Tải bản đầy đủ (.doc) (23 trang)

Tiêu luận môn lịch sử lý luận báo chí việt nam

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (130.97 KB, 23 trang )

HỌC VIỆN BÁO CHÍ VÀ TUYÊN TRUYỀN

TIỂU LUẬN

MÔN LỊCH SỬ LÝ LUẬN BÁO CHÍ VIỆT NAM

Họ và tên:
Lớp:

Hà Nội tháng 11 năm 2009


PHẦN I: VẤN ĐỀ BLOG VÀ QUẢN LÝ BLOG
I. MỞ ĐẦU
Từ khi thế giới bước vào kỷ nguyên của công nghệ thông tin và tiến trình
toàn cầu hoá, chúng ta đã chứng kiến sự ra đời và phát triển mạnh mẽ của nhiều
loại hình truyền thông không chuyên nghiệp, đó là các diễn đàn, mạng xã hội
trên internet, và đặc biệt là blog. Sự phát triển mạnh mẽ và những tác động to
lớn đến xã hội, nhiều khi vượt qua cả các loại hình truyền thông truyền thống
như báo chí, đã đặt ra cho nhiều người câu hỏi: phải chăng đã xuất hiện một đối
thủ cạnh tranh với báo chí chính thống? Tiểu luận này là những tìm hiểu sơ lược
ban đầu về blog ở Việt Nam và những quan điểm về việc nhìn nhận và ứng xử
với blog, mong giải đáp một phần những phức tạp xung quanh hiện tượng này.
II. NỘI DUNG
1. Sơ lược về blog
1.1. Khái niệm blog
Khi mới xuất hiện, blog được hiểu phổ biến là nhật ký cá nhân viết trên
mạng internet. Khi nó đã phát triển rầm rộ và tác động rất lớn đến đời sống xã
hội, nhiều người đề nghị coi nó như một loại hình thông tin báo chí, và gọi nó là
hệ thống báo chí công dân.
Giới kỹ thuật gọi blog là "một thuật ngữ có nguồn gốc từ cặp từ "Web


Log" hay "weblog" dùng để chỉ một tập san cá nhân trực tuyến, một quyển nhật
ký dựa trên nền web hay một bản tin trực tuyến nhằm thông báo những sự kiện
xảy ra hàng ngày về một vấn đề gì đó.
Thông tư 07 của Bộ Thông tin và Truyền thông ngày 18 tháng 12 năm
2008 định nghĩa Blog như sau: Blog là "trang thông tin điện tử cá nhân được
dùng để thể hiện những thông tin mang tính chất cá nhân phục vụ nhu cầu lưu
trữ hoặc trao đổi, chia sẻ với một nhóm người hoặc với cộng đồng rộng rãi sử
dụng dịch vụ Internet. Trang thông tin điện tử cá nhân được chủ thể trang thông
tin điện tử cá nhân đăng ký khởi tạo trên internet."
1.2. Blog ở Việt nam


Ở Việt nam, vào khoảng năm 2004, blog bắt đầu xuất hiện và bùng nổ số
lượng một cách nhanh chóng. Cộng đồng cư dân mạng, mà đa phần là người trẻ
tuổi hưởng ứng blog một cách nhiệt tình hiếm có, không nhất thiết chỉ là những
người "văn hay chữ tốt", mà mọi đối tượng đều có thể coi blog như một hình
thức bày tỏ và giao tiếp mới của mình. Trào lưu blog lan đến những người lớn
tuổi hơn, những nhà văn, nhà báo, giáo viên... Những người nổi tiếng như ca sĩ,
diễn viên đều viết blog hoặc "bị" các fan hâm mộ của mình "nài ép" viết blog.
Năm 2007 là năm bùng nổ của blog với nhà cung cấp Yahoo!360, cũng là
năm những tác động tích cực cũng như tiêu cực của blog đến xã hội bắt đầu lộ
rõ. Blog "đen", "bẩn", blog bôi nhọ nói xấu cá nhân, blog tung những hình ảnh
vi phạm đời tư, blog nói xấu nhà nước Việt nam... đã trở thành những vụ việc
gây bức xúc trong xã hội, và cuộc tranh cãi về quyền tự do của người viết blog,
của cái gọi là "nhật ký cá nhân" với ý kiến nên có sự quản lý của nhà nước và
pháp luật đối với blog trở nên quyết liệt.
Năm 2008, blog lại càng thu được những thắng lợi về nội dung khi bắt
đầu có những blog qua mặt cả những tờ báo lớn về lượng người đọc, có những
blogger nổi tiếng kiếm được tiền nhờ quảng cáo. Nổi bật và chuyên nghiệp nhất
là Nokia khi tung ra phiên bản chính thức của một website. Họ chi hẳn hơn 5

triệu đồng cho các blogger với yêu cầu duy nhất: viết gì cũng được miễn là có
dẫn link ảnh, nhạc, video từ website của họ là được. Và sau đó là cách mà các
chương trình truyền thông dành cho các website, các sản phẩm mới cũng nương
theo mà làm tới với các blogger. Một cách khác để kiếm ra tiền của các blogger
là bán hàng. Họ biến blog của mình thành một gian hàng không bị tính thuế trên
mạng, để mời chào, bán đủ các loại sản phẩm, mà chủ yếu là quần áo thời trang,
giầy dép, túi xách... Năm 2008 cũng là năm mà Yahoo!360 mất vị trí độc tôn của
nhà cung cấp dịch vụ blog trên mạng, khi mà hàng loạt nhà cung cấp mới xuất
hiện. Ở Việt nam hiện này có khá nhiều nhà cung cấp dịch vụ, trong đó vẫn có
hai nhà cung cấp lớn nước ngoài là Yahoo và Google.


Cuối năm 2008, sau nhiều bàn thảo, Bộ Thông tin và Truyền thông đã
chính thức ra thông tư hướng dẫn thi hành hoạt động quản lý blog, các qui định
chung bắt buộc các blogger tuân thủ. Tuy nhiên, việc thực hiện được hay không
theo tinh thần thông tư này vẫn còn nhiều ý kiến tranh cãi. Bộ Thông tin và
Truyền thông dự định sẽ ban hành chế tài xử phạt đối với các vi phạm của các
blogger trong năm 2009.
2. Những tác động của blog đến đời sống xã hội
2.1. Tác động tích cực
2.1.1. Phương thức giao tiếp mới trong thế giới hiện đại
Sống trong thời đại công nghệ thông tin và internet ngày càng phổ biến,
cộng đồng cư dân mạng coi blog và forum như một phương thức giao tiếp mới
của mình. Không dễ gì trong đời sống mỗi ngày lại nhận được hàng trăm lời
thăm hỏi động viên hay chia sẻ cảm xúc, không dễ gì có thể tham gia bàn luận
về chủ đề mình yêu thích cho dù đang ở bất cứ đâu, nhưng qua blog thì lại hoàn
toàn có thể.
2.1.2. Nơi thể hiện cái tôi cá nhân đặc sắc
Đây là điểm thể hiện rõ nhất ở blog. Vốn được quan niệm là trang nhật ký
cá nhân, nên nó bộc lộ chân dung của người viết một cách sinh động nhất.

