Tải bản đầy đủ (.doc) (115 trang)

Mặt trận tổ quốc việt nam trong công tác tôn giáo ở thành phố hải phòng hiện nay

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (645.69 KB, 115 trang )

VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI

NGUYỄN VIỆT ĐỨC

MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM TRONG CÔNG TÁC TÔN GIÁO
Ở THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG HIỆN NAY

LUẬN VĂN THẠC SĨ CHÍNH TRỊ HỌC

HÀ NỘI, 2019


VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI

NGUYỄN VIỆT ĐỨC

MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM TRONG CÔNG TÁC TÔN GIÁO
Ở THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG HIỆN NAY
Ngành:

Chính trị học

Mã số:

8 31 02 01

NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC
PGS.TS. CHU VĂN TUẤN


HÀ NỘI, 2019


LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan luận văn thạc sĩ chính trị học tại Học viện Khoa học xã hội
với đề tài: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác tôn giáo ở thành phố Hải
Phòng hiện nay” là công trình nghiên cứu của tôi dưới sự hướng dẫn của PGS.TS.
Chu Văn Tuấn.
Số liệu được sử dụng để nghiên cứu là hoàn toàn trung thực. Các trích dẫn
tham khảo sử dụng trong luận văn đều có tác giả cụ thể, nguồn gốc rõ ràng. Những
kết quả nghiên cứu của luận văn dựa trên sự phân tích, đánh giá tỉ mỉ, khách quan,
lập luận một cách logic, khoa học.
Tôi xin chịu trách nhiệm với lời cam đoan trên.
Hà Nội, ngày

tháng năm 2019
Tác giả

Nguyễn Việt Đức


LỜI CẢM ƠN
Để hoàn thành luận văn thạc sĩ ngành chính trị học với đề tài “Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam trong công tác tôn giáo ở thành phố Hải Phòng hiện nay”, tôi xin
gửi lời cảm ơn đặc biệt sâu sắc và chân thành nhất tới các cơ quan, tổ chức, đơn vị,
cá nhân sau đây:
Đầu tiên, tôi xin trân trọng cảm ơn các Thầy Cô giáo đã giảng dạy tôi những
môn học trong suốt 03 kỳ học chương trình đào tạo thạc sĩ ngành chính trị học tại
Học viện Khoa học xã hội, đó là: GS.TS. Vũ Văn Viên và PGS.TS. Phan Thị Mai
Hương với học phần Phương pháp luận nghiên cứu khoa học xã hội; PGS.TS. Hồ

Việt Hạnh và TS. Nguyễn Thị Hoài với học phần Triết học Mác – Lênin; TS.
Nguyễn Tuấn Khanh với học phần Tham nhũng và phòng chống tham nhũng ở nước
ta hiện nay; PGS.TS. Nguyễn Tài Đông với học phần Tư tưởng chính trị phương
Đông; TS. Vũ Mạnh Toàn với học phần Tư tưởng chính trị phương Tây; PGS.TS.
Hồ Việt Hạnh với học phần Những vấn đề lý luận về quyền lực chính trị; TS. Lưu
Thúy Hồng với học phần Những vấn đề chung về chính trị quốc tế; PGS.TS.
Nguyễn An Hà và PGS.TS. Đặng Minh Đức với học phần Thể chế chính trị và hệ
thống chính trị Việt Nam; PGS.TS. Chu Văn Tuấn với học phần Mối quan hệ giữa
chính trị và tôn giáo; PGS.TS. Nguyễn Ngọc Hà với học phần Dân chủ: lý luận và
thực tiễn; TS. Nguyễn Văn Thuận với học phần Bầu cử: lý luận và thực tiễn;
GS.TS. Nguyễn Hữu Khiển với học phần Con người chính trị và quyết sách chính
trị; TS. Vũ Anh Tuấn với học phần Tâm lý học chính trị; PGS.TS. Lương Đình Hải
với học phần Mối quan hệ giữa chính trị và kinh tế; PGS.TS. Cao Thu Hằng với học
phần Văn hóa chính trị. Tâm huyết của các Thầy Cô dồn vào từng lời giảng, đem
đến cho tôi nhiều nội dung kiến thức cơ bản, quan trọng của các môn học, giúp tôi
tích lũy thêm nhiều tri thức hữu ích để sau này có thể vận dụng trong công việc và
trong cuộc sống hàng ngày.
Tiếp theo, tôi xin chân thành cảm ơn các Thầy Cô giáo Khoa Triết học cùng
các cán bộ, công chức, viên chức, nhà nghiên cứu khoa học, người lao động của
Học viện Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và các cơ sở
giáo dục - đào tạo khác ở nước ta đã tận tình hướng dẫn, tư vấn, giúp đỡ tôi trong
suốt khoảng thời gian tôi học tập, nghiên cứu dưới mái trường này.


Cùng với đó, tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc nhất tới Ủy ban Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam thành phố Hải Phòng, Ban Tôn giáo, Sở Nội vụ thành phố Hải Phòng đã
nhiệt tình cung cấp cho tôi những tài liệu, tư liệu quý giá để tôi có thể hoàn thành
công trình nghiên cứu của mình một cách thuận lợi, dễ dàng.
Tôi đặc biệt cảm ơn PGS.TS. Chu Văn Tuấn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu
Tôn giáo, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã ân cần chỉ bảo, tận tâm

hướng dẫn, dìu dắt tôi trong suốt quá trình nghiên cứu để hoàn thành luận văn. Luận
văn của tôi khó có thể đạt được kết quả tốt nếu như không có sự khuyến khích, quan
tâm sát sao từ Thầy.
Cuối cùng, không thể quên lời cảm ơn chân tình dành cho Gia đình, Bạn bè,
những người thân đã, đang và sẽ ở bên cạnh ủng hộ, cổ vũ và động viên tôi trên con
đường học tập, nghiên cứu đầy gian nan và không ít thử thách./.
Hà Nội, ngày tháng 5 năm 2019
Tác giả

Nguyễn Việt Đức


MỤC LỤC
LỜI CAM ĐOAN
LỜI CẢM ƠN
DANH MỤC CÁC TỪ VIẾT TẮT
MỞ ĐẦU.................................................................................................................. 1
Chương 1: MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT
NAM THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG TRONG CÔNG TÁC TÔN GIÁO............13
1.1. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hải Phòng........................................ 13
1.2. Tôn giáo và công tác tôn giáo....................................................................... 17
1.3. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hải Phòng trong công tác tôn giáo...21
Chương 2: THỰC TRẠNG CỦA MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM THÀNH
PHỐ HẢI PHÒNG TRONG CÔNG TÁC TÔN GIÁO HIỆN NAY .. 36

