí thức có tâm huyết ngày xưa muốn tự giữ mình, muốn tự trọng khi phải
chấp nhận sự bất lực trong việc cải tạo hoàn cảnh” [21;279). Cũng như vậy,
các công trình đã nghiên cứu về Nguyễn Khuyến cũng chỉ ra thơ ca ông chịu
ảnh hưởng của Nho giáo. Văn Tân đã chỉ ra rằng: “Nhà thơ mang tư tưởng
Nho giáo chính thống, phần tích cực của tư tưởng ấy và cuộc sống gần gũi với
nhân dân đã chi phối và làm nên giá trị tôn quân, tư tưởng yêu nước và thái độ
xử thế. Nguyễn Khuyến sử dụng nghệ thuật ẩn dụ, điển tích, trào lộng, ngôn
ngữ xác thực, gợi tả để tạo nên những hình tượng sinh động, tinh tế. Thơ văn
Nguyễn Khuyến biểu hiện chủ nghĩa nhân đạo, chủ nghĩa yêu nước và tính
hiện thực” [19;198]. Còn những công trình liên quan đến cả hai nhà thơ thì đều
có đặc điểm chung là đề cập đến vấn đề xuất xử của nhà Nho. Các công trình
nghiên cứu đều chỉ ra rằng việc lựa chọn cáo quan về ở ẩn của Nguyễn Bỉnh
Khiêm và Nguyễn Khuyến là hành động đúng đắn của các nhà Nho lúc bấy giờ
nhằm giữ mình, giữ lòng tự trọng trước thời buổi đạo lí đảo điên. Đồng thời
qua đó cũng bộc lộ được cách ứng xử của mỗi nhà Nho trước thời cuộc đất
nước thay đổi. Nhưng bản thân người viết nhận thấy rằng các bài báo, công
trình nghiên cứu chưa đi sâu vào vấn đề “đạo học” của Nho gia mà chỉ nêu ra
được những tác động của đạo Nho đến tư tưởng thơ ca của hai thi sĩ.
Nguyễn Bỉnh Khiêm và Nguyễn Khuyến đều được biết đến là hai tác
gia lớn và trong phạm vi bài khoá luận này, người viết xin phép được kế thừa
và làm rõ hơn vấn đề “đạo học” trong thơ ca của hai nhà thơ để người đọc có
thể thấy rõ nét hơn sự giống và khác nhau của hai nhà thơ khi cùng quan tâm
đến một vấn đề cấp thiết của xã hội lúc bấy giờ.
3. Mục đích nghiên cứu
Khi tìm hiểu đề tài khoá luận này, người viết muốn nhằm vào các mục
đích chính sau đây:
1. Chỉ ra được đề tài “đạo học” trong sáng tác của Nguyễn Bỉnh Khiêm
và Nguyễn Khuyến.
2. Làm rõ những suy tư, trăn trở của hai nhà thơ trước vấn đề này.

4


3. Thấy được sự đồng điệu và khác biệt của hai tác gia khi cùng bàn về
một vấn đề.
4. Góp phần phục vụ cho việc giảng dạy về Nguyễn Bỉnh Khiêm và
Nguyễn Khuyến trong nhà trường.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
4.1 Đối tượng nghiên cứu
Như tên đề tài đã xác định khoá luận tập trung tìm hiểu những vấn đề
liên quan đến “đạo học” trong thơ ca Nguyễn Bỉnh Khiêm và Nguyễn Khuyến
xét trên cả hai bộ phận chữ Hán và chữ Nôm.
4.2 Phạm vi nghiên cứu
- Phạm vi nội dung: Những bài thơ liên quan đến “đạo học” của hai nhà thơ.
- Phạm vi tư liệu: Khoá luận được triển khai dựa trên các nguồn tư liệu đã
được công bố như sau: “Thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm tổng tập” (Nxb. Văn học),
“Nguyễn Khuyến đời và thơ” (Nguyễn Huệ Chi), “Nguyễn Khuyến và giai thoại”
(Bùi Văn Cường sưu tầm, biên soạn), “Thơ văn Nguyễn Khuyến” (Xuân Diệu),...
5. Phương pháp nghiên cứu
Để triển khai đề tài này, người viết đã sử dụng các phương pháp chính
sau đây:
- Phương pháp so sánh
- Phương pháp thống kê phân loại
- Phương pháp phân tích
- Phương pháp liên ngành
Trong quá trình triển khai khoá luận, người viết không tuyệt đối hoá bất
kì phương pháp nào, trong lúc cần thiết có thể sử dụng tích hợp các phương
pháp nêu trên.
6. Đóng góp của khoá luận
6.1 Về mặt lí luận

Góp phần nâng cao và hệ thống một cách cụ thể về đề tài “đạo học”
trong thơ ca Nguyễn Bỉnh Khiêm và Nguyễn Khuyến.