Người viết blog có nhu cầu mạnh mẽ về sự bày tỏ và chia sẻ, thể hiện những ý
kiến và cảm xúc của mình về mọi vấn đề. Bên cạnh đó, sức ép của việc muốn
gây chú ý lên cộng đồng mạng đã đẩy những blogger lên trong những nỗ lực
sáng tạo, khám phá sự độc đáo, tìm tòi trong tư duy. Đối với những người trẻ,
blog đã thực sự tạo ra một môi trường để hình thành thói quen suy nghĩ và phát
biểu chính kiến của bản thân trước mọi sự việc, mọi vấn đề trong đời sống.
Blog cho mỗi cá nhân một “tiếng nói” riêng trên web, mỗi người có thể
thu thập và chia sẻ những thông tin, lĩnh vực mà mình thấy hay, tâm đắc - bất kể
đó là những bình luận về chính trị, những công việc hằng ngày hoặc đơn giản
chỉ là liên kết tới các website mà mình thích, tổ chức các ý tưởng... Một số khác
sử dụng blog như một công cụ để gây ảnh hưởng, quảng bá hình ảnh của họ tới


đông đảo công chúng trên thế giới, ví dụ như các nghệ sĩ, các chính trị gia nổi
tiếng...
2.1.3. Cung cấp thông tin nhanh và sống động
Cho đến nay, không ai còn quan niệm blog là "trò vui thời thượng" của
giới trẻ thích du hành trên internet nữa. Blog đã chính thức trở thành một loại
hình truyền thông trong thế giới hiện đại. Một nghiên cứu mới công bố vừa qua
cho biết sức đọc blog tăng 300% trong vòng bốn năm, từ 2004-2008. Vào năm
2004, dường như người ta có xu hướng chỉ lướt blog mà chưa viết blog. Ngày
nay mỗi blog là một tờ báo nho nhỏ và với một số blog, mỗi ngày có thể cần
phải truy cập vài lần nếu không muốn để sót thông tin.
Cách viết blog cũng đã có những chiều hướng thay đổi. Không còn những
bài viết quá dài, thay vào đó là những bài viết ngắn kèm theo nhiều hình ảnh hay
video miêu tả các sự kiện đáng quan tâm. Có những blog xứng đáng được coi
như một tờ báo điện tử cá nhân. Cái tôi cá nhân từ chỗ được thể hiện bằng
những bài tự sự ở thời điểm trước, nay được thể hiện bằng mức độ cập nhật
thông tin về các sự kiện đang diễn ra xung quanh họ. Và dĩ nhiên ưu tiên hàng
đầu của “một tờ báo điện tử” là nhanh. Điều quan tâm hàng đầu của những

blogger là liệu những blogger khác hay thậm chí một số tờ báo đã đăng tải thông
tin hay quan điểm của họ về vấn đề nào chưa. Mỗi blogger đang trở thành một
nhà báo thực thụ với mức độ săn tin nhanh và nhanh hơn nữa.
Một hiện tượng đáng chú ý nữa là có rất nhiều nhà báo viết blog. Và có
rất nhiều nhà báo hàng ngày lướt blog để tìm kiếm nguồn tin. Thông tin trên
blog, có thể về tính chính xác thì còn nhiều vấn đề phải bàn, nhưng sự tươi mới,
sống động của nó thì đang là yếu tố hấp dẫn hàng đầu với người đọc.
2.1.4. Đề cao những giá trị nhân văn
Những trào lưu mạnh mẽ nhất trong cộng đồng blog là những trào lưu
mang đầy giá trị nhân văn. Vào năm 2007, blog Hoa Hướng Dương của cô gái
trẻ bị bệnh ung thư xương Vũ Thanh Thuý đã làm xúc động hàng triệu trái tim,
và khởi xướng một phong trào từ thiện giúp đỡ các bệnh nhi ung thư. Cô gái ấy


trong những ngày cuối cùng còn sống trên đời, vẫn lạc quan, vẫn đến thăm các
bệnh nhân ung thư nhỏ tuổi, vẫn viết blog kêu gọi mọi người hãy sống một cuộc
sống đầy ý nghĩa. Một blogger khác là Nguyễn Văn Tuấn trên trang
Quehuongfoundation.org đã tập hợp thông tin về các chương trình hoạt động
tình nguyện, từ thiện. Anh đã kêu gọi mọi người cùng thực hiện những chương
trình Tết nghèo, nối liền khoảng cách, nối vòng tay nâng khát khao..., trở thành
cầu nối giữa những tấm lòng nhân ái và những số phận bất hạnh. Khi vụ sập cầu
Cần Thơ còn làm mọi người bàng hoàng, đau xót, trong cộng đồng blog đã dấy
lên phong trào chia sẻ với các gia đình nạn nhân, và gửi lời nguyện cầu siêu
thoát cho những linh hồn bất hạnh... Còn rất nhiều những trào lưu đầy tính nhân
văn trong cộng đồng blog, ở đó những hành động lời nói tốt đẹp có sức lôi kéo
và lan truyền nhanh chóng, cho thấy một nét đẹp trong văn hoá ứng xử của con
người hiện đại.
2.1.5. Nơi xuất phát của nhiều tác phẩm văn chương giàu cảm xúc
Có rất nhiều tác phẩm văn học đã ra đời từ những trang blog. Tác giả có
thể có ý định sáng tác và tự xuất bản tác phẩm của mình trên mạng, và cũng có

thể không hề có ý định sáng tác, nhưng những điều vô tình viết ra lại mang giá
trị văn chương. Đó có thể là những áng văn giàu cảm xúc về một điều gì đó xảy
ra trong cuộc sống, có thể là sự chiêm nghiệm hay những suy tư độc đáo. Blog
Mr. Lee là của một chàng trai trẻ làm nghề kinh doanh, không phải người "văn
chương", nhưng mỗi entry đều được chào đón bởi những nó mô tả những trải
nghiệm sâu sắc của người viết. Cũng có trường hợp những tập truyện, hay cả
những cuốn tiểu thuyết ra đời từ blog. Trang Hạ là một blog có lượng truy cập
rất cao, và tập truyện "Những đống lửa trên vịnh Tây Tử" đã đưa cô lên hàng
nhà văn. Trần Thu Trang cũng vậy, theo cô tâm sự, cô bước vào nghiệp viết văn
từ những dòng cảm xúc cô viết trên blog. Hà Kin lúc đầu viết "Chuyện tình New
York" như những entry hồn nhiên, như lời tâm sự về một câu chuyện tình yêu
lãng mạn đã qua, giọng văn còn đầy chất ngôn ngữ mạng, nhưng lại thu hút một
số lượng lớn người theo dõi. Và "Chuyện tình New York" đã trở thành cuốn tiểu