2.1. Khái quát về tình hình tôn giáo ở thành phố Hải Phòng hiện nay.................36
2.2. Những ưu điểm và hạn chế còn đang tồn tại của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
thành phố Hải Phòng trong công tác tôn giáo hiện nay........................................ 43
Chương 3: DỰ BÁO TÌNH HÌNH TÔN GIÁO Ở THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
THỜI GIAN TỚI VÀ GIẢI PHÁP NHẰM NÂNG CAO VỊ TRÍ, VAI TRÒ

CỦA MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
TRONG CÔNG TÁC TÔN GIÁO....................................................................... 64
3.1. Dự báo tình hình tôn giáo ở thành phố Hải Phòng thời gian tới....................64
3.2. Đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam thành phố Hải Phòng trong công tác tôn giáo...................................... 70
KẾT LUẬN............................................................................................................ 83
TÀI LIỆU THAM KHẢO
PHỤ LỤC


DANH MỤC CÁC TỪ VIẾT TẮT
Từ viết tắt

Giải thích

BTT

Ban Thường trực

CS

Chức sắc

CTTG

Công tác tôn giáo

CHXHCNVN

Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam


DT

Dân tộc

ĐCSVN

Đảng Cộng sản Việt Nam

GHPGVN

Giáo hội Phật giáo Việt Nam

HP

Hải Phòng

KĐĐK

Khối đại đoàn kết

MT

Mặt trận

MTTQVN

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

NTH


Nhà tu hành



Tín đồ

TP

Thành phố

TG

Tôn giáo



Trung ương

UB

Ủy ban

UBĐKCG

Ủy ban Đoàn kết Công giáo

VN

Việt Nam



MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
MTTQVN là một trong ba bộ phận cấu thành hệ thống chính trị của nước
CHXHCNVN. Trải qua gần chín thập kỷ hình thành và không ngừng phát triển,
MTTQVN mà hình thức đầu tiên với tên gọi Hội phản đế đồng minh do Chủ tịch
Hồ Chí Minh và ĐCSVN sáng lập và lãnh đạo đã đi qua một chặng đường hết sức
vẻ vang. Cùng với ĐCSVN, Nhà nước CHXHCNVN, MTTQVN đã có những đóng
góp to lớn trong công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, giữ vững nền độc lập DT
trước các thế lực xâm lược và thù địch trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ
nước. Ngày nay, vị trí và vai trò của MTTQVN ngày càng được khẳng định trong
công cuộc xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa và trong xu thế toàn
cầu hóa, hội nhập quốc tế đang diễn ra một cách sâu rộng.
Quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội ở VN là một quá trình lâu dài, trải qua nhiều chặng
đường cùng với sự tồn tại của các giai cấp, tầng lớp khác nhau trong xã hội cũng như sự
hiện diện của nhiều thành phần kinh tế, thành phần DT, thành phần TG. Với mục tiêu dân
giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh [30], vấn đề tập hợp tất cả các lực lượng
trong xã hội, đại đoàn kết toàn DT luôn được xem là nhiệm vụ thường xuyên, mang tính
chiến lược, là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo
vệ đất nước mà MTTQVN là tổ chức đảm nhận trực tiếp sứ mệnh cao cả ấy.
Đoàn kết toàn dân trong đó có đồng bào theo TG là vấn đề được hệ thống chính trị
quan tâm, đặt lên hàng đầu. Thực tế cho thấy, trong quá khứ và hiện tại, TG đã và đang có
ảnh hưởng rất lớn đến đời sống văn hóa, tinh thần, kinh tế, chính trị, xã hội,... của đất nước
và của KĐĐK toàn dân. Việt Nam là một quốc gia đa tôn giáo. Đại bộ phận nhân dân đều
có niềm tin tôn giáo cũng như một bộ phận không nhỏ là tín đồ của các tôn giáo [15, tr.333]. Vấn đề TG và CTTG luôn được Đảng và Nhà nước chú trọng. MTTQVN với tư cách
là tổ chức liên minh chính trị, cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, nơi thể hiện ý chí,
nguyện vọng, tập hợp KĐĐK toàn dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân có vai trò
quan trọng trong việc chủ động tham gia xây dựng đường lối, chủ trương, chính sách, pháp
luật có liên quan đến TG; vận động nhân dân trong đó có đồng bào các TG thực hiện chính


1


sách, pháp luật về TG; giám sát việc thực hiện đường lối, chính sách, pháp luật về TG
của các cơ quan nhà nước, các đại biểu dân cử và của cán bộ, công chức nhà nước
nhằm đảm bảo cho các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật ấy thể hiện đầy đủ,
đúng đắn ý chí nguyện vọng của các TG, của đồng bào theo TG và đảm bảo quyền, lợi
ích hợp pháp, chính đáng của các TG; qua đó củng cố và tăng cường KĐĐK toàn dân.

CTTG quan trọng và được các nhà chuyên môn khai thác khá nhiều. Nhưng
việc nghiên cứu CTTG của MTTQVN – một trong ba chủ thể của hệ thống chính trị
trên một địa bàn cụ thể, đặc biệt là ở TP HP thì còn chưa có nhiều tác giả thực hiện.
Thành phố Hải Phòng là một trong những trung tâm tôn giáo của vùng Duyên hải Bắc
bộ [10, tr.5]. Các tôn giáo có lịch sử du nhập và phát triển vào vùng đất này từ rất sớm. Hiện
nay, thành phố có bốn tôn giáo chính: Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Cao Đài [10, tr.5]. Mỗi
động thái của TG ở HP ít nhiều tác động đến sinh hoạt TG trong cả nước. Những năm qua,
MTTQVN TP HP cùng với Thành ủy, chính quyền TP và các đoàn thể, tổ chức thành viên của
MT đã triển khai, phối hợp thực hiện có hiệu quả CTTG, góp phần thực hiện tốt chính sách đại
đoàn kết toàn dân, phát huy sức mạnh tổng hợp trong công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển
TP hoa phượng đỏ. Bên cạnh nhiều thành tựu đã đạt được, CTTG cũng đang đặt ra nhiều thách
thức đối với cả nước nói chung và đối với TP HP nói riêng trong công cuộc đổi mới đất nước
và trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay. Những năm trở lại đây, trên địa bàn
TP HP xuất hiện một số hiện tượng “TG mới”, “đạo lạ”, gây khó khăn cho quá trình thực hiện
CTTG của Thành ủy, chính quyền và MTTQVN TP.