5


6.2 Về mặt thực tiễn
Thơ ca Nguyễn Bỉnh Khiêm và Nguyễn Khuyến đóng một vị trí, vai trò
quan trọng trong chương trình giáo dục phổ thông cũng như các trường Cao
đẳng, Đại học. Do đó, việc tìm hiểu về vấn đề “đạo học” trong thơ ca của hai
thi sĩ góp phần trực tiếp phục vụ cho việc học tập và giảng dạy các sáng tác
của hai nhà thơ đạt hiệu quả cao.
7. Bố cục khoá luận
Khoá luận tốt nghiệp có bố cục như sau:
Mở đầu
Nội dung
Chương 1: Một số vấn đề chung.
Chương 2: Những điểm tương đồng trong cái nhìn về đạo học
đương thời của Nguyễn Bỉnh Khiêm và Nguyễn Khuyến.
Chương 3: Những điểm khác biệt trong cái nhìn về đạo học
đương thời của Nguyễn Bỉnh Khiêm và Nguyễn Khuyến.
Kết luận
Tài liệu tham khảo

6


NỘI DUNG
Chương 1. MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG
1.1 Tác giả Nguyễn Bỉnh Khiêm và Nguyễn Khuyến

1.1.1 Tác giả Nguyễn Bỉnh Khiêm
Nguyễn Bỉnh Khiêm sinh năm Tân Hợi niên hiệu Hồng Đức thứ 21
(1491), tên huý là Văn Đạt, tự là Hanh Phủ, hiệu là Bạch Vân cư sĩ, người
làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, Hải Dương (nay là xã Lí Học, huyện Vĩnh
Lại, thành phố Hải Phòng). Ông được xem như là một trong những nhân vật
có ảnh hưởng nhất của lịch sử cũng như văn hoá Việt Nam trong thế kỉ XVI.
Ông sinh trưởng trong một gia đình Nho sĩ. Ông nội của Nguyễn Bỉnh
Khiêm là Văn Tĩnh, được ấn phong Thiếu bảo, tước Tư Quận công; bà nội là
Phạm Thị Trinh Huệ, được ấn phong Chính phu nhân. Cha là Nguyễn Văn
Định, được tặng Thái bảo, tước Nghiêm Quận công, đạo hiệu là Cù Xuyên tiên
sinh. Cụ Văn Định là người học rộng, tài cao, đức hạnh đã được sung là Thái
học sinh. Mẹ là Từ Thục phu nhân, người Yên Tử Hạ, huyện Tiên Minh (nay là
huyện Tiên Lãng, Hải Phòng), con gái Thượng Thư bộ Hộ Nhữ Văn Lan (đỗ
Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ khoa thi năm Quý Mùi niên hiệu Quang Thuận triều
Lê Thánh Tông (1463)). Bà là một người phụ nữ có tính cách mạnh mẽ, khác
thường, nổi tiếng là thông minh, học rộng văn hay và thạo đường thuật số, “lại
có chí hướng phò vua giúp nước của đấng trượng phu”. Bà kén chồng, khi
ngoài 30 tuổi, thấy Văn Định có tướng sinh quý tử thì mới lấy.
Tương truyền, Nguyễn Văn Đạt từ nhỏ đã nổi tiếng là thần đồng, lại
được bố mẹ hết lòng dạy dỗ, chỉ bảo nên tư chất thông minh lại càng được
bộc lộ rõ. Mới một tuổi, ông đã có thể nói sõi; Từ Thục phu nhân đã dạy kinh
truyện, dạy thơ Quốc Âm cho Nguyễn Bỉnh Khiêm từ năm mới bốn tuổi. Bà
chính là người có ảnh hưởng quan trọng đến Nguyễn Bỉnh Khiêm và chí lớn
của ông sớm được hình thành từ sự khơi gợi, đắp bồi của người mẹ. Sau này,
Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng thừa nhận rằng ông đã chịu ảnh hưởng nhiều từ
nền giáo dục của gia đình: “Tôi lúc nhỏ được dạy dỗ của gia đình, trưởng
thành thi đỗ ra làm quan, cuộc đời ưa ẩn dật” (Bạch Vân Am thi tập).

7



Năm 1497, khi lên 7 tuổi, Nguyễn Văn Đạt phải sống với cha, vì mẹ đã
bỏ về quê ngoại do bất đồng quan điểm với cha trong việc dạy dỗ con cái.
Nguyễn Văn Đạt theo học thầy Dương Đức Nhan - Người Hà Dương (Cộng
Hiền). Năm 18 tuổi (1509), Nguyễn Văn Đạt vào Thanh Hóa theo học
Đình nguyên Bảng nhãn Lương Đắc Bằng - một người nổi tiếng tinh thông Lý
học đã đem sở học Dịch lý truyền dạy cho các học trò yêu của mình. Sau đó,
nhân việc về quê dự tang cha, Nguyễn Văn Đạt ở quê nhà mở trường dạy học.
Học trò các nơi theo học rất đông, nhiều người tận Sơn Tây, Kinh Bắc,
Thăng Long... về thụ giáo.
Tuy nổi tiếng học giỏi nhưng đến năm 44 tuổi Nguyễn Bỉnh Khiêm
mới ra thi Hương và được đỗ đầu. Năm sau, khoa thi Ất Mùi, tức năm thứ sáu
niên hiệu Đại Chính triều Mạc Đăng Doanh (1535), ông đi thi Hội và đỗ đầu
tứ trường, và kì Đình đối, ông được lấy đỗ Tiến sĩ cập đệ đệ nhất giáp nhất
danh (Trạng Nguyên), được trao chức Đông các Hiệu thư, dần thăng lên làm
Hữu thị lang bộ Hình, một thời gian ngắn sau lại thăng Tả thị lang, kiêm
Đông các Đại học sĩ. Đến mùa thu năm Nhâm Dần, niên hiệu Quảng Hoà thứ
2 (1542), sau khi dâng sớ xin chém 18 kẻ nịnh thần không được chấp thuận,
ông treo mũ từ quan, về ẩn cư nơi ruộng vườn, khi ấy mới 52 tuổi và làm
quan trong triều mới được tám năm.
Về quê, ông dựng quán Trung Tân, lập Am Bạch Vân làm trường dạy
học, sáng tác thơ ca, tập hợp các thi gia sáng tác, xướng họa. Kể từ khi ông từ
quan đến khi ông qua đời ở tuổi 95 là 43 năm. Trong 43 năm đó, “Tiên sinh
không tham dự quốc chính, nhưng nhà Mạc vẫn kính như bậc thầy. Mỗi khi
có việc trọng đại của vua Mạc thường sai quan về hỏi hoặc mời lên kinh đô
nói chuyện” (Phả ký Vũ Khâm Lân). Cũng trong thời gian đó, ông đã nhiều
lần theo vua Mạc dẹp loạn. Do đó, ông được vua Mạc ban cho chức tước từ
hàm thị Lang đến tước Trình tuyền hầu, dần thăng Thượng thư bộ Lại, Thái
bảo, tước Trình Quốc công, vì vậy mới có tên Trạng Trình. Đối với quê
hương, ông đã tham gia nhiều việc của đời thường như: dựng quán, xây chùa,