thuyết bán chạy nhất năm 2008 khi tác giả xuất bản thành sách và đĩa ghi âm,
theo lời "xui giục" của bạn bè, bất chấp việc nhiều nhà văn kỳ cựu và có phần
bảo thủ đánh giá nó chỉ là "tiểu thuyết diễm tình ba xu". Những tác phẩm viết
trên blog, hay còn gọi là tác phẩm thuộc dòng văn học mạng, đã đem lại một sự
tươi mới trong đời sống văn học nghệ thuật thời gian gần đây, và không thể nói,
nó không có những giá trị nghệ thuật thực sự.
2.2. Tác động tiêu cực
2.2.1. Nhiều blog có nội dung tục tĩu và hình ảnh đồi truỵ
Người ta thường gọi đây là những blog "bẩn", bog "đen". Một số blogger
cố tình biến blog của mình thành nơi phát tán những nội dung khiêu dâm, kích
dục, phản văn hoá. Những blog này đã tác hại không nhỏ đến môi trường trên
mạng, làm vẩn đục tâm hồn của nhiều bạn trẻ, và làm các bậc phụ huynh lo lắng.
Một trào lưu cũng rất đáng lo ngại nữa là trào lưu "tự khoe thân", một số bạn trẻ
cả nam lẫn nữ tự chụp những bức ảnh hở hang đưa lên mạng để "khoe" cho vui.
Đáng chê trách là không phải chỉ có kẻ giấu mặt tung những hình ảnh bệnh hoạn

lên mạng, mà một số blog của các nhân vật nổi tiếng cũng đôi khi có những
entry mang nội dung tục tĩu tầm thường. Blog Cô gái Đồ long có nhiều bài viết
thuật lại những chuyến đi làm từ thiện, thăm các em nhỏ cơ nhỡ, nhưng cũng có
những bài viết dung tục, phản văn hoá mà có lẽ tác giả cho rằng "chỉ đùa một
chút cho vui". Với một blog có lượng người truy cập ngang hàng với một số tờ
báo mạng như blog Cô gái Đồ long thì điều này đã ảnh hưởng lớn đến môi
trường văn hoá trên mạng.
Có những forum bàn tán những chuyện tiêu cực, ảnh hưởng đến thuần
phong mỹ tục, đến đời sống chính trị, đời tư cá nhân...
2.2.2. Xâm phạm đời tư và xúc phạm danh dự cá nhân.
Nếu điều này báo chí chính thức không được phép làm, thì trên các blog
tình trạng này xảy ra tương đối phổ biến. Điển hình là vụ việc xảy ra năm 2008,
một cô học trò phổ thông trung học đã dùng điện thoại di động ghi hình các bạn


gái lớp mình thay quần áo trong phòng học để chuẩn bị dự lễ chào cờ, rồi sau đó
tung những hình ảnh nhạy cảm này lên blog, như một "cách ghi lại kỷ niệm tuổi
học trò". Clip này ngay lập tức được truyền đi với tốc độ chóng mặt trên mạng
gây bức xúc nghiêm trọng cho các nạn nhân bị ghi hình và trong đời sống xã
hội. Còn việc bới móc chuyện đời tư của các nhân vật nổi tiếng ra để châm chọc,
bàn tán không phải là hiếm, một ví dụ là "cuộc chiến" giữa các fan hâm mộ của
ca sĩ Mỹ Tâm và ca sĩ Hồ Quỳnh Hương. Suốt trong nhiều tháng, hai phe ra sức
moi móc, nói xấu thần tượng của nhau, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của hai ca
sĩ. Diễn viên, MC Đan Lê cũng trở thành nạn nhân khi bỗng dưng một clip sex
được cho là của Đan Lê xuất hiện, cùng với một số kẻ tự xưng là "bạn học" nói
xấu đủ điều. Năm 2008, vụ kiện nổi đình đám của ca sĩ Phương Thanh kiện nhà
báo Hương Trà, cũng bắt nguồn từ một entry trên blog Cô gái Đồ long của
Hương Trà, mà ca sĩ Phương Thanh cho rằng đã xúc phạm và bôi nhọ danh dự
cá nhân ca sĩ. Cũng có nhiều hình thức châm chọc cá nhân bằng cách nói phiếm
chỉ, không nói đích danh nhưng ai đọc cũng hiểu, chẳng hạn như blog Hoa hậu

Bồ Nông lập ra là để nói về Hoa hậu Việt nam 2008 Trần Thị Thuỳ Dung, blog
Chuyện Bản Dõn nói về nguyên tổng biên tập báo Tiền Phong Dương Xuân
Nam...
2.2.3. Phát tán những thông tin sai lệch, thậm chí phản động, chống
phá, bôi nhọ Đảng và Nhà nước.
Núp trong môi trường được cho phép ẩn danh như môi trường mạng, điều
này rất dễ dàng xảy ra. Nhiều blog lập ra như nhằm vào việc phát tán những
thông tin sai lệch, mà cộng đồng mạng hay gọi là "tin siêu nhảm", đánh vào tâm
lý tò mò của đám đông, và tác hại của nó cũng không phải là nhỏ. Một blog tự
gọi mình là "thông tấn xã Tắc Kè" chuyên đưa tin và bình luận những sự kiện
lớn trong đời sống xã hội với một lối bình phẩm lệch lạc, chỉ trích các cơ quan
nhà nước và pháp luật. Nhân vụ việc diễn viên Hoàng Thuỳ Linh bị phát tán clip
sex, blog này tự xưng là "chi bộ" họp và phân tích nguyên nhân, cùng với tổng
hợp từ nhiều "nhân vật đáng tin cậy" cho rằng đây là một âm mưu trong ngành


công an để giải quyết mâu thuẫn nội bộ... Những blog kiểu này gây tác hại lớn
cho xã hội vì những tin tức thất thiệt, phản động, bôi nhọ như trên. Thậm chí có
một blog được lập ra với sự mạo danh thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng để thông tin
những điều không có thật.
Một mối nguy hại khác nữa cho quốc gia là các blogger có thể vô tình tiết
lộ những bí mật liên quan đến an ninh xã hội và nhà nước. Ở Mỹ, trong chiến
tranh vùng vịnh, Lầu Năm Góc đã phải thành lập một nhóm giám sát chuyên
theo dõi các trang web cá nhân của lính Mỹ ở Iraq, vì có người đã đưa lên mạng
cả những thông tin nhạy cảm như sơ đồ bố trí quân sự tại căn cứ của mình, tình
hình thương vong, tâm trạng binh sĩ Mỹ tại chiến trường... Ở Việt nam, rất nhiều
blogger là nhà báo hay những công chức của cơ quan nhà nước, cơ quan quốc
phòng, những thông tin quan trọng cũng có thể bị lọt ra, mà xu hướng của nhiều
người viết blog lại muốn viết những điều mình không được nói rồi ngoài đời
thực hay báo chí chính thống.

