Tải bản đầy đủ (.doc) (7 trang)

Nha tho Luu Trong Lu voi tinh yeu va mong dep

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (73.7 KB, 7 trang )

Nhà thơ Lưu Trọng Lư với
tình yêu và mộng đẹp
Hà Minh Đức
Lưu Trọng Lư là kiện tướng trong phong trào thơ mới.
Người ta gọi ông là nghệ sĩ đa tài. Ông làm thơ, viết văn,
viết kịch. Còn nữa, phải nói ông là người có phong cách
nghệ thuật đa dạng, một người đa tình, đa duyên nợ với
đời và văn nghiệp.
Tôi nhớ lần gặp Lưu Trọng Lư năm ông 78 tuổi, khi
vừa cho xuất bản tập hồi ký Nửa đêm sực tỉnh. Trong
câu chuyện khi nói về Thơ mới, Lưu Trọng Lư như
khởi sắc và nói to: "Phong trào Thơ mới mở đầu là tôi
chứ không phải Phan Khôi. Thực ra phải xét cái mới
của tình cảm và điệu thức thơ. Lúc này cũng nhiều
người viết thơ theo dạng từ khúc. Tôi làm Thơ mới từ
năm 1931. Tôi và Nguyễn Thị Manh Manh là hai người
chủ chốt. Bà ở Paris về và tham gia vào cuộc tranh luận
bảo vệ cho thơ mới. Tôi đăng một số thơ ở Phụ nữ tân
văn. Khi ra Hà Nội gặp Nguyễn Tường Tam, Tam mời
tôi đến tòa báo ở đường D"ordéans (số 1 Lý Nam Đế
ngày nay). Tam bảo: "Mấy bài thơ của ông đăng trên
Phụ nữ tân văn tôi thích, đấy mới là thơ, là thơ mới".
Hoài Thanh trong Thi nhân Việt Nam nhận xét: "Tình
già, Trên đường đời và Vắng khách thơ là ba bài mang
tên Thơ mới được đăng báo trước nhất. Trong ba bài
thì bài thứ ba đã là một bài có giá trị". Hoài Thanh chú
thích đó là bài Xuân về. Xuân về là bài thơ của Lưu
Trọng Lư. Nhiệt tình đấu tranh cho Thơ mới bằng lý
thuyết, tranh luận, diễn thuyết, sáng tác. Lực lượng
phản công lại của thơ cũ cũng mạnh mẽ, kể cả những
người có thanh thế như Huỳnh Thúc Kháng, Tản Đà...


Nhà phê bình Hoài Thanh tâm sự: "Hồi năm 1937, vì vô
ý dự vào một cuộc bàn cãi về văn chương, tôi đã bị một
ông tiến sĩ nói thẳng vào mặt: "Khoa học xin nhường
các người, nhưng thơ văn các người phải để cho chúng
tôi", chính ông nghè ấy đã có lần lên án chém Lưu
Trọng Lư. Cũng may, ông nghè chúng ta không làm tể
tướng nên họ Lưu vẫn làm thơ mới như thường".
…Tự lực văn đoàn dần làm chủ văn đàn. Lưu Trọng Lư
đánh giá đúng mức những đóng góp của văn đoàn. Lưu
Trọng Lư cũng viết văn xuôi với những trang văn đẹp,
nhiều cảm xúc. Tuy nhiên, ông cũng rất khiêm tốn:
"Tôi thích một số tiểu thuyết của Tự lực văn đoàn như
Đôi bạn, Đời mưa gió, Nửa chừng xuân hơn là những
cuốn tiểu thuyết của tôi. Tâm trạng của tôi có lúc rất
chán nản trong tiểu thuyết, thơ lại cứu tôi".
Quả là Lưu Trọng Lư nổi bật lên ở thời
kỳ đầu và chỉ một tập Tiếng thu, Lưu
Trọng Lư đã ghi lại dấu ấn không phai
mờ trong phong trào Thơ mới. Bài thơ
Tiếng thu là những tiếng thơ của sự lắng
nghe "Em không nghe mùa thu" và
trong âm thanh là tiếng thầm, là những
rạo rực hình ảnh kẻ chinh phu/ Trong
lòng người cô phụ? Vẫn là câu hỏi từ sự
lắng nghe để mở ra những hình ảnh đẹp
đến nao lòng của mùa thu qua bước nhỏ
của con nai vàng trên lá vàng khô.
Thơ tình của Lưu Trọng Lư có nhiều dư vị của đời thi
nhân. Niềm vui, nỗi buồn, niềm mong ước và sự thất
vọng đều như chất chứa từ bên trong và trôi chảy theo