trồng cây, dạy trẻ, cho câu đối, viết văn bia... gắn bó sâu sắc với quê hương.
Ông mất ngày 28 tháng 11 năm Ất Dậu (17/11/1585), thọ 95 tuổi, học
trò xưng tụng là Tuyết Giang phu tử.
8


Về sự nghiệp thơ văn, ông là người có nhiều cống hiến cao nhất đối
với nền văn học nước ta thế kỷ XVI. Tác phẩm của ông sinh thời được đánh
giá là đồ sộ. Song, do thời gian lùi xa hàng nửa thiên niên kỷ nên bị thất lạc
nhiều, phần còn lại đến nay sưu tầm và tập hợp lại là: Bạch Vân am thi tập
(chữ Hán), Bạch Vân quốc ngữ thi (chữ Nôm), Trình Quốc công Bạch Vân ký
và Trình Quốc công sấm ký... Nội dung thơ của ông: Lòng lo đời, thương
người, thể hiện ra ở thơ ca. Văn chương ông tự nhiên, viết ra không cần gọt
dũa, giản dị mà linh hoạt, không màu mè mà ý vị, đều có quan hệ đến việc
dạy đời. Nguyễn Bỉnh Khiêm đã lưu dấu ấn văn hoá lên quê hương, lưu vào
trong sách vở và tâm thức người đời với những quán Trung Tân, am Bạch
Vân, những giai thoại, sấm truyền huyễn hoặc. Đó là những chứng tích văn
hoá giúp chúng ta hiểu sâu hơn về cuộc đời, tâm sự và những lựa chọn trong
cách ứng xử của ông lúc sinh thời và đó cũng chính là một con đường, một
cách thế giản dị, tự nhiên để ông trở nên bất tử.
1.1.2 Tác giả Nguyễn Khuyến
Nguyễn Khuyến lúc mới sinh được cha mẹ đặt tên là Nguyễn Thắng,
hiệu là Quế Sơn, tự là Miễn Chi, sinh ngày 15 tháng Hai năm 1835 (tức ngày
18 tháng Giêng năm Ất Mùi) tại quê mẹ thôn Văn Khê, làng Hoàng Xá,
huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, nhưng ông lớn lên và sống chủ yếu ở quê cha
làng Yên Đổ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam.
Nguyễn Khuyến xuất thân trong một gia đình nhà Nho nghèo, hai bên
nội ngoại đều có truyền thống khoa bảng. Cụ bốn đời Nguyễn Khuyến là
Nguyễn Tông Mại, đỗ Tiến sĩ, làm quan đến Hiến sát sự Thanh Hoá, triều Lê.
Cha là Nguyễn Tông Khởi, thường gọi là Mền Khởi, đã đỗ ba khoá tú tài và

làm nghề dạy học. Mẹ là bà Trần Thị Thoan, con cụ Trần Công Trạc - người
đã từng đỗ sinh đồ (tức tú tài) thời Lê Mạc.
Thuở nhỏ, Nguyễn Thắng đã tỏ ra mình là một đứa bé thông minh,
được học chữ với cha và chú ở nhà. Năm 1843, khi Nguyễn Thắng lên 8 tuổi
đã theo gia đình về quê nội ở làng Và (tên chữ là Vị Hạ), xã Yên Đổ (nay
thuộc xã Trung Lương), huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Năm 13 tuổi, Thắng
được cụ Hoàng Giáp Tam Đăng Phạm Văn Nghị dạy dỗ và tỏ ra là người hiếu