2.2.4. Xâm phạm bản quyền và gây thiệt hại kinh tế
Việc các blogger xâm phạm bản quyền bằng cách dùng hình ảnh, nhạc,
sao chép sáng tác của người khác là chuyện phổ biến trong thế giới blog. Năm
2007, khi cuốn sách Harry Potter được nhà xuất bản Trẻ mua bản quyền dịch
sang tiếng Việt và xuất bản tại Việt nam, thì một nhóm bạn trẻ đã tự dịch và phát
tán bản dịch cuốn sách đó trước khi nhà xuất bản kịp dịch và phát hành. Vụ việc
rõ ràng là xâm phạm bản quyền của tác giả cuốn sách, và gây thiệt hại kinh tế
cho nhà xuất bản, nhưng họ cũng chẳng có cách nào đòi lại được. Những "gian
hàng" khá hoành tráng trên mạng đã giúp một số blogger kinh doanh khá thuận
lợi mà không mất bất cứ khoản tiền thuế nào, giá cả lại rất cạnh tranh với những
cửa hàng kinh doanh bình thường khác, chẳng hạn một trang sẵn sàng giảm giá
10% cho các mặt hàng so với giá tại các đại lý bình thường. Những sự việc như
thế đang đặt ra một bài toán phức tạp cho các nhà quản lý.
2.2.5. Làm biến thái ngôn ngữ tiếng Việt


Rất dễ dàng nhận thấy nguy cơ này trên các blog của người viết trẻ. Tự
cho mình là được tự do muốn viết gì thì viết, họ "chế biến" tiếng Việt theo đủ
kiểu, từ cách diễn đạt, đến cách nói trại âm, cố tình viết sai chính tả, đến việc
dùng ký hiệu qui ước khác thay cho chữ cái thông thường, khiến cả văn bản biến
thành một bảng mật mã. Trào lưu này mạnh đến nỗi ai không viết "bít" thay cho
"biết", "bùn cừi" thay cho "buồn cười", "thừn kin" thay cho "thần kinh" có thể bị
coi là không "thời thượng". Từ lối viết trên blog, thứ ngôn ngữ này bước ra cả
đời thường, chạy vào cả các bài kiểm tra trên lớp, thậm chí, nhảy cả lên mặt
những trang báo, tạp chí tuổi học trò. Nguy cơ làm lệch lạc, biến thái tiếng Việt
đã trở nên hiện hữu, ở chỗ một bộ phận người lớn tuổi không đọc nổi lớp con
cháu, học trò của họ viết cái gì trong blog. Các nhà ngôn ngữ đều cảm thấy lo
ngại về hiện tượng này.
2.2.6. Nguy cơ sa đà vào những cảm xúc và thẩm mỹ lệch lạc
Thống kê cho thấy một số lượng không ít người bỏ ra đến 3 giờ trở lên

trong mỗi ngày cho việc chăm chút blog. Họ chìm trong thế giới ảo đến quên cả
thế giới thật. Và đã xuất hiện những thị hiếu lệch lạc và kỳ quặc. Một nhà báo đã
nhận xét: "Một số không nhỏ các bạn ở tuổi xì tin, có chút “máu ăn chơi”, trai
thì tóc như Bi - Rain, gái thì trên cả Hàn Quốc. Khi chụp ảnh để post lên blog,
đa phần rặt một style giống nhau là mắt cô nào cũng trợn lên cho nó to tròn, và
miệng thì chu lại, hoặc dẩu ra cho có vẻ nhõng nhẽo ngây thơ. Lại có một số
theo trào lưu Emo (để cảm xúc lấn át mọi phương diện). Blog thể hiện mọi cảm
xúc ở tình trạng thái quá. Khóc, thì phải gào thét; sến, thì phải quằn quại chảy
vãi nước mắt; ăn mặc thì giới tính đã bị hòa trộn, nhìn đố biết là nam hay nữ;
bản lĩnh thì phải biết chửi bậy; sành điệu thì phải biết đủ thứ trong mọi lĩnh vực,
biết bình luận bình phẩm các show diễn như những người thực sự am hiểu cho
dù họ không hề xem". Những điều này thực sự đáng lo ngại nhìn từ phía góc độ
văn hoá.
III. Những vấn đề đặt ra và giải pháp quản lý blog


1. Những vấn đề đặt ra xung quanh việc quản lý blog
Blog đã phát triển với tốc độ nhanh tới mức không có một quốc gia nào có
phản ứng kịp thời. Các biện pháp hạn chế mặt trái của blog khi đưa ra bao giờ
cũng vấp phải những quan điểm trái chiều, và những bất cập, không khả thi khi
thực hiện.
Một số người bảo vệ quan điểm blog là một dạng nhật ký cá nhân phản
ứng dữ dội với khái niệm "quản lý" blog. Họ cho rằng điều đó xâm phạm quyền
tự do cá nhân, và vi phạm những điều khoản của những văn bản pháp luật bảo
hộ cho quyền tự do cá nhân đã ra đời trước đó. Mặc dù rõ ràng là có những tác
động tiêu cực, những hệ luỵ từ blog, nhưng nếu tính từ xuất phát điểm, thì blog
vốn dĩ ra đời với mục đích là nhật ký cá nhân. Có những ý kiến cực đoan như ý
kiến của một vị đạo diễn cho rằng, nếu blog - trang nhật ký cá nhân - mà cũng
quản lý thì cơ quan quản lý sống hộ luôn người dân.
Nhưng nhiều ý kiến khác, tỉnh táo hơn, cho rằng cần có biện pháp quản lý

phù hợp hay ít nhất cũng là đưa ra những qui tắc hành xử trong cộng đồng
blogger, để tạo ra môi trường lành mạnh cho blog.
Khi vấn đề được đưa ra thảo luận với các blogger, rất nhiều ý kiến của các
bạn trẻ đã cho rằng họ cần có một môi trường an toàn để thể hiện quyền tự do
của mình, tránh những trào lưu mang tính bột phát và thiếu kiểm soát. Tuy
nhiên, những qui định về quản lý nên có tính định hướng chứ không quá thắt
chặt, làm mất đi những tính chất tốt đẹp làm nên sức hấp dẫn của blog.
Năm 2007, vấn đề quản lý blog trở thành vấn đề nóng trong xã hội. Nói
về vấn đề này, tiến sĩ tâm lý học Nguyễn Hồi Loan (Đại học Khoa học xã hội và
Nhân văn) cho rằng:
"Blog, cũng như Internet nói chung là kết quả sự tiến bộ của khoa học,
công nghệ...Thế nhưng tất cả các tiến bộ, thành quả trong đời sống của con
người, để sử dụng đúng đều cần có văn hoá tương ứng với nó. Nhất là bản chất
Internet (hay cụ thể là blog) vốn không có cơ chế định danh người dùng, tính
"chịu trách nhiệm" không rõ ràng, càng đòi hỏi cao hơn về văn hoá sử dụng. Ở