Việc nghiên cứu về MTTQVN TP HP trong CTTG là một yêu cầu cần thiết, có
tính thời sự. Qua việc nghiên cứu này, tác giả luận văn sẽ đưa ra một số giải pháp góp
phần nâng cao vị trí, vai trò của MTTQVN TP HP trong CTTG. Từ những lập luận trên,
tác giả lựa chọn đề tài: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác tôn giáo ở


thành phố Hải Phòng hiện nay” cho luận văn thạc sĩ ngành chính trị học của mình.
2. Tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài
2.1. Nhóm công trình nghiên cứu về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

2


Từ trước đến nay, đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về MTTQVN.
Những công trình tiêu biểu phải kể đến mà tác giả tham khảo cho luận văn của mình
đó là:
Cuốn sách “Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam quá khứ và hiện tại” của tác
giả Trần Hậu do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật xuất bản năm 2016 là cuốn
sách tổng hợp đầy đủ, nhiều kiến thức về MT Dân tộc Thống nhất VN từ khi hình
thành, trong giai đoạn cách mạng giải phóng DT; về ĐCSVN lãnh đạo MT Dân tộc
Thống nhất trong giai đoạn đất nước thống nhất, xây dựng chủ nghĩa xã hội; về tư
tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng MT Dân tộc Thống nhất; về vai trò giám sát của
MTTQVN; về MTTQVN góp phần cùng quân đội nhân dân bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
Những nội dung này tương ứng với sáu chương sách, giúp tác giả luận văn nắm được
kiến thức cơ bản nhất về MTTQVN để hoàn thiện đề tài nghiên cứu.

Cuốn sách “Hỏi – đáp về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam” của Nhà xuất bản
Chính trị quốc gia xuất bản năm 2016, do tác giả Nguyễn Quang Minh chủ biên, tập
trung trình bày những nội dung cơ bản của luật MTTQVN năm 2015, điều lệ
MTTQVN thể hiện dưới hình thức hỏi đáp, qua đó làm rõ những nội dung mới của
luật cũng như các quy định khác về MTTQVN; giúp tác giả luận văn nắm bắt thêm
các thông tin về MTTQVN.
Đề tài khoa học KX.10.03 “Mô hình đổi mới, hoàn thiện tổ chức và hoạt
động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong hệ
thống chính trị giai đoạn hiện nay” do tác giả Thang Văn Phúc làm chủ nhiệm là

công trình nghiên cứu khá toàn diện về tổ chức bộ máy và hoạt động của
MTTQVN. Trong đó, các nhà khoa học đã tập trung làm rõ ưu điểm, hạn chế về tổ
chức bộ máy và hoạt động của MTTQVN trong công cuộc đổi mới. Công trình này
cung cấp cho tác giả luận văn những nội dung quan trọng để nhìn nhận về vai trò
của MTTQVN trong xây dựng KĐĐK DT, trong tổ chức thực hiện các phong trào,
cuộc vận động.
Kỷ yếu hội thảo khoa học - thực tiễn “Phát huy truyền thống Mặt trận Dân
tộc Thống nhất Việt Nam nâng cao vai trò Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thời kỳ

3


mới” của UB TƯ MTTQVN (năm 2007) là tập hợp các bài viết của nhiều tác giả
khẳng định truyền thống lịch sử của MT Dân tộc Thống nhất VN luôn gắn liền với
quá trình xây dựng, phát triển hết sức vẻ vang của ĐCSVN và DT VN. Nhiều bài
viết trong đó đã nêu ra vấn đề phải làm thế nào để có thể phát huy vai trò, vị trí của
MT trong đời sống xã hội, làm sao để MT, những nghị quyết và chương trình hành
động của MT được xây dựng một cách thiết thực, phù hợp và đi vào cuộc sống.
Luận án tiến sĩ Chính trị học (năm 2008), Học viện Chính trị - Hành chính
Quốc gia Hồ Chí Minh của tác giả Nguyễn Thị Lan về đề tài “Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam với việc xây dựng sự đồng thuận xã hội ở nước ta hiện nay” là một công trình
nghiên cứu về một nhiệm vụ công tác của MT: việc xây dựng sự đồng thuận xã hội.
Với kết cấu ba chương, luận án đã đưa ra được cơ sở lý luận về đồng thuận xã hội,
thực trạng cùng những thách thức của MTTQVN với nhiệm vụ xây dựng sự đồng
thuận xã hội và cuối cùng đưa ra các giải pháp để tiếp tục phát huy vai trò của
MTTQVN trong việc xây dựng sự đồng thuận xã hội. Tham khảo công trình này
giúp tác giả luận văn có định hướng xây dựng khung lý thuyết cho đề tài của mình.
Luận án tiến sĩ Sử học (năm 2018), Học viện Khoa học xã hội của tác giả Lê
Mậu Nhiệm về đề tài “Vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thời kỳ đổi mới
đất nước (1986 – 2010)”. Luận án đã phân tích vai trò của MTTQVN trong việc mở

rộng KĐĐK toàn dân, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo
đảm quốc phòng, an ninh; trong việc tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước.
Từ đó, tác giả đưa ra nhận xét về vai trò của MTTQVN trong sự nghiệp đổi mới đất
nước (1986 – 2010) và một số bài học kinh nghiệm. Luận án này là tài liệu giúp tác
giả luận văn có thêm những gợi mở trong quá trình triển khai thực hiện đề tài.
2.2. Nhóm công trình nghiên cứu về tôn giáo, công tác tôn giáo ở Việt
Nam
Cho tới nay, có hàng nghìn cuốn sách, đề tài nghiên cứu khoa học, bài báo,
bài viết tạp chí về TG và CTTG ở VN. Có thể điểm qua những công trình tiêu biểu
gắn với nội dung luận văn như sau:

4


Cuốn sách “Lý luận về tôn giáo và tình hình tôn giáo ở Việt Nam” của Nhà
xuất bản Chính trị quốc gia do tác giả Đặng Nghiêm Vạn chủ biên là một công trình
khá toàn diện, quý giá về lý luận TG và tình hình TG ở VN. Cuốn sách được xuất
bản lần đầu năm 2001 và tái bản nhiều lần các năm sau đó: 2005, 2007, 2012. Cuốn
sách nghiên cứu một số vấn đề lý luận liên quan đến vấn đề TG ở VN, đặc điểm và
vai trò của TG VN trong đời sống hiện nay, đặc biệt là đời sống văn hóa khi đất
nước đang bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chủ động hội
nhập vào xu thế toàn cầu hóa. Từ đó, tác giả cuốn sách đề cập đến vấn đề chủ
trương, chính sách TG của Đảng và Nhà nước ta. Cuốn sách cung cấp những kiến
thức cơ bản, nền tảng nhất cho những ai mới nghiên cứu về TG có thể tham khảo.
Cuốn sách “Vấn đề tôn giáo trong cách mạng Việt Nam, lý luận và thực tiễn”
của tác giả Đỗ Quang Hưng được Nhà xuất bản Lý luận chính trị xuất bản năm
2008 là công trình nghiên cứu có tính tổng hợp và toàn diện nhất về quan điểm, chủ
trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về vấn đề TG trong suốt chiều dài lịch
sử cách mạng. Cuốn sách bao gồm 4 phần, 18 chương với những nội dung về: bối
cảnh quốc tế của vấn đề TG ở VN; chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh

về TG; quá trình nhận thức, phát triển quan điểm, đường lối về TG của ĐCSVN;
từng bước hoàn thiện chính sách TG ở VN. Cuốn sách là tài liệu tham khảo hữu ích
dành cho các nhà nghiên cứu, nhà quản lý về TG ở nước ta và cần thiết với tác giả
luận văn để thực hiện đề tài này.
Cuốn sách “Công tác tôn giáo từ quan điểm Mác – Lênin đến thực tiễn Việt
Nam” của tác giả Ngô Hữu Thảo được Nhà xuất bản Chính trị - Hành chính xuất bản
năm 2012 là một cuốn sách tiêu biểu viết về đề tài CTTG mà tác giả luận văn đã tham
khảo phần nhiều cho luận văn của mình. Trong cuốn sách này, tác giả Ngô Hữu Thảo
đã tóm lược một cách ngắn gọn cho độc giả về quan điểm của các nhà kinh điển Mác

– Lênin về CTTG ở chương 1; tư tưởng Hồ Chí Minh về tín ngưỡng, TG – một số
vấn đề lý luận và thực tiễn ở chương 2. Trọng tâm ở chương 3, tác giả phân tích về
CTTG của hệ thống chính trị và một số vấn đề đặt ra hiện nay. Tác giả dành phần III
chương 3 để nói về CTTG của MTTQVN thời kỳ đổi mới đất nước và một số vấn đề

5


đặt ra. Tuy nhiên, đặt trong tổng thể một cuốn sách, phần nội dung này cũng chỉ được
khái quát ở mức cơ bản nhất chứ không được phân tích cụ thể, chi tiết, rõ ràng.

Bài viết “Sự biến đổi của tôn giáo ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc
tế” của tác giả Chu Văn Tuấn đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo số 1 năm
2015 là tài liệu quan trọng nghiên cứu về TG ở VN trong bối cảnh hiện nay. Trong
bài viết này, tác giả nêu lên sự tác động của toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đã dẫn
tới những biến đổi trong đời sống TG ở VN trên nhiều phương diện khác nhau. Sự
biến đổi ấy đặt ra một số vấn đề, trong đó có vấn đề giữ gìn, bảo tồn những giá trị
của văn hóa truyền thống VN nói chung, của TG nói riêng. Tác giả luận văn chắt lọc
được những thông tin mới mẻ, có tính thời sự từ bài viết này.
Luận án tiến sĩ Triết học (năm 2016), Trường Đại học Khoa học Xã hội và

Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội của tác giả Lê Thị Minh Thảo về đề tài: “Công
tác tôn giáo ở Việt Nam hiện nay – Lý luận và thực tiễn (qua khảo sát tại tỉnh Ninh
Bình)” là công trình tiêu biểu về đề tài CTTG ở VN qua nghiên cứu, khảo sát trên
địa bàn một tỉnh cụ thể từ góc nhìn triết học. Luận án được triển khai thành bốn
chương: (1) Tổng quan; (2) Lý luận về CTTG và thực tiễn CTTG ở VN hiện nay;
(3) Thực tiễn CTTG ở tỉnh Ninh Bình hiện nay; (4) Dự báo xu hướng tình hình TG,
những vấn đề đặt ra và một số giải pháp, khuyến nghị. Đề tài nghiên cứu của tác giả
được đánh giá là có ý nghĩa lý luận và thực tiễn, có giá trị ứng dụng và tính thời sự
cấp thiết. Tuy nhiên, phần viết về thực tiễn CTTG ở tỉnh Ninh Bình có vẻ được chú
tâm ở hoạt động của Ban Tôn giáo tỉnh, các bộ phận khác của hệ thống chính trị
trong CTTG như MTTQVN tỉnh, Ban Dân vận Tỉnh ủy chưa tương xứng.
Luận án Tiến sĩ Tôn giáo học (năm 2018), Học viện Khoa học xã hội của tác
giả Đàm Tuấn Anh về đề tài: “Tôn giáo và công tác tôn giáo ở Hà Nội hiện nay” là
công trình nghiên cứu một cách tổng thể về tình hình, đặc điểm và hoạt động của
các TG trên địa bàn Hà Nội, cùng với sự đánh giá thực trạng CTTG ở Hà Nội. Luận
án đưa ra dự báo tình hình TG, một số khuyến nghị giải pháp nhằm nâng cao hiệu
quả CTTG ở Hà Nội trong thời gian tới, góp phần bổ sung, làm phong phú thêm cơ
sở lý luận và thực tiễn trong CTTG cho các cơ quan của Đảng, chính quyền Nhà

6


nước và các tổ chức chính trị - xã hội. Tác giả luận văn đã học hỏi được nhiều điều
từ những đóng góp mới của luận án này.
2.3. Nhóm công trình nghiên cứu về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong
công tác tôn giáo
Vấn đề MTTQVN trong CTTG dường như chưa được nhiều học giả, nhà
nghiên cứu, nhà quản lý quan tâm, chú ý khai thác. Hiện nay, số lượng công trình
viết về đề tài này còn hạn chế, nếu có cũng chỉ mang tính chất lý thuyết, chưa
nghiên cứu sâu, làm rõ về thực trạng MTTQVN trong CTTG trên thực tiễn, cụ thể:

Cuốn sách “Mấy vấn đề về tôn giáo và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với công
tác tôn giáo” của Nhà xuất bản Công an nhân dân xuất bản năm 2013 do Vũ Trọng
Kim chủ biên là công trình quan trọng về MTTQVN trong CTTG, tài liệu giữ vai
trò chủ đạo trong việc xây dựng, hình thành hướng triển khai cho đề tài nghiên cứu
của tác giả luận văn. Với kết cấu ba phần chính, cuốn sách đã lần lượt hệ thống
những kiến thức cơ bản, cần thiết nhất cho độc giả, cụ thể: đại cương về TG và các
TG ở VN; một số vấn đề chủ yếu trong tư tưởng Hồ Chí Minh về tín ngưỡng TG và
căn cứ chính trị, pháp lý về vai trò, nhiệm vụ của MTTQVN trong CTTG; một số
yêu cầu và những nội dung cơ bản về MTTQVN với CTTG. Ngoài ra, cuốn sách
cũng cung cấp những văn bản, tài liệu hiện hành của Đảng, Nhà nước về TG và có
liên quan đến TG; tổng hợp số liệu về các tổ chức TG ở VN hiện nay.
Bài viết “Một số nghiên cứu tiêu biểu về tôn giáo và công tác tôn giáo của
Mặt trận thời gian qua” của tác giả Nguyễn Văn Thanh đăng trên Tạp chí Mặt trận
số 100 năm 2012 đã khái quát một số kết quả nghiên cứu, tham mưu cơ bản mà MT
tham gia đóng góp vào những nghiên cứu chung về TG và CTTG của các cơ quan,
tổ chức trong hệ thống chính trị.
Bài viết “Sự phối hợp của Mặt trận và các đoàn thể ở địa phương trong
quản lý nhà nước về thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo” của tác giả
Nguyễn Thị Minh Huệ đăng trên Tạp chí Mặt trận số 114 năm 2013 đã khẳng định
vai trò hết sức to lớn của MTTQVN và các tổ chức thành viên tác động đến quá
trình thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, TG của nhân dân; bên cạnh đó đưa ra một
số giải pháp để

7


phát huy, nâng cao vai trò của MT và các đoàn thể ở địa phương, cơ sở đối với việc
thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, TG của nhân dân.
Bài viết “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tỉnh Quảng Nam tiếp tục đổi
mới, nâng cao hiệu quả công tác tôn giáo” của tác giả Nguyễn Phi Hùng đăng trên

Tạp chí Cộng sản số 138 năm 2018 đã phân tích, làm rõ việc đổi mới nội dung,
phương thức hoạt động của MTTQVN và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp
trong CTTG ở tỉnh Quảng Nam thời gian qua đã và đang góp phần quan trọng vào
nhiệm vụ tăng cường vận động, tập hợp, đoàn kết các TG trong KĐĐK toàn DT trên
địa bàn tỉnh. Bài viết là tài liệu tham khảo giúp tác giả luận văn bổ sung thêm kiến
thức cần thiết để hoàn thiện đề tài.
Cuốn sách “Tập bài giảng về công tác Mặt trận” của Nhà xuất bản Chính trị
quốc gia xuất bản năm 2016 do tác giả Vũ Trọng Kim chủ biên là cuốn sách tổng
hợp những tri thức cơ bản, quan trọng về công tác MT. Cuốn sách dành một phần để
trình bày về MTTQVN với CTTG, trong đó có tổng kết một số kết quả CTTG của
MT trong nhiệm kỳ 2009 – 2014.
Cuốn sách “Sổ tay công tác tôn giáo” của Viện Nghiên cứu TG, tín ngưỡng
và UB MTTQVN TP Hà Nội do Nhà xuất bản Tôn giáo xuất bản năm 2018 là cuốn
sách mới nhất viết về CTTG. Trong đó, ngoài Phần 1 sơ lược về quan điểm, chủ
trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về TG, tín ngưỡng, cuốn sách
đã tập trung làm rõ vị trí, vai trò và trách nhiệm của MTTQVN trong CTTG ở Phần
II và khái quát về TG trên địa bàn TP Hà Nội ở Phần III. Đây cũng là cuốn sách góp
phần cung cấp những tri thức quan trọng cho tác giả hoàn thành luận văn của mình.
2.4. Nhóm công trình nghiên cứu về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành
phố Hải Phòng, tôn giáo trên địa bàn thành phố Hải Phòng, Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam thành phố Hải Phòng trong công tác tôn giáo
Cuốn sách “Lịch sử Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hải Phòng (1930
– 2002)” của UB MTTQVN TP HP do Nhà xuất bản Hải Phòng xuất bản năm 2002
là cuốn sách tổng hợp cụ thể, tỉ mỉ, chi tiết nhất quá trình hình thành, phát triển của
MTTQVN TP HP qua các giai đoạn: 1925 – 1945, 1945 – 1955, 5/1955 – 1964,

8


1965 – 1975, 1975 – 1985, 1986 – 2002, tương ứng với sáu chương sách. Qua việc

nghiên cứu cuốn sách này, tác giả luận văn có thêm kiến thức về MTTQVN TP HP
để triển khai thực hiện đề tài của mình.
Cuốn sách “Tìm hiểu một số tôn giáo ở Hải Phòng” của Ban Tôn giáo, Sở
Nội vụ HP do Nhà xuất bản Hải Phòng xuất bản năm 2016 là cuốn sách khái quát
quá trình du nhập và phát triển cũng như đặc điểm của bốn TG chính ở HP; giúp tác
giả luận văn có được những thông tin mới thống kê, điều tra về tình hình hoạt động
của các TG trên địa bàn TP HP, phục vụ cho việc nghiên cứu đề tài của mình.
Như vậy, từ việc tổng quan tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài, có thể
khẳng định lại một lần nữa, cho đến thời điểm tác giả luận văn tiến hành triển khai đề
tài của mình, chưa có một công trình nào được công bố nghiên cứu về MTTQVN trong
CTTG ở TP HP. Những công trình đi trước không chỉ cung cấp cơ sở lý luận, thực tiễn,
cơ sở phương pháp luận, nêu những vấn đề đặt ra để luận văn tham khảo mà còn giúp
cho tác giả luận văn nhận thấy những vấn đề đã được nghiên cứu, những vấn đề chưa
được nghiên cứu để từ đó xác định những nội dung luận văn cần tập trung làm rõ.

3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
3.1. Mục đích nghiên cứu
Trên cơ sở một số vấn đề lý luận về MTTQVN TP HP trong CTTG, luận văn
đi sâu phân tích, đánh giá thực trạng của MTTQVN TP HP trong CTTG hiện nay; từ
đó dự báo tình hình TG ở TP HP thời gian tới và đề xuất giải pháp nhằm nâng cao vị
trí, vai trò của MTTQVN TP HP trong CTTG.
3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
Để đạt được mục đích nêu trên, luận văn tập trung thực hiện các nhiệm vụ
sau:
Một là, trình bày một số vấn đề lý luận về MTTQVN TP HP trong CTTG;
Hai là, phân tích, đánh giá những kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế
của MTTQVN TP HP trong CTTG hiện nay;
Ba là, dự báo tình hình TG ở TP HP thời gian tới và đề xuất một số giải pháp
nhằm nâng cao vị trí, vai trò của MTTQVN TP HP trong CTTG.