9


học. Năm 1852, khi 17 tuổi, ông đi thi Hương lần thứ nhất với cha nhưng
không đỗ. Ông được cha lo chuyện cưới vợ là cô Nguyễn Thị Lụa - con gái
ông Nguyễn Gia Thung, người cùng làng. Năm sau, địa phương có dịch
thương hàn, ông mắc bệnh suýt chết. Cha và em ruột cùng nhiều họ hàng thân
thuộc đều qua đời vì bạo bệnh, mẹ lại già yếu. Gia đình ông lâm nguy và ở
cảnh tiêu đều xơ xác, đời sống ngày càng đói rét. Nhà nghèo, không có tiền
lai kinh, chính người vợ “tào khang” đã “một nắng hai sương” gánh vác việc
nhà để chồng học tập. Cuộc sống ngày càng túng quẫn, Nguyễn Thắng phải đi
dạy học tư kiếm tiền giúp gia đình và có ý thôi học. Thấy được ý con, cụ bà
Thoan nhất định can ngăn. Nguyễn Thắng vì sợ mẹ buồn nên càng cố gắng
“dùi mài kinh sử”. Lúc bấy giờ, ở làng Vĩnh Trụ có ông Nghè Vũ Văn Lý vốn
là học trò cũ của cụ Nguyễn Cảnh - bác ruột của Nguyễn Thắng mang về nuôi
và cho ăn học.
Năm 1864 (30 tuổi), Nguyễn Thắng đi thi Hương và đỗ giải Nguyên,
cùng một khoa với hai người bạn thân là Dương Khuê và Bùi Văn Quế. Năm
sau, ông lại vào kinh đô thi Hội nhưng không đỗ. Ông bèn quyết định ở lại
Huế học trường Quốc Tử Giám và đổi tên Thắng thành Khuyến mang ngụ ý
là tự nhắc nhở chính mình hãy cố gắng học hành thành đạt. Và phải hai khoa
thi sau, đến năm 1871, Nguyễn Khuyến thi Hội đỗ Hội Nguyên, rồi vào thi

Đình đậu luôn Đình Nguyên. Năm ấy, triều đình lại không lấy Trạng Nguyên,
Nguyễn Khuyến được vua Tự Đức ban yến tiệc, mũ áo và cờ biển có ghi hai
chữ Tam Nguyên (tức ba lần đỗ đầu). Đó là bởi cả ba khoa thi ông đều đỗ
đầu, lại là người Yên Đổ nên người đời gọi Nguyễn Khuyến là Tam Nguyên
Yên Đổ.
Nguyễn Khuyến bắt đầu ra làm quan và lần lượt giữ những chức vụ
quan trọng như Đốc học Thanh Hoá, Án sát Quảng Bình, Bố chánh Quảng
Nam, Thương biện Hà Nội, Sơn Hưng Tuyên Tổng đốc. Thế nhưng, sống
trong một triều đại đã đến thời mục nát, tận mắt chứng kiến cảnh nô lệ, ông
sinh lòng chán nản và viện cớ đau mắt nặng, Nguyễn Khuyến cáo quan vào
năm 50 tuổi (1885) và về quê dạy học, vui thú điền viên. Đây cũng là một
hành động chứng tỏ sự bất hợp tác của nhà thơ đối với triều đình và người
Pháp. Về sau, thực dân Pháp cho người đến mời ông làm quan nhưng ông

10


hiểu rõ được ý đồ của chúng là dùng ông để thu phục lòng dân nên ông kiên
quyết từ chối. Hoàng Cao Khải mời ông đến dạy học tại nhà, ông miễn cưỡng
để con trai là Nguyễn Hoan đến dạy thay. Cuối cùng, ông phải để Nguyễn
Hoan ra làm quan thì mới được sống yên ổn.
Ngày 15 tháng Giêng năm Kỷ Dậu (5/02/1909), Nguyễn Khuyến qua
đời tại quê nội, hưởng thọ 75 tuổi. Nguyễn Khuyến chính là đại diện tiêu biểu
cuối cùng cho lớp nhà Nho.
Nguyễn Khuyến là một nhà thơ lớn của dân tộc Việt Nam, ông có tâm
hồn rộng mở, yêu cuộc sống, yêu làng quê thiên nhiên. Dường như thơ của
ông chân thật, mộc mạc, gần gũi giống như con người của ông vậy. Nguyễn
Khuyến sáng tác nhiều và liên tục, ông nổi tiếng là một thi nhân tài hoa. Tác
phẩm của ông được tập hợp riêng trong những cuốn sách in hoặc chép tay ở
cả hai mảng chữ Hán và chữ Nôm. Nguyễn Khuyến sáng tác ở nhiều thể loại:

thơ Đường luật, cổ phong, lục bát, hát nói,…
Tác phẩm của Nguyễn Khuyến cho đến nay vẫn chưa được sưu tầm và
công bố đầy đủ. Tuy nhiên, một số tác phẩm nổi tiếng của nhà thơ có thể kể
đến như: Quế sơn thi tập, Bách Liêu thi văn tập, Yên Đỗ thi tập, Cẩm Ngữ và
còn rất nhiều sáng tác về bài ca, văn tế, câu đối, bài hát ả đào được rất nhiều
người yêu thích. Trong đó có tập thơ “Quế sơn thi tập” với hơn 200 bài thơ
bằng chữ Hán và 100 bài thơ bằng chữ Nôm được viết theo nhiều thể loại
khác nhau.
Đối với các bài thơ viết bằng chữ Hán, Nguyễn Khuyến thường viết
theo lối thơ trữ tình để thể hiện nổi lòng, cảm xúc của chính mình. Còn bộ
phận thơ Nôm, ông mang lối trào phúng trữ tình, chủ yếu ông muốn mang
những tư tưởng của Lão Trang, của triết lý Đông Phương vào thơ của mình để
nói đến sự bất mãn đối với triều đình, với xã hội phong kiến bấy giờ.
Nguyễn Khuyến - nhà thơ trữ tình, trào phúng xuất sắc nhất, ông chính
là nhà thơ của làng quê, nông thôn Việt Nam. Đọc những tác phẩm thơ ca của
Nguyễn Khuyến, dường như chúng ta thấy được niềm băn khoăn, tâm sự của
chính tác giả. Dù trải qua biết bao thời đại nhưng dường như các sáng tác của
ông vẫn luôn làm người đọc cảm thấy “xót xa” dù trong câu chữ luôn là
những vần thơ vui tươi, yêu đời.