Việt Nam, hiện nay có nhiều bất cập liên quan đến văn hoá sử dụng, nguyên do
có thể do chúng ta là một nước có xuất phát điểm thấp, trong thời điểm khoa
học công nghệ phát triển quá nhanh, sự thích nghi phát triển về văn hoá không
theo kịp, vì thế có hiện tượng thiếu hụt văn hoá sử dụng."
Cũng nói về vấn đề này, chánh thanh tra Bộ VHTT Vũ Xuân Thành phát
biểu: "Môi trường này khá nhạy cảm và có thể có ảnh hưởng lớn về mặt truyền
thông với nhiều người trong thời gian ngắn, phải có văn bản pháp luật chính
thống mới có thể kiểm soát được! Quan điểm của cá nhân tôi là: Blog phải
được quản lý bằng pháp luật, có những hình thức xử lý nghiêm minh, chẳng hạn
đối với các blog phản động, có thể truy cứu trách nhiệm hình sự!"
Tuy nhiên, quản lý blog như thế nào là một vấn đề nan giải. Quản lý một
blog mà danh tính của nó có thể thay đổi trong chớp mắt và những thông tin
hiển thị không thực sự chính xác thì đó là cách buộc cẳng chim trời. Hầu hết các

blog đều sử dụng dịch vụ của nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài, vì vậy việc quản
lý sẽ càng trở nên nan giải hơn. Việc truy tìm chủ nhân blog có thể được đối với
cơ quan an ninh mạng hay lực lượng cảnh sát mạng. Nhưng đó là việc làm mang
tính đối phó chứ không phải là cách làm mang tính chiến lược.
Sau thời gian nghiên cứu, cuối năm 2008, thông tư hướng dẫn một số nội
dung về hoạt động cung cấp thông tin trên trang thông tin điện tử cá nhân trong
Nghị định số 97/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 08 năm 2008 của Chính phủ về
quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet đã
được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố, tuy nhiên, như thứ trưởng Đỗ Quý
Doãn thừa nhận, "Thông tư sẽ hướng dẫn cho mọi người biết họ được hoạt động
trong khoảng nào, nên tránh những gì... chứ không ảo tưởng sẽ giải quyết được
hết các vấn đề của blog".
Thông tư 07 qui định có 5 hành vi bị cấm bao gồm:
1.Lợi dụng trang thông tin điện điện tử cá nhân để cung cấp, truyền đi
hoặc đặt đường liên kết trực tiếp đến những thông tin vi phạm các quy định tại


điều 6 Nghị định số 97 (Nghị định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ
Internet và thông tin điện tử trên Internet).
2.Tạo trang thông tin điện tử cá nhân giả mạo cá nhân, tổ chức khác; sử
dụng trái phép tài khoản trang thông tin điện tử cá nhân của cá nhân khác;
thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá
nhân.
3. Truyền bá các tác phẩm báo chí, tác phẩm văn học, nghệ thuật, xuất
bản phẩm vi phạm các quy định của pháp luật về báo chí, xuất bản.
4. Sử dụng những thông tin, hình ảnh của cá nhân mà vi phạm các quy
định tại Điều 31, Điều 38 Bộ luật dân sự.
5. Cung cấp thông tin trên trang thông tin điện tử cá nhân mà vi phạm
các quy định về sở hữu trí tuệ, về giao dịch thương mại điện tử và các quy định
khác của pháp luật có liên quan.

Sau khi thông tư 07 ra đời, có rất nhiều ý kiến cho rằng qui định thì
nghiêm khắc và tinh thần chung là đúng, nhưng khó khả thi.
Thứ nhất, về qui định không được đặt đường liên kết đến các thông tin vi
phạm, có vấn đề nảy sinh là rất khó cho người viết blog xác định trang thông tin
nào là vi phạm để mà tránh không đặt đường liên kết tới. Mỗi blog có tối đa 300
bạn bè, việc phải luôn để mắt xem chừng ấy blog có vi phạm gì không là một
điều khó ai làm được. Hơn nữa, chủ nhân blog cũng không quản lý nổi những
người ghé thăm để lại comment (lời nhắn). Nếu trong vài ngày không vào blog,
có ai đó đặt đường liên kết xấu vào blog của mình, thì chủ nhân sao kịp xoá bỏ,
bắt họ phải chịu trách nhiệm về điều đó thì thật là vô lý.
Trong trường hợp những blog lập ra không phải của một cá nhân mà của
tập thể cơ quan, lớp học... nếu xảy ra các trường hợp vi phạm do không bảo vệ
được mật khẩu, mật mã, thì trách nhiệm sẽ thuộc về ai?
Một điểm nữa là thông tư chưa đề cập đúng mức đến những nhà cung cấp
dịch vụ ở nước ngoài, trong khi đa phần người Việt nam sử dụng dịch vụ blog
do nhà Yahoo hoặc Google cung cấp. Điều này có phần "làm khó" cho những


nhà cung cấp dịch vụ nội địa mà chưa có chế định cụ thể với những nhà cung
cấp nước ngoài.
Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết chế tài xử phạt những hành vi vi
phạm sẽ được xây dựng sau, và những khúc mắc, chưa rõ ràng xung quanh việc
quản lý blog sẽ còn phải tiếp tục hoàn thiện trong thời gian tới.
2. Đề xuất về giải pháp quản lý blog
Trước khi bàn về việc quản lý blog, chúng ta nên nhìn nhận lại chính xác
blog là gì và sức mạnh của blog là do đâu.
Dù có rất nhiều ý kiến gọi blog là báo chí công dân, báo chí tự do, thậm
chí là "quyền lực thứ 5" trong xã hội hiện đại, thì chúng ta vẫn phải khẳng định
blog không phải là báo chí, nếu xét đến đặc trưng của báo chí. Báo chí là hoạt
động thông tin đại chúng, và là hoạt động chính trị - xã hội. Blog không phải là