9


4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
4.1. Đối tượng nghiên cứu
Luận văn nghiên cứu các hoạt động của MTTQVN TP HP với vai trò là chủ
thể trong CTTG ở TP HP.
4.2. Phạm vi nghiên cứu
Về nội dung: Trong khuôn khổ luận văn này, tác giả tập trung nghiên cứu,
trình bày về MTTQVN TP HP trong CTTG qua một số nội dung chủ yếu: vận động
TĐ các TG; vận động CS, NTH các TG; vận động các tổ chức giáo hội TG; chăm
lo, động viên, giúp đỡ các tổ chức xã hội của đồng bào các TG; phát huy dân chủ,
tham gia xây dựng, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật có liên quan đến
TG và CTTG, phản biện xã hội đối với dự thảo các chủ trương, đường lối, chính
sách, pháp luật về TG và CTTG.
Về không gian: Luận văn nghiên cứu về MTTQVN TP HP trong CTTG ở TP HP.

Về thời gian: Luận văn nghiên cứu các vấn đề nói trên từ năm 2014 – 2018.
Năm 2014 là năm bắt đầu nhiệm kỳ Đại hội MTTQVN TP HP khóa VIII. Những dự
báo tình hình TG ở TP HP trong luận văn được nhìn nhận đến năm 2025.
5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu
5.1. Cơ sở lý luận
Luận văn dựa trên quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin về TG;
Bên cạnh đó, luận văn dựa trên tư tưởng Hồ Chí Minh về TG, CTTG; đường
lối, chủ trương của ĐCSVN về vị trí, vai trò của MTTQVN; về TG, CTTG;
Luận văn dựa vào những quy định pháp luật của Nhà nước CHXHCNVN về
MTTQVN, về MTTQVN đối với CTTG; dựa vào chính sách, pháp luật có liên quan
đến TG, CTTG của Nhà nước CHXHCNVN.
Ngoài ra, luận văn còn kế thừa và phát huy những kết quả của các nhà nghiên
cứu đi trước về những nội dung liên quan đến đề tài.

5.2. Phương pháp nghiên cứu
Về phương pháp luận: luận văn sử dụng phương pháp luận của chủ nghĩa
duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử.

10


Về phương pháp nghiên cứu khoa học: luận văn sử dụng các phương pháp
sau:
Phương pháp logic và lịch sử: để tìm hiểu về lịch sử MTTQVN TP HP và nội
dung chủ yếu về MTTQVN TP HP trong CTTG;
Phương pháp thống kê: được sử dụng để tổng hợp số liệu cho việc triển khai
các nội dung liên quan đến đề tài nghiên cứu, như: thống kê tình hình các TG trên
địa bàn TP HP, thống kê số lượng đóng góp từ thiện của các tổ chức TG, thống kê số
lượng CS, NTH tham gia làm đại biểu dân cử, tham gia Ủy viên UB MTTQVN các
cấp của TP,...
Phương pháp phân tích, tổng hợp: được sử dụng nhằm đưa ra những nhận
xét, đánh giá về thực trạng MTTQVN TP HP trong CTTG;
Phương pháp phân tích – dự báo: được sử dụng nhằm dự báo tình hình hoạt
động và phát triển của các TG trên địa bàn TP HP thời gian tới, đồng thời đưa ra
một số giải pháp nhằm nâng cao vị trí, vai trò của MTTQVN TP HP trong CTTG;
Phương pháp tiếp cận chính trị học: để nghiên cứu MTTQVN TP HP với tư
cách là một bộ phận cấu thành của hệ thống chính trị ở TP HP;
Phương pháp tiếp cận văn hóa vùng: để tìm hiểu đặc điểm dân cư, tính cách
con người HP, góp phần đánh giá đúng về đời sống tâm linh của người dân nơi đây,
đồng thời nhận định chính xác về sự phát triển của các TG trên địa bàn TP HP.
6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn
Luận văn góp phần nghiên cứu làm rõ vị trí, vai trò, những ưu điểm, hạn chế
còn đang tồn tại của MTTQVN TP HP trong CTTG; góp phần làm rõ tình hình TG,
xu hướng vận động phát triển của TG ở TP HP trong thời gian tới.

Từ những kết quả đó, luận văn góp phần vào việc nghiên cứu lý luận và thực
tiễn làm cơ sở khoa học cho việc nâng cao vị trí, vai trò của MTTQVN TP HP nói
riêng và của MTTQVN nói chung trong CTTG.
Luận văn có thể dùng làm tài liệu tham khảo phục vụ cho hoạt động của cán bộ,
công chức làm CTTG của MTTQVN các cấp; phục vụ việc nghiên cứu, giảng dạy

11


tại các cơ sở giáo dục - đào tạo ngành chính trị học, tôn giáo học trên phạm vi cả
nước.
7. Kết cấu của luận văn
Luận văn bao gồm phần mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo, phụ lục và nội dung

chính:
Chương 1. Một số vấn đề lý luận về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố
Hải Phòng trong công tác tôn giáo
Chương 2. Thực trạng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hải Phòng
trong công tác tôn giáo hiện nay
Chương 3. Dự báo tình hình tôn giáo ở thành phố Hải Phòng thời gian tới và
giải pháp nhằm nâng cao vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố
Hải Phòng trong công tác tôn giáo

12


Chương 1
MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG TRONG CÔNG TÁC TÔN GIÁO
1.1. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hải Phòng