11


1.2 Khái niệm đề tài “đạo học”
Theo “Từ điển thuật ngữ văn học”: “Đề tài là khái niệm chỉ loại các
hiện tượng đời sống được miêu tả, phản ánh trực tiếp trong sáng tác văn học.
Đề tài là phương diện khách quan của nội dung tác phẩm” [6;110].
“Các hiện tượng đời sống có thể liên kết với nhau thành loại theo mối
liên hệ bề ngoài và mối quan hệ bên trong của chúng... Nhiều khi đề tài gắn
liền với một hiện tượng xã hội - lịch sử, xuất hiện và trở thành phổ biến trong

đời sống tinh thần của một thời hay một giới nào đó... Do nhân vật có thể tiêu
biểu cho một hiện tượng đời sống - một tầng lớp xã hội, một loại tính cách
hoạt động trong một lĩnh vực đời sống cụ thể nên nhân vật có thể gắn liền với
một đề tài tác phẩm... Cần phân biệt đề tài với tư cách là phương diện khách
quan của nội dung tác phẩm với đối tượng nhận thức, chất liệu đời sống hay
nguyên mẫu thực tế của sáng tác văn học.” [6;110,111]
“Đạo” theo nghĩa đen là con đường. Người xưa gắn chữ “đạo” với
nhiều nội dung tư tưởng: đạo Nho, đạo Phật, đạo Lão... Trong nội hàm chung
của đạo Nho, đạo Phật, đạo Lão... đó, chữ “đạo” còn được dùng với các
phương diện cụ thể, khác nhau. Chẳng hạn, trong đạo Nho lại có: đạo làm
vua, đạo làm cha, đạo làm con, đạo thầy - trò...
“Đạo học” trong khoá luận này được giới hạn là “đạo học” của Nho
giáo. Thuật ngữ này chỉ các vấn đề liên quan chủ yếu đến việc học hành, thi
cử theo con đường Nho giáo. Gắn với con đường học hành là nói đến nhân
cách, lí tưởng, trí tuệ... của người học- người dạy (thầy- trò), vấn đề học- thi,
tác dụng của việc học hành - thi cử đối với xã hội (người đỗ đạt trở thành
giường cột của quốc gia, ảnh hưởng đến hưng thịnh, an nguy... cho xã tắc)...
Đối với kẻ sĩ xưa, học hành - thi cử là con đường tiến thân duy nhất
(trừ một số ít người được nhiệm cử, tiến cử). Các nhà nho đều có thời “bạch
diện thư sinh” dùi mài đèn sách, thi thư rồi đi thi. Đỗ đạt rồi, nhà nho mới
được bổ dụng làm quan, mới mong cống hiến được tài sức để phụng sự nhà
vua, góp phần “trị quốc”.

12


Tiểu kết chương 1
Đều xuất thân là kẻ sĩ, học đạo Nho, Nguyễn Bỉnh Khiêm và Nguyễn
Khuyến cũng chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của Nho gia về các quan niệm đạo
đức và con đường học hành thăng quan tiến chức của Nho sinh. Tư tưởng này

ảnh hưởng xuyên suốt cả cuộc đời cũng như sự nghiệp của hai nhà thơ và nó
đi vào các sáng tác thơ ca. Thông qua tác phẩm của mình, nhà thơ như nói về
chính mình, về con đường Nho gia đồng thời cũng là tiếng nói về bối cảnh xã
hội, về sự thay đổi của Nho sinh.

13


Chương 2: NHỮNG ĐIỂM TƯƠNG ĐỒNG TRONG CÁI NHÌN VỀ
ĐẠO HỌC ĐƯƠNG THỜI CỦA NGUYỄN BỈNH KHIÊM VÀ
NGUYỄN KHUYẾN

Cùng viết về đề tài “đạo học” trong xã hội phong kiến vốn coi trọng chữ
Nho và theo đạo Nho, cùng xuất thân từ Nho gia, Nguyễn Bỉnh Khiêm và
Nguyễn Khuyến cũng có những điểm tương đồng trong các sáng tác. Hai nhà
thơ không hề tôn sùng đạo Nho một cách tuyệt đối mà hai ông nhìn trực diện
vào vấn đề, vào xã hội viết nên những vần thơ chân thực, chính xác nhất về
đạo Nho và Nho sinh lúc bấy giờ.
2.1 Sự suy đồi của trường học và Nho sinh
Nguyễn Bỉnh Khiêm và Nguyễn Khyến sống ở hai thế kỉ khác nhau
nhưng ở hai thế kỉ đó Nho giáo đều có sự biến động. Nếu thế kỉ XVI - thời đại
Nguyễn Bỉnh Khiêm sinh sống, Nho giáo vẫn chiếm vị trí độc tôn nhưng dần
rơi vào khủng hoảng thì đến thế kỉ XIX - thời đại của Nguyễn Khuyến, nhà
Nguyễn đã phục hưng Nho giáo trở thành một hệ thống học tập và thi cử duy
nhất từ Bắc vào Nam; nhưng sự hưng thịnh đó chẳng kéo dài, đầu thế kỉ XX
đã đặt một dấu chấm hết cho Nho học. Sống ở hai thế kỉ đầy biến động, cả
Nguyễn Bỉnh Khiêm và Nguyễn Khuyến đều nhìn rõ sự thay đổi và suy đồi
của trường học và Nho sinh.
Thế kỉ XVI - thế kỉ mà Nguyễn Bỉnh Khiêm sinh sống là thời kì đầy
biến động của xã hội Việt Nam. Chiến tranh liên miên giữa các tập đoàn