hoạt động chính trị - xã hội, bởi vậy nó không thể được coi là một loại hình báo
chí. Tuy nhiên, ảnh hưởng của nó lại vượt cả các phương tiện truyền thông chính
thống như báo chí, bởi nó chứa đựng sức mạnh dư luận và cả ưu thế của sự lan
truyền trong môi trường internet. Cộng đồng mạng đang lớn mạnh từng ngày,
đến một lúc nào đó, có thể coi blog chính là dư luận xã hội. Nó mạnh hơn và
khó kiểm soát hơn dư luận xã hội thời chưa có internet, vì bất cứ cá nhân nào
cũng có khả năng tạo ra một luồng dư luận mạnh, miễn là người đó có những
phẩm chất cần thiết.
Việc kiểm soát dư luận xã hội trong thời đại có internet đòi hỏi các cơ
quan quản lý và các phương tiện thông tin chính thống (vốn được coi như một
phương tiện hữu hiệu trong việc định hướng dư luận) phải có bản lĩnh cao hơn
trước đó nhiều, và phải có tầm nhìn rông lớn hơn.
Trước hết, chúng ta nên bàn về quan điểm quản lý hoạt động thông tin. Có
lẽ đã đến lúc phải từ bỏ những suy nghĩ cũ, rằng thông tin nằm trong tay bộ máy
cầm quyền và hệ thống báo chí, việc thông tin cho người dân đến đâu, ở mức độ
nào, theo định hướng nào là hoàn toàn chủ động. Giờ đây mỗi người đều có khả


năng tiếp cận với rất nhiều nguồn tin, cả chính thống, cả không chính thống một
cách dễ dàng.
Cuộc sống hiện đại ngày nay đã phức tạp hơn rất nhiều và con người cũng
bắt đầu có những đổi thay để thích ứng. Giờ đây con người sống trong một
"biển" thông tin nhiều chiều và phải biết cách chọn lựa, phân loại chúng nếu
không muốn bị nhấn chìm. Nói cách khác, con người phải có bản lĩnh nhất định
để phân biệt đúng sai, có một "bộ lọc" để tránh xa những gì độc hại có thể ảnh
hưởng tới quan điểm, nhân cách của mình. Có nhiều không gian để tự do hơn,
cũng có nghĩa là phải biết tự bảo vệ mình tốt hơn.
Vì vậy mà "quản lý" không phải là sự thắt chặt, mà là sự định hướng, sự
dẫn dắt và phân luồng để mọi thứ đi vào trật tự, an toàn. Trong đó, nhà quản lý
cần biết dựa vào những yếu tố thuận lợi từ chính hoạt động của cộng đồng sử

dụng internet.
Bên cạnh những khó khăn, những nhà quản lý ở Việt nam vẫn có một
thuận lợi lớn là cộng đồng sử dụng blog ở Việt nam nói chung là một cộng đồng
chân chính, hướng thiện và không hoàn toàn thờ ơ vô trách nhiệm. Chính trong
cộng đồng blog cũng có sự phân biệt, tự miễn dịch với những blog xấu. Nếu biết
tận dụng thuận lợi này, việc quản lý, lập nên trật tự blog hoàn toàn có thể làm
được.
Nếu xác định nguyên nhân gốc của vấn đề là "văn hoá sử dụng" internet
còn chưa được hoàn thiện, chúng ta sẽ định hướng được những việc làm cụ thể
nhằm nâng cao nhận thức và ứng xử có văn hoá trong xã hội.
Việc phải làm trước tiên là cần xây dựng và đẩy mạnh những "qui ước văn
hoá" từ chính cộng đồng blogger. Từ sức mạnh cộng đồng, những blog có nội
dung không lành mạnh sẽ bị tẩy chay và chính từ sức mạnh đó môi trường blog
sẽ ổn định hơn. Cần tích cực tuyên truyền những blog tốt, những trào lưu tốt
bằng những cuộc thi, những cuộc bình chọn trên mạng. Những khuyến khích về
một cách sử dụng blog trong sáng, những gợi ý về đề tài, chủ đề tốt nên được


thường xuyên nhắc nhở trên trang chủ của các nhà quản lý cung cấp dịch vụ,
góp phần định hướng người dùng về mặt nội dung.
Một việc nên làm là vận động sự quan tâm của gia đình đối với việc sử
dụng máy tính và tham gia môi trường internet của con em họ. Một đứa trẻ được
giáo dục tốt bởi gia đình, trong bất cứ môi trường nào cũng sẽ thể hiện là người
có văn hoá. Vai trò của nhà trường cũng hết sức quan trọng trong việc đưa ra
những chỉ dẫn, lời khuyên, và giúp giới trẻ hình thành nhân cách cá nhân tốt
đẹp. Cái tốt nhiều lên thì cái xấu sẽ bị đẩy lùi. Thiết nghĩ, các cơ quan chức
trách có thể khuyến khích, tạo ra phong trào cho những hoạt động này, chứ
không chỉ là việc nghiên cứu những qui định, chế tài làm thế nào để hạn chế,
đóng cửa blog này, xử phạt blog nọ.
Bên cạnh đó, việc tăng cường nghiên cứu, tìm hiểu, tổng kết kinh nghiệm

và nâng cao năng lực nghiệp vụ quản lý trong môi trường mới mẻ như là
internet đóng một vai trò quan trọng. Có làm được như vậy, mới có thể cho ra
đời những qui định mang tính khả thi.
Sự đầu tư thích đáng cho hệ thống an ninh mạng, đội cảnh sát tuần tra trên
mạng cũng là một việc cần làm. Đội ngũ này đủ sức mạnh để phản ứng nhanh và
mạnh, mới trở thành cơ sở vững chắc đảm bảo cho những chế tài xử phạt khi ra
đời được thực thi hiệu quả trong thực tế.
Những hoạt động xúc tiến hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ internet
nước ngoài hoạt động ở Việt nam nên được triển khai, vì chỉ có thể quản lý các
mặt hoạt động trên internet có hiệu quả khi có sự hợp tác tích cực của nhà cung
cấp dịch vụ.
Các nước láng giềng như Trung Quốc, Singapore và nhiều nước khác trên
thế giới có sự đi trước về công nghệ thông tin sẽ là những bài học kinh nghiệm
cho chúng ta học hỏi, hoàn thiện hệ thống pháp lý của mình.
Ngoài ra, cần phải nhìn vào thế hệ trẻ, những chủ nhân thực sự của
internet nói chung và blog nói riêng. Cần có những diễn đàn để họ phát biểu
quan điểm của mình và "hiến kế" cho cơ quan chức năng trong quản lý một lĩnh


vực nhạy cảm và mới mẻ như blog. Có sự trợ giúp và ủng hộ tích cực của họ,
công việc của các nhà quản lý sẽ có nhiều dễ dàng thuận lợi trong bất cứ động
thái nào.
Và cuối cùng, cũng là điều cực kỳ quan trọng, là nâng cao sức mạnh của
truyền thông chính thống, đặc biệt là báo chí trong xã hội hiện đại. Một đất nước
mà hệ thống báo chí nhạt nhoà, thiếu bản sắc, người dân sẽ tìm kiếm thông tin
trên các phương tiện khác như blog. Nếu hệ thống báo chí mạnh mẽ, có uy tín,
có khả năng đáp ứng nhu cầu thông tin, cùng với sự phân tích bình luận xác
đáng, sẽ là luồng quan điểm mạnh có tính định hướng cao cho người nhận thông
tin.
III. KẾT LUẬN