1.1.1. Vài nét giới thiệu về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hải
Phòng
Suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của DT, nhân dân HP đã bền
bỉ, kiên cường đấu tranh với thiên nhiên khắc nghiệt và giặc ngoại xâm hung hãn
cũng như bọn cường quyền áp bức, các thế lực thù địch, phản cách mạng để giữ gìn,
phát triển và tạo dựng nên truyền thống vẻ vang của TP mình.
Năm 1930, ĐCSVN ra đời đã đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử DT ta.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Đảng bộ TP, nhân dân HP đã phát huy cao
độ truyền thống yêu quê hương, đất nước thành chủ nghĩa anh hùng cách mạng, góp
phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng DT, thống nhất Tổ quốc và đang vững
bước cùng cả nước tiến lên trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, làm cho HP
ngày càng giàu đẹp, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Nhìn lại chiều dài lịch sử, quá trình hình thành và phát triển của MTTQVN
TP HP trải qua các giai đoạn lớn sau đây:
Giai đoạn 1925 – 1945: MT Dân tộc Thống nhất hình thành, phát triển trong phong
trào đấu tranh cách mạng; trong đó: 1925 – 1930: quá trình hình thành MT Dân tộc Thống
nhất trong cuộc vận động thành lập Đảng và các tổ chức quần chúng trên địa bàn TP; 1930
– 1935: Đảng bộ HP ra đời, phong trào đấu tranh cách mạng phát triển làm cơ sở cho sự
hình thành Đồng minh phản đế; 1936 – 1939: MT Dân chủ và cao trào cách mạng đòi tự do
– dân chủ, cơm áo – hòa bình của nhân dân TP; 1939 – 1945: MT Việt Minh và sự phát
triển mạnh mẽ các phong trào cách mạng của TP giai đoạn này.

Giai đoạn 1945 – 1955: MT mở rộng KĐĐK toàn dân, xây dựng chính
quyền dân chủ nhân dân vững mạnh, tiến hành thắng lợi cuộc kháng chiến trường
kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, giải phóng TP; trong đó: 1945 – 1946: MT mở
rộng KĐĐK toàn dân, động viên nhân dân TP xây dựng và bảo vệ chính quyền dân

13



chủ nhân dân, chuẩn bị kháng chiến; 1946 – 1954: MT mở rộng, củng cố KĐĐK
toàn dân, vận động nhân dân TP tiến hành cuộc kháng chiến, kiến quốc; 1954 –
1955: toàn dân đoàn kết đấu tranh tiến tới tiếp quản giải phóng TP.
Giai đoạn 5/1955 – 1964: thành lập MTTQVN TP, phát huy sức mạnh
KĐĐK toàn dân, khôi phục và phát triển kinh tế - văn hóa, xây dựng chủ nghĩa xã
hội; cụ thể: 5/1955 – 1957: MT đoàn kết nhân dân TP thực hiện công cuộc khôi
phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh; 1958 – 1960: MT vận động nhân dân
TP thực hiện chủ trương cải tạo xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế - xã hội; 1961 –
1964: MT TP đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, phấn
đấu hoàn thành kế hoạch 05 năm lần thứ nhất.
Giai đoạn 1965 – 1975: MT động viên toàn dân vừa sản xuất vừa chiến đấu,
hết lòng chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến, góp phần đấu tranh thống nhất
Tổ quốc; cụ thể: 1965 – 1968: MT động viên toàn dân vừa sản xuất vừa chiến đấu
chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ; 1968 – 1975: MT TP thực hiện di chúc
của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đánh thắng chiến tranh phá hoại lần hai, đẩy mạnh khôi
phục kinh tế, dốc sức chi viện chiến trường, giải phóng miền Nam.
Giai đoạn 1975 – 1985: kiện toàn tổ chức MT, tập hợp, động viên nhân dân
TP đoàn kết phấn đấu khắc phục khó khăn, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội;
trong đó: 1975 – 1980: kiện toàn tổ chức MT, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu
nước, yêu xã hội chủ nghĩa của các tầng lớp nhân dân TP; 1980 – 1985: MT động
viên nhân dân khắc phục khó khăn, phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống.
Giai đoạn 1986 – nay: đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MT, phát huy
sức mạnh đại đoàn kết toàn dân thực hiện đường lối đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa
của Đảng; cụ thể: 1986 – 1995: đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của MT, đưa
công tác MT lên ngang tầm nhiệm vụ cách mạng; 1995 – 2006: tiếp tục đổi mới công tác
MT, tăng cường KĐĐK toàn dân, góp phần tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện
đại hóa đất nước; 2007 – nay: đẩy mạnh đổi mới toàn diện tổ chức, hoạt động của MT TP,
nâng cao vai trò giám sát và phản biện xã hội của MT trước tình hình mới.

14



Kể từ khi thành lập đến nay, MTTQVN TP HP đã trải qua 13 kỳ Đại hội.
Khái quát về các kỳ Đại hội MTTQVN TP HP được trình bày tại Phụ lục 4.
1.1.2. Vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hải
Phòng Điều 9, Hiến pháp nước CHXHCNVN năm 2013 quy định:
“Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự
nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá
nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt
Nam định cư ở nước ngoài.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại
diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tập hợp, phát
huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận
xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động
đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” [30].
Theo đó, MTTQVN TP HP là cơ quan của MTTQVN được tổ chức tại địa
phương. MTTQVN TP HP là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của
Thành ủy HP, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh TP, Tổng Liên đoàn Lao
động TP, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP, Hội Nông dân TP, Hội Cựu chiến binh TP, các tổ
chức xã hội, tổ chức khác của TP, các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp
xã hội, DT, TG, người HP định cư ở nước ngoài,...
MTTQVN TP HP là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân TP HP; đại
diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân TP; tập hợp, phát
huy sức mạnh đoàn kết mọi tầng lớp, thành phần xã hội ở TP HP nói riêng và đại
đoàn kết toàn DT nói chung. Phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc là trách nhiệm
của cả hệ thống chính trị, là tình cảm và trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó có vai
trò rất quan trọng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam [41, tr.14-17]. MTTQVN TP HP
thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham
gia xây dựng Đảng bộ TP, chính quyền TP, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần
xây dựng một TP HP xứng đáng là đô thị loại một cấp quốc gia, một TP cảng biển

phát triển bậc nhất của cả nước, góp phần vào công

15


cuộc xây dựng một nước VN hoà bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh,
có vị trí xứng đáng trên trường quốc tế.
1.1.3. Tổ chức của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hải Phòng
Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của MTTQVN được quy định tại Điều 4,
Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 [31]. Theo đó, MTTQVN TP HP phải
đảm bảo tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc sau:
Thứ nhất, MTTQVN TP HP tổ chức và hoạt động trong khuôn khổ Hiến
pháp, pháp luật, Điều lệ MTTQVN và Điều lệ của mình.
Thứ hai, tổ chức và hoạt động của MTTQVN TP HP được thực hiện theo
nguyên tắc tự nguyện, hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động giữa
các thành viên.
Thứ ba, khi phối hợp và thống nhất hành động, các tổ chức thành viên của
MTTQVN TP HP tuân theo Điều lệ MTTQVN, Điều lệ MTTQVN TP HP, đồng thời
vẫn giữ tính độc lập của tổ chức mình.
Thứ tư, Thành ủy HP vừa là tổ chức thành viên, vừa lãnh đạo MTTQVN TP
HP.
Tổ chức của MTTQVN được quy định tại Điều 6, Luật Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam năm 2015 [31]. Theo quy định của Luật, MTTQVN TP HP được tổ chức
như sau:
MTTQVN TP HP là cơ quan của MTTQVN được tổ chức ở địa phương. UB
MTTQVN TP HP là cơ quan chấp hành giữa hai kỳ đại hội của MTTQVN TP HP,
có trách nhiệm tổ chức thực hiện nhiệm vụ của MTTQVN TP HP.
MTTQVN TP HP hiện nay bao gồm UB MTTQVN TP HP; UB MTTQVN
các quận, huyện, thị xã; UB MTTQVN các xã, phường, thị trấn của TP HP. Ở mỗi
cấp đều có BTT UB MTTQVN. Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn các cơ quan của