phong kiến đã làm đảo lộn đời sống xã hội. Trong tình hình đó, Nho giáo với
tư cách là hệ tư tưởng thống trị của chế độ phong kiến Việt Nam lúc bấy giờ
cũng phải có những sự thay đổi nhất định để phù hợp với tình thế. Sự thay đổi
triều đại giữa nhà Lê sang nhà Mạc khiến cho Nho giáo cũng có sự biến đổi.
Trong thời Mạc, Nho giáo vẫn được coi là đạo trị nước chủ yếu, là cơ sở cho
mọi hoạt động chính trị. Nhưng dưới sự thay đổi triều đại, thái độ của các
Nho sĩ cũng có sự phân hoá lớn. Nhiều Nho sĩ đã kiên quyết bộc lộ sự trung
thành của mình với triều Lê bằng việc chống đối hoặc phỉ báng Mạc Đăng
Dung, rồi sau đó sẵn sàng nhận lấy cái chết. Còn có những Nho sĩ đã bỏ quan

14


về ẩn cư nơi thôn dã. Nhưng cũng có một bộ phận Nho sĩ vẫn tiếp tục làm
việc trong bộ máy chính quyền nhà Mạc. Trước thái độ như vậy của các Nho
sĩ triều Lê, Mạc Đăng Dung đưa ra chính sách thông qua việc tổ chức thi cử
để tuyển người cho bộ máy quan liêu mới, gắn bó hơn với nhà Mạc. Vì thế,
tuy nhà Mạc chỉ tồn tại được 65 năm mà đã tổ chức được 22 kỳ thi đại khoa,
cứ ba năm một khoa. Năm 1529, dù mới làm vua được hai năm nhưng Mạc
Đăng Dung đã mở khoa thi hội đầu tiên, lấy 27 người đỗ. Và cũng trong năm
ấy, nhà Mạc bắt chước các vua Lê dựng bia tiến sĩ để khuyến khích việc học
tập, thi cử. Tuy nhiên, các Nho sĩ được đào tạo và đỗ đạt trong thời Mạc cũng
không phải đều gắn bó với nhà Mạc. Nguyễn Bỉnh Khiêm nằm trong số đó.
Mặc dù đã đưa ra hàng loạt chính sách nhưng giai cấp thống trị, tầng lớp Nho
sĩ cũng như dân thường đã giảm sút niềm tin vào Nho giáo và sự biện hộ của
Nho giáo đối với những nguyên tắc cơ bản của chế độ quân chủ tập quyền.
Lúc này, Nho giáo không còn đủ sức giúp nhà vua trị nước, yên dân, góp
phần đưa mọi người tới cảnh thái bình thịnh trị, vua sáng tôi hiền, nhân dân
hoà mục. Vì thế mà nhiều Nho sĩ không còn hứng thú với mục đích trị quốc,
bình thiên hạ, bởi mục đích này từ trước đến nay thường gắn với sự tôn quân

và trung quân. Nói cách khác, giới Nho sĩ còn đang phân vân phải theo ai để
trị quốc, bình thiên hạ. Điều này là do, vào thế kỷ XVI, ở nước ta, chính
quyền đã chuyển từ tay tập đoàn phong kiến này sang tay tập đoàn phong kiến
khác, nên quan niệm trung quân trong kinh điển của Nho giáo phải được giải
thích lại, xem xét lại cho phù hợp với thực tế biến động của thời đại.
Sống gần trọn thế kỉ XVI, cũng ra làm quan nhưng không thể chịu
đựng cảnh bề tôi lộng quyền, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã dâng sớ xin chém 18
tên gian thần nhưng không được chấp thuận, ông cáo quan về quê ở ẩn. Trong
bối cảnh xã hội rối ren, Nho sĩ phân hoá, Nho giáo khủng hoảng, Nguyễn
Bỉnh Khiêm đã viết lên những bài thơ để phán ánh thực trạng xã hội lúc bấy
giờ cũng như nỗi lòng, tâm trạng của nhà thơ trước thời cuộc:
“Cương thường nhật điệu thi
Lễ nghĩa thán quải trượng
Quan cái tùy đảo trí

15


Sự quân, thần bất thần
Sự phụ, tử bất tử”
(Cương thường ngày một bị bỏ bê.
Phận vị theo lễ, than rằng lúc bỏ lúc theo,
Mũ giày cũng theo đó mà điên đảo
Thờ vua mà bề tôi chẳng ra kẻ bề tôi
Thờ cha mà con chẳng ra con)
(Cảm hứng)
Trong hoàn cảnh đó, ông cũng chỉ ra bộ mặt của Nho sĩ, đi học chỉ là
cốt lập chí ở việc thi đỗ để ra làm quan. Và vì thế, kẻ sĩ chỉ chuộng việc chuốt
gọt ngôn từ, cho thế là giỏi:
“Chí của kẻ sĩ thì cốt được áo xanh áo tía,