Cần phải có nhiều nghiên cứu sâu hơn về blog, bởi vì người ta đã có thể
nhận thấy rằng, thế giới truyền thông có vẻ như đang thay đổi, dường như có sự
soán ngôi giữa các phương tiện truyền thông, sự thay đổi trong cách con người
tiếp cận với truyền thông, trong đó, không ai còn xem nhẹ tiềm năng của các
phương tiện truyền thông không chuyên nghiệp.


PHẦN II: LỊCH SỬ LÝ LUẬN VỀ CHỨC NĂNG BÁO CHÍ
I. Mở đầu:
Chức năng của báo chí là toàn bộ các trách nhiệm và nhiệm vụ mà nó
thực hiện trong đời sống xã hội. Nghiên cứu về chức năng của báo chí luôn luôn
là một phần quan trọng trong hệ thống lý luận cơ bản về báo chí. Lịch sử lý luận
báo chí Việt Nam đã có một quá trình phát triển trong nghiên cứu về chức năng
của báo chí. Lý luận về chức năng báo chí ngày càng hoàn thiện hơn, nếu trước
đây do điều kiện khách quan những người nghiên cứu chỉ mới nhấn mạnh đến
các chức năng xã hội của báo chí, thì gần đây, nhiều chức năng đã được thừa
nhận như chức năng thông tin, chức năng phản biện xã hội, chức năng giải trí...
Phần II của tiểu luận này xin được hệ thống lại lịch sử lý luận về chức năng của
báo chí ở Việt Nam.
II. Nội dung
1. Hệ thống 3 chức năng: Tuyên truyền, cổ động và tổ chức.
Khi nói đến chức năng của báo chí, Lênin có câu nói nổi tiếng: "Báo chí
là người tuyên truyền, cổ động và tổ chức tập thể", trong đó, Người phân tích,
tuyên truyền là nói nhiều ý cho ít người, nghĩa là những vấn đề lý luận cách
mạng được tuyên truyền cho những cán bộ nòng cốt của Đảng; còn cổ động là
nói ít ý cho nhiều người, đưa ra những khẩu hiệu hành động cụ thể để động viên
cổ vũ đông đảo quần chúng thực hiện. Bằng câu nói đó, Lênin đã tóm tắt toàn bộ
vai trò nhiệm vụ của báo chí thời kỳ phong trào công nhân đấu tranh với chủ
nghĩa tư bản và chủ nghĩa đế quốc, làm cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa và sau
đó là công cuộc bảo vệ nhà nước chủ nghĩa xã hội.

Báo chí Việt nam ra đời và đồng hành cùng với cuộc đấu tranh cách mạng
do Đảng Cộng sản lãnh đạo, giành độc lập cho dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã
hội. Trong suốt quá trình này, báo chí đã thực hiện những nhiệm vụ của cách
mạng, và lý luận báo chí Macxit cũng dần hình thành trên cơ sở đó. Báo chí


được xác định là vũ khí đấu tranh cách mạng, được đặt dưới sự lãnh đạo của
Đảng, sát cánh với phong trào công nhân. Ba chức năng tuyên truyền, cổ động
và tổ chức tập thể được nhấn mạnh trong giai đoạn này. Đến năm 1978, giáo
trình nghiệp vụ báo chí của trường Tuyên huấn Trung ương vẫn nêu ra ba chức
năng này, dựa theo ý kiến của Lênin về báo chí. Đây chính là mục đích, nhiệm
vụ, chức năng của báo chí trong giai đoạn đấu tranh giành chính quyền và tiến
hành hai cuộc chiến tranh vĩ đại bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nền độc lập dân tộc của
Đảng ta, nhân dân ta.
2. Hệ thống 3 nhóm chức năng: các chức năng tư tưởng, các chức
năng quản lý và các chức năng giải trí.
Khi kết thúc chiến tranh, đất nước bước vào thời kỳ hoà bình xây dựng
đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội, cũng có nghĩa là bước vào một mặt trận
mới cũng vô cùng phức tạp, gian nan, báo chí cũng phải thích ứng với thời kỳ
mới và những nhiệm vụ mới. Vai trò, trách nhiệm của báo chí cũng có những nét
mới so với thời kỳ trước đó.
Một mặt, bản thân sự tồn tại của báo chí trong từng thời kỳ lịch sử nhất
định cũng khẳng định những vai trò, chức năng của nó. Một mặt, hoạt động báo
chí là hoạt động có định hướng, có mục đích nhất định, vì thế, chức năng của
báo chí còn là các chức năng có mục đích, nhằm đạt được những mục tiêu đã
được định trước. Giáo trình giảng dạy nghiệp vụ báo chí cuối thế kỷ 20 hệ thống
3 nhóm chức năng: tư tưởng, quản lý xã hội và giải trí.
Trong giáo trình "Cơ sở lý luận Báo chí" do PGS.TS Tạ Ngọc Tấn chủ
biên, xuất bản lần đầu năm 1999, đã nêu lên ba nhóm chức năng:
- Các chức năng tư tưởng

- Các chức năng quản lý và giám sát xã hội
- Các chức năng khai sáng, giải trí
Giáo trình giảng dạy báo chí của Trường Đại học Quốc gia Hà nội do TS
Dương Xuân Sơn chủ biên, xuất bản năm 1995 nêu:
- Nhóm chức năng tư tưởng