MTTQVN TP HP do Điều lệ MTTQVN, Điều lệ MTTQVN TP HP quy định.
MTTQVN cấp xã của TP HP thành lập Ban công tác MT ở thôn, làng, tổ dân phố,
khu phố, khối phố và cộng đồng dân cư khác. Tổ chức và hoạt động của Ban công
tác MT do Điều lệ MTTQVN, Điều lệ MTTQVN TP HP quy định.

16


Các cơ quan của MTTQVN TP HP được thể hiện qua sơ đồ tại Phụ lục 3.
1.1.4. Quyền, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hải
Phòng
Quyền và trách nhiệm của MTTQVN được quy định tại Điều 3, Luật Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 [31]. Theo đó, MTTQVN TP HP có quyền và
trách nhiệm:
Một là, tập hợp, xây dựng khối đoàn kết nhân dân TP HP nói riêng, KĐĐK
toàn DT nói chung, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội.
Hai là, tuyên truyền, vận động nhân dân trên địa bàn TP thực hiện quyền làm
chủ, thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Ba là, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân.
Bốn là, tham gia xây dựng Thành ủy, chính quyền TP, xây dựng Đảng, Nhà
nước.
Năm là, thực hiện giám sát và phản biện xã hội.
Sáu là, tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân TP để
phản ánh, kiến nghị với Thành ủy, chính quyền TP, với Đảng, Nhà nước.
Bảy là, thực hiện hoạt động đối ngoại nhân dân.
1.2. Tôn giáo và công tác tôn giáo
1.2.1. Khái niệm tôn giáo
Tôn giáo là một hiện tượng xã hội đặc biệt xuất hiện rất sớm trong lịch sử
nhân loại. Với tư cách là một thành tố cấu thành xã hội, tôn giáo đã, đang và sẽ có
những tác động không nhỏ đến con người và xã hội, góp phần tạo nên những sắc

thái đặc biệt cho đời sống nhân loại. Tôn giáo nảy sinh từ trong xã hội nguyên thủy.
Lịch sử tôn giáo không thể tách khỏi lịch sử xã hội loài người mà có quan hệ chặt
chẽ với các hình thái kinh tế - xã hội. Cùng với sự phát triển của các hình thức cộng
đồng và các mối quan hệ xã hội, tôn giáo cũng hoàn thiện và chặt chẽ dần. Tôn giáo
tồn tại và phát triển ở nhiều tộc người, ảnh hưởng cũng như chịu ảnh hưởng của
nhiều nền văn hóa và qua các giai đoạn lịch sử, nên đã hình thành các hình thức và
các kiểu tôn giáo khác nhau [23, tr.19].

17


Có rất nhiều cách nhìn nhận về nội hàm của khái niệm TG. Tùy thuộc vào
mục tiêu nghiên cứu, cách thức tiếp cận mà các học giả có định nghĩa khác nhau về
TG.
Thuật ngữ religion (tôn giáo) xuất phát từ gốc Latinh cổ (religo) có nghĩa là
“gắn bó”, hay “ép buộc”. Thuật ngữ religion thoạt tiên được sử dụng ở châu Âu để
chỉ một tôn giáo... sau đó thành khái niệm mang tính phổ quát để chỉ mọi tôn giáo
[48, tr.16-19]. Tôn giáo xét về ý nghĩa lý luận, nó là sự tưởng tượng, quan niệm, ý
nguyện, tình cảm của con người; mặt khác, xét về ý nghĩa thực tiễn, nó là cử chỉ,
hành vi, thao tác hoạt động của con người [23, tr.17]. TG còn được hiểu là sự phản
ánh mối quan hệ giữa con người với thần thánh; giữa thế giới vô hình với thế giới
hữu hình; giữa cái thiêng liêng với cái trần tục. Theo nghĩa rộng nhất, từ “tôn giáo”
có nghĩa là: “sự trung tín với tập hợp những niềm tin hay lời giảng dạy về những
điều huyền bí về sự sống sâu xa nhất và khó nhất” [17, tr.25].
Theo Từ điển tiếng Việt do Nhà xuất bản Khoa học xã hội ấn hành: “Tôn
giáo là một hình thái ý thức xã hội hình thành nhờ vào lòng tin và sự sùng bái
thượng đế, thần linh” [40, tr.239].
Khi bàn về TG, C.Mác khẳng định: “Sự nghèo nàn của tôn giáo vừa là biểu
hiện của sự nghèo nàn hiện thực, vừa là sự phản kháng chống sự nghèo nàn hiện
thực ấy. Tôn giáo là tiếng thở dài của chúng sinh bị áp bức, là trái tim của thế giới

không có trái tim, cũng giống như nó là tinh thần của những trật tự không có tinh
thần. Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân” [12, tr.570].
Như vậy, có nhiều cách lý giải khác nhau về TG, nhưng đều có những điểm
chung đó là: Tôn giáo là một hình thái ý thức xã hội được nảy sinh từ tồn tại xã hội,
là những quan niệm dựa trên cơ sở tin và sùng bái lực lượng siêu nhiên. Tôn giáo là
sự biểu hiện khát khao của con người vào một thế giới tốt đẹp, ở thế giới ấy không
có chiến tranh, đói khát, mọi người đều no ấm, hạnh phúc, bình đẳng [19, tr.9].
Ở đây, tác giả luận văn không đi sâu vào việc luận bàn khái niệm TG, mà chủ
yếu lựa chọn một định nghĩa thích hợp trên bình diện CTTG ở VN. Nhà nước
CHXHCNVN quản lý xã hội bằng pháp luật, luôn không ngừng tăng cường pháp

18


×