Chuốt gọt ngôn từ chi li, tranh nhau cái mạt kĩ.”
(dịch Cảm hứng)
Tư tưởng con người trong cảnh đó đều chạy theo công lợi, ham làm giàu:
“Tứ dân mất đi chức phận của mình,
Hết thảy người đời đều chạy theo công lợi.
Chăm chăm chuộng việc toan tính làm giàu,
Thường làm nhưng chuyện tham bạo.”
(dịch Cảm hứng)
Là người chứng kiến cảnh đạo học suy đồi và cũng ra làm quan được
tám năm nên Nguyễn Bỉnh Khiêm hiểu rất rõ chốn quan trường cùng với mùi
công danh:
“Đạo nọ nghĩa này trăm tiếng,
Nghe thôi thinh thỉnh lại đồng tiền.”
(Thơ Nôm, bài 5)

16


Vì con đường công danh ấy mà người đời chấp nhận để cho danh tiếng
của mình bị vấy bẩn, cứ nghĩ rằng đã đạt được cái đạo thánh hiền thì mới hay
rằng đạo ấy không trong sạch:
“Vì danh cho phải danh làm lụy,
Được đạo thì hay đạo có mùi.”
(Thơ Nôm, bài 20)
Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng chỉ ra các nhà Nho xưa sẵn sàng từ bỏ vinh
hoa, phú quý để về ở ẩn như Lí Bí, Nhược Thuỷ,..hay những Nho gia sẵn sàng
lấy tước vị can ngăn vua chúa,.. thì ngày nay Nho sĩ lại chuộng sự xa xỉ, “loá
mắt với gấm phủ quanh nhà”,... Tư tưởng của Nho sinh không còn là học tập
thi cử để ra làm quan phò vua giúp nước, trị quốc bình thiên hạ mà chỉ nhằm
vào cái vòng danh lợi, mưu cầu quyền lực. Xã hội bấy giờ coi trọng đồng tiền,

danh lợi nên mọi giá trị đạo đức của Nho giáo bị biến đổi khiến tác giả phải
băn khoăn:
“Hễ lộc triều quan đã có ngần,
Làm chi tham được, nhọc băn khoăn.
Ải Tần, non Thục, đường Nghêu hiểm,
Cửa Khổng, làng Nhan đạo khó khăn.”
(Thơ Nôm, bài 23)
Xã hội mà Nguyễn Bỉnh Khiêm sống, danh lợi đã chi phối tư tưởng con
người. Chiến tranh giữa các triều đại tập đoàn phong kiến xảy ra liên miên
khiến các giá trị cốt lõi của Nho giáo cũng dần bị lung lay, các mối quan hệ bị
đảo lộn khiến cho tư tưởng của Nho sinh không đồng nhất, khác biệt với các
nhà Nho trước đó. Cách Nguyễn Bỉnh Khiêm vài thế kỉ nhưng thời đại của
Nguyễn Khuyến cũng bắt gặp sự suy đồi của trường học và Nho sinh.
Thế kỉ XIX, nhà Nguyễn đã chấn hưng Nho giáo bằng việc coi Nho
giáo là ngọn cờ tư tưởng chính thống của triều đại mình. Nhất là trong giáo
dục và thi cử, Nho giáo còn chiếm vị trí cao hơn. Nhà Nguyễn đổi mới Nho
giáo theo chiều hướng thiết thực hơn, thay đổi hệ thống học vị, mở rộng quy

17


mô giáo dục. Lúc bấy giờ, chỉ có một nền giáo dục duy nhất là Nho giáo.
Chính điều này càng khẳng định vị thế độc tôn của đạo Nho. Các trường tư do
các thầy đồ dạy cũng được mở nhiều hơn nhằm đào tạo các sĩ tử đi thi làm
quan. Nho giáo đầu thế kỉ XIX phát triển hưng thịnh. Nhưng sự kiện Pháp nổ
tiếng súng xâm lược nước ta khiến cho Nhà nước phong kiến sụp đổ thì Nho
giáo cũng bị lung lay. Nói thế là bởi nhà nước phong kiến là đỉnh cao tôn thờ
của nhà Nho. Người ta đi học Nho là để ra phò vua giúp nước và người ta lấy
việc trung quân làm lý tưởng đồng nghĩa với việc nhà nước phong kiến sụp đổ
thì lí tưởng của Nho giáo cũng theo đó mà sụp đổ. Bên cạnh đó, Pháp sang