- Nhóm chức năng quản lý của báo chí
- Chức năng phát triển văn hoá và giải trí của báo chí.
Trong cuốn Truyền thông đại chúng cũng của PGS.TS Tạ Ngọc Tấn, xuất
bản năm 2001, tác giả nêu: "chức năng tư tưởng; chức năng giám sát và quản lý;
chức năng văn hoá, ngoài ra còn có chức năng kinh doanh, giải trí, dịch vụ".
4. Vấn đề mở rộng, bổ sung các chức năng của báo chí trong giai đoạn
hiện nay: chức năng thông tin và chức năng phản biện xã hội.
Báo chí là một hoạt động thực tiễn, nó luôn luôn đổi mới và phát triển
cùng với sự phát triển của xã hội, thoả mãn những nhu cầu ngày một nâng cao
của xã hội. Vì vậy mà thừa nhận, xác định thêm, mở rộng những chức năng của
báo chí là việc phải làm trước mỗi giai đoạn phát triển mới.
Chúng ta đang bước vào thời đại bùng nổ thông tin trên phạm vi toàn cầu,
khoa học kỹ thuật phát triển nhanh chóng, nhu cầu còn người phong phú và đa
dạng lên gấp bội, bởi vậy mà những chức năng truyền thống của báo chí, mặc dù
vẫn còn nguyên giá trị, đã trở nên không còn đầy đủ và bao hàm mọi vai trò
trách nhiệm và mục đích của báo chí nữa. Ngoài hai hệ thống chức năng đã được
xác định trong những giáo trình khoa học chính thức ở trên, giới nghiên cứu và
những người lãnh đạo, quản lý báo chí, những người là báo chuyên nghiệp đã
xác định những chức năng không kém phần quan trọng của báo chí.
Trước hết là chức năng thông tin. Năm 1997, trong cuốn Nghĩ về nghề
báo, nhà báo Hữu Thọ đã viết: "Quá trình phát triển của sự nghiệp báo chí mà
đặc điểm là sự phát triển mạnh mẽ của kỹ thuật thông tin và nhu cầu về thông tin
rất cao thì chức năng "tuyên truyền, cổ động và tổ chức tập thể" tuy là mặt cơ

bản nhưng chưa bao hàm được toàn bộ vai trò của thông tin", và tác giả nhấn
mạnh: "Gần đây, Đảng ta đã tiến tới định hình chức năng của báo chí, đó là chức
năng thông tin, giáo dục và chỉ đạo". Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cũng đã
phát biểu trong Hội thảo toàn quốc Trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của
nhà báo" ngày 27/12/1998: "Thông tin là chức năng cơ bản của báo chí. Xã hội
càng phát triển thì nhu cầu thông tin càng cao, càng đa dạng, phong phú. Là nhà


báo chân chính, phải lựa chọn, xử lý thông tin nhanh chóng, trung thực, chính
xác, phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng của công chúng, đúng định hướng
chính trị của Đảng, tác động tích cực, có hiệu quả đến tiến bộ xã hội. Đó là sức
mạnh của báo chí, trách nhiệm xã hội của báo chí". Như vậy, chức năng thông
tin đã được chính thức xác định là chức năng cơ bản của báo chí.
Chức năng phản biện xã hội là chức năng mà một số nhà nghiên cứu bắt
đầu đặt ra, căn cứ vào hoạt động thực tiễn của báo chí. Trong quá trình thực hiện
nhiệm vụ của mình, các cơ quan trong bộ máy chính quyền không tránh khỏi
những việc làm sai lầm, những quyết định không hợp lòng dân, ảnh hưởng đến
lợi ích chung. Khi đó, báo chí với trách nhiệm công dân, thái độ phản biện
nghiêm túc trên tinh thần xây dựng, tập hợp được những ý kiến các chuyên gia
và người dân, sẽ là tiếng nói có trọng lượng để các cấp chính quyền xem xét, kịp
thời dừng lại, sửa chữa những việc làm sai, tránh gây hậu quả xấu.
Tháng 6 năm 2009, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn
Hợp đã phát biểu trên Vnexpress: " Báo chí từ chỗ thông tin cảnh báo, đến phác
hoạ được toàn cảnh tình hình, cung cấp những thông tin dữ liệu cho các cơ quan
tham mưu, hoạch định chính sách. Trong thời gian gần đây, báo chí đã thể hiện
bản lĩnh trong phản biện, trong tranh luận có lý lẽ, khoa học và giàu tinh thần
xây dựng. Có thể nói, báo chí đã đi từ báo chí đưa tin đến phản biện xã hội
phong phú, đa chiều và sâu sắc."
Không có phản biện sẽ không có phát triển, bất cứ lĩnh vực nào trong đời
sống từ chính trị, kinh tế, xã hội đều cần đến sự phản biện để điều chỉnh, loại bỏ

cái sai để tiếp tục phát triển đúng. Mọi chủ trương, chính sách, mọi chương
trình, kế hoạch không thể luôn luôn đúng. Nếu không thường xuyên bám sát
cuộc sống, nương theo sự vận động, biến đổi và phát triển của cuộc sống để kịp
thời điều chỉnh, sửa sai thì không thể tránh khỏi những thất bại. Những thông tin
phản hồi từ nhiều nguồn, chủ yếu ở dưới lên, sẽ là tiền đề không thay thế được
của sự điều chỉnh, sửa sai ấy. Báo chí với chức năng vốn có của mình sẽ phải đối
diện với công việc đầy thách thức này.


Tại buổi gặp gỡ nhân kỷ niệm 84 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt
Nam(21/6/1925 - 21/6/2009), ông Tô Huy Rứa, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư
Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã nhấn mạnh việc nhiều
phản biện của báo chí được Đảng, Nhà nước tiếp thu: "nhờ bám sát và nhạy cảm
trước thực tiễn, báo chí đã đề cập, phân tích, phản ánh tới Đảng, Nhà nước
những vấn đề cần quan tâm, nhất là các nhóm giải pháp chống suy giảm kinh tế
của Chính phủ. Nhiều ý kiến đã được Đảng, Nhà nước, các ngành, các cấp quan
tâm tiếp thu, điều chỉnh."
Để báo chí thực hiện tốt chức năng phản biện, thì cần thúc đẩy quá trình
dân chủ hoá xã hội, lấy đối thoại thay cho độc thoại. Mặt khác, cần trau dồi nâng
cao năng lực nghề nghiệp của mỗi nhà báo để tham gia đối thoại, hướng tới mục
tiêu là xây dựng sự thông nhất, đồng thuận trong xã hội thông qua đối thoại cởi
mở, thẳng thắn.
III. Kết luận
Báo chí Việt Nam đồng hành cùng cách mạng Việt Nam, cuộc cách mạng
ấy đi qua nhiều chặng đường, mỗi giai đoạn là những nhiệm vụ mới, nên việc
báo chí phát triển, mở rộng vai trò, chức năng của mình để hoàn thành những
mục tiêu đặt ra là điều tất yếu. Lịch sử lý luận về chức năng báo chí Việt Nam
cho ta thấy, ở giai đoạn nào, báo chí Việt Nam cũng giữ những vai trò và trọng
trách lớn lao, nhằm hướng tới một nhiệm vụ chung là phục vụ nhân dân và
những lợi ích chung của quốc gia, dân tộc và nhân loại.





×