dòng thời gian, theo năm tháng, bốn mùa. Một mùa
đông bên nhau đã đi qua "Qua rồi mùa ân ái - Đàn sếu
đã sang sông". Mùa xuân về lại cảm nhận "Rồi ngày lại
ngày. Sắc màu phai. Lá cành rụng. Ba gian trống. Xuân
đi. Chàng cũng đi". Cũng vì thế mà thơ Lưu Trọng Lư
đượm buồn, buồn vì sự trôi chảy, vì sự tiếc nuối. Gặp
nhà thơ ngoài đời cũng như trong thơ, luôn thể hiện sự
nuối tiếc:
Mưa chi mưa mãi
Buồn hết nửa đời xuân
Mộng vàng không kịp hái.
Và cuối đời khi mái tóc đã điểm bạc, ông cầu viện đến
"em thời gian" và mong được sự thông cảm. Tuổi càng
cao Lưu Trọng Lư càng thấy cái đẹp của đời, lại càng
Nhà thơ Lưu
Trọng Lư.
tiếc nuối như đi ngược với dòng thời gian. Trong văn
chương và đặc biệt là thi ca, Lưu Trọng Lư có nhiều
duyên nợ với người con gái.
Ông từng tâm sự: "Trong những tác phẩm của tôi, tôi
chỉ có một sự cộng tác rất tầm thường, rất dung dị, rất
lương thiện... ấy là sự cộng tác của những người đàn bà.
Đôi mắt họ vẫn trong trẻo hiền lành như một bến thu.
Tiếng nói của họ vẫn là nhạc điệu của những nhạc điệu.
Những con vật xinh xinh ấy biết tỉa lông mày, đánh
móng tay nhưng cũng biết nuôi tằm quay tơ và dệt
những tấm áo cho thể chất và cho linh hồn của nhân
loại". Trong tập Tiếng thu nổi lên vẫn là hình ảnh và
tiếng lòng của người con gái đang yêu thương, chờ đợi,
nhớ mong.

Ngoài hình ảnh người mẹ kính yêu là những cô gái đang
ở tuổi yêu đương dệt mộng tình trong đời và trong thơ.
Lưu Trọng Lư hay nhắc đến những người con gái trong
mộng, trong khung cửi, bên guồng sợi xe, cô em nhí
nhảnh bên giậu mồng tơi, rồi cô gái giang hồ... Và sau
cách mạng cũng vẫn là hình ảnh những người con gái
trong cuộc đời mới, gánh vác việc chung không kém sức
trai như cô gái ở hậu phương bên Ngò cải đơm hoa, O
tiếp tế, rồi Người con gái sông Gianh, Em thời gian. Họ
rất khác nhau nhưng có một điểm chung là giàu nữ tính
và tình cảm yêu thích cái đẹp.
... Tôi còn nhớ sau khi đất nước thống nhất, Bắc Nam
sum họp, Lưu Trọng Lư đón nhà thơ Hoàng Trọng
Miên, bạn thơ cũ đến thăm. Ông nói với chị Lê Minh
mời tôi đến chơi và nghe ông đọc thơ vừa sáng tác. Tôi
nhớ buổi gặp chỉ có ba người và khoảng một tiếng sau
có thêm nhà sử học Lê Văn Lan. Lưu Trọng Lư nói:
"Tôi muốn viết về người phụ nữ Việt Nam trong chiến
tranh như kiểu khúc ngâm chinh phụ. Người phụ nữ
không chỉ buồn và thụ động như cô chinh phụ xưa mà
năng động, hiện đại nhưng vẫn nặng tâm tư đợi chờ
trong xa cách".
Trăng xoan - cái tên đó được ông tâm đắc. Tôi nhớ ông
say sưa đọc thơ còn mọi người vừa nghe vừa uống rượu
và nhấm nháp món thịt gà xé trộn với dưa chuột và
hành tây, tác phẩm của chị Lê Minh. Anh Lư say mê
nói, thỉnh thoảng lại ngâm và quên cả chuyện ăn. Cầm
đũa lệch, nâng bát lên lại hạ xuống, với anh, thơ là linh
hồn của cuộc gặp gỡ. Thỉnh thoảng anh lại hỏi từng
người: Ý anh Lan thế nào, ý anh Đức thế nào?

Thơ Lưu Trọng Lư như ru trong mộng và mộng chính
là một phẩm chất của thơ, nhất là thơ xưa. Lê Tràng
Kiều nhận xét: "Thi sĩ bao giờ cũng như sống trong một
thế giới mông lung huyền ảo... Thi sĩ là một luồng khói
lam ẻo lả giữa cảnh chiều thu". Nhà thơ Hoàng Trung
Thông cũng viết: "Những bài thơ của anh không sầu thì
mộng, không mộng thì say và đã say thì Giang hồ cõi ấy
trọn đời phiêu linh". Trần Thanh Mại cũng gọi Lưu
Trọng Lư là thi sĩ giang hồ. Sự phiêu bạt trong những
cảnh đời xa lạ trong thiên nhiên đẹp đã tạo cho thơ của
Lưu Trọng Lư chất phiêu lãng và thơ mộng. Nói như
tác giả "Mộng và đời là hai sợi chỉ ngang dọc trên
khung cửi. Đời đẻ ra mộng và mộng dệt nên đời".

×