xâm chiếm nước ta, chúng cũng đem nền giáo dục mới, khác hoàn toàn nền
giáo dục Nho học cũ. Trước tình hình đất nước rối ren, Nho giáo đang dần
mất vị thế độc tôn, Nguyễn Khuyến nằm trong số những nhà Nho không bán
mình theo Tây mà thay vào đó, ông cáo quan về quê viết nên những vần thơ
phản ánh đúng thực trạng xã hội bấy giờ. Cũng giống Nguyễn Bỉnh Khiêm,
Nguyễn Khuyến lên án xã hội ham danh lợi, tham tiền mà quên đi nỗi nhục
mất nước:
“Cậy sức cây đu nhiều chị nhún,
Tham tiền cột mỡ lắm anh leo.”
(Hội Tây)
Con đường học hành thi cử vốn được coi là con đường vất vả, gian nan.
Những người đỗ đạt ra làm quan phải là những người học rộng, tài cao. Ấy
vậy mà ở xã hội này, một ông tri huyện - người đã đỗ đạt ra làm quan để
chứng tỏ mình hay chữ nên mở một cuộc thi thơ bị Nguyễn Khuyến vạch trần
bản chất:
“Nghênh ngang võng lọng nhờ ông sứ,
Ngọng nghẹo văn chương giở giọng ngô.”
(Bồ tiên thi)
Đây chính là một cách mà Nguyễn Khuyến dùng để phơi bày, phê phán
gián tiếp đạo đức và chế độ học tập, thi cử của triều Nguyễn giữa lúc đất nước
đang quằn quại dưới gót giày của thực dân xâm lược. Những kẻ mang danh

18


nhà Nho, có học thức, thực chất là những kẻ giỏi tham nhũng, xu nịnh, hối lộ
hơn là chữ thánh hiền. Họ đã quên mất vị trí xã hội mà họ được tôn vinh:
“Mảnh giấy làm nên thân giáp bảng,
Nét son điểm rõ mặt văn khôi.”
(Vịnh Tiến sĩ giấy bài 2)

Hay những người đại diện cho cửa Khổng, sân Trình cũng không còn
sống với phong cách thanh bạch, trong sáng ngày xưa:
“Cậy cái bảng vàng treo nhị giáp,
Khoét thằng mặt trắng lấy tam nguyên.”
(Tặng Đốc học Hà Nam)
Nguyễn Khuyến đã chỉ ra sự suy đồi của xã hội mà biểu hiện đó là sự
xuống cấp về đạo đức của Nho sinh. Những cuộc thi ở triều Nguyễn bấy giờ
được xem như là trò lố lăng bởi chức quan có thể dùng tiền để mua. Đồng tiền
chi phối mọi hoạt động xã hội, làm ô uế cả những địa vị vốn được kính trọng.
Qua đây, Nguyễn Bỉnh Khiêm và Nguyễn Khuyến đều chỉ ra được sự
suy đồi của Nho giáo. Nho giáo vốn là những tư tưởng tốt đẹp, giáo huấn đạo
đức con người nhưng ở đây, những kẻ theo học Nho gia lại trở thành những
kẻ hám công danh, quyền lực. Nho sinh đã đánh mất vị thế của mình, đánh
mất những tư tưởng cốt lõi của đạo Nho. Đồng tiền, danh lợi trở thành động
lực duy nhất để học hành tiến cử làm quan. Chính bởi thế mà không chỉ Nho
sinh, đạo học thay đổi còn tác động đến toàn xã hội. Bởi đạo học vốn là tư
tưởng cốt lõi để duy trì và cải tạo xã hội phong kiến.
2.2 Sự tác động tiêu cực của đạo học đến xã hội
Khi đạo học bị chính những người theo học nó coi nhẹ, kẻ sĩ cũng bị
lên án thì xã hội sẽ trở nên rối ren. Bởi đạo học dạy con người ta cách ứng xử,
làm người và những người học theo đạo học vốn sẽ nằm trong giai cấp cầm
quyền. Vậy nên, một khi giai cấp cầm quyền trở nên tha hoá thì mọi đạo đức
xã hội đều trở nên tầm thường.
Trang thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm đã chỉ ra những sự tác dộng tiêu cực
của đạo học đến xã hội. Khi mọi giá trị đạo đức bị đảo lộn thì xã hội không
còn tuân theo một quy tắc nào:
19


“Bán củi nuôi thân, than rằng bị vợ ruồng bỏ.

Không biết hữu ái, anh chẳng ra phận anh,
Không biết cung kính, em chẳng ra phận em.
Đâm dao, thảm thay giẫm chân lên máu,
Tranh ăn, làm bị thương đứt cả cánh tay.
Vì đấu thóc mà thành lời đơm đặt,
Đậu trong nồi còn chay nước mắt.”
(dịch Cảm hứng)
Xã hội loạn lạc, không phân biệt nổi đâu là người tài với kẻ vô công:
“Trâu và ngựa kí cùng ở lẫn một chuồng.
Ngọt đắng lẫn giữa vị rau tư và rau lê,
Trong đục, lẫn cả sông Kinh và sông Vị.
Bán sự ton tót thà vạch ria,
Sủng nịnh nên cam liếm trĩ.”
(dịch Cảm hứng)
Thời đại coi trọng đồng tiền, hám danh lợi. Nho sinh vì mưu cầu công
danh, quyền lợi mới học hành cố kiếm chức quan thì sự ham hư vinh ấy cũng
xuất hiện tràn lan trong đời thường:
“Thế gian biến cải vũng nên doi,
Mặn lạt chua cay liễn ngọt bùi.
Còn bạc còn tiền còn đệ tử,
Hết cơm, hết rượu, hết ông tôi.
Xưa nay đều trọng người chân thật,
Ai nấy đều ưa kẻ đãi bôi.
Ở thế mới hay người bạc ác,
Giàu thì tìm đến, khó tìm lui.”
(Thơ Nôm, bài 77)
20



×